Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:59:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm  (Đọc 152868 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #220 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2012, 04:20:50 pm »

Ngay ngày hôm sau, Nguyễn Huệ, Nguyễn Hữu Chỉnh và Võ Văn Nhậm lại đem thuyền chiến tiến lên phía Bắc đánh đồn Đồng Hới. Đồn này do Vị Thái hầu (không rõ tên) và Ninh Tốn chỉ huy. Ngay từ những loạt pháo đầu tiên, bọn này đã cho lính lủi hết vào trong rừng tìm đường chuồn ra Bắc.

  Trong thư gửi Blăng-din (Blandin) ngày 6-6-1787) (tài liệu đã dẫn), Đút-xanh viết: “Chỉ có quân đồn Đồng Hới là trốn thoát được mà không bị tiêu diệt. Thoạt đầu, họ bị các thuyền chiến tiến công, nhưng khi thấy không chống đỡ nổi, họ rút lui vào một khu rừng gần đó…”.

  Cũng theo Đút-xanh, quân ở Dinh Cát đã rủ nhau bỏ chạy ngay từ khi được tin Phú Xuân thất thủ. “Một thanh niên bị chém giữa người thoát được (từ Phú Xuân – T.G.) chạy kịp về Dinh Cát báo tin rằng các bạn anh đã chết hết và chỉ có thể thoát thân được nếu bỏ trốn. Được tin đó, tất cả các binh sĩ của Dinh Cát đã chạy trốn”.

  Lê quý kỷ sự (tr. 29) cho biết: “Sau khi Phú Xuân bị phá, các tướng giữ các đồn Cát Doanh, Động Hải (Đồng Hới – T.G.) cũng đều sợ bóng sợ gió mà tan vỡ cả”.


Như vậy, tính từ khi đánh đồn An Nông, chỉ trong vòng chưa đầy ba ngày, nghĩa quân đã làm chủ hoàn toàn Thuận Hóa. Chiến dịch mở đầu bằng cuộc xuất quân của Nguyễn Huệ ở Quy Nhơn, ngày 28 tháng tư âm lịch (tức ngày 25-5-1786), kết thức vào ngày 25 tháng năm âm lịch (tức 21-6-1786). Thời gian chiến dịch kéo dài gần một tháng, nhưng thực tế thời gian tổng công kích chỉ hơn một ngày. Thật là thần tốc. Đây là một chiến dịch tiến công phối hợp thủy bộ vào loại mẫu mực trong lịch sử nước ta. Tiến công có thủy bộ kết hợp là cách đánh gần như thành quy luật chỉ đạo tác chiến trong lịch sử nước ta. Nhưng trước đây, sự hỗ trợ của quân thủy chỉ dừng ở mức là phương tiện chuyển quân. Trong chiến tranh Trịnh – Nguyễn, có một đôi lần, khi quân Trịnh tiến công vào phòng tuyến sông Gianh, pháo thuyền đã hỗ trợ cho quân bộ như một bộ phận của sức mạnh tiến công. Song những lần đó, quân Trịnh đều không thành công. Trong chiến dịch Phú Xuân này, việc kết hợp thủy bộ trong hành quân cơ bản không có gì khác trước, quân thủy vẫn đồng thời là phương tiện vận chuyển một bộ phận bộ đội tham gia chiến dịch. Nhưng trong tiến công, sự tham gia của quân thủy mang hiệu quả khác trước rất nhiều. Nét mới này chính là nhờ những pháo thuyền mà có.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #221 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2012, 04:22:03 pm »

Trong chương trước, chúng ta đã thấy nghĩa quân Tây Sơn chú ý đặc biệt phát triển số lượng và chất lượng pháo thuyền. Số pháo thuyền tham gia chiến dịch Phú Xuân chính là những pháo thuyền đã lập kỳ tích Rạch Gầm – Xoài Mút năm trước, cũng là những pháo thuyền làm kinh hãi quân Trịnh ở cửa Luộc mấy tuần sau đây – những thuyền chiến trang bị pháo hạng nặng mà hình như trước đó quân Trịnh chưa từng thấy.

Trận Phú Xuân là trận công thành ít thấy trong lịch sử nước ta. Trận này, quân Tây Sơn phải đánh vào thành trì kiên cố, có sông hào bao bọc ngay sát chân thành, có hỏa lực mạnh trên mặt thành và những trận địa bộ binh bảo vệ phía ngoài tường thành. Thuyền chiến Tây Sơn chẳng những là phương tiện cho quân đổ bộ vượt sông, mà còn là những dàn pháo dã chiến cơ động, khống chế hỏa lực của địch trên mặt thành, đồng thời hỗ trợ cho quân bộ, bắn vào trận địa ngoài thành của chúng. Nhờ có hỏa lực mạnh, thuyền chiến Tây Sơn thực sự là một lực lượng tiến công có hiệu quả, góp phần quan trọng giảm bớt thương vong cho quân ta khi đổ bộ, đồng thời trực tiếp gây thương vong cho quân địch, tạo sức ép, khiến địch đầu hàng.

Việc kết hợp được quân thủy với quân bộ trong trận Phú Xuân đã tạo ra sức mạnh tổng hợp giúp quân Tây Sơn nhanh chóng chiếm thành. Sức mạnh đó được Lê quý kỷ sự (tr. 28) nhấn mạnh: “Đồn An Nông đã bị đánh phá. Quân bộ và quân thủy của “giặc” (chỉ Tây Sơn – T.G.) kết hợp được với nhau, bốn mặt ồ ạt xông đến”.

Lịch triều tạp kỷ (t. II, tr. 302) cũng có một đoạn mô tả rất sinh động sự kết hợp đó: “Quân thủy Tây Sơn tiến bức đến bến sông trước thành Phú Xuân… Bộ binh Tây Sơn đều xuống thuyền… Quân thủy Tây Sơn bắn thẳng vào thành, lại tung quân bộ ra bao vây cửa thành…”.

Ngoài trận Phú Xuân, trong cả chiến dịch, quân thủy Tây Sơn còn tham gia trận đánh đồn An Nông và lực lượng độc lập bức hàng đồn Đồng Hới. Ngay trong trận Phú Xuân, theo Lê quý kỷ sự và thư của Đút-xanh thì quân thủy đã có mặt và nổ súng uy hiếp thành ngay từ trước khi quân bộ kéo tới. Rõ ràng, quân thủy Tây Sơn giữ vai trò rất to lớn, góp phần làm nên thắng lợi của toàn chiến dịch.

Trong đà thắng lợi đó, nghĩa quân Tây Sơn đã thần tốc thực hiện một cuộc hành quân ra Bắc hoàn toàn bằng đường thủy, và với những trận đột kích đường thủy, với pháo thuyền, với đổ bộ bất ngờ, dũng mãnh, nghĩa quân Tây Sơn lại đạt tiếp một thắng lợi quân sự kỳ diệu: trong vòng mười ngày (thời gian tổng công kích chưa đầy ba ngày) đánh tan hoàn toàn quân Trịnh, chiếm được Thăng Long.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #222 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2012, 07:08:20 pm »

Chiến dịch tiến công Thăng Long

Chiến dịch đánh Thăng Long là một kế hoạch đột xuất của nghĩa quân Tây Sơn. Tuy nằm trong ý định thống nhất đất nước lâu dài và tất yếu của phong trào, nhưng rõ ràng kế hoạch đó nằm ngoài chương trình mà bộ chỉ huy Tây Sơn đã trao cho đội quân Nguyễn Huệ đi giải phóng Phú Xuân. Kế hoạch đột xuất đó chính là sự sáng tạo hết sức táo bạo, thông minh của bộ chỉ huy chiến dịch Phú Xuân. Ở đây sẽ không phân tích nhiều về nguyên nhân đã dẫn tới sáng tạo tuyệt vời ấy mà chỉ nhấn mạnh đến đặc điểm về lực lượng tham gia chiến dịch Thăng Long lần này.

Theo Đại Nam nhất thống chí, lực lượng đánh vào Thăng Long năm 1786 chỉ có khoảng hai vạn, với 1.400 thuyền chiến (!). Đây chính là lực lượng đã được Tây Sơn chuẩn bị để đánh Phú Xuân. Ngày 21-6, nghĩa quân kết thúc chiến dịch ở Thuận Hóa. Hai mươi ngày sau, tức ngày 11-7, Nguyễn Hữu Chỉnh đã chiếm Vị Hoàng. Một tuần sau đó, tức ngày 17-7, Nguyễn Huệ cũng đem đại quân tới (sau khi dừng ít ngày ở Nghệ An).

Đường hành quân từ Phú Xuân ra Vị Hoàng, theo lời kể của Đinh Văn Phục năm 1774, khi viên tướng này đưa đội thuyền lương từ cửa Đại An vào Thuận Hóa, mất khoảng mười ngày.

  Hành trình nói trên là từ Bắc vào, thuận gió mùa đông – bắc. Theo Thiên nam từ chi lộ dã thư thì nếu thuyền buồm đi tự do, không phụ thuộc vào đội hình hành quân, đoạn đường đó chỉ mất khoảng bốn ngày. Đội thuyền chiến của Tây Sơn, đặc biệt là thuyền tuyển phong (thuyền nhẹ, cơ động làm nhiệm vụ đột kích) của Nguyễn Hữu Chỉnh có thể đi nhanh hơn thuyền chở lương, nhưng không thể nhanh hơn thuyền đi tự do được. Đó là chưa kể dọc đường, Tây Sơn còn phải dừng ở Thanh, Nghệ.

Như vậy, sau những trận đánh ác liệt ở Thuận Hóa, nghĩa quân chỉ có khoảng mười ngày để nghỉ ngơi và bố trí lực lượng cho một chiến dịch mới xa hơn, quyết liệt hơn. Chắc hẳn Nguyễn Huệ không đủ thời gian tuyển thêm lính mới, cũng không thể dùng ngay lực lượng quân Trịnh đầu hàng ở vùng này. Duy có chiến thuyền và súng đạn thì có thể được bổ sung bằng chiến lợi phẩm mới thu được.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #223 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2012, 07:09:58 pm »

Một yêu cầu đặt ra cho chiến dịch là phải đánh thật nhanh, thật bất ngờ vào trung tâm đầu não của Trịnh ở Thăng Long để quân Trịnh không kịp huy động lực lượng đối phó. Trong điều kiện đường sá, phương tiện cơ động và bố trí lực lượng của quân Trịnh lúc đó, nghĩa quân đã chọn phương án hành quân tối ưu, đó là dùng toàn bộ quân thủy vượt biển, lợi dụng gió nồm nam đang thổi mạnh, bỏ qua những đồn lũy trong đất liền, đánh thẳng vào tuyến phòng thủ sông Hồng của Trịnh.

Trong tình hình bấy giờ, cuộc hành quân này chẳng những bất ngờ với cả Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn, mà càng bất ngờ với triều đình Lê – Trịnh ở Thăng Long. Bởi vì lúc đó khả năng chiến tranh giữa Tây Sơn với Bắc Hà chưa được đặt ra trực tiếp.

Theo binh chế của Trịnh bấy giờ, quân thường trực có khoảng 5 – 6 vạn. Khi có chiến tranh mới huy động binh dịch, nhưng nhanh nhất cũng phải nửa tháng mới sử dụng được. Do loạn kiêu binh vừa xảy ra, bấy giờ ngay cả quân thường trực cũng khó huy động. Khi nghe tin Tây Sơn đánh Thuận Hóa, chúa Trịnh điều động ngoại binh ở kinh đô cấp tốc vào phòng thủ Nghệ An, vậy mà hơn nửa tháng sau quân chưa đi quá Kim Động. Lối hành quân thần tốc của Nguyễn Huệ như vậy chẳng những tránh tổn thất vì vấp phải hệ thống đồn lũy dày đặc từ Nghệ An ra, mà còn đặt quân Trịnh trong cuộc giao chiến mà so sánh lực lượng không phải lệch về phía chúng nhiều lắm. Sử dụng quân thủy chính là bí quyết của lối hành quân đó.

Hầu như toàn bộ quân thủy đánh Thuận Hóa lại tiếp tục làm nòng cốt trong cuộc hành quân này. Các công trình nghiên cứu trước đây thường dẫn Hoàng Lê nhất thống chí để nói số lượng thuyền chiến Tây Sơn trong chiến dịch này có tới 1.400 chiếc (!). Con số này không phù hợp, vì nếu vậy mỗi thuyền chỉ chở có khoảng 15 người. Tài liệu của các giáo sĩ phương Tây chỉ nói đến một số liệu 400 chiếc.

Trong văn cảnh, có thể hiểu đó là số thuyền tuyển phong của Nguyễn Hữu Chỉnh, cũng có thể hiểu là của toàn bộ quân Tây Sơn. Theo chúng tôi, đây là số thuyền chiến của toàn bộ hai vạn quân Tây Sơn tham gia chiến dịch. Đó là những thuyền chiến có biên chế khoảng 50 người, ứng với biên chế phổ biến của thuyền chiến Trịnh, Nguyễn đương thời. Đương nhiên, trong đó có thể có một số ít thuyền chiến hạng lớn mà chúng ta sẽ thấy xuất hiện trong trận cửa Luộc.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #224 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2012, 07:14:26 pm »

Số thuyền nói trên được chia làm hai bộ phận: một bộ phận gồm những thuyền chiến nhanh, nhẹ, mệnh danh là thuyền tuyển phong do Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ huy, có nhiệm vụ tiên phong, đánh chiếm Vị Hoàng (tức Nam Định hiên nay). Vị Hoàng vừa là một vị trí chiến lược khống chế toàn bộ hạ lưu sông Hồng, vừa là kho lương thực vào loại lớn nhất Bắc Hà đương thời, với hàng trăm hộc thóc mới mua ở Gia Định ra. Bộ phận thứ hai, do Nguyễn Huệ chỉ huy, số lượng đông hơn, là lực lượng đột kích chủ yếu, cũng vượt biển tập kết ở Vị Hoàng, rồi nhanh chóng tổng công kích vào Thăng Long.

Khoảng đầu tháng 7, đội thuyền tuyển phong của Nguyễn Hữu Chỉnh lên đường. Đội thuyền này tạt vào Nghệ An, vùng Chỉnh có ảnh hưởng lớn. Nhiệm vụ của Chỉnh ở đây rõ ràng là để dọn chỗ đứng chân cho đại quân của Nguyễn Huệ. Thấy quân Chỉnh đến, các tướng cũ của Chỉnh nổi dậy, tướng trấn thủ Nghệ An là Bùi Thế Tụy đốt trại bỏ trốn.

Theo Lê quý kỷ sự (tr. 30), khi qua vùng biển Thanh Hóa, cũng như Nghệ An, Chỉnh cho đổ bộ một đơn vị “chừng vài trăm du binh” làm náo động vùng này, khiến tướng trấn thủ ở đây là Tạ Danh Thùy “sợ bóng sợ gió mà chạy trốn”. Còn toàn bộ thuyền chiến tuyển phong tiến vào cửa Liêu, tiến lên đánh chiếm Vị Hoàng.

  Theo Lịch triều tạp kỷ (t. II, tr. 306), Cửa Liêu là cửa sông Đáy hiện nay, nhưng thời này cửa biển lui vào sâu hơn 20 ki-lô-mét, ở khu vực xã Quần Liêu hiện nay.

  Đại Nam nhất thống chí (t. III, tr. 327) chép: “Cửa Liêu ở địa phương các xã Quần Liêu và Hải Lãng, huyện Đại An, rộng 145 trượng, thủy triều lên sâu trên dưới 7 thước, thủy triều xuống sâu 1 thước 3 tấc, là cửa biển trọng yếu của Bắc Kỳ. Theo sử, cửa biển này trước có tên là Đại Ác, Lý Thái Tôn đổi cho gọi là Đại An. Nhà Lê khi trung hưng đặt trấn sở, khi thuyền buôn đến đây, sai quan khám thực rồi mới cho vào cửa. Bản triều đời Gia Long, thuyền công chở vật hạng, tất theo đường này, sau vì cát bồi đắp, thuyền bè không thông”.

  Như vậy độ sâu chép ở trên là độ sâu đo sau này, khi cửa Liêu đã cạn. Cuối thể ký XVIII, đây vẫn là cửa biển lớn mà ngay cà tàu thuyền phương Tây cũng ra vào tiện lợi. Từ đây đi khoảng 10 ki-lô-mét nữa thì đến một ngã ba: nhánh phía tây là sông Đáy (đoạn này có tên là sông Non Nước), nhánh phía đông là sông Vị Hoàng (nay là sông Nam Định). Từ đây đi khoảng 25 ki-lô-mét đường sông nữa thì đến đồn Vị Hoàng, tức thành phố Nam Định hiện nay.

  Thư của Lơ Roa (Le Roy) ngày 6-10-1786, viết ở Kẻ Vĩnh (tức Ninh Bình) có đoạn: “có vài người lính Bắc Hà đã bắn vào quân Nam Hà, nhưng sau đó quân này vẫn giữ được đội ngũ, cho đến khi tới một thị trấn lớn tên là Vị Hoàng, nơi có một vựa thóc mới mang từ Nam Hà ra” (Arch, M.E. Tonkin 700, p. 1307, trong Sử địa, 9 – 10, tr. 227). Đoạn này đang nói về đạo quân của Nguyễn Hữu Chỉnh. Theo chúng tôi, rất có thể đó là một phản ứng nhỏ của quân Trịnh đang đóng ở cửa Liêu này.


Quân thủy Tây Sơn mấy năm qua lừng danh về những trận đánh ở Gia Định, lại mới làm khiếp đảm quân Trịnh ở Thuận Hóa, lúc này, với lối hành quân thần tốc và cách khuếch trương lực lượng, làm quân Trịnh vốn đang tan rã lại càng tan rã nhanh hơn. Khi mới nghe tin quân Chỉnh tiến vào cửa Liêu, tướng trấn giữ đồn Vị Hoàng đã bỏ đồn lũy cũng như kho tàng để thoát thân.

Sử sách chép về sự kiện này khá thống nhất, ở đây chỉ xin dẫn đoạn mô tả trong thư của giáo sĩ Xê-ra (Sérard) viết, gửi Bla-din (Bladin) ngày 31-7-1786, tức là 20 ngày sau khi thuyền chiến của Nguyễn Hữu Chỉnh đến Vị Hoàng: “Hạm đội này (đơn vị của Chỉnh – T.G.) căng buồm lướt tới bờ biển của tỉnh Xứ Nam (vùng Sơn Nam hạ, tức vùng biển Ninh Bình, Nam Định – T.G.) và tiến và con sông lớn dẫn tới kinh thành… Hạm đội đã đến Vị Hoàng vào một buổi sáng đẹp trời: đó là ngày 11-7-1786. Đơn vị đồn trú ở đây đã tìm lấy sự an toàn của mình bằng cách chạy trốn, bỏ lại cho quân thù những kho đầy lúa và tiền” (L. Cadière, Sách đã dẫn, tr. 10).
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #225 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2012, 07:17:39 pm »

Sau khi đội thuyền tuyển phong của Nguyễn Hữu Chỉnh lên đường khoảng một tuần, đại đội binh thuyền do Nguyễn Huệ chỉ huy cũng căng buồm ra Bắc. Đó là những thuyền chiến lớn, chở quân và các pháo thuyền mà sự hùng mạnh của nó đã để lại ấn tượng hết sức sâu sắc trong tâm trí các bô lão ven biển xứ Nghệ đương thời: “Khi quân Tây Sơn bơi thuyền vượt qua ngoài biển, sĩ phu và nhân dân Nghệ An lên núi trông ra, thấy cánh buồm và cờ xí rất nhiều”365.

Kế hoạch hành quân của Tây Sơn được sắp xếp rất chu đáo. Đại đội binh thuyền của Nguyễn Huệ chỉ xuất phát khi có hiệu lửa của Nguyễn Hữu Chỉnh báo tin đã chiếm được Vị Hoàng.

  Đốt lửa làm hiệu là hình thức thông tin thường thấy trong nghệ thuật quân sự cổ đại. Đó là hình thức đơn giản nhất và cũng nhanh nhất lúc bấy giờ. Chắc rằng khi tiến ra chiếm Vị Hoàng, những đơn vị du binh được Chỉnh cho đổ bộ lên bờ còn có thêm trách nhiệm chuẩn bị những “trạm” truyền tin này. Những đống củi lớn chất sẵn, được che đậy chống mưa và bảo vệ cẩn thận. Cả ngày lẫn đêm phải có người thường trực, không rời mắt về hướng Bắc, sẵn sàng châm lửa khi thấy khói lửa tức các trạm phía trước bốc lên. Các trạm lửa này thường bố trí gần bờ biển, nơi quang đãng, hoặc núi cao không bị che khuất.

Điểm tập kết đầu tiên của Nguyễn Huệ là cửa biển Kỳ Hoa, ở phía trên đèo Ngang (Hoành Sơn) một chút. Từ Phú Xuân tới đây, đường thủy mất khoảng bốn ngày. Tại đây quân Trịnh có đồn lớn khống chế đường bộ lẫn đường thủy. Nhưng cùng với trấn thủ Bùi Thế Toại, tướng sĩ đồn này cũng đã bỏ trốn từ khi Nguyễn Hữu Chỉnh tới đây. Thuyền chiến Nguyễn Huệ dừng lại đây khoảng một ngày, sau đó gấp rút tiến ra Bắc.

Nếu như Nguyễn Hữu Chỉnh chiếm Vị Hoàng ngày 11-7, thì có thể khoảng đêm 12, Nguyễn Huệ nhận được tin báo, vậy mà ngày 17-7, Nguyễn Huệ đã đến Vị Hoàng366.

Có hai khả năng xảy ra: hoặc là Nguyễn Huệ, khi nhận được hiệu lửa, đã ở Nghệ An rồi (Đoạn đường biển từ Kỳ Hoa đến Vị Hoàng, đi theo tốc độ hành quân bình thường cũng mất đúng khoảng năm ngày). Hoặc Nguyễn Huệ đã hành quân cả ngày lẫn đêm từ Phú Xuân (Bấy giờ cũng đang tuần trăng, nếu đi đêm, đoạn đường từ Phú Xuân đến Vị Hoàng cũng mất khoảng năm ngày).
----------------------------
365 Lịch triều tạp kỷ, t. II, tr. 308.

366 Thư của Xê-ra gửi Bla-din ngày 31-7-1786, tài liệu đã dẫn, tr. 11.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #226 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2012, 07:21:59 pm »

Thuyền chiến của Nguyễn Huệ đã đến Vị Hoàng trong không khí hết sức long trọng. Các giáo sĩ phương Tây có mặt ở Bắc Hà thời đó kể lại: “Ngày 17 tháng ấy, người em trai tổng chỉ huy của giặc Nhạc đã đến cùng bộ phận còn lại của hạm đội với vẻ lộng lẫy và cung cách của một ông vua”367 và “người ta thấy một thuyền chiến lớn của người em Nhạc (còn gọi là Đức Ông) long trọng tới. Dân chúng Bắc Hà dại khờ, từ khắp nơi chạy đến để xem các ông chúa và nghe nhạc của họ…”368.

Trong khi chờ đợi đại quân, Nguyễn Hữu Chỉnh đã cho xay giã một số thóc ở Vị Hoàng, chuẩn bị lương thực đầy đủ. Chính vì vậy cuộc hành quân ra Bắc lần này của Nguyễn Huệ càng mang tính chất tập kích bất ngờ, không phải mang theo một đội thuyền tải lương chậm chạp. Ngay một hôm sau khi đến Vị Hoàng, Nguyễn Huệ đã triển khai kế hoạch tổng công kích. Cũng trong thư Lơ Roa: “Đêm 18 rạng 19-7, chúng tôi nghe thấy tiếng súng đại bác nổ cả đêm. Đó là cuộc giao chiến giữa quân Bắc Hà và kẻ địch (tức Tây Sơn – T.G.) tại Hiến Nam”369.

Do lực lượng Tây Sơn toàn là quân thủy, nên hướng công kích bám theo trục đường thủy sông Hồng tới Thăng Long. Phòng tuyến của quân Trịnh chống lại Tây Sơn cũng căng ra trên trục đó. Trận đánh ở Hiến Nam chính là trận đánh lớn của Tây Sơn vào tuyến phòng thủ đầu tiên của quân Trịnh. Đây là một trong những trận công kích đường thủy tiêu biểu nhất trong lịch sử chiến tranh của nghĩa quân Tây Sơn.

Ngay từ khi nghe tin Nguyễn Hữu Chỉnh đến Vị Hoàng, chúa Trịnh đã điều 27 hiệu ngoại binh do Thái Đình hầu Trịnh Tự Quyền chỉ huy đến vùng Kim Động cùng với trấn thủ Sơn Nam là Trướng Trung hầu Đỗ Thế Dận lập một tuyến phòng thủ ở vùng này. Đội quân của Trịnh Tự Quyền chủ yếu là bộ binh, vốn đang định đưa vào đóng đồn ở Nghệ An đề phòng quân Tây Sơn theo đường bộ đánh ra, nhưng chưa kịp đi thì quân Tây Sơn đã đến Vị Hoàng. Quân Tây Sơn lại toàn quân thủy, nên chúa Trịnh vội điều ngay các đơn vị thuyền chiến tinh nhuệ nhất đang đối phó với “cướp biển” ở vùng Hải Dương về Kim Động tham gia, phòng chống Tây Sơn. Các đơn vị này (gồm các thuyền thuộc đội Tả Vệ, Hữu Vệ, Ngũ Hầu, Ngũ Thiện, Ngũ Trung…) đặt dưới quyền chỉ huy của Đinh Tích Nhưỡng.

Nhưỡng bấy giờ đang phụ trách toàn bộ quân thủy và các hoạt động thủy chiến của quân đội Trịnh. Lê quý kỷ sự (tr. 31) cho biết y sinh trưởng ở một vùng sông nước (vùng Kinh Môn hiện nay) “là danh tướng Hàm Giang, vốn nổi tiếng giỏi thủy chiến”. Như vậy gần như toàn bộ các đơn vị quân thủy, bộ thuộc ngoại binh Trịnh cùng với một số quân đồn trú ở Sơn Nam được huy động về tuyến phòng thủ này.
--------------------------------
367 Thư của Xê-ra gửi Bla-din ngày 31-7-1786, tài liệu đã dẫn, tr. 11.

368, 369 Thư của Le Roy viết tại Kẻ Vĩnh (tức Ninh Bình) ngay 6-10-1786, gửi cho Veren, trong Sử địa, 9-10, tr. 328. Hiến Nam tức là Phố Hiến, hiện ở huyện Kim Động (Hải Hưng) đương thời là thủ phủ của trấn Sơn Nam.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #227 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2012, 07:30:56 pm »

Từ Vị Hoàng lên Thăng Long, đường thủy tất phải qua cửa Luộc, chỗ gặp gỡ giữa sông Hồng và sông Luộc. Lịch sử thủy chiến của nước ta với quân Nguyên và nhất là với Chiêm Thành đã khẳng định vị trí quan trọng của ngã ba này trong hệ thống trục sông Hồng. Đây chính là cửa Hải Thị hay Hải Triều thời Trần. Từ thế kỷ XVI, ở khu vực “chợ biển” (Hải Thị) này mọc lên một trung tâm thương mại lớn vào loại nhất ở Bắc Hà. Đó là Phố Hiến. Đương thời có câu: “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, nhưng thực ra về mặt thương mại, đặc biệt là ngoại thương thì phải nói “thứ nhất Phố Hiến”, bởi lẽ các tàu thuyền nước ngoài vào buôn bán với Bắc Hà đều chỉ đến Phố Hiến thôi. Với vị trí kinh tế như vậy, Phố Hiến trở thành thủ phủ của trấn Sơn Nam – một trọng trấn của Bắc Hà. Giai đoạn đầu tổng công kích, Tây Sơn nắm vào thị trấn quan trọng này, nhằm mở tung cửa ngõ tiến vào Thăng Long, đồng thời tạo bàn đạp mới cho tổng công kích. Phòng thủ của quân Trịnh như vậy, vừa nhằm chặn cửa họng Thăng Long, vừa che đỡ bảo vệ Phố Hiến.

Toàn bộ quân thủy của Đinh Tích Nhưỡng dàn thành thế trận hình chữ nhất ở khu vực sông cửa Luộc (Lục Môn Giang); một số thuyền chiến được trang bị pháo hạng nặng mà sử thưởng chép cái tên “bảo lân”, “bảo long”.

Theo ghi chép về diễn biến trận đánh, ta có thể hình dung ra khúc sông mà thuyền chiến Trịnh dàn ra ở vào khoảng dưới Phố Hiến. Đây là đoạn cuối của sông Xích Đằng (cũng còn tên nữa là Lỗ Giang) là một khúc của sông Hồng đổ vào ngã ba Luộc, nên cũng còn tên gọi là sông cửa Luộc (Lục Môn Giang). Chắc hẳn Đinh Tích Nhưỡng cho dàn thuyền tựa lưng vào bãi bồi giữa sông, đoạn dưới Ngã Ba Luộc (chỗ này có tên xã là Phù Sa nên cũng gọi là sông Phù Sa).

Toàn bộ bộ binh đồn trú ở trấn Sơn Nam do Đỗ Thế Dận chỉ huy dàn hai bên bờ sông, cũng gần với trận thủy của Đinh Tích Nhưỡng, tạo thế ỷ dốc cho nhau và bảo vệ Phố Hiến370. 27 cơ đội ngoại binh của Trịnh Tự Quyền dàn trận ở “cửa Kim Động”, có thể hình dung là ở trên bãi Xích Đằng371.

  Bãi này rất lớn, nằm giữa sông, hiểm yếu không kém gì bãi Tự Nhiên. Hai đầu bãi chia nước sông làm hai dòng, tạo thành hai cửa quan như cửa Thiên Mạc và cửa Hàm Tử của bãi Tự Nhiên. Sử sách đôi khi nói đến cửa Xích Đằng (Xích Đằng quan), có thể là cửa quan nằm ở phía bắc bãi này. Cửa Kim Động (Kim Động quan) hẳn là cửa quan ở đầu phía nam của bãi này.

Lực lượng của Trịnh Tự Quyền cũng có một số thuyền chiến. Lê quý kỷ sự chép “Đại đội binh thuyền của Thái Đình hầu dàn trận ở Kim Động”.

Thế trận của quân Trịnh ở phòng tuyến này thể hiện rõ ý định bảo vệ Phố Hiến và chặn đường sông đến Thăng Long. Thế trận đó cũng tỏ rõ chủ trương tác chiến bị động của quân Trịnh, chống Tây Sơn bằng một đối trận mà những pháo thuyền là lực lượng nòng cốt của đối trận đó.

Trong thế trận này, quân Trịnh chia làm hai tuyến: tuyến trước gồm quân thủy của Đinh Tích Nhưỡng và quân bộ của Đỗ Thế Dận, tuyến sau là binh thuyền của Trịnh Tự Quyền.
--------------------------------
370 Lịch triều tạp kỷ, t. II, tr. 310 và Lê quý kỷ sự, tr. 32 đều chép quân Đỗ Thế Dận dàn trận ở hai bên bờ sông Phù Sa. Người dịch Lê quý kỷ sự cho rằng đó là khúc sông chảy qua làng Phù Sa, huyện Đông An, Hưng Yên cũ. Điều này không hợp lý với diễn biến trận đánh, vì khúc đó ở trên bãi Xích Đằng, không lẽ quân Tây Sơn sau khi đánh tan quân Đỗ Thế Dận ở đó rồi mới quay lại chiếm Phố Hiến.

371 Lịch triều hiến chương loại chí, t. II, tr. 80.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #228 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2012, 07:43:29 pm »

Trận đánh bắt đầu từ chập tối ngày 18-7-1786.

  Thư của Sérard ngay 31-7-1786 viết: “Ngày 18, hạm đội tiên phong (Tây Sơn – T.G.) đến Phố Hiến, hướng tới trận địa của quân chính phủ (quân Trịnh – T.G.). Vua của chúng tôi (chúa Trịnh – T.G.) đã huy động cả quân thủy lẫn bộ để chống lại chúng. Quân đội hai bên đánh nhau từ khoảng 6 giờ tối đến quá nửa đêm…” (trong Cadière, Tài liệu đã dẫn, tr. 11).

Từ Vị Hoàng đến trận địa quân Trịnh, theo đường sông dài khoảng 30 ki-lô-mét. Chọn thời điểm tiến công vào chập tối, Nguyễn Huệ đã tỏ rõ ý định chiến thuật của mình. Đó là việc xây dựng lối đánh nghi binh. Trận đánh có thể chia làm hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, lợi dụng trời tối, Nguyễn Huệ cho năm thuyền chiến lớn chở bù nhìn rơm, căng buồm xuôi gió tiến thẳng vào tầm pháo của trận thủy Trịnh, đại đội chiến thuyền tiến theo sau. Mục tiêu chiến thuật của giai đoạn này nhằm làm cho các pháo thuyền của Trịnh bắn hết sạch thuốc súng và đạn, tức làm làm cho nòng cốt của tuyến phòng thủ phía trước trở nên vô dụng.

  Lê quý kỷ sự (tr. 32) chép về chi tiết này khá rõ ràng: “Đêm đến, Huệ dùng năm chiếc thuyền không, thả ở lòng sông để bức bách tiền đội bên quan quân. Quan quân suốt đêm bắn loạn xa. Trước đó, dường như quân thủy tiên phong của Tây Sơn đã một lần xông vào trận địa Trịnh, khi đó Nhưỡng dàn trận chữ nhất và dùng súng bảo lân “đánh lui” Tây Sơn.

Giai đoạn sau của cuộc tiến công bắt đầu vào khoảng nửa đêm về sáng ngày 19-7. Lúc này, hỏa lực quân Trịnh đã yếu. Thuyền chiến và thuyền chở quân Tây Sơn nhất loạt đánh vào trận địa quân Trịnh, cả trên bờ lẫn dưới sông. Trong khi pháo thuyền Tây Sơn khống chế pháo thuyền Trịnh thì một bộ phận lớn quân Tây Sơn, dưới sự yểm hộ của pháo hạng nặng trên thuyền, bất ngờ đổ bộ vào trận địa của quân Sơn Nam do Đỗ Thế Dận chỉ huy, làm tan rã nhanh chóng chỗ dựa trên bờ của quân thủy Trịnh.

  Lê quý kỷ sự (tr. 32) chép: “Mờ sáng hôm sau, đại đội thuyền biển của giặc Huệ tiến đến, hỏa pháo đồng thời cùng nổ, tiếng vang chuyển động cả trời đất. Huệ lại cho toán quân khinh binh đổ bộ, xông thẳng vào chỗ quân Trướng Trung hầu, quân Trướng Trung hầu hoảng sợ tan vỡ”.

  Lịch triều tạp kỷ (t. II, tr. 310, 311) chép cụ thể hơn: “… Nhưỡng lại sai bắn, thuyền Tây Sơn đều rút vào trong bến (giạt sang hai bên – bờ - T.G.). Sau khi Nhưỡng sai bắn thêm ba phát đại bác nữa, vừa dứt, thì quân Tây Sơn liền nổ một phát đại pháo, tiếng to như tiếng sấm, đạn bay qua cây cổ thụ, tiện làm hai đoạn. Quân Tây Sơn bỏ thuyền đổ bộ. Bộ binh Trướng Trung Hầu sợ hãi, tan vỡ chạy trốn hết…”.


Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #229 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2012, 07:45:54 pm »

Ở dưới sông, thuyền chiến Tây Sơn bám theo những thuyền chở bù nhìn đi trước, cũng bất ngờ nổ súng đánh thẳng vào trận thủy của Đinh Tích Nhưỡng. Quân thủy Nhưỡng, đạn hết, sức kiệt, lại đang hoảng sợ vì chỗ dựa trên bờ bị tiến công đều bỏ thuyền trốn chạy.

  Lịch triều tạp kỷ t. II, tr. 30, 311) chép: “Quân Nhưỡng vội vứt cung và lấy súng ra nhằm bắn quân Tây Sơn; tên đạn như mưa. Thế mà trên thuyền Tây Sơn, những người bơi chèo, giữ lái hoặc cầm kích, cầm giáo đều không động đậy gì cả, chỉ thấy các thuyền cứ sừng sững tiến lên. Nhưỡng càng dốc tên đạn và thuốc súng, đốc thúc các quân đánh mạnh. Thuyền Tây Sơn chỉ đắm có một chiếc, còn các thuyền khác không hề lui chút nào. Khi thuyền đến hơi gần, Nhưỡng sai người nhìn xem thì té ra người trong thuyền đều là người nộm, bấy giờ mới biết là mắc mưu, nhưng thuốc đạn đã hết kiệt rồi, không còn biết làm sao được nữa! Binh Tây Sơn từ phía sau, đánh trống reo hò tiến lên không biết bao nhiêu mà kể. Thấy thế liệu không địch nổi, Nhưỡng vội quay thuyền về, lên bờ chạy trốn”.

Trận đánh diễn ra trong vòng một đêm. Theo Lê quý kỷ sự (tr. 32), bộ phận chủ lực của Trịnh do Trịnh Tự Quyền chỉ huy chẳng những không dám đến ứng cứu mà “không đợi đánh cũng tự tan vỡ trước”. Như vậy, chỉ một trận đánh, cả hai tuyến phòng thủ trước, sau của chủ lực Trịnh đều tan vỡ nhanh chóng.

  Lơ Roa đêm đó “nghe tiếng súng đại bác nổ cả đêm” đã kể lại trong bức thư ngày 6-10-1786 (tài liệu đã dẫn, tr. 228): “Trấn thủ cũ của chúng tôi (tức Đỗ Thế Dận – T.G.) cùng vệ binh và con ông hết sức chống cự lại họ (Tây Sơn – T.G.) nhưng vì sợ hãi xâm chiếm, binh lính bỏ trốn một cách hèn nhát và sau khi thiệt hại 200 người, quân Bắc Hà không dám đụng độ với địch nữa. Quân (Tây Sơn – T.G.) nhân lúc đang thắng thế, tiến thẳng ra kinh đô và ngày 20-7 vào đó không gặp sự kháng cự nào”.
Logged

Ùi, úi, ui....
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM