Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 06:53:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm  (Đọc 153104 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #190 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2012, 01:57:19 pm »

Thống kê cách gọi tên thuyền bè dùng trong quân sự từ thời Trịnh, Nguyễn và trước đó chưa hề thấy nói đến loại thuyền nào như vậy. Trong những trường hợp cụ thể, thuyền đại hiệu được chép rất rõ ràng, tách khỏi các loại thuyền chiến khác và lớn hơn chúng nhiều lần. Tài liệu Pháp dùng hai từ vaisseaugalère để phân biệt loại thuyền lớn trang bị nhiều dàn pháo với loại thuyền chiến truyền thống trong quân thủy Trịnh, Nguyễn. Khi chép về trận Thị Nại (1801, Đại Nam thực lục, Hoàng Lê nhất thống chí đều cho ta một hình ảnh hai (hoặc ba) chiếc tàu đại hiệu với hàng trăm thuyền chiến bám vây xung quanh (trong Đại Nam thực lục t. II, tr. 378, từ thuyền chiến được dùng tương đối có ý thức để chỉ loại thuyền chiến phổ biến của Trịnh, Nguyễn trước kia, tức loại thuyền có trang bị từ một đến ba khẩu pháo ở mũi thuyền, tương ứng với galère trong các văn bản châu Âu). Hoàng Lê nhất thống chí (tr. 403) mô tả thuyền đại hiệu như một pháo đài di động, trên “lập chòi gác, đặt súng lớn”. Nếu tiến hành so sánh tỉ mỉ, ta sẽ thấy sử gia Nguyễn dùng chữ đại hiệu thuyền để chỉ cả những chiến hạm đóng theo kiểu phương Tây trong quân thủy Nguyễn Ánh. Những thuyền lớn như vậy đều có tên riêng như thuyền Long phi, thuyền Ưng, Phụng (Phượng) trong quân thủy Nguyễn Ánh (do Se-nhô (Chaigneua), Đờ Phoóc-xăng (De Forrcans) và Van-ni-ê (Vannier) chỉ huy) hoặc thuyền Định Quốc trong quân thủy Tây Sơn.

  Các tên này thường khác với tên gọi các đơn vị thuyền thời Trịnh, Nguyễn (Như thuyền Kiệu Nhất, thuyền Tả Súng), đó không phải tên thuyền mà là tên đơn vị.

Có lẽ vì vậy mà có tên là thuyền đại hiệu, hoặc thuyền hiệu tức thuyền lớn có tên. Những thuyền chiến loại lớn thường gọi là đại chiến thuyền thực ra cũng như thuyền chiến, chỉ khác chút ít về kích thước, trang bị. Riêng thuyền đại hiệu thì ngoại cỡ và là hiện tượng đột xuất trong lịch sử thuyền chiến nước ta.

Thuyền “đại hiệu” của Tây Sơn như thế nào, hiện chỉ có thể hình dung thông qua việc so sánh gián tiếp với các thông số kỹ thuật đương thời, dựa trên vài thông số và Ba-ri-dy đã chép lại trong một lá thư. Thực ra, những thông số đó có thể đã được “châu Âu hóa” cho người xem thư dễ hình dung, hơn nữa có thể bịa đặt, nhằm tăng thêm chiến công của đội quân Nguyễn Ánh mà hắn đang làm cố vẫn. Tuy nhiên, nếu đặt trong tình hình tư luệ chung và đối chiếu với lực lượng hải quân Nguyễn Ánh lúc đó cũng như Minh Mạng sau này, được ghi chép mang tính chất tình báo của các phái bộ Anh, như Giôn Crao-phớt (Jhon Crawfurd), thì vẫn có thể nhận thấy một số điểm hợp lý trong các thông số đó334.
-------------------------------
334 Barizy từng là một thiếu tá trong hải quân Pháp, rất thạo về trang bị, biên chế trên các hạm đội châu Âu. Qua các thư khác của y, có thể thấy y không khách quan lắm.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #191 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2012, 02:03:06 pm »

Se-nhô đã kể về những chiến hạm trang bị 50, 60 súng với vẻ đầy kinh ngạc. Tên thuyền trưởng người Pháp này từng chỉ huy chiếc tàu kiểu Âu lớn nhất (32 pháo) trong quân thủy Nguyễn Ánh lúc đó. Y trực tiếp tham gia trận Thị Nại 1801. Trước đó, y đã nhiều lần đụng độ trên biển với quân thủy Tây Sơn, nhưng mới chỉ là bộ phận do Nguyễn Nhạc chỉ huy. Đây là lần đầu tiên giáp mặt với quân thủy Nguyễn Quang Toản – người thừa kế của Nguyễn Huệ.

Ba-ri-dy kể về những chiến hạm đó chi tiết hơn: có ba loại tàu trang bị nhiều pháo (vaisseaux), loại lớn nhất có 66 pháo cỡ 24 livres và 700 lính; loại thứ hai có 50 pháo cỡ 24 livres và 500 lính, loại thứ ba có 16 pháo cỡ 12 livres và 200 lính. Số pháo, cỡ pháo và số lính trên các chiến hạm đó hoàn toàn tương xứng với các hạng chiến hạm đang phổ biến ơ châu Âu đương thời. Theo bảng phân hạng chiến hạm châu Âu thời này thì loại chiến hạm lớn nhất nói trên tương ứng với loại tàu hạng hai, có lượng dãn nước khoảng 900 tấn, có hai tầng pháo. Loại 50 pháo tương ứng tàu hạng ba, có lượng dãn nước khoảng 600 tấn, hai tầng pháo. Loại 16 pháo tương ứng tàu hạng năm hoặc sáu, lượng dãn nước khoảng 200 tấn, một tầng pháo.


Một loại chiến thuyền của Tây Sơn

Những chiến hạm trên vượt xa các chiến hạm mà Pháp, Bồ Đào Nha đã cung cấp cho Nguyễn Ánh, cũng như do Nguyễn Ánh bắt chước đóng theo335. Với những chiến hạm này, dù đóng theo kiểu Âu hay theo kỹ thuật truyền thống, Tây Sơn đã tạo ra một bước nhảy vọt trong lịch sử thuyền chiến nước ta.
----------------------------------
335 Trong thời kỳ này, chiến hạm mang nhiều pháo nhất của Nguyễn Ánh chỉ có tới 42 khẩu. Trong toàn bộ lịch sử hải quân Nhà Nguyễn sau đó, cho đến khi hàng Pháp năm 1858, cũng chỉ có những chiến hạm trang bị cao nhất là 42 khẩu pháo.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #192 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2012, 07:09:16 pm »

Song song với việc tăng số lượng và chất lượng thuyền, Tây Sơn đặc biệt chú trọng thực hiện các biện pháp để tăng cường sức chiến đấu của thuyền chiến nói riêng và toàn bộ quân thủy nói chung. Nổi nhất trong các biện pháp đó là việc tăng hỏa lực thuyền chiến.

Tăng số lượng và chất lượng pháo cho các thuyền chiến lúc bấy giờ đang là khuynh hướng chung của hải quân toàn thế giới. Điều này được Tây Sơn nhận thức hết sức sâu sắc. Một trong những nét nổi bật nhất của nghệ thuật quân sự Tây Sơn là phát huy tới mức cao nhất sức mạnh hỏa khí. Trước khi có điều kiện đóng những chiến hạm đại hiệu, nghĩa quân Tây Sơn tìm cách đưa lên thuyền những cỗ pháo hạng nặng từng làm khiếp đảm quân Trịnh ở cửa Luộc năm 1786. Lính trên thuyền, ngoài súng tay và các loại bạch khí khác như trước đây, ngay từ những năm 1776 – 1785, đã được trang bị phổ biến hỏa hổhỏa cầu.

  Hỏa hổ là một loại vũ khí hình ống. Theo lời Kiêm Trai trong Hổ trướng khu cơ (tr. 320) thì hỏa hổ chính là hỏa tiễn, “vì lửa cháy dữ dội, nên gọi là hỏa hổ”. Sử sách Nguyễn thường gọi hỏa hổhỏa phún đồng. Theo Binh thư yếu lược (tr. 79), bài thuốc súng và cách chế rất giống nhau: dùng một cái ống (bằng sắt hoặc tre, gỗ) dài khoảng 25 cm, nạp thuốc thành nhiều nấc. Nấc đầu tiên là liều thuốc bắn, giã nén chặt dày khoảng 4 cm, sau đó tiếp nấc thứ hai là liều thuốc phun, giã nén chặt, dày khoảng 12 cm. Sau đó, nạp đạn ghém gồm các vật liệt sát thương, dày khoảng 4 cm. Phần ống còn lại nạp đầy thuốc phun. Chi phí cho một ống hết 9 – 10 lạng diêm tiêu, 1 - 2 lạng lưu hoàng, 1 – 2 lạng than xoan. Khi xong, tra ngòi vào đầu ống, đồng thời lặp thêm một cán tre dài khoảng 20 cm (hoặc dài hơn thùy dùng). Tùy loại ống (tre hay sắt) mà dùng dây mây, hồ gắn quấn chặt xung quanh. Ra trận gặp địch thì châm ngòi, cầm cán tre chĩa hoặc lao về phía địch, thuốc phun và đạn sẽ phóng ra đót cháy, sát thương đối phương. Dùng xong lại có thể lấy ống đó nạp liều thuốc khác.

  Hình ảnh cụ thể của loại vũ khí này có thể xem trên hình khắc đỉnh Huyền trong số chín đỉnh ở Huế. So sánh cách chế tạo thì thấy loại vũ khí này được cải tiến từ các hỏa đồng (ống lửa) hạng nhỏ thời Lê sơ. Trong tay nghĩa quân Tây Sơn, nó được dùng một cách tập trung, ồ ạt, tạo thành hỏa lực giáp chiến hết sức lợi hại.

  Hỏa cầu (lưu hoàng) là loại quả nổ dùng để ném hoặc bắn, có tác dụng như lựu đạn hoặc phóng lựu. Tùy chất nạp mà quả nổ có thể tạo ra khối độc, nhựa cháy, mảnh vụn sát thương…


Hỏa cầu đã được dùng trong trận quân thủy Tây Sơn đánh tan chiếc tàu Bồ Đào Nha còn lại duy nhất trong quân thủy Nguyễn Ánh năm 1782. Còn Hỏa hổ cũng đã thấy khi quân thủy Tây Sơn đổ bộ đánh quân Trịnh ở lầu Ngũ Long năm 1786. Nhờ có thêm hai loại hỏa khí này mà sức giáp chiến của quân thủy Tây Sơn tăng lên rất nhiều. Nhưng xu hướng chung của nghệ thuật hải chiến đương thời là tìm cách giảm dần các trận giáp chiến trên biển, thay vào đó là những trận đấu pháo mà kết cục trận đánh được quyết định từ khi hai bên còn ở những khoảng cách xa nhau. Vì vậy, hướng chính để tăng sức chiến đấu cho thuyền chiến thời này là tăng số lượng và chất lượng pháo.


Hỏa cầu
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #193 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2012, 07:18:55 pm »

Để tăng số lượng pháo trên thuyền chiến, vấn đề đầu tiên là phải tạo ra những thuyền chiến lớn. Tây Sơn đó có thuyền đại hiệu. Đó thực sự là những pháo đài lớn di động trên biển. Theo Ba-ri-dy, toàn bộ pháo trên các chiến hạm lớn đó đều thuộc loại cỡ đạn 24 livres, tức loại đạn có trọng lượng khoảng 12 ki-lô-gam. Theo bảng đối chiếu tổng hợp của R. Hoếch-ken (R. Hoeckel) thì loại đạn này có đường kính khoảng 14 cm, đó cũng là cỡ nòng của pháo. Để bắn loại đạn đó, cần loại pháo có chiều dài khoảng 2,5 m, nặng 2.700 ki-lô-gam với 11 pháo thủ336.

Trừ những thuyền đại hiệu có nhiều pháo, phần lớn thuyền chiến còn lại trong quân thủy Tây Sơn đều thuộc loại thuyền chiến truyền thống như thời Trịnh, Nguyễn. Đó là loại thuyền chỉ có từ một đến ba khẩu pháo ở đằng mũi. Những thuyền chiến này có hai cỡ lớn nhỏ khác nhau. Sử sách nước ta thường gọi là đại chiến thuyềnchiến thuyền. Theo Ba-ri-dy, hai loại trên có thể tương ứng với galèrechaloupe canonnière (xuồng loại nhỏ có gắn pháo). Ba-ri-dy cho biết, trong hạm đội Tây Sơn đóng ở cảng Thị Nại năm 1801, có 93 galères tức đại chiến thuyền, mỗi chiếc trang bị một khẩu pháo hạng nặng, cỡ 36 livres và 150 lính thủy. Như vậy, các đại chiến thuyền tuy số lượng pháo ít, nhưng bù vào đó loại pháo rất lớn, bắn đạn 18 kg, nòng súng dài gần 3 m, cỡ nòng rộng 16 cm, nặng toàn bộ 3.700 kg với 14 pháo thủ337. Loại chaloupe canonirère với một khẩu pháo nhỏ và 50 lính thủy thì có tới 300 chiếc. Đây là loại thuyền chiến thông dụng mà chúng ta đã nói nhiều trong quân thủy Trịnh, Nguyễn.

Như vậy, sự tăng cường sức chiến đấu cho quân thủy Tây Sơn không phải chỉ ở các thuyền đại hiệu, mà ở các thuyền chiến bằng việc trang bị cho nó pháo hạng nặng và tăng số quân trên mỗi thuyền.
--------------------------
336, 337 R. Hoeckel, Sách đã dẫn, tr. 26.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #194 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2012, 07:21:57 pm »

Những cố gắng liên tục của các lãnh tụ phong trào Tây Sơn trong hàng chục năm đã đưa quân thủy Tây Sơn tiến lên một bước nhảy vọt quan trọng cả về số lượng và chất lượng.

Trong bức thư đề ngày 11-4-1801, Ba-ri-dy – cố vấn người Pháp của Nguyễn Ánh, bấy giờ đang ở Gia Định, gửi cho Lơ-tông-đan (Letondal), viết về trận hải chiến ở cảng Thị Nại xảy ra trước đó hai tháng, có đoạn thống kê khá chi tiết về lực lượng quân thủy Tây Sơn, do đô đốc Võ Văn Dũng chỉ huy ở cảng này như sau:

“Quân lực địch do đô đốc thiếu phó chỉ huy gồm:

- 9 tàu (vaisseaux) loại 66 đại bác (cannons) cỡ 24 livres (cân Anh), mỗi tàu 700 thủy binh.

- 5 tàu, loại 50 đại bác, cỡ 24 livres, mỗi tàu 600 thủy binh.

- 40 tàu, loại 16 đại bác, cỡ 12 livres, mỗi tàu 200 thủy binh.

- 93 thuyền chiến (galères), loại 1 đại bác cỡ 36 livres, mỗi thuyền 150 thủy binh.

- 300 xuồng gắn pháo (chalooupes canonnières), loại 50 thủy binh.

- 100 tàu buồm kiểu Đàng Trong, loại 70 thủy binh”.

Trong một đoạn khác, Ba-ri-dy cho biết Tây Sơn có 4.800 thuyền vận tải nữa đậu trong cảng này338.

Lực lượng quân thủy của Tây Sơn ở cảng Thị Nại là bộ phận mạnh nhất của quân thủy Tây Sơn lúc ấy. Ngoài ra, Tây Sơn còn những bộ phận khá lớn khác trấn giữ các cảng Đà Nẵng, Phú Xuân và rải rác ở ngoài Bắc.
-------------------------
338 Tài liệu lưu trữ của Giáo đoàn ngoại quốc Pa-ri: Cochinchine, quyển 601 (viết tắt: Arch. M.E. 801), tr. 857, 867. Đô đốc thiếu phó là Trần Quang Diệu, bấy giờ chỉ huy chung toàn mặt trận. Quân thủy ở Thị Nại do Võ Văn Dũng chỉ huy (Đại Nam thực lục, t. II). Xem Cadière, BEFEO, 1911 và Sử địa, số 21, tr. 166
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #195 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2012, 07:29:45 pm »

Quân thủy Tây Sơn là một hiện tượng đột xuất, có tính chất nhảy vọt trong lịch sử quân thủy nước ta. Bước nhảy vọt này chẳng những vượt xa quân thủy Trịnh – Nguyễn, vuợt cả quân thủy Nguyễn Ánh khi được tư bản phương Tây xúm vào giúp đỡ, mà còn vượt cả những cố gắng của Minh Mạng trong thời kỳ thịnh đạt nhất của nhà Nguyễn.

  Theo Giôn Crao-phớt (Jhon Crawfurd – người cầm đầu phái bộ Anh đến triều đình Nguyễn năm 1824), hải quân Minh Mạng có khoảng 200 pháo hạm (gun-boát) loại 16 – 22 đại bác (guns), 100 đại chiến thuyền (large galleys) loại 50 – 70 mái chèo, có pháo nhỏ hoặc súng trụ (swivel), pháo (cannon) loại 12 – 24 pounder (funt), 500 chiến thuyền (small galleys) loại 40–44 mái chèo, 1 súng trụ 4 – 6 pounder (Journal of Embasssy to the Courrts of Siam and Cochinnchia, London, 1967, tr. 493).

Những chuyển biến sâu sắc trong quân thủy Tây Sơn từ sau năm 1789 (biểu hiện bằng việc hình thành những căn cứ quân thủy lớn, tập trung thường xuyên ở các cửa biển, cảng biển; hàng loạt hoạt động tuần tra rất có hiệu quả các đội “du thuyền” và nhất là bằng sự xuất hiện những tàu chiến lớn trang bị nhiều pháo, chuyên hoạt động trên biển), đã làm rõ nét một lực lượng hải quân độc lập, hùng hậu. Bộ mặt quân thủy nước ta đã có những thay đổi căn bản trong địa bàn hoạt động chủ yếu, trong cả trang bị, tổ chức để thích ứng với thay đổi đó. Một bộ phận quân thủy trên sông tiếp tục đóng vai trò binh chủng của lục quân, bộ phận còn lại cùng với lực lượng quân thủy đông đảo trên biển hình thành một quân chủng hải quân độc lập.

  Chúng ta thiếu nhiều tài liệu để tìm hiểu binh chế của Tây Sơn. Đại Nam thực lục, phần Liệt truyện về Tây Sơn có cung cấp danh sách quan chế của Tây Sơn, nhưng không cho biết chức nghiệp cụ thể của từng chức quan đó. Phần binh chế cũng rất sơ sài, chỉ cho biết quân Tây Sơn vẫn tổ chức theo ngũ chế (trung, tiền, hậu, tả, hữu). Trong 4 điều bổ sung vào quân chính của quân Nguyễn có cho biết mức độ trên dưới của các chức cầm quân Tây Sơn như sau: nếu quân Nguyễn bắt được một lính Tây Sơn thì được thưởng 5 quan, một hộ quân, quản quân, đô ty, đô úy thì được thưởng gấp 4 lần (tức 20 quan), một đô đốc thưởng gấp 20 lần (100 quan), một quận công thưởng gấp 200 lần (1.000 quan). Nếu bắt được các quan chức tương đương nhưng không phải tướng cầm quân thì chỉ thưởng 1/3 số tiền đó. Đại Nam thực lục (6., tr. 191) cho biết quân Nguyễn bắt được một viên quản quân Tây Sơn tên là Lực trong đội Du thuyền. Viên này chỉ huy một thuyền với 25 quân. Nếu tạm cho rằng về thứ bậc đơn vị quân Tây Sơn vẫy duy trì hình thức tổ chức tương tự như dinh, cơ, đội, thuyền trước đây, thì có thể các chức quản quân mà Nguyễn Ánh theo thưởng 20 quan ứng với các chức chỉ huy thuyền hoặc cơ, đội, còn các đô đốc ứng với các chức hàm chỉ huy một dinh.

  Trong thời Tây Sơn, có nhiều đô đốc quân thủy. Những thuyền Đại hiệu với 600 – 700 quân co thể tương đương với số quân một dinh hoặc cơ, đội lớn. Những galères 150 quân của Tây Sơn cũng ứng với một đội hoặc nhỏ. Sự tồn tại những quân cảng lớn cũng đòi hỏi biên chế quân thủy phổ biến ở mức dinh, thậm chí vượt khỏi mức đó hình thành các đơn vị lớn hơn do các đại đô đốc cai quản.

  Như vậy, do còn thiếu tư liệu nên chúng ta chưa thể chi tiết hóa tổ chức quân thủy Tây Sơn, nhưng rõ ràng sự chuyển biến to lớn trong trang bị đòi hỏi phải có sự phát triển tương ứng trong biên chế, tổ chức, đã đưa hải quân Tây Sơn tới những cơ cấu hoàn toàn độc lập với quân bộ: tổ chức của một quần chúng trên biển.


Đây là một bước trưởng thành có ý nghĩa hết sức lớn lao trong sự phát triển của quân thủy nước ta nói riêng và lực lượng vũ trang nước ta nói chung. Nó đánh dấu sự phát triển cả về cơ sở vật chất lẫn lý luận trong tổ chức lực lượng vũ trang của ông cha ta, mà người có công lớn nhất chính là nhà quân sự thiên tài Nguyễn Huệ.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #196 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2012, 07:33:39 pm »

Có một điểm rất độc đáo trong thành phần của hành quân Tây Sơn là sự tham gia của “cướp biển”. Thế kỷ XVII – XVIII “cướp biển” là hiện tượng thường xuyên trên các vùng biển đông - nam Trung Quốc và Đông - Nam Á. Thành phần của họ khá phức tạp, nhưng tựu trung xuất phát từ hai nguồn gốc chính: – những tướng lĩnh, quan lại bất mãn với chính quyền địa phương, hoặc – những người dân nghèo bị áp bức, bóc lột cùng cực ở ven biển, hải đảo.

  Có thể dẫn ra đây hai trường hợp điển hình tương ứng với hai nguồn gốc nói trên. Trường hợp thứ nhất là nhóm “cướp biển” lớn ở vùng ven biển đông-nam Trung Quốc do Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên cầm đầu. Đây vốn là một đội quân trong các lực lượng Hậu Minh chống lại chính quyền Thanh cuối thế kỷ XVII ở ven biển đông-nam Trung Quốc. Sau khi Trịnh Thành Công (vua của nhà Hậu Minh) bị quân Thanh đánh bại ở Đài Loan, tàn quân tan ra thành vô số nhóm “cướp biển” khác nhau tiếp tục hoạt động ở vùng biển này. Nhà Thanh truy quét, Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên đã dẫn binh thuyền chạy vào Đàng Trong nương nhờ chúa Nguyễn. Trường hợp thứ hai, rất tiêu biểu, là quân khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu (tức quận He) ở vùng biển đông-bắc nước ta giữa thế kỷ XVIII.

Cướp biển ở khu vực biển Đông lại gồm nhiều thành phần quốc tịch khác nhau: Trung Quốc, Đàng Trong, Đàng Ngoài, Xiêm, Chà Và (tức Ma-lai-xi-a)… thậm chí có cả những toán cướp biển người Âu. Họ đều giống nhau ở một điểm là không chịu tuân theo ách thống trị của các nhà nước phong kiến thối nát trong lục địa. Đối tượng tiến công của họ là tàu buôn trên biển, thậm chí cả tàu chở lương thực vũ khí của các quốc gia trong lục địa, đôi khi cả những làng mạc, dinh thự ven biển. Trước mắt chính quyền phong kiến, họ đều bị coi là “giặc”, “cướp”. Do thiếu sự lãnh đạo thống nhất và mục đích chính trị rõ ràng, các lực lượng này hoạt động đơn độc và tương đối tùy tiện. Trừ khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu, mà trong đó, một bộ phận từng bị triều định Lê – Trịnh gọi là “giặc biển”, các nhóm “cướp biển” khác không mấy khi có điều kiện chuyển hóa thành một cuộc khởi nghĩa đánh trực diện vào chế độ phong kiến đương thời. Tuy nhiên, hoạt động của họ cũng có tác dụng làm suy yếu các chính quyền phong kiến phương Đông đang ngày càng thối nát.

Với nhãn quan chính trị rộng rãi, ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa, các lãnh tụ Tây Sơn đã nhận thấy khả năng tập hợp các “đám giặc biển” ấy trong lực lượng của mình – mà dưới mắt của triều đình phong kiến đương thời cũng được mệnh danh là một “đám giặc cỏ”. Sự gần gũi về quyền lợi giai cấp và cùng chung kẻ thù đã khiến cho Tây Sơn tập hợp được nhanh chóng và đông đảo các nhóm “cướp biển”. Họ đã tự nguyện tham gia phong trào khởi nghĩa của nông dân theo một mục tiêu chính trị rõ ràng và một sự lãnh đạo thống nhất. Từ đó, hoạt động “cướp biển” của họ đã có sự đóng góp tích cực hơn vào tiến bộ xã hội. Khởi nghĩa Tây Sơn vì vậy không chỉ là sự kết tinh của toàn bộ phong trào nông dân sôi nổi trong đất liền, mà còn là sự kết tinh của cả những phản kháng mãnh liệt nhưng vốn rời rạc, tùy tiện trước ở trên vùng biển nước ta, tạo thành sức mạnh tổng hợp đánh đổ chế độ phong kiến Trịnh, Nguyễn thối nát, bảo vệ độc lập dân tộc.

Trong những năm 1776 – 1785, phong trào Tây Sơn đã tập hợp được hầu hết “cướp biển” thuộc phạm vi Đàng Trong. Lê quý kỷ sự (tr. 20) cho biết), Nguyễn Hữu Chỉnh được Tây Sơn giao trách nhiệm thu phục các lực lượng “cướp biển” đó. Từ khi đánh ra Đàng Ngoài, Tây Sơn bắt đầu tăng cường thu phục lực lượng “cướp biển” rất lớn ở vùng biển đông - bắc. Đó là những nhóm mà sử sách nước ta, Trung Quốc và phương Tây gọi là “Giặc biển” tàu Ô (riêng sử sách nhà Nguyễn thường gọi là “giặc biển Tề Ngôi”).
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #197 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2012, 07:40:44 pm »

Theo Thánh vũ kýGia Khánh đông – nam Tĩnh hải ký (sách đời Thanh), thành phần chủ yếu trong quân tàu Ô là ngư dân nghèo ven biển Nam Trung Quốc. Vốn bất mãn với chính quyền Mãn Thanh, họ tham gia phong trào Tây Sơn, dựa vào Tây Sơn để chống lại Thanh, đồng thời cùng Tây Sơn tiêu diệt Nguyễn Ánh. Chính quyền Tây Sơn cấp thuyền (thường sơn màu đen nên có tên là tàu Ô) tới vài trăm chiếc, đồng thời phong quan tước cho các thủ lĩnh của họ (thường gọi là các chức tổng binh hay thống binh)339, coi đây như một binh chủng độc lập của hải quân Tây Sơn. Trong những năm từ 1789 trở về sau, lực lượng tàu Ô này góp phần quan trọng trong các hoạt động của hải quân Tây Sơn.

Nhiệm vụ chủ yếu của các đơn vị “cướp biển” là tuần tra, do thám trên biển, chặn đánh các hoạt động chuyển lương của địch và đột nhập vào hậu cứ của chúng để lấy lương thực, vũ khí.

Năm 1790, quân tàu Ô đã bắt được bốn thuyền chiến hộ tống một tàu buôn Trung Quốc và phát hiện viên thuyền trưởng tàu buôn đó đã lén lút mang thư tình báo của các giáo sĩ phương Tây. Những thuyền đó đều bị giải về Phú Xuân và sung vào lực lượng hải quân Tây Sơn340.

Năm 1792, Nguyễn Hệu cho một đơn vị tàu Ô, gồm 40 chiếc, bí mật đột kích vùng ven biển Bình Khang, Bình Thuận của Nguyễn Ánh341.

Năm 1800, các đơn vị tàu Ô hoạt động mạnh ở vùng Bình Thuận cùng các đơn vị “du thuyền” của Tây Sơn. Tháng 4 năm ấy, họ bắt được toàn bộ thuyền chiến của phó giám thành sứ Nguyễn Văn Yên chở thuốc đạn trên đường từ Cù Huân ra, bắt được nhiều ghe sai của quân Nguyễn chở lương thực, thực phẩm342… Năm 1802, các đơn vị này cũng tích cực tham gia những trận đánh cuối cùng, bảo vệ chính quyền Tây Sơn, trong đó đáng chú ý nhất là trận thủy chiến ở Trấn Ninh.

Sự tham gia của các lực lượng “cướp biển” với tư cách là những nghĩa quân trên biển đã góp phần không nhỏ vào việc tăng cường sức mạnh của hải quân Tây Sơn. Đây cũng là một điểm độc đáo hiếm thấy trong lịch sử quân thủy nước ta. Đặc điểm này, do tính chất giai cấp của nó, nổi lên khá rõ nét trong quân Tây Sơn.
----------------------------------
339 Theo đoạn dịch của Hoàng Xuân Hãn trong Sử địa, số 9-10, tr. 260. Hoàng Lê nhất thống chí (tr. 384, 385) cho biết Nguyễn Huệ liên minh với Thiên địa hội, tức một hội kín chống Thanh đương thời, sử dụng họ trong những hoạt động của các đơn vị tàu Ô.

340 Arch, M.E. Tonkin, vol. 262, p. 63; trong Sử địa, số 13, tr. 150.

341 Đại Nam thực lục, t. II, tr. 157.

342 Đại Nam thực lục, t. II, tr. 358.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #198 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2012, 07:43:58 pm »

Để thực hiện bước chuyển biến lớn trong quân thủy, các lãnh tụ Tây Sơn, trước hết là Nguyễn Huệ, rất chú trọng khai thác những điểm mạnh trong nền nghệ thuật quân sự phương Tây. Ở Nguyễn Huệ, ý tức tự lập, tự cường phát triển rất cao, nhưng điều đó không dẫn ông đến những chính sách đóng cửa mù quáng, cực đoan. Mặc dù ông muốn “mọi thứ đồ dùng của nước ta đều không phải mua của nước Tàu”, nhưng chính ông lại rất tích cực đề nghị nhà Thanh “mở cửa ải, thông chợ búa, khiến cho hàng hóa không ngừng đọng để làm lợi cho sự tiêu dùng của dân”343. Với phương Tây cũng vậy, mặc dầu ông rất coi khinh sự dọa dẫm của chúng nhưng ông vẫn thiết tha đề nghị tàu buôn phương Tây vào nước ta. Đó là thái độ rất kiên quyết, nhưng cũng rất mềm dẻo, phản ánh ý chí của Nguyễn Huệ: trao đổi, tiếp thu để độc lập, tự cường.

Trong lĩnh vực quân thủy, Nguyễn Huệ đặc biệt chú trọng kỹ thuật hỏa khí và kỹ thuật tổ chức pháo thuyền. Ông trực tiếp đề nghị cha cố tên là Gi-ra (Girard) đi Quảng Châu mời thuyền buôn châu Âu đến bán vũ khí và năm 1792 đã có hai tàu châu Âu từ Áo Môn và Ma-ni-la đến bán cho Nguyễn Huệ 100.000 livres lưu huỳnh (tức khoảng 50.000 kg)344. Nguyễn Huệ cũng có ý thức sử dụng khả năng hàng hải của người châu Âu. Khi bắt được một chiếc tàu Bồ Đào Nha, nghĩa quân chỉ chém đầu viên thuyền trưởng, còn toàn bộ thủy thủ được chia đi phục vụ trên các thuyền chiến. Việc đóng những chiến hạm cực lớn có nhiều pháo của Nguyễn Huệ phản ánh ý thức học hỏi, nhưng độc lập, tự cường của ông. Nhờ thái độ đúng đắn đó, Nguyễn Huệ đã vượt qua những khó khăn đương thời đề tạo ra cơ sở vật chất cho một bước nhảy vọt trong quân thủy.
--------------------------
343 Ngô Thì Nhậm, Bang giao lục.

344 Arch, M.E. Tonkin, vol. 262, p. 397; trong Sử địa, số 13, tr. 152.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #199 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2012, 07:49:29 pm »

*
Sau khi Nguyễn Huệ qua đời, chính quyền Tây Sơn đã bộc lộ tất cả những hạn chế của nó và không đủ sức tiếp tục hoài bão về “mười năm xây dựng lực lượng” của ông. Hải quân Tây Sơn mười năm sau, trước cuộc tổng công kích của bè lũ phản động Nguyễn Ánh, với sự than gia của tàu chiến và binh lính, sĩ quan Pháp, đã không giành được thắng lợi. Nhưng, rõ ràng trong thời kỳ Nguyễn Huệ còn sống, hải quân Tây Sơn luôn luôn ở thế áp đảo so với hải quân Nguyễn Ánh. Trong bức thư của La Mô-thơ (La Mothe) đề ngày 28-7-1790, có đoạn: “Chúng tôi được tin chúa Nguyễn (hay vua Nam Hà) được người Bồ Đào Nha ở Áo Môn trợ giúp. Nhưng tôi không giấu rằng, nếu viện trợ đó ít quá, chắc là như vậy, thì rất có thể vua Nam Hà sẽ không chống nổi khí giới, kinh nghiệm và mưu lược cũng như lòng dũng cảm của Tiếm Vương (tức Nguyễn Huệ - T.G.)345.

Theo Ngụy Nguyên – một nhà bình luận quân sự đời Thanh, quân thủy Tây Sơn cũng là một địch thủ đáng gờm của quân Thanh. Sách đời Thanh Gia Khánh đông – nam Tĩnh hải ký có đoạn: “Vả chăng thuyền rợ (tức thuyền chiến Tây Sơn – T.G.) cao to, nhiều súng, có gặp cũng chưa chắc thắng được chúng”346.

Không còn nghi ngờ gì nữa, hải quân Tây Sơn dưới thời Nguyễn Huệ là lực lượng hải quân hùng mạnh vào loại nhất Đông – nam Á đương thời, là biểu hiện của một bước nhảy vọt thực sự trong lịch sử quân thủy nước ta.

  Song song với quân thủy Tây Sơn, quân thủy Nguyễn Ánh cũng có những bước tiến vượt bậc, biểu hiện bằng một lực lượng hải quân trang bị mạnh. Nhưng, hải quân Nguyễn Ánh không thể đại diện cho quân thủy của dân tộc ta. Đó là một đội quân vong mạng, “một cái xác chết được tư bản phương Tây hà hơi dựng dậy”, một đội quân chiến đấu không phải vì quyền lợi dân tộc, mà vì mục đích phục thù giai cấp ghê tởm nhất, đến nỗi có thể bán rẻ cả quyền lợi dân tộc. Đội quân đó cũng “hùng mạnh”, nhưng như La Mô-thơ đã viết, sự “hùng mạnh” đó tùy thuộc vào khả năng chi viện của tư bản phương Tây, hoặc như nhận xét ngây ngô và cũng có phần khoác lác của giáo sĩ Lơ La-bút-xơ (La Boussse), phục vụ chính quyền Nguyễn Ánh: “Nhất định hải quân ấy sẽ vô địch. Nếu như được đặt dưới quyền chỉ huy của các hạm trưởng Âu Tây347.

  Lịch sử đã chứng minh hải quân ấy sau này còn được trang bị mạnh hơn nữa, nhưng đã chịu đầu hàng nhục nhã chưa từng thấy trong lịch sử quân thủy nước ta, trước mấy tàu chiến của hải quân Pháp năm 1858. Đó không phải là bộ mặt của quân thủy dân tộc. Sự ra đời cũng như sự cáo chung của nó không tuân theo truyền thống oanh liệt của các thế hệ quân thủy trước đó.

-----------------------------
345 Arch, M.E. Tonkin, vol. 700, p. 1398; trong Sử địa, số 9-10, tr. 231.

346 Theo Hoàng Xuân Hãn, Sử địa, số 9-10, tr. 260.

347 Arch, M.E. Cochinchine, vol. 746. Thư của Le Labousse, ngày 24-4-1800, tr. 874; trong Sử địa, số 21, tr. 161.
Logged

Ùi, úi, ui....
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM