Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 04:41:33 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm  (Đọc 153110 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #140 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2012, 03:58:16 pm »

Trận chiến đấu diễn ra cho đến tận giờ dậu, tức khoảng chập tối. Trận đánh được thực hiện bằng những trận mưa tên và giáp lá cà trên thuyền. Một bộ phận quân Nguyên bỏ thuyền lên bờ, phía tả ngạn. Quân trên bờ phục sẵn cùng quân thủy Trần đuổi theo truy kích, tiêu diệt nốt. Hiện nay trong dân gian còn lưu truyền câu ca dao:

  “Bạch Đằng Giang là sông cửa ải
  Tổng Hà Nam là bãi chiến trường”


  (Tổng Hà Nam là khu vực thuộc Yên Hưng hiện nay).

Sau một ngày tiến công liên tục, toàn bộ quân thủy Nguyên đã bị tiêu diệt.

  Toàn thư chép sau khi vua Trần tung quân đánh bại chiến thuyền Nguyên thì thuyền lương Trương Văn Hổ đến; lại bị phục binh của ta đổ ra đánh, mắc cạn trên bãi cọc. Cương mục và các nhà nghiên cứu sau này đều đã đính chính sự nhầm lẫn này. Tuy nhiên, có thể đoạn này Toàn thư muốn nhắc đến việc quân ta đánh bộ phận thuyền vận tải do Ô Mã Nhi hộ tống, như trong An Nam chí lược chép: Ô Mã Nhi không theo đường biển mà về, lại theo đường sông Bạch Đằng, gặp địch, Ô Mã Nhi tự đem quân tải lương đánh lại…”. Toàn thư có thể đã gán đội thuyền tải này do Trương Văn Hổ chăng? Thực ra, Trương Văn Hổ đã bị Trần Khánh Dư đánh tan ở Cửa Lục, trốn thoát về Hải Nam, sau này (năm 1294) thấy xuất hiện trong danh sách tướng lĩnh của cuộc hành quân dự định xâm lược Đại Việt lần thứ tư.

Chỉ có Toàn thư cho biết số thuyền quân ta bắt được là trên 400 tiêu thuyền. Tất cả các tướng chỉ huy đội thuyền chiến này như Phàn Tiếp, Ô Mã Nhi, Trương Ngọc… đều bị bắt hoặc bị chết ngay tại trận. Trong trận này, quân Trần còn bắt được cả Tích Lệ Cơ, một đại vương thuộc dòng dõi Hốt Tất Liệt.

Trong lịch sử nước ta, chiến thắng Bạch Đằng là một trong những võ công hiển hách nhất, là đỉnh cao trong nghệ thuật quân sự nói chung và nghệ thuật thủy chiến nói riêng. Cùng với chiến dịch Chi Lăng – Xương Giang năm 1427, chiến dịch đại phá quân Thanh xuân Kỷ Dậu 1789, trận Bạch Đằng 1288 tiêu biểu cho nghệ thuật tổ chức và thực hành một chiến dịch quyết chiến chiến lược thời cổ trung đại ở nước ta. Với Ngô Quyền năm 938, Bạch Đằng xác lập một truyền thống: truyền thống Bạch Đằng – truyền thống đánh giặc đường thủy và thắng giặc trên chiến trường sông nước. Với Bạch Đằng 1288, quân dân nhà Trần đã đưa truyền thống đó tới đỉnh cao nhất, tới sự hoàn thiện nhất. Mặc dầu sau đó lịch sử đã không diễn ra những Bạch Đằng ở chính miền sông nước này, nhưng nghệ thuật Bạch Đằng, nền nếp Bạch Đằng, phẩm chất và hùng khí của Bạch Đằng vẫn luôn luôn là một trong những tư tưởng chỉ đạo các tướng lĩnh, là niềm động viên quân dân ta lập nên những kỳ công khác trong lịch sử gìn giữ nền độc lập dân tộc.

Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #141 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2012, 04:00:55 pm »

*

Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 cũng kết thúc lịch sử xâm lược của nhà Nguyên sang Đại Việt, mặc dầu Hốt Tất Liệt vẫn ấm ức, “ngứa ngáy trong tim”, chưa chịu từ bỏ tham vọng bành trước. Phản ứng Đại Việt qua ba lần thử sức chẳng những khiến nhà Nguyên phải e dè, kiêng nể trong mưu đồ nam chinh, mà “phản ứng” đó với chiến lược đánh thủy, với chủ trương kiên quyết kháng chiến, đặc biệt với phương châm tiêu diệt lớn quân địch trên đường rút chạy của chúng, đã từng bước phá vỡ các cơ sở vật chất mà nhà Nguyên cố gắng xây dựng để làm công cụ bành trướng.

Chiến thắng Bạch Đằng 1288 đã làm phá sản toàn bộ hy vọng giành thắng lợi của quân Nguyên bằng thủ đoạn tác chiến có kết hợp thủy bộ, đã đập tan cố gắng chiến thuật mới nhất của chúng; chẳng những thế, còn làm tiêu tan toàn bộ cơ sở vật chất của cố gắng đó: hầu như không một thuyền chiến nào của Nguyên về tới nước. Để tiếp tục chuẩn bị xâm lược Gia-va, Nhật Bản cũng như chuẩn bị chờ thời cất quân lần thứ tư sang Đại Việt, nhà Nguyên đã phải mất nhiều công sức trong việc tổ chức lại đội quân thủy, từ thuyền chiến đến các tướng lĩnh.

  Cuối năm 1293 – 1294, khi Hốt Tất Liệt hấp hối trên giường bệnh, y còn ra lệnh tổ chức một cuộc viễn chinh mới sang Đại Việt. Lần này, quân Nguyên chủ trương dùng nhiều thuyền chiến hơn (1.000 chiếc), nhưng đều là loại thuyền nhỏ cỡ 100 hộc (tức chỉ bằng 1/4 các thuyền chiến dùng năm 1287). Trương Văn Hổ lại xuất hiện trong danh sách đám tướng thủy, nhưng có lẽ lần này nhà Nguyên không dám dùng hắn để vận lương đường thủy nữa. Số lương thực chuẩn bị, với 35 vạn thạch lương, 2 vạn thạch cỏ ngựa, 21 vạn cân muối… nhiều gấp đôi năm 1287, ứng với số lương thảo chi phí cho cả phu vận chuyển theo đường bộ trong tình hình quân chiến đấu lần xâm lược này tương đương năm 1287. Nhưng vì Hốt Tất Liệt chết, triều đình Nguyện nhân thể bãi binh cho đến khi nhà Nguyên bị lật đổ.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #142 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2012, 09:50:36 pm »

Chương tám

SỰ PHÁT TRIỂN QUÂN THỦY
THÀNH MỘT LỰC LƯỢNG ĐỘC LẬP

Cho đến thời nhà Hồ, quân thủy nước ta vẫn chứa tách hẳn thành một bộ phận độc lập so với quân bộ. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào địa hình và truyền thống tác chiến của quân đội nói chung.

Chuyên hóa trong tổ chức quân đội là một xu hướng tiến bộ. Nhưng thực tế chuyên hóa sớm hay muộn trước hết phụ thuộc vào từng nước. Ở các quốc gia cổ đại ven Địa Trung Hải, việc tranh chấp đường biển vì các mục tiêu chính trị, thương mại và vấn đề chống cướp biển đã sớm đặt ra nhu cầu xuất hiện những lực lượng vũ trang chuyên hoạt động trên biển. Ngay từ đầu, địa bàn, đối tượng tác chiến của lực lượng vũ trang ở khu vực này đã phân chia tương đối rạch ròi: mặt đất và mặt nước. Chính vì vậy quân đội (army) và hạm đội (flot) đã ra đời ngay từ khi hình thành lực lượng vũ trang chuyên nghiệp của các nhà nước đầu tiên trong khu vực đó, với tư cách là hai lực lượng độc lập.

Ở Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung, giao thông, thương mại biển, nhu cầu khai thác các nguồn lợi biển không đặt ra một cách bức bách đòi hỏi phải có những đơn vị chuyên hoạt động trên biển. Mọi hoạt động quân sự của vùng này phần lớn đều diễn ra trong đất liền. Quân thủy trong trường hợp đó, nếu có, thường là một bộ phận gắn liền với quân bộ. Đặc biệt ở khu vực Đông – Nam Á lục địa cổ đại (gồm từ phía nam sông Dương Tử trở xuống), đất liền bị rất nhiều sông ngòi chia cắt và biển bao bọc xung quanh, quân thủy rất phát triển, tới mức là phương tiện cơ động chủ yếu của quân đội, nhưng vẫn không tách thành một lực lượng độc lập khỏi quân đội, cũng như quân bộ khó có thể hoạt động độc lập hếu tách khỏi quân thủy. Sự gắn bó giữa quân thủy và quân bộ ở nước ta nói riêng và khả năng này nói chung là quy luật phát triển riêng của vùng này, xuất phát từ những đặc điểm địa lý và khuynh hướng kinh tế, chính trị riêng của từng vùng.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, lực lượng vũ trang ở đây cũng dần có xu hướng chuyên hóa thành các bộ phận quân, binh chủng độc lập. Ở Việt Nam, quá trình này diễn ra một cách chậm chạp nhưng chắc chắn trong suốt thời Lý, Trần, Hồ. Biểu hiện trong xu hướng chuyên hóa tổ chức, biên chế (lính chèo thuyền – thủy thủ, và tướng chỉ huy), trong việc hình thành một cách không phổ biến các đơn vị quân thủy nhỏ hoạt động độc lập trên biển (như quân Bình Hải). Khuynh hướng chuyên hóa đó một mặt phản ánh sự phát triển của nghệ thuật quân sự, mặt khác phản ánh đòi hỏi ngày càng cao của nhu cầu quản lý khai thác của nguồn lợi đất nước, trong đó đáng chú ý là sự phát triển của ý thức về chủ quyền vùng biển. Nhưng trước thế kỷ XV, xu hướng đó vẫn chỉ là những hiện tượng rời rạc, lẻ tẻ, mà chưa kết thành một hệ thống cho phép thành hình một quan niệm đầy đủ về quân thủy độc lập với những đặc thù riêng trong tổ chức biên chế, thủ đoạn tác chiến và các chế độ tuyển mộ, huấn luyện, đãi ngộ tương ứng.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #143 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2012, 10:11:41 pm »

Có một số bằng chứng chứng tỏ đến đầu thời Lê, quan niệm về quân thủy độc lập đã rõ nét trong việc tổ chức quân đội.

  Năm 1427, tháng 7, bốn tháng sau khi cuộc tập trận thủy đầu tiên của nghĩa quân, Lê Lợi ra lệnh quy định biên chế cho các vệ thủy quân: “Mỗi thuyền chiến dùng 50 người, giữ trại năm người, vận lương năm người, sai phái năm người”148. Tháng 8 năm sau, khi định ra quy chế về nghi trượng, chiến khí, thuyền ghe, triều đình cũng chính thức biến chế cho mỗi quân 10 chiếc thuyền chiến lớn (đại chiến thuyền), 2 chiếc thuyền nhỏ đi tuần (tiểu tiêu thuyền)149.

  Nhưng phải đến thời Lê Thánh Tôn, với việc nhà nước chính thức ban ra các phép trận đồ và quân lệnh riêng cho từng loại quân (quân bộ, quân thủy, quân tượng, quân mã) thì mới có thể khẳng định sự hình thành quan niệm về các loại lực lượng vũ trang riêng biệt: “Năm 1465… tháng 11… Ban các phép trận đồ thủy bộ. Về phép thủy trận thì có những phép Trung Hư, Thường Sơn Xà, Mãn Thiên Tinh, Nhạn Hàng, Liên Châu, Ngư Đội, Tam Tài Hoành, Thất Môn, Yển Nguyệt. Về phép bộ trận thì có những phép Trương Cơ, Tương Kích, Kỳ Binh. Lại ban hành quân lệnh về thủy trận 31 điều, tượng trận 22 điều, mã trận 27 điều, bộ trận của kinh vệ 42 điều”150.


Có thể coi sự kiện trên như cái mốc đánh dấu sự phát triển của nghệ thuật quân sự nước ta; phải đến lúc này quan niệm về các binh chủng mới trở thành một hệ thống. Và vẫn tiếp tục truyền thống của nghệ thuật quân sự trước đó, trong các phép trận đồ trên thì trận thủy vẫn được quan tâm nhiều hơn và trên hết. Liên tục trong hai năm sau khi ban trận đồ, Lê Thánh Tôn đích thân chỉ huy một loạt cuộc tập trận thủy: tháng 3 năm 1466 ở Giao Thủy, tháng 12 năm 1467 ở sông Thiên Phái, 20 tháng 2 tập trận Trung Hư ở sông Lỗ Giang, năm ngày sau tập trận Tam Tài Hoành và Thất Môn ở sông Vi, ngày hôm sau tập trận Ngư Đội, Nhạn Hàng ở sông An Cha, trận Thường Sơn Xà ở Bạch Hạc…151.

Rõ ràng đến thời Lê Thánh Tôn, cùng với sự phát triển mọi mặt của bộ máy nhà nước phong kiến tập quyền đã lên tới đỉnh cao nhất, nhà nước đã có đủ điều kiện để thống nhất quân thủy thành một lực lượng độc lập. Quân thủy Lê cũng như quân đội, từ nay chỉ có một nguồn tổ chức, huấn luyện thống nhất, đó là nhà nước. Điều đó tạo điều kiện phát triển quân thủy nhanh về tổ chức biên chế, trang bị và nghệ thuật tác chiến. Triều đình Lê Thánh Tôn đã từng huy động được một đội thuyền chiến đông, đảm nhiệm được toàn bộ cuộc hành quân với số quân nhiều chưa từng thấy trong lịch sử hành quân nước ta, thậm chí cũng hiếm thấy trong lịch sử thế giới: 25 vạn quân với 5.000 chiến thuyền đánh phía nam năm 1469152.

Đến thời Lê Thánh Tôn, biên giới phía nam của Đại Việt đã vươn tới tận Quảng Nam. Toàn bộ vùng đất miền trung Trung Bộ, với thế đất hẹp dường như gắn liền với biển làm một, được đặt trong phạm vi quản lý của nhà nước. Giao thông và nếp sống của cư dân vùng này gắn chặt với biển, điều đó khiến triều đình nhà Lê tiếp tục phát triển mạnh quân thủy. Đáng chú ý là chính miền đất này,với đặc điểm địa lý – nhân văn riêng sẽ đặt ra những đòi hỏi, đồng thời tạo ra những điều kiện để phát triển quân thủy mạnh theo một khuynh hướng mà trước đó còn hạn chế: quân thủy biển – mầm mống cho sự hình thành một quân chủng hải quân độc lập sau này.

Như vậy đến thời Lê, xu hướng hình thành quân thủy độc lập từ chỗ là những hiện tượng lẻ tẻ, rời rạc đã được liên kết thành một hệ thống. Sự liên kết đó xuất hiện từ đầu thời Lê sơ, biểu hiện rõ dưới thời Lê Thánh Tôn và từ đó về sau, trong cuộc hỗn chiến liên miên giữa các tập đoàn phong kiến Lê – Mạc, Trịnh – Nguyễn… hệ thống đó không ngừng được bổ sung phong phú và chặt chẽ hơn.
-----------------------------
148 Toàn thư, t. III, tr. 40.

149 Lịch triều hiến chương loại chí, t. IV, tr. 25. Toàn thư, t. III, tr. 63. Toàn thư chép là hỏa chiến thuyền, có lẽ nhầm tự dạng chữa hỏa và chữ đại.

150 Toàn thư, t. III, tr. 195; Lịch triều hiến chương loại chí, t. IV, tr. 26. Trung Hư: trận quây tròn trống giữa; Trường Sơn Xà; trận kéo dài uốn lượn; Mãn Thiên Tinh: tản trận như sao xa đầy trời; Nhạn Hàng: trận hình chữ V; Liên Châu: trận dài, thẳng; Ngư Đội: trận hai đầu hình nêm; Tam Tài Hoành; trận dàn thành nhiều hàng ngang; Thất Môn: trận tròn bảy cửa; Yển Nguyệt: trận hình vành trăng khuyết.

151 Toàn thư, t.III, tr. 196, 260, 203.

152 Toàn thư, t.III, tr. 235, chỉ cho biết số quân 25 vạn, chia làm hai đạo đều hành quân đường biển. Tuy nhiên, ở đoạn dưới, cũng trong cuộc hành quân này, Toàn thư cho biết hai chi tiết cụ thể về số quân, số thuyền của Lê Hy Cát đổ bộ vào Sa Kỳ và số quân, thuyền Lê Thánh Tôn ở cửa Tân Áp, trung bình mỗi thuyền chở khoảng 50 – 60 quân. Điều này phù hợp với biên chế thuyền chiến năm 1427 và của quân thủy Trịnh – Nguyễn sau này.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #144 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2012, 10:22:40 pm »

Về tổ chức biên chế:số quân phục vụ trên các loại thuyền khá ổn định, có sự phân chia thành các loại chức nghiệp tương đối rõ ràng ngay trong một thuyền, như trong thủy thủ có người lái (đà công), người cầm nhịp chỉ huy cho lính chèo (trên thuyền chiến đối thủy, người thuyền trưởng trực tiếp làm việc này bằng trống, sênh, thanh la…; đi trong đêm thì bằng mồi lửa), lính chèo thuyền và nếu là thuyền buồm thì có các thủy thủ điều khiển buồm. Ngoài số thủy thủ, khi chiến đấu, trên thuyền còn có bộ phận lính chuyến đấu chuyên nghiệp, đặc biệt là trên các thuyền đối thủy. Số lính này cũng được chia thành các bộ phận khác nhau tương ứng các loại vũ khí trang bị trên thuyền và chiến thuật tác chiến của thuyền, như pháo thủ, lính cung nỏ, lính súng tay, lính câu liêm, lính giáp chiến,…

Tính chất riêng biệt của quân thủy xâm nhập vào cả khâu tuyển lính, chế độ lương lộc, hưu trí… Theo Phan Huy Chú, lính thủy được tuyển phải là những người thạo nghề sông nước và về chiều cao có thể kém bộ binh 5 phân. Tùy theo sức vóc, chiều cao, họ được bố trí trên các loại thuyền chiến khác nhau, hưởng bậc lương khác nhau153. Theo lời kể của một người em đã từng qua lại buôn bán, giao tiếp với chúa Trịnh hàng chục lần hồi đầu thế kỷ XVII, Ta-véc-ni-ê (Taverrnier) cho biết lính thủy chúa Trịnh nói chung được trả lương cao hơn lính bộ154. Cũng theo Phan Huy Chú, lính thủy khi già được về sớm hơn lính bộ từ 1 đến 4 năm155.

Hệ thống chỉ huy quân thủy cũng được phân biệt rõ với các quân khác, mặc dầu mức độ phân biệt mới chỉ từ cấp vệ trở xuống. Điều này chứng tỏ quân thủy thời Lê vẫn chỉ là một binh chủng của quân bộ mà thôi, cho dù về nhiều mặt nó đã tách ra tương đối độc lập.
-------------------------------
153, 155 Lịch triều hiến chương loại chí, t, IV, tr. 18.

154 J. B. Ta-véc-ni-ê (J. B. Tarvernier), Du ký về xứ Bắc Kỳ, Paris, 1681.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #145 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2012, 10:28:45 pm »

Về trang bị, huấn luyện, thủ đoạn tác chiến, đã có một bước chuyển biến rất căn bản trong lịch sử vũ khí, kéo theo sự phát triển của trang bị, huấn luyện và thủ đoạn tác chiến trong quân thủy. Nhờ sự phát triển này mà quân thủy có cơ sở về mặt chất lượng để tồn tại như một binh chủng độc lập. Đó là cuộc cách mạng trong hỏa khí.

  Như chúng ta đã biết, thuốc súng được loài người biết đến khoảng thế kỷ VI – VII, nhưng phải đến khoảng thế kỷ X – XI, nó mới được sử dụng trong chiến tranh dưới dạng những tạc đạn gây nổ, gây cháy. Việc xây dựng thuộc súng như động lực đẩy vật sát thương chỉ bắt đầu một cách dè dặt từ cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII dưới dạng những hỏa khí hình ống làm bằng giấy bồi hoặc ống tre, và năm 1275 mới xuất hiện loại ống bằng kim loại. Phát minh này rất quan trọng vì nó mở ra khả năng dùng hỏa khí thay thế các vũ khí tầm xa cơ học trước đây. Dường như độc lập với nhau, từ hai đầu lục địa Á – Âu, những khẩu súng thực sự bằng sắt đã ra đời vào khoảng giữa thế kỷ XIV, tạo ra cuộc cách mạng trong lịch sử vũ khí loài người.

  Ngay từ khi mới ra đời, hỏa khí đã được dùng trong thủy chiến. Thuyền, buồm đều là những vật dễ cháy, vì thế lửa (hỏa công) từ sớm đã là một phương tiện đánh thủy hiệu nghiệm. Ở thế kỷ XII – XIII, hỏa khí dùng trong thủy chiến chỉ mới là những tên lửa (hỏa tiễn), tức một mũi tên có gắn kèm ống thuốc súng, để khi bắn móc vào mui, buồm gây cháy, hoặc “tạc đạn” bắn bằng các dụng cụ cơ học. Những loại vũ khí này do hạn chế về tầm hoạt động và khả năng chế tạo đã không đủ sức tạo ra sự thay đổi căn bản trong trang bị và nghệ thuật thủ chiến. Phải cho đến khi ra đời những khẩu súng thực sự thì thuyền chiến mới có thể coi như có vũ khí riêng của mình.

  Trước khi có súng pháo, như Ăng-ghen đã viết, thủy chiến không có cách nào hơn là hai thuyền phải tiến sát vào nhau, tiêu diệt nhau bằng sức va chạm của thuyền và bằng cách nhảy sang thuyền địch đánh giáp lá cà156.

  Để khắc phục tình trạng đó, một số nhà chỉ huy quân thủy đã tìm cách đưa các vũ khí tầm xa cơ học lên thuyền, như trường hợp các thuyền chiến gắn máy bắn catapul trong hạm đội La Mã, hoặc các thuyền gắn “máy nỏ” trong thư tịch Trung Quốc…Nhưng đó chỉ là những hiện tượng cá biệt, vì độ chòng chành của thuyền không cho phép phát triển cố gắng theo hướng đó. Súng pháo ra đời đã đem lại cho thuyền chiến một loại vũ khí tầm xa hữu hiệu.

  Tuy nhiên, không phải khi mới ra đời, súng pháo đã được đưa ngay lên thuyền. Ở châu Âu – trung tâm cực thịnh của súng pháo thời phong kiến, người ta chỉ thấy thuyền chiến gắn pháo phổ biến ở thế kỷ XV. Ở Trung Quốc – quê hương của thuốc súng và hỏa khí sơ khai, pháo thuyền cũng muộn như vậy. Nhưng trái lại ở Việt Nam, có dấu hiệu chứng tỏ pháo được đưa lên thuyền từ khá sớm. Chương trước đã nói về pháo thuyền của Trần Khát Chân bắn chết Chế Bồng Nga ở ngã ba sông Luộc năm 1390. Cùng với hiện tượng Hồ Nguyên Trừng – được người Minh tôn như “thần súng pháo”, chúng ta có thể nghĩ rằng, vào khoảng cuối thế kỷ XIV, súng pháo đã trở thành vũ khí phổ biến ở nước ta.

------------------------
156 Xem Ph. Ăng-ghen, Tuyển tập luận văn quân sự, Nhà xuất bản Quân đôi nhân dân, Hà Nội, 1978, t. II, tr. 286.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #146 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2012, 08:19:49 pm »

Trong thư tịch, dường như có sự xuất hiện rất ồ ạt và đột ngột các loại hỏa khí trong trang bị của nghĩa quân Lam Sơn cũng như của quân nhà Lê sau đó.

  Năm 1428, trong quy chế về trang bị vũ khí, thuyền chiến, ta thấy mỗi quân có 1 hỏa đồng hạng đại tướng quân, 10 hỏa đồng hạng lớn, 12 hạng trung và 80 chiếc hạng nhỏ157.

  Hỏa đồng là loại hỏa khí hình ống, thường làm bằng ống tre, gỗ, thuốc súng nhồi trong ống, các vật sát thương đặt lên trên. Khi bắn, châm ngòi và hướng miệng ống về quân địch. Hỏa đồng được dùng phổ biến ở Trung Quốc vào thời Nguyên. Nó chính là tiền thân cho những khẩu súng thực sự sau này. Khoảng cuối thế kỷ XIV, xuất hiện những hỏa đồng có vỏ bằng kim loại, được gọi là hỏa súng. Các hỏa đồng kim loại này có nhiều cỡ. Hạng lớn nhất thường được phong làm tướng quân, đại tướng quân. Hỏa đồng hạng đại tướng quân có thể hiểu như những khẩu súng thần công thực sự. Người Trung Quốc đào được một số khẩu súng loại này có niên đại 1356 và 1357158.



Hỏa đồng vẽ trong Binh thư yếu lược

Sự phát triển ồ ạt các loại hỏa khí ngay từ đầu thời Lê là kết quả của một quá trình phát triển liên tục, mà nhiều thành tựu trong lĩnh vực này đã đạt được từ cuối Trần, đầu Hồ. Hoàn toàn không phải người Minh đã đem lại sự chuyển biến mới đó, bởi vì như chúng ta đã biết, chính quân Minh đã chịu tiếp thụ một số phát minh quan trọng trong lĩnh vực này của dân tộc ta, thông qua Hồ Nguyên Trừng.

  Ít ra, từ thế kỷ XIII, trong dân gian nước ta đã xây dựng phổ biến một loại pháo gọi là “bộc trúc”, tức là một dạng hỏa cụ gần với “hỏa đồng”, “hỏa thương” của Trung Quốc đương thời159.
-----------------------------
157 Toàn thư, t. III, tr. 63 và Lịch triều hiến chương loại chí, t. IV, tr. 25.

158 Xem: Phùng Gia Thăng, Hỏa dược đích phát minh hòa Tây truyền, Thượng Hải, 1954, tr. 40 – 43.

159 An Nam chí lược.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #147 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2012, 08:25:16 pm »

Thư tịch nước ta về các trận đánh từ thế kỷ XV trở về sau, không mấy khi vắng súng pháo. Người phương Tây sang nước ta khoảng thế kỷ XVI – XVII đã mô tả và vẽ lại thuyền chiến nhà Lê với những khẩu pháo chĩa ra ở đằng mũi160.

  Bản vẽ của cố đạo Ma-ri-ni trong sách in năm 1663 ở Rô-ma đặc tả rất chi tiết một thuyền chiến đương thời, trong đó nổi bật hình ảnh một khẩu thần công cỡ lớn xuyên qua thành một tàu chĩa về phía trước. Những thuyền chiến tương tự, được vẽ trong bức tranh mô tả một cuộc tập trận ở Thăng Long thế kỷ XVII của S. Ba-rông (S. Baron)161, là những hình ảnh khá tiêu biểu cho một giai đoạn quân thủy mới trong lịch sử nước ta – quân thủy trang bị hỏa khí tồn tại như một bình chủng độc lập.

Lính thủy trên thuyền, ngoài trang bị cũ đã bổ sung ngày càng nhiều súng tay. Đến thế kỷ XVII – XVIII, súng tay đã thay thế căn bản vị trí của cung nỏ, đẩy cung nỏ xuống vị trí vũ khí dự phòng. Mặc dầu buổi đầu hiệu quả súng pháo còn hạn chế, nhưng rõ ràng nó đã cho phép thuyền chiến hoạt động độc lập. Bản thân pháo thuyền không cần có sự hỗ trợ của quân bộ, vẫn có khả năng thực hiện những nhiệm vụ có tính chất chiến thuật.

Sự xuất hiện súng pháo trên thuyền kéo theo những thay đổi trong huấn luyện và thủ đoạn tác chiến, khiến cho sự khác biệt giữa người lính thủy với lính bộ, giữa đơn vị quân thủy với đơn vị quân bộ… ngày càng nhiều. Chúng ta đã thấy việc Lê Thánh Tôn ban những trận đồ và quân lệnh riêng cho quân thủy trong sự phân biệt rạch ròi với các lực lượng khác, cũng đã thấy những cuộc tập trận dành riêng cho quân thủy và còn thấy cả những ụ bắn mà chúa Nguyễn dành riêng cho pháo thuyền tập bắn.

  Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục chép: “Năm thứ 8, nhâm ngọ, sai bình dân ba huyện Hương Trà, Quảng Điền và Phú Vang đắp trường tập cho thủy binh ở xã Hồng Phúc, đắp một ụ đất cao hơn 120 thước, cứ đến tháng 7 thì thao luyện thủy quân, bơi thuyền bắn súng. Thuyền chiến bắn đại bác hễ trúng đích thì thường bạc lụa, bắn sai đích thì theo dấu mà tìm lấy đạn. Do đó thủy quân đều tinh chiến”.
--------------------
160 Ch. Borri: Relation de la Cochinchine, trong R.I., 4-1909.

161 S. Baron: Descreiption du Royaume du Tonkin, trong R.I., 1914.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #148 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2012, 08:29:45 pm »

Từ thế kỷ XVII có hai sự kiện lớn tác động đến sự chuyển hóa quân thủy. Một là, việc phân chia Đàng Trong, Đàng Ngoài và chiến tranh liên miên giữa hai tập đoàn phong kiến. Hai là, sự xâm nhập của phương Tây cả về kinh tế, chính trị lẫn quân sự.

Cuối thế kỷ XVI, bộ phận phong kiến nhà Lê do Nguyễn Hoàng cầm đầu đang trấn thủ vùng Quảng Nam, Thuận Hóa, mưu mô cát cứ, thành một vương quốc riêng. Họ Nguyễn ra sức xây dựng lực lượng, đồng thời mở rộng dần phạm vi cai trị xuống phía nam. Đến cuối thế kỷ XVII, toàn bộ phần đất nam Trung Bộ và Nam Bộ của nước ta hiện nay đã thuộc về nhà Nguyễn, hình thành vương quốc Đàng Trong rộng lớn. Điều kiện địa lý có liên quan đến quân thủy ở vùng này có nhiều nét khác so với miền đất cũ của Đại Việt. Đó là một rẻo đất hẹp bị chặn một bên là núi, một bên là biển, sông ngòi thường ngắn và rất dốc. Phân bố dân cư và trung tâm kinh tế, chính trị đều nằm bám sát biển. Giao thông bộ rất khó khăn vì bị các mạch núi ăn ra biển chia cắt (như các đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân…), đường sông cũng không thuận tiện, chỉ tiện nhất là đường biển.

  Thích Đại Sán, một nhà sư, cũng là một chính khách Lưỡng Quảng, được chúa Nguyễn mời sang thăm Thuận – Quảng cuối thế kỷ XVII đã có một nhận xét chính xác về tình hình đó: “Vì đất nước Đại Việt (tức Đàng Trong – T.G.) chỉ là một dãy núi dọc theo mé biển, các đô ấp đều tựa núi day mặt ra biển, núi cao, sông hiểm,cây rừng rậm rạp, nhiều tê, voi, hùm, beo, các phủ không có đường lối thông nhau, mỗi phủ đều do một cửa biển đi vào, muốn đi từ phủ này qua phủ khác tất phải do đường biển”162. Điều đó khiến cho mọi quốc gia thiết lập ở đây đều tất yếu phải phát triển quân thủy mà phạm vi hoạt động chủ yếu là ở ven biển. Quân thủy Chiêm Thành là một dẫn chứng tiêu biểu.

Tuân theo quy luật của miền đất mới, các đời chúa Nguyễn ra sức xây dựng cho quân đội hai binh chủng truyền thống của vùng đất này: thủy binh và tượng binh. Trong đó thủy binh được chú trọng đặc biệt.

Trong khi đó, ở phần đất còn lại, họ Trịnh xưng vương thoán đoạt quyền hành trong tay, biến vua Lê thành bù nhìn. Ấm ức vì miền đất phía nam bị mất liên tục từ năm 1627 đến 1672, quân Trịnh nhiều lần đem quân đi đánh chúa Nguyễn và trái lại cũng mấy lần chúa Nguyễn đánh ra đất Trịnh. Hầu như mọi cuộc hành quân của Trịnh đều chủ yếu đi đường biển, chính vậy, trong cuộc xung đột triền miên này, cả quân Trịnh lẫn quân Nguyễn đều phải ra sức phát triển quân thủy và hướng chung là quân thủy ven biển. Các cửa sông ở cả hai miền trở thành những cứ điểm bố phòng dày đặc quân thủy.

  Theo Ta-véc-ni-ê (Tavernier), “trong những sông nào mà địch có thể tới được (quân Trịnh) thường bố trí 100 thuyền chiến lớn và nhiều thuyền nhỏ”. A. đờ Rốt (Alexandre de Rhodes) cho biết cụ thể hơn: riêng ở cửa sông Cả thường xuyên có 68 thuyền. Quân thủy tập trung đông nhát thời này, không kể Thăng Long và Phú Xuân là ở cửa Nhật Lệ. Trong thời kỳ xung đột, thường xuyên có vài trăm thuyền chiến Nguyễn đậu ở cửa sông chiến lược này.
----------------------------------
162 Hải ngoại ký sự, Huế, 1963, tr. 132.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #149 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2012, 08:34:16 pm »

Cuộc xung đột Trịnh – Nguyễn diễn ra đúng vào thời kỳ mà cơn sốt thương mại trên biển bắt đầu sôi sục ở phương Đông với sự khuấy động ồ ạt của thương thuyền vũ trang thuộc các công ty Đông Ấn phương Tây đang mọc lên như nấm ở vùng này.

  Trong thế kỷ XV – XVI, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha nổi lên ở châu Âu như hai cường quốc trên biển. Theo sự chia phần của La Mã năm 1494 thì phương Đông thuộc về phạm vi khai thác của Bồ Đào Nha, từ đó các hạm đội quân sự, thương thuyền và các đoàn truyền giáo Bồ Đào Nha lần lượt kéo sang phương Đông, lập lên hàng loạt căn cứ ở Ấn Độ (Goa), ở Trung Quốc (Áo Môn), ở Mã Lai và In-đô-nê-xi-a… Nhưng chẳng bao lâu sau, địch thủ đáng gờm của Bồ Đào Nha xuất hiện, đó là Hà Lan và sau đó là Anh và Pháp.

Thời kỳ xung đột Trịnh – Nguyễn là thời kỳ Hà Lan đang ra sức giành lại những độc quyền của Bồ Đào Nha ở vùng này. Để đánh bại được nhau, với chúng, thì chính sách với các nước phương Đông để giành độc quyền buôn bán là một điều rất quan trọng.

Bồ Đào Nha đã sớm bám được vào chúa Nguyễn nhờ sự giúp đỡ đặc biệt về mặt quân sự, trong đó chủ yếu là cung cấp thuốc súng, đại bác và các vũ khí cá nhân châu Âu khác. Người Bồ Đào Nha gửi sang cho chúa Nguyễn một chuyên gia đúc súng tên là Cruy-dơ (Joan Da Cruz) và Cruy-dơ đã được nhà chúa yêu chuộng nhờ việc đã giúp chúa về nghề đúc súng… “Ông đã làm cho chúa những súng lớn. Chúa thích vô cùng, trả công cho ông 500 quan hằng năm và tiền cấp dưỡng cho gia đình”163. Trong một bức thư gửi cho viên toàn quyền Bồ Đào Nha ở Ma Cao, chúa Nguyễn viết: “Thành phố Ma Cao và vương quốc Nam Hà phải liên kết trong tình hữu nghị và lợi ích chung và hai xứ sẽ giao hảo trong sự công bằng”164. Và trong thực tế, chúa Nguyễn đã liên minh quân sự với Bồ Đào Nha để đánh Trịnh.

Tranh giành với Bồ Đào Nha ở Đàng Trong không được, Hà Lan xoay ra liên minh với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Họ bán vũ khí cho Trịnh và thậm chí nhiều lần cả tàu chiến cùng phối hợp với Trịnh đánh Nguyễn.

Như vậy, từ thế kỷ XVII, trong các yếu tố tác động đến sự phát triển của lực lượng vũ trang nước ta, chủ yếu là về mặt trang bị vũ khí, phải kể đến cả những yếu tố xâm nhập từ phương Tây. Trong đó, do đặc điểm chung của phương Tây đương thời mà các yếu tố kỹ thuật quân sự đó phần lớn tác động vào quân thủy.

Xung đột khốc liệt và kéo dài giữa quân Trịnh – Nguyễn với phạm vi hoạt động chủ yếu ở ven biển, với sự liên minh, trao đổi trực tiếp với kỹ thuật quân sự phương Tây, đã đặt ra nhu cầu và điều kiện hoàn thiện tính chất độc lập của quân thủy nước ta đương thời.
-------------------------
163 Alaunay, Histoire de la mission de Cochinchine (Document historique I: 1568 – 1728), Paris, 1923.

164 P.Y. Manguin, Les Portugais sur les côtes du Việt Nam st du Çampa, BEFEO, 1972, tr. 202 – 203.
Logged

Ùi, úi, ui....
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM