Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:58:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm  (Đọc 152861 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #90 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2012, 03:21:26 pm »

Ngoài Vân Đồn, các điểm chốt khác ở vùng biển đông-bắc cũng được nhà Trần bố trí lực lượng. Một phần số quân đó, trước khi có trấn Vân Đồn, đặc biệt trong chiến tranh, là do quân đồn trú ở Vân Đồn, như quân của Trần Khánh Dư đảm nhiệm, một phần khác do quân lộ Đông Hải đảm nhiệm. Toàn thư đã chép việc quân thủy lộ Đông Hải đi tuần, phát hiện quân Nguyên do thám. Trong kháng chiến chống Mông Nguyên lần thứ hai và ba, chắc chắn quân Trần có phòng thủ ở Mũi Ngọc (Ngọc Sơn), rải quân ở Tam Trĩ và khu vực Quảng Yên hiện nay.

Chỗ dựa vòng trong của hệ thống phòng thủ biển đông-bắc là cụm căn cứ liên hoàn kéo dài từ từ cửa Bạch Đằng vào đến Lục Đầu do quân đội của cha con Trần Hưng Đạo trực tiếp đóng giữ. Theo dõi hai cuộc chống Nguyên năm 1285 và 1287, ta sẽ thấy rõ vị trí chiến lược của địa bàn trọng yếu này.

Nhìn chung, cũng như các triều đại trước, hướng phòng thủ biển chủ yếu của quân Trần chĩa về vùng biển đông-bắc, nơi thường xuyên bị kẻ thù phương Bắc đe dọa. Vào những năm cuối thời Trần, đầu thời Hồ, trước những cuộc tiến công của quân Chiêm, một số cửa biển phía nam cũng được tăng cường phòng thủ.

Trong nội địa, đầu thời Trần, nổi bật nhất là hệ thống căn cứ thủy quân ở Lục Đầu với nhiều quân cảng như Vạn Kiếp, Trần Xá, với những cửa quan như Đại Than… Cũng như căn cứ Vạn Xuân thời Lý, nơi đây là điểm nút của hai con đường thủy bộ chính từ Trung Quốc vào nước ta thời bấy giờ. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà Trần Hưng Đạo lại đặt phủ đệ của mình ở đây, biến nơi đây thành một hệ thống cứ điểm thủy, bộ lợi hại. Cũng không phải ngẫu nhiên, nhà Trần đã chọn Bình Than làm địa điểm họp hội nghị quân sự bàn về chiến lược chống Nguyên. Càng không phải ngẫu nhiên, cả hai lần xâm lược, quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy đều hội quân ở nơi này. Từ Lục Đầu ra biển, còn thấy những căn cứ như Chí Linh với núi Phượng Hoàng bên sông, nơi vua Trần dùng quân kiềm chế tốc độ hành quân của quân thủy Ô Mã Nhi trong trận Bạch Đằng, như Trúc Động nằm giữa sông Giá và sông Đá Bạc, nơi đặt sở chỉ huy của chiến dịch Bạch Đằng.


Đền Kiếp Bạc, cạnh Lục Đầu giang, thờ Trần Hưng Đạo

Trong các hoạt động quân sự thời Trần, ta còn thường thấy nhắc đến ngã ba Bạch Hạc. Đây là một ngã ba sông rộng, lại có bãi phù sa nổi rất tiện cho việc phòng thủ kết hợp thủy bộ. Hầu như các cuộc tập trận lớn thời Trần đều được tổ chức ở đây (năm 1262, 1376…). Sau này, thời Lê, đây vẫn là nơi tập thủy chiến tốt vào loại nhất. Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất, có thể nhà Trần đã đem quân thủy, bộ lên đây bố phòng chặn giặc. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, nhà Trần đã cử Trần Nhật Duật đem binh thuyền lên chặn giặc ở trại Thu Vật, đã trụ quân ở đây ăn thề trước khi rút về phía nam. Cuộc kháng chiến lần thứ ba, cũng thấy xuất hiện Trần Nhật Duật với đạo quân thủy bốn vạn người của ông chặn đánh quân Nguyên ở ngã ba sông này. Có thể nói, trong thời Trần, ngã ba Bạch Hạc gắn bó mật thiết với vị tướng văn võ kiêm toàn Trần Nhật Duật.

Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #91 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2012, 03:25:13 pm »

Kinh thành Thăng Long vẫn là một căn cứ quân thủy vào loại lớn nhất, với quân cảng Đông Bộ Đầu, thường là nơi tổng duyệt thủy bộ trước mỗi trận xuất quân. Năm 1258, lâu thuyền của quân Trần đã từ Thiên Mạc đổ bộ vào bến cảng này, đánh tan quân Mông Cổ đóng ở đây, làm bàn đạp quét sạch chúng ra khỏi Thăng Long. Năm 1284, trước khi chia quân đi chặn đánh quân Nguyên theo kế hoạch Bình Than, Hưng Đạo Vương đã đại duyệt quân vương hầu ở bến này. Năm 1285, sau khi rút từ Vạn Kiếp về, quân thủy Trần đã lập một tuyến phòng thủ dọc bờ nam sông Hồng, lấy quân cảng này làm trung tâm, bảo vệ cho kinh thành rút lui an toàn…

Từ cuối thời Lý, cùng với sự trù phú gần như đột xuất của miền đồng bằng trũng hạ lưu sông Hồng (các miền thuộc Thái Bình, Hà Nam Ninh hiện nay), trục sông phía nam sông Hồng dần dần trở nên đặc biệt sôi động. Nội chiến hồi cuối thời Lý làm nổi lên vị trí chiến lược của một số khúc sông hiểm trở hoặc những ngã ba sông quan trọng, thông thường đó là những đoạn sông có bãi phù sa nổi ở giữa. Sang thời Trần, trục sông này trở nên cực kỳ quan trọng bởi vì nó nối “hai kinh đô” của nhà Trần. Đó là Thăng Long – kinh đô chính thức, thường là nơi vua và triều đình ở, và hành cung Long Hưng, Thiên Trường – quê hương họ Trần, nơi thượng hoàng thường ở. Trục sông này nằm giữa, vựa lúa, cũng là địa bàn chiến lược quan trọng nhất nước ta bấy giờ. Do tính chất quan trọng như vậy, ngay từ đầu, nhà Trần đã xây dựng trên tục sông này những chốt quan trọng thường gọi là những quan ải, như những cửa ải biên giới. Đó là cửa quan Hàm Tử, cửa quan Hải Thị.

Trong sử sách, chúng ta thường thấy những tên đất như Thiên Mạc (hay Đà Mạc, Mạn Trù), Hàm Tử, Tây Kết… Đó là những tên đất nằm xung quanh một khu vực, nơi khúc sông Hồng nổi lên một bãi phù sa lớn, hiện là nơi phân chia giữa hai huyện Thường Tín (Hà Sơn Bình) với Khoái Châu (Hải Hưng). Theo đường sông, bãi phù sa này nằm cách Hà Nội khoảng 20 ki-lô-mét. Do bãi này nên khúc sông Hồng đến đây phải tách làm hai nhánh và có tên là sông Thiên Mạc. Bãi nay có nhiều tên gọi: Tự Nhiên, Mạn Trù, Đà Mạc, Thiên Mạc, gần đây còn có tên là Hồng Châu… Dựa vào bãi này để khống chế đường thủy trên sông thì hết sức tiện lợi, vì vậy ngay từ những ngày mới nổi, hương binh họ Trần, cũng như các thế lực phong kiến khác ở vùng này, đã biến đây thành một cứ điểm quan trọng tiến công Thăng Long hoặc chống lại những cuộc tiến công từ Thăng Long lại. Hàm Tử, Tây Kết, Chương Dương đều là những địa danh ở quanh khúc sông này106. Có thể nói, đây là một chốt quân sự quan trọng nhất trên trục đường thủy sông Hồng ở thời Trần. Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống Mông Nguyên, đại đội thủy quân của nhà Trần đã xuất phát từ đây đổ bộ đánh tan quân Nguyên ở Đông Bộ Đầu. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, khi rút khỏi Thăng Long, nhà Trần cử Trần Bình Trọng và một đơn vị thủy bộ chốt ở đây để chặn quân thủy Nguyên truy kích, và khi phản công chiến lược, đây cũng là điểm nóng nhất cua toàn bộ chiến dịch sông Hồng năm ấy, với những võ công vào loại nhất như Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết. Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba, quân Trần cũng chốt đồn ở đây chống nhau với quân của A-bát-xích (Abatri).

Theo địa danh và những dấu tích hiện còn, có thể nghĩ rằng cửa Thiên Mạc là cửa quan phía đầu trên bãi phù sa, chặn đường thủy từ Thăng Long đi xuống. Cửa Hàm Tử cùng với hệ thống đồn lũy Chương Dương, Tây Kết là ở phía dưới bãi này, chặn đường thủy từ phía biển ngược dòng lên Thăng Long.
-------------------------
106 Dư địa chí của Phan Huy Chú chép: “Bến Chương Dương ở xã Chương Dương, huyện Thượng Phúc, giữa dòng là cửa Hàm Tử. Sông dài, rộng, đối ngạn là bãi Tự Nhiên…” (Lịch triều hiến chương loại chí, t. I, tr. 80).
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #92 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2012, 03:31:07 pm »

Tiếp tục xuôi sông Hồng, qua Thiên Mạc đến một khúc sông Hồng có tên là Xích Đằng, ở đây cũng có một bãi phù sa nổi giữa sông là bãi Xích Đằng. Đây cũng là một đoạn sông rất quan trọng trong phòng thủ trục nam sông Hồng. Phan Huy Chú từng nhận xét: “Bãi Xích Đằng là kho của các đời và là chỗ xung yếu then chốt”107.

Đoạn sông tiếp theo có tên là sông Lỗ (giang) (cũng có sách gọi là sông A Lỗ), đoạn này nối thẳng với ngã ba sông Hồng – sông Luộc hiện nay. Xưa kia, đoạn sông Luộc nối liền với sông Hồng (từ khúc sông Lỗ) có tên là sông Hải Triều, vì vậy cửa sông này cũng được gọi là cửa Hải Triều hay cửa Hải Thị. Nơi đây, cũng có một số bãi nổi giữa sông khá tiện lợi cho việc phòng thủ. Đây là một cửa quan hết sức quan trọng đối với “kinh đô thứ hai” của nhà Trần. Từ phía thượng lưu, chỉ cần qua cửa quan này là toàn bộ khu lăng tẩm và hành cung Long Hưng – Thiên Trường của nhà Trần bị trực tiếp uy hiếp. Từ đấy ra biển thời đó cũng không còn bao xa, vì vậy đối với kẻ địch từ phía biển vào, đây cũng là quan ải trọng yếu che đỡ cho đồng bằng trung châu. Trong các cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên, sau khi ải Thiên Mạc vỡ, bao giờ quân Trần cũng tụ lại ở Hải Thị để chuẩn bị cho một cuộc rút lui về phía biển. Trong những lần quân Chiêm Thành tiến công vào Thăng Long, thì đây cũng thường là nơi quân Trần chốt quân chặn giặc hiệu quả nhất. Chính tại đây, năm 1390, quân Trần Khát Chân đã dàn các pháo thuyền phòng thủ, bắn chết Chế Bồng Nga.

Có thể nói địa bàn chiến lược của nhà Trần vẫn là toàn bộ đồng bằng cao nhưng có điểm mới hơn so với các thời trước, là trung tâm đất nước có xu hướng chuyển dần xuống đồng bằng thấp, ven biển mà từ Lý – Trần trở đi mới thực sự là vựa lúa của đồng bằng Bắc Bộ, nhờ những phát triển quan trọng trong nghề trồng lúa nước ta108. Địa bàn chiến lược đó với sự chi phối của truyền thống sông nước, truyền thống đánh thủy lâu đời, lại thêm những ảnh hưởng không nhỏ của gốc gác họ Trần vốn đời đời chài lưới đã hình thành rất rõ nét chiến lược đánh thủy trong các hoạt động quân sự của quân Trần.

Tổng kết nguyên nhân thắng bại trong các lần xâm lược nước ta, vua tôi nhà Nguyên thấy rất rõ chỗ mạnh chiến lược đánh thủy của quân Trần. Theo chúng, Thoát Hoan thua là vì “nghe nhầm tiến quân đường thủy”109 hoặc do quân Trần “thua chẳng qua lại trốn ra biển”110. Quả là ba lần kháng Mông – Nguyên, quân Trần đều rút quân ra phía biển. Nhưng hoàn toàn đó không phải vì thua mà trốn ra biển như vua tôi nhà Nguyên nói. Sau này, chúng ta sẽ có dịp phân tích kỹ hơn để thấy thực chất đó là một chiến lược thích hợp nhất đối phó với quân Mông – Nguyên trong tình hình cụ thể bấy giờ. Kết quả là, cả ba lần quân dân thời Trần đều giành thắng lợi.
--------------------------
107 Lịch triều hiến chương loại chí, t. I, Dư địa chí, tr. 80

108 Việc chuyển mạnh hướng làm vụ chiêm và tăng cường khẩn hoang lấn biển.

109 An Nam chí lược, chiếu của vua Nguyên gửi Trần Nhân Tôn năm 1291.

110 Nguyên sử, quyển 167, Trương Lập Đạo truyện.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #93 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2012, 03:33:08 pm »

Chương bảy

QUÂN THỦY THỜI TRẦN TRONG KHÁNG CHIẾN
CHỐNG MÔNG – NGUYÊN

(NHỮNG TRẬN ĐÁNH TIÊU BIỂU)

CUỘC KHÁNG CHIẾN LẦN THỨ NHẤT (1258)

Năm 1258, lần đầu tiên quân Mông Cổ đánh vào nước ta. Lúc này chúng còn chưa chiếm được toàn Trung Quốc. Hoạt động quân sự chính của chúng ở phương Đông là tập trung lực lượng tiêu diệt Nam Tống. Cuộc tiến công vào Đại Việt bấy giờ nhằm thôn tính nước ta, đồng thời tạo ra một bàn đạp tiến công Nam Tống từ phía nam lên, phối hợp với ba mũi đại quân đánh từ phía bắc xuống. Để thực hiện kế hoạch này, Hốt Tất Liệt đã cử một đạo quân Mông Cổ do viên tướng lão luyện là Ngột Lương Hợp Thai (tức Cốt Đãi Ngột Lang) chỉ huy, từ phía bắc men theo vùng núi phía tây đánh thọc xuống nước Đại Lý (một nước ở Vân Nam Trung Quốc hiện nay) rồi từ đó đánh vào nước ta. Năm 1256, đạo quân đó đã thanh toán xong nước Đại Lý. Năm 1257, mùa thu, khoảng 5 vạn quân Mông Cổ và quân Đại Lý đầu hàng rầm rào tiến xuống áp sát biên giới nước ta ở mạn thượng lưu sông Hồng.

Thoạt đầu, Ngột Lương Hợp Thai cử sứ giả vào yêu cầu nhà Trần cho mượn đường và cung cấp lương thảo. Không chịu khuất phục trước những đòi hỏi ngang ngược của quân Mông Cổ đồng thời muốn giúp Nam Tống tránh được một đạo thọc sau lưng, nhà Trần đã tống giam sứ giả, kiên quyết lãnh đạo cả nước kháng chiến. Trần Quốc Tuấn được vua Trần (bấy giờ là Thái Tôn Trần Cảnh) giao cho một bộ phận quân thường trực, ngay lập tức đem quân lên biên giới chặn giặc, còn vua Trần đích thân đốc thúc cả nước chuẩn bị vũ khí kháng chiến.

Đánh giặc theo hướng từ thượng lưu sông Hồng xuống, kẻ địch lại là đạo quân Mông Cổ - một đối tượng tác chiến chưa từng gặp trong lịch sử chiến tranh nước ta, ít nhiều cũng không phải là một phương án đã được nhà Trần có điều kiện chuẩn bị kỹ. Chọn chiến lược nào đối phó hiệu quả nhất với đội quân kỵ, bộ này, đó là câu hỏi mà vua tôi Nhà Trần chưa giải đáp ngay được.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #94 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2012, 03:41:10 pm »

Trận Bình Lệ Nguyên

Có thể thấy thoạt đầu nhà Trần thực hiện chiến lược đánh chính diện trên bộ với quân Mông Cổ. Trong sử ta không thấy nói gì đến hoạt động của bộ phận quân tiên phong do Trần Quốc Tuấn chỉ huy mà nhắc ngay đến trận Bình Lệ Nguyên như trận đầu tiên.

Theo Nguyên sử, “thấy sứ không về, (Ngột Lương Hợp Thai) bàn với bọn Triệt Triệt Đô đều đem 1.000 quân chia đường mà tiến đến trên sông Thao ở Kinh Bắc, nước An Nam. Lại sai con là A Truật sang giúp và thăm dò tình hình. Người Giao cũng bày nhiều binh vệ, A Truật sai quân trở về báo. Ngột Lương Hợp Thai đòi đi xấp đường tiến gấp. Sai Triệt Triệt Đô làm tiên phong, A Truật ở sau làm diện. Tháng 12, hai quân hội nhau111. Như vậy, trước khi tiền quân và hậu quân Mông Cổ hội nhau ở khoảng ngã ba Bạch Hạc thì trong những hoạt động thăm dò trước đó, có thể chúng đã chạm trán với quân của Trần Quốc Tuấn (lên đường trước đại quân vua Trần hai tháng). Sau lần gặp gỡ này, đại quân của Ngột Lương Hợp Thai mới chia tiền, hậu kéo sang. Bấy giờ, quân của Trần Quốc Tuấn cũng về với đại quân của vua Trần từ Thăng Long tiến vào.

Quân Trần định tổ chức một trận đánh chính diện lớn có tính chất quyết chiến ở Bình Lệ Nguyên. Đây là một cánh đồng cao bên cạnh khúc sông Cà Lồ có nhiều chỗ uốn lượn, tạo ra một bãi chiến trường tương đối bằng phẳng nhưng khá phức tạp và bị sông chia cắt. Chọn chiến trường ở đây, với sông Cà Lồ làm chiến hào thiên nhiên chặn giặc, trong điều kiện khả năng đánh bộ của ta và địch tương đường thì rõ ràng cái địa lợi đã thuộc về ta. Nhưng khả năng đánh bộ của ta trên địa hình bằng phẳng như vậy không thể dễ bề khống chế đội quân kỵ, bộ thiện chiến của Mông Cổ.

Theo Nguyên sử, quyển 121, quân Trần dàn trận có voi, ngựa rất nhiều ở bờ nam, chính vua Trần thân chinh chỉ huy, chờ quân Mông Cổ sang đánh. So với cách phòng ngự tích cực của Lý Thường Kiệt trên sông Cầu cũng như so với điều mà binh thư đã dạy: “Bày trận sát nước, nên chờ địch sang sông nửa chừng mà đánh” (Binh thư yếu lược, tr. 206), thì quân Trần trong trận này mắc một sai lầm nhỏ về mặt chiến thuật, đó là việc không phát huy khả năng đánh giặc giữa dòng của quân thủy. Nếu như ở sông Cầu năm 1077, ba trăm thuyền chiến lập thành hàng rào phòng ngự đầu tiên ở bờ nam có thể cơ động đánh địch từ khi chúng tay trắng vượt sông, thì ở đây quân Trần đã chỉ giấu thuyền ở bến Lãnh Mỹ, cách đó mấy dặm, chủ yếu phòng khi trận vỡ có thuyền để rút. Chính vì vậy quân Mông Cổ vượt sông khá dễ dàng, và cũng vì vậy sau khi tạo được cái thế mà binh pháp thường gọi là “dập bếp, dìm thuyền”112, quân Mông Cổ đã vượt qua được trận của quân Trần.
------------------------------
111 Nguyên sử, quyển 209.

112 Tức quân đã quay lưng ra sông, không có đường lui, chỉ có tiến mới sống được. (Dị bản của câu "dập bếp, dìm thuyền" là câu "đập nồi, dìm thuyền" - ùi)
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #95 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2012, 03:53:36 pm »

Theo mô tả của Toàn thư cũng như của Nguyên sử thì trận này quân Trần chiến đấu rất anh dũng, “vua tự làm tướng đốc chiến đi trước xông pha tên đạn”, “Lê Phụ Trần cưỡi ngựa một mình ra vào trận giặc sắc mặt như thường…”, tuy nhiên, không cản được ba thê đội quân Nguyên tràn sang.

Trước thực tế diễn biến chiến trường, vua tôi nhà Trần có điều kiện nhìn nhận lại chiến lược của mình. Một số vẫn liều lĩnh chủ trương quyết chiến, một số khác mà Lê Phụ Trần là đại biểu, chủ trương rút lui bảo tồn lực lượng chờ thời cơ diệt địch.

Vua Trần đã chấp nhận ý kiến của Phụ Trần. Trong trường hợp này thì chấp nhận ý kiến đó cũng tức là chấp nhận chủ trương khai thác triệt để chỗ mạnh về đánh thủy của quân ta: đại quân rút về bến Lãnh Mỹ, sau đó một bộ phận lớn do vua chỉ huy, ngược dòng ra sông Hồng rút nhanh về Thăng Long chuẩn bị gấp cuộc tạm lánh về phía sông Thiên Mạc, một bộ phận nhỏ do Phú Lương hầu chỉ huy xuôi dòng về phía cầu Phù Lỗ, tiếp tục chặn giặc cho triều đình rút lui, để rồi khoảng nửa tháng sau đích thân vua Trần lại đem lâu thuyền lên đánh tan giặc.


Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #96 vào lúc: 02 Tháng Giêng, 2012, 03:55:47 pm »

Như vậy trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến lần thứ nhất, quân thủy mới chỉ được dùng như một phương tiện chuyển quân chứ chưa phải là phương tiện tiến công tiêu diệt địch.

Trong trận Bình Lệ Nguyên, quân thủy chở quân, voi, ngựa đến trận địa đã định, quân ta đổ bộ lên bờ dàn trận theo phương thức đánh bộ, quân thủy lui về bến Lãnh Mỹ (cách cánh đồng Bình Lệ hiện nay khoảng hơn 1 ki-lô-mét về phía hạ lưu), có nhiệm vụ chủ yếu là đón quân bộ rút chạy khi thế trận trên bờ không giữ được.

Đây là thế trận rất quen thuộc trong lịch sử chiến tranh ở nước ta gắn bó chặt chẽ với đặc điểm cơ động bằng thuyền của quân bộ. Chúng ta có thể gặp kiểu trận này ở trận Tu Mao (1069), trận vây đánh Thăng Long của tập đoàn họ Trần (1209) và sau này là trận Bãi Tân, Vạn Kiếp (1285)… Trong thế trận này, quân thủy không trực tiếp tham gia chiến đấu, nhưng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sinh mệnh quân lính trên bờ cũng như thành bại của trận đánh. Năm 1209, chỉ vì quân giữ thuyền rối loạn mà quân họ Trần đại bại trước quân nhà Lý. Năm 1285, nhờ có chiếc thuyền của Yết Kiêu ở Bãi Tân mà Trần Hưng Đạo thoát khỏi truy kích của quân kỵ Mông Cổ. Chính trong trận Bình Lệ Nguyên, nhờ giữ được thuyền mà quân ta bảo toàn được lực lượng, làm thất bại âm mưu chiến lược của quân Mông Cổ. Để chứng minh vai trò của quân thủy trong loại thế trận này, có thể dẫn ra lời nói của Hưng Hiếu vương xin Trần Hiến Tôn thưởng công cho những người giữ thuyền trong trận đánh người Ngưu Hống năm 1337: “Nếu không có người giữ thuyền, trong quân nghe tin là giặc lấy mất thuyền, thì quân sĩ có thể yên tâm mà đứng vững được chăng?”113.

Trong lịch sử chiến tranh ở nước ta, Bình Lệ Nguyên tiêu biểu nhất cho thế trận này, để tiện trình bày, xin gọi đó là thế trận Bình Lệ Nguyên.
---------------------------
113 Toàn thư, t. II, tr. 145.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #97 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2012, 08:02:12 pm »

Nhìn sâu toàn bộ lịch sử chinh phục của quân Mông Cổ, ta thấy thủ đoạn phổ biến của chúng là dùng sức mạnh quân sự áp đảo (dựa vào đội kỵ binh đông, thiện chiến), thực hiện các trận đánh quyết chiến tiêu diệt chủ lực của đối phương càng nhanh càng tốt, từ đó bắt đối phương đầu hàng, thần phục.

Ách thống trị mới của chúng được thiết lập bao giờ cũng chỉ gồm một bộ phận nhỏ quan lại, tướng lĩnh Mông Cổ, còn thì phải dựa vào bộ máy cai trị cũ. Đây là thủ đoạn chung của các đạo quân xâm lược, nhưng quân Mông Cổ, do số quân tinh song không đông, bộ máy quan lại có khả năng trực tiếp cai trị mỏng, nhất là trình độ xã hội, văn hóa thường không phát triển bằng các nước bị chinh phục, thì chiến lược đó càng trở nên bức thiết với chúng. Xâm lược Việt Nam lần này, chiến lược đó càng trở nên thúc bách hơn, bởi lẽ đạo quân của Ngột Lương Hợp Thai còn có nhiệm vụ nữa lớn hơn: tiến công vào phía nam Nam Tống cho kịp với ba mũi phía bắc của Đại hãn Mông Cổ. Hơn nữa, tình hình khí hậu, thời tiết và lương thảo sẽ là mối hiểm họa cho một cuộc chiến tranh kéo dài. Vì vậy, thủ đoạn tác chiến của Ngột Lương Hợp Thai rất rõ ràng: đánh tiêu diệt và bắt hàng vua Trần. Do đó, trong trận Bình Lệ Nguyên, việc tìm cách đánh chiếm đội chiến thuyền của ta ở Lãnh Mỹ trở nên có ý nghĩa chiến lược đối với quân Mông Cổ.

Như vậy, mặc dầu Bình Lệ Nguyên là một trận đánh bộ, nhưng do đặc điểm thế trận và mục tiêu chiến lược của cả đôi bên mà vấn đề quân thủy trở thành trọng tâm rõ nét. Thành bại của quân Mông Cổ không phải ở trận đánh mà ở chỗ chiếm thuyền, từ đó bịt khả năng rút lui của ta, tung quân kỵ truy kích bắt hàng vua tôi nhà Trần.

Theo Toàn thư, ngày 12 tháng chạp năm Đinh Tỵ (tức ngày 17-1-1258), cả quân tiền, hậu của Ngột Lương Hợp Thai đã kéo đến bên kia sông đối diện với cánh đồng Bình Lệ.

Nguyên sử cho ta biết rất rõ kế hoạch tác chiến của quân Mông Cổ. Tiếp tục truyền thống tác chiến của quân Mông Cổ, Ngột Lương Hợp Thai chia quân làm ba thê đội: tiền quân do Triệt Triệt Đô, trung quân do đích thân y chỉ huy, hậu quân do phò mã Hoài Đô và A Truật chỉ huy. Nhưng khác với bình thường, lần này tiền quân lại không có nhiệm vụ đánh thăm dò thẳng vào trận địa quân Trần ở bờ nam mà tiến theo một hướng riêng với nhiệm vụ đặc biệt.

Cũng theo Nguyên sử, quyển 209, sau khi chia quân, Ngột Lương Hợp Thai đã “trao phương lược riêng cho Triệt Triệt Đô rằng: Quân người qua sông rồi thì đừng đánh. Chúng nó tất sẽ đến chống ta, phò mã sẽ theo chặn phía sau nó, người lừa cướp lấy thuyền để nếu quân Nam tan bỡ thì chạy đến sông không có thuyền, tất bị ta bắt được114. Để làm nhiệm vụ này, cánh quân của Triệt Triệt Đô vượt sông dưới mạn hạ lưu, nơi quân ta để thuyền.
-------------------------------
114 Theo Đào Duy Anh, phần chú giải trong Toàn thư, t. II, tr. 286, 287, 288.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #98 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2012, 08:20:32 pm »

Phải thừa nhận Ngột Lương Hợp Thai tinh ý và nham hiểm, xứng với lời đánh giá của Trần Hưng Đạo trong Hịch tướng sĩ. Lần đầu tiên tiếp xúc với một đối tượng tác chiến như quân Trần, y đã phát hiện ra đúng chỗ hiểm của thế trận ta. Y đã đánh giá mục tiêu này rất cao, đến nỗi vì không chiếm được thuyền mà Triệt Triệt Đô đã sợ đến mức phải uống thuốc độc tự tử. Quân Mông Cổ tuy đã phá được đối trận của quân Trần, nhưng vì không chiếm được thuyền, nên đã thực sự thất bại về ý đồ chiến lược, từ đó dẫn chúng đến thất bại tất yếu của toàn bộ cuộc chiến. Nguyên nhân sâu xa không phải do sai lầm hiếu thắng của Triệt Triệt Đô, mà chính do Ngột Lương Hợp Thai đã không lường hết khả năng chiến đấu bảo vệ thuyền của quân Trần. Chắc chắn quân Trần đã tổ chức chặn đánh không cho Triệt Triệt Đô thức hiện âm mưu cướp thuyền thâm hiểm, bởi lẽ thế trận Bình Lệ Nguyên là loại thế trận đã khá định hình trong thời Lý – Trần.

Nhìn lại các trận đánh có áp dụng thế trận này trong lịch sử nước ta trước cũng như sau đó, hầu như không mấy khi quân ta sơ hở để đối phương lấy mất thuyền. Nếu như Ngột Lương Hợp Thai nhận ra chỗ hiểm này của ta thì chính quân Trần lại biết sâu sắc hơn để bảo vệ nó. Trong trận Bình Lệ Nguyên, bến thuyền Lãnh Mỹ quả là một điểm trọng yếu. Nhưng với thất bại của Triệt Triệt Đô và cuộc rút lui an toàn của vua tôi nhà Trần để chỉ nửa tháng sau đã đủ sức tiến công quét sạch quân Mông Cổ khỏi biên giới nước ta, cũng đủ thấy đó không phải là một điểm sơ hở.

Nhờ giữ được thuyền, quân ta rút lui an toàn, mặc cho quân kỵ Mông Cổ chạy đuổi bên bờ, bắn tên và nhìn theo bất lực.

Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #99 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2012, 08:23:08 pm »

Như vậy, quân Trần hành quân đến Bình Lệ Nguyên cũng bằng thuyền vả rút khỏi đó cũng bằng thuyền. Những thuyền này có khả năng chở cả voi, ngựa của các tướng lĩnh chỉ huy. Con đường hành quân đó là con đường nào? Theo chúng tôi đó là con đường từ Thăng Long ngược dòng sông Lô (tên gọi sông Hồng thời xưa) lên ngã ba sông Cà Lồ hiện đã bị lấp.

  Chỗ này hiện có tên là bãi Vân Cốc, dấu tích một cửa sông lớn thời xưa. Chênh chếch bên hữu ngạn, về phía hạ lưu là cửa vào sông Đáy (cửa Hát). Xưa kia hẳn đây là một khúc sông rất rộng. Đến tận gần đây người ta mới lấp hẳn cửa sông Cà Lồ thông với sông Hồng. Trong bản đồ Hồng Đức (bản Thư viện Khoa học số A. 2499), đây còn là một cửa sông rất lớn, nhận nước từ sông Hồng đổ qua sông Như Nguyệt (tức sông Cầu) vào Lục Đầu, rồi ra biển. Cũng theo cách diễn đạt của tác giả bản đồ thì sông Cà Lồ thời đó rất lớn và là một mạch chính của sông Cầu.

Quân Trần đi thuyền vào cửa sông Cà Lồ, xuôi bến Lãnh Mỹ, từ đây có thể dễ dàng ngược ra sông Hồng hoặc xuôi đến Phù Lỗ. Căn cứ vào quy luật chung của thế trận Bình Lệ Nguyên và yêu cầu phải đi gấp về kinh thành để tổ chức tạm lánh giặc, có thể vua Trần đã từ Lãnh Mỹ đưa đại quân ngược ra sông Hồng về Thăng Long và cho một bộ phận do tướng tôn thất Phú Lương hầu chỉ huy rút về Phù Lỗ chặn đánh quân giặc tiến theo đường bộ.

  Điều này phù hợp với ghi chép của Toàn thư. Tài liệu duy nhất nói vua Trần lui về Phù Lỗ là An Nam chí lược.

  Cương mục dựa vào Nguyên sử loại biênCương mục tục biên chép quân Mông Cổ ở lại Thăng Long chín ngày. Toàn thư chép: Ngày 24 tháng Chạp âm lịch (29-1-1258), lâu thuyền của quân Trần đánh tan quân Mông Cổ ở Thăng Long. Như vậy, chậm lắm thì ngày 15, quân Mông Cổ đã vào Thăng Long. Nếu vua Trần rút về Phù Lỗ, ngày 12 còn ở Bình Lệ Nguyên, ngày 13 đanh giặc ở Phù Lỗ, ngày 14 chặn giặc ở bến Đồng, thì không đủ thời gian để tổ chức cuộc so tán kinh thành dường như không được chuẩn bị từ trước. Cho nên nói vua Trần đưa đại quân đi thuyền từ Lãnh Mỹ ngược ra sông Hồng về Thăng Long là có lý hơn.


Sau trận Phù Lỗ, quân Mông Cổ tiến đến áp sát kinh thành thì quân Trần chủ động rút khỏi Thăng Long về trấn tại cụm căn cứ Thiện Mạc, trên khúc sông Hồng cách Thăng Long khoảng 20 ki-lô-mét về phía nam. Tại đây, nhà Trần củng cố lực lượng và chỉ chín ngày sau đã tổ chức cuộc phản công chiến lược quét sạch quân Mông Cổ khỏi bờ cõi. Trong cuộc phản công này, quân thủy với tư cách là một lực lượng tiến công đã đóng góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân Trần.
Logged

Ùi, úi, ui....
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM