Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:17:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm  (Đọc 152856 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #80 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2011, 03:13:54 pm »

*

Quân thủy thời Trần nằm trong tình hình chung của quân đội lúc đó. Vẫn như trước, quân thủy chưa tách ra thành một lực lượng độc lập, dù là một quân chủng hay binh chủng. Tuy nhiên, xu hướng chuyên hóa trong lực lượng vũ trang tất yếu dẫn đến những yếu tố tách biệt ngày càng nhiều giữa quân thủy và quân bộ.

Những bằng chứng rõ nhất của xu hướng chuyên hóa quân thủy có thể thấy trong tổ chức và biên chế.

Sử sách nói đến chế độ tuyển chọn quân thủy, dĩ nhiên mới chỉ là ở bộ phận quân thủy cần và dễ chuyên hóa nhất. Đó là quân chèo thuyền. Chuyên hóa quân chèo thuyền không phải là thời Trần mới có. Điểm mới ở thời Trần là yêu cầu chuyên hóa đó được đưa vào chế độ tuyển quân của nhà nước. Quân chèo thuyền bao gồm cả những người chỉ đơn thuần sử dụng mái chèo và những thủy thủ phải có một trình độ tay nghề nhất định, như những người điều khiển bánh lái, hệ thống buồm và điều khiển nhịp điệu, tốc độ của các tay chèo. Những quân này không cần khỏe nhưng cần biết nghề sông nước93.

Chức năng của quân chèo thuyền khá rõ ràng, khi binh thường thì bảo quản trông nom thuyền, khi có việc thì làm nhiệm vụ vận chuyển binh lính, chiến cụ đến địa điểm đã định. Khi đánh thủy thì điều khiển thuyền sao cho thuận tiện nhất để quân chiến đấu trên thuyền tác chiến, khi đánh bộ thì đổ quân đúng chỗ, đúng thời gian, sau đó làm luôn nhiệm vụ bảo vệ thuyền, hỗ trợ cho quân trên bộ tác chiến. Trong trận Bình Lệ Nguyên, trận Bãi Tân… vua Trần và Trần Hưng Đạo nhờ những người giữ thuyền này mà tránh được kỵ binh Nguyên truy kích. Tuy nhiên, biên chế rạch ròi như vậy cùng lắm mới chỉ có trong cấm quân hoặc một số nhỏ đơn vị quân thủy độc lập, như quân lộ Đông Hải, quân Bình Hải… Tương ứng với sự tách bạch ấy, lần đầu tiên chúng ta thấy chức thủy quân đại tướng quân do vua Trần phong cho Lê Phụ Trần năm 1259. Có lẽ đây chỉ là chức tướng cai quản bộ phận quân thủy độc lập trong cấm quân.
-------------------------
93 Năm 1246, nhà Trần tuyển quân. Quân hạng ba (tam đẳng) được sung vào làm trạo nhiphong đội. Dựa vào phép tuyển quân của nhà Lê sau đó, với quân thiện trạo, chúng ta có thể ngờ rằng trạo nhi ở đây là những người lính chèo thuyền. Trong đó đà công, tức người lái thuyền, có một vị trí đặc biệt quan trọng. Vê-di-xi – một nhà lý luận quân sự nổi tiếng của thế kỷ IV sau công nguyên – đã từng đánh giá rất cao vai trò của người lái thuyền trong hạm đội La Mã. Chúng ta cũng gặp một nhận xét tương tự của các nhà quân sự phương Đông: “Tính mạng của cả một thuyền quan hệ ở tay người lái. Tất phải lựa chọn những người lớn tuổi thông thạo, giỏi xem chiều gió, am hiểu thế nước và sung vào. Lại đặt người phó để phòng sự sơ hở. Lương thì cho khá, có công thì thường thêm” (Binh thư yếu lược, tr. 211).
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #81 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2011, 03:17:45 pm »

Quân chiến đấu trên thuyền cho đến hết thời Trần vẫn chưa thấy dấu hiệu được tuyển chọn và biên chế thành những đơn vị độc lập. Nhưng ở một số tướng lĩnh và một số đơn vị cá biệt, tùy theo địa bàn và nhiệm vụ hoạt động, sự chuyển hóa tướng thủy và lính thủy đã khá rõ ràng.

Điển hình nhất phải kế đến Trần Khánh Dư. Khánh Dư lớn lên ở vùng sông nước Chí Linh có biệt tài đánh thủy, nghi binh, phục kích. Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba, lần đầu tiên mở ra cục diện chiến tranh trên biển do quân Nguyên chính thức tổ chức một cánh quân đánh sang nước ta theo đường biển, Trần Khánh Dư lại được nhà Trần cử làm phó tướng, chỉ huy quân thủy đóng ngoài biển chặn đánh cánh quân này và ông đã làm nên chiến thắng Vân Đồn lịch sử. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà Khánh Dư lại được chọn làm phó tướng chuyên trách mặt trận đường biển trong năm ấy. Trước đó, năm 1282 Khánh Dư đang còn bị tội, phải lang thang sông nước bán than, đã được vua Trần tha bổng, giao trọng trách đánh giặc trên biển. Việc Hưng Đạo quên chuyện cũ (Khánh Dư thông dâm với công chúa Thiên Thụy, con dâu Hưng Đạo), chấp nhận Khánh Dư làm phó tướng của mình, càng cho thấy triều đình đã hy vọng vào Khánh Dư thế nào. Sau khi nhà Nguyên không dám nhòm ngó nước ta nữa, Khánh Dư tiếp tục được nhà Trần giao trấn thủ Vân Đồn, chuẩn bị tiền đề cho sự ra đời một đơn vị hải quân độc lập đầu tiên, đó là đội Bình Hải (1349). Lần theo những hoạt động quân sự sau này của Khánh Dư, ta thường thấy ông luôn luôn chỉ huy cánh quân thủy trong các cuộc hành binh hoặc đi trấn trị các nơi.

Xu hướng có những tướng lĩnh chuyên trách đánh thủy ngày càng rõ trong các cuộc chiến tranh cuối thời Trần. Trần Vấn (tức Hồ Vấn) và Đỗ Nguyên Thác là hai tướng thực sự cầm quân được giao lãnh phó tướng thủy bộ rất ổn định trong hai lần ra quân năm 1400 và 1403. Tuy vậy, cạnh đó còn có những tướng như Đỗ Mãn và quân như Long Tiệp, khi thì được điều sang cánh bộ, khi thì đưa sang cánh thủy. Điều đó phản ánh xu hướng chuyên hóa thủy bộ trong quân Trần, Hồ đã có nhưng chưa thực sự định hình.

Một số đơn vị quân thủy độc lập đã hình thành, đặc biệt xuất phát từ nhu cầu quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, như quân thủy lộ Đông Hải và đơn vị quân Bình Hải đóng ở Vân Đồn.

  Năm 1266, tháng hai, “thủy quân lộ Đông Hải đi tuần biên giới, đến núi Ô Lôi (ngọn núi ở phía đông của vịnh Khâm – T.G.), do đó biết được kỳ quân Nguyên sang lấn” (Toàn thư, t. II, tr. 38). Quân thủy đóng ở Vân Đồn, theo lời Trần Khánh Dư “là để ngăn giữ giặc Hồ (tức quân Nguyên)” đồng thời làm nhiệm vụ quản lý việc đi lại buôn bán của tàu thuyền nước ngoài đến vùng này ngày càng sầm uất. Toàn thư, t. II, tr. 152, chép vào năm 1349 “tháng 11… đặt quan trấn, quan lộ và sát hải sứ ở trấn Vân Đồn, lại đặt quân Bình Hải để đóng giữ. Trước kia, thời nhà Lý, thuyền buôn đến thì vào các cửa biển Tha, Viên ở châu Diễn, cửa biển nông cạn, phần nhiều thuyền buôn đỗ ở Vân Đồn nên có mệnh này”.

Đây là những hiện tượng rất đáng chú ý, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong lịch sử quân thủy tiếp tục một khuynh hướng đã hình thức rõ nét từ cuối thời Lý nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ và khai thác các nguồn lợi biển, tiến tới xác lập chủ quyền vùng biển với ý thức của một quốc gia độc lập tự chủ.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #82 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2011, 03:21:22 pm »

Xu hướng tách biệt giữa quân thủy và quân bộ còn thể hiện khá rõ trong nghệ thuật tác chiến. Từ cuối thời Lý, các cuộc hành quân chia làm hai mũi thủy, bộ độc lập cùng phối hợp giải quyết một mục tiêu quân sự đã bắt đầu phổ biến. Nhưng trong lịch sử nghệ thuật quân sự nước ta, việc chia làm hai mũi thủy, bộ với hai lực lượng tương đối độc lập, và dần có hướng chuyên hóa thì phải đến cuối thời Trần mới là hiện tượng tương đối phổ biến. Vấn đề này liên quan chặt chẽ với việc chia quân đội thành hai lực lượng thủy, bộ độc lập. Phải đến thời Lê, ta mới thấy điều đó một cách thường xuyên và ổn định.

Nói quân thủy tách dần khỏi quân bộ cũng tức là nói quân bộ dần tách khỏi quân thủy. Những nhiệm vụ đặt ra trong ba cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên nhằm chống trả có hiệu quả với đôi quân rất thạo đánh bộ cũng như các hoạt động quân sự đối phó với các tù trưởng miền núi phía tây, tây-bắc, đặc biệt với Ai Lao trong những năm giữa thời Trần đã thúc đẩy quân Trần phát triển kỹ năng đánh bộ đã cơ từ thời Lý, tích cực tiếp thụ nghệ thuật đánh bộ qua lịch sử chiến tranh các đời phương bắc, phương nam, tạo ra tiền đề tổ chức những đơn vị chuyên đánh bộ và những viên tướng giỏi đánh bộ. Điển hình cho các tướng giỏi đánh bộ có thể nhắc đến Phạm Ngũ Lão và công lao gắn liền với hoạt động quân sự chống các thổ tù miền tây và Ai Lao. Hình ảnh Trần Khánh Dư, Yết Kiêu94 nổi lên như những tướng thủy chuyên nghiệp và Phạm Ngũ Lão, Dã Tượng như những tướng chuyên đánh bộ cùng với những võ công cả thủy lẫn bộ (dĩ nhiên thủy vẫn là chính) rất oanh liệt trong thời Trần, chính là tấm gương phản ánh xu hướng chuyên hóa trong quân đội thời Trần. Không có sự chuẩn bị này thì không thể có bước phát triển trong tổ chức biên chế thời Hồ và sự hoàn thiện tổ chức biên chế trong thời Lê sau đó.

Xu hướng chuyên hóa trong quân đội vẫn nằm trong xu hướng chung: coi trọng đường thủy, quân thủy. Cơ động bằng thuyền, triệt để khai thác địa bàn sông biển trong bố trí lực lượng và thủ đoạn tác chiến đường thủy vẫn là phương châm chiến lược của quân đội nhà Trần. Vua tôi nhà Trần rất tôn trọng đồng thời rất biết chỗ mạnh của gốc gác nhà mình, do đó không phải ngẫu nhiên các vua Trần rất có ý thức gìn giữ truyền thống sông nước (Thượng hoàng Trần Thái Tôn dặn con cháu: “Nhà ta vốn là người ở hạ bạn”. Dòng họ Trần và toàn quân có thói quen thích hình rồng vào người).

Cũng không phải ngẫu nhiên nhà Trần năm 1274 lại chọn Lê Phụ Trần, một viên thủy quân đại tướng quân nổi tiếng làm giáo thụ cho thái tử Khảm, ông vua của hai cuộc kháng Nguyên nổi tiếng. An Nam chí lược chép trong phần Phong tục nói: thời Trần “Trời nóng nực, dân thích tắm ở sông, vì thế chở thuyền giỏi, ở nước quen…”. Truyền thống đó hết sức phù hợp với truyền thống sông nước lâu đời của dân tộc ta và đã đưa quân thủy đi tới những bước phát triển mới.
--------------------------
94 Yết Kiêu là gia nô của Trần Quốc Tuấn, hình ảnh tượng trưng cho tài nghệ đánh thủy của một người lính trong đội quân riêng của Trần Quốc Tuấn. Theo Công dư tiệp ký được Phan Huy Chú ghi lại trong Dư địa chí tương truyền rằng Yết Kiêu làm nghề bán trai, hến biển, một lần lấy đòn gánh đánh hai con trâu biển đang chọi nhau, vì thế có một sợi lông trâu dính trên đầu đòn gánh, ông bèn nuốt đi, từ đó trở nên khỏe mạnh khác thường “lội nước như đi trên mặt đất”. Yết Kiêu có nghĩa là ngăn chặn cuộc chọi trâu đó. Tên tuổi ông gắn liền với kỹ thuật lặn dưới nước dùng dùi đục thủng thuyền địch.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #83 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2011, 03:27:39 pm »

Cùng với việc tăng số quân thường trực và khả năng huy động binh dịch, số thuyền chiến phục vụ trong quân đội cũng tăng lên nhiều. Nếu thời Lý, số thuyền trong các cuộc hành quân chỉ tính tới con số hàng trăm, thì nay, ta bắt gặp những con số hàng ngàn thuyền chiến.

  Trong trận Vạn Kiếp năm 1285 không kể số thuyền chiến của Trần Hưng Đạo, riêng số thuyền do vua Trần đem đến cứu viện cũng tới hơn một nghìn. Cũng theo Nguyên sử, sau đó ít lâu, Trần Hưng Đạo và điện tiền chỉ huy sứ Phạm Cự Địa lại đem hơn nghìn thuyền trở về Vạn Kiếp. Theo cách ghi của Nguyên sử, những con số trên đây không phải là tuyệt đối chính xác, nhưng nếu đặt nó trong các số liệu thuyền chiến, tương đối chính xác do nhà Minh kiểm kê tài sản chiếm được trong cuộc xâm lược nước ta năm 1407 (An Nam chí nguyên: 8.670 chiếc thuyền) có thể chấp nhận tính chất hợp lý của con số hơn một nghìn thuyền chiến của quân Trần.

Thuyền chiến thời Trần do nhiều nguồn tạo ra, tương ứng với các nguồn quân đội đương thời. Bộ phận chính là thuyền của quân thường trực do triều đình trực tiếp quản lý. Chính Lê Phụ Trần với chức thủy quân đại tướng quân là người chỉ huy số thuyền này trong những năm sau cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Những thuyền hiện đại nhất như Châu Kiều, thuyền đinh sắt “Trung tàu tải lương”… đều thuộc bộ phận này. Một số khác do các lộ tự trang bị cho quân của lộ mình. Số đông còn lại là do các vương hầu cũng tự trang bị cho quân riêng của mình.

Toàn thư còn ghi lại rất nhiều mệnh lệnh của triều đình, mỗi khi có việc chinh chiến, hô hào các lộ, các vương hầu đóng thuyền chiến để sẵn sàng chịu sự điều động. Tình hình này giải thích hiện tượng: trong các cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên, quân Trần đi tới đâu cũng có thuyền, mặc dầu nhiều khi phải bỏ thuyền để đánh lừa giặc.

Vào cuối thời Trần, đầu thời Hồ, thế lực vương hầu giảm dần, cùng với xu thế tập trung quân đội trong tay triều đình, thuyền chiến cũng dần dần được quy về một mối.

Theo ghi chép của một sứ giả nhà Nguyên là Trần Phu, sang sứ nước ta vào năm 1292, thì loại thuyền phổ biến thường có 30 mái chèo. Loại này có lẽ tương ứng với loại thuyền Mông đồng của các thời trước, với 32 tay chèo và 25 lính chiến đấu. Đây cũng là loại thuyền chiến thường thấy của quân thủy Chiêm Thành và Chân Lạp đương thời mà theo thống kê của P. Paris, thuyền trong những trận thủy chiến được khắc trên các phù điêu Ăng-co, số mái chèo trung bình khoảng 25 – 40 chiếc (cả hai mạn). Nếu cho rằng kỹ thuật đóng thuyền thời Trần không có gì thay đổi lớn so với thời Lê sau đó, ta có thể dựa vào kích thước thuyền chiến thời Lê mà ước rằng loại thuyền 30 chèo phổ biến ở thời Trần dài khoảng 20 mét, rộng hơn 3 mét, tương ứng với thuyền chiến hạng trung thời Lê95. Ngoài ra, Trần Phu còn được chứng kiến tận mắt những thuyền thời Trần có tới 100 tay chèo. Đây có thể là loại thuyền 100 mái, nhưng cũng có thể là loại thuyền có khoảng 50 mái chèo, mỗi mãi có hai người đẩy. Ghi chép về loại thuyền Trung tàu tải lương của họ Hồ, với mái chèo lớn phải hai người đẩy và kích thước số mái chèo của loại thuyền lớn nhất thời Lê, cho thấy khả năng thứ hai hợp lý hơn. Loại thuyền này ứng với loại thuyền biển lớn nhất thời Lê với khoảng 50 cột chèo, dài khoảng 30 mét, rộng hơn 4 mét.
-----------------------------
95 P. Poris, Les Bateaux des Bas – Reliefs Khmers BEFEO, XVI tr. 358.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #84 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2012, 04:11:48 pm »

Bên cạnh những loại thuyền đặc chủng đã thấy từ đời Lý thì trong thời Trần và Trần – Hồ, sử sách còn nhắc đến hai loại thuyền chiến mới. Đó là thuyền Châu Kiều và thuyền đinh sắt. Năm 1389, Toàn thư chép việc Hồ Quý Ly vâng mệnh vua Trần đem quân đánh nhau với quân Chiêm, có đoạn: “Quý Ly về đến kinh sư, xin phái thêm thuyền chiến Châu Kiều. Thượng hoàng không cho…”96. Đây là một loại thuyền chiến lần đầu tiên thấy sử sách ta nhắc đến và trong văn cảnh của Toàn thư, nó được miêu tả như một loại chiến cụ lợi hại mà Hồ Quý Ly hy vọng có thể đuổi được quân Chiêm.

Năm 1403 và 1040, sau khi họ Hồ phế truất nhà Trần hai lần Toàn thư nhắc đến việc Hồ Hán Thương đóng thuyền đinh cho quân thủy đánh Chiêm và chuẩn bị chống Minh97. Loại thuyền đinh sắt lớn khá lợi hại, mỗi mãi chèo có hai người đẩy, lòng thuyền chia làm hai tầng, tầng dưới dành cho lính chèo thuyền, tầng trên lát sàn để lính chiến đấu dễ bề hoạt động. Để đảm bảo bí mật, những thuyền này được ngụy trang như loại thuyền tải lương, với những tên như Trung tàu tải lương, Cổ lâu thuyền tải lương. Phải chăng đây chính là loại thuyền hai đáy từng thấy trong quân thủy thời Lý.


Thuyền Hải cốt - có lẽ có cấu tạo tương tự như thuyền đinh sắt

Thuyền “đinh sắt” có lẽ ám chỉ loại thuyền được đóng ghép bằng những đinh sắt hoặc ốp những đinh sắt có đầu đinh lớn để tăng sức đấu thuyền như những thuyền chiến thế kỷ XVII – XVIII. Kỹ nghệ dùng đinh đóng thuyền, theo ghi chép của sức sách, dường như không phải là truyền thống đóng thuyền của nước ta. Mao Nguyên Nghi sống vào đầu thời Minh, trong Vũ bị chí, khi so sánh cách đóng thuyền của Trung Quốc với Đại Việt, đã nhận xét: thuyền nước Nam thì xẻ gỗ thành ván to, sau đó ghép lại, không đóng đinh, chỉ lấy phiến sắt ken liền, không xảm bằng sợi gai tẩm dầu đồng, chỉ lấy cỏ, tre nhét vào chỗ hở thủng…98.
-----------------------
96 Toàn thư, t. II, tr. 205, Hiện nay chúng ta chưa rõ loại thuyền này ra sao. Trong Vân đài loại ngữ, quyển 9 : Phàm vật, Lê Quý Đôn có kể đến một loại thuyền tên là mộc mã (ngựa gỗ) hoặc còn gọi là Giang Kiều: “làm bằng gỗ cây chưởng và cây phong, đầu đuôi thấp mà giữa hơi cao, chân làm bằng tre, trên lợp lá, hai bên lát ván gỗ có thể đi lại được… dài hơn 4 trượng, rộng 7 thước” Loại thuyền này phổ biến ở khu vực nam sông Dương Tử, từ Hồ Nam đến Quảng Tây. Liệu có mối liên hệ gì giữa thuyền Châu Kiều thời Trần với loại Giang Kiều này không?

97 Toàn thư, t. II, tr. 236, 239.

98 Dẫn lại trong Lê Quý Đôn: Vân đại loại ngữ, sách đã dẫn, t. II, tr. 150.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #85 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2012, 04:18:17 pm »

Ta cũng có thể gặp nhận xét như vậy của viên quan Tống là Chu Khứ Phi khi mô tả cách đóng thuyền của thổ dân ven biển Quảng Đông mà bấy giờ không khác với cư dân ven biển Đông-bắc nước ta là bao: “Những châu quận ven biển ở vùng thâm Quảng, khó kiếm được đinh sắt đầu đồng, họ làm thuyền bằng cách lấy ván xuyên sợi mây qua mà buộc lại. Chỗ đường buộc mây thì họ lấy cỏ thiến mọc ở bờ biển, phơi khô mà nhét vào. Thứ cỏ ấy gặp nước thì trương ra, vì thế thuyền không bị rỉ nước vào. Thuyền rất lớn, người buôn bán vượt biển lớn đều dùng thuyền ấy…”99.

Như vậy, thuyền đinh sắt thời Hồ có thể xuất phát từ những nhu cầu đặc biệt của quân thủy, ví dụ để tăng độ lớn của thuyền hoặc tăng độ bền vững trong những trận đấu thuyền.

Vấn đề có tính chất cách mạng nhất trong quân thủy cuối thời Trần là sự xuất hiện những pháo thuyền đầu tiên. Năm 1390, trong một trận chặn đánh quân Chiêm ở cửa Hải Triều, (ngã ba sông Hồng – sông Luộc hiện nay, tướng Trần là Trần Khát Chân đã dùng pháo thuyền bắn chết vua Chiêm là Chế Bồng Nga100. Đây là một hiện tượng xuất hiện rất sớm trên thế giới, khi hỏa khí hình ống được đưa lên thuyền với tư cách là vũ khí của thuyền. Chúng ta sẽ bình luận nhiều hơn về sự kiện quan trọng này trong các chương sau, vi sự phát triển của nó gắn liền với toàn bộ lịch sử chiến tranh, lịch sử quân thủy từ thời Hồ trở đi.

Thuyền chiến thời Trần thường được nhắc đến trong ba loại lớn, cũng là ba cỡ lớn nhỏ khác nhau, ứng với nhiệm vụ khác nhau. Thuyền lớn (đại chiến thuyền) (đôi chỗ sử sách nhà Nguyên gọi là chiến hạm) thường là thuyền của tướng chỉ huy, thuyền đối thủy – dùng sức thuyền chọi thuyền, có khả năng đi biển tương đối tốt.

  Những thuyền này được dùng chặn ngang sông Bạch Đằng để buộc quân Nguyên phải thoát theo đường sông Chanh, nơi quân Trần bố trí bãi cọc (bia Lý Thiên Hựu trong Từ Khê văn cảo, quyển 18, của Tô Thiên Tước). Trong Toàn thư, những ghi chép vào cuối thời Trần đã có ý phân biệt khá rõ loại thuyền này: “Quý Hợi, năm thứ 7 (1383)… mùa xuân, tháng giêng, sai Hồ Quý Ly đem thủy quân đi đánh Chiêm Thành. Bấy giờ mới đóng chiến thuyền lớn, có các hiệu Diễm Dã, Ngọc Đột, Nha Tiệp…” Năm 1389, Nguyễn Đa Phương đã “hạ lệnh cho các quân dăng nhiều cờ xí, buộc thuyền lớn vào cọc, sai người canh giữ, rồi lấy thuyền nhẹ trốn đi trong đêm”. (Toàn thư, t. II, tr. 195, 205).

Loại thuyền cỡ trung bình là loại thuyền phổ biến nhất mà chúng ta đã thấy nhiều trong các phần trước, với khoảng 30 tay chèo và khoảng 20 – 30 lính chiến đấu. So sánh với cách tổ chức quân thủy thời Lê Trung Hưng, có thể nghĩ rằng mỗi thuyền tương ứng với một đô trong biên chế của quân Trần.

  Ở đây có một vấn đề nảy ra là phải chăng sự chênh lệch về số quân một đô ghi trong Toàn thưAn Nam chí lược (80 người và 50 người) là do Toàn thư đã cộng cả vào đó những đơn vị quân triều đình – số quân chèo thuyền của từng đô, trái lại An Nam chí lược ghi biên chế chung cho mọi đô theo nguyên tắc 10 ngũ là một đô. Do đó có thể số lính chiến đấu trên một số thuyền sẽ cao hơn.
---------------------------
99 Lĩnh ngoại đại đáp, quyển 6, Môn khí dụng.

100 Toàn thư, t. II, tr. 207.
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Giêng, 2012, 04:25:18 pm gửi bởi ùi » Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #86 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2012, 04:28:47 pm »

Trang bị cho thuyền hạng lớn và hạng vừa chủ yếu là trang bị cho từng cá nhân lính chiến đấu, gồm chủ yếu cung nỏ, mộc che và các loại bich khí thông thường khác (gươm, giáo, lao…). Điểm khác đội quân trên bộ là một tỷ lệ cao lính trên thuyền có sào dài (can phách) và câu liêm.

  Chúng ta đã đào được một số câu liêm thời Trần. Loại vũ khí này có cán dài, lưỡi sắt và có thể bổ, móc giật hoặc đâm nếu lắp thêm một ngọn giáo ở đầu cán. Trong Nguyên sử có chép về trận Bạch Đằng: “Phan Tiếp bị thương, nhảy xuống nước, giặc lấy câu liêm móc lên”. (Nguyên sử, quyển 166, Phàn Tiếp truyện).


Câu liêm

Loại thuyền thứ ba cũng thường thấy là thuyền nhỏ (tiểu thuyền) hay thuyền nhẹ (khinh thuyền). Bao giờ đây cũng là thuyền cơ động nhanh. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, vua Trần thấy tình hình Vạn Kiếp khẩn cấp đã dùng thuyền loại này từ Thăng Long đi gấp ra Vạn Kiếp, sau đó cũng nhờ loại thuyền này vượt qua cuộc truy lùng ráo riết của bọn Giảo Kỳ, Lý Hằng, Ô Mã Nhi. Trong trận Bạch Đằng, Nguyễn Khoái đã dùng một đơn vị gồm toàn những thuyền loại này để khiêu chiến, điều khiển tốc độ hành quân của quân thủy Nguyên, lừa chúng vào ổ phục kích… Sớm hơn nữa, từ năm 1241, trong một cuộc đột kích vào châu Khâm, Liêm, Trần Thái Tôn đã từng “bỏ thuyền lớn trong cõi, chỉ đi bằng các thuyền nhỏ Kim Phượng, Nhật Quang, Nguyệt Quang…”101.

Cũng có cơ sở để chia thuyền chiến thời Trần thành các loại thuyền tải lương, thuyền chở lính đổ bộ, thuyền đối thủy, thuyền liên lạcthuyền chỉ huy.

Trong thực tế, quân thủy Trần chưa phân chia rạch ròi như vậy một cách cụ thể. Tuy nhiên, trong từng trường hợp cụ thể, có những loại thuyền chuyên trách chức năng riêng biệt.

Phần lớn thuyền thời Trần dùng làm phương tiện cơ động của quân đội. Thông thường thuyền chở quân đến địa điểm đã định, đổ quân lên bờ dàn trận hoặc tiếp tục thực hiện những mục tiêu quân sự trên bộ. Trận Bình Lệ Nguyên, trận Bãi Tân, trận Vạn Kiếp, trận Đông Bộ Đầu… đều thực hiện theo phương thức trên. Đó là phương thức hành quân tác chiến phổ biến của quân đội các triều đại phong kiến ở nước ta chứ không riêng thời Trần. Nhưng ở thời Trần, chúng ta có thể tìm được những ví dụ rất điển hình.
------------------------
101 Toàn thư, t. II, tr. 18.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #87 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2012, 04:36:43 pm »

Một số khác không nhiều là thuyền đối thủy. Những thuyền này đảm nhiệm những trận thủy chiến, trong đó đối phương cũng có quân thủy. Bộ phận lính chiến đấu trên thuyền cũng như lính chèo lái đều mang tính chất chuyên thủy hơn các lực lượng khác. Họ chịu sóng tốt, giỏi bơi lặn và ít nhiều có kinh nghiệm chiến đấu trên mặt nước. Trong trận thủy chiến ở Vạn Kiếp, cửa Hải Thị (1285), đặc biệt trong những trận thủy chiến ở vùng biển đông-bắc do Trần Khánh Dư chỉ huy và trận Bạch Đằng do Nguyễn Khoái chỉ huy, chúng ta thấy rất rõ nhu cầu cũng như sự có mặt của những thuyền đối thủy. Các thuyền đinh sắt của Hồ Hán Thương sau này chính là sự hình thành ổn định và chuyên hóa loại thuyền đối thủy đó.

Thuyền liên lạc là những khinh thuyền (thuyền nhẹ), rất cơ động, thường làm nhiệm vụ liên lạc hoặc do thám. Loại thuyền này không chở nhiều quân, cũng không cần lớn. Ở thời Lê, thuyền loại này thường có từ 8 –10 mái chèo, dài khoảng 15 mét, rộng 2,5 mét.

Thuyền chỉ huy dành cho vua hoặc tướng lĩnh, vương hầu. Những thuyền này khá lớn, đông quân bảo vệ, nhiều cờ xí, trang điểm đẹp. Trong trận đột kích vào Khâm Châu, năm 1241 hoặc trong trận Bạch Đằng, vua Trần đều dùng loại thuyền này (Toàn thư thường chép là ngự bạc. Bạc là một đơn vị thuyền lớn, có khả năng đi biển).

Hình dáng cụ thể của thuyền thời Trận hiện nay chỉ có thể biết qua mấy dòng chú thích trong An Nam tức sự của Trần Phu: “Thuyền nhẹ mà dài, ván mỏng, đuôi như cánh chim uyên ương, hai bên mạn thuyền cao hẳn lên, 30 người chèo, có khi đông lên đến hơn 100 người, thuyền lướt nhanh như bay”. Về căn bản, đó vẫn là những thuyền hoạt động trên sông là chính.


Du đỉnh - Thuyền chỉ huy thời Trần chắc giống như loại thuyền này?!
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #88 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2012, 04:41:44 pm »

Song song với việc tăng cường số lượng và chất lượng thuyền chiến, nhà Trần chú trọng mở rộng và hoàn thiện mạng lưới giao thông thủy, trong đó đặc biệt chú ý đến hệ thống sông ngòi, cảng biển ở phía nam.

Hệ thống đường sông và đường biển ở đồng bằng trung tâm đất nước và khu vực phía bắc, đông-bắc đã tương đối ổn định từ thời Lý, nhà Trần chỉ hoàn thiện thêm mà thôi. Sông Tô Lịch – cửa họng của kinh thành Thăng Long thông ra sông Hồng, sông Đáy – thường xuyên được nạo vét. Dường như cùng với sự đóng kín dần của Hồ Tây và sự mở mang kinh thành Thăng Long cả về quy mô lẫn mật độ dân số, đã khiến dòng sông quan trọng này có xu hướng cạn dần. Trong thời Trần, đã nhiều lần khai đào lại sông Tô Lịch, đặc biệt mỗi khi có chiến tranh hoặc lễ hội lớn.

Một con sông nữa được nhà Trần cho khai đào vào cuối năm 1390 là sông Thiên Đức (sông Đuống), sang thời Lê lại được vét một lần nữa. Đó là con đường thủy chiến lược nối hệ thống sông Hồng với hệ thống Lục Đầu.

Hoạt động chủ yếu của nhà Trần ở phía bắc trong lĩnh vực này là tăng cường khả năng quản lý và khai thác. Những vị trí then chốt trên các trục sông dần dần mở thành những cửa quan quan trọng trong chiến tranh và nơi kiểm soát, thu thuế rong thời bình. Cuối Trần, đầu Hồ, các cửa quan mở rộng tính chất hành chính và kinh tế. Năm 1392, đặt đồn bảo ở các cửa quan sông để chống cướp; năm 1399 xuất hiện một số sở tuần kiểm, như sở tuần kiểm ở sông Đại Lại có căng dậy ở giữa sông để thuyền ngược dòng bám vào mà đi theo thứ tự; năm 1400, lần đầu tiên xuất hiện những trạm thuế ở các chốt cửa quan đó, lần đầu tiên nhà nước thu thuế các thuyền buôn trong nội địa…

Những cảng biển và hải đảo xung yếu cũng được nhà Trần lưu tâm quản lý. Đáng nói nhất là Vân Đồn. Do tính chất quan trọng cả về mặt quân sự lẫn ngoại thương, nhà Trần từ đầu đã xây dựng nơi đây thành chốt quân sự. Đến năm 1349, nhà Trần đã nâng trang Vân Đồn thời Lý thành một trấn độc lập với một đơn vị quân thủy riêng, được coi như mầm mống đầu tiên của hải quân nước ta. Đó là quân Bình Hải102. Những cảng biển khác ở phía nam cũng đặt quan quân phòng thủ và quản lý, đặc biệt từ cuối thời Trần quân Chiêm thường hay tiến công vào các cảng đó. Thậm chí thời Trần Anh Tôn, nhà Trần còn có lần định kiểm soát luôn cả việc buôn bán với thuyền nước ngoài ở cảng Thị Nại bấy giờ còn thuộc Chiêm Thành103.

Tiếp tục những công trình khai đào sông ngòi từ các đời trước theo hướng tiến dần xuống phía nam, nhà Trần liên tục cho nạo vét, đào thêm. Hệ thống kênh Vi, Trầm, Hào được vét từ năm 1231 tiếp tục mở rộng trong những năm 1357, 1374, 1382, 1399 kéo dài đến tận cửa biển Kỳ Hoa (tức cửa Khẩu thuộc xã Kỳ La, huyện Kỳ Anh, Nghệ Tĩnh). Năm 1404, Hồ Hán Thương tham vọng đào tiếp đoạn kênh từ Tân Bình đến Thuận Hóa – kênh Liên Cảng – nhưng không thành. Có thể nói, nếu thời Lê Hoàn và cả thời Lý sau đó, hành trình vào Chiêm Thành thường được sử cũ mô tả với đầy những sự kiện nguy hiểm, thần bí thì nay đã trở thành chuyện bình thường. Trong thời Trần và thời Hồ, có thể tính hàng chục lần quân Trần hành quân xuống phía nam cũng như quân Chiêm vượt biển lên phía bắc. Chính thời này, trong quan niệm phân chia hành chính, ngoài Hải Đông chỉ khu vực ven biển và hải đảo gồm các vùng Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh hiện nay, còn xuất hiện thêm Hải Tây chỉ miền biển và các châu lộ miền trung nước ta, tức vùng biển Thanh, Nghệ, Tĩnh bấy giờ.
----------------------
102 Toàn thư, t. II, tr. 152.

103 Toàn thư, t. II, tr. 98.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #89 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2012, 04:50:40 pm »

Trong tình hình giao thông như vậy, theo dõi diễn biến của các hoạt động quân sự thời nay, thấy nổi lên khá rõ nét một số căn cứ quân thủy và chốt ải phòng thủ đường thủy quan trọng, ứng với địa bàn chiến lược và trục giao thông chính của đất nước.

Vấn đề phòng thủ đường biển chính thức được đặt ra từ thời Lý với những hoạt động của quân thủy Lý Kế Nguyên phòng chống hoạt động do thám, xâm lược của Tống, với chủ trương tăng cường khả năng quản lý, phòng thủ ở châu Vĩnh An, trang Vân Đồn, cũng như việc vua Lý thân chinh đi kiểm tra và cho vẽ bản đồ, ghi chép sản vật ở biển năm 1171. Trước đó, thời Ngô, Đinh, Tiền - Lê việc phòng thủ đường biển đã từng đặt ra, nhưng chưa thành hiện tượng thường xuyên, ổn định, mà mang tính chất nhất thời, tùy theo mức độ đe dọa của nguy cơ xâm lược từ bên ngoài. Sang thời Trần, do sự trưởng thành của ý thức chủ quyền vùng biển, nhu cầu khai thác và quản lý biển, nhất là để đối phó hiệu quả với những âm mưu xâm lược của kẻ thù phương Bắc, nhà Trần hoàn thiện thêm một bước hệ thống phòng thủ biển.

Đáng nói nhất là việc mở rộng đơn vị hành chính Vân Đồn và đặt ở đây một quân độc lập – quân Bình Hải – có nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ vùng biển đông-bắc làm cơ sở quyền lực cho việc thu mối lợi ngoại thương ở đây. Từ năm 1282, sau hội nghị quân sự Bình Than, chiến lược đánh thủy được khẳng định trong đường lối kháng chiến chống Nguyên của nhà Trần, đồng thời khả năng mặt trận trên biển cũng xuất hiện với việc nhà Nguyên rục rịch binh thuyền do Toa Đô chỉ huy tiến đánh Chiêm Thành, thì Trần Khánh Dư, viên tướng thủy nổi tiếng của quân Trần, mặc dù đang bị tội, đã được nhà Trần tha bổng, trao chức phó đô tướng quân phụ trách mặt trận đường biển, đóng căn cứ ở Vân Đồn. Tại đây, rào gỗ được dựng lên quanh những nơi buôn bán và bãi biển xung yếu của đảo. Trang phục, mũ nón của dân trong đảo được quy định để phân biệt với người nước ngoài và nhất là đề phòng người Trung Quốc trà trộn do thám. Nhiệm vụ đóng quân ở đây được Khánh Dư tuyên bố rất rõ ràng; “Quân đóng ở Vân Đồn là để ngăn giữ giặc Hồ”104. Khi Khánh Dư đến, ngoài đơn vị quân riêng của mình, trên đảo còn quân các trang (chư trang quân), chứng tỏ lúc này Vân Đồn không còn là một trang như thời Lý nữa, mà là đã mở rộng thành nhiều trang. Đó chính là cơ sở vật chất để mấy chục năm sau, nhà Trần nâng nó lên thành một trấn. Tương ứng với trấn Vân Đồn, có một quân, tức 30 đô với khoảng hơn 2.000 quân105.

Có thể hình dung ở Vân Đồn, từ năm 1349, thường xuyên có khoảng 30 thuyền trực chiến, không kể số quân binh dịch. So với các đồn bảo sau này của Lê, Nguyễn thì thời này, đây là một đơn vị đồn trú khá lớn.
---------------------------
104 Toàn thư, t. II, tr. 66.

105 Chúng tôi cho rằng, quân Bình Hải là một đơn vị quân thủy độc lập, có biên chế lính chèo thuyền riêng, vì vậy một đô có thể tính theo con số 80 người, tức là vẫn gồm 10 ngũ lính chiến đấu (một ngũ có năm người), cộng thêm khoảng 30 tay chèo.
Logged

Ùi, úi, ui....
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM