Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 11:07:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm  (Đọc 153105 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #70 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2011, 07:56:57 pm »

Với quân Tống, trận này được coi như một trận phục binh nhử quân ta sang đánh, nhằm mục đích bắt ta “phải hàng”. Với quân Lý, trận này cũng như các trận trước, đều nhằm mục đích đuổi quân Tống giữ nước. Kết cục của trận đánh được lịch sử xác nhận: quân Tống rút khỏi sông Cầu một cách hốt hoảng, hỗn loạn đạp xéo lên nhau, lui về giữ châu Quảng Nguyên, sau khi đã bắt quân ta “hàng”. Thực chất của cuộc viễn chinh hao người tốn của đến gần như liều mạng này của nhà Tống không phải để cuối cùng nhận được sự “đầu hàng” suông của quân Lý. Như lời Tống Thần Tông đã dặn Quách Quỳ, cuộc ra quân lần này nhằm đổi tiền của và xương máu người Trung Quốc lấy cả dải đất Đại Việt giàu có. Nhưng, vua tôi nhà Tống đã không lường hết được sức mạnh của quân dân Đại Việt. Sau hai trận vượt sông hòng giành thế chủ động, bị thất bại hoàn toàn, quân Tống hầu như hết khả năng giành thắng lợi, rơi vào tình thế bị động. Tính mạng đội quân xâm lược Tống bị tình trạng bệnh tật, thiếu lương đe dọa. Trước tình hình đó, Lý Thường Kiệt với ý chí “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!” (Nếu quân bay xâm phạm đất này, thì chúng mày sẽ được chứng kiến thất bại), đã chuyển từ thế thủ sang thế công và quyết định tập kích lớn sang bờ bắc66.

Việt sử lược cũng như các sách Tống đều nhắc đến việc hai thái tử là Hoằng Chân và Chiêu Văn tham gia và anh dũng hy sinh. Điều đó chứng tỏ quân thủy đóng vai trò rất lớn trong trận này.

Dựa vào sử sách cũng như kết quả điều tra thực địa, có thể nhận ra hai khu vực bên bờ bắc đã diễn ra xung đột lớn, đó là bến Như Nguyệt bắc và chân núi Nham Biền – hai điểm trú quân lớn nhất của quân Tống67.

Tôn Thăng, người thời Tống, trong Đàm phố nói đến một chi tiết là quân do thám Tống phát hiện bên bờ nam, đoạn đối diện với núi Nham Biền quân Lý sơ hở68; Quách Quỳ bèn tức tốc đem theo một tướng toàn kỵ binh (khoảng 5.000 quân) tới đó quan sát, lập trại vào có ý lợi dụng sơ hở đó vượt sông, nhưng còn ngờ là nghi binh để đánh phục. Dường như bên bờ nam, quân ta có sự chuyển quân nào đó từ đầu phòng tuyến phía đông về đầu phía tây, tức là đến bến đò Như Nguyệt. Có thể đoán rằng, Lý Thường Kiệt cũng nhận thấy cụm quân Tống ở phía này yếu hơn.
--------------------------
66 Chúng tôi trình bày trận này theo quan điểm của Lịch sử Việt Nam, t. I, Hà Nội, 1971, và Một số trận quyết chiến chiến lược…, sách đã dẫn. Có những quan điểm khác về trận này, ví dụ: Hoàng Xuân Hãn, sách đã dẫn, tr. 302 – 304.

67 Kết quả điều tra thực địa của Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp, năm 1975, 1976. Tư liệu Khoa Sử, Đại học Tổng hợp. Có thể xem trong Một số trận quyết chiến chiến lược, sách đã dẫn, tr. 68 – 72.

68 Hoàng Xuân Hãn, sách đã dẫn, tr. 303.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #71 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2011, 08:03:39 pm »

Để ngăn chặn quân Tống có thể lợi dụng chỗ yếu của ta ở bờ nam đối diện với Nham Biền mà đổ quân sang, Lý Thường Kiệt đã lệnh cho quân thủy ở Vạn Xuân đổ bộ đánh vào cụm quân kỵ 5.000 quân ở chân núi Nham Biền đang chuẩn bị vượt sông. Cũng theo sách trên, quân thủy Lý từ Vạn Xuân kéo lên có 400 thuyền, chở vài vạn quân. Có thể hình dung đó là những thuyền chiến kiểu Mông đồng, mỗi thuyền cả thủy thủ lẫn lính chiến đấu có khoảng 50 – 60 người. Trận đánh của quân đổ bộ Lý ở chân núi Nham Biền đã giành được thắng lợi lớn nhờ ưu thế về số lượng. Quân Tống tan tác. Thừa thắng, Hoằng Chân, Chiêu Văn tung quân đánh sâu vào hướng đại bản doanh Tống. Trên bờ, càng vào sâu đất liền, khả năng đánh bộ của quân đổ bộ Lý không thắng nổi quân kỵ bộ thiện chiến của Tống, lại bị rơi vào thế đã phòng bị sẵn sàng của Tống, nên càng đánh càng bất lợi. Quân Tống dùng máy bắn đá khống chế không cho thuyền ta ghé vào bờ đón quân đổ bộ. Trong tình thế ấy, quân độ bộ quyết một trận sống mái với quân giặc, khiến Quách Quỳ phải  huy động gần như toàn bộ những đơn vị tinh nhuệ nhất quanh đại bản doanh vào trận69.

Chớp thời cơ quân Tống đang bị tập trung hỗn loạn ở mé núi Nham Biền, Lý Thường Kiệt đang đêm tung đại quân vượt sông đánh thẳng vào cụm quân Tống ở bên bờ bắc bến Như Nguyệt. Nhờ bất ngờ và tập trung lực lượng, trong khí thế “nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” của “Nam quốc sơn hà”, quân ta đã tiêu diệt quân Tống đến “năm, sáu phần mười”.


Lược đồ trận Như Nguyệt năm 1077

Trong trận này, tuy quân thủy Lý ở căn cứ Vạn Xuân thiệt hại khá nặng, nhưng đã chặn âm mưu vượt sông của Tống và tạo điều kiện cho đại quân của Lý Thường Kiệt tiêu diệt cụm quân Tống bên bờ bắc bến đò Như Nguyệt. Sách Đàm phố ghi lại nhiều chi tiết về trận này, đã không quên nhắc đến tấm gương hy sinh anh dũng của Hoằng Chân và đội quân riêng của ông: Khi thuyền trúng đạn đá bị đắm, tất cả đã không rời khỏi thuyền, tay cầm chắc những tấm thẻ màu vàng là quân hiệu riêng của Hoằng Chân, cho đến khi chết70.

Chiến tuyến sông Cầu là một kiểu mẫu về thế trận phòng thủ kết hợp thủy bộ. Chính nhờ có quân thủy tham gia, tuyến phòng thủ phát huy được hết ưu điểm của nó, gây rất nhiều khó khăn cho quân địch vượt sông và quan trọng hơn nữa, đã biến hệ thống phòng thủ đó thành một hệ thống phòng thủ tích cực. Chiến lược đánh thủy một lần nữa lại góp phần biến ý chí độc lập của nhân dân ta thành sức mạnh vật chất đánh bại đội quân xâm lược hàng chục vạn quân Tống thiện chiến, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Đại Việt vừa hồi sinh.
--------------------------
69 Theo Trường Biên, quyển 279 tờ 22a và quyển 281, tờ 14a (Hoàng Xuân Hãn, sách đã dẫn, tr: 303 – 304), thì toàn bộ võ tướng chỉ huy cuộc xâm lược này cũng như phần lớn các tướng chỉ huy các đon vị kỵ bộ tinh nhuệ nhất ở phương Bắc đều có mặt. Đó là Quách Quỳ, chánh tướng, Yên Đạt, phó tướng, Trương Thế Cự, tướng Phong Châu, Vương Mãn, tướng Hà Đông…

70 Theo Hoàng Xuân Hãn, sách đã dẫn, tr. 304.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #72 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2011, 06:53:35 pm »

Chương sáu

QUÂN THỦY THỜI TRẦN
TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MÔNG – NGUYÊN

Năm 1226, nhà Trần thay nhà Lý, mở đầu một thời kỳ tiếp tục phát triển của Đại Việt sau mấy chục năm tình hình chính trị đất nước hỗn loạn, quyền hành quản lý đất nước bị chia sẻ vào tay các thế lực phong kiến khác nhau đang nắm những cương vị chủ chốt trong triều.

Nhà Trần lên, với sức bật của một triều đại mới, đã nhanh chóng sắp đặt lại xã hội trong một thể chế thống nhất mới, một tình trạng ổn định mới. Về căn bản, xã hội lúc đó chưa có những biến động lớn mang tính chất cách mạng, nhưng sự thống nhất và ổn định ấy như một luồng gió mới, đẩy tiếp cánh buồm Đại Việt đi lên theo quy luật chung của lịch sử.

Với đà tiếp tục vươn lên của phục hưng Lý – Trần, vượt qua những thử thách mới, nhà Trần đã đưa sự nghiệp quân sự của Đại Việt tới bước phát triển chưa từng có trước đó. Nếu như trước đây, quân đội Tiền Lê căn bản thoát thai từ thân quân của họ Đinh, quân đội Lý thoát thai từ thân quân của họ Lê, thì lần này quân đội Trần là sự thay mới tương đối lớn trong thành phần binh lính cũng như trong đội ngũ tướng lĩnh. Sự thay mới này đã dần dần được thực hiện từ khi họ Trần len lỏi vào nắm giữ binh quyền trong triều Lý với những điện tiền chỉ huy sứ như Trần Tự Khánh, Trần Thủ Độ… Đặc biệt, khi ngai vàng chính thức chuyển từ tay bà vua cuối cùng của triều Lý là Chiêu Thánh sang tay người chống trẻ của bà là Trần Cảnh, thì cuộc thay mới này càng quyết liệt hơn. Nhiều tướng lĩnh họ Lý bị sát hại hoặc phải bỏ trốn ra nước ngoài71. Cấm quân dần được thay thế hoàn toàn bằng trai tráng thuộc những hương ấp quanh quê hương của họ Trần. Sự thay mới này đã tạo ra những phát triển đáng kể trong quân đội họ Trần.


Tranh thờ Trần Thủ Độ

Họ Trần là một nhóm tộc mới phát đạt vào những năm cuối thế kỷ XII ở vùng cửa sông Hồng, nhờ khai khẩn những vùng đất mới ven biển và thành thạo trong nghề biển. Khi lên cầm quyền, đứng trước tình trạng cát cứ, nội chiến còn đang trực tiếp đe dọa, đặc biệt tình hình “thiên hạ” quanh Đại Việt đang có những chuyển biến cực kỳ to lớn dưới vó ngựa quân Mông Cổ, nhà Trần đã phải thực hiện một sự đoàn kết cao độ trong dòng họ, lấy đó làm cơ sở quản lý và điều khiển đất nước. Sức mạnh vật chất của sự thống trị dòng họ đó là đội thân quân đông đảo hơn trước nhiều lần, bao gồm thân quân của vua – triều đình và của mọi quý tộc trong dòng họ. Bằng những chính sách tiến bộ về kinh tế, văn hóa… nhà Trần đã được nhân dân ủng hộ và trước nguy cơ xâm lược khủng khiếp của Mông Nguyên, họ Trần dựa vào bộ khung thân quân đó đã huy động sức người, sức của của cả dân tộc làm cơ sở cho những đỉnh cao chói lọi trong sự nghiệp quân sự của mình.

Cho đến đời Trần, những dấu hiện phản ánh nhu cầu tách bạch quân đội thành các quân chủng, binh chủng, đặc biệt là quân bộ và quân thủy ngày càng nhiều, nhưng nhìn chung, quân đội thời Trần vẫn là một đội quân hỗn hợp thủy bộ. Thủy là hình thức, bộ là nội dung. Do đó, nghiên cứu quân thủy thời này vẫn không tách khỏi việc nghiên cứu toàn thể quân đội. Điều đó càng có ý nghĩa đối với nhà Trần, vì điểm xuất phát của tướng lĩnh và quân thường trực nhà Trần phần lớn là vùng cửa sông, ven biển; miền đất cần chú trọng quản lý và bảo vệ đương thời chủ yếu là vùng đồng bằng gần biển, sông ngòi nhiều. Chiến lược tổ chức và xây dựng quân đội nhà Trần rất đậm nét quân thủy. Diễn biến của ba cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên cũng như các cuộc đụng độ với Chiêm Thành sau đó càng cho thấy rõ chiến lược đánh thủy của nhà Trần. Chiến lược này, truyền thống này được phát huy song song với khuynh hướng mới tách dần quân thủy thành một lực lượng độc lập với quân bộ.
---------------------
71 Như trường hợp Lý Long Tường cùng binh thuyền vượt biển đến tận bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, một số tướng sĩ cũ, trong nội chiến phục vụ phe phái họ Trần vẫn tiếp tục được trọng dụng.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #73 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2011, 07:01:19 pm »

*

So với quân đội các triều đại trước, có thể tổng quát sự phát triển của quân đội thời Trần trong mấy hướng chính như sau:

- Tăng cường số lượng quân thường trực cũng như khả năng huy động quân đội khi có chiến tranh.

- Hoàn thiện hơn tổ chức, biên chế, chú trọng nâng cao chất lượng binh lính cũng như tướng cầm quân.

- Phát triển lý luận quân sự, kỹ thuật quân sự.

Tăng cường số lượng quân thường trực là xu hướng chung của các triều đại trước nữa (thời Đinh có khoảng 2.000, thời Tiền Lê 3.000, thời Lý 5.000), nhưng phải đến thời Trần mới có sự nhảy vọt về số lượng quân thường trực. Quan niệm về quân thường trực ở đây bao gồm quân chuyên nghiệp, tức những người lính lấy binh nghiệp làm nguồn sống chính của mình, và một bộ phận quân thường trực gồm những tráng đinh luân phiên nhau đăng lính, làm nghĩa vụ binh dịch.

Quân chuyên nghiệp thời Trần chủ yếu vẫn được tổ chức theo nguyên tắc thân quân. Đó là quân của vua – cũng đồng thời là quân của dòng họ, của triều đình và quân riêng của các vương hầu. Quân của vua là quân biên chế chính thức của nhà nước, thường được gọi là cấm quân, về cơ bản không khác với cấm quân thời Lý nhưng được mở rộng nhiều. Cấm quân trung ương có 8 quân, mỗi quân 30 đô, mỗi đô 80 người72. Theo số đó mà tính ra thì cấm quân ngay từ những chục năm đầu khi nhà Trần mới lên đã có tới 12.000 – 20.000 người. Số quân này chia nhau bảo vệ cả ở Thăng Long – nơi vua và Triều đình ở và Long Hưng, Thiên Trường – nơi thượng hoàng ở.

Ngoài số quân nói trên, triều đình còn tuyển chọn một số đinh tráng khỏe mạnh ở các lộ chưa thật tin cẩn như cấm quân làm quân cấm vệ các lộ, có nhiệm vụ bảo vệ và là công cụ quyền lực cho bộ máy quan liêu địa phương. Như vậy ở các lộ, ngoài số quân binh dịch, còn có một số quân chuyên nghiệp nữa, trước kia thường do quân riêng của vương hầu hoặc quan trấn trị đảm nhiệm.

Bộ phận quân chuyên nghiệp thứ ba là quân vương hầu. Điểm khác biệt với thời Lý là quân vương hầu lúc này trở thành một hiện tượng phổ biến, phát triển rất mạnh và do vậy chiếm số lượng đáng kể trong thành phần quân chuyên nghiệp thời Trần. Số vương hầu lập quân riêng đông hơn (hầu như vương hầu nào cũng có lãnh địa và quân riêng). Số lượng quân cũng nhiều hơn73.

Như vây, nét riêng về số người lấy binh nghiệp làm chính thì rõ ràng trong thời Trần đã có một bước nhảy vọt về số lượng. tất nhiên, không phải số người đó chỉ chuyên làm một việc là luyện tập và chinh chiến mà đôi khi một bộ phận, thường là của quân vương hầu, thản hoặc của quân thường trực nhà nước, được sử dụng trong lao động sản xuất. nhưng xu hướng chung là họ tiến tới tách thành một lực lượng xã hội riêng biệt, khác với những người dân làm binh dịch, luân phiên trực việc quân theo chính sách mà sử cũ thường gọi là “ngụ binh ư nông”.
--------------------------
72 Toàn thư, t. II, tr. 39. An Nam chí lược chép mỗi đô có 10 ngũ, mỗi ngũ 5 người, như vậy mỗi đô chỉ 50 người.

73 Nếu như trước đây, thái tử Hoằng Chân mới chỉ có 500 quân riêng thì nay một tước hầu như Trần Quốc Toản cũng mộ một đạo quân riêng hàng ngàn người. Tổ chức quân vương hầu được dựa vào chính sách của nhà nước. năm 1254, nhà Trần quy định số lượng “quân theo hầu” của các vương hầu và quan đại thần nhiều thì 1.000 người, ít thì 100 người (Toàn thư, t. II, tr. 26).
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #74 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2011, 07:12:01 pm »

Ngoài số quân chuyên nghiệp làm nhiệm vụ thường trực như đã trình bày ở trên, nhà Trần vẫn duy trì một lực lượng thường trực luân phiên theo chế độ binh dịch. Trai tráng trong diện binh dịch được phân loại và tuyển chọn những người mạnh khỏe đưa vào phiên chế chính thức thành đô, ngũ, hằng năm được nhà nước luyện tập võ nghệ sau đó lại về làm ruộng, chờ khi có việc mới gọi ra74. Một số trong diện binh dịch thay nhau làm sương quân cho các phủ, thành. Số này có trong sổ quân, nhưng có lẽ không được phiên chế thành các đơn vị chiến đấu chính thức như loại trên. Tất nhiên khi quân thiếu, họ cũng được điều động75.

Điểm khác với thời Lý là nhà Trần có ý thức rất rõ trong việc tăng cường khả năng huy động binh dịch. Điều này thể hiện ra bằng các chủ trương làm số quân, định hạng quân và tăng số người đăng trong sổ quân. Đáng chú ý là việc nhà Trần ra sức đưa số cư dân Thanh, Nghệ và một số vùng núi ngoại vi đồng bằng Bắc Bộ vào phạm vi quản lý và huy động của mình76.

Theo ước tính của Phan Huy Chú, quân thường trực của nhà Trần có tới khoảng gần chục vạn người77. Khi xảy ra chiến tranh, khả năng huy động của nhà Trần có thể tới 50 vạn quân78.

Mở rộng quân thường trực, tăng cường khả năng huy động binh dịch đã tạo điều kiện cho nhà Trần phát triển sự nghiệp quân sự của mình, làm cơ sở vật chất chống trả thắng lợi ba cuộc tiến công xâm lược của quân Mông Nguyên.
------------------------
74 An Nam chí lược.

75 Sự phân hạng này có thể tương tự như cách phân hạng bảo đinh, thổ đinh đời Tống hoặc là tiền đề cho cách phân hạng thành tráng, quân, binh trong chế độ binh dịch thời Lê sau này.

76 Chính nhờ những hoạt động của Trần Thủ Độ, Phùng Tá Chu, Trần Quốc Khang ở Hoan, Ái… mà trong cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên lần thứ hai, sau khi mặt trận Vạn Kiếp bị vỡ, vua tôi nhà Trần vẫn yên tâm: “Cối Kê việc cũ người nên nhớ, Hoan, Ái vẫn còn chục vạn quân”. Sau này, những năm đầu thế kỷ XV (ở đây sách sai chính xác thì phải thế kỷ XIV - ùi), nhờ những hoạt động của Trần Khánh Dư, nhân tài vật lực của châu Diễn (vùng nam Nghệ Tĩnh) cũng chính thức được nhà Trần quản lý và khai thác như các lộ đồng bằng.

77 Phan Huy Chú, Lịch Triều hiến chương loại chí, Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, 1964, t. IV, tr. 5.

78 Chỉ trong một thời gian ngắn, cha con Trần Quốc Tuấn đã huy động được 20 vạn quân trong một vùng không rộng lắm thuộc các tỉnh Hà Bắc, Hải Hưng ngày này.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #75 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2011, 07:33:44 pm »

Nhu cầu phát triển của sự nghiệp quân sự thúc đẩy nhà Trần không ngừng hoàn thiện bộ máy tổ chức và chức năng, biên chế quân đội.

Công việc trên thể hiện rõ nét nhất trong lực lượng cấm quân, hoặc nói chính xác hơn là quân triều đình đặt trực tiếp dưới quyền điều khiển của vua. Trước đây, lực lượng này vừa giữ nhiệm vụ bảo vệ vua và triều đình, vừa là công cụ quyền lực, thực hiện những nhiệm vụ đánh dẹp. Từ cuối thời Lý, đặc biệt trong thời Trần, nó được tách dần thành hai bộ phận lớn, đảm nhiệm hai chức năng khác nhau, có sự phân biệt tương đối rõ ràng. Một bộ phận chuyên bảo vệ nơi vua, triều đình ở, tức Thăng Long và hành cung Thiên Trường. Bộ phận còn lại cũng do vua trực tiếp điều khiển nhưng đóng ở ngoài kinh thành, thường ở mấy lộ Hồng, Khoái… có nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài, cùng quân kia gìn giữ Thăng Long và khi triều đình cần đi đánh dẹp, thì đây là lực lượng cấm quân nòng cốt được huy động. Các quân này đều được huấn luyện tinh nhuệ, khác chăng chỉ phản ánh mức độ tin cậy của họ Trần.

Năm 1246 – một thời điểm mốc đánh dấu sự tiến bộ trong tổ chức biên chế của quân Trần – triều đình xuống chiếu tuyển quân và định quân ngũ. Tráng đinh được phân làm ba hạng thượng, trung, hạ theo sức khỏe và võ nghệ, nhưng đồng thời cũng được phân theo các lộ, và quân ngũ dựa vào đó mà thiết lập. Theo quân hiệu, có thể thấy nhà Trần định ra ba mức quân: Thiên (gồm có Thiên ThuộcThiên Cương tả hữu), Thánh (gồm có Chương ThánhThánh Dực tả hữu), Thần (gồm có Củng ThầnThần Sách tả hữu)79. Trai tráng của các lộ Thiên Trường, Long Hưng là các lộ bản bộ của họ Trần đều được vào các quân Thiên Thuộc, Thiên Cương, những quân này bảo vệ vòng trong cùng nơi vua ở, làm việc80, một bộ phận quân Thiên Thuộc trông nom hành cung Thiên Trường, nơi Thượng hoàng ở81. Một số trai tráng Thiên Trường, Long Hưng, có lẽ thuộc hạng quân thấp hơn, được bổ vào quân Chương Thánh, Củng Thần cũng bảo vệ bên trong kinh thành, nhưng có thể chỉ là vòng ngoài Cấm thành82.

Trai tráng thuộc các lộ Hồng, Khoái, Trường Yên, Kiến Xương, tức là những lộ ở quanh đất bản bộ của họ Trần, đã từng cùng họ Trần chinh chiến trong những năm cuối thời Lý, được sung vào các quân Thánh Dực, Thần Sách. Những quân này đóng ở ngoài thành, vẫn trực tiếp do vua điều khiển83.

Trai tráng thuộc các lộ còn lại sung làm quân cấm vệ ở các lộ sở tại, tức quân trông nom phủ thành và thừa hành quyền lực của quan lại trong lộ. Hạng quân thứ ba, không khỏe lắm, sung vào lực lượng quân khiêng vác, chèo thuyền.

Việc tách trong cấm vệ quân ra một bộ phận du quân có ý nghĩa rất lớn trong việc chuyên hóa chức năng quân thường trực. Đó là một bước tiến trong tổ chức quân thường trực của triều đình.
-------------------------
79 Toàn thư, t. II, tr. 20 – 21, trong đó gọi chung là Tứ Thiên, Tứ Thánh, Tứ Thần (hai chữ thần trong Củng thần, Thần sách dùng không giống nhau.

80 Năm 1281, Sài Xuân vào thành, qua cửa Dương Minh vào nơi vùa làm việc, bị quân sĩ Thiên Trường giữ lại (An Nam chí lược).

81 Toàn thư, t. II, tr. 51 chép việc lập nhà học ở phủ Thiên Trường, cấm quân Thiên Thuộc học vì sợ kém khí lực.

82 Toàn thư, sách đã dẫn, t. II, tr. 20 – 21.

83 Thống kê hoạt động của các quân này, thường gặp trong các hoạt động chinh chiến. Lần theo con đường thăng quan tước của Phạm Ngũ Lão, có thể thấy vị trí của quân Thánh Dực thấp hơn các quân khác trong cung cấm. Cũng dễ nhận thấy điều này khi xem xét cách điều quân hồi cuối thời Trần. Phải chăng đây không phải là quân “bên trong” như Toàn thư chép, nhưng cũng không phải là “thân quân” như An Nam chí lược ghi, mà đó là quân “bên ngoài”, “du quân” như các sách trên đã nói tới.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #76 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2011, 07:50:53 pm »

Biên chế chi tiết trong các quân thường trực của triều đình cũng chặt chẽ hơn. Bình thường, các quân chịu sự điều hành của một viên chỉ huy sứ điện tiền hay điện súy. Khi có chiến tranh, các quân được điều động đặt dưới sự chỉ huy chung của một vị tiết chế, làm nòng cốt ở bên cạnh các quân vương hầu và quân binh dịch khác. Cấm quân thời Trần (kể cả thân quându quân) thường có tám quân hiệu, nhưng mỗi quân hiệu lại thường chia làm hai đơn vị quân tả hữu. Đứng đầu mỗi quân là một viên đại tướng quân. Dưới quân thường có 30 đô, đứng đầu mỗi đôchánh, phó đô, dưới nữa là các ngũ (mỗi đô có 10 ngũ) – đơn vị nhỏ nhất trong quân đội. Mỗi ngũ có 5 người do một đầu ngũ cai quản. Ngoài ra, đôquân còn có một số chức quan nhỏ lo việc sổ sách, cấp phát lương bổng và chữa bệnh. Theo lệ cũ, quân triều đình thích ba chữ thiên tử quân trên trán và tùy quân hiệu mà thích vào đùi hoặc ngực các loài vật biểu thị quân hiệu đó.

Nhà Trần rất chú trọng nâng cao chất lượng quân đội thông qua chính sách tuyển quân, tuyển tướng. Tráng đinh tuyển lựa được phân hạng tỉ mỉ cả về sức khỏe lẫn hoàn cảnh xuất thân. Tùy theo thứ hạng mà phân bổ vào các đơn vị trọng yếu hay không. Tướng chỉ huy quân đội, từ cấp đô trở lên thì ngoài tiêu chuẩn sức khỏe, nhà nước còn ra những quy định rõ ràng về lý lịch, nhưng phải chọn trong hàng ngũ vương hầu là chính, sau nữa là những người thân cận. Về tài năng, bên cạnh sức khỏe còn yêu cầu thông thạo binh pháp. Nhiều tướng lĩnh nhà Trần rất thông thạo thơ văn, địa lý… Xu hướng chung của việc tuyển tướng trong thời Trần là trọng tài năng, nhưng cũng khá ngặt nghèo trong quan niệm đẳng cấp. Tuy nhiên, càng về sau xu hướng trọng tài năng càng thắng thế84. Xu hướng trọng võ nghệ trở thành phương châm sống của vua quan nhà Trần. “Bấy giờ các vương hầu phần nhiều lấy đánh nhau bằng tay không và một mình đi ăn cướp là dũng cảm”85. Năm 1299, thượng hoàng từng dạy vua: “Nhà ta vốn là người ở hạ bạn, đời đời ưa chuộng hùng dũng thường trổ hình rồng vào đủi; nếp nhà theo nghề võ, nên trổ rồng vào đùi là để tỏ ra là không quên gốc”86. Chính khuynh hướng đó đã sản sinh ra trong thời Trần bao danh tướng giỏi võ nghệ, thấu binh thư như Lê Phụ Trần, Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão…

Các thời trước, tiêu chuẩn cho một người lính, một vị chỉ huy giỏi mới chỉ dừng ở sức mạnh cơ bắp, dần dần được đưa thêm vào nghệ thuật vận dụng cơ bắp, đó là võ nghệ. Đến thời Trần, ngoài sức khỏe và võ nghệ, còn đòi hỏi họ thêm sức mạnh trí tuệ – đó là thông binh pháp.

Xu hướng trọng tài năng đã khiến nhà Trần mạnh dạn sử dụng một số tướng sĩ “ngoại bang” đầu hàng, như tướng sĩ Tống trong quân của Trần Nhật Duật, tướng Nguyên là Trương Hiến, các tướng Chiêm Thành là Ca Biệt, Ca Diệp… Họ đã trung thành với nhà Trần và góp phần làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật quân sự thời Trần.
-----------------------------
84 Năm 1375, nhà Trần xuống chiếu “chọn các quan viên người có tài năng, luyện tập nghệ võ, thông hiểu thao lược, thì không cứ là tôn thất đều cho làm tướng coi quân” (Toàn thư, t. II, tr. 184).

85 Toàn thư, t. II, tr. 26.

86 Toàn thư, t. II, tr. 86.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #77 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2011, 09:38:15 pm »

Bước tiến nổi bật trong sự nghiệp quân sự thời Trần là sự chú trọng nghiên cứu và thực hành lý luận quân sự, kỹ thuật quân sự.

Trong lịch sử chiến tranh của dân tộc ta, đến thời Trần mới thấy những công trình tổng kết và phổ biến thành hệ thống lý luận quân sự. Xu hướng chú trọng lý luận quân sự có thể thấy rõ từ cuối thời Lý, khi vua Lý chính thức cho lập xạ đình, bắt các quan văn, võ tập võ nghệ và binh pháp (1170)87. Trước đó mười năm (1160), vua Lý từng xuống chiếu chọn những người giỏi binh pháp coi quân88. Quan niệm chọn tướng của nhà Lý từ đó về trước cũng của Đinh, Tiền Lê, chủ yếu xét về sức khỏe và võ nghệ. Quan niệm này đã có một bước nhảy vọt trong thời Trần mà tiêu biểu nhất, là những tư tưởng quân sự lớn của Trần Hưng Đạo. Có thể dẫn ra đây phần mở đầu trong bài tựa của Trần Khánh Dư viết cho cuốn Vạn Kiếp tông bí truyền thư của Trần Hưng Đạo: “Phàm người giỏi cầm quân thì không cần bầy trận, người giỏi bầy trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết…”89.

Thực ra, một số tướng lĩnh nước ta thời trước đã từng nghiên cứu và thực hành lý luận quân sự, nhưng cần nhấn mạnh ở đây, là phải đến thời Trần những hiểu biết về quân sự mới được tổng kết, thực tế hóa và soạn thảo thành giáo trình đem phổ biến rộng rãi và có hệ thống trong toàn quân.

Có hai cuốn binh thư chính được sử sách lưu truyền là Binh thư yếu lượcVạn Kiếp tông bí truyền thư đều do Trần Hưng Đạo soạn thảo. Hiện nay văn bản gốc không còn, nhưng dựa vào bài hịch của Trần Hưng Đạo và bài tựa của Trần Khánh Dư, có thể hình dung phần nào tầm uyên bác về binh pháp cổ kim của tướng lĩnh thời Trần. Hầu như mọi tác phẩm binh thư và các sự kiện chiến tranh của Trung Quốc đương thời đều được Trần Hưng Đạo nghiên cứu từ nghệ thuật chiến tranh thời Xuân thu – Chiến quốc cho đến những trận đánh gần nhất giữa quân Mông Nguyên và quân Tống.


Trận Trường xà đảo quyển (rắn dài cuộn mình) - một trong những hình mẫu về phép bày binh, bố trận xưa

Trên cơ sở những bài bản đã được tổng kết, yêu cầu đặt ra cho tướng lĩnh thời Trần là vận dụng một cách linh hoạt cho thích hợp với từng tình huống cụ thể mà mình gặp. Bài tựa của Trần Khánh Dư có đoạn: “Cho nên Quốc công ta mới so sánh đồ bản và phương pháp của các binh gia, chép thành một tập. Tuy chép cả những việc nhỏ nhặt, nhưng người dùng thì nên bỏ bớt chỗ rườm, lược lấy chất thực, rồi lấy ngũ hành cảm ứng với nhau, cửu cung cân nhắc với nhau, cương nhu phối hợp với nhau, chẵn lẻ vòng quanh với nhau, không lẫn âm với dương, thần với sát, phương lợi sao cho tốt, thần hung tướng ác, ba cát năm hung, đều rõ rệt cả, thêm bớt ba đời, thắng cả trăm trận”90.
---------------------------
87, 88 Toàn thư, t. I, tr. 288, 290.

89 Toàn thư, t. II, tr. 94.

90 Toàn thư, t. II, tr. 95. Âm dương, ngũ hành, cửu cung, hung cát là các phạm trù trong tư duy biện chứng duy tâm đương thời.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #78 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2011, 09:51:43 pm »

Những lý thuyết quân sự trên luôn luôn được vua tôi nhà Trần luyện tập thực hành. Năm 1253, triều đình lập giảng võ đường là nơi tướng lĩnh Trần bàn cãi, học hỏi binh thư, cũng là nơi tập dàn quân đánh trận, trổ tài võ nghệ. Trước khi có chiến sự, các loại quân được triệu tập về một nơi, vừa tổng duyệt binh, vừa là dịp thống nhất quân lệnh, chiến thuật, chiến lược và hiệp đồng tác chiến. Bãi phù sa ngã ba Bạch Hạc và khúc sông Hồng, nơi bến Đông Bộ Đầu, thường là chỗ tập dượt lớn của quân Trần. Năm 1282, trước cuộc chiến tranh không tránh khỏi với quân Mông Nguyên, tướng lĩnh Trần dã có một cuộc họp rất lớn ở Bình Than để “bàn kế đánh đàm”, thực chất là một hội nghị quân sự, chuẩn bị cả về mặt lý luận, chiến lược cho cuộc kháng chiến sắp tới. Sau này khi xem xét từng trận đánh cụ thể, mặc dầu tài liệu ghi chép không đầy đủ, nhưng chỉ cần nhìn vào đối sách lực lượng và kết quả trận đánh, ta có thể thấy quân đội Trần tác chiến có bài bản. thắng lợi của quân Trần trong ba cuộc chống Mông Nguyên, không chỉ là thắng lợi của lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, của sự đoàn kết, mà còn là thắng lợi của một đội quân có trình độ lý luận quân sự, cả về chiến lược lẫn chiến thuật, khá cao.

Về kỹ thuật quân sự thời Trần, hiện chúng ta còn thiếu tư liệu. Có lẽ cũng cùng tương đối lâu, ngành văn bản học mới xác minh được chính xác trong cuốn Binh thư yếu lược viết lại vào đời Nguyễn đâu là phần của thời Trần, đâu là thời sau thêm vào. Dựa vào bài hịch của Trần Hưng Đạo và bài tựa cho Vạn Kiếp tông bí truyền thư của Trần Khánh Dư, chỉ có thể biết tương đối chắc rằng ngoài những vũ khí, chiến cụ truyền thống hoặc của nước ngoài mà đời trước đã dùng thì quân Trần đã biết tới những kỹ thuật quân sự tân tiến nhất của các triều Tống, Nguyên đương thời. Phải chăng những phần trích dẫn về kỹ thuật quân sự, những bản vẽ vũ khí và trận pháp trong Vũ kinh tổng yếu của Tăng Công Lượng soạn năm 1044 đã được Trần Hưng Đạo sử dụng và làm sách phổ biến cho quân sĩ.

Một trong những đỉnh cao của kỹ thuật quân sự phương Đông thời này là máy ném đá cải tiến, thường gọi là Hồi Hồi pháo. Như đã nói trong chương trước, khi vây Ung Châu, quân Lý đã dùng đến máy ném này. Năm 1282, trong kháng chiến chống Mông Nguyên, quân Chiêm Thành dã dùng Hồi Hồi tam sảo pháo (máy ném đá cải tiến bắn một phát ba giỏ đạn). Năm 1285, quân Mông Nguyên vây đánh Thăng Long, sử nhà Nguyên chép: “Nhật Huyên (tức vua Trần – T.G.) bố trí binh thuyền, dựng rào gỗ dọc theo sông. Thấy quan quân đến bờ, lập tức khai pháo hô lớn thách đánh”91. Thứ pháo này là một loại máy ném đá. Việc quân Trần sử dụng máy ném đá, thậm chí loại máy ném cải tiến như của Chiêm Thành là một điều không có gì đáng ngạc nhiên lắm, với sự kế tục từ thời Lý, với những hiểu biết về Vũ kinh tổng yếu, với mối bang giao chặt chẽ của Chiêm Thành cũng như với Nam Tống trước đó. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng loại vũ khí này không phát triển lắm trong quân đội Trần, cũng như trước đây trong quân đội Lý. Về cơ bản, nó không thích hợp với chiến lược, chiến thuật tác chiến cơ động của ta. Người ta chỉ thấy duy nhất một lần sử sách nhắc đến nó, sau đó không bao giờ thấy nữa trong lịch sử chiến tranh ở Việt Nam.


Máy bắn đá
----------------------
91 Chi tiết này trong Cương mục, tham khảo Nguyên sử, nhưng đã chép lầm thành ra quân Nguyên bắn pháo và hô thách đánh (Cương mục, t. V, tr. 65).
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #79 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2011, 09:57:18 pm »

Phát minh quan trọng đáng nói hơn về kỹ thuật quân sự thơi này là hỏa khí. Tận cuối thời Trần, năm 1390, mới thấy Toàn thư nhắc đến một loại hỏa khí, nhưng đã là một loại hỏa khí hình ống khá tiến bộ. Trình độ hỏa khí cuối thời Trần với những pháo thuyền đầy hiệu lực bắn chết Chế Bồng Nga, với những “ông tổ” súng pháo như Hồ Nguyên Trừng, chứng tỏ lịch sử hỏa khí của nước ta phải bắt đầu từ trước đó khá lâu. Theo An Nam chí lược, quyển 1, phần Phong tục, ít ra từ đầu thời Trần (có tài liệu nói từ thời Lý) nhân dân ta đã có thói quen đốt pháo trong ngày tết.

Thực ra trên thế giới lúc này, thuốc súng và kèm theo đó là hỏa khí, đang được sử dụng nhiều trong kỹ thuật quân sự, với hai trung tâm lớn: Trung Quốc và các vương quốc ở khu vực Trung Á, Ba Tư.

Theo các con đường bang giao rộng rãi với các nước hải đảo ở Đông-Nam Á cũng như con đường giao lưu trực tiếp với Trung Quốc, rất nhiều khả năng quân đội Trần đã nắm được kỹ thuật sử dụng và chế tạo một số loại hỏa khí. Không loại trừ khả năng địa lôi, hỏa tiễnBinh thư yếu lược chép đến với cấu tạo khá gần với các loại vũ khí tương tự thấy ở Ả Rập hoặc Tống, đã được quân Trần sử dụng trong những trận phục kích ở biên giới hoặc trong trận hỏa công Bạch Đằng.


"Pháo sấm vang" trong Binh thư yếu lược (bản ghi lại thời Nguyễn)

Một số ghi chép trong Toàn thư về hoạt động của quân Hà Đặc ở Phù Ninh (Vĩnh Phú) gợi cho ta suy nghĩ về khả năng sử dụng một loại máy nó đương thời vẫn còn khá phổ biến trong quân đội các nước phương Đông92.

Nghiên cứu và vận dụng lý luận quân sự cũng như kỹ thuật quân sự đã đem lại cho quân đội nhà Trần một chất lượng mới, cao hơn các thời trước, đánh thắng được quân Mông Nguyên vốn thiện chiến, lại có nghệ thuật, kỹ thuật chiến tranh mà chúng tích lũy được trong cuộc chinh phục trên khắp lục địa Á – Âu.
---------------------------
92 Trong chương III, chúng ta đã xét đến khả năng tồn tại những máy nỏ trong thời An Dương Vương. Các sách sử, binh thư của ta ghi đến tập thế kỷ XV, quân đội Lê, Trịnh, Nguyễn còn dùng những loại máy này. Trong khoảng thế kỷ XI, XII, XIII ở Chiêm Thành, Chân Lạp, trên các bức phù điêu Ăng-co còn khắc rõ hình các vũ khí đó với những kiểu khác nhau. Quân Tống dùng loại máy này, với tên gọi là cung thần tý. Thực chất đó là một loại nỏ cỡ lớn, với lực bật mạnh và hệ thống dàn thân nỏ vững chắc, có khả năng bắn đi những mũi tên lớn hoặc nhiều mũi tên khác một lúc. (Xem P. Mus BEFEO, XXIX, tr. 331).
Logged

Ùi, úi, ui....
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM