Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 02:34:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm  (Đọc 153100 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #60 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2011, 06:12:31 pm »

QUÂN THỦY TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG TỐNG NĂM 1077

Về hình thức bề ngoài, nhà Tống cố làm cho việc viễn chinh đánh nước ta lần này có vẻ như một đòn trừng phạt, trả thù sau chiến dịch đại phá Ung, Khâm, Liêm của quân Lý năm 1075. Nhưng thực chất đó là một hành động tiếp theo của những âm mưu xâm lược đã được chuẩn bị từ trước, mà chính việc xây dựng Ung, Khâm, Liêm thành những bàn đạp tiến công là một trong những âm mưu đó. Có điều đáng chú ý là quân Lý đã đặt vua tôi nhà Tống vào một tình thế hết sức bị động. Sự bị động này đã tạo ra những chỗ yếu rất căn bản cho đội quân viễn chinh Tống và vì vậy, quân ta có thể thực hiện một chiến lược chống Tống có hiệu quả. Đó cũng chính là ý nghĩa sâu xa của chiến dịch đánh sang đất Tống năm 1075.

Ngay khi quân ta đang vây Ung Châu, nhà Tống đã vội vã tổ chức một đội quân, không phải để cứu Ung Châu, mà như lời Tống Thần Tôn dặn Quách Quỳ: “Sau khi bình Giao Châu, sẽ đặt châu huyện như nội địa”. Qua mấy lần thay binh đổi tướng, ngày 9-3-1076, bộ khung của An Nam hành doanh đã chính thức hình thành, do Quách Quỳ làm chánh, Triệu Tiệt làm phó, chủ yếu coi việc quân lương, Yên Đạt làm phó đô tổng quản cùng Quách Quỳ lo việc chiến trận. Lúc này, Tống đang phải đối phó với quân Liêu, Hạ ỏ phía Bắc, quân tinh nhuệ dồn cả ở đó. Nhưng để chắc thắng trong cuộc nam chinh lần này, nhà Tống hoàn toàn ưu tiên cho Quách Quỳ những đơn vị tinh nhuệ nhất nước Tống lúc đó. Trong tình thế hoàn toàn bị động, Quách Quỳ đã chọn chín tướng48 tinh nhuệ nhất, đã từng cùng y khiến quân Liêu, Hạ khiếp nhược trên chiến trường phía bắc, làm nòng cốt cho đội quân nam chinh. Ngoài 9 tướng nói trên, Quách Quỳ đã mộ thêm quân ở các tỉnh phía bắc và một số quận ở miền nam, tổng cộng lên đến 10 vạn quân (trong đó 1 vạn quân kỵ). Ngoài ra, để phục dịch cho đạo quân này, nhà Tống phải huy động khoảng gần 30 vạn dân đinh khuân vác. Phải thừa nhận rằng, trong tình hình đất nước lúc đó, xây dựng một đội quân nam chinh như vậy là nỗ lực to lớn của nhà Tống. Rõ ràng vua tôi nhà Tống đã đặt vào đây nhiều hy vọng.

Nhưng nhà Tống ra quân đã phạm sai lầm căn bản. Chính đám mưu thần Tống đã phát hiện rất chính xác và rất sớm sai lầm đó. Nhưng trong tình thế vội vã, bị động, nhà Tống không thể có cách nào khắc phục. Hình mẫu xây dựng đội quân xâm lược của Quách Quỳ rõ ràng là hình mẫu truyền thống của quân Tống đương thời. Đó là đội quân của sông Hoàng mà từ gần một thế kỷ nay, do sức ép thường xuyên của Liêu, Hạ (những quốc gia du mục phía bắc), đã phải đặt chiến lược của nó cả về tổ chức biên chế cũng như nghệ thuật tác chiến theo khuynh hướng lấy đánh bộ là chính, trong đó kỵ binh được đặc biệt chú ý. Đối tượng tác chiến quen thuộc của nó là đội quân kỵ bộ rất mạnh của Liêu, Hạ; địa hình, khí hậu quen thuộc lại là miền thảo nguyên khô, lạnh. Thống kê tiểu sử tóm tắt của những viên tướng Tống tham gia cuộc viễn chinh này được ghi lại trong phần Liệt truyện của Tống sử, ta có thể thấy hầu hết chúng đều sinh ra ở các tỉnh phía bắc và trưởng thành trong trận mạc chống Liêu, Hạ. Vì vậy, cái nóng nực, ẩm thấp của phương nam, sự mệt mỏi của cuộc hành quân gần vạn dặm, và đặc biệt, địa hình tác chiến dày đặc sông ngòi, đối tượng tác chiến là đội quân rất giỏi đánh thủy, đã khiến cái mạnh trong hình mẫu quân đội Tống xâm lược ngày càng tiêu tan trên chiến trường Đại Việt.
-----------------------
48 Tướng là một đơn vị quân đội thời Tống, gồm 5.000 người.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #61 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2011, 06:23:24 pm »

Một số mưu thần đã bày cách cho vua Tống khắc phục nhược điểm căn bản này, có phần xác đáng là ý kiến của Trương Phương Bình, trong đó y nhấn mạnh những bất lợi nói trên và kiến nghị dùng quân phương nam, ngựa phương nam là chính trong cuộc viễn chinh này49. Tuy nhiên, đề nghị đó của quân sư họ Trương không thể nào được vua Tống chấp nhận. Lý lẽ rất đơn giản là đề nghị đó không có cơ sở thực tế. Đối với nhà Tống lúc này (Bắc Tống), bộ máy quân sự ở miền nam sông Dương Tử tương đối yếu ớt. Chỉ cần xem khả năng chống chọi của quân Tống ở vùng này với cuộc nổi dậy của Nùng Trí Cao trước đó hơn hai chục năm cũng đủ rõ sự yếu đuổi đó, đến nỗi phải nhờ quân của Địch Thanh từ miền bắc xuống, chờ sai lầm của họ Nùng khi tung lực lượng ra thi thố đánh bộ với Địch Thanh ở một vùng đồng bằng có lợi cho kỵ binh thì quân Tống mới tạm giành thắng lợi. Hơn nữa, toàn bộ khu bàn đạp cũng như như những chốt bàn đạp cụ thể ở Lưỡng Quảng đều đã bị quân Lý phá sạch, đến nỗi nhà Tống chẳng những không thể dựa vào mà còn phải tốn rất nhiều tiền của để mong phục hồi trở lại, với hy vọng chỉ cần đảm bảo cho sự “đi qua” của đội quân nam chinh. Vì vậy, cuối cùng đội quân bất hợp lý đó vẫn phải đảm đương trọng trách nam chinh với những khắc phục rất cố gắng của triều đình nhà Tống về mặt thuốc men, tiền thưởng và những lời động viên.

Tuy nhiên, có một cố gắng lớn nhằm khắc phục những nhược điểm nói trên của quân Tống đáng được quan tâm. Đó là việc xây dựng cấp tốc một đội thuyền chiến như một cánh quân độc lập, theo đường biển tiến vào hỗ trợ cho quân bộ. Có thể nói đây là cố gắng duy nhất quân Tống đạt được, mà về lý thuyết, có thể giúp mang lại hiệu quả trong cuộc chiến tranh này. Thực tế diễn biến chiến tranh chứng tỏ rằng, đạo quân thủy ấy đã trở nên vô cùng cần thiết cho quân Tống trên chiến tuyến sông Cầu.

Ban đầu, mục đích xây dựng đội thuyền chiến này chỉ nhằm vượt biển xuống Chiêm Thành, Chân Lạp để xúi bẩy hai nước này đem quân phối hợp đánh Đại Việt từ phía nam lên. Nhưng khi nhận ra nhược điểm của quân bộ thì quân tướng nhà Tống càng thấy rõ vị trí chiến lược của đạo quân thủy này: “Trên đường bộ, tiến binh đến kinh thành giặc còn bị cách sông lớn. Người Giao lại giỏi thủy chiến. Sợ rằng thuyền giặc giữ các chỗ hiểm, đại binh ta khó lòng qua được. Rồi đêm đến, giặc xông tới đánh thì việc ta hỏng mất… Vậy xin hạ lệnh cho các ty kinh lược, chuyển vận Quảng Đông phải tuyển thủy binh, chọn những người dũng cảm rồi dạy thủy chiến cho chúng. Sau này sẽ từ Quảng Châu theo bờ bể, chỉ tiến tới Liêm, Khâm, rồi đậu thuyền ở đó đợi. Lúc nào đại binh tiến sẽ hẹn ngày sai thủy quân cùng vào Giao Châu đánh giặc. Thủy quân sẽ tách ra một phần thuyền ghé vào bờ bắc sông để chở đại quân sang”50.
-------------------------
49 Hoàng Xuân Hãn, sách đã dẫn, tr. 258 có tóm dịch những đoạn căn bản bài sớ khá dài của Trương Phương Bình.

50 Trường Biên, quyển 276, tờ 10a. Theo Hoàng Xuân Hãn, sách đã dẫn, tr. 250.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #62 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2011, 06:31:36 pm »

Phải nói rằng, bọn quân sư Tống dự đoán khá chính xác diễn biến cuộc chiến. Nhưng, việc xây dựng một đội quân thủy đủ mạnh để thực hiện những nhiệm vụ đó lại không phải là việc dễ dàng. Như đã biết, quân đội thời Bắc Tống hầu như không hề có quân thủy, chứ chưa nói đến một truyền thống đánh thủy. Theo Triệu Bổ Chi thì quân Tống rất sợ sóng gió: “Hoặc Giao Chỉ chạy ra biển, theo thì quân Tống nhát sóng, hơi có gió đã sợ rồi, không biết liệu sẽ đánh đấm ra làm sao?”51.

Quân Tống chỉ có quân thủy khi nhà Tống buộc phải rời đô xuống phía nam lập ra triều Nam Tống ở lưu vực sông Dương Tử. Vì vậy, khi cuộc nam chinh đặt ra vấn đề quân thủy thì vua tôi nhà Tống hết sức lúng túng, cả trong việc chọn tướng lẫn việc sắm sửa chiến thuyền, đến nỗi giữa năm 1076, khi đạo quân bộ của Quách Quỳ đã vượt hàng ngàn ki-lô-mét từ miền bắc xuống đến tận Quế Châu, thủ phủ Quảng Tây bây giờ, thì quân thủy Tống vẫn chưa có một chiếc thuyền nào. Thậm chí triều đình Tống vẫn chưa chọn dứt khoát được kế sách đánh thủy cũng như tướng cầm quân.


Chiến thuyền thời Tống

Có lẽ trong khoảng những tháng cuối năm 1076, tức là chỉ vài tháng trước khi quân Tống chính thức tràn qua biên giới nước ta, đội quân thủy Tống mới tạm ra mắt, do Dương Tùng Tiên, kẻ chủ trương kế sách dùng quân thủy vượt biển vào Chiêm Thành vốn đã bị triều đình Tống gạt bỏ, làm Chiến trạo đô giám, và Tô Tử Nguyên (con Tô Giám), kẻ chủ trương đem thuyền vào hỗ trợ cho quân thủy vượt sông mà triều đình Tống đã chính thức chấp nhận, làm phó. Người chánh phải thực hiện ý của kẻ phó, hơn nữa vì không có sẵn thuyền chiến, Tô Tử Nguyên phải vơ vét những thuyền vận tải, thuyền đánh cá ở ven biển đông-nam Trung Quốc dùng làm thuyền chiến và bắt dân chài làm lính thủy, khiến cho đạo quân thủy đó chỉ là một bộ khung yếu ớt. Đứng trước quân thủy Đại Việt, quân thủy Tống càng trở nên vô cùng kém cỏi, làm sao có thể thực hiện được trọng trách của nó! Điều này càng làm lộ rõ tính chất bị động của Tống trong lần xâm lược này.
-----------------------
51 Hoàng Xuân Hãn, sách đã dẫn, tr. 257.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #63 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2011, 06:41:02 pm »

*

Đoán trước được phản ứng của nhà Tống, ngay khi rút quân khỏi Lưỡng Quảng, Lý Thường Kiệt đã bí mật gài lại rất nhiều người của ta để tình báo mọi hoạt động của quân Tống. Ví dụ ở Ung Châu, có hàng trăm nhà sư là người của ta đóng giả hành đạo. Ở các châu ven biển, quân ta giả làm con buôn, dân chài, mượn cớ buôn bán, làm ăn để thâm nhập. Ngoài ra, nhà Lý còn tranh thủ được một số quan lại, trí thức, nhà buôn bất mãn làm tai mắt cho ta, như Từ Bá Tường, kẻ đã từng cung cấp nhiều tin tức quan trọng cho ta trong chiến dịch đánh Ung Châu năm trước, nay vẫn chưa bị lộ, lại được Tống giao làm chức tuần kiểm dọc suốt ven biển Khâm, Liêm, Bạch. Các hoạt động do thám này mạnh đến nỗi ngày 12-4-1076, vua Tống phải xuống chiếu hô hào: “Ta nghe nói Giao Chỉ sai nhiều kẻ gian tới do thám Lưỡng Quảng. Vậy các chỉ huy, các tướng phải coi chừng. Đừng để nó dò được phép công thủ của ta”.

Tuy nhiên, Lý Thường Kiệt vẫn nắm được chính xác kế hoạch xâm lược của Tống. Một mặt, ông tăng cường huấn luyện khả năng đánh bộ của quân đội, trong đó chủ trương khai thác sở trường đánh bộ của các đội quân miền núi, nhưng mặt khác, chủ yếu hơn, ông đã quyết định chọn chiến lược đánh Tống bằng quân thủy, bằng chiến trường sông nước.

Trong tình hình giao thông thời này cũng như những tin tức tình báo nắm được quân ta dễ dàng xác định đúng hướng tiến quân của Tống đó là con đường từ thành Ung tiến vào các cửa quan phía đông-bắc nước ta, còn quân thủy tất không còn con đường nào khác là con đường từ Khâm, Liêm men theo đường biển vào cửa sông Bạch Đằng. Vì vậy, Lý Thường Kiệt đã chia quân thành hai tuyến phòng thủ trong một hệ thống phòng thủ liên hoàn: phòng thủ từ xaphòng tuyến chiến lược. Trên hướng chặn đánh quân bộ Tống, lực lượng chính của cuộc xâm lược, thì tuyến phòng thủ từ xa là chặn các cửa ải, các đường độc đạo trên miền rừng núi phía đông-bắc. Toàn bộ quân đội của các tù trưởng miền núi mà nhà Lý đã đoàn kết được như Lưu Kỷ, Thân Cảnh Phúc, Hoàng Kim Mãn, Vi Thủ An… chia nhau chốt giữ tuyến phòng thủ này. Trên hướng chặn đánh quân thủy Tống, tuyến phòng thủ nữa được chuẩn bị ở ngay cửa con đường biển từ Trung Quốc vào nước ta, khoảng vùng biển Móng Cái hiện nay. Nhiệm vụ này được giao cho đội quân của Hành quân chiêu thảo sứ Lý Kế Nguyên, viên tướng thủy lão luyện đã từng tham gia chỉ huy cuộc vượt biển độ bộ lên cảng Khâm, Liêm năm 107552.
-------------------------
52 Về Lý Kế Nguyên, có thể tham khảo Hoàng Xuân Hãn, sách đã dẫn, tr. 290, chú thích 7.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #64 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2011, 06:53:15 pm »

Dự đoán điểm hội quân của cả quân bộ lẫn quân thủy Tống không đâu khác là bờ bắc sông Cầu, lúc này còn là một con sông rất lớn, nhận nước của sông Hồng qua sông Cà Lồ (xem bản đồ Hồng Đức). Lý Thường Kiệt thân chinh chỉ huy đại quân xây dựng một hệ thống phòng thủ kết hợp thủy bộ rất kiên cố ở bờ nam sông này. Đó chính là tuyến phòng thủ chiến lược đối phó với quân Tống khi chúng có thể vượt được hai tuyến phòng thủ từ xa.Về mặt hình thức, tuyến phòng thủ này nổi lên như một chủ trương dùng đánh bộ để chống Tống, với hệ thống lũy đất dài, có nhiều dãy cọc làm rào rộng hàng trăm mét trước mặt lũy đất, nhất là với đại đội quân bộ dàn trận chờ sẵn sau lũy… Nhưng, thực chất Lý Thường Kiệt đã khéo léo tạo ra một thế trận phòng thủ, bắt quân Tống phải tiếp nhận với ta chiến lược đánh thủy, nhằm buộc đạo quân kỵ bộ Tống vào thế bất lợi mà chúng lo sợ nhất. Chiến lược đó cho phép phát huy sở trường của ta, bắt quân Tống đánh theo cách đánh của ta, không phải bằng sở trường, mà lại bằng chính cái sở đoản của chúng, đặt quân Tống vào tình thế phải tác chiến trên mặt sông trước khi có thể thi thố tài nghệ đánh bộ. Vì vậy, tính chất đánh thủy sẽ nổi lên rất rõ trong hoạt động của cả hai bên, trên chiến tuyến này.

Để quân Tống bó tay trước sông lớn, Lý Thường Kiệt đã cho nhân dân bên bờ bắc sơ tán hết sang bờ nam, không để lại một chiếc thuyền nào, trái lại quân ta dàn thuyền dày đặc bên bờ nam sẵn sàng đánh địch vượt sông. An Nam chí lược chép rằng quân ta bày 300 thuyền chiến ở bờ nam. Khả năng vượt sông duy nhất của Tống là đợi quân thủy của Dương Tùng Tiên vào hoặc phải tự tạo ra những phương tiện vượt sông đơn giản trong thời gian rất ngắn. Quyết buộc quân Tống vào một tình thế hoàn toàn bó tay, Lý Thường Kiệt chẳng những cử đạo quân thủy mạnh do chính phó tướng Lý Kế Nguyên chỉ huy lên tận vùng hải giới chặn quân thủy Tống, mà còn thận trọng xây dựng một chốt quân thủy rất lớn ở Vạn Xuân (Lục Đầu). Chốt quân thủy này gồm khoảng 500 thuyền chiến do hai thái tử Hoằng Chân và Chiêu Văn chỉ huy.

Vạn Xuân chính là điểm cuối cùng của sông Cầu gặp gỡ ba con sông khác là sông Thương, sông Lục Nam đổ từ phía bắc xuống và sông Đuống từ tây-nam vào, rồi từ đây lại chia nước ra biển theo hai dòng là sông Thái Bình và sông Kinh Thầy. Lục Đầu là chỗ hội tụ của sáu con sông ấy. Đoạn này khá rộng, lại nhiều bến đậu tốt, có thể từ đây tỏa đi bốn phương, và cũng vì thế mà chốt ở đây cũng bịt được một đầu mối giao thông quan trọng, đặc biệt có ý nghĩa trong việc chặn các hướng chính từ Trung Quốc vào nước ta đương thời. Trong lịch sử nước ta, có thể nói đây là lần đầu tiên chốt quân thủy được đặt ở Lục Đầu. Suốt trong thời Trần sau đó, nơi đây luôn là một căn cứ quân sự chiến lược, không những chỉ với quân ta, mà cả với quân Nguyên. Chính Trần Hưng Đạo đã trực tiếp trông coi vùng này như một lãnh địa riêng và cùng với các con mình xây dựng vùng này thành một căn cứ quân sự quan trọng vào bậc nhất trong lịch sử chống Mông Nguyên. Lý Thường Kiệt chính là người có công phát hiện ra vị trí chiến lược của đoạn sông này.

Nằm trong ý đồ chung, đội quân thủy ở Vạn Xuân có hai nhiệm vụ chính: một là, hỗ trợ quân ta ở lũy sông Cầu đánh địch khi chúng vượt sông và đổ bộ tập kích địch bên bờ bắc trong trường hợp cần thiết; hai là, chặn không cho quân thủy Tống vào tiếp ứng quân bộ vượt sông, nếu chúng lọt qua tuyến phòng ngự của quân thủy Lý Kế Nguyên. Như vậy, có thể hình dung chốt Vạn Xuân còn có ý nghĩa như một phòng tuyến thứ hai về mặt đường thủy, cũng như hào lũy sông Cầu là phòng tuyến thứ hai của tuyến phòng thủ đường bộ. Thiên tài của Lý Thường Kiệt chính là ở chỗ ông đã khéo léo kết hợp hai tuyến phòng thủ thủy, bộ “thứ hai” ấy thành một hệ thống liên hoàn, nhằm vào đối tượng chính của cuộc kháng chiến là quân bộ Tống.

Chúng ta đã nói đến sự phán đoán khá chính xác của bọn quân sư nhà Tống về khả năng quân bộ Tống bị quân thủy ta chặn lại khi chúng gặp sông lớn. Không tiến được, bị cầm chân lâu trên đất ta thì những khó khăn về cung cấp lương thảo, bệnh tật, tinh thần của quân Tống sẽ ngày càng lớn. Cố gắng duy nhất mà nhà Tống đạt được hòng khắc phục tình trạng đó chính là đội thuyền chiến của Dương Tùng Tiên. Nhưng rõ ràng có một điều mà không một mưu thần Tống nào có thể nhận ra được, đó là khả năng quân ta biến cái “cố gắng duy nhất” ấy trở thành hoàn toàn vô dụng và bằng một thế phòng thủ rất chặt chẽ, kiên cố, buộc quân bộ Tống vào tình thế khó khăn nhất, ngoài dự kiến của chúng.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #65 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2011, 07:39:38 pm »

*

Trận đánh đầu tiên của Tống để chuẩn bị cho cuộc viễn chinh lần này bắt đầu tính từ trận tập kích của quân Tống vào trại Ngọc Sơn (nay là khu vực Trà Cổ) khoảng trung tuần tháng 6 năm 1076. Chiếm Ngọc Sơn, quân Tống hòng ngăn chặn một cuộc đột kích đường biển của quân ta như năm 1075, đồng thời làm chỗ dựa cho quân thủy Tống tiến vào.

Đầu tháng 10, đại quân Tống đóng ở Tư Minh. Sau một loạt trận ở biên giới như Quảng Nguyên, Quyết Lý, Tô Mậu, Đâu Đinh… quân Tống vượt qua được phòng tuyến biên giới, tràn xuống đồng bằng, sau khi đã phải trả một giá khá đắt. Khoảng những ngày đầu năm 1077, quân Tống tụ lại trên bờ bắc sông Cầu. Sông lớn, không có thuyền, lại thấy quân ta rào lũy, chiến thuyền bày sẵn bên bờ nam, quân Tống buộc phải dừng lại lập đồn trại chờ quân thủy vào hỗ trợ, vượt sông theo kế hoạch đã định. Từ đây, quân Tống bị đặt vào tình thế một cuộc chiến tranh trên mặt nước. Kế hoạch của chúng thật mỏng manh, vì cho dù có cánh, đám quân thủy Tống cũng không thể vượt qua được phòng tuyến của đội quân thủy thiện chiến Lý Kế Nguyên và chốt quân thủy vững chắc của Hoằng Chân, Chiêu Văn. Trước tình hình đó, quân Tống chỉ có hai phương sách: chờ thuyền một cách tuyệt vọng để thời gian và khí hậu ngày càng khoét sâu những nhược điểm vốn có, hoặc vượt sông với hai bàn tay trắng trong khi quân thủy ta làm chủ mặt sông. Đây là hai vấn đề lớn nhất đã chi phối mọi hoạt động của quân Tống trong thời gian hơn 40 ngày chết dí ở bờ bắc sông Cầu.

Trên hướng phòng thủ đường biển, quân thủy Lý Kế Nguyên, có lẽ cũng như quân thủy của Trần Khánh Dư năm 1287, đã đặt căn cứ ở vùng đảo Vân Đồn. Đường biển từ Trung Quốc vào nước ta từ xưa thuận tiện nhất vẫn là con lạch thiên tạo nhờ những đảo đá đã chạy dài dài song song với bờ biển suốt từ Ngọc Sơn qua Vân Đồn vào vịnh An Bang (vùng biển Quảng Yên). Từ đây, có mấy cửa sông vào trung tâm đất nước thời đó là đồng bằng sông Hồng, trong đó con đường thuận tiện nhất là theo cửa sông Bạch Đằng lên Lục Đầu rồi tỏa đi các nơi. Với ý chí kiên quyết không để quân thủy Tống lọt vào đất ta bằng bất cứ cửa biển nào, với lòng tự tin về sức mạnh hơn hẳn của quân thủy ta, Lý Kế Nguyên đã không tổ chức chặn giặc ở cửa sông Bạch Đằng và Lê Hoàn trước đó, mà đem chiến thuyền chặn giặc tận ngoài hải giới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, quân thủy nước ta tổ chức chặn đánh quân thủy xâm lược ngay trên đường biển.

Theo sử sách Tống ghi lại thì hơn 10 cuộc đụng độ đã diễn ra trên mặt trận đường biển. Đáng tiếc, không có tài liệu nào ghi chép tỉ mỉ về diễn biến của các trận đánh đó. Vua Tống nhận xét: “Dương Tùng Tiên tuy không giết được nhiều giặc nhưng cũng không đến nỗi thua!”53. Ngày 3-4-1077, viên quan coi Liêm Châu biết khá tường tận tình hình chiến sự trên biển đã tâu lên triều đình, rằng quân Tống thua luôn và thương vong nhiều. Chính Dương Tùng Tiên, cũng vào khoảng tháng ba, tháng tư năm ấy, trong một tờ trình gửi về đất liền đã tự thú nhận đánh không nổi quân ta, thậm chí còn sợ quân thủy ta đánh vào đất liền nữa. Dương viết: “Vừa rồi, tôi gặp quân liên lạc của giặc mang lệnh của viên hành quân chiêu thảo sứ bên giặc là Lý Kế Nguyên. Sau đó nhiều lần tôi đánh chúng, nhưng chúng không có ý khuất phục. Vậy xin hãy ra lệnh phòng bị nghiêm ngặt ở biên giới để tránh sự bất ngờ”54.

Bất lực trước phòng tuyến trên biển kiên cường của quân thủy Lý, bọn Dương Tùng Tiên chỉ còn cách luẩn quẩn ở ven biển Khâm Châu, Vĩnh An chờ kết thúc chiến tranh và cố cắt ra một tốp binh thuyền nhỏ, giao cho hai viên hiệu dụng là Phàn Thực và Hoàng Tông Khánh liều mạng vòng ra ngoài khơi, vượt biển vào Chiêm Thành, thực hiện cái mưu mẹo cũ kỹ và bị vứt bỏ của họ Dương.

Như vậy bằng cách đập tan kế hoạch dùng thuyền vượt sông của quân Tống, quân thủy Lý Kế Nguyên đã góp phần trực tiếp bảo đảm thắng lợi của quân ta trên phòng tuyến sông Cầu. Muốn tiếp tục chiến tranh, quân Tống buộc phải chấp nhận một cuộc chiến đấu trên mặt nước trong tình thế hoàn toàn bất lợi cho chúng.
--------------------------
53 Trường Biên, quyển 288 tờ 6a, theo Hoàng Xuân Hãn, sách đã dẫn, tr. 305.

54 Trường Biên, quyển 281 tờ 2a, theo Hoàng Xuân Hãn, sách đã dẫn, tr. 290, chú thích 7.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #66 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2011, 07:48:20 pm »

Trên mặt trận sông Cầu, sử sách cho biết quân Tống có hai lần tổ chức vượt sông sang bờ nam và cả hai lần đều thất bại. Hoạt động của quân Lý chủ yếu là chặn đánh không cho quân Tống vượt sông, vượt lũy và thỉnh thoảng đổ bộ sang bờ bắc quấy rồi, tiêu diệt quân Tống chờ thời cơ tổng công kích. Trận đổ bộ của quân Lý sang bờ bắc ở mé núi Nham Biền và bến đò Như Nguyên là một trận có tính chất quyết chiến chiến lược, tác động đến chiều hướng diễn biến chiến tranh55. Trong tất cả những hoạt động đó, tính chất thủy chiến rất rõ ràng, quân thủy luôn đóng vai trò to lớn và trở thành yếu tố quyết định thành bại cho cả hai bên.

QUÂN TỐNG VƯỢT SÔNG LẦN THỨ NHẤT

Trận đụng độ lớn đầu tiên xảy ra vào khoảng hạ tuần tháng giêng năm 1077, ít ngày sau khi quân bộ Tống đã dàn xong đội hình trên bờ bắc sông Cầu. Đồn trại Tống nằm rải dọc theo bờ bắc sông Cầu, từ bến đò Như Nguyệt đến gần sườn phía tây của núi Nham Biền, tức là gần đường số 1 hiện nay, chỗ qua cầu Thị Cầu. Hai đầu hệ thống đồn trại đó trở thành hai cứ điểm tập trung đông nhất, trong đó đại bản doanh của Quách Quỳ và các tướng chỉ huy khác như Triệu Tiết, Yên Đạt cụm lại ở đầu phía đông, trên con đường thiên lý vào Thăng Long lúc đó. Theo Trường Biên (Tục tự trị thông giám Trường Biên, 281/14a), từ đại bản doanh của Quách Quỳ đến bến đò Như Nguyệt khoảng 60 dặm (một dặm Tống bằng 1.800 xích, một xích Tống bằng 30,70 cen-ti-mét. Như vậy khoảng cách này chừng hơn 30 ki-lô-mét). Lúc này, trong quân Tống nổi lên hai xu hướng trái ngược nhau: Quách Quỳ, vốn rụt rè, thận trọng, muốn theo đúng bài bản là tạm dừng quân, dò la tình hình phòng thủ của ta, chờ quân thủy vào phối hợp đánh qua sông. Số đông tướng lĩnh khác sợ thiếu lương, muốn đang thừa thắng, đánh thốc vào Thăng Long kết thúc chiến tranh. Sau ít ngày đắn đo và dò la tình hình ta, lại không thấy tăm hơi quân thủy, Quách Quỳ đồng ý cho Miêu Lý là tướng chỉ huy cụm quân đóng ở bến đò Như Nguyệt bắc, đem một đạo quân kỵ bộ dùng cầu phao vượt sông. Có lẽ, nếu Miêu Lý thành công ở đầu phía đông, Quách Quỳ cũng nhân đà đó mà tung đại quân tràn sang đánh thốc vào Thăng Long.

Theo báo cáo của Miêu Lý với Quách Quỳ: “Giặc đã trốn đi rồi, xin cho quân vượt sông”, và thực tế tình hình khác hẳn, khi tiền quân của Miêu Lý qua đến bờ nam, có thể quân ta ở bến Như Nguyệt nam đã chủ động giấu lực lượng, làm như đã rút quân để nhử quân Tống sang phục binh tiêu diệt. Đó chính là một kiểu phòng thủ tích cực. Với ý định như vậy, quân thủy ta ở bờ nam cũng như ở Vạn Xuân đã làm ngơ mặc cho quân Tống bắc cầu phao qua sông tương đối dễ dàng.

Quân Tống đã xử lý trận này đúng như phương châm mà binh pháp Trung Quốc đã tổng kết: “Hỏi: Đằng trước có sông to, quân ta muốn vượt mà không có thuyền ghe, quân địch chặn mất đường về, quân xích hậu của nó canh luôn, những nơi hiểm trở bị giữ hết, quân dũng sĩ địch đánh cả trước, sau thì ta nên làm thế nào? Trả lời: Thế thì phải chia quân làm ba: tiền quân làm hào cao lũy sâu như là cố thủ, hậu quân tích trữ lương thảo khiến địch không biết ý ta, rồi bất ngờ tung quân tinh nhuệ đánh úp vào chỗ nó không phòng bị. Không cách nào hay hơn thế” (Võ Kinh)56. Chính với sự chỉ dẫn của Hoàng Kim Mãn, một tù trưởng miền núi đã hàng giặc, quân Tống tưởng chừng đã phát hiện được chỗ “không phòng bị” của ta để “bất ngờ” bắc cầu phao tung quân tinh nhuệ sang sông. Nhưng quân Tống đã mắc bẫy.
-------------------------
55 Phan Huy Lê, Bùi Đăng Dũng…, Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, tr. 23 – 81.

56 Dẫn theo Binh thư yếu lược, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1970, tr. 217.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #67 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2011, 08:01:37 pm »

Quân Tống không giỏi về thủy chiến, nhưng lại rất thành thạo trong nghệ thuật bắc cầu phao. Theo tổng kết của binh pháp thời Minh thì cầu phao thời Tống do Phàn Nhược Thủy chế ra, được coi như một phát hiện quan trọng trong phép hành quân đánh bộ. Theo đó, có thể hình dung cầu phao quân Tống sử dụng để vượt sông lúc này làm theo kiểu ghép các bè gỗ với nhau57. Khi cầu phao đã xong, tiền quân Tống do Vương Tiến chỉ huy tràn sang, nhưng vừa đến bờ nam đã bị quân Lý đổ ra vây đánh.


Tranh vẽ trận đánh quân Tống đổ bộ

Sử Tống có nhắc đến một chi tiết là Vương Tiến sợ quân ta dùng cầu phao vượt sang bờ bắc, nên đã vội vã chặt đứt cầu, khiến hậu quân Miêu Lý không sang được, vì vậy quân Tống mới thua. Nhiều người cũng nhận thấy sự vô lý của cách giải thích này, cũng như cách giải thích của các thất bại của quân “thiên triều” thường thấy trong sử sách Trung Quốc. Cũng đã có người giải thích lại bằng việc Vương Tiến muốn tranh công, tự mình đánh chiếm Thăng Long! Thực ra, Vương Tiến chỉ là một viên tướng nhỏ, lực lượng hắn không đông lắm, làm sao cả gan chặt cầu để một mình chiếm Thăng Long? Vương Tiến là tướng dưới quyền của Miêu Lý, mà bản thân Miêu Lý, trong Liệt truyện của Tống sử cũng vốn chỉ là một tiểu tướng ở phương nam, lúc đó y vẫn là một viên tướng chưa ngoi đến tước tử, một tước thấp trong triều Tống.

Rõ ràng, không có chuyện Vương Tiến phá cầu để tự hãm quân mình và gây khó khăn cho hậu quân, sau đó phải tìm cách sang cứu (chính Miêu Lý được phong tước tử sau đó là nhờ có công cứu Vương Tiến trong trận này).

Theo binh pháp Trung Quốc: “Phàm khi vượt sông, chiến đội phải lên bờ trước, quay ngựa làm phương trận”58 để làm chỗ dựa cho hậu quân tiến sang. Rất có thể do bị quân ta đánh mạnh, bọn Phương Tiến đã không giữ được đầu cầu, để quân thủy ta phá mất, khiến hậu quân của Miêu Lý không sang được. Theo bài bản một trận phục binh thì có lẽ chính quân thủy ta đã cắt đứt cầu phao, nhằm cô lập, tiêu diệt gọn bọn Vương Tiến.

Quân thủy Lý đã tham gia rất tích cực trong trận này. Nếu trước đó quân thủy Lý làm ngơ cho quân Tống bắc cầu phao thì lúc này, sau khi đã cắt được cầu phao làm đứt đội hình địch, lại tiếp tục cản phá hậu quân của Miêu Lý đang dùng bè (có lẽ chính là những đoạn cầu phao còn lại) ào ạt tràn sang cứu bọn tiền quân.

Quân Tống hoàn toàn thất bại trong trận này. Quách Quỳ càng bảo thủ hơn trong chủ trương đợi thuyền, dường như thực tế thất bại của quân Tống trên mặt sông khiến Quách Quỳ càng nhận rõ tính chất đánh thủy của cuộc chiến. Quỳ ra lệnh sẽ chém đầu bất kỳ tướng nào bàn đến một trận vượt sông nữa. Nhưng, sau một thời gian khá lâu án binh bất động, hoạt động quân sự duy nhất chỉ là dùng máy ném đá bắn phá thuyền ta, lương thảo ngày càng thiếu thốn, bệnh dịch ngày càng tăng, quân thủy Tống thì chờ mãi không thấy, lại thêm bị các đội dân binh của Thân Cảnh Phúc luôn luôn đánh phá ở phía sau, đồng thời bị quân thủy ta thường xuyên bất ngờ đột kích, khiêu chiến, Quách Quỳ buộc phải liều mạng, đích thân tổ chức một trận vượt sông nữa, hòng gỡ thế bí.
--------------------------
57 Binh thư yếu lược, sách đã dẫn, tr. 216.

58 Binh thư yếu lược, sách đã dẫn, tr. 226.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #68 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2011, 07:43:35 pm »

QUÂN TỐNG VƯỢT SÔNG LẦN THỨ HAI

Kế hoạch dùng cầu phao đã thất bại, thuyền vẫn không có, lần này quân Tống dùng bè vượt sông. Quân Tống cũng rất thạo lối vượt sông này. Vũ bị chế thắng chí tổng kết được khá nhiều kiểu bè dùng cho quân bộ vượt sông, như bè sậy, bè chum, bè cán giáo, trong đó bè cán giáo khéo làm có thể chở được tới 500 quân. Cách thức dùng bè vượt sông cũng được dạy chi tiết: “Trước tiên, sai những quân bơi lội giỏi sang bờ bên kia dựng cột to, buộc hai dây lớn căng qua sông… một dây buộc vào bè để người trên bờ kia kéo qua sông, một dây để người trên bè giữ cho nước khỏi làm trôi mất”59. Để chống lại được quân thủy ta tiến công trên sông khi bè chưa vào đến bờ, đồng thời nhanh chóng tạo ra một lực lượng đông, đủ sức chống trả quân ta trên lũy bờ nam, Quách Quỳ ra lệnh đóng những bè gỗ rất lớn, đủ chở mỗi chuyến một đơn vị lính chừng 500 người, ngựa và đầy đủ vũ khí để khi sang đến bờ bên kia có thể chiến đấu được ngay.


Bè giáo

Như vậy, một lần nữa quân Tống lại phải tiếp chiến với quân thủy ta trên mặt sông bằng những chiếc bè kém cơ động. Hoạt động của quân thủy khiến cho quân Tống không dễ dàng nhất loạt đổ bộ, vì vậy, tạo điều kiện cho quân ta ở trên lũy có thể tập trung tiêu diệt từng tốp quân Tống đổ bộ. Hơn nữa, quân Tống không tính đến việc quân thủy ta có thể tiêu diệt và phá hủy những bè gỗ khi chúng đã đổ hết quân,. Quay trở về bờ bắc chở quân tiếp viện, nên nhiều bè đã không về đến bờ bắc. Quân tiếp ứng không sang kịp, quân Tống ở bờ nam trở nên cô lập.

Kế hoạch vượt sông không thuyền lần thứ hai của quân Tống hoàn toàn thất bại. Trận này làm cho quân Tống hết sức chán chường, bế tắc, cả triều đình Tống xôn xao. Qua lời kể của Tô Bình, được anh em họ Trình dẫn lại trong sách của mình, ta có thể hình dung phần nào diễn biến trận đánh: “Quân [Tống] kéo vào đất giặc sâu quá, dùng bè chở 500 quân sang sông, vừa chặt, vừa đốt phá rào trại địch bằng tre mà mấy lần không được, khi chở bè không về đem viện binh sang thì lại bị giặc hợp binh bắt giết. Quân ta không có quân cứu, hoặc chết, hoặc trốn, nên không thành công”60.

Thế trận sông Cầu, lúc đó đang phát triển theo đúng dự kiến của Lý Thường Kiệt. Quân Tống buộc phải dùng sở đoản của chúng chọi với sở trường của ta và đã hoàn toàn thất bại về chiến thuật. Từ đó quân Tống dứt khoát thực hiện phương án đợi thuyền. Điều đó cũng có nghĩa rằng sẽ không thể tổ chức một đợt vượt sông nào nữa, vì quân thủy Tống không bao giờ đưa thuyền vào được đến sông Cầu. Quân Tống hoàn toàn hết hy vọng giành thắng lợi, mặc dầu “sau đó lại muốn mang quân sang, nhưng thuyền không có để qua sông, lương cũng không đủ để đóng giữ”61.
-----------------------
59 Binh thư yếu lược, sách đã dẫn, tr. 226.

60, 61 Nhị Trình di thư. Hai anh em họ Trình là Trình Hựu, Trình Di đều sống ở thế kỷ XI, là những danh nho thời Tống. Xem Hoàng Xuân Hãn, sách đã dẫn, tr. 301, hoặc Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, Nhà xuất bản Văn Hóa, Hà Nội, 1962, t. I, tr. 175.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #69 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2011, 07:50:54 pm »

QUÂN LÝ ĐỔ BỘ QUYẾT CHIẾN CHIẾN LƯỢC

Chủ trương chung trong cuộc kháng Tống lần này của nhà Lý là phòng thủ giữ nước. Nhưng ngay từ trận đầu ở bến đò Như Nguyệt nam, đã thấy rõ phương châm của quân Lý trên tuyến sông Cầu là phòng thủ tích cực, tức là luôn luôn chủ động đánh địch để phòng thủy. Dò theo ghi chép của sử sách Tống, ta có thể thấy được nhiều hoạt động tích cực của quân Lý sang phía bờ bắc, mà phần lớn do quân thủy đảm nhiệm. Có lần quân Tống bên bờ bắc đang mong ngóng quân thủy của chúng từ biển vào, thấy hàng trăm thuyền chở đầy lính từ phía Vạn Xuân ngược lên, tưởng thuyền Tống đã đến, nhưng chưa kịp mừng, đã nhận ra quân ta trên thuyền la hét, chửi mắng khiêu chiến (Trường Biên, 279, 22b)62. Một lần khác, quân ta dùng thuyền nhỏ bí mật đổ bộ lên bờ bắc, đánh vào tướng do Diêu Tư chỉ huy, khiến chúng phải lao đao đối phó (Đông đô sự lược)63

Cuộc tiến công lớn nhất của quân Lý sang bờ bắc xảy ra vào khoảng gần cuối tháng giêng năm 1077, tức là cuối thời gian hai bên cầm cự nhau trên phòng tuyến sông Cầu. Cuộc tiến công này mang tính chất một trận quyết chiến chiến lược.

Sử sách nước ta nói về chiến tranh Lý – Tống trên sông Cầu dường như chỉ nói đến trận này làm tiêu biểu: “Hai quân giữ nhau ở sông Như Nguyệt hơn một tháng. Lý Thường Kiệt biết rằng quân Tống sức lực đã khốn, ban đêm sang sông đánh úp, đại phá được. Quân Tống mười phần chết năm, sáu, bèn lui giữ châu Quảng Nguyên”64. Sử sách Tống cũng chép nhiều về một trận thắng rất lớn ở sông Cầu, coi như tiêu biểu cho cuộc nam chinh của Tống. Đó là trận “phục binh” ở núi Kháo Túc (tức núi Nham Biền)65. Như vậy, cả hai nguồn sử liệu đều xác nhận có một trận đánh rất lớn ở bờ bắc sông Cầu, trong đó quân Lý đại thắng mà quân Tống cũng đại thắng! Muốn xem hư thực thế nào, phải nhìn vào hệ quả lịch sử mà trận đánh này mang lại.
--------------------------
62, 63 Hoàng Xuân Hãn, sách đã dẫn, tr. 301 – 302.

64 Việt sử lược, tr. 111.

65 Xem thêm: Hoàng Xuân Hãn, sách đã dẫn, tr. 302. Phan Huy Lê, Bùi Đăng Dũng…, sách đã dẫn, tr. 68 – 72.
Logged

Ùi, úi, ui....
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM