Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:16:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm  (Đọc 152878 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #30 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2011, 06:49:03 pm »

Loại thuyền lớn nhất, trang trí đẹp nhất và cấu tạo cũng hoàn chỉnh nhất là những thuyền chiến. Số lượng loại này không nhiều nhưng tiêu biểu cho kỹ nghệ thuyền bè thời này cũng như cho nghệ thuật trang trí đương thời tượng trưng cho bộ mặt lực lượng vũ trang thời dựng nước đầu tiên.

Thuyền trên trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ tiêu biểu cho loại trên. Mọi kết cấu kỹ thuật có thể thấy trên thuyền thời này đều được thể hiện trên các thuyền chiến đó. Thuyền nào cũng có chèo lái ở đuôi thuyền, hơn nữa còn phổ biến chèo lái ở mũi, thậm chí thuyền trên trống Hoàng Hạ có tới hai mái chèo lái ở đằng mũi. Chèo lái ở đuôi dài, ở mũi ngắn nhưng rộng bản, rất giống những lái mũi trên thuyền chiến của quốc gia Ki-ép cổ đại thế kỷ XIII. Hầu như rất ít thuyền thể hiện người chèo đẩy nước11, khiến có thể nghĩ đây là những thuyền chạy buồm. Ở đáy thuyền, cả đuôi lẫn mũi, đều có những tấm rẽ nước được trang trí đẹp. Trên thuyền xuất hiện nhiều cọc phụ, ổn định. Trang trí đẹp nhất thường là những cọc phụ ở phía đuôi, gần người điều khiển lái đuôi. Thuyền nào cũng có một vật như chiếc trống da ở giữa thuyền và một sạp lần cao chừng 1,5 mét, đặt hơi chếch về phía đuôi thuyền, trên sạp lầu là một vị trí ổn định của một xạ thủ bắn cung hoặc nỏ, dưới đó là nơi cất những đồ đồng quý. Thuyền được thể hiện như một loại thuyền độc mộc loại cực lớn. Đo theo luật tương quan dài ước khoảng 20 – 30 mét. Đầu và đuôi thuyền trang trí rất đẹp, vẫn là hình đầu thú kỳ dị, nhưng tô vẽ cầu kỳ hơn. Người trên thuyền có tư thế và vị trí ổn định như là đã chuyên hóa trong chức năng. Tính chất thuyền chiến thể hiện rõ nhất qua hình người vũ trang trên thuyền và chiếc sạp lầu với người xạ thủ.


Thống kê vũ khí trên thuyền có thể nhận thấy mấy loại sau: rìu, giáo, lao, dao găm, mộc, cung nỏ. Trong đó, tính theo tổng số vũ khí được trang bị thì giáo là loại chiếm tỉ lệ cao nhất (60%), sau đó là rìu (30%). Đây cũng là hai loại vũ khí thường thấy nhất ở các địa điểm khảo cổ học. Những người cầm rìu thường đứng ở đầu mũi thuyền như để sẵn sàng nhảy sang đánh giáp lá cà. Không một thuyền nào thiếu cung hoặc nỏ ở trên sạp lầu. Rất có thể lúc này máy nỏ đã được phát minh mà phản ánh của nó đọng lại trong truyền thuyết Cao Lỗ, Rùa vàng, Mỵ Châu – Trọng Thủy và ghi chép thật về máy nỏ ở nước Sở đương thời. Phải chăng cũng như việc đưa catapul lên thuyền ở Địa Trung Hải, thuyền chiến của Hùng Vương và An Dương Vương đã được trang bị những máy nỏ đầy hiệu lực và thần bí đó. Một vài chiến binh được trang bị thêm ngọn lao có thể phi sang thuyền đối phương hoặc chiếc mộc che thân trong những trận giáp chiến. Một vài thủ lĩnh nào đó có thể có thêm lưỡi dao găm trên tay.

Giáo trên thuyền khá dài. Đo theo luật tương quan, giáo ở thuyền trên trống đồng Hoàng Hạ dài khoảng 2 – 2,5 mét. Điều này khá phù hợp với chiếc giáo tìm được trong mộ Việt Khê mà chủ nhân của nó nằm trong chiếc quan tài hình thuyền bên cạnh chiếc mái chèo sơn son, như một thủ lĩnh chuyên nghề sông nước. Chiếc giáo đó dài cả cán là 2,37 mét (đã bị gãy một phần). Kích thước dài của giáo ở trên thuyền chỉ phù hợp với chức năng phòng ngự, chống lại thủ đoạn giáp lá cà cướp thuyền của quân thủy đối phương.

Rìu chiến được tra cán như kiểu rìu thợ mộc hoặc đúng hơn, như rìu chiến của chiến binh Tây Nguyên hiện nay. Đó chính là “thanh gươm” của người Lạc Việt, một vũ khí giáp chiến cực kỳ lợi hại. Những chiến binh mang rìu trên thuyền là những người lính năng động nhất, họ luôn đứng ở mũi thuyền trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
-------------------
11 Riêng thuyền trên thạp đồng tìm thấy trong mộ Việt Khê có khắc một dãy người ngồi chèo theo tư thế hai tay đẩy hai mái.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #31 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2011, 06:52:43 pm »

Có một điều đáng chú ý là vị trí của chiến binh, thủy thủ trên thuyền khá ổn định, chứng tỏ biên chế, tổ chức đã phát triển đến mức độ nhất định, và có lẽ chiến thuật sơ khai đã hình thành: cung nỏ, trong quá trình tiến đến đối phương trước khi giáp chiến, có nhiệm vụ tiêu diệt địch từ xa, giáo dài và lao ném sát thương địch ở tầm gần hơn và không cho địch nhảy sang thuyền mình. Khi đổ bộ, giáo và lao trở thành những mũi nhọn dọn đường; khi giáp chiến, là vai trò của những tay rìu với tấm mộc che đỡ.

Quan sát chung cả ba loại thuyền cho thấy đã có sự phân công chức năng khá cụ thể ở trên những thuyền chiến hiện đại nhất, ít ra cũng chia thành lính thủy thủlính chiến đấu. Còn nhìn chung, trên những thuyền nhỏ, khi chiến tranh thường do dân binh đảm nhiệm, thì dường như không có sự phân biệt đó: lính chiến đấu làm luôn nhiệm vụ của những thủy thủ.

Trên những thuyền loại lớn, vị trí của người cầm lái rất ổn định, chứng tỏ đó là một chức vụ chuyên nghiệp mà không phải bất cứ người nào cũng có thể tranh phần được. Những thuyền khắc trên thạp Đào Thịnh, Việt Khê, trống Miếu Môn… cho thấy rõ những người lính cầm vũ khí đứng tách hoàn toàn với những người chèo thuyền và một người cầm rìu thường ngồi ở đầu mũi thuyền làm nhiệm vụ như một viên trưởng chèo, tức người cầm nhịp cho các tay chèo. Đây là một xu hướng tất yếu trong quá trình chuyên nghiệp hóa lực lượng vũ trang mặt nước. Song ở nước ta, ngay từ thời dựng nước cho đến tận thế kỷ XVII, xu hướng đó tồn tại song song với một tình trạng phổ biến khác là trên những thuyền vũ trang loại nhỏ của dân binh hoặc của các đơn vị bán chuyên nghiệp địa phương, thậm chí cả trong một số đơn vị quân đội chính quy của nhà nước, lính chiến đấu đồng thời là thủy thủ.

Chiến thuật phổ biến nhất trong thủy chiến thời này có lẽ chỉ là giáp chiến. Về bản chất, đó là thủ đoạn tác chiến trên bộ được sử dụng trong một loại “địa hình” đặc biệt – trên những thuyền chiến. Ở châu Âu, phải đến tận thế kỷ XVI – XVII, thủ đoạn tác chiến này mới được coi như hoàn toàn rút khỏi chiến thuật hải chiến. Trong khi đó, ở phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, thủ đoạn đó còn được tiếp tục đến tận thế kỷ XVIII – XIX. Trong chiến thuật này, vai trò của những cánh tay gân guốc và sự sắc bén của ngọn giáo, cây rìu, lòng dũng cảm và số lượng đông là những yếu tố quyết định thành bại của trận đánh. So với trình độ và trang bị chung của quân thủy đương thời, quân thủy nước ta không hề thua kém, thậm chí có thể đứng vào hàng những quân thủy vào loại mạnh trên thế giới. Dựa vào thư tịch và truyền thuyết về sự tích thuyền bọc đồng của vua Việt có thể giả thuyết rằng đấu thuyền cũng đã tồn tại trong chiến thuật thủy chiến của quân thủy thời này.

Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #32 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2011, 07:15:31 pm »

Sự phát triển của quân thủy thường trực và nghệ thuật thủy chiến tất yếu dẫn đến các căn cứ thủy quân. Như đã nói, đến thời An Dương Vương, do những nhu cầu bức thiết mới, lực lượng vũ trang chuyên nghiệp phát triển lên một bước cao hơn mà biểu hiện tập trung nhất là sự xuất hiện tòa thành đầu tiên, cũng là trung tâm quân sự đầu tiên trong lịch sử quân sự Việt Nam. Đó là thành Cổ Loa. Kết cấu thành Cổ Loa mang những nét rất điển hình của một căn cứ quân thủy.

Thành Cổ Loa xây dựng trên thềm bậc hai của sông Hồng, vốn là một khu đất cao. Địa thế đó với những doi đất chạy dài, những hồ đầm và sông ngòi bao bọc đã tạo nên ở đây một căn cứ quân sự hết sức thuận lợi. Quân dân Âu Lạc đã đem sức lao động của mình hòa cùng với cảnh vật thiên nhiên dựng lên một tòa thành mà trải qua hàng chục thế kỷ vẫn không hề mất ý nghĩa chiến lược của nó.

Chỗ dựa chính của tòa thành này là sông Hoàng Giang, thời đó là một nhánh rất lớn của sông Hồng, nối hai hệ thống sông lớn nhất miền Bắc nước ta là hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Thái Bình. Sông Hoàng Giang làm thành hào nước thiên nhiên che chở mặt nam thành, đồng thời là mạch giao thông chính nối tòa thành này với mọi trục giao thông thủy của đất nước. Nghiên cứu vết tích thành lũy còn lại hiện nay, chúng ta thấy các thế hệ người xưa bắt đầu từ những người dân Âu Lạc, đã kiến thiết lại bộ mặt thiên vùng này, đào đất đắp nối các dẻo đất cao sẵn có thành ba vòng thành kiên cố, vừa như con đê lớn ngăn nước lũ hàng năm, vừa là tường lũy chống giặc. Tài nghệ không phải chỉ ở chỗ khéo lợi dụng các rẻo đất cao thiên tạo, mà chính ở chỗ tính toán làm sao để đất moi lên nối với hệ thống đầm lạch sẵn có làm thành một mạng lưới giao thông liền hoàn, xứng đáng là một căn cứ quân thủy tốt nhất đương thời.

Thành Cổ Loa hiện nay còn lại ba vòng thành đất, tổng cộng 16 ki-lô-mét chiều dài. Theo những nghiên cứu mới nhất, thì có thể tòa thành đầu tiên do quân dân Âu Lạc xây dựng chỉ có hai vòng thành ngoài lớn nhất mà thôi. Song song với hai vòng thành đó là hai lớp hào sâu được khéo léo nối liền với nhau mà điểm nút là khu đầm Cả (theo truyền thuyết thuyết là nơi tập kết của toàn bộ thuyền bè trong khu thành này). Thành Cổ Loa mang tính chất một căn cứ thủy quân chính là ở hệ thống đầu hồ và sông ngòi liên hoàn đó.


Có thể nói trung tâm của căn cứ thủy quân này chính là đầm Cả. Đầm Cả (còn gọi là đầm Thủy Quân) với năm nhánh cụt như năm ngón tay kín đáo rất thuận lợi cho việc che giấu thuyền bè, tất cả nằm gọn trong vòng thành thứ hai. Từ đầm Cả có một đường nối với hai vòng thành ngoài và thông ra Hoàng Giang, có thể dùng thuyền chiến tỏa ra hỗ trợ quân bộ đang bảo vệ mặt thành hoặc truy kích quân rút chạy. Quân thủy từ bên ngoài cũng không dễ vào được đầm Cả. Con đường thủy duy nhất vào trong vòng thành thứ hai, nơi có đầm Cả, bị án ngữ bởi một cửa thành. Sông Hoàng Giang có thể nối với hệ thống sông Hồng, Thái Bình, khiến cho căn cứ Cổ Loa còn có ý nghĩa “toàn quốc”. Từ đây quân thủy có thể đi tới mọi miền đất nước, hoặc ra biển tới những miền đất xa khác nữa. Chắn chắn không chỉ có nỏ thần và những chiến binh Âu Lạc trên lũy đất đã làm cho Triệu Đà mất vía mà còn có những chiến thuyền từ căn cứ đầm Cả. Với những tay nỏ thiện xạ và những cây rìu chiến sắc bén đã giúp quân trên lũy đuổi xa nhiều lần quân xâm lược.

Ưu việt của căn cứ Cổ Loa về mặt quân sự đã khiến cho Mã Viện ba thế kỷ sau – vốn nổi tiếng là một viên tướng tài ba nhất của triều đình Đông Hán – mặc dầu đã có thành Luy Lâu bề thế vẫn chọn Cổ Loa làm nơi giấu quân, cả thủy lẫn bộ, sau khi đã đàn áp xong khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Trải gần ngàn năm Bắc thuộc, Cổ Loa vẫn luôn được các nhà chỉ huy quân sự nước ta lẫn bọn thống trị phương Bắc ưu ái. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, một trong những đội quân đầu tiên nổi tiếng nhất của kỷ nguyên độc lập, một đội quân có một lực lượng thủy quân rất hùng mạnh, đã từng nhuộm máu quân Nam Hán ở Bạch Đằng, đội quân của Ngô Quyền, sau khi đánh thắng giặc đã chọn Cổ Loa làm thủ phủ cho nền độc lập đầu tiên còn trong trứng nước.

Từ thế kỷ X về sau, căn cứ Cổ Loa mới dần dần mất vai trò chiến lược của nó. Một trong những nguyên nhân quan trọng là sự thu hẹp và cạn dần của sông Hoàng Giang, kéo hỏng theo toàn bộ hệ thống hào nước của tòa thành. Từ đó ngoài những yếu tố về chính trị, kinh tế, Cổ Loa còn thiếu luôn cả yếu tố là một căn cứ quân thủy nữa.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #33 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2011, 08:18:43 pm »

*

Quân thủy thời dựng nước hoạt động trong sông, hồ, tức những miền nước ngọt trong đất liền là chính. Tuy nhiên, có những biểu hiện chứng tỏ nhu cầu và tiềm năng hoạt động ngoài biển của quân thủy thời đó. Những công trình nghiên cứu về thuyền bè thời này cho thấy lúc ấy thuyền sông là chủ yếu, nhưng đã xuất hiện những yếu tố kỹ thuật chứng tỏ khả năng đi biển của chúng, như tấm rẽ nước, phao, ghép thuyền… Bằng chứng thuyết phục hơn cả là hình ảnh những thuyền vũ trang có chở nhiều đồ đồng quý như trống, bình đồng… mà rải rác ở hầu khắp các đảo lớn thuộc Indonesia và ven bờ biển Malaysia, Thái Lan, người ta đã thu lượm được. Ở một nơi ven bờ biển Malaysia, người ta đã đào được một trống đồng Đông Sơn còn nguyên trạng thái trên một tấm ván, được các nhà nghiên cứu ngờ là một tấm ván thuyền. Phải chăng chính những chiếc thuyền chở trống khắc trên trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ là những chiếc thuyền đã vượt biển đem trao đổi với các dân tộc anh em ở Đông Nam Á sản phẩm tuyệt diệu của kỹ nghệ đồng Lạc Việt, và để bảo đảm an toàn cũng như tính chất trang nghiêm cho các chuyến đi đó, cần có những thuyền chiến hiện đại nhất đi theo hộ tống.

Đối với cư dân thời dựng nước thì biển chẳng có gì là xa lạ. Cách nay khoảng 4.000 năm, biển còn len lỏi vào sâu tận ven Hà Nội, làm thành một cái vịnh mà các nhà địa lý thường gọi là vịnh Hà Nội. Bên cạnh số đông dân cư bám sông hồ trồng lúa, còn khá nhiều làng xóm sinh sống theo nghề biển. Thậm chí có cả những cộng đồng dân cư lớn sống gần như hoàn toàn ở biển, làm thành một hệ thống văn hóa biển rất độc đáo – văn hóa Hạ Long với điểm cư trú xa nhất hiện biết là Ngọc Vừng cách bờ ngày nay hơn 100 ki-lô-mét. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rất rõ ràng rằng quá trình hình thành quốc gia, dân tộc đồng thời là quá trình đan xen hòa hợp giữa các yếu tố đất liền và biển. Hình ảnh đó được đọng lại sâu đậm nhất trong truyền thuyết về truyền thống dân tộc – sự kết hợp và phân giải giữa Bố Rồng (Lạc Long Quân) với Mẹ Tiên (Âu Cơ).

Dòng máu người Lạc Việt đã chứa sẵn vị mặn của biển. Ý thức về biển, khả năng về biển của tổ tiên ta ngay từ đầu đã rất dồi dào. Vì vậy, mặc dầu lịch sử đã đặt cái nền sống chính của dân tộc ta trong đất, với thiên hướng lấy nghề nông làm chính (dĩ nông vi bản), nhưng do hình thế của đất do cội nguồn sâu xa cấu thành dân tộc, do cả những nhu cầu về biển không bao giờ cạn, cuộc sống của người Việt vẫn rất gắn bó với biển, ý thức về chủ quyền biển và và bảo vệ biển hình thành rất sớm. Đó chính là nguồn gốc sâu xa của tiềm năng biển sẵn chứa trong quân thủy Việt Nam ngay từ buổi đầu dựng nước.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #34 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2011, 08:22:27 pm »

Truyền thuyết ở nhiều vùng ven biển nước ta đã ghi lại những cuộc chiến đấu ven biển của quân dân thời Hùng Vương, chứng tỏ hoạt động vũ trang trên mặt nước thời kỳ này chẳng những chỉ diễn ra trong sông hồ nước ngọt, mà còn khá sôi động ở ven biển, thậm chí cả trên biển nữa.

  Có thể kể hai truyền thuyết còn lưu lại trong dân gian vùng Hải Phòng, do phòng Bảo tồn bảo tàng thuộc Sở Văn hóa Thông tin Hải Phòng sưu tầm:

  Chuyện rằng, vào thời Hùng Vương thứ 6, nhân dân sống ở ven bờ biển Hải Phòng rất khốn khổ vì nạn giặc giã từ đảo Quỳnh Châu (Hức Hải Nam ngày nay) hàng năm vào cướp phá. Họ bèn kêu cứu Hùng Vương. Vua Hùng liền đem quân về, theo truyền thuyết, đóng ở một cái hang mà nay dân gian còn gọi là hang Vua. Dưới sự lãnh đạo của Hùng Vương, nhân dân ven biển Hải Phòng đã đánh tan nhiều cuộc cướp phá của giặc biển và cuối cùng, đóng thuyền chiến vượt biển sang tận đảo Quỳnh Châu, phá tan sào huyệt địch rồi rút về. Từ đó giặc biển không dám vào cướp phá nữa.

  Một chuyện khác cũng xảy ra vào khoảng thời gian này. Hằng năm, giặc Hồ Tôn từ phía Nam vượt biển vào cướp phá các làng xóm ven biển Hải Phòng. Sau mỗi lần tràn vào, chúng chẳng những mang đi mọi của cải cướp được mà còn bắt rất nhiều người về nước làm nô lệ. Một lần, trong số những người bị bắt, có một người con gái trẻ, đẹp. Khi về đến nước Hồ Tôn, người con gái đó đã tổ chức những nô lệ bị bắt đứng dậy khởi nghĩa, phá xiềng, cướp thuyền trở về quê hương.


Bằng chứng lịch sử rất sinh động là sự tồn tại của một loạt di tích thời Hùng Vương ở vùng ven biển Hải Phòng, như Tràng Kênh, núi Voi, núi Đèo, Việt Khê,…trong đó ngôi mộ Việt Khê với những kiếm, rìu, giáo dài, lao nhọn, dao găm bên cạnh chiếc mái chèo sơn son biểu hiện như quan tài của một viên thủ lĩnh quân thủy. Bằng chứng đó cũng được thư tịch nhắc đến với đội quân thủy rất tài giỏi của nữ tướng Lê Chân trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, người đã đảm nhiệm trọng trách chặn đánh thủy quân của Mã Viện từ biển Bắc tiến vào.


Tượng nữ tướng Lê Chân ở Hải Phòng

Quân thủy thời dựng nước, cái nền của quân thủy Đại Việt sau này, ngay từ đầu đã chứa trong mình nó những tiềm năng và những nhu cầu hoạt động trên biển. Ý thức và chủ quyền vùng biển, yêu cầu bảo vệ chủ quyền đó và đồng thời là nhiệm vụ với biển của quân thủy đã được đặt ra và thực hiện từ rất sớm. Những mầm mống của hải quân và nghệ thuật hải chiến đã được chuẩn bị từ trong lòng quân thủy trong những điều kiện như vậy.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #35 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2011, 08:25:18 pm »

*

Châu thổ sông Hồng phì nhiêu, vào thời đại đồng cách nay khoảng 4.000 năm, đã hình thành một trung tâm văn minh rực rỡ trên cái nền NÔNG NGHIỆP – SÔNG NƯỚC trù phú, với kỹ nghệ đồng, đá… phát triển cao. Trên cái nền ấy, vận động của văn minh trong điều kiện lịch sử riêng biệt đã làm nhú mầm một “nhà nước sơ khai”. Sự nảy mầm đó kéo theo một mầm mới nữa, đó là lực lượng vũ trang của “nhà nước”, lúc này để giữ nước hơn là trấn áp giai cấp.

Văn minh Việt buổi đầu dựng nước vốn là một nền văn minh sông nước. Quân đội Việt, vì vậy, từ buổi đầu là một đội quân sông nước. Ở đất Việt, nước gắn bó và chở che cho đất. Quân thủy Việt, do đó, cũng hoạt động trước hết nhằm mục tiêu giữ đất. Quân thủy cũng là quân bộ trong cái nghĩa mục tiêu hoạt động, và quân bộ cũng đồng thời là quân thủy trong cái nghĩa hình thức hoạt động hay thủ đoạn tác chiến.

Bám giữ đất là chính, quân thủy Việt từ đầu đã là quân thủy hoạt động chủ yếu trong sông hồ. Nhưng đất Việt thời đó gần như hòa vào biển cả với tư cách là dải đồng bằng ven biển. Nếu mẹ người Việt là đất với mẹ tiên Âu Cơ, thì bố người Việt là nước, hàm cả nghĩa lớn là biển, với bố rồng Lạc Long Quân. Những người con của bố rồng ấy, khi có chiến tranh thì trở thành quân thủy giữ đất mẹ là chính, nhưng dồi dào sức biển. Tính chất sông, lục địa không mâu thuẫn với biển. Thuyền trên sông cũng có thể trở thành thuyền trên biển khi cần thiết.

Quân thủy Việt Nam, ngay từ ngày dựng nước đã là quân thủy giữ nước, quân thủy bảo vệ Tổ quốc. Với truyền thống vũ trang toàn dân, chiến tranh nhân dân, từ những ngày này, quân thủy đã gồm 2 bộ phận: quân thủy chuyên nghiệp và quân thủy dân binh. Chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông nước là quy luật độc đáo có tính chất truyền thống của quân thủy nước ta. Truyền thống đó bắt đầu từ quân thủy giữ nước thời Hùng Vương. Do đó, tính nhân dân, tính dân tộc là quy luật hình thành và phát triển của quân thủy cổ đại Việt Nam. Chỉ có như vậy, nghĩa quân Hai Bà Trưng mới có thể từ hai bàn tay trắng, nhanh chóng xây dựng được một đội thủy quân hùng mạnh đương đầu với quân thủy Mã Viện ở Bạch Đằng, ở hồ Lãng Bạc…

Quân thủy thời dựng nước chính là những mầm chín đầu tiên để từ đó phát triển thành quân thủy Đại Việt sau này.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #36 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2011, 08:30:35 pm »

Chương bốn

SỰ HÌNH THÀNH QUÂN THỦY ĐẠI VIỆT
VÀ TRUYỀN THỐNG BẠCH ĐẰNG

Trong đêm trường Bắc thuộc, sức sống Văn Lang, Âu Lạc vẫn như ngọn lửa hừng hực không bao giờ tắt. Một Tổ quốc Việt, một dân tộc Việt, một cái nghiệp xưa Việt đã định hình trong tiềm thức mỗi người dân mất nước. Tiềm thức đó hòa với những truyền thống Việt đã định hình trong thời mở nước đầu tiên, cùng được ấp ủ trong các làng quê Việt, truyền tay nhau qua bao thế hệ, trở thành vũ khí sắc bén chống lại chính sách đồng hóa hiểm bạo của kẻ thù ngoại tộc. Biểu hiện tập trung nhất của sức sống đó là những cuộc nổi dậy liên tục của nhân dân ta nhằm “rửa sạch nước thù”, nhằm “lập lại nghiệp xưa họ Hùng”. Chính nhờ những cuộc nổi dậy đó, mặc dầu chưa đem lại thắng lợi quyết định và lâu dài, nhưng là điều kiện bảo tồn và trưởng thành tốt nhất của ý thức độc lập tự chủ.

Cũng như nhiều truyền thống tốt đẹp khác của thời dựng nước đầu tiên, truyền thống đánh thủy và lực lượng vũ trang trên mặt nước không có điều kiện phát triển trong tình trạng Tổ quốc bị nô dịch. Nhưng nhờ chuỗi khởi nghĩa liên tục, truyền thống đó không những không bị mất đi mà còn thường xuyên được thử thách, và trong thực tế tiếp tục đóng vai trò tích cực trong lịch sử chiến tranh giành độc lập dân tộc. Đó là quân thủy của Hai Bà Trưng đánh Hán ở Bạch Đằng, Lãng Bạc, quân thủy của nước Vạn Xuân đánh Lương ở sông Tô Lịch, hồ Điển Triệt, là đội quân du kích trong đầm nước Dạ Trạch của Triệu Quang Phục. Đó cũng là quân thủy của ông “vua đen” họ Mai trên dòng sông Lam, của Bố Cái Đại Vương trong trận vây thành Đại La bức chết Cao Chính Bình… Nghệ thuật đánh thủy của dân tộc không ngừng trưởng thành, đã chuẩn bị vật chất cho những cuộc nổi dậy có tính chất quyết định của nhân dân ta ở thế kỷ X và hòa với thắng lợi cực lớn của quân thủy thời đó khắc họa lên những nét căn bản nhất của quân thủy Đại Việt.

Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #37 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2011, 08:35:21 pm »

Như vậy, nếu như chính cậu Gióng Việt thời Văn Lang, Âu Lạc đã vươn mình trở thành Đại Việt, thì quân thủy Đại Việt cũng là sự tiếp tục truyền thống quân thủy thời dựng nước sau hàng ngàn năm tôi luyện, thử thách, trưởng thành trong ngọn lửa đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tuy nhiên, quá trình trưởng thành của sức sống dân tộc trong ngàn năm Bắc thuộc cũng đồng thời là quá trình dân tộc ta, dưới những hình thức mới, tiếp tục trao đổi văn hóa với các dân tộc xung quanh, tiếp thu sáng tạo những thành tựu văn hóa mới để làm cường tráng thêm cơ thể Việt, góp phần tạo nặn một Đại Việt khỏe khoắn. Quân thủy Đại Việt một mặt duy trì những truyền thống căn bản thời dựng nước, mặt khác đã trưởng thành với nhiều yếu tố mới tiếp tục trong quá trình tiếp xúc hay đụng độ với bên ngoài. Ví dụ, đó là sự trưởng thành của kỹ thuật đóng thuyền do nhu cầu phục vụ những mục đích chiến tranh, buôn bán của bọn thống trị và trong quá trình buôn bán trao đổi kinh nghiệm với các nhóm thợ của các tộc Việt ở ven biển đông – nam Trung Quốc đã và đang trong quá trình Hán hóa. Hoặc đó là thuyền bè, vũ khí của nghệ thuật thủy chiến của các tộc sống ở ven biển và hải đảo phía nam, qua vô số lần họ tràn vào cướp phá các vùng ven biển nước ta, thậm chí có lần vào vây tận phủ thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Đó cũng là chính những kinh nghiệm về mặt tổ chức, biên chế, thậm chí cả chiến thuật được tổng kết trong nghệ thuật quân sự Trung Quốc, đặc biệt là nghệ thuật thủy chiến của các nước Việt tộc cũ ở vùng hạ lưu và phía nam sông Dương Tử, thông qua những cuộc đụng độ trực tiếp với kẻ thù phương Bắc hoặc qua con đường sách vở.

Cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X, thể chế Trung Hoa tan rã thành hàng chục mảnh cát cứ, khiến cho bộ máy thống trị của chúng ở nước ta không còn chặt chẽ và mạnh như trước nữa. Lợi dụng thời cơ đó, nhiều hào trưởng người Việt đã tự tổ chức quân đội, hô hào nhân dân đứng lên giành lấy quyền tự quản đất nước. Khúc Thừa Dụ, hào trưởng Hồng Châu là người đầu tiên giành được quyền hành trước đó nằm trong tay các tiết độ sứ Trung Quốc. Về mặt hình thức, nước ta bấy giờ vẫn là một đơn vị hành chính của Trung Quốc, nhưng thực chất đã là một cơ cấu độc lập, trong đó mọi hoạt động xã hội là do người Việt quản lý. Quân đội người Việt, được tổ chức là “con nuôi” trong nhà các hào trưởng, đã thay thế hoàn toàn bộ máy quân sự của phong kiến Trung Quốc. Đội quân đó bảo vệ quyền lực của các hào trưởng trông coi đất nước, đứng trước áp lực của phong kiến Trung Quốc lăm le đặt lại ách thống trị của chúng, thì lại cũng đồng thời làm nhiệm vụ bảo vệ những yếu tố độc lập vừa giành được. Đó là quân đội đã cùng Khúc Thừa Mỹ chống quân Nam Hán năm 930, là quân đội của Dương Đình Nghệ đuổi quân Nam Hán, khôi phục nền tự chủ năm 931, là quân đội của Ngô Quyền giết phản tặc Kiều Công Tiễn, nhận chỉm Hoằng Thao ở Bạch Đằng năm 938. Đó không còn là những đội quân mang tính chất khởi nghĩa nữa, mà đã thực sự trở thành những đội quân vệ quốc của một nhà nước đang vươn lên độc lập, tự chủ, chống lại kẻ xâm lược. Đó là sự tích tụ của sức sống Việt trong ngàn năm Bắc thuộc, đồng thời mang bóng dáng đầu tiên của quân đội Đại Việt sau này.


Ngô vương Quyền đại phá Hoằng Thao
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #38 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2011, 08:39:02 pm »

Quân thủy của thời tự chủ này là sự chuẩn bị rất căn bản cho quân đội Đại Việt. Nhìn chung, đó vẫn là một đội quân cơ động trên thuyền là chính. Quân đội của Khúc Thừa Dụ dấy lên từ Hồng Châu, một miền đất ven biển, sông ngòi chằng chịt, chỉ có thể là đội quân thiên về thủy. Quân đội của Dương Đình Nghệ với cái lõi là 3 000 “con nuôi” mang họ Dương, vốn là những người dân sông nước sinh sống ở vùng ngã ba sông Mã, sông Chu dày đặc ngòi lạch, cũng có thể chủ yếu là quân thủy. Chính đội quân của Ngô Quyền đã thừa kế hoàn toàn đặc tính sông nước của quân đội Dương Đình Nghệ, khi ông được họ Dương gả con gái và cử vào trông coi châu Ái. Dấu vết của các khu mộ táng mang đặc trưng văn hóa thời Tùy, Đường tập trung ở khu vực ngã ba sông Mã, sông Chu chứng tỏ thủ phủ của châu Ái đóng ở vùng này. Đội quân thủy của Ngô Quyền năm 938 đã dựng lên võ công đầu tiên rất oanh liệt trên sông Bạch Đằng, đã ra đi từ miền đất đó. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, chiến công hiển hách vào bậc nhất lịch sử quân sự của dân tộc ta lần đầu tiên lại do quân thủy làm nên.

Nghệ thuật quân sự nói chung trong thời này chính là nghệ thuật thủy chiến mà đỉnh cao của nó là chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938.

Cha con họ Khúc bắt đầu nền tự chủ từ năm 906. Năm 930, Nam Hán cất quân sang xâm lược, họ Khúc chống không nổi đành chịu bị bắt, nhưng liền sau đó, năm 931, một tướng cũ của họ Khúc là Dương Đình Nghệ đang cai quản châu Ái, đã đem quân ra vây thành Đại La, đuổi bọn thứ sử Nam Hán về nước, giành lại quyền tự chủ. Đến năm 937, Kiều Công Tiễn, một viên tướng thân cận của Dương Đình Nghệ, đã giết chết chủ tướng để cướp quyền. Vốn là một kẻ tham lam, hèn nhát, lại sẵn có những liên hệ ngấm ngầm từ trước với Nam Hán, nên ngay sau khi tiếm quyền, sợ bị các tướng cũ của họ Dương trừng phạt, Kiều Công Tiễn đã nhờ Nam Hán che chở.

Kiều Công Tiễn lúc này mới chỉ làm chủ được miền đất thuộc lưu vực sông Hồng, còn toàn bộ miền Hoan, Ái12 thuộc về các tướng lĩnh trung thành với họ Dương mà tiêu biểu nhất là Ngô Quyền, một viên tướng giỏi đồng thời là con rể Dương Đình Nghệ, đang cai quản châu Ái. Biết việc họ Kiều làm loạn và mưu mô bán nước, tháng 11 năm 938, Ngô Quyền tập hợp lực lượng đem quân từ châu Ái ra đánh Kiều Công Tiễn.

Thực chất cuộc hành quân của Ngô Quyền từ châu Ái ra không phải chỉ nhằm đánh Kiều Công Tiễn, mà rõ ràng đã có ý định chuẩn bị lực lượng để đối chọi với quân Nam Hán.
--------------------------
12 Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh hiện nay.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #39 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2011, 08:43:25 pm »

Nam Hán vốn là một triều đình cát cứ ở vùng ven biển đông-nam Trung Quốc, do họ Lưu cầm đầu, nhân chính quyền trung ương suy yếu, muốn dấy lại nghiệp Hán Cao Tổ xưa. Nhưng khác căn bản với tổ tiên, họ Lưu lần này lại chiếm cứ ở một vùng nhiều sông ngòi, kề với biển, do đó đã kết hợp được cái thiện nghệ đánh bộ của dân miền Bắc, với tài sông nước của dân miền Nam. Nhờ vậy, về phía Bắc, họ Lưu, cũng như thời Lưu Bang mở nước, một lần nữa lại đánh thắng thế lực quý tộc Sở cũ cũng đang ngoi lên cát cứ bành trướng. Về phía tây, Nam Hán giao kết với Nam Chiếu ở Vân Nam, về phía nam, năm 930, cử quân tranh giành Giao Châu với họ Khúc, nhưng chưa đầy 1 năm đã bị Dương Đình Nghệ xua về nước. Từ đó Nam Hán vẫn rắp tâm, chờ thời cướp nước ta lần nữa. Được lời mời của Kiều Công Tiễn, vua Nam Hán đã cử ngay con là thái tử Hoằng Thao làm Giao Vương (vua Giao Châu) mang quân thủy vội vã lợi dụng gió mùa đông bắc vượt biển tiến sang nước ta. Đó là những ngày cuối năm 938. Ngoài đạo binh thuyền của Hoằng Thao, để bảo đảm chắc chắn, đích thân vua Nam Hán chỉ huy một đạo quân thủy nữa đóng ở Hải Môn (ven biển Quảng Đông).

Do tình hình trong nước có nội chiến, Ngô Quyền chủ trương không cho quân thủy Nam Hán vào sâu trong đất liền. Một mặt, ông tìm cách tiêu diệt Kiều Công Tiễn càng sớm càng tốt, mặt khác cho quân động viên nhân dân vùng ven biển Hải Phòng, Quảng Ninh chuẩn bị chiến trường đánh giặc Nam Hán. Chiến trường chính được chọn là vùng cửa Sông Cấm hiện nay, bấy giờ có tên gọi chung là Bạch Đằng13.

Về trận này thư tịch cho hay: Ngô Quyền đoán trúng được hướng hành quân của quân Nam Hán đã cho quân đóng cọc gỗ nhọn đầu bịt sắt ở lòng sông. Khi thủy triều lên, quân ta ra khiêu chiến rồi giả thua, nhử địch tiến sâu vào bãi cọc. Lợi dụng nước thủy triều xuống làm bãi cọc nhô dần lên khỏi mặt nước, quân ta tập trung lực lượng đánh quật lại, hất quân địch ra biển, quân địch bỏ chạy vướng vào bãi cọc, bị quân ta tiêu diệt hết, chủ tướng là Hoằng Thao cũng chết tại trận.

Chúng ta không có tư liệu để kiểm tra mức độ chính xác của thư tịch, như nếu quả đúng như vậy thì có thể hình dung Ngô Quyền đã có một đạo quân thủy rất mạnh. Vì chiến thuật đánh địch bằng bãi cọc đòi hỏi sự ăn khớp rất cao về mặt thời gian, tốc độ và hướng hành quân của đối phương. Bãi cọc trong thực tế chỉ phát huy tác dụng trong một khoảng thời gian rất ngắn, tức là khi mặt nước rút xuống chỉ còn cách mũi hàng cọc một khoảng bằng độ sâu mớn nước của thuyền, cho đến khi bãi cọc bị nhô lộ ra khỏi mặt nước. Cũng có những bằng chứng chứng tỏ Ngô Quyền đã chuẩn bị đến mức có thể chứng tỏ được sự ưu thế quân sự nghiêng về phía mình trong trận này. Toàn thư có chép một đoạn nhận định rất tự tin của Ngô Quyền khi chuẩn bị đánh Nam Hán: “Hoằng Thao là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt, lại được tin Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta sức mạnh, đối địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Song họ lợi ở thuyền, nếu ta không phòng bị trước thì chuyện được thua chưa thể biết được. Nếu ta sai người đem cọc lớn đóng ngầm ở cửa biển trước, vạt nhọn đầu mà bịt sắt vào, thuyền của họ khi nước triều lên tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta dễ bề chế ngự. Không kế gì hơn kế ấy cả”14.
--------------------------
13 Hiện nay, tư liệu vẫn còn quá ít để tìm hiểu về diễn biến chi tiết của cuộc chiến tranh này. Tài liệu thư tịch của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều chỉ nói đến một trận đánh duy nhất, cũng là trận đánh quyết định thành bại của cuộc chiến tranh, đó là trận Bạch Đằng. Dựa vào tình hình phân bố các đền thờ Ngô Quyền và các tướng lĩnh của ông tham gia trận này có thể dự đoán chiến trường chính đã diễn ra ở vùng cửa sông Cấm phía Nam Hải Phòng, chứ không phải đích thực là sông Bạch Đằng ngày nay, như tình hình đã diễn ra năm 1288 trong cuộc chiến tranh chống Nguyên lần thứ ba. Theo hướng giả thuyết trên, vừa qua phòng Bảo tồn bảo tàng thuộc Sở Văn hóa Thông tin Hải Phòng kết hợp với khoa Sử trường Đại học tổng hợp đã phát hiện được một số bãi cọc ở khu vực này, được ngờ là của Ngô Quyền. Kết hợp với nhận định của một số ngành khoa học khác, như địa mạo, thủy văn, giả thiết trên càng có thêm sức thuyết phục. Tuy nhiên, cho đến nay đó vẫn chỉ là một giả thuyết mà thôi.

14 Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa Học Xã Hội – Hà Nội, 1967, t. I, tr. 146.
Logged

Ùi, úi, ui....
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM