Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:38:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm  (Đọc 152859 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #20 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2011, 06:34:19 pm »

Sự tham gia của lúa tới mức trở thành chủ yếu trong thành phần lương thực và sự tiến bộ của các phương thức đánh bắt, chế biến đạm thủy sản đã làm thay đổi những “đống rác bếp” cửa cư dân thời đại đồng đến mức gần như không để lại ít rác rưởi nào có liên quan đến đạm thủy sản. Nhưng sàng lọc thật kỹ một số mẫu đất trong tầng văn hóa, các nhà khảo cổ học đã nhặt ra nhiều xương nhỏ li ti, hầu hết đó là xương cá. Điều này hoàn toàn phù hợp với sự phong phú và tỷ lệ gần như tuyệt đối của các dụng cụ biển hiện cho hướng khai thác đạm thủy sản trong các hoạt động tìm kiếm đạm động vật nói chung như chì lưới, lao ngạnh, lưỡi câu… Truyền thuyết dân gian và thư tịch cũng ghi nhận thiên hướng đó trong khi đang mô tả những đặc điểm sinh hoạt nổi bật của cư dân thời này, đó là tục xăm mình theo hình giao long được giải thích bằng hoạt động đánh bắt thủy sản, thói quen làm mắm thủy sản và ăn canh cá…

Nếu như định hướng đạm thủy sản được khẳng định trong thời đá mài, thì trong thời đại đồng, định hướng đó xác lập một truyền thống đánh bắt, chế biến và sử dụng đạm thủy sản. Truyền thống đó được bảo tồn vững chắc trong suốt nhiều thế kỷ đầy biến động sau đó, với hình tượng con cò, con vạc, con nông lặn lội bắt cá, cua, tôm, tép,… từ trên trống đồng Đông Sơn đến mọi thế hệ ca dao, tục ngữ, văn nghệ dân gian Việt Nam, như một sợi dậy xuyên suốt.

Trong suốt thời phong kiến, cho đến tận ngày nay đạm thủy sản vẫn là nguồn đạm chủ yếu trong dân gian. Thậm chí qua một số tài liệu (như chế độ ban thưởng và cấp phát bổng lộc cho quan lại và binh lính từ Lý – Trần đến Lê, Nguyễn…) thì mắm thủy sản và cá khô còn là thức ăn thường xuyên và phổ biến cho cả tầng lớp trên của xã hội nữa. Ngày nay, đạm thủy sản vẫn chiếm địa vị chủ đạo ở mọi vùng nông thôn đồng bằng, nhất là ở những miền ven biển. Thậm chí trên nhiều vùng miền núi, nơi có thành phần thịt thú do chăn nuôi và săn bắn mang lại cao hơn các vùng khác, thì đạm thủy sản cũng không bao giờ lui xuống hàng thứ yếu.

Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #21 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2011, 07:37:59 pm »

Sự gắn bó với nước của nhân dân ta không chỉ biểu hiện trong hoạt động tìm kiếm đạm mà còn trong hoạt động làm ra bột. Đặc biệt bắt đầu từ khi cây lúa trở thành nguồn bột chủ yếu của cư dân, từ thời đại đá mới. Bản chất của cây lúa là một loài sống nhờ nước – nhất nước. Vì vậy, bao trùm lên toàn bộ hoạt động trồng lúa là cuộc đấu tranh, vật lộn với nước để nương nhờ, để cầu xin và cả để đánh đuổi…

Sự hội tụ của hai truyền thống nền tảng nhất trong hoạt động sinh sống của con người ở vùng này – truyền thống đạm thủy sản và truyền thống trồng lúa nước – càng làm gắn bó chặt chẽ giữa người và nước. Đó chính là nền tảng quyết định những khuynh hướng văn hóa khác của cư dân vùng này.

Phù hợp với những hoạt động trong lĩnh vực làm ăn, cư dân vùng này, trong lĩnh vực Ở cũng bám rất chắc những nguồn nước. Ở theo nguồn nước là đặc điểm chung cho mọi nhóm người, vì người sống không thể thiếu nước. Nhưng gắn bó của cư dân thời cổ nước ta với nước không chỉ đơn thuần nhằm bảo đảm nguồn nước sống cho người hay thú nuôi mà còn nhằm đảm bảo nguồn đạm chủ yếu, thường xuyên; nguồn nước và miền đất ẩm nước cho trồng lúa.

Giao thông thời cổ, trung đại ở nước ta chủ yếu là giao thông thủy và sông ngòi trở thành mạch máu, trục sống của toàn xã hội. Trục sống này có ảnh hưởng rất quyết định tới phân bố cư trú thời cổ. Sống bám theo các trục giao thông, với người Việt, là cư trú ven sông, ven biển và đầu mối của các dòng sông chính trở thành những trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa…

Cư trú theo những dòng sông trong điều kiện chưa có đê ngăn nước tất yếu dẫn đến những nhà sàn tránh nước và thói quen ở thuyền mà mãi đến thế kỷ XVII – XVIII vẫn còn được người phương Tây ghi nhận như một đặc điểm độc đáo của người Việt: “Họ rất thích ở nước, thích ở trên nước hơn là ở trên cạn. Cho nên phần nhiều sông ngòi thì đầy thuyền. Những thuyền đó thay cho nhà cửa của họ. Thuyền rất sạch sẽ, ngay cả khi họ nuôi gia súc ở trong đó”8.

------------------------
8 J. B. Tavernier, Relation nouvelle et singuliève du royaume de Tonkin, trong Revue indochinoise, 1908 – 1909.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #22 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2011, 07:48:38 pm »

Cư trú theo nguồn nước còn dẫn đến đặc điểm đặt địa danh theo tên nước. Người Thái có cách gọi đơn vị cư trú căn bản của họ là “nậm” (nước), ở người Việt, cách gọi đó bây giờ hàm nghĩa một đơn vị hành chính lớn hơn nhiều (quốc gia), nhưng rất có thể thời xưa cách gọi đó cũng đã được áp dụng cho những đơn vị cư trú căn bản nhất. Thời Lý – Trần, rất nhiều đơn vị hành chính được gọi là giang (sông) và cũng rất nhiều tên sông, tên đất thay thế cho nhau. Đọng lại của cách gọi đó, điển hình nhất là từ NƯỚC đồng nghĩa với từ QUỐC GIA hiện nay, là một trong số hiện tượng hiếm thấy trên thế giới.

Làm ăn (ĂN) và cư trú (Ở) phản ánh rất rõ nét trong ĐI LẠI (giao thông). Đất đai bị chia cắt nhằng nhịt và phần lớn thường xuyên lầy lội không cho phép phát triển giao thông bộ. Trong thời tiền sử cũng như lịch sử cổ - trung đại ở nước ta, những biểu hiện của giao thông bộ rất hạn chế. Hệ thống đường sá, cầu lớn vượt sông và các phương tiện vận chuyển trên bộ đều phát triển muộn và rất yếu ớt. Trái lại, điều kiện địa hình ấy lại hết sức thuận tiện cho giao thông thủy. Hơn nữa, như đã nói, cuộc sống làm ăn và cư trú có như cầu tự nhiên đi lại trên sông biển. Tư liệu lịch sử phản ánh rất rõ ưu thế tuyệt đối của giao thông thủy trong đời sống của mọi xã hội Việt xưa bên cạnh sự có mặt tương đối yếu ớt của giao thông bộ.

Bằng chứng phổ biến và rõ nét nhất của giao thông thủy được bắt đầu với tư liệu của thời kỳ Hùng Vương. Trên đồ đồng Đông Sơn, lần đầu tiên xuất hiện những phương tiện giao thông thì chúng hoàn toàn là phương tiện của giao thông thủy: thuyền. Ở đâu cũng thấy thuyền, thuyền là một trong những đề tài trang trí phổ biến và ổn định nhất của nghệ thuật đương thời. Thuyền trên trống, thạp, rìu đồng với hàng trăm tiêu bản và nhiều thể loại phong phú, chứng tỏ trình độ giao thông thủy đã phát triển đến mức cao. Quan tài hình thuyền với mái chèo chôn cùng bên trong là một trong những đặc trưng văn hóa nổi bật của người Việt.

Quan tài hình thuyền Châu Can

Trong suốt thời phong kiến, giao thông thủy vẫn là chủ đạo. Đầu thế kỷ 18, dưới mắt người phương Tây, tình hình giao thông ở nước ta vẫn còn được mô tả như sau: “Xứ này không có đường cái lớn, lại chằng chịt ruộng đồng. Muốn đến Huế cũng như bất cứ nơi nào đều phải đi đường thủy hay đường sông”9. Phải đến tận đầu thế kỷ này, bộ mặt giao thông mới có những đổi thay đáng kể.

ĂN, Ở và ĐI LẠI đã làm nền để mọc lên từ đó một hệ thống văn hóa tinh thần đậm đà màu sắc sông nước. Đó là vô số những thần linh lo toan, độ trì trong lĩnh vực sông nước với hai mảng chính: mưa – cầu an cho mùa màng và sông hồ, biển – cầu an cho đi lại làm ăn trên sông nước. Đó cũng là những hội nước muôn hình muôn vẻ mà nổi bật trong đó là những hội đua thuyền. Đó là hệ thống ca dao, tục ngữ và các loại hình văn nghệ dân gian bắt nguồn từ những cảm hứng trong quá trình lao động tiếp xúc với sông nước. Đó cũng là nền nghệ thuật phản ánh sông nước mà tiêu biểu đầu tiên là nghệ thuật trang trí trên đồ gốm và đồ đồng thời dựng nước.

Không còn nghi ngờ gì nữa, một truyền thống sông nước đã sớm được hình thành và ổn định vững chắc ở vùng này. Truyền thống đó, với những vật lộn thường xuyên cùng sông nước để làm ra cơm, tìm ra cá, để thông thương, trao đổi… đã tạo nặn lên một dân tộc rất thông thạo nghề sông nước. Truyền thống này được định hình cùng với những nét khắc họa đầu tiên của dân tộc – thuở các vua Hùng dựng nước – đã phát triển và ngày càng phong phú hơn trong suốt các thời kỳ sau. Biểu hiện cụ thể của truyền thống đó là có thể được tóm tắt trong mấy nét: giỏi bơi lội, thông luồng lạch, nắm vững chế độ nước và thạo sử dụng thuyền.

Chiến tranh và nghệ thuật chiến tranh ở nước ta cũng bị truyền thống thạo sông nước chi phối rất mạnh và chính truyền thống thạo thủy chiến và sự phản ánh và tác động của truyền thống đó vào trong thực tế lịch sử chiến tranh, lịch sử quân sự của dân tộc.
----------------------
9 Dẫn theo Thomazi, La Conquête de L’Indochine, Paris, 1934.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #23 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2011, 07:51:30 pm »

*

Thường xuyên phải tiến hành các cuộc kháng chiến chống xâm lược là một đặc điểm có tính chất quy luật trong lịch sử dân tộc ta. Quy luật này được biểu hiện rõ nét bắt đầu từ thời Hùng Vương với sự xuất hiện một tỷ lệ rất cao các loại hình vũ khí bằng đồng thau. Thống kê ở các di chỉ và khu mộ táng, tỷ lệ vũ khí thường chiếm tới 60 – 70%. Ảnh xạ của tình hình chiến tranh trong thời kỳ này còn đọng lại rất đậm nét trên những truyền thuyết dân gian và thần thoại – anh hùng ca. Những cuộc xâm lược dồn dập của kẻ thù bên ngoài đối với vùng đất này được sử sách chính thức ghi lại cũng bắt đầu từ cuối thế kỷ III trước Công nguyên. Và liên tục từ đó đến nay hầu như không mấy thế kỷ mà ông cha ta không phải tiến hành những cuộc chiến tranh chống xâm lược. Nhìn lại lịch sử, kẻ thù xâm lược lớn, thường xuyên và hiểm độc là các đội quân từ phương Bắc tràn xuống thực hiện mưu đồ bành trướng của các thế hệ vua chúa Trung Hoa. Con đường biển ngay từ đầu đã là con đường hành quân thuận lợi cho các đạo quân xâm lược đó.

Do đặc điểm địa hình và truyền thống cư trú cũng như truyền thống giao thông của nước ta, nên kẻ xâm lược đánh Việt Nam tức là phải tác chiến trên một địa hình bị sông ngòi chia cắt chằng chịt, xung quanh có núi cao, biển lớn che chở, là phải đương đầu với những đội quân quen nghề sông nước và cơ động chủ yếu bằng thuyền. Vì vậy, kẻ thù xâm lược nước ta, ở xa cũng như ở gần, thường phải dùng đến quân thủy. Triệu Đà đánh nước Âu Lạc có Nhâm Ngao mang thuyền đậu ở Tiểu Giang. Năm 42, Mã Viện mang quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng có Đoàn Chí mang 2.000 thuyền đi theo. Trần Bá Tiên của nhà Lương mang quân đi đánh nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế cũng đi theo đường thủy. Năm 938, Hoằng Thao con vua Nam Hán, cũng dùng một đạo quân thủy mò vào cửa Bạch Đằng. Năm 981, tướng Tống đánh Lê Hoàn cũng cử Lưu Trừng mang theo một đạo quân thủy. Năm 1077, nhà Tống lần nữa cử bọn Quách Quỳ mang hàng chục vạn quân xâm lược nước ta vẫn không quên kèm theo 200 chiến thuyền của Dương Tùng Tiên. Thế kỷ XIII, nhà Nguyên bốn lần tổ chức đội quân xâm lược Việt Nam thì, chỉ trừ một lần đầu tiên từ Vân Nam xuống là không có quân thủy, còn cả ba lần sau (1285, 1287, 1294) đều quan tâm xây dựng đội quân thủy đi kèm, với mức độ quân thủy ngày càng được chú trọng hơn. Năm 1784, Nguyễn Ánh cầu cứu quân Xiêm, thì lực lượng chính mà Xiêm giúp Nguyễn Ánh là 200 chiến thuyền với 30.000 quân thủy. Năm 1789, trong kế hoạch xâm lược nước ta, nhà Thanh chủ trương dùng một mũi quân thủy đánh vòng xuống Phú Xuân, cùng quân bộ của Tôn Sĩ Nghị ép quân Tây Sơn vào giữa. Vì kiêu căng, khinh địch, Tôn Sĩ Nghị đã không dùng mũi quân thủy này… Những tên xâm lược mới từ phương Tây sang trong hai thế kỷ vừa qua cũng không đứng ngoài quy luật đó.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #24 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2011, 07:59:03 pm »

Đánh vào đất nước ta, kẻ thù thường sử dụng đường thủy và quân thủy; cho nên chiến trường sông biển và nghề sông nước lại càng có vị trí quan trọng đặc biệt. Tình hình đó làm cho bộ mặt chiến tranh ở nước ta thường rất đậm màu sắc thủy chiến. Quân thủy, với tư cách là lực lượng vũ trang sử dụng thuyền trong chiến đấu, và đặc biệt trong cơ động, hình thành sớm và phát triển mạnh.

Quân thủy đã tham gia tất cả các cuộc chiến tranh trong lịch sử dân tộc và đã đem lại nhiều võ công hiển hách nhất. Quân thủy Âu Lạc ở thành Cổ Loa đã đẩy lùi bao cuộc tiến công quân sự của Triệu Đà. Quân thủy của nữ tướng Lê Chân làm khốn đốn Mã Viện ở cửa Bạch Đằng. Quân thủy Lý Bí anh dũng chặn Trần Bá Tiên trên sông Tô Lịch, hồ Điển Triệt. Quân thủy của Triệu Quang Phục ở đầm Dạ Trạch khiến quân Lương mất ngủ lao đao. Quân thủy Mai Phúc Loan làm quân Đường vất vả lo âu. Quân thủy Ngô Quyền diệt Nam Hán ở cửa Bạch Đằng. Chiến thuyền Lê Hoàn bịt Bạch Đằng khiến Lưu Trừng sợ mà ốm chết. Quân thủy thời Lý năm 1075 náo động Khâm, Liêm, năm 1077 chặn thuyền Tống từ ngoài hải giới, cùng quân bộ chặn đứng Quách Quỳ trước sông Cầu. Quân thủy thời Trần quét sạch quân Mông ở Đông Bộ Đầu, diệt quân Nguyễn ở Chương Dương, Hàm Tử, Vân Đồn, Bạch Đằng… Quân thủy Tây Sơn lừng danh với Rạch Gầm – Xoài Mút đại phá quân Xiêm, với Lỗ Giang, Thúy Ái đánh tan quân Trịnh.

Thực tế lịch sử đã tỏ rõ: Kẻ thù dùng quân thủy, đi bằng đường thủy và nhân dân ta cũng sử dụng chiến trường sông biển và quân thủy để đánh địch trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược là quy luật tất yếu của chiến tranh cổ đại Việt Nam. Thắng địch trên chiến trường sông nước là một trong những quy luật giành thắng lợi trong nghệ thuật quân sự nước ta thời xưa.


Truyền thống thạo nghề sông nước trong lòng một dân tộc kiên cường bất khuất, có giá trị sáng tạo liên tục tiến hành những cuộc chiến tranh giành và giữ độc lập dân tộc, đã được phát triển thành truyền thống thạo thủy chiến.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #25 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2011, 07:19:47 pm »

Chương ba

QUÂN THỦY THỜI DỰNG NƯỚC

Lịch sử lực lượng vũ trang chuyên nghiệp gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của nhà nước. Thành tực nghiên cứu của các ngành sử học, khảo cổ học đã chứng minh sự hình thành của “nhà nước sơ khai” đầu tiên ở nước ta – nhà nước Văn Lang – từ cách ngày nay khoảng 4.000 năm. Quá trình hình thành nước Văn Lang cũng đồng thời là quá trình hình thành dân tộc. Văn hiến Việt Nam bắt đầu từ đây, lịch sử dân tộc Việt Nam được tính từ đây… Và chính đây cũng là mốc xuất phát của chuỗi lịch sử lực lượng vũ trang anh hùng của dân tộc.

Nước Văn Lang ra đời là kết quả sự hòa hợp của các bộ lạc nông nghiệp đã phát triển đến trình độ cao, sống trên phạm vi miền bắc nước ta hiện nay. Các bộ lạc đó, vào khoảng 4.000 năm trước đây, đã nắm được các kỹ thuật đúc đồng và đạt đến trình độ rất cao của kỹ nghệ chế tác đồ đá, đồ gốm. Đặc biệt quan trọng là họ đã nắm trong tay một nền nông nghiệp trồng lúa khá phát triển, có thể tạo ra một nguồn lương thực không những đủ nuôi sống toàn bộ xã hội, mà còn bằng thặng dư của mình cho phép tách ra một số lao động dành cho các hoạt động không phải làm ra sản phẩm trực tiếp nuôi sống con người. Đó là sự xuất hiện những nhóm thợ lớn chuyên sản xuất ra các vật dụng mang tính chất trang sức như các xưởng chế tác vòng Tràng Kênh, Bãi Tự, Hồng Đà…


Hiện vật vòng trang sức ở Tràng Kênh, Hải Phòng

Phân công lao động đã hình thành trên mấy ngành chính trong xã hội nước ta chủ yếu là nông nghiệp: nghề lúa, nghề đá, nghề đồng và nghề gốm. Trao đổi, buôn bán tồn tại song song với nền tảng chính của xã hội là sản xuất tự cấp tự túc. Sự chênh lệch về số lượng và chất lượng cũng như giá trị tài sản cá nhân giữa các thành viên trong xã hội đã xuất hiện, đặc biệt dễ quan sát trong bộ tùy táng ở các khu mộ cổ. Tuy nhiên, sự chênh lệch đó mới dừng ở mức đầu tiên của sự phân hóa xã hội. Về căn bản chưa thấy những dấu hiệu chứng tỏ sự phân chia thành các tầng lớp thân phận theo tài sản, cũng như chưa rõ sự phân biệt thành các giai cấp đối kháng.

Trình độ văn minh tương đối cao và những điều kiện lịch sử, địa lý cụ thể đã gắn bó các bộ lạc nông nghiệp sống ở vùng này, mà về nguồn gốc xa xưa có thể cùng chung trong một “bọc”, thành một hình thức cộng đồng mới, bề ngoài mang tính chất liên minh bộ lạc, nhưng chứa bên trong bản chất của nhà nước sơ khai với những yếu tố manh nha nhưng đầy đủ và đặc thù của nó.

Các bộ lạc trồng lúa đó cùng chung nhau mối lợi, mối hại của nước. Sông ngòi chi chít đã gắn họ với nhau trong cuộc làm ăn sinh sống. Những liên minh bộ lạc đầu tiên là những liên minh về nước: dùng nước và trị nước, để rồi sau đó phát triển thành NƯỚC như một cộng đồng mang tính chất quốc gia.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #26 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2011, 07:32:03 pm »

Nhờ có kỹ thuật đồng phát triển rực rỡ và một nghề lúa phát đạt, lưu vực sông Hồng sớm trở thành một trung tâm văn minh giàu có ở Đông-Nam Á đương thời với dân cư đông đúc, sản lượng lúa cao và nhiều đồ đồng quý. Thống kê di tích của các nhà khảo cổ học cho biết hiện có gần 400 địa điểm khảo cổ học thời này đã được phát hiện ở đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Thống kê số dân ghi chép hồi đầu công nguyên ghi chép trong Tiền hán thư cho biết riêng số dân ở đồng bằng sông Hồng đã lên đến 746.160 người. Đó là một mật độ dân số vào loại rất cao trên thế giới đương thời. Số thóc thuế nhà Hán vơ vét ở Giao Chỉ là 13.600.000 hộc thóc. Một người Trung Quốc ít lâu sau có nhận xét: so với số thuế này thì “tất cả thuế các châu Mân, Quảng, Điền, Kiềm cũng không bằng”10.

Tính số thóc đó, theo đơn vị đo lường hiện nay (đổi từ đơn vị đo lường thời Đông Hán) tương đương với 272.000.000 ki-lô-gam. Có thể qua đó, hình dung phần nào số thóc thặng dư của nghề lúa đương thời, chứng tỏ đây là một vùng lúa có sản lượng rất cao. Thống kê di vật đồng – thứ của cải biểu tượng cho sự giàu có đương thời – cho biết tới con số hàng vạn, với những rìu, giáo, dao găm, giáp che ngực, vòng trang sức, lưỡi cày, lưỡi liềm… và tiêu biểu nhất là những đồ đựng lớn được trang trí rất tinh vi, trong đó hàng trăm trống đồng là một bằng chứng hùng hồn về sự giàu có của cư dân vùng này. Tuy nhiên, cần nhớ rằng đó mới chỉ là những di vật đã được phát hiện, chưa kể đến vô số đồ đồng quý báu khác đang nằm trong lòng đất mà hàng năm, sau mỗi mùa đào, các nhà khảo cổ học lại tìm thấy thêm hàng chục, hàng trăm. Cần phải nhấn mạnh sự giàu có đó, vì chính nó đã khiến vùng này từ rất sớm đã trở thành mục tiêu ăn cướp, xâm lược của các bộ lạc và các nước ở xung quanh. Truyền thuyết, sử sách còn ghi lại, đó là giặc Ân, giặc Mũi đỏ, giặc Hồ Tôn, giặc Tần, Thục, Triệu…


Hiện vật khảo cổ chất liệu đồng

Là ngã ba đường của các cuộc thiên di, là một miền đất giàu có, màu mỡ, chiến tranh cướp bóc từ bên ngoài đến là một hiện tượng thường xuyên. Để tồn tại, các bộ lạc trồng lúa ở lưu vực sông Hồng, rồi sau đó cả sông Mã, sông Cả, vốn đã có nhu cầu và nguồn gốc gắn bó từ lâu đời, trước họa cướp bóc, xâm lăng ngày càng cấp thiết phải liên minh với nhau. Chiến tranh lúc này cũng thường xuyên như lũ lụt hàng năm, tỉ lệ vũ khí trong số các di vật luôn chiếm tới 60 – 70%. Vì vậy, từ đó cộng đồng về nước càng được gắn bó hơn trên cơ sở cộng đồng sống còn chống xâm lăng.
------------------------
10 Mân là Phúc Kiến, Quảng Đông; Quảng là Quảng Tây; Điền là Vân Nam; Kiềm là Quý Châu, đều ở miền Nam Trung Quốc hiện nay.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #27 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2011, 07:41:10 pm »

“Nhà nước sơ khai” với tư cách là cơ quan tổ chức, điều khiển và quản lý các hoạt động chung của xã hội đã hình thành dần trong quá trình liên minh nói trên. “Nhà nước” đó có hai nhiệm vụ cơ bản là trị thủy để phát triển nghề lúa và tổ chức lực lượng vũ trang để tự vệ. Truyền thuyết kể rằng, các bộ lạc đã chịu khuất phục và tôn tù trưởng của bộ lạc mạnh nhất là bộ Văn Lang ở miền trung du sông Hồng lên làm “vua”, với vương hiệu cha truyền con nói là Hùng Vương.

Lực lượng vũ trang, như một lực lượng do “nhà nước” tổ chức, hoặc ít ra cũng là hoạt động dưới sự điều khiển thống nhất của “nhà nước”, đã ra đời từ đó.

Do phân hóa giai cấp và mâu thuẫn đối kháng trong nội bộ xã hội còn ở mức độ thấp, cho nên “nhà nước” không cần phải thường xuyên nắm trong tay một lực lượng vũ trang chuyên nghiệp thường trực có số lượng lớn lắm. Có thể lúc này đã xuất hiện một lực lượng vũ trang chuyên nghiệp tồn tại dưới dạng thân binh, đó là những chiến binh có tổ chức, thông thạo võ nghệ, chiến trận, tập hợp xung quanh các thủ lĩnh quân sự trực tiếp hoặc gián tiếp quản lý “nhà nước”, quản lý bộ lạc. Lực lượng này có số lượng không lớn, biên chế giản đơn, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ thủ lĩnh và thực thi những quyền hành của thủ lĩnh với tư cách những thủ lĩnh đó đại diện cho bộ lạc, cho “nhà nước”, đồng thời làm nhiệm vụ một bộ khung, khi có chiến tranh, tổ chức và chỉ huy dân binh đánh giặc.

Cơ sở của lực lượng vũ trang này về mặt số lượng là các dân binh tự vũ trang hoặc sử dụng vũ khí chung của bộ lạc. Cuộc sống của họ gắn chặt với ruộng đồng, họ hoạt động theo sự chỉ huy của các thủ lĩnh bộ lạc và khi cần, tất cả đều đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của Hùng Vương. Đây mới là lực lượng chủ yếu khi chiến tranh nổ ra.

Bản chất sâu xa của nhu cầu xây dựng lực lượng vũ trang và cơ cấu tổ chức của nó khiến ngay từ đầu lực lượng vũ trang thời này đã mang tính chất nhân dân khá rõ nét. Trong mọi khu mộ táng như là những nghĩa địa của làng nhỏ trong bộ lạc, chúng ta bắt gặp một hiện tượng khá phổ biến: người chết ở mọi lứa tuổi đều mang theo vũ khí như một cái “mốt” thời đại. Những vũ khí này khá đồng đều trong kiểu dáng và hình loại, hoặc ngọn giáo, cây rìu, hoặc chiếc dao găm…, sự khác biệt hầu như không đáng kể. Rõ ràng đó không phải là những khu mộ lính, mà là bằng chứng của một nếp sống vũ trang toàn dân. Có thể hình dung rất rõ vai trò của những nông dân vũ trang này trong truyền thuyết về chàng Gióng đánh giặc Ân hay trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống Hán. Chiến tranh toàn dân, vũ trang toàn dân là nét độc đáo nhất trong lịch sử chiến tranh nước ta, đã có thể thấy cơ sở phôi thai từ những ngày đầu dựng nước.

Bên cạnh việc xác lập truyền thống vũ trang toàn dân, chiến tranh toàn dân, thì lực lượng vũ trang chuyên nghiệp, theo đà phát triển của lịch sử - một mặt phân hóa xã hội ngày càng gay gắt, mặt khác nguy cơ ngoại xâm ngày càng thường xuyên và to lớn hơn – cũng không ngừng phát triển, hoàn thiện. Mốc phát triển cao nhất về tính chất thường trực và về số lượng trong thời kỳ này, phải kể đến quân đội của An Dương Vương (nước Âu Lạc), với biểu tượng tập trung cao độ của nó ở thành Cổ Loa, trang bị, tổ chức biên chế khá thống nhất trên những chiến thuyền ở trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ… chứng tỏ lực lượng vũ trang thường trực là do nhà nước tổ chức, trang bị đồng loạt. Xu hướng phát triển chung của lực lượng vũ trang thường trực là giảm dần tính chất thân binh và ngày càng được tổ chức chặt chẽ, quy củ hơn. Đáng chú ý là sự hình thành khá rõ nét hai bộ phận khác nhau nhưng gắn liền với nhau trong lực lượng vũ trang, đó là quân bộquân thủy.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #28 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2011, 07:54:32 pm »

*

Kết cấu của lực lượng vũ trang thời Hùng Vương không giống kết cấu điển hình của các quốc gia cổ đại Địa Trung Hải. Nó không phân chia rạch ròi thành hai bộ phận độc lập là quân đội (army) và hạm đội (flot) tương ứng với hai phạm vi hoạt động hoàn toàn tách biệt nhau là trên bộ và trên biển. Lực lượng vũ trang thời này là một lực lượng thống nhất lấy đất làm địa bàn hoạt động chủ yếu của mình. Nhưng dù hoạt động trong đất là chính. Lực lượng vũ trang thời này vẫn không giống hoàn toàn cái gọi là quân đội ở phương Tây.

Như đã nêu, địa bàn sinh sống chủ yếu của cư dân Văn Lang là ở những đồng bằng bị sông ngòi đầm hồ bao bọc, chia cắt, đất luôn gắn liền với nước. Người ta chỉ có thể hoạt động, đi lại trên một phạm vi rộng nhờ nước, và vì vậy ngay cả trong lục địa, chiếc thuyền vẫn là phương tiện cơ động chủ yếu. Hoạt động quân sự trên vùng này, dù là quân bộ hay quân thủy, đều phải dùng thuyền như phương tiện cơ động chính. Dùng thuyền nhưng phục vụ những hoạt động trên mặt đất. Mục tiêu và kết cục của các trận đánh thường ở trên bộ. Do đó có thể nói, về căn bản, lực lượng vũ trang thời này hình thức là quân thủynội dung là quân bộ. Không có một quân thủy thuần túy chỉ hoạt động trên mặt nước và thực hiện những mục tiêu quân sự trên mặt nước, cũng không có một quân bộ theo nghĩa hoàn toàn tách khỏi chiến thuyền, sông nước. Mặc dầu, với đội quân thường trực ở thành Cổ Loa của An Dương Vương, đã có sự khác biệt ở mức độ nhất định giữa quân bộ và quân thủy, nhưng đó chỉ là những manh nha đầu tiên mang tính chất cục bộ trong cái nền tảng chung của toàn bộ lực lượng vũ trang mà dân binh chiếm vai trò chủ yếu, vẫn không có sự tách bạch rõ ràng quân bộ và quân thủy thành hai lực lượng riêng biệt.

Khảo sát quân thủy trong chương này cũng gần như là khảo sát toàn bộ hình thức của lực lượng vũ trang đương thời. Biểu tượng, cũng đồng thời là lõi cốt của quân thủy, là chiến thuyền. Đồ đồng Đông Sơn đã giữ lại cho chúng ta hàng trăm hình thuyền các loại, trong đó cạnh những thuyền thông thường dùng trong đi lại, còn có một số thuyền rõ ràng có chức năng chuyên dùng trong chiến đấu. Tuy nhiên, với truyền thống vũ trang toàn dân, chiến tranh nhân dân, thì khi có chiến tranh, những chiếc thuyền hàng ngày chỉ dùng trong đi lại thông thường cũng sẽ trở thành phương tiện phục vụ chiến đấu. Khi đó, thủy quân dân gian được hình thành, thuyền chủ yếu là phương tiện cơ động. Chiến tranh nhân dân ngay cả trong lĩnh vực quân thủy là một nét đáng chú ý trong lịch sử chiến tranh ở nước ta.

Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #29 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2011, 06:37:56 pm »

Bước đầu nghiên cứu có thể chia những hình thuyền thời này làm ba loại chính. Nhỏ nhất và đơn giản nhất là loại thuyền độc mộc hoặc thuyền thúng. Thuyền độc mộc được làm rất đơn giản từ một thân cây khoét rỗng, mũi thuyền thường trạm khắc đơn giản hình chim thú kỳ dị. Thuyền trông như một cái máng lớn, không gắn thêm bộ phận phụ nào. Thuyền loại này thường chở được từ 4 đến 6 người. Đo theo luật tương quan, thuyền dài trung bình 6 – 7 mét, chiếc dài nhất khoảng 10 mét, chiếc ngắn chỉ 3 mét. Đây là loại thuyền thông dụng nhất để đi lại ở những cự ly ngắn, chuyên chở nhẹ, ngày nay còn thấy ở nhiều dân tộc miền núi. Trên đồ đồng Đông Sơn, loại thuyền này cũng thường thấy ở các trống đồng phân bố ở vùng núi, như trống Đồi Ro, Làng Vạc… Dĩ nhiên, với những quan tài hình thuyền độc mộc cũng như ghi chép của sử sách về việc nghĩa quân Triệu Quang Phục dùng thuyền độc mộc chống giặc Lương ở đầm Dạ Trạch thế kỷ V và việc phát hiện một chiếc thuyền độc mộc trong thời gian gần đây ở Hà Bắc, chứng tỏ loại thuyền này được dùng phổ biến cả ở đồng bằng.

Thuyền thúng mới chỉ thấy trên một số rìu đồng vùng sông Mã. Những vết nan đan tìm thấy trong mộ thuyền hoặc vô số trên đáy các đồ gốm và hình ảnh khắc trên rìu cho thấy thuyền thúng thời này không khác thuyền thúng hiện nay là bao. Đó là một chiếc thúng lớn hình bầu dục, có vành cạp tre ở miệng và mấy thanh tre buộc ngang. Người ngồi trong thuyền, hai tay cầm hai mái chèo nhỏ chải xuống nước. Qua hình khắc trên rìu đồng, chưa thấy chiếc thuyền nào thuộc loại này chở quá ba người. Cũng như trên thuyền độc mộc, đây có lẽ chỉ là loại phương tiện đi lại trên sông nước dùng cho từng hộ gia đình, phục vụ sinh hoạt hàng ngày là chính.

Loại thuyền lớn hơn thấy trên các trống Miếu Môn, Phú Phương, Hữu Chung… một số thuyền loại này được thể hiện như kiểu thuyền độc mộc nhưng lớn và cấu tạo phức tạp hơn. Một số khác như thuyền trên trống Hữu Chung, Quảng Xương, được thể hiện như loại thuyền đóng ván, là kỹ thuật làm thuyền hiện đại nhất đương thời. Loại thuyền này khác thuyền độc mộc và thuyền thúng ở chỗ có kích thước lớn hơn và cấu tạo phức tạp hơn. Thông thường, chúng đều có một chèo lái ở đuôi, chứng tỏ sức đẩy của thuyền là một hệ thống nhiều mái chèo quạt nước hoặc là những cánh buồm. Dưới đấy thuyền thường thấy một hoặc hai tấm ván rẽ nước có tác dụng chống sóng và giữ thăng bằng cho thuyền. Trên thuyền thường có thêm một số cọc phụ. Người ngồi chèo thuyền loại này phần lớn mặc quần áo khá chỉnh tề, trong đó thường thấy một người ngồi ở đầu thuyền cầm rìu làm nhịp. Thản hoặc một vài chiếc thuộc loại này có thêm một vật như chiếc trống da ở giữa thuyền, thậm chí có cả một sạp lầu. Đây là những thuyền vận tải, tuy nhiên cũng có một số thuyền thể hiện như thuyền có vũ trang (thuyền trên trống Miếu Môn I và II). Thuyền loại này được trang trí tương đối đẹp và ở mũi thuyền không bao giờ thiếu hình đầu một loài thú kỳ dị. Đo theo luật tương quan, thuyền thường dài khoảng 10 – 15 mét.


Hình thuyền trên trống đồng Miếu Môn
Logged

Ùi, úi, ui....
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM