Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 05:32:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm  (Đọc 153102 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #10 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2011, 09:32:52 pm »

Song song với khuynh hướng tăng số lượng, người ta chú trọng cải tiến chất lượng súng pháo. Đầu tiên là thống nhất trên từng boong và trên toàn tàu một số cỡ đạn nhất định. Sau đó xuất hiện các loại pháo thuyền đặc chủng đảm nhiệm những chức năng công kích riêng biệt. Pháo thuyền ngày càng tách khỏi pháo mặt đất phát triển theo khuynh hướng phục vụ những mục tiêu cụ thể trong các trận đánh trên biển.

  Từ thế kỷ XVI, đạn kép (gồm hai nửa quả đạn rời, nối với nhau bằng một dây xích) đã được dùng phổ biến. Khi bắn, loại đạn này có tác dụng như hai quả đạn bắn một lúc vào cùng một điểm, nhờ vậy phá thủng thành tàu rất hiệu quả. Đến thế kỷ XVIII, các hạm đội Anh dùng phổ biến loại cối ca-rô-nát (caronade) nòng ngắn, cỡ nòng rộng, có thể dùng sự thay đổi liều thuốc phóng để điều chỉnh cự ly, tấm bắn, rất lợi hại trong các trận đánh gần. Đạn nổ và pháo có rãnh xoắn, vừa phát minh cũng được đưa lên ngay trên tàu. Ban đầu, đạn nổ cũng tròn như các loại đạn đặc trước đó, chỉ tiện dùng cho ca-rô-nát, sau này được cải tiến thành đạn có dạng khí động học có hạt nổ ở đầu viên đạn, khiến đạn phát nổ ngay khi chạm mục tiêu, tạo ra chuyển biến rất lớn trong nghệ thuật đấu pháo thuyền.

Thao tác bắn được rút ngắn thời gian. Đến thế kỷ XVIII, thuốc đạn không phải nhồi bằng “xẻng” nữa, mà phổ biến dùng những liều chứa sẵn trong các túi vải – đó chính là tiền thân của cái vỏ đạn (cartouche) sau này. Cải tiến đó đã tăng tốc độ bắn từ 30 phút cho một phát đạn ở thế kỷ XVI lên đến 5 – 10 phút ở thế kỷ XVII, XVIII. Cải tiến thành phần thuốc phóng, dáng đạn và rãnh xoắn trong nòng súng cũng cho phép nâng dần cư ly tầm bắn.

  Ở thế kỷ XVI, tầm bắn tối đa của pháo thuyền chỉ đạt 150 mét, đến thế kỷ XVII đạt 300 mét, đến cuối thế kỷ XVIII tới gần 3.000 mét.

Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #11 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2011, 06:45:59 pm »

Thay đổi trong động lực và hệ thống vũ khí tiến công kéo theo những thay đổi trong biên chế và tổ chức hạm đội. Đặc biệt, khi ra đời những hạm đội thường trực thì các vấn đề có tính chất công thức hóa trong tổ chức biên chế được ổn định và khoa học quân sự, nhất là lý luận chiến thuật được chú ý phát triển hơn bao giờ hết.

Thành phần binh lính và thủy thủ trên tàu có nhiều thay đổi. Với chiến hạm dùng buồm, thay cho những tay chèo là thủy thủ mặt boong và điều khiển buồm. Số thủy thủ này được giảm nhiều, khi máy hơi nước hoàn thiện trên tàu. Thay cho những đơn vị lính giáp chiến, lúc này là các pháo thủ (pháo cỡ nhỏ nhất cũng phải có hai người, pháo hạng nặng cần tới 14 người phục vụ).

  Trong hạm đội Ban-tích, số thủy thủ phục vụ trên một thiết giáp hạm loại 84 pháo là 420 người. Cũng loại thuyền đã nói trên trong hạm đội Ban-tích, có tới 185 pháo thủ.

Cải tiến phương thức lắp đạn, nạp thuốc cho phép ngày càng giảm dần số pháo thủ phục vụ một khẩu pháo.


Mỗi hạm đội có nhiều loại tàu đặc chủng khác nhau, tùy đối tượng tác chiến, tỷ lệ giữa các loại trong từng hạm đội có khác nhau.

Dưới đây là bảng kê số lượng tàu trong hạm đội Ban-tích (Nga) thế kỷ XVIII:


Nét nổi bật của nghệ thuật tác chiến trên biển thời này là đấu pháo. Đây là thủ đoạn hải chiến chủ yếu của các hạm đội phương Tây. Thành bại của trận đánh thường phụ thuộc chủ yếu vào số lượng pháo và khả năng phát huy hỏa lực của chiến thuyền. Tuy nhiên, giáp lá cà vẫn còn là một thủ đoạn thường xuyên, đặc biệt đối với nghệ thuật tác chiến của bọn cướp biển. Từ thế kỷ XVIII, nhờ khả năng xạ kích của pháo thuyền ngày càng tăng, kiểu đánh của cướp biển mất dần hiệu lực, nghệ thuật hải chiến xoay quanh vấn đề đấu pháo và đua tốc độ.

Kỹ thuật hàng hải và sự hoàn thiện của vỏ tàu, với những phương tiện, dụng cụ hàng hải khá tiến bộ như la bàn (chủ yếu là la bàn từ tính), kính thiên văn, các thước đo, bản đồ hàng hải… cho phép mở rộng phạm vi hoạt động của các hạm đội vượt những khoảng cách hàng ngàn ki-lô-mét, trong những hành trình kéo dài nhiều tháng trên biển.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #12 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2011, 06:49:34 pm »

*

Trong khi thế giới phương Tây thường xuyên nổ ra những trận đấu pháo trên biển của các hạm đội tàu buồm thì mặt biển phương Đông vẫn tỏ ra khá êm đềm, mặc dầu nhìn bề ngoài, sự sầm uất trên biển có tăng lên rõ rệt. Thực chất, đó là bộ mặt mới mẻ của nền thương mại trên biển các nước phương Đông, được kích thích thêm bởi những thuyền buôn phương Tây ngày càng đua nhau kéo sang, mà nổi bật là hoạt động của các công ty Đông Ấn.

Hoạt động quân sự trên biển đáng nói nhất của các nước phương Đông trong suốt thời kỳ từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX có lẽ là những cuộc vượt biển của quân Nguyên thế kỷ XIII xâm lược Nhật Bản (1274 – 1292), Đại Việt (1287) Chiêm Thành (1283), Gia-va (1262, 1294),… và nhất là tám chuyến công du của Trịnh Hòa thời nhà Minh đầu thế kỷ XV1. Ngoài ra, những cuộc hành quân vượt biển, hoặc nhiều hơn, những trận thủy chiến trong sông, hồ giữa các quốc gia phong kiến phương Đông thì rất thường xuyên. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy một nét lớn là: nhìn chung ở phương Đông lúc này các quốc gia phong kiến hầu như không chú trọng xây dựng những hạm đội thường trực trên biển và thực chất không có những nhu cầu bức thiết tranh giành quyền lợi trên biển.

Từ thế kỷ XVI, đặc biệt là thế kỷ XVIII, hoạt động buôn bán, truyền giáo, và núp dưới đó là mưu đồ thực dân của các nước phương Tây đã khiến các nước phương Đông ít nhiều có sự thay đổi trong chính sách quân sự về biển. Vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh hải, các quyền lợi thuế quan… được đặt ra cấp thiết cho nhiều nước phương Đông, vì vậy ở nhiều nước, một bộ phận quân thủy vốn trước đây là một bộ phận của quân bộ, chủ yếu hoạt động trong đất liền, thì nay được tách ra thành những đơn vị hải quân, có nhiệm vụ chủ yếu hoạt động trên biển. Nhiệm vụ của các đơn vị này chỉ nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh hải và những quyền lợi thương mại ven biển, như chống cướp biển, thu thuế, đề phòng những can thiệp từ bên ngoài vào nước mình… Vì vậy, bộ mặt của “hải quân” phương Đông, cả về tổ chức biên chế lẫn nhiệm vụ chiến lược, thủ đoạn tác chiến, vẫn rất khác so với phương Tây dương thời, mặc dầu, từ thế kỷ XVIII, nhiều nước phương Đông đã mua tàu, đóng tàu, thậm chí nhờ các thuyền trưởng, sĩ quan phương Tây giúp trong cả tổ chức, biên chế.

Các trận đụng độ trên biển giữa các nước phương Đông với tàu chiến và tàu buôn vũ trang của các nước phương Tây cũng bắt đầu xuất hiện. Có thể kể ra cuộc đụng độ của hải quân nhà Thanh với Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha ở Đài Loan, Áo Môn, với Anh ở Bắc Hải, giữa hải quân của chúa Nguyễn với một hạm đội nhỏ của Hà Lan, ở ngoài khơi cửa Eo, với tàu chiến của Pháp ở Đà Nẵng… So với chiến tranh trên biển giữa các hạm đội châu Âu thì đó chỉ là những cuộc đụng độ ở quy mô nhỏ và lẻ tẻ.
---------------------
1 Trước đây thường nhắc đến bảy lần vượt biển của Trịnh Hòa. Tài liệu gần đây đã chứng minh có tám lần. (Xem Su Chung Jen: Places in South-East Asia, the widdle East and africa vicited by Cheng Ho and his companions (AD. 1405 – 1433) tr. 148, trong Symposium on Historical, Archeological and linguistic Studies on Southern China, South – East Asia and the Hong Kong Region, F.S. Drake (general Ed). Hong Kong, 1967.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #13 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2011, 06:56:16 pm »

Đặc điểm chung của quân thủy phương Đông trong thời kỳ này là ít phát triển tàu chiến loại lớn, chính vì khuynh hướng đóng tàu hoạt động trong sông là chủ yếu chứ không phải là trên mặt biển. Tàu chiến thường dài, thấp mạn, cơ động chủ yếu bằng chèo, trừ những chuyến đi vượt biển hoặc hành quân vận tải. Quy mô thuyền nhỏ, vì vậy thường có số lượng rất đông. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các xưởng đóng tàu ven biển suốt từ đông-nam Trung Quốc đến tận vịnh Thái Lan và một số đảo lớn thuộc In-đô-nê-xi-a vẫn có thể đóng được những thuyền biển cực lớn, khả năng hàng hải rất tốt, mà đỉnh cao có thể kể tới hạm đội của Trịnh Hòa thời nhà Minh (Trung Quốc) đầu thế kỷ XV.

  Theo gia phả Trịnh Hòa, hạm đội có 64 bảo thuyền, La Mậu Đăng trong Tây Dương ký (1597) đã chia số thuyền đó thành 5 loại như sau:


  Bảo thuyền là chỉ thuyền quý, lớn, dành riêng cho Trịnh Hòa và các quan chức cao cấp trong hạm đội. Mã thuyền là thuyền có tốc độ cao. Lương thuyền là thuyền vận tải lương thực. Tọa thuyền để chở lính. Chiến thuyền đảm nhiệm chức năng đối hải, hộ tống cho hạm đội hành trình trên biển.

  Hạm đội Trịnh Hòa gồm 27.000 người, trong khoảng thời gian hơn 20 năm thực hiện tám chuyến vượt biển, về phía nam tới các đảo thuộc In-đô-nê-xi-a ngày nay, về phía tây đến tận các tiểu quốc ở ven bờ phía đông của lục địa châu Phi. Trung bình mỗi cuộc hành trình kéo dài hai – ba năm. Tất nhiên, đây là những cuộc viễn chinh nhằm tăng cường khả năng nô dịch các dân tộc ở nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, phục vụ mưu đồ bành trướng của các hoàng đế triều Minh.


Bản in khắc gỗ đầu thế kỷ 17 của người Trung Quốc, được cho là để miêu ta các con thuyền của Trịnh Hòa
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Mười Hai, 2011, 07:01:26 pm gửi bởi ùi » Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #14 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2011, 07:08:09 pm »

Ngay từ những thế kỷ XI, XII, XIII, ở vùng này đã có nhiều phát minh trong lĩnh vực tàu thuyền và kỹ thuật hàng hải, như kỹ thuật sử dụng địa bàn, bánh lái có trụ rời và tay quay, kỹ thuật đóng thuyền nhiều vách ngăn.

Thuyền chiến nhìn chung không lớn, nhưng số lượng rất nhiều. Do chủ yếu hoạt động trong sông, nên quan hệ với quân trên bộ rất chặt chẽ và tổ chức biên chế không khác quân bộ nhiều lắm. Thuyền cơ động trong sông chủ yếu dùng sức chèo, vì vậy biên chế lính chèo thuyền thường đông và khá ổn định. Kỹ thuật dùng buồm chủ yếu phục vụ các thuyền biển, thường cũng là buồm đơn giản (trừ những trường hợp hãn hữu như hạm đội Trịnh Hòa, thuyền lớn nhất ước tính tới 6.500m2 buồm).

Trước thế kỷ XIV, vũ khí trên thuyền chủ yếu là trang bị cá nhân của lính chiến đấu như giáo mác, cung nỏ, mộc, câu liêm… Hỏa khí ra đời và được dùng trong thủy chiến ở phương Đông rất sớm. Từ thế kỷ XI, một số vũ khí phóng hỏa, gây khói… được đưa lên thuyền. Nhưng phải đến khi xuất hiện những khẩu pháo tương đối hoàn thiện ở thế kỷ XIV thì thuyền chiến mới có một loại vũ khí tầm xa riêng của nó. Việt Nam được coi là nước đầu tiên ở phương Đông, trang bị pháo cho thuyền chiến, muộn nhất cũng từ năm 1390. Tuy vậy, sự phát triển của pháo thuyền ở vùng này phát triển chậm, không thấy những cải cách lớn trong nghề đóng thuyền để tạo điều kiện tăng số lượng pháo trên mỗi thuyền. Kỹ thuật súng pháo cũng hầu như không có những phát minh kỹ thuật lớn. Cho đến trước thế kỷ XVIII, hầu như ở vùng này không có chiếc tàu nào có tới hai tầng boong pháo, vì vậy số lượng pháo trên mỗi thuyền chiến phương Đông không vượt quá chục khẩu. Pháo thường được bố trí ở đằng mũi và đuôi thuyền, nhằm theo những mục tiêu cùng chiều với trục thuyền, phù hợp với địa hình tác chiến trong sông. Số pháo thủ vì vậy không nhiều, mà chủ yếu vẫn là lính giáp chiến.

Từ thế kỷ XVIII, đặc biệt là thế kỷ XIX, một số thuyền chiến nhiều tầng pháo kiểu châu Âu lác đác xuất hiện trong hải quân nhà Nguyễn (Việt Nam) và Thanh (Trung Quốc)… Tuy nhiên, đó chỉ là những thuyền tương dương với thuyền loại nhỏ của châu Âu.

Đáng nói nhất trong lĩnh vực này là những chuyển biến lớn trong quân thủy nói riêng và hải quân nói chung của nghĩa quân Tây Sơn thế kỷ XVIII. Kết hợp rất sáng tạo những thành tựu kỹ thuật của châu Âu với nền kỹ thuật nước ta đương thời, đáp ứng những đòi hỏi bức thiết của phong trào nông dân lúc đó, Nguyễn Huệ đã mạnh dạn tạo bước chuyển biến rất lớn trong việc xây dựng một đội pháo thuyền mạnh, mà theo đánh giá của các sĩ quan hải quân phương Tây đương thời, có những thuyền chiến tương đương với pháo thuyền hạng trung và hạng lớn trong các hạm đội phương Tây. Đó là những thuyền chiến trang bị 60 pháo lớn và có biên chế tới 700 người.

Mô hình chiến thuyền Tây Sơn trong chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #15 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2011, 06:04:54 pm »

Do hoạt động chủ yếu trong sông, nên nghệ thuật thủy chiến cũng chủ yếu là tác chiến trên những dòng sông, ít tổng kết nghệ thuật hải chiến. Trong các binh thư không mấy khi thiếu một thiên Thủy chiến, ở đó các yếu tố về thế nước, thế gió, thế trận và các yếu tố tâm lý được khai thác, các loại vũ khí và dụng cụ trang bị cho chiến thuyền được trình bày, đặc biệt chú ý những thuyền đặc chủng như mông đồng, đấu hạm, hải cốt, mông xung, du đĩnh, liên hoàn mẫu tử… Những điều đó chứng tỏ nghệ thuật thủy chiến đã phát triển đến trình độ khá cao. Cũng vì hoạt động trong sông, nên nghệ thuật dùng vật cản đặc biệt phát triển trong nghệ thuật thủy chiến ở vùng này: những bãi cọc, xích sắt, đập đất và cuối cùng là thủy lôi các loại ra đời rất sớm. Nghệ thuật dùng “đặc công nước” cũng ra đời sớm và rất phát triển. Bộ mặt chiến tranh trên mặt nước, rõ ràng rất khác với phương Tây và đặc biệt đa dạng, nó gắn bó chặt chẽ với những hoạt động chiến tranh trên bộ đến mức như một bộ phận của quân bộ, thậm chí đồng thời là quân bộ. Ở các nước phương Đông, trong lực lượng vũ trang nói chung thường khó mà tách được rạch ròi xem đâu là quân bộ và đâu là quân thủy. Vì, cả hai lực lượng đó đều có một mục tiêu hoạt động chung là chiếm đất và giữ đất. Việc tranh giành quyền lợi trên biển rất hạn chế, có chăng chỉ là những hoạt động liên quan đến việc giữ gìn chủ quyền quốc gia hoặc đánh bắt cướp biển. Cho nên, dường như ở các nước phương Đông, người ta hiếm thấy có những đơn vị hải quân thường trực trên biển.

Trong khi đó thì, ngay từ thời Hy Lạp – La Mã, hải quân phương Tây đã có nhiệm vụ hết sức rõ ràng. Ngoài những việc thông thường như chuyển quân, đổ bộ, hỗ trợ cho các hoạt động quân sự trên đất liền, hạm đội thời đó còn có ba nhiệm vụ quan trọng:

- một là, đảm bảo mạch máu giao thông buôn bán trên biển;

- hai là, hoạt động phá hoại tuyến giao thông buôn bán trên biển của đối phương;

- ba là, chiến đấu tiêu diệt hạm đội đối phương4.

Hải quân phương Tây thời tiền tư bản, ngoài các nhiệm vụ nói trên, còn thêm một nhiệm vụ mới rất quan trọng: đó là công cụ chính để xâm chiếm, tranh giành thuộc địa. Đây là thời kỳ mà trên thế giới xuất hiện những hạm đội quân sự ổn định và thường trực trên biển, đồng thời xuất hiện các lực lượng hải quân đánh thuê chuyên nghiệp.


Liên quân Pháp-Tây Ban Nha nổ súng vào Đà Nẵng năm 1859
----------------------
4 Lịch sử nghệ thuật hải chiến, sách đã dẫn.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #16 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2011, 06:11:15 pm »

Các thế kỷ XVII, XVIII và XIX, đáng ra phải là những thế kỷ của những cuộc hải chiến lớn giữa hạm đội nhiều nước phương Tây và phương Đông, nghĩa là những kẻ đi xâm lược và những người chống xâm lược. Thế nhưng, các cuộc đụng độ trên mặt nước đã diễn ra không nhiều, và nếu có thì quân thủy các nước phong kiến phương Đông đã thất bại nhanh chóng trước chính sách pháo thuyền của các nước tư bản thực dân phương Tây.

Trong toàn bộ các nước phương Đông lúc này, chế độ phong kiến đang lỗi thời và trở thành vật cản bước tiến của xã hội. Trước tiếng còi báo động các cuộc xâm lược của chủ nghĩa thực dân, triều đình phong kiến ở các nước này, đã chọn con đường hòa hoãn để rồi đi tới chỗ đầu hàng hoàn toàn. Hơn nữa, nền kinh tế, kỹ thuật phong kiến trì trệ – kết quả của chính sách kinh tế đầy mâu thuẫn và bảo thủ của nhà nước phong kiến – đã không cho phép ngay tức khắc trong vòng một thời gian ngắn xây dựng được một lực lượng hải quân đủ mạnh để trừng trị có hiệu quả những hành động đe dọa và xâm lược của hải quân phương Tây.

Thất bại của các nước phương Đông trước chính sách thực dân của các nước phương Tây hoàn toàn không chỉ là do sự yếu kém của hải quân, của vũ khí, mà do nhiều nguyên nhân quan trọng hơn bắt nguồn sâu xa từ bản chất phản động của các triều đình phong kiến đương thời. Sự yếu kém của lực lượng vũ trang nói riêng và quân thủy nói chung chỉ là một trong nhiều biểu hiện của nó mà thôi.

  Lịch sử lực lượng vũ trang trên mặt nước trong hai thế kỷ gần đây đã phát triển với tốc độ rất cao nhờ thành tựu cách mạng kỹ thuật và cách mạng công nghiệp. Chưa bao giờ sự phát triển hạm đội quân sự lại gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của công nghiệp và khoa học kỹ thuật như thời kỳ này. Mỗi phát minh trong các lĩnh vực đó đều được tìm cách áp dụng cho hạm đội, và trái lại nhu cầu phát triển của hạm đội lại như những lá đơn đặt hàng thúc đẩy sự phát triển của khoa học kỹ thuật và các ngành công nghiệp có liên quan. Vì thế, ngay từ giữa thế kỷ XIX, Ph. Ăng-ghen đã có nhận xét: “Tàu chiến hiện đại chẳng những là sản phẩm của nền đại công nghiệp, mà đồng thời còn là biểu tượng của nền công nghiệp đó”.

  Trong hai thế kỷ qua, lịch sử các hạm đội quân sự trên thế giới đã có sự phát triển nhảy vọt, thể hiện trên mấy hướng chính:

  - một là, những biến đổi trong nguyên liệu và kỹ thuật đóng vỏ tàu, từ khung tàu vỏ gỗ đến gỗ bọc thép, rồi đến vỏ thép hoàn toàn;

  - hai là, những biến đổi trong lĩnh vực tạo nguồn sức đẩy của tàu, từ chân tay và buồm đến máy hơi nước, động cơ đi-ê-den cho đến việc dùng năng lượng hạt nhân;

  - ba là, những biến đổi của các vũ khí tiến công trên biển, từ pháo đến ngư lôi, tên lửa, đầu đạn hạt nhân,… cùng những phương tiện hỗ trợ, đảm bảo cho các vũ khí nói trên như ra-đa, pháo và tên lửa phòng không, thủy lội, vũ khí chống tàu ngầm…

  Đặc biệt hạm đội ngày nay không chỉ gồm những tàu mặt nước, mà với sự phát triển của tàu ngầm, tàu sân bay, với những đòn tiến công có hiệu quả từ trên trời xuống, từ dưới đáy biển lớn, bộ mặt của hải quân đã thay đổi rất nhiều. Chiến tranh trên biển còn bao hàm cả hai mặt trận mới nữa là trên khôngdưới nước, với sự tham gia của máy bay và tàu ngầm. Vai trò chiến lược của hải quân hiện đại là những tàu tên lửa mang đầu đạn vượt đại châu và tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn.

  Hải quân hiện đại, với những vũ khí tầm xa có hiệu quả không chỉ còn là lực lượng chiến đấu trên biển, mà có thể đủ sức thực hiện những nhiệm vụ chiến lược, uy hiếp và tiêu diệt những mục tiêu ở sâu trong mặt đất. Trái lại, với những vũ khí từ trên không, trên vũ trụ và sâu trong lục địa, người ta lại cũng có khả năng uy hiếp và tiêu diệt các mục tiêu trên biển. Những điều đó, một mặt càng làm phân hóa sâu hơn các lực lượng vũ trang hoạt động trên những môi trường địa lý khác nhau, mặt khác đặt ra yêu cầu gắn bó mật thiết các lực lượng đó với nhau trong khi giải quyết các mục tiêu cụ thể của chiến tranh. Chiến tranh trên mặt nước giờ đây không chỉ bó hẹp trong phạm vi mặt nước mà đã trở thành một hoạt động toàn diện và đa dạng trên nhiều lĩnh vực với nhiều phương tiện chiến tranh khác nhau.


*

Nghiên cứu lịch sử lực lượng vũ trang trên mặt nước cũng là nghiên cứu một bộ phận quan trọng của lịch sử quân sự. Thực tế, không thể tách rời hoạt động trên mặt nước với các hoạt động trên bộ trong lĩnh vực quân sự; chúng là các bộ phận cấu thành nghệ thuật quân sự nói chung. Vì thế, nghiên cứu lịch sử lực lượng vũ trang trên mặt nước cũng là góp phần nghiên cứu toàn bộ lịch sử quân sự.

Lịch sử quân thủy Việt Nam phát triển trong bối cảnh chung của lịch sử quân thủy thế giới, đặc biệt là lịch sử quân thủy phương Đông. Tất nhiên, nó có những nét độc đáo riêng. Hiểu rõ lịch sử quân thủy Việt Nam, vai trò của nó trong lịch sử chiến tranh, sẽ góp phần hiểu rõ hơn bộ mặt và các quy luật chiến tranh ở nước ta, từ đó mà góp phần làm sáng tỏ phần nào bộ mặt và quy luật chiến tranh ở các nước phương Đông trong lịch sử, vốn lâu này dường như bị lãng quên trong các công trình nghiên cứu về lịch sử quân sự thế giới.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #17 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2011, 06:12:05 pm »

Chương hai

ĐẤT NƯỚC CON NGƯỜI VIỆT NAM
VÀ TRUYỀN THỐNG THẠO THỦY CHIẾN

Truyền thống thạo thủy chiến là một nét nổi bật trong nghệ thuật chiến tranh của cha ông ta. Nói chuyện với bộ đội hải quân nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập quân chủng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhấn mạnh: “Do nước ta có vị trí quan trọng, có bờ biển dài, nhiều sông lớn, nên từ xưa tới nay kẻ địch từ bên ngoài thường lợi dụng biển và sông để xâm lược nước ta. Và ở trên biển, trên sông, trong quá trình lịch sử, dân tộc Việt Nam đã bao lần nêu cao truyền thống chống ngoại xâm anh hùng, bất khuất.

Thật vậy, trong những trang sử vẻ vang của mình kể từ khi vua Hùng dựng nước, dân tộc ta đã ghi biết bao sự tích anh hùng trên non sông nước ta nói chung, trên sông, biển nước ta nói riêng”5.

Truyền thống thạo thủy chiến của dân tộc ta là kết quả tất yếu, được nảy nở trong quá trình hình thành và phát triển của một cộng đồng sống trên địa bàn sông nước, mang đậm nét những truyền thống sông nước, thường xuyên tiến hành những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm.

Nghiên cứu truyền thống thạo thủy chiến của dân tộc, phải xét đến những yếu tố hình thành nó, trong đó trước hết phải tìm hiểu những bản chất tự nhiên, là cái mà Mác, Ăng-ghen đã nhấn mạnh: “Mọi lịch sử đều phải xuất phát từ những cơ sở tự nhiên đó và từ sự biến đổi của chúng do tác động của con người trong tiến trình lịch sử”6.
-------------------------
5 Võ Nguyên Giáp, Chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1972, tr. 10.
6 C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Hệ tư tưởng Đức, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1961, tr. 10.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #18 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2011, 06:20:00 pm »

*

Lãnh thổ nước ta trong buổi đầu dựng nước nằm trong khoảng miền Bắc nước ta ngày nay. Trong đó địa bàn sinh tụ chủ yếu của dân tộc nằm trên lưu vực các con sông lớn như sông Hồng, sông Mã, sông Cả… Dải đất này đã trải qua một quá trình phát triển địa chất phức tạp. Phải đến sau những hoạt động tân kiến tạo (cụ thể là tạo sơn Hi-ma-lay-a cách nay chừng 25 triệu năm), bộ mặt căn bản của nước ta như ngày nay mới tương đối định hình. Nhìn bao quát, đó là một vùng núi, thềm núi và tiếp liền với biển, Trên đó hình thành những nứt gãy khổng lồ mà vết tích còn lại là những dòng sông lớn chạy dọc theo hướng bắc-nam hoặc tây-bắc – đông-nam. Bộ mặt nham nhở đó, qua nhiều triệu năm đã được bồi tích của lũ từ núi xuống, trầm tích của biển trong những lần tiến vào, san lấp phẳng dần, tạo ra một vùng đồng bằng màu mỡ nằm kẹp giữa một bên là núi lớn và một bên là biển rộng, như một khu đệm của núi và biển.

Đặc điểm “khu đệm” này cần được nhấn mạnh trong tình hình lượng mưa ở đây cao vào loại nhất nhì trên thế giới với trung bình 1.500mm/năm (ở miền núi lên tới 2.000 – 3.000 mm/ năm). Lượng nước đó lại không rải đều trong năm, mà tập trung đổ xuống vào mấy tháng mùa mưa với 85% lượng nước mưa cả năm. Hàng chục triệu mét khối nước mưa đổ dồn dập xuống vùng núi chiếm ba phần tư diện tích đất đai, chen chúc đổ vào những nứt gãy lớn, tràn về đồng bằng, rạch thêm ra ở đây vô vàn những dòng chảy mới – chi lưu của những con sông lớn, lai láng khắp vùng. Và khi mùa mưa đã qua đi, mặt đất khô ráo chỉ nổi lên lỗ chỗ trong một vùng chi chít sông và loang lổ đầm hồ. Trong điều kiện chưa có đê, ước tính 80% diện tích đồng bằng Bắc Bộ bị ngập nước trong mùa mưa và 60% ngập nước trong mùa khô. Cho tới năm 1974, diện tích mặt nước ở miền Bắc vẫn chiếm tới 50 vạn héc-ta. Tính chất sông nước và đầm lầy thể hiện rất rõ trong cảnh quan xưa của nước ta, mà từ đó có thể rút ra hai nét lớn liên quan đến đời sống của con người miền đất này:

1. Hệ thống sông hồ dày đặc, phần lớn đều thông được với nhau. Nhìn chung sông ngắn, liền biển, cùng với biển tạo thành một hệ thống sông nước hài hòa, thống nhất. Trung bình cứ 20 ki-lô-mét bờ biển lại có một cửa sông lớn và vô số cửa lạch nhỏ khác. Nhiều khi ranh giới giữa sông và biển khó tách bạch, khiến cho yếu tố sông nước trong đời sống dân cư vùng này càng trở nên đậm đà, sâu sắc.

2. Lũ tích, phù sa và khí hậu nhiệt đới ven biển đã tạo nên ở đây một thiên nhiên hết sức phì nhiêu với những loài động vật, thực vật ưa nước, trong đó nổi lên là cây lúa và vô vàn các loài thủy sản cùng những loài chim, thú ăn bắt thủy sản. Đó là kho của quý báu giúp nuôi sống con người trong buổi đầu chập chững cũng như trong quá trình phát triển văn minh.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #19 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2011, 06:26:05 pm »

Thực tế lịch sử đã chứng minh, từ hàng chục vạn năm nay con người đã từng sinh sống ở đây và liên tục cho đến ngày nay, không một thời nào vắng dấu tích cư trú của con người. Quá trình đó nổi lên một đặc điểm rất dễ thấy trong phương thức sinh sống của con người, đó là sự gắn bó mật thiết với sông nước, biển cả và từ đó hình thành những truyền thống văn hóa mang đậm tính chất sông nước.

“Con người trước hết cần phải ăn, uống, có nhà ở và mặc trước khi có thể lo đến chuyện làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo…”7. Quả là cái ăn và công cuộc làm ăn đã có những ảnh hưởng rất quyết định đến diện mạo văn hóa của các thế hệ cư dân ở vùng này.

Tư liệu khảo cổ học phản ánh trực tiếp vấn đề ĂN ở nước ta sớm nhất hiện nay còn có thể nói là những di tích chứa trong tầng văn hóa hang Con Moong (Thanh Hóa), có niên đại C14 là 11090 ± 185 năm cách ngày nay. Dấu vết thức ăn còn lại là hàng chục mét khối vỏ nhuyễn thể, một ít xương thú và một ít tài liệu bào tử phấn hoa. Kết quả nghiên cứu cho thấy nguồn đạm chủ yếu của cư dân thời này là nhuyễn thuể, trong đó phần lớn là nhuyễn thể nước ngọt. Tình hình này tiếp tục trong những nghìn năm sau còn thấy phổ biến trong các nơi cư trú của dân cư thuộc văn hóa Hòa Bình – Bắc Sơn. Như vậy, ít ra từ hậu kỳ đá cũ, cư dân sống trên lãnh thổ miền Bắc nước ta đã định hướng hoạt động tìm kiếm đạm để sinh sống vào thủy sản, tức vào những loài động vật cấp thấp, sống ở dưới nước. Mặc dầu trình độ lúc này chỉ hạn chế họ trong phạm vi thu lượm những loài thủy sản dễ bắt nhất (nhuyễn thể) sống trong sông suối và đầm hồ miền núi.

Thời đại đá mới trung kỳ ở nước ta nổi lên sự đổi mới trong phương thức cũng như địa bàn cư trú. Có một bộ phân dân cư rời hang động tràn xuống các miền duyên hải. Khu ven biển đông-bắc là hệ thống Soi Nhụ – Cái Bèo, ven biển bắc Trung bộ là hai hệ thống: văn hóa Đa Bút và văn hóa Quỳnh Văn. Sự di chuyển này chẳng những không thay đổi hướng tìm kiếm đạm mà dường như khẳng định thêm khuynh hướng cũ – đạm thủy sản – bằng sự để lại những núi lớn sò điệp nước mặn hoặc trai hến nước ngọt, song song với nơi này nơi khác vẫn tiếp tục cơ cấu nhuyễn thể xưa của Hòa Bình – Bắc Sơn. Vào cuối thời kỳ này, bắt đầu xuất hiện những tầng văn hóa ken chặt xương cá và trình độ đánh bắt thủy sản đã được đẩy đển mức xuất hiện những quả nặng làm chức năng chì lưới. Nhờ có những tiến bộ trong phương thức đánh bắt thủy sản, cư dân vùng này mở rộng và dần thay đổi cơ cấu trong đạm thủy sản. Những loài thủy sản cao cấp, khó bắt như cá, ba ba,… trở thành đối tượng đạm quan trọng nhất của con người.

Có thể nói rằng, trước khi tiến vào thời đại đồng – thời đại định hình những nét chủ yếu của truyền thống Việt, thì định hướng đạm thủy sản đã được khẳng định, và cùng với thiên hướng về lúa trong định hướng bột, trở thành cái nền LÀM ĂN cơ bản cho người Việt sau này. Đó là hướng làm ăn gắn liền với NƯỚC.


Di chỉ khảo cổ Con Moong
-----------------------
7 C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập (bản tiếng Nga), NXB Chính trị, Mát-xcơ-va, t. 19, tr. 350.
Logged

Ùi, úi, ui....
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM