Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 12:47:48 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm  (Đọc 153108 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #40 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2011, 08:51:58 pm »

Vậy là trước khi quân Nam Hán sang, nội chiến đã được kết thúc và Ngô Quyền có thể dồn sức ở một mũi đánh giặc. Quân ta vốn sẵn là một đội quân thủy thiện chiến, được kích thích bởi thắng lợi trong nội chiến và truyền thống thắng quân Nam Hán của Dương Đình Nghệ từ bảy năm trước, đã chủ động giăng bẫy lớn chờ diệt giặc. Chắc hẳn loại thuyền chiến Mông đồng với 32 tay chèo và 25 lính chiến đấu15 cũng tham gia trong trận đánh đó. Sau này, Phạm Sư Mạnh, thời Trần, theo trí nhớ của nhân dân đã từng mô tả:

  Hung hung Bạch Đằng đào
  Tưởng tượng Ngô Vương thuyền
  Ưu tịch Trùng Hưng đế
  Diệu chuyển khôn cán kiền (Khắc chuyển khôn oát kiền)
  Hải phó thiên Mông đồng
  Hiệp Môn vạn tinh chiên…


Tạm dịch:

  Sóng Bạch Đằng cuồn cuộn
  Tưởng như thuyền Ngô Vương
  Gợi nhớ Trùng Hưng đế
  Khéo chuyển đất thay trời
  Cửa biển ngàn thuyền chiến (thuyền Mông đồng)
  Hiệp Môn vạn cờ bay…

Bài thơ trên mà Phạm Sư Mạnh đã khắc trong hang Kích Chủ (Chí Linh), chủ yếu ca ngợi trận Bạch Đằng năm 1288 của nhà Trần đánh quân Nguyên. Qua đó, ta có thể thấy rằng cho đến tận thế kỷ XIII, thuyền Mông đồng vẫn là loại thuyền chiến chủ yếu trong quân thủy nước ta mà việc sử dụng nó phổ biến thấy từ năm 807 – 809. Nếu so với thuyền thời Lê sau này, thì loại thuyền Mông đồng đó tương ứng với thuyền chiến hạng trung, chiều dài khoảng trên 20 mét, rộng gần 4 mét. Đó là những thuyền vừa có khả năng hoạt động trong sông, vừa có khả năng hoạt động ngoài biển.


Thuyền mông đồng khắc trên Chương đỉnh

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 có ý nghĩa lịch sử cực kỳ lớn, vượt ra ngoài phạm vi một trận đánh, vượt ra ngoài phạm vi một thắng lợi quân sự. Nó là thắng lợi đánh mốc thời đại của một dân tộc, là kết cục tất yếu của cuộc đấu tranh giằng dai hàng ngàn năm nhân dân ta chống lại chính sách thôn tính, đồng hóa của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Đó là tinh hoa được kết lại về mặt kinh tế, văn hóa, ý thức dân tộc và nghệ thuật quân sự của một ngàn năm đấu tranh, đánh mốc trưởng thành của sức sống dân tộc, mở đầu một kỷ nguyên hoàn toàn độc lập tự chủ. Chính vì vậy, nó đi vào lịch sử dân tộc với tư cách là một biểu tượng của sức sống Việt, biểu tượng của ý chí độc lập tự chủ.
-----------------------
15 Năm 907 – 809, Trương Chu, tiết độ sứ thời thuộc Đường, đã huy động thợ thuyền nước ta đóng 400 thuyền chiến loại Mông đồng trang bị nhất loạt cho quân đội để chống lại giặc biển phương Nam. Loại thuyền này thường được nhắc đến trong lịch sử nước ta.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Mười Hai, 2011, 09:57:54 pm gửi bởi ùi » Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #41 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2011, 08:56:18 pm »

Riêng đối với lịch sử nghệ thuật quân sự dân tộc, chiến thắng Bạch Đằng khắc họa một truyền thống, với tư cách là quy luật giành thắng lợi trong chiến tranh. Đó là cái tất yếu đánh giặc bằng quân thủy, giành thắng lợi trên chiến trường sông nước. Đó cũng là cái tất yếu thắng lợi của nghệ thuật quân sự Bạch Đằng, với tư cách là nghệ thuật vận dụng thế hiểm của đất nước trong chiến tranh, cái mà trong binh thư cổ thường gọi là địa lợi, thiên thời, là nghệ thuật để tạo nên những chướng ngại nhân tạo, để hoàn chỉnh cái thế thiên hiểm, ở đây là bãi cọc có gắn bó chặt chẽ với nhịp điệu lên xuống của con nước triều. Và, cuối cùng là sự chuẩn bị đầy đủ những con người điều khiển và quyết định thắng lợi cuối cùng của trận đánh. Truyền thống Bạch Đằng, nghệ thuật quân sự Bạch Đằng trong suốt kỷ nguyên Đại Việt là một trong những yếu tố chi phối mạnh nhất đến sự phát triển nghệ thuật quân sự Đại Việt nói chung và nghệ thuật thủy chiến nói riêng. Nó là yếu tố chỉ đạo, động viên, cổ vũ các nhà chiến lược, các tướng lĩnh cầm quân và tới từng người lính, người dân trong mỗi cuộc chiến tranh. Không phải ngẫu nhiêu, chỉ hơn bốn chục năm sau, Lê Hoàn lại chọn Bạch Đằng làm chiến trường chặn quân thủy Tống. Trong suốt thời Lý – Trần, chiến lược đánh thủy vẫn là chủ đạo trong các cuộc chiến tranh, mặc dầu với toàn những đối tượng đánh bộ là chính. Và, khi quân Nguyên gắng sức nhất để tạo ra một đội binh thuyền rất mạnh hòng đối phó thắng lợi với chiến thuật đánh thủy của ta, quyết thôn tính nước ta thì một Bạch Đằng lớn hơn đã diễn lại, không khác là bao Bạch Đằng năm 938.

Trong tâm thức nhân dân Đại Việt, Bạch Đằng là hội tụ của sức sống dân tộc. Điển hình của lối nghĩ như vậy có thể dẫn ra câu thán tuyệt diệu của Phạm Sư Mạnh:

  Vũ trụ kỳ quan Dương Cốc nhật
  Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu


Tạm dịch:

  Kỳ quan của vũ trụ là mặt trời lên từ hang Dương Cốc,
  Khí thiêng sông núi đọng lại ở chốn Bạch Đằng.

Trận Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền không những đặt nền một truyền thống cho nghệ thuật quân sự Đại Việt, mà còn trở thành một kiểu đánh thủy có tính chất giáo trình trong binh thư của chính những kẻ thảm bại vì nó. Vũ bị chế thắng chí là một cuốn binh thư Trung Quốc nổi tiếng, do người đời Minh soạn. Cứ theo đề sách thì đây là cuốn cẩm nang dạy cho tướng lĩnh cầm quân của “thiên triều” các mưu mẹo, phép tắc và trang bị dùng trong chiến tranh để bảo đảm giành thắng lợi. Cuốn sách đã tổng kết kinh nghiệm gần hai ngàn năm tranh cướp nhau và đi xâm lược trước đó của các triều đại phong kiến Trung Quốc, chọn ra những trận đánh mẫu mực nhất trong lịch sử để minh họa. Trong thiên Thủy chiến (quyển 13), khi “dạy” về nghệ thuật dùng cọc để chống thuyền địch, sách ấy đã phải mượn đến Bạch Đằng 938: “Họ Ngô ở Giao Châu nhân nước triều ra khiêu chiến mà giả cách chạy trốn, đợi thuyền địch vì nước triều rút mà vướng cọc, nhân đấy mà đánh. Thế mới biết có thể dùng nạn mắc cạn để đánh quân địch được”. Rõ ràng, kiểu mẫu Bạch Đằng không còn trong phạm vi Đại Việt nữa, mà đã trở thành một hiện tượng tiêu biểu cho nghệ thuật thủy chiến ở phương Đông đương thời.

Quân thủy Đại Việt ngay từ đầu đã thừa hưởng một gia tài hết sức quý báu, đó là những yếu tố căn bản của quân thủy thời dựng nước đầu tiên được bảo lưu và phát triển trong suốt ngàn năm đấu tranh chống lại chính sách bóc lột và đồng hóa của phong kiến Trung Quốc, bằng chiến thắng Bạch Đằng xác lập một truyền thống mới, bộ mặt mới, một sức sống mới cho quân thủy nước ta. Đó chính là nguồn gốc sự trưởng thành và những kỳ công tiếp theo của quân thủy Đại Việt trong sự nghiệp giữ gìn nền độc lập dân tộc.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #42 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2011, 09:14:03 pm »

Chương năm

QUÂN THỦY THỜI LÝ TRONG KHÁNG CHIẾN
CHỐNG TỐNG

Về mặt thời gian, kỷ nguyên Đại Việt có thể tính từ sau chiến thắng của Ngô Quyền ở Bạch Đằng năm 938. Nhưng phải đến thời nhà Lý (1009-1225), mới có thể nói đến một Đại Việt định hình, có nền văn hóa rực rỡ riêng, có bản sắc dân tộc rõ ràng; một Đại Việt cường thịnh, đủ sức phục hồi sức sống dân tộc vốn bị kẻ thù tìm cách dìm đắm, làm nền và đẩy đà cho một thời kỳ phát triển mới của lịch sử dân tộc.

Bộ máy nhà nước độc lập tự chủ, với cơ chế ngày càng hoàn chỉnh, đã tỏ ra có hiệu lực trong việc điều khiển các hoạt động của đất nước tiến vào một thời kỳ mới. Đất nước đã có những bước chuyển mình to lớn trong mọi lĩnh vực. Kết quả của những chuyển biến đó đọng lại trong cuộc nảy nở văn minh Lý – Trần rất rực rỡ.

Sự phát triển toàn diện của đất nước thời này là cơ sở vật chất để xây dựng một đội quân mạnh – nhu cầu rất bức thiết để gìn giữ nhà nước phong kiến đang có tác dụng tốt trong việc phát triển đất nước, chống lại những âm mưu chiếm quyền, cát cứ, đi ngược xu hướng thống nhất đang rất cần cho sự phát triển của dân tộc. Nhu cầu ấy lại càng bức thiết hơn nữa khi triều đình nhà Tống đang câu kết với phong kiến Chiêm Thành lăm le xâm lược nước ta.

Cuộc chuyển hóa quyền quản lý đất nước từ tay nhà Tiền Lê sang họ Lý diễn ra trong một không khí hòa bình. Lý Công Uẩn, từ thân phận một người lính bình thường trong cấm quân, sớm bộc lộ tài năng trong quân ngũ, đã được cất nhắc lên làm phó chỉ huy sứ cai quản quân Tứ sương, rồi điện tiền chỉ huy sứ quản quân Tả thân vệ, chức quan võ cầm quân to nhất đương thời. Trong tình hình vua Ngọa Triều mới chết, bên ngoài kẻ thù đang dòm ngó xâm lược, bên trong con vua còn quá nhỏ tuổi, được sự ủng hộ của các quan lại và binh lính, Lý Công Uẩn đã thay họ Lê điều khiển công việc đất nước, trở thành vị vua đầu tiên của triều Lý.

Bối cảnh lịch sử đó khiến cho lực lượng vũ trang của nhà Lý về cơ bản là sự chuyển hóa trực tiếp và gần như hoàn toàn từ bộ máy quân sự của nhà Tiền Lê, mà trước đó chính Lý Công Uẩn là một trong những người đứng đầu. Đó là một đội quân mà hơn hai chục năm trước, dưới sự chỉ huy của Lê Hoàn, đã từng đánh tan đạo quân xâm lược thủy bộ của nhà Tống, trong đó cũng lặp lại một Bạch Đằng với hàng cọc ngăn sông khiến Lưu Trừng phải ốm mà chết. Đội quân đó có nòng cốt là ba ngàn quân cấm vệ tuyển từ những dân đinh khỏe mạnh nhất trong nước, chứ không còn là những “con nuôi” như trong những đội quân của họ Dương và họ Ngô trước nữa. Tống Cảo, một sứ giả của nhà Tống, được cử sang nước ta năm 990, khi về nước có thuật lại cho vua Tống như sau về quân đội của Lê Hoàn: “Trong thành không có dân, chỉ có mấy trăm khu nhà tranh làm trại lính… Số binh sĩ có độ ba ngàn người (có bản chép là năm ngàn – T.G.) đều thích ba chữ Thiên tử quân vào trán. Lương thì phát lúa để tự làm ra gạo mà ăn. Vũ khí chỉ có cung nỏ, mộc gỗ, giáo, lao bằng tre…”16.

Binh chế thời Tiền Lê còn cho phép các vương hầu có quân đội riêng, gọi là quân vương phủ. Quân vương phủ còn mang nặng tính chất thân binh, như kiểu các “con nuôi” làm lính trong nhà họ Dương trước đây. Các vương hầu này, cũng như một số viên quan to trong triều khi đi trấn trị ở đâu thì mang theo quân riêng của mình, làm thành lực lượng thường trực, nòng cốt của quân các địa phương.
------------------------
16 Tống sử, Lê Trắc cũng chép lại (có chút ít khác biệt) trong An Nam chí lược.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #43 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2011, 09:25:16 pm »

Cấm quân và quân vương hầu là cái khung cơ bản của lực lượng vũ trang thường trực thời Tiền Lê. Khi có việc chinh chiến mới huy động dân đinh làm lính.

Cấm quân là lực lượng bảo vệ vua, thời Tiền Lê đã chia làm tả hữu vệ do một viên tướng võ tin cậy chỉ huy, với tên gọi là Điện tiền chỉ huy sứ. Lực lượng này lại chia thành một số bộ phận nhỏ hơn, bảo vệ vua thành nhiều vòng. Quân tùy long túc trực quanh điện nơi vua ở và làm việc, số còn lại chia nhau tuần phòng bảo vệ vòng ngoài cấm thành. Rất có thể vào thời Tiền Lê, quân tứ sương cũng do cấm quân đảm nhiệm luôn, vì thành Hoa Lư không lớn lắm, lại hầu như không có dân, bản thân nó gần như một cấm thành mở rộng. Do đó có thể hiểu chức Tứ sương quân phó chỉ huy sứ mà Ngọa Triều ban cho người lính Lý Công Uẩn vì lòng trung với vua cũ, là chức trong cấm quân, chỉ huy đơn vị cấm quân có nhiệm vụ tuần phòng, bảo vệ ở vòng thành ngoài cùng. Càng vào bên trong các đơn vị cấm quân càng tinh nhuệ hơn, được tin cẩn hơn và chức quan chỉ huy càng to hơn. Có thể thấy điều này khi theo dõi con đường quan tước của Lý Công Uẩn.

Biên chế tổ chức cấm quân như vậy còn tương đối thô sơ, có thể thấy nó có nguồn gốc sâu xa hơn, từ quân điện tiền (hay quân thân vệ) của nhà Đinh, mà chính Lê Hoàn, ông vua đầu tiên của nhà Tiền Lê, là chỉ huy sứ. Có khác chăng chỉ là lúc đó (thời Đinh), cấm quân mới chỉ có 2.000 lính và chỉ huy cấm quân, với chức Thập đạo tướng quân điện tiền chỉ huy sứ, có thể đảm nhiệm toàn bộ việc quân trong nước. Đến thời Tiền Lê, cấm quân chẳng những tăng về số lượng mà trách nhiệm của nó cũng rõ ràng hơn: bảo vệ kinh thành là chính. Vì vậy, chức chỉ huy cấm quân không đồng thời cai quản toàn bộ việc quân, mà thông thường chức đó trao cho các vương hầu.

Lực lượng chính của quân đội Tiền Lê vẫn là quân thủy. Lê Hoàn đã nhiều lần dùng quân thủy vượt biển vào nam đánh phong kiến Chiêm Thành. Một kỳ công lớn nhất của mấy đời vua Tiền Lê, do chính Lê Hoàn khởi sự, là đã cho khai đào hệ thống sông ngòi xuyên suốt từ Ninh Bình ra Thanh Hóa (ngày nay tên sông nhà Lê còn rất nhiều ở vùng này). Hệ thống sông đó cho phép hành trình đường thủy vào nam tránh được nhiều trở ngại trên biển. Thời sau, nhà Lý và nhà Trần tiếp tục kéo dài dần hệ thống sông đó về phía nam.


Để phát huy truyền thống sông nước trong nhân dân, Lê Hoàn chính thức lấy lễ đua thuyền hàng năm làm thành quốc lễ, với ý thức rất rõ, rằng nước Việt (Nam Sơn) như một hòn núi đặt ở trên thuyền bồng bềnh sông nước17. Khi đón tiếp sứ giả Tống, Lê Hoàn rất có ý thức khuếch trương quân thủy và tài đánh thủy của ta. Trong Hành lục tập, sứ giả Tổng Cảo đã viết: “Cuối thu năm ngoái, bọn Cảo chúng tôi đi đến hải giới Giao Chỉ, Nha Nội đô chỉ huy sứ của Hoàn là Đinh Thừa Chính (có bản chép là Đinh Phụng Trực – T.G.) đem 9 thuyền và 300 quân đến Thái Bình trường (tức là Liêm Châu, thời đó là nơi dùng để buôn bán, giao dịch giữa ta và Tống, thời Lý mới chuyển sang Khâm Châu – T.G.) để đón. Từ cửa biển đi ra biển lớn, xông pha sóng gió, trải bao nguy hiểm, đi nửa tháng trời đến sông Bạch Đằng (?) (thực ra từ Thái Bình trường đến Bạch Đằng nếu thuận gió chỉ đi chừng 3 – 4 ngày, lúc này vào cuối thu có thể do gặp bão hoặc quân ta cố tình vòng vèo để làm như đường sá xa xôi lắm – T.G.). Vào ngã ba sông, theo nước triều lên mà đi. Những chỗ đỗ thuyền ngủ đêm đều có ba gian nhà tranh mới làm gọi là trạm sứ quán. Đến Trường Châu thì đã gần (kinh đô) nước ấy. Hoàn đem hết thủy quân và chiến cụ ra để thị uy. Từ đó đi đêm đến bờ biển, cách Giao Châu chừng hơn 10 dặm, có lẽ là đô Hoa Lư… Hoàn đem dân chúng mặc các áo màu, trà trộn với binh lính, đi thuyền đánh trống reo hò và kéo cờ trắng dàn thành trận thế…18. Với ý thức như vậy, Lê Hoàn đã xác lập trong thực tế hải giới của nước ta gồm toàn bộ miền biển đông bắc cho tới tận các cửa cảng Khâm, Liêm, làm cơ sở cho các cuộc đấu tranh ngoại giao sau này của nhà Lý với Tống.
-----------------------------
17 Toàn thư, t. I, tr. 169.

18 Tống sử, An Nam chí lược, đã dẫn.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #44 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2011, 09:31:01 pm »

Như vậy, trình bày về quân đội thời Lý chính là sự chi tiết hóa theo xu hướng ngày càng hoàn thiện cơ cấu của lực lượng vũ trang thời Tiền Lê. Có thể nói nhà Lý đã quy chế hóa và cụ thể hóa một bức rất cao bộ máy quân sự thời trước, khiến nó ngày càng giảm tính chất tùy tiện của thân quân trước đây mà trở thành một bộ máy quy củ và tương đối hoàn chỉnh.

Lực lượng vũ trang chuyên nghiệp thời Lý vẫn được tổ chức theo nguyên tắc thân quân, tức là quân đội được tổ chức ra trước hết nhằm bảo vệ và thực hiện quyền lực của một cá nhân. Trong chế độ phong kiến quân chủ, nhà vua, với tư cách là một cá nhân, vẫn đại diện cho cả bộ máy đất nước lẫn toàn bộ đất nước. Theo quan điểm phong kiến, vua cũng đồng nghĩa với đất nước. Vì vậy, lực lượng vũ trang chính thức của nhà nước, của đất nước cũng chính là lực lượng bảo vệ vua và thực hiện quyền lực của vua. Tên gọi loại quân này phản ánh rất rõ tính chất của nó: quân thân vệ, quân điện tiền, quân tùy long, quân cấm vệ… Vì vua luôn ở kinh thành nên lực lượng này bảo vệ vua có nghĩa là bảo vệ cả kinh thành, trong đó chứa cả bộ máy quan lại thực hiện chức năng quản lý đất nước của nhà vua, đó là triều đình. Bộ máy nhà nước ngày càng hoàn thiện thì tính chất nhà nước hóa về mặt tổ chức và kèm theo đó là cả chức năng của quân đội cũng ngày càng tăng, tính chất thân quân giảm dần, mặc dầu về mặt ý thức nó vẫn tồn tại trong suốt chế độ phong kiến quân chủ chuyên chế.

Cũng theo nguyên tắc thân quân, từ đời nhà Hồ trở về trước, nhà nước cho phép các vương hầu và sau đó cả các quan chức to, thân cận trong triều, được tự tổ chức cho mình một đội quân riêng, dưới dạng như kiểu các “con nuôi”, các “gia khách” hoặc những gia nô trong nhà. Tất nhiên không được kẻ nào tổ chức đội quân riêng của mình đông hơn và mạnh hơn đội quân của vua, tức của nhà nước. Tuy nhiên, tổng cộng số lượng của các đội quân ấy thì không phải là một con số nhỏ19. Hơn nữa, khi có chiến tranh, đội quân này được tùy sức phát triển. Tuy không chính thức nằm trong biên chế nhà nước, nhưng đây cũng là loại quân mang tính chất chuyên nghiệp và thường trực. Về văn bản, họ không gắn bó chặt chẽ lắm với lao động sản xuất như những người dân bình thường. Họ bảo vệ chủ của mình và làm công cụ thực hiện quyền lực của chủ. Tính chất nhà nước của họ thể hiện ở chỗ chủ họ đồng thời là những quan lại của nhà nước và quyền lực của chủ họ là một bộ phận quyền lực của nhà nước. Tất cả trên nguyên tắc đều thuộc quyền sai khiến của nhà vua. Điều đó thể hiện rõ nhất trong chiến tranh, khi đó quân vương hầu, theo chủ tướng của họ được biên chế thành các đơn vị thống nhất dưới quyền chỉ huy chung của một viên tướng đại diện cho nhà vua. Hoặc khi một vương hầu nào đó được cử đi trấn trị các địa phương, thì đội quân riêng của họ lập tức trở thành khung thường trực chính thức của địa phương đó – những “cấm quân” địa phương.
---------------------------------
19 Vào thời Trần, khi quân vương hầu thịnh đạt nhất, quy định của nhà nước hạn chế về mặt số lượng các đội quân này không được vượt quá 1.000 người; số vương hầu được quyền tổ chức loại quân đó cũng có tới hàng trăm.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #45 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2011, 07:43:55 pm »

Trong thời Tiền Lê và Lý, có khá nhiều cuộc đảo chính thực hiện bằng quân vương hầu. Ngay trong cuộc kháng chiến chống Tống năm 1077, khi thái tử Hoằng Chân được giao chỉ huy đội binh thuyền chốt ở Vạn Xuân, thì lực lượng nòng cốt của Hoằng Chân chính là 500 “quân riêng”. Loại quân này được tổ chức, huấn luyện và trang bị theo phương thức riêng của chủ tướng họ. Chỉ khi có chiến tranh, nhà nước mới huy động để tập luyện chung mà thực chất là để thống nhất hiệu lệnh chỉ huy. Tôn Thăng, một người Tống, có viết trong sách Đàm phố của mình như sau về đội quân riêng của Hoằng Chân: Hoằng Chân nuôi riêng 500 quân đặc biệt, cấm mọi thị dục, dạy cho trận pháp. Đội quân riêng ấy rất giỏi, hiệu lệnh rất nghiêm. Người nào cũng cầm một cái kim bài làm hiệu riêng cho nhau20.

Như vậy, quân vương hầu, thực chất là một loại thân binh, là hình thức tổ chức lực lượng vũ trang rất phổ biến và cổ điển. Tính chất giống nhau giữa quân nhà vua với quân vương hầu là chỗ đó. Nó chỉ khác ở chỗ nhà vua là người đại diện cho đất nước, vì vậy quân vua là quân chính thức của nhà nước. Xu hướng phát triển của bộ máy nhà nước phong kiến tập quyền sẽ ngày càng hạn chế hình thức tổ chức quân đội theo kiểu này. Ở nước ta, có thể nói đến thời nhà Hồ (1400 – 1407), hình thức quân vương hầu hoàn toàn bị xóa bỏ về mặt pháp lý.

Nói đến lực lượng vũ trang tồn tại trong xã hội với tư cách là một lực lượng chuyên nghiệp, tách khỏi lao động sản xuất hàng ngày thì phải kể đến số quân vương hầu với số lượng đáng kể. Nhưng nói đến bộ phận quân đội thường trực của nhà nước, với thể chế, tổ chức ổn định, chức năng rõ ràng, có quan hệ trực tiếp đến lịch sử đất nước, ngày càng phát triển, hoàn thiện thì lại chỉ gồm bộ phận cấm quân của nhà vua và bộ máy quân sự trong triều đình.

Ở trong triều, thay mặt cho vua trông nom về việc quân sự có đặt chức thái úy. Đây là một trong ba chức quan lớn nhất trong triều. Thái úy là người quyết định và điều khiển các hoạt động quân sự ở trong nước, khi có chiến tranh mới trực tiếp cầm quân đánh dẹp. Hỗ trợ cho thái úy còn có một số chức thiếu úy nữa.
------------------------------
20 Dẫn theo Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, in lần thứ 2, Sài Gòn, 1966, tr.303.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #46 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2011, 07:57:16 pm »

Cấm quân thời Lý được một viên quan thời Tống sống ở vùng Quảng Đông, Quảng Tây là Chu Khứ Phi mô tả trong Lĩnh ngoại đại đáp (1178) như sau: “Có tám quân như Ngự Long quân, Vũ Thắng quân… đều ở liền bên tả hữu. Mỗi quân có 200 người, thích ngang trên trán ba chữ Thiên tử binh… Hằng năm, ngày 7 tháng giêng, mỗi binh được chi tiền 300, trừu, lụa, vải đều một tấm. Binh sĩ hàng tháng được cấp 10 bó lúa. Ngày tết nguyên đán dùng cơm gạo đại hòa (cơm nếp), cá kho khao quân…”21. Tám quân nói trên mỗi quân đều chia làm hai đơn vị tả, hữu, tổng cộng thành 16 quân. Cầm đầu mỗi quân là một chỉ huy sứ. Tùy theo phạm vi bảo vệ, các quân này lại có thể chia nhỏ hơn thành các đô, các hỏa do các quan chức đô hay hỏa đầu cai quản.

Thời Lý Thánh Tông (1054 – 1072), quân cấm vệ có khoảng 3.200 người, chia làm 16 quân, mỗi quân có 200 người được đặt quân hiệu như sau: Ngự Long (tả, hữu), Vũ Thắng (tả, hữu), Long Dực (tả, hữu), Thần Điện (tả, hữu), Bổng Chánh (tả, hữu), Bảo Thắng (tả, hữu), Hùng Lược (tả, hữu), Vạn Tiệp (tả, hữu)22. Các quân này tùy theo độ tin cậy và tài nghệ mà chia nhau bảo vệ thành nhiều vòng từ trong ra ngoài. Những đơn vị thị vệ ở sát vua thường nhỏ, biên chế thành các hỏa, các đô độc lập. Quân bảo vệ quanh nơi vua ở làm thành quân ngự tiền; bảo vệ cả khu vua ở và làm việc, tức cả cấm thành là những đơn vị quân điện tiền. Tất cả thường được gọi chung là quân điện tiền hay cấm quân, vì thực chất thì những đơn vị điện tiền là đông nhất, hơn nữa điện tiền chỉ huy sứ là người cai quản chung.

Cấm quân được tuyển mộ không định kỳ từ người có sức khỏe và giỏi võ nghệ trong dân gian, nhưng chú trọng nhất vào con em tôn thất, quan lại. Đặc biệt, chỉ huy các đơn vị cấm quân thì dứt khoát chọn trong hàng tôn thất, chỉ trừ những trường hợp rất ngoại lệ đối với những người có công đặc biệt như Lê Phụng Hiểu… Phải đến cuối thời Trần, năm 1375, khi Hồ Quý Ly lên làm tri khu mật viện tham mưu quân sự, mới chính thức cho phép “chọn những quan viên người nào có tài năng, luyện tập võ nghệ, thông hiểu thao lược, thì không cứ là tôn thất, đều cho làm tướng coi quân”23.
-------------------------
21 Lĩnh ngoại đại đáp, bản dịch của Trần Duy Tiếp, tư liệu Khoa Sử, Đại học Tổng hợp, Hà Nội.

22 Toàn thư, t. I, tr. 231, trong đó không ghi rõ số quân như Lĩnh ngoại đại đáp.

23 Toàn thư, t. II, tr. 185.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #47 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2011, 08:02:34 pm »

Ngoài cấm quân, trong thời Lý còn có một lực lượng quân đội bán chuyên nghiệp nữa, đó là sương quân. Theo cách hiểu thông thường, sương quân là quân phục dịch và canh gác cổng thành. Nếu cấm quân và quân vương hầu lấy quân sự làm nghiệp suốt đời, thì sương quân chỉ là nghĩa vụ của những trai tráng đối với nhà nước về mặt quân sự mà thôi. Về nguyên tắc, đó là một thứ thuế bắt buộc đối với mọi nam công dân trong lứa tuổi từ 18 đến 60 mà không bị đui, què hoặc bệnh tật nặng. Những người này theo định kỳ phải khai tên trong sổ quân (sổ màu vàng, vì vậy còn gọi họ là hoàng nam). Tùy theo tình hình sức khỏe và số trai tráng trong gia đình mà có chế độ tuyển mộ, phân bổ thành các loại quân khác nhau. Có thể lúc này cũng đã chia số đinh đó thành hai bậc quân như kiểu thổ đinh, bảo đinh của Tống, hoặc như hai hạng quân, binh thời Lê sau này. Hạng trên được biên chế thành đơn vị, thuộc các chỉ huy sứ địa phương, hàng tháng thay phiên nhau lên phục dịch việc quân và luyện tập, hết hạn lại về làm ruộng, đến kỳ hạn lại làm lính. Kỳ hạn có thể là một tháng hoặc hai tháng. Ở các phủ thành, quân loại này thường được dùng để tuần phòng, canh gác vòng thành ngoài nên còn có tên gọi là quân tứ sương. Khi có chiến sự, theo đội ngũ đã biên chế, hạng quân này phải đăng lính trước tiên. Chỉ khi quân số hạng trên không đủ đáp ứng mới gọi tới hạng dưới.

Trong Lĩnh ngoại đại đáp, sương quân là: “Lại có chín quân Hùng Lược, Dũng Kiện để sung việc sai khiến… Binh sĩ cứ hàng tháng đổi một lần, lúc nhàn hạ thì cấy trồng để tự túc”24.

Lê Trắc trong An Nam chí lược (cuối thế kỷ XIII) cũng viết về sương quân đời Trần: “Việc lấy quân không có số nhất định, chỉ chọn dân đinh nào khỏe mạnh thì lấy. Cứ 5 người một ngũ, 10 ngũ làm một đô, lại chọn 2 người nhanh giỏi dạy tập võ nghệ. Khi nào có việc điều động thì gọi ra, khi không có việc thì trở về nhà làm ruộng”25.

Chính phép tuyển sương quân đó là cái mà sau này sử sách thường ca ngợi là phép “ngụ binh ư nông”. Có thể thấy ý đồ của phép ngụ binh ư nông này từ thời Đinh, với ước muốn tổ chức đội quân hàng triệu người của Đinh Bộ Lĩnh. Đó là quy luật của chiến tranh nhân dân hình thành tất yếu và sớm có trong hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử dân tộc ta. Và như vậy lực lượng vũ trang có tính chất nhà nước của thời Lý, ngoài cấm quân thì chủ yếu là loại quân này. Ở các địa phương, sương quân họp với “cấm quân” của các lộ, thực chất là bộ khung quân riêng của các vương hầu, quan lại cai quản địa phương đó, được nhà nước hóa, làm thành bộ máy và lực lượng quân sự ở các lộ mà người cầm đầu gọi là chỉ huy sứ.

Đó chính là toàn cảnh bộ mặt quân đội thời Lý trên phương diện tổ chức, nó cũng có thể chung cho cả quân đội nhà Trần khi ở mức độ cao hơn. Có thể nói, kết cấu quân đội với hai hình thức tuyển mộ: thân binh và binh dịch; với ba bộ phận: cấm quân, sương quân và quân vương hầu là đặc điểm về mặt tổ chức của dân tộc Đại Việt buổi đầu, cụ thể là quân đội Lý – Trần.
------------------------
24 Lĩnh ngoại đại đáp, đã dẫn.

25 Lê Trắc, An Nam chí lược, bản dịch của Trần Duy Tiếp, Tư liệu Khoa Sử, Đại học Tổng hợp, Hà Nội.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #48 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2011, 08:11:22 pm »

Vẫn như trước, quân đội thời Lý phần lớn cơ động bằng thuyền. Vì vậy, về mặt hình thức, nó là một đội quân thủy. Chúng ta có thể thấy rất nhiều trong chính sử hoạt động chuẩn bị cho mỗi lần chinh chiến của triều Lý cũng như các triều đại khác mãi sau này chủ yếu chỉ là “sắm sửa binh khí, đóng chiến thuyền”. Tuy nhiên, trong thành phần quân đội thời Lý những yếu tố thuần túy quân bộ đã phát triển khá rõ ràng. Trong tờ chiếu gửi cho Quách Quý vua Tống từng nhắc đến việc Lý Thường Kiệt những năm chuẩn bị chống Tống đã: “ngày ngày ông say sưa tụ tập binh lính để tập trận, nhóm họp voi ngựa, tập duyệt phép chạy, phép xung phong” (Trường biên, 276/6b)26.

Đến cuối thời Lý, ý thức bộ chiến ngày càng được quan tâm hơn trong việc vua lập Xạ đình, hàng ngày cùng các quan tập cưỡi ngựa, bắn cung và luyện pháp đánh giặc, phá trận27. Thực ra thì những yếu tố đó đã có từ trước, nhưng đến thời Lý thì được phát triển một cách rõ nét và có tổ chức hơn. Chính nhu cầu hoàn thiện mọi khả năng tác chiến của quân đội để chống lại có hiệu quả kẻ địch là quân Tống vốn rất thạo đánh bộ đã thúc đẩy sự phát triển đó. Hơn nữa, lúc này, nhà Lý với chính sách tranh thủ, đoàn kết các dân tộc thiểu số miền núi đã đưa vào trong thành phần quân đội của mình một số lượng không nhỏ tướng lĩnh và binh sĩ có khả năng đánh bộ, đánh bằng kỵ binh ở miền rừng núi như Tông Đản, Thân Cảnh Phúc… Vì vậy, chiến lược chung của quân thời Lý căn bản vẫn là đánh thủy, nhưng đây đó yếu tố đánh bộ cũng được vận dụng khá rõ ràng.

Trong một số cuộc hành quân vào cuối thời Lý đã thấy tồn tại song song hai mũi thủy, bộ cùng tiến đánh giải quyết một mục tiêu. Đó chính là những yếu tố tiến bộ trong nghệ thuật quân sự nước ta thời này. Nhưng, cần nhấn mạnh rằng đó vẫn chỉ là những yếu tố chứ chưa phải sự phân hóa thành quân chủng, binh chủng riêng biệt.

Như đã nói, quân đội thời Lý căn bản vẫn là quân thủy, chiến lược thời Lý vẫn chủ yếu là đánh thủy. Những cuộc hành quân đánh Chiêm, đánh Ung, Khâm, Liêm 1075 và chống Tống 1077 căn bản toát lên chiến lược dùng quân thủy là chính. Thực hiện ý đồ đó, nhà Lý đã tiếp tục những công trình khai đào sông ngòi của Tiền Lê, đồng thời nạo vét, đào thêm nhiều cửa cảng, đoạn kênh khác nữa. Năm 1049, đào ngòi Ngự, 1052 đào kênh Lẫm, 1089 đào sông Lãnh Kinh, 1192 khơi sông Tô Lịch. Hệ thống sông ngòi, cửa biển và hải đảo được nhà nước chú ý xây dựng thành địa đồ hoàn chỉnh. Chủ quyền vùng biển tiếp tục được xác lập tận ven biển nam Trung Quốc, đồng thời với ý thức quan tâm bảo vệ và khai thác các nguồn lợi của biển, như việc lập trang Vân Đồn năm 1149, vẽ hải đồ, chép sản vật các đảo năm 1171…

  Chính quan lại nhà Tống ở Quảng Đông, Quảng Tây cũng phải xác nhận chủ quyền vùng biển của ta đến tận cửa cảng Khâm và gọi vùng biển nam Trung Quốc là biển Giao Chỉ. Phần Thiên Phân Dao trong Lĩnh ngoại đại đáp chép: “Sông ở Khâm Châu đi về phía nam chảy ra biển có tất cả 72 chỗ rẽ ngoắt. Người phương nam gọi chỗ rẽ ngoắt ấy là dao, cho nên có 72 dao. Trong 72 dao có dòng nước chia làm hai nhánh sông, một nhánh đi về phía tây-nam chảy ra biển Giao Chỉ, một nhánh đi về phía đông-nam chảy vào biển Quỳnh Liêm. Người đời nói: “Năm châu xưa cùng Giao Chỉ vạch định giới ở đây” ý như là trời phân như thế vậy. Nay Giao Chỉ đã tự chiếm lấy Thiên Phân Dao, lại lập cột tiêu địa giới về phía đông Ngô Bà Tảo, trông giới cõi vài trăm dặm rồi hải củi, bắt cá ở đấy. Thuyền bè của người Khâm Châu ít đến đấy”.

----------------------------
26 Theo Hoàng Xuân Hãn, sách đã dẫn, tr. 198.

27 Toàn thư, t. 1, tr. 290.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #49 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2011, 07:00:02 pm »

Biểu hiện rõ rệt của thiên hướng phát triển quân thủy trong thời Lý còn ở chỗ nhà Lý rất chú trọng việc đóng thuyền. Có thể dẫn ra đây bản thống kê những lần nhà Lý đóng thuyền được ghi lại trong Việt Sử lượcToàn thư. Tất nhiên, những ghi chép đó chủ yếu nói về những lần đóng thuyền cho vua thôi và một vài lần đóng thuyền chiến. Nhưng qua thái độ ghi chép của sử gia đương thời, đủ thấy ý nghĩa quan trọng của việc đóng thuyền trong những hoạt động có tính chất quốc gia.


Theo ghi chép trong Việt Sử lược thì nhà nước nắm độc quyền việc đóng thuyền chiến và các loại thuyền lớn28. Khả năng xuất xưởng tương đối lớn, có thể trong một thời gian ngắn, khoảng gần một năm, các xưởng thuyền nhà nước huy động đã cho xuất xưởng vài ba trăm chiếc thuyền chiến. Đó là những chiến thuyền mà theo Hoàng Xuân Hãn ước tính, có thể chở được trên hai trăm người và lương thảo, khí giới, thực hiện tốt những chuyến vượt biển xa hàng ngàn ki-lô-mét.

Có thể biết một số loại thuyền chính trong quân đội nhà Lý đã được sử sách nhắc đến. Loại thuyền chiến phổ biến nhất có lẽ vẫn là thuyền Mông đồng. Ngoài ra khi vua thân chinh đánh giặc bao giờ cũng có một đội thuyền ngự, quy mô lớn, trang trí đẹp vừa có tính chất là những cung điện nổi, vừa có tính chất thuyền chiến với các tên gọi rất hay như Kim Phượng, Cảnh Thăng, Vĩnh Xuân, Thanh Lan… Có hai loại thuyền đặc chủng được sử sách nhắc đến là thuyền lầu (lâu thuyền) và thuyền hai lòng (lưỡng phúc thuyền).
------------------------
28 Việt Sử lược, bản dịch của Trần Quốc Vượng, Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, 1963, tr. 119.
Logged

Ùi, úi, ui....
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM