Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:15:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm  (Đọc 152857 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #200 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2012, 07:50:05 pm »

Hiện tượng nhảy vọt của quân thủy Tây Sơn gắn liền với những hoạt động quân sự và nhu cầu phát triển cũng có tính chất nhảy vọt của nghĩa quân. Chỉ trong vòng 30 năm biết bao vấn đề trọng đại của đất nước, của thời đại cùng đòi hỏi phải giải quyết. Với một phạm vi hoạt động rất rộng, trước những kẻ thù có lực lượng quân thủy khá mạnh, thậm chí được trang bị những phương tiện, vũ khí hiện đại của nền công nghiệp châu Âu, nghĩa quân Tây Sơn không thể hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình nếu không tạo ra được những chuyển biến lớn, trước hết là trong lĩnh vực quân sự.

Nguyễn Huệ, với những hoạt động táo bạo, với thiên tài của mình, đã bám sát được những đòi hỏi phát triển tất yếu của đất nước, biết kế thừa và phát huy mọi tiềm năng của dân tộc, biết tiếp thu những thành tựu khoa học kỹ thuật của thế giới, nên đã tạo ra ở nước ta thời đó những bước nhảy vọt cần thiết, đủ sức đưa phong trào từng bước giải quyết những thử thách mà lịch sử đặt ra cho dân tộc.

Bước nhảy vọt trong quân thủy Tây Sơn bắt nguồn từ quá trình tích lũy lâu dài của lịch sử quân thủy nước ta trước đó. Nó đứng trên cái nền kinh tế, kỹ thuật và phát triển khá cao của quân thủy Trịnh, Nguyễn thế kỷ XVIII, được vận động và thực hiện trong quá trình phát triển của phong trào, trước những đòi hỏi bức thiết của dân tộc, với sự xuất hiện đúng lúc của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ, trong bổi cảnh khoa học – kỹ thuật và nghệ thuật quân sự phương Tây ít nhiều đã có sự thâm nhập vào nước ta.

Quá trình chuẩn bị cho bước nhảy vọt ấy biểu hiện trước hết và chủ yếu qua một số trận đánh tiêu biểu và nổi tiếng của quân thủy Tây Sơn trong sự nghiệp thống nhất đất nước và bảo vệ độc lập dân tộc.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #201 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2012, 01:52:35 pm »

Chương mười một

QUÂN THỦY TÂY SƠN VÀ BƯỚC CHUYỂN BIẾN NHẢY VỌT
(tiếp)

NHỮNG TRẬN ĐÁNH TIÊU BIỂU

NHỮNG TRẬN ĐÁNH GIẢI PHÓNG GIA ĐỊNH
(1776-1785)

Sau khi đã củng cố được địa bàn giải phóng trong các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên, từ năm 1777 đến năm 1785, nghĩa quân Tây Sơn liên tục mở năm chiến dịch tiến công vào Gia Định – sào huyệt cuối cùng của tập đoàn phong kiến Đàng Trong. Năm 1777, nghĩa quân hoàn toàn giải phóng Gia Định, xác lập quyền làm chủ trên toàn cõi Đàng Trong. Các chúa Nguyễn đương quyền đều lần lượt đền tội. Tuy vậy, một bộ phận nhỏ quan lại, tôn thất nhà Nguyễn được sự giúp đỡ của các thế lực phản động nước ngoài như phong kiến Xiêm, tư bản Pháp và các đại địa chủ Gia Định đã tìm mọi cách từng bước phục hồi lại quyền thống trị của chúng. Cục diện chiến tranh những năm 1777 – 1785 diễn ra như sau: nghĩa quân Tây Sơn kiên quyết bảo vệ vùng Gia Định đã giải phóng và tàn quân Nguyễn Ánh ra sức giành lại sào huyệt của chúng. Trong khoảng thời gian này, đã nhiều lần Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định, nhưng lần nào cũng vậy, nghĩa quân Tây Sơn lại nhanh chóng mở những chiến dịch giải phóng lớn, từ Quy Nhơn quét sạch chúng ra biển.

Đồng bằng Nam Bộ liên tục là chiến trường của cục diện chiến tranh đó. Đây là vùng đất có sông ngòi, kênh rạch dày đặc hơn bất kỳ vùng nào ở nước ta nói riêng cũng như ở Đông-Nam Á nói chung. Đi lại trong vùng chủ yếu bằng thuyền. Đường hành quân thuận tiện nhất đối với nghĩa quân Tây Sơn, từ Quy Nhơn vào là đường biển; quân Nguyễn sau mỗi lần bại trận cũng chỉ có một đường thoát duy nhất là trốn ra biển. Chính vì vậy, có thể nói diễn biến của chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh lúc này chủ yếu là thủy chiến. Cả năm chiến dịch đánh vào Gia Định của Tây Sơn đều lấy quân thủy làm lực lượng chính hoặc lực lượng duy nhất và cả năm lần Tây Sơn đều thắng lớn.

Trong khuôn khổ có hạn của cuốn sách, chỉ xin giới thiệu ba trong số nhiều trận thủy chiến quan trọng ở thời kỳ này.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #202 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2012, 01:57:15 pm »

Trận Ngã Bảy (Thất Kỳ Giang) 1782

Đầu năm 19782, sau một thời gian khá dài củng cố lực lượng, nghĩa quân Tây Sơn lại mở một cuộc tiến công đại quy mô vào Gia Định. Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ thân chinh chỉ huy cuộc hành quân này. Khác với năm 1777, lần này nghĩa quân tập trung hành quân theo đường thủy. Những đơn vị thuyền chiến đi tiên phong, mở đường cho đoàn thuyền chở quân bộ vượt biển tiến xuống vùng biển Vũng Tàu, qua cửa Cần Giờ đánh thẳng vào Gia Định.

  Đây là con đường biển thuận tiện nhất để vào Gia Định. Hầu như trong mọi cuộc hành quân vào Gia Định bằng đường thủy, quân Tây Sơn đều đi theo đường này. Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí cho biết: “Cảng rộng năm dặm, khi nước lên sâu 11 tầm, nước xuống 9 tầm… Trong cảng rộng yên ổn, thường ngày có thuyền buôn ra vào, làm chỗ hải hội rất đông đúc cho thành Gia Định, không đâu sánh được” (tr. 39).

  Nhà Nguyễn (thời Minh Mạng) khắc hình cửa biển này vào đỉnh Thuần tượng trưng cho một cửa biển lớn của nước ta.


Theo Đại Nam thực lục (chính biển, t. II, tr. 39), quân thủy Tây Sơn có khoảng “vài trăm” thuyền chiến.

Lực lượng Nguyễn Ánh lúc này khá đông. Theo thư Gi-ne-xta (Ginestar) gửi cha đạo Prô-vanh-xi-an (Provincial) năm 1784, Nguyễn Ánh bố trí một lực lượng gồm “hơn bốn trăm thuyền chiến, bảy chục chiếc ghe kiểu Trung Quốc (embarcations chinoises) và một chiếc tàu Bồ Đào Nha” để chống lại quân Tây Sơn (Lorenzo Pérez, Sách đã dẫn, tr. 69).

  Thực ra, trước đó Nguyễn Ánh có đến ba tàu chiến Bô Đào Nha, nhưng vì bọn cha cố và tướng lĩnh Pháp tranh giành quyền lực, hai chiếc đã bỏ trốn về Ma Cao. Chiếc còn lại do tên cai cơ người Pháp là Ma-nuy-en (Manuel) lập mưu bắt giết thuyền trưởng, chiếm quyền chỉ huy.

Lực lượng đó chia làm hai bộ phận chính: số lớn do Tống Phước Thiêm chỉ huy, trong đó có cả chiếc tàu Bồ Đào Nha do Ma-nuy-en (sử nhà Nguyễn gọi là Mạn Hòe) chỉ huy, dàn đội hình ở sông Ngã Bảy. Bộ phận còn lại do Nguyễn Ánh trực tiếp chỉ huy đóng ở tuyến sau, có lẽ ở khu vực Gia Định, sẵn sàng tiếp ứng cho Tống Phước Thiêm. Toàn bộ quân Nguyễn Ánh lúc ấy có đến bảy vạn (theo De la Bissachère, État acteul du Tonkin de la Cochinchine et des royaumes de Cambodge, Laos et Lạc Thổ, Paris, 1812, t. II, tr. 164).

  Sông Ngã Bảy (Thất Kỳ Giang) là một khúc sông gần cửa Cần Giờ. Đoạn này một đầu phía nam có ngã ba, đầu kia phía bắc, có ngã tư, hình thế khá phức tạp. Từ cảng Cần Giờ vào, dù theo lạch nào cũng phải qua hoặc ngã ba hoặc ngã tư cửa sông này. Đây cũng là một điểm phòng ngự khá lợi hại. Qua cửa Cần Giờ chỉ một đoạn ngắn là đến khúc sông này.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #203 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2012, 02:02:03 pm »

Do vị trí lợi hại của sông Ngã Bảy và cách bố phòng của Nguyễn Ánh, nghĩa quân Tây Sơn muốn vào Gia Định thì phải đánh tan được đạo quân thủy của Tống Phước Thiêm. Trong tình hình đối phương đông hơn, lại chiếm sẵn địa hình chiến trường, Nguyễn Huệ đã lợi dụng thủy triều và sức gió, phát huy sức mạnh của pháo và ưu thế giáp chiến, tiến công mãnh liệt vào quân thủy Tống Phước thiêm. Đạo quân đó của Nguyễn Ánh nhanh chóng bị đánh tan tác. Theo Gi-ne-xta, ngay khi mới chạm trán với thuyền chiến Tây Sơn, “viên đại tướng chỉ huy và đại đa số thuyền chiến đã rời bỏ nhà vua giữa trận giao tranh”. Chính sử nhà Nguyễn cũng phải thừa nhận: “Vua sai Tống Phước Thiêm điều bát trận thủy binh ở Ngã Bảy. Giặc nhân gió mạnh xông thẳng tới. Quân ta phải lùi”348.

Trong khoảng thời gian rất ngắn, hệ thông phòng thủ của quân thủy Nguyễn ở Ngã Bảy đã bị phá bung. Quân Tây Sơn thừa thắng, truy kích đánh thốc về hướng Gia Định. Chiếc tàu Bồ Đào Nha 10 pháo do tướng Pháp Ma-nuy-en chỉ huy – chỗ dựa cả về vật chất lẫn tinh thần của quân thủy Nguyễn Ánh, đã từng được cha đạo Bá Đa Lộc tuyên truyền, phao tin như một “con ngoáo ộp” có thể lặn được cả ở dưới nước – bị các thuyền chiến Tây Sơn vây đánh dữ dội trên đường rút chạy. Hoảng sợ trước lối đánh giáp chiến dũng cảm của quân thủy Tây Sơn, lính trên tàu chiến của Ma-nuy-en bỏ cả tàu lẫn thuyền trưởng nhào xuống nước thoát thân. Quân ta dùng hỏa khí ném vào tàu địch rồi tràn sang giáp chiến, thiêu cháy con “ngoáo ộp” đó, bắt Ma-nuy-en đền tội.


Đốt tàu Ma-nuy-en
--------------------------
348 Đại Nam thực lục, chính biên, t. II, tr. 39. Lịch triều tạp kỷ t. II, tr. 230) cũng chép: “Quân thủy Gia Định (tức quân Nguyễn Ánh) chưa giao chiến dã tự tan vỡ”.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #204 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2012, 02:05:44 pm »

  Vế sự kiện thiêu cháy chiếc tàu của Ma-nuy-en, sử nhà Nguyễn chép rất sơ sài: “Giặc đổ quân bao vây bốn mặt, ném hỏa khí đốt thàu. Mạn Hòe bị chết (Mạn Hòe, người Phú Lăng Sa, được Bá Đa Lộc giới thiệu là người dùng được, vua trao cho chức khâm sai cai cơ, coi đội Trung Khuông, sau được tặng Hiệu Nghĩa công thần phụ quốc thượng tướng quân)”349.

  Thư của Gi-ne-xta kể về sự kiện đó chi tiết hơn: “Quân địch đuổi theo và mưu toan cập mạn tàu Bồ Đào Nha đến hai lần, nhưng vì người Pháp liệng nhiều lựu đạn khiến địch quân tan nát; nhưng không nao núng, quân Tây Sơn xung phong leo lên thuyền một lần thứ ba dữ dội hơn, bây giờ người Pháp (tức Ma-nuy-en – T.G.) bị các chiếu hữu của anh ta bỏ rơi. Anh ta không may mắn như đồng đội là nhào xuống nước (chạy trốn). Chàng người Pháp đó đã phải trả những tội lỗi trước đây ở một thế giới khác. Nhờ sự táo bạo như vậy, quân địch đã thắng trận, mặc dù hao tổn nhiều sinh mạng” (Lorenzo Pérez, Sách đã dẫn).


Quân thủy Nguyễn ở Ngã Bảy tan vỡ quá nhanh, khiến cho việc bố trí ứng cứu của đội thuyền chiến do Nguyễn Ánh trực tiếp chỉ huy trở nên vô nghĩa. Khi được tin báo quân Tây Sơn đánh vào Ngã Bảy, Nguyễn Ánh “thân đốc binh thuyền đi ứng cứu”, nhưng đến Ngã Ba (có lẽ khoảng ngã ba Nhà Bè) thì quân thủy Tây Sơn đã tới nơi, dùng pháo bắn tới tấp vào đội hình thuyền chiến Nguyễn, đồng thời xông lên áp đảo. Lực lượng quân thủy dự trữ này cũng bị đánh lui nhanh chóng dưới làn hỏa pháo mãnh liệt, chính xác của các pháo thuyền Tây Sơn. Ngay trong đoạn viết nhằm tâng bốc Nguyễn Ánh, cuốn sử chính thống của nhà Nguyễn là Đại Nam thực lục (chính biên, t. II, tr. 40) cũng phải chép: “Giặc nhằm đầu thuyền bắn, gẫy cả cột buồm, quân sĩ đều thất sắc; vua đứng yên không động, tay cầm súng chim bắn lại thuyền giặc và hạ lệnh cho quân sĩ vừa đánh vừa lùi”.

Thắng lợi giòn giã ngay từ trận đầu của quân thủy Tây Sơn chẳng những đã mở đường cho toàn quân tiến vào Gia Định, mà còn là tiếng sét giáng vào tinh thần đang tan rã của quân Nguyễn, và là niềm động viên to lớn cho quân đội Tây Sơn gianh thắng lợi trên toàn bộ chiến trường. Thất bại của quân Nguyễn ở Ngã Bảy làm sụp đổ toàn bộ kế hoạch phòng thủ của chúng, từ đó quân Nguyễn tuy còn đông, nhưng bị đẩy vào thế rút lui, liên tục bị truy kích cho đến khi bị đuổi ra biển.

Quân thủy Tây Sơn nhờ có hỏa lực mạnh và lối đánh giáp chiến táo bạo, dũng cảm, lại biết lợi dụng thủy triều và gió biển, đã nhanh chóng phá tan hệ thống phòng thủ quân địch ở Ngã Bảy350, thần tốc phát triển chiến quả đánh tan đội thuyền chiến ứng cứu của Nguyễn Ánh, liên tục tiến công, đánh bật quân Nguyễn khỏi những nơi chúng vừa dừng chân, không để chúng kịp củng cố lại lực lượng, trên cả hướng thủy lẫn hướng bộ. Trong vòng khoảng chưa đầy hai tháng, nghĩa quân đã quét sạch quân Nguyễn khỏi Gia Định.
--------------------------------
349 Đại Nam thực lục, chính biên, t. II, tr. 39.

350 Lịch triều tạp kỷ, t. II, tr. 230 chép: “Quân thủy Tây Sơn nhân chiều gió thuận, nước thủy triều đang lên, giương buồm căng, xông pha thẳng tiến”.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #205 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2012, 02:09:43 pm »

Trận Thảo Câu – Dác Ngư 1783

Sau khi Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ cho đại quân rút về Quy Nhơn chỉ để lại một bộ phận nhỏ khoảng 3.000 quân giữ Gia Định, bọn tàn quân Nguyễn Ánh lại bắt đầu ngóc lên hoạt động. Khoảng cuối năm 1782, chúng lại chiếm được Gia Định và rước Nguyễn Ánh trở về. Nghe tin đó, lập tức Nguyễn Nhạc cử hai em là Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ đem ngay quân vào Gia Định. Cũng như lần vừa xong, cuộc hành quân lần này hoàn toàn đi theo đường thủy. Nương theo gió mùa đông-bắc, nghĩa quân bắt đầu xuất phát từ tháng Hai âm lịch năm 1783. Đáng chú ý là, lần này nghĩa quân mang theo cả một đơn vị tượng binh. Đường hành quân vẫn như cũ, tức là thuyền chiến Tây Sơn sẽ tập kết ở Vũng Tàu rồi qua cửa Cần Giờ ngược dòng tiến vào Gia Định. Lực lượng nghĩa quân Tây Sơn này có lẽ cũng chỉ bằng hoặc ít hơn so với lần trước, vì thực tế quân Nguyễn Ánh lúc này mới tập hợp, còn khá yếu.

Đối phó lại với Tây Sơn, Nguyễn Ánh một mặt cử người sang cầu viện quân Xiêm, mặt khác dồn tất cả lực lượng về Gia Định, lập một tuyến phòng thủ vững chắc quanh khu vực này chứ không dám chặn đánh quân thủy Tây Sơn từ ngoài cửa biển như lần trước nữa. Biết quân thủy Tây Sơn rất mạnh, Nguyễn Ánh bố trí lực lượng phòng thủ lần này bao gồm cả quân bộ lẫn quân thủy, trong hệ thống liên hoàn, gồm các đồn ở hai bên bờ, thuyền chiến và các phương tiện đánh thủy dưới sông.

  Đại Nam thực lục cho biết khá chi tiết cách bố phòng đó: “Vua nghe tin “giặc” Tây Sơn mưu vào cướp, sai đặt đồn ở Thảo Câu ở bờ phía nam sông lớn Gia Định, giao cho Dương Công Trừng giữ, ở bờ phía bắc thì đặt đồn Dác Ngư351, giao cho Tôn Thất Mân giữ, ngang sông bắc cầu phao để tiện qua lại. Trong sông thì bày hơn trăm chiến thuyền để làm thế dựa nhau, cho Chu Văn Tiếp, Tôn Thất Cốc, Võ Di Nguy, lưu thủ Thăng, tiên phong Túy quản lãnh. Đằng trước đặt một con rồng cỏ (thảo long) đề phòng giặc. Sai giám quân Tô (không rõ họ) coi bè hỏa long, đợi giặc đến theo dòng nước chảy mà phóng hỏa để đốt thuyền giặc” (Đại Nam thực lục, t. II, tr. 44).
----------------------------
351 Ở các đoạn khác nhau trong Đại Nam thực lục cũng như trong Đại Nam nhất thống chí, đồn này được chép là Dốc Ngư. Đó là những từ ghi âm Hán Việt của chữ Cá Dóc. Theo Lịch triều tạp kỷ (t. II, tr. 264), đồn này còn có tên nữa là Rạch Bàng.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #206 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2012, 02:14:15 pm »

Hiện nay chưa có công trình nào xác minh được chính xác vị trí của phòng tuyến này ở đâu. Nhưng có thể biết rằng “sông lớn Gia Định” chính là sông Sài Gòn hiện nay, thuở đó có tên gọi là sông Tân Bình hay sông Bến Nghé (Ngưu Chử). Đây là khúc sông chảy qua thành Gia Định, đương thời là địa phận của huyện Tân Bình, nổi tiếng vì nhiều cá sấu. Phòng tuyến hẳn ở đoạn dưới thành Gia Định, nhưng không xuống quá ngã ba Nhà Bè.

  Trịnh Hoài Đức viết trong Gia Định thành thông chí (q. thượng, tr. 39) cho biết một số chi tiết về khúc sông này thời đó: “… rộng 142 tầm, sâu 10 tầm, con nước lên cao 3 thước, những tàu buôn và ghe thuyền của bản quốc và ngoại quốc liên tiếp đến đậu, trông thấy trụ buồm liên lạc, làm ra một nơi đại đô hội. Bến đò từ trước thành uốn quanh lên phía tây-băc, rồi uốn lại phía đông xuống cửa Tam Giang Nhà Bè, hiệp làm sông Phước Bình, chảy ra cửa lớn Cần Giờ là 142 dặm rưỡi…”. Đây là một khúc sông lớn có nhiều ý nghĩa trong lịch sử của nhà Nguyễn, sau này được Minh Mạng cho khắc hình tượng vào đỉnh Cao và ghi trong điện thờ. Lịch triều tạp kỷ (t. II, tr. 264) nói rõ phòng tuyến này lập trên sông Bến Nghé và gọi tắt trận này là trận Bến Nghé hay Khúc Láng.

  Khu vực này hiện còn một địa danh là BẾN DỐC nằm ở phía bờ bắc, cánh sông khoảng gần 2 ki-lô-mét đường chim bay, hiện thuộc Thạnh Mỹ Lợi. Tại đây cũng còn một rạch nước khá rộng có tên là Rạch Mương. Chỗ này đoạn sông uốn cong, phía tả ngạn có nhiều lạch nhỏ khá tiện lợi cho việc bố trí binh thuyền. Có thể ngờ rằng phòng tuyến của quân Nguyễn đặt ở đây với đồn Dốc Ngư (hay Rạch Bầng ở khoảng gần cửa lạch Mương đổ ra sông Sài Gòn hiện nay), đồn Thảo Câu ở đối diện bên phía bờ hữu ngạn, khoảng Tứ Đước hiện nay. Như vậy, phòng tuyến cách đồn Thị Nghè về nam, theo đường sông khoảng 10 ki-lô-mét. Khúc sông chỗ này rộng khoảng 300 – 400 mét, khá phù hợp với con số 142 tầm (Tự nguyên dẫn lời Mạnh Tử: “bát xích viết tầm”, tức tám thước làm một tầm. Thước dưới thời Mạnh Tử, theo Ngô Thừa Lạc tương ứng 19,91 cm. Như vậy tầm vào khoảng 1,6m. Tuy vậy, đo lường thay đổi tùy thời. Đối chiếu cách đổi từ tầm của Trịnh Hoài Đức sang trượng trong Đại Nam nhất thống chí thì một tầm tương ứng nửa trượng, tức khoảng 2 mét).


Kế hoạch tác chiến của quân Nguyễn nhằm dùng kế phục binh, tiêu diệt quân thủy Tây Sơn bằng hỏa công, sau đó tung thuyền chiến từ sau các bè rồng cỏ và quân từ hai đồn Thảo Câu, Dác Ngư kết thúc trận đánh. Như vậy, điểm mấu chốt quyết định thành bại của quân Nguyễn trong trận này là ở kết quả của những bè hỏa công, còn hai đồn bên bờ và đội thuyền phía thượng lưu có tác dụng như một vòng vây bọc và tiêu diệt thuyền chiến Tây Sơn bị lửa cháy. Đây là một thế trận phòng ngự đường thủy khá điển hình và khá lợi hại, tuy nhiên, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thiên nhiên như chiều gió và hướng nước chảy do thủy triều. Về nguyên tắc, thế trận này khá giống cách đánh của quân Trần trong trận Bạch Đằng năm 1288, tức là thành bại của trận đánh phụ thuộc một phần quan trọng vào diễn biến của thời tiết và thủy triều. Nhưng kết cục của trận đánh đã chỉ rõ điểm khác nhau căn bản của hai trận đó ở chỗ: quân Trần năm 1288 chẳng những biết cách mà còn đủ sức điều khiển, khống chế nhịp độ hành quân của đối phương cho phù hợp với nhịp điệu biến chuyển của thiên nhiên (thủy triều), trái lại, quân Nguyễn đã không làm được điều đó và đã tự mình bị sập vào cái bẫy do chính mình đặt ra.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #207 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2012, 02:18:42 pm »

Thông thường, từ cửa Cần Giờ tiến vào, thuyền bè đều phải chờ lúc thủy triều lên. Từ cửa Cần Giờ vào đến trận địa của quân Nguyễn còn khoảng 80 ki-lô-mét nữa. Như vậy, muốn có được thế thuận nước, thuận gió, thuyền chiến Tây Sơn không thể tiến công quân Nguyễn vào ngay ngày hôm đó. Rất có thể nghĩa quân đã tạm dừng ở khoảng Ngã ba Nhà Bè để chuẩn bị đội hình tiến công.

Tương ứng với các chốt phòng thủ của quân Nguyễn, quân thủy Tây Sơn chia làm ba bộ phận thực hiện những nhiệm vụ chiến thuật riêng biệt: đại bộ phận binh thuyền đánh thẳng vào tuyến phòng thủ chính diện của quân thủy Nguyễn Ánh ở trên mặt sông; một bộ phận men theo bờ phía nam, do đô đốc Lê Văn Kế chỉ huy, đánh vào đồn Thảo Câu của Dương Công Trừng; một bộ phận khác men theo bờ phía bắc, do tư khấu Nguyễn Văn Kim chỉ huy, đánh vào đồn Dác Ngư của Tôn Thất Mân. Chờ lúc thủy triều dâng cao, gió biển thổi mạnh, cả ba đội thuyền chiến Tây Sơn nhất loạt đánh vào toàn bộ hệ thống phòng thủ của quân Nguyễn.

  Theo Gia Định thành thông chí, thủy triều ảnh hưởng mạnh đến tận sông này. Tại đây, biên độ nước vẫn tới 3 thước (tức khoảng 1,2 m).

  Lịch triều tạp kỷ (t. II, tr. 264) cho biết tương đối chi tiết về thời gian thủy triều lên cao. Hôm đó là ngày 24 tháng Hai âm lịch, tức ngày 26-3-1783: “… nước thủy triều lên to, từ giờ dần đến giờ tỵ (khoảng từ 5 giờ đến 11 giờ sáng – T.G.) nước đầy tràn lên, thình lình gió đông-bắc thổi ngược lại, bè lửa cháy tạt về, đốt thuyền quân Nguyễn mờ mịt trong vòng khói lửa dữ dội”.


Tuân theo kế hoạch cứng nhắc đã được vạch sẵn, khi thấy thuyền chiến Tây Sơn xuất hiện, đội thuyền chiến nhẹ do lưu thủ Thăng và tiên phong Túy chỉ huy tiến ra chặn đánh nhằm điều khiển tốc độ hành quân của thuyền chiến Tây Sơn, nhử dần vào trận địa phục kích đang đón sẵn.

  Về trận đánh “nhử” này thì cả Đại Nam thực lụcLịch triều tạp kỷ đều chép. Riêng Lịch triều tạp kỷ (t. II, tr. 270) chép rõ nơi xảy ra trận đánh là ở Khúc Láng. Trong các đoạn sau, Ngô Cao Lăng thường gọi chung trận Thảo Câu – Dác Ngư là trận Bến Nghé hay Khúc Láng. Khúc Láng có thể là đoạn Cửa sông Sài Gòn đổ ra sông Nhà bè hiện này. Từ đây đến Ngã ba Nhà Bè cũng gần bằng đến đồn Thị Nghè, tức khoảng hơn 10 ki-lô-mét đường sông. Hiện nay, ở khu vực này còn một địa danh là rạch Mương Láng có thể có liên quan đến Khúc Láng đương thời.

  Theo lô-gích chung thì không có khả năng quân Nguyễn đánh khiêu khích để nhử quân Tây Sơn vào lúc nước triều lên cao, vì lúc đó chúng không thể thực hiện kế hoạch hỏa công được. Nếu quả thời gian nước triều lên do Ngô Cao Lăng ghi lại là chính xác (chúng tôi đang nhờ các nhà thiên văn học kiểm tra lại) thì quân Nguyễn chỉ có thể đánh “nhử” Tây Sơn vào tầm nửa đêm, tức lúc nước rút.

  Theo chúng tôi, nếu phân tích tương quan lực lượng và chủ trương đánh địch của quân Tây Sơn với quân Nguyễn thì dù quân Nguyễn có nhử hay không thì Tây Sơn vẫn cứ đánh vào phòng tuyến của chúng. Chỉ có điều là quân Tây Sơn sẽ giành lấy chủ động về thời gian sao cho phù hợp với nước triều lên, có lợi cho trận đánh của mình (có thể nói, trong các trận thủy chiến ở Gia Định cũng như ở Bắc Hà, Nguyễn Huệ là người sử dụng rất thành thạo thủy triều và sức gió).

  Trong trường hợp đó, trận đánh của kỳ quân Nguyễn ở Khúc Láng chỉ có tác dụng như một trận đánh chặn để khống chế tốc độ hành quân của thuyền chiến Tây Sơn, không cho vào trận địa phục kích khi tình hình nước triều và gió không thuận lợi cho chúng. Hoạt động của cánh quân này cũng như hoạt động của Nguyễn Khoái trong trận Bạch Đằng vậy. Nhưng chúng đã không đủ sức lực và mưu mẹo làm tròn sứ mạng đó.

Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #208 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2012, 02:20:45 pm »

Quân Tây Sơn thuận gió đánh thốc vào đội hình quân Nguyễn trên mặt sông. Như đã định, giám quân Tô, người được Nguyễn Ánh giao trọng trách phát hỏa, liền ra lệnh phóng hỏa và chặt dây các bè hỏa công. Nhưng nước triều đang dâng, gió biển thổi mạnh, các bè lửa không trôi về phía hạ lưu mà trôi ngược về phía quân Nguyễn đốt cháy rồng cỏ và thuyền chiến của chúng. Quân thủy Nguyễn hoảng hốt tan vỡ, thuyền chiến Tây Sơn nhân đó đánh thốc tới, phòng tuyến trên mặt sông bị chọc thủng nhanh chóng.

Trong khi đó, bộ phận thuyền chiến của nghĩa quân ở bờ nam do đô đốc Lê Văn Kế chỉ huy đổ bộ lên đồn Thảo Câu, tiêu diệt đồn này, bắt sống Dương Công Trừng, phá hủy toàn bộ cầu phao nối với bờ bắc, mở đường cho quân thủy trên sông đánh tới.. Hoảng sợ trước sức tiến công như vũ bão của quân thủy Tây Sơn, Tôn Thất Mân vội ra lệnh cho quân ở đồn Dác Ngư bên bờ bắc rút chạy về phía bờ nam. Nhưng không may cho chúng, đô đốc Kế đã phá cầu phao, cùng hiệp lực với tư khấu Kim tiêu diệt gọn đội quân này. Tôn Thất Mân chết ngay tại trận.

Trận đánh diễn ra rất nhanh trước sức tiến công mãnh liệt của quân thủy Tây Sơn. Sử Nguyễn chép về trận này không giấu được nỗi kinh hoàng: “Tháng hai “giặc” Tây Sơn Nguyễn Văn Lữ và Nguyễn Văn Huệ vào cướp. Thuyền “giặc” từ cửa biển Cần Giờ ngược dòng mà lên. Tư khấu giặc là Nguyễn Văn Kim tiến sát đến đồn bờ bắc, đô đốc giặc là Lê Văn Kế tiến sát đồn bờ nam, Lưu thủ Thăng và tiên phong Túy đem kỳ binh đón đánh, “nhử” giặc vào trận. Giám quân Tô phóng lửa đánh hỏa công, gặp thủy triều dâng to, gió đông-bắc thổi mạnh, bè lửa lại trở lại đốt cháy thuyền quân ta, binh đều vỡ chạy. Giặc thừa thắng áp tới. Tôn Thất Mân thấy thế chống không nổi, lùi chạy. Nhưng Kế chặt đứt cầu phao, Mân rơi xuống nước chết… Dương Công Trừng bị giặc bắt. Chu Văn Tiếp cũng lui chạy”352.

Sau trận đánh này, Nguyễn Ánh phải bỏ đất Gia Định rút về Ba Giồng – sào huyệt của quân Đông Sơn. Tây Sơn tiếp tục truy kích và thắng lớn quân Nguyễn một trận nữa ở Đồng Tuyên. Quân Nguyễn hoàn toàn tan tác tìm đường trốn ra các đảo ở vịnh Xiêm.

Vơi thắng lợi trên sông Gia Định năm đó, quân thủy Tây Sơn lại lập nên một kiểu mẫu nữa trong lịch sử thủy chiến của mình, đó là việc công phá thành công một tuyến phòng thủ đường thủy có sự hỗ trợ của đồn binh đóng hai bên bờ. Phòng tuyến Thảo Câu – Dác Ngư được quân Nguyễn chuẩn bị khá công phu, nhưng quân Tây Sơn, với cách đánh áp đảo và biết sử dụng quy luật thủy triều, đã làm thất bại kế hoạch hỏa công của quân Nguyễn, đồng thời biết phá vỡ tính chất liên hoàn thủy bộ của phòng tuyến này bằng cách làm tê liệt và tiêu diệt hai đồn binh ở hai bờ sông, tách chúng ra để tiêu diệt. Kết quả là phòng tuyến tưởng như rất chặt chẽ, kiên cố của quân Nguyễn đã bị quân thủy Tây Sơn phá bung trong một trận đánh.

Cũng như trận Ngã Bảy năm trước, trận Thảo Câu – Dác Ngư lần này cũng có ý nghĩa quyết định đến thành bại của toàn bộ cuộc hành quân năm 1783.
--------------------------
352 Đại Nam thực lục, chính biên, t. II, tr. 46.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #209 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2012, 02:13:49 pm »

Trận Rạch Gầm – Xoài Mút 1785353

Nhìn trên bản đồ, Rạch Gầm, Xoài Mút là hai lạch nước nhỏ nằm ở phía tả ngạn sông Tiền Giang, đoạn gần tới thị xã Mỹ Tho hiện nay. Do đặc điểm chung của một dòng sông có độ dốc không cao, Tiền Giang cũng như nhiều sông khác ở đồng bằng Nam Bộ có rất nhiều bãi nổi giữa sông, tạo ra nhiều đoạn có đường nước rất phức tạp. Đoạn sông Tiền từ Cái Bè đến Mỹ Tho là một trong những chỗ như vậy. Trên đoạn sông này, những cù lao chi chít như Tân Phong, Cồn Tiên, Trà Luật, Thới Sơn… khiến cho đường nước chỗ rộng, chỗ hẹp, chỗ tách ra, chỗ nhập lại. Các cù lao đó không khác gì những chiến hạm khổng lồ nằm án ngữ giữa dòng, khống chế mọi sự đi lại trên mặt sông. Hơn nữa, đây lại là khúc sông gần cửa biển, chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều, với hai nhịp lên xuống trong một ngày đêm. Trong Đại Nam nhất thống chí (t. V, tr. 96), sông Trà Luật chính là phần bắc của khúc sông này, “thủy triều lên sâu 20 thước, thủy triều xuống sâu 16 thước”. Như vậy biên độ ở đây tới 4 thước ta, ước khoảng 1,6 mét. Tính toán chi tiết của các nhà thiên văn hiện nay cho biết: biên độ triều lớn (một ngày đêm có hai lần nước triều lên xuống, một lần lớn, một lần nhỏ) trong ngày diễn ra trận Rạch Gầm – Xoài Mút vào khoảng gần 2 mét354. Với ảnh hưởng của thủy triều như vậy, dòng chảy ở đây lúc xuôi, lúc ngược, càng tăng thêm tính chất phức tạp của đoạn sông này.

Chính vì vậy, cũng như Bạch Đằng, nơi đây không phải chỉ diễn ra duy nhất một đoạn Rạch Gầm – Xoài Mút năm 1785. Trước đó, trong quá trình tranh chấp giữa các thế lực phong kiến khác nhau ở vùng này, đã từng có hai trận đánh khá lớn diễn ra ở đây.

  Lần thứ nhất xảy ra năm 1688, khi Mai Vạn Long được chúa Nguyễn cử vào đánh Hoàng Tiến. Lịch triều tạp kỷ (t. I, tr. 113) chép về trận này như sau: “Bọn Vạn Long hầu tiến quân đến đóng ở Rạch Gầm (Sầm Khê) nói phao lên là tiến quân đánh Nặc Thu, nhưng giả vờ lệnh cho Hoàng Tiến làm tiên phong, dụ Tiến đến giữa sông đổ phục binh ra đánh úp vây bắt. Tiến chạy trốn rồi chết”.

  Lần thứ hai xảy ra năm 1705. Cũng theo Lịch triều tạp kỷ (t. I, tr. 173), đây là lần đụng độ của quân Đàng Trong với quân Xiêm, kết quả là Văn Trường hầu Nguyễn Cửu Vân đã đánh cho quân Xiêm chạy tan tác.


Tuy nhiên, lịch sử chỉ nhớ mãi đến một Rạch Gầm – Xoài Mút mà chiến công của nó gắn liền với tên tuổi Nguyễn Huệ, một trong những vị anh hùng dân tộc kiệt xuất nhất của lịch sử nước ta. Đó là Rạch Gầm – Xoài Mút năm 1785.
-----------------------------------
353 Đây là một trận đánh vào loại lớn nhất trong lịch sử phong trào nông dân Tây Sơn cũng như trong lịch sử chiến tranh cổ trung đại ở nước ta. Đã có khá nhiều công trình nghiên cứu, giới thiệu về trận này một cách tỉ mỉ (có thể tham khảo trong phần Thư mục của sách này). Gần đây, có ý kiến đặt vấn đề nghiên cứu trận Rạch Gầm – Xoài Mút như một hoạt động quân sự lớn nhất, trong một loạt hành động của một chiến dịch thống nhất: “Chiến dịch Tiền Giang năm 1785” (Văn Lang, Nghiên cứu lịch sử, số 6-1978, tr. 53). Đó là một ý kiến rất đáng chú ý. Tuy nhiên, vấn đề này còn phải chờ thêm nhiều tài liệu nữa thì mới sáng tỏ hơn được. Trong khuôn khổ có hạn, chúng tôi chỉ nhấn mạnh một số điểm cần thiết và tóm tắt diễn biến chính của trận đánh diễn ra vào đêm 18 – 19-1-1785.

354 Nguyễn Ngọc Thụy, Thủy triều trong chiến thắng vĩ đại Rạch Gầm – Xoài Mút năm 1785, trong Nghiên cứu lịch sử, số 6-1980, tr. 73.
Logged

Ùi, úi, ui....
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM