Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:09:09 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm  (Đọc 153167 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #110 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2012, 07:21:08 pm »

Khi quân Toa Đô ra đến Trường Yên (Ninh Bình) thì việc đầu tiên của Thoát Hoan là chộp lấy ngay đạo binh thuyền dùng vào truy kích vua Trần. Đội thuyền chiến chính quy của Toa Đô do Giảo Kỳ, Đường Cổ Đái chỉ huy nhập làm một với đội thuyền dã chiến của Lý Hằng và Ô Mã Nhi.

Vừa mới sáp nhập, bọn Lý Hằng, Giảo Kỳ, Đường Cổ Đái lao ngay vào cuộc truy lùng vua Trần. Chúng theo vua Trần đến An Bang, rồi theo thuyền ngự đến gần Mũi Ngọc, cuối cùng cũng dò vào được Tam Trĩ. Nhưng đến đâu cũng mất hút quân Trần. Nếu như ngày 7-4-1285, vua Trần đến Tam Trĩ thì tám ngày sau (15-4) quân thủy Nguyên mới dò đến đó. Khi chúng biết tin vua Trần vượt biển vào Thanh thì cuộc hành trình của vua Trần đã kết thúc. Rõ ràng, nhờ đánh địch trên đất ta, quân thủy Trần đã phát huy hiểu biết về đường đi lối lại trên biển, lúc bộ, lúc thủy, kết hợp với mẹo lừa địch, khiến cho quân Nguyên hoàn toàn bó tay ngay cả khi chúng có một đội thuyền chiến khá mạnh. Sau cuộc hành trình này, quân Trần thoát khỏi thế bị quân Nguyên đánh từ hai đầu, trái lại, việc quân ta được tập hợp lại ở Thanh Hóa và bộ phận quân Trần Quốc Tuấn ở đông-bắc đã đặt quân Nguyên vào thế “lơ lửng ở giữa” như chúng vẫn từng lo ngại.

Thất bại trong cuộc truy lùng vua Trần trên biển, Thoát Hoan tiếp tục cử Ô Mã Nhi đem 60 chiến thuyền loại vừa chở 1.300 quân vào hội với Toa Đô ở Trường Yên sục trở lại Thanh Hóa. Chính lúc đó, quân Trần bắt đầu kế hoạch phản công chiến lược của mình. Và trong phản công chiến lược lần này, ta lại thấy đóng góp hết sức to lớn của quân thủy.


Chiến thuyền quân Nguyên (khi đánh Nhật Bản)
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #111 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2012, 07:24:20 pm »

4. Phản công chiến lược trên trục sông Hồng

Nhìn đại quát thì điểm nóng nhất của toàn bộ cuộc phản công chiến lược được quân Trần đặt ở trục sông Hồng, đoạn từ Thăng Long đến Long Hưng – Thiên Trường. Đối với quân Nguyên thì đây cũng là chốt hãm, then cài toàn bộ các vấn đề chiến thuật, chiến lược trong cuộc chiến tranh này. Cũng như các cuộc viễn chinh khác, quân Nguyên vẫn nhằm đạt được một cuộc chiến tranh đánh nhanh, thắng nhanh và trong suốt mấy tháng đầu của cuộc chiến, chúng đã gắng sức để thực hiện điều đó. Nhưng, trước đối sách của ta, rõ ràng chúng đã buộc phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh kéo dài. Hệ thống đồn lũy, trại, trạm do Thoát Hoan và Lưu Thế Anh tổ chức và những hoạt động chuẩn bị tiếp sức của Hốt Tất Liệt đã chứng tỏ điều đó. Quân Nguyên càng có khả năng chịu đựng được cuộc chiến tranh kéo dài bao nhiêu thì càng là một khó khăn cho quân dân ta bấy nhiêu. Đó là điều Trần Hưng Đạo đã tổng kết: “Nếu nó đi chậm như cách tằm ăn, không cần được chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời mà làm…”126. Và trong tình thế một cuộc chiến tranh kéo dài, thì trục sông Hồng từ Thăng Long ra biển mà quân Nguyên đã chiếm lĩnh có ý nghĩa cực lớn đến chỗ đứng của chúng ở đồng bằng trung tâm đất nước.

Quân Trần đã phát hiện rất trúng vấn đề. Đánh vào trục sông Hồng đó chẳng những đánh gục xương sống của thế trận mà quân Nguyên đã gắng xây dựng trong mấy tháng qua, điều quan trọng nữa là quân ta có thể phát huy sở trường của mình, cả trong lực lượng lẫn nghệ thuật tác chiến – đó là quân thủy, và thủy chiến.

Tháng 5 – 6 năm 1285, mùa hạ bắt đầu với cái nóng nhiệt đới khủng khiếp và những cơn mưa dữ dội đầu tiên. Chiến dịch tổng phản công trên trục sông Hồng bắt đầu.

Trên trục sông Hồng từ Thăng Long ra biển, quân Nguyên bố trí thành hai cụm cứ điểm lớn và một chốt tiền duyên. Đó là Thăng Long, với một bộ phận đóng trong thành và đại bản doanh của Thoát Hoan đóng bên bờ bắc (có lẽ ở giữa có cầu phao nối hai bờ). Lực lượng địch ở đây rất mạnh. Cụm cứ điểm thứ hai có liên quan chặt chẽ với toàn bộ tuyến sông Hồng này vẫn là Thiên Mạc, nhưng là Thiên Mạc quay về phía biển đối phó với Long Hưng – Thiên Trường. Vì vậy, quân Nguyên bố trí phòng thủ ở cửa Hàm Tử (theo địa danh hiện nay, có thể đó là khúc sông rộng chỗ hai nhánh sông Hồng bị chia bởi bãi nổi Thiên Mạc nhập làm một). Các đồn Chương Dương, Tây Kết đều ở quanh đấy, nhưng đều hướng về phía hạ lưu. Và cuối cùng, dưới khúc sông Lỗ, cũng có tên gọi là A Lỗ, có một chốt tiền tiêu do viên tướng vạn hộ Lưu Thế Anh chỉ huy.
-------------------------
126 Toàn thư, t. II, tr. 88.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #112 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2012, 07:28:41 pm »

Quân ta mở màn bằng trận đánh vào đồn A Lỗ, do Trần Quốc Tuấn trực tiếp chỉ huy. Lưu Thế Anh bỏ chạy. Liền trong tháng đó, quân Trần tập trung bất ngờ đánh vào hệ thống đồn ải cả trên bờ hữu ngạn lẫn dưới cửa quan Hàm Tử. Toàn thư cho biết quân ta đều dùng binh nhẹ (tiệp binh). Chiêu Thành Vương, Trần Quốc Toản, Nguyễn Khoái đánh vào Tây Kết. Trần Nhật Duật đánh vào cửa Hàm Tử. Sau đó Trần Quang Khải, Trần Quốc Toản cùng dân binh các lộ quanh vùng do Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền cả phá giặc ở Chương Dương rồi từ đó đánh thốc lên giải phóng Thăng Long.

Tại Thăng Long, Kinh thế đại điển tự lục có nhắc đến trận đánh quân ta do Trung Thành Vương chỉ huy, đánh vào đồn Nguyên ở cửa sông Tô Lịch. Đó là trận Giang Khẩu (nay là khu vực Hàng Buồm, Chợ Gạo Hà Nội). Cũng sách này cho biết vài chi tiết về diễn biến cuộc tiến công của quân Trần vào đại bản doanh quân Nguyên: “… Thủy, lục (quân Trần) đánh vào đại bản doanh, vây thành mấy vòng, tuy chết nhiều, nhưng quân thăng thêm càng trở nên đông, quan quân (Nguyên) sớm tối đánh rất khốn đốn, thiếu thốn, khí giới đều hết”127 .

Hiện còn rất thiếu tài liệu để mô tả chính xác diễn biến chi tiết các trận đánh. Tuy nhiên, có thể nhận ra điểm nóng nhất trên trục sông này chính là cụm cứ điểm Thiên Mạc, với Chương Dương, Tây Kết, Hàm Tử.

  Có thể đoán rằng quân thủy Nguyên, sau khi truy kích thất bại vua Trần, thì một bộ phận do Ô Mã Nhi chỉ huy đã vào Thanh Hóa, một bộ phận khác do Lý Hằng chỉ huy có lẽ về đóng ở Thăng Long, vì ngay khi rút khỏi Thăng Long ta đã thấy trong đạo quân của Thoát Hoan có Lý Hằng đi sau bị trúng tên thuốc độc chết (Nguyên sử). Một bộ phận quân thủy nữa do Giảo Kỳ và Đường Cổ Đái chỉ huy có lẽ được giao chốt ở Hàm Tử. An Nam chí lược cho biết: đến ngày 5 tháng năm âm lịch (tức ngày 9-6-1285), bọn Giảo Kỳ mới về Thăng Long, nhưng lúc đó Thoát Hoan đã bị đánh bật khỏi đây rồi. Ngày 5 tháng năm cũng là ngày sau đó mấy hôm vua Trần từ Trường Yên được tin quân ta đại thắng ở sông Hồng và Thăng Long. Rất có thể quân ta đã bức được bọn Giảo Kỳ rút khỏi Thiên Mạc, cắt đứt hoàn toàn cánh quân Thoát Hoan với bọn Toa Đô đàng lò dò kéo ra.
--------------------------
127 Hà Văn Tấn, Sách đã dẫn, tr. 233. Đào Duy Anh, chú giải Toàn thư, tr. 298.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #113 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2012, 07:32:06 pm »

Như vậy, ta thấy hầu như toàn bộ các trận đánh trên trục sông Hồng đều diễn ra ở ven sông và ngay trên sông. Nhìn vào phương tiện cơ động cũng như phương thức hành quân tác chiến truyền thống của quân Trần, có thể thấy trong các trận này, quân Trần đã cơ động chủ yếu bằng thuyền và đổ bộ trực tiếp hoặc gián tiếp, đánh úp các đồn trại giặc.

Trận quân Trần đánh vào Hàm Tử có thể là một trận thủy chiến với đám quân thủy Nguyên do Giảo Kỳ chỉ huy.

Không có nguồn tài liệu nào cho biết chi tiết về trận đó, nhưng theo Toàn thư, quân Nguyên đã phải bỏ chạy và rõ ràng cho đến trước khi Toa Đô tới lại vùng này thì Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết đã thuộc về ta. Một Hàm Tử, Tây Kết nữa lại tái diễn, nhưng lần này chính quân Trần là người đón đánh và lại chiến thắng.

Sau khi quét sách quân Nguyên khỏi trục sông Hồng, có thể nói về cơ bản ta đã giành được thắng lợi. Quân Thoát Hoan tụ lại bên bờ bắc sông Hồng, nhưng là để chờ đón tàn quân và tính toán sao để rút lui cho thoát. Quân Toa Đô đang từ Thanh Hóa kéo ra, nhưng cũng là vội nhập với Thoát Hoan để không bị cô độc khi rút về nước. Sử Nguyên đều ghi nhận lúc này quân Nguyên chỉ xoay quanh một chiến lược là rút lui. Chính vậy, từ đây nhiệm vụ của quân Trần là chặn đánh tiêu diệt quân địch rút chạy. Kẻ thù sẽ còn trù trừ hoặc không từ bỏ thời cơ đánh lại ta nếu không tỏ rõ thế thắng đã chắc chắn thuộc về chúng ta. Chính bọn Toa Đô trong khi rút ra sông Hồng vẫn hùng hổ tung tin “hẹn ba năm dẹp yên nước ta”128.

Trong khi quân ta tung đi truy kích quân Thoát Hoan trên hướng bắc thì đại bộ phận quân thủy chốt lại trên các ải sông Hồng, cùng với bộ phận quân của vua Trần, mới vừa thắng lớn ở Trường Yên, sẵn sàng đặt một mẻ lưới quét sạch bọn cá kình biển Bắc đang lò dò từ Thanh Hóa ra mà vẫn chưa hề biết thảm bại của quân Nguyên trên sông Hồng.
----------------------
128 Toàn thư, t. II, tr. 60.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #114 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2012, 07:37:44 pm »

Đoàn quân của Toa Đô từ Thanh Hóa ra sông Hồng đã đi theo đường thủy. Toàn thư nói chúng từ biển đánh vào sông Thiên Mạc ngày 17 tháng năm âm lịch (tức 21-6-1285). Phải mất đúng 10 ngày, Toa Đô mới đi được đoạn đường từ Thanh Hóa đến sông Thiên Mạc. Hai ngày trước đó, Trần Nhân Tôn đã đóng ở Long Hưng (huyện Hưng Nhân thuộc Thái Bình Hiện nay) và chục ngày trước đó, quân Thoát Hoan đã rút khỏi biên giới nước ta (trận Vạn Kiếp xảy ra ngày 10-6-1285). Sông Thiên Mạc đã thuộc về quân ta từ lâu, ít ra cũng từ ngày 9-6-1285, là ngày bọn Giảo Kỳ rút về Thăng Long. Như vậy, quân ta đã thắng quân Nguyên ở sông Hồng nhanh tới mức chúng không kịp thông báo cho bọn Toa Đô tin thất trận. Ngay cả bọn Giảo Kỳ ở cách Thăng Long chẳng bao xa cũng không hề biết tin Thoát Hoan đã bỏ thành. Thực ra, quân thủy Toa Đô có thể rút về nước theo đường biển để thoát thân, nếu chúng biết quân Thoát Hoan không còn ở sông Hồng nữa. Vì vậy, khi tiến vào sông Hồng, bọn Toa Đô thực sự lọt vào vòng vây của quân Trần. trước mắt chúng là hệ thống chốt ải Thiên Mạc, sau lưng chúng là vua Trần ở Long Hưng. Từ ngày 21 đến ngày 24, tức ngày quân Toa Đô bị đánh tan tác, chúng đã không thể phá nổi cửa quan Hàm Tử. Không thấy Trần Nhật Duật và Trần Quang Khải tham gia các trận đánh giặc ở phía bắc, ta có thể ngờ rằng chính các viên tướng vừa hoàn thành sứ mạng “Đoạt sáo Chương Dương độ” đã tiếp tục chốt lại những nơi vừa chiếm để sẵn sàng “Cầm Hồ Hàm Tử quan” như câu thơ rất sảng khoái của Trần Quang Khải sau này.

  Đại Mang (Toàn thư) và Bái Hương (An Nam chí lược), nơi vua Trần bức hàng Trương Hiển, có thể chỉ là một khu vực, theo Toàn thư, Đại Mang là một bến sông (bộ) trên sông Hồng, ở phía dưới Tây Kết, vì vua Trần từ Long Hưng tiến đến Đại Mang rồi mới đánh vào Tây Kết. Hiện nay ở cách Chương Dương, Tây Kết về phía nam khoảng gần 20 ki-lô-mét có làng Bái Xuyên kề sát sông Hồng, phía hữu ngạn. Việt sử lược, tr. 177, chép việc Trần Lý phò vương tử Sảm lên ngôi ở Mạng Nhân. Theo cách chép, Mạng Nhân ở phía trên Hải Ấp (gần cửa Hải Thị) cũng phù hợp với Bái Xuyên, hiện cách ngã ba Luộc khoảng 15 ki-lô-mét về phía bắc. Chỗ này dòng sông Hồng phình rộng, phía trên nổi lên một bãi nhỏ và phía dưới một bãi rất lớn – bãi Đằng. Khúc sông Hồng này còn có tên là Xích Đằng. Rất có thể Toa Đô đã cắm chốt tiền tiêu phía nam ở đây để đề phòng quân Trần từ phía nam.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #115 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2012, 07:45:35 pm »

Chúng ta có thể hình dung trận Hàm Tử, đánh quân Toa Đô như sau: ngày 21-6, thuyền chiến Nguyên từ biển tiến vào Thiên Mạc (có thể đi theo đường sông Đáy); đến Thiên Mạc, bị quân Trần chặn đánh quyết liệt. Toa Đô rơi vào thế bao vây của ta. Vua Trần ép từ phía sau lưng. Đối phó với mặt này, Toa Đô giao cho tổng quản Trương Hiển chốt giữ ở khoảng bãi Xích Đằng, còn đại bộ phận vẫn dồn vào phá cửa quan Hàm Tử. Ba ngày trôi qua, quân Nguyên vẫn không qua được Hàm Tử, cũng là lúc quân Trần tập trung lực lượng phản công. Ngày 24-6, từ Long Hưng, vua Trần tiến quân đến bến Đại Mang. Trước thế áp đảo của ta, Trương Hiển đã đầu hàng và quan trọng hơn đã nhận giúp quân ta đánh lừa để diệt Toa Đô128.

  Về việc này, Toàn thư cũng như An Nam chí lược đều chép trong một ngày. An Nam chí lược dường như đổ toàn bộ thất bại của Toa Đô vào việc Trương Hiển làm phản: “Đến Bái Hương, tướng của Toa Đô là Lễ Cước Trương (Hiển) làm phản, đem quân An Nam đánh quân ta (tức quân Nguyên). Toa Đô phóng ngựa chạy ngã xuống sông chết, quân bị hãm…”. Thực ra, thế thua của Toa Đô đã quá rõ ràng, việc Trương Hiển đầu hàng chính phản ánh cái thế thua đó và chỉ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho quân Trần thắng Toa Đô nhanh hơn và dễ hơn mà thôi. Hình như quân Trần đã lợi dụng quân Trương Hiển để lừa Toa Đô vào chỗ phục binh, lấy đó làm đà tiêu diệt toàn bộ quân Nguyên.


Chém Toa Đô

Toa Đô bị chết ngay tại trận, bọn tướng khác là Ô Mã Nhi, Lưu Khuê (cả hai tên này đều trở thành tướng chỉ huy quân thủy trong cuộc xâm lược năm 1287), Tiểu Lý Chiến cố gắng vùng vẫy thoát khỏi vây của ta. Cuối cùng, chỉ có Ô Mã Nhi, Lưu Khuê trốn trên một thuyền nhẹ chạy thoát, có lẽ theo một ngách sông nào đó phía hữu ngạn từ sông Hồng thông với sông Đáy, theo đó mà “ra biển Thanh Hóa” chuồn về nước. Tiểu Lý Chiến tự vẫn nhưng không kịp, quân Trần đã bắt được hắn cùng toàn bộ chiến thuyền do hắn chỉ huy đang làm nhiệm vụ chặn hậu cho bọn Ô Mã Nhi chạy thoát129.
--------------------------------
128 Sau này Trương Hiển trở thành tướng trong quân đội Trần và chết trong cuộc chiến tranh với Ai Lao năm 1289. Nhà Trần đánh giá cao công lao của Trương Hiển, tặng tước Minh tự và cho thờ ở Thái Đường (Toàn thư, t. II, tr. 83).

129 An Nam chí lược.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #116 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2012, 07:47:27 pm »

Rõ ràng, đây là một trận phục kích đường thủy đánh địch rút chạy khi chúng còn lực lượng khá mạnh, nhưng đã hoàn toàn thất thế cả về tinh thần, chiến lược và chiến thuật. Chắc chắn có những trận đối thủy trên cửa Hàm Tử bên cạnh những trận đổ bộ đánh vào trại dã chiến của quân Toa Đô trên hữu ngạn. Trong trận này, quân thủy Trần đã giáng cho quân thủy “thiên triều” một đòn trí mạng. Theo Toàn thư, 50.000 giặc Hồ đã bị “cầm”, chủ tướng Toa Đô bỏ xác. Trong lịch sử chiến tranh nước ta trước đó cũng như sau đó, Hàm Tử còn là nơi diễn ra nhiều trận đối thủy lớn, nhưng Hàm Tử với tư cách là một võ công hiển hách vào loại nhất của dân tộc ta, Hàm Tử với tư cách là đề tải của bao tài thơ ca ngợi chiến công thì mãi mãi gắn liền với chiến công của quân thủy Trần trong những ngày tháng sáu của năm 1285 lịch sử.

Trận chiến đấu tiêu diệt quân thủy Toa Đô cũng là trận cuối cùng kết thúc cuộc kháng chiến gay go, gian khổ nhất trong cả ba lần kháng chiến chống Mông Nguyên của thời Trần. Đất nước sau một hồi nghiêng ngả vì quân xâm lược, nay tràn ngập niềm vui chiến thắng, đã ngân nga mãi mãi khúc cảm hoài bất diệt về những võ công chói lọi vừa qua:

      Đoạt sáo Chương Dương độ
      Cầm Hồ Hàm Tử quan
      Thái bình tu nỗ lực
      Vạn cổ thử giang san.


      (Bến Chương Dương cướp giáo
      Cửa Hàm Tử bắt thù
      Thái Bình nên gắng sức
      Non nước cũ muôn thu).


Đó chính là bài thơ của Trần Quang Khải, vị thượng tướng đã từng có nhiều công lao nhất trong chiến dịch sông Hồng thu phục lại đất nước. Khi nhìn lại toàn cục chiến dịch, chúng ta có quyền nghĩ rằng đó chính là bài ca về những chiến thắng trên chiến trường sông nước, về đội quân thủy dày công trạng trong cuộc kháng chiến lần thứ hai của quân dân thời Trần.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #117 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2012, 07:46:20 pm »

CUỘC KHÁNG CHIẾN LẦN THỨ BA
(1287 – 1288)

Chỉ hơn một tháng sau khi quân Nguyên bại trận lếch thếch kéo về nước, nhà Nguyên lại đặt một kế hoạch mới đánh Đại Việt, như là bước thứ hai tiếp theo cuộc nam chinh vừa thất bại. Tuy nhiên, tình hình thực tế của Trung Quốc, đặc biệt là miền Hoa Nam vừa điêu đứng sau đợt phục dịch cuộc hành quân năm 1285 cũng như tình hình sức khỏe, tinh thần của đám quân tướng vừa thất trận, đặc biệt là sức kháng chiến mãnh liệt của Đại Việt đã buộc nhà Nguyên phải kéo dài thời gian chuẩn bị cho cuộc viễn chinh mới.

Sau đó khoảng 18 tháng, cuối năm 1287 quân Nguyên bắt đầu một cuộc tiến công mới. Nhìn vào đội hình đạo quân xâm lược lần này, ta thấy nổi lên một nét rất đáng chú ý trong ý đồ chiến thuật cũng như trong tổ chức lực lượng của quân Nguyên. Đó là việc cố gắng tổ chức một cánh quân thủy lớn mạnh.

Như chúng ta đã biết, bước vào thời kỳ bành trướng ra các nước như Nhật Bản và Đông-Nam Á, nhà Nguyên rất có ý thức xây dựng một đội thuyền chiến lớn mạnh và tách dần trong đám tướng lĩnh của mình những tên tướng chỉ huy quân thủy vốn chỉ quen chiến đấu trên lưng ngựa. Quá trình đó gắn chặt với bộ phận quân thủy hình thành trong xâm lược Nam Tống và việc sử dụng thuyền chiến, quân và tướng Nam Tống đầu hàng. Địa bàn sông nước phía nam sông Dương Tử chẳng những chỉ là kho người, kho của cho nhà Nguyên nam chinh mà còn là nơi cung cấp thuyền bè và những tướng sĩ phương nam quen thủy thổ và thạo nghề sông nước. Chính vậy, hành tỉnh Hồ Quảng đã được nhà Nguyên giao kiêm thêm trọng trách chuẩn bị mọi cuộc nam chinh. Thuyền biển nổi tiếng của Phúc Kiến, Quảng Đông đã từng đưa quân Nguyên vượt biển đánh Nhật Bản, Chiêm Thành, uy hiếp Gia-va, Ca-li-man-tan… Có thể nói, khi vương triều Nguyên chiến thắng hoàn toàn Nam Tống (1279) thì quân Nguyên đã có những bộ phận thuyền chiến tương đối lớn đảm nhiệm những cuộc hành quân vượt biển xa, như cuộc hành quân đánh Nhật Bản năm 1281, đánh Chiêm Thành năm 1283.

Tuy nhiên, dựa vào các xưởng thuyền thời Tống rất phát triển ở Phúc Kiến, Quảng Đông và kế thừa quân thủy Nam Tống, nhà Nguyên chỉ có thể tạo ra ngay lập tức đội thuyền chiến chứ không thể tạo ra ngay một truyền thống đánh thủy cùng với một đội ngũ tướng lĩnh, quân sĩ thành thạo sông nước. Lịch sử quân thủy Nguyên là một chuỗi thất bại.

Bên cạnh cố gắng xây dựng đội thuyền chiến, nhà Nguyên vẫn tìm cách nam chinh bằng đường bộ, bằng sở trường kỵ bộ của mình. Mấu chốt của vấn đề là phải khai thông con đường bộ xuống Đông-Nam Á mà Đại Việt đang là người trấn cổng. Cuộc hành quân lần thứ ba này không ngoài mục đích đó, nhưng rõ ràng nhà Nguyên ít nhiều có thay đổi trong thủ đoạn tác chiến.

Nếu như Ngột Lương Hợp Thai không thể mang theo một đội thuyền chiến và vì thế bị quân Trần buộc tay đuổi về Vân Nam, thì Thoát Hoan, năm 1285 được Hốt Tất Liệt ưu đãi bằng cả đạo thuyền chiến của Toa Đô. Nhưng quân thủy đó lại là một cánh hành quân đơn độc, dường như không gắn bó lắm với kế hoạch tác chiến của Thoát Hoan. Trong suốt một thời gian dài, quân của Thoát Hoan phải đánh nhau với quân Trần bằng chân của người và ngựa kết hợp với một số rất ít binh thuyền dã chiến tự túc khi đã tiến sâu vào nước ta. Ngay cả khi bị quân Trần phản công chiến lược, hai đạo quân này cũng không nhập được với nhau, để dẫn đến kết cục bi thảm: Thoát Hoan chui trong ống đồng và Toa Đô phơi xác ở Hàm Tử. Rõ ràng đến 1285, quân Nguyên tuy đã có nhận thức về chiến trường Đại Việt, về quân đội Đại Việt, nhưng chưa thực sự đầy đủ. Những thiếu sót đó đã được nhà Nguyên ra sức tổng kết và quyết tâm khắc phục trong lần xuất quân 1287 này.

« Sửa lần cuối: 27 Tháng Giêng, 2012, 07:53:14 pm gửi bởi ùi » Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #118 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2012, 07:52:01 pm »

Bộ phận chính của cuộc xâm lược vẫn là mấy chục vạn quân theo Thoát Hoan tiến theo đường bộ, hướng Cao Bằng – Lạng Sơn. Điều này chứng tỏ quân Nguyên vẫn chưa thể dứt bỏ truyền thống đánh bộ của mình mà nó vẫn là chủ bài trong cuộc hành quân này. Nhưng để giúp bộ phận chính đó khắc phục những bất lợi trong địa hình và hạn chế sở trường đánh thủy của ta, nhà Nguyên đã tổ chức một cánh quân lớn, với 50.000 quân500 thuyền chiến biển. Khác với quân thủy Dương Tùng Tiên trong chiến tranh Việt – Tống năm 1077, khi đó chỉ là những thuyền mành kém chất lượng, cốt làm nhiệm vụ vào chở quân Tống vượt sông. Cũng khác với quân thủy Toa Đô năm 1285 làm một mũi đơn độc đánh ép quân Trần từ phía nam, quân thủy Nguyên lần này được tổ chức thành một cánh hành quân đông và mạnh, có nhiệm vụ rất rõ ràng là phải vào đến Lục Đầu hội với quân bộ, tiêu diệt quân Trần.

Chúng ta thấy những khó khăn của quân Trần trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, khi quân Nguyên có trong thay một bộ phận quân thủy, nhất là khi quân thủy của Giảo Kỳ, Đường Cổ Đái trong hành quân Toa Đô nhập với quân thủy của Ô Mã Nhi, Lý Hằng trong cánh quân của Thoát Hoan. Vì vậy, kế hoạch hành quân có kết hợp thủy bộ của quân Nguyên lần này là một thủ đoạn mới rất đáng chú ý.

Nhà Nguyên đã có cố gắng rất lớn trong việc thực hiện kế hoạch này. Chúng ta đều biết, quân Nguyên vốn không sẵn thuyền bè và quân thủy. Một bộ phận quân thủy đáng kể đã bị quân Trần đánh tan ở Hàm Tử. Số còn lại hiện đang được nhà Nguyên huy động vào cuộc xâm lược Nhật Bản dự định tiến hành tiếp tục vào cuối năm 1286 đầu năm 1287.

Để có thuyền chiến, từ ngày 16-3-1286, nhà Nguyên xuống chiếu cho hành tỉnh Hồ Quảng đóng 300 thuyền chiến biển dành riêng cho đánh Đại Việt, hẹn nửa năm sau phải tập trung sẵn sàng ở Khâm, Liêm. Mặt khác, Hốt Tất Liệt tung vàng bạc, chức tước mua cuộc bọn cướp biển lúc này đang rất nhiều ở Đài Loan và Hải Nam, biến chúng thành đội lính thủy đánh thuê cho triều đình. Nhưng dường như chưa an tâm, Hốt Tất Liệt đã ra lệnh bãi binh đánh Nhật Bản, dồn thuyền chiến cho đạo quân đánh Đại Việt. Để đánh một nước có biên giới liền đất, quân Nguyên nổi tiếng về tài kỵ bộ đã không thể tin vào khả năng chiến thắng trên bộ của mình nữa, mà phải dồn tất cả quân thủy dành cho các cuộc chinh phục vượt biển vào hỗ trợ cho quân bộ. Rõ ràng, quân Nguyên đánh giá rất cao địa hình sông nước và tài thủy chiến của quân Trần, và chúng đã buộc phải đánh theo cách đánh của ta.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #119 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2012, 08:00:36 pm »

Tuy nhiên, thực chất cuộc hành quân với một cánh quân thủy này không chỉ là kết quả tính toán thâm hiểm của đám tướng lĩnh Nguyên sừng sỏ chiến trận, mà còn là kết quả của một tình thế rất bế tắc. Đó chính là vấn đề cung cấp lương thảo, binh khí cho đạo quân người ngựa hơn nửa triệu miệng ăn.

Trong lịch sử xâm lược Việt Nam của mọi đời “thiên triều”, vùng Hoa Nam Trung Quốc bao giờ cũng là chỗ dựa chính cung cấp nhân tài vật lực. Cuộc tiến công của Lý Thường Kiệt sang Ung, Khâm, Liêm năm 1075 chính là để phá tan các thành lũy chứa chất lương thực, binh khí chuẩn bị cho cuộc xâm lược đang bí mật hình thành trong đầu vua tôi nhà Tống, khiến cho quân Quách Quỳ gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng vào thời này, hệ thống đường sá ở miền Hồ Quảng còn kém phát triển, đặc biệt là con đường vượt núi từ phía nam Ngũ Lĩnh đến hết biên giới nước ta. Đó lại là khu vực dân cư thưa thớt. Vũ khí, lương thực còn có thể lấy từ các tỉnh phía bắc đưa xuống, nhưng phu vận chuyển (chủ yếu vận chuyển bằng đôi vai) thì phải dùng dân địa phương.

  Theo lời Lý Bình Nhất – chuyện vận sứ Quảng Tây, được Quách Quỳ nhắc lại trong Tục tự trị thông giám tiền biên (trang 274, tờ 1a) thì “lương dùng cho 10 vạn quân và 1 vạn ngựa ăn trong một tháng phải mất 40 vạn phu chuyên chở” sau khi có “sáng kiến”, số phu vẫn tới 20 vạn. Điều đó cũng phù hợp với số phu dùng cho đạo quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị trong cuộc hành quân xâm lược nước ta năm 1788 – 1789 (một lính có hai phu khiêng vác).

Việc chuẩn bị cho cuộc hành quân năm 1287 của nhà Nguyên cũng đứng trước khó khăn cực lớn về lương thảo và nhất là phu vận chuyển số lương thảo đó. Nguyên sử, quyển 168, tờ 8a có dẫn lời viên Lễ bộ thượng thư Lưu Tuyên phản ánh những khó khăn đó của nhà Nguyên: “Giao Chỉ không có lương (tức quân Nguyên không thể hy vọng lấy lương thực ở nước ta – T.G.), đường thủy khó đi, không có xe ngựa, trâu bò chuyên chở thì không thể tránh được vận chuyển đường bộ. Một người phu gánh 5 đấu gạo, đi về ăn hết một nửa (một đấu thời Nguyên bằng 9,48dm3 – T.G.). Nếu có 10 vạn thạch lương, dùng 10 vạn người cũng chỉ có thể chở được lương cho quân ăn 1, 2 tháng. Chuyên chở, đóng thuyền, phục dịch việc quân phải dùng đến 50, 60 vạn người. Quảng Tây, Hồ Nam điều động nhiều lần, dân ly tán nhiều, lệnh cho cung dịch cũng không thể làm được. Huống chi Hồ Quảng rất gần khê động, trộm cướp thường nhiều, vạn nhất có kẻ gian dò được, chờ đại quân một khi đi khỏi, thừa lúc bỏ không mà gây biến…130

Vùng Hồ Quảng trong vòng chưa đầy chục năm, vừa trảỉ qua cuộc tranh giành giữa quân Nguyên với lực lượng cuối cùng của Nam Tống, lại lao ngay vào phục dịch các cuộc viễn chinh xâm lược Nhật Bản, Chiêm Thành và gần nhất là Đại Việt năm 1285, đang xác xơ rên xiết. Bọn quan lại ở Hồ Quảng cũng ra sức kêu ca: “Luôn năm đánh Nhật Bản và dùng binh ở Chiêm Thành, trăm họ mệt vì vận chuyển, phu dịch nặng nề, quân sĩ mắc phải chướng lệ chết rất nhiều. Dân chúng kêu than, tứ dân bỏ nghiệp. Người nghèo phải bỏ con để cầu sống, kẻ giàu phải bán sản nghiệp để ứng dịch. Nỗi khổ như bị treo ngược, mỗi ngày một tăng. Nay lại có việc đánh Giao Chỉ, điều động đến trăm vạn người, tiêu phí đến nghìn vàng, đó chẳng phải là việc thương quân dân”131.

Thực tế, Hốt Tất Liệt không thể dựa vào một hậu phương như vậy trong việc chuyển vận lương thảo như cách ý đã làm lần trước132. Chính từ trong thế bí này, vua tôi Nhà Nguyên phải dẫn tới chước liều: vận lương đường thủy.
-----------------------------------
130 Hà Văn Tấn…, Sách đã dẫn, tr. 255.

131 Nguyên sử, q. 209, tờ 8b, dẫn theo Hà Văn Tấn…, Hà Văn Tấn…, Sách đã dẫn, tr. 253.

132 Trong cuộc hành quân 1285, quân Nguyên đã lập một tuyến vận tải đường bộ rất cồng kềnh từ Quảng Tây sang nước ta, với hơn 300 trạm rải dọc đường.
Logged

Ùi, úi, ui....
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM