Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:07:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm  (Đọc 152864 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2011, 06:53:36 pm »

Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm


Nguyễn Việt chủ biên
H: Quân đội nhân dân, 1983.

Đây là một công trình khảo cứu khá công phu, giúp cho nhiều người, đặc biệt là bộ đội hải quân hiểu được sự hình thành, tổ chức biên chế và nghệ thuật quân thủy Việt Nam từ thời kỳ dựng nước đầu tiên đến cuối thể kỷ XVIII. Tác giả cũng đã xác định được vị trí quan trọng của quân thủy trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.


LỜI NÓI ĐẦU

Năm 1972, một số anh em chúng tôi – những sinh viên năm cuối khoa Sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, lần lượt được lên đường tham gia quân đội, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang ở vào thời kỳ gay go, ác liệt. Có sự trùng hợp ngẫu nhiên là chúng tôi đều được điều về Quân chủng Hải quân anh hùng. Và, không hẹn mà nên, trong chúng tôi đều hình thành một ước muốn được góp phần tham gia viết sử chiến đấu của các lực lượng vũ trang, đặc biệt là được viết về lịch sử quân thủy của tổ tiên ta. Điều ước muốn đó hình như đã trở thành một lẽ tự nhiên đối với mỗi chúng tôi, những chiến sĩ hải quân yêu mến lịch sử đất nước và yêu mến quân chủng mà mình phục vụ.

Bản đề cương cuốn sách này được bắt đầu phác thảo từ ngày 5-8-1972, tức là Ngày truyền thống Hải quân. Nhưng, do những khó khăn khách quan, cộng với những hạn chế của bản thân người viết, phải đến mười năm sau, cũng vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Hải quân, bản thảo mới được viết xong.

Lịch sử quân thủy là một đề tài nghiên cứu còn mới mẻ ở ta. Cho đến nay, vấn đề quân thủy dường như mới được nói đến rải rác trong các tác phẩm viết về lịch sử chiến tranh hoặc danh nhân quân sự, mà chưa có một công trình chuyên khảo nào. Tình hình đó đã phản ánh một phần những khó khăn, cả về tư liệu cũng như về nhận thức, đối với đề tài.

Chúng ta đều biết, lịch sử quân thủy luôn luôn gắn liền với lịch sử chiến tranh, lịch sử lực lượng vũ trang và lịch sử thuyền bè, sông biển. Ở ta, trước nay đã có nhiều tác phẩm nghiên cứu về lịch sử chiến tranh và trong mỗi tác phẩm ít nhiều đều có xem xét đến tình hình lực lượng vũ trang đương thời. Tuy nhiên, chúng ta lại thiếu những công trình nghiên cứu sâu về binh chế, vũ khí và nghệ thuật quân sự của tổ tiên ta, nhất là thiếu hẳn những tài liệu ghi chép kỹ về quân thủy và nghệ thuật thủy chiến. Riêng những hiểu biết về lịch sử thuyền bè của ta thì vẫn còn một khoảng trống lớn. Cho nên, chỗ dựa chủ yếu của người viết vẫn chỉ là những sử liệu sơ lược và những nhận định khái quát của sử cũ, ngoài ra phần lớn phải căn cứ vào những tư liệu của người nước ngoài.

Việc nghiên cứu lịch sử quân thủy nước ta cũng không thể tách rời việc tìm hiểu lịch sử quân thủy thế giới, trước hết là lịch sử quân thủy phương Đông, đề có sự đối chiếu, so sánh. Thế nhưng, đáng tiếc là quân thủy phương Đông hầu như còn ít được các nhà nghiên cứu thế giới đề cập tới, mặc dầu thực tiễn lịch sử chiến tranh trên mặt nước ở phương Đông cũng rất phong phú, đa dạng và diễn ra hoàn toàn khác với phương Tây.

Trong tình hình khó khăn về nguồn tư liệu như vậy, những người viết cuốn sách này không có tham vọng xây dựng một tác phẩm hoàn chỉnh về lịch sử quân thủy cổ trung đại Việt Nam. Như tên sách đã nêu, chúng tôi chỉ muốn cố gắm tìm hiểu một số vấn đề xoay quanh vai trò quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm của tổ tiên ta. Vì thế, cuốn sách không đi sâu vào tới toàn bộ quá trình phát triển quân thủy Việt Nam trong lịch sử, mà chỉ tập trung trình bày vấn đề trong ba thời kỳ lớn: thời dựng nước, thời Lý Trần và thế kỷ XVIII (chủ yếu là phong trào nông dân Tây Sơn). Theo chúng tôi, có thể coi ba thời kỳ đó như ba cái mốc lớn của quá trình phát triển quân thủy cổ trung đại nước ta.

Sách gồm 12 chương. Chương một giới thiệu khái quát lịch sử phát triển quân thủy thế giới cho đến thế kỷ XVIII. Chương hai trình bày cơ sở hình thành truyền thống thạo thủy chiến của dân tộc ta. Từ chương ba đến chương mười một, trình bày sự phát triển của quân thủy qua ba mốc lớn. Ở mỗi mốc, đều gắng làm rõ hai nội dung: một là, tổ chức biên chế quân thủy và thuyền chiến trong khung cảnh chung của quân đội đương thời; hai là, vai trò của quân thủy trong chiến tranh chống ngoại xâm và vì sự tồn tại, phát triển của đất nước. Chương cuối cùng là chương kết.

Trong khi trình bày, để đảm bảo yêu cầu khoa học, đồng thời đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc, chúng tôi gắng hạn chế những chú thích dài ở cuối trang, mà sắp thành những đoạn in chữ nhỏ, đặt dưới những chỗ cần chú giải, hoặc mở rộng. Một số tên sách, tập san có nhan đề dài được viết tắt cho gọn (xin tra cứu ở bảng chú thích chữ viết tắt).

*

Hoàn thành cuốn sách này, chúng tôi được sự cổ vũ, giúp đỡ rất nhiều của Bộ Tư lệnh Hải quân, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và sự dìu dắt tận tình của các giáo sư Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn. Giáo sư Trần Quốc Vượng, thượng tá Trịnh Tuần và thiếu tá Trần Hồng Thụy đã đọc kỹ bản thảo và góp nhiều ý kiến quý báu. Chúng tôi xin trận trọng biết ơn tất cả sự dìu dắt và giúp đỡ đó.

Sách ra mắt lần đầu và đây cũng là lần đầu chúng tôi viết sách, nên chắc chắn còn nhiều sai sót. Chúng tôi rất mong đông đảo bạn đọc và các nhà nghiên cứu góp ý xây dựng.

Hà Nội, 5-8-1982
CÁC TÁC GIẢ
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #1 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2011, 07:02:56 pm »

Chương một

VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ QUÂN THỦY
TRÊN THẾ GIỚI

Người vốn là một động vật sống trên cạn.

Thế giới mặt nước là môi trường “lạ” đầu tiên mà con người quan tâm đến. Cũng như mọi loài sinh vật khác, nước vốn là một nhu cầu sống còn của con người. Dường như không một nơi cư trú nào của người xưa lại hoàn toàn tách rời nguồn nước. Nhưng cũng từ rất sớm, nước là trở ngại thiên nhiên to lớn nhất đóng khung phạm vi hoạt động của người. Những người vượn đầu tiên có thể vượt núi, xuyên rừng, nhưng đành bó tay trước sông, hồ, biển cả…

Cuộc sống lao động đã ban cho con người trí tuệ và đôi bàn tay khéo léo. Họ đã tìm cách vượt qua những trở ngại để vươn tới những miền đất mới lạ đầy hấp dẫn. Những thành tựu đầu tiên của cuộc chinh phục mặt nước đã ra đời trên một thân cây gỗ nổi hoặc chiếc bè đơn giản.

Sự giống nhau của công cụ và cả chính xương cốt con người thời đá cũ trên những địa bàn vốn bị sông nước ngăn cách đã chứng tỏ lịch sử chinh phục mặt nước của con người tồn tại từ cách đây hàng triệu năm. Quá trình chinh phục mặt nước cũng chính là quá trình phát triển các phương tiện hoạt động trên mặt nước: từ chiếc bè đơn giản, chiếc thuyền độc mộc, đến những thuyền đóng ván dùng chèo, dùng buồm đầu tiên; từ chiếc tơ-ri-o ba tầng chèo trong văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại đến những cli-pơ cắt sóng lừng lẫy châu Âu; từ những tàu hơi nước đầu tiên Clê-mông năm 1807 đến những tàu dùng năng lượng nguyên tử ngày nay… Đó cũng đồng thời là quá trình con người chinh phục và phát minh những miền đất mới, như cuộc hành trình chiếm cứ các đảo nam Thái Bình Dương của các thế hệ cư dân từ lục địa châu Á, cuộc vượt Đại Tây Dương sang châu Mỹ của các cư dân Bắc Âu trên những thuyền Vi-kinh thế kỷ IX, X đến những phát kiến vĩ đại của Cri-xtốp Cô-lông năm 1942, của Ma-gien-lăng năm 1519…


Và, đó còn là quá trình phát triển nghệ thuật chiến tranh trên mặt nước.

  Trong các tài liệu phương Tây, nghệ thuật chiến tranh trên mặt nước thường đồng nghĩa với nghệ thuật hải chiến. Thực ra, dùng thuật ngữ hải chiến không bao quát được hết nội dung chiến tranh trên mặt nước, đặc biệt khi xem xét lĩnh vực này ở phương Đông. Trong sách này, chúng tôi dùng thuật ngữ thủy chiến để chỉ chung các hoạt động quân sự trên mặt nước, bao gồm cả ngoài biển (hải chiến), lẫn trong sông, hồ nước ngọt lục địa. Tương ứng với thủy chiếnthủy quân nhằm chỉ chung các lực lượng vũ trang trên mặt nước, trong đó hải quân chỉ là một bộ phận thường trực ngoài biển.

Mặt nước, từ khi được con người chinh phục, đã dần dần được sử dụng vào những mục đích mang tính chất quân sự. Chiến tranh không chỉ bó hẹp trong phạm vi đất liền, mà còn lan rộng cả trên mặt nước. Đụng độ trên mặt nước càng nhiều đã thúc đẩy sự phát triển của vũ khí và những phương tiện thủy chiến.

Có một thời kỳ dài, vũ khí chính là công cụ của con người trong cuộc sống lao động hàng ngày. Lịch sử vũ khí thủy chiến cũng vậy, nó bắt nguồn trực tiếp từ những dụng cụ và phương tiện hoạt động trên mặt nước của con người. Thoạt đầu, những công cụ đã trở thành vũ khí ở trên cạn được mang nguyên dạng vào thủy chiến. Trong khoảng thời gian khá dài, phương thức chiến đấu của người lính trên thuyền không khác lắm với người lính trên cạn. Nhưng, khi hoạt động chiến đấu trên mặt nước trở nên thường xuyên thì sự chuyên hóa vũ khí và các phương tiện chiến đấu trên mặt nước cũng trở thành xu thế tất yếu. Từ đó, nghệ thuật thủy chiến dần tách thành một hệ thống độc lập trong nghệ thuật quân sự nói chung. Sự phát triển lực lượng vũ trang và trang bị vũ khí của mỗi nước luôn luôn gắn bó với tiềm năng kinh tế của nước đó, đặc biệt rõ nét ở những nước có quân thủy. Số lượng và chất lượng của thuyền chiến luôn luôn là tấm gương phản ánh một nền công nghệ nhất định. Thực tiễn lịch sử đã tỏ rõ một hạm đội mạnh luôn luôn dựa trên cơ sở một nền kinh tế phát triển.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #2 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2011, 07:15:38 pm »

*

Theo tài liệu hiện biết, những hoạt động quân sự trên mặt nước tồn tại có tổ chức với tư cách độc lập và ít nhiều khác biệt với các hoạt động quân sự trên cạn, đã xuất hiện từ những đụng độ thường xuyên, ác liệt giữa các nước chiếm hữu nô lệ cổ đại, trong đó vùng biển Địa Trung Hải là nơi sôi động nhất. Đó là sự ra đời của các hạm đội quân sự độc lập bên cạnh quân đội, như các hạm đội của Ai Cập, Phê-ni-xi, Các-ta-giơ, Hy Lạp, La Mã…

Đỉnh cao của nghệ thuật hải chiến trong thời cổ đại thuộc về những hạm đội của Hy Lạp, La mã (thế kỷ VIII trước Công nguyên – thế kỷ V sau Công nguyên). Do vị trí và nhu cầu giao thông buôn bán trên vùng biển Địa Trung Hải – cái nôi của nhiều quốc gia chiếm hữu nô lệ cổ đại – sớm có những hoạt động trên biển đặc biệt sôi động. Các nước chủ nô trong vùng đổ xô vào kiếm lợi bằng con đường thương mại trên biển để cướp bóc và chinh phục lẫn nhau. Chưa bao giờ trên biển lại có sự đụng độ thường xuyên và khốc liệt như thời kỳ này. Vì vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, lực lượng vũ trang được người ta biên chế ổn định thành hai bộ phận riêng biệt, nhằm đáp ứng hai phạm vi tranh giành của các quốc gia cổ đại Địa Trung Hải: Quân đội (Army) – trên đất liền, và Hạm đội (Flot) – trên biển.

Hạm đội lúc này tổ chức khá chặt chẽ với những thuyền chiến đặc chủng khác hẳn với tàu thuyền thông thường. Kiểu thuyền chiến nổi tiếng và tiêu biểu nhất ở Địa Trung Hải thời này là tơ-ri-ơ-rem (trierem). Đến chiến tranh Pu-nít (246 – 146 trước Công nguyên) trong hạm đội Các-ta-giơ xuất hiện loại thuyền chiến lớn hơn – pen-ti-o (pentior), chạy theo khuynh hướng dùng độ lớn của thuyền để áp đảo đối phương. Đến nội chiến Đông – Tây ở La Mã, hạm đội Ốc-ta-vi-a, nhờ có máy bắn (ca-ta-pun và ba-li-xta) lại phát triển một loại thuyền chiến nhỏ hơn nhưng rất cơ động, có thể dễ dàng tránh các đòn ta-ran, va-rôn của các tơ-ri-o-rem và pen-ti-o để giáng trả bằng các loại đạn của máy bắn. Đó là các li-bua.

  Tơ-ri-o, còn gọi là tơ-ri-ơ-rem (trierem), là các loại thuyền chiến ba tầng chèo bắt nguồn từ chữ la-tin (tres là 3 và remis là mái chèo). Tơ-ri-o Hy Lạp thường có trọng tải 230 tấn, dài 40 – 45m, rộng 6m, mớn nước 2,5m, mái chèo dài 4 – 4,5m. Mỗi thuyền có từ 150 – 170 mái chèo, xếp thành ba tầng. Tốc độ cao nhất đạt 7 – 8 hải lý/giờ khi cả ba tầng chèo hoạt động (mỗi hải lý bằng 1,852km). Tơ-ri-o có thể có thêm một cánh buồm vuông hứng gió.

Biên chế tơ-ri-o thường có 150 – 170 nô lệ chèo thuyền từ 18 – 50 lính chiến đấu, 12 – 16 thủy thủ, 1 thuyền trưởng, 1 lái chính, 1 lái phụ và 1 trưởng chèo. Lính chiến đấu trên thuyền trang bị câu liêm, búa mỏ chim, giáo, kiếm, lao, mộc và cung tên.

Pen-ti-o là loại thuyền có hai tầng chèo ở mũi, ba tầng chèo ở phía lái, mái chèo rất lớn, từ 3-5 người đẩy một mái chèo. Pen-ti-o có lượng chiếm nước 500 tấn, dài 51m, rộng 8m, mớn nước 35m.

Li-bua trung bình có lượng chiếm nước 80 – 100 tấn, dài 30m, rộng 5m, mớn nước 4m, chỉ có một hay hai tầng chèo. Loại thuyền này thường có máy bắn. Những li-bua lớn còn có lầu bắn, vách che đạn có lỗ bắn (lữ tường).



Triremis

« Sửa lần cuối: 07 Tháng Mười Hai, 2011, 07:35:25 pm gửi bởi ùi » Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #3 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2011, 07:32:01 pm »

Vũ khí chính của các tơ-ri-o và pen-ti-o là những đòn ta-ran thực hiện bằng cách đâm các mũi nhọn bằng gỗ cứng bọc thép ở mũi thuyền mình vào phá hỏng mạn thuyền đối phương. Sau này, riêng các tơ-ri-o La Mã xuất hiện thêm loại vũ khí mới là va-rôn. Đó là một tấm trục lớn đặt ở mũi thuyền, trên có treo một khối kim loại nặng hình chóp nón, thân cần trục gắn thêm một tấm ván rộng. Khi hai thuyền giáp nhau, cần trục được kéo nên và thả khối kim loại xuống giáng mạnh vào boong tàu đối phương, đồng thời ván cầu hạ xuống, lính giáp chiến trên tấm ván nhảy sang thuyền dịch. Các li-bua thường không có ta-ran và va-rôn, thay vào đó là các máy bắn, gồm cả các ca-ta-pun (catapultae) và ba-li-xta (balistae).

  Ca-ta-punba-li-xta cấu tạo chung giống một chiếc nỏ, tức là có một trục đỡ để làm chỗ đặt tên, đạn và một dây da buộc vào hai đầu tay đòn, dùng sức bật đàn hồi để bắn. Ở những chiếc nỏ bình thường, lực đàn hồi là sức bật của cánh cung, loại này được người Hy Lạp phát minh từ trước với tên là ga-xta-phê. Khác biệt căn bản của ca-ta-pun, ba-li-xta với nỏ hay ga-xta-phê ở chỗ người La Mã đã phát minh ra những cuộn xoắn tạo lực bật thay cho cánh cung đơn giản. Cuộn xoắn làm bằng gân, đuôi ngựa… tết lại, người ta cắm vào hai ống xoắn hai tay đòn thay cho hai cánh nỏ. Dây bị xoắn sẽ tạo ra lực bật của cánh tay đòn. Để tiện sử dụng, máy bắn có một hệ thống điều chỉnh tầm, hướng. Ca-ta-pun gốc từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là mũi tên. Thoát đầu, nó được dùng để chỉ loại máy bắn tên nhằm phân biệt với ba-li-xtamáy bắn đá. Sau này, trên nguyên tắc cuộn xoắn, người La Mã còn chế ra loại máy bắn một tay đòn, gọi là ô-na-grơ. Các loại máy bắn này thường có kích thước rất lớn, thông thường có thể bắn được vật nặng hàng chục ki-lô-gam, đi xa tới 400 – 500 mét. Đột xuất có những máy bắn cỡ lớn của Vi-tơ-ruy-vơ (La Mã), có thể bắn loại đạn nặng tới 162 ki-lô-gam. Ca-ta-pun và ba-li-xta đặt tên thuyền thường chỉ là những máy bắn hạng nhỏ và trung bình.

Nhờ có máy bắn, thuyền chiến có vũ khí công phá thuyền địch từ xa, mở hướng phát triển mới trong nghệ thuật thủy chiến. Lịch sử ghi lại nhiều trận đánh độc đáo của các hạm đội đương thời có trang bị máy bắn. Năm 184 trước Công nguyên, hạm đội Ha-ni-ban dùng ca-ta-pun bắn sang thuyền đối phương những giỏ đựng đầy rắn độc. Năm 11 trước Công nguyên, hạm đội Ốc-ta-vi-a dùng tên gài lửa phóng hỏa. (Xem thêm E.W. Marsden: Greek and Roman Artillery, Oxford, 1969; W. Soedel và V. Foley: Balistes et catapultes de l’ Antiquité, trong Pour la Scienne, số 19, 5-1979).


Với trang bị như vậy, đối thủy thời nay thường diễn ra dưới ba hình thức tác chiến: 1. Dùng những đòn ta-ran và va-rôn phá hỏng thuyền đối phương; 2. Áp mạn đổ bộ đánh giáp lá cà; 3. Dùng máy bắn gây thiệt hại cho thuyền địch từ xa. Tuy nhiên, lúc này máy bắn chưa có hiệu quả cao lắm trong đối thủy, nên thực tế những đòn ta-ran, va-rôn và các trận giáp chiến mới là các thủ đoạn tác chiến phổ biến của Địa Trung Hải. Ph.Ăng-ghen viết: “Cung nỏ, súng bắn đá và những cố máy phóng lao (catapultae) cùng những máy phóng đạn đồ sộ (balistae) là những vũ khí duy nhất để chiến đấu ở cự ly xa. Không thể nào gây được một tổn thất nghiêm trọng cho đối phương ở trên biển chừng nào thuyền chiến hai bên chưa trực tiếp áp sát vào nhau. Và do đó, chỉ có thể có hai phương thức tác chiến trên biển: Phải cơ động như thế nào để cho mũi sắt nhọn, cứng ở đầu mũi thuyền đâm thật mạnh vào mạn thuyền đối phương và đánh chìm nó, hoặc là áp sát vào mạn thuyền đối phương, dùng xung phong đánh giáp lá cà để chiếm tàu, tiêu diệt đối phương” 1.
------------------
 1 Ph. Ăng-ghen, Tuyển tập luận văn quân sự, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1978, t. II, tr. 286. Chúng tôi dựa vào bản tiếng Nga để sửa lại chút ít cho rõ ý tác giả.


Ta-ran
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #4 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2011, 05:50:34 pm »

Các vấn đề chiến thuật cũng bước đầu được các nhà lý luận quân sự đương thời đề cập tới, cho thấy thủy chiến lúc đó đã biết khai thác các yếu tố thời tiết, địa hình, tâm lý… Các trận đồ sử dụng trong hành quân, đối thủy, đổ bộ ban đầu thường bắt chước các trận đồ trên bộ, về sau dần dần xuất hiện những trận đồ sáng tạo riêng cho thủy chiến.

 Trong đối thủy, các hạm đội Địa Trung Hải thường dùng đội hình hàng ngang, dàn thành nhiều hàng thuyền liên tiếp thay nhau lên giáp chiến. Cũng thấy xuất hiện phương trận (trận vuông) và viên trận (trận tròn) khi chống lại kẻ địch tiến công. Sau đó, người La Mã sáng tạo ra trận đồ vành trăng khuyết chuyên dùng trong đối thủy và đội hình cái nêm chuyên dùng cho hành quân vượt biển. Xem Lịch sử nghệ thuật hải chiến (tiếng Nga), Nhà xuất bản Quân sự, Mát-xcơ-va, 1953.

Vê-di-xi (Vegee), nhà triết học, nhà sử học, đồng thời cũng là một nhà lý luận quân sự nổi tiếng người La Mã, sống vào cuối thế kỷ IV sau Công nguyên viết: “Tương tự như các trận đánh trên bộ, ở trên biển cũng thường sử dụng lối đánh bất ngờ vào đám thủy thủ thiếu kinh nghiệm hoặc dùng lối đánh phục kích ở gần những nơi thuận tiện, như đoạn đường hẹp qua giữa các đảo… Nếu sự thận trọng của địch giúp chúng tránh được những chỗ phục kích và buộc phải đánh ở chỗ biển rộng, thì khi đó phải bố trí đội hình chiến đấu sao cho những li-bua không xếp thành hàng ngang như những trận đồ trên bộ, mà là dãy uốn cong tựa như trăng lưỡi liềm, với hai cạnh sườn vươn lên phía trước, còn trung tâm đặt ở chỗ lõm nhất, tựa hồ như một cái vịnh vậy. Nếu đối phương muốn chọc thủng đội hình, thì trước sức mạnh của thế trận đó, chúng sẽ bị bao vây và đánh tan. Ở hai bên sườn vì thế cần bố trí những thuyền chiến và binh lính được chọn lọc, đại diện cho tinh hoa và sức mạnh của quân đội. Ngoài ra, muốn có lợi thế, hạm đội phải luôn luôn chiếm vùng biển sâu, thoáng, rộng, ép thuyền đối phương vào sát bờ, khiến chúng chen nhau mà không thể tiến công nhanh được nữa”2.

Nghệ thuật hải chiến Hy Lạp – La Mã là đỉnh cao nhất của nghệ thuật hải chiến cổ đại, nhưng ngày càng rõ ràng, điển hình ấy không phải là hiện tượng phổ biến của toàn thế giới. Dường như đó chỉ là hiện tượng cá biệt của Địa Trung Hải. Trong một khu vực mà chúng ta có thể xem xét, gồm các nước ven bờ tây Thái Bình Dương, đương thời cũng xuất hiện những trung tâm văn minh, những quốc gia cổ đại mà mối giao lưu trên biển giữa chúng đã khá sầm uất, thì tình hình chiến tranh trên mặt nước đã không diễn ra như Địa Trung Hải và sự phát triển quân thủy đã đi theo một con đường riêng.
--------------------------------
2 Vê-di-xi, Lược giải nghệ thuật quân sự, dẫn theo Lịch sử nghệ thuật hải chiến, Mát-xcơ-va, 1953.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #5 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2011, 06:04:54 pm »

Trong các quốc gia cổ đại ở bờ tây Thái Bình Dương, các nước thuộc khu vực Đông-Nam Á cổ đại (bao gồm từ phía nam sông Dương Tử trở xuống) đặc biệt phát triển quân thủy.

  Sử sách thường nhắc đến quân thủy của các nước Ngô, Việt ở hạ lưu sông Dương Tử vào khoảng thế kỷ V trước Công nguyên hoặc quân thủy Ngô trong cục diện Tam quốc, thế kỷ III sau Công nguyên. Có thể kể thêm quân thủy Văn Lang, Âu Lạc, Cham-pa, Phù Nam…

Nhưng cũng dễ nhận thấy quân thủy của các nước đó lập ra trước hết không phải xuất phát từ những mục tiêu quân sự trên biển, mà nhằm đáp ứng các nhiệm vụ quân sự trong đất liền. Ở đây rất hiếm thấy những trận hải chiến, song những trận thủy chiến lại diễn ra phổ biến trên sông, hồ. Thuyền chiến chủ yếu làm phương tiện cơ động cho quân đội trên sông, hồ, kích thước thường nhỏ, nhưng số lượng lại rất nhiều. Mái chèo vẫn là động lực chính của thuyền, nhưng khác với Địa Trung Hải, ở đây người chèo thuyền đồng thời là lính chiến đấu. Trang bị trên thuyền đơn giản, quân lính có giáo, lao, rìu, qua, cung nỏ và mộc. Có một số chiến thuyền làm thêm các tầng lầu cho lính cung nỏ, một số trang bị những phương tiện đánh hỏa công. Cá biệt có trường hợp xuất hiện những thuyền chiến cực lớn. Thuyền chiến ít có vũ khí riêng của mình như ta-ran và va-rôn ở Địa Trung Hải, nhưng truyền thuyết từng nói tới thuyền bọc đồng (đấu thuyền) và những máy nỏ có thể đã được đưa lên thuyền.

Lâu thuyền thời Hán, theo thư tịch, cao tới 10 trượng. Ngô thuyền (Tam quốc) dài 20 trượng, rộng 3 trượng cao 3 – 4 trượng (một trượng thời Hán bằng 276,5cm) (trong Nam châu kỳ vật chí dẫn theo bài Sơ bộ phục nguyên hải thuyền thời Tống ở vịnh Tuyền Châu, Văn vật, số 10 – 1975, Bắc Kinh, tr.28).

  Nỏ là một loại vũ khí cơ học rất độc đáo, sản phẩm sáng tạo của cư dân Đông-Nam Á cổ đại. Cùng với thời điểm ra đời của những ca-ra-pun, ba-li-xta Hy La, ở khu vực này cũng được sử sách hoặc truyền thuyết nói đến sự ra đời của những máy nỏ. Đó là những chiếc nỏ cỡ lớn như máy nỏ Sở với cánh cung dài gần 2m, tên dài gần 1m, hoặc là nỏ thần của An Dương Vương có thể bắn một phát hàng chục mũi tên, hoặc nỏ liên hoàn của Mạnh Hoạch mà Gia Cát Lượng đã bắt chước. Thuyền chiến khắc trên trống đồng (rõ nhất là Hoàng Hạ) có trang bị những chiếc nỏ rất lớn đó.

Nhiều trận thủy chiến lớn đã xảy ra ở khu vực này, trong đó nhiều trận đã đi vào các tác phẩm sử ký, binh thư đương thời như những kiểu mẫu của nghệ thuật thủy chiến cổ đại phương Đông. Đáng tiếc là chưa có những công trình chuyên khảo về vấn đề này.


Họa tiết trên trống đồng thể hiện máy nỏ
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #6 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2011, 06:13:46 pm »

*

Sự tan rã của đế quốc La Mã vào thế kỷ V sau Công nguyên cũng đồng thời chấm dứt thời kỳ sôi động và đẫm máu trên biển Địa Trung Hải. Trong suốt thời Trung Cổ, vùng biển này bình ổn trong nhịp điệu của những cánh buồm thương mại. Trong khi đó, vùng biển Bắc Âu lại dội lên những trận hải chiến lớn mà tiêu biểu là hoạt động của các hạm đội Noóc-măng-đi với những thuyền chiến Vi-kinh nổi tiếng. Nước Anh lúc đó cũng bị lôi vào vòng chiến, còn các nước ven Địa Trung Hải hình thành một đối tượng kinh doanh mới: lập những hạm đội đánh thuê.

Về chiến thuyền, đây là thời kỳ tơ-ri-o Hy Lạp – La Mã nhường chỗ cho sự phát triển của những ga-le-rơ (galère) vũ trang, tạo dáng dài, nhiều mái chèo và vì thế rất cơ động.

  Nhanh nhất phải kể đến ga-le-rơ dài 40m, rộng 5,3m, mớn nước 2,5m, có hai mái chèo ở đuôi thuyền. Đến thế kỷ XV xuất hiện những ga-le-rơ có tới 300 mái chèo, mỗi mái hai người đẩy.

  Bác-giơ vốn là loại thuyền tải cỡ lớn, được những người Giê-noa ở thế kỷ XIV – XV cải tiến thành loại thuyền chiến lớn nhất châu Âu đương thời. Bác-giơ trọng tải hàng ngàn tấn, có bốn cột buồm, dùng loại bánh lái bản rộng, nẹp sắt là thành tựu kỹ thuật hàng hải mới nhất đương thời.


Ngoài ga-le-rơ, phải kể đến những thuyền chiến cỡ lớn khác như nép (nef), ca-rắc-cơ (caraque), bác-giơ (barge). Vũ khí trên thuyền lúc này thiếu đi những mũi nhọn ta-ran, cần trục va-rôn hoặc các máy bắn đá, trái lại, tập trung tăng cường vũ khí cá nhân và khả năng tác chiến của lính giáp chiến.

Kỹ thuật tàu thuyền lúc này cũng có những tiến bộ rất căn bản. Đó là sự phát triển kỹ thuật kết hợp loại buồm tam giác (buồm la-tin) lèo lái với buồm vuông hứng gió cổ truyền và việc sử dụng ngày càng rộng rãi bánh lái có trục rời, bản nẹp sắt. Các yếu tố kỹ thuật mới này cùng với sự phát triển của kỹ nghệ đóng vỏ tàu đã cho phép tạo ra những chiếc tàu có khả năng hàng hải tốt ở cuối thế kỷ XV, cho phép thực hiện những cuộc thám hiểm vượt biển chưa từng có trong lịch sử trước đó, của Cri-xtốp Cô-lông và sau đó, của Ma-gien-lăng. Đó cũng chính là tiền đề kỹ thuật của cách mạng tàu buồm trong những thế kỷ sau.


Galere
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #7 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2011, 06:25:14 pm »

Trong lĩnh vực vũ khí, đến thế kỷ XIV – XV đã diễn ra một bước phát triển nhảy vọt: sự ra đời của pháo binh bắn bằng thuốc súng. Thực ra, thuốc súng đã được phát hiện từ lâu và lác đác trong những thế kỷ XI, XII, XIII, một số hỏa khí đã được sử dụng trong lĩnh vực quân sự. Nhưng việc sử dụng phổ biến những khẩu pháo vỏ kim loại vào chiến tranh cả trên bộ lẫn dưới nước thì phải đến tận thế kỷ XIV – XV. Ở cả phương Đông lẫn phương Tây, pháo được đưa lên thuyền vào nửa sau thế kỷ XIV. Thoạt đầu, pháo chỉ được đặt ở phía mũi tàu, nhiều lắm là 4 khẩu. Chỉ đến những thế kỷ sau, ở châu Âu, cách mạng công nghiệp mới tạo ra những tàu chiến có hàng trăm pháo dàn thành nhiều tầng ở hai bên mạn.

Thế kỷ XVI, XVII, XVIII được coi như là những thế kỷ của hạm đội tàu buồm. Cả châu Âu bị cuốn hút và cơn sốt chạy đua trong kỹ nghệ đóng tàu buồm. Đây là thời kỳ kỹ thuật hàng hải được hoàn thiện và những con đường vượt biển được xác lập. Người ta đã xây dựng được con tàu như một thành trì, có thể đảm bảo cuộc sống thực sự đầy đủ và lâu dài trên biển.

Sự phát triển của kỹ nghệ tàu thuyền thời này xuất phát từ nhu cầu phát triển của xã hội phong kiến châu Âu đang chuyển mình mạnh mẽ sang chủ nghĩa tư bản. Nó trở thành công cụ thực hiện chính sách thực dân của các cường quốc châu Âu. Chủ nghĩa thực dân và chế độ thuộc địa cũng từ đây lan rộng khắp thế giới theo những cánh buồm no gió chất đầy hàng hóa và vũ khí.

Tính chất kiếm lợi và cướp bóc của hàng hải thực dân thời này tất không tránh khỏi những cuộc xung đột trên biển. Chiến tranh và cướp bóc trên biển trở nên thường xuyên và khốc liệt hơn bao giờ hết, khiến cho hầu như toàn bộ tàu vượt biển của châu Âu thời này, bất kể là tàu buôn hay tàu chiến, đều trang bị đầy vũ khí. Đó thực sự là thời kỳ của những cuộc chiến tranh trên biển. Hạm đội thường trực xuất hiện phổ biến khắp các cường quốc phương Tây. Ph. Ăng-ghen đã nhận xét: “Cũng bắt đầu từ đó là thời kỳ các trận đánh trên biển trở nên phong phú hơn, các vũ khí trên biển được phát triển hơn bất cứ thời kỳ nào trước đây”3.

Các hạm đội tiêu biểu nhất trong thời kỳ này là của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan và sau này nổi lên Anh, Pháp… Các hạm đội đó được thành lập và phát triển nhằm một mục tiêu rất rõ là bảo vệ và giành giật các nguồn lợi trên biển cho nước mình, chống cướp biển, đồng thời lại cũng chính là cướp biển. Đó chẳng những là lực lượng đối chọi lẫn nhau giữa các cường quốc trên biển, mà còn là công cụ để thực hiện các cuộc cướp bóc, xâm lược các nước phương Đông.

--------------------
3 Ph. Ăng-ghen, Tuyển tập luận văn quân sự, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1978, t. II, tr. 288.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #8 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2011, 09:17:23 pm »

Sự phát triển của các hạm đội vũ trang thời này chủ yếu biểu hiện trên hai mặt: tàu thuyềnsúng pháo.

Những chiếc ca-ra-ven (caravelle), nổi tiếng châu Âu ở thế kỷ XV, là đỉnh cao của kỹ nghệ đóng tàu thuyền thời trung cổ, cũng là mốc đầu tiên cho một thời kì mới của tàu thuyền châu Âu. Người ta nhanh chóng rời bỏ những kiểu thuyền chiến cồng kềnh, kém cơ động, như bác-giơ, nép, ca-rắc-cơ, và thay vào đó những tàu chiến thân dài, thành tàu cao đều, chia làm nhiều tầng boong để đặt pháo.

Sức cơ động của tàu đặc biệt tăng lên nhờ sự phát triển của kỹ thuật dùng buồm.

  Trước đây, tàu thuyền thường chỉ có hai hoặc ba cột buồm lại ít tầng buồm, diện tích hứng gió không lớn. Lúc này tàu thường có bốn cột buồm, chiếc nhiều nhất có tới bảy cột. Cột cao nhất tới 70 mét. Những cột chính gồm nhiều tầng với vô số những lá buồm lớn nhỏ dùng cho các nhiệm vụ điều khiển tốc độ, hướng đi khác nhau. Theo những thông số kỹ thuật đương thời, đối với loại tàu chiến hạng nặng, trang bị 120 đại bác, thì cứ mỗi tấn trọng tải dãn nước cần phải có 0,65m2 buồm. Phải có 3.140 m2 buồm, tương đương với 4.000 kg buồm cho một chiếc tàu như vậy. Ở những loại tàu như bri-giơ (brige), loại tàu cần cơ động nhanh, tỷ lệ này cao hơn: một tấn dãn nước cần 1,9m2 buồm, hoặc cao hơn nữa phải kể đến chiếc cli-pơ (clipe) mang tên Ca-ti-xắc (Catisac). Với 2,5m2 buồm cho một tấn dãn nước, tàu Ca-ti-xắc có thể vẫn đạt tốc độ 7 hải lý/giờ khi trời hầu như không hề có một gợn gió, hoặc như cách nói của các thủy thủ thời này là khi có thể “cầm ngọn nến đi trên boong mà không tắt”.

Kỹ thuật dùng buồm thời này đạt đến mức tuyệt đỉnh. Từ đây vắng bóng dần những thuyền chiến dùng chèo, nhờ vậy biên chế thủy thủ trên thuyền giảm hẳn xuống, chủ yếu chỉ gồm các thủy thủ mặt boong.


Một tàu buồm

Tuy nhiên, một số thuyền chiến hoạt động trong sông vẫn duy trì sức cơ động chính bằng mái chèo. Những ga-le-rơ Hà Lan ở thế kỷ XVI – XVII và hầu hết thuyền chiến ở các nước phương Đông thuộc loại này.

  Ga-le-rơ Hà Lan dài 38m, rộng 6m, cao từ đáy đến mạn thuyền chỉ 4m, trang bị 36 pháo ở hai mạn, thường có 14 – 16 cặp chèo, mỗi mái chèo dùng 2 – 3 người đẩy, có thể đạt tốc độ 14 – 15 km một giờ.

Vào cuối thời kỳ này, máy hơi nước được phát minh đã nhanh chóng thổi một luồng gió mới vào kỹ nghệ tàu thuyền. Trong các hạm đội quân sự ở phương Tây, xen giữa những cột buồm, bắt đầu lác đác xuất hiện ống khói hơi nước. Tuy nhiên, phải trải qua hàng thế kỷ mầy mò, thử nghiệm, đến nửa thế kỷ XIX các cánh buồm mới thực sự nhường chỗ cho ống khói của tàu hơi nước.
Logged

Ùi, úi, ui....
ùi
Thành viên
*
Bài viết: 239



« Trả lời #9 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2011, 09:29:16 pm »

Song song với cuộc chạy đua về tốc độ và khả năng cơ động, lúc này nổi lên cuộc chạy đua về tăng hỏa lực. Như đã nói, pháo được đưa lên thuyền ở châu Âu từ thế kỷ XIV. Thoạt đầu, nó chỉ được đặt ở mũi thuyền với số lượng rất hạn chế, thường không quá bốn khẩu. Đến cuối thế kỷ XV, người ta khiêng lên thuyền chiến loại lớn rất nhiều pháo, đặt không theo một trật tự nào cả. Đến năm 1500, nhờ phát minh trong thiết kế tàu chiến của Đê-sác-giơ (Descharges), pháo được sắp đặt ổn định hơn, các cỡ súng khác nhau được bố trí ở những vị trí hợp lý, số lượng súng tăng lên nhiều mà không đe dọa làm yếu thành tàu. Tàu chiến với nhiều boong pháo là cơ sở xuất hiện các hạm đội thường trực ở các nước phương Tây.

Ban đầu, sức mạnh hỏa lực tăng theo khuynh hướng nâng ồ ạt số lượng pháo, quy mô pháo (cỡ pháo). Hạm đội nước Anh tiêu biểu cho xu hướng này ở thế kỷ XVII. Tuy nhiên, người ta không thể cứ tùy tiện tăng số lượng pháo lên bao nhiêu cũng được.

  Chiến hạm loại nhỏ nhất của Anh cũng tới 30 khẩu pháo, loại chiến hạm lớn nhất có hơn 100 khẩu. Nổi tiếng là chiếc tàu “Chúa biển” năm 1637 có tới 132 khẩu pháo các cỡ, ước tính hơn 160 tấn sắt thép, chưa kể đến số lượng đạn kèm theo cũng nặng gần như vậy. Chiến hạm Anh thế kỷ XVII bị chính sức nặng của súng đạn đè lên, rất kém cơ động, tầng pháo cuối cùng chỉ ở cách mặt nước không đầy 3 foot (1 foot tương đương 305mm).

Để khắc phục tình trạng đó, người ta bắt đầu xác lập được những công thức phù hợp nhất cho tương quan giữa từng loại tàu chiến với số lượng pháo kèm theo.


Thông thường pháo hạng nặng (tính theo cỡ đạn, tức cỡ nòng và trọng lượng pháo) được bố trí ở tầng dưới cùng, loại nhẹ hơn thì bố trí ở tầng trên. Trong Bách khoa toàn thư mới của Mỹ (New American Emcyclopedia), Ph. Ăng-ghen có giới thiệu một bảng tổng quát phân phối pháo trên các chiến hạm hạng nhất của Anh như sau:


Đến giữa thế kỷ XVIII, người Pháp thực hiện cuộc cải cách nữa trong đóng tàu chiến, nhằm kéo dài tàu ra, nhờ vậy tăng số lượng pháo đặt trên các boong. Cuối thế kỷ XIX, tàu hơi nước chạy bằng cánh quạt trong quá trình thay thế tàu buồm, cho phép giảm dần số lượng pháo mà vẫn đảm bảo hỏa lực, nhờ những hệ quay và hệ thống ray chuyển pháo.

  Một phrê-gát (fregate) hơi nước trang bị 20 pháo có khả năng hỏa lực tương đương với 40 pháo của phrê-gát chạy buồm.

Logged

Ùi, úi, ui....
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM