Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:28:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến dịch c81 dưới mắt người lính bộ binh  (Đọc 230971 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
H3 Hùng
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 4438


Hẹn ngày trở lại Preav


WWW
« vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2011, 12:42:13 pm »

Nhân dịp chuẩn bị về thăm lại chiến trường xưa ở Takong Krao - Nam Sấp sẽ diễn ra vào cuối tuần sau với cánh Dũng tây. Hôm nay tôi xin viết lại câu chuyện về chiến dịch c81 dưới con mắt người lính bộ binh nhằm ôn lại một thời gian khó của mỗi người lính chúng ta trên chiến trường K. Đồng đội nào biết chiến dịch này xin vào đây tham gia cho vui cửa, vui nhà Grin

1. Xuất phát

Cuối mùa mưa 1981, vào một buổi chiều nọ chúng tôi được lệnh chuẩn bị đồ đoàn hành quân xa. Chúng tôi hành quân bộ vào Cốp Túi và ngủ đó 1 đêm. Sáng hôm sau chúng tôi đi tiếp về hướng Nam, tức hướng Takong Krao. Trước đó một anh nào trên ban chỉ huy đại đội đi hội ý ở trên về, sẵn mang về trao tận tay tôi tờ quyết định phong quân hàm thượng sĩ. Tôi cẩn thận gấp tờ giấy đánh máy, có đóng dấu đỏ chót kích cỡ bằng nửa trang giấy pơ-luya trắng mỏng làm tư đút vào túi áo ngực và rồi sau đó chỉ huy trung đội mình hành quân vào trận.  

Nhớ chiều qua trước lúc lên đường, anh Hóa anh nuôi trung đội đã làm thịt nửa bầy vịt xiêm còn đang lớn để tiễn chúng tôi lên đường vào trận. Chúng tôi rời khỏi trận địa Don Thomo của mình khi mùa mưa còn chưa dứt hẵn, giao thông hào còn xăm xắp nước và bầy vịt xiêm lông đuôi, lông cánh còn chưa mọc đủ! Nhưng phải thịt thôi vì sau trận này biết ai còn ai mất, ăn đi cho no lòng chiến sĩ.
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Mười Hai, 2011, 01:51:54 pm gửi bởi H3 Hùng » Logged
Linhtre_2012
Thành viên
*
Bài viết: 36



« Trả lời #1 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2011, 12:57:23 pm »

Nhân chuyến đi thăm lại chiến trường xưa ở Takong Krao - Nam Sấp hôm nay tôi xin viết lại câu chuyện về chiến dịch c81 dưới con mắt người lính bộ binh trung đoàn 4 sư đoàn 5.

1. Xuất phát

Cuối mùa mưa 1981, vào một buổi chiều nọ chúng tôi được lệnh chuẩn bị đồ đoàn hành quân xa. Chúng tôi hành quân bộ vào Cốp Túi và ngủ đó 1 đêm. Sáng hôm sau chúng tôi đi tiếp về hướng Nam, tức hướng Takong Krao. Trước đó một anh nào trên ban chỉ huy đại đội đi hội ý ở trên về, sẵn mang về trao tận tay tôi tờ giấy quyết định phong quân hàm thượng sĩ. Tôi gấp tờ giấy vào túi áo ngực và chỉ huy trung đội mình hành quân vào trận.  

Nhớ chiều qua trước lúc lên đường, anh Hóa anh nuôi trung đội đã làm thịt nửa bầy vịt xiêm còn đang lớn để tiễn chúng tôi lên đường vào trận. Chúng tôi rời khỏi trận địa Don Thomo của mình khi mùa mưa còn chưa dứt hẵn, giao thông hào còn xăm xắp nước và bầy vịt xiêm lông đuôi, lông cánh còn chưa mọc đủ! Nhưng phải thịt thôi vì sau trận này biết ai còn ai mất, ăn đi cho no lòng chiến sĩ.

Em có một số tài liệu về chiến dịch C81 xin được phép gửi lên các bác ngâm cứu

Sang năm 1981, địch từ các căn cứ trên tuyến biên giới tăng cường thâm nhập vào nội địa. Đến cuối năm 1981 và đầu năm 1982, địch đã thực hiện được 3221 vụ thâm nhập vào nội địa, trong đó, trên tuyến biên giới có 2564 vụ, chiếm 79%. Vì vậy, Bộ tư lệnh Mặt trận 479 chủ trương tiến hành một chiến dịch hoạt động tổng hợp, goi là “Chiến dịch C81”, nhằm bung các lực lượng phía trước ra tiến công, đánh phá các căn cứ của địa dọc tuyến biên giới, đánh cắt đường giao thông vận chuyển, tiếp tế, thâm nhập của chúng từ biên giới vào nội địa. Còn ở trong nội địa, các lực lượng địa bàn tiến hành các hoạt động truy quét, phá các căn cứ lõm, thu gom kho tàng, đạn được của địch, kết hợp với nhân dân nhằm tiêu diêt địch cài, cắm trong dân, xây dựng thực lực cách mạng

Mục tiêu đặt ra cho các đơn vị chủ lực phía trước của ta và Bạn là triệt phá các căn cứ của địch trên tuyến biên giới-nơi xuất phát của những lực lượng xâm nhập vào nội địa của địch. Trên hướng chủ yếu của Mặt trận có các căn cứ Đăng-cum, Ămpin, hướng này do Sư đoàn 5 bộ binh kết hợp với sư đoàn bộ binh 179 của Bạn đảm nhiệm. Trên hướng Bát Tam Băng gồm các căn cứ của sư đoàn bộ binh 320, như ở Sơ-đa, Bắc Ô-đa (là căn cứ của trung đoàn bộ binh 905 thuộc sư đoàn bộ binh 320 Pol Pot), căn cứ Com Riêng-Pailin thuộc sư đoàn bộ binh 415, căn cứ Tà Sanh-Sầm Lốt của sư đoàn bộ binh 221. Tất cả những căn cứ này, do sư đoàn bộ binh 309 đảm nhiệm, phải triệt phá cho bằng được. Trên hướng Bắc tỉnh Xiêm Riệp thuộc phạm vi hoạt động của sư đoàn bộ binh 302. Bộ đội Việt Nam và sư đoàn bộ binh 266 thuộc bộ đội cách mạng Campuchia.

Mùa khô 1981-1982 lại đến với bộ đội ta trên chiến trường; tuy mùa khô khắc nghiệt, nhưng so ra, thì mùa khô vẫn là mùa tương đối thuận lợi. Nếu khắc phục được tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, thì bộ đội có nhiều lợi thế hơn địch. Bởi vậy, trên vai người chiến sĩ trên địa bàn này luôn luôn có mang theo ngoài bi đông, còn thêm một ống tre chứa đầy nước. Đó cũng là kinh nghiệm của người lính sư đoàn bộ binh 309 chúng tôi mà bất cứ đơn vị nào thuộc Mặt trận 479 đều chưa trải qua. Đơn giản một điều là địa bàn của họ là đồng bằng. Nắm vững tình hình trên địa bàn tác chiến, tôi đã cho lập ra một bản đồ địa chính, đánh dấu tất cả những nơi có nước trong mùa khô ở phía Tây tỉnh Bát Tam Băng như ở Nam Sấp, Bua, Ô-đa, Com Riêng, Ămpin Prăngđơm và nhiều nơi khác để khi bộ đội hoạt động trên những khu vực này biết mà sử dụng các nguồn nước đó. Còn ở những nơi không có nguồn nước thì người chỉ huy phải có biện pháp khắc phục.

« Sửa lần cuối: 04 Tháng Mười Hai, 2011, 05:01:00 pm gửi bởi Linhtre_2012 » Logged
Linhtre_2012
Thành viên
*
Bài viết: 36



« Trả lời #2 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2011, 01:01:17 pm »


Để chuẩn bị cho chiến dịch C81 thắng lợi, Bộ tư lệnh Mặt trận 479 đã tổ chức Sở chỉ huy tiền phương, đóng tại xã Bà Vâl, do thiếu tướng Lê Chí Thuận, phó tư lệnh Mặt trận chỉ huy, cùng với cán bộ cơ quan 4 Cục và các chủ nhiệm binh chủng. Về phía Bạn có một số đại diện tham gia vào Sở chỉ huy tiền phương, gồm có đồng chí Keo Kim Giang, phó chỉ huy, tham mưu trưởng thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, đồng chí Ung Sa My, phó chủ tịch hậu cần Uỷ ban nhân dân tỉnh Bát Tam Băng và một số đồng chí khác. Trước đó, chúng tôi đã tung nhiều toán trinh sát nắm mục tiêu. Đây là công việc không đơn giản chút nào! Kẻ địch thì rất nham hiểm; với chiến thuật “đầu nhọn, đuôi dài” như đã nói ở phần đầu, chúng luôn luôn tung lực lượng ra bám sát ta từ căn cứ đông quân. Mỗi một hành động của ta từ nơi xuất phát được chúng phát hiện và truyền về căn cứ của chúng. Cho nên, các toán trinh sát của ta đều bị chặn lại từ xa, không sao đột nhập được vào các mục tiêu cần tiến công. Đã có lần, tôi cùng đồng chí Đào Quang Năm-phó sư đoàn trưởng sư đoàn bộ binh 309-đi bằng máy bay trực thăng lên kiểm tra trung đoàn bộ binh 96. máy bay ta không xác định được vị trí của trung đoàn để hạ cánh, đã bay quá lên vùng biên giới giữa Campuchia-Thái Lan. Từ trên máy bay nhìn xuống thấy cả một vùng dọc biên giới hàng chục km, rộng khoảng 500 m, là những căn cứ địch, với những dãy nhà tranh san sát, có cả những công sự, hầm hào xen kẽ trong trại lính. Thế mới biết là từ sau cuộc tổng tiến công, chưa có một lực lượng nào của ta làm chủ khu vực này. Nhiều lần đột nhập chính diện không thành, chúng tôi đã tổ chức một tổ trinh sát gọn nhẹ, có chuẩn bị máy thông tin vô tuyến điện, luồn sâu sang đất Thái Lan, đặt được đài quan sát ở dãy núi Tà-ngók cách biên giới chừng 500 m. Tại Sở chỉ huy trung đoàn bộ binh 31, tôi mở máy canh và hồi hộp chờ đợi. Bỗng đài kỹ thuật bắt được tín hiệu của đài địch. Chúng la ó: có bộ đội Việt Nam trên núi Tà-ngók và cho lực lượng lên đó. Tôi lo lắng và cho báo ngay với tổ trinh sát. Quả nhiên, 20 phút sau thì địch đã nổ súng. May sao, số anh em trinh sát này thoát được an toàn.

Ngày 12-1-1982, sau khi báo cáo quyết tâm lần cuối và kế hoạch chiến đấu trong chiến dịch C81 lên Sở chỉ huy Mặt trận 479, sư đoàn bộ binh 309 và các đơn vị trên toàn chiến trường bắt đầu bước vào chiến dịch.
Trận đánh mở đầu trên hướng Bát Tam Băng của sư đoàn bộ binh 309 chúng tôi là trận tiến công đánh chiếm căn cứ của trung đoàn bộ binh 905 thuộc sư đoàn bộ binh 320 Pol Pot ở phía Bắc Ô-đa. Căn cứ này nằm sát biên giới Thái Lan trên phần đất của Campuchia, xung quanh núi cao, rừng rậm tạo thành cái lòng chảo, chính giữa là con suối Phasi-người Thái gọi là suối Nam Sai. Và cũng là đường biên giới giữa hai nước. Phía Đông là các dãy núi đá vôi. Cao nhất là điểm cao 505, và trên điểm cao này, chúng tôi đặt đài quan sát pháo binh. Lực lượng tham gia trong trận này gồm trung đoàn bộ binh 31 (chủ công), trung đoàn bộ binh 96, một đại đội Tăng-Thiết giáp, một đại đội lựu pháo 105 và các lực lượng khác như công binh, trinh sát,… Sở chỉ huy phía trước của sư đoàn đặt tại điểm cao 309, phía sau hướng chủ yếu khoảng 500 m. Xác định đây là một trận tập kích hiệp đồng binh chủng với quy mô sư đoàn (thiếu một trung đoàn bộ binh), với đặc điểm là địa hình rừng núi. Điều khó khăn lớn nhất là trên các hướng có thể tiếp cận được, thì địch đã bố trí những bãi mìn dày đặc, kể cả mìn chống bộ binh và chống xe tăng.
Đêm hôm trước ngày nổ súng, tiểu đoàn công binh 25 của sư đoàn do tiểu đoàn trưởng, đại uý Nguyễn Văn Khạ và trung uý Nguyễn Văn Hoà-phó tiểu đoàn trưởng-chỉ huy đã tiến hành phát quang, cưa cây, gỡ mìn, để chuẩn bị đường cho xe tăng vào chiếm lĩnh. Những nơi gần địch thì các đồng chí cho gài sẵn thuốc nổ vào gốc cây lớn, để khi nổ súng thì cho bộc phá nổ phá cây.

« Sửa lần cuối: 04 Tháng Mười Hai, 2011, 05:03:30 pm gửi bởi Linhtre_2012 » Logged
Linhtre_2012
Thành viên
*
Bài viết: 36



« Trả lời #3 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2011, 01:10:30 pm »

Sáng ngày 15-1-1982, thời tiết lúc này đang là mùa khô, nhưng vì địa hình rừng núi nên 7 giờ mới thấy rõ mục tiêu. Đài pháo binh ở điểm cao 505 báo cáo: “Tình hình trong mục tiêu vẫn bình thường”. Và trên các hướng bộ đội đã vào vị trí xuất phát. Tại Sở chỉ huy sư đoàn, mọi người đều hồi hộp chờ đợi. Tất cả các phương tiện thông tin đều mở máy, sẵn sàng nhận lệnh. Đúng 7 giờ 10 phút, trận địa pháo của ta bắt đầu nổ súng. Nhưng quả đạn đầu tiên theo đài quan sát báo cáo thì không trúng mục tiêu mà vọt qua bên kia biên giới Thái Lan. Sau ít phút hiệu chỉnh thì pháo ta bắn trúng vào căn cứ địch. Địch trong căn cứ bắt đầu nhốn nháo.
Trong 10 phút bắn chuẩn bị, đồng thời từ các hướng, các mũi bí mật tiếp cận vào gần mục tiêu; công binh giật bộc phá để làm nốt phần còn lại là mở thêm một đoạn đường gần 100 m nữa, để cho xe tăng chuẩn bị đột kích. Trên hướng trung đoàn bộ binh 96, mìn địch quá nhiều nên đội hình nhích lên rất chậm. Sau 10 phút pháo ngừng bắn, trung đoàn bộ binh 31, dưới sự chi viện trực tiếp của xe tăng, đã tiến công mãnh liệt vào căn cứ. Địch chống trả quyết liệt. Pháo cối từ bên đất Thái Lan bắn vào đội hình trung đoàn bộ binh 31, nhưng lúc này bộ đội ta đã đánh chiếm được một khu vực phía Nam căn cứ, đội hình phía sau đang tiến dần vào sát mục tiêu. Do đó, đạn pháo địch hầu hết đều vọt ra phía sau.
Trung đoàn bộ binh 96, tuy tốc độ tiến công có chậm nhưng cũng đã cắt được đoạn giữa của 2 căn cứ địch. Bị hoả lực xe tăng và hoả lực đi cùng bộ binh tiến công dồn dập, địch hoảng sợ, tháo chạy lên hướng Sơ Đa-Cao Mê Lai, gặp phải mũi tiến công chia cắt của trung đoàn bộ binh 96, chúng vượt qua biên giới, sang đất Thái Lan, để lại nhiều xác chết.

Sau 30 phút chiến đấu, ta đã làm chủ hoàn toàn căn cứ địch, diệt tại chỗ 25 tên, thu một số súng, trong đó có một khẩu pháo phòng không 37 mm. Từ 10 giờ trở đi cho đến khoảng 15 giờ chiều, các trận địa pháo cối của địch bên đất Thái Lan bắn liên tục dưới chân núi trên hướng tiến công của trung đoàn bộ binh 31. Đạn pháo cối nổ chát chúa đến nỗi khi tôi rời Sở chỉ huy để vào với trung đoàn bộ binh 31-đang ở trong căn cứ địch-cứ bị đạn pháo chặn lại. Tại đài quan sát, pháo binh phát hiện rất rõ khẩu sơn pháo 85 của địch khi bắn choé lửa đầu nòng, nhưng pháo của ta hiệu chỉnh mãi vẫn không trúng. Đến khi có một số quả pháo của ta rơi xung quanh thì địch mới kéo pháo chạy sâu vào nội địa Thái Lan. Song, các trận địa cối 120 mm của địch vẫn cứ bắn mãi vào chân núi.
Tại Sở chỉ huy, chúng tôi suy nghĩ và đặt câu hỏi với nhau: “Tại sao ta đã làm chủ được căn cứ địch từ sáng đến giờ mà pháo cối địch vẫn cứ bắn khu vực gần cửa mở trên hướng chủ yếu?”. Anh em ở Sở chỉ huy nhận định rằng: có thể còn có một mục tiêu nào đó mà ta chưa phát hiện được. Địch bắn pháo để ngăn chặn sự phát triển của quân ta.
Chúng tôi lệnh cho trung đoàn bộ binh 31 lùng sục, tảo trừ xung quanh căn cứ địch vừa mới chiếm được; quả nhiên, sau một lúc, đồng chí trung đoàn trưởng trung đoàn bộ binh 31 Lê Văn Thuận báo cáo: “Đã phát hiện được một cái hang đá, trong đó có một số xe ôtô, chưa nắm được có bao nhiêu chiếc. Nhưng địch bố trí mìn dày đặc nên chưa vào được”. Tại Sở chỉ huy, chúng tôi mừng run lên. Tin trung đoàn bộ binh 31 thu được xe ôtô của địch lan nhanh ra các đơn vị trong sư đoàn, rồi được báo cáo lên Sở chỉ huy Mặt trận 479. Mọi người rất mừng rỡ.

Tôi đã nghĩ ngay đến việc làm thế nào để đưa được xe ôtô về phía sau, dù chỉ 1-2 chiếc; vì có như vậy thì ý nghĩa của trận đánh được nâng cao hơn, đề phòng địch cho quân vào phá huỷ mất. Tôi ra lệnh cho đồng chí Lê Văn Thuận: “Sử dụng ngay một đại đội bộ binh lùng sục quanh khu vực hang đá, chốt chặn tất cả ngả đường vào hang, đề phòng địch luồn sâu vào phá huỷ số xe đó. Nhắc nhở bộ đội chú ý mìn địch. Tôi sẽ cho tiểu đoàn công binh xuống ngay để dò min và sẽ tổ chức đưa xe ra!”.
Trong khi đó, địch vẫn tiếp tục nã cối từ đất Thái Lan sang, đạn rơi xung quanh hang đá. Chúng tôi đã tính đến việc mở đường mới để đưa số xe ôtô chiến lợi phẩm ra ngoài, nhưng địa hình ở đây không thể được, vì nếu làm như vậy sẽ rất chậm. Mặt khác, tôi cũng rất tin tưởng vào trình độ phát hiện và dò gỡ mìn địch của anh em công binh nên đã nhất trí với đề nghị là sẽ dò gỡ sạch mìn và đưa xe ra theo đường xe ôtô cũ, đã bỏ từ lâu. Phải nói rằng tiểu đoàn công binh của sư đoàn bộ binh 309 thật tuyệt vời cả về tinh thần chiến đấu dũng cảm, lẫn trình độ chuyên môn kỹ thuật và có ý thức trách nhiệm rất cao. Địa hình ở đây rất phức tạp cho việc cơ động binh khí kỹ thuật, trong khi địch cài mìn dày đặc. Thế mà tiểu đoàn công binh, ban đêm đốt đuốc, phát cây, dò gỡ mìn địch, làm đường cho xe tăng, pháo binh ta vào chiếm lĩnh được bí mật, an toàn và đúng với thời gian quy định.

Nhận nhiệm vụ rà phá mìn địch để đưa xe ôtô chiến lợi phẩm ra, đồng chí Hoàng Văn Khạ-tiểu đoàn trưởng và đồng chí Nguyễn Văn Hoà đã tổ chức ngay lực lượng và trực tiếp chỉ huy bộ đội thi hành nhiệm vụ. Các đồng chí mang theo cả máy dò mìn và các dụng cụ khác. Song với địa hình ở đây thì chủ yếu vẫn là đôi tay, đôi mắt và cái đầu thông min của bộ đội. Kẻ địch rất nham hiểm. Toàn bộ những xe ôtô còn mới nguyên, mỗi xe đã có sẵn một cơ số xăng dầu trên xe; còn trên đồng hồ số km thì còn thấp. Theo tính toán trên bản đồ thì có thể số xe này mới nhập của nước ngoài, chạy từ một quân cảng nào đó đến đây. Toàn bộ có 6 chiếc và hàng trăm xe đạp thồ còn nguyên đai, nguyên kiện. Địch đã gài mìn dày đặc xung quanh hang đá, dưới ghế ngồi và xung quanh các bánh xe. Hễ cứ xê dịch bánh xe khoảng 3-5 phân là mìn sẽ nổ. Vậy mà anh em công binh của ta đã phát hiện và dò gỡ được hàng trăm quả mìn của địch. Chúng tôi cho các chiến sĩ lái xe của tiểu đoàn vận tải xuống kiểm tra và đưa được toàn bộ số xe đó và các loại chiến lợi phẩm khác về phía sau được an toàn.

Chớp thời cơ lúc địch còn đang hoang mang dao động, sau khi đánh chiếm căn cứ trung đoàn bộ binh 905 ở Bắc Ô-đa, 2 trung đoàn bộ binh 31 và 96 tiếp tục phát triển lên Sơ-đa, Phnôm Mê Lai tiêu diệt thêm một số địch và làm chủ hoàn toàn các căn cứ địch từ Phnôm Mê Lai xuống đến Bắc Pailin, dọc tuyến biên giới, với chiều dài trên 60 km. Cũng trong thời gian này, trên hướng chủ yếu của Mặt trận 479, sư đoàn bộ binh 5 cũng đã đánh chiếm căn cứ Đăng-cum của sư đoàn một sư đoàn địch dọc biên giới Campuchia-Thái Lan, cách cửa khẩu Pô-Pét khoảng 30 km về phía Đông. Tại Sở chỉ huy tiền phương Mặt trận 479, đồng chí Keo Kim Giang đã chỉ đạo và tổ chức cho các lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp cùng quân tình nguyện Việt Nam hoạt động truy quét địch tại các khu vực Xai-xa-mon, Nam, Bắc Ămpin-Prămđơm và nhiều nơi khác thuộc huyện Mông Côn Bô Rây. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bát Tam Băng đã huy động hàng vạn dân bắc cầu Bà Vâl, phát quang, làm đường từ Bà Vâl lên Prăngđơm-Nam-sấp, từ Sisôphôn lên Sơ-vai-chếch và nhiều nơi khác.

Kết thúc chiến dịch C81, sư đoàn bộ binh 309 đã tiêu diệt 255 tên địch, thu 190 súng các loại (trong đó có một khẩu pháo phòng không 37 mm), 6 xe ôtô vận tải, trên 100 xe đạp thồ và nhiều phương tiện chiến tranh khác; triệt phá hoàn toàn hai căn cứ của sư đoàn bộ binh 320 địch từ Phnôm Mê Lai xuống đến Ô-đa với chiều dài trên tuyến biên giới từ 60-80 km, tạm thời triệt được nguồn tiếp tế, cắt được trục hàng lang thâm nhập nội địa của địch ở phía Tây tỉnh Bát Tam Băng.
Tiền phương Bộ Quốc phòng và Bộ tư lệnh Mặt trận 479 đánh giá sư đoàn bộ binh 309 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sư đoàn được tặng thưởng huân chương quân công hạng nhì và 4 huân chương quân công hạng ba cho các đơn vị: trung đoàn bộ binh 31 và 96, tiểu đoàn bộ binh 9 thuộc trung đoàn bộ binh 31, tiểu đoàn cán bộ 25 của sư đoàn; và 35 huân chương chiến công cho tập thể và cá nhân trong sư đoàn, vì đã lập được thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Chiến dịch C81 kết thúc thắng lợi có ý nghĩa lớn lao, đã có tác dụng trực tiếp với phong trào cách mạng Campuchia trong nội địa tỉnh Bát Tam Băng. Ta đã huy động được hàng vạn dân tham gia phục vụ chiến dịch; qua đó cho thấy khả năng tổ chức, điều hành của chính quyền các cấp của Bạn được nâng cao thêm một bước đáng kể.
Ngày 19-2-1982, tại trận địa pháo 130 mm (nằm về phía Tây Bua, cách biên giới với Thái Lan khoảng 10 km), đoàn cán bộ của BTL mặt trận 719 và Bộ tư lệnh Mặt trận 479, do thượng tướng Lê Đức Anh, tư lệnh Mặt trận 719 và thiếu tướng Lê Thanh, tư lệnh Mặt trận 479, đáp máy bay xuống kiểm tra tình hình tác chiến của sư đoàn bộ binh 309. Các đồng chí tư lệnh đã tỏ ý hài lòng với những kết quả mà sư đoàn bộ binh 309 đã đạt được trong quá trình tiến công tiêu diệt địch và làm chủ được các căn cứ. Đồng thời tư lệnh Mặt trận 719 cũng đã gợi ý Bộ tư lệnh Mặt trận 479 có hình thức khen thưởng xứng đáng đối với sư đoàn. Cuối cùng đồng chí chỉ thị cho chúng tôi về nhiệm vụ trong mùa mưa tới. Với những người trực tiếp thi hành nhiệm vụ trên chiến trường, chúng tôi đã đề ngị đồng chí tư lệnh một số vấn đề cần nghiên cứu:
1.Để bảo vệ các mục tiêu vừa đánh chiếm trên tuyến biên giới, triển khai lực lượng nhằm “khoá chặt biên giới”, không cho địch thâm nhập, vận chuyển vào nội địa thì cần phải có lực lượng bảo đảm hàng lang phía sau của ta. Nếu không các lực lượng phía trước của ta dễ bị địch cô lập.
2.Vấn đề bung lực lượng ra để thực hiện việc ngăn chặn địch thâm nhập, sẽ dấn tới việc dàn mỏng đội hình trong suốt những tháng mùa mưa thì rất khó khăn, lực lượng ta dễ bị tiêu hao.
3.Nếu thực hiện các ý định trên thì trong phạm vi 40-60 km từ Phnôm Mê Lai xuống đến Ô-đa-Com Riêng cần có một lực lượng khoảng 2 sư đoàn bộ binh, vì chính diện đã rộng mà chiều sâu từ căn cứ trong nội địa của ta ra đến biên giới rất xa, nếu tính từ Bà Vâl (sông Mông-côn Bô-rây) đến các lực lượng phía trước, phải đến 60-80 km.


« Sửa lần cuối: 04 Tháng Mười Hai, 2011, 05:08:58 pm gửi bởi Linhtre_2012 » Logged
H3 Hùng
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 4438


Hẹn ngày trở lại Preav


WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2011, 01:24:41 pm »

2. Vượt suối lớn sang Takong Krao

Tầm 9 giờ sáng hôm đó, một ngày cuối năm 1981 chúng tôi đã tiếp cận con suối lớn. Vượt qua suối này chúng tôi sẽ bước vào khu vực Takong Krao.

Tiểu đoàn triển khai thành đội hình hàng dọc để vượt suối. Ba lô đồ đoàn được gói chặt trong tấm ny lông đi mưa để làm phao. Ai biết bơi thì ôm phao tự bơi qua bờ nam, ai không biết thì lần theo sợi dây thừng mà anh em giăng sẵn cặp hàng chân cột cầu sập để vượt suối (ngày trước đã có một cây cầu ván bắc qua con suối này, có lẽ Pốt đã đánh sập nên chỉ còn trơ lại hàng cọc gỗ).

Trước khi đi bộ đội tôi đã từng tập bơi tại hồ bơi câu lạc bộ Lao Động TPHCM và đã bơi được hết chiều dài ra chỗ nước sâu nhất nên tự tin là mình tự bơi qua suối được. Tôi hiên ngang quàng súng qua vai, đẩy cái phao của mình và bơi qua suối. Chân tôi vừa hỏng đất tôi lập tức chuyển qua động tác bơi chó để vượt suối, nào ngờ sức đẩy của dòng nước đẩy tôi theo dòng chảy của nó. Tôi chới với bỏ cái phao đựng ba lô đồ đoàn của mình ra để chuyển sang động tác bơi sải dũng mảnh hơn nhằm chiến thắng sức đẩy của dòng nước hung hãn nhưng chẳng ăn thua. Tôi thấy mình bị trôi luôn xuống hạ lưu. Ngang qua hàng cột cầu gỗ tôi thấy có hai chú trinh sát tiểu đoàn xanh mặt nhìn theo, tôi đưa tay về phía họ, nhưng chẳng ai dám đưa tay cho tôi níu vì họ sợ tôi kéo họ chết chùm!

Tôi quay đầu nhìn về phía hạ lưu, tại đó tôi thấy có một miệng đáy và một người đàn ông Campuchia đang lui cui bên cạnh miệng đáy. Tôi nghĩ mình chắc sẽ trôi tuột vào miệng đáy đó thì bỗng dưng có một sức đẩy thật mạnh ủi tôi qua mạn suối bên kia và chân tôi tiếp đất. Thế là tôi đã vượt suối được nhờ sự trợ giúp của một đồng chí nào đó và cái phao đựng ba-lô của tôi cũng được các đồng chí ấy trao lại cho tôi.
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Mười Hai, 2011, 05:06:00 pm gửi bởi H3 Hùng » Logged
H3 Hùng
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 4438


Hẹn ngày trở lại Preav


WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2011, 01:42:30 pm »

Không ảnh của Google Earth nhìn từ Kốp Túi (Kop Toch) đến Takong Krao



Cận cảnh con suối lớn vào Takong Krao



Logged
quyenkh
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1581


« Trả lời #6 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2011, 03:00:19 pm »

Chiến dịch C81 em không có tham gia vì đang có nhiệm vụ chỉ huy trên đồi B1 , trên ấy chỉ có 3 khẩu gồm 1 cối 120mm , 1 DKZ75 và một khẩu 12,7 , cứ 3 tháng là một B trưởng của ba đại đội hỏa lực này thay phiên nhau đảm nhận .
Nhưng tháng tầm đầu tháng 10 em là một trong 12 anh em đi luồn sâu để nắm tình hình và vị trí bố phòng của địch , đợt ấy đi do anh Dung C trưởng 12,7mm chỉ huy gồm TS 5 người , 12,7mm 5 người còn thông tin 2 người , khi sát biên giới Thái tức qua ngày thứ 5 hôm ấy trời mưa từ chập gần trưa , chiều tối dừng chân lại nghỉ em với thằng Bình TS cùng huyện Đức Linh với em dọn chỗ ngủ chung nhau , tầm tối trời dứt mưa em với thằng Bình thấy loáng thoáng ánh đèn pin quét ngang dọc , chóa đèn chúng bịt kít chỉ chừa lỗ nhỏ bằng hạt đậu .. hi hi chúng em nằm im không cục cựa vì em với nó nằm phía đầu đội hình , thằng Pốt đứng tè suýt trúng đầu hai thằng may là tụi em chọ hai gốc cây bự kề nhau , khi dừng chân trời tối quá không biết vị trí ấy sát đường mòn , khi nó đi khỏi đội hình rón rén lủi vô sâu mé trong và sớm đó rút lui thật êm , may mà không nằm giữa đường mòn không biết xảy ra chuyện gì .
 Khi hết 12 ngày gạo sấy trên kêu chúng em cho người về nhận lương thực phẩm rồi đi tiếp , chỗ dừng chân cách đơn vị em khoảng 5 cây , anh Dung kêu em dẫn đường cho mấy người về đơn vị nhận hàng , hai lính thông tin thì có người thay riêng mọi người lại đi tiếp vì còn sót vị trí chưa nắm được , lão năm Phương dành về đi khoảng nửa đường thì vướng trái KP2 hy sinh , sau vụ ấy trung đoàn kêu về không đi tiếp .
 Thằng Bình TS về tới đơn vị sáng hôm sau đi tuần đạp phải trái KP2 mất một giò , hôm ấy khi bị xong thấy mất một chân nó kêu toáng lên : trúng mánh rồi , trúng mánh rồi .
Logged
linh1989
Thành viên
*
Bài viết: 34


« Trả lời #7 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2011, 03:31:57 pm »

Vậy khi bị trúng mìn bác ta còn tỉnh táo lắm phải không bác ,và còn nói giởn đuợc mới ghê chứ ///
Logged
H3 Hùng
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 4438


Hẹn ngày trở lại Preav


WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2011, 04:04:34 pm »

Nhưng tháng tầm đầu tháng 10 em là một trong 12 anh em đi luồn sâu để nắm tình hình và vị trí bố phòng của địch , đợt ấy đi do anh Dung C trưởng 12,7mm chỉ huy gồm TS 5 người , 12,7mm 5 người còn thông tin 2 người , khi sát biên giới Thái tức qua ngày thứ 5 hôm ấy trời mưa từ chập gần trưa , chiều tối dừng chân lại nghỉ em với thằng Bình TS cùng huyện Đức Linh với em dọn chỗ ngủ chung nhau , tầm tối trời dứt mưa em với thằng Bình thấy loáng thoáng ánh đèn pin quét ngang dọc , chóa đèn chúng bịt kít chỉ chừa lỗ nhỏ bằng hạt đậu .. hi hi chúng em nằm im không cục cựa vì em với nó nằm phía đầu đội hình , thằng Pốt đứng tè suýt trúng đầu hai thằng may là tụi em chọ hai gốc cây bự kề nhau , khi dừng chân trời tối quá không biết vị trí ấy sát đường mòn , khi nó đi khỏi đội hình rón rén lủi vô sâu mé trong và sớm đó rút lui thật êm , may mà không nằm giữa đường mòn không biết xảy ra chuyện gì .

Sau này tôi nghe nói rằng: để chuẩn bị cho chiến dịch c81 trinh sát sư đoàn 5 đã đi bám địch cả tháng trời. Sở dĩ ta phải cử trinh sát luồn sâu vào hướng này và sau đó mở chiến dịch là do tin tình báo của Liên Xô chụp ảnh vệ tinh báo cho ta biết có cứ lớn của Pốt trong phạm vi phía Nam của cao điểm Mê-lai.

Tôi nghe sao nói vậy để anh em kiểm chứng dùm thôi, vì cỡ chúng tôi chỉ hóng tin hành lang thôi chứ đâu có cửa mà nghe được tin của Cục này Cục nọ Grin

Chuyện bên lề cuộc chiến thì nhiều vô kể, ngồi nhậu với nhau nói hoài không hết. Còn đưa lên đây do đụng chạm với người này người nọ nên nhiều khi tôi bỏ qua những chuyện dễ gây "bức xúc" cho nó lành nên sức cuốn hút kém đi. Viết chuyện thật nó khó hơn viết tiểu thuyết là vì vậy!
Logged
quannhu172
Thành viên
*
Bài viết: 188

Chết vì cuồng vọng một cách lố bịch!


« Trả lời #9 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2011, 04:05:29 pm »

Vậy khi bị trúng mìn bác ta còn tỉnh táo lắm phải không bác ,và còn nói giởn đuợc mới ghê chứ ///

   Bác ấy hoảng quá thì đúng hơn . Vì trúng mìn thì bác nói ngọng ra thành trúng mánh ?
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM