Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:21:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện ở C20-E95-F325  (Đọc 191155 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #380 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 09:32:28 am »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số Phận
   Sau cái đêm hôm ấy, là chuỗi ngày em sống âm thầm lặng lẽ, lo lắng, hồi hộp nghe ngóng dư luận xã hội về chuyện đã xảy ra. Thời gian này là quãng thời gian kinh khủng nhất của đời em. Ngày đêm sống trong lo sợ, nhìn cái gì cũng sợ, em sợ tất cả, nhưng sợ nhất vẫn là con người. Chỉ nghe tiếng động thôi, là em có cảm giác mình đang bị theo dõi, người ta theo dõi em như một kẻ tội phạm. Thời gian này, em rất ít đi ra ngoài, nếu bắt buộc phải đi, em chọn thời điểm lúc vắng người nhất.  Khi em ra khỏi bốn bức tường, là như có ngàn vạn ánh mắt nhìn em cười chế diễu: Mày cũng chỉ là con Cave…
   Cũng may cho em, thời gian này em được chị chủ an ủi nhiều nhất, có thể chị là người có học vấn và từng trải nên chị động lòng thương xót. Cũng có thể chị cảm thấy, ít nhiều chồng chị cũng có lỗi, từ đó chị dành nhiều thời gian động viên và gắng làm mọi việc để em vui… Nhưng làm sao vui được, em vẫn u uất trong lòng, chưa khi nào em quên được nỗi nhục nhã đã xảy ra với em, chỉ có điều em càng căm thù bọn tà dâm bao nhiêu thì cũng thương chị chủ bấy nhiêu. Nghĩ đi rồi nghĩ lại, em thấy mình cũng có phần hơi quá đối với chị. Chị có làm gì nên tội đâu để chị phải khép mình đối xử quá mức tử tế với kẻ ăn người ở như em, nhiều lúc chị xử sự với em còn hơn chị em ruột thịt. Những lúc như vậy, em cố gượng cười cho chị vui…
   Dần dần em cảm nhận, tất cả những cử chỉ của chị dành cho em là tình người, không chứa đựng sự mua chuộc hay cám dỗ, chị xem sự mất mát của em chính là sự mất mát của chị, nhiều khi em cảm động rớt nước mắt… Có một lần chị đưa cho em một cục tiền, chị bảo bây giờ em khó khăn chị cho em vay, khi nào có em trả cho chị, nếu không có thì cũng không sao coi như là chị giúp em, em không phải nhĩ ngợi gì. Sau đó chị tâm sự: Tiền bạc nó là phù du lúc có lúc không, chỉ có tình người mới vĩnh hằng. Chị mong em hiểu cho chị…
   Đúng lúc em đang chơi vơi hẫng hụt, không định hướng được cuộc đời  mình sẽ đi về đâu, thì em nhận được tin bố em  mất. Khi nhận được tin sét đánh ấy, em không biết làm gì ngoài việc làm sao trở về nhà thật nhanh để nhìn mặt bố lần cuối. Ra đến bến xe, chuyến xe cuối cùng đi Nho Quan đã xuất bến lúc 14 giờ. Lúc ấy đã là 16 giờ 30 rồi, bến xe miền núi giờ này vắng tanh, lác đác vài quán bán hàng còn nán lại đợi đón những chuyến xe cuối cùng từ xuôi lên. Em gục đầu vào thành ghế nhà chờ khóc nức nở tuyệt vọng, thế là không còn cách nào trở về nhà đêm nay, em không được nhìn mặt bố lần cuối nữa rồi.
   Chẳng lẽ lại cam chịu như vậy? Không! Em phải tìm cách gì đó để về nhìn thấy bố trong đêm nay hoặc chí ít là chưa đóng nắp quan tài. Em ra cổng hy vọng sẽ đón được một chiếc xe nào đó về xuôi, được đến đâu thì được, sau đó sẽ tính tiếp. Hình ảnh của bố lúc em bỏ nhà ra đi cứ chờn vờn thôi thúc em, lúc ấy người ông gầy đét không còn sức sống, ông thều thào thở không ra hơi, nói ngắt quãng. Lẽ nào đây lại là hình ảnh cuối cùng của người cha hay sao? Khổ thân em, từ khi em đi làm có tiền gửi về, mẹ em bảo bố em khỏe ra nhiều đã đi chơi quanh làng được rồi, em mừng lắm định khi nào có điều kiện về thăm bố sẽ nói chuyện thật nhiều với bố. Thế mà! Đâu ngờ tai họa ập xuống đầu, em chưa kịp thực hiện được mong muốn thì bố em đã bỏ chúng em ra đi tất tưởi. Em đau khổ và ân hận.
  Hơn 5 tuổi đầu mới biết mặt bố, hơn mười năm trời đằng đẵng, bố mím môi mím lợi chịu đựng bệnh tật cùng với mẹ chắt chiu hạt thóc củ khoai còm cõi nuôi các con ăn học. Thế mà trời không thương, bắt bố em nửa đường đứt gánh để chúng em côi cút, mẹ em góa bụa. Em còn bao nhiêu điều cần hỏi bố mà chưa hỏi được. Khi ông còn sống, phần do em còn nhỏ hiểu biết nông cạn nên chưa có gì để chia sẻ cùng bố, đến lúc lớn lên đi ăn đi học, sống xa bố mẹ nên không hỏi được, mặt khác bố ốm đau liên miên nên cũng không dám làm phiền bố.
   Càng nghĩ càng thương bố vất vả, những năm bố về phục viên ở nhà  em đã biết bố vất vả thế nào để nuôi chúng em ăn học, còn những năm bố ở trong quân ngũ thì em không biết, chưa khi nào bố em kể cho chúng em nghe. Sự gian khổ vất vả của bố em, em chỉ suy diễn từ những chuyện anh kể khi anh đi vào chiến trường Miền Nam để suy ra. Em nghĩ đơn giản: Đã là bộ đội đi chiến trường thì tất cả mọi người ai ai cũng đều gian khổ và vất vả, mà bố em cũng là bộ đội, chuyện vất vả của anh cũng là chuyện vất vả của bố em.
   Em còn nhớ, anh kể: Ngày ấy, bộ đội ta hành quân từ Bắc vào Nam, hầu hết phải đi bộ. Có đơn vị đi một vài tháng, có những đơn vị đi dăm bảy tháng… Biết bao nhiêu những chặng đường hành quân ngày nghỉ đêm đi, và những chặng ngày đi đêm nghỉ. Trên vai bộ đội lúc nào ba lô cũng nặng chĩu quân tư trang vũ khí đạn dược, mồ hôi ướt đầm lưng áo thấm xuyên qua lớp lót lưng thấm ướt cả quần áo trong ba lô. Mỗi chặng đường hành quân, áo quần bộ đội không biết khô ướt bao nhiêu lần, lúc thì muối trắng xóa lưng áo, khi thì bùn đất lấm bê bết. Không thể đếm được bao nhiêu chặng đường hành quân ban đêm và những chặng đường hành quân ban ngày. Đã có lệnh hành quân, không kể đêm hay ngày, mặc cho mưa gió mặc cho nắng rát, bộ đội vẫn lầm lụi băng rừng trèo đèo lội suối, nhiều khi phải chạy tốc lực để vượt qua những bãi bom B52 tử thần…
  Anh còn nói: Rừng trường sơn là rừng nhiệt đới, song song tồn tại ba lớp, lớp dưới cùng là thảm thực vật, lớp thứ hai là loài thân dây leo, lớp thứ ba là tán lá cổ thụ. Hành quân vào mùa khô đi trong rừng già mát mẻ, suối chảy róc rách, chim kêu vượn hót nghe vui tai, mệt thì mệt nhưng bộ đội còn lạc quan yêu đời. Hành quân vào mùa mưa thì cực khổ vô cùng, trơn trượt ngã oành oạch. Vừa đắc chí cười người khác ngã thì ngay lập tức đến lượt mình, có những cú trượt ngạc nhiên đến nỗi dép cao su trượt lên tận đầu gối mà quai không bị tuột không bị đứt, lại kéo xuống tiếp tục hành quân…
   Rừng nhiệt đới có vô số những loại côn trùng. Thời kỳ đầu, mới nhìn thấy con vắt là đã sợ lắm rồi, con nào con nấy cứ dựng đứng lên, đầu ngo ngoe hướng về bước chân của bộ đội. Sau do nhìn thấy quá nhiều, chúng tụ lại thành từng bãi từng bãi dầy như gai mít, bộ đội mệt quá cũng mặc kệ cho chúng nó bâu và muốn cắn đâu thì cắn cũng chẳng thèm đếm xỉa. Thực ra có bắt cũng không hết mà chỉ dùng que tẩm thuốc chống vắt gạt đi được đến đâu thì được. Chả thế mà nhiều đêm khi có lệnh dừng chân ngủ lại, bộ đội chỉ kịp mắc võng lăn ra ngủ, sáng ra nhìn thấy ở đáy võng dăm bảy chú vắt, có con bị đè bẹp máu me be bét, có con tròn ung ủng bụng đầy máu. Ngoài ra, rừng nhiệt đới còn có một loại rắn lục rất nguy hiểm, chúng không động đậy như loài vắt mà nằm vắt vẻo trên cây, da  xanh lét, mắt lơ láo quan sát, sẵn sàng bổ nhào vào đầu vào cổ bộ đội, chúng phun nọc cực độc vào những nơi ấy thì biết garo chỗ nào?
   Còn nữa! Bộ đội càng hành quân vào sâu trong chiến trường, khói lửa chiến tranh và chết chóc lại càng gần hơn. Tiếng máy bay địch gầm rít quần đảo trên đầu suốt ngày đêm, tiếng bom nổ, tiếng rít xé gió của đạn pháo. Chiều đến, khi hoàng hôn chưa kịp tắt thì pháo sáng đã bắn dầy đặc trên bầu trời, thứ ánh sáng ma quái soi rõ từng gốc cây ngọn cỏ. Đây đó dọc đường hành quân vẫn còn những đám cháy mịt mù khói lửa, mùi khói bom khét lẹt của những trận bom Napan. Xa xa thấp thoáng những bóng người ẩn hiện trong ánh lửa bập bùng, những băng ca cứu thương chạy đi vội vã. Chiến tranh và cái chết đã gần hơn…
   Thế mà! Vẫn rất nhiều những đoàn quân dài vô tận, không biết đầu đoàn đã đi đến đâu và cuối đoàn đang ở chỗ nào? Đoàn quân này lại gặp đoàn quân khác và nhiều đoàn quân khác nữa cứ thế kéo dài mãi dài mãi. Chỉ đi trong đội hình hành quân mới thấy được sự gian khổ vất vả và những thông minh sáng tạo của bộ đội. Rừng trường sơn trăm vạn nẻo đường là trăm vạn cách rấp lối đánh dấu để đoàn quân đi không lạc. Trong trăm vạn nẻo đường khác nhau nhưng có rất nhiều điểm giống nhau, đó là những bậc xẻ ở đoạn leo dốc, những lan can tay vịn để không trượt ngã, những chiếc gậy được chặt sẵn để ở nơi trơn trượt, những chiếc giá đỡ ba lô để bộ đội tựa vào đó mà nghỉ ngơi cho đôi vai đã hằn lên chai sạn…
  Em nhớ, tối hôm ấy anh kể  rất nhiều nên anh không muốn kể nữa, anh bảo: Nghĩ lại chặng đường hành quân đi chiến đấu thì thật là khủng khiếp, song cũng đầy vinh dự và tự hào. Đã có hàng triệu triệu người từng hành quân trong cuộc trường trinh ấy, nhưng rất lạ kỳ là không một ai trong số họ có thể kể đầy đủ sự gian khổ vất vả mà họ đã phải chịu đựng trên dọc đường hành quân. Không phải mọi người không biết, tất cả điều biết song vì nó nhiều quá, nhiều đến nỗi không bộ não nào có thể nhớ hết được và cũng không sách vở bút mực nào có thể chứa hết được. Những người lính chỉ còn lưu lại trong mình một vài kỷ niệm không thể nào quên. Chỉ kể đến đấy rồi anh dừng lại.
  Em tò mò muốn biết, cố gặng hỏi nhưng anh cứ chối, mãi sau anh mới nói nhưng giọng anh rất buồn: Chuyện ấy! Anh xem là một kỷ niệm buồn đối với anh. Anh bị Ban chỉ huy hành quân khai trừ ra khỏi Đoàn thanh niên lưu sáu tháng, vì mắc khuyết điểm nổ súng làm lộ bí mật hành quân. Thật oan uổng cho anh… Chiều hôm ấy như thường lệ, đơn vị ăn cơm xong lúc 4 giờ 30. Bộ đội nghỉ ngơi, chỉnh đốn quân tư trang để chuẩn bị hành quân. Đúng 6 giờ đoàn quân rùng rùng xuất phát, khoảng một giờ sau đoàn quân đã lọt thỏm vào bóng tối của núi rừng trường sơn hùng vĩ.
   Theo thời gian, đoàn quân vừa đi vừa nghỉ theo mệnh lệnh hành quân. Khoảng nửa đêm, trời đổ mưa như trút, bộ đội trùm nilon tiếp tục hành quân. Mưa nặng hạt, gió rừng ào ào thổi từng cơn quất những hạt mưa vào mặt rát rạt. Bộ đội lưng đeo ba lô nặng trĩu, súng khoác trước ngực, một tay bám vào cây cối ven đường, một tay chống gậy dò tìm từng bước lầm lũi bước đi. Có lệnh nghỉ giải lao tại chỗ, anh như cái máy tìm được gốc cây đã đốn sẵn  đặt ba lô lên đó để không bị ướt và ngồi bệt xuống mặc kệ chỗ ấy có gì. Mệt quá, mọi cảm giác gần như tê liệt, anh không còn cảm nhận được gì xung quanh mình nữa và anh thiếp đi. Giật mình tỉnh dậy, trời vẫn mưa, bóng tối vẫn bao phủ đặc quánh. Anh cố tìm  luồng ánh sáng lân tinh đeo trên mũ của người đi trước thì không thấy đâu nữa, anh ngoảnh lại phía sau vẫn thấy mọi người ngồi bất động.
   Anh hoảng hốt. Chết rồi! Không biết người trước mình đã đi lâu chưa? Anh vùng đậy đi tiếp, nhưng phía trước là màn đêm dày đặc, không biết đường đi. Anh đành dừng lại. Một phút quyết định, anh dương súng lên bóp cò. Đoàng! Đạn bay ra khỏi nòng một chớp lửa bừng lên và vụt tắt, khói thuốc súng khét lẹt. Hàng quân đi phía sau anh nhốn nháo, những câu hỏi từ phía sau vọng lại: Có chuyện gì thế ? Ít phút sau cán bộ chỉ huy hành quân đến gặp anh, anh tường trình câu chuyện xảy ra là như vậy. Anh nhận được mệnh lệnh: Dừng tại chỗ chờ! Sáu giờ sáng mai lên gặp Ban chỉ huy hành quân…
   Tiếng còi xe làm em trở về với hiện tại. Em bước nhanh như chạy, vừa bước vừa nghĩ thương bố vất vả, thương các anh bộ đội gian khổ ngày đêm, nghĩ đến những kỷ niệm không thể nào quên của bố chưa kịp thổ lộ với ai bây giờ mang vào lòng đất. Em không cầm được nước mắt vừa chạy vừa khóc, khóc thảm thiết. Có tiếng còi ô tô phía sau nhưng em không quan tâm. Chiếc ô tô chạy vượt lên và dừng lại, chị chủ bước xuống, chị nói gì em không nghe rõ. Chị dìu em lên xe và đóng cửa lại, chiếc xe rồ máy chạy về hướng Hòa Bình.
(Còn nữa).

Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #381 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2016, 02:30:08 pm »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
    Chuyện về em dài lắm, kể một đêm không hết được. Hôm nay cũng đã khuya anh về đi nghỉ để mai làm việc, khi nào có điều kiện em lại kể anh nghe… Lần gặp này rất quan trọng đối với em, vì thế em chủ động tìm gặp anh, chắc hẳn anh cũng đoán ra. Chuyện gì cần nói em cũng đã nói, trước khi tạm biệt, em xin anh một lời khuyên. Lời khuyên này thực sự cần thiết đối với em, nó là lời khuyên để em quyết định phần còn lại của đời em… Lần này anh chỉ được nói được hay không được, đừng như lần trước anh hay nói: “…Hãy suy nghĩ cẩn thận, bảy lần đo một lần cắt…” Nếu anh nói thế nữa em không biết phải làm gì?
   Ngần ấy năm xa anh, đến bây giờ em vẫn chưa có người bạn trai nào. Thời gian qua cũng có nhiều người đến với em, trong số họ có hai người là do chị chủ giới thiệu. Với tất cả mọi người em chưa thể hiện tình cảm với ai, mà chỉ giữ mối quan hệ bạn bè với họ. Lâu dần, có người vẫn duy trì mối quan hệ giữa họ với em, cũng có người vì điều kiện gì đó họ không đến nữa, hoặc năm thì mười họa mới lại thấy họ xuất hiện. Riêng hai người chị chủ giới thiệu, họ vẫn gặp em đều đặn, tháng nào cũng từ một đến hai lần. Thấy họ đi lại nhiều quá em cũng thấy bất tiện, có lần em hỏi đùa chị chủ: Vậy một trong hai người chị bảo em chọn ai? Chị chủ không trả lời mà đánh trống lảng, trong khi đó vẫn dục em trả lời, biết ý chị chủ như thế nên lần nào em cũng cười trừ cho qua chuyện.
   Không phải em kiêu kỳ cành cao cành thấp gì đâu, em cũng muốn có nơi có chốn yên bề gia thất, vả lại em cũng lớn tuổi rồi còn gì. Nhưng không hiểu sao? Mặc dù nhiều lần em đã tặc lưỡi cho qua, xuề xòa chín bỏ làm mười để chọn lấy một người làm bạn cho vui nhưng cũng không được, có thể trong em có hình bóng của ai đó thành ra mọi việc vẫn chưa quyết định được… Đến bây giờ các mối quan hệ của em với mọi người, vẫn ở mức độ bạn bè không phát triển hơn được. Phụ nữ vào tuổi này mà chưa có gia đình cũng sốt ruột lắm chứ anh, có người không đủ kiên nhẫn còn phải đi xem thầy xem thợ, để biết đường tình duyên của mình khi nào thì đậu.
  Với em vì đã nhúng chàm, em mặc kệ muốn đến đâu thì đến, tất cả  phó thác cho số phận, Em nhớ có lần ông nội nói chuyện: “ Con ơi! Mọi việc trên đời, đều do con người bầy ra, nhưng thành công hay không thành công là do ông trời quyết định con ạ…” Cứ ngẫm câu ông nội nói nên em mặc kệ con đường tình duyên của mình cho ông trời, với lại em là phụ nữ nên có muốn quyết định cũng không được…
  Cũng phải nói thật với anh, em không phải gỗ đá, tình cảm của em cũng có lúc rung động với một ai đó. Trong số những người đến với em, em thấy mến một người và nể trọng một người, họ là một người Việt Nam và một người nước ngoài. Hai con người này cũng đôi lúc làm em đau đầu suy nghĩ, khi thì em thiên về người này khi thì em lại chọn người kia, nhiều lúc chẳng biết ai hơn ai, em bí quá tặc lưỡi cho qua. Nhiều lần như vậy, cộng với mặc cảm mình đâu còn là gái trinh, hơn nữa sâu thẳm con tim em sẵn có cái bóng của một người, nên nhiều lúc em mơ hồ: Hay là mình thành bà mẹ đơn thân…
   Hai người này đều tốt anh ạ! Em hoàn toàn không nghi ngờ về lòng tốt của họ dành cho em. Họ đến với em bằng tình cảm chân thành, đổi lại em cũng đối xử với họ bằng sự lễ phép và tôn trọng. Thời gian chúng em quen biết nhau cũng đến hơn hai năm, song quan hệ của em vẫn chỉ dừng lại ở mức độ tình bạn, mặc dù cả hai con người này đã thẳng thắn đặt vấn đề với em…
   Mùa mưa năm ngoái em gặp nạn, em tưởng họ sẽ khinh bỉ và xa lánh em. Nhưng không! Em thấy tình cảm của họ đối với em không có gì thay đổi. Em nghi ngờ? Hay họ không biết chuyện đã xảy ra đối với em, hoặc họ biết nhưng vì lý do tế nhị nên họ tránh động đến vấn đề nhạy cảm ấy… Chuyện này cũng làm em đau đầu mất một thời gian, cuối cùng không có cách nào khác em tự an ủi mình: Cái gì đến nó sẽ đến, không nên chưa khảo đã xưng… Nhưng em lại thấy áy náy: Cái kim để trong bọc lâu ngày nó cũng lộ ra huống chi chuyện đã xảy ra với em…
   Rất nhiều đêm em trần trọc không ngủ được, nội tâm con người em đấu tranh gay gắt. Nói hay không nói cho họ biết chuyện đã xảy ra với em? Đã hơn một lần, em mang chuyện tương tự như đã xảy ra đối với em kể thành câu chuyện cho hai người ấy nghe để thăm dò phản ứng của họ. Khổ nỗi anh bạn người Hà Lan biết rất ít tiếng Việt, thành ra em cũng không hiểu phản ứng của anh với chuyện ấy thế nào? Trong khi đó chị chủ có vẻ như đã từng trải, vì chị giới thiệu anh này cho em, chị nói tỉnh bơ: Chị đã nhiều lần nói chuyện với ông ta rồi, biết người Châu Âu họ không quan niệm chuyện ấy còn hay mất, họ bảo ai cũng có quá khứ, không nên lục lại quá khứ của nhau làm gì… Điều người ta cần ở người vợ là khi đã lấy nhau rồi thì sống với nhau như thế nào để thực sự hạnh phúc… Chị chủ nói vậy em biết vậy, thực ra em đã va chạm bao giờ mà biết, nhưng trong thâm tâm em cũng tin điều ấy có thể  đúng, ít ra là đúng với anh bạn người Hà Lan này. Sở dĩ tại sao em lại ngộ nhận như vậy: Vì đã một vài lần em ngồi chơi với anh người Việt Nam, trong khi đó anh người Hà Lan vẫn chờ ở ngoài đến 3- 4 tiếng đồng hồ để được tặng em bó hoa hay một gói quà nhân dịp gì đó…
   Với anh người Việt Nam, phản ứng của anh về câu chuyện mà em kể rất khó hiểu. Ban đầu, anh trầm ngâm lắng nghe, đến khi câu chuyện kết thúc anh vẫn im lặng. Trong quá trình kể chuyện, em chăm chú quan sát nét mặt và những biểu lộ tình cảm của anh đối với câu chuyện, nhưng anh vẫn ngồi im chăm chú nhìn vào lọ hoa để giữa bàn. Kết thúc câu chuyện cũng không thấy anh có phản ứng gì, khi ấy em trở thành người bị động, tay chân thừa thãi chẳng biết làm gì để lấp khoảng trống im lặng kia, chả lẽ lại dục xem quan điểm của anh ta thế nào?
  Thực ra, em cũng không tìm hiểu nhiều về anh này. Anh ấy người Nam Định, là kỹ sư mỏ. Hiện đang công tác tại Tổng cục mỏ địa chất ở Hà nội, được tăng cường lên đây để giúp địa phương xây dựng kế hoạch khai thác quặng. Anh không ở khách sạn của chị chủ, mà ở cơ quan của tổng cục đóng tại địa phương cách khách sạn vài ba trăm mét, thi thoảng thứ bảy hay chủ nhật anh lại sang chỗ em chơi. Nghề nghiệp của anh chắc cũng vất vả, thấy anh đi vào rừng suốt lâu lâu mới lại về. Mỗi lần về, thế nào cũng có quà cho em bằng một bó hoa rừng hay một vài viên đá hình thù kỳ dị được tỉa tót lau chùi sạch sẽ.
  Lần ấy khi nghe chuyện em kể, sau hồi lâu im lặng. Anh nói chậm dãi,  cảm thông và chia xẻ nỗi yếu đuối của người phụ nữ trong chuyện em kể. Anh bắt đầu với giọng trầm ấm, để diễn đạt triết lý sâu xa, anh nói:  Toàn thế giới, trong đó có Việt Nam vẫn đang và sẽ còn tồn tại tệ nạn quấy rối tình dục phụ nữ. Vì sao như vậy! Bởi vì: Bản chất của mỗi con người bao gồm hai thuộc tính, tính con và tính người. Khi con người đến tuổi trưởng thành tất yếu phải có nhu cầu tình dục, và nhu cầu đó là chính đáng, vì thế khi thuộc tính con của mỗi con người trỗi dậy, thì con người ấy phải tìm đủ mọi cách để đạt được mục đích của mình. Nếu như chuyện tình dục xảy ra đúng nơi đúng chỗ, đúng với luân thường đạo lý thì chẳng nói làm gì. Đằng này đã biết đối phương không đồng ý, vẫn sẵn sàng dùng vũ lực để cưỡng hiếp. Thử hỏi, những người phụ nữ chân yếu tay mềm làm sao chống cự nổi với những con người như vậy, kết cục đành khuất phục…
   Thực tế Việt Nam, từ thời Tầu thời Tây có rất nhiều những đứa con lai, đó chính là hậu quả của sự thông dâm hoặc cưỡng dâm giữa người Việt Nam và người nước ngoài, ấy là chưa kể đến sự thông dâm hoặc cưỡng dâm của người Việt Nam với nhau. Chuyện ấy rõ ràng là trái với phong tục tập quán của người Việt Nam, song thực tế vẫn xảy ra…Vậy thì chuyện như em kể là một tai nạn ngoài ý muốn. Vấn đề còn lại ở chỗ em hỏi: Thực tế đau xót như vậy, liệu có người con trai nào chấp nhận sự thật này, để cùng với người con gái thành vợ thành chồng sống hạnh phúc trăm năm cho đến lúc đầu bạc răng long hay không? Vấn đề này rất khó nói, anh kể cho em nghe một câu chuyện sau đó tùy em hiểu thế nào cũng được.
   Chuyện xẩy ra ở một vùng quê vào những năm 1968 – 1969. Thời kỳ ấy cuộc đấu tranh chống Đế quốc Mỹ xâm lược của đồng bào Miền Nam đang vào giai đoạn gay go và quyết liệt. Hậu phương lớn Miền Bắc bằng mọi giá, sẵn sàng chi viện tối đa sức người sức của cho chiến trường Miền Nam. Hàng loạt thanh niên trai tráng lên đường nhập ngũ, có nhiều người xin được tái ngũ và cũng rất nhiều người phải viết đơn tình nguyện bằng máu để được đi chiến đấu.
  Trong số những người ấy, có một người thuộc diện có hoàn cảnh đặc biệt, bố là liệt sĩ thời chống Pháp, nhà chỉ có một mẹ một con nhưng anh ấy cương quyết xin nhập ngũ để được đi chiến đấu. Để đạt được mục đích, nhiều lần anh viết đơn tình nguyện bằng máu, bỏ lại đằng sau những lời khuyên can của mẹ và của họ hàng người thân. Lực cản lớn nhất đối với anh là bà mẹ, song bằng cách thuyết phục tâm linh huyền bí, anh nói với mẹ: Nhiều đêm con mơ thấy bố, bố bảo con: Con cứ yên tâm đi chiến đấu cho bằng chúng bằng bạn, bố sẽ phù hộ cho hai mẹ con…
  Nhưng tại sao anh ta lại có động cơ xin đi chiến đấu mãnh liệt đến như vậy? Sau này mọi người mới vỡ ra: Ngoài những động cơ được cầm súng chiến đấu giống như bố và bao nhiêu chàng trai khác cùng trang lứa, anh còn có một động cơ khác còn mạnh hơn gấp bội, đó là tình yêu. Ngày xưa yêu nhau không giống như bây giờ đâu mà rất bí mật, có thể nói gần như không để lộ cho ai biết. Một lần hai người rủ nhau đi chụp ảnh, chị bắt anh phải mặc quân phục đội mũ có sao và đeo súng ngắn như sĩ quan chỉ huy… Việc làm ấy, có thể là mơ ước của những người phụ nữ về đấng lang quân của mình trong thời chiến tranh, có lẽ thế nên anh sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của chị.
  Anh nhập ngũ, chị ở nhà chờ đợi. Một năm, hai năm, rồi sáu bảy năm không tin tức. Khi ấy, có rất nhiều tin đồn anh đã hy sinh. Trong hoàn cảnh ấy, con trai ông cán bộ huyện do dị tật bẩm sinh không đủ sức khỏe nhập ngũ nên được ở nhà làm cán bộ xã, đến đặt vấn đề xin được cưới chị về làm vợ. Thật là một thử thách quá lớn đối với chị! Trai thời loạn, người lành lặn đủ sức khỏe thì đi chiến trường, ở nhà chỉ còn lại những người dị tật. Trong khi đó, người yêu ra đi đằng đẵng ngần ấy năm trời không có tin tức, chị cũng đã quá tuổi đôi mươi. Đồng ý hay không đồng ý? Bên bố mẹ đẻ của chị nói là tùy con quyết định, bên mẹ của người yêu nói: Nếu không làm con dâu mẹ thì làm con gái mẹ cũng tốt, con gái như bông hoa sớm nở tối tàn, con không chờ được đâu…
  Thế rồi chị miễn cưỡng đồng ý, song số kiếp trớ trêu. Lấy chồng được vài tháng, người chồng vắn số ấy cũng ra đi, chị lại xin phép nhà chồng về ở với mẹ người yêu cũ, hai người góa bụa ấy ở với nhau như hai mẹ con... Một lần nữa, duyên số lại đùa với chị, vài tháng sau người yêu cũ trở về trên chiếc xe quân sự, với bộ quân phục giống như bức ảnh năm nào. Chị lại ra đi, không ai biết chị đã đi đâu… Anh đi tìm chị, tìm mãi… Mẹ anh bảo: Con đã lớn tuổi rồi, lấy ai tùy con quyết định mẹ không cản… Anh vẫn đi tìm chị, cuối cùng anh tìm được, và anh quyết lấy chị làm vợ, anh nói: Nếu em không đồng ý thì anh ở vậy!
  …Chuyện vắn tắt như vậy, em nghĩ sao thì tùy em!
  Anh kết thúc câu chuyện có hậu làm em nửa mừng nửa lo, sau này mỗi lần gặp nhau chúng em vẫn nói chuyện với nhau xoay quanh chủ đề tình yêu.
( Còn nữa ).
   


Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #382 vào lúc: 28 Tháng Mười Một, 2016, 04:20:08 pm »

HUYỆN SAU CHIÊN TRANH
6- Số phận
    Cả buổi tối gặp nhau, gần như Thủy không nhường cho Hoàng được nói câu nào cho đầy đủ, ngay cả lúc Thủy có ý định chia tay cũng thế, Thủy cứ nói ào ào như sợ bị Hoàng chen vào. Hoàng vẫn ngồi yên, lắng nghe và suy nghĩ…Lúc này, Thủy đã mấy lần nói lời chia tay, nhưng mọi cử chỉ từ ánh mắt đến hành động đều diễn ra như cố kéo dài thời gian chia tay. Không gian chậm chạp trôi, đêm đã về khuya, ngoài kia phố xá đã vắng người qua lại, trong phòng ánh sáng đèn neon sáng rực. Thủy ngồi bất động ngước đôi mắt đẫm lệ nhìn Hoàng như muốn cầu xin ở Hoàng một cái gì đó, Hoàng bối rối ôm lấy hai bàn tay bé nhỏ đang run lên vì xúc động của Thủy, Hoàng nhìn vào chiếc khăn mùi xoa, cố tránh ánh mắt bừng bừng sầu hận của Thủy đang nhìn Hoàng. Thủy nói với Hoàng:
 - Hoàn cảnh của em đang đứng giữa ngã ba đường, theo anh em nên rẽ theo đường nào? Một là theo anh người Hà Lan, hai là lấy anh kỹ sư mỏ người Nam Định, ba là ở vậy làm bà mẹ đơn thân… Đây là một quyết định vô cùng khó khăn đối với em, em cảm thấy mình không đủ can đảm và nghị lực để quyết định, em cần anh cho em một lời khuyên, đấy là lý do chính để em tìm đến anh.
 Thủy dừng lại nhìn xuống đôi bàn tay của Hoàng đang ôm chặt hai bàn tay mình rồi nghẹn ngào nói tiếp:
   -Nếu em đồng ý lấy chồng người Hà Lan, đồng nghĩa với việc em rời bỏ quê hương, rời bỏ Tổ Quốc, đi đến một phương trời xa lắc.  Ở nơi ấy còn đâu cây đa bến nước sân đình, còn đâu cảnh khói lam chiều là là trên từng mái bếp, còn đâu mùi thơm ngầy ngậy của hương lúa mới khi mùa về, còn đâu tiếng sáo diều vi vu trên vòm trời xanh thẳm giữa trưa hè oi ả, còn đâu hình ảnh những đàn trâu bụng no tròn lững thững về chuồng với tiếng mõ lốc cốc nghe vui tai khi hoàng hôn buông xuống, còn đâu tiếng gà gáy sang canh của làng quê nghèo yên ả, còn đâu tiếng chuông chùa ngân nga dìu dặt từ ngôi chùa cổ kính thâm nghiêm… Ôi! Quê hương em nghèo đói nhưng sao thanh bình đến thế… Vì sao em phải bỏ nó mà đi? Vì sao em phải đào sâu chôn chặt tất cả kỷ niệm vào dĩ vãng? Phải chăng đó là số phận ông trời đã định đoạt mà em không cưỡng lại được đúng không anh? Em không dám nghĩ tiếp nữa…
  Đi rồi, ở đấy cách Việt Nam chừng nửa vòng trái đất, biết bao giờ mới lại được về thăm mẹ, thăm em, thăm cô gì chú bác. Biết khi nào mới lại được thắp một nén hương cho người bố tội nghiệp, người đã nuôi mình khôn lớn, người đã cống hiến cả cuộc đời vì độc lập tự do cho tổ quốc rồi đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn mang trong mình vô số những vết thương của chiến tranh… Em sẽ sống thế nào? Khi nơi ấy không có ai thân thuộc, ngày qua ngày chỉ tiếp xúc với những người khác mầu da, khác tiếng nói, khác phong tục tập quán… Lấy nhau rồi, khi vợ chồng vui vẻ thì không sao, những lúc vợ chồng lục đục thì họ đối xử với em ra sao, liệu họ có lẳng em ra ngoài đường không? Khi ấy em biết đi đâu về đâu…
   Muôn vàn tình huống sẽ xảy ra mà em chưa hình dung được, em sẽ phải sống thế nào để phù hợp với hoàn cảnh đây? Nếu như chấp nhận ra đi, điều an ủi duy nhất của em khi các tình huống ấy xảy ra chỉ vẻn vẹn một câu nói của ông nội khi em còn bé lắm: “Cái khó sẽ ló cái khôn”. Em hy vọng em sẽ biết cách để vượt qua. Nhưng điều đáng lo nhất của em, không biết thời gian có giúp em vượt qua được không? Đó là: Bao giờ thì em mới yêu anh ấy?Thật khó trả lời.
  Đổi lại những khó khăn như vậy, em được cái gì? Em nghĩ là em đã chạy trốn được sự thật, ở nơi ấy người ta không biết em là con Cave; Em được đi Tây; Em có người bảo trợ để có công ăn việc làm; Em có cuộc sống đầy đủ; Em có một ông Tây để gọi làm chồng; Em sẽ có con và em lo lắng không biết những đứa con ấy nó sẽ ra sao? Giống em hay giống anh ấy? Giống bên nội hay bên ngoại? Ôi! Càng nghĩ càng buồn. Trong muôn vàn vấn đề em chưa hình dung hết, em đang nơm nớp chờ đợi sự may rủi, chỉ có một điều em hoàn toàn thất vọng ngay từ bây giờ, vì em đã khẳng định: Con của em, chúng nó sẽ quên tổ tiên của mẹ nó… Vậy đấy! Chạy trốn sự thật, chạy chốn dư luận để lấy chồng Tây, đấy là cái giá mà em phải trả và em phải chấp nhận những điều như vậy có đúng không anh?
  …Còn nếu như, em lấy anh kỹ sư khai thác mỏ người Nam Định, em không bị mất đi những thứ đó. Nhưng em  phải chấp nhận chồng em là một thương binh đã mất bộ phận sinh dục, không còn khả năng sinh sản nữa. Vĩnh viễn chúng em không có con với nhau, đồng nghĩa với việc chúng em không có sợi dây yêu thương nối liền tình cảm vợ chồng. Có thể cách này hay cách khác chúng em vẫn có thể sống với nhau và yêu thương nhau, chúng em sẽ xin một đứa con nuôi cho vui cửa vui nhà. Nhưng ngiệt ngã thay khi chúng em còn rất trẻ, đang tràn đầy nhựa sống, chúng em thèm muốn khát khao tất cả, trong đó có đời sống tình dục. Anh ấy như vậy, em phải vượt qua thế nào đây khi em mới hơn 20 tuổi đầu?… Còn nữa, việc em không sinh cho anh ấy một đứa con, em không được mang nặng đẻ đau là điều em không tưởng, em vẫn chưa đủ vốn sống và nghị lực để vượt qua… Em vẫn biết nếu em vượt qua được trở ngại này, thì hành động ấy của em sẽ được xã hội ghi nhận sự cống hiến và hy sinh vì sự nghiệp xây dựng đất nước, đã chấp nhận hy sinh hạnh phúc cá nhân để mang lại hạnh phúc cho các anh thương binh, bệnh binh sau chiến tranh. Anh nghĩ sao về điều này?
  Về phía anh ấy, cũng có lúc em hơi hoài nghi: Tại sao? Anh ấy chấp nhận lấy em khi biết em không còn là con gái? Có phải anh ấy chấp nhận hy sinh cho em không? Hay là anh ấy thương hại em? Và nếu như anh ấy không phải là thương binh còn em không còn là con gái thì liệu anh ấy có lấy em không? Câu chuyện mà anh ấy kể để bắt em tự suy nghĩ có liên quan gì đến chuyện này không? v.v. Không hiểu sao? Khi anh ấy ngỏ lời yêu em, em cảm động và rất thương anh ấy, có thể vì anh ấy là thương binh có hoàn cảnh đặc biệt. Sau đấy, em rất vui vì em vẫn có người yêu thương, song em lại thấy quá thiệt thòi cho anh ấy. Anh là bộ đội, đã từng vào sống ra chết và bị thương không còn khả năng sinh sản nữa, bây giờ lấy vợ, vợ không còn trọn vẹn… Thương anh ấy quá, em lại nghĩ em không xứng đáng với tình yêu của anh ấy trao cho em…
   Nghĩ mà tủi thân và hận cuộc đời này sao vẫn còn rất nhiều những kẻ có chức có quyền có tiền, nhưng táng tận lương tâm, đang ngang nhiên tồn tại. Chúng sung sướng hả hê chiêm ngưỡng sự đau khổ của người khác, chúng tìm mọi cách để chà đạp lên tất cả, miễn sao chúng có được: Chức; Quyền; Tiền; Tình… Em cũng chỉ là một trong muôn vàn nạn nhân của lũ người ấy. Em hỏi anh: Công lý để đâu? Bên cạnh đấy em lại nghĩ đến các anh bộ đội, trong đó có bố em, có anh và anh kỹ sư kia. Sao mọi người chỉ biết cống hiến và sẵn sàng hy sinh vì mọi người? Có phải bố em và các anh bộ đội sinh ra là để làm những việc đó không?
   Trở lại chuyện anh kỹ sư người Nam Định. Theo anh ấy kể: Chiến tranh đã làm anh thay đổi số phận, anh cũng đi bộ đội giống như bố em. Năm 1972, trong một trận chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị, anh bị thương vào bộ phận sinh dục phải cắt bỏ đi một phần và một vài bộ phận khác, bác sĩ nói khả năng sinh sản của anh là rất thấp hay nói cách khác là không thể… Có thể, chính vì sự thật này nên anh ấy kể chuyện với em rất tự nhiên không có gì dấu diếm cả. Em nhớ lần anh kể chuyện ấy cho em nghe, sau đó anh nói:
  -Tất cả sự thật về con người anh, anh đã kể hết để em biết. Điều mà anh sắp nói với em đây là sự thật 100%, nó xuất phát tự đáy lòng anh, và được anh cân nhắc qua rất nhiều đêm, anh đã và rất nghiêm túc về vấn đề này. Có thể em cho anh đường đột, song anh nghĩ rằng anh không có cơ hội như những người bình thường khác để chờ thời điểm chín muồi. Với anh tất cả đều rõ ràng, tình yêu đến với anh có lẽ chỉ có thể có được từ sự cầu xin và sự chấp nhận hy sinh của một người con gái…
   Ngay lúc ấy linh tính bản năng của con gái, em biết anh ấy định nói gì và em cũng nhanh chóng chuẩn bị câu trả lời. Anh có biết anh ấy nói với em thế nào không? Anh ấy nói:
  -Anh yêu em Thủy ạ, anh rất yêu em! Anh biết em sẽ rất khó khăn để trả lời anh, nhưng không sao. Em trả lời thì quá tốt cho anh, em không trả lời cũng được. Anh chỉ muốn em biết rằng em là người mà anh đang thầm yêu trộm nhớ và muốn được cùng em nên nghĩa vợ chồng để an ủi anh trong phần đời còn lại. Với anh như thế là đủ lắm rồi…
  -Em cám ơn anh! Em hạnh phúc quá, lần đầu tiên trong đời em được nghe câu này. Em đang vô cùng xúc động, em chưa biết trả lời anh thế nào. Xin anh hãy cho em thời gian và đừng thương hại em…
   Cho đến bây giờ em vẫn chưa trả lời anh ấy, có thể anh ấy nghĩ em đã ngả sang ông người Hà Lan rồi. Khổ nỗi, đúng  khi ấy ông giám đốc chi nhánh nhà máy bia Heinerken tại Sài Gòn đang hối hả chuẩn bị thủ tục để em đi học, có lẽ vì thế nên anh ấy hiểu nhầm. Thực tế cho đến bây giờ, em chưa nhận lời ai cả, em vẫn còn do dự để đi theo ngả đường thứ ba, em chấp nhận làm bà mẹ đơn thân.
   …Em nghĩ kỹ rồi, nếu em đi theo con đường thứ ba thì em được nhiều hơn mất, với lại em còn gì để mà mất. Đương nhiên là em phải trả giá rồi, cái giá không chồng mà lại có con cũng ghê gớm lắm. Nhưng không sao! Cái đấy chỉ mình em chịu, vả lại em đã mang tiếng một lần rồi, có mang tiếng thêm lần nữa cũng chẳng sao. Điều quan trọng nhất đối với em là em cần có đứa con với người mình yêu, thế là đã quá đủ đối với em rồi…
   Còn con em, em sẽ nói với nó: Khi nào lớn lên con sẽ hiểu và thông cảm cho mẹ. Nếu con yêu mẹ thì hãy tin mẹ! Con là sự kết tinh tình yêu giữa bố và mẹ, nhưng vì duyên phận nên bố mẹ không lấy được nhau. Lỗi là ở mẹ, vì thế mẹ chấp nhận hy sinh tất cả để có được con. Khi ấy bố con đã có gia đình, mẹ vẫn năn nỉ cầu xin bố con hãy cho mẹ một đứa con. Ban đầu bố con không đồng ý vì thương mẹ không có danh phận, con thì thua thiệt so với chúng bạn, lương tâm bố con cắn rứt v.v. Nhưng bằng tình yêu mãnh liệt mẹ đã ép bố con phải chấp nhận và giọt máu đó chính là con bây giờ. Một điều nữa mà con cũng phải tin ở mẹ, đừng làm mẹ buồn: Bố con là người rất tốt, rất yêu con, lúc nào cũng ở rất gần con, song vì hoàn cảnh và điều kiện xã hội nên không thể chăm sóc con được, con hãy tha thứ cho bố mẹ…
  Đấy là những điều em cần nói với anh, ước muốn của em bây giờ là được làm bà mẹ đơn thân và chỉ có anh, cũng duy nhất chỉ có anh mới là người giúp em hoàn thành ước nguyện này… Bây giờ, chắc là anh đã hiểu tại sao ròng rã ngần ấy năm trời trong con tim em chỉ có hình bóng của anh? Ngày ấy, em khắc khoải đợi chờ anh nói với em ba từ: “Anh yêu em”…
     Thôi chuyện xưa là như vậy, hờn để làm chi trách móc làm gì, âu nó là số phận…
(Còn nữa).
     
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #383 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2016, 02:26:25 pm »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
     Đã gần 3 giờ sáng, Hoàng không sao chợp mắt được, phần vì câu chuyện của Thủy tối hôm qua, phần vì anh bạn cùng phòng ngáy to quá. Trần trọc mãi, đã mấy lần Hoàng đánh động để anh bạn thay đổi tư thế nằm, nhưng dù ở tư thế nào anh bạn vẫn ngáy và mỗi tư thế lại có âm điệu khác nhau. Bất lực, Hoàng ra ban công nhìn về phía ngôi nhà Thủy đang ở, nghĩ miên man… Không biết đêm qua Thủy có ngủ được không? Chắc hẳn Thủy đang chờ đợi ở Hoàng một lời Khuyên. Với Thủy, có thể Thủy chọn cách làm bà mẹ đơn thân, chẳng những thế Thủy còn ám chỉ người giúp đỡ Thủy để hoàn thành ước mơ ấy lại là Hoàng. Hoàng nghĩ: Không biết những điều Thủy nói mức độ nghiêm túc đến đâu, hay chỉ là để thử thách Hoàng. Nhưng xem lại toàn bộ thời gian hai người quen nhau cho đến khi Thủy gặp nạn, cộng với tính cách của Thủy thì đây có thể là vấn đề nghiêm túc…
   Đường phố không bóng người, chỉ có những ngọn đèn đường tỏa ánh sáng vàng vọt yếu ớt. Xung quanh những ngọn đèn là vô số những con thiêu thân cố lao vào bu đầy, con sống con chết xác rơi chồng chất dưới gốc cột đèn. Bầu trời tối đen, thi thoảng mới bắt gặp những ngôi sao bé li ti lúc ẩn lúc hiện ở nơi xa lắm. Phía đằng Đông, ngôi sao Mai lấp lánh chuẩn bị đón chào một ngày mới. Tiếng kêu lạc lõng gọi bầy của những con chim lạc đàn đi ăn đêm đang di chuyển về phương Bắc.
   Hoàng hết đứng lại ngồi, đi đi lại lại, tâm trạng bồn chồn. Hoàng băn khoăn suy nghĩ cố tìm ra một lời khuyên để trả lời theo yêu cầu mà Thủy đưa ra tối hôm qua… Hoàng sẽ phải khuyên Thủy lựa chọn phương án nào trong ba phương án? Hình như trong giọng nói, trong ánh mắt của Thủy có gì đó rất khó hiểu. Hoàng lơ mơ nhận thấy trong câu chuyện này có gì đó liên quan đến vợ và các con Hoàng. Chợt Hoàng nghĩ đến vợ. Giờ này chắc mẹ con cu tý vẫn ôm nhau ngủ, cái gái không biết ở nhà ngủ với bà hay ngủ bên nhà mẹ Nguyệt. Tội nghiệp cho mẹ Nguyệt của nó cũng cô đơn lắm, cũng may mà có nó sang còn đỡ cô quạnh…
   Chuyện cô đơn của mẹ Nguyệt nó, không biết nguyên nhân từ đâu? Có phải do Hoàng do Nguyệt hay là do chiến tranh? Hoàng chưa xác định được. Thật ra việc này Hoàng cũng chưa đầu tư thời gian suy nghĩ một cách nghiêm túc, Hoàng vẫn nghĩ ngày ấy mình còn trẻ con, mặt khác cũng từ ngày ấy Hoàng xa quê hương đi học đại học rồi đi bộ đội, chiến tranh kết thúc Hoàng trở về tiếp tục đi học, ra trường là đi nhận công tác ở công thủy điện Hòa bình. Xa quê biền biệt ít khi về thăm quê, hơn nữa cũng trong thời gian ấy trong tim Hoàng đã thấp thoáng bóng dáng cô nữ sinh trường sư phạm mẫu giáo. Thế rồi vật đổi sao rời, Cô nữ sinh ấy ra trường nhận công tác, khó khăn chồng chất khó khăn làm hai người mất liên lạc với nhau…Sau hơn một năm trời, Hoàng không đủ cơ sở để chờ đợi, cộng với hoàn cảnh gia đình neo đơn, Hoàng buộc phải về quê lấy vợ…  Mãi đến lúc Hoàng và Luyến chuẩn bị làm hôn lễ, nhân chuyến Nguyệt và Luyến lên thăm Hoàng trên công trường thủy điện Hòa Bình, khi ấy Luyến mới kể lại cho Hoàng nghe chuyện Nguyệt đã đơn phương yêu Hoàng như thế nào? Và tại sao Nguyệt lại làm mối để Luyến lấy được Hoàng.
   Minh chứng của những chuyện tình đơn phương ấy, là những kỷ vật mà Nguyệt đã đưa cho Luyến giữ làm kỷ niệm, đó là bức thư của Hoàng viết cho Nguyệt khi Hoàng đi học đại học và bộ quần áo dân công hỏa tuyến mà Hoàng đã mặc trong đêm cùng với Nguyệt sơ tán kho lương thực Bình Sơn trong thời kỳ Đế Quốc Mỹ bắn phá Miền Bắc. Và rất nhiều những bức thư tâm sự của Nguyệt viết cho Hoàng ngày ấy, nhưng vì không biết địa chỉ của Hoàng để gửi đi đành giữ lại trong suốt thời gian Hoàng trong quân ngũ. Đi kèm với những kỷ vật ấy, là muôn vàn những câu chuyện nhớ nhung xa cách giữa Hoàng và Nguyệt do Nguyệt thêu dệt trong suốt thời gian chiến tranh.
   Trong những câu chuyện ấy, Hoàng cảm động nhất là chuyện: Cứ mỗi lần có gia đình nào đó đến đặt vấn đề xin Nguyệt về làm dâu, lần nào Nguyệt cũng từ chối. Bố Nguyệt cảnh gà trống nuôi con, thương con nên không nỡ ép buộc. Song vì Nguyệt cũng đã lớn tuổi, bố Nguyệt thì già lại đau yếu luôn. Vì thế chuyện tình cảm bố con cũng có lúc sóng gió, những lúc như vậy Nguyệt chỉ còn biết chạy vào buồng ôm những kỷ vật ấy vào lòng mà khóc để hy vọng và chờ đợi. Khổ nỗi! Đến khi chiến tranh kết thúc, Hoàng trở lại thăm quê hương, thăm bố mẹ anh chị em ruột thịt và bà con chòm xóm, thăm chị Thịnh, thăm Nguyệt. Lần ấy chị Thịnh có nhắc đến bức thư Hoàng gửi cho Nguyệt, nhưng vì Hoàng đang nôn nóng trở lại trường để nhập học, thành thử Hoàng quên mất. Có lẽ khi ấy, Nguyệt vẫn hy vọng và âm thầm chờ đợi…
   Thế rồi chuyện học hành thi cử, chuyện cơm áo gạo tiền vật lộn với cuộc sống mưu sinh của thời kỳ sau chiến tranh, Hoàng đã quên đi tất cả. Sau những chuỗi ngày gian khổ vất vả đèn sách và bệnh tật, cuối cùng Hoàng cũng đạt được mục đích để có được tấm bằng đại học. Hoàng lại hối hả khoác ba lô lên Hòa Bình để nhận công tác. Cuộc sống mới trên thị xã miền núi cửa ngõ vùng Tây Bắc, có muôn vàn cái mới cái lạ, Hoàng vẫn phải tạm quên đi để nhanh chóng hòa nhập vào công việc khảo sát thiết kế của Đoàn thiết kế thủy điện Hòa Bình.
   Ngày tháng thoi đưa, chợt nhìn lại mình Hoàng đã 32 tuổi đời mà vẫn phòng không nhà trống. Hơn ba năm trời trên đại ngàn Tây Bắc hùng vĩ, Hoàng sống khép mình nhưng hoàn cảnh đưa đẩy, Hoàng cũng quen và thân một cô gái tên Thủy kém Hoàng 8 tuổi. Một chàng trai là cựu chiến binh già yếu bệnh tật, một cô gái mới lớn tuổi bẻ gãy sừng trâu. Hoàng rất mến Thủy nhưng không đủ tự tin, vì thế nên Hoàng chưa kịp thổ lộ tình cảm thì đã phải chia tay mỗi người mỗi ngả. Nỗi buồn mênh mông cộng với hoàn cảnh gia đình, Hoàng về quê lấy vợ. Thật lạ lùng, chính khi ấy Nguyệt là người chủ động vun vén Luyến cho Hoàng, Hoàng thật thà tin tưởng vào tình bạn trong sáng giữa Hoàng và Nguyệt, Hoàng đã đồng ý. Khi Hoàng và Luyến chuẩn bị làm đám cưới, khi đó Nguyệt mới tiết lộ danh tính người con trai mà Nguyệt đã thầm yêu trộm nhớ bao nhiêu năm trời cho Luyến nghe.
   Luyến kể lại: Hôm ấy nghe chuyện chị Nguyệt kể, em khóc nhiều lắm. Ban đầu em khóc vì thương chị Nguyệt yêu phải anh chàng bạc bẽo vô tâm, trách chị Nguyệt nhu nhược sao lại chấp nhận con người như vậy. Có những lúc em không  kìm chế được đã nổi khùng lên ôm lấy chị Nguyệt đấm thùm thụp vào lưng, vừa khóc vừa nói : Chị quên con người ấy đi! Quên ngay đi… Sau đó, chờ cho em qua cơn xúc động, chị nói: Lỗi là ở chị! Anh ấy không có lỗi gì, vì chị đã phải lòng anh ấy. Lúc ấy em lại ngơ ngác không hiểu gì… Thời gian qua đi, đến một ngày khi chị Nguyệt và em cảm thấy đã tác thành cho em và anh thành công, em lại hỏi chị: Vậy người chị yêu là ai? Chị buồn rầu hỏi em: Em cần biết để làm gì? Nếu để em trả thù cho chị thì không cần đâu. Em vội chối ngay: Không! Không phải thế. Em muốn biết người đó có gì đặc biệt mà để chị em phải hy sinh cả một thời con gái để thầm yêu trộm nhớ. Chị Nguyệt không trả lời em ngay, chị ngồi im lặng lâu lắm… Em sốt ruột dục chị: Chị nói đi! Em sẽ không làm gì anh ấy đâu mà chị sợ. Chị Nguyệt gồng người lên như để có đủ can đảm nói với em: Người ấy là anh Hoàng của em bây giờ đấy…
  Hoàng nhớ. Khi Hoàng và Luyến đã cưới nhau rồi, có những đêm Hoàng tâm sự với vợ:
  -Chuyện của bác Nguyệt như vậy, theo em anh có lỗi không?
  -Thật ra, con gái chúng em rất nhạy cảm trong tình yêu. Khi chúng em đã có cảm tình với người con trai nào đó, chỉ cần người con trai ấy có những cử chỉ chia xẻ và ánh mắt yêu thương, thì chúng em dễ bị ngộ nhận là người đó có cảm tình với mình, chính vì thế đôi khi dẫn đến sự nhầm lẫn. Nhưng ở đây, anh chị đã có với nhau biết bao kỷ niệm của tuổi thơ, từng ngày từng ngày chồng chất biết bao nhiêu là kỷ niệm. Và kỷ niệm sâu đậm nhất, hiện hữu nhất vẫn là bức thư anh viết cho chị từ giảng đường của trường đại học. Nội dung và ngôn từ của bức thư anh viết cũng không có gì đặc biệt, nhưng câu chốt anh lại chuyển cách xưng hô với tình cảm ấm áp: Hè về! Anh sẽ kể cho em nghe nhiều chuyện đặc biệt…Chỉ cần một câu nói thế thôi, phụ nữ chúng em đã đặt hết niềm tin vào các anh để chung thủy và đợi chờ…
  - Vậy là trong suy nghĩ của em, trong chuyện ấy anh cũng có lỗi!
  - Em nghĩ thế! Bây giờ ván đã đóng thuyền, anh em và chị Nguyệt không ai có thể làm khác được. Đời xưa có sự tích trầu cau, bây giờ theo sự tích ấy, cả anh và em phải biết quý trọng tình cảm của bác Nguyệt giành cho vợ chồng mình. Chúng ta và con cái chúng ta phải có trách nhiệm với bác ấy đến trọn đời.
  Nghe những lời ruột gan của vợ, Hoàng xúc động quàng tay ôm chặt vợ vào lòng thầm thì:
  -Anh cám ơn em! Có câu nói này của em làm anh nhẹ lòng đi một chút.
 …
   Bây giờ lại là chuyện của Thủy. Hoàng hoảng hốt nhận ra: Ôi! Sao lại là chuyện ấy, sao vẫn là chuyện đợi chờ? Nhưng tại sao lại là mình mà không phải là người khác? Không trả lời được, Hoàng đưa hai tay ôm đầu. Một cơn gió cô đơn lạnh lẽo ướt đẫm sương đêm, lạc lõng chạy dọc theo con phố, ùa vào bancon ôm lấy Hoàng. Hoàng rùng mình than thở: Vậy là mình lại gây lỗi nữa rồi! Lúc trước có người bảo: Tuổi kỷ Sửu của Hoàng là đào hoa lắm. Không biết có phải như vậy không? Nếu đúng như vậy thì còn chuyện gì tiếp theo nữa đây? Lần trước chuyện của Hoàng với Nguyệt đã được hai chị em Nguyệt và Luyến dàn xếp ổn thỏa, đến bây giờ vợ chồng Hoàng sống với nhau hạnh phúc, đã có với nhau hai đứa con, bác Nguyệt vừa là mẹ của hai đứa bé vừa là chị của vợ Hoàng và là bạn của Hoàng, cả gia đình sống quây quần hạnh phúc bên nhau. Nếu bây giờ lại xuất hiện thêm Thủy nữa thì chuyện gì sẽ xảy ra? Mệt mỏi Hoàng, gục đầu xuống lan can bancon hồi tưởng lại quá khứ.
  …Chuyện tình cảm giữa Thủy và Hoàng ngày ấy cũng chưa bao giờ vượt quá giới hạn bạn bè, còn giới hạn anh em thì Thủy cũng đã đôi lần vượt qua, mà cũng chỉ là hờn rỗi trách móc giống như bằng vai phải lứa vì Hoàng lỗi hẹn. Suốt thời gian quen nhau, có hai kỷ niệm với Thủy mà Hoàng không thể nào quên, mặt khác Hoàng cũng không lý giải nổi, tại sao mình làm như vậy? Lần thứ nhất, bây giờ nghĩ lại Hoàng vẫn tự xấu hổ với chính mình. Dạo ấy trường sư phạm vẫn chưa chuyển vào Chăm Mát, mà đóng ở bờ trái Sông Đà thị xã Hòa Bình. Lần ấy, Hoàng tới thăm Thủy xem vết thương ở chân Thủy thế nào? Bạn bè của Thủy nói với Hoàng, Thủy đang giặt quần áo ở ngoài giếng. Hoàng lần ra giếng sau khu tập thể, thấy Thủy đang khập khiễng kéo nước dưới giếng đổ vào chậu, Hoàng vội chạy đến  giúp Thủy. Thủy không có cách nào từ chối, vội dấu những đồ phụ nữ xuống dưới chậu, kéo vội chiếc áo sơmy phủ lên trên giả vờ vò vò. Hoàng múc nước, Thủy vò quần áo, hai người vừa làm vừa nói chuyện. Chợt Thủy ngước lên nhìn Hoàng, Hoàng bị bắt quả tang là đang nhìn Thủy chằm chằm, Thủy đỏ mặt hỏi Hoàng: Anh nhìn em ghê thế, mặt em có gì nhọ à? Hoàng ú ớ không trả lời được. Linh tính báo hiệu có cái gì đó không ổn, Thủy nhìn xuống ngực mình thấy một chiếc nút áo bật ra hé lộ một phần bộ ngực tròn trịa của Thủy. Thủy xấu hổ gài lại nút áo, Hoàng thì mơ ước có lỗ nẻ để chui xuống cho đỡ xấu hổ…
   Lần thứ hai, Hoàng với Thủy đi chơi gặp trời đổ mưa đột ngột. Thủy mặc bộ đồ mỏng tang, quần đen áo trắng, mưa ướt nên quần áo bó sát lấy người. Tất cả những đường cong của tạo hóa, những điều huyền bí trên cơ thể người con gái hừng hực sức sống như đang cố tình trái lệnh chủ nó ngang nhiên phơi bầy trước mắt Hoàng bất chấp mọi e ấp ngại ngùng mà chủ nó đang phải trải qua. Lần ấy, Hoàng đưa Thủy vào bụi cây ven suối để vắt khô quần áo. Những cơn gió rừng đung đưa, Hoàng thấy thấp thoáng sau bụi cây là bộ ngực đầy đặn và làn da trắng hồng của Thủy. Hình ảnh ấy, đã nhiều đêm làm Hoàng khó ngủ…Nghĩ lại Hoàng thấy: Thực ra Hoàng với Thủy cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ có cảm tình với nhau xa nhau thì nhớ nhau, cả hai đều chưa nói với nhau điều cần nói, tuy nhiên khi đó trong thâm tâm của cả hai đều nghĩ mình là của nhau. Sự thật, đây là một dấu ấn không thay đổi…
   Bây giờ thì sao? Hoàng đã có vợ có con, có một gia đình hạnh phúc. Còn Thủy,  không biết Thủy muốn gì? Hoàng nhớ lại câu nói của Thủy đêm qua: “ Ước muốn của em bây giờ là được làm bà mẹ đơn thân và chỉ có anh, cũng duy nhất chỉ có anh mới là người giúp em hoàn thành ước nguyện này.”
    Bình minh xôn xao núi rừng Tây Bắc. Hoàng bắt đầu một ngày làm việc nặng nề, Hoàng nhớ đến Khoa và mong được gặp Khoa.
(Còn nữa).
 
   
Logged
quangqb52
Thành viên

Bài viết: 1


« Trả lời #384 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2018, 04:57:20 pm »


   Chào bạn Vanson 307. Trung đoàn 95 sư 325, tham gia chiến dịch Hồ chí Minh, giải phóng Sài gòn xong, được điều về đóng quân ở thành Tuy hạ. Khoảng độ cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 1975, quavn là một trong số anh em sinh viên được quay ra Bắc trở về trường cũ tiếp tục theo học. Vì vậy, sau đó trung đoàn 95 sư 325 đi đâu nữa thì quanvn không biết, nhưng quanvn có nghe phong thanh là trung đoàn 95 sư 325 có đi chiến đấu ở BGTN. Rất xin lỗi Vanson vì quanvn không biết.

Trung đoàn 95 (tiền thân là Chi đội Thiện Thuật) được thành lập ngày 19 tháng 9 năm 1945 trên mảnh đất Quảng Trị giàu truyền thống cách mạng, là đơn vị chủ lực đầu tiên của tỉnh Quảng Trị và là một trong những đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân đội ta.
       Lịch sử của Trung đoàn 95 gắn liền với lịch sử quê hương Quảng Trị nói riêng và lịch sử dân tộc ta nói chung. Trải qua 70 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành, Trung đoàn đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
       Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, đánh bại nhiều cuộc càn quét, nhiều cuộc hành binh quy mô lớn của địch, làm nên chiến thắng Khe Sanh, Rào Quán, Nam Đông, Chấp Lễ, Hạ Cờ... Trong cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954, Trung đoàn kịp thời có mặt ở vùng đồng bằng Sông Hồng, tham gia chia lửa với chiến trường Bắc Bộ, góp phần giải phóng thị xã Ninh Bình, Phủ Lý và thành phố Nam Định.
       Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung đoàn đã nhanh chóng phát triển lực lượng từ Trung đoàn 95 thành bốn trung đoàn (95A, 95B, 95C, 95D) để chi viện cho các chiến trường; cùng với Sư đoàn 325 giúp nước bạn Lào truy quét lực lượng FULRO, cơ động đánh địch trên chiến trường Trị - Thiên, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập nên những chiến công oanh liệt như: Chốt giữ Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù (1972); tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột; đánh chiếm thị xã Xuân Lộc và mở "cánh cửa thép" phía bắc Sài Gòn để các binh đoàn chủ lực của ta tiến công vào giải phóng Sài Gòn.
       Vừa bước ra từ khói lửa của cuộc chiến tranh, Trung đoàn cùng với các đơn vị bạn tham gia và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc; đồng thời thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng do tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari tiến hành.
       Bước vào thời kỳ đổi mới xây dựng đất nước, xây dựng quân đội theo hướng "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại", dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, toàn diện, sâu sát của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, mà trực tiếp là Đảng ủy - chỉ huy Sư đoàn 325, Trung đoàn đã kế thừa và phát huy truyền thống đơn vị, đoàn kết hăng hái học tập, rèn luyện, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM