Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:47:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mùa đông lạnh nhất - David Halberstam  (Đọc 91107 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2013, 12:53:12 pm »

Trong trung đoàn 8, một hạ sỹ trẻ tên Lester Urban thuộc đại đội Item, tiểu đoàn 3, là một trong những người đầu tiên cảm nhận được mối nguy. Anh là liên lạc viên phái xuống ban chỉ huy Đại đội, điều này có nghĩa là anh ở quanh quẩn sở chỉ huy tiểu đoàn nhiều và nghe ngóng những gì các sỹ quan nói. Urban mới 17 tuổi, chừng 48 cân, quá nhỏ con để được vào đội bóng đá trường Trung học của mình tại một thị trấn nhỏ tên Delbarton, West Virginia. Biệt danh của anh trong lính Kỵ là Đậu phộng (peanut), nhưng anh dai sức và nhanh nhẹn, và cũng vì vậy nên được chọn làm liên lạc. Bởi tình trạng đáng tiếc của các thiết bị liên lạc vô tuyến và hữu tuyến của quân Mỹ ở Triều Tiên – chúng chẳng mấy khi hoạt động hữu hiệu – nên công việc của anh ta là truyền thông điệp bằng miệng hay viết trên giấy từ tiểu đoàn xuống đại đội. Đây là một nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm. Urban tự hào với sự thật rằng anh biết làm điều đó như thế nào và sống sót được. Nếu anh phải đi bốn, năm chuyến đến cùng một địa điểm trong ngày, thì anh luôn thay đổi lộ trình và không bao giờ cẩu thả.

Urban có cảm giác lo lắng, bởi không có đơn vị Mỹ nào ở hai bên sườn họ, do vậy họ rất sơ hở. Nhưng họ đang tiến nhanh và không có kháng cự mấy trong những tuần qua nên anh cũng không quá lo lắng, ít ra là đến khi họ đến Unsan. Tại Unsan, trung đoàn nằm thò ra, theo cách nói của anh, không giống cái gì nhiều hơn là một ngón tay bị đau, và nếu bạn nghĩ về điều đó, thì bạn hiểu rằng ba tiểu đoàn của họ chọn ở vị trí kém trong một không gian bất tiện. Khoảng trống giữa họ, trông chút xíu trên bản đồ, lại rộng đáng ngạc nhiên nếu bạn phải chạy từ đơn vị này sang đơn vị khác, như anh ta đã làm.

Urban ở cạnh sở chỉ huy tiểu đoàn trong ngày 31 tháng Mười, lúc trung tá Harold (Johnny) Johnson, tuần trước còn là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3, trung đoàn 8 – 3/8- vừa được thăng lên chức trung đoàn trưởng trung đoàn kỵ binh 5 (cũng thuộc sư kỵ binh 1), đến kiểm tra đơn vị cũ của mình. Một trong những điều sau cùng mà Johnson đã làm trước khi họ rời Bình Nhưỡng là tổ chức một buổi lễ tưởng niệm cho những ai thuộc tiểu đoàn 3 đã hi sinh từ lúc cuộc chiến bắt đầu – chừng bốn trăm người cả thảy. Ông tham gia buổi lễ cùng những lính có mặt ngay từ lúc bắt đầu, “một nhóm nhỏ đáng thương những người còn lại” như ông nói.

Johnny Johnson còn hơn cả sự ca tụng, ông được hầu hết lính trong đơn vị cũ yêu mến. Ông đã ở cùng với họ từ ngày họ đến đất nước này, và họ cảm thấy ông luôn ra những quyết định đúng đắn trong chiến đấu. Ông có cảm giác khác thường về lòng trung thành của binh lính dưới quyền, một kiểu mà lính trơn chú ý và đánh giá cao khi xếp loại sỹ quan – và họ luôn xếp loại các sỹ quan, bởi cuộc sống của họ phụ thuộc vào điều đó. Họ biết Johnson đã từ chối cơ hội làm trung đoàn trưởng ngay từ lúc đầu cuộc chiến để ở lại với tiểu đoàn khi nó mới chân ướt chân ráo bước vào chiến đấu, bởi ông cảm thấy ràng buộc với binh sỹ mà ông đưa đến.

Ông là một người từng trải qua địa ngục trần gian. Bị bắt bởi quân Nhật ở Bataan lúc bắt đầu Thế Chiến II, ông xoay sở để sống sót qua Cuộc hành quân Tử thần Bataan và hơn ba năm sau đó với tư cách tù binh. Nói chung, là tù binh chiến tranh không giúp ích gì cho binh nghiệp một sỹ quan – điều này đặc biệt đúng ở Triều Tiên, ở đây việc đối xử của những người cộng sản với tù binh Mỹ tàn bạo một cách bất bình thường và, bởi vì bị tẩy não nên nhiều người bị tổn hại – nhưng rốt cuộc Johnson cũng kết thúc sự nghiệp ở vị trí tham mưu trưởng Lục quân. “Ông ấy là số một” Lester Urban nói trong vài năm sau “ vài người sinh ra để làm lãnh đạo. Tôi nghĩ ông luôn suy tính về những gì tốt đẹp cho chúng tôi. Chứ không phải cho ông”.

Kinh nghiệm ở Bataan đã làm Johnson thiếu tin tưởng vào sự khôn ngoan thông thường, và ông biết hậu quả của chủ nghĩa lạc quan thái quá hơn hầu hết các sỹ quan khác. Lúc đó, trung đoàn kỵ binh 5 của ông giữ vị trí là lực lượng dự bị đóng ngay sau đơn vị cũ của mình chừng vài dặm về hướng nam, nhưng ông lo lắng, bởi nghe thấy nhiều lời nói về một lực lượng địch lớn di chuyển trong khu vực, và có thể cắt đường, cô lập trung đoàn 8 với phần còn lại của sư đoàn. Nên ông tự đi lên phía bắc để kiểm tra tình huống. Trên đường đi, sự tĩnh mịch đã làm tướng Paik lo ngại, mà thật không có gì chuyển động cả, cũng làm Johnson bồn chồn. Như sau này ông nói, những kiểu như là có gai đâm vào sau cổ. Rốt cuộc ông cũng đến tiểu đoàn cũ của mình, ông không thích những gì đang thấy. Người thay thế ông, Robert Ormond, khá mới mẻ với công việc này, nên trong mắt Johnson, đã phân bố tiểu đoàn không tốt. Hầu hết quân đóng trên một khu vực bằng phẳng và không đào hầm hào đúng đắn.

Nhìn cảnh hai viên sỹ quan gặp nhau, Urban cảm thấy Johnson đau khổ. Như Urban nhận biết, Johnson không phải là kiểu người chèn ép sỹ quan khác, nhưng những gì ông nói với Ormond trông có vẻ cứng rắn một cách đáng ngạc nhiên: “Anh phải đưa lính ra khỏi thung lũng và chuyển lên vùng cao ngay! Ở đây họ quá dễ bị tấn công! Anh sẽ không phòng thủ nổi một khi bị đánh đâu!” (vài năm sau Urban kể lại “Tôi nghĩ ông ta sẽ đập Ormond ngay tại chỗ”). Johnson cho rằng Ormond nghe theo những gì ông nói, nhưng rồi ông kinh hoảng khi sau này phát hiện ra rằng lời khuyên của ông bị bỏ ngoài tai. Không chỉ tiểu đoàn 3 chọn vị trí đóng quân tồi. Sau khi bi kịch đã kết thúc, thì nhiều sỹ quan cao cấp thú nhận rằng cách bố phòng của trung đoàn 8 rất tồi. Binh lính được sắp xếp như thể họ không có kẻ thù nào để lo.

Trung úy Hewlett (Reb) Rainer tham gia trung đoàn ngay sau trận chiến Unsan, và một điều anh quyết định phải làm là ráp nối lại trong đầu những gì đã xảy ra. Anh sốc trước cách chọn vị trí đóng quân của trung đoàn: “Điều đầu tiên là các tiểu đoàn không thể hỗ trợ cho nhau. Họ không liên kết được với nhau. Vấn đề thứ hai là bạn có thể đưa cả một thậm chí hai sư đoàn lính Trung Quốc xuyên qua họ trong đêm mà chẳng ai có thể hay biết. Và đó chính là cách quân địch làm – họ đến, đi dọc theo hai cánh, rồi vây lại, ép chặt quân ta.” Rainer nói “Tôi biết là trung đoàn chẳng nhận được thông tin nào từ thượng cấp về việc có quân Trung Quốc, nhưng, họ đang ở rất xa về phía bắc; đang trong đất địch; không hiểu nổi tại sao lại thiết lập vị trí như thể đang ở Hoa Kỳ trong một kiểu đánh trận trò chơi. Nói là bất cẩn – thì cũng vẫn còn là nhẹ nhàng”.

Trung sỹ Bill Richardson, tiểu đội trưởng tiểu đội súng không giật thuộc trung đội hỏa lực, đại đội Love, tiểu đoàn 3, nhớ lại khá tốt ngày 31 tháng Mười ấy. Tiểu đội anh ở phía cực nam nơi đóng quân của tiểu đoàn 3, cạnh một nơi gọi là Cung Đầu Lạc Đà, là một phần của đơn vị bảo vệ cây cầu nhỏ bắc qua sông Nammyon. Ngày hôm trước, cuối cùng họ cũng nhận được lô hàng mà cánh hậu cần tuyên bố là quần áo mùa đông: vài chiếc áo khoát dã chiến, vớ sạch và không còn gì hơn. Anh bảo một lính dưới quyền phát áo khoát tốt nhất có thể và bỏ qua các trung sỹ bởi không có đủ cho tất cả. Vài năm sau, anh nổi điên khi đọc được rằng quân trong đại đội anh ngủ quên trong các túi ngủ. Cái cách mà họ bị tấn công đúng là tệ thật, nhưng họ khẳng định là chẳng có cái tiết mục túi ngủ chó chết, bởi họ không hề có chiếc nào. Họ phải tự tạo túi ngủ bằng cách quấn những chiếc chăn lại và cùng nhau rúc vào.

Ngày ấy, lúc Richardson thi hành nhiệm vụ chỗ chiếc cầu thì trung tá Johnson dừng chân lại ở đó, khi ông đang trên đường trở về từ sở chỉ huy tiểu đoàn (3/8). Johnson muốn nói chuyện, nhưng ông cũng có phần cẩn thận. Ông nói “Này, chúng tôi có tin về vài điểm chốt nhỏ trong vùng. Chúng tôi nghĩ đó là tàn dư của quân Bắc Triều Tiên, họ có thể đi dọc theo bờ sông, hướng thẳng tới chỗ cậu rồi ngoặc lên phía bắc”. Richardson không lo lắng chút nào về tin đó. Anh nói với Johnson (“những lời nổi tiếng sau cùng của tôi”) “Thưa trung tá, nếu chúng đến theo hướng bờ sông, chúng sẽ lãnh đủ”. Rồi Johnson cảnh báo anh nên cẩn thận, họ bắt tay nhau. Johnson chúc anh may mắn và Richardson tự nghĩ – bởi Johnson đi xe qua một vùng quê gần như trơ trọi – nên thưa trung tá, chính ngài mới là người cần phải có may mắn.

Họ đã biết nhau từ lúc huấn luyện ở Fort Devens bang Massachusett. Richardson phục vụ ở Châu Âu vào giai đoạn sau chót của Thế Chiến II, đã quá muộn để biết mùi chiến trận mà chỉ thấy được sự tàn phá của nó. Nhưng ở Triều Tiên, anh thực thụ trải qua những trận đánh vượt quá những điều lệ, những trận đánh khá khăn và nguy hiểm mà bất kỳ đơn vị Mỹ nào cũng phải kinh qua. Anh lớn lên ở Philendaphia, bố mẹ anh làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Còn lâu anh mới là một học sinh siêng năng. Học hết lớp chín (Huh), anh đăng lính và nhận ra rằng mình thích. Anh được huấn luyện bởi những người chuyên nghiệp, họ đã trải qua những điều tệ hại nhất trong thế chiến II, vượt qua được lằn ranh bé xíu để giữ được mạng sống. Đến đầu mùa xuân 1950, Richardson đã ở trong quân ngũ được ba kỳ quân dịch rồi và đó là giai đoạn giảm quân hậu-thế-chiến, nên quân đội đang muốn đẩy anh xuất ngũ. Nhưng rồi quân Bắc Triều nam tiến, nên quân đội quyết định là họ giữ anh lại.

Nên thay vì được xuất ngũ ở Fort Devens vào cuối tháng Sáu, anh lại trở thành một thành viên của tiểu đoàn 3/8. Richardson nhớ lại, ngay sau trận xâm lăng của Bắc Triều Tiên, trong ngày 26 hoặc 27 tháng Sáu, Johnny Johnson tập trung cả tiểu đoàn đến nhà chiếu phim, lúc đó đơn vị rất ít người chỉ đứng đầy hai hoặc ba hàng. Họ được xem một bộ phim tuyên truyền cho lính bộ binh, với kết thúc là nhiều người lính được thưởng Ngôi Sao Bạc hoặc Ngôi Sao Đồng. Johnson nói với họ “Anh em, chỉ trong vài tuần nữa thôi, nhiều người ở đây sẽ không còn  đeo được những cái thứ đó nữa đâu”. Lúc ấy Richardson nghĩ ông ta thật điên. Trong vài ngày sau lính bổ sung đến với đủ sắc quân, MP (quân cảnh), hậu cần, anh nuôi, và cả bộ binh, đủ để lèn chặt rạp phim. Rồi họ được đưa lên tàu thủy.

Sau này, sau khi bị quân Trung Quốc đánh, Richardson tin rằng Johnson đã cố cảnh báo anh lưu ý đến quân Trung Quốc trong vùng và hướng tiến để mở của chúng tới trung đoàn 8. Có lẽ đó là lối cảnh báo tốt nhất có thể đưa ra vào thời điểm mà việc thốt ra một từ đầy chất ma thuật “quân Trung Quốc” với một tay NCO có thể làm khởi động tiến trình hoảng loạn. Nếu Johnson vẫn còn là tiểu đoàn trưởng của họ, Richardson đoan chắc, là ông sẽ củng cố cái vị trí đóng quân, chuyển đến vùng đất cao hơn, và đảm bảo hỏa lực của họ có thể hỗ trợ qua lại, tập trung hơn. Ormond có thể sẽ là một sỹ quan tốt vào một ngày nào đó, Richardson nghĩ, nhưng không có thời gian lẫn không gian cho lần ra mắt chiến đấu đầu tiên.

Thiếu tá Filmore McAbee, sỹ quan S-3, sỹ quan tác chiến, của tiểu đoàn 3, cũng như Johnson, thấy lo lắng về cái cách phân tán của trung đoàn, nhưng rồi ông sẽ không có cơ hội để thảo luận về việc đó với Johnson trong một thời gian dài, bởi ông mất tới hai năm rưỡi trong trại tù binh. McAbee là một sỹ quan có kinh nghiệm từ Thế Chiến II, và là một đại đội trưởng trong sư kỵ binh 1 lúc bắt đầu đến đất nước này. Ông được xem là một sỹ quan chỉ huy tuyệt vời, nhưng ở thời điểm quân Trung Quốc tấn công ông bị vô hiệu hóa. Cả Ormond và người phó của mình, thiếu tá Veale Moriarty, đều rất mới với nhiệm vụ chỉ huy, kinh nghiệm của họ, như McAbee có thể nói, chủ yếu là ở cương vị sỹ quan tham mưu cấp trung đoàn. Họ biết rõ nhau và cùng xa cách với McAbee, một sỹ quan tác chiến có kinh nghiệm hơn, làm anh cảm thấy đứng ngoài cuộc. “Tôi là người lo lắng, nhưng cũng là người ngoài cuộc”, sau này ông nói. Ông cố cảnh báo Ormond về vị trí đóng quân tồi của tiểu đoàn, nhưng không ích gì. Ông không thích tâm trạng khi đó của đơn vị, và ông cũng đổ lỗi cho các sỹ quan cao cấp: nhiều người trở nên quá bất cẩn, quá tự mãn. Có quá nhiều cuộc nói chuyện về việc sẽ làm gì sau Triều Tiên. Mọi người đều nói về hai điểm dừng sau chót: sông Áp Lục và về nhà. Sau này, khi ông phát hiện ra có nhiều tù binh Trung Quốc bị bắt nhưng dù thế chẳng có đơn vị nào, cũng như đơn vị ông, được cảnh báo, ông cho rằng quyết định của thượng cấp là dấu diếm, nếu không nói là cấm, thông tin này là một trong những hành động đáng kinh ngạc nhất mà ông từng nghe – là một kiểu chối bỏ trách nhiệm quân sự. Sau khi ông nghiên cứu thêm được nhiều về chiến thuật quân sự Trung Quốc, ông giật mình vì trung đoàn ông, trải dài ra, đã lộ thành một mục tiêu đầy cám dỗ.

Không ai trong số họ, kể cả Ormond, biết rằng trước khi quân Trung Quốc đánh, đã có tranh luận ở các cấp chỉ huy cao hơn. Trung đoàn trưởng trung đoàn 8 Kỵ binh, trung tá Hal Edson, muốn đưa quân mình quay lại. Đơn vị của ông phơi ra quá nhiều, ông tin vậy – và lúc đó đã có quá nhiều cảnh báo để lưu tâm. Ngày 1 tháng Mười một, khi thức giấc, ông thấy bầu trời dày đặc khói từ những đám cháy rừng. Edson và những người khác ngờ rằng là do quân địch đốt để che dấu việc chuyển quân khỏi không thám của Mỹ. Thiếu tướng Hap Gay, sư trưởng sư đoàn 1 Kỵ binh, người nhìn nhận những báo cáo về quân Trung Quốc trong vùng nghiêm túc hơn thượng cấp của ông, cũng bắt đầu lo ngại hơn theo từng giờ. Trong ngày đầu tiên của tháng Mười Một này, ông thiết lập trạm chỉ huy ở Yongsan-dong, phía nam Unsan. Nhiều lúc tướng Gay bị phiền nhiễu bởi việc sư đoàn ông bị xé lẻ ra, với những tiểu đoàn khác nhau được gửi đi đến khác sư đoàn khác, tùy theo ý thích của những nhân vật trên quân đoàn, và không màng đến tính toàn vẹn của sư đoàn. Ông đặc biệt không thích việc trung đoàn 8 nằm thò ra hoàn toàn trống trải, phơi mình từ mọi phía cho kẻ thù
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2013, 01:01:26 pm »

Sỹ quan tùy viên của ông, trung úy William West, cho rằng Gay đã âm ỉ bực tức toàn bộ cái cách quân đội đang điều hành cuộc chiến Triều Tiên. Gay là tham mưu trưởng của tướng Geogre Paton trong Thế Chiến II, ông tin rằng mình được dạy để làm thế nào cho đúng và không làm sai, nhưng còn ở Triều Tiên thì họ đã làm nhiều điều sai ngay từ đầu. Ông bị sốc bởi tình trạng tệ hại của quân đội lúc bắt đầu cuộc chiến, và cũng phiền lòng vì sai lầm ban đầu của MacArthur trong việc lượng giá khả năng của quân địch; ông này tin rằng có thể “xử” Bắc Triều được, như theo cách nói của ông là: “chấp một tay cột sau lưng”. Gay hình như cho rằng các thượng cấp ở Tokyo chẳng biết mấy về quân thù, về địa hình và đáng ngạc nhiên là không muốn biết về cả hai điều đó. “Những tay chó chết ấy chẳng bao giờ bước chân đến thực địa – họ đang sống trong một thế giới mơ mộng chết tiệt” ông nói với West như thế ngay sau khi rời sở chỉ huy của MacArthur. Tuy vậy, không điều gì làm ông nổi giận hơn việc những sỹ quan tài giỏi nhất dường như luôn bị lén lút chuyển về làm công tác tham mưu ở sở chỉ huy của MacArthur. Ông kinh hoàng nhận ra sở chỉ huy quá lớn khi so với những sở khác trong cuộc chiến trước đó. Ông càu nhàu rằng sở chỉ huy tập đoàn quân 3 vào năm 1945 chỉ có vài trăm sỹ quan để điều hành hàng nghìn quân binh trên chiến trường, còn giờ ở Tokyo với cuộc chiến này, thì hàng nghìn người tập trung ở sở chỉ huy để hỗ trợ cho vài trăm quân thực chiến. Có một sỹ quan mà công việc chính của ông này, hình như chỉ là bay định kỳ từ Tokyo đến chỗ của Gay để hỏi xem ông cần gì. Một hôm nào đó, Gay đưa ông ta một danh sách các sỹ quan từ Thế Chiến II để chuyển cho Tokyo rằng ông cần họ để chỉ huy các đơn vị. Khi viên sỹ quan ấy trở lại trong chuyến sau, Gay hỏi những tiểu đoàn trưởng kỳ vọng của ông đâu. “Tướng MacArthur bảo rằng họ rất có ích nên không chuyển xuống được” viên sỹ quan trả lời.

“Chúa Jesus lòng lành, có việc chó gì có ích hơn việc những sỹ quan đã kinh qua chiến trận được chỉ huy các đơn vị Mỹ tham chiến?” Gay cằn nhằn.

Ông cũng phiền lòng với những cuộc nói chuyện về việc được về nhà lúc Giáng Sinh. “Giáng sinh nào – năm nay hay năm sau?” ông nói “Cuộc nói chuyện thật ngớ ngẩn. Tất cả chỉ làm quân sỹ có hứng thú với việc được về nhà và họ sẽ bất cẩn”. Lúc này, lo sợ về khả năng rằng một trong các trung đoàn của mình có thể bị hợp vây, ông ráng đẩy nhanh việc rút các đơn vị ấy lui về và củng cố sư đoàn. Nhưng cấp trên của ông, tư lệnh quân đoàn 1 tướng Frank Milburn, không sẵn lòng cho việc đó. Quân đội không thích dùng từ “rút lui” nếu không bị bắt buộc; cụm từ đúng là “di tản chiến thuật” – và Milburn không muốn thực hiện di tản chiến thuật, không muốn sau sáu tuần tiến vững vàng, và trên hết, vì nó không hợp lý với áp lực từ sở chỉ huy; MacArthur muốn phải đến sông Áp Lục càng sớm càng tốt. Cả Gay và West biết, và càng thêm lo sợ hơn về việc có thể mất cả một trung đoàn vào tay quân địch mà Tokyo vốn vẫn khăng khăng là không tồn tại. Trong cuộc chiến này có một lằn ranh đúng-sai. Một bên là thực tế chiến trường và những mối hiểm nguy các đơn vị phải đối mặt, còn bên kia là thế giới ảo tưởng hiện hữu ở Tokyo mà ở đó tất cả những mệnh lệnh phởn phơ tỏa ra. Lằn ranh đó cũng thường rơi giữa cấp quân đoàn và cấp sư đoàn – quân đoàn thì chịu nhiệt từ tổng chỉ huy ở Tokyo, còn sư đoàn thì lo lắng bởi tình trạng sơ hở của các đơn vị ở cấp dưới. Có nhiều hơn một cơ hội đủ thời gian rút trung đoàn 8 về, nhưng Milburn từ chối ra lệnh đó.

Chiều ngày 1 tháng 11, tướng Hay Gap ở trạm chỉ huy cùng với thiếu tướng Charles Palmer tư lệnh pháo binh của ông, lúc đó vô tuyến điện báo từ một quan sát viên trên một chiếc phi cơ tuần thám L-5 làm họ lưu tâm: “Đây là dấu hiệu lạ lùng nhất mà tôi từng thấy. Có hai hàng bộ binh địch rất đông đang di chuyển về hướng đông nam theo lối gần làng Myongdang-dong và Yonghung-dong. Pháo của chúng ta rơi đúng hàng quân  nhưng chúng vẫn tiếp tục đi”. Đó là hai ngôi làng bé tý cách Unsan năm hoặc sáu dặm theo đường chim bay. Palmer ngay lập tức lệnh cho các đơn vị pháo binh trực thuộc bắt đầu bắn, còn Gap lo lắng gọi lên quân đoàn, một lần nữa xin phép được đưa trung đoàn 8 kỵ binh chuyển về phía nam Unsan vài dặm. Nhưng yêu cầu này một lần nữa bị từ chối.

Thế là cơ hội sau cùng để cứu trung đoàn 8 kỵ binh và nhất là tiểu đoàn 3 của nó đã bị bỏ mất. Nói cách khác, thì trận chiến này đã kết thúc trước khi nó bắt đầu. Hai sư đoàn chính qui tinh nhuệ của cộng sản Trung Hoa với những binh sỹ thiện chiến nhất, tấn công vào các đơn vị của một sư đoàn “anh cả” của Hoa Kỳ, nhưng sư đoàn này thiếu chuẩn bị và chọn vị trí kém cho một cuộc xung đột, đồng thời được chỉ huy bởi rất nhiều người tin rằng cuộc chiến Triều Tiên về cơ bản đã kết thúc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2013, 01:02:59 pm »



Bản đồ trận Unsan ngày 1-2/11/1950
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2013, 01:07:49 pm »

Các đơn vị thuộc trung đoàn 5 kỵ binh dưới quyền Johnny Johnson hành quân lên phía bắc hướng đến Unsan trong một nhiệm vụ giải cứu, nhưng nhanh chóng bị quân Trung Quốc cắt đường. Họ không chỉ không thể giúp trung đoàn 8 kỵ binh, mà còn phải tự tìm cách thoát khỏi một trận chiến dữ dội mà không bị tiêu diệt. Theo Roy Appleman, một nhà sử học đặc biệt cẩn trọng của chiến tranh Triều Tiên, thì lúc sẩm tối ngày 1 tháng Mười Một, trung đoàn 8 kỵ binh bị quân Trung quốc vây ba mặt. Ở mặt đông của trung đoàn, nếu như trung đoàn 15 của Nam Hàn ở lại tại chỗ và chiến đấu thì có thể sẽ được che chắn một phần.

Trung úy Ben Boyd là một trung đội trưởng mới trong đại đội Baker, tiểu đoàn 1, trung đoàn 8 kỵ binh. Tiểu đoàn 1 – với đơn vị pháo binh, xe tăng phối thuộc, thực chất là một tiểu đoàn đặc nhiệm – bị phơi ra nguy hiểm nhất trong số ba tiểu đoàn của trung đoàn 8, họ đóng quân ở cách chừng 400 thước về phía bắc thị trấn Unsan. Tiểu đoàn trưởng của Boyd, Jack Millikin, Jr., là một sỹ quan chiến thuật học ở West Point, Boyd nghĩ anh ta tốt và vững vàng. Như Boyd biết, tiểu đoàn của họ lên đó một mình – họ là đơn vị đầu tiên trong ba tiểu đoàn rời Bình Nhưỡng và anh không biết những bộ phận khác của trung đoàn có theo không. Ở buổi chiều đầu tiên, ngay sau khi đến, họ đã bố trí trận địa cối hướng vào các mục tiêu chung quanh, và có cả hướng dẫn phản pháo quân địch, nhưng hoạt động này khá nhẹ và mọi người cho rằng là nhằm vào những tay súng Bắc Triều Tiên thất thần. Tuy vậy, đêm đó, Boyd được đại đội trưởng gọi lên, anh này vừa được tiểu đoàn thông báo tình hình. Những gì Boyd nghe là: “Có hai mươi ngàn thợ giặt trong vùng”. Boyd hiểu ý nghĩa nó là gì – hai mươi ngàn quân Trung Quốc ở gần họ.

Rồi họ nghe thấy tiếng nhạc, như tiếng kèn túi Á châu kỳ lạ. Vài sỹ quan trong một thoáng nghĩ rằng đó là một lữ đoàn quân Anh đến giúp họ. Nhưng đó không phải là kèn túi, mà là một âm thanh rất lạ, kỳ quái, có lẽ là tù và với sáo, loại âm thanh mà họ nhớ cho đến cuối cuộc đời. Đó là âm thanh để họ đi đến kết luận rằng quân Trung Quốc bắt đầu tham chiến, gửi tín hiệu bằng âm thanh cho các đơn vị cho biết đang làm gì; đồng thời thận trọng đưa nỗi sợ vào lòng đối phương. Boyd tin quân của anh đã chiếm lĩnh các vị trí tốt, dù họ không là một trung đội hoàn hảo như trong tưởng tượng của anh. Một nửa số lính trong trung đội là KATUSA – Lính Hàn Quốc bổ túc vào quân đội Mỹ (Korean Augmentation To US Army), các sỹ quan cho rằng những quân nhân Hàn quốc này, trình độ huấn luyện kém phối thuộc vào các đơn vị, sẽ không đáng tin cậy khi gặp trận đánh khó khăn. Họ hiện diện nhằm tăng cường cho các đơn vị Mỹ, làm chúng trông ổn hơn trên giấy tờ; nhưng không phải trên trận đánh. Đó là một trải nghiệm mà không ai thích, không một đại đội trưởng, một đơn vị Mỹ nào – từng chiến đấu bên cạnh người Hàn Quốc mà không thể giao tiếp được với họ – thích, mà tất nhiên bản thân lính KATUSA cũng vậy.


Một lính Mỹ và lính Hàn ở Triều Tiên, 1950
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2013, 01:13:01 pm »



Địa hình vùng Unsan

Đâu đó lúc 10h30 tối, quân Trung Quốc tấn công. Boyd nghĩ mọi thứ có thể sụp đổ. Các đơn vị Hoa Kỳ ở những vị trí quá mỏng đến nỗi quân Trung Quốc dường như phóng vèo qua tuyến phòng thủ yếu ớt của họ, vài người sau này đã nói vậy. Ngay cả một nơi được tổ chức tốt như sở chỉ huy tiểu đoàn cũng nhanh chóng bị tràn ngập. Vài người sống sót từ các trung đội khác nhau cố thiết lập một vành đai phòng thủ ứng biến ở những phút sau cùng, nhưng họ cũng nhanh chóng bị áp đảo. Thương binh nằm la liệt khắp nơi. Milikin đang xử lý cái cuộc hỗn loạn đang lớn nhanh này một cách tốt nhất có thể, Boyd nghĩ, anh ta cố lập một đoàn vận chuyển với chừng mười chiếc xe tải và đưa càng nhiều thương binh lên càng tốt. Lúc đó, Boyd chạy đến chỗ đại úy Emil Kapaun, một cha tuyên úy, ông đang chăm sóc cho một số thương binh. Boyd muốn phân cha đến một trong những chiếc xe tải, nhưng ông từ chối. Ông ở lại với những thương binh không thể tự di chuyển được. Họ sẽ bị bao vây, ông ta chắc chắn biết, nhưng ông sẽ làm tất cả những gì có thể để các thương binh có được vài sự bảo vệ giản dị.

Tiểu đoàn có hai chiếc xe tăng, và khi đoàn xe vận tải khởi hành, Millikin lên chiếc xe tăng đi trước cùng chiếc xe còn lại chạy về hậu phương, trên nóc chiếc đó là Boyd. Cách phía nam Unsan chừng một dặm, con đường chia ra, một nhánh đi theo hướng đông nam, còn nhánh kia là tây nam xuyên qua góc đóng quân của tiểu đoàn 3, băng trên chiếc cầu mà Bill Richardson và tiểu đội hỏa lực của anh đang bảo vệ. Millikin đưa đại mọi người theo con đường phía đông nam.

Quân Trung Quốc đã bố trí một lực lượng đáng kể phục kích bên hai bên đường. Thật khó để xác định khoản cách cũng như thời điểm quân địch tiến đánh với lực lượng đó, nhưng Boyd cho rằng lúc ấy đoàn công voa của anh đã đi được chừng năm sáu trăm thước trước khi quân Trung Quốc khai hỏa. Hỏa lực của họ bị áp đảo, và đoàn vận tải, với nhiều thương binh, không có nhiều cơ hội đánh trả. Trong sự hỗn loạn đó – tất cả xe đều tắt đèn – anh lính lái tăng chở Boyd kinh hoảng và bắt đầu quay tháp pháo như điên. Chừng một tá lính hoặc hơn đang ngồi trên đó bị bật tung ra, còn Boyd nhận ra mình đang nằm sóng xoài trong một con mương. Sau này anh xác quyết rằng mình sống sót là nhờ ân huệ của Chúa.

Anh nghe thấy tiếng quân Trung Quốc tiến đến. Anh chỉ có một cơ hội duy nhất là giả chết. Ngay sau đó, họ bắt đầu dộng vào người anh bằng báng súng và đá đá. May cho anh là không ai dùng lê. Cuối cùng, họ lục soát các túi của anh, lấy đồng hồ, nhẫn rồi bỏ đi. Anh nằm đợi một thời gian tưởng chừng như vô tận, ít ra cũng hằng giờ, sau đó bắt đầu bò đi, hoàn toàn mất phương hướng bởi chấn động và những vết thương khác. Khi được một quảng, anh nghe thấy tiếng đại bác gầm, rồi cho rằng đó là quân Mỹ, anh đi về hướng đó. Anh lê lết qua một con suối, có lẽ là suối Nammyon, và nhận ra chân trái mình đau dữ dội. Anh cho là mình bị bỏng nặng có lẽ do đạn phốt pho trắng của Trung Quốc.

Boyd di chuyển thận trọng trong những ngày kế tiếp, vào ban đêm, dấu mình cẩn thận lúc ban ngày. Anh ra khỏi đó ít nhất là sau một tuần, có lẽ là chục ngày, cố đi đến được tuyến quân Mỹ, bất chấp cái đói kinh khủng và những cơn đau dai dẳng. Anh được một người nông dân Triều Tiên cứu giúp, cho ăn, rồi ra hiệu chỉ đường cho anh về phía quân Mỹ. Anh chắc là mình không thể làm được điều này mà không có sự giúp đỡ của người nông dân ấy. Đến ngày 15 tháng 11, sau chuyến đi vất vả gần hai tuần, Boyd gặp được một đơn vị Hoa Kỳ. Ngay lập anh được chuyển đến một loạt bệnh viện, các vết bỏng của anh khá nghiêm trọng. Chiến tranh Triều Tiên với anh, thế là kết thúc. Dẫu sao anh cũng là một người may mắn. Anh không biết có bao nhiêu người trong trung đội của mình chết, chỉ biết là đại đội trưởng đã hi sinh. Anh cũng không bao giờ thấy lại ai lần nữa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2013, 01:17:40 pm »

Ở tuyến phòng thủ phía nam của trung đoàn 8, ngay trước lúc quân Trung Quốc tấn công, Bill Richardson thuộc đại đội Love vẫn đang gác chiếc cầu bê tông, chiếc cầu nhỏ một nhịp chừng 90 thước bắc qua cái được gọi là con sông, nhưng thật ra không hơn gì một con lạch nhỏ khô cạn. Tiểu đội của anh đóng trên một khu đất bằng phía bắc cầu, và về mặt kỹ thuật là vị trí cực nam của trung đoàn. Sở chỉ huy tiểu đoàn cách đó chừng 500 thước về hướng bắc, phần còn lại của đại đội Love thì cách 350 thước về phía tây. Khi nghe thấy những tiếng động từ một ngọn đồi ngay dưới hướng nam, Richardson hỏi người bạn Jim Walsh, một người lính nhiều kinh nghiệm như anh trong đội “Cậu có nghe thấy những gì tớ nghe không?”. Richardson biết có điều gì đó đang xảy ra ngoài kia, nhưng anh không thể đưa ra bốn hoặc năm người để trinh sát. Vậy nên anh gọi phôn về đại đội để được giúp. Phải mất ba lần gọi mới được đại đội trả lời máy. Anh rất điên tiết – sao mà mọi người có thể vô tâm đến vậy? Sau đó đại đội gọi cho tiểu đoàn, rốt cuộc tiểu đoàn cũng gửi một anh lính thuộc tiểu đội tình báo và trinh sát xuống. Anh ta thong thả đi xuống dọc theo con đường mà không có chút cảm giác nào về việc khẩn cấp. Richardson giải thích nhiệm vụ, và người lính đó lặn mất, rồi chỉ xuất hiện trở lại sau một  lúc cùng với một tổ bốn người, họ đi lên ngọn đồi đã phát ra những tiếng ồn, mà Richardson nghĩ, có cả một sư đoàn.

Khi tổ trinh sát quay về, người lính cầm đầu nói : “Chẳng có ma nào trên đó”. Nhưng một người trong tổ có mang theo về một dụng cụ đào hầm và một đôi găng tay độn bông, thứ này hoàn toàn khác với những đôi găng tay mà Richardson từng thấy trước đây. Quan trọng hơn, chúng khô trong điều kiện sương, tuyết, điều này có nghĩa là chúng vừa được bỏ lại. Cuối cùng người lính đó cũng thừa nhận rằng “À, thì có vài cái hang chó, nhưng rõ là chúng có từ lâu rồi”. Richardson giận điên người. Quan trọng là đôi găng tay khô là một bằng chứng để giúp mọi người hiểu ngay vấn đề, cả khi không thuộc phòng S-2 hay bộ phận tình báo tiểu đoàn. Anh cố nài người lính kia mang đôi găng và cái dụng cụ đó lên trình sếp và nói cho ông ấy biết những gì có thể diễn ra. Rõ ràng bị chọc giận, anh chàng đó bảo: “ Này, nếu anh không thích những gì chúng tôi đã làm, thì anh cứ tự lê mông lên đó coi đi”.

Tất cả điều này làm Richardson bực bội một lúc. Đâu đó chừng sau mười giờ đêm, anh nhận một cuộc gọi bảo gửi một nhóm về tiểu đoàn để đi trinh sát. Đây là việc quá sức với anh. Bởi anh chỉ có chừng mười lăm người, mà trong đó có tới 5 lính Nam Hàn, không ai trong số họ biết tiếng Anh. Richardson quyết định giữ số lính đó lại, và cử Walsh, tay cừ nhất của anh đi lên đó với ba lính Mỹ khác. Sau này, Richardson được biết, nhóm lính đó khi tới tiểu đoàn thì được lệnh đào mấy cái hầm trú ẩn và nghỉ ngơi. Trong khu vực của Richardson vẫn yên tĩnh, nhưng lúc đó cả tiểu đoàn I và II đều đã bị băm nát.

Rồi, lúc chừng 1h30 sáng ngày 2 tháng Mười Một, việc đó xảy ra. Quân Trung Quốc tấn công vào tiểu đoàn 3, trung đoàn 8 kỵ binh. Nhiều năm sau, Richardson đọc được rằng quân Trung Quốc đã lẻn vào khu vực trong trang phục lính Nam Hàn, nhưng anh không tin rằng điều đó có thật. Không cần phải cải trang. Họ chỉ tràn xuống từ phía đông, hướng đó hoàn toàn mở rộng. Chỉ giây lát, sở chỉ huy tiểu đoàn là trung tâm chiến sự của phía quân Mỹ, và sau đó hoàn toàn bị lính Trung Quốc tràn ngập. Cùng lúc, cách cánh trái Richardson 350 thước, quân Trung Quốc cũng tấn công và tràn ngập đại đội Love. Như vậy là bốn khẩu đại liên của quân Tàu quét cả từ trước ra sau vị trí của Richardson và xé ra từng mảnh.

Từ phía nam, một trung úy trẻ tên Robert Kies, một trung đội trưởng thuộc đại đội Love, tiểu đoàn ba, một tay mới đến đơn vị, cùng anh bạn Pappy Miller của Richards – trung sỹ trợ tá trung đội, người đã cảnh báo về quân Tàu ngay khi vừa đến Unsan – đã rút về từ một vị trí nằm ở phía đông nam của Richardson chừng hai, ba ngọn đồi, một nơi có tên đồi 904. Richardson không biết mấy về Kies, anh này vội vã dùng đường dây hữu tuyến của Richardson để tìm hiểu xem việc gì tiếp sau. Bởi tình trạng tệ hại của thiết bị liên lạc của mình, nên Kies và quân mình hoàn toàn bị cắt đứt. Rồi khi đường dây của Richardson cũng bị đứt – Kies cho rằng quân Trung Quốc đã cắt dây. Anh quyết định đưa lính của mình lên đường về với tiểu đoàn. Miller bắt tay và chúc Richardson may mắn. (“Lần kế sau tôi gặp lại anh ấy là 52 năm sau khi quân kỵ binh họp mặt” Miller nói). Lúc ấy Richardson cũng không thể liên lạc với đại đội của mình. Anh cho một người lính vượt quảng đường 350 thước để về đại đội Love, nhưng anh ta bị bắn và không thể tiếp tục. Anh ta bò ngược lại về chỗ Richardson, và lia lịa xin lỗi khi đến gần: “Tôi xin lỗi, tôi xin lỗi, tôi không thể làm được”. Lúc Richardson chạm tới anh ta, và mở chiếc áo khoác ra, áo ngập đầy máu; người lính đó chết trên tay anh. Và lúc đó, điều tệ hại nhất, như Richardson hồi tưởng, là anh không thể nhớ nổi tên của người lính đó.

Cây cầu họ bảo vệ giờ đây hoàn toàn rộng mở cho quân Trung Quốc. Richardson đưa hai hoặc ba người lính còn lại trong đội đi lên phía bắc về hướng tiểu đoàn. Khi chạy trong con mương cạnh đường, anh gặp hai người lính từ hướng khác cũng vừa chạy đến, họ thuộc đội mà anh đã gửi đi cùng Walsh trước đó. “Cả đội chết cả rồi. Walsh cũng chết rồi” một tay nói. Nhân cơ hội, anh ta kể thêm rằng anh thoát ra được chỉ ngay trước khi quân Trung quốc chọc đến và bắn chết những người còn lại khi họ chỉ đứng đợi. Chỉ vài ngày trước, Richardson và Walsh, một người bạn cũ, tiến vào Bình Nhưỡng, họ chúc mừng nhau rằng đã cùng đi đến xa như vậy. Thế mà giờ đây Walsh đã chết, và trung đoàn thì bị hủy diệt.


Chí nguyện quân Trung Hoa tại Triều Tiên trong trang phục mùa đông
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2013, 01:23:48 pm »

Với thiếu tá Filmore McAbee, phòng S-3 của tiểu đoàn, điều tệ nhất là sự hỗn loạn và rối tung. Họ không biết ai đã tấn công họ và lực lượng thế nào. “Mười nghìn, một trăm hay một nghìn? Là quân Trung quốc hay quân Triều Tiên?”. Và ngay sau đó là hai câu hỏi chính yếu khác: Ai chịu trách nhiệm chỉ huy các đơn vị Mỹ và mệnh lệnh thế nào? Ormond, tiểu đoàn trưởng, cố đi lên phía bắc đến làng Unsan để kiểm tra các vị trí của đơn vị, anh đã bị thương nặng, và đang chết hoặc đã chết. McAbee không còn bao giờ gặp lại anh ta nữa. Veale Moriaty, phó thứ nhất cũng đi nắm tình hình và McAbee cũng không bao giờ nhìn thấy anh nữa. Nhiều năm sau này, anh vẫn thấy tiếc cho sự biến mất của Moriaty – viên chỉ huy này đã quyết đi, nhưng McAbee tin rằng nhiệm vụ của anh ta phải ở ở lại để tổ chức tiểu đoàn.

McAbee xuống phía nam để nắm tình hình. Dọc đường, anh bất ngờ chạm trán với ba tên lính Trung quốc, anh nhận ra ngay bởi những chiếc áo khoác độn bông và mũ chụp tai. Họ cũng lúng túng khi vấp phải anh ta và chính anh cũng vậy. Họ giương súng trường lên chỉ vào anh. Việc giao tiếp là không thể, nên anh chỉ biết chạy ù lên con đường và đáng ngạc nhiên là họ chỉ ngăn chặn nhưng không bắn anh. Thế rồi vận may của anh cũng bắt đầu bỏ đi. Anh bị dính hai phát đạn, có lẽ từ những lính Trung quốc ở cách con đường một quảng, mà anh không thấy họ. Phát thứ nhất cắm vào một bên đầu. Rồi viên còn lại bắn vỡ xương bả vai, anh cảm thấy mọi thứ kết thúc: anh bị mất máu nặng từ vết thương ở đầu và yếu đi từng phút. Anh biết cái lạnh kinh hoàng đang chống lại anh, và anh chắc là mình sẽ chết ở đó, khi ấy có một người lính Mỹ thấy anh, bằng một cách nào đó đã đưa anh về được sở chỉ huy tiểu đoàn.

Trung úy Kies, cũng bị mất liên lạc từ lúc anh chia tay Richardson ở cây cầu, đang đưa trung đội của mình đi về phía sở chỉ huy tiểu đoàn, lúc đó quân Trung quốc bắt đầu bắn cối và đại liên. Anh ráng đưa trung đội xuống một con mương chạy dọc đường, nhưng rồi họ bị kẹt giữa quân Trung quốc và quân Mỹ nên mất khá nhiều người. “Trung úy, tôi nghĩ là bọn da vàng vây quanh ta rồi”, trung sỹ Luther Wise, một tiểu đội trưởng, nói. Ngay sau đó một quả đạn cối đáp xuống giết chết Wise và làm Kies bị thương. Viên trung úy nhận ra mình không thể nhấc nổi một bên cánh tay. Nhưng anh vẫn thúc những ai còn sống của trung đội chạy về phía tiểu đoàn. Trong sự hỗn loạn, tý nữa là anh đã đâm sầm vào một sỹ quan Trung quốc, nhưng anh nhận ra trước và nhanh chóng lùi quân mình lại, rốt cuộc anh cũng đưa họ được về đến sở chỉ huy mới, nơi lúc trước là trạm phẫu tiểu đoàn. Có một khẩu đại liên quân Trung quốc kiểm soát khá tốt lối đến tiểu đoàn của họ, nhưng Kies nhận ra lối bắn của quân địch – dừng một lát, bắn một tràn, dừng – một loạt, gia số chính xác với mỗi lần bắn – và như thể phá mã khóa vậy. Anh đếm thời gian mỗi loạt bắn và đưa quân của mình di chuyển theo từng nhóm nhỏ trong những đoạn dừng. Kies nghĩ họ có được chút đỉnh sự ngăn trở khẩu đại liên của quân địch, vì lúc đó xác quân Tàu bắt đầu chất đống và làm giảm tầm nhìn của xạ thủ. Lúc họ đến được trạm phẫu, Kies ước tính rằng họ chỉ còn tầm mười hai người trong số hai mươi tám lính lúc trước. Ngay từ đầu họ đã không đầy đủ sức mạnh do thiếu quân bổ sung; và giờ thì họ chỉ còn tương đương một tiểu đội. Khi anh đang cố giúp bác sỹ Clarence Anderson, bác sỹ tiểu đoàn, thì một quả lựu đạn đáp xuống gần chân anh, thế là một lần nữa anh bị thương, lần này thì một chân bị gãy bốn chỗ cùng những vết thương ở chỗ khác. Ngay lúc lựu đạn nổ, một quả cối cũng giết chết năm lính còn chiến đấu được trong trung đội của Kies. Anh biết chắc rằng sẽ không còn mấy người thoát ra được – anh rõ ràng là không thể bởi anh không đụng đậy nổi một chân.


Xe tăng Mỹ bị hạ ở Triều Tiên
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Mười, 2013, 03:20:47 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2013, 03:23:21 pm »

Chỗ sở chỉ huy tiểu đoàn thật thảm hại.  Binh lính mụ mẫn, bị thương và hoàn toàn tê liệt trước các diễn biến, đang đi lạc lung tung giữa những vị trí. Khi Bill Richardson đến nơi, anh sốc trước sự hỗn loạn mà anh thấy. Quân Mỹ lẫn lộn với quân Tàu – phía địch, họ dường như chưa thể nhận thức thấu đáo được chiến thắng của mình, có lẽ thành công vượt quá mức mong đợi của họ. Bây giờ chiếm được sở chỉ huy rồi, họ dường như không biết làm gì tiếp. Bạn có thể đi ngang qua mặt một tay lính Tàu ở trước sở chỉ huy và anh ta chẳng làm gì cả. Một anh lính cứu thương bảo Richardson rằng họ thiết lập được một vị trí nhỏ ngay gần đó để bảo vệ chừng 40 thương binh. Bác sỹ Anderson cũng ở đó cùng với cha Kapaun. Nhưng có một câu hỏi quan trọng, ai là chỉ huy. Cả Ormond cùng McAbee đều bị thương nặng, và không ai biết giờ Moriarty ở đâu. Richardson nghĩ cần phải có lãnh đạo để đối mặt với hiện tại.

Anh quyết định quay lại đại đội Love để xem còn có ai cần giúp không. Anh trở lui lại con đường cũ và la to tên mình lên nhằm tránh bị quân của anh bắn. Anh tìm thấy trung úy Paul Bromser, đại đội trưởng đại đội Love bị trúng đạn rất nặng, còn viên phó phụ trách, trung úy Frederick Giroux, dù cũng bị thương, nhưng vẫn hoạt động được. Thật tồi tệ, Giroux nói. Quân Trung quốc đã quét qua họ. Có lẽ chỉ còn lại 25 binh sỹ trong số 180 người lúc đầu.  “Anh có thể đưa họ thoát ra không?” Giroux hỏi và Richardson đáp rằng “Được, nhưng không phải đi qua cầu”. Anh phải vạch tuyến thoát khác, đi vòng vèo tới lui. Trên đường anh lọt vào giữa hai người lính Tàu với những túi lựu đạn, anh hạ một tên. Một trái lựu đạn rơi xuống, và đại liên địch bắn ngay làm nhiều lính của Richardson hoảng sợ. Khi họ đến gần tuyến phòng vệ lâm thời của tiểu đoàn, họ trông thấy hai chiếc tăng và, theo bản năng, một số leo lên ngay – quân Mỹ luôn nhảy lên xe, Richardson nghĩ, như thể xe cộ có thể cứu họ được. Anh chắc chắn rằng quân Trung Quốc tập trung chú ý xe tăng. Nên anh và Giroux bảo phần lớn quân mình leo xuống.

Tuyến phòng vệ lâm thời mà họ lập, có đường kính tầm hai trăm thước, giáp với sở chỉ huy cũ của tiểu đoàn. Họ nhanh chóng đào hầm trên lớp đất mềm do con sông để lại, cùng với ba chiếc xe tăng bên trong thế là có được thêm chút đỉnh hỏa lực cùng với hệ thống thông tin liên lạc yếu ớt với các đơn vị khác. (Khi đó chỉ có hệ thống radio của xe tăng còn hoạt động). Họ chiến đấu xuốt cả đêm đầu, nhưng kỳ diệu thay, quân Trung Quốc dường như có đủ sức mạnh để dứt điểm họ bất kỳ lúc nào, lại không đánh một cú kết thúc. Richardson nghĩ, có thể chính quân địch cũng lúng túng như quân Mỹ trong đêm đầu đó, nhưng sự lúng túng đó, anh nhớ lại, không còn tồn tại ở ngày thứ hai. Lúc bình minh lên, quân Mỹ được thư giãn chút đỉnh. Họ đã tồn tại được qua trận tấn công đầu tiên. Quân địch trong cuộc chiến này hiếm khi tấn công vào ban ngày, và ngay cả đây là trận chạm súng đầu tiên với quân Tàu, họ ngờ rằng rất khác với quân Triều Tiên. Vẫn còn chút ít hi vọng. Một trong những thông điệp vô tuyến sau cùng mà họ nhận được nói rằng quân cứu viện đang trên đường. Ở một vị trí, cha tuyên úy Kapaun – người được nhớ đến bởi sự dũng cảm và lòng vị tha vượt bậc – hỏi Richardson làm thế nào. Cha tuyên úy hỏi: “Con có biết hôm nay là ngày gì không?”. Richard trả lời rằng không biết.

“Hôm nay là ngày lễ các linh hồn” * (lễ mồng 2 tháng 11)

“Thưa cha” Richardson đáp “mọi người tốt hơn là nên trông coi cẩn thận phần hồn của mình bởi chúng ta thật sự đang cần nó lúc này”

“Đúng, nên thế, nên thế” cha tuyên úy nói.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2013, 03:27:16 pm »

Trung úy Phil Peterson, người đã cùng chia chai sâm banh của cộng sản với Walt Mayo ở Bình Nhưỡng, là một quan sát viên pháo binh của đại đội C tiểu đoàn pháo binh dã chiến số 99, hỗ trợ cho tiểu đoàn 3 trung đoàn 8 và được phối thuộc vào đại đội King, nằm gần sở chỉ huy tiểu đoàn. Năm mươi năm sau, ông tin rằng mình vẫn có thể trích ra hầu hết những lời mà người ở tiểu đoàn đã giải thích cho sự hiện diện của quân Trung Quốc trong vùng chỉ trước khi quân địch tiến công vài giờ “Có lẽ quân Trung Quốc ở đây là để bảo vệ các tổ máy phát điện của Triều Tiên [dọc sông Áp Lục], và các anh không được bắn nếu họ không bắn vào các anh. Không quan sát viên pháo binh nào được gọi pháo bắn vào nhà máy điện”.

Chỉ sau quân Trung Quốc tiến công, Peterson mới biết được sự khốn nạn của chỉ huy cấp trên khi cho họ biết về mức độ nguy hiểm. “Thứ mà họ cho chúng tôi” sau ngần ấy năm ông vẫn giận dữ nói “là một câu chuyện bịa đặt”. Đêm đó, lúc 9 giờ tối, chỉ một chút trước giờ đại bác nổ, vài lính từ một điểm gác của đại đội King giải đến một tù binh, mặt áo chần. Lính Hàn Quốc trong đại đội King không thể nói chuyện được với anh ta. Peterson xác định ngay rằng anh đã chạm mặt với người lính Trung Quốc đầu tiên. Họ được lệnh bỏ các vị trí ở trên đồi và dịch chuyển về tiểu đoàn; việc bố trí lực lượng trong đêm thật lộn xộn; và đại đội bị chia nhỏ thành nhiều nhóm có tầm một tá lính. Khi trận chiến nổ ra, nhóm của Peterson lọt trong một con mương dọc ruộng lúa, đại liên Trung Quốc khóa chặt hai đầu mương. Anh thụp xuống cùng một hạ sĩ trẻ, anh này bị thương vào mông và gần như vui mừng vì điều đó. Anh bảo Peterson “Này trung úy, tôi có một vết thương đáng tiền” – người ta sẽ cho anh ta về nhà. Quê nhà lúc này dường như không xa.

Khi Peterson bị khốn trong con mương, những người khác thuộc đại đội cố đưa khẩu đội gồm sáu khẩu lựu pháo 105mm ra. Lối thoát của họ bị quân thù nhanh chóng khép kín. Khi họ quyết được tuyến rút và tập hợp đoàn công voa nhỏ bé của mình (chừng sáu chiếc xe – xe tải kéo pháo và xe jeep mang lính, lương thực), thì đã quá muộn. Họ không biết rằng quân Trung Quốc đã cắt đường ở phía nam và phục hai bên lộ. Phần lớn quân địch được trang bị tiểu liên Thompson, thứ vũ khí không còn được quân Mỹ ưa thích, nhưng hàng nghìn khẩu được cướp hoặc mua từ chính kẻ thù của họ – quân đội Quốc gia Trung Hoa (quân Tưởng Giới Thạch – ND) trong cuộc nội chiến vừa qua, và trong thời khắc này là một thứ vũ khí hiệu quả.

Hỏa lực khóa chặt con đường thật đáng sợ. Trung úy Hank Pedicone, một trong số những sỹ quan tốt nhất trong đơn vị, người đã nhận Ngôi sao Bạc trong thế chiến II, có mặt trong đoàn công-voa đêm ấy, và cũng là một trong số ít người còn sống sót qua trận đó. Sau này, ông kể với Peterson rằng họ không có lấy một mẩu cơ hội, thật là khủng khiếp khi chứng kiến cả một đại đội hiện hữu bị xóa sổ. Ngay trước đêm ấy, Pedicone đã nài nỉ cấp trên cho bắt đầu di tản, nhưng họ trả lời ông ta rằng cần phải có lệnh. “Chúng ta không thể nhận được lệnh” Pedicone nói “bởi chúng ta không có phương tiện liên lạc. Chúng ta phải tự hành động thôi”. Một vài người, như khẩu đội trưởng – đại úy Jack Bolt, đi đầu trên một chiếc Jeep, xoay sở làm điều đó, bởi quân Trung Quốc dừng bắn – có lẽ để chờ vô hiệu hóa thiết bị kéo pháo, không chỉ bởi nó có giá trị lớn mà còn vì có thể khóa chặt được tuyến đường. Nhưng trong số 180 lính thuộc đại đội, có rất ít người sống sót. Đó là đoàn công voa cuối cùng cố chạy khỏi khu vực Unsan. Trong khi đó, Peterson và nhóm của ông chậm chạm rút về phía sở chỉ huy tiểu đoàn và đợi buổi sáng đến. Lúc bình minh, họ đến được một điểm bằng phẳng cách tiểu đoàn chừng 200 thước và rồi từng nhóm nhỏ chạy ù vào trong tuyến phòng thủ.


Một bản đồ khác của trận chiến đầu tiên với quân Trung Quốc
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Mười, 2013, 06:46:24 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2013, 06:52:07 pm »

Đêm ngày 1 tháng 11, Pappy Miller, chiến hữu Richard Hettinger và trung đội của họ nằm cách tiểu đoàn chừng một dặm thì nhận được điện gọi về. Tiểu đoàn, mà thực chất là cả trung đoàn đã được gọi quay lại, dù với họ, tin tức đến hơi chậm một chút. Khi vừa vượt qua một trạm gác gần cầu, thì họ nghe thấy những tràng súng liên thanh đầu tiên, và rồi quân thù vây quanh họ, Milller xô trung đội xuống dưới cầu và vượt sông – thật ra nó chỉ là một lạch nước nhỏ. Đạn chỉ đường sáng rực trong vùng. Khi hầu hết lính đã qua bờ bên kia thì vài mảnh lựu đạn bắn trúng tay Miller. Những gì anh nhớ được là sự mất tổ chức tuyệt đối, mọi thứ – còn quân Trung Quốc thì ở mọi nơi, dường như từ mọi hướng, không có tuyến rõ ràng cho quân Mỹ lui về. Ông có cảm giác rằng quân thù ở ngay cạnh và rồi đột nhiên hiện ra ngay trên đầu ông và lính của mình. Khi ấy, quân của ông đã đến được con mương dọc đường, và họ nhào xuống đó. Hầu hết họ, như Miller nhớ, là lính mới, vừa đến bổ sung, và không ai trong số đó đã từng thấy một trận chiến như thế. Họ lầm rằng con mương có thể che được họ, trong khi nó không, và nghĩ rằng họ được an toàn trong khi hoàn toàn không có. Không nơi nào là tuyệt đối an toàn, dù là ở điểm cao hay ở sở chỉ huy tiểu đoàn, nhưng Miller hiểu rằng nơi ít an toàn nhất so với tất cả ở đây, chính là con mương, nơi ba mươi lăm quân sỹ, một số thuộc trung đội của ông và số khác ở các đơn vị khác, đang trú. Ông hét gọi bạn “Này, đi tiếp thôi trước khi chúng ta bị giết sạch” và họ bắt đầu ép mọi người thoát ra. Lúc đó là chừng 3 giờ sáng ngày 2 tháng Mười một. Khi ông gần dọn được đám dưới mương, thì một quả lựu đạn Trung Quốc đã xé tét chân ông, băm nát cơ thịt và làm gãy xương bàn chân. Ông không thể di chuyển được nữa.

Ông nằm đó, đợi trời sáng, đợi cái chết. Ông biết, ở đây không có ai có thể đưa ông đi. CƠ hội duy nhất là bò được đến trạm phẫu tiểu đoàn mà ông nghĩ là ở đâu gần đó, nhưng có lẽ trạm phẫu đó cũng đã bị tràn ngập rồi. Trời rất lạnh, hơi thở của ông ngưng tụ đậm đặc, và ông sợ rằng quân Trung Quốc, khi kiểm xác sẽ biết được ông còn sống bởi làn hơi. Ông cố núp dưới những xác địch. Lúc chừng 2 giờ chiều ngày 2 tháng Mười một, năm hay sáu lính Trung Quốc, đi trên bãi chiến, kiểm tra một cách có phương pháp xác quân Mỹ và quân Trung Quốc, đã tìm ra ông. Một người chỉa khẩu súng trường vào đầu ông. Rồi, ông nghĩ, mình cuối cùng cũng đi đứt. Ngay lúc đó, cha tuyên úy Kapaun xô tới, đẩy người lính Trung Hoa sang một bên, và cứu mạng ông. Miller đợi anh lính Tàu bắn chết cả ông lẫn cha Kapaun, nhưng cha tuyên úy đã rất táo bạo đến nỗi tay lính đó dường như sợ ông ta. Phớt lờ quân địch, cha Kapaun lôi Miller lên và nhấc lên lưng: có lẽ cả hai sẽ là tù binh, nhưng ông sẽ mang Miller đi xa hết mức có thể.


Lính Mỹ bắn bazooka

Trận tấn công của quân Trung Quốc diễn ra là một sự kinh ngạc hoàn toàn với quân lính trong tiểu đoàn 1 – trung đoàn 8. Thật ra, trước đó họ đã đánh một trận chiến ngắn gọn mà không biết đó là quân Trung Quốc. Với Ray Davis, một hạ sĩ mười-chín-tuổi thuộc đại đội Dog, tiểu đoàn 1, một đại đội hỏa lực, thì đó một trận tao ngộ chiến, thuộc loại có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Họ đến Unsan vào ngày 31 tháng Mười, anh nằm trong một lực lượng cỡ đại đội hành quân qua một cánh đồng lúa, và rồi họ bắt đầu bị bắn từ  vài ngọn đồi gần đó. Davis nhớ rằng anh và người của anh khá bất cẩn khi bị bắn. Hầu hết đều không đội nón trận. Rồi cả hai bên cùng lùi. Trận đánh thật sự đến sau đó một ngày rưỡi.

Davis thuộc một tổ đại liên chốt ở một cao điểm khống chế trên một ngọn đồi phía nam con đường lượn quanh theo hướng đông – tây. Con đường rất hẹp, chỉ đủ cho một chiếc xe bò đi một chiều, và lúc đó đầy những xe cộ của trung đoàn kỵ binh 8 nối đuôi nhau, một sự phản ánh trung thực của quân đội Hoa Kỳ vốn chỉ biết di chuyển hoàn toàn dựa vào cơ giới, và nó là một yếu điểm bất bình thường với kẻ thù mới. Quân Trung Hoa, di chuyển bằng chân, luôn dễ dàng tiếp cận vùng đất cao, trong khi quân Mỹ luôn dính liền một cách định mệnh với xe cộ và đường xá, thứ này hầu hết lại luôn ở dưới thung lũng.

Sau nửa đêm một chút, quân Trung Quốc toàn lực tấn công. Đa phần trong bốn tháng Davis ở chiến trường, thì quân địch luôn có ưu thế tuyệt đối về quân số, và vấn đề lớn với đội của anh – cũng như phần lớn các lính đại liên khác – là cách chăm sóc khẩu súng của họ trước việc sử dụng quá mức. Davis hiểu điều này quá rõ. Bởi anh đi từ chân tiếp đạn khi mới đến xứ sở này, rồi trở thành pháo thủ thứ hai, pháo thủ thứ nhất cho loại vũ khí hai người điều khiển này, anh cũng đã qua tay ba hay bốn khẩu đại liên rồi. Họ luôn cần hỏa lực áp chế nhiều, bởi số lượng vượt trội của quân địch. Các vũ khí bộ binh cơ bản – súng trường M-1, súng carbin và cả súng liên thanh – không được thiết kế cho mức sử dụng mà họ đang dùng. Trung tá Bob Kane, tiểu đoàn trưởng, đã có lần bảo Davis rằng vấn đề chính của cuộc chiến này là anh phải hạ được một trăm tên địch để có thể về nhà. Mỗi người phải hạ một trăm, vấn đề là vậy. Nhưng tại sao là một trăm thì Kane không bao giờ giải thích đúng đắn.

Davis chưa bao giờ trông thấy điều gì giống thế này. Khi quân Mỹ bắn pháo sáng lên, Davis, người lớn lên trong một nông trại ngoại ô New York, thấy hằng hà sa số quân địch trông như đám lúa mỳ rập rình ở cánh đồng sau nhà. Đó là một cảnh tượng kinh khủng, hàng ngàn, hàng vạn người, lúc ấy, như muốn xông cả vào anh. Nếu hạ một tên, sẽ có một tên khác; nếu hạ một trăm ắt cũng sẽ có một trăm tên khác ngay phía sau. Câu đùa của Kane mang dư vị cay đắng. Rồi Davis thấy một tên ngồi trên ngựa, có vẻ như điều khiển hướng cho những tên khác. Chúng mang theo kèn, mỗi khi thổi lên, quân địch đôi khi lại chuyển hướng công kích.

Davis hiểu nhúm người quanh anh có số đạn hạn chế và cũng chỉ còn một thời gian hạn chế. Quân Mỹ bắn, rồi bắn, ở cự ly gần. Họ còn, như Davis ước tính sau này, một khá nhất là hai giờ trước khi cạn kiệt đạn, hoặc súng quá nóng. Chừng hai giờ sáng, viên thượng sỹ trung đội đến gặp anh. Davis phá hủy khẩu đại liên của mình bằng quả lựu đạn lửa sau cùng, cả hai ráng đến một vị trí mà những khẩu cối của họ, đang bắn đạn nổ chống lại quân Trung Quốc, có thể bảo vệ chút ít. Và rồi cũng qua được đêm. Khi bình minh lên, họ tái tập hợp, vài người ngạc nhiên nhận ra nhau còn sống. Nhưng họ đã bị bao vây.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM