Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:39:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trung Đoàn 88 Anh Hùng (phần 2)  (Đọc 317521 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ThaiE88
Thành viên
*
Bài viết: 462


Bình Minh NNBL


« Trả lời #160 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2011, 12:04:10 am »

***88
Đoàn xe vào đậu kín cả một khoảng khu vực quân sự trong sân bay. Bộ đội xuống xe đứng xanh lè cả một vùng ! Nắng bắt đầu lên, trời ấm dần. Một dãy máy bay vận tải cánh quạt AN-24 sơn màu xanh - trắng của Liên Xô đang chờ sẵn. Phi hành đoàn toàn người Nga. Tôi được xếp lên chiếc máy bay thứ 3. Nó hả cái họng đen ngòm phía sau đuôi xuống đất, lính cứ tuần tự chui vào cái họng này để bước lên máy bay. Cứ 50 đứa lên một chiếc, hai dãy ghế hai bên thành máy bay ngồi được 30 đứa, 20 đứa kia ngồi bệt xuống sàn máy bay. Khi bọn tôi đã lên đủ, anh cán bộ khung của tiểu đoàn đi theo cũng bước lên sau cùng. Hai thằng phi công ngồi phía trước nói xí xô xì xào gì đó với thằng ở phía sau, thằng này liền đội mũ công tác giống như mũ lính xe tăng lên đầu, có tai nghe và micro, lấy 2 tay ra dấu cho bọn tôi ngồi ổn định xong bấm nút điều khiển cho cái họng cửa phía sau cất lên ngậm lại. Bây giờ bọn tôi chỉ nhìn được ra bên ngoài qua những cái cửa tròn tròn bằng kiếng hay mica gì đó đã bị mờ đi vì cũ. Máy bay gầm lên rồi chuyển bánh từ từ ra phi đạo. Bọn tôi im bặt, có đứa nín thở sợ xanh mặt vì lần đầu tiên trong đời được đi máy bay. Chiếc máy bay chạy trên nền đường nghe rung rung lắc lắc như đi xe bò, lại thêm tiếng kêu cà két cà két của các bộ phận cọ sát với nhau như một cái máy lâu ngày không tra dầu mỡ, làm mấy thằng đã sợ càng sợ hơn ! Không biết "nó" có bay đến nơi không hay rụng mất một bên cánh giữa đường ! Ra tới phi đạo máy bay dừng lại một chút như lấy hơi rồi bất ngờ tăng ga gầm rú dữ dội, chạy dài trên đường băng cất cánh bay lên, nâng dần độ cao, lỗ tai bọn tôi như bị ép lại điếc đặc và đau đớn! Thằng Nga phía sau liền làm động tác chỉ cho bọn tôi bịt mũi, ngậm miệng thở mạnh ra cho đỡ đau lỗ tai, bọn tôi răm rắp làm theo, nghe như trong tai phù ra một cái "phựt" và cảm thấy đỡ đau thật ! Máy bay chợt chao cánh nghiêng một bên để đổi hướng bay về phía Tây, cái họng cửa phía sau cũng được thằng Nga bấm nút hạ  thấp xuống một nữa để lấy không khí vào cho dễ thở thì phải. Tôi nhìn xuống bên dưới, Sài Gòn vẫn bình thản như chẳng có gì xảy ra. Nhà cửa, đường xá vẫn tấp nập, người xe chen chúc đi lại trên những con đường giăng giăng như bàn cờ. Hình ảnh xa dần, xa dần, cuối cùng thấy như một bầy kiến bu đầy trong một dĩa cơm ! ... Tôi nhìn lên cái đồng hồ Titoni Ba tôi cho trong lần về phép trước lúc trở lại quân trường để đi K, đã 9 giờ rưỡi sáng ngày 4/12/1980, lòng tôi trống không ...

Sau một hồi bay, máy bay hạ dần độ cao rồi nghiêng cánh đổi hướng bay về phía Bắc chuẩn bị tiếp đất. Nhìn qua cửa tôi thấy một màu xanh bát ngát của đồng ruộng. Những miếng ruộng được chia ô vuông vức rất đẹp và rộng lớn chứ không phải từng miếng nhỏ như ở VN. Dọc ngang ven theo bờ các ô vuông vức đó là những mương nước thủy lợi, một hệ thống thủy lợi thật tuyệt vời. Lúc đó tôi cứ tưởng hệ thống thủy lợi này là do bọn TQ giúp chính quyền Pôn Pốt xây dựng nhưng về sau mới biết đây là hệ thống thủy lợi có từ thời Ăng Kor, lấy nước từ hồ Ba-rai và Biển hồ theo mùa về tưới cho cánh đồng Siêm Riệp xanh tốt quanh năm.
Logged

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng GIAN bút chẳng tà !
ThaiE88
Thành viên
*
Bài viết: 462


Bình Minh NNBL


« Trả lời #161 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2011, 12:05:05 am »

***88
Máy bay đáp xuống sân bay, giảm tốc độ rồi quẹo vào bãi đỗ. Cái họng cửa phía sau lại hạ xuống hết cỡ, chạm mặt đất và bọn tôi tục tục xốc ba-lô đi xuống. Thằng Nga đứng ở cửa đi xuống bắt tay từng đứa chúng tôi nói cái gì đó bằng tiếng Nga (chắc là tạm biệt và chúc may mắn), bọn tôi chỉ biết cười lại với nó rồi vội vả rời khỏi máy bay. Cái sân đỗ nhỏ xíu nên bọn tôi vừa xuống hết là thằng Nga liền đưa tay ra dấu cho một tốp người mặc áo blu trắng (có lẽ là quân y) nhanh chóng cáng thương binh lên máy bay để chuyển về SG, dành chỗ cho những chiếc khác vào. Úi trời ơi, nãy giờ không để ý, giờ mới thấy quá trời thương binh được chuyển lên máy bay ! Nhìn ngược vô trong nhà ga còn quá trời những thương binh khác nữa, băng bó cùng mình, dịch truyền treo lủng lẳng đang nằm trên băng ca dã chiến chờ những chuyến bay sau, bọn tôi xanh cả mặt ! Trời nắng chói chang. Nhìn lên nóc nhà ga thấy dòng chữ bằng tiếng Anh "Siem Riep Airport" tôi mới biết mình đã đến Siêm Riệp, Campuchia. Đồng hồ đã 10 giờ 20 .....

Cán bộ khung dẫn bọn tôi đi xuyên qua nhà ga, ra tập trung phía trước sân bay. Ở đây rất nhiều xe quân sự GMC đang đậu chờ sẵn. Sau một lúc làm việc với các đơn vị nhận quân. Bọn tôi gồm 150 đứa được đọc tên lại một lần nữa rồi lần lượt lên xe, tất cả đoàn bọn tôi lên 5 xe. Cán bộ khung bắt tay chào chia tay với bọn tôi, lại chúc may mắn, hoàn thành nhiệm vụ rồi lật đật quay vào sân bay để lên máy may về lại VN. Lúc đó bọn tôi chỉ biết lên xe chớ chưa biết đơn vị của mình là đơn vị nào và ở đâu nữa. Mon men hỏi chuyện mấy anh nhận quân thì mấy ảnh nói là về Trung đoàn 88, cũng gần lắm, cách vài chục cây số thôi. Chẳng biết mô tê gì hơn nữa, cứ tạm yên tâm như vậy đã ...

Đoàn xe chở bọn tôi có 5 chiếc, có một chiếc xe Dodge nhỏ hơn chạy trước dẫn đường là có trang bị trung liên RPD và B40 còn trên xe bọn tôi chỉ có vài anh đi nhận quân mang theo AK hoặc M79, còn lại toàn bộ bọn tôi tay không một tấc sắt. Đoàn xe lăn bánh ra khỏi sân bay, quẹo phải về hướng Tây. Con đường nền nhựa hư hỏng, loang lổ ổ gà ổ voi, thỉnh thoảng lại có một chiếc cầu bằng gỗ hình như mới được công binh ta bắc lại, hai đầu cầu có quân mình canh gác. Suốt dọc đoạn đường, cứ cách một khoảng vài cây số lại có lán trại của quân ta chốt dọc hai bên đường. Anh em thấy xe qua cũng ra đứng vẩy chào. Có anh còn la lên "Sướng nha các em !". Lúc đó bọn tôi có biết gì đâu !

Hơn 12 giờ trưa đoàn xe chỡ bọn tôi đến một ngã ba rồi quẹo về hướng Bắc vào con đường đất đỏ bụi mù. Xe dừng lại nghỉ ở đây khoảng nữa tiếng. Về sau tôi mới biết đây là thị trấn K'ra Lanh và con đường đất bụi mù đó là lộ 68. Anh em xuống xe tranh thủ xả gió và mua sắm. Ở đây họ xài cả tiền Việt lẫn tiền K. Tôi chỉ có một ít tiền Việt, móc ra mua hết kem đánh răng UB, xà bông bột dạng gói có hình ông tiên, xà bông cục Lux, tất cả đều là hàng Thái Lan. Còn ít tiền tôi uống một ly nước đá chanh, mua ít bánh kẹo vớ vẫn và 1 gói thuốc lá Samit là sạch túi ! Không biết nghe ai nói mà mấy thằng trong đoàn  xì xầm với nhau về đơn vị ai có vàng bạc, đồng hồ, bút máy sẽ bị thu giữ hết vì đi tác chiến không cần những thứ đó nên nếu có thì bán quách ở đây đi, lấy tiền mua đồ đạc gì đó hoặc ăn uống cho hết ! Cũng có mấy thằng bán nhẫn vàng, đồng hồ. Riêng tôi, có cái đồng hồ kỷ niệm của ông già, tôi lẳng lặng lột ra, không đeo trên tay nữa, cũng không bán đi mà cất vào ba-lô với ý nghĩ bán cũng chẳng được bao nhiêu, cứ giữ lại vì đây là vật kỷ niệm, nếu đơn vị có thu thì ngày về họ cũng phải trả lại còn nếu mất thì thôi ...
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười Hai, 2011, 08:39:20 am gửi bởi ThaiE88 » Logged

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng GIAN bút chẳng tà !
ThaiE88
Thành viên
*
Bài viết: 462


Bình Minh NNBL


« Trả lời #162 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2011, 12:05:56 am »

***88
Xe tiếp tục chạy trên con đường đất bụi mù đầy ổ voi, có ổ lớn như cái ao, nước ngập đầy tràn, chiếc xe lắc lư lội qua như đi qua một cái ngầm. Hai bên đường nhà cửa thưa thớt dần rồi hết hẵn, chỉ có những cánh đồng mênh mông trơ trọi nắng chang chang. Hết mấy cánh đồng lại vào những đoạn đường hai bên là rừng, chốc chốc lại có mấy bụi táo dại bên đường vươn gai cào vào bọn tôi, có đứa tránh không kịp bị cào trầy tay, rách áo ! Gặp vài người dân đi đường, bất kể họ là đàn ông, đàn bà, trẻ hay già bọn tôi đều nhao nhao lên hỏi đúng một câu "Ôn solanh boong tê" rồi cười òa với nhau ! Có một bà già nghe bọn tôi hỏi như vậy cũng ráng nỡ nụ cười móm mém trả lời "Tê, Khơ nhum chà hơi !" (Không được, tui già rồi !) Nhưng lúc đó bọn tôi có biết gì hơn nữa đâu, vậy là cả bọn lại cười rân ! ...

Đoàn xe cứ nghiêng ngã, lắc lư trên con đường tội nghiệp, qua một số phum làng có rất nhiều cây dừa và thốt nốt, qua một cây cầu cháy nham nhỡ có một đơn vị giá súng cao xạ 37 li chốt giữ hai đầu cầu, rồi đến một phum khá lớn, dân cư có vẽ sầm uất hơn những phum trên đoạn đường từ K'ra Lanh đến đây. Về sau tôi biết đây là phum Choong Kal. Đoạn đường 68 này cuối năm 1980 vẫn còn khá an ninh, bọn Pốt chưa dám ra phục kích nhưng bước qua khoảng giữa năm 1981 trở đi, nghĩa là chừng không đến nữa năm sau đó, đi như kiểu bọn tôi hôm đó là chết chắc !

Xe đi thêm vài cây số nữa thì về đến cứ của Trung đoàn 88 đóng giữa một rừng dầu. Chúng tôi xuống xe bên cạnh một ngôi nhà cũ tường xây gạch đã đỗ sập gần hết, không còn mái. Một số cán bộ ra đón chúng tôi, trong đó có cả một bác trông rất oai vệ, bụng bự, bọn tôi đoán ít nhất cũng là Trung đoàn phó hoặc Trung đoàn trưởng gì đó. Bằng giọng Nam bộ, bác chỉ đạo ngay "Cho anh em nghỉ ngơi, cơm nước đàng hoàng nghe tụi bây, nhanh nhanh lên, trời sắp tối rồi đó" (sau này tôi mới biết đó chính là bác Trung đoàn trưởng Tám To). Lúc đó đã gần 4 giờ chiều.

Bọn tôi được C17 đón về "trại". "Trại" C17 cách E bộ chừng nữa cây số, nằm giữa rừng dầu mênh mông, bên dưới là cỏ le xanh rì ! C bộ nằm bên phía Đông lộ 68. 150 đứa chúng tôi được chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm được 1 B lính cũ làm "cán bộ khung", kéo nhau qua bên Tây lộ 68 đối diện với C bộ tìm chỗ dựng lán trại làm "cứ". Đại đội phát cho mỗi nhóm vài con dao tông, tranh thủ thay nhau chặt cây rừng dựng tạm mấy cái lán để có chỗ ngủ tạm đêm nay. Lúc đó bọn tôi vẫn chưa được phát tăng võng, mỗi đứa chỉ có một cái mùng xô và cái tấm đắp bằng dù mỏng te đem theo từ quân trường. Sau khi dựng tạm bợ cái lán bằng mấy cành cây, chặt tàu lá rừng phủ lên che tạm sương đêm, bọn tôi phát cỏ le xuống, trải tấm đắp dù lên cỏ làm chỗ nằm. Xong phân công anh em qua bên đại đội nhận cơm chiều về ăn. Bữa cơm chiều có cơm nóng ăn với muối mè đen, tí thịt heo hộp nấu loảng xoảng trong một nồi nước vừa như món canh vừa như món kho, vài con cá mòi hộp bằng ngón tay kho mặn chát, vậy mà ngon đáo để, bọn tôi ăn sạch trơn !

Cơm nước xong bọn tôi được cán bộ B tập trung sinh hoạt tình hình, phân công gác đêm và giao cho mỗi nhóm 3 khẩu AK, chia địa điểm, chỉ hướng gác. Xong xuôi trời cũng vừa tối, bọn tôi cũng đã thấm mệt sau một ngày hành quân từ VN qua. Mấy thằng chụm lại trong lán, bên ngoài gom củi mục đốt đống un đuổi muỗi, nằm nói chuyện một hồi rồi lần lượt ngủ hết. Trời càng khuya sương xuống càng lạnh, tôi lấy cái mùng xô ra làm tấm đắp, cũng khá ấm, rồi ngủ thiếp đi cho đến khi thằng Xuân vào lay dậy đổi gác. Tôi ngồi dậy, vẫn quấn theo cái mùng xô màu xanh lá vì trời khá lạnh, nhận khẩu súng từ thằng Xuân rồi bước ra chỗ gác. Nhìn về phía trước, hướng gác tối đen như mực chẳng thấy được gì, nhìn lên trời đầy sao nhưng bị mờ đi bởi làn sương lạnh; tiếng côn trùng rả rích, xa xa trong rừng tiếng tát của con mễn đi ăn đêm ...

Tôi nhớ mãi chẳng bao giờ quên được ngày đầu sang K với bữa cơm đầu tiên và phiên gác đầu tiên ấy nơi chiến trường K ...

Thấm thoát đã 31 năm rồi mà tưởng như mới hôm qua !
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười Hai, 2011, 08:41:33 am gửi bởi ThaiE88 » Logged

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng GIAN bút chẳng tà !
TevanTua
Thành viên
*
Bài viết: 34



« Trả lời #163 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2011, 04:46:32 am »

Đọc bài của bạn sao thấy giống tâm trạng của mình ngày trước sang K  Roll Eyes
Trên đường đi cảnh vật tiêu điều, xa xa có vài cây thốt nốt đứng chơ vơ giữa cánh đồng chết...!
Chặng đường dài hành quân bằng xe cơ giới, nó xốc thiếu điều muốn tè ra quần do hố trâu hố voi không phải "ổ gà"
Về đơn vị đêm đầu tiên ra gác, màn đêm buông xuống với tiết trời se lạnh của rừng núi, buồn nhớ nhà nhớ người yêu muốn chết đi được. Đang ngồi gác mà cứ liên tưởng đến chuyện đâu đâu  Huh giả sử như trong rừng tối âm u phía trước, thằng địch phát hiện ra mình và  " đòm " cho một phát  Roll Eyes thì thôi rồi lượm ơi...!
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười Hai, 2011, 07:27:01 pm gửi bởi TevanTua » Logged

binhyen1960
Trung tá
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #164 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2011, 06:26:18 am »

thằng địch phát hiện ra mình và  " đòm " cho một phát  Roll Eyes thì thôi rồi lượm ơi...!


 Thảo nào tên nick của bạn là Te Văn Tua. Grin

 Gác mà để thằng địch nó phát hiện ra mình ngồi gác thì không te văn tua mới là lạ. Grin
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
H3 Hùng
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 4438


Hẹn ngày trở lại Preav


WWW
« Trả lời #165 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2011, 09:23:10 am »

Thấm thoát đã 31 năm rồi mà tưởng như mới hôm qua !

Ngày đầu tiên vào đơn vị chiến đấu của người lính mới vô cùng sâu sắc. Từ ấn tượng ban đầu đó mà mình có cái nhìn thiện cảm hay không về con người và đơn vị mà mình sẽ phục vụ trong suốt cuộc đời lính chiến của mình. Cán bộ chiến sĩ ta ngày xưa nói chung là tốt, đối với lính mới có sự quan tâm chia sẻ chứ không đì nhờ thế mà mối quan hệ tốt đẹp còn lâu dài mãi đến ngày hôm nay.

Tôi cũng như Thái E88 hơn 30 năm đã trôi qua, ấn tượng về bữa cơm chiều đầu tiên trong đơn vị chiến đấu còn đó. Nhiều khi tôi tự hỏi nếu xãy ra chiến tranh tôi sẽ nhập ngũ nữa không? Câu trả lời là có. Dù thực tế chiến trường khó khăn gian khổ mình đã từng nếm mùi. Bởi chủ quyền đất nước là thiêng liêng, bởi ý chí tự hào dân tộc là điều khỏi cần bàn cãi (mà mình là một thành viên trong đó). Nhưng có một điều gì đó bất ổn trong tôi hiện tại: là mình không còn lý tưởng như ngày xưa! Thời nay không như thời Tố Hữu: Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim". Chân lý ngày nay ở đâu để mọi người hy sinh phấn đấu?!
Logged
linh1989
Thành viên
*
Bài viết: 34


« Trả lời #166 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2011, 09:51:59 am »

Bác ơi tuổi đời ngoài 50 rồi ,mắt mờ tay chân chậm chạp làm sao còn như thời trai trẻ ,nếu có chiến tranh xảy ra bác có lòng nhưng sợ quân đội họ không nhận mình được ,vì qua tuổi 46 là hết tuổi DB ĐV rồi ,
Logged
H3 Hùng
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 4438


Hẹn ngày trở lại Preav


WWW
« Trả lời #167 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2011, 09:59:39 am »

Bác ơi tuổi đời ngoài 50 rồi ,mắt mờ tay chân chậm chạp làm sao còn như thời trai trẻ ,nếu có chiến tranh xảy ra bác có lòng nhưng sợ quân đội họ không nhận mình được ,vì qua tuổi 46 là hết tuổi DB ĐV rồi ,

Ý tôi nói là mình trở lại tuổi đôi mươi như ngày xưa đó mà. Còn hiện tại tất nhiên tôi ngoài tuổi dự bị động viên rồi. Nhưng giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Tôi ra chiến trường không được thì tham gia với cánh đàn bà gìn làng giữ xóm cũng được chứ bộ. Tầm như tôi thế nào cũng được chị em phụ nữ chiếu cố cho làm tiểu đội trưởng đội nữ dân quân du kích ấp chứ hihi.
Logged
ThaiE88
Thành viên
*
Bài viết: 462


Bình Minh NNBL


« Trả lời #168 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2011, 10:36:17 am »

***88
Đúng vậy bác H3Hung ạ ! Ngày đầu tiên nhập ngũ, ăn bữa cơm đầu tiên ở quân trường cũng rất đáng nhớ nhưng không nhớ nhiều bằng ngày đầu tiên về đơn vị chiến đấu, ăn bữa cơm đầu tiên nơi biên cương heo hút xứ người ! Đêm đầu tiên ngủ giữa rừng biên giới, biết thế nào là phiên gác đầu tiên của đời lính chiến, và cũng như bao anh em khác, suy nghĩ mông lung nhiều lắm mà trong bài viết trên tôi đã không viết ra. Ấn tượng của ngày đầu tiên này đã đi theo tôi suốt những năm ở K cho đến tận bây giờ và có lẽ mãi mãi về sau ...

Bây giờ già rồi, đương nhiên là không còn sức vóc trai trẻ mười tám đôi mươi, trách nhiệm với vợ con, gia đình, công việc và cuộc sống càng nặng nề chồng chất hơn nữa nhưng hễ có giặc là tôi vẫn sẵn sàng đi theo yêu cầu của đất nước. Tôi nghĩ số đông anh em cựu binh mình đều nghĩ như vậy, trừ một số lý do này nọ. Nếu không làm người lính trực tiếp cầm súng được nữa thì cũng làm được những việc khác đất nước cần, không bao giờ là người thừa được ! Còn nếu may mắn được làm tiểu đội trưởng nữ dân quân như bác thì quá tuyệt vì hoàn toàn phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ, sức khỏe, kinh nghiệm và cả .... hoàn cảnh nữa ! Grin
Logged

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng GIAN bút chẳng tà !
NVLAC
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 395


người khoác chiếc chiến y, thì nào ước mơ gì ...


« Trả lời #169 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2011, 02:29:54 pm »

Hi hi mấy lão này hơi tý là choảng nhau hí , @ Thái88 bữa nào em rủ thêm vài người kéo lên Bình Dương tám với bác đó
@Thai88 : hehe tui thường ngại dự những cuộc vui miễn phí , nếu bác thích hôm nào về SG cứ nói phile gọi cho tui và tui sẽ hú 1 số anh em ở các đơn vị khác gặp bác để xem tui có đá bóng hay không nhé  Grin
Một topic thường có 2 phần , phần kể và phần bình luận hay tranh luận hoặc gọi là ném đá gì đó và chính cái phần sau này nó mới hấp dẫn người đọc bác ạ  Grin
Nếu bác không muốn ai bình luận về đơn vị của bác thì tốt nhất bác đừng kể chuyện nữa , để thời gian đó ngủ cho khỏe  Grin
Bác nên học hỏi tui nè , humxamthaylong chê tụi tui là lính kiểng tui vẫn vui vẻ , anh em không hiểu thì mình nói cho anh em hiểu chứ mình nóng mũi anh em lại nói mình nhỏ mọn , tiểu nhân  Grin

*** 88
     Thái E88 đã có lời mời thì anh em mình hôm nào lên Bình Dương off một bửa; nói qua nói lại, nói nặng nói nhẹ với nhau đủ điều trên diễn đàn rồi... gặp nhau nói chuyện trực tiếp với nhau cho đả.
     @haanh ơi, "mấy cuộc vui miễn phí" thì có gì đâu mà ngại, anh em có lòng, có điều kiện, mình đâu có ép buộc, "gài độ" để anh em phải làm cho mình ăn, cũng như Bé Hiền vậy : mời anh em cả hai ngày, được nhiều anh em tới nhà vui với mình thì trong lòng vui sướng lắm chớ. Uống rượu trả tiền hoài thì có gì vui.
     Cùng chiến đấu dưới một màu cờ sắc áo, thì dù có ở chung một đơn vị hay không thì đã là chung rồi. Có những anh em về hậu cứ chửi nhau, thậm chí có lúc đánh nhau nhưng vẫn sẳn sàng hy sinh cho đồng đội mình.
     Để cần làm sáng tỏ một vấn đề gì đó thì tranh luận là điều tất nhiên, có thể được nhiều người tham gia góp ý thì sẽ rõ, nhưng không hẳn vấn đề nào có nhiều người tranh luận cũng sẽ đưa đến kết luận đúng. Hồi ức chiến tranh trong tâm hồn chúng ta  bây giờ đã qua một lăng kính khác. Ba mươi năm trước, cái nhìn của ta là người trong cuộc, cái nhìn của ta bây giờ có hơi khác; sau ba mươi năm ta như người đứng bên ngoài hay bên trên để nhìn, cái nhận xét tỉnh táo hơn, tinh tế hơn.
       Sự hấp dẫn của diễn đàn là bình luận hay tranh luận là có thật, ai cũng muốn xem cái vấn đề đó sẽ đi đến đâu, kết luận là việc đó đúng hay không, nếu đúng thì đúng mấy chục phần trăm. Còn "ném đá" thì đa số tránh ra xa vì sợ bị "tai bay họa gởi" chớ không chắc tạo sự hấp dẫn; tôi đã thấy mấy trận "ném đá", đa số anh em vào để can ngăn, khuyên nhủ, chỉ có vài người là "tiếp tay" ném thêm, đổ dầu vào lửa. Tôi chỉ mong muốn anh em mình trong tranh luận cũng nên giữ vị thế của mình - tranh luận bằng lý lẻ, bằng sự thật - không nên dùng những từ ngữ kiểu "ném đá" (tôi rất khó chịu với từ "ném đá", dù tôi nghĩ anh em chỉ nói cho vui, nghe nó thế nào - cho mở ngoặc xin lỗi nhé, nghe đầy vẻ "côn đồ", vì người ta chỉ ném đá với những kẻ mà mình thù hằn, khinh bỉ, chớ không ai ném đá với đồng đội, chiến hữu bao giờ).
       Bây giờ, anh em mình đã năm mươi hay sáu mươi rồi, cháu thì người có người chưa, nhưng vợ và con thì gần như đều có. Công việc ngoài xã hội thì có anh, chị có những vị thế khá cao như đại biểu quốc hội, chủ tịch quận huyện, trưởng phó phòng ban ... hoặc những nhà doanh nghiệp, kiến trúc sư, bác sĩ, luật sư .. nhưng cũng có những anh em đang bị nợ áo cơm phải lao động vất vả làm thuê, chạy xe "dân biểu" hoặc thương binh thiếu tay, thiếu chân, thiếu mắt ... Họ cũng muốn học hỏi để được như các chiến hữu nhưng không phải ai cũng thoát được hoàn cảnh hiện tại.
       Với tất cả niềm kính trọng những đồng đội đã hy sinh mạng sống hoặc một phần cơ thể mình và lòng mong muốn diễn đàn của chúng ta là nơi gặp gở, hội ngộ của những người từng vào sinh ra tử, chúng ta nên đối xử với nhau trong tinh thần đó, không nên làm thương tổn nhau, không nên "ném đá" người nào đó chỉ vì anh ta quá ca tụng đơn vị mình, quá yêu đồng đội mình.
     Tinh thần đoàn kết phải là tiêu chí hàng đầu của anh em chúng ta và phải được mỗi thành viên tôn trọng, giữ gìn và phát huy. Mong lắm thay.
Logged

BÁCH NIÊN CHI KẾ MẠC NHƯ THỤ NHÂN
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM