Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:39:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cha tôi, Đặng Tiểu Bình (Thời kỳ Cách mạng văn hóa)  (Đọc 26360 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #10 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2011, 11:46:47 pm »

Vương Thuỵ Lâm đưa Từ Nghiệp Phu vào phòng ngủ của cha tôi dựng cha tôi dậy, cho biết Chủ tịch muốn gặp cha tôi nói chuyện, cha tôi vội vã trở dậy. Từ Nghiệp Phu không cho mang bảo vệ đi theo, nên cha tôi phải ra đi một mình. Sau khi cha tôi đi rồi, mẹ tôi lo lắng vô cùng. Nên rõ rằng, kể từ sau khi Cách mạng văn hoá phê phán Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình tới đó, Mao Trạch Đông chưa hề cho tìm cha tôi để trò chuyện gì.

Trời sắp sáng, cha tôi mới từ chỗ Chủ tịch trở về. Cha tôi cho mẹ tôi biết rằng, vấn đề chủ yếu mà Chủ tịch hỏi ông là tình hình về giai đoạn những năm 30 khi rời quân đoàn Hồng quân số 7, đến Thượng Hải, đã báo cáo công tác với trung ương như thế nào, ông đã nói lại với Chủ tịch rất tường tận. Chủ tịch có phê bình sai lầm của ông trong việc cử các tổ công tác (xuống trường học - N.D).

Cha tôi cũng nói rằng: ông đã tiếp thu lời phê bình ấy. Cha tôi có hỏi Chủ tịch: sau này có việc cần báo cáo với Chủ tịch thì tìm ai. Chủ tịch đáp: Có thể tìm Uông Đông Hưng, cũng có thể trực tiếp viết thư cho Chủ tịch. Thấy thái độ của Chủ tịch rất ôn hoà, phê bình cũng chẳng lấy gì làm gay gắt, khiến cha tôi như có được một niềm an ủi lớn.

Với sự kích động và ủng hộ của Lâm Bưu, Giang Thanh cùng một số người khác, việc điên cuồng phê phán Lưu Thiếu Kỳ càng ngày càng được nâng cấp. Đến tháng chín. những bài báo trên báo lớn báo nhỏ phê phán Lưu Thiếu Kỳ đã lên tới trên 150 bài. Đầu tháng bảy, phái tạo phản đòi “tóm cổ” Lưu Thiếu Kỳ nằm bên ngoài Trung Nam Hải, bắt Lưu Thiếu Kỳ phải viết kiểm điểm. Ngày 15.4.1967, phái tạo phản Học viện xây dựng lập doanh hạ trại bên ngoài cửa Tây của Trung Nam Hải, chính thức thành lập “chiến tuyến tóm cổ Lưu Thiếu Kỳ”. Với sự kích động của Ban Cách mạng văn hoá trung ương, chiến tuyến tóm cổ Lưu Thiếu Kỳ nhanh chóng mở rộng cờ xí biểu ngữ như sông như biển, lều trại tăng bạt nhấp nhô bạt ngàn, tiếng loa mở hết âm lượng nhức óc rung trời. hàng nhiều vạn con người bao vây nơi ở của Trung ương đảng, của Quốc vụ viện: Trung Nam Hải. Các phái tạo phản luân phiên đấu tố “băng đen” và những kẻ “đi theo tư bản” của các bộ, các tỉnh, cùng với sự ủng hộ của các ông kễnh trong Ban Cách mạng văn hoá trung ương, thay phiên nhau xông vào các cửa lớn của Trung Nam Hải.

Thanh thế phê phán Lưu Thiếu Kỳ có thể nói là cực kỳ to lớn, như nước sôi lửa bỏng, nhưng phê phán đối với Đặng Tiểu Bình xem ra có vẻ rất ôn hoà. Nguyên nhân là: thứ nhất, vì Lưu Thiếu Kỳ là tên đầu sỏ số một “lớn nhất đi theo tư bản”, trước hết cần phải đánh đổ ông đã, nên cần thứ thanh thế khác. Thứ hai là vì cho đến lúc này, trong đầu óc Mao Trạch Đông vẫn còn sự phân biệt trong việc xử lý Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình.

Đặng Tiểu Bình và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đối với Mao Trạch Đông mà nói, “sự phẫn nộ giai cấp vô sản” của ông ta đã được nảy sinh ra từ Lưu Thiếu Kỳ, người vốn đã được ông ta chọn lựa làm người kế cận. Còn đối với Đặng Tiểu Bình, tuy sự tức tối đã được nảy sinh từ sau những năm 60, rồi tăng cao dần lên, song cái “khí tức” ấy vẫn không lớn bằng đối với Lưu Thiếu Kỳ. Đồng thời cứ quan sát xem xét những bài nói chuyện và cách làm của Mao Trạch Đông, có thể chứng minh được rằng, đối với Đặng Tiểu Bình, trước sau, trong lòng ông ta vẫn có phần nào ưu ái. Sau khi Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình mắc sai lầm trong Cách mạng văn hoá, Mao Trạch Đông phê phán Lưu Thiếu Kỳ và phê phán cả Đặng Tiểu Bình, nhưng mũi dùi của phê phán trước sau vẫn nhằm vào Lưu Thiếu Kỳ. Đối với việc đó, sau này Đặng Tiểu Bình có nói: “Aii không nghe ông ta, (chỉ Mao Trạch Đông), ông ta sẽ chỉnh cho ngay, nhưng chỉnh đốn đến mức độ nào, bao giờ ông ta cũng có suy tính”.

Trong hồi ức của Vương Lực, thành viên của Ban Cách mạng văn hoá trung ương lúc bấy giờ (có nói), vào ngày 16.7.1967, sau khi Đặng Tiểu Bình đã bị đánh đổ trong một lần nói chuyện riêng giữa hai người, ông ta có nói một câu mang đầy ý vị sâu xa. Mao Trạch Đông nói rằng: “Nếu sức khoẻ của Lâm Bưu không ổn, có khi tôi phải để Đặng Tiểu Bình xuất hiện lại. Chí ít Đặng Tiểu Bình cũng là thường vụ”. Qua câu nói này sẽ thấy được rằng nguyên nhân sự phân biệt đối xử rất có lớp lang của Mao Trạch Đông trong việc phê phán, xử lý Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, đó là sẽ lưu giữ Đặng Tiểu Bình, đến lúc nào đó thấy cần thiết sẽ đem ra dùng lại.

Đối với cách thức suy nghĩ và kiếu cách dùng người như thế của Mao Trạch Đông, cha tôi khó mà biết được. Sau khi bị phê phán, đặc biệt là khi đã bị thủ tiêu mọi tư cách, không được tham gia các cuộc hội họp của Bộ Chính trị trung ương, ông suốt ngày ngồi nhà, chẳng ai tìm đến để làm việc, bàn bạc gì cả. Khi ấy đám trẻ chúng tôi vẫn còn ở chung một nhà, và cũng còn có thể tuỳ tiện ra vào Trung Nam Hải, vì thế, qua chúng tôi, cha tôi còn cơ bản nắm được tình hình đại phê phán, đại loạn ở bên ngoài. Ông cũng giống như những lãnh đạo cao cấp bị phê phán khác ở Trung Nam Hái, đều bị bắt buộc phải đọc báo chữ to của phái tạo phản trong Trung Nam Hải dán ra. Nhưng cũng không giống Lưu Thiếu Kỳ ở chỗ phải viết kiểm điểm đem đọc trước quần chúng cách mạng, và cũng không giống như Lưu Thiếu Kỳ bị “quần chúng cách mạng” đấu tố, tấn công. Chỉ có một lần khi ra đọc báo chữ to, bị “quần chúng cách mạng” trong Trung Nam Hải bao vây. Khi ấy nhất định hẳn đã có một ai đó đứng ra giải thích, vì thế mà không bị rơi vào bước hai là đấu tố.

Đối diện với những cơn phê phán hết đợt nọ tới đợt kia, đối diện với báo chí luôn luôn vạch mặt chỉ tên, đối diện với mọi kiểu tấn công, sỉ nhục thậm chí là vu cáo bịa tạc, mà cha tôi vẫn cứ phải nhìn, phải nghe, phải chấp nhận, phải chịu dựng, thử hỏi trong lòng cha tôi bình tĩnh, yên ổn làm sao được? Nhưng có thể rằng ông là một nhà cách mạng triệt để, nên đã từ lâu rèn luyện mình thành một người không biết sợ, không biết hãi, cũng có thể rằng trong hơn sáu chục năm từng trải của cuộc đời mình, ông đã sớm trải qua những chặng đường khuất khúc, gập ghềnh, bất chút, nên khi gặp phải những cục diện bất thường, gặp phải sự đối xử không công bằng, gặp phải những bước đường không đoán trước được trong tương lai, tuy trong lòng ông không thể không nghĩ không lo, những vẫn có thể âm thầm chờ đợi. Cứ mỗi ngày trở dậy, tiếp tục sống, chúng tôi chẳng thấy có thay đổi gì ở cha tôi, trên nét mặt cha tôi cũng chẳng thấy tỏ rõ một thái độ nào, vẫn cứ trầm lặng như thế, vẫn cứ ít lời như thế. Khi ấy chúng tôi vẫn chỉ là những đứa trẻ trên mười tuổi, chúng tôi bàng hoàng, chúng tôi chẳng hiểu gì, chúng tôi tức giận, chúng tôi cảm nhận được sự oan khuất. Nhưng từ trên con người của cha tôi, chúng tôi đều hoặc nhiều hoặc ít, như có như không, nhận được một chút sức mạnh bảo vệ cho mình. Đám trẻ trong nhà chúng tôi, bất kể là con trai hay con gái, đều rất yêu quý cha tôi, tin tưởng chắc chắn rằng cha của chúng tôi không phải là phần tử “băng đen” phản đảng, phản xã hội chủ nghĩa. Phái tạo phản trong Trung Nam Hải thúc giục chúng tôi vạch tội phê phán cha mình. không viết không được, mà viết lại không thể bịa đặt ra, cuối cùng cả ba chị em chúng tôi, chụm đầu lại, tốt xấu viết ra một chút gọi là, viết xong đem dán ra, mặc bọn tạo phản bảo rằng chúng tôi không chịu vạch vòi, hoặc né tránh, bỏ nặng, nhận nhẹ.

Phía bên ngoài nhà chúng tôi, cả một khu Trung Nam Hải đầy ứ những bài báo chữ to và biểu ngữ. Bên ngoài Trung Nam Hải “chiến tuyến tóm cổ Lưu Thiếu Kỳ” đã mở rộng tới “tóm cổ cả lũ Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình” khiến tình thế càng trở nên nguy cấp. Cả gia đình nhà chúng tôi bao gồm: cha mẹ, bà, và lũ con gái chúng tôi như một lá thuyền đơn trong sóng to gió lớn quăng quật giữa biển khơi, chỉ còn biết cụm chặt lại với nhau, dùng tình yêu thương, tin tưởng để an ủi và giữ vững cho nhau, tìm lấy một chút yên ổn trong linh hồn.

Tương lai của cuộc phê phán ra sao, cha tôi cùng cả gia đình chúng tôi không sao tiên đoán nổi. Nhưng tiếng chuông rung trước xe của cuộc phê phán Lưu Thiếu Kỳ càng ngày càng được nâng cấp, khiến chúng tôi có được sự chuẩn bị tư tưởng trước bước phát triển có thể còn gay go hơn của sự việc.

Chú thích:

(1) Trần Nghị: Nguyên soái nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, uỷ viên Bộ Chính trị trung ương Đảng cộng sản Trung quốc, phó thủ tướng Quốc vụ viện, phó chủ tịch Quân uỷ trung ương.
(2) Diệp Kiếm Anh: Nguyên soái nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung quốc, bí thư Ban bí thư trung ương, phó chủ tịch Quân uỷ trung ương
(3) Từ Hướng Tiền: Nguyên soái nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, uỷ viên Bộ Chính trị đảng cộng sản Trung quốc, phó chủ tịch Quân uỷ trung ương.
(4) Nhiếp Vinh Trăn: Nguyên soái nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, uỷ viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung quốc. phó chủ tịch Quân uỷ trung ương.
(5) Lý Tiên Niệm: uỷ viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung quốc. phó thủ tướng Quốc vụ viện. (Nguyên chú)
(6) Chấn Lâm: uỷ viên Bộ Chính trị trung ương Đảng cộng sản Trung quốc, phó thủ tướng Quốc vụ viện.
(7) Dư Thu Lý: Phó chủ nhiệm thứ nhất kiêm thư ký trưởng Uỷ ban Kế hoạch nhà nước.
(Cool Cốc Mục: Chủ nhiệm Uỷ ban xây dựng nhà nước
Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #11 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2011, 11:58:49 pm »

7. Một lá thuyền đơn trong sóng cả

Trong đám đông chúng sinh bị Cách mạng văn hoá quăng quật xô đẩy, số phận của gia đình tôi cũng chẳng phải là thê thảm nhất. Cha mẹ tôi, tạm thời không tính, bởi vì ông bà là những nhân vật chính trị, là vai chính trên vũ đài chính trị nên sự chìm nổi trên chính trường vốn đã là “cái mệnh” của ông bà rồi. Nhưng, đối với chúng tôi, là những đứa bé con mới mười mấy, đôi mươi tuổi mà nói, chúng tôi đã bị rơi đột ngột từ tuổi học trò ngây thơ trong trắng xuống vực sâu vạn trượng, bị đấu tố bôi bẩn, thì quả thật là một sự thử thách quá gian nan trong cuộc đời.

Sau khi bị đuổi ra khỏi Trung Nam Hải, Văn phòng trung ương cũng đã tìm được cho chúng tôi một chỗ ở trong một ngõ nhỏ tên là Phương Hồ Trai, nằm bên ngoài cửa Tuyên Vũ. Đó là một khu nhà, ngoài một số nhà một tầng đơn giản, còn có một dãy nhà hai tầng nho nhỏ nghe nói đã được xây dựng từ thời Nhật - Nguỵ. Chúng tôi được nhận hai phòng nơi tầng một ở trong cùng dãy nhà. Những người ở trong khu nhà này đều là công nhân viên làm việc trong Trung Nam Hải và một số gia đình cán bộ mắc “sai lầm” trong Văn phòng trung ương. Sau khi chúng tôi dọn đến đó, bà tôi và em trai Phi Phi ở một phòng, còn một phòng dành cho ba chị em tôi và một người chị họ đang theo học ở Bắc Kinh cùng ở. Ngôi nhà lầu này đã rách nát lắm, ván sàn cứ vang lên cót két, cót két mỗi khi đặt chân lên. Phòng chúng tôi ở chỉ cách phòng bên cạnh có một bức vách gỗ: bên kia chỉ ho một tiếng là bên này đã nghe thấy hết. Ngoài sân có một vòi nước máy, có thể lấy nước dùng từ đó, nhà xí nằm ở ngoài ngõ bên ngoài khu nhà. Trên lối đi, chúng tôi đặt một cái bếp lò mới mua, dùng dăm bào khói mù mịt để mồi than, bà tôi nấu nướng bữa cơm đầu tiên cho chúng tôi ở nhà mới.

Hình ảnh Đặng Tiểu Bình thời còn làm Tổng bí thư trên tem thư Trung Quốc

Sau khi thu xếp nhà cửa xong, chúng tôi cảm thấy vô cùng may mắn. May vì chúng tôi không bị đuổi tới trường như đám con Lưu Thiếu Kỳ. May vì chúng tôi còn có một chỗ gọi là để an thân, may vì chúng tôi còn có một nhà gọi là để đi về, nhưng có được như thế cũng chẳng đề dàng, mà phải đấu tranh mới có được. Khi mọi việc đã ổn thoả, những đêm vắng về, tĩnh lặng, chúng tôi nằn chen nhau trên những tấm ván gỗ kê làm giường, trằn trọc không sao ngủ được. Chúng tôi nhớ cha, chúng tôi nhớ mẹ. Chúng tôi biết rằng, cũng vào đêm nay, giờ này chắc cha mẹ tôi cũng chẳng sao chợp mắt được, nhất định cũng đang thương nhớ chúng tôi. Muốn nói thế nào thì nói, Trung Nam Hải vẫn là “chốn đào nguyên”. Đến Phương Hồ Trai mới thực sự là bước vào xã hội. Trong khu nhà, toàn là những người làm việc ở Văn phòng trung ương cư trú cùng với gia đình họ, hình như họ cũng đã được cấp trên dặn dò thế nào đấy, nên họ cư xử với chúng tôi cũng chẳng đến nỗi nào. Khi chúng tôi mới dọn tới, nhiều người đến hỏi xem chúng tôi có thiếu thốn gì không, hoặc mang cho chúng tôi nắm hành, chén xì dầu...v.v. Chúng tôi dọn nhà từ Trung Nam Hải tới đây, xem ra có vẻ nhếch nhác, nghèo hèn, nhưng những người công nhân viên cùng gia đình họ cũng đã sống như thế ở đây từ lâu rồi và chưa hề thấy nó kém cỏi.

Sau khi tới đây, chúng tôi mới biết thế nào là đời sống của trăm họ. Thời đó, lương bổng của công nhân viên rất thấp, thấp nhất một tháng chỉ có 20 đồng bạc, nhiều cũng chí ngót nghét bốn chục đồng, mà phải nuôi sống cả ba đời già trẻ lớn bé. Nhiều công nhân viên chức phải sống nhờ vào việc làm thêm, như dán hộp giấy, dán hộp diêm. Có nhiều gia đình dọn một cái giường cho ra cái giường cũng chả có, giường chỉ là hai chiếc ghế dài, kê những tấm gỗ lên đó, tối cả nhà ngủ chung, cơm nước cũng chỉ là những nắm mì hấp ăn với dưa muối, đĩa mì xào với mấy sợi thịt đã gọi là của ngon vật lạ. Quần áo cũng vá chằng vá đụp, nhất là lũ trẻ con có cái gì khoác lên người cho ấm được là khoác cái đó. Nhìn những cảnh đó, chúng tôi còn kêu ca, oán thán cái nỗi gì, còn phàn nàn, bực bội cái nỗi gì nữa.

Chúng tôi học sống cuộc sống bình dân của những người công nhân viên chức bình thường ở đây. Chúng tôi ra sân xách nước, vào nhà xí công cộng ở ngoài phố, cầm tem phiếu đi mua lương thực ở cửa hàng gạo, cầm sổ đi mua than ở chỗ bán than, ngày lễ ngày tết cũng đi xếp hàng mua mộc nhĩ, rau kim trâm, ngũ vị hương, mỗi tuần một lần dậy từ bốn năm giờ sáng ra chợ rau xếp hàng mua đậu phụ. Khi cửa hàng thực phẩm có bán xương xẩu, đầu chối, hô một tiếng, cả khu nhà nườm nượp kéo nhau đi cùng với rổ rá. Chúng tôi đã làm quen được với cuộc sống ấy rất nhanh, và sống chung với nó. Con người là như thế, chỉ cần trong đầu, trong dạ chịu đi theo mình, thì rồi ngày tháng nào cũng qua được hết, hoàn cảnh nào cũng thích ứng được cá. Hơn nữa cán bộ công nhân viên nhà nước cũng chỉ sống có thế, so sánh ra, xem chừng chúng tôi còn có vẻ “sung túc” hơn.

Khi đó, nhìn bề ngoài, lương bổng của cha mẹ tôi vẫn cấp phát hàng tháng như thường lệ, nhưng lại do “tổ chức” giữ hộ, đâu có đến tay ông bà, dùng bao nhiêu, mỗi lần đều phải có lời xin. Chúng tôi sống ờ bên ngoài, trong tay chẳng hề có một khoản thu nhập nào, nên Văn phòng trung ương quy định, mỗi đứa trẻ mỗi tháng được phát 25 đồng sinh hoạt phí, bà tôi mỗi tháng chỉ được 20 đồng, tiền đó đều là tiền xén từ lương của cha mẹ tôi ra. Hàng tháng cứ đến “kỳ hạn”, Văn phòng trung ương cho người mang xuống cửa Tây Trung Nam Hải, chúng tôi cứ tới đó mà lĩnh. Ở trong Trung Nam Hải cha mẹ chúng tôi biết rằng cuộc sống lang thang bên ngoài của chúng tôi chẳng dễ dàng gì, cho nên luôn luôn tìm mọi cớ, mọi cách cho chúng tôi được nhận thêm tiền. Khi bà nói, đông sang rồi, cần phải có áo bông cho bọn trẻ, khi lại bảo, khi đi chúng mang đủ chăn bông nên cần phải mua thêm, khi lại nói, thằng con trai ăn theo khẩu phần tem phiếu là không đủ được, nên tháng nào bà cũng bằng mọi cách, biến báo, đưa thêm được cho chúng tôi khi là tiền, khi là tem lương thực. Sống bên ngoài Trung Nam Hải, cứ hàng tháng, đến ngày là chị Đặng Nam tôi và tôi đến cửa Tây lĩnh tiền và tem phiếu. Có những lần, chúng tôi còn được thấy những tờ kê khai là những mẩu giấy kẹp trong đơn do chính tay mẹ tôi viết. Cầm mẩu giấy, nhìn những nét chữ đẹp đẽ bay bướm, quen thuộc của bà, tôi có cảm giác như được nắm bàn tay nóng hổi của mẹ, khiến tôi cảm động và càng thêm khôn nguôi nhớ mẹ. Thời gian dài dài một tý, lá gan của chúng tôicũng to lên, chúng tôi bắt đầu tìm mọi cách để lấy thêm được tý tiền, và đặc biệt là lợi dụng cơ hội nào để lấy được ít sách trong thư viện của gia đình. Chuyện này, lúc mới đầu, thái dộ của đối phương không tốt. Họ không thèm nhắc nhở gì tới, thế là chị tôi với tôi cứ kêu toáng lên ở bên ngoài cửa Tây Trung Nam Hải, ở lỳ đó dứt khoát không đi, làm cho đối phương cũng chẳng biết xoay xở ra sao. Do chúng tôi không sợ, cứ cãi nhau om sòm, rồi mẹ tôi ở bên trong, bọn tôi ở bên ngoài, hai bên phối hợp, cuối cùng ngoài tý tiền và tem phiếu mà chúng tôi được lĩnh, chúng tôi còn lấy được rất nhiều sách từ trong nhà đưa ra. Số sách này đã theo cùng chúng tôi, giúp chúng tôi sống qua được những ngày ngày đêm đêm cô độc gian nan sau đó.

Trong hai năm, cha mẹ tôi và chúng tôi chỉ có một cách thức gián tiếp duy nhất đó, giữ được một chút liên hệ từ bên trong và bên ngoài bức tường cao dầy của Trung Nam Hải.

Đến đây tôi đặc biệt dành một số dòng viết về bà tôi. Bà tôi tên là Hạ Bá Can, là kế mẫu của cha tôi,, mẹ đẻ ra hai cô tôi, bà là con gái một người thuyền chài trên sông Gia Lang ở Tứ Xuyên, ông tôi tục huyền lấy bà và bà trở thành một thành viên duy nhất cho công việc lao động cũng như chèo chống gia đình. Ở quê hương tôi, trong vòng mười dặm, bà tôi nổi tiếng là một người năng nổ giỏi giang, bà biết nấu nướng, biết công việc đồng áng, biết vá may, biết chăn lợn chăn gà. Ông tôi mất sớm để lại một đống cô nhi quả mẫu, tất cả đều chỉ trông vào một bàn tay bà chống đỡ. Thời Quốc Dân đảng thống trị, bà đã phải mang trên đầu tội danh “Cả nhà là cộng sản”. Bà cất giấu tài liệu, sách báo cách mạng mà cha tôi và các đồng chí của ông mang về nhà. Bà nuôi dưỡng thương binh của đội du kích cộng sản ở núi Hoa Oanh, giúp đỡ con gái tham gia hoạt động bí mật của dáng ở địa phương. Trong lòng bà chỉ nghĩ có một điều: cộng sản là tốt. Năm 1940, khi Tứ Xuyên vừa được giải phóng, bà liền khoá nghiến cửa lại. xách một chiếc tay nải nhỏ bé từ quê lần thẳng Trùng Khánh, từ đó bà trở thành một thành viên quan trọng trong gia đình tôi. Bà tôi tới đã giúp cho mẹ tôi bao nhiêu công việc. Vì bận công tác, nên mẹ tôi đã giao tất cả trăm công nghìn việc trong nhà vào tay bà. Tôi và em trai Phi Phi đều do một tay bà nuôi lớn, sau này bốn đứa con của hai cô tôi cũng đều chỉ có một tay bà chăm sóc. Bà không những chi nuôi lớn chúng tôi mà còn nấu nướng, khâu giày dép, may vá quần áo cho chúng tôi.

Bà tôi với đôi chân nhỏ bé, không có văn hoá chữ nhất bẻ làm đôi cũng không biết, nhưng lại đặc biệt thông minh, bà tính nhẩm rất nhanh, hàng ngày nghe phát thanh tin tức, những việc lớn trong thời sự quốc tế và trong nước, hầu như bà nhập tâm hết. Khi chúng tôi đã nhớn nhao hơn một chút, bà dậy chúng tôi khâu nẹp áo, thùa khuyết đính khuy, bà dậy chúng tôi muối củ cải làm ca la thầu, bà đã dậy cho chúng tôi biết rất nhiều những điều thường thức trong đời sống. Ngày một ngày hai, mọi việc cứ tự nhiên ngấm vào trong đầu óc, chúng tôi đã học được ở bà tôi nhiều thứ, có thể kể không hết, nói không cùng. Bà tôi, nuôi ngần ấy đứa trẻ khôn lớn, làm bao nhiêu công việc gia đình, cha tôi, mẹ tôi vẫn thường hay nói: “Bà là “đại công thần” của gia đình chúng tôi”.

Lần này ra khỏi Trung Nam Hải, cha mẹ chúng tôi không ở bên mình, nhưng trong cái không may lại có cái may, chúng tôi còn có bà. Bà tôi vốn xuất thân từ một gia đình lao động, vốn sống già nửa đời người trong khốn khó, cái gì cũng đã trải qua, cái gì bà cũng không sợ, cái gì cũng chẳng quật ngã nổi bà. Tuy bà chẳng hiểu biết gì về chính trị, nhưng dù gặp phải cảnh biến động, xô dập bà cũng chẳng hoảng loạn. Ở Phương Hồ Trai, tổ chức của đường phố đấu tố bà, bà nhẫn nhịn chịu đựng sự chửi bới sỉ nhục, nhưng bà vẫn không hề sợ. Với cái gan dạ, cứng cỏi của bà, trong lòng bà chỉ có một ý nghĩ duy nhất: “Để chờ xem xem cái kết cục ra sao”. Có bà, những đứa trẻ chúng tôi, đặc biệt là tôi và Phi Phi có được điểm tựa trong cuộc sống. Có được bà, chúng tôi mới đủ khả năng vượt qua được cửa tử tương đối nhanh chóng, tương đối dễ dàng. Xung quanh chúng tôi đã không biết bao nhiêu con cái “băng đen” bị đuổi ra khỏi nhà, trong đó có rất nhiều đứa giống y như chúng tôi vậy, không có cách kiếm sống, không có kinh nghiệm sống, không biết nhóm bếp, không biết thổi cơm, không biết giữ gìn tiền nong, vật dụng. Có đứa được bữa sáng mà chưa có bữa tối, có đứa quần áo sờn rách không biết vá khâu, có đứa phải ở trong những gian nhà dột nát, xiêu vẹo, bẩn thỉu, bé bộn. Nhưng chúng tôi, chúng tôi có bà, có được chỗ dựa cuối cùng. Thực ra, bà không chỉ là chỗ dựa trong sinh hoạt của chúng tôi, mà còn là một cây cột vô giá, chống đỡ cho tinh thần chúng tôi. Thử nghĩ mà xem, nếu không có bà tôi, lũ chúng tôi làm sao có thể thuận lợi mà thích ứng với cuộc sống? Rất có thể là bữa cơm đầu tiên sau khi cút khỏi Trung Nam Hải chưa biết sẽ loay hoay ra làm sao. Bà tôi không những chăm lo đời sống cho cả gia đình tôi mà trong con người bà còn mang đầy lòng trắc ẩn, đồng cảm. Ngọc Điền, Đoá Đoá, Điểm Điểm con của gia đình La Thuỵ Khanh, rồi Kỳ Kỳ... con cái của gia đình Ô Lan Phu, đều rất yêu quý bà. Bọn họ đều là những đứa trẻ bị tống cổ ra khỏi nhà, đôi khi qua lại nhà tôi hoặc ở lại nhà tôi, đều được bà cơm nước tử tế. Trong lòng những đứa trẻ “không cha không mẹ” ấy, bà là bà chung của tất cả.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Mười, 2011, 01:43:04 am gửi bởi Bộ đội Cụ Hồ » Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #12 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2011, 02:08:08 am »

Sau khi tới Phương Hồ Trai, mặc dù chúng tôi còn được lĩnh ở chỗ cha mẹ chúng tôi một ít tiền, nhưng không biết tình trạng ấy còn kéo dài được bao lâu nữa, không biết rồi ra chúng tôi còn gặp những vướng mắc khó khăn gì nữa, vì thế, chúng tôi phải dè xẻn hết sức mình đức độ nhật. Bà biết làm cơm ngon mà lại không tốn kém, xào rau tuy chẳng có thịt mà chỉ có tý dầu, nhưng bà chỉ thêm chút ít tương đậu tự bà làm là đã thơm nức mũi. Các thứ xương xẩu mua về bà ninh một chảo to, có thể nấu rau, nấu mỳ và cũng có thể làm canh. Xào bát mỳ, ít thịt thôi, nhiều xì dầu một chút, rồi bỏ mỳ thái vào (loại mỳ sợi tươi, thường bán ở các cửa hàng lương thực), thêm chút tương ớt tự làm, mùi vị của bát mỳ xào đã khác hẳn. Phi Phi mười sáu tuổi, chạy nhảy, đang sức ăn sức lớn bà thương cháu, có lần muốn rằng tý thịt cho cháu ăn, nhưng Phi Phi không chịu ăn, bảo rằng thích ăn mỳ xào, đã có lúc, cậu ta cố ý ngày nào, bữa nào cũng ăn mỳ xào, ăn liên tục một tuần lễ liền.

Bà, Phi Phi và tôi ở nhà, có thể coi như được yên ổn. Còn các anh chị lớn đều phải đến trường đại học mà mình theo học để tiếp nhận đấu tố và quản chế, sống những ngày đầy bất trắc khốn khổ.

Chị cả Đặng Lâm bị phái tạo phản ở Học viện mỹ thuật trung ương đem nhốt lại. Khi trong viện, ngoài viện có bất kỳ sự kiện nào xảy ra, không kể là có liên quan tới chị hay không, chị đều bị lôi ra đấu tố, đấu tố người khác, chị cũng bị mang ra làm “bồi đấu”. Chị cả tôi vốn là người chân chất thật thà, đối với những lời thẩm vấn và nhục mạ của bọn tạo phản, chẳng bao giờ chị tôi cãi lại cũng chẳng tranh luận, chỉ kiên trì một điều, tức là bất kể vấn đề gì, đều chỉ nói: “Tôi không biết là tôi không biết”. Bọn tạo phản bắt chị “lao động cải tạo”, chị phải đi quét dọn tất cả các nhà xí trong Học viện mỹ thuật. Mỗi ngày một mình chị, quét dọn, lau chùi chu đáo đâu ra đấy, tất cả các nhà xí đều sạch bóng lên. Chị nhớ nhà lần, chị lo lắng cho em trai, em gái và bà ở nhà. Mỗi lần tôi đi thăm chị, chị hỏi hàng thôi hàng hồi, hỏi không biết mệt, chị luôn luôn muốn hỏi thêm điều này điều kia, chẳng muốn buông tha cho tôi về.

Anh Phác Phương ở trường cũng bị bọn tạo phản hạn chế tự do, không được về nhà. Anh thương nhớ người thân, anh đã tìm được cách hẹn với em gái Đặng Nam của mình đang ở trường đại học Bắc Kinh, hàng tuần anh em lại lẻn ra hồ Vô Danh gặp nhau một lần, bên hồ Vô Danh, nhân trời tối, không nhìn rõ mặt người, né tránh được sự giam giữ canh gác của bọn tạo phản, ra đây, hai anh em chuyện trò tâm sự, trao đổi tin tức cùng những suy nghĩ của mình. Anh tôi có nhiều hiểu biết về lịch sử và chính trị, và tương đối nhạy bén với tình hình, anh giảng giải và phân tích cho em tình thế nhiều mặt. Còn em gái anh lại có thể ra ngoài trường học, có thể về nhà, nên tình hình bên ngoài cũng nắm được nhiều, nên nhân lúc gặp được anh, cũng đem kể hết cho anh nghe. Chẳng còn nhớ nổi hai anh em đã gặp nhau trên bờ hồ Vô Danh bao nhiêu lần, chỉ nhớ được một điều rằng, từ bé đến lớn, giữa hai anh em chưa bao giờ từng có sự trao đổi, cảm thông về tư tưởng sâu sắc như thế.

Chị Đặng Nam tuy bị phê phán ở trường học, nhưng phái tạo phản lại cho phép chị được về nhà vào những chiều thứ bảy. Chị giỏi toán, lại biết cả tính toán ghi chép sổ sách, cho nên cái gia đình ở Phương Hồ Trai, việc nhà, việc tiền nong đều đo một tay chị quản. Có thể nói, trong hai năm đó, người quan tâm bậc nhất đến việc nhà, đến chị gái em trai phải tính là chị. Mỗi khi từ trường về nhà, bao giờ chị cũng kiếm mua được một thứ gì đó mang về theo. Muốn mua tý hoa quả cho các em, nhưng lại sợ đắt không mua nổi. Bình thường, chuối tiêu ba hào hai xu một cân (nửa ki-lô - N.D), đôi khi gặp chuối thứ phẩm, giá chỉ một hào hai một cân, chị sướng lắm, có giập nát một tý cũng chẳng làm sao, vội mua ngay một ít cho cả nhà “đỡ thèm”. Có một lần chị thấy người ta bán những thanh gỗ cũ nát, chị liền mua ngay một bó to, đường lại xa, về được đến nhà mệt bở hơi tai. Đừng có chê gỗ cũ nát, mua được về nhà là đắc dụng lắm, sau này anh tôi đã mang những tấm ván nát ấy ra, đóng cho gia đình một chiếc chạn bát.

Bà tôi chỉ lo việc nấu nướng hàng ngày, còn chị tôi quản tiền nong các thứ, còn tôi và Phi Phi, tuy cũng đã mười sáu, mười bảy tuổi, vẫn chẳng phải lo một cái gì, suốt ngày nằm khoèo đọc sách. Khi đó bên ngoài xã hội loạn kinh khủng, từ khi chúng tôi dọn nhà đến đây, gần xa đều biết rằng “lũ chó con” nhà Đặng Tiểu Bình ở đấy, nên nếu chúng tôi ra khỏi cửa, không bị bới móc thì cũng ăn gạch củ đậu, nhẹ nhất cũng là bị chỉ chỉ chỏ chỏ, thầm thì. Do chán ngán cái thế sự ấy, nên không có việc gì phải ra ngoài thì chúng tôi chỉ ngồi ru rú trong nhà, dứt khoát không ra đường. Như thế mà lại hay, nằm khoèo ở nhà có thể tĩnh tâm mà đọc sách, chúng tôi đọc bất kể sách gì chỉ cần tìm được, mượn được là đọc. Quả thật hồi ấy, chúng tôi đọc được không ít sách. Trường học đóng cửa, chúng tôi tự học bằng sách giáo khoa. Khi Cách mạng văn hoá bùng nổ. Phi Phi đang học năm thứ hai sơ trung, cậu ta rất thích toán lý hoá, thì trong thời gian ấy cũng đã tự học được hết chương trình sơ trung (cấp hai - N.D), Phi Phi còn rất thích đánh cờ vây, nên thường hay đặt chiếc bàn cờ bằng nhựa lên giường, tay cầm cuốn sách dạy đánh cờ vừa bày, vừa học, vừa đánh, gặp được những nước cờ hay, cậu ta xuýt xoa khoái trí lắm. Còn tôi, tôi lai thích văn hơn lý hoá, tất cả các sách văn học, lịch sử, chính trị, có gì đọc tuốt, đặt hết cả tâm tư đầu óc mình vào cái biển trí thức. Thật là:

Lánh trong gác xép thành nhất thống,
Mặc đời xuân hạ với thu đông.


Trong cái vòm trời nhỏ bé ở Phương Hồ Trai, được bà chăm sóc, được các anh chị thương yêu, dù có túng bấn hơn nữa, đói khổ hơn nữa, chúng tôi đều không sợ. Ý nguyện duy nhất của chúng tôi là có được một cuộc sống yên lành, ổn định. Nhưng, trong làn sóng cuồng nộ của Đại cách mạng văn hoá, kiếm đâu ra một đào nguyên tiên cảnh? Có một số phái tạo phản nghe nói lũ con cái nhà Đặng Tiểu Bình “đen” ở đây, nên ào ào xô tới. Bọn tạo phản tới đây còn làm những gì khác nữa nhỉ? Không đấu tố thì khám nhà, chúng muốn đánh đổ Đặng Tiểu Bình nhưng lại chẳng lục ra Đặng Tiểu Bình, thì đành đổ tức khí vào lũ con cái ông ta vậy. Bọn chúng đã tới, bất kể giờ giấc nào, bất kể ban ngày hay đêm tối, tuỳ thời tuỳ lúc, thích đến là đến. Khi chúng đến, là lại một hồi khẩu hiệu với đại phê phán, và bắt lũ “chó con” chúng tôi đứng cúi đầu mà nghe. Mỗi khi chúng đến là chúng gầm gừ, sỉ nhục bà tôi, một bà lão gần bảy chục tuổi trời, lại còn động chân động tay xô đẩy ấn giúi. Một khi chúng đến, là khám nhà, là lục lọi hòm xiểng, tiện tay chúng vứt đồ đạc tanh bành khắp nơi, giày xéo lên để tỏ vẻ “tinh thần tạo phản”. Một khi chúng đến, là dán đầy tường biểu ngữ và báo chữ to, đập vỡ cửa kính, sau đó lại hô khẩu hiệu dương dương tự đắc rút lui. Mới đầu, khi bọn tạo phản kéo tới, chúng tôi thường tức giận đến không giữ nổi mình, thậm chí còn cãi cọ, tranh luận với chúng. Có một lần thấy chúng đầy vẻ dã man, tàn bạo, Phi Phi tức điên người, bắt chúng phải nhặt những thứ chúng vất bừa bãi ở dưới đất lên. A! “Lũ chó con” của “băng đen” lại dám chống đối hử? Mấy tên to lớn, tay đeo băng đỏ định xông tới đánh Phi Phi, Phi Phi cũng đỏ mặt tía tai định liều chết với chúng. Tôi thấy lôi thôi quá, vội vàng ôm chặt Phi Phi lại, gào lên khóc lóc. Bọn tạo phản thấy những người hàng xóm đổ xô ra, đứng vây quanh xem, nên chúng cũng chẳng dám ra tay nhưng vẫn không ngớt miệng chửi bới om xòm. Sau đó nghĩ lại, thật may mà tránh khỏi được một tai hoạ, bởi Phi Phi có thể bị chúng đánh chết tươi như không. Trong Cách mạng văn hoá, tính mạng con người chẳng được lính là cái gì hết, huống hồ chúng tôi lại là “con cái của băng đen”.

Bằng những nỗ lực không mệt mỏi, vào năm 1997, Đặng Tiểu Bình đã đưa Hồng Công trở về với Trung Quốc sau 150 năm bị đặt dưới sự đô hộ của Anh.

Về sau, khám xét càng nhiều, chúng tôi cũng quen đi, nên cũng chả thèm tranh, thèm cãi với bọn chúng làm gì. Sau khi khám nhà, nhìn đống đồ đạc bị vứt ngổn ngang trên mặt đất, nhìn đống biểu ngữ, báo chữ to kín trời kín nhà, chúng tôi lại từng thứ, từng thứ một nhặt lại, dọn lại, biểu ngữ với báo chữ to cũng cứ từng tờ, từng tờ giật xé đi, trong lòng chúng tôi chứa chất đầy bi thương, đầy thê thảm, và cũng đầy thù hận với bọn tạo phản.

Chúng tôi ở nhà phải luôn luôn đối diện với sự khám xét lục lọi vào bất cứ giờ nào, lúc nào, các anh chị tôi ở trường học lại phải đối diện với những vạch tội, kiểm thảo không ngừng, không nghỉ, vô cùng, vô tận của bọn tạo phản. Chúng tôi là gia đình của tên đầu sỏ lớn thứ hai trong toàn quốc “đi theo đường lối tư bản”, là “lũ con cái băng đen”, đen sì đen sịt, là người để cho kẻ khác tuỳ tiện chửi bới, sỉ nhục bất kể giờ nào, lúc nào. Trên con người chúng tôi, không có chuyện nhân đạo, không có chuyện công lý, mà phê phán, nhiếc móc, khám nhà, là cơm ăn nước uống hàng ngày. Tất cả những cái đó, chúng tôi đều nín lặng mà chịu đựng. Nhưng chúng tôi không ngờ được rằng, những tai họa to lớn hơn vẫn còn đang chờ đợi chúng tôi ở phía sau.

Mùa thu năm 1967, nó vẫn chẳng khác gì thu trước, rồi nó lại ra đi y như năm trước. Xuân đi thu tới, thu đi đông tới, bước chân của thiên nhiên bao giờ cũng đến, đi như thế. Thiên nhiên cũng có những phép tắc cố định của nó, và cái loại phép tắc ấy không thể chuyển dịch, thay đổi bằng ý chí con người. Thế giới thiên nhiên đều có quy luật quy tắc của mình, vậy mà cái xã hội loài người bên cạnh chúng tôi đây, lại chẳng có quy luật, quy tắc nào cả? Không có những điều phải tôn trọng, nói gì đến những quy tắc cần tôn trọng. Xã hội loài người, lẽ nào lại chỉ có sự phóng túng, tuỳ tiện như thế? Lẽ nào lại chỉ nên hỗn loạn và tranh chấp như thế? Lẽ nào giữa những ngày thái bình thịnh trị như thế lại có những kẻ chỉ thích đấu tranh, nổi loạn không ngừng không nghỉ như vậy? Tại sao cái số phận con người lại trở nên nhu nhược, vô giá trị giữa cơn đại hồng thuỷ hỗn loạn thế ấy? Tại sao cái chính nghĩa, cái nhân đạo, cái công bằng, tôn nghiêm mà nhân loại vốn tôn sùng, tin tưởng, trong phút chốc bỗng bị đạp phá đến tan tành, nát bét? Tại sao những tín điều và công lý mà xã hội loài người tự đặt ra cho mình bỗng nhợt nhạt và phờ phạc ra như thế?

Trong gian phòng nhỏ tối tăm ở Phương Hồ Trai, tia nắng mùa đông rọi qua khe vách, cận kề với bức tường hậu cao ngất phía sau lọt vào nhà, ngọn gió bấc gào thét với những thanh âm nhọn hoắt ùa qua song cửa gỗ mọt nát thổi vào nhà. Chúng tôi mặc áo bông, quần bông, giầy bông to xù, ngồi vây quanh chiếc lò than nhỏ bé. Tôi đọc sách, Phi Phi lắp ráp máy vô tuyến điện, bà tôi với cặp kính lão vẫn mũi kim mũi chỉ vá vá víu víu. Hòn than trong lò cháy đỏ rực, chiếc ấm đun nước lặng lẽ nằm trên bếp than vang lên những tiếng xì xì. Cái lò than nhỏ bé ấy, có thể phát ra sức nóng tối đa của mình, đã đem tới cho chúng tôi chút ít hơi ấm giữa cõi thế gian mênh mang này. Năm 1967 trôi đi như thế, năm 1968 cũng như thế tới gần.
Mùa đông, mùa đông dài dằng dặc, mùa đông hàn lạnh. Ngày giá ngày rét, lòng con người còn giá rét hơn. Mọi người mong mỏi cho mùa đông mau chóng qua đi, ước ao mùa xuân sớm đến. Xuân sang, xuân đến bằng những bước chân lững thững, khoan thai. Đó là xuân sớm, đó là xuân sớm nơi phương bắc. Ngọn gió bấc lạnh thấu xương cũng đã qua đi, nhưng cỏ còn chưa xanh, mầm còn chưa nhú, giữa đất và trời vẫn là cảnh tiêu điều hiu hắt, tiết trời sẽ lạnh mùa xuân vẫn thấm sâu vào đáy lòng người.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Mười, 2011, 02:39:48 pm gửi bởi Bộ đội Cụ Hồ » Logged
BOM BI
Thành viên
*
Bài viết: 134


Aya Kito (1962 - 1988)


« Trả lời #13 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2011, 11:57:32 pm »

8. Thành lập Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình

Ngày 5.3.1968, Chu Ân Lai, Trần Bá Đạt, Khang Sinh, Giang Thanh, Diêu Văn Nguyên, Dương Thành Vũ (quyền Tổng tham mưu trưởng quân Giai phóng), Tạ Phú Trị, Diệp Quần (vợ Lâm Bưu. tổ trưởng tổ Cách mạng văn hoá trong toàn quân, chủ nhiệm văn phòng Lâm Bưu. thành viên tổ công tác Quân uỷ trung ương), Ngô Pháp Hiến (phó Tổng tham mưu trưởng quân Giải phóng kiêm tư lệnh không quân), Uông Đông Hưng... tất cả mười người, viết và gửi Mao Trạch Đông, Lâm Bưu một bản báo cáo, nói rằng: Có rất nhiều tài liệu tố cáo, vạch tội Đặng Tiểu Bình, không có nơi cất giữ, và đề nghị cho lập một tổ nhỏ nằm trong “Tổ chuyên án Hạ Long”, với nhiệm vụ thu thập những tài liệu có liên quan tới “vấn đề” Đặng Tiểu Bình. Mao Trạch Đông son phê: “Có thể”. Lâm Bưu duyệt lại cũng tỏ ra tán thành. Điều này có thể nói rằng: Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình đã chính thức được thành lập.

“Tổ chuyên án Lưu Thiếu Kỳ” đã sớm được thành lập từ trước đây một năm, đến nay Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình mới được thành lập chứng tỏ rằng, trong tình thế mới, Mao Trạch Đông đồng ý việc tăng cường, đi sâu thẩm tra Đặng Tiểu Bình hơn nữa.

Buổi gặp mặt của các lãnh đạo Trung Quốc tại nhà Đặng Tiểu Bình vào mùa hè năm 1989.

Ngày 16.5.1968, Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình họp tại hội trường lớn. Những ông kễnh của Cách mạng văn hoá phụ trách công tác chuyên án là Khang Sinh, Lâm Bưu cùng phe cánh thân thiết là Hoàng Vĩnh Thắng (Hoàng Vĩnh Thắng: Tổng tham mưu trưởng quân Giải phóng) đều có mặt trong cuộc họp. Người nói chủ yếu ở đây là Khang Sinh. Ông ta nói:

- Vấn đề Đặng Tiểu Bình không thể trực tiếp thẩm vấn được, nên phải thẩm tra bên trong, điều tra bên ngoài để tìm chứng cớ. Ông ta còn nói: chuyện quá khứ của Đặng Tiểu Bình cho đến nay vẫn còn chưa làm rõ như việc trốn chạy khỏi quân đoàn Hồng quân số 7 khi lâm trận, vấn đề tiêu cực trong việc chống Vương Minh hồi chỉnh huấn ở Diên An, rồi quan hệ với Bành Đức Hoài, rồi thực hiện đường lối của Vương Minh ở Thái Hàng Sơn, và năm 1962, ở Mat-xcơ-va đã cổ vũ cho chuyện “tam hoà nhất thiểu” (Đoàn kết ba phái, cô lập một phái. Ba phái ở đây bao gồm: 1. Cộng sản; 2. Quốc dân đảng (Tôn Văn tức Tôn Trung Sơn); 3, Nhóm quân phiệt miền Bắc (Trương Học Lương), còn một phái kia là Nhật Bản. Ở đây có thể nói một cách thông thường là “Đoàn kết ba phái, chống Nhật” - N.D). Nói tóm lại về quá khứ đã đi theo đường lối của Vương Minh, về tổ chức đã lôi kéo bè cánh, thu nạp bọn đầu hàng phản bội, về quân sự đã cướp quân phản đảng.

Bài nói của Khang Sinh, được coi như đã định xong cương lĩnh, chính sách. Sau đó, ông ta mở rộng Tổ chuyên án bằng một lực lượng hùng hậu lên tới chín người. Nhưng cũng thật lạ kỳ, vì Đặng Tiểu Bình là tên đầu sỏ số hai trong đảng “theo tư bản”, nhưng Tổ chuyên án về ông, lại đặt nằm gọn trong Tổ chuyên án Hạ Long. Trong Cách mạng văn hoá, những loại chuyện không sao giải thích được kiểu đó, nhiều vô kể.
Thành lập Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình, nhưng bản thân Đặng Tiểu Bình lại không hề biết.

Ngày 21.5.1968, ông viết thư cho Uông Đông Hưng đề nghị được gặp Chủ tịch, nếu như không gặp được Chủ tịch thì mong được gặp Uông Đông Hưng. Uông Đông Hưng đem việc đó báo cáo lại với Mao Trạch Đông, Mao Trạch Đông chỉ thị: Đem đọc thư của Đặng Tiểu Bình trong cuộc hội ý của Ban Cách mạng văn hoá trung ương, rồi bàn bạc một chút, tranh thủ ý kiến mọi người xem xem có nên gặp nói chuyện với Đặng Tiểu Bình không. Mao Trạch Đông lại tranh thủ ý kiến “mọi người”, song Lâm Bưu và “mọi người” trong Ban Cách mạng văn hoá trung ương về căn bản là không thể nói chuyện với Đặng Tiểu Bình được. Yêu cầu của Đặng Tiểu Bình bị cự tuyệt. Nhưng, trong tình thế Đặng Tiểu Bình đã bị đánh đổ hoàn toàn, mà Mao Trạch Đông vẫn để “mọi người” bàn bạc về lá thư của Đặng Tiểu Bình, chứng tỏ rằng Mao Trạch Đông vẫn chưa quên Đặng Tiểu Bình, vẫn còn chú ý tới Đặng Tiểu Bình ở một mức độ nào đó. Đối với Lâm Bưu, Giang Thanh v.v... mà nói, điều đó không phải là không có chuyện gì.

Đúng vậy, cho đến khi đó, Mao Trạch Đông vẫn có ý cùng phê phán Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình nhưng có phân biệt đối xử, đó là sự sắp xếp có ý thức sau khi đã suy nghĩ rất chín. Nhưng sự sắp xếp này của Mao Trạch Đông lại khiến cho Lâm Bưu, Trần Bá Đạt, Giang Thanh v.v., cùng những ông kễnh khác ở Ban cách mạng văn hoá chẳng vừa lòng chút nào, thậm chí còn đầy thắc thỏm trong lòng.

Lâm Bưu cùng cả đám người ngựa của Ban cách mạng văn hoá cùng xuất trận, họ ra lệnh cho Tổ chuyên án phải tăng cường, đẩy mạnh việc truy tìm chứng cứ, cần phải đóng đinh chốt chặt “vấn đề” Đặng Tiểu Bình.
Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình liền phèng phèng chiêng trống rầm rộ ra quân. Bọn họ tìm tòi, thu thập chứng cứ về Đặng Tiểu Bình ở khắp nơi với “nhiệt tình công tác” tối đa, đồng thời đề nghị Ban tổ chức trung ương cho xem hồ sơ của Đặng Tiểu Bình. Sau khi đọc kỹ hồ sơ, họ đều cảm thấy rằng, nếu chỉ căn cứ vào hồ sơ tìm tòi được thì khó có thể định tội được, nhưng trung ương lại không cho phép thẩm vấn trực tiếp làm sao đây” Thế là họ nghĩ ngay ra được một điều, họ bắt Đặng Tiểu Bình viết về lịch sử quá khứ của mình, bản tự truyện đó theo yêu cầu của Tổ chuyên án phải viết bắt đầu từ khi lên tám tuổi, và phải bảo đảm đạt được: thứ nhất, tường tận, tỷ mỷ. Thứ hai: nội dung chính xác. Thứ ba: viết thật rõ về những nhân chứng trong quá khứ và cả địa chỉ cư trú hiện nay của họ. Thứ tư: viết đến đâu giao nộp đến đấy. Thứ năm: hạn cuối cùng là đầu tháng năm phải xong. Quyết định này sau khi được Hoàng Vĩnh Thắng duyệt xong, sẽ do chủ nhiệm Văn phòng trung ương Uông Đông Hưng chuyển giao cho Đặng Tiểu Bình.
Nhận được chỉ lệnh viết tự truyện, cha tôi vẫn chẳng hay biết gì, mà vẫn cứ tưởng rằng, đó là do Trung ương yêu cầu. Ông không hề từ chối, thành thực cầm lấy bút, phục xuống bàn, bắt đầu viết ngay. Sau nửa năm bị giam cầm, trong nỗi cô đơn đau đáu, ông đã trấn tĩnh lại, nên đối với vấn đề Cách mạng văn hoá đã đánh đổ hạ bệ ông, đối với những vấn đề chưa kịp suy nghĩ thấu đáo, chín chán giữa cơn hỗn loạn ngất trời, chắc chắn ông phải đánh giá suy tư nhiều.

Từ năm 18 tuổi tức là từ năm 1922 cho đến nay đã 45 năm hoàn toàn đi theo cách mạng. Trước giải phóng, quân địch thì hiểm độc, việc quân lại gấp gáp, sau giải phóng, trên vai gánh vác chức vụ nặng nề, bận rộn với trăm công nghìn việc, chẳng còn thì giờ đâu mà nghĩ lại chuyện lớn chuyện nhỏ xưa cũ mà mình trải qua, nên lại càng khó có thể nói đến việc đánh giá, tổng kết. Nay người ta bắt ông viết tự truyện - dù người ta xuất phát từ mục đích gì, suy nghĩ xong, ông sẽ tự nguyện viết. Trong không gian tĩnh lặng, ông lựa chọn, suy nghĩ kỹ lại để đánh giá và tổng kết cuộc đời mình.
Bắt đầu từ ngày 20.6.1968 đến ngày 5.7.1968, trong vòng 15 ngày cha tôi viết tự truyện của mình: Tự thuật của tôi. Trong bản “Tự thuật” dài hai vạn sáu nghìn, năm trăm chữ, cha tôi đã nhớ lại ngày ra đời của ông, gia đình ông, ngày ông dạy học ở trường tư thục, và người cha mà có đến mấy chục năm ông chưa nghĩ tới, ông nhớ lại ngày từ Trùng Khánh sang Pháp vừa làm vừa học lớp dự bị, cùng những việc từ Tứ Xuyên xuất dương sang Pháp học hành, ông nhớ lại đời sống khổ cực vừa đi làm thuê, vừa theo học ở Pháp, ông nhớ lại những ngày bắt đầu tham gia cách mạng, cùng cuộc sống cách mạng và những đồng chí ở Pháp của mình, ông nhớ lại những hoạt động cách mạng bí mật vô cùng hào hùng ở Thượng Hải, nhớ lại ngày xây dựng quân đoàn Hồng quân số 7 và số 8 cùng với những cuộc chiến đấu, thất bại và trưởng thành của nó. Ông nhớ lại chẳng đường gập ghềnh của khu Xô-viết trung ương ở Giang Tây cùng lịch trình trường chinh của nó, nhớ lại chiến trường trong cuộc chiến tranh Kháng Nhật và những chiến hữu ở sư đoàn 129, ông nhớ lại chiến dịch Đại Biệt sơn, chiến dịch Hoài Hải, chiến dịch vượt sông và giải phóng vùng Giang Nam, ông nhớ lại những nỗ lực trong 17 năm xây dựng nước Trung quốc mới, và công việc 10 năm của một Tổng bí thư đảng...

Giở lại những trang “Tự thuật” ấy, có thể cảm thấy một cách rõ ràng sự cẩn thận và chu đáo của cha tôi. Trong hồi ký của ông, mỗi phút giây lịch sử đều như được tái hiện trong đầu óc ông. Ông đã rành mạch lường thuật mỗi dấu chân in của mình, ông thực sự cầu thị, trả lời gãy gọn, khúc chiết mỗi vấn đề mà người khác đề xuất nghi vấn và trách móc mình, khi nói về bản thân mình, ông không bàn về công tích của ông mà chỉ nói qua loa. Đồng thời, giống như những người mắc sai lầmlúc đó, cùng với việc nhớ lại, “nói qua”, “không thể” không thêm một lần kiểm điểm trái với lòng mình. Đồng thời với việc kiểm điểm, với sự nhạy bén về chính trị, cha tôi đã cảm nhận được sự “phân biệt đối xử” cực kỳ tế nhị và thấu đáo của Mao Trạch Đông. Và với sự từng trải về chính trị trong mấy chục năm, ông đã hiểu thấu đáo, phân minh, tính phức tạp cũng như tính tráo trở tồn tại trong sự vật. Trong tình thế nguy cơ về chính trị lúc ấy, ông chỉ yêu cầu có một điều duy nhất: lưu lại trong đảng, cố giữ lấy đầu mối cuối cùng trên chính trường. Ông biết rằng, chắc chắn Mao Trạch Đông sẽ đọc bản “Tự thuật” này, đo đó, ông viết ở nơi cuối cùng: Mong mỏi lớn nhất của tôi là vẫn lưu lại trong đảng, làm một người đáng viên bình thường. Tôi đề nghị, trong thời gian thích hợp nào đấy, sẽ giao cho tôi một công tác nho nhỏ, tham gia vào công việc mà sức lực mình có thể đảm đương được, cho tôi một cơ hội hối lỗi làm lại từ đầu”.

Đặng Tiểu Bình (Trái) và Triệu Tử Dương (phải) trên bàn Chủ Tọa Đại Hội Đảng Lần Thứ 13 vào ngày 21 tháng 10 năm 1987.

Là một đảng viên lão thành với hơn bốn ngươi tuổi đảng, dù cho trong thời khắc gian nan nhất, ông đều không quên trách nhiệm của bản thân mình. Ông chưa bao giờ vì sự oan khuất nhất thời mà đánh mất lòng lin, chưa bao giờ để mất đi hy vọng, chưa bao giờ vứt bỏ tất cả những cơ hội có thể tranh thủ được.
Logged

BOM BI
Thành viên
*
Bài viết: 134


Aya Kito (1962 - 1988)


« Trả lời #14 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2011, 12:27:24 am »

Đồng thời với việc cha tôi phục xuống bàn, lựa chọn, viết “Tự truyện”, thì Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình cũng chẳng được nhàn hạ gì, họ cũng bắt đầu khởi thảo “Tội trạng” và “báo cáo tổng hợp” về Đặng Tiểu Bình. Lâm Bưu và cả lũ Cách mạng văn hoá trung ương, đối với việc đánh đổ hoàn toàn Đặng Tiểu Bình cũng có thể gọi là: lòng như lửa đốt, “văn phòng Hai” cấp trên của Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình, cũng chính lại là văn phòng số Hai của Tổ chuyên án trung ương do tập đoàn Lâm Bưu khống chế, cơ hồ như cứ cách vài hôm lại điện thoại tới thôi thúc, giục hỏi sự tiến triển của tình hình. Khang Sinh, trùm trưởng trong việc chỉnh đốn mọi người, cũng mở hết hội nghị lớn, lại đến hội nghị nhỏ, chuyên đề nghiên cứu, tính toán án tình.

Đặng Tiểu Bình năm 1920 tại Pháp.

Trong Cách mạng văn hoá, nếu một người chỉ bị đánh vì sai lầm “theo tư bản” hoặc sai lầm “đường lối”, cũng khó đánh đổ lắm, hoặc có bị đánh đổ cũng “lật án” như chơi. Nhất định còn phái có “vấn đề lịch sử” như phản bội, gián điệp v.v... thì mới gọi là “tội trạng” đã được đóng bằng đinh sắt, có thể sau khi đánh đổ mới đời đời không ngóc đầu dậy được. Nhưng Đặng Tiểu Bình lại chưa hề bị địch bắt, chưa từng rời đảng, lục lọi tứ tung, vẫn chỉ là vấn đề “hiện tại”.
Về sau, nghĩ tới chuyện này, ngay đến cả cha tôi cũng nói một câu cảm khái: “Cái thân tôi quả thật là may, đánh trận không “hề bị thương, hoạt động bí mật không hề bị địch bắt”.

Không có vấn đề quá khứ, cũng phải tìm cho ra vấn đề quá khứ, Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình có nhiệm vụ phải trăm phương ngàn kế, vắt cho cạn kiệt tim óc mà tìm. Ngày 18.6.1968, trong hội nghị báo cáo về “tội trạng” của Đặng Tiểu Bình, Giang Thanh nói: “Hồ sơ của Đặng Tiểu Bình, ta phải phân tích cho chu đáo tỷ mỷ, con người này rất có thể là kẻ phản bội. Tôi vẫn đang phân tích hồ sơ của lão ta, cùng đấu tranh với các đồng chí. Quá khứ và hiện tại của lão phải gom vào làm một”.

Sau hội nghị đó, Khang Sinh gọi tổ trưởng Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình tới, giao hơn mười tập tài liệu do chính ông ta đã cất giữ, cùng với ảnh và “tài liệu khai báo” của những đồng chí cũ ở quân đoàn Hồng quân số 7 thời đó. Tổ chuyên án vùi đầu vào làm việc, có đến một tháng rưỡi trời, xào xáo, thêm dấm thêm ớt, viết ra được bản “Báo cáo tổng hợp” về “tội trạng” của Đặng Tiểu Bình.

Ngày 25.7.1968 toàn thể bọn họ báo cáo với Khang Sinh, Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Diệp Quần, Lý Tác Bằng một cách hết sức tường tận tại đại sảnh phía đông của hội trường lớn. Khang Sinh ra chỉ thị, nói:

- Xem ra tài liệu thì không thiếu, nhưng vấn đề then chốt là vận dụng như thế nào, phấn về quá khứ còn quá yếu.

Ngô Pháp Hiến nói, vấn đề vào đảng của Đặng Tiểu Bình khó có thể đối chứng được bởi người giới thiệu vào đảng đều đã chết.
Sau cuộc họp, Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng và Tổ chuyên án về lầu bốn, khách sạn Kinh Tây, tiếp tục chiến đấu, cẩn thận nghiên cứu, sửa chữa lại từ đầu, cho đến rạng sáng ngày hôm sau, bản “báo cáo tổng hợp” mới gọi là hoàn chỉnh: “Tội trạng chủ yếu của Đặng Tiểu Bình, kẻ cầm quyền khác, lớn nhất trong đảng, đi theo đường lối tư bản chủ nghĩa”. Toàn văn gồm bảy phần bao gồm hơn một vạn năm ngàn chữ.

Tổ chuyên án đưa ngay cái “thành quả” không dễ dàng mà có được đó lên “Văn phòng Hai”. Không đầy 24 giờ sau, bản báo cáo đã được Khang Sinh, Hoàng Vĩnh Thắng, Diệp Quần, Lý Tác Bằng (Tổng tham mưu trưởng Giải phóng quân kiêm Chính uỷ hải quân), Khưu Hội Tác (phó Tổng tham mưu trưởng Giải phóng quân kiêm Chính uỷ hải quân), Trương Tú Xuyên (phó Uỷ viên chính trị Hải quân Giải phóng) và một số nơi khác thẩm duyệt, Khang Sinh phê: “Tranh thủ, nhanh chóng trình lên Chủ tịch, phó chủ tịch Lâm Bưu và trung ương cùng các đồng chí ở Ban Cách mạng văn hoá trung ương để xin duyệt. Cho in 52 bản”. Hai ngày sau, văn phòng Khang Sinh gọi điện thoại nhiều lần tới Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình, nói rằng cụ Khang Sinh rất vừa lòng với bản báo cáo.

Tuy nói Khang Sinh tỏ ý “vừa lòng” với bản báo cáo, nhưng Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình vẫn cảm thấy trọng lượng “vấn đề” quá khứ, còn chưa đủ. Bọn họ lại thêm giờ, thêm ca, truy tìm những điểm “tình nghi” và “lọt lưới”, sau khi nghiên cứu vài ba bốn lần, trong lịch sử cách mạng dài tới hơn bốn mươi năm của Đặng Tiểu Bình, nơi duy nhất có thể làm “đột phá khẩu” thì chỉ có việc gọi là “đào ngũ” hồi ở quân đoàn Hồng quân số bảy là dùng được. Phải tiếp tục đào bới vấn đề này, moi ra vấn đề lịch sử quá khứ mới mong định tội, đập chết Đặng Tiểu Bình được.

Ngày 11.9.1968, Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình viết báo cáo cho Hoàng Vĩnh Thắng, Diệp Quân, Lý Tác Bằng, Khưu Hội Tác đề nghị bắt Đặng Tiểu Bình viết “khai báo bổ sung” thêm về hai lần “đào tẩu” khỏi quân đoàn Hồng quân số 7 vào hai năm 1930 và 1931 để trở về Thượng Hải, mới có thể làm rõ được vấn đề quá khứ của Đặng Tiểu Bình. Hoàng Vĩnh Thắng bút phê đề nghị Uông Đông Hưng giúp đỡ, Uông Đông Hưng lại kính chuyển đề nghị Vương Lương Ân, phó chủ nhiệm Văn phòng trung ương lấy danh nghĩa Bộ Chính trị buộc Đặng Tiểu Bình phải viết lại lần nữa.

Sau khi nhận được thông báo của Văn phòng trung ương, Đặng Tiểu Bình lại thêm một lần nữa viết lại rất tường tận, rất thực sự cầu thị, về tình hình có liên quan đến quân đoàn Hồng quân số 7 và hai lần từ quân đoàn Hồng quân số 7 về Thượng Hải báo cáo tình hình với trung ương. Bản viết đó, lại thêm một lần nữa làm cho Tổ chuyên án hẫng hụt và thất vọng, không mò vớt được một cọng rơm nào. Cùng ngày với việc viết bản báo cáo nói trên, Tổ chuyên án còn viết bản báo cáo thứ hai, đưa ra một yêu cầu rất vô lý với Chu Ân Lai, đòi thủ tướng “giúp họ chỉ đạo chút ít”, để tìm cho được chứng cứ chính xác về vấn đề quá khứ của Đặng Tiểu Bình. Trong “Báo cáo” có viết: Về vấn đề vào đảng, Đặng Tiểu Bình khai báo rất mâu thuẫn, thứ nhất là thời gian vào đảng không thống nhất. Thứ hai là viết về những người giới thiệu vào đảng rất mơ hồ, do đó mà ngờ rằng Đặng Tiểu Bình là đảng viên giả lộn sòng vào đảng. Tổ chuyên án còn đòi hỏi Chu Ân Lai thêm một điều nữa là, yêu cầu ông cung cấp cho họ những đầu mối về những điểm “nghi vấn” đó. Theo nhận định của họ, vào hai năm 1930 và 1931, Đặng Tiểu Bình đã từ quân đoàn Hồng quân số 7 hai lần “ra trận bỏ trốn” về Thượng Hải, hoàn toàn không đưa ra đề nghị báo cáo công tác với trung ương, vì còn theo đuổi mục đích khác, và còn từ không bịa ra có mà suy đoán rằng: “Trong tự thuật của Đặng Tiểu Bình có viết, năm 1931 ở Thượng Hải, trung ương có cử ông ta đi Vu Hồ tỉnh An Huy để kiểm tra công tác của tỉnh uỷ, sau khi đến Vu Hồ, vì tỉnh uỷ đã bị phá nên lập lức quay về Thượng Hải. Chúng tôi cảm thấy rằng tỉnh uỷ An Huy bị phá sớm như thế, nên rất đáng nghi rằng, Đặng Tiểu Bình đã đem bán tỉnh uỷ cho địch”.

Văn kiện này trước hết là báo cáo với Hoàng Vĩnh Thắng, Diệp Quân, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng, Khang Sinh v.v..., sau khi được các ông kễnh phê duyệt xong, mới gửi tới Chu Ân Lai, làm áp lực buộc Chu Ân Lai phải trả lời. Đối với những yêu cầu vô lý đó, Chu Ân Lai phớt lờ, không thèm để mắt tới. “Báo cáo” đó sau khi gửi tới Chu Ân Lai liền thành đá chìm đáy biển, chẳng thấy tăm hơi tin tức nào.

Bị vấp đầu vào tường ở chỗ Chu Ân Lai, Tổ chuyên án vẫn chẳng chịu cam lòng, vẫn cứ tìm đi lục lại, cuối cùng, sau khi nhặt nhạnh vá víu, cũng đã moi ra được một số “tài liệu tố cáo” từ những lão đồng chí nguyên là quân đoàn Hồng quân số 7, họ vội vã viết thành một bản “chuyên đề tội trạng” dâng lên cấp trên để tâng công.

Trong khi Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình khua chuông gõ mõ tiến hành điều tra “tội trạng” của Đặng Tiểu Bình, thì “Văn phòng 1, Văn phòng 2” của Ban chuyên án trung ương cũng tăng nhanh tốc độ công tác đối với những người mà họ quản lý thuộc loại “băng đen”, “theo tư bản”, và các “tội trạng” khác, họ lấy thêm chứng cớ và sắp xếp thứ hạng tội lỗi. Nguyên nhân việc phải sắp xếp thứ hạng tội trạng cho nhanh chóng là vì, trung ương đã quyết định triệu tập hội nghị toàn thể lần thứ mười hai khoá 8 và đại hội đại biểu toàn quốc khoá 9 của đảng.
Bè cánh của Lâm Bưu là Hoàng Vĩnh Thắng v.v... triệu tập họp văn phòng hai của Ban chuyên án trung ương dưới quyền quản lý của ông ta, chuyên đề nghiên cứu về vấn đề định án cho 15 đối tượng dưới quyền quản lý của họ. Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình tung ra bản “Chuyên đề tội trạng của Đặng Tiểu Bình” và được Hoàng Vĩnh Thắng ngợi khen. Nhưng Ngô Pháp Hiến lại lấy làm chẳng vừa lòng, nói: Vấn đề kết bé kéo cánh thu nạp bọn đâu hàng phản bội, và bao che cho bọn xấu là rất quan trọng, cần phải mau mau chóng chóng mà làm.

Ngày 22 và ngày 24.9.1968, “Văn phòng 1”, “Vãn phòng 2” của Ban chuyên án trung ương, luôn luôn có người hội họp ở đại sảnh phía đông của hội trường lớn, họ họp để nghiên cứu định thứ hạng của những đối tượng chuyên án trọng yếu mà họ quản lý bao gồm 14 người thuộc “Văn phòng 1” và 8 người của “Văn phòng 2”. Trong đó, họ xếp Lưu Thiếu Kỳ vào hạng kẻ cầm quyền lớn nhất trong đảng đi theo đường lối tư bản, và họ vu cáo ông là “phản bội”, “gián điệp”, “giặc cướp”. “Vấn đề” Đặng Tiểu Bình cũng bị nhận định là “ẩn náu tương đối sâu” và được gán cho cái tên là: kẻ cầm quyền khác, lớn nhất trong đảng đi theo đường lối tư bản. Làm việc đến chán chê mê mỏi, tốn hết sức lực của chín trâu hai hổ mà “vấn đề” Đặng Tiểu Bình vẫn chỉ là “hiện tại”. “Vấn đề quá khứ,, của ông thực tế là “ẩn náu” quá sâu thật.
Logged

BOM BI
Thành viên
*
Bài viết: 134


Aya Kito (1962 - 1988)


« Trả lời #15 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2011, 12:33:08 am »

9. Đại hội toàn trung ương mở rộng lần thứ 12 của khoá VIII

Từ ngày 13 đến ngày 31.10.1968, đại hội toàn trung ương lần thứ 12 của khoá VIII Đảng cộng sản Trung quốc mở rộng, họp tại Bắc Kinh. Mục đích của cuộc họp này là làm công tác chuẩn bị cho đại hội đại biểu toàn quốc khoá IX sắp được triệu tập. Mao Trạch Đông chủ trì hội nghị.

Trong bài nói của mình Mao Trạch Đông, người đầu tiên đề xuất vấn đề:

- Cách mạng văn hoá có thực sự phải làm không? Trong khi tiến hành, thành tích là lớn hay thành tích quá nhỏ, sai lầm quá nhiều? Tiếp đó, ông ta dứt khoáit trả lời: Cách mạng văn hoá của giai cấp vô sản lần này là hoàn toàn tất yếu là vô cùng kịp thời đối với việc củng cố nền chuyên chính của giai cấp vô sản, đề phòng và ngăn cản tư bản chủ nghĩa ngóc đầu dậy trong khi xây dựng xã hội chủ nghĩa”.

Thêm một lần nữa Mao Trạch Đông bất di bất dịch bảo vệ cuộc Đại cách mạng văn hoá do chính ông ta phát động.

Trong hội nghị này, Lâm Bưu, Giang Thanh soái lĩnh các ông kễnh Cách mạng văn hoá dưới trướng, tổ chức bao vây, tấn công các đồng chí cách mạng lão thành tham gia cái gọi là “dòng nước ngược tháng hai”, buộc tội họ bằng các tội danh: “Sự kiện phản đảng nghiêm trọng nhất” và “dung dưỡng cho chủ nghĩa tư bản ngóc đầu dậy”, rồi cưỡng bức các đồng chí cách mạng lão thành này, hết lần này đến lần khác, phải cung khai và kiểm thảo. Trong hội nghị lần này, với sự chủ trì của Khang Sinh cùng kẻ khác, đã dùng những chứng cớ giả, bịa đặt viết trong báo cáo điều tra về các “tội phản bội, nội gián, giặc cướp, của Lưu Thiếu Kỳ” rồi tuyên bố khai trừ vĩnh viễn Lưu Thiếu Kỳ ra khỏi đảng, bãi miễn tất cả các chức vụ trong cũng như ngoài đảng. Trong hội nghị còn cho in bài, cho phát bài viết về “Những tội trạng chủ yếu của Đặng Tiểu Bình, một kẻ cầm quyền khác, lớn nhất trong đảng đi theo đường lối tư bản chủ nghĩa”, tất cả mọi chức vụ trong đảng, ngoài đảng của Đặng Tiểu Bình trên thực tế đã bị thủ tiêu. Như vậy, hội nghị trọng đại đã đưa ra những quyết định trọng yếu, tất nhiên đó là những quyết định của chính Mao Trạch Đông.

Nhưng Lâm Bưu, Giang Thanh rõ ràng là không hài lòng. Ở hội nghị, bọn họ đã đánh trống khua chiêng, kích động, hòng tạo ra một thanh thế, làm áp lực để khai trừ Đặng Tiểu Bình ra khỏi đảng. Nhưng Mao Trạch Đông vẫn một mực không đồng ý. Ông nói:

- Trong thời kỳ chiến tranh, Đặng Tiểu Bình là một người đánh giặc. Về quá khứ vẫn chưa phát hiện được vấn đề gì, nên cần đối xử khác với Lưu Thiếu Kỳ, mọi người muốn khai trừ, nhưng tôi lại có ý kiến bảo lưu?
Mao Trạch Đông có sự ngoan cường của ông ta, có tính cố chấp đặc biệt chỉ riêng người Hồ Nam mới có, khi ông ta đã quyết tâm đưa ra một quyết định nào, thì bất kể loại người nào đều không tay chuyển được. Đó là một cá tính đặc biệt rõ nét của ông ta. Đại hội trung ương đảng lần thứ 12 khoá VIII lại là một hội nghị méo mó được triệu tập họp trong một thời đại méo mó, hội nghị được triệu tập họp trong tình hình rất không bình thường bởi có rất nhiều uỷ viên trung ương bị đánh đổ, hạ bệ và bị tước đoạt mọi quyền lợi chính trị. Những uỷ viên trung ương và những uỷ viên dự khuyết của khoá tám bị quy vào cái tội gọi là “phản bội”, gián điệp, “liên lạc với nước ngoài”, “phần tử phản đảng” lên tới 71% tổng số. Trong số 97 uỷ viên trung đảng, ngoài 10 người đã qua đời, chỉ còn có 40 người được đến tham gia hội nghị, vì không đủ một nửa số người để thông qua bất kỳ quyết nghị nào theo điều lệ đảng quy định, nên phải bổ sung bằng 10 uỷ viên trung ương dự khuyết, mỏi có thể tính là quá bán. Số thành viên không chính thức tham gia hội nghị này đã chiếm tới quá nửa tổng số người, mà vẫn được hưởng quyền quyết nghị như những uỷ viên trung ương chính thức. Còn điều cổ quái hơn nữa mà về sau này mới phát hiện, là có một người tham gia hội nghị, tham gia biểu quyết, lại không phải là đảng viên đảng cộng sản.

Vợ chồng Đặng Tiểu Bình và bà Hạ Bá Căn (ảnh trái), người mẹ kế ông hết mực yêu thương, năm 1969.

Đại cách mạng văn hoá của giai cấp vô sản bùng nổ đến đó đã kéo dài hơn hai năm, quấy phá cũng đã quá đủ, hỗn loạn cũng đã thừa, phản cung cũng đã được tạo ra, mạng cũng đã cách được rồi, quyền cũng đã đoạt được trong tay, nhưng bước sau sẽ đi đứng làm sao đây? E rằng về thực tế Mao Trạch Đông cũng không được tinh tường cho lắm. Khi mới bắt đầu, ông ta nói; phải cần một năm để tiến hành Cách mạng văn hoá. Vê sau ông lại nói: Đại khái là phải ba năm, như thế có nghĩa là phái kéo dài đến mùa hè sang năm nữa.
Tháng 4.1969, đại hội đại biểu toàn quốc khoá chín của đảng được triệu tập, khai mạc. Nghe nói, trong “Đại hội IX”, điều lệ đảng sẽ được sửa đổi, nhân sự cũng đã xác định được, tất cả mọi việc chỉ còn cứ theo kế hoạch mà làm. Nhưng Đại cách mạng văn hoá lại không làm sao kết thúc nổi. Rất có khả năng Mao Trạch Đông đã có suy tính lúc bắt đầu khởi sự nhưng Cách mạng văn hoá lại phát triển đến bước này. Quả thật nó đã sớm đi sang lối ngược lại với suy tính, thiết kế của Mao Trạch Đông rồi. Cả một phong trào đã như con ngựa tuột cương, thoả sức tung hoành, không sao ngăn lại được. Mâu thuẫn cũ chưa giải quyết xong, mâu thuẫn mới đã lại được đẻ ra. Bè phái, võ đấu, tranh quyền đoạt vị, không những vẫn còn nguyên, mà càng ngày càng trở nên kịch liệt càng phát càng không thu lại được.

Trong hai gian nhà nhỏ ở Phương Hồ Trai khu Tuần Vũ, Bắc Kinh, mấy anh chị em và bà chúng tôi vẫn ở với nhau. dựa vào nhau mà sống, ngày tháng hầu như cũng chẳng đến nỗi nào. Chị cả Đặng Lâm vốn bị quản chế và phê phán vì “vấn đề” của cha tôi, không thể về nhà được. Nay vì mấy tổ chức của các phái tạo phản bận giao đấu với nhau đến tối tăm mặt mũi, chẳng lấy ai ra mà cai quản lũ “băng đen” và lũ “đầu trâu mặt ngựa” này, nạn nhân cơ hội đó, cứ chiều thứ bảy là chị tôi lần về nhà. Anh Phác Phương và chị Đặng Nam bình thường đều phải ở lại trường, cũng lại nhân các phái tạo phản đấu đá lẫn nhau lộn tùng bậy, cũng “lọt lưới” được chốc lát. Đặc biệt là Đặng Nam, cứ đến chiều thứ bảy, là bằng mọi cách tót về nhà.

Ngày 29.3.1968, tại trường đại học Bắc Kinh đã xảy ra một cuộc quyết chiến đại quy mô giữa hai phái tạo phản với nhau. Cuộc quyết chiến xảy ra vào nửa đêm, trong vườn, sân trường nhốn nháo đầy những người đầu đội mũ sắt, tay cầm côn gậy, phi tiêu, giáo mác, mã tấu. Cả hai phái đều binh đông lính đủ, om sòm la hét đến vang trời dậy đất. Sau một trận giao chiến đại quy mô, cả hai phái đều bị thương vong trầm trọng, thất bại nặng nề. Nhưng cả hai đều vẫn chẳng chịu cam lòng, vẫn chiêu binh mãi mã chuẩn bị tái chiến.
Sau trận giao chiến đó, toàn bộ trường đại học Bắc Kinh tràn đầy một không khí kinh hoàng. Đặng Nam và một số học sinh khác đứng bên cửa sổ xem cuộc chiến khủng khiếp ấy, rồi vội vã thu nhặt quần áo đồ dùng, nhân lúc bốn giờ, trời còn chưa sáng, vội vàng chui qua một lỗ tường đổ, trốn ra khỏi trường học. Sau khi về nhà, Đặng Nam chợt nhớ tới anh Phác Phương đang bị quản chế ở trường học, liền sai Phi Phi đến trường đại học Bắc Kinh gọi anh về nhà.

Cuộc giao đấu với quy mô lớn nhất này, có rất nhiều người lâm vào cảnh nguy nan, bất hạnh. Một học sinh cùng lớp với Đặng Nam chỉ đứng xem không tham gia vào cuộc chiến đấu, đã bị một mũi lao dùng làm vũ khí, không biết từ đâu phóng tới, xuyên thủng người, tuy không chiết, nhưng bị vỡ gan, trở thành tàn tật suối đời.

Anh chị tôi đều đã trở về nhà, từ đó kéo dài đến hơn một tháng sau, năm anh chị em tôi cùng với bà ở nhà, có thể coi như chúng tôi đã được sum họp một nhà tại Phương Hồ Trai.
Logged

BOM BI
Thành viên
*
Bài viết: 134


Aya Kito (1962 - 1988)


« Trả lời #16 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2011, 12:38:21 am »

Toàn gia sum họp, đã làm thay đổi được nỗi cô đơn trước đây của ba bà cháu tôi, trong nhà chúng tôi cũng đã xuất hiện những tiếng cười đùa. Bà, Phác Phương và Phi Phi ở một phòng, còn ba chị em gái tôi ở một phòng, cách nhau là một hành lang ở giữa, hai cửa đối diện nhau. Một chị họ tôi còn đang theo học tại trường đại học Bắc Kinh, khi nào chị tới thì chiếc giường lớn bốn người ngủ chung. Tôi sợ chật nên đem hai chiếc hòm gỗ to ghép lại, trải chăn đệm, nằm trên đó cũng thấy thảnh thơi, thoái mái lắm. Lúc này những kẻ khám xét nhà cửa hầu như không vác mặt tới nữa, cái góc nhỏ bé này của chúng tôi trong phút chốc đã bị bọn tạo phản bỏ quên rồi. Đời sống tuy khốn khó, nhưng được cái yên ổn. Tuy nói rằng đời sống cũng chả đến nỗi nào, nhưng nỗi khổ thực sự lại là nỗi khổ trong lòng người. Song trong gia đình chúng tôi, ngay cả những khi khốn khó nhất, chúng tôi cũng cố gắng, tận lực tìm ra cho được những thú vui. Trong cái vòm trời nhỏ ở Phương Hồ Trai, chúng tôi tự tìm, tự tạo lấy những trò chơi giải trí. Chẳng có thứ đồ chơi nào, nên chúng tôi lấy những chiếc hộp giấy để lên trên giường, rồi cầm quân cờ, đứng xa, ném vào những chiếc hộp giấy, xem anh nào ném trúng được nhiều, chúng tôi chơi trò ấy rất hứng thú và cũng rất say mê. Hỏi rằng chúng tôi đã học được những gì từ nơi cha tôi, đó chính là vĩnh viễn giữ được tinh thần lạc quan.
Cuộc sống cứ thế mà lôi qua, có thể gọi được là thảnh thơi, chỉ có “sự kiện” là hai lần bị ngộ độc hơi than vì lò bễ không cẩn thận. Một lần bà tôi với Phi Phi bị, nhưng cũng chẳng nghiêm trọng lắm, hai bà con chỉ nhức đầu mất mấy ngày, rồi xong. Một lần bà tôi với tôi ở trong nhà, ngủ say như chết, tôi chợt nghe thấy miệng ú ở của bà, vì đã có tiếng chuông cảnh tỉnh từ lần trước, tôi vội vàng lao ra khỏi giường, chẳng nghĩ ngợi gì hơn, tôi hết sức đẩy tung cửa, sau đó, tôi ngã sóng soài ra đất, hôn mê chẳng còn biết gì nữa. Lần ngộ độc hơi than này khá nặng, nếu như không có bà tôi, nhiều tuổi tỉnh ngủ, cảm nhận ra, thì cả hai bà cháu sớm đã toi mạng rồi.

Ngoài chuyện nguy hiểm, còn có cả chuyện vui. Có một lần chị cả Đặng Lâm từ trường về nhà, vừa bước vào cửa đúng lúc tôi từ trong nhà bước ra. Với thần sắc căng thẳng, tôi vội túm lấy chị, đẩy vào góc tường, nói nhỏ vào tai chị “xảo cha la”, vừa chợt nghe chị đã tưởng là “khám nhà rồi”, chị kinh hoàng đến hồn bay phách lạc, Thực ra tôi nói “xảo cha la” chỉ có nghĩa là “cãi nhau rồi”. Nguyên là bà tôi muốn bồi dưỡng cho chúng tôi, cải thiện bữa ăn, nên làm món ăn tươi”, nhưng chị hai tôi, bà quản gia Đặng Nam lại muốn hết sức tiết kiệm, để đề phòn g những chi tiêu bất thường về sau, kết quả là hai bà cháu tranh cãi với nhau. Bà tôi tuy không có văn hoá, nên càng không thể nói đến việc đọc các tác phẩm nổi tiếng nước ngoài, nhưng trí nhớ của bà rất tốt, bà còn nhớ được những chuyện xem phim trước đây, tức lên, bà nhiếc Đặng Nam là đồ “Grăngđê” - nhân vật keo kiệt bủn xỉn trong tác phẩm văn học nổi tiếng của đại văn hào nước Pháp Ban dắc. Khi ấy cãi nhau, hai bà cháu đều khóc, trông rất thương. Sau việc đó, chúng tôi bắt chước cái “bác học” của bà, cũng vui thật là vui. Đến bây giờ nhớ lại thật đúng là những năm tháng luôn luôn bị thân hồn nát thần tính, chỉ một câu “xảo cha la” (khám nhà rồi) cũng đã khiến người ta phải rụng rời chân tay.

Năm 1981, Đặng Tiểu Bình khi ấy là Phó Chủ tịch BCHTƯ Đảng cộng sản Trung Quốc gặp mặt nhà văn Kim Dung tại hội trường lớn Nhân Dân

Anh Phác Phương tôi, tính từ lúc cha tôi bị phê phán tới đó, vẫn bị giam cầm trong trường học, lần trở về nhà ấy, là thời gian anh được ở nhà dài nhất. Ở nhà chẳng có việc gì, anh liền mang cưa mang bào ra làm thợ mộc, anh lấy những tấm gỗ cũ nát mà chị Đặng Nam đã mua về, đóng cho Phi Phi một chiếc giá sách nhỏ, lại còn đóng cho bà tôi một cái giá đựng bát, song anh bỏ thời gian nhiều nhất vào việc kèm cặp cho Phi Phi học. Khi mới bắt đầu Cách mạng văn hoá, Phi Phi mới học năm thứ hai cấp hai, khi phong trào lan ra, các trường học đều đóng cửa, Phi Phi ở nhà chẳng có việc gì làm, nên đem sách ra tự học. Lần này lại có anh ở nhà, hàng ngày anh có thể giảng dạy kèm cặp giúp em. Anh thích dạy, em thích học. Về môn toán lý hoá Phi Phi tiến bộ một bước dài. Phi Phi sau này có thể theo đại học, rồi thạc sĩ, tiến sĩ, thì chính những giờ học bổ túc này đã có tác dụng cơ bản rất quan trọng. Anh hơn tôi và Phi Phi đến sáu bảy tuổi, trước kia, khi chúng tôi còn nhỏ, anh rất bận bịu với học hành, tuy rất quý trọng anh, nhưng cũng rất ít khi nói gì với anh hoặc chuyện suông với anh. Bây giờ sớm tối bên nhau ở Phương Hồ Trai, tôi đã đem những vấn đề không rõ ràng ra hỏi anh. Tôi còn nhớ, có một lần tôi hỏi anh: “Tại sao lại phải đánh đổ cha mình?” Anh tôi đưa mắt nhìn ra xa xôi, nói: “Là vì cần phải nhường đường cho Lâm Bưư”. Anh tôi tương đối nhạy cảm với chính trị, ngay khi Cách mạng văn hoá mới bùng nổ, trong khi mọi người còn đang hừng hực nhiệt tình cách mạng, anh đã dự cảm thấy sẽ có chuyện xảy ra, nên trong suốt cả phong trào, anh luôn luôn giữ thái độ chống đối, nhưng chính vì thế, khiến anh không tránh khỏi sự giam cầm, đấu tố của bọn tạo phản. Khi đó anh không dễ mà về được nhà, không dễ mà thoát khỏi sự giám sát của bọn chúng, nên tinh thần sau một thời gian dài bị dồn nén, nay được đột ngột bung ra, có một hôm vào bữa ăn, anh cao hứng, vác rượu ra uống thật say. Say rồi, tinh thần anh như bốc lên, mặt anh đỏ lựng, nói cũng nhiều hơn, anh tràn đầy hứng thú, cao đàm khoát luận, sang sảng đọc thuộc lòng nhạc Dương lâu ký. Chúng tôi ngắm anh uống, ngắm anh nói, ngắm anh đọc, ngắm anh say, mà trong lòng thấy chát chua rơi lệ. Rõ ràng đây là: “Rượu chẳng say người, người tự say”. Nên nhớ rằng, chúng tôi uống, là chén rượu đắng, chén rượu đắng trong cõi nhân minh đó.

Trong đoạn thời gian ấy, cả nhà chúng tôi có thể coi như tạm thời lánh xa được những cơn sóng mạnh điên cuồng, và tự tìm lấy niềm vui trong cõi tiêu dao. Chẳng ngờ rằng, cái giờ phút thực sự khiến chúng tôi kinh hoàng khủng khiếp đang ập tới rất nhanh.
Logged

BOM BI
Thành viên
*
Bài viết: 134


Aya Kito (1962 - 1988)


« Trả lời #17 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2011, 12:56:29 am »

Đặng Tiểu Bình trên trang bìa của Tạp chí Time tháng 3 năm 1997

Tháng năm khủng khiếp

Một ngày trong tháng năm, bất chợt có hai chiếc ô-tô tải lớn xộc vào sân nhà tôi, một lũ tạo phản côn gậy trong tay xông thẳng vào nhà, chúng vây bắt Phác Phương và Đặng Nam, lấy vải đen bịt mắt, vừa kéo vừa đẩy tôi ra khỏi nhà, kéo lên ô-tô. Bọn tạo phản hùng hùng hổ hổ gào to những khẩu hiệu “Đả đảo Đặng Tiểu Bình” và “Đả đảo lũ chó con phản cách mạng”, rồi cho xe phành phạch chạy. Khi ấy nhà còn lại bà tôi, tôi và Phi Phi, chỉ còn biết tròn mắt há miệng chẳng biết nói gì, trân trân đứng nhìn cái xe lao đi trong đám bụi mù mịt.

Kể từ khi Cách mạng văn hoá bắt đầu tới lúc đó, chúng tôi đã từng phải chịu nhiều lần khám nhà, đấu tố, nhưng lần này phải chứng kiến cảnh anh chị mình bị đột ngột bắt đi một cách khủng khiếp như thế, thực đã làm tất cả chúng tôi sởn lóc gáy. Nỗi kinh hoàng khôn xiết từ trong lòng dâng lên đã nén chặt những tiếng gào khóc của chúng tôi lại trong cổ họng. Từ đó, trong nhà chỉ còn lại ba bà cháu già trẻ, hơn thế nữa, lại hoàn toàn không biết được anh tôi, chị tôi đang lưu lạc nơi đâu, thậm chí còn không được biết đến cả sự sống chết của anh chị thế nào, khiến chúng tôi càng thêm đau đớn bằng hoàng, cả một màn bi thương, lo sợ trùm phủ lên cuộc sống của chúng tôi.

Sau khi Phác Phương và Đặng Nam bị bắt trở lại nhà trường, trước hết là bị giam ở một tầng lầu ký túc xá vốn là một bản doanh chiến đấu của bọn tạo phản, sau chuyển sang giam ở khu nhà tầng khoa vật lý. Họ bị giam ở gian nhà hai phòng, phòng trong phòng ngoài, mỗi người một phòng có người canh gác, cấm hẳn việc trò chuyện, nói năng. Bọn tạo phản thường xuyên lôi tôi thẩm vấn riêng rẽ từng người. Khi bị đi thấm vấn, bao giờ cũng bị bịt mắt bằng vải den, rồi có người đưa đến phòng thầm vấn. Chúng vừa gào thét chửi bới vừa xét hỏi, thỉnh thoảng lại bị bất chợt đánh bằng gậy, hoàn toàn không biết trước mà đề phòng. Nội dung các cuộc thẩm vấn vẫn chỉ nhằm vào một “vấn đề” vạch tội Đặng Tiểu Bình. Khi đó, chính là lúc Tổ chuyên án Đặng Tiểu Bình được thành lập, gấp rút tìm kiếm “chứng cứ tội trạng” để thêu dệt ra bản báo cáo tổng hợp “tội trạng” Đặng Tiểu Bình. Lâm Bưu, Giang Thanh và bè lũ cũng đang tìm kiến đột phá khẩu, chúng cho rằng, lũ con cái Đặng Tiểu Bình, đặc biệt là mấy đứa lớn, thế nào cũng biết, nên đã chỉ thị cho tay chân nanh vuốt là Nhiếp Nguyên Tử, tên trùm sò nổi tiếng, lên phất cờ tiên phong của phái tạo phản trường đại học Bắc Kinh, bắt con cái của Đặng Tiểu Bình đề từ đó mà tìm cho ra “chứng cứ”. Nhiếp Nguyên Tử căn cứ vào ý đồ của chủ, bí mật lập kế hoạch, đầu tiên là cho người đến “trinh sát” chỗ ở của chúng tôi tại Phương Hồ Trai, xác định được chúng tôi đang có mặt tại đó, rồi sai mấy chiếc ô-tô cùng đoàn Hồng vệ binh đến bát gọn, lôi Phác Phương và Đặng Nam về trường học, tiến hành thẩm vấn bức cung.

Kể từ khi Cách mạng văn hoá bắt đầu tới nay, trong thời gian gần hai năm, bất kể là phong trào hung dữ như thế nào, bất kể là hoàn cảnh hiểm nguy ra sao, những đứa trẻ nhà họ Đặng Tiểu Bình chúng tôi, ngoài việc phải phê phán cha mình tý chút để đối phó ra, chưa hề có lúc nào chúng tôi lại có ý phân giới tuyến và tố giác cha mẹ mình. Bởi chúng tôi tin tưởng rằng, cha mẹ chúng tôi hoàn toàn vô tội. Chúng tôi yêu cha mẹ chúng tôi, và nguyện cùng chia hoạn nạn với cha mẹ mình. Trong nhà chúng tôi, tình thương yêu ruột thịt giữa cha mẹ và các con khó có thể dùng ngôn ngữ mà nói cho hết được.

Sau khi Cách mạng văn hoá kết thúc, cha tôi đã nói với mẹ tôi rằng: Những biểu hiện của con cái mình trong Cách mạng văn hoá đều rất tốt, chúng đã phải chịu đựng bao nhiêu khổ nhục vì mình. Ta phải bù đắp cho chúng nhiều hơn nữa.

Chính vì tình thương yêu ruột thịt đầy ắp trong cõi nhân gian này khiến cho gia đình chúng tôi dù bị hãm vào hoàn cánh cấp bách, nguy khốn nhưng vẫn có được điểm tựa tinh thần cuối cùng.
Trong trường đại học Bắc Kinh, được sự chỉ đạo của các ông kễnh Cách mạng văn hoá, bọn tạo phản đã sử dụng bằng hết mọi thủ đoạn độc ác đê tiện đè ép buộc, khủng bố, đánh đập và ngược đãi Phác Phương cùng Đặng Nam. Về sau này. Đặng Nam nói với chúng tôi: “Khi ấy chị sợ hết hồn, nhưng sợ cũng chẳng ích gì. cho nên chỉ còn cách là đấu lại. Chị nói: “Cha tôi chẳng bao giờ nói chuyện công tác ở nhà, mà có nói, tôi cũng chẳng làm sao mà biết được. Tóm lại, cứ nghiến chặt rằng vào, chẳng nói gì hết”. Còn Phác Phương lại nói với bọn tạo phản rằng: “Mọi chuyện trong nhà, chỉ có một mình tôi biết, còn các em trai em gái lôi chẳng biết một tý gì cả. Nếu cần hỏi, cứ hỏi tôi đây này”.
Trong giam cầm, Phác Phương và Đặng Nam luôn nghĩ đến các trai em gái mình đang ở bên ngoài. Một hôm, nhân lúc bọn tạo phản sơ suất Phác Phương lén giúi cho Đặng Nam một mẩu giấy, thống nhất lời khai báo. Đặng Nam xem xong nghĩ ngay tới việc phải thông báo điều đó với toàn thể anh chị em trong nhà. Nhưng chúng canh giữ chặt chẽ thế, biết xoay xở ra sao?. Rồi trong cái khó ló cái khôn, chị nói với bọn tạo phản, khi bị bắt chị chẳng mang theo người được cái cái gì nên muốn nhắn người nhà mang vào cho một ít đồ dùng vệ sinh phụ nữ. Lần này bọn tạo phản đồng ý. Lòng dạ tôi đang rối ren tơi bời như có lửa đốt vì chẳng biết một tý tin tức nào của anh chị từ khi bị bắt, nên khi được thông báo, bèn thu xếp mọi thứ, đi thẳng đến trường đại học Bắc Kinh.

Bắc Đại, trường đại học Bắc Kinh, một học phủ cao đẳng rất nổi tiếng xưa nay, một trường đại học đối với gia đình tôi mang rất nhiều ý nghĩa đặc biệt. Mẹ chúng tôi, năm 1936 đã thi vào khoa vật lý đại học Bắc Kinh. Anh tôi, chị tôi chịu ảnh hưởng của mẹ tôi, cũng đều tiếp tục thi vào học tại trường này, và vẫn chọn khoa vật lý. Còn tôi, ngay từ ngày đi học tiểu học, tôi cũng đã mong mỏi thi vào đại học Bắc Kinh, nhưng là thi vào khoa sử. Bắc Đại, trong tim trong óc tôi, là một cung điện thần thánh đầy mộng tưởng. Nhưng lần này, tôi đến đại học Bắc Kinh, lại có một cảnh tượng khác với tưởng tượng của tôi cả trời cả vực. Trong khuôn viên nhà trường rợp trời báo chữ to, lớp nọ đè lớp kia, dán đầy ắp trên tường, có những tờ bị xé nát, gió thổi bay tứ tung mặc cho mọi người giày xéo trong hỗn độn, ngổn ngang. Rất nhiều cửa ra vào và cửa sổ của những ngôi nhà bị đóng nẹp ván, hoặc nẹp sắt, có những cửa ra vào cầu thang đắp chướng ngại vật và công sự, nhìn qua cũng biết làm vậy là để đánh nhau. Những người tham gia chiến đấu, tay cầm gậy gộc, xếp hàng, đội ngũ lộn xộn đi qua, có người đội trên đầu chiếc mũ bảo hộ lao động đan bằng mây thay thế cho mũ sắt, người đi lại trong vườn trường thưa thớt, sắc diện đầy vẻ nghiêm trang trầm trầm, không khí đã khác hẳn so với hồi đầu Cách mạng văn hoá, nhộn nhạo, chen chúc đọc báo chữ to. Cả một vườn trường rộng lớn đã điêu tàn lạnh lẽo.

Tôi vốn đóng cửa ngồi nhà suốt ngày không ra ngoài, từ xưa tới nay chưa bao giờ trông thấy cảnh trận mạc ghê gớm như thế nên cũng thấy hoảng sợ. Đến khu nhà tầng khoa vật lý, nhìn kỹ lại càng thấy cảnh thành luỹ nghiêm ngặt hơn. Ngôi nhà xám xịt, trước nhà không một bóng người, tất cả cửa sổ tầng dưới đều có nẹp gỗ đóng kín, cửa lớn ra vào cũng bị những thanh thép gài chặt, chỉ lưu lại một lối đi rất hẹp, trước cửa là một công sự đắp bằng bao cát, rất cao. Tường nhà lem nhem bẩn thỉu, lỗ chỗ lở lói đầy vết đạn, nhìn một cái là nhớ ngay đến câu từ của Mao Trạch Đông:

Đương niên ngao chiến cấp.
Đạn động tiền thôn bích.


Tạm dịch:

Năm ấy chiến tranh ác liệt,
Tường đầu thôn còn hằn vết đạn xưa.


Sau này được nghe lại mới biết rằng, khu nhà tầng khoa vật lý chính là một trong những đại bản doanh của Nhiếp Nguyên Tử, là căn cứ chiến đấu của họ, cho nên mới phải bố phòng thâm nghiêm đến thế.

Tôi đứng đợi ở trước cửa một lát, đã có người dẫn Đặng Nam ra. May mà bọn tạo phản lại cho chúng tôi được nói chuyện riêng. Trước hết Đặng Nam hỏi han tình hình ở nhà, sau đó mới vội vã nói nhỏ cho tôi biết tất cả những khẩu cung khi họ thẩm vấn, và dặn tôi phải cấp tốc đến học viện mỹ thuật báo ngay cho chị cả đang bị giam giữ tại đó, bảo chị phải cố nén, hỏi gì cũng chỉ trả lời là không biết, cố giữ vững như thế là được. Vì chị cả tôi, bình thường, sức khoẻ vốn đã kém, chúng tôi lo lắng chỉ sợ chị nghĩ quẩn nên bàn cách hết sức an ủi chị, Đặng Nam còn dặn dò bà cháu ở nhà hết sức tìm cách bảo vệ lấy mình.

Nhìn chị bị bọn tạo phản như hung thần quỷ dữ áp giải đi vào bên trong lỗ cửa đen ngòm, khủng khiếp đến rợn người, cái sợ hãi, lo lắng lúc đến đã bay biến mất, trong lòng chỉ còn lại nỗi bi thương dằng dặc. Nghĩ đến việc mình phải làm, tôi vội vã quay đâu bước đi thật nhanh, nhưng vẫn ân hận rằng sao mình lại chẳng đi được nhanh hơn. Tôi không về nhà, mà đi thẳng tới học viện mỹ thuật, tìm chị cả tôi. Tôi lôi chị ra một góc vắng về, tránh xa những cặp mắt soi mói của bọn tạo phản, vội vã nói ngay cho chị cả nghe những lời chị hai dặn dò. Chị cả nghe xong cũng lấy được an ủi phần nào vì được nghe tin về các em. Chị rất xúc động nói: “Các em cứ yên tâm, chị chẳng sợ gì hết, dứt khoát chị chống đỡ được”. Phác Phương và Đặng Nam sau hai tuần bị giam ở khu nhà khoa vật lý rồi lại bị di chuyển. Chị Đặng Nam bị giam vào chỗ đội chiến đấu nằm trong khoa. Sau lần bị tách ra, giam riêng này Đặng Nam không còn biết gì về tình hình của Phác Phương nữa. Bị giam trong khoa, ban đầu, bọn tạo phản suốt ngày thẩm vấn chị, sau thấy hàng ngày hỏi như vậy cũng chẳng moi được gì nên ngày càng nhạt dần đi, sau nữa chúng côn cho phép chị tự xuống nhà ăn lấy cơm.
Logged

BOM BI
Thành viên
*
Bài viết: 134


Aya Kito (1962 - 1988)


« Trả lời #18 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2011, 01:06:06 am »

Xuân đã qua, hè đã lại. Đó là một mùa hè khốc liệt. Trời mỗi ngày mỗi nồng nực, nóng bức đến nỗi mồ hôi lúc nào cũng ướt đầm lưng áo, lòng dạ cũng ngột ngạt. Phái tạo phản Nhiếp Nguyên Tử ở trường đại học Bắc Kinh đã nắm được lũ con cái Đặng Tiểu Bình trong tay, và chúng vốn muốn lợi dụng cái “điều kiện thuận lợi” này để đánh đổ Đặng Tiểu Bình, lập công đức đền đáp công ơn với chủ là Ban Cách mạng văn hoá trung ương. Nhưng đã mấy tháng trôi qua mà vẫn hai bàn tay trắng. Đặng Phác Phương là con trưởng của Đặng Tiểu Bình, nhất định là biết không ít tình hình, nhất định phải có những váng mỡ có thể vớt vát được. Nghe nói chính Nhiếp Nguyên Tử đã từng hạ lệnh: “Nhất định phải lấy được cái gì đó từ miệng Phác Phương”.

Phái tạo phản đẩy mạnh thêm một bước việc thẩm vấn và tàn bạo bức hại Phác Phương. Ngày nào chúng cũng thẩm vấn anh, trên đường đưa đi, khi thẩm vấn, bao giờ chúng cũng lấy vải đen bịt mắt anh lại.

Hồi Cách mạng văn hoá mới bắt đầu, có một lần Giang Thanh, bằng cái giọng eo éo của mình, nói chuyện, mang đầy tính xúi giục kích động ở sân vận động trường đại học Bắc Kinh, anh Phác Phương nhìn cái vẻ đỏng đảnh cao ngạo của mụ, anh đã nói ngay lại chỗ một câu rằng: “Để xem bà ngạo nghễ ngang ngược được đến bao giờ” Bọn tạo phản đã vô lấy “sự kiện” ấy, bắt Phúc Phương cung khai, có phải là “chửi bới” “đồng chí” Giang Thanh không để hòng quàng vào đầu anh tội danh “phản cách mạng”, mà không biết bao nhiêu lần, thôi thúc, hỏi đi hỏi lại, bức bách anh phải tố cáo những “vấn đề” và “tội lỗi” của “băng đen” cha anh là Đặng Tiểu Bình. Phái tạo phản tăng cường thấm vấn và thêm áp lực về chính trị để đánh mắng và sỉ nhục anh, chúng dùng mọi thứ thủ đoạn có thể để tiến hành bức hại đến con người anh. Chúng luôn luôn thay đổi chỗ giam giữ anh, có chỗ giam rất lâu, có chỗ chỉ trong một thời gian ngắn, thậm chí giam cả vào phòng tắm của nhà tắm thuộc ban thể dục thể thao trong trường, trong đó vừa ẩm ướt, vừa âm u, vừa không có ánh sáng mặt trời. Trong thời gian đó, có một lần Đặng Nam xuống nhà ăn lấy cơm đi ngang qua phòng thể dục thể thao, nhìn thấy anh từ rất xa... Ngày hè nóng bức là như thế, mà thấy anh Phác Phương mặc một chiếc áo ngoài cũ kỹ bằng nhung kẻ đày cộp. Rõ ràng đó không phải là bộ quần áo anh mặc khi bị bắt tới trường. Từ xa nhìn tới, trong bóng rất mù mờ, chỉ thấy sắc mặt anh trắng nhợt nhạt, và người mang vẻ cực kỳ ốm yếu. Đối với Phác Phương mà nói, đó là đoạn thời gian khốn khổ nhất của anh. Ở nơi bị giam giữ, ngày tam phục, thịnh hạ, mà Phác Phương không biết nóng, chỉ thấy lạnh từ trong lòng lạnh ra. Anh chỉ còn biết hút thuốc, đó là việc duy nhất để gửi gắm tấm lòng mình. Anh nhờ bọn canh gác mua cho anh hơn hai hào một bao thuốc, anh hút liên tục, cả một ngày anh chỉ dùng có ba que diêm vào sớm, trưa, tối. Có một hôm qua tiếng loa inh tai nhức óc, anh nghe được bọn tạo phản sẽ gộp anh vào với những người anh hoàn toàn không quen biết, định cho cái tội “tiểu tập đoàn phản đảng”. Anh biết rằng, bọn tạo phản quyết không buông tha anh, bọn chúng giam cầm anh, thẩm vấn anh, ngược đãi anh, rồi lại quàng cho anh cái tội “phần tử phản đảng”, “phản cách mạng”, bọn chúng sẽ huỷ hoại tới cùng, tới triệt để cái quyền chính trị tôn nghiêm trên con người anh.

Nhiều người có thể đã đọc cuốn “Tạp cảm chuồng trâu” của Lý Tiễn Lâm tiên sinh. Trong sách, Lý Tiễn Lâm tiên sinh đã mô tả rất tỷ mỷ những hành động tội ác hại người của bọn Nhiếp Nguyên Tử, phái tạo phản của trường đại học Bắc Kinh thời kỳ Cách mạng văn hoá. Phàm là những người đã đọc qua sách này, nhất định sẽ hiểu hết lòng ác độc của phái tạo phản trường đại học Bắc Kinh. Trường đại học Bắc Kinh, một trường đại học danh tiếng nhất trong toàn quốc, bỗng dưng biến thành trại tập trung của bọn phát xít, thành một bản doanh hành hạ ngược đãi con người của lũ khát máu hôi tanh. Ở chính nơi này, không biết bao nhiêu người đã bị oan uổng, ngậm hờn, bị chỉnh đốn, bị bức hại, không biết bao nhiêu con người trong vũ đấu, trong tố đấu, trong tra tấn đã trở thành tàn phế, thiệt mạng, có một giáo sư không cam chịu bị ngược đãi, bị sỉ nhục, đã tự đi tìm lấy cái chết, đã tự sát nhiều lần, đã dùng tới mọi biện pháp như nhảy lầu, uống thuốc (độc), cắt mạch máu, nằm trên đường tàu, cho điện giật... lần thứ nhất không thành, làm lần thứ hai, lần thứ hai không thành, làm lần thứ ba, lần thứ ba không thành, làm lần thứ tư.

Đặng Tiểu Bình tại Hà Bắc tháng 3 năm 1949

Một học sinh phản đối Nhiếp Nguyên Tử, đã bị dùng đinh đóng xuyên suốt xương bánh chè, dùng tăm tre xuyên vào mười đầu móng tay, dùng kìm kéo rút từng đốt xương ngón tay, rồi nhét vào bao tải, đá lăn từ trên hè xuống đất, rồi dùng cực hình tra tấn cho đến khi hơi thở lịm dần. Nguyên bí thư đảng uỷ kiêm hiệu trưởng trường Đại học Bắc Kinh, ông Lục Bình, bị buộc đây thép vào hai đầu ngón tay cái, treo lên trần nhà để tra tán bức cung, buộc phải thừa nhận là “đảng viên giả”, là “phản bội”. Nhà triết học nổi tiếng Phùng Định cũng bị bức tử đến ba lần. Những điều vừa nói trên đây chỉ là một vài ví dụ.
Trong thời gian Cách mạng văn hoá tại trường đại học Bắc Kinh đã có ba người chết trong các cuộc võ đấu, giáo sư, thầiáo, sinh viên đã bị bức hại đến chết có trên sáu mươi người, trong đó có nhà sử học nổi tiếng Tiễn Bá Tán, nhà vật lý nổi tiếng Nhiêu Dục Thái và nhiều học giả khác, đều là những người đã từng được vinh dự phong tặng danh hiệu giáo sư cấp Một. Nhiếp Nguyên Tử và đồng bọn ở trường đại học Bắc Kinh đã phạm những tội tầy trời không có tre trúc nào ghi hết!

Bây giờ nhìn lại, dù nhìn theo góc độ đo nghĩa, hay nhìn theo góc độ pháp luật, không còn nghi ngờ gì nữa, rõ ràng rằng, cả bọn Nhiếp Nguyên Tử, tội lỗi ngập trời, không có cách gì dung tha được. Nhưng vào những năm tháng đó, lại chính là những năm tháng chúng làm chúa tể, chính là những năm tháng bất thường do bọn tạo phản lang sói cầm quyền.

Hoa viên Yến Nam tiêu điều, tiêu điều tới mức sinh linh tàn tạ. Hồ Vô Danh ngầu đục, ngầu đục đến mức bùn rác nổi lên. Cái mùa hè năm 1968 đó, đúng là nóng dị thường, dài dị thường, tới mức con người không sao chịu đựng nổi.
Logged

Trang: « 1 2   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM