Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 04:25:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cha tôi, Đặng Tiểu Bình (Thời kỳ Cách mạng văn hóa)  (Đọc 26398 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« vào lúc: 20 Tháng Mười, 2011, 12:37:48 am »

Cha tôi, Đặng Tiểu Bình (Thời kỳ Cách mạng văn hóa)


Tác giả : Nguyễn Cường Dũng
Biên dịch : Lê Khánh Trường
ISBN: 99453
Xuất bản tháng 03 năm 2003
Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin
Nguồn :
http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspxtid=2qtqv3m3237n4n0nvnnn31n343tq83a3q3m3237nvn

Cuốn sách này được dịch từ nguyên bản tiếng Hoa "Ngã đích phụ thân Đặng Tiểu Bình - văn cách tuế nguyệt" của Nhà xuất bản Văn hiến Trung ương, tháng 8 năm 2000.

Mười năm "cách mạng văn hóa" là tai họa lớn trong lịch sử hiện đại Trung Quốc. Mức độ ảnh hưởng sâu sắc của nó, sự phá hoại ghê gớm của nó là điều chưa từng có trong lịch sử. Phàm những ai trải qua "cách mạng văn hóa" đều khắc cốt ghi xương thời ký đó. Đặng Tiểu Bình là một nhân vật trọng yếu mà mười năm "cách mạng văn hóa" nhằm tới. Viết về "cách mạng văn hóa" không thể không viết về Đặng Tiểu Bình. "Cha tôi là nhân vật trọng yếu mà mười năm"cách mạng văn hóa" nhằm tới; viết về "cách mạng văn hóa", không thể không viết về cha tôi. Mà mười năm "cách mạng văn hóa" lại là giai đoạn thăng trầm vô cùng lý thú của cha tôi, cho nên viết về Đặng Tiểu Bình thì cũng không thể không nói đến "cách mạng văn hóa". Viết về những gì cha tôi nếm trải trong thời kỳ "cách mạng văn hóa" vừa là nhớ lại cuộc sống phi thường của cha tôi, vừa là nhớ lại những năm tháng phí hoài. Những điều tôi viết dưới đây không thể gọi là truyện ký về cha tôi, cũng không phải là hồi ký của cá nhân tôi. Trong khi chưa biết nên xếp vào loại nào, tôi tạm gọi nó là "Sổ ghi chép tình cảm" vậy!

Những mong mọi người khi đọc các ghi chép tình cảm này, sẽ cảm nhận lại được thời kỳ "cách mạng văn hóa" thuở nào."
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Mười, 2011, 12:42:56 am gửi bởi Bộ đội Cụ Hồ » Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #1 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2011, 12:44:38 am »

1. Năm 1966 lắm chuyện

Ngày 16.5.1966, hội nghị Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung quốc mở rộng thông qua “Thông cáo của Ban thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Trung quốc”, tức là Thông cáo 16-5. Việc này đánh dấu cho sự bùng nổ cuộc Đại cách mạng văn hoá của giai cấp vô sản chưa từng có trong lịch sử.

Cách mạng văn hoá bùng nổ, chẳng phải chuyện ngẫu nhiên, mà nó là sản phẩm tất yếu của sai lầm tả khuynh, phát triển tới chỗ cực đoan trong nội bộ đảng.

Sau ngày lập quốc, qua hơn bảy năm thực tiễn xây dựng, cải tạo thành công của xã hội chủ nghĩa, với sự ánh hưởng của rất nhiều nhân tố trong nước, ngoài nước, trong nội bộ đảng ta đã bắt dầu lan tràn triền miên một loại siêu thắng lợi và tự mãn, cùng với cái đầu nóng hổi chứa đầy những hớn hở và kiêu ngạo. Đã đánh giá hiện thực và thành tựu quá cao, nóng lòng bước vào chủ nghĩa cộng sản, đã làm nảy sinh, phát triển những biện pháp không thiết thực, nên đã có những hành động mạo hiểm, tai hại, vi phạm quy luật kinh tế. Sau nhiều lần vật vã, lý luận “tả” đã dần dần được nâng cấp, cuối cùng đã chiếm được thượng phong trong nội bộ đảng. Đồng thời với điều đó, trên cơ sở tình hình dân chủ trong nội bộ đảng ngày càng sút kém, sùng bái cá nhân, độc đoán chuyên quyền ngày càng phát triển, sinh hoạt trong nội bộ đảng cũng thất thường. Việc đánh giá sai lầm tình hình quốc tế, quốc nội, đặc biệt là lình hình đấu tranh giai cấp, khiến lúc đó Mao Trạch Đông đã tạo dựng được một uy quyền tuyệt đối, khiến Mao Trạch Đông càng ngày càng gay gắt và không chấp nhận những ý kiến bất đồng, nên đã chọn lựa những hành động vô cùng sai lầm, mà bắt đầu từ mặt chính sách, mặt tổ chức, cuối cùng đặt quyết lâm vào mặt nhân sự, trừ khử tất cả những trở lực và chướng ngại để bảo đảm đường lối cách mạng mà ông ta cho rằng hết sức chính xác được thực thi một cách không thuận và suôn sẻ.

Mở đầu năm 1966, tưởng chừng như chẳng có gì khác năm xưa. Vẫn ngày “Tam Cửu” nghiêm hàn, vẫn gió ấc ào ào quét thổi. Nắng mùa đông chiếu rọi trên mặt đất, làm cho vạn vật sinh sôi nảy nở. Sau khi trải qua thời kỳ vất vả khó khăn, do sự nỗ lực nhiều mặt từ trung ương đến địa phương, tình hình kinh tế đã có chuyển biến lớn, rất tốt. Những khó khăn khổng lồ do thiên nhiên cũng như những nguyên nhân khác đem tới đã được khắc phục. Gánh nặng nhọc nhằn trong lòng mọi người đã được giảm nhẹ, những cái nhíu mày cau có đã được giãn ra. Trung ương đảng cũng đang phóng tầm mắt nhìn vào tương lai, hội họp, bàn bạc về kế hoạch năm năm lần thứ ba. Tuy ăn uống vẫn phải theo định lượng, vật tư hàng hoá thiếu thốn, nhưng dù sao, về cơ bản, mọi người đã được ăn no, có thể sinh sống, làm việc với tâm tình tương đối thanh thản. Mọi người, với trái tim thiện lương của mình, hy vọng vào một năm tới có những ngày tháng yên ấm hơn, cuộc sống càng có thêm ý nghĩa, xây dựng một tổ quốc xã hội chủ nghĩa tốt đẹp hơn. Nhưng sự tiến triển của mọi việc luôn luôn vượt ra ngoài dự liệu của mọi người, hơn thế, nó còn thường vượt ra ngoài ước nguyện của những người lương thiện và chất phác.
Mọi người hình như không chú ý rằng, một năm trước đó, lức là vào cuối năm 1965 đã từng xảy ra mấy sự kiện chẳng ai ngờ tới. Ngày 10.11.1965 trên báo Văn hối xuất bản ở Thượng Hải có in một bài viết của Diêu Văn Nguyên(1): “Bình vở kịch lịch sử mới viết lại: Hải Thuỵ bãi quan” đã phê bình nhà sử học Ngô Hàm (2), người đã soạn và sáng tác lại vở kịch Hải Thuỵ bãi quan, đồng thời nhân đó phê phán cung cách gọi là “đòi lật án” của Bành Đức Hoài (3).

Phó Chủ tịch Đặng Tiểu Bình (giữa), người đã khởi xướng cuộc cải cách xã hội mang màu sắc Trung Quốc từ cuối những năm 1970.

Bài này chính là do Giang Thanh(4) và Trương Xuân Kiều (5) âm mưu bàn bạc vạch ra, rồi do Diêu Văn Nguyên chấp bút.
Tháng 2.1965, Giang Thanh tới Thượng Hải, được sự hỗ trợ của Kha Khánh Thi, Bí thư thứ nhất của thị uỷ Thượng Hải cùng với Trương Xuân Kiều bàn tính, rồi do Diêu Văn Nguyên dồn sức viết ra bài báo phê phán trên. Bài đó trước sau sau đã được Mao Trạch Đông đọc duyệt ba lần, mới cho phép in ra. Bài báo đó nhằm mục đích phê phán chính trị cực kỳ mạnh mẽ, nó đã có ảnh hưởng rất to lớn đối với cuộc bùng nổ Cách mạng văn hoá sau này. Sự tính toán cho bài báo “xuất chuồng” đã trải qua một quá trình cẩn mật rất dài đồng thời nó được tiến hành trong tình trạng bí mật tuyệt đối đối với tất cả mọi người trong Bộ chính trị Trung ương đảng cộng sản Trung quốc.

Bài báo đó sau khi được tung ra ở Thượng Hải, các vị lãnh đạo trung ương chủ trì công tác ở Bắc Kinh, vì chẳng hiểu đầu cuối ra sao, nên cũng chẳng ai ai chú ý. Đối với bài báo này, Ban bí thư trung ương giữ thái độ trung dung và thận trọng. Cha tôi là tổng bí thư, ông không tán thành việc phê phán Ngô Hàm, khi Bành Chân (6) nói cho ông biết về tâm trạng nặng nề của Ngô Hàm, ông đáp:

- Vở Hải Thuỵ bãi quan do Mã Liên Lương(7) diễn tôi đã xem qua rồi, có gì là sai đâu. Có một số người luôn luôn muốn đạp lên đầu người khác mà bò lên. Đối với mỗi người, họ mới chỉ biết lỗ mỗ, nửa vời mà đã phê phán tung hoăng, tự đề cao mình. Đối với loại người như thế tôi coi khinh. Ông hãy nói với giáo sư rằng, chẳng có gì ghê gớm lắm đâu, ta cứ đánh bài với nhau như cũ. Chính trị là học thuật cần phải phân định cho rõ ràng ra, đem trộn lại làm một là điều tối nguy hiểm, và sẽ làm tắc đường ngôn luận.

Cha tôi vẫn đánh bài với Ngô Hàm như thường lệ, và nói với Ngô Hàm:

- Giáo sư ạ đừng có thở vắn than dài như thế, việc gì cũng đòi hỏi sự lạc quan. Sợ cái gì, trời có sụp xuống được không?. Năm nay tôi đã sáu mươi tuổi rồi, kể từ khi tôi tham gia cách mạng tới nay, kinh nghiệm của tôi đều nằm trong hai điều này: thứ nhất, không biết sợ, thứ hai là lạc quan, nhìn về phía trước, nhìn ra xa, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Có chúng tôi đẩy ông lên phía trước, ông cứ yên tâm!

Cha tôi không tán thành cái kiểu phê phán như thế, nên đã an ủi Ngô làm, định bảo vệ Ngô Hàm, nhưng không ngờ rằng, tình thế lại phát triển một cách mau lẹ, thoát hẳn ra khỏi quỹ đạo bình thường. Ban bí thư trung ương, sau khi nắm bắt được những ẩn ý nằm sau bài báo của Diêu Văn Nguyên, đành phải để tất cả báo chí ở Bắc Kinh đăng lại. Nhìn bề nổi mà nói, đây chẳng qua chỉ là một việc làm sơ suất, nhưng chính sự kiện này đã là sợi dây cháy chậm, dẫn tới nỗi bất bình của Mao Trạch Đông, rồi dần dần biến thành một cơn giông bão chính trị to lớn.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Mười, 2011, 12:31:38 am gửi bởi Bộ đội Cụ Hồ » Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #2 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2011, 12:48:11 am »

Cũng vào tháng 11.1965, Dương Thượng Côn, chủ nhiệm Văn phòng trung ương Đảng, bí thư dự khuyết Ban bí thư trung ương Đảng cộng sản Trung quốc, bị miễn chức, tội danh là “tự đặt thiết bị nghe trộm lừa dối trung ương”. Gia đình nhà Dương Thượng Côn và gia đình nhà tôi vốn là chỗ đi lại rất thân thiết. Khi Mao Trạch Đông đưa ra quyết định xử lý Dương Thượng Côn, cha tôi lại nhận định rằng, Dương Thượng Côn chẳng có vấn đề gì lớn cả. Sau này, khi bị bức phải “kiểm điểm”, cha tôi đã từng nói rằng: Ông đã từng có thời kỳ dài không nhận thức được hành vi “đặc vụ” này, là một Tổng bí thư, sự xử lý của ông đã không kịp thời, lại không thực tế. Kiểu “kiểm điểm” đó chứng tỏ rằng, đối với việc phê phán Dương Thượng Côn, cha tôi không tán thành và cũng chẳng cho chuyện đó là đúng. Dương Thượng Côn từ trung ương bị điều về công tác ở Quảng Đông, cha tôi còn đưa con gái ông, còn lưu lại Bắc Kinh học tập, về nhà tôi ở một thời gian.

Đặng Tiểu Bình vui vẻ bên con cháu

Nếu như nói, việc phê phán Dương Thượng Côn còn có thể tính là một sự kiện tương đối riêng rẽ, thì những sự việc xảy ra sau đó, ý nghĩa của nó đã trở thành bất thường. Đó là tháng 12 năm ấy, Lâm Bưu, phó chủ tịch trung ương Đảng cộng sản Trung quốc, phó chủ tịch Quân uỷ trung ương phụ trách công tác quân đội, vốn ôm ấp một mục đích không thể thổ lộ cùng ai, đã vu cáo La Thuỵ Khanh, bí thư Ban bí thư trung ương Đảng cộng sản Trung quốc, tổng tham mưu trưởng Giải phóng quân, có ý đồ lật đổ trong quân đội. Mao Trạch Đông đã tin lời vu cáo đó của Lâm Bưu, nên đã đích thân triệu tập hội nghị mở rộng Ban thường vụ Bộ Chính trị trung ương Đảng cộng sản Trung quốc tại Thượng Hải để vạch tội và phê phán vắng mặt La Thuỵ Khanh.

Theo hồi ức của mẹ tôi, lần ấy ở Thượng Hải, không khí của hội nghị vô cùng căng thẳng, tất cả những người có mặt ở hội nghị đều đã mất hết sự hoà hợp và cười nói vui vẻ trước kia. Văn kiện của hội nghị ngay đến bí thư cũng không được xem. Mẹ tôi hiểu ngay rằng chắc chắn phải có chuyện gì dấy, nhưng không dám hỏi. Cha tôi lại chẳng nói điều gì, suốt ngày trầm ngâm, nghiêm túc hiếm thấy. Ngày 10.12, sau khi trung ương dùng chuyên cơ đón vợ chồng La Thuỵ Khanh tới Thượng Hải, Mao Trạch Đông liền phái Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình đến gặp và nói chuyện với La Thuỵ Khanh.
Hôm đó, cha tôi nói với mẹ tôi rằng: Hôm nay chúng tôi đi gặp La Thuỵ Khanh. Bà cũng nên đi thăm Hách Trị Bình, khuyên giải bà ấy.

Đặng Tiểu Bình và Tổng thống Mỹ Jimmy Carter

Trên ô-tô, mẹ tôi thấy nét mặt cha tôi và Chu Ân Lai đầy vẻ âm thầm, chẳng nói năng câu nào, bà chẳng biết lý do vì sao, nhưng trong lòng cũng đầy lo lắng căng thẳng. Đến nơi, La Thuỵ Khanh đang bị cách ly, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình và La Thuỵ Khanh nói chuyện với nhau ở tầng dưới, mẹ tôi cùng với Hách Trị Bình lên trên gác.
Mẹ tôi chỉ nói với bà Hách Trị Bình được mỗi một câu:

- Chị cứ bình tĩnh...

Đến đây mẹ tôi không thể giữ mình được nữa, và bắt đầu thút thít. Sau này, khi phê phán Đặng Tiểu Bình, phái tạo phản thường nắm lấy chuyện này, bảo rằng Đặng Tiểu Bình bao che cho La Thuỵ Khanh và bịa ra rằng: Trác Lâm và Hách Trị Bình ôm đầu khóc rống. Cha tôi đã từng nói, ông xưa nay chẳng có một chút cảm tình nào với Lâm Bưu, về căn bản không bao giờ tin vào những vu cáo ác ý của Lâm Bưu. Nên đối với việc phê phán La Thuỵ Khanh, ông giữ thái độ tiêu cực và chống đối. Sau này, khi bị kiểm điểm trong Cách mạng văn hoá, ông nói: “Tính chất nghiêm trọng của cuộc đấu tranh này, tôi vẫn không sao hiểu ra được”, nhưng rồi lại nói: Trên thực tế là làm cho La Thuỵ Khanh thoát tội”.

Sau đó, khi quân đội Bắc Kinh mở hội nghị phê phán La Thuỵ Khanh, Mao Trạch Đông đã chỉ định Đặng Tiểu Bình và một số người khác chủ trì hội nghị. Thái độ của cha tôi vẫn là thứ thái độ tiêu cực đó. Sau này ông nói:

- Tôi bị chỉ định là một trong những người chủ trì hội nghị, nhưng sau khi khai mạc, tôi lập tức đi khảo sát tuyến ba ở Tây Bắc, giao hội nghị cho Bành Chân điều khiển. Điều đó chứng tỏ rằng, tôi đã không tích cực, không nhiệt tình với lần tranh đấu này.

Việc phê phán La Thuỵ Khanh là do Lâm Bưu chế tạo ra. Đối với hành động tội ác này của Lâm Bưu, cha tôi tỏ ra căm ghét và ác cảm. Ông thông cảm với La Thuỵ Khanh, nhưng không đủ sức lực để cứu vãn, nên bỏ đi thị sát công tác ở tỉnh xa, đó là phương thức né tránh duy nhất mà ông có thể lựa chọn lúc bấy giờ.

Phê phán Dương Thượng Côn, phê phán La Thuỵ Khanh, đã làm cho khá nhiều cán bộ cao cấp trong đảng cảm thấy khó hiểu và kinh sợ. Nhưng khi đó, những người ấy vẫn còn chưa biết rằng, một cuộc phê phán mang đầy tai họa còn to lớn hơn nhiều đang ấp ủ, nung nấu và chuẩn bị, đang gấp gáp, khẩn cấp nổ ra, khiến cho mọi người không kịp suy tính, không kịp né tránh.

Vừa bước vào năm 1966, hàng loạt sự việc, hàng lô sự kiện liên tục diễn ra không ngừng không nghỉ. Tháng giêng, Lâm Bưu triệu tập hội nghị chính trị toàn quân, gào thét “chính trị hàng đầu”, coi như một thứ lý luận chuẩn bị cho việc tiếm đoạt quyền lực.

Tháng 2.1966, dưới sự hỗ trợ của Lâm Bưu, Giang Thanh triệu tập “Hội nghị toạ đàm về công tác văn nghệ trong bộ đội” tại Thượng Hải. Tháng ba, “kỷ yếư” của cuộc toạ đàm này được đích thân Mao Trạch Đông sửa chữa, rồi tụng ca mở ra toàn quốc, đặt nền móng ban đầu cho việc dùng lực lượng quân đội tiến hành cuộc Đại cách mạng văn hoá.

Tháng 3.1966 La Thuỵ Khanh bị tước bỏ mọi chức vụ, sau đó bị tống giam vào ngục. Cũng tháng đó, khu vực Hình Đài tỉnh Hà Bắc xảy ra động đất dữ dội, hơn 300.000 người bị tai nạn.Vẫn tháng ấy, Mao Trạch Đông nhiều lần bàn bạc với Khang Sinh, Giang Thanh và một số người khác, nói rằng: nếu như các cơ quan trung ương làm hỏng việc, thì cần phải hiệu triệu các địa phương nổi dậy làm tạo phản. Đồng thời còn nói: cần phải giúp đỡ phái tả, thành lập đội ngũ, tiến hành Đại cách mạng văn hoá.

Cho đến hôm nay, hơn ba mươi năm sau, ngoảnh đầu nhìn lại có lẽ bất cứ một người nào, chỉ qua bản thời gian biểu giản đơn đó, cũng cảm giác hết sức đầy đủ cái không khí nồng nặc mùi thuốc súng ấy. Nhưng khi đó, tuyệt đại bộ phận lãnh đạo trong đảng lại không từ đó ý thức ra được trận cuồng phong sắp tới với đầy trời gió rít. Ngay cả đối với những người không tỏ ra tán thành, hoặc đầy lòng nghi vấn, cũng tuyệt đối không thể tưởng tượng ra được sự tiến triển của nó về sau sẽ dẫn tới một mức độ điên cuồng, hỗn loạn để cuối cùng không làm sao điều khiển nổi nữa.

Đặng Tiểu Bình khi đó là uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị trung ương đảng, là Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương, hầu như hoàn toàn giống với tất cả cán bộ lãnh đạo cao cấp trong đảng. Đối với tất cả những sự kiện đã xảy ra trước đó, tuy bất đồng ý kiến và cách nhìn nhận, nhưng lại thiếu một sự cảnh giác cao, và đối với cục diện sẽ xảy ra mà mình phải đối diện sau này lại càng không có sự chuẩn bị tư tưởng thực đầy đủ để ứng phó.

Ngày 8.4.1966, Khang Sinh(9) gọi điện thoại cho Đặng Tiểu Bình về Bắc Kinh ngay lập tức. Khi đó, Đặng Tiểu Bình cùng với Lý Phú Xuân(10), Bạc Nhất Ban(11), một số cán bộ lãnh đạo các bộ của Quốc vụ viện đi thị sát công tác vùng Tây Bắc. Suốt dọc đường, mọi cuộc thảo luận, tính toán của họ chỉ là những vấn đề phát triển kinh tế vùng Tây Bắc ra sao, và xây dựng tuyến ba này như thế nào. Nhận được điện thoại, cha tôi vội vã đi chuyên cơ từ Diên An trở lại Bắc Kinh, đến nhà mới biết rằng: Bành Chân lại gặp chuyện rắc rối.

Nguyên nhân của sự việc là do Bành Chân không tán thành bài báo của Diêu Văn Nguyên đang trên báo Văn hối ở Thượng Hải cùng một số người phê phán mang tính chính trị với Ngô Hàm. Ngô Hàm là một nhà sử học nổi tiếng, lại là phó thị trưởng thành phố Bắc Kinh, đối với Bành Chân, là bí thư thứ nhất của thị uỷ Bắc Kinh là thị trưởng thành phố, đương nhiên cần phải hỏi. tại sao khi cho in bài báo của Diêu Văn Nguyên lại không hỏi qua Bắc Kinh tý chút. Giang Thanh, Khang Sinh, Trương Xuân Kiều giấu diếm Trung ương, xuống Thượng Hải báo cáo đầy ác ý với Mao Trạch Đông rằng: “soi mói đến cả chủ tịch rồi”, làm cho Mao Trạch Đông nổi cơn thịnh nộ, phê phán Bành Chân.

Từ ngày 9 đến ngày 12.4.1966, Ban bí thư trung ương họp ròng rã mấy ngày liền. Tại cuộc họp, Khang Sinh truyền đạt ý kiến phê phán Bành Chân của Mao Trạch Đông tại Thượng Hải, bảo rằng chính Bành Chân là người chủ trì và khởi thảo cái gọi là: “Đề cương báo cáo về thảo luận học thuật hiện nay” (Đề cương tháng hai), để lộn sòng giới tuyến giai cấp, không phân biệt đúng sai, đó là một sai lầm. Bộ Tuyên truyền của Trung ương Đảng do Lục Định Nhất (uỷ viên dự khuyết Bộ chính trị trung ương Đảng cộng sản, bí thư Ban bí thư trung ương, bộ trưởng Bộ tuyên truyền trung ương) phụ trách là một “điện Diêm Vương”, đồng thời khiển trách thị uỷ Bắc Kinh và bộ Tuyên truyền bao che cho kẻ xấu (chỉ Ngô Hàm). Khi ấy chẳng có ai ngờ ràng, cơn thịnh nộ của Mao Trạch Đông không dừng lại ở đó mà còn đi xa hơn.

Từ ngày 16 đến ngày 22.4.1966, tại Hàng Châu, đích thân Mao Trạch Đông triệu tập, chủ trì hội nghị Bộ Chính trị mở rộng để tiến hành phê phán cái gọi là tội phản động của Bành Chân.

Phê phán La Thuỵ Khanh, cha tôi đã không chấp nhận. Phê phán Bành Chân cha tôi cũng không chấp nhận như cũ. Cha tôi với La Thuỵ Khanh và Bành Chân không những có quan hệ mật thiết trong công tác, mà trong quan hệ riêng tư cũng rất thân tình. Song cuộc phê phán này lại diễn ra quá mãnh liệt, hung hãn, cơn thịnh nộ của Mao Trạch Đông đã lên tới mức không sao ngăn cản được nữa.

Trong tình trạng sinh hoạt dân chủ trong nội bộ Đảng đã trở thành cực đoan, mất bình thường lúc bấy giờ, những cán bộ cao cấp trong đảng giống như cha tôi, nếu có những ý kiến bất đồng, cũng không có khả năng đề xuất công khai.
Sau này, trong hồi ký của cha tôi, có nói:

- Vấn đề của Bành Chân vốn chẳng có gì là to lớn, tôi không phụ hoạ theo, chỉ gửi biếu Bành Chân nửa giỏ cam để tỏ bày thái độ.

Không phụ hoạ theo, biếu cam, với tình thế lúc bấy giờ, cha tôi chỉ có thể dùng cách thức ấy để biểu thị thái độ của mình. Ông nói:

- Trong điều kiện như thế, tôi thực tình khó có bề mà phản đối được.

Từ ngày 4 đến ngày 26.5.1966, hội nghị mở rộng Bộ Chính trị trung ương Đảng cộng sản Trung quốc được triệu tập họp ở Bắc Kinh. Hội nghị tiến hành theo sự bố trí của Mao Trạch Đông, đem gom Bành Chân, La Thuỵ Khanh, Lục Định Nhất, Dương Thượng Côn vào làm một đám, nhất loạt phê phán họ là “hoạt động phản đảng” và “giữa họ có những quan hệ cá nhân không bình thường”. Trong hội nghị, Lâm Bưu, con người này, đã đại ngôn nói về vấn đề chính biến nghe đến rợn người. Hắn tung tin giật gân rằng, có người trong nội bộ Trung ương đảng đang âm mưu làm đảo chính. Trong hội nghị này đã thông qua Thông cáo 16-5 do Trần Bá Đạt(12) và một số người nữa khởi thảo và đã được Mao Trạch Đông sửa chữa nhiều lần.

Thông cáo 16-5 đã triệt để phê phán những tư tưởng phản động của giai cấp tư sản nằm trong giới học thuật, giới giáo dục, giới báo chí, giới văn nghệ giới xuất bản, định cướp đoạt quyền lãnh đạo trong những lĩnh vực văn hoá đó, đồng thời cũng phê phán luôn những nhân vật đại biểu của giai cấp tư sản chui vào trong đảng, trong chính phủ, trong quân đội, và trong lĩnh vực văn hoá, cần phải tẩy trừ cho hết những nhân vật này. Bản Thông cáo còn cảnh cáo với đầy tính dự rằng: những “nhân vật đại biểu của giai cấp tư sản” chui vào trong đảng, trong chính phủ, trong quân đội và trong các lĩnh vực văn hoá chính là một đám xét lại phản động, một khi thời cơ đã chín chúng sẽ chiếm đoạt chính quyền, biến nền chuyên chính của giai cấp vô sản thành nền chuyên chính của giai.cấp tư sản, đám nhân vật này, có một số đã bị chúng ta vạch mặt, một số vẫn chưa bị vạch mặt, còn một số vẫn được chúng ta tin dùng và được bồi dưỡng thành những người kế tục sự nghiệp, thí dụ như cái nhân vật Khơ-rút-sôp(13) đó, bọn họ hiện nay còn đang nằm ngủ bên mình chúng ta, các cấp đảng uỷ phải hết sức chú ý tới điểm này.

Thông cáo 16-5 dùng những lời lẽ nghiêm khắc mạnh mẽ để thức tỉnh lòng người, tuyên bố, một cuộc báo động chính trị to lớn bao trùm đại địa sắp ập tới rồi

Sau khi hoàn thành cả loạt chuẩn bị chính trị và dư luận nói trên, “Cuộc Đại cách mạng văn hoá của giai cấp vô sản” chính thức vén màn, với thanh thế ào ạt, lấy việc phê phán chính trị, phê phán nổi loạn làm yếu tố cơ bản.

Chú thích:

(1) Diêu Văn Nguyên khi đó làm việc tại phòng Nghiên cứu chính sách của Thành uỷ Thượng Hải
(2) Ngô Hàm: nhà sử học nổi tiếng, khi đó là phó thị trưởng thành phố Bắc Kinh
(3) Bành Đức Hoài: Nguyên soái của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, đã từng là uỷ viên Bộ chính trị đảng cộng sản Trung quốc, phó thủ tướng Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Năm 1962, tại hội nghị Lư Sơn, Mao Trạch Đông đã phát động cuộc phê phá Bành Đức Hoài. Nàm 1962 Bành Đức Hoài đệ trình lên Trung ương bản tường trình minh oan khá dài. Mao Trạch Đông cho rằng đây là hoạt động đòi lật đổ lại bản án cũ, không thể sửa sai cho ông được. Sau khi kết thúc Cách mạng văn hoá, trong Đại hội toàn thể lần thứ Ba khoá 11 đảng cộng sản Trung quốc đã sửa sai, minh oan, phục hồi danh dự cho ông.
(4) Giang Thanh, vợ Mao Trạch Đông. Về danh nghĩa là Cục trưởng Cục điện ảnh thuộc Bộ tuyên truyền của Trung ương đảng cộng sản Trung quốc, trên thực tế thường ốm đau không làm việc
(5) Trương Xuân Kiều: Bí thư Ban bí thư thành ủy Thượng Hải
(6) Bành Chân là uỷ viên Bộ chính trị trung ương đảng cộng sản Trung quốc, bí thư Ban bí thư trung ương, bí thư thứ nhất thị uỷ thành phố Bắc Kinh kiêm thị trưởng thành phố Bắc Kinh
(7) Mã Liên Lương, diễn viên kinh kịch nổi tiếng
(Cool Kiều bài, một lối đánh bài của Trung quốc. Bốn người chơi bằng cỗ bài tú-lơ-khơ chia hai người một phe - ND
(9) Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị trung ương Đảng cộng sản Trung quốc, bí thư Ban bí thư trung ương Đảng
(10) Uỷ viên Bộ chính trị trung ương đảng cộng sản Trung quốc, phó thủ tướng Quốc vụ viện, kiêm chủ nhiệm Uỷ ban ban kế hoạch nhà nước
(11) Uỷ viên dự khuyết Bộ chính trị Trung ương đảng cộng sản Trung quốc, phó thủ tướng Quốc vụ viện kiêm chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế nhà nước
(12) Trần Bá Đạt: uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị trung ương Đảng cộng sản Trung quốc, chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính trị trung ương đảng, tổng biên tập tạp chí Cờ đỏ, bí thư của Mao Trạch Đông
(13) Khơ-rut-sôp: từng là uỷ viên Đoàn chủ tịch Đảng cộng sản Liên xô, là bí thư trung ương. Sau khi Stalin qua đời, tháng 9.1953 được cử làm bí thư thứ nhất. Tháng 3.1958 lại kiêm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên xô. Tại đại hội Đảng cộng sản Liên xô lần thứ XX, đã phản đối Stalin đem lại những ảnh hưởng tiêu cực nhất định cho phong trào cộng sản quốc tế lúc bấy giờ
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Mười, 2011, 12:41:31 am gửi bởi Bộ đội Cụ Hồ » Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #3 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2011, 12:52:34 am »

2. Tai hoạ từ trong nhà mà ra

Mao Trạch Đông không ở Bắc Kinh, Lưu Thiếu Kỳ là phó chủ tịch Ban thường vụ trung ương Đảng, Chủ tịch nhà nước, là người kế cận Mao Trạch Đông, “phụng mệnh” triệu lập và chủ trì hội nghị mở rộng Bộ Chính trị trung ương Đảng cộng sản Trung quốc.

Lưu Thiếu Kỳ không thể ngờ được rằng, tất cả những việc làm cho tới nhiều cơn giận dữ, tức tối của Mao Trạch Đông vặn vẹo, buộc tội, nhằm vào Bành Chân, La Thuỵ Khanh, Lục Định Nhất, Dương Thượng Côn hoàn toàn không phải là chuyện đơn giản.

Năm 1958, sau khi Đại nhảy vọt bị thất bại, đặc biệt là trong những năm 60, sau khi điều chỉnh thành công những hành động “tả” nguy hiểm, Mao Trạch Đông bắt đầu tỏ ra khó chịu đối với những người làm việc ở tuyến một của trung ương mà lại có những cách nghĩ không phù hợp với ông ta như Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình. Đương nhiên rằng, người thuộc loại hàng đầu như Lưu Thiếu Kỳ thì sự bực tức càng lớn. Khi đó Mao Trạch Đông cũng đã có quyết định dùng Lâm Bưu, một con người luôn luôn tìm mọi cách “tỏ rõ lòng trung thành” với ông ta, làm người kế cận trong đảng, thay cho Lưu Thiếu Kỳ, cốt để duy trì bảo vệ cái lý luận “cách mạng phải được tiếp tục trong điều kiện chuyên chính của giai cấp vô sản”, và để đề phòng, ngăn ngừa nảy sinh “Chủ nghĩa xét lại” cùng “tư bản ngóc đầu dậy” ở Trung quốc. Điều này, Lưu Thiếu Kỳ không nhận biết được gì hết, Đặng Tiểu Bình cũng không nhận biết được gì cả, các cán bộ cao cấp trong đảng cũng chẳng ai nhận biết ra.

Đối với các loại sự kiện như sấm nổ không kịp bịt tai sắp xảy ra, đối với hàng loạt cách làm, cách nghĩ vượt khỏi những quy luật thông thường của Mao Trạch Đông, ban đầu Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình cũng các quan chức cao cấp đều không nhận ra, nhưng khi đã nhận ra rồi, lại không sao mà hiểu được, sự “trì trệ” về chính trị đó đã đẩy họ vào một tình thế “không theo kịp tình hình” ngay tự lúc vừa bắt đầu, dẫn tới những “sai lầm” tất yếu, dồn đẩy họ tới mức bị đánh đổ và chìm nghỉm trong dòng chảy điên cuồng của “cách mạng”.

Ngày 25.5.1966 cũng là một ngày trước khi kết thúc hội nghị Bộ Chính trị mở rộng để phê phán Bành Chân, La Thuỵ Khanh, Lục Định Nhất, Dương Thượng Côn, thì bí thư đảng bộ khoa triết trường đại học Bắc Kinh là Nhiếp Nguyên Tử cùng nhóm tất cả là bảy người, lãnh ý và kế sách của Khang Sinh, dán tờ báo chữ to đầu tiên, đả kích đảng uỷ trường đại học Bắc Kinh và thành uỷ Bắc Kinh. Đó chính là bài báo chữ to “của chủ nghĩa Mác-Lê” thối tha nổi tiếng nhất của Đại cách mạng văn hoá. Bài báo này vừa dán ra, đã làm xao động trong toàn trường đại học Bắc Kinh. Chị hai tôi, Đặng Nam, khi đó đang theo học lại trường đại học Bắc Kinh, đọc xong bài báo, lập tức gọi điện thoại cho mẹ tôi hỏi về chuyện báo chữ to. Lúc đó, mẹ tôi nói:

- Nhiếp Nguyên Tử là một kẻ xấu, hồi ở Diên An đã có những thái độ không tốt. Nhưng con đừng nói với ai đấy.
Thái độ của mẹ tôi chính là đại diện cho cha tôi. Rõ ràng rằng, đối với bài “báo chữ to” xuất hiện hoàn toàn bất ngờ này, cha tôi giữ ý kiến phản đối.

Giông bão ập tới, khó có ai chống chọi lại được. Chỉ trong ngày hôm đó, báo chữ to với các loại ý kiến trong trường đại học Bắc Kinh đã lên tới dư ngàn bài. Cá thành phố Bắc Kinh rung động, lập tức như có một trận cuồng phong thổi tràn vào các trường đại học, trung học ở Bắc Kinh với đủ các kiểu, các loại tạo phản đề xuất ý kiến với ban lãnh đạo nhà trường, báo chữ to chẳng khác gì tuyết bay, rơi lả tả xuống các vườn trường Bắc Kinh. Một không khí xao động, điên cuồng như một bệnh dịch cấp tính tràn lan, trôi chảy không gì ngăn cản nổi. Tất cả các trường đại học, trung học Bắc Kinh trong nháy mắt đã rơi vào tình trạng hỗn loạn toàn diện. Hành động tạo phản không ngừng mở rộng và được nâng cấp. Một số trường học đã xuất hiện tình trạng phê phán đấu tố hiệu trưởng, thầy giáo, thậm chí cả hiện tượng đánh đập.

Ngày 28.5.1966, với sự bố trí sắp xếp của Mao Trạch Đông, Tổ Cách mạng văn hoá trung ương, tức Ban Cách mạng văn hoá trung ương, được tuyên bố thành lập, do Trần Bá Đạt làm tổ trưởng, Khang Sinh làm cố vấn, Giang Thanh, Trương Xuân Kiều v.v... làm tổ phó, Diêu Văn Nguyên và một số người khác làm tổ viên. Trước đó, Trần Bá Đạt, Khang Sinh, Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên v.v... vẫn âm thầm bàn mưu tính kế, đợi sau này sẽ lên sân khấu đóng những vai chính, trọng yếu, nay đã chính thức giáp trụ, mũ mão, tô son trát phấn lên sân khấu.

Xưa nay, Mao Trạch Động vẫn tin chắc vào một nguyên tắc cơ bản là “không phá thì không xây được”, lập luận của ông ta là “Thiên hạ đại loạn sẽ dẫn tới thiên hạ đại trị “. Khi đó, ông ta đang ở tỉnh ngoài, từ xa xôi vọng nhìn về sự tiến triển tình thế đại phá, đại loạn ở Bắc Kinh lần này, rất lấy làm đắc ý.

Trong khi đó ở Bắc Kinh, những người chủ trì công việc như Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình phải đối diện với sự hỗn loạn nghiêm trọng như bất ngờ rơi từ trên trời xuống, đẩy họ vào một tình thế cực kỳ khó khăn.

Ngày 29.5.1966, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, ba vị thường vụ của Bộ Chính trị, phụ trách công việc hàng ngày của Trung ương, triệu tập các bộ môn có liên quan với Trung ương đến họp nghiên cứu các vấn đề của cuộc vận động, quyết định thành lập tổ công tác, đến báo Nhân dân, do Trần Bá Đạt lãnh đạo, tổ công tác đến trường đại học Bắc Kinh, do Trương Thừa Tiên, thứ trưởng Bộ Giáo dục lãnh đạo. Chu Ân Lai báo cáo những quyết định đó bằng điện thoại với Mao Trạch Đông khi đó đang ở Hàng Châu và đã được đồng ý ngay. Ngày 30.5.1966, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, ba người liên danh gửi điện báo tới Mao Trạch Đông xin chỉ thị, ngay trong đêm đó. Mao Trạch Đông trả lời: “Đồng ý làm như thế”.

Trong khi cán bộ lãnh đạo ở tuyến một Trung ương đang bận rộn bàn bạc bố trí cán bộ lãnh đạo phong trào, tình hình bỗng có đột biến. Ngày 1.6.1966, Mao Trạch Đông lại đưa ra lời phê chuẩn, ủng hộ bài báo chữ to của Nhiếp Nguyên Tử, chỉ thị cho Thông tấn xã phát hành toàn văn, in trên báo chí toàn quốc, và nói: Bắc Kinh đại học, các dinh luỹ phản động này, từ nay bắt đầu bị phá tan.

Ngày 1.6.1966, báo Nhân dân (Nhân dân nhật báo) cho in bài xã luận với tựa đề: “Quét sạch bằng hết lũ đầu trâu mặt ngựa” (nguyên văn: lũ trâu quỷ, rắn thần - N.D), kêu gọi dân chúng vùng lên “quét cho sạch lũ đầu trâu, mặt ngựa, đang chiếm giữ trận địa tư tưởng văn hoá”. Đánh cho tơi bời khói lửa những tên được gọi là “chuyên gia”, “học giả”, cầm quyền”, “ông tổ sư” của giai cấp tư sản, khiến cho uy phong của bọn chúng quay lơ trên mặt đất. Bài xã luận ấy, do Trần Bá Đạt thức thâu đêm viết ra, trước khi cho in không hề báo cáo với Trung ương. Ngay tối hôm đó, đài phát thanh Nhân dân trung ương cho đọc những bài báo chữ to của nhóm bảy người Nhiếp Nguyên Tử.

Chỉ trong vòng một ngày mà gió mưa đột biến, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình hoàn toàn không có được một chút chuẩn bị tư tưởng nào, nên vô cùng kinh ngạc. Mấy ngày liền tiếp sau đó, báo Nhân dân liên tục đăng những bài xã luận, những bài báo, những tin tức mang tính xúi giục, kích động, tình thế xấu đi mau chóng, phong trào tràn ra toàn quốc như nước vỡ bờ.

Ngày 3.6.1966, Lưu Thiếu Kỳ khẩn cấp triệu tập những người phụ trách cấp uỷ có liên quan, tham gia Hội nghị thường vụ Bộ Chính trị mở rộng, thảo luận xem nên ứng phó với tình thế như thế nào. Với sự nhận thức nhất trí của đại bộ phận người tham gia hội nghị đã quy định ra tám điều: trong ngoài có khác nhau, chú ý giữ gìn bí mật, báo chữ to không tràn ra đường phố, không tổ chức diễu hành thị uy, không liên kết xâu chuỗi, không tổ chức những hội nghị vạch tội đại quy mô, không nên bao vây nhà ở của “băng đen”, không được phép đánh người, xỉ nhục người v.v... Quyết định: gửi đi những tổ công tác để ngăn chặn tình hình các trường đại học, các học viện lớn ở thủ đô đang rơi vào tình trạng cận kề với sự tê liệt. Đồng thời còn quy định, ở đâu xảy ra chuyện gì phải phái người tới đó tổ công tác được cử đi phải nhanh chóng, mau lẹ, y như đội phòng cháy chữa cháy đi cứu hoả. Trong hội nghị này, Đặng Tiểu Bình có nói: Truyền đạt tám điều đó của Trung ương cần phải hết sức nhanh chóng, mở những hội nghị có mười vạn người tham gia, một lần cắm cọc, cọc phải tới đáy.

Sau hội nghị, thành uỷ Bắc Kinh căn cứ vào tinh thần của hội nghị, đã đưa các tổ công tác xuống các trường đại học, trung học. Vì phong trào tạo phản đã có những người đứng đằng sau che chở, ủng hộ, nên khi tổ công tác tới trường, không những không ngăn được sự hỗn loạn phát triển, mà mọi việc vì thế càng ngày càng trở nên khó khăn hơn, khó có thể chế ngự được. Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình v.v... bù đầu lên vì hội họp, nghiên cứu và xử lý hàng loạt những vấn đề nảy sinh trong phong trào ấy.

Mao Trạch Đông không có mặt ở Bắc Kinh, rất nhiều những chính sách lớn không được quyết định, nên ngày 9.9.1966, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình đi Hàng Châu để hội báo tình hình. Từ ngày 10 đến ngày 12.9.1966, Mao Trạch Đông triệu tập, chủ trì hai cuộc họp, thảo luận vấn đề Đại cách mạng văn hoá. Trong cuộc họp đã bàn bạc, thảo luận tới hàng loạt, hàng loạt các mặt mà nội dung của nó có liên quan tới Cách mạng văn hoá. Trong cuộc họp có bàn tới khả năng tiến hành phong trào này phải tới nửa năm, nhưng lại không đề xuất được ý kiến cụ thể để điều hành phong trào ngay trước mắt. Đối với vấn đề cử những tổ công tác tới những nơi xảy ra sự việc, Mao Trạch Đông chỉ bày tỏ trong sự bàn bạc của mình rằng: cử những tổ công tác đi quá nhanh cũng không tốt, bởi chưa được chuẩn bị gì, chi bằng cứ để cho nó hỗn loạn một dạo, hỗn chiến một trận, tình hình rõ ràng ra rồi mới cử người đi.

Sau khi từ Hàng Châu về Bắc Kinh, do Chu Ân Lai phải đi thăm nước ngoài, nên trách nhiệm chỉ đạo thuộc về Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình. Bắt đầu từ ngày 4.6.1966, thành uỷ Bắc Kinh theo kinh nghiệm của tổ công tác cử tới trường đại học Bắc Kinh, đã cử tiếp những tổ công tác tới một số trường đại học, học viện lớn và trường trung học.

Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình có ý định thông qua việc cử các tổ công tác này vào trường học đề giữ vững lấy quyền lãnh đạo phong trào, đồng thời ngăn chặn mọi sự hỗn loạn, lập lại trật tự, họ quan tâm và hỗ trợ các tổ công tác này, còn chia nhau trực tiếp đi gặp nhân viên các tổ công tác để nắm tình hình và chỉ đạo công tác.

Ngày 4.6.1966, Đặng Tiểu Bình gặp gỡ tổ công tác đóng tại trường trung học nữ, trực thuộc đại học Bắc Kinh. Trong khi trò chuyện đã nhắm đúng vào vấn đề mà học sinh phê phán: “Uy quyền học thuật tư sản” của thầy giáo, Đặng Tiểu Bình nói:

- Nếu như (thày giáo) có học vấn, có kiến thức thật, thì phải đoàn kết với họ, môn toán, môn vật lý của trường nữ trung học này đều rất khá. Một trường học tốt, có khí thế ngất trời, tiếng tăm lừng lẫy, càng hay. Nếu như không có thầy giáo giỏi, làm sao đào tạo ra học sinh giỏi được. Cần phải phân tích cho thoả đáng. Tổ công tác cần phải giáo dục, giúp đỡ học sinh để nâng cao trình độ. Có đánh người chưa? Đánh người là không có bản lĩnh, là vô lý. Đấu tranh cần phải nói lý, nói lẽ, phê phán cần phải có sự chuẩn bị chu đáo, sự thật phải đối chiếu cho rõ ràng. Có một số người là “băng đen” thật, có một số người không phải là băng đen. Nói sai đi rằng tất cả mọi người đều xấu, vậy lấy ai là người tốt? Tài liệu chứng cứ không đầy đủ, chớ vội vã khinh xuất mở đại hội đấu tranh, không nên dùng nhục hình biến lưỡng, nịnh hót cũng chẳng hay gì. Nếu làm nhiều điều sai trái, sau này có đi tạ tội cũng tạ tội không hết. Vấn đề chính trị cần phải dùng biện pháp chính trị để giải quyết. Trong đảng bộ cũng có cái tốt của nó chứ, hiệu trưởng, hiệu phó bao giờ cũng có những người tốt chứ. Đem kéo đổ đảng đi, sao được? Đem kéo đổ đoàn đi sao được? Nếu phong trào này làm đảng sụp đổ, làm đoàn thanh niên sụp đổ mà là thắng lợi sao? Bao giờ chẳng là chuyên chính vô sản do đảng lãnh đạo chứ. Các giáo sư, đại đa số là tốt. Nói tất cả các giáo sư đều hỏng tuốt, tôi không tán thành.

Tôi sao chép tỷ mỷ đoạn nói này, là muốn chứng minh hai điều. Thứ nhất: có thể nhận ra rằng, Đặng Tiểu Bình, về tư tưởng và về nguyên tắc, đều không đồng tình, chấp nhận lý luận của “tạo phản”. Thứ hai, có thể nhận ra rằng, đến lúc này đối với ý đồ phát động phong trào chính trị này của Mao Trạch Đông, ông vẫn hoàn toàn chưa ý thức được, và càng không thể nói ông đã theo sát gót được về tư tưởng và về hành động. Là một người lãnh đạo ở tuyến một trung ương, ông cũng giống như Lưu Thiếu Kỳ, với phong trào mà nói, ông đã lạc đội, đã theo không kịp, đã thoát khỏi những bước đi của Mao Trạch Đông rất xa một cách hoàn toàn không tự giác.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Mười, 2011, 07:34:29 pm gửi bởi Bộ đội Cụ Hồ » Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #4 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2011, 12:54:47 am »

Ngày 14.6.1966, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình triệu tập hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị trung ương Đảng mở rộng để truyền đạt tinh thần của hội nghị Hàng Châu. Từ đó về sau, hai ông đã nhiều lần nghe báo cáo và nghiên cứu về những vấn đề mới xuất hiện trong phong trào. Ngày 21.6.1966, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình lại thêm một lần nữa triệu tập Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị mở rộng để nghiên cứu vấn đề này. Trong hội nghị, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra một số ý kiến về vấn đề phương pháp của tô công tác và một số vấn đề khác. Tinh thần hội nghị được đem thi hành, tình hình hỗn loạn trong các trường học và ngoài xã hội đã có những chuyển biến tốt, những hiện tượng vô chính phủ cũng đã được ngăn chặn. Ngày 28.6, Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình triệu tập Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị mở rộng, đưa ra ý kiến: phong trào cần tiến hành theo từng bước thứ tự, là cần phải đặt ra những chính sách cụ thể cho dễ hành động.

Trong tình trạng không hề được chuẩn bị về tư tưởng, mà phong trào lại ào ạt, ập đến một cách bất ngờ, hành động của Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình là những quyết định đúng, cần phải làm, đồng thời đó cũng là quyết định chính xác. Họ cũng giống như tuyệt đại đa số cán bộ khác, đều mong khôi phục lại được không khí thường nhật vẫn có, mong học sinh trở lại trường học lập, mong thủ đô có lại được sự yên bình.

Họ không nghĩ tới rằng, cách thức, hành động của họ, về căn bản mà nói, đã lội ngược dòng với tính toán của Mao. Trạch Đông. Hơn thế nữa, cả một đám người của Ban Cách mạng văn hoá trung ương, trong nơi tăm tối, đang dồn hết sức mạnh, với tinh thần đầy hung hăng, đầu têu, xúi giục những hành động tạo phản của học sinh. Đối với bè lũ Giang Thanh mà nói, chỉ trong tình trạng hỗn loạn, mới là cái sân khấu tốt nhất, để họ múa may, tỏ vẻ.

Cuộc Cách mạng văn hoá này, về cơ bản mà nói, nó từ trên dội xuống, do con người bịa ra là điều khiển, thêm vào đó Lâm Bưu, Giang Thanh và một số người Cách mạng văn hoá khác, lợi dụng nhiệt tình cách mạng cùng sự ngây thơ, ấu trĩ của thanh niên học sinh, xúi giục, kích động và đầu độc họ. Cho nên những tổ công tác cử đi, sau khi vào được nhà trường rồi, cũng không những không xoay chuyển được tình hình hỗn loạn, mà ngay từ đâu đã vấp phải sự phản đối mãnh liệt, thậm chí là xua đuổi của một bộ phận quần chúng cách mạng”.

Do có những sự bất đồng về việc đưa tổ công tác vào trường học, nên tổ chức quần chúng trong các học viện, các trường đại học đã nhanh chóng chia thành hai tác trận lớn, cơ bàn là “Phái bảo thủ” và phái tạo phản”. Sở dĩ cục diện đó hình thành được, là do trên thực tế đã hình thành hai phái đối lập nhau mà một bên là những người phụ trách trung ương ở tuyến một do Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình làm dại diện, còn một bên là phái Cách mạng văn hoá do Lâm Bưu, Giang Thanh v.v... làm đại diện.

Tháng bảy, do sự việc đã trở thành quá khẩn cấp, Trung ương có ba cuộc họp tiến vào những ngày 13, 19, 22 để bàn về vấn đề tổ công tác. Trần Bá Đạt là đại diện của Ban Cách mạng văn hoá trung ương, nói rằng, tổ công tác đàn áp dân chủ, dội nước lạnh vào quần chúng, nên yêu cầu rút hết các tổ công tác về. Lưu Thiếu Kỳ giận dữ bác lại, và đã xảy ra cuộc tranh luận với Khang Sinh. Một người vốn nổi tiếng là trầm tĩnh như Đặng Tiểu Bình cũng không “trầm tĩnh” nổi nữa, đột ngột đứng dậy, chỉ thẳng vào Trần Bá Đạt nói, các ông bảo chúng tôi sợ quần chúng, các ông hãy thử đến tại trận xem sao! Ông dứt khoát tỏ rõ thái độ: “Rút tổ công tác về, tôi không tán thành!”. Trong hội nghị, cán bộ lãnh đạo trung ương ở tuyến một, và cán bộ Cách mạng văn hoá trung ương hai bên từ tư tưởng đến ngôn từ đã lên đến đỉnh của đối chọi, cuộc đấu tranh đã nóng dần lên.

Sự hỗn loạn cứ như thế kéo dài tới hơn một tháng. Trong một số trường học đã xuất hiện tổ chức Hồng vệ binh, những hành động phê phán lãnh đạo nhà trường, đấu tố “băng đen” và lũ “đầu trâu mặt ngựa”, không ngừng được nâng cấp, và đã xảy ra việc hành hạ thể xác, đánh đập. Cuộc đấu tranh phản đối tổ công tác và bảo vệ tổ công tác càng ngày càng kịch liệt hơn, những tổ chức mang tính chất và bè phái khác nhau do đó mà được đẻ thêm ra. Các trường đại học và trung học nói chung đều đã nghỉ học, những đại hội tranh luận lớn cũng như nhỏ được tiến hành suốt ngày đêm. Người ngựa của Ban Cách mạng văn hoá trung ương tới tấp, rầm rộ tới các trường để thổi gió, châm ngòi, cổ vũ tạo phản. Cán bộ lãnh đạo trung ương như Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình v.v... bắt buộc phải tới các trường học để đối thoại và thuyết phục học sinh. Tôi nhớ, có một lần, cha tôi tới một trường đại học để tham gia tranh luận, giải đáp những câu chất vấn của học sinh. Có mặt tại đó, còn có các cán bộ lãnh đạo trung ương khác, cùng Giang Thanh và các thành viên Tổ Cách mạng văn hoá trung ương. Trên sân vận động chật ních người, khẩu hiệu hô vang trời đất, khí thế hừng hực, sôi sục Dưới ánh đèn sáng choang, chói mắt, có tiếng the thé của Giang Thanh gào thét: “Học tập tiểu tướng Hồng vệ binh”, “Xin gửi tới Hồng vệ binh lời chào kính trọng”. Cái thứ tiếng Phúc Kiến của Trần Bá Đạt chẳng ai nghe hiểu được, phải có Vương Lực (tổ viên Tổ Cách mạng văn hoá trung ương) đứng bên làm phiên dịch, xem ra đầy vẻ ác ý, ngông cuồng, không thể chung sống. Còn Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình cùng các cán bộ lãnh đạo ở tuyến một trung ương, lại ra sức giải thích, khuyên can, và tỏ ra bó tay, bất lực. Những vị cách mạng tiền bối đã cống hiến cả đời mình cho cuộc cách mạng nhân dân, phải đối diện với đám quần chúng “tạo phản cách mạng” biến dạng, méo mó ấy, thật quả là mù mịt không sao hiểu được.

Mao Trạch Đông là người phát động cuộc Đại cách mạng văn hoá ấy, lại là người khuyến khích, duy trì phong trào tạo phản. Khi “thiên hạ đại loạn” ở Bắc Kinh, thì ở Hàng Châu, bên bờ hồ Tây Tử, ánh nước long lanh, Mao Trạch Đông đã đưa ra quan điểm dứt khoát không đồng ý với những người lãnh đạo tuyến một ở Bắc Kinh. Ngày 21.6.1966, Mao nói: Cách mạng văn hoá là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp. Bây giờ không cử các tổ công tác tới các trường học, cứ để cho nó đại loạn lên đã.

Ngày 8.7.1966, Mao viết thư cho Giang Thanh nói, thiên hạ đại loạn sẽ dẫn tới thiên đại trị. Cứ bảy tám năm lại làm lại một lần. Nhiệm vụ hiện nay là phái đánh đổ hết phái hữu trong toàn đảng trên toàn quốc.

Kể từ khi phong trào nổ ra tới đó, Mao Trạch Đông lại thêm một lần phát khẩu lệnh “chiến đấu”.

Ngày 18.7.1966, sau khi Mao Trạch Đông sảng khoái rong chơi, bơi lội trên sông Trường Giang ở Vũ Hán, mới trở lại Bắc Kinh. Ông ta mượn cớ cần nghỉ ngơi từ chối không tiếp Lưu Thiếu Kỳ tới thăm viếng, nhưng ngay trong ngày hôm đó, ông ta đã nghe báo cáo của Ban Cách mạng văn hoá trung ương.

Bắt đầu từ ngày hôm sau cho đến ngày 23.7.1966, Lưu Thiếu Kỳ căn cứ vào ý kiến của Mao Trạch Đông đứng ra triệu tập và chủ trì “Hội nghị báo cáo về Đại cách mạng văn hoá”. Sự chia rẽ trong hội nghị vẫn rất lớn, Ban Cách mạng văn hoá trung ương kịch liệt công kích tổ công tác của lãnh đạo tuyến một trung ương là đàn áp quần chúng. Trong hội nghị này, Mao Trạch Đông có phát biểu ý kiến của mình. Ông ta nói, trở về tới Bắc Kinh, ông ta cảm thấy rất đau lòng, lạnh lẽo, tẻ nhạt, thậm chí lại thấy có người đàn áp phong trào học sinh. Đây là sai lầm phương hướng, cần phải quay trở lại ngay. Ngày 24.7.1966, Mao Trạch Đông triệu tập Ban thường vụ trung ương và các thành viên trong Tổ Cách mạng văn hoá trung ương, để phê phán Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, họ bảo tổ công tác chỉ có tác dụng xấu, làm trở ngại cho phong trào, chính thức chỉ thị phải ngay lập tức rút các tổ công tác về.

Mao Trạch Đông đã xác định tính chất của tổ công tác, những người đã cử tổ công tác đi như Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, trên một số vấn đề, rõ mười mươi rằng đã “phạm sai lầm”.

Ngày 29.7.1966, thành uỷ Bắc Kinh mở đại hội với một vạn người ở hội trường Nhân dân, tuyên bố huỷ bỏ tổ công tác.
Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình nói chuyện, nhưng mang tính kiểm thảo tại hội trường. Đặng Tiểu Bình nói:

- Cần phải nói cho rõ ràng rằng, lấy danh nghĩa là thành uỷ mới, cử các tổ công tác tới các trường đại học, trung học, đó là việc làm có căn cứ vào ý kiến của trung ương... Có đồng chí nói: các đồng chí lão thành cách mạng vấp phải vấn đề mới, rõ ràng là như vậy.

Chu Ân Lai nói:

- Các đồng chí trong tổ công tác, tuyệt đại đa số là người tốt, lão thành cách mạng vấp phải vấn đề mới mà!

Lưu Thiếu Kỳ nói:

- Còn như phải tiến hành Đại cách mạng văn hoá của giai cấp vô sản như thế nào, các đồng chí không hiểu lắm, không rõ lắm, các đồng chí hỏi tôi, tôi thành thật trả lời các đồng chí rằng, tôi cũng chẳng hiểu ra sao. Tôi nghĩ rằng, rất nhiều đông chí khác ở trung ương rồi các thành viên trong tổ công tác, cũng chẳng hiểu được.
Những lời nói của Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình là kiểm điểm, là chịu trách nhiệm và cũng là những lời tâm huyết.

Là đại biểu của Hồng vệ binh nhà trường, tôi cũng tham gia lần đại hội đó. Cho đến hôm nay, tôi vẫn còn ghi nhớ rất rõ ràng rằng, nhìn lên Chủ tịch đài rộng lớn, cả vạn người trong hội trường đều im như thóc. Chúng tôi thuộc phái “bảo vệ tổ công tác”, vừa nghe mà vừa rơi nước mắt, từ trong sâu thẳm trái tim, chúng tôi cảm nhận được sự chống đối và bất lực của các bậc tiền bối. Tôi cũng còn nhớ rất rõ ràng, khi đại hội kết thúc, Mao Trạch Đông bất ngờ xuất hiện trên lễ đài hội trường, với phong thái của người khổng lồ không ai sánh kịp, hướng về những người tham gia hội nghị vẫy vẫy tay gửi gắm lời thăm hỏi ân cần. Hội trường lập tức sôi động hẳn lên, những tiểu tướng Hồng vệ binh vì niềm vui bất chợt, nên xúc động hoan hô, ai nấy nước mắt ròng ròng. Muốn được nhìn rõ Mao Chủ tịch, những người phía sau quên hết mọi sự, họ đứng lên ghế, lên bàn gào đến khản cổ: “Mao Chủ tịch muôn năm!”. Hội nghị từ chỗ trầm buồn, dồn nén đến cao độ lúc ban đầu, chỉ trong chốc lát đã biến thành biển lớn trào dâng.

Sau đại hội đó, phong trào Đại cách mạng văn hoá, đã được Mao Trạch Đông phát động, từ đó đã phá bỏ được mọi trở ngại, danh chính ngôn thuận tiến vào giai đoạn mới - “tạo phản có lý”.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Mười, 2011, 07:35:57 pm gửi bởi Bộ đội Cụ Hồ » Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #5 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2011, 01:10:44 am »

3. Nã pháo vào Bộ tư lệnh

Từ ngày 1 đến ngày 12.8.1966, Đảng cộng sản Trung quốc họp phiên toàn thể lần thứ 11 khóa VIII. Ở Hội nghị thường vụ Bộ Chính trị mở rộng, họp trong những ngày đầu của Hội nghị toàn thể, Mao Trạch Đông chỉ trích nặng nề hơn đối với việc cứ các tổ công tác, ông ta nói “là đàn áp, là khủng bố, cuộc khủng bố này là từ trung ương mà ra”, và mập mờ nói thêm: “bọn đầu trâu mặt ngựa hiện đang ngồi ở đây”. Mao Trạch Đông còn dùng phương thức điển hình của Cách mạng văn hoá viết ra bài báo trứ danh: Bài báo chữ to của tôi - Nã pháo vào Bộ tư lệnh, trong đó chỉ trích một số đồng chí cán bộ lãnh đạo từ trung ương tới các địa phương đã đứng trên lập trường giai cấp tư sản phản động, thực hiện chuyên chính của giai cấp tư sản. Bài báo chữ to đó tuy không đích xác chỉ vào ai, nhưng mũi giáo chỉ vào đâu thì đã hai năm rõ mười.

Từ đó, đại hội bắt đấu vạch vòi và phê phán những “sai lầm” của Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình. Các ông kễnh cách mạng văn hóa từ “các lộ” bắt đầu bằng việc cử các tổ công tác đàn áp phong trào học sinh, rồi mới ngược các loại “sai lầm”, từng điểm một, từ năm 1962 tới lúc đó của cán bộ lãnh đạo tuyến một trung ương, buộc tội Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình.

Bài nói chuyện trong hội nghị của Mao Trạch Đông cũng chỉ trích Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình đàn áp phong trào học sinh là vấn đề phương hướng, là vấn đề đường lối, là đường lối sai lầm. Hội nghị phê phán đó đã đi đến được một kết luận, ngoài Trung ương đảng do Mao Trạch Đông dẫn đầu, còn có thêm một Bộ tư lệnh của giai cấp tư sản do Lưu Thiếu Kỳ làm đầu đảng.

Cuối cùng, theo đề nghị của Mao Trạch Đông, đại hội tăng thêm một nghị trình, xét tuyển lại Bộ Chính trị trung ương Đảng và Ban thường vụ Bộ Chính trị. Lưu Thiếu Kỳ đang đứng ở hàng thứ hai, nay tụt xuống hàng thứ tám. Còn Lâm Bưu thì lên lách leo lên, được xếp vào hàng thứ hai, trở thành phó chủ tịch duy nhất của Trung ương Đảng, được cất nhắc, thay thế cho Lưu Thiếu Kỳ, ở vào địa vị người kế cận.
Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình vốn là những người chủ trì công tác ở tuyến một trung ương, kể từ sau hội nghị này, trên thực tế là đã rút khỏi công tác lãnh đạo ở trung ương rồi. Đồng thời với việc tiếp thu phê phán ở hội nghị, cha tôi có lúc vẫn phải đi tham gia phong trào, tham gia các cuộc mít tinh của quần chúng, và giải đáp các vấn đề ở một số trường học. Đối với Cách mạng văn hoá, cha tôi đã từng nói: “Lão thành cách mạng gặp vấn đề mới” để biểu thị sự không hiểu nổi của mình. Sau khi bị phê phán, sự không hiểu nổi lại càng sâu đậm hơn. Ông là người trầm lặng, ít nói, nhưng đối với phong trào này, đặc biệt là đối với sự điên cuồng của lũ người trong Ban Cách mạng văn hoá trung ương và sự ngu muội của lũ tạo phản thì nỗi căm ghét càng chất chứa trong lòng. Có khi, đứng trước quần chúng, ông đã mặc xác cái nghịch cảnh của mình, chứng minh sự chính nghĩa của mình và của cả người khác.

Ngày 2.8.1966, ông được thông báo phải đến tham gia tại hội công nhân viên chức của thầy trò trường Đại học nhân dân, có học sinh gửi tới ông một mẩu giấy, hỏi về sự kiện “binh biến tháng hai”. Ông biết rõ rằng đây là một âm mưu có người xúc xiểm, vu cáo, buộc tội thêm nguyên soái Hạ Long, biết rõ ràng ở hội trường có Trần Bá Đạt v.v... và cả những ông kễnh của Ban Cách mạng văn hoá trung ương, nhưng ông vẫn thẳng thắn trả lời:

- Đã kiểm tra đầy đủ, không hề có chuyện này.

Và nói thêm:

- Xin nói để các bạn biết, quân đội của ta, Bành Chân không điều động nổi, tôi cũng không điều động được!
Chỉ từ mấy câu giải đáp trên đây, đã có thể hoàn toàn hiểu được sự bực bội, tức tối trong lòng ông ra sao. Ông muốn giải đáp bênh vực những đồng chí cũ, những chiến hữu cũ, nhưng ông, trong lúc đó, đã là người thấp cổ bé họng, có miệng mà chẳng cất được lên lời.

Sau khi đã kết thúc hội nghị toàn thể lần thứ 11, Mao Trạch Đông quyết định, Lâm Bưu đứng ra triệu tập một cuộc họp Ban thường vụ Bộ Chính trị mở rộng. Hội nghị vốn định là tiếp tục phê phán Lưu Thiếu Kỳ, nhưng Lâm Bưu, Giang Thanh và một số người khác lại nhận định rằng: về thực tế, Lưu Thiếu Kỳ đã bị đánh đồ rồi. Trước mắt, Đặng Tiểu Bình mới là mối nguy cơ chủ yếu, và là sự trở ngại lớn nhất, bởi thế mà mũi dùi phê phán của hội nghị bèn quay về phía Đặng Tiểu Bình. Bọn họ không những tổ chức chặt chẽ người phê phán Đặng Tiểu Bình, mà Lâm Bưu còn đích thân xuất tướng, biến vấn đề Đặng Tiểu Bình thành mâu thuẫn địch ta.

Ở hội nghị, cha tôi còn bị phê phán không chính đáng, thậm chí còn bị vu cáo. Tâm lý nhất định là mất bình tĩnh rồi. Về nhà tuy ông chẳng nói năng gì, nhưng trằn trọc không ngủ được. Mẹ tôi thấy ánh đèn trong phòng ngủ của ông suốt đêm không tắt, liền đi vào nói:

- Ba giờ hơn rồi đấy, làm sao ông vẫn chưa ngủ?

Cha tôi nói với mẹ:

- Trong cuộc họp tối hôm nay, việc phê phán Lưu Thiếu Kỳ đã chuyển hướng sang tôi rồi.

Mẹ tôi hỏi:

- Ai phê phán ông?

Cha tôi chỉ nói một câu:

- Anh Bộ đội.

Cha tôi không nói thêm một câu nào nữa, mẹ tôi cũng không dám hỏi nhiều hơn, chỉ an ủi ông:

- Ông ngủ đi thôi, nếu không, sáng mai lại không dậy đi họp được.

Tháng 2-1964, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đi thăm Việt Nam. Tổng Bí thư Đặng Tiểu Bình nói chuyện thân mật với Chủ tịch Hồ Chí Minh .

Cha tôi biết rằng, sau lần phê phán này, những “cái sai” của ông, không còn dừng ở chuyện cử tổ công tác đi “đàn áp” quân chúng nữa, mà tất cả các món nợ cũ. nợ mới trong lịch sử đều được đem ra thanh toán hết.

Sau hội nghị, cha tôi bị bức phải nghỉ việc. Ông phải bàn giao lại số công việc vốn do ông phụ trách ở các ban thuộc Văn phòng trung ương Đảng cho Khang Sinh. Ông nói:

- Công việc của tôi giao cho ông, tôi không thể tiếp tục làm việc được nữa.

Cha tôi là một người xưa nay vốn trầm lặng, ít nói. Khi phong trào bùng nổ, cha tôi quá bận bịu với những công việc đột ngột nảy sinh, sau này lại bị đình chỉ công tác vì mắc sai lầm, nên lại càng ít nói hơn. Khi đó, mọi việc hoạt động, tham gia họp hành cũng càng ngày càng thưa thớt, ngay ở nhà cũng chỉ ngồi đọc những văn kiện được gửi tới.

Công việc ở trung ương không phải làm nữa, nhưng đối với bọn trẻ con trong nhà ông quản rất chặt. Những đứa trẻ nhỏ chúng tôi, ai nấy đều tham gia phong trào ở các trường đại học, trung học, thường rất ít khi về nhà. Sau khi các tổ công tác bị phê phán, tuy chúng tôi biết về vấn đề này, cha tôi đã mắc sai lầm, nhưng còn cái cảnh trớ trêu mà cha tôi phải đối phó trước mặt, chúng tôi lại chẳng hiểu được, nên ai nấy vẫn cứ bận rộn với phong trào.

Đầu tháng tám, khi đôi câu đối (và bức hoành) của Hồng vệ binh của một số trường trung học được dán ra: “Bố anh hùng, con hảo hán”, “Cha phản động, con thối thây”, “cơ bản như thế” lập tức đã làm trỗi dậy một cuộc tranh luận lớn về “huyết thống”. Tổ chức Hồng vệ binh ở nơi tôi giữ vững lập trường của đôi câu đối này, nhưng tổ chức Hồng vệ binh của chị cả Đằng Lâm tôi ở Học viện mỹ thuật trung ương lại giữ thái độ phản đối. Tôi vẫn nhớ rằng, khi ấy để tranh luận với nhau về đôi câu đối này, các tổ chức luôn bận bịu suốt ngày đêm, chạy đây chạy đó, tới các hội trường tranh luận, cãi nhau. Vừa cãi lộn ầm ĩ, tranh luận với nhau xong ở học viện âm nhạc, là đội ngũ lại rầm rập kéo nhau tới Học viện mỹ thuật. Chính vì quan điểm bất đồng nên tôi và chị tôi, hai người cứ hồ như đối lập với nhau. Hôm đó đêm đã khuya lắm, tôi dùng điện thoại công cộng bên ngoài hội trường, nơi đang tranh luận ỏm tỏi gỏi về cho mẹ tôi để tranh thủ ý kiến của bà. Tôi nhớ, mẹ tôi cuống quýt nói với tôi:

- Đôi câu đối ấy sai đấy, con đừng có tranh cãi với chị con làm gì con về nhà ngay đi!
Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #6 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2011, 01:16:49 am »

Tiếng nói nặng nhọc của mẹ tôi nhắc lại lần nữa:

- Cha con nói thế đấy!

Khi ấy, tôi thật chẳng thích thú gì khi phải tuân theo sự quyết định của cha mẹ, sau này, khi đã hiểu ra được, tôi mới thấy thật may vì tôi đã nghe lời cha mẹ.

Ngày 18.8.1966, ở đại hội Chúc mừng Đại cách mạng văn hoá, Lâm Bưu đã hô hào Hồng vệ binh:

- Đập cho tan nát tư tưởng cũ, văn hoá cũ, phong tục cũ, lập quán cũ của giai cấp bóc lột!

Bắt đầu từ ngày 20.8.1966, Bắc Kinh là nơi đầu tiên được phát động phong trào Đập phá bốn cái cũ của Hồng vệ binh với quy mô vô tiền khoáng hậu, rồi nhanh chóng lan ra bao phủ toàn quốc. Các tiểu tướng Hồng vệ binh vượt cổng trường học, lao vào “đâm chém xã hội”. Chỉ trong chốc lát, cả xã hội đã bao trùm bơi một cuộc “khủng bố đỏ”. Phong trào “cách mạng” huỷ hoại xã hội sâu đậm này do đích thân thống soái Lâm Bưu kêu gọi phát động, với sự xúi bẩy, thúc giục trực tiếp của Ban Cách mạng văn hoá trung ương, càng diễn càng mạnh, phát triển tới những cuộc lục soát lớn, đấu tố lớn, phá hoại lớn, thậm chí đánh chết người. Không biết bao nhiêu tiểu tướng Hồng vệ binh trẻ con, ấu trĩ, vì “bảo vệ đường lối cách mạng của Mao chủ tịch”, đã cuồng nhiệt, mù quáng bị cuốn hút vào hành động cách mạng điên rồ này. Cha mẹ tôi, lúc này cũng cảm thấy mọi sự hỏng to rồi, đã gọi tôi và em trai tôi từ trường trung học về nhà giữ rịt, không cho thò chân ra ngoài, và nói rõ cho chúng tôi biết, cấm hẳn không được phép tham gia bất cứ một hành động khám nhà, đấu tố nào. Khi ấy mấy anh chị em tôi cũng đã cảm thấy tình thế bất lợi của cha tôi, nên đều nghe lời, đóng cửa ở nhà. có người ngồi học đan len, có người láp ráp máy thu thanh, cũng có người suốt ngày chỉ ngồi sao chép những ngữ lục của Mao Chủ tịch.

Sự yên tĩnh trong nhà khiến chúng tôi hoàn toàn cách ly với những động loạn bên ngoài. Cho đến tận bây giờ nhớ lại những ngày đó, chúng tôi thấy vô cùng biết ơn cha mẹ đã nghiêm khắc trông giữ chúng tôi trong cái giờ phút gay go ghê gớm ấy.

Cách mạng văn hoá, một phong trào quần chúng với quy mô chưa từng có đã làm cho toàn thể xã hội bị đảo lộn đến mức trời long đất lở, sau khi đã cách cổ được sự trở ngại của Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, phong trào càng được tăng cường sức mạnh, ào ào phát triển lao đầu về phía trước.

Ngày 18.8.1966, Mao Trạch Đông mặc quân phục, tay đeo băng đỏ Hồng vệ binh, tiếp kiến hàng triệu Hồng vệ binh tại quảng trường Thiên An Môn. Cho đến cuối tháng 11.1966, Mao Trạch Đông, trước sau tất cả tám lần tiếp kiến hơn 11 triệu Hồng vệ binh. Với sự chỉ đạo của đích thân Mao Trạch Đông, phong trào Hồng vệ binh vẫn cuồng điên phát triển như lửa cháy đùng đùng.

Dư âm điên cuồng của phong trào “phá bốn cái cũ” chưa tắt, lại bắt đầu phong trào Đại cách mạng xâu chuỗi trên phạm vi cả nước. Với sự kêu gọi của Mao Trạch Đông, những tiểu tướng Hồng vệ binh mặc quần áo bộ đội cũ, rất được ưa chuộng lúc bấy giờ, đi xe lửa, đi ô-tô không phải mua vé, bắt đầu làm một cuộc xâu chuỗi lớn với hàng chục triệu người trên phạm vi toàn quốc. Cuồng phong bão tố của phong trào ập tới không sót một ngõ ngách nào của xã hội, ngọn lửa bạo liệt của tạo phản bùng bùng bốc cháy khắp đại địa Thần Châu.

Phong trào tạo phản từ trường học đã tràn ra khắp xã hội, làm cho trật tự xã hội bị phá hoại nghiêm trọng, mạnh mẽ đánh vào nông nghiệp cũng như các ngành sản xuất khác, khiến cho đại đa số cán bộ quần chúng bất mãn và chống lại, sự hỗn loạn cũng như mâu thuẫn xã hội sâu sắc thêm một bước. Đồng thời do sự nhận thức và quan điểm của các tổ chức Hồng vệ binh bất đồng, nên đã phân hoá thành các bè phái hết sức nghiêm trọng. Các bè phái, các tổ chức lại không ngừng tiến hành những cuộc tranh luận và tranh chấp đấu đá. Phong trào đến đây đã làm cho cả vùng đất bao la của Trung quốc sôi lên sùng sục, đúng là đã đạt tới biên giới lý tưởng của nhà tiên tri cách mạng: Thiên hạ đại loạn rồi.

Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung Hoàng Quốc Việt vào ngày 26 - 9-1974 tại Bắc Kinh, nhân dịp Chủ tịch sang thăm Trung Quốc .
Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #7 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2011, 01:29:28 am »

4. Phê phán Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình

Mặc dù tạo phản đương nhiên là “có lý”, mặc dù “cách mạng” đã thành tiêu chuẩn của chân lý, nhưng kể từ khi bùng nổ cuộc Cách mạng văn hoá, thì những trở lực đối với phong trào đó vẫn cứ tồn lại.

Đồng thời với việc phong trào đã dần dần từng bước được mở rộng và sâu thêm, lại càng có nhiều người với thời gian dai dẳng hơn, đã đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn đối với phương hướng, phương thức, cho đến lập luận của phong trào. Phong trào này dù do đích thân Mao Trạch Đông phát động. dù do Lâm Bưu và Giang Thanh hai thế lực ra sức ủng hộ, nhưng vẫn có rất nhiều sức ngăn cản và chống lại, nên những hỗn loạn mới vẫn không ngừng nảy sinh.

Vậy căn cốt của nó là gì, là do bản chất của quyết định phát động phong trào Cách mạng văn hoá sai lầm tạo ra. Nhưng Mao Trạch Đông lại cho rằng, sớ dĩ nảy sinh ra những trở ngại, từ cốt lõi, chính là Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình cầm đầu cho rằng, trong đảng có một nhóm kẻ cầm quyền đi theo con đường tư bản, do Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình cầm đầu. Ông ta cũng cho rằng, đường lối tư bản chủ nghĩa này cũng đã có được địa vị thống trị tương đối rồi, hơn thế, cho đến bây giờ, trong đảng vẫn còn đất sống cho nó. Muốn bảo đảm Cách mạng văn hoá tiến hành được thuận lợi, nhất định phải quét cho hết những trở ngại trên con đường tiến lên.

Bắt đầu từ ngày 9 đến ngày 28.10.1966, Mao Trạch Đông triệu tập hội nghị công tác trung ương, thêm một lần nữa phê phán “đường lối phản động của giai cấp tư sản”, mà đại biểu là Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình. Mặc dù rằng hội nghị do đích thân Mao Trạch Đông triệu tập: một số đồng chí ở trung ương cũng như các địa phương vẫn biểu hiện ra những “trì trệ “, “rất khó hiểu” và theo không kịp phong trào của họ. Đúng như Mao Trạch Đông đã phê bình rằng: “phát ngôn ở giai đoạn đầu, rất không bình thường”

Chẳng bao lâu sau, những ông kễnh Cách mạng văn hoá đã xuất tướng. Trần Bá Đạt, tổ trưởng Tổ Cách mạng văn hoá trung ương, kể lể dài dòng tới sáu điều lớn, đo đếm những công lo trạng nhỏ của Cách mạng văn hoá, rồi phê phán đích danh Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, lão nói:

- Đường lối sai lầm của Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình có cơ sở xã hội của nó, cái cơ sở xã hội này chủ yếu là giai cấp tư sản. Đường lối sai lầm trong đảng cũng có đất sống nhất định của nó, bởi trong đảng có một nhúm kẻ cầm quyền đi theo con đường tư bản, cũng lại còn có một nhóm tương đối lớn những kẻ hồ đồ chưa được cải tạo về thế giới quan và chưa được cải tạo đến nơi đến chốn. Lâm Bưu giữ một địa vị hiển hách, trong bài nói mang tính kết luận của mình, ngoài việc cực lực tuyên dương tính tất yếu cũng như ý nghĩa trọng đại của Cách mạng văn hoá, còn đích danh công kích việc thi hành điều một: đàn áp quần chúng, và đường lối phản cách mạng. Ông ta còn nói:

- Trong một thời gian ngắn, đường lối này của Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình cũng đã có được một địa vị thống trị tương đối.

Khang Sinh và những người khác đều nhao nhao phát biểu ý kiến, âm thanh gào thét của cả cái mớ phê phán ấy khiến cho cả hội nghị nồng nặc mùi thuốc súng. Trong hội nghị, người cấp dưới của Đặng Tiểu Bình hồi ở Dã chiến quân thứ hai là Tạ Phú Trị đã tiên phong xung trận, lên tiếng trước, phê phán Đặng Tiểu Bình. Lão nói:

- Trong vòng ba mươi năm, cái ấn tượng “luôn luôn chính xác” của Đặng Tiểu Bình trong mọi người đã có ảnh hưởng rất lớn trong đảng, lần phê phán đường lối phản động của giai cấp tư sản này, sở dĩ nó vấp phải trở ngại to đến như vậy, không phải là không liên quan gì tới loại ảnh hưởng này.

Trần Bá Đạt phê phán một trọng điểm của Đặng Tiểu Bình, bảo rằng Đặng Tiểu Bình là kẻ tiên phong trong đường lối sai lầm, đồng thời thanh toán một lần tất cá các món nợ cũ nợ mới tính từ những năm 60. Lâm Bưu nói liều, nói bậy lung tung rằng, Đặng Tiểu Bình đã từng tranh công của Dã chiến quân thứ tư, và nham hiểm vu cáo rằng, trước kia Đặng Tiểu Bình đã từng là lính đào ngũ (ý nói tới thời kỳ ở quân đoàn Hồng quân số 7), với ý đồ làm tăng thêm tội lỗi của Đặng Tiểu Bình trong quá khứ. Ngày 25.10.1966, Mao Trạch Đông nghe báo cáo lại ý kiến của hội nghị cũng tỏ ra bất bình với Đặng Tiểu Bình. Mao Trạch Đông nói rằng, Đặng Tiểu Bình tai điếc, vậy mà trong các cuộc họp lại cứ chọn chỗ ngồi thật xa chỗ ông ta, nói rằng xưa nay Đặng Tiểu Bình chưa bao giờ tự tìm tới gặp ông ta. Tính từ nắm 1959 tới nay, cả sáu năm giời chưa bao giờ báo cáo công tác với ông ta.

Phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình tiếp Thủ tướng Nhật Bản Suzuki Zenko

Cũng chính ngày 25, khi hội nghị sắp kết thúc, Mao Trạch Đông chính thức nói chuyện với hội nghị. Ông ta nói, lần hội nghị này “tức là phải tổng kết lấy một số kinh nghiệm, để làm công tác tư tưởng chính trị”, giải quyết vấn đề “tư tưởng không thông”. Ông ta còn nói đến nguyên nhân phát động phong trào: Cách mạng văn hoá, bởi vì trước kia ông ta đã quá tin người, khi ở trung ương chia ra làm tuyến một, tuyến hai, nên đã xuất hiện khá nhiều vương quốc độc lập, ý kiến của ông ta không được thực hiện ở Bắc Kinh, thúc đẩy cũng không được. Đối với bản thân phong trào. Mao Trạch Đông cũng chẳng vui vẻ gì nói:

- Thời gian rất ngắn, cái thế xô tới lại rất mạnh. Tôi cũng chẳng ngờ được, bài báo chữ to (của trường đại học Bắc Kinh) vừa được đài phát đi, đã làm rung động toàn quốc... Hồng vệ binh vừa xông tới đã làm cho các vị táng đởm kinh hồn... Ngọn đuốc của Đại cách mạng văn hoá là do tôi đốt cháy lên đấy...

Tuy nhiên để trừ diệt mọi trở lực, Mao Trạch Đông lại tiếp tục phê phán Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, nhưng cũng chính lúc đó ông ta lại nhận định rằng, những vấn đề ở trung ương đã được giải quyết. Vấn đề của Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình và nhiều cán bộ khác vẫn chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Ông ta còn nói, cần phải cho phép người ta được mắc sai lầm, hai người Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình và họ làm công khai, cần phải cho phép họ làm cách mạng. Ông ta còn nói với những người đến dự hội nghị rằng: “Tôi không đánh đổ các vị đâu, xem ra Hồng vệ binh cũng chẳng đánh đổ các vị làm gì. Các vị không vượt qua được cửa quan, tôi cũng bối rối lắm chứ. Thời gian còn quá ngắn, nên cũng có thể bỏ qua đi được, không phải là sự sai lầm cố ý về đường lối, có người đã nói rằng phạm sai lầm chẳng qua chỉ tại mơ hồ thôi, cũng không thể hoàn toàn trách đồng chí Lưu Thiếu Kỳ, đồng chí Đặng Tiểu Bình, hai đồng chí ấy mắc sai lầm, cũng có nguyên nhân của nó. Ông ta còn dự báo:

- Phong trào này mới được có năm tháng, có thể phải tiến hành trong hai lần năm tháng như thế, cũng có thể là dài hơn thời gian đó một chút...

Như vậy có nghĩa rằng, phong trào này phải làm trong một năm, hoặc hai năm, mới gọi là hoàn thành sứ mạng, và tròn trịa kết thúc. Đối với việc đó, hầu như Mao Trạch Đông rất tự tin. Nhưng có điều bất hạnh là, sự thực cuối cùng đã chứng minh: ông ta sai. Cuộc họp toàn thể trong ngày 23.10.1966, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình làm kiểm điểm. Bản kiểm điểm của Lưu Thiếu Kỳ đã được Mao Trạch Đông thẩm duyệt rồi mới mang ra đọc. Lưu Thiếu Kỳ đã kiểm điểm “những sai lầm” của mình trong năm mươi ngày Cách mạng văn hoá và cả trong quá khứ nữa, không hề né tránh, dám chịu trách nhiệm. Nhưng trong tình thế đó, dù có tự phê trái với lòng mình, cũng chẳng được tích sự gì.

Bản kiểm điểm của Đặng Tiểu Bình cũng là tự phê bình. Đồng thời đối với việc tự kiểm điểm sai lầm của mình, Đặng Tiểu Bình cũng gánh lấy trách nhiệm về mình, đề khỏi làm vạ lây đến những người khác trong cuộc phê phán này, ông biết, người chịu trách nhiệm về đường lối phản động của giai cấp tư sản trong cuộc Đại cách mạng văn hoá này, trong các đồng chí lãnh đạo trung ương, trong phạm vi toàn quốc, chính là đồng chí Lưu Thiếu Kỳ và tôi... Cần phải nói rõ ràng rằng, tuyệt đại đa số những đồng chí trong tổ công tác là người tốt, cá biệt có một số đồng chí mắc sai lầm trong đoạn thời gian công tác này, chịu trách nhiệm chủ yếu không phải là các đồng chí đó, mà phải là tôi và đồng chí Lưu Thiếu Kỳ.

Bản kiểm điểm của Đặng Tiểu Bình cũng đã từng phải đưa cho Mao Trạch Đông thẩm duyệt. Ngày 22.10.1966, Mao Trạch Đông phê son: Đồng chí Tiểu Bình: có thể cứ thế này mà đọc. Nhưng ở trang... sau chữ “làm lại, chuộc lỗi” trong hàng thứ nhất nên chăng có thêm vài lời tích cực hơn nữa, thí dụ như, với sự nỗ lực của bản thân cùng sự tích cực giúp đỡ của các đồng chí, tôi tin tưởng rằng sai lầm sẽ được kịp thời khắc phục, đề nghị các đồng chí cho tôi thời gian, tôi sẽ đứng dậy được. Đã nửa đời người hoạt động cách mạng, nay vấp ngã, làm sao lại không đứng dậy được?

Mọi người đều biết rằng, kẻ từ khi Cách mạng văn hoá tới đó, Mao Trạch Đông vốn rất tức tối với Đặng Tiểu Bình. Nhưng xem qua những hàng son phê của ông ta, bất cứ ai, trong lòng đều như được an ủi. Tôi nhớ câu: “Đã nửa đời người hoạt động cách mạng, nay vấp ngã làm sao lại không đứng dậy được” đã từng làm cho cả gia đình tôi được một niềm an ủi rất lớn.

Đến khi đó, chúng tôi đều biết cha tôi mắc sai lầm, nên cũng rất quan tâm đến vận mạng chính trị của cha tôi. Khi ấy chị hai Đặng Nam tôi đang mải miết đi xâu chuỗi ở bên ngoài, mẹ tôi vội vã gọi chị trở về nhà. Sau khi về nhà, Đặng Nam cứ tối tối lẻn vào phòng ngủ của mẹ, rồi chui vào trong chăn, hai mẹ con trùm chắn kín đầu, thì thầm nói chuyện. Mẹ nói cho chị biết tiểu sử của cha, nói về công việc của cha ở trung ương trước khi phong trào Cách mạng văn hoá bùng nổ, nói về những quan hệ của cha với Bành Chân, La Thuỵ Khanh... Mẹ nói cho con gái biết rằng, cha là người trong sạch, không có vấn đề gì. Từ xưa tới này, cha chưa bao giờ nói về mình, mặc dù chúng tôi rất yêu cha mình, nhưng lại không hề biết tiểu sử của cha, cũng chẳng biết rằng cha lại có nhiều chuyện đến thế trong tiểu sử cũng như trong công tác của mình. Nghe mẹ kể chuyện về cha, chúng tôi cũng như mẹ tôi. tin tưởng vững chắc rằng, cha tôi chẳng có vấn đề gì. Thậm chí chúng tôi còn đơn giản nhận định rằng, Mao Chủ tịch chỉ đối phó với việc chứ không đối phó với người, chỉ là phê phán những sai lầm trong Cách mạng văn hoá, nếu có bị xử lý, cũng chỉ đến giáng chức là cùng, mà không thể ngờ rằng cha tôi lại bị đánh đổ hoàn toàn.

Hội nghị cũng họp rồi, kiểm điểm cũng đã kiểm điểm rồi, chúng tôi chờ đợi một kết quả với suy nghĩ đơn giản của mình. Sự kiện Bành Chân, La Thuỵ Khanh, Lục Định Nhất, Dương Thượng Côn xuất hiện, rồi cục diện hỗn loạn của Cách mạng văn hoá hình thành, tuy cũng đã đủ để mọi người thấy được sự nghiêm trọng của tình thế, và bàng hoàng về tâm lý, nhưng trong toàn đảng, kể cả cha tôi hoặc cũng có thể nói được rằng: đại đa số các cán bộ cao cấp trong đảng vẫn không có - cũng không có khả năng có - một chuẩn bị tư tưởng nào để đối phó với hàng loạt các vụ nổ mang tính dây chuyền sẽ phát nổ trong nay mai.
Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #8 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2011, 01:37:56 am »

Hội nghị đã kết thúc, nhưng cuộc phê phán vẫn không kết thúc như chúng tôi hằng mong mỏi. Ngày 2.11.1966, từ trong nội bộ Ban tổ chức trung ương Đảng cộng sản Trung quốc, đột ngột xuất hiện báo chữ to, phê phán Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình. Ngày 8.11.1966, ở trường đại học Bắc Kinh, Nhiếp Nguyên Tử cũng dán bài báo “Đặng Tiểu Bình là kẻ cầm quyền trong đảng, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”, kê ra một loạt tội danh của Đặng Tiểu Bình, nào là đầu sỏ chống sùng bái cá nhân, nào là công khai cổ vũ nông thôn khôi phục chế độ làm ăn riêng lẻ, chống đối Cách mạng văn hoá, tên thứ nhất đứng sau Bành Chân v.v...

Sau khi nghe tin đó, chúng tôi không thể không căng thẳng lo lắng. Hai chị tôi và tôi đạp ba chiếc xe đạp, len lỏi vào các trường, tìm đọc báo chữ to ở khắp nơi. Chúng tôi định rằng, xem xem trong báo chữ to nói những gì, và cha tôi, cuối cùng là có vấn đề gì. Xem đi xem lại, thấy rằng ngoài những “sai lầm” về Cách mạng văn hoá, thì những “vấn đề” khác hầu như chẳng lấy gì làm nghiêm trọng, nhiều nhất là nắm không vững vàng sâu sắ, không theo kịp “đường lối cách mạng” của Mao chủ tịch. Điều khiến chúng tôi cảm thấy yên lòng nhất là không có “vấn đề quá khứ”. Nhưng những chữ nghĩa ác độc của báo chữ to đã được tăng lên rất cao, đọc xong vẫn thấy rợn tóc gáy. Phê phán còn chưa kết thúc, chỉ riêng điểm này cũng thấy quá rõ ràng rồi. Điều duy nhất khiến chúng tôi cảm thấy được một chút yên lòng, là dù họ có gạn tim moi óc, bới gốc đào rễ đề soi mói vạch tội, cũng vẫn chẳng có vấn đề gì lớn để đẩ cha tôi vào đất chết được.
Thu đã về, trời dần dần trở lạnh, xào xạc gió thổi, lá tả lá bay, đất trời xơ xác điêu tàn.

Đến lúc đó, cha tôi cũng giống như Lưu Thiếu Kỳ, đã hoàn toàn không còn tham gia bất cứ cuộc họp hành nào nữa, chỉ ngồi nhà. Đọc một số văn kiện gửi tới. Tất nhiên rằng, những văn kiện này, bất kể là về số lượng hay nội dung, đều không thể so sánh với trước kia được. Đối với số phận chính trị của mình, cha tôi chỉ còn chọn lựa một thái độ đợi chờ.

Cha tôi mắc sai lầm, đám trẻ chúng tôi đều không hiểu biết được gì hết. Có một lần, chị cả Đặng Lâm hỏi cha tôi:

- Chúng con nên hiểu về phong trào này như thế nào?

Lúc ấy cha tôi còn biết nói gì ông chỉ nói một câu:

- Các con hãy tự mình nhận xét lấy.

Cha tôi mắc sai lầm, chúng tôi cũng theo đó mà mắc sai lầm trong các cuộc kiểm điểm có người đã bị đem nhốt lại, bị hạn chế tự do nhân thân. Những cuộc phê phán có lúc kết thúc được không? Bao giờ thì kết thúc, và bưóc tiến sau của nó sẽ phát triển tới mức độ nào? Chúng tôi chẳng có một chút hiểu biết nào hết.

Mao Trạch Đông đã phê phán Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, nhưng cho đến tận lúc ấy, ông ta vẫn còn chưa hạ quyết tâm đánh đổ hoàn toàn Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình như đã làm với Bành Chân. La Thuỵ Khanh, Lục Định Nhất, Dương Thượng Côn. Bởi đối với Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, ông ta còn đang suy tính cách thức xử lý khác nhau.

Đối với Lưu Thiếu Kỳ. Mao Trạch Đông đã thay thế Lâm Bưu vào làm người kế cận, vậy thì Lưu Thiếu Kỳ, người vốn đã được sắp xếp làm người kế cận trước kia, tất nhiên là phải đi toi rồi, vấn đề chỉ còn là mức độ xử lý ra sao thôi.

Đối với Đặng Tiểu Bình, vốn là người mà trước kia Mao Trạch Đông rất tán thưởng, nên vẫn muốn trọng dụng, nhưng sau khi đại nhẩy vọt thất bại, Đặng Tiểu Bình cùng những người lãnh đạo trung ương khác đã dần dần lảng tránh cách làm của “cánh tả”, khiến cho Mao Trạch Đông sinh ra những tức tối đối với những người lãnh đạo tuyến một ở trung ương, trong đó có Đặng Tiểu Bình. Sự tức tối đó càng ngày càng sâu thêm, đồng thời cùng với sự phát triển của mọi việc mà diễn biến thành một quyết tâm tiến hành thay thế nhân sự. Hồi mới bắt đầu tiến hành Cách mạng văn hoá, khi Mao Trạch Đông quyết định dùng Lâm Bưu làm người kế cận, ông ta vẫn chưa nghĩ tới việc cách cổ Đặng Tiểu Bình một cách triệt để, bởi ông ta vẫn muốn tiếp tục dùng, vẫn muốn sắp xếp Đặng Tiểu Bình vào cơ cấu nhân sự mới. Chính vì vậy mà Mao Trạch Đông đã có một lần tìm Đặng Tiểu Bình để chuyện trò trao đổi. Trong hồi ức, cha tôi vẫn nhớ: khi mở màn Cách mạng văn hoá chủ tịch đã tìm tôi nói chuyện, khuyên tôi cần phải có quan hệ tốt với Lâm Bưu. Tôi đồng ý, nhưng chỉ sau một lần trò chuyện với Lâm Bưu, là tan luôn.

Sự tan vỡ với Lâm Bưu đã tiên báo rằng trên con đường thăng tiến của mình, Lâm Bưu quyết không dung tha Đặng Tiểu Bình, Lâm Bưu biết một cách sâu sắc rằng, sự tức tối bực bội của Mao Trạch Đông đối với Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình có mức độ khác nhau, không những mức độ không giống nhau, mà cả tính chất cũng không giống nhau. Sự khác nhau đó, khiến cho việc xử lý Đặng Tiểu Bình như thế nào, trở thành tương dối quan trọng. Sau khi Lưu Thiếu Kỳ bị cách cổ đi rồi, Đãng Tiểu Bình đã thành mối lo canh cánh nhất trong tâm khảm Lâm Bưu. Một con người đầy mưu kế như Lâm Bưu phải biết chắc rằng, muốn trừ diệt được Đặng Tiểu Bình, cần phải trổ hết tài mẫn cán của nịnh, không ngừng tăng cường sức nặng trong việc tấn công, phê phán Đặng Tiểu Bình.

Ngày 6.12.1966, trong một cuộc họp, Lâm Bưu nói chuyện, nói rằng: vấn đề của Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình không chỉ là vấn đề năm mươi ngày, mà là vấn đề mười năm, hai chục năm, hắn đã tăng vấn đề Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình lên mức cực cao.

Cùng lúc đó, thấy Mao Trạch Đông tuy đã phê phán Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, nhưng lại chưa có động tĩnh gì về việc chuẩn bị đánh đổ hẳn, nên Trần Bá Đạt, Khang Sinh, Giang Thanh cùng những ông kễnh khác trong Ban Cách mạng văn hoá trung ương liền liên kết với tập đoàn Lâm Bưu, bàn bạc với nhau trong phòng kín, để gây nên một cơn sóng gió to lớn hơn, đẩy Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình vào đất chết, mà vỗ tay trong bị. Ngày 18.12.1966, Giang Thanh công khai cổ động cho việc đánh đổ Lưu Thiếu Kỳ. Cũng ngày hôm đó, Trương Xuân Kiệu gọi tên cầm đầu phái tạo phản ở trường Đại học Thanh Hoa là Khoái Đại Phú vào Trung Nam Hải bí mật bàn bạc, bố trí thi hành những biện pháp cụ thể đánh đổ Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình.

Ngày 25.12.1966 cũng là ngày chỉ còn dăm hôm nữa sẽ kết thúc năm 1966, thì 5.000 thầy trò trường Đại học Thanh Hoa đội giá, gội rét, tuần hành thị uy tới Thiên An Môn, làm lễ hội sư, quyết triệt để đánh đổ Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình.

Ngày 27.12.1966, các phái tạo phản ở các trường đại học Bắc Kinh mở một đại hội triệt để phê phán “đường lối giai cấp tư sản phản động của Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình” tại sân vận động Công nhân. Nhiếp Nguyên Tử và những lên đầu mục của phái tạo phản tha hồ dùng những lời lẽ ác độc để bôi nhọ, vu cáo, đả kích Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình.

Từ đó, các phái tạo phản ở khắp nơi ào ào hưởng ứng, ủng hộ, làm cho toàn quốc lại bùng lên một trận cuồng phong mới, thanh thế rầm rộ, đả đảo Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình.

Năm 1966 là một năm đặc biệt hoàn toàn khác thường. Năm ấy sẽ là một trang sách cực kỳ đặc biệt được đưa vào sử sách bởi một phong trào cách mạng tạo phản từ lên dội xuống vô cùng vĩ đại, chưa từng có trong lịch sử”, đột ngột bất ngờ ập tới. Năm đó, với lý tưởng cao cả, không ngừng cách mạng, Mao Trạch Đông, dùng sức tưởng tượng và tinh thần thực tiễn vô biên của mình, làm cho thế giới phải tròn xoe con mắt, hiểu được sức mạnh vĩ đại của “quần chúng cách mạng”.

Cách mạng còn chưa tới thời kỳ cuối cùng. Ngày cuối cùng trong năm đó, Mao Trạch Đông dự đoán như một nhà tiên tri: sang năm - tức là năm 1967 - sẽ là một năm triển khai cuộc đấu tranh giai cấp toàn diện trên toàn quốc. Lởi dự báo ấy, như một lá bùa bao phủ lên toàn đại địa Thần Châu.
Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #9 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2011, 11:27:39 pm »

5. Tổng tiến công vào “kẻ cầm quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”

Ngày 1.1.1967, báo, tạp chí của đảng cho in bài xã luận “Hãy tiến hành cuộc Đại cách mạng văn hoá của giai cấp vô sản tới cùng”, kêu gọi mở cuộc tấn công vào “Một nhúm người cầm quyền trong đảng đi theo đường lối tư bản” và “lũ đầu trâu mặt ngựa” ngoài xã hội.

Với lời kêu gọi “tổng tiến công” đó, lại càng có thêm nhiều cán bộ lãnh đạo từ trung ương đến các địa phương các ngành bị phê phán và đánh đổ. Ngày 11.1.1967, hội nghị của Bộ Chính trị trung ương Đảng cộng sản Trung quốc quyết định bãi bỏ tư cách có mặt tại các hội nghị Bộ Chính trị của Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Đào Chú (uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung quốc, bí thư thường vụ Ban bí thư trung ương), Trần Vân (phó chủ tịch trung ương Đảng cộng sản Trung quốc, uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Quốc vụ viện), Hạ Long (Nguyên soái nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, uỷ viên Bộ Chính trị trung ương Đảng cộng sản Trung quốc Phó thủ tướng Quốc vụ viện, phó chủ tịch Quân uỷ trung ương). Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị trung ương Đào Chú bị Ban Cách mạng văn hoá trung ương vu cho là “phái bảo hoàng to lớn nhất”, Nguyên soái Hạ Long bị Lâm Bưu chỉ đích danh là “đại thổ phỉ”, bí thư thứ nhất tỉnh uỷ Hồ Bắc, Vương Nhiệm Trọng; bí thư thứ nhất thành uỷ Thượng Hải, Trần Phi Hiển: bí thư thứ nhất tỉnh uỷ Cát Lâm, Triệu Lâm; bí thư thứ nhất tỉnh uỷ Phúc Kiến, Diệp Phi; bí thư thứ nhất tỉnh uỷ Giang Tô, Giang Vị Thanh; bí thư thứ nhất tỉnh uỷ Sơn Đông, Đàm Khải Long; bí thư thứ nhất tỉnh uỷ An Huy, Lý Bảo Hoa; bí thư thứ nhất tỉnh uỷ Chiết Giang, Giang Hoa; bí thư thứ nhất tỉnh uỷ Giang Tây, Phương Chí Thuần; phó chủ nhiệm tổng cục chính trị quân Giải phóng, Lưu Chí Kiên, và một số cán bộ lãnh đạo các tỉnh, cùng quân đội tiếp nhau bị hạ bệ. Trong cuộc đấu tố cuồng bạo thảm khốc, Diêm Hồng Ngạn, bí thư thứ nhất tỉnh uỷ Vân Nam; Vệ Hằng, bí thư thứ nhất tỉnh uỷ Sơn Tây, bị hành hạ đến chết; Trương Lâm Chi, bộ trưởng Bộ Công nghiệp than, bị đánh đến chết; Đào Dũng, tư lệnh hạm đội hải quân Biển Đông cũng bị chết chẳng rõ ràng gì.

Đặng Tiểu Bình và cháu ngoại Miên Miên trong những ngày gian khổ ở Giang Tây

Đặng Tiểu Bình vui đùa bên các cháu ngoại Dương Dương (ảnh phải) và Miên Miên (ảnh trái)

Đặng Tiểu Bình cùng phu nhân Trác Lâm và cháu gái Dương Dương đi dạo công viên vào mùa xuân năm 1986

Các cấp chính quyền được thành lập sau khi dựng nước Trung quốc mới “nhất loạt diệt vong”, lãnh đạo các cấp tiếp tục bị đánh đổ, thật đúng là những năm tháng điên khùng.

Nhưng, nếu chỉ riêng đánh đổ lãnh đạo đảng và chính quyền các cấp, vẫn không no nê được dã tâm của bè lũ Lâm Bưu và Cách mạng văn hoá. Với kế sách của Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên ở Ban Cách mạng văn hoá trung ương, bắt đầu từ tháng giêng, phái tạo phản ở Thượng Hải cướp đoạt quyền của đảng và chính quyền thành phố. Thế là bắt đầu từ đấy, được sự khẳng định của Mao Trạch Đông, trong phạm vi toàn quốc dấy lên cả một phong trào cướp đoạt chính quyền. Lấy phái tạo phản của Cách mạng văn hoá làm cơ sở, tổ chức thành Uỷ ban cách mạng, thay thế cho mọi cơ cấu tổ chức của đảng và nhà nước.

Đối với phong trào tiếm quyền, Mao Trạch Đông không những tán thành ủng hộ, mà còn coi đó là một biện pháp thực thi chủ yếu để thực hiện lý tưởng cách mạng liên tục của ông ta. Lý tưởng của ông ta là nhờ vào cuộc “Biến đổi cách mạng vĩ đại nhất, chưa từng có trong lịch sử nhân loại” để đập phá cho tan nát cái thế giới cũ trong tay “kẻ cầm quyền đi theo đường lối tư bản”, xây dựng một thế giới mới, cách mạng hoá hoàn toàn mới. Hình thức cụ thể của thế giới lý tưởng, tức là xây dựng một chính quyền “cách mạng” hoàn toàn mới, nằm trong tay của phái cách mạng vô sản, giống như công xã Pa ri, tức là Uỷ ban Cách mạng!

Mao Trạch Đông nói: Đại cách mạng văn hoá sẽ đi từ “Thiên hạ đại loạn” tới chỗ Thiên hạ đại trị. Thành lập Uỷ ban Cách mạng, phải chăng đó là một loại “đại trị” như trong lòng ông ta hằng mong ước? Nếu quả là như vậy, thì hỏng bét và sai toét rồi. Cái “đại trị” không che đậy nổi sự thật, là tiếp tục đại loạn, là cái sự nghiệp ấy đã hẫng chân, không thể thu vén lại được, càng thêm đại loạn rối ren hơn.

Phải tạo phản tấn công vào trường học, tấn công vào các cấp đảng và chính quyền địa phương, tấn công vào quân đội, những sự kiện hỗn loạn một cách đại quy mô hơn tiếp nảy sinh, ở Thành Đô đã xảy ra chuyện “chống đối lẫn nhau” giữa phái”tạo phản và quân đội, ở Tây Ninh đã xảy ra chuyện quân đội bắt buộc phải nổ súng phản kích phái tạo phản, và có người bị bắn chết, ở Vũ Hán đã xảy ra chuyện phái tạo phản tấn công vào báo chí, vào quân đội dẫn tới việc quân đội “bắt người”, ở Quảng Đông, Nội Mông Cổ, An Huy, Hà Nam, Hồ Nam, Phúc Kiến, Tây Tạng và nhiều nơi khác đều liên tục xảy ra các thứộch cứ như chào đón, vời gọi nhau.

Sau khi Cách mạng văn hoá bắt đầu, trước hết là xảy ra chuyện đấu tố và lục soát nhà cửa, tiếp đó là hàng loạt cán bộ bị bức hại và đánh đổ. Tất cả, tất cả những cái đó khiến cho rất nhiều, rất nhiều người, từ hoang mang lúc đầu biến thành bất an, biến thành chống đối, biến thành phẫn nộ.”

Tháng hai, với một bên là Trần Nghị (1), Diệp Kiếm Anh(2), Từ Hướng Tiền(3), Nhiếp Vinh Trăn(4), Lý Phú Xuân, Lý Tiên Niệm(5), Đàm Chấn Lâm(6), Dư Thu Lý(7), Cốc Mục(Cool cùng các cán bộ lão thành khác, gươm đao vào trận đấu tranh với Cách mạng văn hoá trung ương mà đại diện là Khang Sinh, Trần Bá Đạt, Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên.
Cả lớp các đồng chí lão thành cách mạng này đã từng vì cách mạng mà vào sinh ra tử, vì xây dựng xã hội chủ nghĩa mà đổ bao mồ hôi tâm huyết, trong hội nghị của Bộ Chính trị, hội nghị Quân uỷ trung ương đã tố cáo những hành động bạo ngược và phi pháp xảy ra trong Cách mạng văn hoá, đã phẫn nộ lên án những âm mưu và hành động ngỗ ngược, lật đổ của Ban Cách mạng văn hoá trung ương, lời lẽ mạnh mẽ của ngôn từ, thái độ đàng hoàng, hiên ngang, nộ khí bừng bừng, thật đáng gọi là chính khí lẫm liệt, sảng khoái tràn trề.

Song, có điều bất hạnh là, những lời nói chân chính ấy không những không hoán tỉnh được Mao Trạch Đông, mà ngược lại, khiến ông ta cảm thấy rằng đây là những lời dèm pha, sự trở ngại xưa nay chưa từng có đối với phong trào cách mạng do đích thân ông ta đứng ra phát động. Ông ta đã nghiêm khắc phê bình và chụp mũ cho sự phản kháng này là dòng “nước ngược tháng hai”, đồng thời hạ quyết tâm phá bỏ hết mọi trở lực, tiếp tục đi sâu, mở rộng phong trào “cách mạng”, “chưa từng có trong lịch sử”, nhưng lại luôn luôn làm cho mọi người bối rối, không sao hiểu nổi.

Trong tháng ba, đã triệu tập cuộc họp ban công tác trung ương, Mao Trạch Đông lại thêm một lần nữa phê phán Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, đồng thời trong thời gian đó cho thành lập “Tổ chuyên án Lưu Thiếu Kỳ” chuyên việc điều tra “tội lỗi” của Lưu Thiếu Kỳ.

Trong tình trạng mà sự phê phán càng ngày càng thêm mạnh mẽ, việc công khai chỉ đích danh Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, đặc biệt là đối với Lưu Thiếu Kỳ đã trở thành điều tất nhiên. Ngày 1.1.1967, báo “Nhân dân” và tạp chí Cờ đỏ in một bài của Thích Bản Vũ (tổ viên Tổ Cách mạng văn hoá trung ương) phê phán Lưu Thiếu Kỳ với tựa đề: “Chủ nghĩa yêu nước hay chủ nghĩa bán nước”. Trong bài đó ngoài việc dùng câu “Kẻ cầm quyền lớn nhất trong đảng đi theo đường lối tư bản” để thay thế cho cái tên Lưu Thiếu Kỳ, còn chụp cho Đặng Tiểu Bình danh hiệu “Một kẻ cầm quyền lớn nhất khác trong đảng đi theo đường lối tư bản”, để công khai phê phán. Công khai phê phán, tuy chẳng chỉ rõ họ tên ra, nhưng tất cả bàn dân thiên hạ đều biết đây chính là một cuộc đánh đổ. Trong thời kỳ không bình thường đó, đấu tố không cần thỉnh thị, tóm cổ lôi ra là đấu, ai lôi cổ ai ra, người đó có thể đấu, lúc nào tóm cổ được là lôi ra đấu ngay lúc bấy giờ. Đánh đổ cũng không cần phê chuẩn, chỉ cần cấp trên - đương nhiên là chỉ Lâm Bưu, Giang Thanh, và những ông kễnh Cách mạng văn hoá - có người ra hiệu, hoặc phái tạo phản nhận thấy rằng, cần phải như thế, là lập tức có thể lôi người ta ra. Khi đấu tố vừa bắt đầu, khi khẩu hiệu vừa gào lên, coi như đã bị cách cổ, và cũng coi như đã bị đánh đổ. “Nhưng nếu muốn đánh đổ cán bộ cao cấp của đảng, của nhà nước hoặc lãnh đạo tối cao, thì còn cần phải có một “trình tự”, “chính thức”, đó là còn cần phái có báo chí công khai phê phán. Vạch mặt chỉ tên cũng có những hình thức khác nhau, một loại là vạch mặt chỉ tên công khai, một loại khác của việc vạch mặt chỉ tên nhưng lại phải đội một cái danh hiệu đã được quy định nào đó. Vào thời đó, bị vạch mặt chỉ tên rõ ràng là một sự kiện lớn, có gọi tên thật ra không, gọi tên những ai, ra, khi nào gọi tên ra, gọi tên như thế nào, đều là một loại “đãi ngộ”.

Cách chỉ tên phê phán của báo chí của đảng, ngày một được nâng cấp nhưng vẫn mang hơi hướng của hai người: Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình là: “Kẻ cầm quyền lớn nhất trong đảng đi theo đường lối tư bản”.

Ngày 3.4.1967, cha tôi cầm bút viết cho Mao Trạch Đông một lá thư. Trong thư viết: “Suốt từ ngày 12.1.1967 đến nay, tôi vẫn mong được gặp Chủ tịch để xin chỉ giáo, nhưng lại cảm thấy rằng, trong khi quần chúng đang kịch liệt phê phán đường lối phản động cũng như hậu quả nghiêm trọng đó của tôi, lại đến cầu kiến Chủ tịch, liệu có thật thích đáng không, cho nên tôi vẫn cứ do dự là vậy. Hôm mới rồi, tôi có đọc bài báo của đồng chí Thích Bản Vũ thấy rằng tính chất sai phạm của tôi đã được định rõ. Nên trong tình hình này, lòng mong mỏi diện kiến, xin chỉ giáo của Chủ tịch rõ ràng là rất cần thiết. Nếu như Mao Chủ tịch cho là được, xin thông báo cho tôi biết bất cứ lúc nào”.

Thư viết cho Mao Trạch Đông được đưa đi, nhưng chẳng thấy có một hồi âm nào, nên chỉ còn biết đợi chờ, sự đợi chờ vô vọng trong hoàn cảnh đầy hiểm nguy, bất trắc.

Ngày 6.4.1967, phái tạo phản xông vào nhà Lưu Thiếu Kỳ, đấu tố vị Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã được bầu chính thức trong Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc. Ngày hôm sau, Lưu Thiếu Kỳ viết báo chữ to tranh luận, biện luận, dán ở Trung Nam Hải, nhưng chỉ mấy giờ đồng hồ sau đã bị xé nát. Ngày 10 cùng tháng, phái tạo phản trường Đại học Thanh Hoa mở một đại hội, có 30 vạn người tham dự đấu tố Vương Quang Mỹ, phu nhân Lưu Thiếu Kỳ.

Việc phê phán Lưu Thiếu Kỳ trở nên điên cuồng, cha tôi và cả gia đình tôi cũng đã chuẩn bị tư tưởng sẵn sàng ứng phó với tình hình càng ngày càng trở nên thảm khốc. Đến tháng năm, có một hôm, chủ nhiệm Văn phòng trung ương đảng là Uông Đông Hưng tìm đến nhà tôi, gặp cha tôi trò chuyện. Uông Đông Hưng nói với Đặng Tiểu Bình: Chủ tịch vừa mới trừ về Bắc Kinh, nhờ Uông Đông Hưng đến thăm Đặng Tiểu Bình. Mao Trạch Đông cho Uông Đông Hưng truyền đạt ba ý kiến của mình: thứ nhất cần nhẫn nại, không nên cuống gấp; thứ hai, Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình là riêng biệt; thứ ba. nếu có việc gì có thể viết thư cho ông (Mao Trạch Đông). Sau khi nghe xong những ý kiến của Mao Trạch Đông được Uông Đông Hưng truyền đạt lại, Đặng Tiểu Bình đã tỏ bày: rất nhiều vấn đề được nếu ra trong báo chữ to không dúng sự thật, ông yêu cầu được gặp Mao Chủ tịch để trình bày. Uông Đông Hưng đã chuyển đề đạt đó tới Mao Trạch Đông. Chẳng bao lâu sau, một hôm trời đã khuya, mọi người trong nhà tôi đều đã ngủ cả, ngoài sân tối om. Cũng chẳng biết lúc đó là mấy giờ, đột nhiên lũ trẻ con chúng tôi nghe thấy máy điện thoại réo chuông liên hồi ở nhà phía tây, tôi mơ mơ màng màng choàng dậy đi nhấc điện thoại, tôi nghe thấy tổng đài nói, thư ký tổ một (nơi Mao Trạch Đông) cần tìm thư ký của cha tôi là Vương Thuỵ Lâm để nói chuyện, nhưng Vương Thuỵ Lâm lại không trực ban ở phòng làm việc, nên nhờ tìm Vương Thụy Lâm tới nghe điện thoại. Khi ấy nhà của Vương Thuỵ Lâm ở cách nhà chúng tôi rất gần, nhưng trong nhà lại không có điện thoại. Sau khi đi tìm được Vương Thuỵ Lâm tới không lâu, thì thư ký của Mao Trạch Đông là Từ Nghiệp Phu cũng tới nhà tôi ở bên cạnh Hoài Nhân đường, trong Trung Nam Hải.
Logged
Trang: 1 2 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM