Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:24:21 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các loại tên lửa phòng không (SAM) và xe PK tự hành (ZSU) của Liên Xô và Nga  (Đọc 489036 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #100 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2009, 09:46:25 pm »

Hệ thống thông tin phục vụ chỉ huy tác chiến phòng không giữa các sở chỉ huy phòng không và đơn vị chiến đấu

Nếu như hệ thống thông tin tình báo trên không giúp cấp chỉ huy tác chiến phòng không của Hệ thống 25 nắm bắt mọi diễn biến tình huống trên không và ra quyết định tác chiến phòng không kịp thời chính xác, thì hệ thống thông tin chỉ huy tác chiến giữa các sở chỉ huy giúp Hệ thống 25 phản ứng có hiệu quả, phối hợp nhịp nhàng trong tác chiến phòng không bảo vệ không phận mục tiêu được giao.

Hệ thống thông tin phục vụ chỉ huy tác chiến phòng không giữa các sở chỉ huy của Hệ thống 25 là hệ thống 2 chiều (truyền lệnh và báo cáo phản hồi) và 2 phương thức (mạng vô tuyến và hữu tuyến).

Mạng thông tin hữu tuyến sử dụng cáp thông tin nội bộ kết nối với tổng đài của các sở chỉ huy theo hướng trên-dưới và đồng cấp, tạo thành kênh liên lạc thẳng và đường vòng. Hệ thống tuy-nen dẫn cáp liên lạc được thiết kế đặc biệt, có khả năng chịu được xung chấn trong trường hợp bị tấn công hạt nhân. Mạng thông tin hữu tuyến là nơi diễn ra hầu hết các hoạt động thông tin nội mạng của Hệ thống 25.

Mạng thông tin vô tuyến sử dụng các đài phát tín hiệu công suất lớn và các trạm vô tuyến tiếp sức di động tạo thành kênh liên lạc thẳng và đường vòng giữa các sở chỉ huy. Đầu thập niên 1980, Hệ thống 25 được trang bị các đài tiếp sức đa kênh công suất lớn, chống chế áp điện tử (vốn dùng cho các hệ thống phòng không di động đời sau) là 5Ya62 và 5Ya63.

Cột an-ten 2 loa của đài vô tuyến tiếp sức 5Я62

Cụm an-ten 3 loa của đài vô tuyến tiếp sức 5Я63

Xe vô tuyến tiếp sức R-137 (gồm các đài phát R-137, đài thu R-155U, đài thu R-323, đài tiếp sức R-405, đài thu phát R-107 và máy điện tín T63SU-13)
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Bảy, 2009, 11:49:03 am gửi bởi OldBuff » Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #101 vào lúc: 10 Tháng Ba, 2009, 11:10:49 pm »

Nguyên lý vận hành của Hệ thống 25

Phát hiện mục tiêu

Kết hợp với tình báo xa từ mạng quốc gia K1, Hệ thống 25 sử dụng các đài cảnh giới nội mạng và các máy hỏi (máy nhận dạng ta-địch) để phát hiện mục tiêu đường không cũng như tính chất mục tiêu hoạt động trong hoặc gần vùng không phận quản lý.

Hệ thống đài nhìn vòng, đài đo cao cung cấp tham số 3 chiều về mục tiêu tiếp cận không phận cho sở chỉ huy lữ đoàn ra-đa phân khu và tổng trạm ra-đa để tổ hợp tình báo đường không. Trên cơ sở mẫu tín hiệu, các thông số về tốc độ, độ cao và tính chất hoạt động, tổng trạm ra-đa xác định kiểu loại của mục tiêu hoặc tốp mục tiêu. Các tình báo mục tiêu được tổng trạm ra-đa phát qua mạng tình báo nội mạng và thể hiện trên bảng tiêu đồ 99 tại các sở chỉ huy phòng không của Hệ thống 25.

Kênh chỉ huy tác chiến sau khi phát hiện mục tiêu

Tại sở chỉ huy phòng không Tập đoàn phòng không chuyên nhiệm số 1, sĩ quan trực ban tác chiến căn cứ tình huống trên không thể hiện trên bảng tiêu đồ 99 và tính chất của tốp mục tiêu để quyết định báo động chuyển cấp sở chỉ huy hoặc chuyển cấp một phần hay toàn bộ Hệ thống 25 trên mạng tình báo nội bộ. Đối với chuyển cấp sở chỉ huy (thường được gọi là “vào cấp” và “về cấp”), ban tham mưu trực ban tác chiến, sĩ quan hiệp đồng không quân tiêm kích, các sĩ quan truyền lệnh hướng quân đoàn phòng không phân khu và các trực ban hậu cần, kỹ thuật và chính trị phải có mặt tại sở chỉ huy theo lệnh báo động. Riêng việc chuyển cấp trực tiếp một phần hay toàn bộ Hệ thống 25 qua mạng vô tuyến phải sử dụng bảng mã lệnh khẩn cấp được lưu tại sở chỉ huy. Các quân đoàn phòng không phân khu sau khi nhận lệnh chuyển cấp qua mạng vô tuyến phải xác nhận lệnh qua kênh hữu tuyến hoặc kênh vô tuyến dự phòng. Từ thời điểm vào cấp, quyền chỉ huy tối cao tại sở chỉ huy được chuyển cho tư lệnh Tập đoàn.

Tại sở chỉ huy các quân đoàn phòng không phân khu, sau khi nhận lệnh chuyển cấp từ sở chỉ huy cấp trên qua mạng tình báo thể hiện trên bảng tiêu đồ 99 thì ngoài việc xác nhận lệnh chuyển cấp, sĩ quan trực ban tác chiến phải ra lệnh chuyển cấp sở chỉ huy và các trung đoàn hỏa lực trong phân khu. Cấu tạo ban chỉ huy tác chiến khi chuyển cấp của sở chỉ huy quân đoàn phòng không phân khu cũng tương tự thành phần trực chiến sở chỉ huy Tập đoàn. Từ thời điểm vào cấp, quyền chỉ huy tối cao tại sở chỉ huy được chuyển từ sĩ quan trực ban sang tư lệnh/phó tư lệnh trực ban của quân đoàn. Sở chỉ huy quân đoàn phòng không phân khu phán đoán và quyết định tiêu diệt mục tiêu đi vào vùng hỏa lực của trung đoàn hỏa lực trong phân khu trừ khi có quyết định khác từ sở chỉ huy cấp trên. Thông thường, việc xử lý tình huống trên không ở cấp quân đoàn phòng không phân khu được lập thành các bộ quy trình xử lý và những tình huống ngoài quy trình đều phải được chấp thuận từ sở chỉ huy cấp trên.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Ba, 2009, 06:55:58 pm gửi bởi OldBuff » Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #102 vào lúc: 11 Tháng Ba, 2009, 11:12:18 pm »

Nguyên lý vận hành của Hệ thống 25

Phân công hỏa lực

Phân công hỏa lực là sự phân công nhiệm vụ và phối hợp tác chiến giữa các đơn vị hỏa lực của Hệ thống 25, giữa Hệ thống 25 với các đơn vị phòng không hỗ trợ và tiêm kích phòng không của hệ thống phòng không hợp nhất nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khu vực phòng không.

Nhiệm vụ chặn kích tầm xa được giao cho lực lượng máy bay tiêm kích phòng không đóng tại các sân bay quân sự quanh Mát-xcơ-va. Trong trường hợp hoạt động trong tầm hỏa lực của Hệ thống 25, máy bay tiêm kích phòng không và các phân đội hỏa lực của Hệ thống 25 có cơ chế hiệp đồng theo hành lang và độ cao tác chiến nhằm tránh sót lọt mục tiêu hay bắn nhầm. Quá trình phân công nhiệm vụ xử lý tốp mục tiêu giữa tên lửa phòng không và máy bay tiêm kích phòng không diễn ra tại sở chỉ huy Tập đoàn phòng không chuyên nhiệm số 1. Việc quản lý và hiệp đồng tác chiến cụ thể giữa hai lực lượng này trên không phận phân khu thuộc thẩm quyền của các quân đoàn phòng không phân khu.

Một số loại máy bay tiêm kích phòng không chiến lược tham gia hiệp đồng với Hệ thống 25 được sử dụng tại khu vực Mát-xcơ-va

Máy bay tiêm kích đánh chặn Su-9 đưa vào trang bị năm 1963 tại Trung đoàn tiêm kích phòng không số 28 đóng tại sân bay quân sự Kri-trev

Máy bay tiêm kích đánh chặn Su-11 trang bị năm 1965 tại Trung đoàn tiêm kích phòng không số 790 tại sân bay quân sự Khotilovo

Máy bay tiêm kích đánh chặn Yak-28P trang bị năm 1965 tại sân bay quân sự Domodievdovo

Máy bay tiêm kích đánh chặn Mig-25P trang bị năm 1973 tại sân bay quân sự Akhtubinsk

Nhiệm vụ phòng chống máy bay chiến thuật (máy bay cho các nhiệm vụ hộ tống, chế áp, tiếp liệu, tác chiến điện tử, v.v) phục vụ tập kích đường không chiến lược của đối phương trên không phận bảo vệ và bảo vệ trận địa của Hệ thống 25 được giao cho các đơn vị tên lửa phòng không hỗ trợ phối thuộc cho Hệ thống 25. Các đơn vị tên lửa phòng không phối thuộc cho Hệ thống 25 có biên chế cấp tiểu đoàn và sử dụng các tổ hợp tên lửa cơ động hoặc bán cơ động như S-75 và S-125, được bố trí trên các hướng chính yếu ở phân khu bắc và tây, hoặc các hướng theo tình hình tác chiến cụ thể (ví dụ phân khu nam trong thời gian diễn ra các cuộc chiến tranh Trung Đông giữa I-xra-en và các nước Ả-rập).

Nhiệm vụ chủ yếu của các trung đoàn hỏa lực trong Hệ thống 25 là phòng chống lực lượng máy bay tấn công chiến lược của đối phương tập kích vào không phận Mát-xcơ-va. Đương nhiên với năng lực kỹ thuật của mình, hệ thống này cũng có thể được sử dụng để bắn hạ mục tiêu trên không bất kỳ có khả năng đe dọa không phận bảo vệ.

Trên cơ sở đánh giá và phán đoán ý đồ các tốp mục tiêu đối phương xuất hiện trên bảng tiêu đồ, sở chỉ huy Tập đoàn phòng không chuyên nhiệm số 1 giao nhiệm vụ theo dõi và/hoặc tiêu diệt tốp mục tiêu cho quân đoàn phòng không phân khu liên quan. Việc giao nhận quản lý hay tiêu diệt tốp mục tiêu giữa sở chỉ huy Tập đoàn và các quân đoàn phân khu được thực hiện thông qua sĩ quan truyền lệnh hướng căn cứ theo số hiệu đầu tốp đánh dấu trên bảng tiêu đồ. Khi tốp mục tiêu thoát ly khỏi không phận phụ trách của phân khu hay chuyển sang không phận quản lý của phân khu khác thì sở chỉ huy quân đoàn phòng không phân khu phải bàn giao đầu tốp và báo cáo tình hình cho sở chỉ huy Tập đoàn.

Sau khi nhận bàn giao tốp từ sở chỉ huy cấp trên, trên cơ sở phán đoán tình hình và hướng tiếp cận của mục tiêu đối với không phận bảo vệ, sở chỉ huy quân đoàn phòng không phân khu tiếp tục giao nhiệm vụ theo dõi, quản lý hoặc tiêu diệt tốp mục tiêu cho trung đoàn hỏa lực liên quan. Quá trình bàn giao tốp mục tiêu giữa sở chỉ huy quân đoàn phòng không phân khu và trung đoàn hỏa lực liên quan diễn ra tương tự như việc bàn giao giữa sở chỉ huy Tập đoàn với sở chỉ huy quân đoàn phòng không phân khu. Khi được giao tốp mục tiêu, trung đoàn hỏa lực phải tiến hành mở máy đài nhìn vòng chuyên nhiệm A-100 để quản lý tốp mục tiêu của mình. Để đảm bảo bí mật trận địa và chống vũ khí chế áp, đài điều khiển B-200 chỉ phát sóng khi trung đoàn hỏa lực nhận lệnh tiêu diệt tốp mục tiêu được phân công.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Ba, 2009, 07:11:42 pm gửi bởi OldBuff » Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #103 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2009, 11:53:50 am »

Nguyên lý vận hành của  Hệ thống 25

Sục sạo mục tiêu

Tại phân đội hỏa lực (trung đoàn tên lửa phòng không chuyên nhiệm) của Hệ thống 25, đài nhìn vòng chuyên nhiệm A-100 (đài 1 của phân đội hỏa lực) phát sóng phát hiện và theo dõi các tốp mục tiêu được phân công và các mục tiêu trên không hoạt động trong không phận và hướng không phận thuộc trách nhiệm quản lý. Tình báo thu được về tốp mục tiêu được giao thể hiện trên màn hiện sóng nhìn vòng của đài 1 được thông báo về hầm chỉ huy của phân đội hỏa lực và được đánh dấu trên bàn tình báo gần.

Đài nhìn vòng chuyên nhiệm A-100 (đài 1 của các phân đội hỏa lực trong Hệ thống 25)

Tùy theo quy trình xử lý tình huống mà thủ trưởng phân đội quyết định thời điểm phát sóng đài điều khiển B-200 (được gọi là đài 2) để đảm bảo thời cơ bắn tốt nhất và hạn chế bộc lộ vị trí đài trước vũ khí chế áp của đối phương. Sau khi nhận chuyển giao tham số của tốp mục tiêu từ đài 1 qua chế độ tự động đồng bộ phần tử hoặc thao tác thủ công của trắc thủ điều khiển, đài 2 phát sóng sục sạo nhằm phát hiện mục tiêu được giao để chuẩn bị cho thủ tục xạ kích của đài điều khiển tên lửa B-200.

Phần an-ten thu phát và điều khiển đài điều khiển hỏa lực B-200 (đài 2 của các phân đội hỏa lực trong Hệ thống 25)
Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #104 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 01:17:31 pm »

Nguyên lý vận hành của Hệ thống 25

Bắt bám mục tiêu

Đài điều khiển B-200 mở máy phát sóng quét vùng chỉ thị nhằm sục sạo phát hiện tốp mục tiêu được phân công. Với việc sử dụng băng sóng đề-xi-mét và kích cỡ an-ten phát công suất lớn, đài B-200 là đài điều khiển duy nhất trên thế giới tại thời điểm đó có khả năng quét góc rộng nhằm sục sạo bắt mục tiêu mới trong khi vẫn bám sát các mục tiêu đã quét được.

Vùng quét góc điện tử của đài điều khiển B-200 trong chế độ bắt bám mục tiêu (góc chùm quét 60 độ, chùm rộng 1 độ)

Sau khi bắt được mục tiêu, đài B-200 tiến hành bám sát mục tiêu theo 1 trong 3 chế độ bám (bám thủ công, bám tự động và bám hỗn hợp) nhằm thiết lập đường ngắm với các tham số 3 chiều về mục tiêu (phương vị, góc tà và cự ly) sử dụng cho việc tính toán phần tử bắn. Hai chế độ bám thủ công và bám hỗn hợp (kết hợp giữa bám tự động góc tà và phương vị, bám thủ công cự ly) được áp dụng trong điều kiện bám mục tiêu trong môi trường có nhiễu tích cực và tiêu cực.


Khổi kiểm soát phóng đài điều khiển B-200 (bên trái là màn hiện sóng phương vị-cự ly; bên phải là màn hiện sóng góc tà-cự ly)


Chi tiết các phần tử trên màn hiện sóng đài điều khiển B-200


Tham số mục tiêu do đài điều khiển B-200 phát hiện được tổ hợp thành tình báo hỏa lực dùng để xác nhận mục tiêu xạ kích trong hệ thống. Theo điều lệnh, tình báo hỏa lực được phát ngược theo mạng vô tuyến thoại tiếp sức từ phân đội hỏa lực lên sở chỉ huy quân đoàn phòng không phân khu. Tại đây, tình báo hỏa lực do phân đội hỏa lực truyền ngược lên được thể hiện trên bảng tình báo hỏa lực (bảng tiêu đồ 55) với số hiệu đầu tốp quy định riêng cho phân đội hỏa lực đó. Trong trường hợp không có tình báo hỏa lực xác nhận do đài điều khiển của phân đội hỏa lực liên quan không phát hiện được tốp mục tiêu (do trục trặc kỹ thuật hoặc bị chế áp), tốp mục tiêu sẽ được giao lại cho các đơn vị hiệp đồng đánh bọc lót (máy bay tiêm kích phòng không, tổ hợp tên lửa phòng không S-75, S-125).
Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #105 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 10:40:33 pm »

Nguyên lý vận hành của Hệ thống 25

Lập lệnh

Trên cơ sở các tham số về mục tiêu thu được trong giai đoạn bắt bám mục tiêu, hệ thống máy tính phần tử BESM của đài điều khiển B-200 chạy các thuật toán để xác định tham số bắn cho việc điều khiển đạn tên lửa. Quá trình này được gọi là lập lệnh và kết quả là các dãy lệnh lập theo phương pháp điều khiển cụ thể cho phép xác định đường đạn để đưa đạn tên lửa tới tiêu diệt tốp mục tiêu được phân công.


Phòng tính toán lập lệnh của đài điều khiển B-200


Máy tính phần tử BESM của đài điều khiển B-200

Đài điều khiển B-200 cung cấp 3 phương pháp điều khiển: phương pháp bắn 3 điểm, phương pháp bắn vượt trước nửa góc và phương pháp bắn điều khiển cưỡng bức.

Phương pháp bắn 3 điểm (phương pháp ТТ/трех-точки) dùng để bắn mục tiêu có đường bay ổn định theo hướng vào hoặc ra có độ lệch tâm đường ngắm ít. Về bản chất, phương pháp bắn ba điểm là việc đài B-200 điều khiển đạn tên lửa tới mục tiêu với đường đạn trùng với đường ngắm (trùng góc tà và phương vị giữa đạn tên lửa và mục tiêu). Ngay từ khi xác định các tham số 3 chiều về mục tiêu, các máy tính BESM xác định độ rộng và hướng chùm bắt cưỡng bức, cũng như hướng của chùm dẫn của an-ten điều khiển để trỏ đạn tên lửa bay theo hướng mục tiêu. Máy tính BESM còn có một số thuật toán cho phép xác định lệnh điều khiển đạn tới mục tiêu khi không xác định được cự ly mục tiêu do gặp nhiễu tích cực (tương tự phương pháp bắn ТТ- И87 dùng cho hệ thống S-75).


Giai đoạn cuối của đạn tên lửa được điều khiển theo phương pháp bắn 3 điểm (đạn đang đuổi mục tiêu)

Phương pháp bắn vượt trước nửa góc (phương pháp PS/половинное спрямление - ПС) dùng để bắn mục tiêu có tốc độ tiếp cận lớn, đường bay không ổn định hoặc hướng bay cắt ngang đường ngắm. Phương pháp vượt trước nửa góc cũng còn được gọi là phương pháp bắn đón. Dựa trên tham số mục tiêu, máy tính BESM xác định hướng bay tạm thời, tính toán điểm tới dự kiến của mục tiêu và góc đón để đạn tên lửa tiếp cận mục tiêu. Các lệnh điều khiển lập theo phương pháp bắn này nhằm xác định đường dẫn đạn tên lửa theo trung bình cộng góc tạo bởi đường phương vị tại vị trí hiện thời và dự kiến của mục tiêu, trung bình cộng góc tà theo vị trí hiện thời và dự kiến của mục tiêu.


Giai đoạn cuối của đạn tên lửa được điều khiển theo phương pháp bắn vượt trước nửa góc (2 đạn đang đón mục tiêu)

Phương pháp bắn điều khiển cưỡng bức (phương pháp K/команд) dùng để bắn mục tiêu bay thấp hoặc bổ thấp trong không phận bảo vệ. Do bắn mục tiêu bay thấp hay bổ thấp đòi hỏi phải khắc phục góc chết (góc cấm phóng) và độ an toàn cho đối tượng cần bảo vệ trước chính đạn tên lửa, máy tính BESM xác định đường dẫn đạn tên lửa kéo cao rồi mới tiếp cận mục tiêu từ phía trên, đồng thời xác định tham số nổ của đầu đạn theo lệnh điều khiển.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Ba, 2009, 10:42:04 pm gửi bởi OldBuff » Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #106 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 12:41:16 am »

Nguyên lý vận hành của Hệ thống 25

Xạ kích

Phòng điều khiển của đài điều khiển B-200 có 4 khối điều khiển kiểm soát 20 kênh xạ kích (mỗi khối điều khiển quản lý 5 kênh). Ở chế độ bám bằng tay hoặc bám hỗn hợp, mỗi khối điều khiển có 3 trắc thủ: 1 trắc thủ cự ly, 1 trắc thủ phương vị và 1 trắc thủ góc tà. Ở chế độ bám tự động, mỗi khối điều khiển có 2 trắc thủ: 1 trắc thủ bắt bám mục tiêu, 1 trắc thủ điều khiển đạn tên lửa. Trước tiên, trắc thủ bắt bám mục tiêu sử dụng tay quay để chọn mục tiêu được phân công và chế độ bám tự động trên màn hiện sóng phương vị-cự ly. Sau khi chọn xong tham số phương vị, trắc thủ mục tiêu tiếp tục chọn tham số góc tà của mục tiêu và chế độ bám tự động trên màn hiện sóng góc tà-cự ly. Trắc thủ mục tiêu tiến hành chọn bám tuần tự 5 mục tiêu cho 5 kênh xạ kích thuộc khối điều khiển của mình theo trình tự trên. Sau khi trắc thủ mục tiêu hoàn tất thủ tục chọn bám, trắc thủ điều khiển đạn tiến hành đồng bộ đạn tên lửa với mục tiêu được phân công của khối điều khiển. Từ thời điểm này, mỗi đạn tên lửa sẽ được phân bổ một tần số điều khiển đạn riêng trên khối an-ten truyền lệnh phù hợp với mục tiêu xạ kích đã được chọn.


Lược đồ xạ kích mục tiêu của một tổ hợp S-25



Đạn tên lửa V-300 rời bệ phóng


Đạn tên lửa V-300 được điều khiển theo phương pháp bám chùm. Tại pha phóng đạn, sau khi lệnh phóng được thi hành, đạn tên lửa bay theo quán tính tới cửa sóng chờ là chùm bắt do an-ten điều khiển phát chùm sóng duy trì tạo ra. Tại pha điều khiển trung kỳ, tham số không gian của đạn do bộ đáp của đạn chuyển về được an-ten thu của đài B-200 tiếp nhận và truyền về phòng tính toán để xử lý. Căn cứ theo phương pháp bắn cùng các tham số không gian của đạn tên lửa và mục tiêu, máy tính BESM lập lệnh điều khiển việc lái chùm dẫn đạn tới vị trí mục tiêu cần tiêu diệt. Tại pha cuối, đầu nổ F-280 của đạn tên lửa nhận lệnh kích nổ từ ngòi nổ vô tuyến (theo 3 chế độ: nổ cận đích, nổ hẹn giờ hoặc nổ điều khiển) để tiêu diệt mục tiêu.


Đầu nổ F-280 của đạn tên lửa V-300 sử dùng trong Hệ thống 25


Một phần đầu nổ F-280 phát lộ các mảnh viên đạn hình lập phương

« Sửa lần cuối: 19 Tháng Ba, 2009, 12:52:43 am gửi bởi OldBuff » Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #107 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2009, 11:41:54 am »

Nguyên lý vận hành của Hệ thống 25

Đánh giá và kiểm tra kết quả xạ kích

Việc đánh giá và kiểm tra kết quả xạ kích của Hệ thống 25 được thực hiện kết hợp thông qua phần tử thu từ đài điều khiển tên lửa và từ hệ thống quan sát mắt nhằm đảm bảo việc tiêu diệt hoặc vô hiệu mục tiêu/tốp mục tiêu được phân công trong khu vực xạ kích được giao. Trường hợp mục tiêu/tốp mục tiêu vẫn chưa bị tiêu diệt hoặc vô hiệu sau loạt bắn, phân đội hỏa lực liên quan tiếp tục thực hiện các loạt xạ kích tiếp theo cho đến khi tiêu diệt/vô hiệu hoàn toàn mục tiêu.

Mục tiêu bị diệt sau khi trúng một chùm 2 đạn tên lửa











Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #108 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2009, 05:03:32 pm »

Thiết kế và thử nghiệm Hệ thống 25

Yêu cầu thiết kế

Nền tảng công nghệ

Ra-đa nhìn vòng chuyên nhiệm A-100

Đài điều khiển B-200

Đạn tên lửa V-300

Trận địa chiến đấu
Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #109 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2009, 01:22:58 am »

Thiết kế và thử nghiệm Hệ thống 25

Yêu cầu thiết kế

Ngày 9/8/1950, Hội đồng bộ trưởng Liên Xô ban hành Nghị định về việc thành lập Lực lượng phòng không quốc gia - Quân chủng Phòng không, đồng thời chỉ rõ Cục thiết kế chuyên nhiệm số 1 (SB-1)/Специальным Бюро (СБ-1) là cơ quan chủ quản của các phòng thiết kế tham gia chương trình phát triển phức hợp tên lửa phòng không và tên lửa đối không tầm xa mang tên Berkut/Беркут để phòng thủ Mát-xcơ-va và các thành phố công nghiệp, trung tâm chính trị khác. Berkut, tên gọi ban đầu của Hệ thống-25, được ghép từ họ của 2 nhân vật hàng đầu tại SB-1 là kỹ sư S.L.Beria (con trai của đương kim Dân ủy nội vụ-Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Lavrenty Pavlovitch Beria) và tổng công trình sư P.N.Kuksenko.

Yêu cầu thiết kế của Phức hợp phòng không Berkut do SB-1 đưa ra cho các phòng thiết kế chuyên ngành gồm:

(i) Hệ thống ra-đa cảnh giới phòng không chuyên nhiệm A-100 Kama băng sóng đề-xi-mét bố trí thành 2 lớp bao quanh thủ đô (lớp trong cách trung tâm từ 25km tới 30km; lớp ngoài cách trung tâm từ 200km tới 300km). Viện nghiên cứu khoa học số 244 (NII-244)/Научно-Исследовательский Институт (НИИ-244) và chủ nhiệm thiết kế L.V.Leonov được giao thiết kế đài nhìn vòng chuyên nhiệm A-100 Kama;

(ii) Đài điều khiển tên lửa đa kênh dẫn bắn B-200/Б-200 trang bị cho các phân đội hỏa lực do chính SB-1 thiết kế dưới sự chỉ đạo của chủ nhiệm thiết kế V.E.Magdesiev;

(iii) Đạn tên lửa có điều khiển V-300/В-300 trang bị cho trận địa của các phân đội hỏa lực do Phòng thiết kế tên lửa số 301 và chủ nhiệm thiết kế là tổng công trình sư S.A. Lavotchkin đảm nhiệm. Bệ phóng và xe chở đạn do Phòng thiết kế khoa học chuyên ngành cấp nhà nước về cơ khí chính xác/ГСКБ ММП và chủ nhiệm thiết kế V.P.Barmin chịu trách nhiệm;

(iv) Máy bay tiêm kích chiến lược G-400/Г-400 (phát triển từ máy bay ném bom chiến lược Tu-4) trang bị tên lửa đối không G-300/Г-300 (bản đối không của tên lửa V-300) do Phòng thiết kế máy bay Tupolev và chủ nhiệm thiết kế A.I.Kortchmar chịu trách nhiệm;

(v) Máy bay cảnh giới đường không tầm xa D-500/Д-500 (phát triển từ loại máy bay ném bom chiến lược Tu-4) do PTK NII-244 và PTK Tupolev phối hợp phát triển.


Như vậy có thể thấy, yêu cầu thiết kế khởi điểm của Phức hợp phòng không Berkut là rất cao so với trình độ khoa học kỹ thuật quân sự Xô-viết đương thời. Sau khi Stalin qua đời và Beria bị bắt vào tháng 6/1953, Phức hợp phòng không Berkut được Hội đồng bộ trưởng Liên Xô đổi tên thành Hệ thống 25 và chỉ giữ lại 3 nội dung đầu của yêu cầu thiết kế cho hệ thống tên lửa phòng không. Hai cấu phần bị hủy bỏ của hệ thống này gồm máy bay tiêm kích chiến lược và máy bay cảnh giới đường không vẫn được LX/Nga tiếp tục phát triển tới tận ngày nay (máy bay hộ tống/tiêm kích chiến lược Tu-160P/Tu-161 và máy bay cảnh giới/chỉ huy đường không A-50).


« Sửa lần cuối: 09 Tháng Bảy, 2009, 01:27:43 am gửi bởi OldBuff » Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM