Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Tư, 2024, 10:50:33 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhật kí Nguyễn Văn Thắng  (Đọc 321157 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #60 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2011, 04:41:37 pm »

         Chào bác Vanthanght. Biết bác bận mải lo phục vụ chị bệnh. Hôm nay lại mới có bài viết tiếp . Anh em đang rất mong bài viết của bác. Tranphu rất mừng là như vậy việc chữa bệnh của chị đã tạm ổn.

                  Cầu chúc cho bác luôn khỏe, chị nhà mau chóng bình phục. Để ae mình có dịp giao lưu, kể cho nhau nghe những chuyện của những năm tháng hào hùng đó. Nhất là với bác được gần các tt Sư đoàn nên hiểu nhiều chuyện "Triều đình" hơn. Rất trân trọng và chúc sức khỏe bác!
Logged
hieuc3d26f7
Thành viên
*
Bài viết: 106



« Trả lời #61 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2011, 08:53:44 pm »

           Xin chào anh Văn Thắng 341 cùng các anh em tham gia trên trang của anh.
.
     Mấy tháng nay vì bận công việc nên tôi không lên mạng được. Nay mở diễn đàn dựng nước giữ nước gặp trang của tác giả với chủ đề :" Nhật kí Nguyễn Văn Thắng" thấy nhiều anh em hơn 30 năm trước tiến vào giải phóng thành phố Phnong Pênh, trao đổi về trận đánh này. Cảm ơn các anh đã cho biết thêm nhiều tình tiết mới trong ngày 7/1/1979. Tôi cũng là một người lính của sư đoàn 7 tham gia chiến dịch này. Mặc dù trận đánh cách đây khá lâu nhưng tôi không thể nào quên chiến dịch này được. Kể từ khi sư đoàn 7 đánh cửa mở đường 10, cầu đôn so cho đến khi giải phóng thành phố.
     Trong chiến dịch này tôi đi với trung đoàn 209 F7 theo những ghi chép của mình ở chiến trường thì chiến dịch giải phóng Phnong Pênh ở hướng chúng tôi như sau:
   - Từ  ngày mồng 1 đến chiều 3/1/1979 trung đoàn 209 và trung đoàn 141 của sư đoàn 7 đục tung cửa mở chiếm đường 10 cầu Đôn So, đơn vị chiếm cầu là tiểu đoàn 7.
   - suốt đêm ngày 3 đến sáng 4/1/1979 trung đoàn 209 luồn sâu cắt đứt đường số 1, không cho địch rút về phà Niếc Nương, đơn vị đi đầu cũng là D7.
   - Ngày 4/1/1979 trung đoàn 141 và 2 tiểu đoàn của trung đoàn 209 tiếp tục đánh lên hướng phà Niếc Nương.
   - Sáng 5/1/1979 trung đoàn 165 của sư đoàn 7 đánh chiếm bến phà Niếc Nương thu nhiều vũ khí quân trang, quân dụng của địch. Chiều ngày 5/1/1979 trung đoàn 165 cùng với lực lượng công binh dùng phà ghép tiến công sang bên kia bến phà dưới sự chi viện của lực lượng pháo binh.
   - Ngày 6/1/1979 tàu hải quân đưa lực lượng còn lại của E165 và trung đoàn 141 qua sông. Tiếp đó có một bộ phận của tiểu đoàn 8 trung đoàn 209 cũng sang sông cùng với trung đoàn 141. Hai tiểu đoàn 7 và 9 của trung đoàn 209 đi sau.
   - 5h ngày 7/1/1979 sở chỉ huy E 209 di chuyển. 7h anh Trần Cường(E trưởng), anh Cưu (tham mưu trưởng) và 2 máy thông tin của E và F do tôi và anh Khôi cùng 1 đồng chí vệ binh đi trên chiếc xe chỉ huy xuống tàu hải quân vượt phà Niếc Nương.
   - Từ sáng 7/1/1979 trung đoàn 141 cùng với lực lượng tăng thiết giáp, tiếp theo là bộ phận của E 209 đánh trên đường số 1. Khoảng 8h sáng E 141 cùng với lực lượng tăng thiết giáp đánh địch mở đường,  xe chỉ huy của E 209 phải dừng lại chờ E 141 đánh địch thông đường. 9h sáng đội hình của ta tiến thẳng vào thành phố đồng thời máy vô tuyến điện của tôi mất liên lạc với đài ở sở chỉ huy sư đoàn vì cự li liên lạc xa.
   - 10h30 cùng ngày bộ phận đi đầu là xe tăng thiết giáp cùng với lực lượng E 141 tiến vào thành phố, 11h xe chỉ huy của E 209 cũng vào thành phố. Khi vào thành phố chúng tôi chưa thấy lực lượng hải quân của ta. Đến chiều đi vào khu hoàng cung thì mới thấy tàu hải quân của ta ở đó không biết họ vào lúc mấy giờ. Vào thành phố không thấy người dân chỉ có bộ đội ta và địch chạm súng, địch thì chạy tìm lối thoát. Chỉ có 1 chiếc xe thiết giáp của ta bị địch bắn cháy trong thành phố còn xe của địch thì vứt ngổn ngang.
  - Từ 12h đến tối các đơn vị ở phía sau đều dồn về thành phố. Đến 1h chiều 7/1 đài vô tuyến điện của tôi mới liên lạc được với đài thông tin ở sở chỉ huy sư đoàn.
  - Tối hôm đó tôi mở đài BBC, Hoa Kì, Trung Quốc không đài nào đưa tin là ta đã đánh vào thành phố Phnong Pênh( chiếc đài chiến lợi phẩm tôi thu được chiều nay). Nửa đêm trung đoàn 209 đã phải tác chiến ở phía sân bay Pô Chen Tông.
  - Sáng ngày 8/1 trên bầu trời thành phố có 1 chiếc máy bay trực thăng của ta đi dải chuyền đơn. Chuyền đơn rơi trắng dọc đường từ cầu Sập lên đến sân bay Pô Chen Tông, chuyền đơn viết bằng tiếng khơme nên chúng tôi không biết nội dung. Theo như nhật kí của anh Thắng thì có lẽ tướng Lê Hữu Đức đi trên chiếc máy bay này đây?
    Tôi chỉ ở thành phố Phnong Pênh được 3 ngày sau đó tiếp tục theo trung đoàn 209 ra truy quyét địch ở khu vực lộ 4. Hơn 10 ngày sau chúng tôi lại quay về để bảo vệ cho chuyến thăm của thủ tướng Phạm Văn Đồng, lúc này tôi mới có dịp ghé qua tiểu đoàn 26 là đơn vị của tôi.tôi lên chạm vô tuyến điện phục vụ ở sở chỉ huy sư đoàn đóng tại đại sứ quán Trung Quốc. Mấy anh trực ở đây cho tôi biết là thủ tướng ghé thăm sư đoàn 7.
    Đánh vào thành phố Phnong Pênh, chiến trường thì rộng lai có nhiều đơn vị tham gia có lẽ chúng ta đánh ở hướng nào thì biết hướng đó.
                                            (Trích 1 số ghi chép của tôi trong trận đánh cách đây hơn 30 năm)
Logged
binhyen1960
Trung tá
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #62 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2011, 10:41:21 pm »

Nhầm là nhầm thế nào được ThangLong69 ơi. Grin
 Dù ai nói gì và nguồn từ đâu thì BY vẫn khẳng định trước Tết Âm lịch 1979 bác Phạm Văn Đồng đã sang K lần đầu tiên sau ngày GP là thời điểm đó. Grin

hìhì...có khả năng người được đơn vị binhyen bảo vệ vòng ngoài ở SB Pochentông ngày 20/01/1979 không phải là thủ tướng PVĐ  Grin vì rất khó có chuyện nguyên thủ quốc gia đi thăm chính thức và công khai ( có đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng ) nước khác 2 lần trong vòng chưa đầy 1 tháng. 

  ThangLong69 đâu rồi? Grin

 Lão vào mà nghe người lính thông tin D26 F7 QD4 từng đi phối thuộc thông tin cho E209 trong thời gian mới giải phóng Phnom Penh nói về vụ lính F7 bảo vệ sân bay Puchentong cho Thủ Tướng Phạm Văn Đồng trước Tết ta năm 1978 1979 này. Grin

 Anh em làm công tác bảo vệ Thủ Tướng giờ đây lão hỏi đường link đâu thì anh em moi ở đâu ra đường link để chứng minh cho việc làm ngày ấy, chỉ nhớ và biết vậy thôi chứ. Grin

 Bác hieuc3d26f7+ vanthang341ht !

 Phải công nhận hai bác là những người nhớ rất lâu và chính xác nhiều sự việc sau nhiều năm đã qua. Các bác lúc ấy cũng cẩn thận ghi chép và lưu giữ được đến ngày hôm nay chứ bọn lính choai choai như BY lúc đó chẳng viết lách được gì nên giờ đây nhiều đứa hay lẫn lộn sự kiện và thời gian, nhiều người cứ thằng chết cãi thằng khiêng nên những lúc ngồi lại với nhau thì không thua gì cái chợ vỡ.  Grin

Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
vanthang341ht
Thành viên
*
Bài viết: 1065

Nhât ky vanthang 341ht


« Trả lời #63 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2011, 08:28:52 pm »

Chào đ/c Hieuc3d26f7!
Tôi rất mừng đồng đội đã vào VMH để chứng minh cho nhật ký của tôi "chúng tôi vào giải phóng thủ đô Pnompenh".Những sự kiện mà tôi nêu lên trong nhật ký của mình đã được nhiều đồng đội bàn cải, chứng minh, dẫn giải nhiều trang viết, nhiều sự kiện, nhiều tài liệu khác nhau để nói lên rằng họ hiểu nhiều hơn chúng ta, họ được chứng kiến nhiều hơn chúng ta. Hôm nay đọc một đoạn viết của Hieuc3d26f7 mới thấy rằng trí nhớ của Vanthang341ht là không sai.Nhật ký của vanthang tuy không thành văn nhưng sự kiện và thời gian thì không thể thay đổi; chỉ có điều cháu viết sai chữ "sẽ" thành chữ "đã" nên có người đã diễu cợt vanthang như một cán bộ chính trị thuở xưa không có chữ.Rõ ràng là sư đoàn 341 trực tiếp là trung đoàn 273 đã đồng hành cùng trung đoàn 141 sư đoàn 7 trên trục đường số 1 từ bến phà Niêkluong vào thủ đô Pnompenh. Bây giờ vanthang qua đọc bài của Hieuc3d26f7 mới hiểu ra rằng: tại sao sư đoàn 7 lại sang phà Niêkluong trước? Tại sao lại sang bằng tàu hải quân, bằng phà chở quân lớn có máy đẩy? Tại sao lại xuất hiện sớm một khối lượng xe,máy quân sự khổng lồ trên bến phà Niêkluong sớm đến như vậy? Cứ giống như là trên trời rơi xuống. Qua bài viết của Hieuc3d26f7 Vanthang mới gỡ hết những băn khoăn và thắc mắc của mình từ trước đến giờ.
Vanthang mong các bạn đọc, các thành viên góp thêm những tư liệu, sự kiện mà mình đã tham gia, làm giàu có và sinh động thêm cuộc trao đổi của chúng ta trên trang VMH này.
Mấy lâu nay không lên mạng được bởi có nhiều sự kiện, biến cố gia đình mà Vanthang chưa vượt qua được. Phải một thời gian nữa mới có điều kiện tham gia đều đặn với các đồng đội. Mong các đồng đội hết sức thông cảm cho Vanthang. Mong Hieuc3d26f7 góp thêm nhiều sự kiện của anh vào trang viết của Vanthang này nhé!
Chúc đồng đội và gia đình các đồng đội mạnh khỏe, có nhiều niềm vui!
Logged

Các vua Hùng  đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
                         Hồ Chí Minh
vanthang341ht
Thành viên
*
Bài viết: 1065

Nhât ky vanthang 341ht


« Trả lời #64 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2011, 08:55:17 pm »

      Lại còn chuyện lính nhập ngũ từ những năm 1972,74,75,77,78,79...trên trang viết một số đồng đội phân tích rất nhiều về tư tưởng và hiệu quả chiến đấu của đội ngũ này ở các đơn vị. Ở trung đoàn, sư đoàn nào thì không rõ, riêng sư đoàn 341 chúng tôi đã có tổng kết công tác Đảng, công tác chính trị của những năm 1978, 1979 đều thừa nhận rằng đội ngũ lính nhập ngũ từ những năm 1972, 1974, 1975... là lực lượng nòng cốt, có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu vững vàng. Có năng lực tổ chức tác chiến tốt là đội ngũ chính góp phần làm nên chiến thắng của sư đoàn 341 trên biên giới Tây Nam. Họ là lực lượng chủ yếu có công lớn nhất để sư đoàn xứng đáng được Đảng và Nhà nước tuyên dương đơn vị anh hùng lần thứ 2 chỉ sau hai năm chiến đấu ở biên giới Tây Nam.

      Một vài hiện tượng "tụt tạt","chống lệnh","bướng bỉnh"... là một tỷ lệ phần trăm rất nhỏ. Đó cũng là lẽ đương nhiên trong cuộc sống. Chúng ta không thể lấy tỷ lệ phần trăm nhỏ đó để đánh giá đội ngũ này làm cho sức chiến đấu của đơn vị giảm sút.

      Sư đoàn 341 hết sức trân trọng đội ngũ cán bộ, chiến sỹ có thời gian nhập ngũ ở những thời điểm này và đánh giá rất cao vai trò của họ. Chính vì vậy, đội ngũ này đã có rất nhiều đồng chí trưởng thành, trở thành những tướng lĩnh như Trung tướng Ngô Xuân Lịch bí thư TW Đảng, chủ nhiệm Tổng cục chính trị. Sư đoàn 341 hiện nay có hàng chục tướng lĩnh, cán bộ cao cấp của Đảng, của Quân đội đang tại ngũ, đang làm việc, nhiều nhà doanh nghiệp thành đạt đang hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế khác nhau ở mọi miền đất nước đã và đang chứng minh điều đó. Cũng đáng tiếc rằng hiện nay những đồng đội nhập ngũ từ những năm 1974 đến 1979 sau khi hoàn thành nhiệm vụ được trở về địa phương đa số đời sống còn rất khó khăn, nhiều đồng chí có hoàn cảnh đặc biệt như vợ ốm, con bị tàn tật do hậu quả chất độc da cam, bản thân bị thương tật lúc trái gió, trở trời hành hạ nhưng chế độ chưa được đảm bảo...
     
      Chúng tôi chỉ mong ước rằng Đảng và Nhà nước sớm có những chính sách đãi ngộ cởi mở hơn để những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn như nói ở trên đỡ phần vất vả.
Logged

Các vua Hùng  đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
                         Hồ Chí Minh
hieuc3d26f7
Thành viên
*
Bài viết: 106



« Trả lời #65 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2011, 07:35:42 am »

      Anh Thắng!
   Tôi cũng có mong ước như anh đó, những người lính về địa phương cũng chẳng có ước muốn cao sang gì, chỉ mong rằng Đảng và nhà nước có những chính sách đãi ngộ cởi mở hơn để những người tham gia giữ nước năm xưa về với đời thường đỡ vất vả.
    Hiện nay tôi thấy cũng là những cán bộ quân đội(cùng cấp) về hưu thì những người đi sau( ít  hoặc không phải tham gia chiến đấu) lương hưu lại cao hơn người đi trước, chẳng biết các vị có chức quyền ở trung ương có biết hay không?
    Tôi đang đọc bài viết của anh. Anh và Trần Phú 341 nhớ khá chính xác nhiều tình tiết, diễn biến trong các trận đánh. Các anh viết bài rất hay.
     Xin kính chúc sức khỏe anh chị, mong được đọc nhiều trang viết của anh.
Logged
vanthang341ht
Thành viên
*
Bài viết: 1065

Nhât ky vanthang 341ht


« Trả lời #66 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2011, 08:14:03 am »

Tình hình quân sự trên địa bàn tỉnh Công Pông SPư ngày càng đi vào ổn định. Chính quyền từ cấp tỉnh đến cơ sở Phum, Sóc cũng được cũng cố. Nhân dân phấn khởi trở về quê hương của mình bắt tay vào lao động, sản xuất, tu sửa nhà cửa, nương vườn. Nhưng nạn thiếu đói và dịch bệnh trầm trọng chưa thể khắc phục ngày một, ngày hai. Cán bộ, chiến sỹ sư đoàn 341 lại phải vừa chiến đấu vừa tích cực giúp dân, xây dựng chính quyền cơ sở, vừa phải khám và chữa bệnh cho nhân dân. Phải lo cấp gạo cứu đói, vải vóc, quần áo mặc, vừa tổ chức cho nhân dân lao động, sản xuất các loại cây, củ ngắn ngày nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt của họ.
Gần một tháng lăn lộn với bà con nhân dân CamPuChia tình hình mọi mặt bước vào nề nếp. Các tiểu đội, trung đội dân phòng vừa là nòng cốt chiến đấu bảo vệ, vừa tổ chức quản lý và hướng dẫn mọi hoạt động của mỗi Phum Sóc. Những bài ca bản nhạc, điệu nhảy được vang lên ở các buôn làng. Đặc biệt bài hát Việt Nam – CamPuChia – Xamaki do Xi Ha Núc sáng tác từ những năm trước đây trở thành bài hát phổ biến trong cả bộ đội Việt Nam với bộ đội và nhân dân CamPuChia. 
Ngày 17 tháng 2 năm 1979 TrungQuốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc  nước ta. Chủ nghĩa “ Bành trướng Bá quyền nước lớn Trung Quốc” (theo cách nói của ta) muốn “ Dạy cho Việt Nam một bài học”, để Việt Nam hết bướng bỉnh, không chịu nghe theo” chúng. Quân và dân ta ở hai đầu biên giới vẫn điềm tỉnh, vững vàng, anh dũng chiến đấu, kiên quyết chống lại sự xâm lược của kẻ thù. Đúng như nhà thơ Tố Hữu nói:
…” Lụt Bắc, lụt Nam máu đầm biên giới
Tay chống tời, tay giữ nước nước căng gân…”
Cuộc chiến đấu của các lực lượng quân sự của nhân dân ta và nhân dân KomPuChia ở đây, vẫn bình thản triển khai như thường lệ và có phần khẩn trương,quyết liệt hơn trước.                                                     
                                                              *
                                                        *          *
       
Ngày 06 tháng 3 năm 1979 sư đoàn 341 được Quân đoàn 4 tăng cường trung đoàn Ba Gia sư đoàn 2, Trung đoàn 14 sư 9, 2 đại đội tăng thiết giáp 10 chiếc, tiến hành cuộc hành quân truy quét từ hướng Bắc Tây Bắc thị xã Công Pông SPư, tiêu diệt lực lượng địch ở vòng ngoài.Ngày 11 tháng 3 Quân đoàn rút các đơn vị tăng cường để tập trung cho Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9 đánh vào mục tiêu chủ yếu. Sư đoàn 341 sử dụng lực lượng còn lại của mình phát triển thêm 40 km về hướng Công Pông Som bắt liên lạc với các đơn vị chiến đấu của Quân Khu 9  mở rộng và khai thông hành lang Quốc lộ số 4 từ Pnom Pênh đi Cảng XiHaNukvin.
Tôi không tham gia vào cuộc hành quân truy quét này mà được giao phụ trách công tác chính trị cùng đồng chí Nguyễn Quang Nuôi trợ lý tác chiến sư đoàn phụ trách quân sự của bộ phận còn lại ở “cứ” sư đoàn. Lực lượng tại khu vực này có: một tiểu đoàn 28 huấn luyện khoảng 300 tân binh mới được đưa từ Việt Nam sang, hơn 30 cán bộ tiểu đội, trung đội. Tiểu đoàn 28 đóng quân cách cứ khoảng 4km về phía Bắc. Một tiểu đoàn Bạn mới thành lập đang tuyển chọn lính từ các Phum Sóc cũng đóng quân ở khu vực gần đấy.
Tại Sở Chỉ Huy cơ bản của Sư đoàn còn có cơ quan Tỉnh Ủy, Ủy Ban tỉnh và một số cán bộ giúp việc cơ quan cấp tỉnh khoảng 15 người, một trung đội vệ binh Bạn bảo vệ cơ quan cấp tỉnh, 2 đội công tác của Bạn mỗi đội 25 người trong đó có 20 đồng chí đã được đào tạo học tập vài tháng, còn lại là số mới được tuyển chọn từ trong dân.
Lực lượng nòng cốt để bảo vệ khu vực này chủ yếu là tiểu đội vệ binh của ta có 8 đồng chí do đồng chí Vinh trung đội trưởng chỉ huy.Các tiểu đoàn 17 công binh có 5 đồng chí, tiểu đoàn 18 thông tin 7 đồng chí, những anh em này phần lớn đang ốm hoặc bị thương nhẹ được đơn vị phân công ở lại cứ.
Nhiệm vụ của chúng tôi ở tại Cứ là duy trì các hoạt động bình thường của lực lượng còn lại tại sở chỉ huy cơ bản, bảo vệ cơ quan lãnh đạo của tỉnh Công Pông Spư.
      Riêng tôi có nhiệm vụ tham gia Hội đồng xét vử với tư cách là Hội thẩm quân nhân của Tòa án quân sự Quân đoàn 4, xử vụ án P.A.S can tội cưỡng hiếp gái CamPuChia (tôi xin không nói rõ tên và quê quán)
                                                          *
                                                    *          *

     Một thời chiến đấu trong đội hình sư đoàn 341 đã được trưởng thành từ cán bộ Trung đội, đại đội, tiểu đoàn rồi tham mưu phó trung đoàn, P.A.S có những thành tích chiến đấu, gắn liền với những chiến công của đơn vị rất đáng tự hào. Anh là một trong những sỹ quan trẻ đã được rèn luyện, thử thách qua chiến đấu, công tác có triển vọng. Khi ở vị trí tham mưu phó trung đoàn anh là một chỉ huy có năng lực và xông xáo, là người trực tiếp chỉ huy khắc phục 2 xe tăng T54 sa lầy ngày 05/01/1979 của trung đoàn 273 trên đường 24 từ SăngKe đến núi Sa Cách, vào giải phóng Pnom Pênh ngày 07 tháng 01 năm 1979. Tôi đã cùng anh ăn chung nồi cá luộc khi thiếu gạo, đói cơm ngày 11 tháng 1 ở phía Bắc sông Bốn Mặt, đã từng cùng anh và một số cán bộ cơ quan trung đoàn 273 xuống kiểm tra từng ba lô chiến sĩ ở tiểu đoàn 1 khi có tin anh em vi phạm chính sách dân vận. Thái độ của anh mềm dẻo nhưng không khoan nhượng với những sai trái của cán bộ, chiến sỹ cấp dưới.
      Hoàn thành nhiệm vụ truy quét phía Bắc thủ đô Pnom Pênh bên bờ Bắc sông MêKông thì trung đoàn được lệnh trở về tỉnh Công Pông Spư . P.A.S sử dụng 3 chiến sĩ trinh sát cùng anh đi khảo sát địa hình chuẩn bị vị trí đứng chân của trung đoàn. Khi qua một cánh đồng không rộng, có mấy ngôi nhà ở dọc bờ suối, mùa khô không có nước, không một bóng người. Riêng anh có thấy một cô gái CamPuChia khoảng 20 tuổi mang gùi đang làm gì dưới suối. Nhóm trinh sát vẫn tiếp tục đi khảo sát địa hình nhưng không phát hiện được gì. Đi được khoảng năm trăm mét thì P.A.S bảo các trinh sát ngồi nghỉ, anh quay trở lại chỗ vừa thấy người con gái. Đến nơi cũng là lúc cô gái từ dưới suối đi lên. Không kiềm chế được mình, như một định mệnh, anh rút súng ngắn cầm ở tay, buộc cô gái kéo váy xuống, anh ôm lấy cô gái. Sợ quá cô gái CamPuChia không giám chống cự, buông lỏng mình cho P.A.S hành động. Hành động xong P.A.S trở lại với các chiến sỹ trinh sát trở về trung đoàn như không có chuyện gì xẩy ra. Nơi cô gái CamPuChia vừa bị hiếp, sau đó vài giờ có 2 chiến sỹ bộ đội Bạn đi qua. Cô ấy sợ hãi kể hết với họ những chuyện vừa xẩy ra và cùng họ đến tại Trung đoàn bộ nhận mặt P.A.S. Một ngày sau đó P.A.S bị Viện Kiểm Sát quân sự Quân Đoàn 4 ra lệnh bắt giam.
      P.A.S đứng dậy nghe xong lệnh bắt, anh giơ hai tay run rẩy tra vào vòng thép trắng số 8. Mặt anh thuổn ra, da tái nhợt, chân khuỵu xuống, người nhũn như lá chuối héo. Hai đồng chí vệ binh quân đoàn cầm tay, xốc nách, kéo lê P.A.S lên xe đóng sầm cửa lại. Người đồng đội mới vừa nãy đây thôi, bổng chốc bị quẳng lên xe như một con vật vô tri. Những người được chứng kiến sự việc này thật ngỡ ngàng, bất ngờ, mông lung khó tả…
            *
                                                               *          *
      Một tháng sau, vụ án P.A.S được đưa ra xét xử công khai tại khu vực Nhà Máy Đường, nơi đặt sở chỉ huy cơ bản của sư đoàn 341 tại Mặt trận Đường số 4. Tôi là một trong ba thành viên của Hội đồng xét xử hôm đó. Một chánh án, một thành viên là Viện Kiểm Sát quân sự Quân đoàn 4 và tôi Hội thẩm quân nhân. Không có luật sư bào chữa, đây là tòa án quân sự mở phiên tòa đặc biệt, khẩn cấp tại chiến trường, xử án tại chỗ những quân nhân có hành vi vi phạm kỷ luật đặc biệt nghiêm trọng.
Trong một căn phòng không rộng, có chiều 5m x15m với trang trí dã chiến. Trên có Quốc huy Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Dưới đó hai cái bàn kê sát nhau đủ chổ cho một chủ tọa phiên tòa và hai thành viên Hội Đồng xét xử. Bên trái một bàn thư ký, bên phải một bàn của công tố viên. Đối diện với chủ tọa phiên tòa là vành móng ngựa dành cho P.A.S hai tay bị trói quặt sau lưng với dáng điệu tiều tụy, hốc hác, rũ rượi. Toàn thân anh mềm nhũn, không đứng vững nhưng buộc phải gắng hết sức lực còn lại của mình trước một phiên tòa đang tỏ ra đằng đằng sát khí. Hai bên P.A.S là hai chiến sỹ vệ binh đeo hai khẩu súng ngắn với găng tay trắng toát, đứng nghiêm như đang sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xẩy ra bất kỳ. Vòng ngoài đồng chí Nuôi và tôi đã bàn bạc và thống nhất những phương án quân sự chính trị cho phiên tòa này từ một ngày trước đó. Bên trái phía sau P.A.S là hai mẹ con(một gái trẻ, một mẹ già) ngồi thản nhiên nhìn phiên tòa, nhìn P.A.S với khuôn mặt tỉnh bơ, vô cảm. Hai chiến sỹ bộ đội CamPuChia với tư cách là người làm chứng cũng lạnh lùng tương tự. Một số ít cán bộ chiến sỹ bộ đội ta, vài chục cán bộ, đội viên đội công tác Bạn chủ yếu là nữ cùng đứng xem.
      Một phiên dịch tiếng CamPuChia người của chúng ta,  chỉ làm nhiệm vụ phiên dịch khi hỏi đến người bị hại và người làm chứng. Ngôn ngữ phiên tòa dùng tiếng Việt.
Sau vài câu khai mạc, giới thiệu ngắn gọn, vừa đủ, chủ tọa phiên tòa hỏi:
P.A.S, có phải họ tên, ngày tháng năm sinh, ngày nhập ngũ, cấp bậc, chức vụ, đơn vị, quê quán…. Không?
Dạ, phải!
Cô X có phải là người đã bị P.A.S hại, đang ngồi ở đấy không?
Dạ, phải!
Quay sang phía người bị hại chủ tọa phiên tòa hỏi:
Cô X, có phải người đang đứng trong vành móng ngựa đây là người đã hại cô ngày tháng tại … không?
Ngúc đầu, nói lí nhí:
Tòa hỏi lại: Có đúng không?
Dạ, đúng!
    Chủ tọa mời công tố viên đọc bản cáo trạng. Bản cáo trạng có thời lượng khoảng 10 phút, ngắn gọn, rõ ràng, chi tiết, chỉ dẫn đúng chỗ, đúng điều của Hiến pháp, pháp luật nhà nước, Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và những điều quy định về kỷ luật chiến trường của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.
Người đọc cố tỏ ra đạo mạo nghiêm trang, uy nghi và chững chạc nhưng tôi nghĩ anh đang cố kìm nén cảm xúc của mình từ trong cảm giác “máu chảy, ruột mềm” ấy.
Chỉ từng ấy thời gian đứng nghe bản cáo trạng, P.A.S có hơn 3 lần khuỵu xuống. Hai chiến sỹ vệ binh đứng bên phải xốc nách anh để anh ở tư thế đứng.
Đến lượt tôi, một Hội thẩm quân nhân, tôi hỏi những câu đã được chủ tọa phiên tòa hướng dẫn trước đó. Vẫn câu trả lời của P.A.S rằng:
 Dạ!
Phải!
 Có và đúng ạ!
 Anh nói  một cách yếu ớt, hụt hơi như  cảm nhận được rằng mình không còn tia hi vọng nào của sự sống.
 Một câu hỏi của tôi, một câu trả lời của người đồng đội mới cách đây một tháng thôi còn chung nhau cái đói, chung nhau gian khổ, khó khăn, chung nhau nụ cười… Bây giờ… Chao ôi! Đau lắm, tim tôi như có những cái kim đâm nhói trong lồng ngực, đau buốt cả vùng sau gáy và vùng chẩm.
      Nhìn đứa con gái CamPuChia đen nhẻm và mẹ già của cô ta ngồi đó đối diện, vẫn bình thản, vô cảm như lúc đầu, tôi càng xót xa. Tôi ước rằng giá như mình biết tiếng CamPuChia thật nhiều, hoặc không cũng chỉ đủ để nói với mẹ con họ rằng: “Mẹ con tôi xin tòa giảm tội cho anh ấy, vì đất nước tôi, vì dân tộc tôi, vì mẹ con tôi mà bộ đội Việt Nam đã hi sinh quá nhiều, đổ máu quá nhiều. Mẹ con tôi cũng như những người mẹ, người vợ, người em gái của các anh bộ đội Việt Nam, đã phải chịu đựng bao nhiêu đau thương xa cách, mòn mỏi chờ mong, bao nhiêu ước mơ, hi vọng rồi thất vọng khi không thấy con mình, chồng mình trở về”. Chỉ một câu thôi “Xin tòa tha thứ cho cái tội, cái án nặng nhất của anh ấy”. Không nói được tiếng CamPuChia vào lúc này tôi thấy như mình đang mang nặng một nỗi đau, nỗi thất vọng. Thật đáng trách cho cái thằng tôi ở thời điểm ấy, chẳng làm được một chút gì để cứu vớt đồng đội của mình.

Logged

Các vua Hùng  đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
                         Hồ Chí Minh
trevn
Thành viên
*
Bài viết: 43


« Trả lời #67 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2011, 07:50:19 pm »

Đọc bài viết về chú PAS thấy thật xót xa, mong chú Thắng viết đều
Logged
vanthang341ht
Thành viên
*
Bài viết: 1065

Nhât ky vanthang 341ht


« Trả lời #68 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2011, 04:39:54 pm »

Hôm nay(23/11) tôi và Trân Phú cùng vài vị tướng và đại diện cựu chiến binh sư đoàn 341 của các tỉnh trên phạm vi cả nước về tại sư đoàn ở Thanh Hóa gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập sư đoàn (23-11-1972_23-11-2011), Đồng thời bàn một số nội dung cho cuộc găp mạt đồng đội CCB sư đoàn vào dịp kỷ niêm 40 năm (2012). Đang viết giở bài vụ án P.A.S, tôi trở lại sư đoàn gặp lại ae cùng lứa, cùng thời với P.A.S tôi càng thấy bùi ngùi và xót xa. Bước vào nhà tưởng niệm thắp hương, kính viếng hàng ngàn hương hồn các liệt sĩ, nhạc hiệu buồn cất lên, nước mắt tôi trào ra. Có lẽ lúc này ai cũng khóc, khóc vì nỗi nhớ những đồng đội đã hy sinh,khóc vì những người đã không còn được cùng chúng ta chứng kiến những gì hôm nay. Một chút trải lòng mình với P.A.S và bạn đọc như một lời tự sự.
Logged

Các vua Hùng  đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
                         Hồ Chí Minh
trungdung1965
Thành viên
*
Bài viết: 192


« Trả lời #69 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2011, 08:16:32 pm »

Hihi chắc bác nhớ lộn ,F9 đâu có E 14 ,
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM