Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 11:48:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ điểm chốt bắt đầu (Ký về Sư đoàn 341 - Sông Lam)  (Đọc 292524 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Đậu Thanh Sơn
Thành viên
*
Bài viết: 552


1975 - Mãi mãi là người chiến sỹ SĐ Sông Lam


« Trả lời #560 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2013, 02:02:07 pm »

BUỔI TỐI THỨ HAI Ở HÀ NỘI

Sau giờ làm việc buổi chiều với Chi nhánh Xây lắp III Hà Nội xong, tôi và Thắng lấy xe máy của Dương (PGĐ Chi nhánh Hà Nội) chạỵ về khách sạn Hương Linh. Theo kế hoách tối nay Thắng sẽ có người đến đón sang Gia Lâm thăm người thân, còn tôi sẽ đến Trạm 66 thuộc quận Ba Đình gặp thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh.
Hà Nội đã vào Đông, ban ngày trời vẫn xanh trong, nắng cũng nhẹ và dịu dàng, không gay gắt như cái nắng hè như hồi tháng 5 tôi cũng ra đây công tác. Hai ngày nay nắng vẫn rắc vàng trên những hàng cây đường phố. Không khí ấm áp pha lẫn một chút hanh hao lúc chiều tối và sáng sớm. Mấy ngày trước khi ra Hà Nội, hàng ngày tôi vẫn theo dõi dự báo thời tiết trên sóng VTV1, dự báo khu vực phía Bắc và Hà Nội trời sẽ rét trong những ngày tới. Đề phòng trời lạnh lúc xuống sân bay, nên tôi để cái áo lạnh lên trên cùng của cái vali nhỏ hiệu Sakos cho dễ lấy ra. Thế là cái vali đầy căng hơn bỡi thêm một cái áo lạnh và bộ tiểu lễ phục quân đội, (mang quân phục đi để vào nhà 30 Hoàng Diệu viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Vậy mà xuống sân bay Nội Bài trời vẫn nắng, khí hậu dễ chịu, thật là tuyệt cho chuyến đi công tác đợt này. Hai chú cháu bắt một chiếc xe taxi bốn chổ từ sân bay về khách sạn trên đường Trường Chinh hết hai trăm năm mươi ngàn đồng. Trả tiền xong Thắng còn bo thêm hai mươi ngàn tiền café cho lái xe, cậu lái xe vui vẻ cám ơn và cho số điện thoại để hôm nào chúng tôi mà đi taxi ra sân bay thì gọi cho cậu tới đón.

Khi nói đến mùa đông miền Bắc, ta cứ liên tưởng đến sương mù, đến mưa phùn, gió bấc, đến bầu trời xám xịt, rét buốt đến tê tái. Mỗi lần nói hơi khói bay ra từ miệng người… Nhưng hôm nay Hà Nội trời vẫn đẹp, nắng mùa đông vẫn dịu dàng, các thiếu nữ Hà Nội chạy xe tay gas, mặc áo vest và váy ôm, họ vẫn khoe với người đi đường những cặp đùi thon, chân dài trắng đẹp, không như các cô gái Sài Gòn nếu mặc váy như vậy phải choàng thêm tấm vải kết thành cái váy để chống nắng. Tôi chợt thấy mùa Đông Hà Nội thật đáng yêu đến nhường nào.
Năm ngoái cũng dịp này, tôi ra thành phố Thanh Hóa dự lễ Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Sư đoàn 341 (23/11/1972 – 23/11/2012). Cũng mang theo áo lạnh, nhưng đúng hôm Sư đoàn tổ chức Lễ kỷ niệm (ngày 23/11) trời Thanh Hóa nắng nóng khủng khiếp, ngồi trong hội trường nhà bạt dã chiến mọi người ai nấy toát hết mồ hôi ướt đầm đìa. Nhưng khi chiều về trạm T50 ở thành phố Vinh, thì trong buổi tối hôm ấy trời Nghệ An bắt đầu mưa. Còn hôm nay trời Hà Nội vẫn nắng, vẫn xanh xao và đẹp đến quyến rũ đến nao lòng.

Tắm thay đồ xong, hơn 6 giờ, tôi xuống tầng trệt, lấy xe máy chạy xuống Trạm 66 tại số 51B Phan Đình Phùng để gặp Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh - Giám đốc trung tâm TTHCLS cũng mới ở ài Gòn ra Hà Nội để làm việc với Cục Chính sách và Hội Hỗ trợ GĐLSVN. Đường phố người và xe như nêm. Theo đường Giải Phóng, rồi đường Lê Duẫn tôi vừa đi vừa hỏi đường hai ba lần, cuối cùng tôi cũng đến được cổng Trạm 66 đường Phan đình Phùng. Gọi điện thoại và chờ vài phút, Thiếu tướng Doanh ra cổng đón tôi. Chúng tôi quay về phòng ở của thiếu tướng Doanh ở để lấy tài liệu đưa đi. Tôi chở Thiếu tướng Doanh đến nhà Trung tướng Lê Hải Anh trên đường Nguyễn Tri Phương. Được biết mấy hôm nay Trung tướng Lê Hải Anh không được khỏe, nên ngày hôm qua thủ trưởng không vào Sư đoàn ở Thanh Hóa để dự kỷ niệm 41 năm ngày thành lập Sư đoàn, và lần này bàn công tác chuẩn bị cho buổi họp mặt CCB Sư đoàn 341 dự kiến sẽ tổ chức kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam tại Dinh Thống Nhất, như chúng tôi đã tổ chức kỷ niệm 30 năm hồi tháng 4 năm 2005.

Trung tướng Lê Hải Anh ra mở cổng đón tôi và thủ trưởng Doanh vào nhà. Chưa ngồi yên vị, trung tướng pha trà mời khách. Tôi hỏi thăm tình hình sức khỏe của Trung tướng, thủ trưởng cho biết mấy ngày vừa rồi bị sốt siêu vi, điều trị tại nhà, nay thì đã khỏe. Thấy Trung tướng vẫn khỏe, nhanh nhẹn, tôi thấy vui và ấm áp. Trung tướng cho tôi biết "cụ" Đại tá Lê Văn Cúc - nguyên Sư trưởng Sư 341, tôi vẫn xưng hô là "bố con", sau khi dự họp ở Thanh Hóa xong, có ra Hà Nội và ghé thăm Trung tướng lúc chiều nay, trước khi ra sân bay Nội Bài tối nay để bay vào Sài Gòn.
Tôi ngồi lắng nghe Thủ trưởng Doanh thông báo một số tình hình hoạt động của Trung tâm trong thời gian qua, đồng thời tranh thủ ý kiến tư vấn của Trung tướng trong công tác tìm kiếm, xác định danh tính HCLS. Trung tướng chăm chú lắng nghe và nhiệt tình ủng hộ công việc của Trung tâm. Nhân dịp ra Thanh Hóa năm 2012, dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Sư đoàn 341, tôi cũng đã nói chuyện với Trung tướng về việc thành lập Trung tâm thông tin TKHCLS, nghe xong và ông rất hoan nghênh tán thành công việc của chúng tôi. Ông nói: “Việc nghĩa phải làm, chúng ta là đồng đội của những liệt sĩ, không làm thì ai làm, đây là trách nhiệm, tình cảm của những người còn sống, chúng ta mắc nợ với đồng đội đã hy sinh”.
Vừa uống trà, vừa nói chuyện khoảng một tiếng đồng hồ, chúng tôi xin phép ra về. Trước khi về trung tướng nói:
     - Sơn không gọi điện sớm, để anh làm cơm, để mấy anh em ăn cơm với gia đình cho vui".
 Tôi cười và trả lời:
     - Nghe tin anh không được khỏe, em chở thủ trưởng Doanh ghé thăm anh, lần sau có ra Hà Nội, em sẽ đến nhà ăn cơm cùng anh.

Thủ trưởng Lê Hải Anh lại ra mở cổng cho tôi, trước khi tôi ngồi lên xe nổ máy, Thủ trưởng còn dặn dò:
    - Đi cẩn thận nhé, Sơn chở thủ trưởng của thủ trưởng đấy nhé!

Tôi nghĩ trong đầu "Cụ" kỹ thật, tôi cười to lên rồi đáp:
     - Vâng thủ trưởng cứ yên tâm, em sẽ chở "cụ" Doanh về trạm an toàn!

Thực ra từ nhà thủ trưởng Lê Hải Anh về đến cổng trạm 66 chừng chưa tới một cây số. Tôi chạy vài phút là về tới nơi, nhưng vì hai anh em chưa ăn cơm tối, nên trước khi về phòng ở của thủ trưởng Doanh ở Trạm, nên hai anh em loanh quanh tìm chổ ăn, thế rồi ghé vào quán phở góc đường phía trước cổng trạm 66, tôi không nhớ là đường nào, mỗi người chén một bát phở bò thơm phức, nhưng cũng như những quán phở khác ở Hà Nội, phở không có rau thơm ngoài mấy cọng hành, nhưng tôi cảm thấy rất ngon vì lúc này bụng đã đói cồn cào. Liên tưởng đến việc Trạng Quỳnh cho Chúa Trịnh ăn rau muống luộc chấm nước tương "Đại Phong" do Trạng Quỳnh mời Chúa đến đãi món “mầm đá” trong truyền thuyết vậy.

 Ăn xong chúng tôi về phòng ở của thủ trưởng Doanh. Phòng dành cho cấp tướng cũng khá khang trang, có một cái giường đơn, một tủ gỗ kê ngoài, một TV và một tủ lạnh nhỏ. Mặc dù mùa Đông nhưng máy lạnh trong phòng vẫn để 25 độ. Chúng tôi vừa uống trà và nói chuyện. Khoảng 9 giờ có chị Lan nhân viên của Hội HTGĐLSVN ghé vào nói chuyện cùng chúng tôi về hoạt động của Trung tâm. Trong lúc nói chuyện, chị Lan có trách tôi là chị có gửi mail cho tôi, nhưng tôi không có trả lời cho chị.

Hơn 10 giờ đêm tôi và chị Lan tạm biệt thủ trưởng Doanh ra về. Lần này tôi không đi qua cổng đường Phan Đình Phùng, mà về qua cổng đường Nguyễn Tri Phương. Có lẽ đã quá giờ, nên hai đồng chí cảnh vệ lấy CMND của chúng tôi để đăng ký vào sổ. Chị Lan chạy xe cùng tôi một quảng đường, đến đường Lê Duẫn chị Lan và tôi tạm biệt nhau. Đường Lê Duẫn vẫn tấp nập xe cộ, trời hơi se se lạnh, trước khi rời phòng thủ trưởng Doanh, tôi đã khoác vào người chiếc áo lạnh, nên chạy xe từ từ và cảm thấy ấm áp.

Về tới khách sạn, nghĩ rằng Thắng đã về phòng, tôi lấy điện thoại ra gọi Thắng xuống tầng trệt, để hai chú cháu đi kiếm đồ ăn khuya. Vài phút sau Thắng xuống, tôi và Thắng túc tắc lội bộ ra đường Trường Chinh, có lẽ do đã hơi khuya nên quán xá đã đóng cửa, đi ra đến ngã tư Vọng thì có người bán xôi khúc (xôi cúc) lưu động đang rao loa gắn trên xe gắn máy mời chào:
-  Xôi khúc đây, ai xôi khúc không? xôi khúc Hà Nội nóng ngon đây!
Thế rồi chúng tôi mua hai gói xôi khúc muối mè, mỗi gói mười ngàn đồng mang về khách sạn ăn. Họ quảng cáo rầm trời vậy, nhưng nếp chẳng dẻo tí nào, nói thật chẳng ngon như xôi khúc ở Sài Gòn, thế mà cũng mang tiếng là nếp Bắc cơ đấy, thôi đang đói nên đành ăn thôi.
Đêm thứ hai đi công tác ở Hà Nội của tôi là như vậy đấy.
Hà Nội 24/11/2013

Hình: Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh và Trung tướng Lê Hải Anh nói chuyện. Tình cảm đồng đội đồng chí của "những người lính già" khi gặp lại nhau thật nhiều kỷ niệm vui buồn xúc động. Thanh Sơn chỉ ngồi chăm chú lắng nghe.





Thanh Sơn chụp kỷ niệm với Trung tướng Lê Hải Anh tại nhà riêng Trung tướng.


« Sửa lần cuối: 06 Tháng Mười Hai, 2013, 03:03:47 pm gửi bởi Đậu Thanh Sơn » Logged
Đức Cường
Thành viên
*
Bài viết: 607



« Trả lời #561 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2013, 12:36:35 pm »

Chào anh -vẫn biết công việc của anh cuối năm rất nhiều vậy mà vẫn phải tranh thủ thời gian để làm những việc tri ân "đi tìm đồng đội". Đất nước ta sau hai cuộc chiến tranh nhất là chiến tranh chống Mỹ xâm lược, còn bao linh hồn đang lang thang chưa tìm nhập mộ phần siêu thoát. Cũng có nghĩa còn bao gia đình đang nuôi hy vọng cuối cùng để được hương khói chăm sóc phần mộ cho người thân của mình.  
  Đọc bài anh vừa đăng mới hiểu anh còn trăn trở với nghĩa tình đồng đội nhiều lắm, cho dù năm tháng quân ngũ đã lùi xa nhưng trái tim người chiến sỹ vẫn nóng đập thao thức như ngày nào lao vào lửa đạn xung phong.
  Vài dòng mộc mạc gửi anh ,để động viên anh tiếp tục làm theo tiếng gọi trái tim mình.
Logged

Mời các đồng chí và các bạn đón đọc blog:
http://blogtiengviet.net/Hoilinh77NghiLoc/
NGƯỜI YÊU CỦA LÍNH
Thành viên
*
Bài viết: 62


« Trả lời #562 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2013, 11:03:00 pm »

  Chào anh Đậu Thanh Sơn! Nhân dịp 22-12, NYCL xin chúc anh khỏe vui và đều tay bút để cùng đoòng đội xưa và những người bạn nay trở về với kí ức của một thời hoa lửa, một thời ở điểm chốt bắt đầu! Dù muộn màng nhưng NYCL mong anh vui lòng đón dòng tin này như đón nhận tình cảm chân thành của một người bạn mới quen anh Sơn nhé!
  "Từ điểm chốt bắt đầu"... Đọc tựa đề em tưởng là anh chỉ viết về một điểm chốt nào đó ở tiền tiêu mà anh đã từng xuất trận. Hóa ra là trải dài suốt câu chuyện ở chiến trường, người lính trẻ cách đây hơn 30 năm vẫn ấp ủ trong lòng một "điểm chốt" khác. Đó là điểm chốt của tình yêu thuơng, của sự chịu đựng, sự bao dung và đức hi sinh cao cả: MẸ! Chữ "MẸ" viết hoa theo nghĩa trân trọng và yêu thuơng nhất! Đó là nởi bắt đầu của những âm thanh bập bẹ, nơi bắt đầu của những bước chân - những bước chân sau này đi suốt chiều dài của cuộc trường chinh vệ quốc vĩ đại! Không có điểm chót bắt đầu ấy, không có nửa vòng trái đất này, không có anh hùng và nhà thơ...
  "Từ điểm chốt bắt đầu" là bài kí của một chàng lính trẻ cách đây hơn 30 năm! Người đọc khó tin điều đó bởi chất "người lớn", chất "già dặn", chất "triết học" quá đậm đà. Điều đó thể hiện trong cách đặt tiêu đề kín đáo và đầy ẩn ý. Sự ẩn ý mang tính triết học còn rải rác suốt cả bài kí : "Có thể nói ranh giới giữa cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và nhiệm vụ quốc tế giúp bạn rất khó phân biệt"; "Một cuộc chiến tranh thì dài, một cuộc cách mạng thì lại càng dài hơn. Nhưng trong chiến đấu, những người lính phải biết giành lấy từng giây từng phút." ; "Những người phía trước đang nổ súng để cho những người phía sau như chúng tôi đỡ gò lưng xuống. Đây đâu phải chuyện may rủi? Thật là xấu hổ và tàn ác khi chớm trong đầu tôi cái ý nghĩ may mắn cho riêng mình" v.v và v.v..
  Sau hơn 30 năm, người đọc vẫn phải lắng lòng lại khi đọc những dòng như thế.
  NYCL hen anh ĐTS sẽ trở lại bài Kí này và những bài viết khác của anh vào một dịp khác. Có lẽ, khi đó NYCL sẽ có cái nhìn toàn diện hơn và chắc chắn sẽ phát hiện ra nhiều điều sâu sắc hơn nữa!
 Một lần nữa chúc anh thật vui trong ngày lễ kỉ niệm của những người lính!
Logged
Đậu Thanh Sơn
Thành viên
*
Bài viết: 552


1975 - Mãi mãi là người chiến sỹ SĐ Sông Lam


« Trả lời #563 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2015, 07:38:14 pm »

LỜI BÌNH CHO PHIM TRUYỀN THỐNG SƯ ĐOÀN
                                                      Đậu Thanh Sơn


      Ngày 23/11/1972 tại chân núi Đại Huệ quê hương Bác Hồ kính yêu, cán bộ trên khắp các địa phương của Quân khu 4 và được bổ sung thêm Trung đoàn 36B thuộc Sư đoàn 308 từ đất mỏ Quảng Ninh đã hội tụ về thành lập Sư đoàn 341.
Ra đời trên quê hương Bác có dòng sông Lam thân yêu. Vì vậy, theo nguyện vọng của cán bộ chiến sỹ, ngày 22/12/1972, hội nghị Quân chính sư đoàn lần thứ nhất đã đề nghị QK4 và Bộ Quốc phòng cho phép Sư đoàn 341 mang tên Đoàn Sông Lam. Kể từ đó cho đến nay đã hơn 40 năm Sư đoàn Sông Lam chúng tôi đã đặt chân trên khắp mọi miền của Tổ quốc, làm nên trang sử hào hùng trong chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ Quốc tế giúp bạn Campuchia, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Sư đoàn 341 luôn luôn đáp ứng được mọi yêu cầu, tình huống mà Đảng và nhân dân giao phó.

      Để có được những trang sử hào hùng và vẻ vang như ngày hôm nay, sư đoàn chúng tôi đã trải qua một chặng đường đầy chông gai, thử thách, nhưng vô cùng vẻ vang. Sinh ra vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi cách mạng miền Nam đã giành được quyền chủ động cả về thế và lực.

      Ngay sau khi được thành lập, nhiệm vụ đặt ra hết sức bức thiết, sư đoàn vừa khẩn trương ổn định tổ chức để xây dựng đơn vị, vừa khắc phục mọi khó khăn, vừa huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu nếu địch liều lĩnh tấn công vào Khu 4, đồng thời sẵn sàng cơ động vào chiến trường giải phóng Miền Nam.

      Sau hơn hai năm huấn luyên miệt mài trên đất lửa Quảng Bình và Vĩnh Linh, Sư đoàn đã lập được nhiều thành tích trong huấn luyện xây dựng đơn vị chính quy, từng bước hiện đại. Sư đoàn đã nhanh chóng vươn lên trưởng thành về mọi mặt. Nhiều đơn vị đạt điển hình tiên tiến, giành “3 đỉnh cao quyết thắng” cấp toàn quân. Nổi bật là Đại đội 2 của Trung đoàn 273 đã trở thành đơn vị điển hình xuất sắc trong phong trào thi đua quyết thắng và là ngọn cờ tiêu biểu cho phong trào thi đua được toàn quân thi đua học tập.
      Cuối năm 1974, Sư đoàn tổ chức diễn tập thực binh cấp Trung đoàn và hai cơ quan đạt kết quả tốt. Điều đó khẳng định sư đoàn đã đủ sức mạnh để vào chiến trường chiến đấu với kẻ thù.

      Đầu năm 1975, theo yêu cầu của chiến trường miền Nam, Sư đoàn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Quân uỷ Trung ương – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp giao nhiệm vụ vào chiến đấu tại chiến trường B2.

      Ngày 03/2/1975 Sư đoàn tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 45 - ngày thành lập Đảng, đồng thời long trọng làm lễ xuất ra trận trước sự chứng kiến của các tướng lĩnh cao cấp trong quân đội như Hoàng Văn Thái, Song Hào, Lê Trọng Tấn, Lê Quang Đạo, Đàm Quang Trung, Cao Văn Khánh, với khầu hiệu "Đi lâu, đi sâu, đi xa, đi đến ngày toàn thắng".

      Ngày 15/2/1975, từ Quảng Bình, Sư đoàn đã hành quân cấp tốc bằng xe cơ giới vượt gần 2 ngàn km đường Trường Sơn, do Sư đoàn vận tải cơ giới 571 (Đoàn 559) đưa vào chiến trường B2. Sau khi đặt chân tới chiến trường Sư đoàn được trực tiếp chiến đấu trong đội hình của Quân đoàn 4.

      Ngày 13/3/1975 Trung đoàn 273 trong đội hình Sư đoàn 9, được giao nhiệm vụ tác chiến chốt chặn trên đường 13 Bầu Bàng – Chơn Thành.

      Đường 13 nổi tiếng là con đường đẫm máu và nước mắt trong chiến tranh, đó cũng là chiến trường đầu tiên của Sư đoàn đặt chân chiến đấu.
Những trận chiến đấu ác liệt tại các điểm chốt trên đường 13 là dấu ấn chiến trận đầu tiên đối với những người lính của Sư đoàn chiến đấu với địch bảo vệ vùng giải phóng, không cho địch lấn chiếm.
Sau khi mất căn cứ An Lộc và Dầu Tiếng, địch đã co cụm về quyết giữ bằng được Bầu Bàng và Chi khu Chơn Thành. Từ ngày 6 tháng 3 đến ngày 2 tháng tư năm 1975. Sư đoàn 5 ngụy cùng với các tiểu đoàn địa phương được yểm trợ bằng máy bay và xe tăng đã liên tục tổ chức nhiều đợt đánh lấn vào các điểm chốt phòng ngự của ta. Có những ngày địch tổ chức tám đợt phản kích vào chốt, nhưng đều thất bại do ta bẻ gãy. Trận địa chốt của Trung đoàn 273 án ngữ một quãng dài trên đường 13 từ phía nam Xóm Rớt đến phía đông đường 13 dài 8 km.

      Ngày 25 tháng 3 Quân đoàn giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 273 ngoài nhiệm vụ chốt giữ không cho địch từ Bầu Bàng lên, và từ Chơn Thành chạy về, Trung đoàn sử dụng một lực lượng cùng với Sư đoàn 9 tiêu diệt chi khu Chơn Thành.

      Ngày 31/3/1975 Tiểu đoàn 2 cùng với đại đội 9 và đại đội 10 dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Vũ Thang – Tham mưu trưởng và đồng chí Nguyễn Văn Giáp Trung đoàn phó phối thuộc với Sư đoàn 9 tiến công tiêu diệt địch ở Chi khu Chơn Thành.
Trận chiến đấu đã diễn ra vô cùng ác liệt trong suốt ngày 31 tháng 3. Chúng ta đã bao vây, chia cắt địch. Đêm mùng 1 tháng 4 năm 1975, cùng với Sư đoàn 9, chúng ta đã tiêu diệt địch ở Chơn Thành, phá tan bức tường phía Bắc bảo vệ Sài Gòn của địch.

      Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chốt chặn trên đường 13, tham gia tiêu diệt chi khu Chơn Thành và thị xã Dầu Tiếng, ngày 04 tháng 4 năm 1975, thiếu tướng Hoàng Cầm Tư lệnh Quân đoàn 4 giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 341 và Sư đoàn 7 tiến công tiêu diệt địch để giải phóng tỉnh Long Khánh.

      Để bảo vệ Sài Gòn từ xa, địch đã xây dựng tuyến phòng thủ Xuân Lộc. Đây là phòng tuyến trọng yếu của địch trên đường số 1 để bảo vệ Sài Gòn từ hướng Đông Bắc. Tại đây địch đã tập trung 50% lực lượng tinh nhuệ gồm bộ binh của Quân đoàn 3; 57% số lượng xe tăng, thiết giáp, 40% pháo binh, 01 lữ đoàn dù và Sư đoàn 18 ngụy do chuẩn tướng Lê Minh Đảo chỉ huy. Ngoài ra chúng được hai sư đoàn không quân yểm trợ cùng với một lực lượng dự bị tương đương một sư đoàn để cố thủ, bảo vệ cửa ngõ phía Đông Sài Gòn. Địch biết rằng mất Xuân Lộc là coi như mất Sài Gòn.

   5 giờ 40 phút ngày 9/4/1975, sư đoàn chúng tôi đã cùng với Sư đoàn 7 và Sư đoàn 6 nổ súng tấn công Xuân Lộc, thủ phủ của tỉnh Long Khánh.
Trung đoàn 266 tác chiến trên hướng chủ yếu, Trung đoàn 270 trên hướng thứ yếu,  cùng với các đơn vị bạn, Những người lính Sư đoàn Sông Lam đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, ngoan cường. Nhiều trận đánh cam go giành giật với địch từng căn nhà, từng hẻm phố, dưới mưa bom bão đạn, thậm chí địch đã ném cả bom “nhiệt áp" CBU 55, là loại vũ khí phi hạt nhân tàn bạo nhất trong kho vũ khí của Mỹ, xuống Xuân Lộc mà địch cho rằng là sở chỉ huy của Sư đoàn. Song địch đã không thể cứu vãn được Xuân Lộc.

      Sau 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt, cùng với các đơn vị bạn, Sư đoàn chúng tôi đã đập tan phòng tuyến "Bất khả xâm phạm”, “cánh cửa thép” của địch trên trục đường 1 từ hướng Đông Bắc, giải phóng Thị xã Xuân Lộc.
 
      Với chiến thắng Xuân Lộc, chúng ta đã tạo ra một bước ngoặt mới cho chiến dịch tổng tấn công vào Sài Gòn từ hướng Đông Bắc. Chiến công này khẳng định sự trưởng thành trong chiến đấu của Sư đoàn Sông Lam. Xuân Lộc đã trở thành một địa danh lịch sử mà cả thế giới biết đến và cũng là nơi đã ghi nhận chiến công vẻ vang và oanh liệt của cán bộ chiến sỹ Sư đoàn 341 Sông Lam.

   Sau chiến thắng Xuân Lộc, Sư đoàn được Quân đoàn 4 giao nhiệm vụ tiêu diệt Chi khu Trảng Bom, mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trên hướng Đông Bắc Sài Gòn. Đây là nhiệm vụ nặng nề, nhưng hết sức vẻ vang và đầy ý nghĩa. Sư đoàn mang tên dòng Sông Lam quê hương Bác, khai hỏa chiến dịch mang tên Bác kính yêu.
       
      Chúng tôi biết rằng đây là trận cuối cùng của 30 năm để kết thúc cuộc chiến tranh của cả dân tộc với nhiều thế hệ đã không tiếc máu xương và là ước mong của Bác trước lúc đi xa. Giây phút chúng tôi nhận nhiệm vụ vô cùng trang nghiêm và tràn đầy xúc động. Những giọt nước mắt lăn dài trên má những người lính trẻ cùng với những tâm trạng vui buồn đan xen, chúng tôi nghĩ đến những đồng đội đã ngả xuống hôm qua, không được tham dự trận đánh lịch sử này. Chúng tôi biết rằng mình cũng có thể sẽ hy sinh ở trận chiến đấu cuối cùng này, nhưng những người lính Sư đoàn Sông Lam chúng tôi vẫn bình tâm và hy vọng có mặt tại sào huyệt cuối cùng của Mỹ ngụy. Có lẽ đó là danh dự của mỗi người lính Cụ Hồ trước giờ G nổ súng.

   Sau khi thất thủ ở Xuân Lộc, Sư đoàn 18 địch lui về cố thủ tại Trảng Bom. Trảng Bom cũng là nơi sở chỉ huy của Quân đoàn 3 ngụy đặt bản doanh. Vì vậy địch cố thủ tại đây hòng chặn đường tiến công của quân ta về Sài Gòn.

   Đúng 5 giờ 5 phút ngày 27/4/1975, được sự tăng cường của Quân đoàn về xe tăng và pháo binh. Sư đoàn 341 chúng tôi đã nổ súng tấn công chi khu Trảng Bom. Một trận hiệp đồng binh chủng quy mô lớn hoàn toàn áp đảo địch, làm chủ chiến trường, đè bẹp sự kháng cự của địch ngay từ đầu.
   Với khí thế thần tốc tiến công, đến 9 giờ cùng ngày, những người lính sư đoàn Sông Lam chúng tôi đã tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã hoàn toàn Sư đoàn 18 và Trung đoàn thiết giáp số 5 của ngụy tại Chi khu Trảng Bom và tiêu diệt địch tại Suối Đỉa, cắt hoàn toàn đường rút chạy của địch về Biên Hòa.
   
      Chiến thắng này đã mở màn cho cuộc tổng tấn công của Đại quân vào Biên Hòa và Sài Gòn từ hướng Đông Bắc.

      Với khí thế thần tốc, Sư đoàn đã chia thành hai hướng: Một hướng nhanh chóng đánh chiếm Hố Nai, Tam Hiệp và tiến vào Sài Gòn theo Quốc lộ 1, trong đó có một đại đội của tiểu đoàn 3 đã lên xe tăng của Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc lập trong trưa ngày 30/4. Hướng thứ hai đánh chiếm sân bay Biên Hòa, cùng với đơn vị bạn vượt sông Đồng Nai tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm Thủ Đức, Tổng nha cảnh sát ngụy, cảng Bạch Đằng, Bộ tư lệnh hải quân, tổng cục xã hội nguỵ và Trường đua Phú Thọ…

      Cùng với Đại quân của các binh chủng, Quân chủng hợp thành, Sư đoàn đã góp phần kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thực hiện trọn vẹn Di chúc của Bác “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào” kết thúc 30 năm chiến đấu kiên cường, bền bỉ, oanh liệt và hết sức vẻ vang của Dân tộc ta.
   
      Sau ngày giải phóng, những người lính Sư đoàn Sông Lam chúng tôi lại bước vào nhiệm vụ mới. Đó là làm công tác quân quản thành phố.
Đây là một nhiệm vụ mới, một trận chiến đấu mới âm thầm nhưng không ít gay go vất vả. Ngày đêm những người lính sư đoàn làm việc không mệt mỏi, tuần tra canh gác để cho thành phố được bình yên, đấu tranh với bọn phản cách mạng còn nằm lại, từng bước ổn định đời sống nhân dân, tham gia xây dựng chính quyền phường khóm đồng thời vận động nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới.
Với sự vận động của bộ đội, hàng trăm hộ gia đình đã rời thành phố trở về quê cũ làm ăn sinh sống, đồng thời sư đoàn cũng đã vận động và tổ chức cho nhân dân các quận do đơn vị quản lý như Bình Thạnh, Quận 3, quận 10, và quận 11 đi xây dựng vùng kinh tế mới tại Bình Tuy, Long Khánh, La Ngà, Định Quán. Những làng quê mới xanh tươi, trù phú đã mọc lên trên những vùng đất hoang hóa do chiến tranh, đã biểu hiện cho sự sinh động của tình quân dân máu thịt, đồng thời cũng thể hiện được hình ảnh anh bộ đội giải phóng trong lòng người dân thành phố.
      Ngày 2/9/1976, khi vào thăm Sư đoàn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương “ … Là một sư đoàn trẻ tuổi nhất của quân đội ta. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, đã khẩn trương bước vào nhiệm vụ quân quản, sư đoàn lại hoàn thành tốt, được nhân dân thương yêu, mến phục, nhất là về kỷ luật. Các đồng chí vào thành vững như thành. Làm mẫu mực về xây dựng quân đội chính quy trong các LLVT ta ở Miền Nam…” .

      Chính bằng những việc làm của mình, sư đoàn chúng tôi đã xây dựng được lòng tin yêu của nhân dân thành phố. Đúng như đồng chí Nguyễn Văn Linh Bí thư thành uỷ lúc đó đã phát biểu: “…Thành phố Hồ Chí Minh không bao giờ quên Sư đoàn 341, đã cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng thành phố. Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thường nhắc tới Sư đoàn là một đơn vị có kỷ luật nghiêm, chấp hành tốt các chính sách đoàn kết quân dân. Sư đoàn 341 đã đi vào lịch sử của thành phố Hồ Chí Minh như một chiến công rực rỡ chói ngời của QĐND Việt Nam anh hùng…”

      Sau hai năm giải phóng, thành phố đã đổi thay, chính quyền cách mạng được củng cố, cuộc sống nhân dân khắp các quận huyện được ổn định, thì cũng là lúc Sư đoàn chúng tôi bắt tay vào nhận nhiệm vụ mới.
(Còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Mười Hai, 2015, 12:55:13 pm gửi bởi Đậu Thanh Sơn » Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #564 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2015, 08:16:34 am »


            Chào bác chủ Đậu Thanh Sơn! Chào các bạn!

            Bác chủ nhà đi vắng mấy trăm ngày đấy nhỉ. Hôm nay lại trở về ngôi nhà thân yêu trong trang mạng Máu Và Hoa này với câu chuyện lời bình về cuốn phim Hào Khí Đoàn Bộ binh Sông Lam thật hay thật tuyệt vời. Vừa mang tính văn học dã sử rất cụ thể. Tranphu341 cùng bạn đọc nhất là những người lính cùng Quân Đoàn, Cùng Sư đoàn thì giá trị đó được tăng lên thật nhiều.

            Chúc bác chủ luôn vui khỏe và thêm nhiều bài viết về những năm tháng chiến chinh của những ngươì lính chúng mình. Kính!
Logged
Đậu Thanh Sơn
Thành viên
*
Bài viết: 552


1975 - Mãi mãi là người chiến sỹ SĐ Sông Lam


« Trả lời #565 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2015, 11:40:56 am »

Chào anh Trần Phú kính mến.
      Ngay khi Thanh Sơn và anh Chiến đến mời Truyền hình Quân Khu 7 và Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội Phía Nam tham dự buổi họp mặt Truyền thống kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (19/4/2015). Nhân đó Ban LLTT CCB có đặt vấn đề quay cho Ban liên lạc một bộ phim Truyền thống của Sư đoàn 341.
     Trong lần làm việc với họ, Thanh Sơn có nói với anh Ngô Xuân Giang (Phụ trách Truyền hình QK7) và sau đó cũng nói với anh Đoàn Hoài Trung - Đại tá Giám đốc TT phát thanh và truyền hình Quân đội (phía Nam) là Ban liên lac TT Sư đoàn muốn xây dựng bộ phim truyền thống về Sư đoàn và Thanh Sơn nói "Nếu làm phim, tôi sẽ tham gia viết lời bình cho phim". Anh Xuân Giang cũng như anh Hoài Trung nói: "Thế thì tốt quá, vì anh Sơn có kinh nghiệm viết và nắm được lịch sử Sư đoàn".

     Sau này Ban LL quyết định ký Hợp đồng với Ttung tâm phát thanh và truyền hình quân đội phía Nam thực hiện bộ phim này (Không làm với Truyền hình QK7). Thanh Sơn đã dành ba đêm liền viết lời bình cho bộ phim và gửi qua mail cho cô Thanh Nga (7 trang A4). Vì theo thống nhất ban đầu phim làm có thời lượng 40 phút nên Thanh Sơn chỉ viết lời bình 7 - 8 trang thôi. Sau này phim phát sinh thành 120 phút (4 tập) Nên Thanh Sơn không viết lời bình cho 3 tập sau. Cô Nga đã sử dụng một số đoạn đưa vào lời bình trong tập 1 của phim “Hào khí Sư đoàn Sông Lam Anh hùng”.

     Trên đường đi quay ở Nghĩa trang LS Bình Long về, Thanh Sơn và cô Nga có thống nhất là phần lời bình phải có tên “Thanh Nga và Thanh Sơn”. Nhưng khi chiếu trình duyệt thì không thấy có tên Thanh Sơn. Thanh Sơn có thắc mắc thì cô Nga nói "vì có người không đồng ý đưa tên anh Sơn vào người viết lời bình của phim, nên em không đưa". Thanh Sơn có hỏi cô Nga "người đó là ai vậy?", thì Nga nói “vì lý do tế nhị em không thể nói được”. Sau đó cô Nga có gọi điện thoại cho Sơn hỏi là “Ý anh bây giờ muốn đưa tên anh vào tập 1 hay cả 4 tập?” Sơn trả lời: “anh chỉ tham gia viết lời bình cho tập 1 thì chỉ ghi tên anh trong tập 1 thôi, 3 tập còn lại anh không viết thì không đưa tên anh vào”. Nhưng sau đó thì cô Nga chẳng đưa tên Thanh Sơn vào tập nào cả, Sơn cũng chẳng buồn hỏi nữa. Điều này thì cũng thật vô lý. Nếu đã dùng lời bình do Sơn viết thì phải có tên Thanh Sơn vào phim mới đúng phải không anh? Ngày xưa khi làm báo, nếu bài báo nào Sơn viết mà có phóng viên nào trong BBT sửa hay thêm bớt thì bao giờ ở dưới bài cũng ghi “Bài của Thanh Sơn và …”. Nếu sử dụng hình ảnh của ai đó thì ghi “Bài và ảnh của Thanh Sơn và …”

     Nay Thanh Sơn muốn đưa bài viết lời bình này lên facebook và lên trang này cho các đồng đội F341 đọc tham khảo, để góp ý bài viết làm tư liệu truyền thống cho các buổi họp mặt của Ban LL TT CCB các tỉnh, chỉ vậy thôi anh Trần Phú ah. Thanh Sơn cũng không tranh chấp gì với cô Nga để “đòi tiền nhuận bút” từ đoàn làm phim hay có tên cho “oách xà lách” cả. Mong anh hiểu cho điều đó. Hậu trường làm phim còn nhiều chuyện khá … ”hay” anh ah, nhưng không tiện nói ra ở đây.
Cám ơn anh nhiều và chúc anh luôn vui khỏe, trẻ mãi. Kính anh.
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Mười Hai, 2015, 07:54:30 pm gửi bởi Đậu Thanh Sơn » Logged
Đậu Thanh Sơn
Thành viên
*
Bài viết: 552


1975 - Mãi mãi là người chiến sỹ SĐ Sông Lam


« Trả lời #566 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2015, 11:49:45 am »

 LỜI BÌNH CHO PHIM TRUYỀN THỒNG SƯ ĐOÀN (Tiếp theo)

Tháng 8/1977, sư đoàn 341 được Bộ Tổng Tham mưu điều sang Tổng cục xây dựng kinh tế, để làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế theo chủ trương của Bộ. Riêng Trung đoàn 270 được điều xuống Hà Tiên làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới do tình hình biên giới giữa nước ta và Campuchia đang căng thẳng và phức tạp.
   Trong khi sư đoàn 341 đang làm nhiệm vụ kinh tế tại Long Khánh, Sông Ray, suối Râm (Bà Rịa - Vũng Tàu), ngày 21/9/1977 bọn Polpot - Iêngsary nghe theo chiếc gậy của bọn bành trướng Bắc Kinh, đã xua quân tấn công chiếm sâu vào đất ta trên dọc tuyến biên giới các tỉnh tiếp giáp với Campuchia. Chúng đã giết hại hàng ngàn người dân vô tội một cách dã man tàn bạo như thời trung cổ.

   Ngày 28/9/1977, sư đoàn chúng tôi nhận lệnh tạm dừng làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế, để nhận nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới.
Chỉ sau 24 tiếng đồng hồ nhận lệnh và làm công tác chuẩn bị, ngày 29/9/1977, với đoàn xe 104 chiếc, Sư đoàn hối hả hành quân lên đường về biên giới Tây Ninh, trong lòng chúng tôi sục sôi căm giận bè lũ phản bội. Mới ngày nào bọn chúng là bạn cùng chung một chiến hào đánh Mỹ, nay trở mặt quay lại lấn chiếm biên giới và ra tay tàn ác đối với nhân dân ta. Hãy chặn ngay bàn tay của bọn giết người man rợ, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân! Đó là tiếng gọi, là mệnh lệnh từ trái tim người lính Cụ Hồ.
 
    Sau 457 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, các đơn vị của Sư đoàn đã đánh bại quân Polpot ở Bến Cầu, Khánh An, Khánh Bình, Hồng Ngự, Hà Tiên, Phước Vinh, Bến Sỏi, Năm Căn… Sư đoàn đã đánh 5 trận cấp sư đoàn và Trung đoàn cùng hàng trăm trận đánh lớn nhỏ khác. Tiêu diệt 11.213 tên địch, bắt sống 1.768 tên, góp phần với các đơn vị bạn đã tiêu diệt và làm tan rã 14 sư đoàn, làm tan rã 12 trung đoàn và 14 tiểu đoàn và thu được nhiều vũ khí trang bị của Khơ me đỏ, góp phần bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

      Đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia, Sư đoàn đã cùng với các đơn vị bạn và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc tổng tấn công trên khắp các tỉnh giáp Việt Nam.
Với khí thế thần tốc như vũ bão, sư đoàn 341 cùng đơn vị bạn đã đập tan tuyến phòng thủ Đường 10 Đôn Xê, vượt sông Niếc Lương nhập vào đội hình Quân đoàn 4 tiến về giải phóng thủ đô Phnompenh vào ngày 07/01/1979.

      Chế độ phản động của Polpot - Iengsary bị đập tan, chính quyền nước cộng hòa nhân dân Campuchia được thành lập. Thể theo yêu cầu của bạn, Sư đoàn 341 trở thành quân tình nguyện Việt Nam đã nhanh chóng tiến về hướng tây Nam thủ đô Phnompenh truy quét địch trên địa bàn Kôngpông Spư, giải tỏa đường 14 từ Phnompenh đi cảng Kongpongxom, tiêu diệt địch ở PurSat, Lếch. Sau đó hành tiến về huyện Muôn, cua chữ V, Tà sanh, Săm lốp. Sau đó đánh vào cao điểm 348 nơi tận cùng biên giới Campuchia.

      Nhân dân nước bạn vui mừng chào đón quân tình nguyện Việt nam và người lính sư đoàn Sông Lam. Cùng với các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam, sư đoàn 341 đã mang đến cuộc sống bình yên cho họ, đưa họ thoát khỏi thảm họa diệt chủng tàn bạo của Khơme đỏ.

   Đúng như lời của chủ tịch Hengsomrin đã phát biểu: "Tổ quốc Campuchia sẽ ghi vào sổ vàng lịch sử đấu tranh cách mạng của mình những chiến công và hình ảnh Quân đội nhân dân Việt nam nói chung, của sư đoàn 341 nói riêng. Trong những năm tháng chiến đấu trên đất nước Campuchia, các đồng chí đã để lại những kỷ niệm vô cùng cao đẹp, những hình ảnh trong sáng của tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân và quân đội hai nước Campuchia và Việt Nam chúng ta. Tên tuổi Sư đoàn đã ăn sâu vào trái tim và lòng người Chùa Tháp. Năm tháng sẽ đi qua, nhưng lịch sử của dân tộc Campuchia và nhân dân Campuchia đời đời ghi nhớ mãi tên tuổi của Sư đoàn..."
(Còn nữa)

« Sửa lần cuối: 07 Tháng Mười Hai, 2015, 12:51:44 pm gửi bởi Đậu Thanh Sơn » Logged
tranphu341
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2432


« Trả lời #567 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2015, 07:11:12 am »


          Chào bác chủ Đậu Thanh Sơn! Chào các bác!

          Tranphu341 mấy ngày nay đi vắng! Tranphu341 đọc bài viết và nhưng lời tâm sự trên, Tranphu341 rất hiểu những tình cảm, trình độ, năng lực cũng như những điều tốt đẹp của Đậu Thanh Sơn Đã làm, đang làm cho truyền thống của Sư đoàn.  Những bài viết:"Từ Điểm chốt bắt đầu" của Bạn đã làm cho bạn đọc hiểu được những gì mà "cậu" thanh niên vừa dời ghế nhà trường đã tham gia quân đội và được tham gia những trận đánh thật sự khốc liệt hướng đường 13 Bình Dương Sông Bé nhất là trận chiến Đại đội Sơn bị mấy chục xe tăng, xe bọc thép vây ép chiến chốt. Rồi những trận chiến trong chiến dịch HCM nữa.

           TRANPHU341 CŨNG ĐÃ VIẾT TRONG "ĐỒNG ĐỘI CÙNG SƯ ĐOÀN...". Là thời gian của cuộc chiến đã qua quá lâu. Giờ đây viết lại sử thì một người với góc, với tầm nhìn thì không thể nào thấy hết và chính xác hết được những " Tiểu Tiết" của lịch sử. Nên chúng ta cũng không quá câu lệ về vấn đề này.

           Giống như trên diễn đàn Máu & Hoa các bạn đã tranh luận là chiến dịch HCM là từ ngày nào hoặc tổng thể bao nhiêu ngày vv... Không ai có thể trả lời đúng. Mà nhưng nhà viết sử tầm cỡ Quốc Gia mà còn như vậy nữa là mình.

           Chúc Đậu Thanh Sơn lúc nào cũng nhiều sức khỏe cùng nhiều niềm vui lớn!
Logged
Đậu Thanh Sơn
Thành viên
*
Bài viết: 552


1975 - Mãi mãi là người chiến sỹ SĐ Sông Lam


« Trả lời #568 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2015, 10:18:23 am »

LỜI BÌNH PHIM TRUYỀN THỐNG SƯ ĐOÀN (Tiếp theo)

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế giúp bạn ở Campuchia, tháng 12/1980, Sư đoàn về nước và hành quân ra Bắc, trở về trong đội hình của Quân khu 4, đứng chân trên hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Hơn 40 năm qua, cho dù ở đâu, điều kiện hoàn cảnh nào, nhiệm vụ gì, Sư đoàn luôn phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, khắc phục mọi khó khăn, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường năng động và sáng tạo nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Tổ quốc giao phó.
Chỉ hơn tám năm sau khi ra đời, sư đoàn đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, trong đó có 18 trận cấp sư đoàn, 67 trận cấp trung đoàn và tương đương… Những tấm gương dũng cảm, gan dạ mà mưu trí trong chiến đấu. Trong đó có tiểu đội của Nguyễn Đức Lĩnh (đại đội 6 tiểu đoàn Cool trong một ngày đã đánh lui 11 đợt phản kích của địch, tiêu diệt 42 tên giữ vững chốt tại cầu Prasot trên trục đường từ Mộc Bài đi Niếc Lương. Ngô Khắc Quyền (đại đội 2 tiểu đoàn 1) một mình giữ chốt đánh hàng chục trận diệt hơn 100 tên địch, và nhiều cán bộ chiến sỹ khác như đồng chí Đức - chính trị viên phó đại đội 1 tiểu đoàn 1, Ngô Duy Phơn trung đội trưởng (đại đội 3 tiểu đoàn 1) đã chỉ huy trung đội chiến đấu giữ vững chốt và đã hy sinh anh dũng; Trần Trung Nhẫn bị thương vào tay phải không chịu trở lại tuyến sau, dùng tay trái xông lên diệt địch; Lưu Quang Lực dùng vai làm bệ súng trung liên cho đồng đội diệt địch trên đồng nước bùn lầy; Nguyễn Kim Tha chiến sỹ  đại đội 7 mặc dù đã bị thương ba lần, còn lại một mình khi đồng đội đã thương vong hết, anh đã sử dụng hết các loại súng chặn đứng cả tiểu đoàn của địch, chiến đấu đến viên đạn và hơi thở cuối cùng. Nguyễn Trịnh Ngọ, Mai Đình Trúc, Đặng Thái Đình, Trương Quang Trung, Nguyễn Đức Lĩnh, Hà Quốc Ân, Vũ Xuân Thủy, Kiều Văn Dũng, Thái Đình Ký, Đậu Văn Nga, Trần Thanh Thụy… Họ là những cán bộ, chiến sỹ tiêu biểu góp phần làm nên chiến thắng chung của sư đoàn.   
Chính vì vậy, chưa đầy 8 năm sau khi ra đời, Sư đoàn đã hai lần được Nhà nước tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng LLVT nhân dân (năm 1976 và năm 1979).
Cũng trong hơn 40 năm qua, Sư đoàn được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng tặng thưởng:
- 01 Huân chương Hồ Chí Minh
- 02 Huân chương Quân công hạng Nhất
- 02 Huân chương chiến công hạng Nhất
- 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng 3.
- 01 Huân chương Apsara hạng Nhất – là Huân chương cao quý nhất của nước Cộng hòa nhân dân CPC.
- 02 Lá cờ của chủ tịch Tôn Đức Thắng
- 02 Lá cờ "Đơn vị xuất sắc nhất" của cuộc vận động "Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các LLVT ND do Bộ Quốc phòng tặng)
- Có 04 Trung đoàn (266, 273, 270, 55), 04 tiểu đoàn và 02 đại đội được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND.
- 04 cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND, đó là: Liệt sỹ Nguyễn Sông Thao, liệt sỹ Ngô Khắc Quyền, đ/c Phạm Văn Lái và đ/c Nguyễn Văn Lộc.

   Hơn 40 năm qua, trên chặng đường xây dựng, trưởng thành của mình, dấu chân của cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 341 Sông Lam đã in đậm trên mọi miền Tổ quốc, có mặt trên từng điểm nóng của đất nước, và ở những nơi đó sư đoàn chúng tôi đã lập nên nhiều chiến công oanh lịêt. Những chiến công đó đã làm nên truyền thống của sư đoàn “Trung thành vô hạn – Kỷ luật nghiêm minh – Quyết chiến quyết thắng” đồng thời cũng đã góp phần tô thắm thêm trang sử vàng vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam.

   Hơn hai ngàn ngàn cán bộ chiến sỹ đã hy sinh trong hai cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, máu đào của các anh đã tô thắm lá cờ đỏ Tổ quốc. Chúng tôi, những đồng đội còn sống sau chiến tranh luôn nhớ về các anh, biết ơn công lao của các anh, các anh hy sinh để chúng tôi được sống, các anh đã không quản tuổi thanh xuân, cống hiến tuổi trẻ cho độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự lớn mạnh của Sư đoàn hôm nay.
 Xin các anh hãy yên nghỉ nơi đây, ở đâu cũng là đất mẹ quê hương. Nhân dân nơi các anh ngã xuống sẽ muôn đời nhớ đến các anh, những người con thân yêu đã hy sinh vì Tổ quốc, vì sự bình yên cho mỗi ngôi nhà, mỗi xóm làng, mỗi ngọn núi, con sông.
 
   Năm tháng đã trôi qua, chiến tranh đã lùi về quá khứ xa xăm, chiến trường năm xưa nay đã phủ lên màu xanh bao la bạt ngàn của cao su, cà phê với những làng xã và phố xá mới.  Nhưng mỗi lần họp mặt, những người lính Sư đoàn Sông Lam lại hòa quyện vào nhau, ký ức về những trận đánh, về đồng đội mất còn, về những kỷ niệm của một thời đạn bom, một thời trai trẻ lại trào sôi trong họ. Họ nhớ về những vùng đất mình đã đặt chân đến, đóng quân, chiến đấu rồi lại khoác ba lô ra đi. Họ để lại những hình ảnh đẹp về “anh bộ đội Cụ Hồ” trong tình cảm yêu thương của nhân dân các địa phương trong nước, cũng như hình ảnh “chiến sỹ tình nguyện Sư đoàn Sông Lam” trong lòng nhân dân đất nước Chùa Tháp.

(Còn nữa)
Logged
binhc6d5e2f9
Thành viên
*
Bài viết: 155


« Trả lời #569 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2015, 08:08:03 pm »

chào anh ĐẬU THANH SƠN,chiến tranh tây nam nổ ra vào vào đêm 24 rạng ngày 25/9/1977 (chủ nhật ) bè lũ PÔN PỐT tấn công gây tội ác với nhân dân VIỆT NAM trên toàn tuyến biên giới . trong đội hình quân đoàn 4 khi đó , thì sau khi kết thúc nhiệm vụ quân quản  tại thành phố HỒ CHÍ MINH , chỉ có sư đoàn 9 được giao nhiệm vụ huấn luyện sãn sàng chiến đấu , thực tế chỉ có 2 trung đoàn là E 2 và  E 1 riêng E 3 làm nhiệm vụ huấn luyện tân binh, do vậy khi chiến tranh bắt đấu, ngay sáng 25/9/1977 trung đoàn BÌNH GIÃ đã cơ động lên SA MÁT và sáng  26/9/1977 đã tổ chức tấn công quân KHƠ ME ĐỎ tại TÂN LẬP , SA MÁT, TÂN BIÊN , TÂY NINH. trung đoàn ĐỒNG SOÀI và 209 của f 7, một trung đoàn của f 341 sáng 2/10/1977 đã nổ súng đánh đuổi quân PÔN PỐT tại huyện BẾN CẦU . TÂY NINH . đó là những ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh biên giới tây nam. xin chào anh và chúc anh cũng như tất cả anh chị em  nhiều sức khoẻ .
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM