Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:18:07 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Kế sách giữ nước thời Lý - Trần  (Đọc 79259 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2008, 10:23:33 pm »


III. MỞ MANG MÀNG LƯỚI GIAO THÔNG

Cho đến nay, chúng ta không có tài liệu để khôi phục lại hệ thống giao thông thời Lý - Trần, có chăng chỉ hình dung được những nét lớn. Ví dụ hệ thống đường nối liền với Trung Hoa, rõ hơn là các con đường từ Trung Hoa đến Thăng Long, chỉ có thể căn cứ vào các cuộc hành quân xâm lược của giặc Tống, giặc Nguyên - Mông để xem xét. Đó là con đường bộ ven biển Quảng Ninh qua Uông Bí, Đông Triều, Phả Lại đến Thuận Thành (Hà Bắc) vào Thăng Long, song song với đường thủy ven biển vào cửa sông Bạch Đằng hoặc cửa sông Thái Bình. Con đường này đã xuất hiện từ các thế kỷ trước sau công nguyên, quen gọi là “đường xâm lược”. Ngoài ra còn có các con đường từ Quảng Tây vào ở phía Cao Bằng, Lạng Sơn và từ Vân Nam đến dọc theo phía tả ngạn sông Hồng. Nối liền với Chiêm Thành ở phía nam, chủ yếu còn là đường biển, đường bộ chưa hoàn chỉnh, còn chắp nối nhiều đoạn với đường sông.

Trong khi đó giao thông nội địa, ngoài đường sông khá thuận lợi, thông dụng, còn có. một hệ thống đường bộ ven theo các dòng sông thuộc phạm vi từng vùng châu thổ sông Hồng, sông Mã, sông Lam. Nối liền châu thổ sông Hồng với Hoan Ái (Thanh - Nghệ - Tĩnh) có thể đoán đó là con đường thiên lý (còn gọi là đường thượng đạo) còn khá thông dụng vào thời Lê sơ. Đường này từ Thăng Long qua Chương Mỹ (Hà Đông cũ) vào Nho Quan - Rịa đi Cẩm Thủy, Thạch Thành hoặc từ Rịa đi Tam Điệp vào làng Ràng (Đông Sơn), Duy Tinh (Hậu Lộc) thủ phủ của Thanh Hóa thời Lý - Trần.

Từ Thanh Hóa đi về phía nam có nhiều sông ngòi ngăn cách, vì vậy, ngay từ thế kỷ X, Lê Hoàn đã tiến hành đào sông từ Đông Cổ (Yên Định cũ, nay thuộc Thiệu Yên) đến Bà Hòa (Tĩnh Gia) vì “đường núi hiểm trở khó đi, người ngựa mỏi mệt, đường biển thì sóng to khó đi lại1. Năm 992, Lê Hoàn lại cho mở đường bộ từ của biển Nam Giới (cửa Sót) Hà Tĩnh đến châu Địa Lý (Quảng Bình).

Trên đây là những trục đường chính nối liền các khu vực rộng lớn của cả nước. Ngoài ra, hẳn còn có những con đường liên châu - lộ - phủ - huyện và đường liên hương - giáp, nối liền các đơn vị hành chính thời này.

Hoàn toàn có cơ sở để nghĩ rằng thời Lý - Trần, trong giao thông nội địa, đường thủy vẫn giữ một vị trí khá quan trọng. Với tập quán quen sông nước và kỹ thuật, nguyên vật liệu đóng thuyền bè phong phú, cư dân thời Lý - Trần thừa kinh nghiệm lợi dụng hệ thống sông ngòi dày đặc để thông thương thời bình cũng như tổ chức chống giặc trong thời chiến. Đường bộ đã có từ trước, còn đang trong quá trình hoàn thiện. Nhà nước thời này hẳn đã có ý thức đặc biệt quan tâm mở mang màng lưới giao thông thủy bộ phục vụ dân sinh và quốc phòng.

Sử chép, vào năm 1042, Lý Thánh Tông đã “xuống chiếu cho Khu mật viện là Nguyễn Châu hạ lệnh cho những người trốn tránh ở các lộ đều phải nhận lấy các cầu đường ở địa phương, đắp thành ụ mốc, trên cắm biển gỗ để tiện chỉ hướng đi về các nơi2. Cũng vào năm này Việt sử lược còn chép: “xuống chiếu cho các lộ, mỗi lộ đều đặt trạm gác để tiện coi xét bốn phương3. Việc làm này của ông vua thứ hai thời Lý biểu thị ý thức kết hợp giữa dân sinh và an ninh quốc phòng trong chủ trương hoàn thiện giao thông đường bộ. Cũng còn có ông vua đã “đi tuần các hải đảo, quan sát hình thế núi sông, xem xét dân tình và đường đi xa gần”. Đó là việc làm của Lý Anh Tông vào năm 11714. Một năm sau, Lý Anh Tông lại đi tuần hải đảo và địa giới nam, bắc, cho vẽ bản đồ và ghi chép phương vật.

Sử sách còn mách bảo từ thời Lý, trên các tuyến đường bộ đã có đình trạm để cho người đi đường nghỉ chân. Sang thời Trần, ở các đình trạm này đều có đắp tượng Phật để thờ. Sử chép, vào năm 1231 “Thượng hoàng (Trần Thừa) xuống chiếu rằng trong nước hễ chỗ có đình trạm đều phải đắp tượng Phật để thờ. Trước đây (chỉ thời Lý), tục nước ta vì nóng bức, nên làm nhiều đình cho người đi đường nghỉ chân, thường quét vôi trắng, gọi là đình trạm. Thượng hoàng khi còn hàn vi từng nghỉ ở đó5, năm 1248, thời Trần, cùng với việc đào sông, đục núi về trấn yểm “vượng khí” ở Thanh Hóa, nhà nước “còn lấp các khe kênh, mở đường ngang dọc thì nhiều không kể xiết”(2).

Cho đến cuối thời Trần, vào năm 1375, Trần Duệ Tông còn “sai Đào Lực Đinh và Hà Tư Công đốc suất người Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình đắp sửa đường sá từ Cửu Chân (Thanh Hóa) đến Hà Hoa (nam Hà Tĩnh, giáp Hoành Sơn) ba tháng thì xong”(3). Việc dựng đình trạm ven đường còn được sử chép thêm vào năm 1399 “dọc rừng rậm và đồng hoang dựng các quán xá, từ cầu Đại Tân (?) đến bến Đàm Xá (?) để tiện cho quân dân qua lại nghỉ ngơi”(4).

Nếu như về đường bộ sử chép ít, thì về việc sửa sang đường thủy ta thấy được chép nhiều hơn. Ngoài việc đào sông, đắp đê phòng chống lũ lụt, sử chép nhiều lần sửa sang mở mang giao thông đường thủy như các năm:

Thời Lý:

Năm 1051 đào kênh Lẫm (Yên Mô-Ninh Bình, đường thủy vào Thanh Hóa)
Năm 1081 đào ngòi Lãnh Kinh (Thị Cầu - Hà Bắc)
Năm 1192 khơi sông Tô Lịch (giao thông đường thủy ở Thăng Long).

Thời Trần:

Năm 1231 đào vét kênh Trầm, kênh Hào (Tĩnh Gia Thanh Hóa, đường thủy nối với sông Hoàng Mai)
Năm 1256 đào vét sông Tô Lịch
Năm 1374 Quân dân Thanh Hóa Nghệ An đào kênh đến cửa biển Hà Hoa (Kỳ Anh - Hà Tĩnh).
Năm 1382 Quân dân Nghệ An, Diễn Châu đào kênh Hải Tây.
Năm 1390 Khơi sông Thiên Đức (sông Đống)
Nam 1399 bắt người tội đày phải làm lính khơi mương, khơi các kênh Vi, kênh Trầm, kênh Hào đến Hà Hoa6.

Căn cứ vào những ghi chép vắn tắt của sử biên niên ta biết được nhà nước thời này đặc biệt quan tâm đến giao thông đường thủy ở bốn khu vực quan trọng: tuyến vào Thăng Long (sông Tô Lịch, sông Thiên Đức); tuyến vùng Phả Lại, Hà Bắc (sông Lãnh Kinh, sông Thiên Đức); tuyến đường thủy vào Thanh Hóa (Lẫm Cảng) và tuyến đường từ Thanh Hóa vào Hoành Sơn (kênh Vi, kênh Trầm, kênh Hào, kênh Hải Tây).

Như đã trình bày, giao thông đường bộ trong nội địa từ vùng châu thổ sông Hồng vào đến Hoành Sơn gặp nhiều trở ngại do sông núi cắt ngang. Khai thác lợi thế của sông ngòi, nhà nước Lý - Trần đã đặc biệt chú ý đến đào sông, kênh. Ta có thể hình dung tuyến đường thủy từ sông Đáy qua sông Vân Sàng đến Lẫm Cảng, qua Thần Phù vào sông Hoạt, sông Báo Văn nối với sông Đại Lại (sông Lèn) hoặc sông Ấu để vào trung tâm Thanh Hóa thời bầy giờ ở làng Ràng (Đông Sơn.) hoặc Duy Tính (Hậu Lộc). Từ đây qua các sông Bố Vệ, sông Lý, sông Yên, kênh Trầm, kênh Hào nối với sông Hoàng Mai tiếp nối đến sông Lam ngày nay để đi về phía nam theo đường biển. Như vậy, về đường thủy trong nội địa, nhà nước thời Lý - Trần đã hoàn chỉnh tuyến giao thông nối liền kinh đô Thăng Long với Thanh Hóa, Nghệ An được coi là phên giậu phía nam của đất nước thời này. Với việc làm này, nhà nước đã tạo điều kiện mở mang giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các khu vực với trung tâm Thăng Long thời bấy giờ.

Mặt khác, các khu vực trọng điểm kể trên cũng chính là những chốt quan trọng trên con đường hành quân chống giặc và thường là chiến trường ác liệt trong chống Nguyên Mông cũng như chống giặc Chiêm Thành. Thanh Hóa, Nghệ An có một thời gian ngắn nhà nước Trần xếp vào loại “trại”, đã trở thành hậu phương vững chắc trong chống giặc Nguyên Mông lần thứ hai (1285) và từng nhiều lần là địa bàn cản phá giặc Chiên Thành.

Tóm lại, nhà nước thời Lý - Trần đã quan tâm phát triển giao thông thủy bộ nhằm mở mang đất nước, phát triển kinh tế, cải thiện sinh hoạt cho nhân dân và thực sự đem lại những thuận lợi lớn cho công cuộc chống giặc giữ nước, tạo nên nhiều chiến công oanh liệt.


*
*   *


Lịch sử đã ghi nhận một sự phát triển kinh tế mạnh mẽ vào thời Lý - Trần.

Nông nghiệp, công thương nghiệp, giao thông là những lĩnh vực riêng biệt nhưng có quan hệ tương tác và gắn bó chặt chẽ trong quá trình phát triển kinh tế nói chung của đất nước. Đúng rằng sự phát triển của kinh tế có quy luật khách quan của nó như tự nhiên vậy, nhưng không thể tách rời vai trò và tác động chủ quan của con người, trong đó, đặc biệt là vai trò của nhà nước. Cần thiết phải mở mang kinh tế, nhà nước nào cũng nhận thức được điều đó. Nhưng làm thế nào để phát triển và phát triển như thế nào trong một quốc gia cụ thể với hoàn cảnh cụ thể của nó là điều không đơn giản.

Lịch sử đã đặt nhà nước và nhân dân ta thời Lý - Trần một nhiệm vụ hết sức nặng nề là phải kế tục các nhà nước Ngô, Đinh, Tiền Lê bảo vệ nền độc lập tự chủ vừa mới giành lại được, nhanh chóng phục hưng để đất nước trường tồn và phát triển. Đối với quốc gia Đại Việt thời Lý - Trần, nguy cơ xâm lược của Tống, Nguyên ở phía bắc và Chiêm Thành ở phía nam gần như là mối lo thường trực. Sự thực này đã chi phối mọi hoạt động của nhà nước. Trong lĩnh vực kinh tế, việc mở mang mọi mặt làm cho dân giàu nước mạnh gắn chặt với mục tiêu quốc phòng.

Với một quốc gia nông nghiệp, một dân tộc có truyền thống làm nông nghiệp lúa nước, nhà nước thời Lý - Trần đặc biệt khuyến nông bằng nhiều biện pháp nhưng không xem nhẹ công, thương nghiệp. Ở trình độ phát triển của xã hội vào các thế kỷ XI - XIV, nhu cầu của dân không chỉ có ăn và quân lính không chỉ ăn no đã đủ để thắng giặc. Yêu cầu dựng nước và giữ nước còn đòi hỏi nhiều thứ mà nông nghiệp không thể thỏa mãn. Điều đó đòi hỏi ở công, thương và giao thông vận tải. Mặt khác, nhu cầu thường trực chống giặc giữ nước đòi hỏi phải có một đội quân đông đảo. Nhưng đây lại là lực lượng chủ chốt trong lao động dựng nước. Nhà nước đã giải quyết mâu thuẫn này bằng chính sách “ngụ binh ư nông”.

Trong tổ chức khai hoang, chủ trương cho lập điền trang, ban cấp thái ấp, mở mang giao thông, nhà nước Lý - Trần đều kết hợp xây dựng kinh tế với tăng cường sức mạnh quốc phòng và đặc biệt chú ý đến những trọng điểm có vị trí chiến lược trong giữ nước.

Tóm lại, quan tâm khuyến khích nông nghiệp, phát triển công thương, mở mang giao thông vận tải đều kết hợp chặt chẽ với quốc phòng, hướng về quốc phòng, đã trở thành một chủ trương lớn mang tính chiến lược trong kế sách giữ nước thời Lý - Trần.
_____________________________________
1. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd: t.I: tr.219.
2, 4. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd. t.I. tr.272, 347.
3. Việt sử lược, Sđd. tr.85
5. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd. t.II. tr.11, 20, 158, 198.
6. Theo Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục, Sđd.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2008, 08:25:11 pm »


CHƯƠNG IV

XÂY DỰNG MỘT HỆ THỐNG NGẠCH QUÂN HOÀN CHỈNH. QUÂN CỐT TINH KHÔNG CỐT NHIỀU, NGỤ BINH Ư NÔNG, TOÀN DÂN LÀ LÍNH

Thời Lý - Trần cũng như nhiều giai đoạn khác trong lịch sử dân tộc, vấn đề củng cố quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập tự chủ luôn luôn được nhà nước và nhân dân ta quan tâm đặc biệt. Gần như thông lệ sau khi củng cố được địa vị thống trị của mình, các triều đại phong kiến phương Bắc lại tìm cơ hội đưa quân sang xâm lược nước ta. Kẻ thù dân tộc ta lúc đó là các thế lực bành trướng nhà Tống, nhà Nguyên - Mông rất lớn mạnh: nước lớn, đông dân lương nhiều, quân đông, đã từng nổi tiếng thế giới đương thời về những đạo bộ binh, kỵ binh tinh nhuệ, các hạm thuyền lớn vượt biển... Trong khi quân thù to lớn và tàn bạo thì trái lại, nước Đại Việt nhỏ bé chỉ có chừng 5 đến 7 triệu dân, quân đội thường trực lúc hòa bình chỉ khoảng 5 đến 10 vạn. Để đánh thắng giặc, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc thì nhiệm vụ xây dựng quân đội như thế nào là một phương lược lớn của tổ tiên ta thuở ấy.

Bấy giờ hoàn cảnh đặt ra hai nhu cầu cấp thiết: vừa phải xây dựng nước nhà giàu mạnh, vừa phải tăng cường khả năng quốc phòng, sẵn sàng đối phó với nguy cơ xâm lược. Trước yêu cầu lịch sử đó, triều Lý và triều Trần đã không ngừng củng cố nhà nước tập quyền, tăng cường khối đoàn kết thống nhất, thực hiện khoan thư sức dân, xây dựng quân đội chính quy.... Thời đó, một hệ thống ngạch quân được tổ chức hoàn chỉnh với đủ các thành phần, trong đó, quân đội thường trực quốc gia là lực lượng nòng cốt được xây dựng theo phương thức “cốt tinh nhuệ không cốt nhiều”. Chính sách “ngụ binh ư nông” đã trở thành quốc sách, bảo đảm chất lượng và số lượng quân đội khi hoà binh cũng như lúc chiến tranh. Phương lược đó đã đáp ứng tốt mục tiêu của các triều đại Lý, Trần là xây dựng chính quyền quân chủ tập trung vững mạnh làm cho quốc gia thịnh vượng, “quốc phú binh cường”.


I. XÂY DỰNG MỘT HỆ THỐNG NGẠCH QUÂN HOÀN CHỈNH

Đầu thế kỷ X, sau khi đánh tan giặc ngoại xâm, Ngô Quyền xây dựng một quốc gia độc lập tự chủ. Tổ chức quân đội lúc đó còn thô sơ, biên chế chưa được phân định rõ rệt. Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn các sứ quân, bắt tay xây dựng nhà nước thống nhất và có dụng tâm tổ chức một quân đội mạnh. Năm Thái Bình thứ nhất (974), nhà Đinh định ngạch quân 10 đạo, mỗi đạo có 10 quân, mỗi quân có 10 lữ, mỗi lữ có 10 tốt, mỗi tốt có 10 ngũ, mỗi ngũ có 10 người. Quân đội do Thập đạo tướng quân Lê Hoàn chỉ huy. Nếu tính ra số quân triều Đinh có 100 vạn; chắc đó chỉ là ngạch quân biên sổ, đặt sẵn về mặt tổ chức biên chế, còn binh lính chủ yếu ở nhà sản xuất, khi có việc luyện tập, canh phòng hoặc chiến đấu mới gọi ra lệ thuộc các tướng. Vua Đinh đã để lại cho đời sau một di sản quý báu. Nhờ đó, năm 981, Lê Hoàn kế vị đã đem Thập đạo quân đánh tan quân xâm lược Tống. Năm Thiên Phúc thứ 7 (986), Lê Hoàn cho điểm dân làm lính, lấy người khỏe mạnh sung vào quân Túc vệ, mỗi người lính được thích vào trán ba chữ “Thiên tử quân”. Tiếp đó, vua Lê lại kiểm duyệt quân đội phân phối đi các đạo, phủ, tổ chức các đội ngũ, cho làm cung nỏ, rèn giáo mác và đóng chiến thuyền; chia tướng làm hai ban, chế mũ đầu mâu màu bạc phát cho quân lính, v.v… Như vậy trước thời Lý, Đại Việt đã có tổ chức quân đội chính quy. Thời Đinh - Lê đã quy định khung biên chế, nhiều lần cải cách tổ chức quân đội. bước đấu có những quy chế thống nhất về tổ chức và trang bị.

Nhà Lý rồi nhà Trần kế tiếp nhau thừa hưởng thành quả của các triều đại trước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có tổ chức quân đội, và đều đạt được những thành tựu mới trên lĩnh vực này.

Trên cơ sở tổ chức quân sự quốc phòng đạt được từ thế kỷ X, nhà nước Lý - Trần đã xây dựng hệ thống ngạch quân của mình. Đó là một hệ thống tổ chức quân sự từ trung ương đến tận làng xã, động bản. Lực lượng quân sự thời Lý - Trần bao gồm các thành phần sau đây:

1 - Quân chủ lực của triều đình.
2 - Quân của lộ, phủ, châu.
3 - Quân của quý tộc, tông thất (quân vương hầu)..
4 - Lực lượng dân binh (hương binh) trong làng xã, động bản.

Thành phần chủ yếu của lực lượng quân sự thời Lý - Trần là những đơn vị quân đội thuộc quyền quản lý trực tiếp của triều đình trung ương. Đây là lực lượng quân chủ lực của nhà nước, gồm có Cấm quân và Sương quân.

Cấm quân bao giờ cũng là lực lượng nòng cốt, thường được gọi là Thân quân hay quân trong kinh. Lúc hòa bình Cấm quân đóng ở kinh thành, có nhiệm vụ bảo vệ vua và triều đình, khi có chiến tranh là chủ lực quân đánh giặc giữ nước.

Trong xã hội phong kiến, kinh đô luôn luôn là mục tiêu bảo vệ quan trọng nhất. Kinh đô Thăng Long, nơi đầu não của đất nước, trông đó có vua, hoàng tộc và cả triều đình ở và làm việc, thường xuyên được bảo vệ cẩn mật. Nhiệm vụ này được nhà nước giao cho Cấm quân. Vì thế thời kỳ nào, triều đại nào, Cấm quân cũng được chú ý xây dựng và phát triển.

Năm 1028, Lý Thái Tông đặt 10 vệ điện tiền Cấm quân, gồm tả và hữu các vệ: Quảng Thánh, Quảng Vũ, Ngự Long, Bổng Nhật, Phủng Nhật và Trừng Hải. Sử thần Ngô Thì Sỹ chép: “Đặt ra Cấm quân trước điện vua gọi là các vệ Quảng Thánh, Quảng Vũ, Ngự Long, Phủng Nhật và Trừng Hải, mỗi vệ chia ra tả và hữu trực; trại quân đóng cả trong cấm thành để bảo vệ, tổng cộng là 10 vệ1. Năm 1054, Lý Thánh Tông đổi tên các đô quân Khuông Thánh của Thần Vệ thành Củng Thánh, Quảng Đức thành Trung Vũ, Quảng Vũ thành Chiêu Vũ; đồng thời đặt thêm tả, hữu Long Dực đô, mỗi đô 100 người. Năm 1059, nhà vua lại chia quân thành tám hiệu: Ngự Long, Vũ Thắng, Long Dực, Thần Điện, Bổng Thắng, Bảo Thắng, Hùng Lược và Vạn Tiệp; mỗi hiệu quân đều chia làm tả, hữu, tiền, hậu, bốn bộ hợp thành 100 đội, trong đó có cả lính kỵ mã và lính bắn đá, mỗi người thích lên trán ba chữ “thiên tử quân”. Đến đời Lý Nhân Tông, năm 1104, duyệt binh Hưng Nam, Vũ Tiệp tả và hữu, đổi làm đô Ngọc Giai, binh Ngự Long đổi thành đô Hưng Thánh, Quảng Vũ; những người thuộc họ lớn trong dân cho làm binh Vũ Thắng, đồng thời đổi điền nhi làm binh Thiết Lâm. Năm 1118 nhà vua cho tuyển 350 con trai hạng hoàng đại nam khỏe mạnh để sung vào làm binh các đô Ngọc Giai, Hưng Thánh, Vũ Đô và Ngự Long. Năm sau, vua sai duyệt sáu binh Vũ Tiệp, Vũ Lâm, v.v…, hạng khỏe giỏi cho làm hỏa đầu (đội trưởng) ở các quân Ngọc Giai, Hưng Thánh, Bổng Nhật, Quảng Thánh, Vũ Đô, v.v…, hạng dưới cho làm lính các độ đó. Sử chép: “Binh chế buổi đầu đời Lý... lấy thân quân làm trọng gọi là Cấm quân. Cấm vệ có 10 quân, mỗi quân có 200 người, đều có tả hữu; phải túc trực thường xuyên2.
___________________________________
1. Ngô Thì Sỹ: Việt sử tiêu án. Văn hóa, Á châu xuất bản. Sài Gòn 1960, tr.61.
2. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. NXB Sử học. Hà Nội. 1961 t.IV, tr.5.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2008, 08:32:36 pm »


Tuy mang danh hiệu là “Thiên tử quân” như quân dưới thời Đinh - Lê nhưng Cấm quân thời Lý phát triển hoàn chỉnh hơn. Quân đội thời Lý được chia thành từng tướng hiệu, quân hiệu, các vệ quân, đô quân, các đội, ngũ hoặc giáp để thay nhau phụng trực hoặc tuần tra canh gác.

Cũng như triều Lý, triều Trần tổ chức Cấm quân theo nguyên tắc Thân quân, quân của vua, của triều đình thuộc giòng họ thống trị. Nhưng khác với triều Lý, triều Trần ngoài kinh đô Thăng Long cần được bảo vệ cẩn mật nhất, còn có phủ Thiên Trường, nơi quê hương của họ Trần và là nơi ở của các Thượng hoàng, được coi gần như một kinh đô thứ hai cần được bảo vệ. Do vậy, Cấm quân nhà Trần được mở rộng phát triển hơn để đảm nhận thêm nhiệm vụ mới, bảo vệ Thượng hoàng, bảo vệ phủ Thiên Trường (Nam Định).

Năm 1246, Trần Thái Tông định danh hiệu quân đội chọn người khỏe mạnh sung làm quân Tứ Thiên, Tứ Thánh, Tứ Thần. Người ở các lộ Thiên Trường và Long Hưng, sung làm quân Thiên Thuộc, Thiên Cương, Chương Thánh và Củng Thần; người các lộ Hồng và Khoái sung làm quân tả Thánh Dực và hữu Thánh Dực; người các lộ Trường Yên, Kiến Xương sung làm quân Thánh Dực và Thần Sách. Người tuyển từ các lộ khác thì sung vào các vệ cấm quân hoặc sung làm trạo nhi (lính chèo thuyền, khiêng võng) và các phong đội. Có thể hiểu Tứ Thiên, Tứ Thánh và Tứ Thần ở đây là quân Túc vệ gồm có tả, hữu Thiên Thuộc và tả, hữu Thiên Cương; tả, hữu Chương Thánh và tả, hữu Thánh Dực; tả, hữu Củng Thần và tả, hữu Thần Sách; tổng cộng là 12 vệ quân. Nhà Trần khởi lên từ lộ Thiên Trường, cho nên đã lấy quân ở bản lộ và những lộ phụ cận làm quân Túc vệ để bảo vệ Thượng hoàng và nhà vua.

Năm Thiên Hưng thứ 16 (1298), Trần Anh Tông đặt các quân hiệu Chân Thượng đô, Thủy Dạ Soa đô và Chân Kim đô. Năm 1311, nhà vua đặt thêm quân hiệu Toàn Kim Cương. quân lính đều được thích tên quân hiệu lên trán; đồng thời chia quân Thiên Thuộc ra làm hai đô Thượng Phù đô và Hạ Phù đô. Sau hai năm, Anh Tông lại đổi quân Vũ Tiệp làm quân Thiết Ngạch và cử Vũ vệ đại tướng quân quản lĩnh.

Đời Minh Tông, năm 1315, đặt Phù Liễn đô gọi là Long vệ tướng và sau đổi làm Khấu Mã quân. Các đời vua sau đặt thêm các quân hiệu mới. Chẳng hạn năm 1378, Cấm quân có các hiệu như: Thần Dực, Thiên Uy, Thánh Dực, Hoa gạch, Thị Vệ, Thiên Trường, Thần Vũ, v v , tất cả có chức giám quân. Sau đó lại đặt thêm quân Thiết Thương, Thiết Giáp, Thiết Lâm, Thiết Hổ, Ô Đồ và chọn các võ tướng làm chức quản quân.

Cấm quân thời Trần là sự kế thừa tổ chức Cấm quân thời Lý. Đến đời Trần Thái Tông thực hiện cải cách quân sự, chính quy hóa tổ chức. Năm 1267, triều đình ban bố lệnh tổ chức các đơn vị quân và đô. Mỗi quân có 30 đô, mỗi đô có 80 người.

Theo biên chế đời Trần Thái Tông, chỉ tính riêng 12 vệ quân Tứ Thiên, Tứ Thánh và Tứ Thần đã có 28.800 người. Các đời vua tiếp sau, quân Cấm vệ mở rộng hơn. Sử gia Phan Huy Chú nhận xét: “Số quân buổi đầu nhà Trần, mỗi quân 2400 người. Các quân Cấm vệ và các lộ đại ước không đầy 10 vạn1.

Trong tổ chức Cấm quân thời Lý - Trần, có một bộ phận gọi là quân Túc vệ, tức quân hầu cận, những người lính theo hầu xe vua, bảo vệ và phục dịch nhà vua hoặc Thượng hoàng khi ở trong kinh hoặc lúc xuất giá. Thời Lý, số quân này gọi là Tùy Long quân nội ngoại hay Tả hữu túc xa. Vừa lên ngôi, Lý Thái Tổ đem 500 quân Tùy Long vào làm lính Túc vệ ở cạnh mình. Năm 1054 Lý Thánh Tông đặt thêm tả, hữu Long Dực đô, mỗi đô 100 người. Dưới thời Trần, quân Túc vệ cũng là lính hạng nhất, trai tráng tuyển từ các lộ Thiên Trường, Long Hưng và các lộ bản bộ của nhà Trần, đều được sung vào quân Thiên Thuộc, Thiên Cương, Chương Thánh và Củng Thần. Số quân này túc trực bảo vệ trong cấm thành nơi vua ở và làm việc, một bộ phận trông nom hành cung Thiên Trường.

Như vậy: nhu cầu bảo vệ chính quyền trung ương và bảo vệ đất nước đã thúc đẩy các triều đại Lý, Trần không ngừng hoàn thiện bộ máy tổ chức, biên chế quân đội. Càng ngày Cấm quân càng được tổ chức chính quy, đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ kinh đô và đánh giặc, đều được huấn luyện tinh nhuệ. Đúng như nhận xét của Phan Huy Chú: “Đến đời nhà Lý và nhà Trần đặt quân hiệu có phần kỹ càng hơn... Trong thành vua có quân Túc vệ đội ngũ đông nghiêm2.

Thời Lý - Trần, Cấm quân là lực lượng thường trực chuyên nghiệp. Là loại lính hạng nhất, họ được coi trong, được ưu đãi hơn các loại quân khác.

Lực lượng quân thường trực của trung ương còn có một bộ phận gọi là Sương quân. Đây là một lực lượng quân sự khá đông đảo, thuộc diện quản lý của triều đình, bao gồm những trai tráng làm nghĩa vụ binh dịch, nhập ngũ theo yêu cầu và thực hiện chia phiên ở lại canh phòng luyện tập và phục dịch hoặc trở về sản xuất theo quy định của chính sách “ngụ binh ư nông”. Trên danh nghĩa, Sương quân là lính dùng để sai khiến, phục dịch hoặc canh cổng... thực chất là lính bán chuyên nghiệp, lúc hòa bình thay phiên phục dịch, khi chiến tranh là những chiến binh. Chu Khứ Phi, một quan lại triều Tống đã mô tả rằng: “Nhà Lý có tám quân, như Ngự Long quân, Vũ Thắng quân, v.v., đều chia làm tả, hữu; mỗi quân có 200 người thích ngang trên trán ba chữ “Thiên tử quân. Ngoài ra còn có 9 quân khác như Hùng Lực, Dũng, Kiện, v.v., dùng để sai khiến; binh cứ hàng tháng đổi một lần, lúc nhàn hạ thì cấy trồng để tự túc3. Sử gia Ngô Thì Sỹ cũng chép: “Binh chế bước đầu nhà Lý... Cấm vệ có 10 quân, mỗi quân 200 người đều có tả, hữu, phải thường xuyên túc trực. Lại có 9 quân như Sương quân để sai khiến mọi việc, mỗi tháng đến phiên một lần gọi là đến canh, hết canh cho về nhà cày cấy hoặc làm công nghệ tự cấp lấy chứ không được cấp lương4.

Thời Trần, có khi người ta gọi một bộ phận Sương quân là Lao thành binh, vì họ là lính phục dịch như đắp thành, canh cửa thành, xây dựng, cắt cỏ, v.v… Năm 1230 triều Trần quy định: “Ai phải đi đày làm lính lao thành thì thích bốn chữ vào trán, làm việc phát cỏ rậm và cho họ lệ thuộc vào bốn đội Sương quân5. Sương quân thời Trần cũng là lính hạng nhì (sau Cấm quân), họ là lực lượng bán chuyên nghiệp... Lê Trắc ghi chép về Sương quân trong An nam chí lược như sau: “Việc lấy quân không có số nhất định, chỉ chọn dân đinh nào khỏe mạnh thì lấy. Cứ năm người là một ngũ, 10 ngũ một đô, chọn hai người nhanh giỏi dạy tập võ nghệ. Khi nào có việc điều động thì gọi ra, không có việc thì trở về nhà làm ruộng"6.

Nếu như những đơn vị quân đội của triều đình trung ương là thành phần chủ yếu thì quân địa phương là lực lượng đông đảo nhất trong hệ thống quân thường trực của quốc gia Đại Việt. Đó là tổ chức quân sự do các đạo, lộ, phủ, châu tổ chức, quản lý và chỉ huy theo quy chế chung của nhà nước. Thời Lý, khi Lý Công Uẩn lên ngôi, chia nước thành 24 lộ và hai trại. Đến năm 1242, đời Trần Thái Tông đổi 24 lộ làm 12 lộ, hai trại; sau đặt thêm năm phủ, sáu châu. Trong mỗi lộ chia thành các phủ, châu; dưới các phủ châu là các huyện, hương, xã. Nhà Lý cho phép các lộ chỉ được tuyển đinh tráng và cai quản binh trong lộ mình. Lý Cao Tông đã cho “tuyển đinh nam, lấy những người khỏe mạnh sung vào quân đội đặt dưới quyền cai quản của các lộ để đi đánh dẹp7.
___________________________________
1. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. phần Binh chế chí, t.IV, tr.5.
2. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí: Sđd. t.IV, tr.20.
3. Chu Khứ Phi: Lĩnh ngoại đại đáp. Tư liệu khoa sử, Trường đại học Tổng hợp, Hà Nội.
4. Ngô Thì Sỹ: Việt sử tiên án. Sđd, tr. 127.
5. Việt sử thông giám cương mục, sđd, t.V, tr.9.
6. Lê Trắc: An Nam chí lược.
7. Lê Trắc: An Nam chí lược, Sđd. tr.111
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2008, 08:37:11 pm »



Thời Trần có lúc gọi quân các lộ là “phong quân” “phong đoàn”. Năm 1261, nhà nước chính thức tổ chức “phong quân” ở các địa phương hay các “đội tuyển phong” ở các phủ, huyện. Mỗi lộ đặt 12 đô phong đoàn. Nếu tính theo cơ cấu tổ chức hành chính thời Trần thì ta có thể thấy được lực lượng quân các lộ là rất đáng kể. Tuy nhiên cũng như triều Lý quân giữa các lộ thời Trần không đều nhau về số lượng, tùy thuộc vào vị trí quân sự và điều kiện dân cư từng địa phương. Như Phan Huy Chú đã viết: “Binh ở mấy lộ buổi đầu nhà Trần chỉ đặt ở mấy đạo đông, nam, bắc; từ Hoan Ái (Nghệ An và Thanh Hóa) trở vào còn xem là đất xa có việc mới gọi, ngày thường chưa đặt thành vệ. Từ đời Long Hưng, Đại Khánh (1293 - 1323) về sau, bờ cõi phía nam khai thác rộng thêm, bấy giờ binh ở Thanh Nghệ và Thuận Hóa mới liệt vào quân hiệu1.

Là lực lượng quân sự đông đảo nhất trong hệ thống tổ chức quân đội của nhà nước Đại Việt, quân địa phương có nhiệm vụ canh phòng và đánh giặc tại địa phận mình là chính, lúc cả nước có chiến tranh, quân các lộ có thể được triều đình điều động đi đánh giặc ở những vùng khác. Vì thế quân địa phương thời Lý - Trần thực sự là một lực lượng quốc phòng quan trọng ở khắp mọi miền đất nước, họ đã góp phần đáng kể trong các cuộc chiến tranh giữ nước hồi thế kỷ XI và thế kỷ XIII.

Lực lượng quân sự các địa phương được chia phiên thay nhau ở tại ngũ hay về sản xuất tự túc, khi cần họ được gọi ra nhập ngũ tham gia đánh giặc. Cả triều Lý và triều Trần đều thực hiện chính sách ngụ binh ư nông đối với quân địa phương. Theo sách Lịch triều hiến chương loại chí, “nhà Trần theo phép nhà Lý, binh Túc vệ được cấp bổng hàng năm... có binh các đạo thì đều chia phiên về làm ruộng” (2).

Thời Lý - Trần, nhà nước ban cấp thái ấp cho các vương hầu, quý tộc hoặc cho phép họ chiêu mộ dân nghèo, những người lưu tán khai khẩn đất hoang lập thành các điền trang. Nhà vua cũng thừa nhận quyền trấn trị của các vương hầu quý tộc ở một số địa phương. Như thời Trần, Trần Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp. Trần Quốc Chẩn ở Chí Linh, Trần Quốc Khang ở Diễn Châu, Trần Nhật Duật ở Thanh Hóa, Trần Thủ Độ ở Quắc Hương (Thái Bình), Trần Khánh Dư ở Dưỡng Hòa (Nam Hà), v.v… Tại các phủ đệ của các vương (con vua) thời Lý đều có lực lượng quân sự riêng mà sử thường gọi đó là phủ binh, như quân của Đông Chinh vương, Dực Thánh vương, Vũ Đức vương hay của Khai Quốc vương ở Trường Yên, v.v… Dưới thời Trần các vương hầu quý tộc khi có chiến tranh cũng được quyền huy động tổ chức lực lượng quân sự riêng ở những vùng có thái ấp điền trang. Chính vì thế phương thức ban cấp thái ấp và quyền thành lập các đại điền trang thời Lý - Trần bao hàm ý nghĩa cả kinh tế và quốc phòng.

Trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, thường xuất hiện những đạo quân của các vương hầu quý tộc. Trong chiến tranh chống Tống năm 1077, có quân của các hoàng tử Hoàng Chân, Chiêu Văn mà lực lượng nòng cốt là những “con nuôi” của họ. Thời Trần có các đạo quân “gia nô” hay “vương hầu gia đồng” tham gia kháng chiến chống Nguyên - Mông, như đạo quân hơn 1000 người gồm các gia nô và thân thuộc của Trần Quốc Toản, v.v… Sách An Nam chí lược chép: “Thời Trần có ba đô vương hầu gia đồng là Sơn Lao đô, Dược Đồng đô và Toàn Hầu đô”. Ngô Sĩ Liên và Phan Huy Chú đều chép về việc triều đình nhà Trần đều hạ lệnh cho các vương hầu, tông thất mộ binh và thống lĩnh binh của mình giúp vua chống giặc.

Dưới triều Trần, ở một mức độ nhất định và vào lúc cần thiết, các vương hầu quý tộc được phép tổ chức lực lượng vũ trang riêng. Tuy nhiên, loại quân này không đối lập với triều đình trung ương như các đạo quân lãnh chúa ở châu Âu đương thời. Việc mộ quân, luyện quân của họ xuất phát từ yêu cẩu chống ngoại xâm hay bảo vệ quyền thống trị của giòng họ và theo lệnh của nhà nước. Thời bình, lực lượng quân sự này không đáng kể, chủ yếu họ là một số gia nô của các vương hầu quý tộc vừa sản xuất hay phục dịch vừa luyện tập quân sự và vũ trang ở mức độ nhất định để canh phòng trang trại. Khi đất nước có chiến tranh, các vương hầu quý tộc được quyền “mộ binh và thống lĩnh binh của mình”. Trong đó không chỉ có gia nô mà cả trai tráng ở các làng, xã lân cận, tổ chức thành các đạo quân cứu nước, đặt dưới quyền chỉ huy thống nhất của trung ương. Vai trò của quân vương hầu được phản ánh nhiều ở trong chính sử, chẳng hạn sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm Nguyên Phong (đời Trần Thái Tông) giặc Nguyên sang cướp, vương hầu đem gia thần và hương binh, thổ hào sung vào đội quân cần vương. Việc biến năm Đại Định (1369) các vương hầu cũng đem dân thôn trang sắm sửa nghi trượng đón vua mới2.

Như vậy, quân vương hầu thời Lý - Trần đã đóng một vai trò nhất định trong việc bảo vệ chính quyền và bảo vệ đất nước.

Một nét độc đáo trong cơ cấu lực lượng vũ trang Đại Việt là vai trò chiến lược của các tổ chức dân binh - lực lượng vũ trang các làng xã, thôn ấp, động bản. Tình cảm Làng - Nước, Nước - Nhà, “nước mất nhà tan”, đã thôi thúc những người dân hương, xã, bản làng đứng lên tự vũ trang, thành lập đội ngũ chiến đấu để giữ làng giữ nước.

Tổ chức dân binh bao gồm các đinh nam trong các làng bản. Những trai tráng đã được ghi tên trong “sổ quân” mà chưa được nhập ngũ hoặc những dân binh đã hoàn thành binh dịch, là lực lượng nòng cốt của dân binh. Đối với họ “tĩnh vi nông động vi binh”, lúc vô sự là dân lúc có giặc là binh. Thời bình, dân binh vừa sản xuất vừa bảo vệ an ninh trong vùng. Khi có chiến tranh, họ là lực lượng đánh giặc giữ làng giữ nước. Phạm vi hoạt động của dân binh chủ yếu trong làng xã mình, nhưng nếu cần thiết họ mở rộng địa bàn hoạt động ra cả phủ, lộ. Dưới thời Lý, đặc biệt là thời Trần, mỗi khi có xâm lăng, làng xã đều trở thành “làng chiến đấu”, mọi người dân đều tham gia đánh giặc. Họ tự trang bị vũ khí và gia nhập tổ chức dân binh. Lực lượng dân binh tham gia cuộc kháng chiến chống Tống thật đông đảo, như Tể tướng Vương An Thạch và vua Tống Thần Tông đã thú nhận: “Dân Man kéo hết cả nhà theo”, “cả nước Giao Chỉ, nhà có sáu người thì năm người tòng quân, còn một người không đi được phải ở lại3. Sứ giả nhà Nguyên, Trần Phu, đã ghi chép lại trong chuyến đi sang Đại Việt năm 1293 rằng: “Mỗi khi có biến động... là trai tráng khắp xứ đều kéo ra ngay, khí giới đều do họ tự trang bị lấy... có người còn vác cả chiếc gậy trơn” (Sứ Giao Châu cảo) Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông, ở nông thôn Đại Việt “toàn dân sắm sửa vũ khí” và nhiệt tình gia nhập các tổ chức dân binh, thực hiện kế “tiểu dân thanh dã” và đáp lời kêu gọi của triều đình: “Tất cả các quận huyện trong nước, nếu có giặc ngoài đến đều phải liều chết mà đánh; nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng địch4.

Tổng kết trong ba lần kháng chiến chống Nguyên - Mông, cả nước Đại Việt chỉ có hai hương Bàng Hà và Ba Điểm hàng giặc (trong kháng chiến lần thứ ba), nên đã bị nhà vua xử tội đồ các quân dân hai làng này làm binh thang mộc, không được làm quan, và cấp cho các tể thần làm hoành nô sai khiến. Còn hầu hết các làng xã, nơi có giặc đến đều anh dũng chiến đấu, chặn đứng nhiều cuộc hành quân cướp phá của chúng. Nổi bật là dân binh các làng xã ở huyện Phù Ninh (Vĩnh Phú), dân binh làng Cổ Sở (Yên Sở, Hoài Đức), trong các năm 1258 và 1288, hoặc như dân binh làng Yên Duyên (Quảng Xương, Thanh Hóa) dưới sự lãnh đạo của viên đại toát (xã trưởng) họ Lê, chặn đánh giặc Nguyên ở bến Cổ Bút, buộc chúng phải tháo chạy vào năm 1285, v.v...

Chúng ta có thể hình dung hệ thống ngạch binh của thời Lý - Trần như cấu trúc của một hình chóp nón. Phía trên là quân triều đình, phía dưới là quân địa phương và dân binh. Quan triều đình trung ương được tổ chức gọn nhẹ, quân thường trực tại ngũ (tức lực lượng thoát ly sản xuất) có số lượng vừa phải... nhưng có chất lượng cao. Đó là lực lượng quân đội nòng cốt, chính quy. Còn quân địa phương và đặc biệt là dân binh ở các làng bản có số lượng đông đảo. Đó là lực lượng quân sự canh phòng và chiến đấu tại chỗ ở khắp mọi nơi. Khi cần thiết, lực lượng quân sự địa phương và dân binh có thể được điều động đi chiến đấu cùng với quân trung ương, thực hiện cuộc chiến tranh toàn dân, cả nước đánh giặc.

Bốn thành phần trên của lực lượng vũ trang thời Lý - Trần tạo thành một hệ thống tổ chức quân sự không độc lập, riêng lẻ, mà tồn tại và phát huy tác dụng trong một chỉnh thể từ trung ương đến cơ sở. Sự kết hợp đó đã phát huy được ưu thế riêng của từng loại quân và sức mạnh thống nhất của cả hệ thống lực lượng vũ trang dân tộc. Giai cấp phong kiến thời Lý - Trần, vào giai đoạn tiến bộ, đã có phương thức tổ chức đúng, xây được một “ngạch quân” hoàn chỉnh. thống nhất, tạo nên một binh thế mạnh trong sự nghiệp quốc phòng Đại Việt.
_______________________________________
1. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Sđd, t.IV, tr.7, 20.
2. Năm 1369 Dương Nhật Lễ cướp ngôi, tông thất nhà Trần đem quân của mình đón Trần Hức con Minh Tông về lập làm vua, tức Trần Nghệ Tông. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II. tr.166.
3. Lý Đào: Tục tự trị thông giám trường biên, q.275. Dẫn theo Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt. Viện đại học Vạn Hạnh ấn hành, Sài Gòn 1966. tr.209.
4. Tống Liêm: Nguyên sử. Bản sức ấn bách nạp, thương vụ thư quán, q.209, t.76a.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2008, 08:55:17 pm »


II. XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI “CỐT TINH KHÔNG CỐT NHIỀU”

Từ thế kỷ XI, nước Đại Việt đã có quân đội chính quy, biểu hiện trên các mặt tổ chức, chỉ huy, trang bị, huấn luyện và sức chiến đấu. Triều đình nhà Lý thường xuyên chú ý xây dựng quân đội mạnh như mong muốn của vua Lý Nhân Tông: “nên sửa sang võ bị đề phòng việc bất ngờ”. Đến thế kỷ XIII, để chống lại các thế lực ngoại xâm lớn mạnh, nhà Trần càng chăm lo củng cố tiềm lực đất nước, trong đó chú trọng nâng cao sức chiến đấu của quân đột quốc gia. Đầu năm 1287 đất nước chuẩn bị bước vào cuộc đọ sức quyết liệt lần thứ ba với quân Nguyên - Mông, trong triều đình nhà Trần có một số đại thần xin tăng quân số để chống giặc, Trần Quốc Tuấn lúc đó là Quốc công tiết chế - tổng chỉ huy quân đội - đã bác lời đề nghị trên và nói rằng: “Quân cốt tinh không cốt nhiều, dù đến như Bồ Kiên có một trăm vạn quân có làm được gì đâu1. Nhà vua và cả triều đình đã chấp thuận ý kiến của ông. Quan điểm “quân cốt tinh” là một quan điểm chiến lược được đúc kết từ thực tiễn lịch sử đất nước, từ quá trình xây dựng lực lượng và tiến hành chiến tranh giữ nước trong các thế kỷ trước, cũng như trong thế kỷ XIII, khi Trần Quốc Tuấn trực tiếp lãnh đạo quân đội nhà Trần xây dựng và chiến đấu chống ngoại xâm.

Tại sao tổ tiên ta từ sớm đã có quan điểm “quân cốt tinh” và thực tế lịch sử đã thể hiện như thế nào?

Sau hơn 10 thế kỷ đấu tranh, đến năm 938 với chiến thắng Bạch Đằng lịch sử, nhân dân ta đã đánh tan đạo quân xâm lược của nhà Nam Hán, đưa đất nước bước sang kỷ nguyên Đại Việt, độc lập tự chủ. Nhưng đến đây chưa phải đã kết thúc cuộc đụng đầu giữa dân tộc ta với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Chiến tranh xâm lược từ phương Bắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Các đế chế phong kiến phương Bắc thường xuyên dòm ngó và mưu toan tìm cơ hội thôn tính đất Việt. Tình hình đó đòi hỏi những người lãnh đạo quốc gia phải có phương lược thích hợp nhằm xây dựng thế nước, chú ý quốc phòng, coi việc giữ nước luôn luôn là một trong những nhiệm vụ trọng yếu nhất.

Tuy nhiên, trong điều kiện so sánh lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch, cách đánh của tổ tiên ta ngay từ đầu là lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều. Vì vậy bên cạnh yêu cầu có một nghệ thuật quân sự giỏi, nghệ thuật quân sự của chiến tranh toàn dân, còn yêu cầu chất lượng cao trong tổ chức quân đội, trong từng đơn vị và ở mỗi một người lính. Mặt khác, ở nước ta công cuộc dựng nước và giữ nước luôn luôn đi đôi với nhau. Cùng với nhiệm vụ xây dựng kinh tế, còn có nhiệm vụ xây dựng quân đội sao cho đỡ phần chi phí tốn kém, ít ảnh hưởng đến sản xuất. Chính vì vậy, bớt phần số lượng, nâng cao chất lượng quân đội là một yêu cầu quan trọng. Nhưng cả hai yếu tố số lượng và chất lượng đều cần để tạo nên sức mạnh quân đội trong chiến tranh. Cho nên ở hoàn cảnh nước ta, phải có phương thức xây dựng quân đội làm sao lúc hòa bình, quân thường trực có số lượng vừa đủ mà chất lượng cao, lại có quân dự bị hùng hậu, được huấn luyện tốt, để khi chiến tranh xảy ra, nhà nước có thể nhanh chóng huy động được số quân đông, đủ sức đánh thắng quân thù. Đó là bài toán chiến lược, những lý do mà cha ông ta từ sớm đã thường xuyên quan tâm xây dựng quân đội có chất lượng tốt.

Sức mạnh quân đội trước hết biểu hiện trên lĩnh vực tổ chức. Thời Lý - Trần, tổ tiên ta không ngừng kiện toàn cơ cấu tổ chức quân đội, chú trọng xây dựng quân thường trực chính quy có biên chế tổ chức hợp lý, gọn nhẹ.

Về tổ chức, đã phân định rõ quân triều đình và quân các lộ, phủ (tức quân trung ương và quân địa phương). Ở trung ương có Cấm quân bảo vệ vua, triều đình và kinh đô Thăng Long; có Sương quân canh giữ các cửa thành và là lực lượng cơ động. Ở địa phương có quân các lộ, phủ canh giữ bảo vệ các nẻo miền đất nước. Khi có chiến tranh tất cả chịu sự điều động và chỉ huy thống nhất của triều đình. Nhà nước đã quy định tổ chức biên chế quân ngũ thành các đơn vị như tướng,vệ quân, đô, đội, ngũ, v.v… Chẳng hạn thời Lý, Cấm vệ có 10 quân, mỗi quân 200 người; thời Trần Thái Tông biên chế “mỗi quân có 30 đô, mỗi đô có 80 người”, v.v…

Quân đội quốc gia từng bước được chuyên hóa thành các binh và quân, như lục quân và thủy quân. Trong lục quân có bộ binh, kỵ binh và tượng binh. Nhưng do đặc điểm đất nước, tổ chức quân đội Đại Việt có những nét khác với quân đội các nước khác đương thời. Lúc đó ở châu Âu, người ta đua nhau hiệp sĩ hóa, kỵ sĩ hóa quân đội. Họ thành lập những đạo kỵ binh nặng, những đạo quân “giam mình trong vỏ thép”2. Một số nước ở châu Á như Mông Cổ lại chủ yếu phát triển “khinh kỵ binh” tức là kỵ binh nhẹ. Còn bộ binh hầu như bị lãng quên, “người ta coi bộ binh là một thứ hàng kém phẩm chất, cố gắng bố trí nó ở xa nơi chiến đấu và chỉ sử dụng nó để đồn trú mà thôi”3. Ở trung Quốc, cùng với việc phát triển kỵ binh vẫn duy trì phát triển bộ binh với chủ trương lấy mười bộ binh để chống lại một kỵ binh địch.

Trái lại, Ở Đại Việt không coi kỵ binh là binh chủng chủ yếu như ở châu Âu hay Mông Cổ, không chủ trương phát triển kỵ binh để chống lại kỵ binh giặc như quan điểm của một số nhà quân sự thế giới đương thời. Tổ tiên ta vẫn coi bộ binh là loại binh chủ yếu, đổng thời phát huy truyền thống anh hùng của nó trong giáp chiến, phục kích, tập kích và tạo thời lập thế đánh giặc. Bên cạnh bộ binh có tượng binh và kỵ binh, tuy bấy giờ chưa được chuyên hóa, phát triển thành binh chủng độc lập, song những đội kỵ binh và voi chiến phối thuộc bao giờ cũng chiến đấu hợp đồng có hiệu quả với bộ binh. Voi chiến, với ưu thế của nó, trở thành nỗi kinh hoàng của quân xâm lược mỗi lần gặp phải. Thời Lý, đã sử dụng voi đánh công thành Ung Châu, đánh chặn quân Tống ở ải Quyết Lý (Lạng Sơn) và nhiều nơi khác. Thời Trần, voi chiến đã tham gia các trận Bình Lệ Nguyên, Nội Bàng, Vạn Kiếp, v.v… Voi uy hiếp, giẫm nát bộ binh và chặn phá quân kỵ mã của giặc. Kỵ binh của Đại Việt tuy chưa nhiều, nhưng thường sử dụng bất ngờ trong chiến đấu hiệp đồng hay khi truy kích quân địch.

Đặc biệt, thủy binh Đại Việt là loại quân tinh nhuệ với truyền thống thạo nghề sông nước, giỏi thủy chiến. Vốn đã nổi tiếng từ thời Ngô - Đinh - Lê, trong những chiến công đánh tan thủy binh Nam Hán (938) và Tống (981), thủy binh càng được quan tâm phát triển dưới thời Lý - Trần. Từ thế kỷ XI, quan niệm về thủy quân và vai trò của nó trong sự nghiệp bào vệ chủ quyền quốc gia ngày một rõ ràng. Cùng với ý thức quan tâm bảo vệ và khai thác các nguồn lợi trên sông biển, nhà nước đã tăng cường về tổ chức và trang bị cho thủy quân. Vua Lý nhiều lần ra lệnh “sắm sửa vũ khí và đóng chiến thuyền”. Năm 1043, Lý Thái Tông xuống chiếu đóng vài trăm chiến thuyền; năm 1068 nhà vua lại ra lệnh đóng chiến hạm. Vua Lý Thần Tông (1106) sai đóng loại thuyền Mông đồng để trang bị cho quân đội và sau đó cho đóng các loại thuyền chỉ huy gọi là Cảnh Hưng và Thanh Lan. Bấy giờ, trang bị cho quân đội chủ yếu là thuyền Mông đồng vừa và nhỏ, an toàn và cơ động, đồng thời đã xuất hiện loại lớn chở được vài trăm quân cùng vũ khí, lương thảo và có khả năng vượt biền xa hàng ngàn kilômét. Vốn xuất thân từ vùng ven biển, lại ưa chuộng nghề võ, nhà Trần càng ý thức được vai trò của sông biển và thủy quân. Lê Phụ Trần (tức Lê Tần), một võ quan cao cấp của triều đình do có công lao lớn trong cuộc kháng chiến năm 1258 đã được phong chức Thủy quân đại tướng quân. Trần Khánh Dư, phó tướng của Trần Quốc Tuấn được giao trọng trách trấn giữ ở Vân Đồn, xây dựng căn cứ hải quân và tổ chức đơn vị hải quân độc lập đầu tiên - đội quân Bình Hải. Những điều đó chứng tỏ quy mô tổ chức và vị trí, vai trò quan trọng của thủy quân thời ấy. Chiến thuyền thời Trần lớn nhỏ gồm nhiều loại, trong đó có loại hiện đại nhất thời bấy giờ như thuyền Châu Kiều, thuyền Đinh Sắt, Trung tàu tải lương hay Cổ lâu thuyền với hàng trăm tay chèo có khả năng vượt biển xa và trang bị tốt. Thủy thủ gọi là các đoàn đội “trạo nhi”, xuất thân từ những người dân vốn quen sông nước, do đó rất giỏi bơi lội và thủy chiến. Trong kháng chiến chống Nguyên có những đạo quân đã được trang bị hàng ngàn chiếc thuyền, trong đó có cả thuyền chiến và thuyền vận tài, như đạo quân của Trần Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp hay đạo quân do hai vua Trần chỉ huy...

Không phải riêng ta mà người nước ngoài cũng đã từng thừa nhận tài thủy chiến của quân Đại Việt. Thế kỷ XI, người Tống truyền tụng rằng: người Giao Chỉ giỏi thủy chiến. Từ xưa đã truyền lại, người Việt lặn xuống biển đội thuyền địch để lật úp. Đỗ Mục nói, “họ có người đi ngầm dưới đáy biển 500 dặm mà không thở. Nay “thuyền buôn” đi biển thường bị họ lặn xuống nước đục thủng” (Việt kiệu thư). Trong ba lần gây chiến tranh xâm lược Đại Việt, giặc Nguyên - Mông buộc phải thú nhận rằng, quân đội của chúng “không thi thố được tài năng” khi đụng phải thủy quân Đại Việt.

Bên cạnh tổ chức tốt, các triều Lý và Trần còn rất lưu tâm luyện rèn quân sĩ. Thời Lý có Điện giảng võ và Xạ đình, thời Trần có Giảng võ đường và Trường đua. Đó là những trường học quân sự cấp cao đầu tiên của nước ta. Ở đó, vua cùng với các vương hầu tướng lĩnh được học binh thư, binh pháp, học cách bày trận và phá trận. Thời Lý huấn luyện tướng lĩnh theo một binh pháp thống nhất mà người Tống thường gọi là An Nam hành quân pháp. Vua Tống khi đọc được binh pháp nhà Lý đã khen ngợi mãi và ra lệnh phỏng theo đó mà thi hành ngay trong quân đội Tống. Thời Trần, có Binh thư yếu lượcVạn Kiếp tông bí truyền thư. Đó là những binh thư mà Trần Quốc Tuấn đã dày công nghiên cứu, biên soạn. Việc học tập và giảng dạy quân sự có lúc đã theo phương pháp mới và có thể gọi là khoa học, như lời dặn của Trần Quốc Tuấn: “con cháu và bồi thần của ta có theo bí thuật này thì hãy lấy lòng sáng suốt mà thi hành bày xếp, không nên lấy ngu tối mà dạy truyền; trái thế thì không chỉ phải chịu tai ương mà còn vạ lây đến con cháu đời sau4. Như vậy theo Trần Quốc Tuấn, học binh pháp của ta hay của nước ngoài đều phải sáng tạo, linh hoạt, chứ không rập khuôn máy móc. Việc học binh thư, binh pháp là điều bắt buộc đối với vua, thái tử, với vương hầu và tướng lĩnh. Bởi vì bấy giờ vua là chỉ huy tối cao của quân đội, vua thường “tự làm tướng” đi đánh giặc, thái tử là người kế vị, còn các vương hầu, tướng lĩnh đều là những người trực tiếp chỉ huy các đạo quân. Trần Quốc Tuấn đỏi hỏi các tướng soái phải dày công nghiên cứu binh pháp, nhất là bộ Binh thư yếu lược. Ông nói: “Các người biết chuyên tập sách này, theo lời ta dạy bảo thì trọn đời là tôi chủ, nhược bằng kinh bỏ sách này, trái lời ta dạy bảo thì trọn đời là nghịch thù”. Hơn nữa, tuyển chọn tướng cầm quân phải gồm đủ các tiêu chuẩn đức và tài. Người tướng phải có lòng trung, phải công minh chính trực, phải có tình cảm “phụ tử” với binh si. Đặc biệt đối với những kẻ thù xảo quyệt, khi xâm lược “nó tiến chậm như tằm ăn, không cần của dân, không cầu được chóng” thì như Trần Quốc Tuấn dặn, phải “bạt dụng lương tướng”, “phải chọn dùng tướng giỏi và quyền biến như đánh cờ”. Vua Trần ra lệnh: “Chọn trong các quan viên, người nào có tài năng luyện tập nghề võ, tinh thông thao lược thì không kể tông thất đều cho làm tướng coi quân”. Đó là những biện pháp để nâng cao chất lượng người cầm quân.
______________________________________
1. Bồ Kiên, vua Tiền Tần đời Tấn có 100 vạn quân mà bị thua nhà Tấn ít quân hơn. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sđd. t.II, tr.59.
2, 3. Ph. Ăngghen: Tuyển tập luận văn quân sự. Nxb Quân đội nhân dân. Hà Nội. 1978, t.II, tr.109, 166.
4. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd. t.II. tr. 84, 85.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2008, 09:03:15 pm »


Do có phương pháp đúng về tuyển chọn và đào luyện tướng sĩ, cho nên trong giới quý tộc Trần đã xuất hiện nhiều tướng lĩnh lỗi lạc, mà đại diện tiêu biểu là Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật... Phạm Ngũ Lão vốn là một người bình dân trưởng thành trong chiến đấu và được Trần Quốc Tuấn tin yêu, tuyển lựa và bồi dưỡng đã trở thành một tướng giỏi ông chỉ huy một đạo quân “phụ tử”, đi đến đâu là giặc ở đấy không địch nổi. Các sử thần triều Lê đã không ngớt lời ca ngợi các tướng lĩnh nhà Trần: “giao cầm quân thì cùng nhau sống chết”, “dụng binh tinh diệu, chiến tất phải thắng, đánh tất phải được” và “khi đối địch với giặc thì tự mình xông pha lên phía trước quân sĩ, giặc trông thấy phải tránh lui, không kẻ nào địch nổi1.

Vua Lý Nhân Tông và Lý Anh Tông căn dặn: hãy thường xuyên chăm lo quân bị, sửa sang giáo mác rèn tập võ nghệ. Trong lời hịch, Trần Quốc Tuấn nhắc nhở các tướng: “luyện rèn quân sĩ, tập dượt cung tên, khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ2. Thời Lý rất chú trọng huấn luyện binh .sĩ, điều này thể hiện qua lời chiếu của vua Tống gửi Quách Quỳ trước khi sang đánh Đại Việt (1076): “hiện ở Giao Chỉ, Lý Thường Kiệt ngày ngày sai tụ tập binh lính, nhóm họp voi ngựa, tập dượt phép chạy và phép xung phong3. Trong đội quân của Hoàng tử Hoàng Chân chi huy tham gia trận Như Nguyệt có 500 quân đặc biệt, cấm mọi thị dục; dạy cho trận pháp, người nào cũng có một cái kim bài để làm hiệu riêng. Đội quân ấy rất giỏi, hiệu lệnh rất nghiêm. Trong những giai đoạn chuẩn bị cho kháng chiến chống xâm lược Nguyên – Mông, không khí học tập binh pháp và luyện tập võ thuật sôi nổi. Các vua Trần, các quý tộc tông thất và nhất là đội ngũ tướng lĩnh trong triều đình ngày đêm học phép hành trận và phá trận, tập cưỡi ngựa và sử dụng cung, kiếm. Nhà nước khuyến khích mở lò luyện võ và cho phép các vương hầu, tông thất đôn đốc luyện tập quân nơi mình trấn trị. Quân lính cũng được rèn luyện kỹ thuật cưỡi ngựa, bắn cung nỏ, múa kiếm, sử dụng lao, giáo và học cách đánh trận.

Hình thức tập trận lớn, thao diễn quân đội được coi trọng và thường do nhà vua hoặc Quốc công tiết chế đích thân chỉ huy. Trước khi bước vào kháng chiến, Trần Quốc Tuấn được lệnh điều thủy, bộ và quân đội các vương hầu đến Đông Bộ Đầu tổ chức các cuộc tổng duyệt binh, sau đó chia quân đi đóng giữ ở những nơi xung yếu ở phía bắc và đông bắc Tổ Quốc. Các thân vương được lệnh thống suất quân đội địa phương nơi mình trấn trị, đôn đốc binh sĩ ngày đêm trau dồi kỹ thuật chiến đấu. Năm 1262, vua Trần Nhân Tông hạ lệnh cho các đạo quân sắm sửa binh khí, đóng thêm thuyền chiến và tổ chức tập trận ở bải phù sa sông Bạch Hạc (Vĩnh Phú). Sau hội nghị “bàn kế đánh phòng” ở Bình Than, các cuộc duyệt binh và diễn tập đã được tổ chức ở Thăng Long và ở những địa bàn chiến lược. Năm 1283, vua Trần Nhân Tông đích thân chỉ huy các vương hầu, tướng lĩnh thao diễn chiến trận. Ngay từ khi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai vừa thắng lợi, năm 1286, vua Trần Nhân Tông đã hạ lệnh cho Trần Quốc Tuấn cùng các vương hầu, tông thất và các võ quan “kiểm duyệt quân đội, làm đồ binh khí, đóng thêm chiến thuyền, rồi mở cuộc tập trận4. Một năm sau, trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh mới, triều đình nhà Trần đã triệu tập các tướng quân, tổ chức diễn tập và triển khai lực lượng phòng vệ, chuẩn bị sẵn sàng đánh tan quân cướp nước. Những sự kiện trên đây chứng tỏ rằng, các vua Trần cũng như các tướng chỉ huy cao cấp trong quân đội không chỉ lo luyện rèn quân sĩ về võ nghệ cho từng người, mà còn thường xuyên tổ chức tập trận lớn, luyện cho các tướng sĩ và quân lính quen với chiến trận và địa hình, biết hiệp đồng chiến đấu giữa các đơn vị, các loại quân; đồng thời cũng để nâng cao sĩ khí quân đội trước khi bước vào cuộc sống mái với quân giặc. Chính nhờ thế mà chất lượng quân đội ngày một nâng cao và cũng nhờ những biện pháp trên mà sự đối phó với giặc cũng chủ động hơn, như trước cuộc kháng chiến lần thứ ba, Trần Quốc Tuấn đã trả lời vua Trần Nhân Tông rằng: “Năm nay đánh giặc nhàn”.

Tổ tiên ta thời Lý - Trần đặc biệt coi trọng giáo dục tướng sĩ và binh lính lòng yêu nước, thương dân, tinh thần đoàn kết chiến đấu, lòng tự hào dân tộc và lòng căng thù giặc. Trần Quốc Tuấn căn dặn: “phải xây quân đội như cha con một nhà thì mới dùng được”. Vua Trần Nhân Tông những khi ngự chơi ngoài hành cung gặp các gia đồng của các vương hầu, thường gọi họ lại thăm hỏi và răn dạy vệ sĩ của mình không được thét đuổi họ; bởi theo nhà vua, ngày thường họ là những người phục dịch bình thường, nhưng khi có chiến tranh họ là những người lính dũng cảm nhất. Các vua Lý - Trần thường tổ chức khao thưởng quân đội, nhất là sau các đợt hành quân hoặc vào những kỳ lễ, Tết. Lý Thường Kiệt có bài thơ Nam quốc sơn hà, Trần Quốc Tuấn có Hịch tướng sĩ, các vua thường ra các chiếu, dụ gửi tướng hiệu và quân sĩ. Tất cả nhằm mục đích động viên, khích lệ lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống và chí căm thù; quyết tâm đánh giặc giữ nước. Vì thế, quân nhà Lý tập kích vào Ung Khâm Liêm “như vào chỗ không người, đánh tan giặc như mặt trời đốt giá5; nhà Trần có đạo quân “Sát Thát”, quyết sống mái với giặc Nguyên với tinh thần “phá cường tặc báo hoàng ân”, “thề với thần dân dốc lòng báo đền ơn nước”. Các tướng lĩnh thì đồng tâm hiệp lực, vì nước vì vua mà từ bỏ mọi hiềm khích; khi lâm trận thì dũng cảm mưu trí, tự mình xông lên phía trước khiến quân thù phải khiếp phục như Lê Phụ Trần, Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản.... Đó là kết quả của xây dựng, rèn luyện tố chất tinh thần và khả năng chiến đấu của quân đội.

Trong lịch sử dân tộc, có những thời kỳ có quân đội đông, vũ khí tốt, thành hào kiên cố, vậy mà nhanh chóng tan rã trước cuộc tiến công xâm lược của quân thù, bởi các nhà lãnh đạo lúc đó chưa quan tâm cố kết nhân tâm, xây dựng khối đoàn kết nội bộ, chưa rèn luyện ý chí chiến đấu xả thân vì nước trong quân sĩ. Hiện tượng này xảy ra ở thời An Dương Vương chống Triệu Đà hay thời Hồ Quý Ly chống giặc Minh. Điều đó chứng tỏ nhân tố chính trị - tinh thần trong quân đội quan trọng đến mức nào. Đúng như lời Nguyễn Trãi: “họ Hồ chính là sự phiền hà” nên “quân nhà Hồ trăm vạn người trăm vạn lòng” không thể thắng giặc; hoặc như điều mô tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng đã lo lắng: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng người không theo mà thôi"

Kỷ luật nghiêm, thưởng phạt công minh, cũng là một yêu cầu quan trọng xây dựng quân đội. Thời Lý Thái Tông quy định các quan võ ai bỏ trốn một năm thì phạt 100 trượng, thích vào mặt 50 chữ và bị tội đồ; quân sĩ ai bỏ trốn vào rừng và đồng nội cướp của dân thì xử 100 trượng, thích 30 chữ, ai hối lỗi thì tha cho về tiếp tục làm lính. Khi vua xuất giá mà không theo hầu xe cũng xử 100 trượng, thích 10 chữ. Kẻ nào có công thì được vua úy lạo, ban thưởng cho tiền và lụa theo thứ bậc. Lê Phụng Hiểu có công dẹp “loạn ba vương” và đánh giặc Chiêm Thành được nhà vua ban thưởng và phong cho đất Ái Châu, Lý Bất Nhiễm có công đánh quân Chiêm và Chân Lạp xâm lấn Nghệ An đã được thưởng tước hầu và ăn thực ấp 7500 hộ. Lý Thường Kiệt được phong tước Việt quốc công, ăn thực ấp ở Việt Thường và thực phong 4000 hộ. Sau kháng chiến chống Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông xét công trạng, người trong hoàng tộc thì được tiến phong, người ngoài mà có công to được ban quốc tính (họ nhà vua). Các tướng đều được ban thưởng theo thứ bậc, như Đỗ Khắc Chung được mang họ Trần và làm đại hành khiển, Nguyễn Khoái được gia phong làm liệt hầu, cho quận Khoái Lộ làm thang mộc ấp. Người có công lớn dũng cảm lên trước phá giặc thì được chép vào tập Trung hưng thực lục và sai vẽ tượng. Ngược lại, những kẻ phản bội hàng giặc thì xử tội lưu hoặc tử, điền sản bị tịch thu, đổi thành họ Mai hoặc gọi là Ả Trần vì cho là kẻ hèn nhát. Nhà Trần xử phạt nghiêm khắc đối với quân lính bỏ trốn. Sử chép: “pháp chế đời Trần, người trốn lính bị chặt ngón chân, rồi cho người đó làm gì thì làm, hoặc cho voi giày để giết6.

Quân đội của tướng Hoàng Chân, Chiêu Văn thời Lý, đạo quân vương hầu của Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật, đội quân “phụ tử chi binh” của Phạm Ngũ Lão, v v đều nổi tiếng giữ nghiêm kỷ luật và thiện chiến. Hoàng Chân có 500 quân đặc biệt, võ nghệ cao cường, hiệu lệnh rất nghiêm; khi chiến đấu trên sông Như Nguyệt, bị đắm thuyền ai cũng cầm vững kim bài mà chết không đầu hàng giặc. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép về Phạm Ngũ Lão như sau: “ông coi quân có kỷ luật, đối đãi với tướng hiệu như người nhà, cùng quân lính chia ngọt sẻ đắng, cho nên đánh đâu không ai địch nổi. Phàm đánh dẹp lấy được gì đều bỏ vào việc chi dùng cho quân lính, coi của cải như không; là danh tướng giỏi một thời7. Đó là những nhân tố quan trọng đưa quân đội Đại Việt trở nên tinh nhuệ, có sức chiến đấu cao, có khả năng đánh thắng quân xâm lược.

Trên đây là một số biện pháp mà tổ tiên ta thời Lý - Trần đã vận dụng để nâng cao chất lượng quân đội. Sau những lần gây chiến tranh xâm lược Đại Việt vua Tống Nhân Tông phải công nhận “quân Giao Chỉ mạnh, gan lì liều chết”. Vua Nguyên Hốt Tất Liệt cũng phải dặn Thoát Hoan trước khi đưa quân sang: không được cho Giao Chỉ là nhỏ mọn mà khinh thường”. Thực tế, qua ba lần gây chiến, bộ binh và kỵ binh Nguyên Mông “không thể thi thố được tài năng” trước quân đội nhà Trần. Nhận xét về quân đội Đại Việt, sử gia Phan Huy Chú viết: “quân đội thời Lý Trần nổi tiếng là hùng mạnh”, “cái chiến công dẹp quân Chiêm phá quân Tống, cái oai hùng của hai lần đại phá quân Nguyên, chứng tỏ binh thế hai đời đó mạnh như thế nào8
_______________________________________
1. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.II, tr.111.
2. Hịch tướng sĩ, theo Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd; t.II, tr.83.
3. “Tục tự trị thông giám trường biên”; theo Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt, Sđd.
4. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd. t.II. tr. 58.
5. Văn bia chùa Linh Xứng.
6. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Sđđ. t. IV, tr.27.
7. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, t.II. tr.110.
8. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Sđd. t.IV. tr.6.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2008, 09:12:33 pm »


III. NGỤ BINH Ư NÔNG, TOÀN DÂN LÀ LÍNH

Việc binh là việc cốt yếu của mỗi một quốc gia. Nhà nước nào cũng phải xây dựng quân đội mạnh để phòng bị lúc hòa bình, chiến đấu lúc có giặc. Trong chiến tranh, sức mạnh quân đội được tạo nên trước hết do hai yếu tố số lượng và chất lượng. Ở một đất nước mà hai nhiệm vụ dựng nước và giữ nước luôn luôn gắn liền với nhau thì điều quan trọng là làm sao vừa phải đảm bảo nguồn của cải và sức lực để xây dựng đất nước, không thể duy trì số quân đông nhưng vẫn phải nâng cao chất lượng quân đội, vừa có một lực lượng dự bị hùng hậu đã được rèn luyện tốt sẵn sàng được huy động lúc cần thiết. Tổ tiên ta thời Lý - Trần đã giải quyết vấn đề trên một cánh vô cùng sáng tạo và linh hoạt với chính sách “ngụ binh ư nông”.

Ngụ binh ư nông” là gửi binh ở nông. “Binh” có nghĩa là binh lính, là quân sự, là chiến tranh. “Nông” có nghĩa là nông dân, là nông thôn, là nông nghiệp. Đây là chính sách lớn, một quốc sách về xây dựng lực lượng vũ trang thời bình chuẩn bị cho thời chiến, một phương thức xây dựng lực lượng vũ trang phòng giữ đất nước. Chính sách ngụ binh ư nông gồm những quy chế về quân biên sổ và quân chia phiên.

Nhà nước tiến hành lập sổ hộ tịch để quản lý nhân đinh. Những đinh nam khỏe mạnh đến tuổi trưởng thành đều có nghĩa vụ quân dịch, được ghi tên vào cuốn sổ bìa vàng mà thời Lý gọi là Sổ hoàng nam, thời Trần gọi là Sổ quân. Hàng năm, chính quyền “chiếu sổ chọn những đinh tráng sung vào quân ngũ” theo yêu cầu, số còn lại ở nhà sản xuất, tham gia dân binh, sẵn sàng nhập ngũ khi cần thiết.

Đối với quân thường trực, nhà nước quy định chế độ “chia phiên”. Khi đất nước không có giặc uy hiếp, thì trừ Cấm quân phải thường xuyên túc trực để bảo vệ kinh đô, bảo vệ vua và triều đình, còn các quân khác như Sương quân và quân các lộ được chia thành nhiều phiên, theo định kỳ một bộ phận thường trực tại ngũ, luyện tập và canh phòng, một bộ phận trở về sản xuất tự túc thời hạn tùy theo từng thời kỳ. Khi có chiến tranh tất cả trở lại quân ngũ theo đơn vị đã định và lệ thuộc vào các tướng.

Xét về mặt xây dựng lực lượng vũ trang phòng giữ đất nước, việc lập hộ tịch và kiểm kê nhân đinh là một cơ sở để nhà nước định quân hạng. Theo lệ, hằng năm vào mùa xuân, các xã lập sổ hộ xã mình, kê khai số dân chia thành nhiều hạng: tông thất (người họ hàng nhà vua), các quan (gồm quan văn, quan võ và quan theo hầu), quân nhân, tăng đạo, hoàng nam (từ 18 tuổi đến 60 tuổi), long não (người già yếu), bất cụ (người tàn tật), người xiêu tán, v.v... Sách Lịch triều hiến chương loại chí viết: “Buổi đầu nhà Trần làm sổ hộ cứ hằng năm làm kế tiếp, phép làm rất rõ và kỹ, vì là noi theo phép cũ của nhà Lý nên như vậy1.

Tất cả đinh nam khỏe mạnh đến tuổi trưởng thành được ghi vào sổ, phân thành hai hạng: hoàng nam (từ 18 tuổi đến 20 tuổi) và đại nam (từ 20 tuổi trở lên). Đó là nguồn nhân lực trong các địa phương để huy động sai dịch và quân dịch.

Bằng biện pháp này, nhà nước đã đặt tất cả các đinh tráng vào diện chịu binh dịch và dựa vào đó để tiến hành tuyển quân thời bình, động viên thời chiến. Tuy nhiên, lúc hòa bình, nhà nước chỉ tuyển chọn một số đinh tráng nhất định sung vào quân ngũ, số còn lại vẫn được ghi tên trong sổ hoàng nam hoặc số quân.

Năm 1083, Lý Nhân Tông duyệt hoàng nam, định làm ba bậc, rồi cho tuyển những hoàng nam khỏe mạnh làm lính. Năm 1146, Lý Anh Tông lệnh cho các quan. các quản giáp và chủ đô, khi tuyển quân phải chọn người ở hộ đông người, không lấy con nhà cô độc. Theo Phan Huy Chú, “đại ước người trúng tuyển thì sung vào quân ngũ, người hạng kém thì biên vào sổ, có việc mới gọi ra, niên hạn, lâu chóng có lẽ không nhất định2.

Sang thế kỷ XIII, nhà Trần kế thừa quy chế tuyển lính nhà Lý. Triều đình quy định: “Người có quan tước, con cháu được thừa ấn mới được vào làm quan, người khỏe mạnh mà không có quan tước thì sung quân, đời đời làm lính3. Tháng 2 năm Bính Ngọ (1246) vua Trần Thái Tông định quân ngũ, chọn người khỏe mạnh làm Cấm quân. Tháng 2-1261, Trần Thánh Tông cho chọn dân đinh khỏe mạnh ở các lộ sung làm lính triều đình, thứ đến sung làm quân sắc dịch ở các sảnh viện và quân ở các lộ... Theo sách An Nam chí lược: “Việc lấy quân không có số nhất định; chỉ chọn dân đinh nào khỏe mạnh thì lấy4.

Theo quy chế thời Lý, trong quân thường trực, trừ Cấm quân phải thường xuyên túc trực bảo vệ kinh thành và được cấp lương, còn các loại quân khác như lính canh gác các cổng thành, quân tạp dịch và quân các lộ đều thay phiên tái ngũ hay về sản xuất. Trong sách Việt sử tiêu án, sau khi dẫn sự kiện vua Lý Thánh Tông định quân hiệu, Ngô Thì Sỹ viết: “Chế độ binh lính của nhà Lý... mỗi tháng lên cơ ngũ một lần gọi là đi canh, hết hạn canh lại về làm ruộng, quân không phải cấp lương... không có phí tổn nuôi lính mà có công hiệu dùng sức lính: cũng là một chế độ hay5. Ông lại viết trong sách Đại Việt sử ký như sau: “Binh chế buổi đầu nhà Lý… Lấy Thân quân làm trọng gọi là Cấm quân... Ngoài ra có 9 quân như Sương quân, để sai khiến mọi việc; mỗi tháng đến phiên một lần gọi là đến canh, hết canh cho về nhà cày cấy, làm công nghệ tự cấp, không được cấp lương. Khi chinh phạt sẽ được gọi ra cho lệ thuộc vào các tướng. Nếu quân này không đủ thì chiếu sổ gọi ra tòng ngũ. Xong việc lại cho về làm ruộng... Điều cốt yếu của việc kháng Tống bình Chiêm, chinh phạt thắng lợi là do từ binh chế này. Nuôi binh không tốn kém, dụng binh có hiệu quả, đó cũng là chế độ hay của một đời6. Khi nghiên cứu về binh chế thời Lý, Phan Huy Chú viết: “Đời Lý, Cấm quân mỗi năm cấp 10 bó lúa, mồng 7 tháng Giêng, khai hạ, cấp mỗi người ba tiền và vải một tấm... Còn ngoại binh thì không có lương, cứ luân phiên đến canh, hết canh cho về nhà cày cấy trồng trọt để tự cấp7.

Nhà Trần tiếp tục duy trì chế độ chia phiên cho quân lính về làm ruộng như thời Lý. Sách Lịch triều hiến chương loại chí cho rằng: “Nhà Trần theo phép nhà Lý, binh túc vệ đều cấp bổng hàng năm, số bổng bao nhiêu không rõ. Còn binh các đạo thì đều chia phiên về làm ruộng cho đỡ tốn lương8. Các sử thần thời Lê có ghi lại câu hát trong trò múa rối đời Trần Thái Tông: “Chóng đến ngày mồng 1 thay phiên”9. Chắc đó là ngày thay phiên hàng tháng của quân lính.

Những sử liệu trên phản ánh dưới thời Lý Trần với chính sách “ngụ binh ư nông”, nhà nước đã có quy chế cho một bộ phận quân thường trực được phép thay nhau về tại ngũ hay về nhà sản xuất. Người tại ngũ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, kẻ về nhà làm ruộng, hết tháng lại đổi phiên, gọi là “đi phiên” hoặc “thay phiên”.

Chính sách “ngụ binh ư nông” là một quốc sách nhằm giải quyết nhiệm vụ xây dựng đất nước và củng cố lực lượng quân sự, kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng, đã đưa lại một hiệu lực quốc phòng mạnh mẽ. Có thể rút ra những hiệu quả của nó như sau:

- Quản lý tốt nhân đinh: tất cả đinh nam từ 18 tuổi trở lên, khỏe mạnh, đều được ghi tên trong sổ, đều phải thi hành nghĩa vụ binh dịch.

- Các đinh tráng đều được huấn luyện quân sự, hiểu biết những kiến thức tối thiểu về võ nghệ. Phát huy truyền thống thượng võ của người Việt.

- Thời bình, một bộ phận nhất định thường trực tại ngũ, còn phần lớn đinh tráng là quân dự bị, khi cần có thể huy động ngay và ai nấy đều đã biết rõ quân ngũ của mình.

- Thay phiên về làm ruộng, thực hiện bình đẳng về nghĩa vụ quân dịch, lại giảm bớt được chi phí quốc phòng, thực hiện cân đối giữa lực lượng sản xuất và lực lượng quân sự. Sản xuất nông nghiệp và công nghệ được bảo đảm, sức lao động không bị thiếu, lại bảo đảm bình thường hóa sinh hoạt vợ chồng, sinh hoạt của những gia đình tiểu nông - tế bào của xã hội.

Cùng với việc thực hiện một ngạch quân nhiều thành phần, chính sách “ngụ binh ư nông” đã giúp nhà nước đảm bảo cân đổi giữa quân thường trực và quân dự bị; khi hòa bình vẫn đủ sức canh phòng, thời chiến huy động được đông đảo quân đội, thực hiện chiến tranh nhân dân, toàn dân là lính.

Bình thường nhà Lý có 3 đến 5 vạn quân, một bộ phận được luân phiên về sản xuất nhưng khi chiến tranh, nhà nước đã huy động được trên 10 vạn. Thời nhà Trần lúc hòa bình như Phan Huy Chú nói “quân số chưa đầy 10 vạn”, nhưng trong kháng chiến chống Nguyên Mông đã có lúc triều đình đã huy động được 20-30 vạn quân đánh giặc. “Đại để lúc vô sự thì phục binh ở nơi thuận tiện, khi có nạn thì đều hết sức chống cự. Thế là đời Trần nhân dân ai cũng là binh, nên mới phá được giặc dữ, làm cho thế nước được mạnh10. “Đó là chính sách tốt, chế độ hay của thời cận cổ”. Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú hoặc Ngô Thì Sỹ đều có nhận xét rằng: “binh thế Đại Việt rất thịnh”; “lúc nông nhàn thì luyện tập, lúc vô sự thì làm ruộng, khi có động thì chiêu sổ gọi ra”, cho nên “binh vẫn đủ mà không phải chi phí nhiều, càng thêm hăng hái chống giặc, “thế nước càng thêm vững mạnh là nhờ vậy”.

Tóm lại, tổ tiên ta thời Lý - Trần đã luôn luôn coi “việc quân là việc thiết yếu của quốc gia”, “quân đội là thiết bị giữ nước không thể thiếu được11.  Xây dựng quân đội là nhiệm vụ thường xuyên của triều đình, của quốc gia và được nhà vua coi trọng. Nhà Lý và nhà Trần đều chăm lo xây dựng quân đội có số lượng hợp lý nhưng tinh nhuệ, có lực lượng dự bị đông đảo..., coi đó là một trong những kế sách giữ nước quan trọng của nhà nước. Kế sách đó đã được thực hiện ngay từ khi còn hòa bình, đúng như lời của Trần Quang Khải: Thái Bình mà gắng sức thì non nước giữ được nghìn thu.
__________________________________________
1, 2. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Sđd, t.IV, tr. 49, 16.
3. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd, tập II, tr. 9.
4. An Nam chí lược. Sđd, tr. 177.
5. Ngô Thì Sỹ: Việt sử tiêu án, Sđd, tr. 127.
6. Ngô Thì Sỹ: Đại Việt sử ký, Sđd
7, 8. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, t. IV, tr.20.
9. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tập II. Tr. 44.
10, 11. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Sđđ, t. IV. Tr. 5, 3
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2008, 09:23:15 pm »


CHƯƠNG V

KHOAN THƯ SỨC DÂN - THƯỢNG SÁCH GIỮ NƯỚC


Dựa vào dân, động viên toàn dân tham gia đánh giặc giữ nước là một ưu điểm nổi bật của các vương triều Lý và Trần.

Trong điều kiện phải thường xuyên đối phó với các thế lực ngoại xâm lớn mạnh hơn bội phần, tồ tiên ta không chỉ dựa vào sức mạnh của nhà nước, của quân đội mà phải dựa vào sức mạnh tổng hợp của cả nước. Vậy làm sao để động viên được đông đảo nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước, làm sao thực hiện được “toàn dân vi binh”, “cử quốc nghênh địch”? Bí quyết thành công của triều đại Lý - Trần là “dựa vào dân” và chính sách “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”.

Khoan thư sức dân” đã trở thành một quốc sách, một kế sách giữ nước quan trọng của nhà nước Đại Việt.


I. QUAN ĐIỂM VỀ DÂN THỜI LÝ - TRẦN

Trong lịch sử, dù ở thời kỳ nào, triều đại nào, dù đối với một thể chế chính trị nào, vai trò của nhân dân vẫn là quyết định. Vì vậy, giai cấp thống trị bao giờ cũng tìm mọi cách khai thác nguồn sức mạnh này để phục vụ quyền lợi của mình.

Các nhà tư tưởng phong kiến đã sớm nêu lên những quan điểm về dân trong các tác phẩm kinh điển của họ. Khổng Tử nói: “Dân vi bang bản” (dân là gốc của nước). Mạnh Tử cho rằng: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, (dân là quý, thứ đến là quốc gia, còn vua thì xem nhẹ). Lý tưởng “thân dân” được coi như một nguyên lý tiến bộ của Nho giáo khởi thủy. Trong thiên “Thái tuệ” của sách Kinh thư có câu: “dân chi sở dục, thiên tất tòng chi” (cái mà dân muốn tức trời muốn), hoặc trong sách Đại học: “Tại minh minh đức, thân dân, chi ư chí thiện” (điều chí thiện là ở chỗ đức sáng, thân dân), v.v…

Ở nước ta, tư tưởng “dân”, “dựa vào dân” đã từng có trong lịch sử lâu đời, nó xuất phát từ truyền thống gắn bó giữa thủ lĩnh và quần chúng, từ nền móng của những quan hệ cộng đồng công xã xa xưa. Đến thời Lý - Trần, quan điểm thân dân của các vua và giới quý tộc được phát triển bởi sự kết hợp giữa truyền thống lịch sử đó với tinh thần từ bi, bác ái, nhân từ của Phật giáo và tư tưởng “dân” tiến bộ của Nho giáo.

Những đại biểu về tư tưởng của các tập đoàn phong kiến đương quyền ở nước ta thời Lý - Trần thường coi “ý dân”, “lòng dân”, việc “khoan thư sức dân” là điều đáng quan tâm bậc nhất trong sự nghiệp chính trị. Đối với họ, “lòng dân” cùng với “ý trời” là cơ sở đề thiết lập vương quyền; hoặc là căn cứ của những chính sách lớn, những hoạt động chính trị của triều đình như việc dời đô; kế vị ngôi báu, phát động chiến tranh, v.v..

Trong xã hội phong kiến nói chung và thời Lý - Trần nói riêng, sự thay đổi một triều đại hay sự thay đổi ngôi vua thường được giải thích theo ý nghĩa đó.

Sự kiện Lý Công Uẩn lên ngôi thiên tử thay thế vị trí của Ngọa triều hoàng đế được coi là “thuận lẽ trời, hợp lòng dân”. Đào Cam Mộc, một đại thần trong triều đã nói với Công Uẩn rằng: “Thân vệ sao chẳng nhân lúc này, theo dấu Thang Võ ngày xưa, noi gương Dương Lê mới rồi, trên thuận lòng trời, dưới thuận dân mong mà cứ khư khư giữ cái tiểu tiết hay sao?”. Nay trăm họ mỏi mệt, dân không chịu nổi mệnh lệnh. Nếu Thân vệ lấy ân đức mà vỗ về, tất trăm họ sẽ vui vẻ mà nghe theo, cũng như nước chảy chỗ trũng, ai mà ngăn chặn được”1. Sau khi lên ngôi, Lý Công Uẩn (tức Lý Thái Tổ) trong “Chiếu dời đô” đã khẳng định: “Trên vâng mệnh trời dưới theo ý dân, thấy tiện lợi thì đổi dời vận nước lâu dài phong tục giàu thịnh"2. Những cuộc hành quân chinh phạt, những cuộc thanh trừng nội bộ thường được các nhà vua hoặc giới quý tộc lấy nguyên nhân “lòng dân” làm chỗ dựa. Chẳng hạn, cuối thời Lý, Trần Tự Khánh đã tiến hành một đợt thanh trừng lớn để chuẩn bị lực lượng cho thế lực họ Trần đã nói với vua Lý Huệ Tông rằng: “Thần thấy bọn tiểu nhân ở bên cạnh bệ hạ lấn át người trung lương, bưng tai bịt mắt bệ hạ; dân tình uất ức không thấu được lên trên, cho nên nhân lòng giận dữ của người trong nước, thần khởi binh dẹp lũ đó, cắt trừ gốc họa để yên lòng dân mà thôi3. Như vậy yếu tố “dân” đã được các thế lực chính tựi lợi dụng.

Đối với nhà vua “ý trời lòng dân” trở thành lý do, định vị, tuy nhiên một khi đã lên ngôi thì quyền lực của nhà vua là toàn năng và tối thượng, vua lại được coi là “Thiên tử” (con trời) “thế thiên hành đạo” (thay trời cai trị) và là cha mẹ của muôn dân. Lý Thái Tông thì yêu dân như con; Lý Thánh Tông đã từng nói: “Ta yêu con ta như lòng ta làm cha mẹ dân”. Vua Trần Anh Tông có lần khẳng định: “Trẫm là cha mẹ dân, nếu thấy dân lầm than thì phải cứu giúp ngay, há nên so đo khó dễ lợi hại4. Trong “Lộ bố văn”, Lý Thường Kiệt khẳng định: “Trời sinh ra dân chúng, vua hiền ắt hòa mục. Đạo làm chủ dân cốt ở nuôi dân5. Như vậy, với quan niệm lúc đó, vua tuy là tối thượng nhưng lại có quan hệ và trách nhiệm của mình đối với dân chúng. Có khi nhà vua coi đó là một tiêu chuẩn chính trị để tự răn mình. Năm 1207, Lý Cao Tông đã hạ chiếu rằng: “Trẫm còn bé mà phải gánh vác việc lớn, ở tận nơi cửu trùng, không biết cảnh khó khăn của dân chúng, nghe lời bọn tiểu nhân mà gây oán với kẻ dưới. Dân dã oán thì trẫm còn biết dựa vào ai; nay trẫm sẽ sửa lỗi cùng dân đổi mới6. Các nhà vua thường tự coi mình là trung tâm cố kết của cộng đồng quốc gia, dân tộc, là người che chở trực tiếp của muôn dân. Điều đó đã trở thành lý thuyết của các bậc vua quan phong kiến.

Trên thực tế. sự tham gia của nhân dân vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước càng khẳng định lòng tin của giới quý tộc về vai trò quyết định của dân chúng. Nhân dân được coi là cơ sở để tiến hành các cuộc chiến tranh giữ nước. Chính vì lẽ đó mà Trần Quốc Tuấn đã đề nghị vua Trần Nhân Tông nên thực hiện “chúng chí thành thành”, xây bức thành kiên cố bằng ý chí của nhân dân, và ông đã tổng kết kinh nghiệm của các cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc, rằng: “ ... Đến đời Đinh - Lê dùng được người hiền lương đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi sung yếu, trên dưới cùng lòng, lòng dân không chia, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống đó là một thì... mới rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây, vì vua tôi cùng lòng, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc tự bị bắt... Vả lại khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách để giữ nước7. Như vậy là, Trần Quốc Tuấn- nhà chính trị, quân sự nổi tiếng thế kỷ XIII, người anh hùng vĩ đại của dân tộc, người có công lao lớn nhất trong cả ba lần kháng chiến chống Nguyên - Mông đã nhận thức một cách sâu sắc vai trò của nhân dân đối với công cuộc giữ nước. Ông luôn khẳng định rằng cố kết lòng dân là bức thành trì kiên cố nhất, việc tăng cường sức dân, tranh thủ sự đồng lòng của nhân dân là “kế sâu rễ bền gốc” là điều kiện tiên quyết để chiến thắng quân thù, giữ gìn độc lập.

Vai trò quyết định của nhân dân đối với sự sống còn của một dân tộc là một chân lý mà những người có đầu óc sáng suốt đương thời không thể thấy được. Và cũng chính vì thế mà các quý tộc quan lại thời Lý - Trần đều vững lòng tin vào sự nghiệp đánh giặc mỗi khi phát động được toàn dân tham gia. Trước sự hăm dọa láo xược của vua Nguyên rằng, sẽ tiếp tục một lần nữa tiến công đập nát thành Thăng Long, sứ thần Đại Việt lúc đó là Đào Tử Kỳ đã hiên ngang nói: “Thành Thăng Long kia chỉ là vật nhỏ mọn đề phòng kẻ trộm cướp vặt, phá tan nó có khó gì. Còn như để chống lại kẻ thù từ bên ngoài đến chực ăn cướp nước chúng tôi thì chúng tôi đã có một tòa thành vững vàng như núi không kẻ nào phá được, đó là sức mạnh của nhân dân chúng tôi8.

Như vậy là, trên vũ đài tư tưởng thời Lý - Trần, nhân dân được nhìn nhận như một lực lượng xã hội quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Quan điểm “dân” thời bấy giờ chứa đựng nhiều yếu tố tích cực, tiến bộ. Và chính nhờ những yếu tố tích cực đó mà nhà nước Lý - Trần đã thu được những thành quả lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Tuy nhiên, quan điểm và chính sách thân dân ấy dẫu có tiến bộ cũng không ngoài khuôn khổ ý thức hệ phong kiến.

Dẫu sao tác dụng quan trọng của những quan điểm tư tưởng hay những chính sách thân dân thời Lý - Trần vẫn là điều chủ yếu. Nó đem lại sự hòa hoãn mâu thuẫn giai cấp vốn tồn tại thường xuyên trong xã hội phong kiến. Đặc biệt trong giai đoạn mà chế độ phong kiến đang hình thành và phát triển như thời Lý - Trần, khi mà quyền lợi của giới quý tộc còn gắn liền với quyền lợi của toàn dân tộc, từ những quan điểm “dân” tiến bộ đó có tác dụng củng cố khối đoàn kết chung nhằm ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa làm cho nước nhà giàu thịnh và để đất nước tăng thêm thế mạnh, có đủ sức đánh thắng ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc.

Tóm lại, những nhà lãnh đạo đất nước nói riêng cũng như giới quý tộc ở giai đoạn phát triển thời Lý - Trần đã có những quan điểm tư tưởng tiến bộ về dân, nhận thức đúng và đánh giá cao vai trò của sức dân trong sự nghiệp chung của cả nước. Vì thế, nhà nước Đại Việt thời Lý - Trần đã thực hiện những chính sách “khoan thư sức dân” nhằm động viên nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước hòa bình và đánh giặc lúc có chiến tranh.
_________________________________________
1. Việt sử lược, sđd, tr.66, 68.
2. Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, t.II, tr. 64.
3, 5. Việt sử lược, sđd, tr. 198, 174.
4. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, t.II, tr. 134.
6. Thơ văn Lý - Trần. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội: 1977. t. 1, tr.320.
7. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd: t.II, tr. 88.
8. “Long thành giật sử” - Dẫn theo Phạm Ngọc Phụng: Tổ tiên ta đánh giặc, Nxb Quân giải phóng, Sài Gòn, 1975, tr. 175.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2008, 09:28:44 pm »


II. NHỮNG CHÍNH SÁCH “DĨ DÂN VI BẢN”, “KHOAN THƯ SỨC DÂN” THỜI LÝ - TRẦN

Quan điểm thân dân của nhà nước và giới quý tộc thời Lý - Trần không dừng lại trên lý thuyết mà nó đã được thể hiện trên thực tiễn trong quá trình lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ đất nước.

Ở nước ta thời phong kiến, đặc biệt từ thời Lý - Trần, kinh tế nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo. Mặc dù đã xuất hiện một số đô thị, những trung tâm thương mại lớn, song hấu hết cư dân vẫn sống ở các làng xã. Trong cấu trúc xã hội thời đó, hệ thống cộng đồng các làng xã đã đóng một vai trò rất quan trọng. Có thể coi đây là những tế bào cơ sở nuôi dưỡng cả cơ thể dân tộc, đã được phát huy cao độ trong những dịp thử thách, trở thành lực lượng quan trọng đánh tan giặc ngoài. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân vì thế được coi là những nhân tố cơ bản, chủ yếu trong đời sống xã hội. Dân giàu nước mạnh lúc đó vẫn dựa trên cơ sở nông nghiệp phát triển, mùa màng phong đăng, lương thực nhiều, cuộc sống nhân dân no đủ. Vì vậy, để động viên được nhiều nhân lực, vật lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, để có được sức mạnh “cả nước góp sức”, các triều đại phong kiến đều phải dựa vào nông thôn và nông dân. Thực hiện điều đó, triều Lý và triều Trần đã chăm lo sức dân, nâng cao đời sống vật chất của nhân dân bằng nhiều biện pháp, trước hết là tạo điều kiện cho kinh tế nông nghiệp phát triển, coi “việc nông là gốc rễ của nước nhà”.

Để tỏ rõ sự quan tâm với việc nông trang, triều đình Lý - Trần đã vận dụng các hình thức như: ra chiếu khuyến nông, nhà vua thân cày ruộng tịch điền, đi xem gặt hay tổ chức tế lễ thần nông. Năm 1056, trong chiếu, vua Lý Thánh Tông khẳng định: “Việc nông là việc trọng đại của nước nhà”, vua động viên nhắc nhở nông dân phải chăm lo việc cấy trồng, không để lỡ thời vụ. Sử gia Ngô Sĩ Liên có lời bình về sự kiện Lý Thái Tông về Bố Hải Khẩu sai đắp đàn, làm lễ tế thần nông và tự cầm cày khởi đầu nông vụ rằng: “Thái Tông làm lại lễ cổ, thân cày ruộng tịch điền xướng suất thiên hạ, trên để cúng tông miếu, dưới để nuôi muôn dân. Công hiệu trị vì khiến cho của giàu người nhiều là đúng lắm1. Việc làm có ý nghĩa nêu gương và khích lệ, tỏ rõ sự quan tâm của nhà vua và triều đình đối với nghề nông trên đây được khởi đầu từ năm 987, khi vua Lê (Lê Hoàn) tổ chức lễ cày tịch điền ở Đại Sơn và được các vua đời sau như Lý Thái Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Trần Minh Tông... tiếp tục thực hiện.

Vua Lý và vua Trần đều có những biện pháp tích cực và kiên quyết ngăn chặn nạn giết trộm trâu bò, nhằm bảo vệ sức kéo nông nghiệp.

Đặc biệt nhà nước Lý - Trần rất quan tâm đến khai hoang mở rộng diện tích canh tác, đắp đê phòng lụt, khắc phục tình trạng dân xiêu tán nhằm ồn định dân cư phát triển nông nghiệp, củng cố cơ sở vật chất và cơ sở xã hội cho chính quyền phong kiến, đồng thời có tác dụng nâng cao đời sống dân sinh, làm cho dân giàu nước mạnh, quốc phú binh cường (xem mục Phát triển nông nghiệp ở chương II). Sử gia Ngô Thì Sỹ có nhận xét: “Đại để, chính sự triều Lý cốt chăm nghề nông, làm cho nước nhà giàu có”. Còn bia chùa Linh Xứng ở Ngưỡng Sơn ca ngợi công đức của Lý Thường Kiệt như sau: “... Thái úy làm việc thì siêng năng, sai bảo dân thì ôn hậu, cho nên dân được nhờ cậy. Khoan hòa giúp đỡ trăm họ, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên nhân dân kính trọng. Thái úy biết lấy sự no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên không để lỡ thời vụ. Tài giỏi mà không khoe khoang, nuôi dưỡng cả đến người già ở nơi thôn dã, cho nên người già nhờ đó mà được an thân. Phép tắc như vậy có thể gọi là cái gốc của nước, cái thuật yên dân; sự tốt đẹp đều ở đấy cả2.

Về mặt kinh tế, cùng với việc mở mang nông nghiệp, chính sách “khoan thư sức dân” còn biểu hiện trên lĩnh vực địa tô và thuế khóa. Nhà nước Lý - Trần thường vận dụng một chế độ thuế khóa không quá nặng nề. Mức tô thuế của nhà nước hay của quý tộc tông thất được ban cấp ruộng đất đối với nông dân thường mỗi mẫu 100 thăng thóc. Nếu so với tô ruộng quốc khố do tội nhân cày cấy mỗi mẫu ruộng hạng nhất nộp 680 thăng, hạng nhì 400 thăng hay hạng ba 100 thăng... thì mức thuế nói trên là nhẹ. Triều Trần còn quy định, ai có ruộng đất nếu là 1-2 mẫu thì nộp 1 quan, nếu là 3-4 mẫu nộp 2 quan; 5 mẫu trở lên nộp 3 quan tiền. Bài minh trên chuông Thông Thánh Quán ở Bạch Hạc (Vĩnh Phú) thời Trần ghi lại công đức của trưởng công chúa Thiên Chân (con Trần Anh Tông) được phong thang mộc ấp ở Bạch Hạc rằng: "công chúa thu thuế nhẹ, giảm lao dịch, giúp người nghèo khổ, yêu kẻ cô quả, sinh linh cả một hương không ai không bái tạ3. Thần tích Trần Nhật Hạo thì ghi: “Tướng quốc thu thuế nhẹ nhân dân đều cảm phục, biết ơn”.

Chế độ thuế khóa nói trên đã tạo nên một không khí chính trị lành mạnh, góp phần hòa hoãn mâu thuẫn xã hội, tạo điều kiện cho chính quyền phong kiến huy động nhân lực, vật lực cho công cuộc dựng nước và giữ nước. Lý Thái Tông có quan điểm rằng: “Nếu nhân dân đã no đủ thì trẫm còn thiếu với ai?”. Vì thế đã ra lệnh xá thuế. Một ưu điểm của nhà Trần là luôn biết động viên nhân dân không phải chỉ trong thời kỳ đất nước có chiến tranh mà cả trong thời bình và ngay từ khi chiến tranh vừa kết thúc. Sau khi chiến thắng quân xâm lược Nguyên, vua Trần Nhân Tông định xây lại thành Thăng Long cho nguy nga lộng lẫy, Trần Quốc Tuấn đã can vua và nói rằng: “Việc sửa chữa thành không cần kíp lắm. Việc cần kíp của triều đình phải làm ngay không chậm trễ được là úy lao nhân dân. Hơn bốn năm qua, giặc sang đánh phá; từ nơi rừng núi đến ruộng đồng bị tàn phá hầu hết. Vậy mà nhân dân vẫn một lòng hướng về triều đình, xuất tài xuất lực, đi lính đóng thuế, làm nên một lực lượng mạnh cho triều đình chống nhau với giặc. Nay nhà vua trở về yên ổn việc phải làm trước hết là phải chú ý ngay đến những nơi nào bị tàn phá. Tùy tình hình nặng nhẹ mà cứu tế, những nơi bị tàn phá nặng có thể miễn thuế trong mấy năm, có như thế nhân dân mới nức lòng, càng quy hướng về triều đình hơn nữa. Người xưa nói “chúng chí thành thành” ý chí của quần chúng là bức thành kiên cố, đó mới là cái cần sửa chữa ngay. Xin nhà vua xét kỹ4. Vua Trần Nhân Tông cho là phải, đã tạm đình chỉ xây thành Thăng Long và ra lệnh miễn tô thuế cho dân trong ba năm.
__________________________________________
1. Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, t.I, tr.214
2. Thơ văn Lý - Trần, sđd, xem phần “Văn bia chùa Linh Xứng”.
3. Theo Bạch Hạc Thông Thánh Quán bi ký .
4.Long thành dật sử”, dẫn theo Phạm Ngọc Phụng: Tổ tiên ta đánh giặc. Nxb Quân Giải phóng, Sài Gòn, 1975, tr. 295.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2008, 09:29:48 pm »


Nói đến “khoan thư sức dân”, bên cạnh việc dè dặt huy động thuế khóa còn phải kể đến chính sách xã hội, biểu thị sự quan tâm đến lợi ích của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tầng lớp lao động mà sử chép là dân nghèo.

Trước hết dân nghèo ở đây nhằm chỉ một bộ phận khá đông đảo trong xã hội nông nghiệp. Họ được quyền sử dụng phần ruộng công của nhà nước giao cho làng xã quản lý, hoặc có thể có chút ít ruộng tư, nhưng không đủ sống phải bán sức lao động cho người khác (vương hầu, quý tộc, người giàu có...). Họ chưa phải là nô tỳ nhưng rất dễ rơi vào thân phận nô tỳ khi mất mùa, đói kém, công nợ. Họ là sản phẩm của quá trình phân hóa xã hội, đồng thời là nạn nhân của mọi bất công xã hội. Nhưng chính họ là lực lượng nòng cốt trong lao động dựng nước cũng như trong chiến đấu giữ nước.

Qua một số thông tin từ biên niên sử, ta biết nhà nước Lý - Trần rất có ý thức ngăn chặn, không để họ bị rơi vào thân phận nô tỳ bằng hai biện pháp: cứu trợ xã hội và ngăn cấm bán hoàng nam.

Về cứu trợ xã hội, ta gặp rất nhiều dịp nhà vua “đại xá” như khi vua mới lên ngôi, sinh hoàng tử, khánh thành chùa quán, thắng giặc, mất mùa đói kém... và thường với một diện rất rộng “cả thiên hạ”. Điều đó có nghĩa không chỉ dân nghèo, mà tất cả mọi tầng lớp nhân dân đều được hưởng xá thuế tô, xá nợ, xá tội. v.v.. Tất nhiên trong cái “thiên hạ” bao la này, dân nghèo chiếm đa số. Sau đây là một số trường hợp đại xá, cứu tế xã hội mà đối tượng dân nghèo được nhấn mạnh1:

- Năm 1010, khánh thành cung Thúy Hoa, vua Lý Thái Tổ đại xá cho thiên hạ trong 3 năm, những người mồ côi, góa chồng, già yếu, thiếu thuế lâu năm đều tha cả

- Năm 1070, đời Lý Thánh Tông, đại hạn, phát thóc và tiền, lụa trong kho để chẩn cấp cho dân nghèo.

- Năm 1103, thời Lý Nhân Tông, Thái hậu Ỷ Lan phát tiền ở kho nội phủ để chuộc những người con gái nhà nghèo phải bán mình đi ở đợ, đem gả cho người góa vợ.

- Năm 1200, đời Lý Cao Tông, gặp đói to, phát thóc chẩn cấp cho dân nghèo.

- Năm 1242, Trần Thái Tông miễn thuế thân đánh cho người không có ruộng đất, hạn hán, miễn một nửa tô ruộng.

- Năm 1288, Trần Nhân Tông, sau thắng Nguyên lần thứ ba, đại xá thiên hạ, những nơi bị binh hỏa cướp phá nhiều, thì miễn toàn phần tô, dịch, các nơi khác thì miễn giảm theo mức độ khác nhau.

- Năm 1290, đời Trần Anh Tông, gặp đói to, nhiều người bán ruộng, đất, con trai, con gái làm nô tỳ, xuống chiếu phát thóc công chẩn cấp dân nghèo, miễn thuế nhân đinh.

- Năm 1303, Thượng hoàng Nhân Tông mở hội Vô lượng phép (một hình thức sinh hoạt của Phật giáo) bố thí vàng bạc tiền, lụa để chẩn cấp dân nghèo trong nước.

- Năm 1343 đời Trần Dụ Tông, hạn hán, xuống chiếu giảm một nửa thuế nhân đinh.

- Năm 1354 đời Trần Dụ Tông, sâu cắn lúa, giảm một nửa tô ruộng.

- Năm 1358, đời Trần Dụ Tông, hạn hán, sâu cắn lúa xuống chiếu khuyến khích nhà giàu ở các bộ bỏ thóc ra chẩn cấp cho dân nghèo

- Năm 1362, đời Trần Dụ Tông, đói to, xuống chiếu cho nhà giàu dâng thóc để phát chẩn cho dân nghèo, bàn tính theo thứ bậc khác nhau.

- Năm 1375, đời Trần Duệ Tông, xuống chiếu cho những người giàu ở các lộ đem dâng thóc, được ban tước theo thứ bậc khác nhau.

Qua sử sách ghi chép, ta biết nhà nước thời Lý - Trần trong khoan thư sức dân nói chung có đặc biệt quan tâm cứu trợ xã hội cho dân nghèo bằng một trong ba biện pháp:

1. Tha tô, thuế (toàn phần hoặc một nửa) cả năm, nhiều nhất là ba năm.

2. Phát tiền, thóc, vải trong kho để chẩn cấp.

3. Khuyến khích nhà giàu dâng thóc lúa hỗ trợ nhà nước thực hiện việc chẩn cấp khi cần thiết.

Vào thời Lý - Trần, sự xuất hiện ngày càng đông tầng lớp sở hữu lớn về ruộng đất các loại (vương hầu, tông thất, quý tộc quan lại, người giàu không quan tước), tất nhiên dẫn đến tình trạng phân hóa xã hội, tầng lớp dân nghèo khá phổ biến. Nhưng chính họ lại là nguồn nhân lực chính trong lao động sản xuất, binh dịch, phu phen. Vì vậy, nhà nước có ý thức “khoan thư”, “cứu trợ” nhằm ngăn chặn nạn nghèo đói dẫn đến dân nghèo phải bán mình làm nô tỳ. Một khi trở thành nô tỳ (bộ phận tư nô) họ tuột khỏi sự huy động của nhà nước, trở thành sở hữu của chủ, thuộc quyền sai khiến của chủ. Ngay từ buổi đầu triều Lý, vào năm 1043, vua Lý Thái Tông đã xuống chiếu cấm bán hoàng nam trong dân làm gia nô, đã bán rồi thì đánh 100 trượng, thích 20 chữ vào mặt, chưa bán mà đã làm việc cho người ta thì cũng đánh 100 trượng, thích 10 chữ, người biết chuyện mà cũng mua thì xử giảm một bậc2. Năm 1292, thời Trần Nhân Tông, trước nạn đói kém nghiêm trọng vào các năm 1290, 1291, dân nghèo phải bán mình làm nô tỳ, nhà vua hạ chiếu những người dân lương thiện làm nô tỳ phải cho chuộc lại3. Hậu quả của nạn đói, dân phải bán ruộng, bán mình đã diễn ra khá nghiêm trọng, cho nên vào năm 1299, vua Trần Anh Tông còn xuống chiếu nhắc lại việc cho chuộc đó4.

Thời Lý - Trần, nhà nước đã tạo điều kiện cho ruộng tư phát triển. Tuy nhiên, về cơ bản ruộng đất ở nông thôn vẫn là ruộng đất công của làng, xã do các công xã nông nghiệp quản lý. Chế độ công điền, công thổ vẫn tồn tại phổ biến. Xét về góc độ thuần túy kinh tế thì chế độ sở hữu đó là sự trì trệ lịch sử ở phương Đông so với phương Tây phong kiến. Nhưng xét trên yêu câu khoan thư sức dân để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và tăng cường khối đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước thì duy trì ruộng đất công, việc các công xã phân chia ruộng đất cho nông dân cày cấy theo mức tô thuế và lao dịch vừa phải là một điếu cần thiết, một chính sự tốt của một giai đoạn lịch sử.
__________________________________________
1. Dẫn theo Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục, sđd.
2. Đại Việt sử ký toàn thư; sđd, t. I, tr. 273.
3, 4. Đại Việt sử ký toàn thư; sđd, t. II, tr. 66, 76.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM