Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:37:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ký về Đoàn  (Đọc 19567 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« vào lúc: 21 Tháng Tám, 2011, 06:57:11 pm »

HỒI KÝ VỀ ĐOÀN

Nhiều tác giả
Nhà xuất bản Thanh niên giải phóng
Số hóa: doiviendukichmat và Bộ đội Cụ Hồ



MỤC LỤC

1-   Trên đường đi « học đạo »
2-   Kỷ niệm một nữ thanh niên Xô-viết Nghệ-Tĩnh
3-   Những người nữ sinh cộng sản thành Huế
4-   Cờ Đảng trên núi Bài Thơ
5-   Cộng sản giỏi thật
6-   Về phong trào « Thanh niên dân chủ Nam kỳ »
7-   Đoàn thanh niên dân chủ Huế
8-   Tuổi trẻ thành Huế những năm 1936-1939
9-   Những người bạn tốt, thầy tốt
10-  Vinh dự đoàn viên
11-  Đoàn thanh niên phản đế Triệu Phong
12-  « Nhà in » bí mật báo « Tiền phong » giữa lòng Hà Nội
13-  Đội du kích trẻ tuổi Bắc Sơn
14-  Những người đoàn viên trong đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân
15-  Tiếng súng du kích Ba Tơ
16-  Trước ngày khởi nghĩa
17-  Cùng đứng ở hàng đầu
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Giêng, 2021, 03:15:32 pm gửi bởi ptlinh » Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #1 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2011, 07:22:20 pm »

Trên đường đi « học đạo »

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Đông Dương vinh quang, tôi muốn kể với các đồng chí đoàn viên một chuyến đi học để làm cách mạng của lớp thanh niên chúng tôi hơn 30 năm trước đây. Chuyện không có gì ly kỳ. Nhưng đối với lớp thanh niên chúng tôi lúc ấy, những chuyến đi học đó có ý nghĩa như những chuyến đi « học đạo », học đạo Mác – Lê-nin , học đạo làm người cách mạng do ông thầy kiệt suất Nguyễn Ái Quốc tức Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta ngày nay mở trường dạy ở Quảng Châu (Trung Quốc).

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp họp tại Tua vào cuối tháng 12-1920

Các đồng chí đoàn viên và các bạn thanh niên nguyên cứu lịch sử Đảng, lịch sử Đoàn và tiểu sử Bác đã rõ Bác là người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Tháng 12-1920, trong Đại hội Đảng xã hội Pháp ở thành phố Tua, Bác đã bỏ phiếu tán thành Đệ tam Quốc tế tức Quốc tế cộng sản do Lê-nin lập ra, tham gia vào việc thành lập Đảng cộng sản Pháp. Năm 1924 sau khi dự Đại hội lần thứ năm của Quốc tế cộng sản họp ở Mạc Tư Khoa. Bác về Quảng Châu để tổ chức và lãnh đạo phong trào cánh mạng ở trong nước được sát hơn. Đến tháng 5-1925, Bác tổ chức ra Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội và lựa chọn những thanh niên tiên tiến nhất trong hội tổ chức ra thanh niên Cộng sản Đoàn. Thanh niên cách mạng đồng chí hội là tổ chức tiền thân của Đảng ta. Tổng bộ của Hội đóng ở Quảng Châu. Ban lãnh đạo của Tổng bộ lúc này, về sau tôi được biết, ngoài Bác ra có các đồng chí Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu…

Đồng chí Lê Hồng Sơn (1899-1933)

Đồng chí Lê Hồng Phong (1902-1942)

Đồng chí Hồ Tùng Mậu (1896-1951)

Ngay từ khi chuẩn bị để chính thức thành lập Hội, Bác và các đồng chí trên đã cho người về nước lựa chọn những thanh niên yêu nước, hăng hái đưa sang Quảng Châu huấn luyện cách mạng.

Ở trong nước,lúc này phong trào bãi khoá đòi thả cụ Phan Bội Châu và năm sau, năm 1926 phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh]  sôi nổi, lan rộng từ Bắc chí Nam. Nhiều thanh niên giáo viên và học sinh, sinh viên yêu nước bỏ học đi tìm cách mạng , đi làm cách mạng. Một số không ít trong những thanh niên trí thức đó cùng với nhiều thanh niên công nhân, thanh niên nông dân đã đã dược đưa sang Quảng Châu học được Bác Hồ trực tiếp dạy dỗ, được đào tạo thành cán bộ cách mạng.

Đầu mùa hè năm 1925, tôi được sang Quảng Châu học và rồi được giao nhiệm vụ về nước cùng một số đồng chí khác tổ chức việc đưa các lớp học viên mới sang học. Bản thân tôi có đưa anh em đi mấy chuyến, trong đó chuyến đi mùa thu năm 1925 là một chuyến đi đông.

Chuyến đi mùa thu năm 1925 này, theo tôi biết, có cả anh em ba miền Nam, Trung, Bắc và thanh niên Việt kiều cách mạng ở Thái Lan sang học. Anh em ở Nam bộ và miền Nam Trung Bộ thì đi tàu biển sang thẳng Quảng Châu. Còn anh em từ miền giữa Trung bộ ra Bắc thì được giới thiệu ra Hà Nội liên lạc để đi đường Hà Nội – Đồng Đăng.

Tại Hà Nội, chúng tôi đặt nhiều trạm liên lạc để đón anh em và bàn với anh em kế hoạch đi đường. Tôi còn nhớ có trạm liên lạc ở ngõ Tân Hưng có trạm ở phố chùa Trung Liệt ở Đống Đa, có trạm ở ô chợ Dừa, … và có  cả trạm đặt ngay ở bếp phủ Thống sứ (tức Bắc Bộ phủ, ngày nay là nhà khách ở đại lộ Ngô Quyền của Chính phủ), đồng chí Đỗ Ngọc Du tức Phiếm Chu đã từng ở trạm này. Thật bọn thực dân và tay sai không thể ngờ một trong những tên cầm đầu của chúng lại có tram liên lạc của những người thanh niên cách mạng sẽ đuổi đánh chúng. Trong những người lao động phải làm việc với kẻ địch có nhiều người hăng hái ủng hộ cách mạng. Nhờ đó mà anh em cách mạng đi về ngay trước mắt bọn thực dân và tay sai, bàn bạc việc tiêu diệt chúng mà chúng không hay.

Trước ngày lên đường, chúng tôi bàn với các đồng chí phụ trách các trạm liên lạc và anh em kế hoạnh lên đường. Chuyến đi này đông tới hơn trăm người. Nếu để tất cả  anh em cùng lên một chuyến tàu ở ga Hàng Cỏ thì dễ lộ, nên chúng tôi chia anh em ra làm nhiều toán,mỗi toán lại chia thành nhiều tổ nhỏ, mỗi tổ năm bảy người lên tàu ở các ga khác nhau rải rác từ ga Hàng Cỏ tới ga Kép ; toán này đi cách toán kia một, hai ngày, làm như toán này, tổ này không phải cùng đoàn với toán kia tổ kia, không quen biết nhau, không quan hệ gì với nhau, để bịt con mắt dò xét của bọn mật thám. Đồng chí Phạm Văn Đồng từ Trung Bộ ra cũng đi trong chuyến này.

Tôi cùng một tổ lên tàu ở ga Hàng Cỏ. Trà trộn trong đông hành khách đi tàu, bề ngoài chúng tôi cũng giống nhiều thanh niên khác lúc ấy : người thì quần trúc bâu trắng áo trắng dài hay áo the đen, trông giống như cậu học trò (mà là học trò bãi khoá bỏ học thật), có người trịnh trọng đội thêm chiếc khăn xếp trông ra vẻ một hương sư, một thầy giáo thôn quê hay tỉnh nhỏ, người thì mặt âu phục trông như thầy giáo ở thành phố lớn hay như « ông phán » về quê thăm vợ… có điều giống nhau là người nào cũng đi giầy vải đế cao su để chuẩn bị vượt rừng núi. Hành lý chỉ có cái khăn gói nhỏ hoặc cái cặp da trong có vài cái quần áo củ để thay đổi. Nghĩa là trông bề ngoài anh em không có gì khác hành khách. Nhưng có ai biết được đó là những thanh niên nặng lòng yêu nước ra đi « học đạo » cứu dân cứu nước ? Có ai nhìn được vào tâm trí những người thanh niên yêu nước đó phần đông mới 17, 18 tuổi, 20, 22 tuổi, lần đầu tiên đi xa Tổ quốc, xa gia đình dể học làm cách mạng,mới thấy họ xúc dộng nhường nào khi con tàu chuyển bánh, trên sân ga không bóng người thân yêu, không bạn bè ra tiễn vì họ phải ra đi bí mật, bí mật cả với cha mẹ, với người yêu và người bạn thân nhất. Có đồng chí vừa lập gia đình không lâu cũng tạm biệt người vợ trẻ, theo tiếng gọi của Tổ quốc, của cách mạng ra đi. Con tàu mang họ ra đi  một buổi sớm mùa thu, khi thành phố đang thức dậy. Tàu chạy chầm chậm trong địa phần thành phố, qua cửa sổ họ nhìn lại đường phố một lần nữa khi tàu qua các ngã tư, cố nhìn trong đám đông ùn lại trước cái chắn đường cho tàu qua xem có nét mặt nào quen thuộc, và lắng nghe một lần nữa những tiếng rao quà bánh và rao báo lanh lảnh đặc biệt của các thiếu niên bán báo ở Hà Nội. Đi xa không lâu nhưng cũng là đi xa, đi ra nước ngoài, lại là chuyến xa đầu tiên, ai không hồi hộp, lưu luyến ; họ muốn thu sâu trong tâm trí hình ảnh Thủ đô yêu dấu, muốn ghi sâu trong tâm trí những tiếng động buổi sáng quen thuộc của thành phố, một thành phố Việt Nam. Cũng có người nhìn lơ đãng, tâm trí nghĩ đến một hình ảnh thân thiết nào đó. Tâm trạng chung là lưu luyến đồng thời lại rất phấn khởi. Trong đêm tối của chế độ thực dân và phong kiến, họ ra đi tìm tới nơi chiếu ra ánh sáng giải phóng, con tàu càng đi thì họ càng tới gần với ánh sáng. Lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, những thanh niên tiên tiến nhất trong lớp chúng tôi đã sớm suy nghĩ về con đường cứu dân, cứu nước. Như bài toán đặt ngay, loay hoay mãi chưa tìm được giải đáp,nay đi tới nơi có người bày cách giải đáp, ai cũng nóng ruột muốn đi cho nhanh. Trong lòng mọi người đều ấp ủ mong ước được gặp ông Nguyễn Ái Quốc mà nhiều người đã biết qua báo « Người cùng khổ » của Người do anh em thuỷ phủ mang về phân phát bí mật từ ba năm trước. Riêng tôi đã được gặp Bác Hồ, được Bác dạy bảo từ lớp học trước, miệng rất muốn nói ra với anh em điều vinh dự lớn sẽ đến với họ là họ sẽ được gặp Bác nhưng vì phải giữ bí mật và cũng giành cho họ niềm vui sướng bất ngờ đó nên tôi không nói lộ cho ai biết.

Tàu đỗ ở mỗi ga lại thêm một tổ lên. Đồng chí liên lạc sau khi bàn giao bằng mật hiện với tôi số anh em mới lên, đến ga sau xuống tàu và trở về Hà Nội và báo cáo với tổ mình đã lên tàu yên ổn . Cứ như thế tới Kép thì các tổ lên hết.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Tám, 2011, 09:37:09 am gửi bởi Bộ đội Cụ Hồ » Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #2 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2011, 07:31:50 pm »

Quá trưa thì tàu dến ga Tam Lung, một ga nhỏ ở giữa ga Kì Lừa và Đồng Đăng, cách biên giới khoảng hơn mười cây số, chúng tôi xuống tàu. Hồi ấy, người đi lại buôn bán lên xuống ở ga này khá đông, chúng tôi trà trộn trong hành khách nên không ai để ý đến. Tranh thủ lúc nhân viên nhà ga và hành khách đang bận rộn công việc của họ, chúng tôi ra khỏi ga thật nhanh. Tôi đưa anh em ẩn vào một cánh rừng gần đó rồi bắt liên lạc với một đồng bào người Tày họ Trần ở bản Tam Lung mà tôi quen biết từ chuyến trước nhờ đưa đường vượt qua biên giới. Những lượt sau, đã quen thân, tôi đưa anh em vào hẳn nhà anh Trần và cả nhà các tổng đoàn, xã đoàn mà tôi liên lạc nhờ đưa đường. Chúng tôi nói dối họ là đi buôn thuốc phiện lậu. Hồi ấy những người buôn thuốc phiện lậu thường qua lại vùng này và cũng thường nhờ họ đưa đường. Lúc đầu họ cũng tưởng chúng tôi là những người buôn thuốc phiện lậu thật nhưng rồi họ cảm thấy không phải. Họ không biết rõ chúng tôi đi đâu, làm việc gì nhưng họ cảm thấy chúng tôi đi làm một việc bí mật gì đây. Và họ đối xử với chúng tôi tốt hơn hẳn đối với những người khác nhờ họ đưa đường. Họ giúp đỡ khá nhiều cho những chuyến đi của anh em thanh niên sang Quảng Châu học.

Trụ sở "Thanh niên cách mạng đồng chí Hội" tại số 13-15 (nay là nhà số 248-250) phố Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Chập tối những đồng bào người Tày dẫn đường đưa chúng tôi đi qua rừng núi vượt qua biên giới. Người Tày sống ở rừng núi nên đi đường rừng rất nhanh cả lúc đêm tối. Trái lại, số đông anh em lần đầu tiên mới đặt chân tới vùng rừng núi, đường lạ và khó đi, trời lại tối, nên đi rất chậm và vấp luôn. Chốc chốc người dẫn đường lại phải chờ hoặc anh em chạy theo cho kịp. Một số anh em nghe nói vùng này có đồi cỏ giang thỉnh thoảng có hổ xuất hiện đâm ra hoảng nhưng rồi cũng trấn tĩnh được. Có hổ nhưng nhân dân vẫn đi làm ăn. Người cách mạng mà sợ khó khăn, nguy hiểm thì không làm được cách mạng. Ngay từ trước khi bước chân lên tàu rời Hà Nội mỗi người đã tự nhủ như vậy. Đường đi gặp gềnh theo chiều hướng mỗi lúc một lên cao hơn, khó đi nhưng ai cũng cố không để mình tụt lại. Khoảng hơn chín giờ đêm chúng tôi lên tới đỉnh một ngọn núi khá cao. Người dẫn đường cho biết đây là ranh giới hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Chúng tôi nhìn dước ánh sao : xung quanh cả một vùng rừng núi bát ngát liên tiếp nhau, xa xa sương thu động lại ở lưng chừng các núi cao thành những giải trắng mờ mờ. Không có dấu hiệu gì của biên giới. Nhưng tất cả chúng tôi đều hướng về phương Nam, có người xúc động rưng rưng nước mắt, lòng đau xót nghĩ tới cảnh quân thù chà đạp trên non sông gấm vóc, nhân dân sống lầm than, khổ cực. Đất nước giàu có, đẹp đẽ, hùng vĩ của chúng ta, có thể nào để cho quân thù giày xé mãi ? Có người khẽ hỏi : « Xa xa kia có phải là Chi Lăng ? » Đêm tối không gian cách trở không cho trông thấy Chi Lăng. Nhưng chuyện Lê Lợi chém Liễu Thăng ở Chi Lăng được học từ nhỏ không bao giờ phai nhạt tâm trí thanh niên chúng tôi. Chúng tôi mường tượng tới một trận Chi Lăng mới, và một ngày đất nước ta, từ nơi chúng tôi đang đứng tới mũi Cà Mau, tới đảo Côn Lôn, được giải phóng khỏi ách quân thù. Ngày ấy chúng ta sẽ mở hội giải phóng trong cả nước suốt từ Bắc chí Nam, còn to hơn hồi Tết năm Kỷ dậu ( 1789 ) Quang Trung đánh tan quân xâm lược nhà Thanh ở Đống Đa. Suy nghĩ về tương lai đầy tin tưởng, chúng tôi phấn khởi xuống núi, đặt những bước chân đầu tiên trên đất Trung Quốc rộng lớn và mến khách. Từ đây chúng tôi đàng hoàng đi tới nơi Người ở, chúng tôi yêu mến, mong mỏi dược gặp ; ải Nam Quan ( nay là Hữu Nghị Quan ) ở sau lưng chúng tôi cứ xa dần, xa dần.

Khoảng hơn chín giờ tối, chúng tôi tới  làng Long Nhiêu, một làng Trung Quốc ở gần biên giới. Tới đây người dẫn đưởng giới thiệu chúng tôi với hai người Trung Quốc tên là Tắc Sồi và Thành Chân và một phụ nữ người Việt Nam tên là Tý, bị mẹ mìn bắt bán sang đây từ lúc nhỏ, nhờ đưa tiếp chúng tôi lên Cống Chạp là nơi đặt trạm liên lạc của hai đồng chí Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn để đón thanh niên trong nước sang học. Hai ông Tắc Sồi, Thành Chân và chị Tý rất tốt đã hết lòng giúp đỡ anh em Việt Nam trong tất cả các chuyến đi về.

Tranh vẽ cảnh đồng chí Nguyễn Ái Quốc giảng bài tại lớp huấn luyện cán bộ Cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc.

Lớp học của Tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội được giữ gìn đến tận ngày nay

Tới Cống Chạp hai đồng chí Tùng Mậu và Hồng Sơn đón tiếp anh em rất niềm nở hỏi, thăm sức khoẻ và chuyện đi đường. Anh em toán đi trước nghỉ ngơi tại đây chờ anh em các toán đi sau ra tiếp tục lên đường. Riêng tôi lại trở về Hà Nội đưa các toán sau đi. Về sau có một chị tên là Mai người ở Vinh giúp đỡ thêm trong việc đưa anh em từ Hà Nội đi Cống Chạp. Khi các toán đã ra đông đủ anh em chuẩn bị đi tiếp. Tổng bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội đã chuẩn bị cho anh em mấy bộ quần áo kiểu Trung Quốc để anh em cải trang như học sinh quân Trung Quốc, che mắt bọn chó săn của đế quốc Pháp.

Từ Cống Chạp chúng tôi sếp thành đội ngũ, trương lá cờ màu xanh da trời viết bốn chữ «  nhập ngũ sinh đội » ( nghĩa là đội quân học sinh nhập ngũ) đi bộ lên huyện lỵ Bằng Tường. Đồng chí Hồng Sơn chỉ huy cuộc đi, mặc áo quan ba quốc dân quân Trung Quốc tức quân đội của Chính phủ quốc dân Tôn Dật Tiên.

Trông bề ngoài ai cũng tưởng đó là một lớp học sinh Trung Quốc mới vào bộ đội, có ai ngờ đó là những thanh niên cách mạng Việt Nam chỉ vì mất nước mà phải cải trang như vậy. Đi bộ ba mươi cây số mới tới huyện lỵ Bằng Tường. Nhiều anh em học sinh không quen đi bộ xa, có anh em lại không quen đi giày, da chân phồng rộp lên nhưng không ai kêu đau, kêu rát, trái lại ai cũng phấn khởi.

Tới Bằng Tường, huyện trưởng Bằng Tường đón tiếp tử tế. Lúc này Chính phủ quốc dân đảng Trung Quốc còn theo chính sách của Tôn Dật Tiên là thân Liên Xô và hợp tác với Đảng cộng sản Trung Quốc, giúp đở cách mạng các nước Á-Đông, thêm nữa do công tác của Đảng cộng sản Trung Quốc và công tác của Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội nên chính quyền các địa phương và viên chức Trung Quốc đối đãi nói chung là tử tế với những người cách mạng Việt Nam. Kiều bào ta ở đây từ cụ già đến trẻ em đều ra đón tiếp và giúp đỡ chúng tôi rất nhiệt tình.

Hôm sau chúng tôi đi mười chiếc xe ngựa đến Ạp Chày Than để xuôi đò đi Long Châu. Đoạn sông này nhiều ghềnh thác nhưng ba chiếc đò lớn chở chúng tôi lướt phăng phăng trên mặt nước, nhanh như ô-tô, không va vấp. Chúng tôi rất khâm phục tài bắt lái của các thủy thủ Trung Quốc. Đò chạy trong khoảng hai tiếng rưỡi đồng hồ thì tới Long Châu.Đoạn sông này nhiều gềnh thác nhưng ba chiếc đò lớn chở chúng tôi lướt phăng phăng trên mặt nước, nhanh như ô tô, không va vấp. Chúng tôi rất khâm phục tài bắt lái cuả các thuỷ thủ Trung Quốc. Đò chạy khoảng hai tiếng rưỡi đồng hồ thì tới Long Châu.

Đến Long Châu, chúng tôi vào trụ sở Công hội ở. Các đồng chí Trung Quốc đón tiếp chúng tôi rất niềm nở, thân mật, chuyện trò vui vẻ, thoải mái. Trong bữa cơm có cả tiết canh lợn, một món ăn rất hợp khẩu vị Việt Nam.
Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #3 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2011, 07:46:45 pm »

Các đồng chí lãnh đạo đã dặn anh em phải giữ bí mật không nên nói tiếng mẹ đẻ. Nhưng trong lòng phấn khởi quá, nhiều anh em không giữ nổi. Anh em hỏi chuyện này, chuyện khác, hỏi về tổ chức, hỏi về hoạt động, hỏi về phong trào,…và bàn luận với nhau,hình như để bù lại những khi còn ở trong nước dưới áp quân thù, ăn nói phải giữ mồm giữ miệng, nhiều khi phải ra hiệu thay cho lời nói.

Được tin có đoàn thanh niên từ trong nước sang Quảng Châu học đang ở trụ sở Công hội, bà con kiều bào kéo đến thăm hỏi ân cần và đưa tặng anh em bốn gánh thức ăn khô gồm lạp xường, gà quay, vịt  quay…để ăn dường đi Quảng Châu.

Hôm sau Công hội thuê giúp chúng tôi một chuyến tàu thuỷ riêng đi về Tam Thuỷ. Tàu đi được ba hay bốn ngày thì đâm vào một mô đá ngầm. Đáy tàu bị thủng, nước ồ vào, tàu chìm dần xuống, nước tràn vào khoang. Lúc ấy vào khoảng mười giờ sang anh em đang đang ăn cơm không chạy kịp lên boong bị ướt hết. Quần áo ướt hết, lạp xường còn nhiều (vì anh em chưa ăn bao giờ nên không ăn được ) cũng ướt hết. May mà gần chỗ đó có bến đò và có bãi cát rộng, chúng tôi gọi đò chở lên bãi cát phơi quần áo và ngồi nghỉ chờ vẫy đáp tàu khác. Trời cuối thu, nắng nhẹ, gió cũng nhẹ nên quần áo nhất là quần áo bông, dạ do Tổng bộ cấp phát lâu khô. Mặt trời đã ngã hẳn về Tây, chúng tôi đang lo có lẽ phải vào     làng ngủ đỡ qua đêm thì có tàu qua. Anh em vẫy gọi tàu đáp về Quảng Tây.

Đồng chí Phạm Văn Đồng (1906-2000), Thủ tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Về tới Quảng Tây quần áo vẫn chưa khô hẳn. Đồng chí Phạm Văn Đồng từ khi ở Hà Nội đi, người đã không được khoẻ lắm lại bị ướt vì tàu đắm nên bị cảm. Chúng tôi phải nghỉ lại ở trụ sở Công hội Quảng Tây hai ngày để chạy hai ngày để chạy chữa thuốc thang cho đồng chí Đồng và luôn thể đợi quần áo khô. Rồi lại đáp tàu thuỷ đi Tam Thuỷ.

Từ Tam Thuỷ chúng tôi đáp xe lửa đi Sa Diện. Đồng chí Đồng bị cảm chưa khỏi, người vẫn còn yếu lắm. Anh em phải lấy chăn chiên choàng kín người đồng chí và dìu đồng chí lên tàu và xuống tàu. Qua sông Châu Giang chúng tôi tới Quảng Châu, nơi mơ ước. Đồng chí Đồng, người rất mệt đi không vững nhưng đặt chân lên đất Quảng Châu đồng chí tươi hẳn lên.

Sách Đường kách mệnh là tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các khoá huấn luyện chính trị của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu, sách do Bộ Tuyên truyền của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản tại Quảng Châu (Trung Quốc).

Các đồng chí ở Tổng bộ và các đồng chí Trung Quốc đón tiếp anh em rất thân mật, dẫn anh em về nhà nghỉ, chỉ anh em cặn kẽ mọi thứ cần thiết. Nhà ở của học viên một nhà hai tầng rộng rãi nhưng anh em quá đông nên phải nằm giường hai tầng. Sau đó chúng tôi đến thăm trụ sở Tổng bộ và lớp học lúc này thuê ở một nhà ba tầng lớn, bên ngoài có treo biển « Việt Nam đặt biệt huấn luyện bộ » gần đối diện với trường « Trung Sơn đại học ». Trong phòng họp có treo ảnh Mác, Ăng-ghen, Lê-nin một bên tường, ảnh Sta-lin, Tôn Dật Tiên một bên ảnh người liệt sĩ thanh niên Phạm Hồng Thái. Anh em ngắm đi ngắm lại không biết chán như muốn thu những hính ảnh ấy vào tim. Nhiều anh em lần đầu tiên mới được thấy những hình ảnh đó. Ở đây chúng tôi được gặp đông đủ các đồng chí lãnh đạo Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Anh em đặc biệt chú ý đến một đồng chí trạc 35, 36 tuổi, người xương xương, dong dỏng, dáng đi nhanh nhẹn, có cái trán rất cao và đôi mắt rất sáng, nói giọng miền Trung, thỉnh thoảng lại ho khúc khắc. Tổng bộ giới thiệu đó là đồng chí Vương, cũng có người gọi là đồng chí Lý. Không thấy Tổng bộ giới thiệu đồng chí nào là đồng chí Nguyễn Ái Quốc, nhưng do cách nói xa xôi, kín kín hở hở của một vái đồng chí đã biết, nhiều anh em đã đoán đồng chí Vương là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Có đồng chí quả quyết : « Đúng là ông Nguyễn Ái Quốc ! ». Dần dần thì anh em đều biết mặt dầu Bác vẫn dấu. Vương chỉ là bí danh lúc này của Bác cũng như Lý là họ Bác đặt ra để ký tên dưới các bài báoTrung Quốc lúc ấy. Viết báo Trung Quốc Bác thường ký là Lý Thụy. Bác và các đồng chí khác ở Tổng bộ hỏi han anh em chuyện đi đường, hỏi tình hình trong nước. Anh em hết sức ngạc nhiên khi thấy Bác biết nhiều việc mà nhiều anh em ở trong nước, ở ngay Hà Nội cũng không biết. Anh em càng thêm khâm phục ông Nguyễn Ái Quốc thật là giỏi.

Ở đây chúng tôi cũng gặp sáu, bảy anh em ta, trong đó có hai thiếu nữ, từ trong nước ra và từ Thái Lan sang được Tổng bộ đưa vào học ở trường « Trung Sơn đại học ». Các thiếu niên, thiếu nữ này đều lấy họ Lý. Có một thiếu niên rất vui tính, hoạt bát, nhanh nhẹn, nói tiếng Trung Quốc khá thạo tên là Tự Trọng. Đó chính là người thanh niên cộng sản anh hùng Lý Tự Trọng sau này.

Hôm sau « Đông phương bị áp bức dân tộc liên hiệp hội » tổ chức cuộc họp hoan nghênh đoàn thanh niên Việt Nam mới sang học. Đại biểu các nước đều phát biểu ý kiến, đại ý là đoàn kết cùng nhau đánh đuổi bọn đế quốc, thực dân xâm lược làm cho các nước đều được độc lập. Một đồng chí học viên Việt Nam thay mặt anh em phát biểu ý kiến hứa cố gắng học tập để mang những điều học tập được về trong nước đẩy mạnh phong trào cách mạng. Trước khi vào học chúng tôi có viết tờ khai lý lịch để giúp ban lãnh đạo dễ theo dõi giúp đỡ trong lúc học tập và công tác sau này.

Chương trình học tập vì lâu ngày quá chúng tôi không nhớ được cụ thể, nhưng đại lược có những vấn đề :

-   Lịch sử cuộc cách mạng lớn trên thế giới.
-   Lịch sử Quốc tế Cộng sản và Quốc tế các giới.
-   Chính sách đô hộ tàn bạo của thực dân Pháp.
-   Chiến lược và chiến thuật cách mạng.
-   Chương trình và điều lệ của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội.
-    Vận động các giai cấp và các giới công nhân, nông dân thanh niên, học sinh, vận động binh lính, các tổ chức quần chúng.
-   Thời sự chính trị.
-   Tư cách người cách mạng.

Giảng viên là các đồng chí Vương tức là Bác, Trương gầy tức là Lê Hồng Phong, Lương tức Hồ Tùng Hậu, Đỗ tức Lê Hồng Sơn…Một đồng chí cán bộ phụ vận Trung Quốc đến giảng về công tác vận động phụ nữ. Và các đồng chí Bô-rô-đin, cán bộ của Đảng cộng sản Liên Xô làm cố vấn cho chính phủ Tôn Dật Tiên có đến nói chuyện về cách mạng tháng Mười và thời sự chính trị quốc tế.

Bác giảng nhiều bài, lâu ngày tôi không nhớ rõ đề mục các bài và chi tiết những lời Bác giảng. Nhưng mặt dù đã hơn ba mươi năm qua, một số anh em chúng tôi được học lớp đó đôi khi gặp nhau kể lại chuyện cũ đều còn nhớ rõ lần đầu tiên mình được nghe Bác giảng về cụ Mác, về ông Lê-nin, về chủ nghĩa cộng sản, về đảng Cộng sản và Quốc tế Cộng sản « lịch sử cách mạng tháng Mười ».Tôi không nhớ đúng lời Bác nói nhưng ý Bác nói là cách mạng Việt Nam muốn thành công  thì phải đi theo con đường cách mạng tháng Mười, con đường của Nga, phải theo chủ nghĩa cộng sản ; ý đó thấm sâu vào trong một số đông anh em học viên chúng tôi. Trước đây một số đông anh em chúng tôi đã được đọc hai chữ « cộng sản » trên báo « Người cùng khổ » của Bác nhưng chưa rõ cộng sản là như thế nào. Ở lớp học này qua lời giảng của Bác, và của các đồng chí khác, đơn giản, vắn tắt, chúng tôi hiểu được rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ giải phóng cho loài người ách áp bức bóc lột, sẽ xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho tất cả mọi người. Hai tiếng « cộng sản » hấp dẫn chúng tôi. Tuổi trẻ trong trắng vốn yêu lẽ phải, yêu công bằng, chính nghĩa, yêu cái tốt, cái đẹp nên càng yêu chủ nghĩa cộng sản vì nó sẽ thực hiện những cái mình yêu, mình mơ ước. Tuổi trẻ lại sôi nổi, nhiệt tình, có lòng nghĩa hiệp, sẵng sàn hi sinh cho mục đích cao thượng, cho lý tưởng cao đẹp nên tuổi trẻ dễ dàng tiếp thu chủ nghĩa cộng sản. Đó cũng là đều tự nhiên. Cùng với báo « Thanh niên », cơ quan cuả Tổng bộ, do Bác sáng lập và phụ trách, các lớp huấn luyện ở Quảng Châu đã truyền bá tư tưởng cộng sản trong những người cách mạng, những người thanh niên tiên tiến nhất lúc bấy giờ.

Việc thành lập Đảng mấy năm sau là kết quả tốt đẹp tất yếu cuả việc kết hợp chủ nghĩa Mác-Lê-nin- mà Bác người có công truyền bá lớn nhất-với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân ta trong nước. Chi bộ cộng sản đầu tiên của nước ta, thành lập tháng 3-1929 ở nhà số 5 D phố Hàm long, Hà Nội gồm có 7 người đều trẻ tuổi cả. Trong số đó, theo tôi biết, có tới 6 thanh niên đã được dự các lớp huấn luyện ở Quảng Châu được Bác trực tiếp dạy dỗ.

Cũng ở lớp học này chúng tôi được Bác giảng giải về vai trò của công nông trong cách mạng. Bác nói công nông là « gốc của cách mạng ». Thật là một điều rất mới mẻ đối với chúng tôi. Trước đó ở Việt Nam chưa có người cách mạng nào nhận ra điều thoạt nghe tưởng chừng như rất đơn giản ấy. Bác cũng dạy người cách mạng phải hoà mình vào quần chúng. Ở lớp học về, nhiều anh em vốn là trí thức, học sinh đã cố gắng đi sâu vào công nông. Trong quá trình « vô sản hoá » nhiều anh em về sau trở thành những người cộng sản rất tốt.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Tám, 2011, 09:17:53 pm gửi bởi Bộ đội Cụ Hồ » Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #4 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2011, 09:28:14 pm »

Bác giảng rất dễ hiểu, Bác lại hay lấy những ví dụ cụ thể, hay dù ca dao, tục ngữ của dân tộc nên học viên dể tiếp thu lời Bác giảng. Ví dụ như nói làm cách mạng khó hay dễ-cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng cho cả nhân loại ai cũng biết là việc rất lớn, rất khó-nói thế nào cho người nghe tin tưởng là làm được, hăng hái làm ? Bác những lời rất đơn giản, ai cũng nhận ra chân lý và cũng thấy được nhiệm vụ mình. Bác nói đại ý : nhân dân ta thường nói : « Nước chảy đá mòn », lại có câu nói : « Có công mài sắc có ngày nên kim ». Cứng như đá mà nước chảy mãi cũng mòn, rắn đến như sắt mà mài mãi cục sắt cũng thành cái kim. Làm cách mạng cũng thế. Biết nhiệm vụ phải làm, biết cách làm, quyết tâm làm, nhất định sẽ sẽ làm được. Khó dễ cũng ở mình, vấn đề là mình có dám làm hay không,  có quyết chí hay không. Có cái thần tình là nghe Bác giảng xong nhiếu anh em tưởng như trước đó mình cũng nghĩ như thế. Lời nói chân lý của Bác thấm vào từng người để rồi biến thành hành động thực tế trong cách mạng, trong đời sống.

Về mặt tổ chức, chia ra nhiều tổ, có tổ trưởng, tổ phó điều khiển. Lúc đầu chúng tôi thổi cơm lấy, hàng ngày các tổ cử người luân phiên làm trực nhật trong cơm nước và đôn đốc việc chấp hành nội quy. Các giảng viên thay nhau làm tổng trực nhật phụ trách chung mọi việc của lớp. Bác cũng làm tổng trực nhật. Bác ở một nơi khác nhưng hôm nào đến phiên Bác làm tổng trực nhật, Bác đến trước giớ tập thể dục buổi sáng, đôn đốc và hướng dẫn anh em tập. Quả thực có một số ít anh em lúc đầu cũng lười tập thể dục, nhưng bị Bác đôn đốc ráo riết và thấy gương mẫu làm trước nên số anh em đó dần dần cũng tập đều đặn. Người Bác gầy nhưng Bác khoẻ và dai sức, lúc tập Bác thường chạy dẫn đầu anh em. Bác bảo người cách mạng chẳng những phải rèn luyện chính trị, rèn luyện đạo đức cách mạng, mà phải rèn luyện cả thân thể để có sức làm cách mạng và phải rèn luyện cho mình những thói quen tốt, trừ bỏ thói quen xấu.

Trong thời gian học, chúng tôi được dự các buổi nói chuyện của Công hội Quảng Châu nói về tin thần đấu tranh của anh chị em công nhân Hương Cảng, và biểu thị tin thần ủng hộ những cuộc bãi công, đình công của anh chị em.

Phần mộ - Đài tưởng niệm liệt sĩ Phạm Hồng Thái tại Nghĩa trang Hoảng Hoa Cương

Chúng tôi cũng thường đi thăm Hoàng Hoa Cương nơi chôn 72 liệt sĩ cách mạng Trung Quốc và viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái ở đó. Lớp học xong, trước khi lên đường về nước, chúng tôi đến viếng mộ người liệt sĩ thanh niên đó lần cuối cùng và thề trước mộ anh, nguyện noi theo tinh thần hi sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân của anh.

Thời gian trôi nhanh ; khoá học ba, bốn tháng đã xong, Bác và các đồng chí lãnh đạo của Tổng bộ bàn công tác với anh em về nước, về địa phương.

Chúng tôi về nước theo các đường hầm khác nhau. Tôi và một số đồng chí khác lại trở về đường Cống Chạp, mang theo nhiều tài liệu để phân phát cho các cấp bộ Hội.

Trường huấn luyện của Tổng bộ hội ở Quảng Châu có thể được gọi là trường Nguyễn Ái Quốc Quảng Châu, còn tiếp tục mở các khoá khác cho đến đầu năm 1927, đào tạo thêm hàng trăm cán bộ cho phong trào cách mạng trong nước, chuẩn bị đề mặt tư tưởng và về mặt cán bộ cho việc thành lập Đảng.

Đó là một chuyến đi của lớp thanh niên chúng tôi sang Quảng Châu « học đạo » cứu nước cứu dân, học « đạo » Mác-Lê-nin ở trường do một thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam Nguyễn Ái Quốc mở. Nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Đông Dương quang vinh, nhìn lại hơn 35 năm trước đây « đạo » ấy tuy mới chỉ là những tia sáng đầu tiên trong đêm tối thuộc địa và phong kiến nhưng ngày càng phát triển không sức nào dập tắt nổi vì nó có sức mạnh vô địch của chân lý, ngày nay « đạo » ấy đã trở thành lẽ sống của hàng triệu thanh niên ta. Nó rực rỡ như mặt trời chiếu sáng từng bước hàng chục triệu người Việt Nam ta trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Và toàn Đảng, toàn dân, toàn thể thanh niên đều nhớ đến công lao to lớn của ông thầy vĩ đại của chúng ta : lãnh tự Nguyễn Ái Quốc tức Bác Hồ kính mến.

LÊ HỒNG XUÂN
Và một số đồng chí khác kể   
QUANG THẮNG ghi.
Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #5 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2011, 12:37:29 pm »

Kỷ niệm của một nữ thanh niên Xô-viết Nghệ-tĩnh

Tôi giác ngộ cách mạng từ năm hai mươi tuổi. Hơn buốn mươi năm qua, cuộc đời tôi đã có biết bao nhiêu kỷ niệm, nhưng cảm động nhất, sâu sắc nhất vẫn là kỷ niệm những ngày chiến đấu của tuổi trẻ. Các bạn thanh niên có hỏi tôi về những kỷ niệm đó. Thật ra không thể nào kể hết cùng một lúc. Ở đây tôi chỉ có thể nhắc lại một vài hình ảnh của lớp trẻ đầu tiên phất lá cờ búa liềm xông lên, những con người, được sự dẫn dắt của Đảng, của Bác Hồ, đã tìm thấy chân lý tưởng cộng sản, chiến đấu không lùi bước, và khi đã ngã xuống, đã gọi tên vị lãnh tụ kính yêu của mình : « Đồng chí Nguyễn Ái Quốc ».

 
*

*      *

Vào những năm 1925-1926, mới mười bảy mười tám tuổi, tôi đã có những suy nghĩ về cách mạng, về ý tưởng. Nhiều đêm chong đèn nằm đọc những bản chép tay « Hải ngoại huyết lệ thư », « Bài ca gửi bạn thanh niên » của Phan Bội Châu ; « Chiêu hồn trước » của Phạm Tất Đắc… Những dòng thơ thống thiết làm cho tôi nổi giận nóng ran cả mặt, khi thương cảm đến trào nước mắt. Hồi này thầy tôi và anh tôi là những người có chân trong các Đảng cách mạng cũ như Đông Du, Quang Phục, đều đã chết. Nhà tôi vắng dần những cuộc tụ họp, những buổi lui tới rộn rịp của những người cách mạng lớp cũ. Nhưng tôi không thể nào quên được họ, Ông Quyên râu quai nón, súng giương đeo chéo trước ngực, nửa đêm mùa đông vượt luỹ gặp thầy tôi ở phòng đọc sách ; các anh con cậu, con dì tôi Nguyễn Đức Công, Nguyễn Đức Đường giã từ thầy tôi và anh tôi vào tối sáng trăng để lên dưởng đi Đông Du… những hình ảnh đó nung nấu trong lòng tôi ý chí lao vào cuộc chiến đấu. Mặc dầu là thân con gái, tôi không sợ gì cả.

Tôi có người anh họ là Nguyễn Năng Tựu hơn tôi một vài tuổi. Sau khi thầy tôi và anh tôi chết, Tựu là người hay lui nhà tôi. Anh dạy chúng tôi học quốc ngữ, và nhờ anh mà chúng tôi biết được gần hết những bài ca cách mạng hồi đó. Anh truyền cho chung tôi lòng hăng hái cách mạng và mở ra cho chúng tôi một hướng hoạt động cách mạng mới. Nhưng chẳng được bao lâu thì anh được đoàn thể đưa đi xuất dương. Anh sang Thái Lan, tham gia phong trào cách mạng thanh niên bên đó. Nhưng rồi anh bị bắt, và vì kiên quyết không chịu khuất  phục trước mọi dụ dỗ tra tấn của kể địch, nên bị chúng giết vào khoảng năm 1930.

Một kỷ niệm sâu sắc nhất về tình bạn tình đồng chí trong tuổi trẻ của tôi, là anh Trần Bá Giao, con người đã giúp tôi sớm đi vào cuộc chiến đấu có lý tưởng rõ rệt. Cụ Cử Thuỵ-cha Trần Bá Giao và thầy tôi là bạn đồng chí. Hồi nhỏ, Giao thường theo cha về nhà tôi chơi. Chúng tôi dần quen thân nhau, và có lần gia đình đã nói đùa là bao giờ chúng tôi khôn lớn thì hai nhà sẽ kết bạn thông gia…

Vào mùa thu năm 1925, một buổi tối, nhà tôi vừa treo đèn thì người liên lạc toàn thể dẫn một đoàn đến, nhờ mẹ tôi cho tạm trú để chuẩn bị đi xa. Nhà tôi vốn là chỗ nghỉ chân của cán bộ cách mạng, nên chuyện đó chẳng có gì là lạ. Nhưng đoàn người vừa bước vào nhà thì chúng tôi sửng sốt kêu lên, và mẹ tôi thì ôm lấy một người con trai hai mươi tuổi rất khôi ngôi trong đoàn. Đó là anh Trần Bá Giao. Lần này anh ở trong số những người được đưa ra nước ngoài. Qua mấy ngày chờ đợi lên đường, Trần Bá Giao đã nói với chúng tôi nhiều điều về con đường cách mạng sắp tới. Anh giải thích cho chị em tôi những nguyên nhân thất bại của phong trào Đông Du, Quang Phục, đưa ra những kinh ngiệm cách mạng mà cha anh đã đỗ máu mới có được. Anh vạch cái hướng mở ra cho phong trào cách mạng thanh niên. Trong lúc trò chuyện, anh thường nhắc tới cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Lần đầu tiên, cái tên Nguyễn Ái Quốc gây cho chúng tôi nhiều ấn tượng sâu sắc và lúc ấy, hình như tôi đã cảm thấy trước rằng cuộc đời chiến dấu của mình sẽ gắn bó với cái tên đó.

Anh Giao chia tay chúng tôi vào một đêm tối trời. Anh ân cần dặn mẹ tôi là trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng nên cho chị em tôi học tập thêm. Còn nói với chúng tôi, anh căn dặn cặn kẻ mọi điều. Tôi còn nhớ lời anh :

-Các em đừng để cho dòng máu của cha ông phải tủi nhục. Hãy giữ cho tròn cái khí phách tuổi thanh xuân. Sự thể cách mạng mới, con người mới, ta phải hoạt động theo con đường mới.

Ở cổng ngoài, lúc từ giã tôi, anh đọc khẽ một câu kiều : « Nhớ ước nguyện ba sinh ».

Thế rồi lâu lắm chúng tôi không nhận được tin tức gì của anh Giao. Mãi về sau này, sau khi đã tham Đảng, hoạt động, tôi bị bắt vào tù mới gặp đồng chí kể lại là anh Giao đã bị địch bắt vào đầu năm 1930 ở Thái Lan, và sau những ngày kiên quyết đấu tranh anh đã bị địch giết chết. Lần đầu tiên tôi khóc trong bóng nhà ngục.
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2011, 01:07:06 pm gửi bởi Bộ đội Cụ Hồ » Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #6 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2011, 01:09:18 pm »

*

*    *

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941)

Đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái (1915-1944) và chồng - Đại tưởng Võ Nguyên Giáp

Phiên chợ Vinh hôm đó tôi và em gái tôi là Thiu làm như đi chợ ra chuyến tàu sớm lên Vinh. Một người bạn dẫn chúng tôi dến nhà ga chị Khai. Đó là một ngôi nhà hai tầng gần ga Vinh cũ, trở mặt về hướng đông. Bố chị Khai đã mất, nhà còn mẹ và em gái là Quang Thái đang đi học. Được tin, chị Khai đang bán vải ở chợ, vội về gặp chúng tôi. Lấn đầu gặp mặt mà chị tỏ ra vẻ vồn vã, thân thiết tưởng như quen biết từ bao giờ. Chị dẫn chúng tôi lên phòng riêng-Tôi còn nhớ trước của có một cây phượng vĩ nở hoa đỏ như lửa. Sau khi hỏi chuyện gia đình, nhà cửa,chị Khai vào chuyện cách mạng. Chị hỏi chúng tôi đã đọc những sách báo nào. Chúng tôi kể : « Cường quốc chính thể », « Thực dân chủ nghĩa », «  Thần chung »… Nhưng khi nói đến nhận thức sau khi đọc những sách báo đó thì chúng tôi đâm lúng túng. Chị Khai đi tới góc tường, vén bức màn lên cho chúng tôi thấy nhiều cuốn sách sắp xếp trật tự :

-Đấy các chị muốn đọc thì cứ tha hồ chọn, nhưng theo tôi, nên đọc những cuốn này trước… mà đọc sách muốn hiểu được sách thì phải có phương pháp, tôi sẽ giúp đỡ các chị.

Khi tiễn chúng tôi ra tận cửa, chị Khai nói :

-Chị em ta sinh ra là phận gái, bị chế độ phong kiến thực dân kìm hãm nên phải thất học. Giờ muốn vươn lên bằng nam giới, muốn tự giải phóng mình, phải chịu khó học. Việc học cần lắm Có học mới hiểu nhiều hơn lẽ thiệt…

Từ đó, cách một vài phiên chợ, chúng tôi lại vờ làm người buôn bán trên Vinh. Mỗi lần tới nhà chị Khai, chúng tôi mang sách cũ giả và mượn sách mới. Theo chị Khai hướng dẫn, cứ đọc xong mỗi quyển sách, chúng tôi lại làm tóm tắt nội dung, chủ đề, và ghi cả nhận thức cuả mình đối với vấn đề nêu trong sách. Chị Khai xem xong, giảng giải thêm cho chúng tôi những điều cần thiết. Có thể nói việc học tập sách vở này đã mở mang sự hiểu biết về chính trị cho chúng tôi nhiều lắm.

Sau ba tháng gần gũi như thế, chị Khai hẹn chúng tôi ngày ra thăm mẹ tôi. Chiều hôm đó, tôi vờ đi mua dâu, đứng chờ chị ở lề đường phía đông nhà ga xép Quán Sen. Lúc chị mang tay nải xuống xe, tôi đưa mắt ra hiệu. Rồi không  nói một câu nào, tôi đi trước chị đi sau. Tới gần nhà , tôi vào nhà trước cất dâu, và chị ngồi bên gốc đa làm người bán vải rong. Bà con làm đồng quanh đấy xúm xít bên chị hỏi giá vải. Mẹ tôi hỏi mua một vài tấm. Thấy chị hàng vải lịch sự, nói chuyện có duyên, mẹ tôi rất thích, và nhân trời đã tối, mẹ tôi mời chị nghỉ lại một đêm.

Đêm đó mẹ tôi trò chuyện với chị Khai tưởng không dứt ra được. Hỏi đến đời tư, chị bảo :

-Chồng đi làm thợ Hải Phòng ít khi về. Ở nhà với mẹ chồng, nghèo, chuyên đi bán hàng tấm rong ở các chợ quê.

Mẹ tôi là người thích văn thơ chị Khai đọc cho mẹ tôi nghe các bài « Vợ khuyên chồng  »,
« Chồng khuyên vợ ». Mẹ tôi đọc cho chị nghe « Quốc Sử diễn ca » - và những bài ca cách mạng đương thời. Mãi đến khuya, mẹ tôi mới ngủ.Mẹ tôi ngủ rồi, chúng tôi đưa nhau vào buống trò chuyện. Chị Khai khen mẹ tôi là người đàn bà yêu nước, có tin thần cách mạng, có kiến thức. Chị xem lại những sách vở chúng tôi đã đọc từ trước đến nay, hỏi han quan hệ gia đình và sự giao du của chúng tôi. Đêm đó, lần đầu tiên chị Khai nói về nước Nga cộng sản. Danh từ « cộng sản » đến với chúng tôi là từ miệng chị Khai. Chị nói : Chế độ nước Nga là chế độ tốt đẹp nhất, không còn người bóc lột người.

Sau đó, chị Khai còn đến nhà tôi mấy lần. Mẹ tôi ngày càng yêu quý chị coi chị như người nhà. Mẹ bảo :

-Phải học tập chị ấy, thật là một người hiếm có.

Ngoài sách báo để chúng tôi đọc, chị Khai còn giao sách báo để chúng tôi hướng dẫn quần chúng đọc, và cả sách báo để mẹ tôi đọc. Chị nói :

-Mỗi lớp quần chúng có những yêu cầu bồi dưỡng cho họ. Có họ thì mới có chúng ta. Người làm cách mạng phải dựa vào giác ngộ của quần chúng, nhất là quần chúng lao khổ.

Bốn tháng sau, chị Khai giới thiệu với chúng tôi chị cả Thìn, một phụ nữ trên hai mươi tuổi có chồng người Hoa. Từ đó, chúng tôi khi thì gặp chị Khai khi thì gặp chị cả. Và cũng từ đấy chị Khai đã nói với chúng tôi rất rõ ràng về việc tham gia phong trào cách mạng trong nước. Tôi vẫn nhớ những lời chị :

-Hiện nay trong nước ta có hai phong trào. Một phong trào có tính chất cải lương không thay đổi chế độ cũ, mà chỉ đem vào mội ít cái mới cho khá hơn cái cũ. Một phong trào cách mạng thật sự là thay hẳn chế độ cũ bằng chế độ mới hoàn toàn, như nước Nga chẳng hạn.

Và lần đầu tiên, chị nói với tôi về  « một nhà cách mạng thật sự »là ông Nguyễn Ái Quốc : hiện ông đang ở nước ngoài, có liên lạc chặt chẽ với các nhà cách mạng trong nước. Ông là người chủ trương làm cách mạng phải thay thế hẳn cái cũ, chẳng những thủ tiêu chế độ thực dân mà còn thủ tiêu cả chế độ phong kiến, dựng lên một nhà nước kiểu mới của công nông. Rồi chị nói :

-Chị em ta nghĩ kỹ đi. Nêu theo phong trào cách mạng nào ? Nên ủng hộ ai ?

Thế rồi bốn tháng sau, trong một ngôi nhà ở Bến Đền là một xóm thợ nghèo của thành phố Vinh, tôi được kết nạp vào Đảng Tân Việt cùng với Thiu ( em gái tôi ) và chị Nhã. Buổi lễ kết nạp có chị Khai, chị cả Thìn và một đồng chí thay mặt cất trên bí danh là  Ga – Hôm đó là ngày 27-7-1928. Được gia nhập vào một tổ chức cách mạng, tôi hăng hái lao vào hoạt động : tổ chức các phường hội ở vùng quê tôi, đấu tranh hợp pháp với bọn cường hào giành quyền lợi cho nhân dân… Bọn địch đánh hơi thấy, đã hai lần khám nhà, truy bắt chúng tôi. Còn chị Khai, vì nhiệm vụ hoạt động nặng nề, từ đấy ít khi gặp chúng tôi, thường sinh hoạt tổ Đảng của chúng tôi chỉ có cả chị Thìn tham gia. Rồi chị Khai phải thoát ly gia đình hoạt động bí mật, vì bọn địch dò biết, lùng bắt chị ráo riết.

Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #7 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2011, 01:19:54 pm »

Một buổi tối năm 1929, đang thời kỳ địch khủng bố dữ dội, chị Phúc từ Vinh về, rẽ vào nhà tôi, đưa một mảnh giấy rút từ trên cặp tóc. Dưới ánh đèn, tôi nhận ra nét chữ của chị Khai :

« Hai chị - Tình đồng chí, nghĩa chị em, trước phút chia tay, xin chào hai chị. Kẻ ở người đi cùng chung nhiệm vụ - Xem xong đốt ngay ».

Phúc nói thêm :

-Đoàn thể đã đưa chị xuất  dương, đi được hai tuần nay.

Từ đấy tôi không bao giờ gặp chị Minh Khai nữa.

*

*     *

Bước sang năm 1930, những đảng viên Tân Việt như chúng tôi gia nhập Đảng cộng sản thì phong trào cách mạng càng rầm rộ. Tôi còn nhớ đồng chí Nguyễn Đức Mẫn tức Kinh thay mặt cấp trên về xã tôi tổ chức chi bộ cộng sản đầu tiên, đã nói trong buổi lễ tuyên thệ :

-Đây là bước phát triển mới của cách mạng. Tương lai Đông Phương và sự sụp đỗ của chủ nghĩa thực dân Pháp, sự tiêu diệt của chế độ phong kiến ngàn đời, đều là do sự phát  triển của tổ chức cộng sản ở Việt Nam, ở Đông Phương.

Mẫn lại nói với tôi về « người cộng sản Việt Nam đầu tiên » là đồng chí Nguyễn Ái Quốc : đồng chí có chân trong Quốc tế cộng sản, hiện đã về gần biên giới nước ta triêu tập một cuộc hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước.

Biết thêm nhiều điều mới lạ, tôi càng tin tưởng và hăng say hoạt động.

Địch khủng bố gắt gao cũng không ngăn được phong trào cách mạng. Biểu tình rầm rộ khắp nơi. Từ tháng giêng tới tháng năm 1930, đã có vụ phá đồn điến Ký Viễn, bao vây huyện lỵ Thanh Chương bắt tân tri huyện gian ác Phan Sĩ Phàng, biểu tình đố máu ở Thái Lão ( Hưng Nguyên ), biểu tình 1-5 ở Nghi Lộc, quần chúng thị uy bao vây huyện lỵ và đưa yêu sách cách mạng, làm cho tên tri huyện đại ác Tôn Thất Toàn phải run sợ.

Xô Viết Nghệ - Tĩnh, đỉnh cao của các phong trào cách mạng trong những năm 1930 - 1935

Tiếp đó chúng tôi quyết định tổ chức một cuộc biểu tình vào ngày 1-8 tại bãi Ma Nừng xã Kỳ Trân. Chi bộ Kỳ Trân – Đông Chữ chúng tôi đăng cai tổ chức các mặt bảo vệ, canh gác, tình báo… Sáng  sớm, khi quần chúng ba tồng miền biển từ các ngã đỗ về bãi Ma Nừng thì tôi vờ làm người đi chợ Sen lên tận huyện lỵ Nghi Lộc thăm dò dộn tĩnh. Tôi được biết là từ nửa đêm, tên bang Ngân, một tên chỉ điểm khét tiếng ở xã tôi, đã chạy lên báo huyện, và từ lờ mờ sáng, trên tri huyện đã kéo theo đề lại, đội lệ cùng mười ba lính khổ lục đi về bãi Ma Nừng. Tôi vội theo đường tắt về báo cáo cho đồng chí lãnh đạo cuộc biểu tình là Hoàng Văn Tâm. Chúng tôi bàn nhau : sẽ giữ vững cuộc biểu tình của quần chúng cho đến phút chót, đồng thời lấy khí thế uy hiếp tên tri huyện. Tôi đi thẳng ra cuộc biểu tình. Quần chúng đông nghìn nghịt. Ở vòng ngoài là anh em Xích vệ ta, tay gậy tay giáo, lưng thắt dây lụa đỏ. Đồng chí trưởng ban tuyên truyền vừa rời bục diễn đàn thì quần chúng bỗng thấy xuất hiện một thiếu nữ tươi cười cử chỉ đường hoàng mạnh bạo. Tiếng reo hò nổi lên. Diễn giả bắt đầu nói. Giọng hùng hồn và đanh thép, lý lẽ rõ ràng và sắc bén, làm cho mọi người bị thu hút vào diễn đàn.

Tới chiều cuộc biểu tình mới giải tán.
Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #8 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2011, 01:28:22 pm »

*

*        *

Trong thời kỳ chỉ đạo phong trào huyện Anh Sơn, vào cuối năm 1930, một hôm, về họp ở chi bộ Đa Thọ, tôi gặp thiếu niên mặt mũi khôi ngô, nói năng hoạt bát, lý luận vừa sắc vừa văn hoa. Các đồng chí địa phương giới thiệu với tôi :

-Đồng chí trẻ ấy là Cao Xuân Quế, phụ trách Đoàn thanh niên cộng sản vùng này. Đồng chí chưa kịp kết nạp Đảng vì mới 16 tuổi, nhưng đồng chí hoạt động rất hăng hái, đậc biệt chữ viết rất đẹp.

Bố đồng chí Quế là Cao Xuân Hoạnh, đảng viên Thanh niên cách mạng đồng chí hội, bị bắt năm 1929 và bị đày đi Ban Mê Thuột. Anh Quế là Cao Xuân Tùng được đoàn thể đưa đi xuất dương. Quế sống với mẹ và mấy em nhỏ. Nhà nghèo lắm, mẹ đi bán dầu ở chợ Day để nuôi con. Sau mấy buổi trò chuyện, tôi và Quế trở nên thân thiết. Những lần qua Đa Thọ, tôi đều ghé thăm Quế.

Hồi này, cơ quan huyện uỷ cần ấn loát để có truyền đơn đưa lên các xã. Tôi xin với chi bộ Đa Thọ điều Quế lên cơ quan huyện uỷ vì chữ em rất đẹp.

Tháng 4-1931, cơ quan huyện uỷ chủ trương rút bộ phận đầu não vào rừng Vĩnh Giang lập chiến khu, vì lúc này địch khủng bố rất dữ dội. Rừng Vĩnh Giang còn có tên là Động chôn người vì rậm rạp, hẻo lánh, khí hậu độc, lại lắm thú dữ như voi, hổ, báo, lợn rừng, trăn, rắn… Cơ quan huyện đóng ở khe nước nóng, ngoài ra còn rất nhiều lánh trại dự bị phòng rút chạy. Ngoài rừng có xích vệ thanh niên gác. Nội quy ra vào liên lạc rất chặt chẽ.

Những chiều rỗi việc, Quế và tôi ngồi trên phiến đá bên bờ khe nói chuyện. Quế đọc cho tôi nghe  những bài thơ mà Quế đã làm. Em rất hay ghi nhật ký, nhưng không có giấy trắng, em phải ngâm tờ giấy cũ vào nước tro rồi phơi cho bay chữ đi. Tôi bảo Quế :

-Em có thể lấy một ít giấy in truyền đơn mà.

Quế trả lời :

-Đấy là xương máu của đoàn thể. Em không thể vì cái thích riêng mà làm hại đến của công.

Sau vụ quần chúng cách mạng nổi dậy giết chết tên đồn trưởng Đa Phúc là Ba-ri-ê (12-5-1931), địch khủng bố hết sức tàn bạo, bắn hằng loạt người, đốt nhà hết xã này sang xã khác. Các trại giam Nhân Trung, Đô Lương chật ních những người. Tên Bi-e đích thân lên Anh Sơn lập một phòng mật thám để tra tấn tù cộng sản. Quần chúng tránh khủng bố cũng chạy vào rừng Vĩnh Giang rất đông. Chúng tôi biết là cơ sở dễ bị lộ, đã họp bàn kế hoạch dời đi một chỗ khác xa hơn để tiếp tục chỉ đạo phong trào. Nhưng kế hoạch chưa kịp thực hiện thì địch đã ập đến chỗ chúng tôi. Sáng hôm đó, theo sự phân công, các đồng chí vẫn làm việc như thường. Tam và Viển đi lấy măng. Quế và tôi rủ nhau xuống khe giặt quần áo. Đang giặt, tôi ngước nhìn lên, bỗng thấy một tốp phụ nữ nông thôn đang đứng lấp ló sau vòm lá. Quế nhận ra là bọn địch cải trang phụ nữ đã lọt vào cơ sở.

-Giặc, có giặc trốn mau.

Tôi nhảy vọt lên bờ. Địch nổ súng tứ tung. Tôi thấy đau nhói ở bắp chân, ngã lăn ra, nhưng vẫn tiếp tục bò lên phía trước. Hai tên lính khố xanh cao lớn nhảy xổ ra, lấy báng súng cán vào cổ tôi rồi trói gô tôi lại. Tôi trông về phía dốc, thấy Quế cũng đã bị trói. Quế la lớn :

-Chị Chính bị đạn rồi. Chúng nó giết mất chị Chính. Quân dã man!

Một tên lính mặt mũi hung ác, tát em một cái thật mạnh làm em lăn ra bờ khe. Chúng lại sốc em dậy và lôi đi.

Tất cả chúng tôi bị giải lên đồn Nhân Trung, và ngay tối hôm đó đưa lên đồn Yên Lĩnh, ở đó đã tụ tập tất cả bọn mật thám và đồn trưởng khét tiếng gian ác. Chúng kháo nhau :

-Đã bắt được con Chính trùm cộng sản Anh Sơn.

Cuộc hỏi cung bắt đầu. Chúng xếp bốn người ngồi một hàng ngang. Tên đồn trưởng Yên Lĩnh vụt rút súng lục bắn thẳng vào đầu đồng chí Thạch. Đồng chí Thạch rung rung, gục xuống, óc và máu bắn tung tóe lên mặt lên người chúng tôi. Tên đồn trưởng cười đểu cáng và hất hàm hỏi đồn dập :

-Lên đây làm gì ? Ai làm huyện ủy, xứ ủy, tỉnh ủy ? Vào rừng Vĩnh Giang bao lâu rồi ?

Tôi không trả lời một câu nào.

Đêm đó chúng treo Quế và tôi lên sàn nhà, như hai gói hàng lủng lẳng, máu ở miệng chúng tôi cứ rỉ ra, rỏ giọt xuống nền nhà. Ngày hôm sau, chúng hạ hai người xuống, dùng giày đá cho lăn lóc trong phòng. Sau mỗi cái đá, Quế lại lăn theo tôi như muốn che chở cho tôi. Thỉnh thoảng Quế hỏi :

-Chị Chính ơi, chị có sau không ?

-Không sau đâu em ạ - Chúng chỉ có thể giết thể xác chị em ta nhưng không mua được linh hồn ta đâu.

Quế gầm lên với bọn địch :

-Bay cứ đánh đi, đánh nữa đi, đánh tao thành bụi đi. Nhưng đừng có hòng cạy được bí mật trong lòng tao. Sống vì Đảng, chết cũng vì Đảng.

Tên đồn trưởng dựng Quế dạy quát :

-Tao sẽ giết chết mày cho hết nòi cộng sản. Chính tao đây đã tra tấn cha mày, và bây giờ… thằng ranh con, liều mà giữ mồm.

-Mày cứ giết đi. Cha tao cộng sản, anh tao cộng sản, tao cộng sản, và đàn em tao cũng sẽ là cộng sản, tất cả nhân dân Việt Nam là cộng sản. Mày không giết hết được đâu. Tao thách mày đấy.

Tên giặc tát mạnh vao mặt Quế, em lăn vào góc tường, máu từ miệng trào ra, người giật giật như lên kinh, hàm dưới vẹo về một bên. Tôi chồm dậy, lăn vào em và hét lớn :

-Quân dã man ! Chúng giết chết cả thiếu niến, đồng bào ơi!

Một tên mật thám lao tới, đánh mạnh vào người tôi, tôi lăn vào một góc và ngất đi.
Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #9 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2011, 01:46:58 pm »

Ngày hôm sau, Quế lên cơn sốt mê man. Trong cơn sốt em vẫn luôn mồm hát những bài hát cách mạng.

« Hỡi tất cả công nông đứng dậy-Xô Nga kia đã phất cờ đầu… »

Tiếng hát của em đã làm một số lính canh cảm động, và nhất là động viên tinh thần nhiều đồng chí cùng bị bắt giam :

-Các đồng chí ơi! Hãy giữ vững như Cao Xuân Quế!

Hai ngày sau tôi bị giải về tòa mật thám Đô Lương. Rồi tôi được tin :Khi bọn địch biết chắc là Quế sẽ chết, chúng lại bèn giao Quế lại cho gia đình. Nhưng ngày mẹ đến nhận em, em đã chết trên cánh tay mẹ. Mẹ em đã kể lại trong hấp hối, em đã gọi tên tôi…

*

*          *

Trong phong trào mặt trận nhân dân 1938, cán bộ và quần chúng cách mạng thành phố Vinh-Bến Thủy thường nhắc tới một cuốn sách có giá trị là sách « Phòng thủ Đông Dương và họa chiến tranh ». Cuốn sách ấy không được xuất bản, và bọn cầm quyền thực dân ra sức lùng kiếm bản thảo để đem hủy đi. Nhưng bản thảo vẫn được chép lại làm nhiều bản, truyền từ tay người này sang người khác, truyền vào cả nhà lao làm tài liệu nghiên cứu cho cán bộ bị giam.

Tác giả cuốn sách đó là bí thư Đoàn thanh niên dân chủ thành phố Vinh-Bến Thủy biệt hiệu là Siêu Hải, tên thật anh là Nguyễn Nhật Tân. Đó là nột thanh niên mới ngoài hai mươi tuổi, da trắng như con gái, nói năng vừa mềm mõng vừa hoạt bát. Hải học hết đệ nhị niên trung học thì bỏ học tham gia cách mạng. Ngoài hoạt động thanh niên, Hải còn viết bài cho các tờ báo của Đảng thời Mặt trận nhân dân, viết một số sách vạch trần những âm mưu nham hiểm của bọn đế quốc.

Đồng chí Nguyễn Nhật Tân, biệt hiệu là Siêu Hải (1915-1939)

Tôi biết Hải từ nhỏ. Chị ruột Hải, chị Nguyễn Thị Nhuận, là bạn đồng chí của tôi. Trước đây, mỗi lần đến nhà chị Nhuận, tôi vẫn gặp Hải. Tuy mới 13, 14 tuổi, Hải đã có chân trong Sinh Đội Đỏ, và hăng hái làm liên lạc cho cách mạng. Vì vậy, em bị mật bắt thám. Ở tòa mật thám, chúng dọa dẫm và dụ dỗ đến mấy Hải cũng chỉ có một mực nói :

-Tôi mới 13 tuổi, tôi chỉ biết đi học, đi học rồi về giúp đỡ bà. Tỉnh thoảng có đi chơi với bạn bè. Các ông nghi ngờ tôi lạ quá. Chẳng lẽ một thằng bé con như tôi lại đánh nổi các ông hay sao. Các ông có phải là lũ trèo me trèo sấu như chúng tôi đâu.

Bọn giặc lúng túng không tìm ra cớ gì, đành thả Hải ra.

Sau lần bị bắt, gặp tôi Hải chỉ cười. Tôi hỏi :

-Em không sợ thằng Bi-e à ?

-Cả thằng công sứ Mác-ti, cà khâm sai Nguyễn Khoa Kỳ, cả thượng thư Phạm văn Thổ, em cũng chả sợ. Chúng nó như lũ du côn, chỉ ưa dọa dẫm mà em thì chẳng sợ ai dọa.

Cha mẹ chết sớm, chị em Hải được bà nội nuôi nấng. Chính bà nội là người truyền thụ lòng yêu nước cho hai chị em. Chồng bà trước kia tham gia phong trào Văn thân. Gia đình trước sau vẫn là cơ sở cán bộ cách mạng. Khi chị Nhuận đi hoạt động cách mạng, bà nói :

 -Mày cứ an tâm mà đi với chị em đồng chí. Việc nhà có tao, đừng lo. Có nước thì mới có nhà, đó là lời mà ông mày lúc chết đi dặn lại đấy.

Làm công tác thanh niên, Hải đi vào mọi tầng lớp người trong thành phố, chú trọng tới tầng lớp nghèo khổ, nhất là thanh niên trong các xóm thợ. Anh có hàng trăm bạn thân ở các nhà máy xe lửa Trường Thi, điện Bến Thủy, Đê-pô-ga … Anh em thanh niên rất thích anh vì anh vui vẻ, chan hòa, và đặc biệt giải đáp những thắc mắc của thanh niên. Trong cuộc họp Đoàn thanh niên dân chủ ờ xóm Bắc-kỳ (Xóm thợ Trường Thi) một số thanh niên hỏi anh :

-Ở đây, tương lai ai là chủ nhà máy này ?
-Các đồng chí, ngay bây giờ chúng ta cũng là chủ rồi. Bọn xếp, chúng ta coi như tạm thời.
-Anh biết bao giờ thì chúng nó sẽ cút tất ?
- Khi cách mạng nổ ra, thì chúng nó sẽ cút tất.
-Anh có nghe tin gì về đồng chí Nguyễn Ái Quốc không ?
-Đồng chí hiện ở trong ta, trong lòng ta đây, và đang bắt tay bắt chân cho chúng ta hoạt động. Tất cả con đường cách mạng Việt Nam ngày nay đều do đồng chí chỉ đạo cả.

Cuộc biểu tình đón Gô-đa, đại diện Mặt trân nhân dân Pháp sang thanh tra Đông Dương, đã được Hải cùng Đoàn thanh niên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức rầm rộ ở Vinh. Anh đã đi diễn thuyết liên tiếp ở khắp các cơ sở thanh niên trong thành phố. Bọn địch gọi anh lên hỏi mấy lần để hâm dọa. Anh dựa vào những chiêu bài giả hiệu của bọn thực dân đã buộc phải đưa ra phong trào Dân chủ để cải lý với chúng. Chúng đành chịu thua.

Phong trào thanh niên thành phố càng lên, bọn địch càng lo sốt vó. Tên mật thám Om-be không ăn không ngủ được. Nó sang gặp tên Sứ và kêu :

-Tên Siêu Hải là một người tối nguy hiểm. Nó có lý luận và rất khôn khéo. Bọn vô sản tin vào nó lắm.

Mấy tên quan lại Nam triều cũng lo lắng, cứ đề nghị với tên Sứ ra lệnh bắt Siêu Hải. Nhưng tên Sứ bảo :

-Ông nên nhớ bọn nghị viện cộng sản ở Pa-ri to mồm lắm đấy. Và bọn cộng sản ở đây cũng rất ghê gớm, ta chỉ sơ hở một tí là chúng đã thông báo tới Pa-ri và có thể làm ta rầy rà. Ông có biết lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc của chúng hiện nay ở đâu không ? Đối thủ ghê gớm của chế độ ta ở Đông Dương đấy.

Nhưng tên Om-be vẫn tìm hết mọi cớ bắt cho được Hải. Nó vu cho Hải ba « Tội » :

-Kích động thanh niên làm rối trị an.
-Viết sách báo chống chính quyền.
-Có nhiều hiện tượng phá hoại
Logged
Trang: 1 2 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM