Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:33:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cách mạng tháng Tám 1945 - Toàn cảnh  (Đọc 173881 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #90 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2011, 06:30:21 am »

Tham gia khởi nghĩa gồm cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang. Lực lượng vũ trang được chia làm hai bộ phận: tự vệ chiến đấu làm nhiệm vụ chiếm đóng và các đội tự vệ khác sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết. Lực lượng cách mạng ơ phủ, huyện nào tự chịu trách nhiệm ở phủ, huyện đó, còn khởi nghĩa ở tỉnh lị chủ yếu giao cho lực lượng cách mạng phủ Triệu Phong và một số xã quanh thị xã (thuộc phủ Hải Lăng) phối hợp với nhân dân nội thị tiến hành.

Chiều ngày 22.8, các loại vũ khí, lương thực, cờ trống, băng rôn, khẩu hiệu đã được nhân dân chuẩn bị đầy đủ. Việc bố trí các địa điểm tập trung quần chúng, trang bị vũ khí và phân công nhiệm vụ cho các đơn vị tự vệ vũ trang cũng đã hoàn tất. Để tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghĩa ở tỉnh lị thành công và tránh đổ máu, Ủy ban khởi nghĩa đã cử các phái đoàn đến thương thuyết với bộ tư lệnh quân Nhật và lực lượng bảo an binh.

Chiều 22.8, lệnh khởi nghĩa trong toàn tỉnh chính thức được ban ra.

Vào 19 giờ ngày 22.8, ba đại đội tự vệ vũ trang tiến vào thị xã Quảng Trị, biểu tình tuần hành, hô lớn các khẩu hiệu “Đánh đổ chính quyền bù nhìn Bảo Đại - Trần Trọng Kim”, “Thành lập chính quyền nhân dân cách mạng”… Đông đảo nhân dân thị xã nhiệt liệt hưởng ứng và tham gia vào đoàn biểu tình khắp thị xã. Sau đó, các đội tự vệ vũ trang trở về nơi tập kết còn các cán bộ Việt Minh vẫn tiếp tục phát động quần chúng tổ chức mít tinh, diễn thuyết.

Lúc 1 giờ ngày 23.8, các đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu đột nhập vào nội thị chiếm lĩnh tất cả các vị trí đã được phân công từ trước. Cùng lúc, các đơn vị làm nhiệm vụ biểu tình thị uy chính trị cũng từ các hướng tiến về thị xã. Theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, toàn bộ các đơn vị chuyển sang biểu tình thị uy. Cả thị xã như một biển người, rừng băng cờ, khẩu hiệu và tiếng trống mõ, thanh la vang dậy đất trời. Chính quyền địch hoàn toàn tê liệt, không có phản ứng gì.

Đúng 5 giờ sáng ngày 23.8, cờ “quẻ li” trên dinh Tỉnh trưởng và cờ vàng trước hành cung trong thành bị hạ xuống, thay bằng cờ đỏ sao vàng - báo hiệu cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Quảng Trị kết thúc thắng lợi. Ủy ban khởi nghĩa tỉnh tổ chức một cuộc mít tinh mừng thắng lợi ngay trước dinh Tỉnh trưởng, tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng. Ủy ban khởi nghĩa chuyển thành Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời để quản lí điều hành công việc ở địa phương. Ngay sau đó, Ủy ban đã cử cán bộ đi tiếp quản các công sở của ngụy quyền, bắt giữ bọn Việt gian phản động nhằm bảo vệ chính quyền cách mạng mới ra đời.

Cùng với khởi nghĩa ở thị xã Quảng Trị, trong đêm 21 ngày 23.8, các địa phương khác cũng đồng loạt nổi dậy giành chính quyền.

Ở hai phủ Triệu Phong và Vĩnh Linh, khởi nghĩa diễn ra và giành thắng lợi ngay trong đêm 22.8 mà không vấp phải hành động kháng cự nào của kẻ địch. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời phủ cũng được thành lập và tiến hành tổ chức chính quyền cách mạng cơ sở.

Ở phủ Hải Lăng, lệnh khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa phủ phát ra lúc 1 giờ ngày 22.8. Các lực lượng tự vệ và quần chúng cách mạng nhanh chóng chiếm phủ lị. Tri phủ Hải Lăng cùng nha lại buộc phải chấp hành yêu cầu của Ủy ban khởi nghĩa bàn giao lại chính quyền. Trung đội lính bảo an cũng xin nộp toàn bộ vũ khí, hồ sơ, tài liệu. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời phủ được thành lập, tuyên bố thực hiện 10 chính sách Việt Minh.

Tại Gio Linh, từ sáng 22.8, quần chúng và các đơn vị tự vệ chiến đấu trang bị vũ khí thô sơ tự tạo kéo từ hai tổng An Xá và An Mỹ Hạ qua các làng vào huyện lị tuần hành thị uy. Vào 4 giờ sáng 23.8, các lực lượng cách mạng bắt đầu chia làm 2 cánh quân đánh chiếm huyện đường, bắt bọn nha lại, thu hồ sơ tài liệu, triện đồng, tước vũ khí của bảo an binh và chiếm các cơ quan trọng yếu ở huyện lị (nhà ga, bưu điện…). Đến 8 giờ sáng 23.8, Ủy ban khởi nghĩa tổ chức cuộc mít tinh tại sân huyện đường chào mừng thắng lợi và lập ra Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời.

Cuộc khởi nghĩa ở huyện lị Cam Lộ và thị trấn Đông Hà - nơi quân đội phát xít Nhật đang chiếm đóng diễn ra vào sáng 24.8. Ở huyện lị, trước khí thế cách mạng của quần chúng, tri huyện Huỳnh Khắc Thẩm tự nguyện đem ấn triện, sổ sách ra giao nộp chính quyền cách mạng. Ở thị trấn Đông Hà, quân Nhật ở tư thế sẵn sàng đàn áp cuộc biểu tình của quần chúng, nhưng đã sớm bị tự vệ ta khống chế và tước vũ khí.

Ở Hướng Hóa, huyện miền núi xa nhất tỉnh, trước đà thắng lợi của cách mạng trong cả tỉnh, tri huyện xin nộp con dấu và giao nộp chính quyền cho cách mạng rồi bỏ trốn. Chính quyền cách mạng được thành lập vào ngày 25.8.

Như vậy, đến ngày 25.8, khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn tỉnh Quảng Trị đã hoàn toàn thắng lợi.

*

Khởi nghĩa ở Quảng Trị nổ ra tương đối muộn, khi nhiều địa phương khác trong cả nước đã giành chính quyền. Đó là điều kiện thuận lợi và cũng là nguồn cổ vũ quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị đứng lên giải phóng quê hương. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh cũng thể hiện sự sáng tạo, linh hoạt của lãnh đạo địa phương. Trong thời kì tiền khởi nghĩa, phong trào cứu đói, chống bắt phu, bắt lính ở Quảng Trị không phải là những phong trào điển hình, song những hoạt động vũ trang tuyên truyền và không khí sắm sửa vũ khí đánh Nhật nơi đây lại hết sức sôi động. Qua đó, lực lượng chính trị được rèn luyện, tập dượt kĩ càng đã trở thành lực lượng hùng hậu góp phần quyết định vào thắng lợi của khởi nghĩa. Thêm vào đó, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh lại có những chính sách sáng suốt và khôn khéo, đàm phán thuyết phục các lực lượng quân Nhật và Bảo an để tránh thương vong.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền, Đảng bộ và tỉnh bộ Việt Minh Quảng Trị đã quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng và có nhiều sáng tạo trong chuẩn bị khởi nghĩa: xây dựng khu giải phóng, lập Ủy ban dân tộc giải phóng các địa phương, tổ chức các lực lượng tự vệ chiến đấu… Những nhân tố này góp phần đưa đến thắng lợi của Tổng khởi nghĩa ở Quảng Trị và thắng lợi của cả dân tộc mùa thu 1945.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #91 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2011, 06:40:41 am »

THỪA THIÊN - HUẾ(*)

Trong thời Pháp thuộc, Huế là trung tâm chính trị của Trung Kỳ. Chính quyền thuộc địa của Pháp, đại diện là viên Khâm sứ, thông qua Nam triều để cai trị, đàn áp, bốc lột nhân dân. Cùng với nhân dân Trung Kỳ, nhân dân cả nước, đồng bào Thừa Thiên - Huế luôn có mặt trong trận tuyến chống Pháp, phong kiến tay sai để giành độc lập dân tộc.

Từ sau khi Đảng ra đời, Huế là một trung tâm lãnh đạo của Đảng ở Trung Kỳ. Nhiều tờ báo tiến bộ, cách mạng, các hội ái hữu, hội tương tế liên tục hoạt động, góp phần vào thắng lợi của phong trào 1936-1939.

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra (9.1939), theo chủ trương chung của Trung ương, các cơ sở Đảng ở Thừa Thiên - Huế rút vào bí mật. Tuy vây, trước đó, nhiều cán bộ chủ chốt của Đảng, hàng loạt cán bộ đảng viên, nhân sĩ tiến bộ bị bắt vào nhà lao. Cơ sở cách mạng ở thành phố Huế và 6 huyện, trong đó có cơ quan bí mật của Tỉnh ủy bị khám xét.

Giữa năm 1940, thấy được nhu cầu cần có tổ chức Đảng trong nhà lao để lãnh đạo các cuộc đấu tranh chống chế độ lao tù khắc nghiệt, đồng thời để giữ mối liên lạc với bên ngoài và với Đảng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng một số cán bộ chủ chốt khác của Đảng bộ tỉnh quyết định thành lập chi bộ nhà lau Thừa Phủ. Đồng chí Tố Hữu được cử làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Chí Thanh phụ trách tuyên truyền giáo dục.

Chi bộ nhà lao đã vận động, giáo dục, lôi kéo tù thường phạm và lính gác nhà lao ngả về với cách mạng. Một số lính gác và tù khổ sai nhận nhiệm vụ làm liên lạc đưa tài liệu của chi bộ ra bên ngoài. Chi bộ nhà lao Thừa Phủ thực sự trở thành đầu mối chỉ đạo hoạt động cách mạng, cả trong và ngoài nhà tù. Qua sự giới thiệu của chi bộ nhà lao, một số tổ chức Đảng ở Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền đã liên lạc được với nhau.

Để có thêm cán bộ cho Huế trong hoàn cảnh phải rút vào hoạt động bí mật, Trung ương cử các đồng chí Đặng Thi và Lê Chưởng (ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ) tăng cường cho thành phố Huế. Đảng bộ Huế được thành lập do đồng chí Lê Chưởng làm Bí thư. Mặc dù phải hoạt động trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, Thành ủy Huế vẫn bí mật xây dựng được một số chi bộ ở lao Vinh, An Cựu và Kim Long.

Đêm 13 rạng ngày 14.7.1940, Thành ủy Huế quyết định rải truyền đơn nhiều nơi trong thành phố để kỉ niệm ngày Cách mạng tư sản Pháp (1789) và khơi dậy phong trào đấu tranh cách mạng trong tỉnh.

Sau khi Nhật vào Đông Dương, ở Huế có đồn lính Nhật đóng gần dinh Phủ Doãn, một tòa Lãnh sự được thiết lập, do Yokohama làm Tổng lãnh sự. Từ Huế, Nhật xây dựng một hệ thống đường dây liên lạc với Đà Nẵng, Đông Hà, Đồng Hới, Lào và nhiều nơi khác. Cùng với sự thống trị của thực dân Pháp, ách áp bức, bóc lột của Nhật đè nặng lên nhân dân Thừa Thiên - Huế, cũng như đồng bào cả nước.

Phong trào đấu tranh của quần chúng được giữ vững, thông qua các tổ chức xã hội như “Thanh niên Phật tử”, “Hội Thể dục thể thao”, “Hội Truyền bá quốc ngữ”. Song lúc bấy giờ cơ sở Đảng của Thừa Thiên - Huế không liên lạc được với Trung ương và Xứ ủy. Mãi đến tháng 7.1942, Đảng bộ Tỉnh mới được lập lại, lãnh đạo quần chúng đấu tranh mạnh mẽ hơn, chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.

Sau khi đảo chính Pháp, quân phiệt Nhật lừa bịp tuyên bố “trao trả độc lập cho Việt Nam”. Bảo Đại ra đạo dụ “Tuyên cáo Việt Nam độc lập”, tự xem đã “khôi phục quyền độc lập” và “quyết chí hợp tác với nước Nhật”. Ngày 17.4, Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập.

Trước tình hình ấy, Tỉnh ủy lâm thời họp Hội nghị cán bộ Toàn tỉnh vào ngày 23.5.1945, tại đầm Cầu Hai (Phú Lộc) trên một chiếc thuyền lớn, quyết định đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống Nhật, ra sức chuẩn bị lực lượng, cùng cả nước khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị bầu ra Ban Chấp hành Việt Minh tỉnh, do đồng chí Nguyễn Sơn làm Bí thư. Lúc bấy giờ ở Huế có hai tổ chức Việt Minh: Việt Minh Nguyễn Tri Phương, do Tỉnh ủy lãnh đạo và Việt Minh Thuận Hóa của một số thân sĩ, trí thức, công chức, thanh niên, học sinh. Vào cuối tháng 6.1945, tổ chức Việt Minh Thuận Hóa sáp nhập vào Việt Minh Nguyễn Tri Phương, do Ban chỉ đạo thống nhất gồm 5 người, do đồng chí Hoàng Anh làm Bí thư, điều hành mọi công việc.

Ngày 15.8.1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh. Được tin này, dưới danh nghĩa Việt Minh Nguyễn Tri Phương (tức tỉnh Thừa Thiên), Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị cán bộ toàn tỉnh tại nhà ông Tô Tuấn và bà Phan Thị Luận ở 46 Giáp Hạ (phường Phú Bình, Huế). Hội nghị nhất trí chủ trương phát động khởi nghĩa trong toàn tỉnh, không thụ động ngồi chờ lệnh của Trung ương, quyết định chọn huyện Phú Lộc giành chính quyền trước nhằm rút kinh nghiệm cho các huyện khác, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố Huế tiến hành khởi nghĩa ngay sau đó.

Do đặc điểm chính trị phức tạp ở Huế, Thường vụ Tỉnh ủy đã có những cố gắng để giảm bớt sự chống phá của địch. Đối với Chính phủ Trần Trọng Kim, bằng nhiều cách tiếp cận, Việt Minh đã giải thích chính sách của Mặt trận là: “Đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân để cứu nước khỏi ách nô lệ… kêu gọi mọi người tham gia cứu nước, trước mắt để tránh những việc làm có hại cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc mà Mặt trận Việt Minh đang tiến hành”(1). Một số cán bộ Việt Minh tỉnh trực tiếp gặp, vận động một số yếu nhân ngả về phía cách mạng.


(*) Người viết: TS. Đặng Văn Hồ, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế.
(1) Hoàng Anh: Quê hương và cách mạng, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 2004, tr. 162-163.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #92 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2011, 06:43:48 am »

Tối ngày 17.8.1945, các đồng chí Hoàng Anh, Lê Tự Đồng và Phạm Tử Quang đến vận động Chỉ huy trưởng lực lượng Bảo an binh Phan Tử Lăng. Tối hôm sau (18.8.1945), các đồng chí Hoàng Anh, Tôn Quang Phiệt đến gặp Bộ trưởng Thanh niên Phan Anh trong Chính phủ Trần Trọng Kim. Qua phân tích tình hình, nếu rõ chủ trương đoàn kết dân tộc, Phan Tử Lăng hoàn toàn nhất trí đi theo cách mạng và đề nghị cử người cùng ông đi xuống các đồn lính (Bảo an binh) để vận động binh đi theo Việt Minh. Bộ trưởng Thanh niên Phan Anh, sau một số câu hỏi về thái độ của Chính phủ Việt Minh đối với trí thức, đối với vua Bảo Đại, đối với quan lại và công chức cao cấp trong Chính phủ Trần Trọng Kim, đã nhanh chóng nhận nhiệm vụ: “Vận động các vị trong Chính phủ, hết sức tránh những việc làm có hại cho dân, cho nước và khi cần thiết sẵn sàng từ chức, vận động vua Bảo Đại sẵn sàng thoái vị, chỉ thị cho thủ lĩnh thanh niên các địa phương cộng tác với Việt Minh”(1).

Riêng đối với vua Bảo Đại, Tổng lí Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe được Mặt trận Việt Minh giao nhiệm vụ vận động thoái vị. Ngày 17.8.1945, Nội các Trần Trọng Kim họp và ngay hôm đó vua Bảo Đại ban hành Dụ số 105, gồm 2 điểm chính: “Điểm thứ nhất, nhà vua sẵn sàng giao chính quyền cho Việt Minh là thành công đã đấu tranh nhiều nhất cho quyền lợi của nhân dân và mời các lãnh tụ Việt Minh về Huế thành lập Nội các. Điểm thứ hai, vấn đề chính thể sẽ do nhân dân quyết định sau, nhà vua cam đoan sẽ làm theo ý chí của nhân dân”(2).

Ngày 20.8.1945, Đoàn cán bộ Trung ương gồm các đồng chí Tố Hữu, Hồ Tùng Mậu và Nguyễn Duy Trinh đến Huế tham gia chỉ đạo khởi nghĩa. Trong ngôi nhà ông Thuật (ở cửa Thượng Tứ), Thường vụ Việt Minh tỉnh báo cáo với Đoàn tình hình chung trong tỉnh, thái độ của quân đội Nhật và Chính phủ Trần Trọng Kim, dự kiến của Thường vụ Việt Minh tỉnh về kế hoạch khởi nghĩa ở Thừa Thiên - Huế. Các thành viên trong Đoàn cán bộ Trung ương hoàn toàn thống nhất với kế hoạch khởi nghĩa. Ngay trong ngày hôm đó, Ủy ban khởi nghĩa được thành lập, gồm các đồng chí Tố Hữu (Chủ tịch, đồng chí Hoàng Anh (Phó Chủ tịch), vv.

Tối 21.8, Ủy ban khởi nghĩa phổ biến kế hoạch, giao nhiệm vụ cho các huyện, thành phố và từng cán bộ đảm nhiệm việc tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế.

Chính phủ Trần Trọng Kim dự định tổ chức cuộc mít tinh lớn ở sân vận động Huế vào ngày 23.8.1945 để mừng việc Nhật trả quyền cai trị Nam Kỳ cho Triều đình Huế. Đây là cố gắng cuối cùng của Chính phủ Trần Trọng Kim. Tương kế tựu kế, Việt Minh lợi dụng thế hợp pháp này để huy động nhân dân các huyện về Huế khởi nghĩa giành chính quyền.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của cao trào cách mạng trong cả nước, Chính phủ Trần Trọng Kim rất hoang mang, lo sợ. Ủy ban Khởi nghĩa quyết định đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, tích cực làm tốt công tác binh vận, ngụy vận, nhanh chóng làm tê liệt bộ máy chính quyền bù nhìn và sắp xếp kế hoạch huy động quần chúng ở các huyện, quần chúng ở các phường của thành phố tham gia mít tinh tuần hành. Các đoàn thể cứu quốc, các đội tự vệ chiến đấu có nhiệm vụ phát động quần chúng chiếm giữ cơ quan, công sở, kho tàng của chính quyền địch.

Tại nhà máy điện Huế, lực lượng tự vệ bắt tên chủ đưa lên An Bằng, vạch trần tội ác của y và tuyên án tử hình, sau đó, tự trang bị giáo, mác, kéo đến tước vũ khí quân Nhật và tuyên bố từ đây nhà máy thuộc về tay giai cấp công nhân, đặt dưới sự điều hành của Ban Phụ trách công nhân cách mạng. Chiều 22.8, cờ đỏ sao vàng tung bay trong Cơ xưởng Hỏa xa, trường Kĩ nghệ thực hành, Sở Công chánh… Tất cả công nhân đồng loạt đứng lên khởi nghĩa, làm chủ nhà máy xí nghiệp, đập tan ách thống trị của thực dân, phát xít(3). Tại các huyện, thực hiện quyết định của Hội nghị cán bộ toàn tỉnh ngày 15.8, từ ngày 18 đến ngày 22.8.1945, Ủy ban khởi nghĩa các huyện đã phát động quần chúng giành chính quyền thắng lợi.

Ở Phong Điền, ngày 18.8.1945, nhân dân và tự vệ hai tổng Phò Ninh và Hiền Lương đã nổi dậy giành chính quyền. Ngày 19.8, nhân dân 3 tổng còn lại là Phò Trạch, Chánh Lộc, Vĩnh Xương giành chính quyền ở tổng, sau đó kéo vào bao vây huyện đường ở Ưu Điềm, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng. Ở Phú Lộc, ngày 19.8, nhân dân 4 tổng trong huyện (An Cư, An Nông, Lương Điền và Diêm Trường) tiến hành bao vây huyện đường, tuyên bố giải tán chính quyền bù nhìn, lập chính quyền cách mạng của nhân dân.

Thắng lợi của nhân dân hai huyện Phong Điền và Phú Lộc đã mở đầu và tạo đà cho cuộc Tổng khởi nghĩa ở các huyện còn lại và thành phố Huế phát triển mạnh mẽ.

Ở Hương Thủy, ngày 20.8, Ủy ban khởi nghĩa huyện tập hợp nhân dân tại 3 đình làng Thanh Thủy Thượng, Thần Phù và Bằng Lãng. Sau đó đoàn biểu tình giương cờ, gióng trống, với vũ khí thô sơ kéo đi giành chính quyền ở các tổng và đến ngày 22.8.1945, đồng bào từ nhiều hướng tập trung ở huyện lị, giành chính quyền thắng lợi. Ở Phú Vang, ngày 21.8.1945, nhân dân giành được chính quyền ở 3 tổng Mậu Tài, Ngọc Anh và Dương Nỗ. Qua ngày 22.8, hơn 5.000 người đại diện cho nhân dân trong huyện với hàng ngũ chỉnh tề, có mặt tại huyện đường giành chính quyền về tay nhân dân. Ở Quảng Điền, ngày 23.8, hàng vạn quần chúng ở 5 tổng (Thanh Cần, Khuông Phù, Phước Yên, Hạ Lang và An Thành) rầm rộ tuần hành kéo về giành chính quyền cách mạng. Ở Hương Trà, ngày 23.8.1945, Ủy ban khởi nghĩa huy động hơn 1 vạn quần chúng của 6 tổng (Hương Cần, An Ninh, Vĩnh Trị, Phú Ốc, Long Hồ và Phú Xuân) tiến về huyện lị đóng ở Bao Vinh khởi nghĩa giành chính quyền.


(1) Hoàng Anh: Quê hương và cách mạng, sđd, tr. 162-163, 169.
(2) Phạm Khắc Hòe: Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Nhà xuất bản Hà Nội, 1983, tr. 57.
(3) Ngô Kha (Chủ biên): Lịch sử phong trào công nhân lao động và công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế, tập I (1930-1975), Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, 1998, tr. 61.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #93 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2011, 06:49:33 am »

Ở Huế, từ ngày 21.8.1945, các đội tự vệ và các đoàn thể cứu quốc có trang bị vũ khí thô sơ đã giương băng cờ biểu ngữ, biểu tình thị uy qua các đường phố. Lính Nhật hoảng sợ, không dám hành động. Chiều ngày 21.8.1945, đơn vị tự vệ khu phố Phú Bình chiếm được vòng ngoài Mang Cá. 14 giờ ngày 21.8.1945, Đặng Văn Việt và Cao Pha (Nguyễn Thế Lương) theo lệnh Ủy ban khởi nghĩa đến Kì đài hạ cờ quẻ li và kéo cờ đỏ sao vàng lên(1). Ngày 22.8, Ủy ban khởi nghĩa huy động quần chúng biểu tình trên các đường phố và kéo đến chiếm lĩnh các bộ, các công sở và doanh trại lính Bảo an. Đêm 22.8, trước áp lực của cuộc khởi nghĩa, Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn buộc phải chấp nhận thoái vị. Đúng 18 giờ ngày 22.8, trên Đài Phát thanh Huế vang lên lời tuyên bố của Bảo Đại “Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ. Trẫm chắc rằng toàn thể quốc dân cũng một lòng hi sinh như trẫm”(2).

Sáng ngày 23.8, một số công sơ của chuẩn bị bù nhìn trong Thành Nội tiếp tục bị chiếm giữ (đồn Hộ Thành, Nội khố, cơ quan của Thủ tướng và các Bộ của Chính phủ Trần Trọng Kim). “Đến đâu cũng thấy người ta chuẩn bị sẵn sàng cả người, giấy tờ, sổ sách, kho quỹ và tài sản, vũ khí để giao cho Việt Minh… Riêng ông Trần Trọng Kim đã tránh đi nơi khác, ông Phan Anh đã đi Hà Nội, các ông bộ trưởng khác đều có mặt. Nhân viên đã tề tựu đông đủ và chờ đón chúng tôi từ ngoài cổng. Chúng tôi xem lại sổ sách, giấy tờ, hồ sơ, tài liệu, kho quỹ thấy không có gì mất mát và đã chuẩn bị để giao cho chính quyền cách mạng từ một hoặc hai hôm trước”(3).

Lúc 16 giờ ngày 23.8, tại Sân vận động Huế, hàng vạn đồng bào Thừa Thiên - Huế tập trung trong hàng ngũ chỉnh tề dưới rừng cờ đỏ sao vàng, dự cuộc mít tinh chào mừng khởi nghĩa thắng lợi. Ủy ban khởi nghĩa tiến vào lễ đài giữa tiếng hoan hô vang dội cả một góc trời. Thay mặt Ủy ban khởi nghĩa, đồng chí Tố Hữu đọc diễn văn nêu rõ ý nghĩa, tầm vóc của cuộc khởi nghĩa, tuyên bố từ nay chính quyền về tay nhân dân và giới thiệu thành phần Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh, do đồng chí Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch. Thay mặt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh, Chủ tịch Tôn Quang Phiệt kêu gọi toàn dân đoàn kết, xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân. Cả thành phố thật sự sống trong ngày hội của một cuộc cách mạng đổi đời.

Sau thắng lợi ở Huế, Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam đã gửi đến vua Bảo Đại bức điện với nội dung: “Hoan nghênh tinh thần dân chủ và đoàn kết, thống nhất của Hoàng đế. Yêu cầu Hoàng đế hạ dụ chính thức thoái vị để yên lòng dân”(4).

Chiều 25.8, Phạm Khắc Hòe đã niêm yết Chiếu thoái vị và bản Tuyên chiếu với Hoàng tộc tại Phu Văn Lâu. Cùng ngày, phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời, gồm các đồng chí Trần Huy Liệu (Trưởng đoàn), Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận rời Hà Nội để vào Huế tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại.

Trưa ngày 29.8.1945, phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời đến Huế và đi thẳng tới sân vận động, “nơi đồng bào Thừa Thiên - Huế đã tập hợp từ tối 27, cả ngày 28 cho đến trưa hôm đó để chào mừng phái đoàn của Trung ương”(5). Từng tràng vỗ tay kéo dài khi nghe Trưởng đoàn Trần Huy Liệu thông báo cuộc khởi nghĩa đã giành được thắng lợi rực rỡ trên phạm vi toàn quốc và giới thiệu Ủy ban giải phóng dân tộc là Chính phủ cách mạng lâm thời, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngày 29.8.1945, tại điện Kiến trung, phái đoàn Trung ương gặp vua Bảo Đại để bàn thủ tục của buổi lễ thoái vị.

Chiều ngày 30.8.1945, lễ thoái vị của Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, được tổ chức tại lầu Ngọ Môn trong Kinh thanh. Hơn 5 vạn người thuộc 6 huyện Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền, Quảng Điền cùng với các tầng lớp nhân dân thành phố Huế tập hợp thành hàng ngũ chỉnh tề trên sân cỏ trải rộng từ trước cửa Ngọ Môn đến chân Kì đại. Đúng 16 giờ, buổi lễ bắt đầu với sự hiện diện của vua Bảo Đại và Đoàn đại biểu Chính phủ cách mạng lâm thời. Trước hết, đại diện phái đoàn đọc bức điện mới nhận được cho biết Chính phủ lâm thời sẽ làm lễ ra mắt quốc dân tại Hà Nội vào ngày 2.9, và Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc Tuyên ngôn độc lập. Sau đó, vua Bảo Đại đọc bản tuyên bố thoái vị. Trên Kì đài, lá cờ quẻ li của nhà vua (treo sẵn từ giữa trưa theo yêu cầu của Bảo Đại) được hạ xuống, cờ đỏ sao vàng từ từ kéo lên. Bảo Đại trân trọng trao cho Trưởng đoàn Trần Huy Liệu “chiếc kiếm dài nạm ngọc và sau đó là chiếc ấn vàng hình vuông”(6) trong tiếng hô rền vang của nhân dân Thừa Thiên - Huế: “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!”, đánh dấu sự cáo chung của chế độ phong kiến. Nhân dân Thừa Thiên - Huế từ đây thực sự làm chủ cuộc sống, làm chủ quê hương mình.

*

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Thừa Thiên - Huế có ý nghĩa rất lớn. Bỏi vì, Huế là trung tâm chính trị của Miền Trung và sau ngày Nhật đảo chính Pháp đang trở thành một trung tâm chính trị của cả nước. Sức mạnh đấu tranh của nhân dân Thừa Thiên - Huế trong phong trào cách mạng chung của cả nước là một áp lực lớn khiến vua Bảo Đại chấp nhận thoái vị. Đảng bộ Thừa Thiên - Huế đã vận dụng sáng tạo, có hiệu quả đường lối chủ trương của của Đảng về phát động sức mạnh nhân dân, thực hiện chiến lược đại đoàn kết dân tộc, giáo dục, thuyết phục, vận động đối phương ngả về cách mạng hay không chống phá, gây đổ máu.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn - ba trung tâm quan trọng trong cả nước - đánh dấu sự thắng lợi cơ bản của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Trong thắng lợi ấy, Huế đã có đóng góp to lớn.


(1) Giải phóng quân Huế 1945, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, 1994, tr. 38.
(2) Trần Trọng Kim: Một cơn gió bụi, Việt Sơn, Sài Gòn, 1969, tr. 196.
(3) Hoàng Anh: Quê hương và cách mạng, sđd, tr. 182-183..
(4) Phạm Khắc Hòe: Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, sđd, tr. 69.
(5) Huy Cận: Vào Huế nhận sự thoái vị của Bảo Đại. Trong Bình Trị Thiên tháng Tám bốn lăm, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1985, tr. 78
(6) Trần Huy Liệu: Phái đoàn vào Huế nhận việc thoái vị của vua Bảo Đại, trong Bình Trị Thiên tháng Tám bốn lăm, sđd, tr. 45.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #94 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2011, 06:53:43 am »

ĐÀ NẴNG(*)

Đà Nẵng nay là thành phố cảng lớn nhất Miền Trung, trực thuộc Trung ương. Từ lâu đời, Đà Nẵng là một bộ phận của đất Quảng Nam, nằm trong lãnh thổ Đại Việt từ thế kỉ 15.

Đà Nẵng không chỉ có một địa thế rất thắng lợi cho việc buôn bán mà còn là một vị trí chiến lược quan trọng về quân sự. Từ lúc thực dân Pháp thực hiện âm mưu đánh chiếm nước ta (tháng 9.1858) đến khi Mĩ trực tiếp đem quân xâm lược Việt Nam, Đà Nẵng là nơi phải đối phó đầu tiên với kẻ địch. Nhân dân Đà Nẵng đã ghi lại trong sử sách bao chiến công anh hùng trong sự nghiệp giữ nước.

Dưới thời Pháp thuộc, Đà Nẵng trở thành một “thành phố nhượng địa” và phong trào yêu nước cách mạng của nhân dân luôn sôi sục trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của cả nước qua các giai đoạn lịch sử.

Ngày 28.3.1930, Ban Chấp hành lâm thời tỉnh Đảng bộ Quảng Nam Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập và “chi bộ Tân Việt Cách mạng Đảng ở Tourane từ nay được coi như là Chi bộ của Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam”(1). Từ đấy, Đà Nẵng là một cơ sở quan trọng, nơi đặt cơ quan đầu não của Tỉnh ủy Quảng Nam và Phân xứ ủy Nam Trung Kỳ. Cùng với nhân dân Quảng Nam, khu vực Nam Trung Kỳ, phong trào cách mạng ở Đà Nẵng luôn sôi động qua các thời kì 1930-1931, 1936-1939. Tiêu biểu là cuộc biểu tình lớn của nhân dân Đà Nẵng, sáng 28.2.1937, đón tiếp phái viên của Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp sang Đông Dương.

Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, ngày 28.7.1941, quân Nhật đổ bộ chiếm đóng Đà Nẵng. Đầu năm 1942, thường vụ tỉnh ủy Quảng Nam ra “Thông cáo khẩn cấp”, nêu rõ nhiệm vụ “chuẩn bị đủ lực lượng chính trị, kinh tế, quân sự và phương pháp để đánh đổ kẻ thù Pháp và Nhật cùng bọn Việt gian…”. Các đoàn thể Việt Minh và các tổ chức lực lượng vũ trang được hình thành ở nhiều nơi trên đất Quảng Nam, song do Đà Nẵng là căn cứ quan trọng của thực dân Pháp và phát xít Nhật nên các tổ chức cách mạng rất khó hoạt động. Tuy vậy, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam, do đồng chí Võ Toàn làm Bí thư, phong trào đấu tranh ở Đà Nẵng được giữ vững và phát triển.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), để kịp thời đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn của phát xít Nhật, Tỉnh ủy Quảng Nam, lấy mật danh là Vụ Quang (tên căn cứ cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng 1885-1896). Tháng 6.1945, Hội nghị Tỉnh ủy Quảng nam mở rộng, họp tại Thọ Khương, đã thông qua chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền, phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng các đội du kích. Vì Đà Nẵng là một vị trí chiến lược quan trọng nên Tỉnh ủy đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng lực lượng trong thành phố, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngay sau khi phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh, ngày 14.8.1945, Tỉnh ủy Quảng Nam họp Hội nghị mở rộng tại Tam Kỳ, quyết định phát động cuộc khởi nghĩa trong toản tỉnh, dù chưa nhận được lệnh của Trung ương và Xứ ủy Trung Kỳ. Chủ trương đúng đắn này xuất phát từ việc vận dụng chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, ngày 12.3.1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng.

Ngày 18.8, nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An - nơi cơ quan ngụy quyền Quảng Nam đóng - chiếm dinh Tỉnh trưởng. Cũng ngày hôm đó, ở các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, Tam Kỳ, cuộc khởi nghĩa cũng thành công. Ngày 19.8.1945, chính quyền cách mạng đã về thay nhân dân.

Ngày 18.8 được xem như ngày thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám ở Quảng Nam. Tuy nhiên, ở Hòa Vang, huyện giáp với thành phố Đà Nẵng, mãi đến 22.8 cuộc khởi nghĩa mới thành công.

Sau khi hầu hết tỉnh Quảng Nam đã thuộc quyền làm chủ của nhân dân, Đà Nẵng bị bao vây chặt. Lúc bấy giờ lực lượng phát xít Nhật đóng ở Đà Nẵng còn khá đông, lại thêm một số tàn quân Pháp bị giam giữ đang ngóng chờ quân tiếp viện của Đơ Gôn trở lại đánh chiếm Việt Nam. Tỉnh ủy thận trong trong đối sách với quân Nhật để tránh đổ máu khi giành chính quyền. Hiểu rõ thái độ ngoan cố của phát xít Nhật, song nhìn thấy tâm trạng hoang mang, lo sợ của quân Nhật khi đã đầu hàng Đồng minh, Tỉnh ủy Quảng Nam một mặt chuẩn bị lực lượng hùng mạnh của quần chúng nhân dân để áp đảo kẻ thù; mặt khác tìm cách thương thuyết với quân Nhật để chúng giao nộp vũ khí và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhân dân, làm trở ngại cho cuộc khởi nghĩa.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, lực lượng tự vệ cứ quốc ở Đà Nẵng được tổ chức, củng cố thành các đại đội, tập trung thành các đại đội của Đềpô xe lửa Đà Nẵng, Sở Công chánh, khu Thanh Khê - Hà Khê, An Hải - Mỹ Khê, Liên Trì, Sở Đoan… Số tự vệ vũ trang của Đà Nẵng lúc bấy giờ lên tới một nghìn năm trăm người. Đây là một lực lượng lớn làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh của quần chúng ở một thành phố mà quân địch còn khá đông và mạnh.

Trước uy thế của quần chúng cách mạng Đà Nẵng khi mà cuộc khởi nghĩa đang diễn ra và thắng lợi trong cả nước, trực tiếp là ở Quảng Nam và các tỉnh lân cận, quân Nhật và chính quyền tay sai thân Nhật ở Đà Nẵng run sợ. Một số người trong bộ máy ngụy quyền tìm đến cơ sở cách mạng của thành phố thú tội, hoặc xin đứng về phía nhân dân. Viên Tư lệnh quân Nhật ở Đà Nẵng tìm cách liên lạc với Việt Minh Quảng Nam để thương lượng.

Trước tình hình thuận lợi ấy, Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trương nhanh chóng làm tan rã bộ máy ngụy quyền, trừng trị đích đáng những tên phản động ngoan cố, khoan hồng, phân hóa, sử dụng sau khi đã giáo dục những kẻ biết hối lỗi. Đối với quân Nhật thì chấp nhận thương lượng với nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền. Trong cuộc thương lượng với Nhật, đồng chí Lê Văn Hiến đại diện cho Việt Minh Quảng Nam yêu cầu quân Nhật đóng quân tại chỗ, không can thiệp vào công việc nôi bộ của nhân dân Việt Nam, trực tiếp là nhân dân Đà Nẵng. Về phía mình, Việt Minh Quảng Nam sẽ liên lạc với lực lượng cách mạng Quảng Ngãi không tấn công quân Nhật nữa, nếu chúng không đi càn quét, đốt phá, giết chóc, cho phép thu nhặt thương binh, tử sĩ Nhật bị chết trong các trận đánh ở Quảng Ngãi.

Trước khí thế hùng mạnh của quần chúng Quảng Nam, cũng như cả nước, sách lược không khéo, nhân đạo của Việt Minh, quân Nhật ở Đà Nẵng chấp nhận mọi đề xuất của cách mạng.

Việc giành chính quyền ở Đà Nẵng tiếp diễn thuận lợi. Các khu vực trong thành phố lần lượt tổ chức những cuộc mít tinh, có đông đảo quần chúng tham dự, để ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. Từ ngày 22.8.1945, chính quyền cách mạng lần lượt được thành lập ở các vùng ngoại ô thành phố, như Thanh Khê, Hà Khê, Liên Trì, Thuận An, Mỹ Khê.

Việc chuẩn bị khởi nghĩa ở trung tâm Đà Nẵng được chuẩn bị khẩn trương, đồng thời phải đối phó với các âm mưu phá hoại của bọn phản cách mạng. Đêm 25.8.1945, các lực lượng cách mạng Đà Nẵng đã đập tan âm mưu của bọn tay sai thân Nhật, do Mai Trọng Tánh cầm đầu, giả danh Việt Minh để cướp chính quyền.

Vào 8 giờ sáng ngày 26.8.1945, các lực lượng cách mạng được lệnh tiến vào trung tâm thành phố Đà Nẵng, treo cờ, giăng biểu ngữ, tổ chức mít tinh, công bố lệnh khởi nghĩa, xóa bỏ chính quyền cũ. Nhân dân vô cùng phấn khởi, đón mừng các lực lượng cách mạng và nhiệt liệt hưởng ứng lệnh khởi nghĩa. Nhiều ngươi gia nhập vào đoàn quân khởi nghĩa đi chiếm giữ, canh gác các công sở của chính quyền cũ. Chỉ trong một buổi sáng hôm ấy, Tòa án, Kho bạc, Sở Liêm phóng, Sở Công chánh, Sở Hỏa xa… đều được cách mạng tiếp quản.

Tại tòa Đốc lí, đồng chí Lê Văn Hiến, nhân danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, tiếp nhận việc đại diện chính quyền cũ trao lại chính quyền cho cách mạng. Lá cờ đỏ sao vàng kéo lên thay lá cờ “quẻ li” trên cột cờ tòa Đốc lí. Đây là giờ phút đánh dấu cuộc khởi nghĩa của nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã thắng lợi hoàn toàn.

Ngày 28.8.1945, tại sân vận động thành phố, gần 3 vạn nhân dân Đà Nẵng, tổ chức cuộc mít tinh chào mừng lễ ra mắt của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành phố Đà Nẵng, do đồng chí Lê Văn Hiến làm Chủ tịch.

*

Với thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, nhân dân tỉnh Trần Cao Vân (tên mới của tỉnh Quảng Nam) và thành phố Thái Phiên (tên mới của Đà Nẵng) đã đóng góp phần không nhỏ vào thành công của Cách mạng tháng Tám 1945 trong cả nước.


(*) Người viết: TS. Trương Công Huỳnh Kỳ, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi.
(1) Viện Sử học Việt Nam: Lịch sử thành phố Đà Nẵng, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1996, tr. 93.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #95 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2011, 06:58:15 am »

QUẢNG NGÃI(*)

Nhân dân Quảng Ngãi vốn có truyền thống yêu nước, cách mạng. Chỉ kể từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta (1858), người dân Quảng Ngãi không lúc nào vắng bóng trong phong trào yêu nước: từ Trương Định phất cờ “Bình Tây” ở Nam Kỳ, đến Lê Trung Đình hưởng ứng Hịch Cần vương, đánh chiếm tỉnh thành và tiếp đó các cuộc vận động Duy tân, Đông du, Khất thuế, khởi nghĩa 1916 liên tiếp nổ ra.

Trên cơ sở truyền thống yêu nước ấy, Quảng Ngãi sớm theo Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng bộ Quảng Ngãi ra đời không bao lâu sau ngày 3.2.1930 và lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc trong tỉnh liên tục, sôi nổi cho đến Cách mạng tháng Tám 1945 thành công.

Nhật đảo chính Pháp độc chiếm Đông Dương, trưa ngày 10.3.1945 tại Ba Tơ, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi họp và quyết định phải chớp thời cơ, lãnh đạo nhân dân vùng lên khởi nghĩa vũ trang ở Ba Tơ. Chiều ngày 11.3, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động, rồi biến thành cuộc biểu tình tuần hành cho đến 9 giờ tối. Lực lượng khởi nghĩa cùng quần chúng vũ trang chiếm nha Kiểm lí, tịch thu vũ khí, đạn dược, hồ sơ, tiền bạc, tấn công đồn lính khố xanh và làm chủ châu lị. Bộ máy ngụy quyền ở các xã lân cận tan rã.

Tại cuộc mít tinh vào đêm 11 rạng sáng 12.3 tại sân bóng trước đồn Ba Tơ, Ủy ban nhân dân cách mạng Ba Tơ làm lễ ra mắt. Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ đã thắng lợi, song quân Nhật âm mưu chiếm lại châu lị, tiêu diệt chính quyền và đội quân cách mạng còn non trẻ.

Trước tình hình ấy, toàn bộ lực lượng vũ trang đã hành quân ngược dòng sông, xây dựng chiến khu ở vùng núi cao để bảo vệ và phát triển. Đêm 14.3.1945, tại bãi Hang Én, “Đội du kích cứu quốc Ba Tơ” (sau gọi là Đội du kích Ba Tơ) làm lễ tuyên thệ.

Sau cuộc khởi nghĩa Ba tơ, lực lượng vũ trang (gồm Đội du kích Ba Tơ và các đội tự vệ trong tỉnh) được phát triển nhanh chóng, các Hội cứu quốc và Mặt trận Việt Minh thành lập khắp nơi trong tỉnh. Mọi điều kiện chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa trong toàn tỉnh đã được chuẩn bị.

Sáng ngày 14.8.1945 (tức ngày 7.7 năm Ất Dậu) tin phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh đến Quảng Ngãi. Đây là thời cơ để nhân dân vùng lên khởi nghĩa.

Trưa ngày 14.8.1945, tuy chưa nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương, nhưng Thường vụ Tinh ủy Quảng Ngãi, căn cứ theo kế hoạch soạn thảo trước đó, họp bất thường, tại cơ quan thường trực của Liên tỉnh ủy và Tỉnh ủy đóng ở làng Thi Phổ Nhất, huyện Mộ Đức. Hội nghị nhận định: thời cơ khởi nghĩa đã đến! Phải cấp tốc huy động quần chúng nổi dậy vũ trang khởi nghĩa, đánh đổ toàn bộ chính quyền địch, giành chính quyền về tay nhân dân. Hội nghị đã thông qua mệnh lệnh khởi nghĩa, ghi rõ trong các chỉ thị số 8, 9, liên tiếp cùng thời gian, gửi đi các địa phương lúc 15 giờ ngày 14.8.1945.

Chỉ thị số 8 nêu rõ “Giặc Nhật đã đầu hàng Đồng minh. Các cấp Hội, các Ban Chấp hành phải cấp bách huy động toàn dân chúng vũ trang để kịp thời khởi nghĩa”.

Chỉ thị số 9 quy định:

“1. Tước vũ khí quân Nhật và Bảo an trong những nơi đã võ trang quần chúng cương quyết thi hành.

2. Phải huy động tự vệ du kích bảo vệ và giữ gìn chiến sĩ và cơ quan cách mạng”(1).

Chấp hành mệnh lệnh khởi nghĩa của Tỉnh ủy, 16 giờ ngày 14.8.1945, tiếng trống khởi nghĩa vang lên từ nơi cơ quan Tỉnh ủy đóng tại làng Thi Phổ Nhất, báo hiệu giây phút mở đầu nhân dân Quảng Ngãi vùng lên giành lấy chính quyền. Mệnh lệnh khởi nghĩa nhanh chóng truyền từ xã này sang xã khác, huyện này sang huyện khác. Mệnh lệnh truyền đến đâu, nhân dân lập tức dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng và Việt Minh cơ sở vùng lên vũ trang khởi nghĩa đến đó.

Cho đến đêm 15.8.1945, hầu hết các làng, tổng, phủ, huyện nằm dọc quốc lộ 1, từ đèo Bình Đê (Đức Phổ) chạy ra dốc Sỏi (Bình Sơn), kể cả đảo Lý Sơn, châu Ba Tơ, nhân dân đã vũ trang khởi nghĩa thắng lợi, đều dưới quyền kiểm soát của Việt Minh.

Sau hai ngày 15 và 16.8.1945, hai đại đội du kích Ba Tơ đánh chiếm các đồn Di Lăng, Sơn Hà, Minh Long; bao vây gọi hàng đồn Trà Bồng và tham gia cùng nhân dân vũ trang khởi nghĩa chiếm huyện lị Nghĩa Hành.

Cuộc khởi nghĩa lan nhanh chóng trong cả tỉnh từ các châu huyện miền núi đến vùng trung châu, các xã ven biển và cả đảo Lý Sơn, cách đất kiền 25km. Toàn bộ chính quyền tay sai của địch ở các huyện sụp đổ và chính quyền cách mạng được thành lập ở các xã, tổng, huyện, phủ trong tỉnh(2).


(*) Người viết: TS. Trương Công Huỳnh Kỳ, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi.
(1) Tài liệu lưu tại Phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
(2) Theo tờ “Đời sống mới” của cơ quan văn hóa cứu quốc Quảng Ngãi ngày 15.8.1946, thì chính quyền cách mạng các huyện được thành lập và ra mắt:
Ngày 15.8 (8.7 Ất Dậu) - các huyện Đức Phổ, Minh Long, Sơn Hà, Trà Bồng.
Ngày 16.8 (9.7 Ất Dậu) - các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Binh Sơn, Nghĩa Hành, Ba Tơ
Ngày 17.8 (10.7 Ất Dậu) - huyện Mộ Đức.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #96 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2011, 07:01:57 am »

Tuy vậy, tại thị xã Quảng Ngãi, còn trên một tiểu đoàn quân Nhật và một đại đội lính khố xanh chốt giữ, có trang bị vũ khí đầy đủ. Trụ sở các cơ quan hành chính của địch đều đóng trong nội thị, cơ sở cứu quốc trong bộ máy ngụy quyền và binh lính có sự thay đổi đột ngột, bị địch điều động đi nơi khác. Trong điều kiện như vậy, nhận được lệnh của Tỉnh ủy tối 14.8.1945, Ban Khởi nghĩa thị xã được thành lập và quyết định hành động thận trọng sao cho tránh đổ máu.

Đối với công nhân, phải huy động tổng đình công, thành lập đội tự vệ cứu quốc, vũ trang công nhân xe lửa để tự vệ và canh giữ công xưởng, nhà ga; bốc dỡ, vận chuyển dụng cụ, máy móc như máy điện, đầu máy xe lửa ra khỏi thị xã.

Chi đội Binh nhân cứu quốc được giao nhiệm vụ nổi dậy cướp đồn khố xanh, tước vũ khí, giải tán lực lượng lính khố xanh ở tỉnh lị, không cho quân Nhật dùng họ chống lại cách mạng.

Đối với các giới đồng bào khác thị xã, Ban Khởi nghĩa huy động vũ trang, bãi công, bãi thị,bãi khóa, biểu tình, tuần hành thị uy, mít tinh… Đêm 14 và ngày 15.8, nhân dân thị xã tiến hành bãi công, bãi thị, giành chính quyền ở cơ sở. Đêm 15.8, tự vệ cứu quốc và nhân dân đã phối hợp với Chi đội Bình nhân cứu quốc chiếm các đồn lính khố xanh, khố đỏ, thu súng đạn, quân dụng, bắt viên lãnh binh giao đồn, chia khóa, vũ khí, tài liệu, con dấu của sở chỉ huy quân ngụy. Cùng đêm, quân khởi nghĩa chiếm, tịch thu toàn bộ hồ sơ của sở mật thám tỉnh; chánh mật thám Bùi Trọng Lệ chạy trốn, đến sáng ngày 17.8 bị bắt. Đêm 16.8, lực lượng khởi nghĩa chiếm dinh tỉnh trưởng và các cơ quan trực thuộc, kể cả kho bạc, bắt tỉnh trưởng Lương Trọng Hối và bố chánh Phạm Như Phiên giao nộp toàn bộ vũ khí, tài liệu, tiền bạc, con dấu. Lương Trọng Hối hoàn toàn phục tùng chính quyền cách mạng, được dùng làm môi giới cho cuộc thương lượng giữa Việt Minh và Nhật. Quân Nhật đóng ở Quảng Ngãi không có phản ứng gì đáng kể trước sự sụp đổ của bộ máy ngụy quyền. Như vậy, chính quyền ở tỉnh đã về tay cách mạng trong đêm 16.8.

Chỉ trong 3 đêm 2 ngày (từ đêm 14 đến đêm 16 rạng ngày 17.8), cuộc Tổng khởi nghĩa ở Quảng Ngãi đã nổ ra đúng thời cơ và đã giành được thắng lợi to lớn. Chính quyền cách mạng các cấp lần lượt được thành lập theo chỉ thị số 10 của “Ủy ban vận động cứu quốc Quảng Ngãi của Tổng bộ Việt Minh”, ngày 15.8.1945.

Chỉ thị quy định xóa bỏ bộ máy thống trị của địch ở các cấp, thành lập chính quyền cách mạng từ cơ sỏ lên tỉnh, thực hiện các quyền tự do, dân chủ và chăm lo đời sống củ nhân dân trên các mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội.

Riêng ở tỉnh lị “Ủy ban vận động cứu quốc Quảng Ngãi của Tổng bộ Việt Minh” và “Ban lãnh đạo khởi nghĩa” (Thường trực Tỉnh ủy) làm nhiệm vụ của chính quyền cách mạng đóng ở ngoại thị, trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo Ủy ban nhân dân các phủ, huyện, tổng, xã, lực lượng vũ trang, các ngành, tập trung sức chiến đấu để đè bẹp sự phản kháng của quân Nhật và một vài nhóm phán động.

Cuộc khởi nghĩa ở Quảng Ngãi diễn ra tương đối hòa bình. Song ở một số nơi cũng xảy ra các cuộc xung đột vũ trang, do quân Nhật gây ra.

Trưa ngày 15.8, quân du kích đánh Nhật ở Xuân Phổ. Chiều ngày 16.8, đánh bọn Nhật đi lùng ở An Hội. Đêm 16.8, đánh hai trận, ở cống Châu Me (Tú Sơn) và Mỏ Cày, Mộ Đức. Cùng vào tối 16.8, diễn ra trận đánh Nhật ở cầu Châu Ổ, Bình Sơn; ở vùng Ba La - Ngọc Á, Tư Nghĩa. Vào đêm 17 rạng ngày 18.8, lực lượng vũ trang cách mạng diệt đồn Cổ Lũy.

Nhìn ra toàn quốc, trong những ngày tháng Tám cùng một số nơi, ở Quảng Ngãi lực lượng khởi nghĩa đã phải chiến đấu ác liệt với quân đội Nhật. Bởi lẽ, ở Quảng Ngãi sau cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, các lực lượng cách mạng và phản cách mạng đối chọi nhau gay gắt. Phát xít Nhật đã mở những cuộc vây ép giết hại nhiều đồng bào và chiến sĩ cách mạng trong tỉnh. Bọn tay sai thân Nhật, nhất là bọn phản động đội lốt Cao Đài hoạt động ra mắt chống phá cách mạng.

Đi đôi với hoạt động quân sự, trước những hành động ngoan cố của Nhật, Ban lãnh đạo khởi nghĩa ra lệnh cắt điện, nước, triệt nguồn tiếp tế lương thực. Trong hoàn cảnh đó, bọn cầm đầu quân Nhật trong tỉnh đã phải điều đình với ta. Cuộc điều đình bắt đầu từ ngày 18.8 và kéo dài đến ngày 25.8. Trong lúc hai bên thương lượng với nhau, tình hình đã bớt căng thẳng. Ngày 22.8, Ban lãnh đạo khởi nghĩa ra chỉ thị số 14, vạch rõ phải đình chỉ các cuộc tấn công quân Nhật, không xâm phạm người Nhật, ra sức tránh các cuộc xô xát đổ máu vô ích, ngưng các cuộc đình công, bãi công, sửa chữa những chỗ bị phá hủy để phục vụ đời sống nhân dân trong thị xã.

Chiều ngày 25.8, đồng chí Trần Tống (lúc bấy giờ lấy tên Trần Song) đã thay mặt Việt Minh Quảng Ngãi kí với đại diện quân đội Nhật Bản Hiệp định với nội dung như sau:

1. Quân Nhật không can thiệp vào vị trí Việt Nam và các cuộc vận động quần chúng của Việt Minh.

2. Việt Minh không xâm phạm quân Nhật, không dán yết thị và truyền đơn chống quân Nhật nữa.

3. Quân Nhật tuyệt đối không đánh nhân dân Việt Nam và quân đội Việt Nam, nhân dân Việt Nam và quân đội Việt Nam tự ý đánh quân Nhật thì quân Nhật sẽ cương quyết đối phó. Về bên Việt Minh cũng tuyệt đối không đánh quân Nhật, nếu quân Nhật tự ý đánh quân Việt Minh thì Việt Minh cũng kiên quyết đối phó lại như thế(1).

Theo Hiệp định, quân đội Nhật phải rút hết về đóng tại đồn khố xanh cũ ở góc tây nội thành Quảng Ngãi và “không can thiệp vào nội trị Việt Nam và các cuộc vận động quần chúng của Việt Minh”. Ngày 26.8, Tỉnh ủy đã phái một trung đội thuộc đại đội Phan Đình Phùng, do đồng chí Nguyễn Tuấn Tài (Trần Kiên) chỉ huy về đóng tại thị xã, phối hợp cùng các lực lượng khởi nghĩa bảo vệ các cơ quan, kho tàng và kiểm soát sự đi lại của quân Nhật. Ngày 27.8, Tỉnh ủy đã họp phiên đầu tiên tại nội thị. Cùng ngày, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh về đóng tại thị xã.

Sáng ngày 30.8.1945 (tức 23.7 âm lịch), hơn 40 vạn nhân dân trong tỉnh kéo về thị xã dự lễ ra mắt của Ủy ban nhân dân cách mạng Lê Trung Đình (tên mới của tỉnh Quảng Ngãi). Cách mạng tháng Tám ở Quảng Ngãi đã hoàn toàn thắng lợi.


(1) Tài liệu lưu tại Phòng Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Quảng Ngãi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #97 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2011, 06:04:05 pm »

BÌNH ĐỊNH(*)

Bình Định thuộc vùng Nam Trung Bộ, là một tỉnh có truyền thống đấu tranh bất khuất, tiêu biểu là phong trào Tây Sơn. Phong trào yêu nước chống Pháp kế tục truyền thống Tây Sơn được phát huy cao độ dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra (tháng 9.1939), tuy rút vào hoạt động bí mật, song trong những năm 1940-1945, các cơ sở Đảng ở Bình Định vẫn lãnh đạo phong trào đấu tranh chống Pháp - Nhật.

Tháng 1.1940, 200 công nhân đề pô Diêu Trì (xưởng sửa chữa xe lửa) đấu tranh đòi tăng lương 10 - 20%, trả lương đúng kì, bỏ các lệ cúp phạt, đánh đập, cấp “bông” mua gạo và một số hàng thiết yếu(1). Tuy bị đàn áp song cuộc đấu tranh đã mở đầu cho phong trào cách mạng trong thời kì mới.

Trong những năm 1941-1942, hơn 300 công nhân xưởng dệt Hãng Đôlinhông (Phú Phong, nay là huyện Tây Sơn) bãi công vào đầu năm 1942, buộc bọn chủ phải chấp nhận một số yêu sách của công nhân. Tiếp đó, nông dân ở nhiều nơi trong tỉnh (Tam Quan, Vĩnh Thạnh, An Nhơn, Hoài Ân, Phù Cát, Phù Mỹ…) nổi lên chống bọn cường hào xâm chiếm ruộng đất công.

Trong những năm 1943-1944, phong trào cách mạng Bình Định lại phát triển cao hơn. Đầu năm 1943, chi bộ Đảng được thành lập trong nhà lao Quy Nhơn, các đảng viên ở ngoài cũng tự động tổ chức, lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ, chống “chính sách kinh tế thời chiến” của Pháp.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), phong trào cách mạng ở Bình Định có điều kiện phát triển. Tháng 4.1945, Ủy ban vận động tỉnh thành lập, được gọi là Việt Minh Tăng Bạt Hổ, chủ trương tập hợp mọi lực lượng trong tỉnh để đấu tranh theo chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh. Tuy nhiên, lúc bấy giờ ở Bình Định còn có tổ chức Việt Minh Nguyễn Huệ, được thành lập vào giữa tháng 5.1945, với danh nghĩa là Ủy ban Việt Nam lâm thời, do đồng chí Võ Xán làm Thư kí. Việt Minh Nguyễn Huệ chủ trương:

“- Khẩn trương tập hợp mọi lực lượng yêu nước và Mặt trận Việt Minh, lấy Phú Phong làm bàn đạp để phát triển phong trào các nơi;

- Công khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền giới thiệu chương trình 10 điểm của Mặt trận Việt Minh trong nhân dân;

- Bằng mọi cách làm cho quần chúng nhanh chóng thấy rõ bộ mặt cướp nước của giặc Nhật, đồng thời kiên quyết cô lập bọn thân Nhật;

- Ráo riết tìm liên lạc với Đảng và Tổng bộ Việt Minh cũng như phong trào Việt Minh trong và ngoài tỉnh”(2).

Hai thành công Việt Minh ở Bình Định đều hoạt động mạnh mẽ trong quần chúng, nhằm đẩy mạnh phong trào chống Nhật, cứu nước. Tuy vậy, sự hoạt động riêng rẽ của hai tổ chức này cũng ảnh hưởng không tốt đến phong trào đấu tranh. Do đó, yêu cầu thống nhất về tổ chức được đặt ra khẩn thiết.

Cuối tháng 7.1945, Ban Cán sự Đảng Bình Định được thành lập, do đồng chí Trần Lương làm Bí thư. Ban Cán sự Đảng quyết định phải nhanh chóng thống nhất các lực lượng Việt Minh trong tỉnh, tăng cường cán bộ cho các địa phương mà phong trào đấu tranh còn yếu, đẩy mạnh việc chuẩn bị ra tờ báo của phong trào Việt Minh Bình Định.

Trong khi hai tổ chức Việt Minh chưa thống nhất được thì tình hình có những chuyển biến mau lẹ, do phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh. Trước tình thế ấy, Việt Minh Nguyễn Huệ và Việt Minh Tăng Bạt Hổ đều thành lập Ủy ban khởi nghĩa. Phong trào cách mạng của quần chúng đòi hỏi phải có hành động khi thời cơ đã đến.

Chiều 21.8.1945, hàng nghìn quần chúng tham gia cuộc mít tinh do Ủy ban khởi nghĩa của Việt Minh Nguyễn Huệ tổ chức tại sân ga Quy Nhơn. Kết thúc cuộc mít tinh, quần chúng hô vang các khẩu hiệu: “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh!”, “Đả đảo chính phủ Trần Trọng Kim!”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập!”.

Quân Nhật và cảnh sát ngụy đóng gần đấy nhưng không có phản ứng gì đối với cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng.


(*) Người viết: TS. Trần Quốc Tuấn, Trường Đại học Quy Nhơn.
(1) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình: Sự kiện lịch sử Đảng bộ Bình Định 1928-1945, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Nghĩa Bình, 1985, tr. 71.
(2) Sự kiện lịch sử Đảng bộ Bình Định 1928-1945, sđd, tr. 84-85.
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Chín, 2011, 03:02:03 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #98 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2011, 06:05:46 pm »

Ngay tối 21.8, Ủy ban khởi nghĩa của Việt Minh Nguyễn Huệ họp, quyết định phát động quần chúng khởi nghĩa chiếm tỉnh lị Quy Nhơn vào ngày 23.8.

Ngày 23.8.1945, hàng vạn người, gồm công nhân Phú Phong, Diêu Trì cùng các tầng lớp nhân dân ở thị xã Quy Nhơn, các làng lân cận (trong số này có cả lực lượng Việt Minh Tăng Bạt Hổ tại Quy Nhơn) họp mít tinh ở sân ga Quy Nhơn, biểu lộ quyết tâm xóa bỏ chính quyền địch, lập chính quyền cách mạng. Cuộc mít tinh chuyển thành cuộc biểu tình thị uy, với gần 200 tự vệ vũ trang của công nhân và thanh niên đi đầu. Đoàn biểu tình lần lượt chiếm Đốc bộ đường (dinh Tỉnh trưởng), tòa Đốc lí thành phố (Tòa sứ cũ) và các công sở của chính quyền bù nhìn. Các đồn cảnh sát, trại bảo an binh cũng lần lượt giao nộp vũ khí, kho tàng cho quân khởi nghĩa.

Cuộc khởi nghĩa ở Quy Nhơn đánh dấu bước thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Bình Định. Tiếp đó, cuộc khởi nghĩa lanh nhanh đến Bình Khê, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước.

Do yêu cầu của cách mạng, ngày 31.8.1945, tại cuộc họp ở Diêu Trì (Phước Long, Tuy Phước, các tổ chức Việt Minh Tăng Bạt Hổ và Nguyễn Huệ quyết định:

- Thống nhất các Việt Minh trong tỉnh;

- Củng cố Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Bình Khê, Phù Mỹ bao gồm đại biểu các nhóm Việt Minh trong địa phương;

- Đưa Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Nguyễn Huệ làm nhiệm vụ Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành phố Quy Nhơn, do đồng chí Lê Văn Nhiễu làm Chủ tịch;

- Quyết định nhân sự Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời mới của tỉnh và lấy tên là tỉnh Tăng Bạt Hổ…;

- Thảo luận kế hoạch huy động lực lượng và tổ chức cuộc mít tinh ngày 3.9.1945”(1).

Sáng ngày 3.9, một cuộc mít tinh lớn với hơn 30.000 người tham dự được tổ chức tại sân vận động Quy Nhơn. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Bình Định (tỉnh Tăng Bạt Hổ), do đồng chí Trần Quang Khánh làm Chủ tịch ra mắt nhân dân.

Trong các địa phương của Bình Định, Hoài Nhơn là một trong số ít huyện nổ ra cuộc khởi nghĩa sôi nổi nhất. Cũng như một số huyện trong tỉnh, từ cuối tháng 7.1945, Việt Minh Hoài Nhơn (lúc ấy gọi là phủ Ái) đã tích cực chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Nhiều làng thuộc các tổng Vân Sơn, An Sơn, Tào Lương… đều có từ một tiểu đội đến một trung đội tự vệ vũ trang. Nhân dân các xã hăng hái luyện tập quân sự, võ dân tộc. Các lò rèn ngày đêm rèn giáo, mác, kiếm… để trang bị cho tự vệ.

Từ đầu tháng 8.1945, Việt Minh phủ Ái (Hoài Nhơn) huy động nhân dân tham gia các cuộc mít tinh trong làng, trong tổng, bắt bọn lí hương gian ác để cảnh cáo.

Ngày 19.8.1945, thi hành chủ trương của Ủy ban khởi nghĩa, Việt Minh phủ Ái họp hội nghị, quyết định chuyển Ủy ban vận động cứu quốc phủ thành Ban khởi nghĩa để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Quần chúng đã sẵn sàng vùng lên đấu tranh giành lấy chính quyền. Trên quốc lộ số 1, từ Tài Lương (Hoài Thạnh) đến đèo Bình Đê và một số làng ven biển Thiện Xuân, Từ Cánh, An Dũ… các đội tự vệ vũ trang ngày đêm tuần tra, canh gác.

Ngày 22.8.1945, hàng vạn quần chúng các tổng Mây, Yên, Thanh, Thiện, Hương tham gia một cuộc biểu tình thị uy.

Ngày 26.8.1945, một cuộc biểu tình khác lại nổ ra với hơn 15.000 người tham dự. Đội lính bảo an đóng ở Tam Quan bỏ chạy về Đông Sơn, song bị tự vệ chặn lại tước vũ khí.

Ngày 29.8.1945, Ủy ban khởi nghĩa huyện Hoài Nhơn huy động hơn 8.000 người chiếm phủ đường ở Bồng Sơn, rồi nhà bưu điện, trạm xá, Sở Liên nông, thương đoàn, Tri phủ nộp ấn tín, hồ sơ, sổ sách… cho chính quyền cách mạng. Đội bảo an binh đóng tại Bồng Sơn cũng giao nộp vũ khí (gần 100 súng).

Ngày 3.9.1945, tại sân vận động Tam Quan, hàng vạn nhân dân Hoài Nhơn họp mít tinh chào mừng Ủy ban nhân dân cách mạng huyện ra mắt, đánh dấu cách mạng thắng lợi trong cả huyện. Tiếp đó, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời các tổng, xã được thành lập.

*

Cuộc khởi nghĩa ở Bình Định đã thắng lợi trong cả tỉnh, từ tỉnh lị đến các thôn xã, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám cả nước.


(1) Sự kiện lịch sử Đảng bộ Bình Định 1928-1945, sđd, tr. 104.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #99 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2011, 06:08:29 pm »

PHÚ YÊN(*)

Những năm 1939-1940, ở Phú Yên các cơ sở Đảng bị mất liên lạc, cũng như các tỉnh trong cả nước, các đảng viên, quần chúng bị bắt, tù đày, tra tấn, các cơ sở Đảng hoạt động rời rạc, thiếu tổ chức.

Bọn Đại Việt dựa vào thế lực của Nhật đang lên để gây ảnh hưởng trong nhân dân, nhưng số lượng của chúng ở Phú Yên không nhiều, nên hoạt động của chúng không có gì đáng kể.

Về phía cách mạng, mặc dầu phong trào đấu tranh của quần chúng lúc này không mạnh mẽ như trước, nhưng dưới sự áp bức bóc lột tàn khốc của Pháp, Nhật, quần chúng đã đứng lên đấu tranh để phản đối bọn Pháp, Nhật thu thóc, thu thuế, chóng việc phá lúa trồng đay, bắt nhân dân đi làm đường chiến lược Plâyku, đường La Hai, đường Tuy Hòa, nông dân còn đấu tranh chống lại bọn cường hào áp bức ở địa phương. Nhiều hình thức đấu tranh của công nhân đã khiến cho các cơ sở sản xuất bị đình đồn.

Phong trào cách mạng ở Phú Yên ngày một phát triển mạnh đòi hỏi phải xây dựng, khôi phục các cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng và phải có cơ quan lãnh đạo tập hợp lực lượng và chuẩn bị các mặt để khởi nghĩa.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), ở Phú Yên Nguyễn Văn Thái cùng một số đồng chí ở thị xã Tuy Hòa thành lập Ban vận động Việt Minh, gồm các đồng chí Ngô, Bát, Ái, Suyền, Chính và Thái. Tổ chức này không chỉ là nơi liên lạc của cán bộ cách mạng mà còn có cơ sở tài chính, lấy tên là Việt Hưng. Tuy nhiên, lúc đầu đường lối chủ trương và phương châm tổ chức chưa rõ nên không vận động được đông đảo quần chúng.

Tháng 4.1945, một số đồng chí ở nhà tù Buôn Ma Thuột ra được phân công về Phú Yên hoạt động. Lúc này, ở Phú Yên thành lập các nhóm hoạt động:

- Nhóm Tuy Hòa gồm các đồng chí Đỗ Tương, Nguyễn Chấn, Lê Tấn Thăng, Nguyên Quốc Thoại, Huỳnh Nựu. Nhóm này hoạt động thống nhất với đường lối của Đảng, và mở rộng ra các xã ở huyện Tuy Hòa, mạnh nhất là làng Phước Hậu (xã Hòa Kiến), đây là nhóm hoạt động có hiệu quả nhất.

- Nhóm ở Sông Cầu và La Hai có các đồng chí Nguyễn Văn Nguyên, Phan Thanh Cưu, Huỳnh Liễu. Nhóm hoạt động thống nhất với đường lối của Đảng và mở rộng địa bàn ra cả huyện Đồng Xuân.

- Nhóm thị xã Tuy Hòa gồm các đồng chí Đinh Nho Khôi, Đinh Nho Bát, Đinh Văn Ngộ, Lê Văn Phú, Nguyễn Ái, Nguyễn Tiếm, Nguyễn Chính, Trần Suyền. Nhóm này đã thành lập mặt trận Việt Minh lâm thời, hoạt động chưa thống nhất hoàn toàn với chủ trương lớn của Đảng, địa bàn hoạt động chưa mở rộng, chỉ ở thị xã Tuy Hòa và một vài nơi ở Hòa Thắng và huyện Tuy Hòa, hoạt động chưa đi sâu vào công tác vận động.

- Thị xã Tuy Hòa còn có nhóm của Trần Đình San, Vĩnh Mai (tức Nguyễn Hoàng), nhóm này hoạt động tích cực ở thị xã và nhất trí với đường lối chung của Đảng.

Các đồng chí từ nhà tù Buôn Ma Thuột về Phú Yên tổ chức một nhóm Việt Minh lâm thời để liên lạc với địa phương, với các nhóm Việt Minh khác trong tỉnh, nhưng không có kết quả.

Tháng 5.1945, một nhóm tù chính trị khác cũng ở lao Buôn Ma Thuột về(1), gồm có các đồng chí Trương Kiểm (An), Lê Cấp (Mẫn), Hoàng Văn Phúc (Xuân) và Trần Văn Sơ (Sửu). Các đồng chí này được đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Trần Hữu Dực trong Đảng ủy nhà lao Buôn Ma Thuột phân công về Phú Yên để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng theo hai hướng: Một là, nhanh chóng liên lạc với Tỉnh ủy, cùng với các đồng chí triển khai ngay công tác chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Hai là, nếu Tỉnh ủy chưa khôi phục được tổ chức thì phải tìm mọi cách móc nối với một số đảng viên đang hoạt động ở đó. Các đồng chí đã liên lạc với cán bộ cũ và cơ sở cảm tình (Phan Thanh Cưu, Nguyễn Hạnh, Nguyễn Ngọc Cầu) chuẩn bị từ trước. Sau đó, ban vận động Việt Minh lâm thời đã được tổ chức tại Sông Cầu. Cuộc họp đầu tiên nhận định tình hình địch và chủ trương của ta, chủ trương tổ chức gấp rút các Ủy ban Việt Minh lâm thời, các đội cứu quốc và tự vệ vũ trang.

Đã ra đời và hoạt động nhưng Ban vận động Việt Minh lâm thời chưa có tổ Đảng để lãnh đạo phong trào. Do đó, đồng chí Kiểm đã cùng với một số đồng chí khác ở địa phương thành lập Ban cán sự Tỉnh ủy lâm thời (5.1945).

Đảng ủy lâm thời đã liên lạc được với Kỳ bộ Đảng và Kỳ bộ Việt Minh Trung Kỳ, tiếp nhận được chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Sự lãnh đạo phong trào đã bắt kịp với tình hình mỗi ngày phát triển có lợi cho cách mạng. Hội nghị Ban Cán sự đã quyết định tổ chức Ủy ban Việt Minh ở các huyện, thị, khu, để gấp rút lãnh đạo phong trào.

Liên lạc với Ban vận động Việt Minh tỉnh, nắm được đường lối tổ chức Việt Minh, các đồng chí ở các địa phương về tổ chức ủy ban Việt Minh lâm thời huyện, thị và khu. Các đồng chí Xuân, Phan Thanh Cưu, Nguyễn Ngọc Cầu phân công nhau về tổ chức van vận động Việt Minh tổng: đồng chí Phan Thanh Cưu về tổng Xuân Phong (Lê Hai); đồng chí Nguyễn Ngọc Cầu tổ chức ban vận động Việt Minh tổng Xuân Đài; đồng chí Xuân về tổng Xuân Vinh.

Sau 1 tháng vận động, Việt Minh tập hợp đại biểu các tổng bầu ra Ủy ban Việt Minh huyện Tuy An, Sơn Hòa, thị xã Sông Cầu, Tuy Hòa.


(*) Người viết: Nguyễn Văn Thưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên.
(1) Từ ngày 15 đến ngày 20.5.1945, gần 300 chiến sĩ cộng sản đã thoát khỏi nhà đày Buôn Ma Thuột trở về các tỉnh Trung Kỳ, tham gia phong trào cách mạng từ Thanh Hóa đến Bình Thuận (theo Lịch sử cách mạng ThángTám 1945, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 222).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM