Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 05:33:12 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vượt Côn Đảo  (Đọc 58086 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #50 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2011, 06:05:56 pm »

Trong lúc đó, ở nhà tên chúa đảo cũng sắp sửa ăn tết. Thằng Giắc-ty ngồi chống tay lên cằm yên lặng, trước mặt nó một chiếc bàn dài trải khăn trắng muốt có thêu chim, cò. Trên bàn, cốc, tách sáng choang, rượu chát đỏ, bánh ngọt từng đĩa đầy, cái tròn cái vuông, trông như những đĩa đầu lâu để cạnh những chai máu đọng.

Bọn cai ngục, sĩ quan đến đầy đủ, nó đứng dậy hỏi:

- Thế nào, bọn tù vượt đảo, không cho ăn tết, xem chúng có vẻ buồn bã chán nản hay không?

Rồi không cần bọn kia trả lời, nó cười ồ ồ bằng một giọng khoái chí:

- Chắc chúng nó bây giờ đang ôm nhau mà khóc như cha chết.

Nó rất mong anh em sẽ buồn bã chán nản, khóc lóc thảm thiết để tiêu tan hết nghị lực, không còn đủ sức chống lại nó.

Tên cai ngục đã làm cho nó thất vọng chua chát.

- Chúng nó không buồn, không khóc, trái lại rất vui, cười nói rộn rịp, vui hơn các lao khác, có lẽ vui hơn cả Côn Đảo.

Tên Giắc-ty ngồi phịch xuống ghế, lắc đầu tuyệt vọng.

Bảy giờ tối, đêm biểu diễn bắt đầu. Anh em dồn cả lại một phía, chừa một góc trước cửa hố xí làm sân khấu. Hai anh cao nhất cầm hai chiếc chiếu đứng hai bên làm cánh gà. Phông hậu kết bằng bao tải, chiếu rách áo quần xanh nâu, vừa giản dị vừa ý nghĩa. Du bước ra tuyên bố lý do đêm liên hoan:

- Hôm nay là ngày tết năm thứ bảy của cuộc trường kỳ kháng chiến anh dũng của Tổ quốc chúng ta. Chúng ta vui, vui nổ trời để chào mừng năm mới, chào mừng thắng lợi mới, để củng cố thêm tinh thần và ý chí chiến đấu, sẵn sàng đấu tranh chống mọi âm mưu của kẻ thù.

Tiếng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Vở kịch Táo quân Bắc bộ và Táo quân Nam bộ lên trời báo cáo tình hình cuộc tổ chức vượt đảo vừa qua với "Ngọc hoàng Thượng đế". Đoạn đầu báo cáo rút ưu khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân thất bại, đoạn hai báo cáo tình hình tư tưởng hiện nay, và kế hoạch sắp đến. Du và Thê thủ vai táo quân, một ông râu quặp và một ông râu vểnh. Lấy quần dài xỏ hai tay vào ống làm áo tay rộng, mặc quần đùi xanh có in chữ P.G (tù binh) đầu đội mũ lá bàng, thẻ ngang.

Bác Thái râu thủ vai Ngọc Hoàng Thượng đế, râu bác mọc sẵn khá dài, nên rất tiện việc hóa trang. Đầu đội mũ lá bàng thẻ đứng, nhưng đặc biệt hơn Táo quân là xung quanh mũ có đính hoa cỏ lau, và chính giữa đính một đóa hoa dâm bụt đỏ chót.

Hai anh tương đối khỏe, nằm chổng mông đít làm ngai vàng. Báo cáo đến đoạn nào lý thú, Ngọc Hoàng vuốt râu nhún nhún ngai vài, làm hai anh dưới cũng nhún nhún theo như đệm lò xo. Nhưng nhún nhiều quá, "ngai vàng" phải kêu lên:

- Hứng vừa chứ, đau con cháu lắm Ngọc Hoàng Thượng đế ơi!

Ngọc Hoàng thấy ngồi mãi một kiểu thì mất cả oai phong nên sáng kiến ngồi vắt chân chữ ngũ. Không may quần Ngọc Hoàng rách quá vừa vắt chân lên thì ngọc hành của Ngọc Hoàng cũng lòi ra.

Khán giả ôm nhau cười phá lên, hai ông Táo không nhịn được cũng cười, Ngọc Hoàng Thượng đế sờ xuống quần thấy lành lạnh cũng cười và ngai vàng cũng lăn ra cười nốt. Cười đau cả bụng, nước mắt nước mũi trào ra.

Suốt một tiếng đồng hồ anh em vui thả cửa. Phần văn nghệ thế là xong, anh em đem cơm nắm với muối trắng ra liên hoan, chuyện nở như ngô rang.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #51 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2011, 05:54:32 pm »

Trời càng về khuya càng rét, chuyện nói mãi cũng hết, tiếng nói tiếng cười nhỏ dần rồi tắt hẳn, nhà lao trở nên im lặng khác thường. Một thứ im lặng mênh mông của một buổi chợ tàn. Rồi dần dần, nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ đơn vị đến xâm chiếm lòng mọi người. Một vài đồng chí quay vào bóng tôi lau hai giòng nước mắt. Du cũng thấy lòng mình như mềm đi, xao xuyến, đau xót:

- Không biết đêm nay Thơm có ăn tết không? Có lẽ đang nằm co quắp rên rỉ trên nền xi măng lạnh ngắt. Đến bao giờ mới được gặp nhau, hay hai đứa lại chết rụi trong lao.

Thê ngồi thẫn thờ nhìn lên mái ngục, nghĩ đến con Hoe, thằng Cu không biết đêm nay ở đâu...

Đèn điện bỗng chớp sáng ba lần. Anh em công nhân máy đèn báo hiệu cho các lao đã đến giờ giao thừa. Tất cả vùng đứng dậy. Tiếng Du dõng dạc:

- Nghiêm! Cử quốc ca.

Khắp tất cả các lao trên Côn Đảo, tiếng Quốc ca hùng tráng nổi lên cùng một lúc, xé tan bóng tối hoang vu, u ám.

Cờ pha màu chiến thắng mang hồn nước.
Đứng đều lên gông xích ta đập tan.


Anh em hát say sưa tha thiết, máu trong người sôi lên cuồn cuộn. Tình yêu đất nước, yêu Tổ quốc tràn ngập lòng mọi người.

Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm!
Hồ Chủ tịch muôn năm!


Tiếng thét rung chuyển những mái ngục đen tối. Bọn chúa đảo, cai ngục giật thót mình, lo lắng. Hát xong anh em ngồi xuống, dư âm hùng tráng còn vương lại trên những đôi mắt sáng ngời. Vịnh vừa quệt nước mắt vừa nói:

- Đời em chưa bao giờ hát Quốc ca cảm động như hôm nay.

Thê đề nghị:

- Chúng ta đêm nay chắc không ai ngủ được, nhưng không ngủ được thì đừng ngồi, chết khô như ban nãy. Ai có chuyện gì kể cho anh em nghe.

- Hoan hô, hoan hô, chuyện gì cũng được, đề nghị anh Du kể.

Du đứng lên vui vẻ:

- Vâng, có ngay, tôi xin kể một câu chuyện Liên Xô.

Anh em nhao nhao hỏi:

- Chuyện Liên Xô à?

Người nào cũng tranh nhau ngồi xích lại gần Du, nghe cho rõ.

Đây là một câu chuyện thật của Liên Xô, xảy ra trong thời kỳ kháng chiến chống phát xít Đức. Câu chuyện này anh chính trị viên tiểu đoàn kể cho chúng tôi nghe cách đây ba năm, trong một đêm trước khi xuất phát tập kích vào một khu mỏ Hồng Gai. Đầu đề câu chuyện là: "Người Xô viết chúng tôi".

Du bắt đầu kể, anh em há hốc mồm, mắt mở to nhìn Du không chớp, nghe say sưa như nuốt từng lời. Du vừa kể vừa làm điệu bộ, nét mặt lúc vui, lúc buồn, lúc căm thù giận dữ. Ba năm rồi, nhưng Du không quên một chỗ nào kể rành rọt mạch lạc, chuyện hầu như đã thấm vào máu thịt Du.

Kể đến chỗ người phi công trẻ tuổi của Hồng quân Liên xô bị bắt, khắp người đầy vết thương, bông băng trắng toát. Trước những câu nói láo xược phạm đến Tổ quốc Liên Xô của tên tướng phát xít Đức, đồng chí phi công liền vùng dậy, lấy tay đập tan những chỗ bó bột, xé tung tất cả bông băng, máu ở các vết thương đầm đìa như tắm và nhổ một bãi nước bọt đầy máu vào mặt tên tướng phát xít.

Anh em ào ào đứng dậy như một đợt sóng biển, và hét lên như sấm nổ:

- Liên Xô anh dũng và vĩ đại muôn năm!

- Kiên quyết học tập tinh thần bất khuất của người anh hùng phi công Xô-Viết.

*
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #52 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2011, 05:45:40 pm »

Sáng mồng một tết, các lao kia chúng mở cửa cho anh em ra sân chơi, riêng lao này vẫn đóng kín mít. Chúng muốn cắt đứt liên lạc 123 anh em lao này với các lao khác.

Ở Côn Đảo có một số tù binh Ít-xa-rắc Khơ-me, tù án đến quét dọn, nhưng lại sợ liên lạc với nhau, thằng Giắc-ty nó bảo:

- Chon bọn tù Miên đến quét ở đấy.

Khối óc thực dân ngu độn của nó cho như vậy là đắc sách, nó nghĩ rằng là dân hai nước thì có thương yêu gì nhau.

Anh em Ít-xa-rắc đang ngồi, đem số quà bánh tết hôm qua còn lại ra ăn. Được tin đến quét sân ở lao tù binh Việt Nam liền không ăn nữa, có anh đã cắn dở một nửa cũng để dành. Anh em tập trung lại, lấy giấy báo gói cẩn thận và thêm cả 5 điếu thuốc lá.

Đến trước cửa lao, cho hai anh canh ngoài cổng, năm anh công kênh nhau lên chiếc cửa tò vò ở trên cùng kêu se sẽ:

- Các đồng chí Việt Nam!

Anh em trong lao nhìn lên ngạc nhiên:

- Ai đấy?

- Ít-xa-rắc Khơ-me!

Anh giòng giây thả bánh và thuốc lá xuống. Du chạy ra đỡ lấy, ngửng đầu lên định cám ơn thì các đồng chí đã xuống mất rồi. Anh em vây quanh xem gói gì, mở hai lớp giấy báo, có 8 mẩu bánh ngọt, 5 điếu thuốc lá, một mảnh giấy con bằng ngón tay, viết một giòng như bằng bút chì đỏ nắn nót:

- Khơ-me Việt Nam đoàn kết muôn năm!

Anh em hết sức cảm động trước bài học quốc tế thấm thía sâu xa đó.

Du chia bánh ngọt cho các đồng chí ốm nặng, Vịnh không ốm nhưng bé nhất lao cũng được một mẩu bánh khảo. Thuốc lá chia cho 20 người một điếu. Không ai ngờ tết này lại có thuốc lá "Bát tô". Vịnh cầm mẩu bánh tự nhiên nhớ đến Bằng, còn Bằng mỗi đứa ăn một nửa có phải thích không. Mắt Vịnh đỏ hoe, đến xin Du tờ giấy báo gói bánh ban nãy, bẻ đôi miếng bánh gói một nửa vào giấy. Du hỏi Vịnh:

- Ít thế mà em cũng để dành à? Ăn bénh đi đỡ chua mồm.

Vịnh không nén được, nước mắt trào ra:

- Em để dành cho Bằng!

Du ôm chặt lấy Vịnh, nói khẽ vào tai:

- Vịnh đừng nhắc nữa, ảnh hưởng đến tinh thần anh em.

Khắp lao, khói thuốc lá thân mến quyện vào nhau, tỏa thành từng cụm, và tan dần như sương. Du rít một hơi thuốc lá nuốt chửng vào bụng, thở từ từ ra lỗ mũi, bộ râu ông Táo đêm qua chưa rửa sạch, anh em lăn ra cười. Du cũng cười và nói:

- Cả Côn Đảo thương chúng ta, cả nước thương chúng ta, anh em nước bạn thương chúng ta, Lơ Gờ-rô cũng thương chúng ta, thế mà chúng mình không có gan sống, sống đến nơi đến chốn, sống đến hoàn toàn thắng lợi thì thật là xoàng.

*

Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #53 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2011, 06:43:05 pm »

Sau thời gian tết nhất xong, nội bộ Đảng họp, nhận thấy anh em trình độ văn hóa rất kém, nhiều anh em chưa biết đọc biết viết. Phải bồi dưỡng văn hóa cho anh em, thì việc học tập chính trị mới có kết quả.

Kế hoạch phổ biến toàn trại, anh em rất hoan nghênh, người nào cũng phấn khởi học văn hóa. Nhất là các anh em chưa biết chữ nghe nói được học văn hóa, thấy vui sướng náo nức như cậu học trò nhỏ, cắp sách theo mẹ đến trường khai giảng.

Cả lao chia thành 2 lớp: một lớp đã đọc thông viết thạo do Du phụ trách, một lớp vỡ lòng do Thê và Vịnh phụ trách.

Nhưng học thì phải có giấy mực, ở đây đào đâu ra. Anh em khắc phục bằng cách lượm san hô ngoài sân, viết lên nền xi măng. Việc lượm san hô cũng như lượm lá bàng, chúng nó thấy được, đều bị đổ máu.

Giờ ra sân, anh em hô giấu vào nách, vào đít, có khi ngậm vào mồm, đem vào lao. Viên nào thường thường thì anh em gọi là bút "Cao-lô", khá hơn một tí gọi là "E-rơ-vơ" và viên nào thật dài, thật tốt, viết mềm mại rõ nét được gọi là "Pa-ke" (1)

Ban lãnh đạo học tập chia cho mỗi người một khoảng xi măng làm giấy. Từng người lấy giẻ thấm nước lau bóng loáng như gỗ đánh "Véc ni tam-pông" anh nào vô ý dẫm lê nlà bị gắt ngay:

- Ô kia sao lại dẫm lên cả giấy tờ, sách vở người ta thế này?

Hai lớp học suốt ngày cặm cụi miệt mài, nhất là lớp vỡ lòng hăng hái tích cực hơn cả. Trong số này có bác Thái râu, người hôm nọ đóng Ngọc Hoàng Thượng đế năm nay đã 40 tuổi. Lần đầu tiên trong đời bác, cầm viên san hô viết lên những chữ mà gần suốt một đời người, thiết tha mong muốn.

Cả lao đến giờ học nằm chỗm hổm, tự thế cụ đồ nho, thành đội hình hàng dọc rất đẹp mắt.

- I tờ, tờ i ti, hai với hai là bốn, o tròn như quả trứng gà, 30 muốn chia cho 2 thì hạ 2 xuống và nói rằng...

Tất cả những âm thanh yêu mến làm cho nhà lao trở nên sáng sủa. Nhà lao đế quốc anh em đã biến thành một lớp học bình dân.

Cả trại từ đấy không ai nghĩ ra chuyện gì ngoài chuyện học. Bác Thái ngoài hai bữa ăn, suốt ngày khom lưng trên tấm xi măng của mình, tập đọc, tập viết chăm chỉ, ngoan ngoãn như một cậu học trò nhỏ đáng yêu. Du lấy gương bác Thái, động viên toàn trại, anh em rất cảm phục khi nghe bác nói:

- Tôi làm phu đổ rác từ bé đến già, muốn học nhưng không được học, suốt ngày còng lưng kéo xe rác như con bò, chưa đủ bát cơm mà ăn, còn thì giờ đâu mà học. Có năm tôi được Thành ủy thưởng cho bức thư chúc Tết của Hồ Chủ tịch, tôi cầm lấy nhìn vào chữ nghĩa của Cụ, như nhìn vào bức tường, vừa giận bọn cướp nước vừa tủi thân. Tôi phải nhờ anh em đọc hộ, vừa đi xe rác vừa học nhẩm từng câu như người học hát. Bây giờ được anh em dạy dỗ cho, không gắng mà học thì con ra thứ người gì nữa. Tôi cương quyết học, để tết năm nay có thể đọc được thư chúc tết của Bác.

Bác Thái còn kể cho anh em nghe:

- Năm 1950, bác ở khám Chí Hòa, có một anh cán bộ Huyện ủy vùng Bến-tre, Nam bộ, bị kết án tử hình. Chúng cho biết là 12 giờ trưa sẽ xử bắn, 9 giờ sáng đồng chí còn nhờ anh em nhắc cho bài chính tả để viết. Anh em nhìn đồng chí cảm phục đau đớn:

- Anh sắp chết rồi còn học làm gì nữa?

Đồng chí vẫn tươi tỉnh trả lời:

- Đối với người cách mạng, một phút cũng rất quý. Tôi còn sống đến ba tiếng đồng hồ, không học tập, không làm gì phí đi.

Tấm gương của bác Thái, của đồng chí cán bộ Nam bộ, làm mọi người quyết tâm cố gắng hơn.

Suốt 4 tháng liền, lớp vỡ lòng đã biết đọc biết viết. Giáo viên Thê và Vịnh hàng tháng đều được biểu dương. Vịnh suốt ngày chạy từ người này sang người khác, trên vành tai dắt một cây "Pa-ke 51" nắn nót từng chữ viết bài tập đọc cho anh em, cầm tay tập viết cho những anh em kém.

Các lao kia nghe tin lao này học tập văn hóa, cũng thi đua tổ chức các lớp học. Lao nào ban ngày phải làm việc khổ sai thì tổ chức học về đêm. Phong trào học tập văn hóa lan rộng toàn đảo.

_______________________________________________
(1): Tên các loại bút máy (B.T)

*
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #54 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2011, 08:37:43 pm »

Suốt 9 tháng liền anh em chỉ được ăn tuyền cơm và muối, cơm mỗi ngày chỉ được 300 gờ ram sau tăng lên 500 gờ ram. Cũng có hôm có cá, thứ cá khô để từ năm 1945, cầm lên tanh, thối, phải nôn mửa, có miếng lúc nhúc ròi.

Dù đói khát khổ sở anh em vẫn giữ vưng được tinh thần, việc học tập vẫn tiến hành đều đặn. Anh em các lao khác hết lòng giúp đỡ, có viên đường, thuốc lá, miếng thịt đều dành dụm bí mật trèo tường gửi qua. Suốt thời gian này, vì thiếu sinh tố nên phát ra nhiều chứng bệnh ghê rợn: nhiều anh khắp người nổi lên sần sùi như da cóc, từng hạt to và rắn như hạt ngô, nằm chạm phải đau như cắt ruột. Ít lâu những hạt ấy dụng dần để lại những lỗ sâu hoắm đục ngầu mủ, rất thối. Rất đông bị bệnh phù và một số anh em tự nhiên mắt bị mờ dần. Những bệnh tật ghê rợn ấy vẫn không làm tắt được tiếng đọc bài sang sảng, cộng, trừ, nhân, chia của anh em.

Bác Thái câm tờ báo đọc lầu lầu không kém gì mọi người, mặt bác hớn hở vui sướng như cậu học trò nhỏ được phần thưởng danh dự cuối năm.

Nhưng rồi một tháng sau, mắt bác bỗng mờ dần, nhìn vào tờ báo sáng sủa hôm nọ, bây giờ chỉ thấy đen sì. Bác kêu lên đau đớn:

- Ngày xưa nghèo khổ, nó đè đầu cưỡi cổ, già nửa đời người không biết chữ nhất là một, bây giờ anh em đồng chí dạy cho biết đọc biết viết, đế quốc lại chọc mù hai mắt mất rồi!

Anh em nhìn bác nghẹn ngào, uất ức. Sau một ngày đấu tranh tư tưởng, bác lại học. Bác nói:

- Tôi mù nhưng còn các đồng chí sáng, không đọc được nhưng viết được, mù mắt chứ không mù tay. Tôi phải học phải tiến bộ.

Suốt ngày bác lại còng lưng, cầm viên san hô rờ rẫm viết chữ nọ chồng lên chữ kia, anh em thương ứa nước mắt. Bác vẫn vui vẻ như không có việc gì, bác cũng đùa:

- Ấy, cậu nào đừng thấy tờ mù lòa mà viết lạm sang vở của tớ đấy nhớ. Vịnh ơi bày cho bác chữ "cương quyết". Chữ cươngg không nhỉ? Thế này đúng chưa? - tay bác thêm chữ g vào chữ quyết...

Trên đôi mắt mờ mờ của bác, sáng tỏa lên một tấm lòng quả cảm vô bờ.

*
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #55 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2011, 10:38:34 am »

Hai năm qua...

Tên chúa đảo Giắc-ty hy vọng rằng 123 thằng tù binh cứng đầu cứng cổ này sẽ tàn tật chết dần, chết mòn trong ngục tối. Ngày tháng, đói rét, bệnh tật trôi nhanh như một giòng thác, nhưng giòng thác đó không cuốn theo được một người nào. 123 anh em này không những không chết dần mục nát như ý muốn của nó, trái lại cứng rắn, vững chắc hơn.

Sức khỏe dần dần được hồi phục. Bệnh tê phù, da cóc, mờ mắt đều do thiếu sinh tố mà ra, anh em tù án hàng ngày đi làm, hái rau rừng, me chua về cho anh em ăn. Me chua thật đáng giá nghìn vàng, ăn đến đâu biết đến đó. Vịnh có hôm sướng quá reo to:

- Hoan hô me chua, mắt em đang mờ, đi dưới đèn chả thấy gì, ăn me vào bỗng sáng quắc như đèn pha ô tô.

Sau một thời gian tẩm bổ bằng rau rừng, me chua, anh em bị bệnh mờ mắt đã sáng ra như cũ. Bác Thái lại đọc được báo, bác cười khoái chí:

- Có thế chứ! Mắt người cách mạng có phải dễ mù đâu!

Song song với việc bồi dưỡng vật chất, văn hóa anh em được nâng cao về lập trường chính trị. Du, Thê phụ trách một khóa chỉnh huẩn tài liệu "Phục vụ nhân dân" trong hai tháng liền. Tài liệu này do Đảo ủy soạn, càng học càng thấm thía. Hai tuần liền kiểm thảo, liên hệ, phê phán, những sai lầm cũ, những tư tưởng đầu hàng, khuất phục giặc, không tin ở sức mình, giao động chán nản trước khó khăn đều được mổ xẻ phân tích, đạp cổ nó xuống hố, chôn nó xuống đất đen. Những tấm gương của lão Học, Bổn, Bằng, những lời trăn trối của anh Cả được anh em nhắc nhở hàng ngày, làm động cơ thúc đẩy tinh thần học tập, thành khẩn kiểm thảo.

Đến bây giờ anh em mới hiểu hết câu nói từ xưa nay vẫn nói:

- Các đồng chí chết nhưng tinh thần các đồng chí mãi mãi sống trong lòng chúng ta.

Tin tức thắng lợi ở đất liền luôn luôn nhận được. Các chiến thắng lớn của Tổ quốc là những liều thuốc bổ quý giá cho anh em. Sau mỗi tin chiến thắng, anh em thấy bệnh tật lùi đi, người khỏe hơn lên.

Mùa hè 1954, tin chiến thắng Điện Biên Phủ như một trận bão lớn từ đất liền thốc ra Côn Đảo, cuốn hết tất cả những u tối đau thương. Nếu có một chiếc máy bay từ Điện Biên Phủ giải phóng ra đến Côn Đảo, sẽ thấy những người trên đất liền và những người ngoài bể khơi, miệng cùng một lúc, cất tiếng hát chào mừng thắng lợi vinh quang của Tổ quốc, ca ngợi những lớn mạnh hùng vĩ của quân đội nhân dân.

Tin hội nghĩ Giơ-ne-vơ làm cho anh em càng tin tưởng hy vọng, nhiều đêm cả lao đều thức, chong đèn bàn tán đến sáng.

- Có lẽ cũng giờ phút này cách đây 2 vạn cây số, bên Giơ-ne-vơ xa xôi, đồng chí Phạm Văn Đồng đang đấu tranh quyết liệt trước hội nghị quốc tế, đòi lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chắc cũng có nhiều đêm đồng chí nằm gác tay lên trán, nghĩ đến anh em tù Côn Đảo, mà ứa nước mắt, quyết tâm càng sôi sục trong lòng đồng chí: Phải đòi cho bằng được các đồng chí Côn Đảo, các đồng chí trong tất cả các nhà tù địa ngục của đế quốc trên đất Đông dương về. Các đồng chí khổ lắm rồi.

Rồi được tin chính phủ Bi-đôn láo xược đòi chính phủ ta nếu muốn lập lại hòa bình thì phải tập trung bộ đội chủ lực lên rừng, giải giáp bộ đội địa phương và du kích, để đồng bằng phì nhiêu lại cho chúng. Anh em cầm tờ báo Việt gian đọc đến đoạn này, không thể kìm được nữa, xé tan tờ báo thành hàng trăm mảnh, ném xuống đất lấy chân mà chà nát những lời láo xược, tưởng như đang chà nát lên sọ dừa bè lũ đế quốc hiếu chiến.

Bác Thái trợn mắt nghiến răng kèn kẹt, tay nắm chặt quả đấm như sắp sửa đánh ai:

- Các đồng chí bộ đội làm một chiến dịch Điên Biên Phủ nữa đi, để vả vào mồm quân láo xược! Có hòa bình được thì hòa bình, bằng không các đồng chí Điện Biên Phủ liên tiếp cho chúng tôi! Chúng tôi có gan ở đây 5 năm, 10 năm, chờ đến hoàn toàn thắng lợi, các đồng chí đem tàu chiến ra đón chúng tôi về một thể.

Nghe bác Thái nói, Vịnh nghĩ thầm:

- Bác Thái ở đây thêm 10 năm nữa thì giỏi hơn tú tài, ai dám làm giáo viên cho bác.

Rồi lại được tin Bi-đôn đổ như một cây gỗ mục gặp cơn gió to. Chính phủ Măng-đét-phờ-răng lên thay tiếp tục đàm phán với chính phủ ta.

Hội nghị có nhiều triển vọng. Anh em cũng biết cả chuyện thằng ngoại giao Mỹ "Sán-sơ-mít" (Xít-mít) như chó dại cùng đường bỏ về rồi chạy đến mặt méo xệch như bị ăn mày, nó run sợ vì trái đất không còn chiến tranh nữa. Hòa bình sẽ đá cổ nó xuống vực sâu, chế độ tư bản rận chấy của chúng sẽ biến thành bọt xà phòng. Vua xe tăng, vua ô tô, vua tàu hỏa chẳng mấy lúc nữa thay đổi can qua, thành con lão thầy chùa đi quét cứt sắt!

Ngày 22 tháng 7 năm 1954, Côn Đảo một buổi trưa nắng đẹp chan hòa cỏ cây, ngoài sân lao những cây lá bàng xanh thêu nắng. Đàn chim sẻ chuyền từ cành này sang cành khác, kêu chích chích trên mái lao. Những đôi chim cu gục đầu vào nhau tình tự yêu đương. Rừng xa xa tiếng chim chèo bẻo hót véo von, trong trẻo tươi vui như một khúc hát đơn thanh.

Trên nhà gác, tên chúa đảo Giắc-ty, tay chắp sau lưng, vẫn cầm roi, mặt nó cúi gằm xuống đất, đi đi lại lại, như người bị trói.

Tin đình chiến loang về! Hai bên sẽ trao trả tù binh!

Tiếng reo của 2300 anh em tù Côn Đảo chuyển rung tất cả những mái ngục đen tối. Du, Thê, bác Thái, Vịnh và tất cả lao vui mừng quá, nước mắt trào ra từng đợt theo tiếng hoan hô. Những phút vui này có quyền khóc lắm chứ.

Tiếng hát Quốc ca, Quốc tế ca, Bao chiến sĩ anh hùng, Kết đoàn như một dòng sông dài vô tận chảy từ lao này qua lao khác. Tên chúa đảo, bọn cai ngục tưởng như chết ngợp trong dòng sông ấy.

Bọn lính Pháp, lính Phi cũng hát buồn thảm, thương vợ nhớ con, không muốn đánh nhau nữa, muốn về quê hương xứ sở của mình.

Tên chúa đảo Giắc-ty cũng hát! A ha không phải nó hát, nó khóc anh em ạ, mồm nó méo lại như cái miệng hố xí đào lâu ngày. Nó đang lo tù binh trao trả hết, nó không được đánh, được thấy máu người Việt Nam chảy, đời nó còn gì là vui sướng lý thú, bữa ăn còn gì là ngon? Vì nó đã nói:

- Mỗi bữa ăn, chưa thấy máu bọn tù chảy, bữa ăn đó không biết ngon.

Máu của chúng ta là rượu "Sâm-banh" và đêm khiêu vũ của chúng nó!

Mảnh cờ tam tài trước lao ủ rũ như một cánh chim quạ bị thương.

Sau ngày đình chiến hai tuần, những chiếc tàu lần lượt ra đảo chở anh em về nơi trao trả.

Côn Đảo người vợi dần... đau thương vợi dần... 123 anh em tù binh hồi hộp, hi vọng chờ đến lượt mình. Nhưng bọn hiếu chiến ngoan cố không muốn cho số tù binh cứng đầu cứng cổ này về. Chúng đã nghĩ cách chuyển 123 anh em này và một số đông tù án thành tù ăn cắp ăn trộm, giam anh em mãi mãi ở Côn Đảo và thủ tiêu dần.

Âm mưu chúng nó đen tối, nhưng mắt của Đảng sáng rực như mặt trời. Đảo ủy kêu gọi toàn đảo tuyệt thực chống âm mưu thâm độc của kẻ thù.

Hàng ngàn cánh tay cùng đưa lên một lúc như hàng ngàn thanh đường sắt ngăn cản hành động vi phạm hiệp định "Giơ-ne-vơ". Anh em không cơm không nước, suốt 10 ngày liền, nước lã cầm hơi, hô khẩu hiệu. Đói, đói kinh người nhưng óc anh em vẫn sáng suốt, tinh thần vẫn nguyên vẹn như là xi măng cốt thép. Du hô khẩu hiệu môi bật máu đỏ ngầu.

Vịnh bốn ngày không cơm vẫn hát, tiếng hát đứt quãng như xé cổ họng.

Cũng giờ phút này cách Côn Đảo 2000 cây số, tại làng Trung Giã, thiếu tướng Văn Tiến Dũng đấu tranh quyết liệt với phái đoàn quân sự Pháp, đòi anh em Côn Đảo về cho bằng được. Tiếng nói chính nghĩa của Đảng trên đất liền, của Đảng ngoài bể khơi, thành một tiếng sét, đã làm cho bọn ngoan cố hiếu chiến phải chùn tay sợ hãi.

Đấu tranh hoàn toàn thắng lợi, chúng phải đồng ý đưa 123 anh em này về trước. Anh em trước khi về, đòi chúng cho ra thăm nghĩa địa Côn Đảo. Chúng không cho, anh em hô tuyệt thực!

Chúng phải đồng ý.

Anh em tập họp trước ngọn đồi nghĩa địa, mồ mả trắng xóa không biết bao nhiêu ngàn chiếc. Tất cả tội ác rùng rợn của đế quốc đã ghi lại ở đây. Du cúi xuống nhặt ba tấm thể tù bỏ vào túi, đem về cho đồng bào thấy để nung nấu thêm căm thù.

Tất cả anh em cúi đầu 10 phút mặc niệm những người đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Không khóc, nhưng răng nghiến chặt, mắt đỏ ngầu căm thù dữ dội:

- Báo cáo với các đồng chí, Tổ quốc vinh quang của chúng ta đã đến giờ thắng lợi. Chúng tôi về gặp Tổ quốc để tiếp tục truyền thống vẻ vang của các đồng chí.

*
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Mười Hai, 2011, 10:49:09 am gửi bởi crawling0805 » Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #56 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2011, 05:59:24 pm »

Sớm hôm nay nắng đẹp hơn tất cả hôm nào, chim hót, hoa nở. Một chiếc tàu ra đón 123 người chiến sĩ gang thép trả về Tổ quốc Việt Nam.

Anh em cười, reo, nhảy múa, hoan hô, tưởng gần như hóa điên! Bác Thái chập bốn viên san hô lại một lúc, viết lên bức tường còn hoen nhiều vết máu:

- Hồ Chủ tịch muôn năm!

Cả lao đều làm theo. Vịnh vẽ một con chim hòa bình to bằng con bê. Mười phút sau, khẩu hiệu chi chít đầy tường. Có đồng chí viết ngay trước cửa ra vào:

- Trường bình dân học vụ của cán bộ và chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam!

Có đồng chí trèo cả lên trần mà viết, có đồng chí viết cả ca dao:

Bao giờ trạch đẻ ngọn đa,
Thì quân đế quốc với ta hết thù.
Bao giờ sáo đẻ dưới hồ,
Thì ta mới hết căm thù thực dân.
Bao giờ trăng khuyết hôm rằm,
Trăng tròn mồng một thực dân thương mình.
Bao giờ đá nổi lềnh bềnh,
Bóng chìm đáy nước đấu tranh mới ngừng.


Một đồng chí khác viết:

- "Ta rất sung sướng và vinh dự vô cùng vì được làm con của Tổ quốc anh hùng Việt Nam".

Bác Thái đứng ngắm mãi dòng khẩu hiệu mới viết xong. Bốn mươi năm mong ước, hôm nay bác đã viết được rồi, và viết một cách đầy ý nghĩa.

Anh em tù còn lại trên Côn Đảo gửi anh em về một chiếc can và hộp đựng thuốc lá bằng gỗ găng, một thứ gỗ tốt nhất ở Côn Đảo dâng Bác Hồ. Báo cáo với Bác đây là món quà của 2300 anh em tù Côn Đảo. Chúng cháu làm những món quà này trong những ngày đen tối nhất ở Côn Đảo nhưng vẫn tin nhất định có ngày về gặp Bác.

Việc đem được những vật này xuống tầu rất khó, chúng nó thấy được sẽ tịch thu ngay. Du liên lạc với Lơ Gờ-rô nhờ đem xuống tàu giúp.

Lơ Gờ-rô nhìn chiếc can và hai hộp thuốc lá suy nghĩ tần ngần:

- Chúng nó bắt được có thể tống cổ tôi vào xà lim thay các anh.

Lơ Gờ-rô hỏi:

- Đem về để làm gì thế?

Du cầm chặt bàn tay to lớn của Lơ Gờ-rô nói sẽ vào tai:

- Đem về dâng Hồ Chủ tịch!

Lơ Gờ-rô nhắc lại sẽ hơn:

- Dâng Hồ Chủ tịch?

Đôi mắt Lơ Gờ-rô đầy vẻ kính mến:

- Đem về dân Hồ Chủ tịch thì khó khăn mấy tôi cũng đem về. Hồ Chủ tịch là bạn tốt của người da đen chúng tôi.

Lơ Gờ-rô cầm hai vật kỷ niệm quý báu đó, bọc vào giấy  báo, giấu vào áo đi mưa đem xuống tàu, anh em công nhân trên đảo cũng bí mật gửi đến một tập vải đỏ vải vàng để may cờ Tổ quốc.

Đến giờ xuống tàu, anh em tập họp ở sân và hô to:

- Chúng tôi về tiếp tục đấu tranh để đòi các anh về.

Các lao khác chúng đóng chặt cửa nhưng anh em vẫn nói vọng ra:

- Anh em về mạnh khỏe, chúng tôi gửi lời thăm đồng bào, thăm Tổ quốc.

Anh em rầm rập kéo xuống tàu thủy hiên ngang như chiến sĩ chiến thắng Điện Biên Phủ. Bọn cai ngục, lính gác vác súng đứng hai bên, bác Thái bảo:

- Đấy là tù binh của chúng ta mới bắt được.

Anh em nhìn lên cột cờ trên nóc tàu, thấy cắm một lá cờ quẻ ly trơ trẽn hôi thối như tấm giẻ rách chùi đít. Gió của Tổ quốc từng đợt lướt qua giận dữ như muốn xé tung lá cờ bán nước. Lá cờ quằn quại sợ hãi.

Du đại diện cho anh em đề nghị với sĩ quan trên tàu hạ ngay lá cờ xuống. Nó không hạ, anh em hô tuyệt thực, nó hốt hoảng hạ xuống ngay. Vũ khí tuyệt thực lợi hại không kém gì cao xạ pháo trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Tàu nhổ neo, mũi tàu hướng về mũi Cà Mau. Anh em bỗng nao nao nhớ đến những đồng chí hi sinh trên biển cả năm kia. Tất cả đứng trên boong tàu, nhìn xuống bể, hàng triệu đợt sóng rập rờn như cánh tay của anh Cả đang vẫy chào anh em. Tiếng anh Cả văng vẳng bên tai mọi người:

- Nhắm mắt lại hy sinh vẫn nhìn thấy tương lai của đất nước, nhìn thấy thắng lợi cuối cùng của giai cấp...

Lúc anh sống đã dìu dắt anh em qua những đoạn đường đấu tranh gay go nhất, không có anh, phong trào toàn đảo đâu được như ngày hôm nay.

Bình tĩnh, sáng suốt, cảm hóa mọi người bằng chính sách của Đảng, của Hồ Chủ tịch, lãnh đạo chiến đấu với một lòng tin vững như núi. Những đức tính quý báu của anh đã thấm vào lòng từng người.

Lúc anh chết, trăn trối của anh trở thành một phương châm chiến đấu. Gặp khó khăn nhớ đến lời của anh, khó khăn như bớt đi một phần.

123 anh em cúi đầu nhìn xuống bể, và thấy dưới màu xanh không đáy này, đôi mắt hiền từ của anh Cả nhìn lên sung sướng mỉm cười:

- Các đồng chí thật xứng đáng là cán bộ, quân đội cách mạng. Bước đường đấu tranh hòa bình còn gay go, các đồng chí dũng cảm lên hơn nữa. Tôi vẫn ở cạch các đồng chí.

Một ngọn sóng lớn lướt sát đạp vào mạn tàu vỡ tung tóe, bọt trắng xóa tan dần như một mái tóc bạc sắp chìm... Mắt anh em bỗng đỏ hoe, nghĩ đến lão Học người đồng chí trung kiên:

- Cụ Hồ đã phái tàu chiến của Pháp ra đón anh em, thì lão không còn nữa mà về! Câu nói của lão hoàn toàn đúng: Bể rộng lắm, nhưng mà chí Đảng ta, chí chúng ta rộng hơn... Hôm nay đã có ngày về.

Vịnh đứng ngả đầu vào vai Du nức nở:

- Bằng ơi Vịnh được về gặp Bác Hồ, ăn dừa xiêm, sầu riêng rồi, Bằng đời đời ở lại với bể, với sóng...

Du cũng thấy lòng quặn thắt lại, hình ảnh thằng em đầu trọc đầy sẹo, vác tôm-sông đuổi một thằng giặc to lớn gấp đôi... Thuyền sắp sửa chìm, ôm Du hôn và xin nhận làm anh ruột... Được kết nạp vào Đảng... 18 tuổi đầu nhảy xuống bể hy sinh, không một giọt nước mắt! Bình tĩnh, anh dũng như nhảy vào đồn địch. Bằng ơi!

Bác Thái râu, tay nắm chặt vào thành tàu, nhìn hút về phía chân trời, một tảng mây trắng lởm chởm như núi đá, đứng dựng giữa nền trời xanh biếc. Bác lẩm bẩm một mình:

- Bổn nó đứng trên núi đá lao đầu xuống vực thẳm mà nó không sợ. Trái lại kẻ thù bừng mặt khiếp hãi rú lên. Đầu nó vỡ tan nhưng tinh thần nó vẫn sống mãi với anh em suốt hai năm nay.

Nghĩ đến đó, tay bác bỗng nổi gân cuồn cuộn nắm chặt thanh sắt ở boong tàu, lay lay như muốn bẻ gãy, cười gằn dữ tợn:

- Một dân tộc anh hùng như thế mà chúng mày mong đè đầu cưỡi cổ thật là ngu hơn chó dại!

*
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #57 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2011, 06:02:28 pm »

3 giờ chiều, đứng trên tàu đã thấy rõ đất liền Nam bộ.

- Tổ quốc kia rồi anh em ơi!

- Nam bộ thành đồng Tổ quốc kia rồi anh em ơi!

Tiếng hét, tiếng reo hò ào ào nổi lên át cả tiếng sóng, tiếng máy. Những hàng dừa cao tít, những mái ngói đỏ tươi, hiện rõ dần như có một bàn tay họa sĩ vô hình tô đậm dần màu sắc đường nét cảnh vật lên. Những cảnh quen thuộc ấy anh em nhìn mãi, như mới thấy lần đầu tiên. Ai cũng nghĩ:

- Tổ quốc chúng ta đẹp quá! Tổ quốc chúng ta giàu có bao la.

Tàu đỗ cách bến 200 thước, người đi lại trên bờ đông như kiến. Anh em chạy cả lên boong tàu, cởi áo, khăn mặt, vẫy quấn quýt, vừa vẫy vừa gọi. Anh em tập trung lại từng toán đông, đếm hai... ba và cùng gọi:

- Đồng bào Nam bộ ơi! Anh em từ Côn Đảo về đây rồi.

Tiếng kêu rung vang, theo sóng bể chạy thẳng vào bờ. Đồng bào trong bờ đã nghe thấy nhưng không dám trả lời, vì lính tây, mật thám, súng lưỡi lê tuốt trần, sẵn sàng cắm phập vào bụng kẻ nào muốn biểu lộ tình thương yêu dân tộc, thương yêu Tổ quốc thiêng liêng của mình.

Trong bờ bỗng chạy ra một đoàn ca nô, trên ca nô chật ních cả người. Anh em bàn tán:

- Có lẽ anh em tù chăng?

- Khám nào nhỉ?

- Có lẽ khám lớn Sài Gòn.

Anh em nhìn đoàn ca nô tiến gần lại, không chớp mắt. Chiếc đầu toàn là phụ nữ có cả trẻ con nữa. Anh em vẫy tay, các chị cũng khoa nón vẫy tay, rồi hoan hô reo hò ầm ĩ, trên tàu dưới ca nô đầm đìa nước mắt. Bọn thủy thủ nhìn anh em ngạc nhiên:

- Chúng nó không quen biết gì nhau mà sao lại có thể thương nhau đến thế?

Ca nô cập mạn tàu, bọn thủy thủ bắc chiếc cầu cho các chị sang tàu. Các chiếc sau cũng vừa đến, đông đến 700, 800 là ít, gần 300 chị phụ nữ. Những đứa bé trên tay mẹ cũng vẫy tay, cũng hoan hô. Các em này đẻ và lớn lên trong ngục tối của đế quốc, hòa bình đã đem các em ra ánh sáng tự do.

- A kìa, cười kìa! Cười kìa! Ối giời ơi cái mồm nó xinh quá, dễ thương quá!

Vịnh muốn nhảy ra ôm lấy một đứa mà hôn, mà cắn cho thỏa thích. Anh em chạy cả xuống để giúp các anh các chị sang tầu. Anh bế con, anh đỡ xắc dìu các chị lên. Các chị hầu hết là người Nam bộ. Một chị đưa con cho Thê và nói:

- Cháu lên ba rồi đấy, tôi đẻ cháu giữa sở mật thám ngay ở trong phòng tra tấn, bú sữa tù, ăn cơm tù suốt ba năm nay. Cháu nhỏ thế chứ hát được nhiều bài Bác Hồ lắm.

Chị nhìn con âu yếm:

- Nào con hát Bác Hồ cho má và các bác nghe nào.

Đứa bé nũng nịu nép vào ngực Thê, má nổi lên những đường gân xanh, hát khe khẽ:

- Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng.

Bác Thái cúi xuống dìu một chị có đứa con gái đã lớn, chị chỉ đứa con và nói:

- Cháu bị bắt từ năm lên hai, năm nay lên bảy, cháu có danh sách trong số tù binh trao trả cho ta và được bộ chỉ huy Pháp liệt vào hạng I.D (interné dangereux: tù chính trị nguy hiểm số một) đấy.

Người "tù chính trị nguy hiểm số 1" này cầm tay bác Thái hỏi:

- Bác ơi bác, sao lông mũi bác dài thế?

Anh em chung quanh phá lên cười, bác Thái cười ngặt nghẹo bế em vào lòng:

- Bác lớn thì lông mũi bác phải dài chứ.

Nhưng em gái vẫn không kém lý luận:

- Thế sao má cháu cũng lớn mà không có lông mũi?

Cả tàu lại ôm nhau mà cười, bác Thái nhấc em bé lên cao vừa nói, vừa cười ha hả:

- Anh em ơi, tù chính trị nguy hiểm số 1 của quân đội Pháp đây anh em ơi!

Tên quan một thủy binh trên tàu thấy anh em cười chảy nước mắt nước mũi, nó hỏi:

- Cái gì mà các anh cười lắm thế?

Một đồng chí quay lại trả lời nó bằng tiếng Pháp:

- Chúng tôi vui quá vì quân đội Pháp trả cho chúng tôi một tù chính trị nguy hiểm hạng nhất.

Vừa nói anh vừa chỉ em gái bác Thái đang bế.

Tên quan một cúi gằm mặt quay đi.

Chiếc ca nô chở phụ nữ lên gần hết, Du chợt nhớ ra hỏi:

- Khám nào đây hở chị?

- Khám Chí Hòa!

Du đứng ngẩn người:

- Khám Chí Hòa?

- Dạ, khám Chí Hòa.

Du chưa kịp nghĩ thêm gì nữa thì một chị mặc áo màu nâu non, giọng nửa Bắc nửa Nam:

- Nhờ anh đỡ hộ xắc cho em với.

Du đưa tay đỡ cái xắc vải trắng có thêu đôi chim bồ câu chụm đầu vào nhau, và một tay với xuống dìu chịu lên. Chị ngước cặp mắt to đen ánh như hạt nhãn, nhìn Du và định nói:

- Cám ơn đồng chí!

Chị bỗng đứng sững, tay run run, môi mấp máy không ra tiếng:

- Anh Du!

- Thơm!

Các chị Nam bộ thấy hai người nhận ra nhau xúm quanh hỏi:

- Thơm gặp người nhà à? Anh ruột đấy à?

Thơm nước mắt ràn rụa, nước măt sung sướng yêu thương. Thơm muốn gục đầu vào lòng Du mà khóc, khóc thật to như ngày còn bé, nhưng Thơm vẫn đứng yên.

Anh em thấy thế chạy ùa cả lại, vòng trong vòng ngoài, cười nói ồn ào:

- Chị Thơm của anh Du đâu? Đâu?

- Chị mắt to, đen sáng đấy.

- Hoan hô chị Thơm, anh Du! Hoan hô hòa bình, hạnh phúc!

Má Thơm đỏ ửng như hai trái đào chính, mắt Thơm ngời ngời lóng lánh qua ánh nước măt, tóc bay lõa xõa trên trán, trên vai, trên má. Tiếng các chị Nam bộ reo lên trong trẻo, như một đàn chim họa mi hót vang, ca ngợi nắng mùa xuân.

- Thơm gặp chồng rồi chị em ơi!

- Chồng Thơm là tù Côn Đảo.

- Ừ, tù Côn Đảo, Đại đội trưởng biệt động đội Bắc Hải Phòng.

Hai giờ sau tàu mở máy thẳng về hướng Bắc.

Du ngày hôm đó không ăn uống gì hết, cười nói suốt ngày, chuyện nở như ngô rang. Thê đùa:

- Đầu tóc cậu rối bù thế kia trông xấu như quỷ, khéo chị ấy lại chê đấy.

Vịnh cũng góp vào:

- Chị Thơm trẻ quá nhỉ, trông chỉ bằng em anh Du thôi.

Bác Thái cốc vào đầu Vịnh:

- Thằng khỉ này rõ ngớ ngẩn, em chứ là chị à?

Tất cả cười lăn cười lóc. Nắng chiều đổ dìu dịu xuống mặt bể, trên trời mây xanh trong ngần, tươi mát như lòng một đôi trai gái yêu nhau.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #58 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2011, 08:50:33 pm »

Trong chiếc tày này, bọn chúng chia Côn Đảo ở một bên, khám Chí Hòa ở một bên. Anh em Côn Đảo ngồi quây quần bàn chuyện may cờ:

- Chúng ta có vải rồi, nhưng toàn đàn ông thô kệch cả, vả lại không có kim chỉ, vậy chúng ta đi nhờ... nhờ ai nào?

Tất cả reo lên:

- Thơm, Thơ...ơ...ơ...ơm.

- Ai đi nhờ?

- Du. Du.. u...u...u

Vịnh đang bế một em bé, hôn chùn chụt vào đôi má phúng phính bánh đúc của nó, cũng reo:

- Du! Anh Du.

Thằng bé giật mình, toét miệng cười, đưa bàn tay nhỏ xíu sờ vào mũi Vịnh.

Tối hôm đó, Thơm cũng xin ban đại diện sang thăm Du. Ban đại diện đồng ý cả hai chân chân hai tay. Du và Thơm gặp nhau giữa boong tàu. Hai người đứng sững một hồi, Du cố trấn tĩnh tiến đến nắm chặt tay Thơm. Nước mắt Thơm nhỏ xuống bàn tay Du nóng hổi. Du nói:

- Thơm ạ, Bằng gởi lời về thăm em và nhận em và anh làm anh chị ruột.

Thơm ngước cặp mắt đen lánh:

- Bằng là ai hở anh?

Du kể lại cho Thơm nghe. Thơm khóc nức lên từng hồi.

Du an ủi:

- Thôi, Thơm đừng khóc nữa, khóc em Bằng thêm khổ. Bằng hy sinh cho chúng ta đoàn tụ. Chúng ta sẽ cố làm việc, trả thù cho Bằng.

Mặt bể tối dần, Du bỗng nôn nao nhớ... Cách đây hai năm, một đêm như đêm nay, cũng vào giờ này Du trôi lênh đênh trên mặt bể, tay Du sắp sửa buông xuôi, thì Thơm hiện ra, đầm đìa nước mắt. Không ngờ hôm nay lại đứng cạnh Thơm, Du lo sợ tưởng đây chỉ là một giấc mê.

Thơm sờ bàn tay Du, bỗng thấy chiếc nhẫn:

- Nhẫn anh vẫn giữ đấy à?

Du nắm chặt tay Thơm, hai bàn tay mềm mại nóng ran tưởng có chất sơn đang gắn chặt vào tay Du.

- Đời nào anh để mất được hở Thơm?

Du bỗng nhớ ra nhiệm vụ anh em cử:

- Anh em Côn Đảo nhờ em may hai lá cờ đỏ sao vàng.

Du trao gói giấy bọc vải đỏ vàng cho Thơm. Thơm ôm vào ngực kính cẩn. Du nói:

- Thôi Thơm về nghỉ đi, kẻo mệt.

Thơm vẫn đứng yến tần ngần nhìn Du. Tai Du bỗng nóng ra, đầu bừng bừng, trống ngực nện thình thình, hồi hộp quá! Du nhìn quanh, vắng vẻ, bóng cột tầu đổ xuống như che khuất cho hai người. Du mím môi cố thu hết nghị lực, tay chân như có hàng trăm con vật nhỏ li ti chạy trong máu. Gió, sóng tàu, như ngừng cả lại, Du kéo mạnh tay Thơm. Thơm ngã vào lòng Du. Du cúi xuống mắt hoa lên đặt một chiếc hôn nóng hổi lên môi Thơm, ngây ngất vui sướng. Cặp môi ấy như gắn chặt vào nhau, một phút sau mới rời ra. Nước mắt Du chảy chan hòa lên gò má Thơm:

- Thơm ơi! Thơm bị kết án chung thân, anh bị đày ra Côn Đảo, không ngờ hôm nay chúng ta gặp nhau. Chúng ta suốt đời không bao giờ quên được công ơn cách mạng.

*
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #59 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2011, 06:02:58 pm »

Trong những ngày đi trên mặt bể anh chị em Chí Hòa, Côn Đảo suốt từ sáng đến chiều quấn quýt chuyện trò. Hát hò, đánh cờ tướng, kể hết chuyện này sang chuyện khác, vui hơn ba ngày tết.

Tiếng Bức nhẹ nhàng, tiếng Trung đằm thắm, tiếng Nam chất phác sôi nổi chen nhau cười đùa huyên náo. Không ai dám bảo đây không phải là anh em ruột thịt một nhà.

Anh em ở Côn Đảo có một số áo quần rách rưới quá, các chị lấy vải định may áo quần khâu cho mỗi anh một chiếc quần đùi. Chị Liên người Sài Gòn, xé nửa cái chăn vải, khâu cho bác Thái một cái áo cổ vuông.

Bác Thái mặc vào, anh em reo lên:

- Ơ bác Thái bảnh trai quá! Bác Thái trẻ quá!

Thê cầm vạt áo bác Thái lấm tấm hoa tím chen lẫn hoa vàng, cười:

- Có cái áo này mà đóng "Ngọc Hoàng Thượng đế" thì đẹp phải biết.

Anh em sực nhớ chuyện bác Thái ngồi vắt chân chữ ngũ, lăn ra cười đau cả bụng. Một anh ở khám Chí Hòa, nhưng quê Bắc Ninh đưa cái xắc vải hoa có thêu một nhánh hoa hồng đỏ thắm nói với Du:

- Chị Song người Bến Tre cho tôi đấy. Được tin chúng tôi về, chị thức suốt hai đêm để thêu.

Du hỏi:

- Thế chị ấy không về à?

- Chưa được về, hiện nay ở khám Chí Hòa. Chúng còn giữ lại một số rất đông các má, các chị Nam bộ, các má, các chị đang tiếp tục đấu tranh để được về.

Một anh khác nói:

- Tôi lại có cả ca dao của các em bé Nam bộ chép tặng mới thích chứ.

Rồi anh rút sổ tay oang oang đọc luôn:

- Trong tù cháu bé miền Nam,
Nhìn về Hà Nội nhớ thương bác Hồ.
Bác ơi mỏi mắt cháu chờ,
Đến ngày độc lập Bác vô trong này.
Cho đàn cháu nhỏ cầm tay,
Hôn Bác lên trán thỏa ngày nhớ thương.


Một đồng chí già ngồi tỉ tê với bác Thái:

- "Tôi từ bé đến lớn chưa bao giờ khóc thế mà hôm sắp đi, các má, các em ôm lấy chúng tôi khóc rưng rức, vừa khóc vừa nói:

- Các đồng chí ra nói với đồng bào miền Bắc, với Cụ Hồ, đồng bào Nam bộ mỗi người chỉ có một quả tim nên cũng chỉ có một Tổ quốc, một Cụ Hồ mà thôi. Đồng bào Nam bộ chết sống cũng quyết đấu tranh đến thống nhất, độc lập hoàn toàn, mời Cụ Hồ vô thăm Nam bộ.

Nghe nói tự nhiên tôi cũng òa lên khóc như trẻ con."

Đồng chí kể đến đây nước mắt ứa ra lăn xuống má.

Một anh 18, 19 tuổi, chiến sĩ chủ lực quê ở Hà Nam cũng bị giam ở khám Chí Hòa, kéo tay Vịnh đến cái xắc của mình:

- Anh ngồi đây, tôi cho xem cái này quý lắm.

Anh mở xắc, lục dưới đáy ra một túi bằng vải hoa lấm tấm, mở túi lấy ra một gói vải xanh, mở gói vải xanh một gói bọc ny lon vàng. Vịnh trố mắt không hiểu cái gì mà gói cẩn thận thế, anh kia đưa gói ny lon hỏi Vịnh:

- Anh có biết trong này đựng gì không?

Vịnh lắc đầu, tò mò:

- Chịu thôi, gì mà quý thế?

Anh lại đưa lên mũi Vịnh:

- Ngử xem?

Vịnh ngửi ngửi:

- Chẳng thấy gì cả, gói ny lon không bắt được hơi.

Anh ta lại đưa lên mũi mình hít một cách say sưa như hôn một đóa hoa:

- Thơm lắm! Thơm lắm!

Vịnh càng tò mò:

- Cho xem đi, sốt ruột lắm.

Anh này nhích lại gần Vịnh, mở gói ny lon ra, ở trong là một nắm đất nâu nâu, có dính vài lá cỏ khổ.

Vịnh đưa tay bóp bóp hòn đất:

- Đất chứ gì mà quý thế?

Anh này nhìn nắm đất trìu mến thiết tha:

- Nó là đất thôi, nhưng là đất Nam bộ. Hôm tôi ra đi, chị Nguyệt người Bà Rịa, cùng quen nhau trong những ngày tra tấn ở sở mật thám. Chị chạy theo dúi vào tay tôi nắm đất này và nói:

- Anh giữ lấy nắm đất miền Nam. Anh ngó đến nắm đất, thì đừng quên đồng bào Nam bộ.

Vịnh, nhìn nắm đất tần ngần quyến luyến:

- Anh cho tôi một nửa đi, tôi là người Nam bộ.

Anh này nhìn Vịnh:

- Anh là người Nam bộ à? Thế thì tôi cho.

Anh móc túi lấy chiếc mùi xoa trắng san miếng đất ra làm hai đưa cho Vịnh:

- Anh giữ cẩn thận nhé, rơi đi một hạt là đau lòng lắm.

Đôi bạn trẻ ngồi sát vào nhau, hai người nắm hai gói đất, nói chuyện như hai anh em ruột.

*
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM