Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:32:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vượt Côn Đảo  (Đọc 58001 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« vào lúc: 06 Tháng Tám, 2011, 11:00:58 pm »



Tác giả: Phùng Quán
Nhà xuất bản Thuận Hóa - 1987
Người thực hiện: Crawling0805

Phần Một

Tất cả tù Côn Đảo đều gọi Côn Đảo là địa ngục, một thứ địa ngục trần gian. Nghe người ta nói ở địa ngục, trên có Diêm Vương hung ác, dưới có bọn quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa. Để hành hạ người chết, có vạc dầu nấu sôi, sông lúc nhúc mãng xà rắn rết, có chỗ cưa chân xẻ tay, róc thịt chẻ xương.

Không biết có địa ngục và địa ngục có những cảnh đó không, nhưng ở Côn Đảo, những cảnh đó không thiếu gì, và còn gấp trăm gấp nghìn thế là khác.

Côn Đảo không có Diêm Vương, nhưng có chúa đảo Giắc-ty. Thằng này là một tên quan tư, làm cai ngục 20 năm. Tù Côn Đảo gọi nó là thằng "Cá mập" hay là thằng "Tư nghêu". Cá mập là giống cá thích ăn thịt người, loài này rất nhiều ở bê Côn Đảo. Tư nghêu là vì nó hay xuống chỗ anh em tù đánh cá, lấy con sò, con nghêu bóc vỏ ăn sống. Loài thèm thịt người vẫn hay có máu thích ăn đồ tanh.

Nó đi đâu chơi cũng cầm một chiếc dùi cui mây to bằng bắp tay. Cứ 4, 5 hôm thì phải thay chiếc khác, vì chiếc cũ nhuộm đỏ máu tù nhân.

Dưới nó có lũ bộ hạ lâu la: Cai ngục, chủ sở đá, chủ sở củi, sở cá, sở chim. Bọn này trước kia là cai mỏ than, cai đồn điền cao su, có nhiều thành tích giết người Việt Nam, nên được tuyển lựa về đây làm dưới trướng của nó. Tội ác của chúng chỉ có những rừng cao su ở Nam Bộ, những hầm than ở mỏ Hồng Gai mới ghi nổi mà thôi.

Trong số  bọn này có tên Lơ Ghen-nơ, trước khi đánh tù, uống nửa chai rượu cồn 90 độ pha loãng và đánh đến lúc tỉnh rượu mới thôi.

Muốn biết đế quốc đã giết bao nhiêu người phải đến nghĩa địa Côn Đảo. Nghĩa địa là một ngọn đồi cát dài mấy cây số, dựa lưng vào một cánh rừng. Mồ nối nhau lố nhố chạy tít đến quá tầm mắt. Trên mỗi nấm mồ, chúng cắm một que gỗ, móc vào đấy một tấm thẻ bằng tôn có ghi số tù của người bị giết.

Một số đông mộ của các đồng chí cách mạng tiền bối chúng đã san bằng đi tất cả. Trong số này có mộ của đồng chí Lê Hồng Phong. Sau ngày Tổng khởi nghĩa, đồng bào Nam bộ ra xây lại mộ cho đồng chí. Bọn giặc khốn nạn trở lại chiếm cứ đảo, đã quật nát mộ đồng chí. Anh em tù Côn Đảo ra công tìm kiếm suốt mấy năm nay vẫn không thấy.

Chỉ tính từ năm 1946 đến nay, chúng nó đã giết ở Côn Đảo 9000 người!

Không có gì lạnh lẽo và rùng rợn bằng nghịa địa Côn Đảo vào một buổi trưa mùa hè. Nắng như đổ lửa, rang bỏng nghĩa địa đầy cát, nhìn lóa cả mắt. Thông heo hút rên rỉ, gió đưa những tấm thẻ tù trên cọc gỗ lắc lư. Khỉ, vượn hú vang thảm thiết, chạy ngang qua nghĩa địa, biến hút vào rừng sâu. Vài khúc xương trắng, dăm chiếc đầu lâu lăn lóc trên cát.

Mỗi lần qua nghĩa địa, anh em tù không tài nào cầm được nước mắt. Một cái gì đau xót uất ức trào lên, chèn ngang cổ. Không nghĩ đến chính sách của đoàn thể trên đào, anh em đã nhảy đến vồ bọn cai ngục, bọn lính gác, xé ra từng mảnh nhỏ, ném xuống bể cho cá mập nó ăn. Từng người cúi đầu lặng lẽ nhìn những nấm mồ, răng nghiến chặt lại thề:

- "Các đồng chí ơi, chúng tôi là những người còn sống, nhất định trả mối thù này!".

Chúng nó giết cán bộ cách mạng bằng nhiều hình thức: Bắn, chém, đánh và đầy đến làm những nơi như: Cầu Tàu, cầu Ma Thiên Lãnh, các sở đá, sở cá, sở củi.

Càu Tàu là một chiếc cầu nhô ra để tàu thủy đậu. Ở đây nước xoáy tít như chong chóng, chúng nó bắt khiêng đá trên núi bỏ xuống bể. Đá nặng, trượt chân, người lao theo đá. Chúng bắt lội xuống nước sắp đá, nước xoáy đá trơn, sẩy chân đâm đầu vào hốc đá làm mồi cho cá mập. Cầu Tàu anh em còn gọi là cầu 871, vì ở đây đã chết 871 người.

Cầu Ma Thiên Lãnh bắc ngang qua hai mỏm núi đá cao chót vót. Chúng bắt anh em đục đá, bắn đá xây móng cầu. Nhiều lần đá trên núi lăn xuống, đè bẹp đi hàng chục người. Những cái chết rùng rợn thê thảm này, không người tù Côn Đảo nào là không biết. Người ở lâu truyền lại cho người mới đén, người sắp chết truyền lại cho người còn sống. Tất cả nhắc nhở nhau:

- "Phải nhớ lấy, tính sổ nợ và bắt chúng nó phải đền!".

Đầu năm 1952 chúng đưa ra thêm 200 tù binh phần đông là chiến sĩ cán bộ quân đội, cán bộ hành chính, đoàn thể địa phương từ huyện đến xã. Từ đấy Côn Đảo có hai loại tù: tù án và tù binh. Tù án là những anh em chúng đã kết án, quanh năm phải xiềng chân. Xiềng là một quả đạn đại bác 10 ki lô, có hai xích sắt khóa vào hai chân. Làm việc khổ sai như gánh nước, bổ củi, đàm đá đều phải mang xiềng. Người tù án dưới nắng trưa như xối lửa, trên vai một gánh nước đầy, còng lưng lê từng bước một leo lên dốc, quả đạn kéo lại vạch một đường ngoằn ngoèo xuống cát, mặt hốc hác đen xạm, mồm méo xệch lại đau đớn.

Người tù Côn Đảo đến chết vẫn không quên những cảnh đó.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Ba, 2021, 12:38:05 pm gửi bởi ptlinh » Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #1 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2011, 05:54:48 pm »

Khi nghe tin tù binh đến, tù án thấy thêm một lực lượng mới. Tù binh ra sau am hiểu tình hình Tổ quốc hơn, được học tập chính sách, lý luận chính trị nhiều. Anh em tù án tin cậy ở tù binh trong những lần đấu tranh sắp đến.

Tù binh chúng không xiềng, nhốt chung và một lao và bắt đầu cho nếm mùi khổ sai của Côn Đảo. Hôm đầu tiên mới lên đảo, bọn cai ngục đã thị uy bằng một trận đòn báng súng, dùi cui mây, roi song bịt đồng. Trận đòn kéo dài suốt hai tiếng đồng hồ, không một người nào không chảy máu. Bọn cai ngục nó bảo:

- Đấy chỉ mới là trận đòn khai tâm.

Anh em tù binh biết tình hình ở đây găng hơn ở đâu hết, nên kịp thời củng cố lực lượng, bầu lại ban lãnh đạo và ban đại diện. Ban lãnh đạo, lãnh đạo nội bộ, và ban đại diện công khai giao thiệp với địch.

Về tổ chức chia ra từng trung đội, có tổ tam tam tự tu kiểm thảo hàng ngày.

Cơ sở Đảng được tăng cường sinh hoạt, càng ngày càng chặt chẽ, bí mật. Đã liên lạc được với Đảng ủy toàn Đảo, anh em gọi là Đảo ủy.

Tên chúa đảo Giắc-ty chia 200 tù binh ra làm hai kíp, mỗi kíp 100. Kíp thứ nhất làm ở đường Đầu Mom cá mập, kíp thứ hai làm đường ở Đầm. Đầu mom ca mập cách nhà lao 3 cây số, và Đầm cách 7 cây số.

Con đường anh em làm chạy từ Cầu Tàu lên đến nhà giam bò quanh ngọn núi Ma Thiên Lãnh hiểm trở. Nhiều đoạn, đứng trên đường nhìn xuống, người phải nổi gai ốc. Cao hơn 70 thước, vách đá dựng thành vại, dưới chân núi là bể, đá lởm chởm nhọn hoắt, cá mập hội hàng đàn như trâu.

Con đường này cũng đã chôn xác mấy trăm đồng chí của ta. Không một gốc cây, hòn đá nào ở Côn Đảo không thấm máu cách mạng. Trên một tảng đá lớn ở bên đường, không biết từ năm nào, các đồng chí trước đây đã đục vào đấy hai câu thơ:

Bọn Pháp, Nhật định trước khi rải nhựa,
Lát một lần óc sọ của tù nhân.
[/i]

Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #2 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2011, 07:05:53 pm »

Anh em tù binh bước chân lên đảo được 4 tháng rồi. Nhiều đêm sinh hoạt đã nổ ra nhiều cuộc bàn cãi gay go. Các đồng chí bộ đội, nhất là các đòng chí hăng và xốc nổi, đề nghị ban lãnh đạo cho tổ chức bắt lính, cướp đảo lấy ca nô, tàu chiến chở anh em về. Ý nghĩ bạo động này không phút nào là không sôi sục trong đầu óc mọi người.

Trong số hăng, trẻ và sốc nổi nhất có Bằng. Bằng là chiến sĩ một đơn vị chủ lực, bị bắt đầu năm 1950 trong một trận chống càn ở đồng bằng Bắc bộ. Trong trận chống càn đó, đơn vị Bằng bị vây, tiểu đội Bằng thương vong gần hết. Bằng với một trung liên cầm cự với một đại đội địch cho đơn vị rút lui. Sau gần một tiếng đồng hồ ác chiến, Bằng hết đạn, giặc xung phong đến sát bờ rào, Bằng tháo nòng trung liên, nhảy lên bờ, quật nát đầu một thằng đội Tây, mới chịu để chúng bắt.

Bọn giặc giận quá, vật ngửa Bằng xuống bờ ruộng, một thằng rút lưỡi lê cạo đầu. Nó cạo tuốt cả lớp da, và nghiến răng kèn kẹt, rứt ra từng miếng. Bằng tưởng chết từ hôm ấy, nhưng Bằng vẫn sống, trên đầu toàn sẹo, miếng to, miếng nhỏ, tóc không mọc được. Vài chỗ còn sót lại tí da, tóc mọc lởm chởm, linh tinh khắp nơi. Bằng bảo: - Tóc mình đang tản khai đội hình để chờ lịnh xung phong.

Bằng suốt ngày chỉ bàn toàn chuyện cướp đảo: nào là kế hoạch bắt lính, chiếm kho súng, chiếm ca nô, tàu chiến. Bằng cũng vẽ địa đồ, vạch mũi tên tấn công rành rọt, cẩn thận như một sĩ quan tham mưu. Cuối cùng kế hoạch thế nào Bằng cũng kết luận:

- Chết sống gì cũng phải đánh, ở đây rồi cũng chết dần chết mòn mà thôi.

Người mà Bằng thích thảo luận nhất là Bổn. Bổn là trung đội phó của bộ đội địa phương. Bổn vui tính, chắc chắn chứ không xốc nổi như Bằng. Bổn hay nói trêu, kê Bằng, nhưng cũng hay tán thành ý kiến của Bằng nên Bằng rất thích.

Một buổi sáng, đến làm đường ngay trước lao cấm cố, gặp lúc anh em sưởi nắng trước sân. Lao này chúng giam những anh em bị án nặng nhất: tử hình, khổ sai chung thân, những người giết lính, vượt đảo. Anh em ở lao này cũng bị xiềng suốt ngày, suốt đêm. Có người đã bị xiềng hai năm nay. Mỗi ngày chúng cho ra sân sưởi nắng một tiếng đồng hồ. Tất cả chỉ còn là những bộ xương bọc da, hắt hiu, yếu ớt như những ngọn đèn sắp tắt.

Anh em tù binh nhìn anh em tù cấm cố ruột đau như cắt, có nhiều anh vừa đầm đá, vừa nước mắt rơi lã chã xuống đường:

- Các đồng chí khổ quá! Còn có đồng chí nào ra hồn người nữa đâu.

Anh em tù cấm cố cũng nhìn tù binh, lặng lẽ, thiết tha đau xót. Những đôi mắt ấy như muốn bảo:

- Các đồng chí ơi, còn cách gì cứu chúng tôi không? Chúng tôi sắp chết đây.

Bằng ngồi đập đá ngay trước cổng lao, nhìn bên trái góc sân: năm, sáu anh đang ngồi túm tụm, nhổ những cây cỏ đắng, hoa cỏ lau bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến. Thèm rau quá các đồng chí phải ăn cả cỏ đắng. Có một anh bị bệnh hủi, rụng hết ngón tay và một vành tai. Nhìn bàn tay trụi lũi, lở loét, không có ngón quờ quạng nhổ cỏ bỏ vào mồm, tim Bằng như ai lấy cật nứa, cắt ngang, cắt dọc. Bằng bỗng rít lên, đánh một búa làm vỡ tan hòn đá xanh to tướng. Bổn ngồi cạnh giật mình quay lại, thấy Bằng hai mắt đỏ như lửa, ràn rụa nước mắt. Phía sau Bổn, một tiếng chửi nghẹt giữa hai hàm răng cắn chặt:

- Tiên sư chúng nó, trong lúc chúng ta thế này thì thằng chúa đảo Giắc-ty trộn thuốc vitamin B1, B2 vào cháo thịt bò cho chó nó ăn.

Thằng cai ngục hét to:

- A lê vào lao! Hết giờ rồi!

Người bò, người đi lê từng bước chệnh choạng âm thầm như những bóng ma bước vào địa ngục.

Dưới một cây bằng, ba anh nằm ngủ, gối đầu lên rễ cây, tay chân co quắp, đầu gối chạm đến cằm. Thằng cai ngục chạy đến chửi:

- Tiên sư chúng mày còn ngủ à?

Nó cầm roi gân bò vụt như mưa vào đầu vào cổ cả ba anh, vừa vụt vừa hét:

- Dậy ngay! Dậy ngay! Chúng mày định thi gan với ông à?

Cả ba anh vẫn không nhúc nhích, cựa quậy, tưởng như không hề biết đau đớn là gì. Tên cai ngục ngạc nhiên cúi xuống sờ vào người, toàn thân lạnh ngắt, thì ra đã chết từ bao giờ. Trên mặt, trên cổ các anh còn in nhiều vết roi tím bầm!

Đồng chí chúng ta chết không khác gì một ngọn lá rụng giữa rừng!
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #3 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2011, 06:49:41 pm »

Tối hôm đó về lao không ai nuốt hết bát cơm. Cánh cửa sắt nặng nề khóa lại, tất cả ngồi yên lặng không ai nói một câu. Mỗi người đeo đuổi một ý nghĩ. Cảnh tượng lao cấm cố trưa hôm nay gieo vào lòng mọi người một nỗi lo lắng, đau xót và căm thù nhức nhối đến tận xương tủy:

- Biết đâu rồi mình cũng như các đồng chí ấy. Ở đây thế nào cũng chết, còn mong gì sống.

Nhà lao im phăng phắc, muỗi từng đàn bay vo ve, nền xi măng lạnh ngắt. Ngọn đèn treo trên trần, ánh sáng yếu ớt tỏa xuống những khuôn mặt xạm đen, hốc hác, những cặp lông mày ríu lại, những đôi mắt long lanh giận dữ.

Bằng nằm yên một xó, gối đầu lên hòn gạch vỡ đôi. Bằng hàng ngày vui và nghịch ngợm nhất lao, hát, nói luôn mồm. Anh em bảo:

- Nó hát, nó cười không kịp cho mồm đâm da non.

Bằng nói:

- Ở trong nhà tù, ăn đói, mặc rách, bị đòn mà vẫn hát, bọn giặc nó mới khiếp chứ!

Từ tối đến giờ, Bằng không nói một tiếng, nằm thừ quay mặt vào tường, có vẻ nghĩ ngợi gì ghê lắm, bỗng nhiên òa lên khóc!

Anh Phan Du trong ban lãnh đạo hỏi:

- Sao Bằng lại khóc?

Bằng ngồi dậy, khóc nấc lên, uất ức:

- Tôi ở bộ đội, sống với đồng bào vùng tạm chiếm ngay cả trong vòng đai trắng, tôi đã thấy nhiều cảnh tàn sát dã man của giặc, nhưng ra đến đây...

Giọng Bằng bỗng tắt nghẹn, nước mắt trào ra từng đợt, cố nuốt nỗi giậ dữ đang đầy ứ tận cổ.

Bằng nói tiếp:

- Ra đến đây, thấy giặc nó còn đầy đọa anh em mình gấp trăm, gấp nghìn, tôi thấy mình là quân đội nhân dân, đã thề là chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ nhân dân, không thể thấy thế này mà nhắm mắt ngồi yên.

Lời nói của Bằng như một mồi lửa châm vào lò thuốc súng, hàng trăm cánh tay đưa lên, tiếng thét dữ dội:

- Phải trả thù! Đánh bỏ mẹ chúng nó đi! Chết bỏ.

Giữa làn sóng căm thù phẫn nộ ấy, Bổn đứng hẳn dậy:

- Tôi xin có ý kiến! Và chẳng đợi ai cho phép, Bổn nói luôn: - Kẻ thù đã cướp mất tự do của chúng ta, đẩy chúng ta ra bể khơi, không cho chúng to thấy Tổ quốc, thấy đồng bào nữa, giết dần giết mòn trong những căn nhà như địa ngục này. Nhưng chúng nó không thể cướp mất ý chí gang thép của chúng ta, tôi đề nghị phải tổ chức chiến đấu, dù có hi sinh cũng đánh, giải phóng cho anh em thoát khỏi gông xiềng của đế quốc. Chúng ta phải trở về gặp Tổ quốc, không thể ở đây một giờ một phút nào nữa.

Tiếng nhiều người hưởng ứng:

- Đồng ý với ý kiến của đồng chí Bổn!

Nhiều ý kiến tiếp theo, có anh vạch luôn cả kế hoạch chiến đấu:

- Sáng mai đi làm, vác xẻng, xà beng nhảy vào quật nát óc bọn lính gác, lấy tất cả súng đạn tiến về đánh chiếm toàn đảo, phá tan tất cả các cửa ngục, lấy ca nô chở anh em về.

- Kế hoạch ấy được đấy! Sáng mai đi làm thôi, chúng nó thế nào cũng bị tiêu diệt. Quân đội chúng nó chỉ có vỏ mà không có ruột.

Không khí bỗng trở nên căng thẳng, bừng bừng như sắp sửa chiến đấu. Du chưa biết nên giải quyết như thế nào. Vì những ý nghĩ này đã từng nung đốt đầu óc Du từ khi bước chân lên đảo, và Du lại còn suy nghĩ chín chắn, kế hoạch đầy đủ hơn nhiều. Với con mắt của một người đại đội trưởng, quen đánh những trận tập kích táo bạo, độn thổ, bôn tập khét tiếng ở miền Bắc Hải Phòng, Du thấy có thể cướp đảo được lắm. Nhiều lần Du đề nghị với đồng chí Văn, bí thư Đảo ủy. Nhưng đồng chí phân tích tình hình chưa đủ điều kiện để tổ chức một cuộc bạo động lớn như thế. Đồng chí đề ra cho ban lãnh đạo:

- Muốn bạo động thắng lợi, trước tiên phải củng cố và thống nhất lực lượng, đoàn kết chặt chẽ nội bộ. Có đoàn kết thương yêu nhau, gặp khó khăn nguy hiểm mới đủ sức vượt qua. Bây giờ tuy anh em rất hăng, sôi sục chiến đấu nhưng đang trong thời kỳ xốc nổi bồng bột, và cũng còn một số thiếu tin tưởng, lo ngại, gặp thất bại sẽ giao động chán nản. Tích cự giáo dục anh em hơn nữa, chuẩn bị thật đầy đủ tinh thần, vật chất rồi hãy làm không muộn.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #4 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2011, 06:09:35 pm »

Đến hôm nay, Du cũng cảm thấy không kìm được nữa. Du nghĩ: Có thể cướp đảo được lắm rồi. Ta tuy tay không, nhưng với tinh thần, ý chí này, lại biết tổ chức đánh bất ngờ, giành hoàn toàn chủ động, nhất định thắng trăm phần trăm.

Một đồng chí ngồi cạnh Bằng giơ tay xin có ý kiến. Đồng chí này là bác Ý. Bác Ý đứng tuổi, hiền, ít nói, người gầy như que củi. Bác Ý được toàn trại yêu mến như một người anh ruột. Trong anh em ai có gì xích mích không đoàn kết, bác tìm đến giải thích, dàn xếp, là trở nên hòa thuận vui vẻ. Bác Ý ngủ cạch Bằng, ho suốt đêm. Bằng nghe anh em kể lại, bác bị Sở mật thám Sài Gòn đánh rập cả hai lá phổi. Bằng thương bác lắm. Tính Bằng hay bốp chát, nóng nảy, lúc người ta phê bình thì nổi cáu, cãi bướng. Bác Ý dùng lời lẽ nhẹ nhàng khuyên Bằng, xem ra không có vẻ gì là phê bình cả, nhưng Bằng thấy thắm thía và hối hận vô cùng. Bằng nghĩ:

- Giá bác Ý mà được đề bạt chính trị viên đại đội mình chắc anh em thích lắm, chẳng mấy chốc giật giải thi đua toàn tiểu đoàn. Bằng thấy gần gũi bác hơn cả vì đêm nào Bằng cũng nằm sờ cằm nhổ râu cho bác và gọi đùa là ông bạn già. Bác Ý cười và cũng xưng với Bằng là bạn già và gọi Bằng là bạn trẻ.

Anh em trở lại yên lặng, bác Ý cất giọng khàn khàn nói:

- Tôi rất tán thành ý kiến của các đồng chí, nhưng tôi nghĩ thế này: Việc cướp đảo còn khó hơn một trận đánh lớn, trận đánh chuẩn bị chưa đầy đủ nhất định thất bại. Chúng ta cướp đảo chưa có đủ điều kiện chỉ đi đến chỗ hy sinh vô ích. Tổ quốc, đoàn thể không đòi hỏi chúng ta sự hy sinh đó.

Bác ngừng lại ôm ngực ho, những vết nhăn trên trán sâu lõm thêm. Hết ho bác nhìn anh em một lượt, như muốn đoán biết từng người đang nghĩ gì, giọng bác càng khàn hơn.

- Hiện thời chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ: Cướp đảo xong lấy ghe thuyền đâu mà về, trên dảo này chỉ có hai chiếc ca nô chở không được 100 người, ai về ai ở lại? Hay chúng ta thành lập một làng Côn Đảo để tàu chiến chúng đem quân đổ bộ lên tiêu diệt? Các đồng chí nghĩ thế nào?

Mọi người yên lặng, một điều gần gũi dễ thấy nhất mà chưa ai nghĩ đến. Trong những phút xốc nổi nhất anh em đã quên.

Du cũng thấy đúng và nói với anh em:

- Chúng ta thấy khó khăn để càng quyết tâm và chuẩn bị đầy đủ hơn. Anh em cứ nhớ rầng Đảng đã nghĩ đến những vấn đề này từ khi Côn Đảo có nhà tù. Anh Cả (tên gọi đồng chí Văn cho cả toàn đảo) đã chỉ thị cho chúng ta tích cực rèn luyện ý chí chiến đấu, sẵn sàng đủ mọi phương tiện rồi hãy làm không muộn.

Anh em đều tán thành và càng thấy tin tưởng ở sự lãnh đạo của toàn thể. Bằng ngồi cứ há hốc mồm mà nghe, thấy bác Ý nói có lý quá. Không ngờ ông bạn già lầm lỳ ít nói hôm nay phát biểu rành rọt sắc bén đến thế. Đêm ấy ngủ, Bằng không sờ râu bác Ý nghịch như mọi hôm. Bằng nghĩ về bác:

- Sao bác Ý lại giống Mộc, người cấp dưỡng già của đơn vị mình thế nhỉ. Cũng ít nói, nhưng đã nói thì chắc như đanh đóng cột. Cũng thương yêu anh em như người chị ruột. Bằng thắc mắc không biết xưa kia bác làm cán bộ gì, định hỏi nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Làm cán bộ gì thì chưa biết, nhưng chắc chắn bác là một đảng viên. Những đảng viên ở đơn vị mình chả thế là gì? Và như đã giải quyết được thắc mắc, Bằng ngủ một giấc cho đến sáng.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #5 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2011, 07:05:49 pm »

Bằng và Chức được ban lãnh đạo phân công đào một cái hầm cạnh cầu tiêu trong lao để cất giấu tài liệu. Chức là trưởng ban câu lạc bộ toàn lao, có bộ răng khấp khểnh vô tổ chức.

Trước kia Chức là cán bộ thông tin tuyên truyền huyện. Chức ngâm thơ, hát rất hay, làm ca dao, bích báo rất nhanh. Anh em bảo: thằng Chức nó có tài xuất khẩu thành thơ. Nhưng đặc biết nhất là Chức có bộ giò khẳng khiu như ống sậy, cao lêu đêu nên anh em gọi là Chức cò hương.

Hai cậu hôm ấy vờ sốt, ở nhà lục cục đào. Bằng vừa cậy xi măng vừa nói với Chức:

- Đào hầm bem (1) làm tớ nhớ lại năm 49, đơn vị tớ đánh một trận độn thổ phục kích trên đường quốc lộ số 1. Đào hầm cả đêm, đến gần sáng chui xuống hầm ngụy trang lại cẩn thận. Suốt ngày hôm đó nắng như lửa đốt, xe thì chờ đến tối vẫn không chạy. Tớ ngồi dưới hầm, thịt đỏ phồng như nướng, nóng gần hóa điên. Hôm sau trở về, tớ lên cơn sốt nặng, suốt đêm cứ gào:

- Ôi chao ơi, lửa đâu mà đốt khắp người tôi thế này, rồi lại chửi toáng cả lên, chửi cả anh chính trị viên đại đội đến thăm, cậu nghĩ thế có liều không? Sau 15 hôm tớ lành, đến xin lỗi anh, anh cười và cho hai chiếc bánh đậu.

Chức co duỗi cái chân cò hương vài cái cho đỡ mỏi và nói:

- Tớ về đến đất liền, thế nào cũng xin nhập bộ đội. Tớ mê bộ đội lắm.

Bằng tinh nghịch gõ gõ vào chân Chức:

- Chân cậu thế này thì truy kích thế khỉ nào được. Truy là phải nhanh như gió mới khuýp được chúng nó chứ.

Bằng bỏ búa xuống lấy hai tay làm hình thế gọng kìm:

- Đấy, truy là phải cắt địch ra như thế này. Không nhanh thì nó chạy tuốt. À, nhưng cậu cũng vào bộ đội được, làm văn phòng, thư ký, đánh máy chữ hay là quản lý như là ông Bi để phát phụ cấp cuối tháng cho chúng tớ.

Chức lấy tay hích Bằng:

- Thôi làm đi chứ, cậu cứ tán hươu tán vượn mãi hết thì giờ, nó vào bắt được thì có mà bỏ bố à?

Hai cậu mải làm, mải nói chuyện, thằng cai ngục đẩy cửa vào đến sau lưng bao giờ không biết. Nó cười lên khanh khách như một con yêu tinh, và tóm luôn cả hai lên sở Tìm tòi (sở mật thám của đảo). Chúng nó bắt đầu đánh Bằng và Chức một trận đòn chí tử. Đánh Bằng xong rồi đánh Chức, dùng đủ mọi cực hình tra tấn: đổ nước lã vào mồm, giậm giày đinh lên ngực, lên bụng cho cứt đái phọt ra hai đầu mồm, đít. Chúng nó hỏi:

- Ai bảo chúng mày đào? Tài liệu giấu ở đâu?

Bằng nghiến răng:

- Tôi không biết!

Chức bị đánh đau quá phải khai, chỉ cho nó lấy mất một số tài liệu văn nghệ, báo chí của anh em. Bằng giận quá chửi Chức:

- Đồ khốn nạn, đồ đầu hàng giặc! Tao sẽ giết mày! Đến lúc Bằng bị đánh bất tỉnh mê man, chúng kéo bừa qua những sàn rải san hô lởm chởm, tống vào xà lim cạnh lao.

Chiều anh em về được tin lấy làm giận Chức, nhất là ban lãnh đạo suy nghĩ rất nhiều. Tối hôm đó chúng không cho Chức về và có tin đồn:

- "Chức ngồi ăn bánh uống rượu với tên chúa đảo, đã khai hết cả những tổ chức của anh em. Hiện bây giờ chúng giữ lại trên ấy, không cho về, sợ anh em giết".

Trước tình hình khá nghiêm trọng, ban lãnh đạo khai hội toàn lao. Anh em đều rất căm phẫn Chức, Bằng ở bên này, nghe bên kia ồn ào, dần dần tỉnh dậy. Bằng trèo lên trần ghé mắt vào cửa sắt bé bằng hai bàn tay nhìn sang. Hai tay run run muốn ngã, Bằng cố bám thật chặt vào song cửa, ghé mồm phát biểu ý kiến:

- Đề nghị ban lãnh đạo phải giết thằng Chức, nó phản Tổ quốc, nó đầu hàng giặc. Chờ nó về trùm chăn đánh chết nó đi.

Anh em nhìn lên thấy mặt Bằng máu bê bết, hai mắt đỏ ngầu, sưng húp, càng giận Chức hơn. Bác Ý bảo:

- Bằng xuống đi kẻo ngã chết bây giờ. Việc gì đã có ban lãnh đạo, có tập thể giải quyết.

Bằng nghe lời tụt xuống, nhưng còn cố nói với một câu nữa:

- Đề nghị anh em nên để ý lời đề nghị của tôi. Bằng đã xuống nhưng tiếng nguyền rủa còn vọng sang:

- Quân khốn nạn ấy thì sống làm gì cho uổng đất.

Một số anh em đồng ý với Bằng: giết chế thằng Chức. Du nói với anh em:

- Thưa tất cả các đồng chí, bất kỳ một kẻ nào phản lại Tổ quốc, phản lại chúng ta đều phải trừng trị nghiêm khắc. Nếu Chức có những hành động như tin đồn thì nhất định không tha thứ. Nhưng một mặt chúng ta phải cảnh giác âm mưu thâm độc của kẻ địch. Về vấn đề này anh Cả căn dặn chúng ta rất kỹ lưỡng: bọn giặc có thể phao tin vịt để gây mâu thuẫn phá hoại nôi bộ của chúng ta, và cũng để tự tay chúng ta giết chết đồng chí của mình. Khuyết điểm này trước đây đã có một vài lần mắc phải. Ban lãnh đạo sẽ điều tra cụ thể vấn đề Chức và báo cáo với các đồng chí sau.

Sáng mai chúng đưa Chức về. Tên chúa đảo Giắc-ty chắc mẩm chỉ chốc nữa thôi, xác thằng này sẽ nằm chết cứng giữa lao, nó gật gù cười một mình:

- Lại trừ bớt một thằng, rất tốt.

Chức bước vào nhà lao không dám nhìn ai, mặt cúi gằm xấu hổ. Trên cổ, trên lừng chằng chịt hàng trăm vết roi, tay chân bầm tím. Để Chức đỡ mệt, và có đủ thì giờ suy nghĩ, anh em đồng ý đế tối mai Chức sẽ làm bản tự kiểm thảo trước toàn thể anh em.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #6 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2011, 06:08:48 pm »

Ngày hôm đó Bổn đi làm cho sở rải nhựa đường, liều mạng ăn cắp một lọ dầu xăng, đem được vào trong lao. Đây là một việc làm rất nguy hiểm.

Bổn lấy dầu xăng bóp những chỗ bị đánh sưng cho Chức, đến quá nửa đêm. Chức ngồi yên cho Bổn bóp, nước mắt ướt đẫm hai ống tay áo.

Tối mai chúng cũng thả cho Bằng về lao. Bằng thấy Chức quay mặt đi không thèm nhìn, rủa thầm:

- Đồi tồi, thế mà hôm kia cũng dám đòi xin vào bộ đội, chỉ được cái mồm!

Chức thấy mặt Bằng bầm tím, máu khô đọng lại từng vệt, Chức cúi đầu khóc rưng rức, chưa bao giờ thấy khổ và hối hận như hôm nay.

Chức đứng lên tự kiểm thảo, nhận lỗi như thế là đã khuất phục trước uy vũ của giặc, để cho giặc lấy một số tài liệu văn nghệ. Ngoài ra Chức không hề khai một tý gì về tổ chức, tin đồn hôm qua hoàn toàn bịa đặt, suốt đêm qua chúng bỏ Chức vào chuồng, nhốt chung với lợn. Ban lãnh đạo đã điều tra cụ thể, thấy tinh thần nhận lỗi, phê phán của Chức thành khẩn. Anh em xây dựng, phân tích thêm đến khuya mới xong. Bằng từ chập tối đến giờ vẫn không có ý kiến gì, bác Ý hỏi Bằng:

- Sao Bằng không phát biểu ý kiến?

Bằng trả lời:

- Ý kiến tôi anh em nói tranh hết cả rồi!

Nhưng bác Ý biết Bằng còn giận Chức. Mà Bằng còn giận thật, Bằng nghĩ: đã đành là có khuyết điểm thì sửa chữa, nhưng khuyết điểm gì chứ khuyết điểm đầu hàng giặc thì đến bao giờ mới sửa chữa được. Bằng lẩm bẩm:

- Lúc bị quân thù bắt được dẫu bị cực hình tàn khốc đến mức nào, quyết không bao giờ phản bội xưng khai! Lời thề ấy không làm được thì còn gì nữa mà gọi là quân nhân cách mạng. Hạng bét!

Bằng nằm xuống nền xi măng, người đau ê ẩm, gối đầu lên hai cánh tay, nghĩ hết chuyện này sang chuyện khác. Bác Ý lấy hòn gạch vỡ đôi Bằng thường làm gối, đưa cho Bằng, tủm tỉm cười:

- Bạn già xin giả bạn trẻ chiếc gối bông đây này. Bằng cũng bật phì cười, và gần như quên cả những bực dọc ban nãy.

Chợt nghĩ ra điều gì đó, Bằng vùng dậy, ghé sát vào tai bác Ý hỏi sẽ:

- Bác có biết anh Cả bây giờ ở đâu không?

Bác Ý kéo Bằng nằm xuống:

- Anh Cả ở đâu thì làm thế nào mà biết được, chắc là ở xa lắm.

Bằng cãi:

- Ở xa thế nào? Ở xa sao việc gì anh cũng biết, cũng có chỉ thị ý kiến?

Bằng quay lại thấy Bổn còn thức bèn hỏi:

- Cậu có biét anh Cả ở đâu không?

Bổn hỏi vặn lại:

- Ai hỏi ban chỉ huy đơn vị cậu ở đâu cậu có chỉ không?

Bằng nổi nóng to tiếng:

- Đã đành là tớ không chỉ, nhưng cậu không tin tớ à? Tớ có phải là một thằng phản bội đâu?

Câu nói vô tình của Bằng làm Chức đau nhói tận tim. Bằng cũng thấy mình lỡ lời như thế Chức có thể hiểu lầm mình là nói cạnh nói khóe, mà nói cạnh nói khóe là một tật rất xấu. Người quân nhân cách mạng bao giờ cũng thẳng thắn chân thành. Anh chính trị viên đại đội luôn luôn nhắc nhở anh em trong đơn vị về điểm này. Bằng muốn đến thanh minh với Chức nhưng nghĩ thế nào lại thôi.

Bổn cười giảng hòa:

- Cậu này hay chửa, đã đành là tới tin cậu một trăm phần trăm, nhưng chính tớ có biết anh Cả ở đâu, mặt mũi ra thế nào mà bảo chỉ.

Bổn nhích dần vào gần Bằng nói sẽ hơn:

- Mà còn điều này nữa, phải tuyệt đối giữ bí mật cho anh chứ, lỡ nó biết nó bắt đi thì có mà bỏ bố à?

Bằng thấy đúng không hỏi nữa, nằm xuống ngủ.

Du gọi Chức ra một góc:

- Tôi báo tin cho đồng chí rõ, để giữ vững kỷ luật của Đảng, Chi ủy đã quyết định đình chỉ sinh hoạt của đồng chí.

Chức nghẹn ngào:

- Nhờ đồng chí báo cáo với đồng chí Văn, với Chi ủy tôi xin chấp hành và quyết tâm cải tạo.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #7 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2011, 06:20:08 pm »

*

Tên Giắc-ty thấy để toán làm đường ở Đầm, hàng ngày lên về mất hết cả thời giờ làm việc. Nó ra lịnh làm nhà ở ngay tại Đầm, bao giờ xong đường hãy về.

Được tin này, Đảo ủy nhận định: Đây là một thời cơ rất tốt, địch đã tạo cho ta điều kiện thuận lợi để cướp đảo. Du đề đạt ý kiến với anh Cả:

- Toán 100 ở Đầm sẽ phụ trách đóng thuyền, bắt lính, cướp vũ khí, làm bộ phận xung kích tiến lên giải phóng toàn đảo, toán Đầu Mom, và anh em tù án sẽ phối hợp tiêu diệt địch. Từ Đầm lên đến nhà lao xa 7 cây số, bọn chúng không thể biết để cho quân tiếp viện ngay được.

Ý kiến của Du được anh Cả đồng ý. Chi ủy họp để thảo luận kế hoạch thật cụ thể. Du được chỉ định phụ trách công tác này.

Trong toán ở Đầm có Bằng, Bổn, Chức cò hương. Bác Ý làm ở toán Đầu Mom. Bằng ôm lưng bác Ý cười rúc rích:

- Tôi phải xa bác rồi, bạn trẻ nhớ bạn già lắm, tôi về dưới ấy, hái được rau tươi, bắt được cá thế nào cũng gởi về cho bác tẩm bổ.

Một cậu ngồi cạnh Bằng, giọng lè nhè trêu trọc:

- Bằng mà cũng bắt được cá à? Cá kho rồi đấy chứ.

Bằng cãi ngay:

- Cá sống hẳn hoi, ở đơn vị tớ, hôm nào ra sông bắt cá cải thiện sinh hoạt, tớ đều được biểu dương là có nhiều khả năng và tích cực.

Bác Ý cười, xoa cái đầu trọc tếu, đầy sẹo, lởm chởm tóc rất bướng bỉnh của Bằng và bảo:

- Bạn già cũng khuyên bạn trẻ bớt nóng nảy, không nên cãi bướng, làm việc gì cũng nhớ hỏi tập thể, hỏi ban lãnh đạo, không nên tự động vô nguyên tắc.

Bằng đứng dậy, hai chân đứng rập thành tư thế nghiêm:

- Xin chấp hành triệt để ý kiến của bác!

Anh em xung quanh phải phì cười.

Tối hôm chia tay, Du thay mặt cho toán ở Đầm, phát biểu ý kiến:

- Trách nhiệm toán ở Đầm rất nặng nề, đòi hỏi mỗi người phải có một tinh thần dũng cảm và quyết tâm cao độ. Đây là hy vọng độc nhất, hy vọng sống còn của toàn đảo, nên dù khó khăn đến bao nhiêu chúng tôi cũng cương quyết làm tròn nhiệm vụ.

Bổn cũng phát biểu:

- Có vào lửa mới biết vàng thật vàng giả. Chúng ta nói nhiều rồi, đây là giờ phút thử thách tinh thần và ý chí chúng ta.

Bằng thấy phấn khởi vui sướng như lúc nhận nhiệm vụ xuất kích tiêu diệt địch. Thật là toại nguyện, mong ước mãi phải được chứ! Nếu không phải là đang ở trong lao thì Bằng đã nhảy cẩng lên mà hát mà reo cho thỏa thích.

Bằng nghĩ thầm: thế nào cũng trả được mối hận cho các đồng chí ở lao cấm cố. Hình ảnh bàn tay hủi, không có ngón, lở loét đang quờ quạng bứt cỏ, suốt mấy tháng nay, luôn luôn lởn vởn trong óc Bằng. Bằng đến cạnh Du, giọng khẩn khoản:

- Thế nào anh cũng cho tôi vào đội bắt lính, hợp khả năng tôi lắm.

Bổn chen vào:

- Cậu trẻ người non dạ, làm việc như bắt cóc bỏ đĩa, cho cậu vào đội bắt lính để làm lộ cả kế hoạch à? Cậu nên vào đội tiếp tế.

Bằng bực mình gắt Bổn:

- Lạ thật, cậu sao hay phá ngang câu chuyện của người ta thế?

Du vỗ vai Bằng thân mật:

- Bổn nó nói đùa đấy, thế nào tôi cũng chọn Bằng vào tổ bắt lính. Chỉ sợ thiếu tinh thần chứ không sợ thiếu công tác.

Bằng được Du đồng ý thích thú vô cùng, khuỳnh hai tay ra sau lưng đi đi lại lại giẫm phải cả chân bác Ý.

Bác Ý đang ôm ngực oằn oại ho nấc lên từng hồi, thở khò khè hổn hển. Chức ngồi cạnh vuốt ngực cho bác, Bằng cũng ngồi xuống không nhìn Chức. Bác Ý dứt cơn ho, nhìn Chức rồi nhìn Bằng:

- Bằng và Chức định giận nhau đến bao giờ mới thôi?

Chức ngồi mân mê cái cúc vỡ trên ngực áo bác Ý:

- Tôi không bao giờ giận đồng chí Bằng.

Bằng cũng trở nên lúng túng:

- Tôi... Tôi cũng thế, không giận đồng chí Chức.

Bác Ý kéo hai người lại gần, giọng thân mật khuyên nhủ:

- Chúng ta ở đây xa Tổ quốc, xa quê hương, xung quanh chúng ta chỉ còn có hai chữ: lòng độc ác dã man của kẻ thù, tình thương yêu đoàn kết của đồng đội. Chúng ta không thương yêu, không đoàn kết, không bao giờ đủ sức chống lại kẻ thù. Nhất là các đồng chí sắp sửa làm nhiệm vụ mới, tình đoàn kết thương yêu, lại cần hơn bao giờ hết. Tôi nói điều này chắc đồng chí Bằng đã hiểu: người quân nhân cách mạng nghiêm khắc với tội lỗi nhưng sẵn sàng tha thứ khi người có lỗi đã quyết tâm sửa chữa. Bản thân mình lại phải tích cực xây dựng cho bạn, như thế mới thật yêu thương đồng đội, mới đúng là quân nhân cách mạng.

 Bằng, Chức nhìn nhau thấm thía. Bằng thấy hối hận vô cùng, vuốt ngực cho bác giọng thành khẩn:

- Tôi thú thật là bấy lâu nay vẫn còn thành kiến với đồng chí Chức, nhưng từ giờ trở đi tôi hứa với bác là cương quyết khắc phục.

Bác Ý nở một nụ cười sung sướng. Bằng vui vẻ:

- Bác Ý yếu lắm, hôm nào nổ súng nhớ tránh xa để bọn trẻ chúng tôi làm cho. Vô phúc gậy gộc chạm phải thì hết về với Tổ quốc.

Bác Ý bảo Bằng:

- Tôi thế này mà yếu à? Cả hai cậu vật thử với tôi một keo xem nào?

Bằng, Chức nhìn nhau tủm tỉm cười.

*
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #8 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2011, 06:11:03 pm »

Tháng 6-1952 toán của Du đã về đóng hẳn ở Đầm được gần một tuần, đang chuẩn bị đóng 5 chiếc thuyền chở được 200 người. Lần này có hai kế hoạch: Một là nếu đủ điều kiện sẽ thực hiện toàn bộ, bắt lính và tiến về giải phóng toàn đảo. Hai là thực hiện bộ phận, nếu không đủ điều kiện, 200 tù binh sẽ về trước. Nếu về trước sẽ xuất phát vào ngày 15-8, cập mũi Cà Mau vào ngày 19-8, dự lễ Tổng khởi nghĩa với đồng bào Nam bộ.

Đêm phổ biến kế hoạch, khi nghe đến về đến mũi Cà Mau, dự lễ Tổng khởi nghĩa, tất cả reo lên sung sướng, tưởng như đang đứng dưới một rừng cờ đỏ chói, xung quanh là đồng bào Nam bộ mến yêu.

Bằng vỗ vai Bổn:

- Cậu này, thế nào đồng bào cũng mời anh Du lên phát biểu ý kiến.

Thằng cai ngục ở ngoài, mặt hằm hằm bước vào:

- Chúng mày làm cái gì mà sủa nhặng lên thế?

Đồng chí Viên trong ban đại diện đứng dậy trả lời:

- Chúng tôi vui cười chơi thế thôi.

Nó đưa dùi cui mây lên dọa:

- Chúng mày còn làm ồn, tất cả sẽ được ăn đòn.

Nó ì ạch lên cái bụng to như người có chửa bước ra. Bằng nhìn theo chửi lẩm bẩm:

- Tiên sư mày, coi chừng ông ngứa mắt ông lại đá vào cái bụng kia một cú, thì nhất cũng tuôn ra một thúng cứt.

Công việc đóng thuyền bắt đầu thực hiện. Muốn có gỗ to phải vào tận rừng sâu xa năm cây số. Đóng thuyền ngay trong rừng thì thế nào cũng lộ. Ở Côn Đảo có bọn tìm tòi, suốt ngày len lỏi trong rừng, khám phá những tổ chức vượt đảo của tù nhân. Đường đi lối lại trên Côn Đảo chúng nó thuộc như lòng bàn tay. Đề khó khăn anh em thảo luận tìm cách khắc phục, cuối cùng giải quyết bằng cách: Xẻ gỗ trong rừng, khiêng ván xuống một hang núi vắng nhất ở ven biển đóng thuyền.

Cưa đục không có, anh em công nhân lấy đai thùng tô nô làm cưa, và lấy trộm chấn song sắt cửa sổ làm đục. Rất tốt và rất sắc.

Viên phân phối đi đóng thuyền đã có cách: ở đây tên cai ngục giao việc gọi danh sách, phân phối người làm cho ban đại diện. Cứ mỗi sáng sắp sửa gọi tên đi làm, cho 10 người vờ đi đái, đi ỉa lẻn vào rừng xẻ gỗ. Thằng cai ngục bụng to này rất lười, nên không kiểm soát chặt chẽ máy. Chúng nó vẫn như mù.

Tổ đóng thuyền do một đồng chí già phụ trách. Anh em gọi là lão Học. Lão Học không phải là tù binh, lão bị bắt từ năm 1948. Năm nay lão 55 tuổi nhưng vì đói khát khổ sở quá, lão trở nên lụ khụ như một ông lão 70. Quanh năm lão khoác một chiếc khố bao tải, da nắng cháy đen như than, răn reo như vỏ thị héo. Lão nhiều kinh nghiệm đóng thuyền vượt bể, nên Đảo ủy tìm cách đánh tráo về đây bổ sung cho tù binh.

Trước kia hồi Pháp thuộc, lão Học làm nghề đưa đò ngang ở một bờ sông vắng. Lão không cha, không mẹ, không vợ, không con. Sống một thân một mình dưới gốc thông ở bến đò. Người ta hỏi lão bao nhiêu tuổi? Lão chỉ gốc thông trả lời:

- Cây thông này bao nhiêu tuổi thì tôi cũng chừng ấy.

Nhà cửa lão không bằng cái chuồng gà của tên lý trưởng trong làng. Tụi hào mục, hương lý trong làng thấy lão đứng gần thì nhổ nước bọt tránh xa.

Cách mạng tháng Tám, rồi toàn quốc kháng chiến. Bến đò của lão giặc xây lô cốt. Lão đem đò đến một khúc sông khác, đêm đêm chở cán bộ, du kích sang sông hoạt động. Dần dần lão được đoàn thể giáo dục, giác ngộ, lão trở thành một giao thông viên đắc lực của huyện. Lão được kết nạp vào Đảng đầu năm 1949. Đêm kết nạp, lão đứng dưới lá cờ Đảng lung linh đỏ rực, nghẹn ngào, sung sướng. Lão nói:

- Đời tôi tưởng là cuộc đời bỏ đi, sống đưa đò, rồi chết rục xương dưới gốc cây thông mà thôi. Con người cùng đinh mạt kiếp này còn ai để ý đến. Tôi không ngờ lại được cách mạng, được Đảng dạy dỗ thương yêu, và đêm nay tôi lại được vinh dự như thế này. Tôi không cha không mẹ, từ đây tôi xin làm con của Đảng. Còn sống được ngày nào, còn làm việc, còn phục vụ Đảng đến cùng.

Cả chi bộ nhìn lão rơm rớm nước mắt. Từ đấy lão làm giao thông cho huyện ủy. Một đêm lão đi giao thông ngang bờ sông, gặp giặc phục kích, lão nhảy tõm xuống nước, dúi tất cả tài liệu xuống bùn, lội sông định trốn. Nhưng ca nô nó đuổi theo tóm được.

Lão giả vờ người vừa câm vừa điếc, nó hỏi gì lão cũng ú ớ hoa chân, hoa tay ra hiệu. Bọn mật thám gầm lên như thú dữ, đánh lão suốt 15 hôm liền; đánh rụng tuốt cả hàm răng trên. Đánh chán không lấy được tài liệu gì, chúng đày lão ra Côn Đảo.

Lão ra đến đảo, liên lạc được với Đảo ủy. Lão mừng lắm, nghĩ thầm: "Lại gặp cha, gặp mẹ rồi.". Bọn giặc thấy lão lù rù, nó bắt lão bổ củi và cho đi lại xung quanh không phải xiềng.

Lão làm việc suốt ngày nên chúng cũng tin.

Do việc bổ củi lão đã tìm ra được một trò giải trí thú vị. Mỗi lần lấy một khúc gỗ để bổ, lão lật đi lật lại và đặt tên cho nó: đây là thằng "Đắc-răng-li-ơ", đây là thằng "Lơ Cơ-lét". Cũng có lúc lão quên, cố nặn óc mãi mới nhớ ra: à à thằng "Xa-lăng" (1)! Khúc gỗ nào sần sùi lão cười khà khà: đúng là mặt thịt thằng chó đẻ Bảo-Đại đây rồi. Đặt tên xong, lão dâng cao búa bổ thật mạnh. Thanh củi nẻ ra kêu răng rắc. Lão tưởng như đang bổ vào đầu bọn đế quốc khát máu, bọn Việt gian hèn mạt. Lão cảm thấy hả giận một đôi phần. Tên cai ngục thấy lão, bổ củi cũng dừng lại xem, nó khen:

- Thằng Việt minh già này bổ củi khá lắm.

Lão chờ nó đi khuất, chửi lẩm bẩm:

- Tiên sư mày, đầu đế quốc bọc sắt ông còn bổ được, huống chi thứ củi ranh này.

_________________________________________________________________________________________
(1) Tên những tướng thực dân Pháp (B.T.)

2 đoạn bôi đỏ: có lẽ tác giả hoặc nhà in in nhầm. Có lẽ lão Học bị bắt vào năm 1949.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #9 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2011, 01:05:09 pm »

Buổi chiều lão đem củi nộp cho nhà kho, lão giấu đi một ít vùi xuống cát. Chập choạng tối, lão lẻn ra ngoài đem củi bán cho vợ con công chức trên đảo. Bữa được một đồng, bữa được hai đồng lão bỏ vào hầu bao. Khi đã dồn được nhiều, lão gửi mua mười thước vải xanh, 3 hộp sơn tây. Lão xin lên rừng lấy củi, rồi bí mật xẻ gỗ đóng thuyền. Lấy vải xanh bọc ra ngoài thuyền, lấy sơn phết ra ngoài vải để thuyền khỏi ngấm nước. Suốt một năm dành dụm quần quật như thế lão đóng xong một chiếc thuyền chở được 10 người. Khi hoàn thành lão báo cáo với đoàn thể đã làm xong một chiếc thuyền. Đoàn thể chỉ định 10 đồng chí vượt biển, trong đó không có lão. Lão lại tiếp tục bổ củi, đặt tên cho củi, mua vải mua sơn đóng chiếc thứ hai. Ba lần đống thuyền ròng rã ba năm trời, thuyền của lão đã đưa được nhiều đồng chí về đến đất liền. Lão vẫn khoác chiếc khố bao tải ở lại trên đảo. Đoàn thể hỏi:

- Đồng chí có thắc mắc gì không?

Lão trả lời gọn lỏn:

- Tôi là người của đoàn thể thì còn thắc mắc gì nữa.

Lần này lão được đưa về đây phụ trách đóng thuyền, lão vui lắm. Lão bảo:

- Làm đông tay nó vui, nó chóng xong.

Anh em những lúc nghỉ, xoắn xuýt hỏi lão hết chuyện này đến chuyện khác. Khi nghe câu chuyện lão Học ba năm đóng thuyền mà không được về, Bằng phải lè lưỡi kính phục. Bằng đã được thấy những đồng chí đã hy sinh vô cùng anh dũng ngoài mặt trận, nhưng chưa bao giờ gặp được người kiên tâm, bền chí như lão Học. Bằng nói với lão:

- Lần này thế nào lão cũng được về, nếu không, tôi xin nhường lão về, tôi ở lại. Lão Học cười, mỏm mẻm hàm răng sún:

- Các đồng chí còn trai trẻ sung sức, cần phải về mà phục vụ nhân dân, mà trả thù cho anh em Côn Đảo. Bao giờ hoàn toàn độc lập, cụ Hồ phái cụ Tôn (1) đem tàu chiến treo cờ kết hoa ra đón, lúc ấy tôi hãy về không muộn. Anh em nhắc mãi câu nói lý thú của lão. Một buổi sáng, lão Học như thường lệ, cùng các đồng chí trong tổ đóng thuyền, lẻn ra rừng xẻ gỗ. Giữa đường gặp một tên lính gác đi tắm bể về, nó hỏi:

- Đi đâu?

Lão học nhanh trí giả vờ như không nghe thấy, trật khố ngồi đại tiện ngay trước mặt nó. Tên lính nhặt hòn đá ném đánh bịch vào lưng, sừng sộ chửi.

- Thằng già này dám đi bậy ra đấy à? Có xéo đến đằng kia không?

Lão ôm khố đứng dậy, chờ thằng lính đi khuất sau rặng cây, lão lại lẻn đến chỗ làm việc, vạch lưng cho anh em xem, nó ném vào lưng lão sưng to như quả trứng.

Suốt 15 ngày làm việc, đã xẻ xong ván, chuyển cả xuống hốc đá, và đóng gần xong một chiếc thuyền. Công việc kết quả và nhanh chóng không ngờ. Anh em và cả lão Học, từ hôm đó trở đi, đều cảm thấy Côn Đảo gần đất liền hơn mọi ngày.

*
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM