Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:18:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Út Teng  (Đọc 47118 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« vào lúc: 06 Tháng Tám, 2011, 09:50:40 pm »



Tác giả: Chu Lai
Nhà xuất bản Kim Đồng - 1985
Người thực hiện: Kun

                                                             I. TÌM KIẾM

Thực ra tên nó là Ròng, út Ròng! Nhưng người ta cứ hay gọi nó là Teng, út Teng! Lớn lên một chút bắt đầu nhận biết được điều này, nó tò mò hỏi má. Má nó hơi ngớ ra, ngúc ngoắc cái đầu một chút rồi cười à: “Ôi! Thằng nhỏ không hỏi thì tôi cũng quên phứt rồi! Ròng, con ạ! Đúng ra ba đặt tên con là Ròng. Má sanh ra con ở trên ghe, vào một buổi nước ròng tới đáy, ba con phải lội bộ đẩy má đi cả nửa ngày trời mới tới cái chòi có bà đỡ nhưng không kịp... Con ra đời giữa con nước ròng, vậy đó”. “Thế sao tụi bọn nó cứ kêu con tên Teng?”. Nó định hỏi nữa nhưng thấy má nó có vẻ tất bật định đi đâu, nên thôi. Vả lại, nó nghĩ, Ròng có cái cớ kêu Ròng, chắc Teng cũng có cái cớ kêu Teng, phải tự hiểu lấy thôi. Hôm sau ra sông gặp thằng Đảm, bạn chí cốt của nó, nó tuyên bố đầy vẻ trịnh trọng: “Mầy biết tại sao tao tên Teng không mầy? Tại vì tao hay toòng teng đeo chiếc giỏ xách ra sông kiếm cá hoài đó mầy. Cũng như, mầy tên Đảm, chắc là hồi má mầy sanh mầy, bả...”. Nói tới đây, nó tịt vì chưa kịp nghĩ ra được cái lý do gì mà bạn nó tên Đảm cả. Hai đứa nhe răng cười, thằng Teng cười to nhất. Vậy là nó vẫn chưa thành người lớn. Người lớn gì mà có thế cũng không biết.

Rồi nó cũng quên chuyện đó ngay. Ròng hay Teng cũng đều dính dáng đến sông hết trọi. Gọi tên gì cũng được, kể cả tên Sông, tên Nước, tên Cá, tên Tôm... Ngon lành hết. Miễn là ngày ngày, má cứ cho nó ra sông với thằng Đảm là được rồi.

Cả hai đứa năm này đều chưa đầy mười ba tuổi. Nhưng có lẽ do chạy nhảy, bơi lội nhiều nên chân tay mau dài ra, rắn lăn lẳn và da dẻ thì hồi nào cũng cóc cáy. Hai đứa thuộc loại bơi lội giỏi nhất ấp. Con sông Sài Gòn to rộng là thế, lắm sóng là thế mà ngày nào hai đứa cũng lội qua lội lại như không. Thằng Teng da xanh trắng, có vẻ hoạt hơn một tí, bơi lặn, nói năng cũng khá hơn bạn, nhưng thằng Đảm lại nhiều mẹo mực bắt tôm, bắt cá hơn và da thì đen bóng. Ba thằng Đảm là dân sông nước, cả đời lênh đêng với đăng, với vó mà . Còn ba của thằng Teng... Lâu lắm nó không nhìn thấy mặt ba nó. Phải đến mấy năm rồi ấy! Tất nhiên là nó hỏi, cũng như tính nó thường hay hỏi làm nhiều khi má nổi đoá lên, nhưng riêng hỏi về ba thì má lại nhỏ giọng đi, ánh mắt nhìn nó dịu dàng hơn: “Ba con đi rồi! Đi xa lắm!... Ráng ngoan, lớn lên chút nữa, con sẽ gặp ba”. Bà Năm ở kế bên lại có lần bô bô nói giữa chỗ đông người: “Thằng cha mầy đi lấy vợ nhỏ rồi, nhắc tới làm gì cho mất công!” Lúc khác, vắng vẻ, bả gọi nó vào cho cái kẹo mè xửng: “Đừng nhắc nhiều đến ba nữa nghe con... Đừng nhắc nhiều má con nó buồn”. Không hiểu phải quấy ra sao, từ đó thằng Teng không nhắc đến ba nữa, song từ ký ức nó vẫn nghĩ đẹp về ba nó. Nó chỉ nhớ láng máng ba nó người cao nhưng ốm, tóc cắt ngắn, bàn tay to toàn mùi thuốc rê hay vỗ vỗ vào má nó và tiếng nói khàn khàn ấm ấm. Hồi ấy, mỗi đêm ba về, nó đều bị dựng dậy và hai cánh tay to tướng của ba cứ ôm riết nó vào lòng tới muốn nghẹn thở luôn. Từ người ba, nó thấy mùi thơm thơm nồng nồng của sông nước. Ba chắc từ sông về? Nó chấc mẩm thế và càng nép chặt vào bộ ngực có cái mùi quen thuộc đó hơn. Những đêm như thế, ba nói chuyện với má rất lâu, lâu lắm, tiếng ba rì rầm thoảng nhẹ như tiếng gió thổi vào vườn chuối ở sau nhà. Gần sáng ba đi, mắt má mọng nước nhìn ba nhưng ba lại nhìn nó. Gặp mắt ba mênh mang như mặt sông mùa nước. Khiến nó rộn rạo cả người. Nó thương ba nó lắm! Má cũng thương ba lắm! Thế tại sao ba nó lại bỏ má con nó đi với bà nhỏ? Bỏ đi lâu năm rồi! Lâu đến nỗi nó không còn nhớ mặt ba ra sao nữa. Nó không tin ba nó là người như thế. Bà Năm ác với má, bà Năm đặt điều ra thế thôi. Không đừng được nó lại mang điềunày hỏi má. Má tái mặt đi, giọng nói tắc tắc như đang nhai cục cơm to: “Bà Năm nói... Nói đúng đó con! Ba con đi lấy vợ nhỏ rồi! Lấy xa lắm. Thôi! Con ở với má cũng được. Má thương con, thương con nhiều...” Nếu thế thì nó tin. Má đẻ ra nó nói cơ mà. Nhưng bằng nhạy cảm của tuổi nhỏ, của đứa con quen hơi ben tiếng người cha, lắm khi nó cứ ngờ ngợ. Nếu thế thì má phải ghét ba, phải la ba như cô Bẩy ở đầu ấp chớ. Cô Bẩy ấy à? Mỗi lấn nhắc đến chú Bẩy bỏ cô đi Sài Gòn với gái là mắt cô lại long lên, tiếng nói át cả tiếng ca – nông nổ trên chi khu. Còn má, nhắc đến ba , cặp mắt má trông khác lắm, giống cái lúc gần sáng hồi nào ba từ giã má con nó ra sông. Ra sông, nó chắc thế. Nó cho rằng: tất cả những người tốt bụng, những người nó quý yêu đều sinh ra từ sông, và nếu có đi đâu thì cũng chỉ về sông thôi. Sông đối với nó là cả một thế giới bí hiểm, là những chuyện cỏ tích hấp dẫn tới mụ người mà hồi bà nội còn sống nội thường kể cho nó nghe. Nhưng... lòng nó chợt thắt lại: nếu ba không thương má, ba bỏ đi như chú Bẩy thì ba cũng phải thương nó chớ! Nó có tội gì đâu. Nó chỉ biết thương ba, đêm đêm mong ba gõ cửa lách vào nhà và mang theo cả gió lạnh, cả cái vị thơm thơm nông nồng của dòng sông thân thộc. Nó có ghét ba đâu! Có lỗi gì với ba đâu! Nghĩ thế, tủi thân,nó lại rơm rớm nước mắt. Sáng dạy, thấy đuôi mắt con đọng nước, má vội siết nó vào lòng và lập rập nói cái gì không rõ, chỉ thấy hơi thở nóng hổi phả vào gáy nó.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Ba, 2021, 12:38:23 pm gửi bởi ptlinh » Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #1 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2011, 09:32:32 pm »

Sáng nay thằng Đảm nhử Teng ra sông bắt cu đinh (một loài ba ba ở sông). Teng thích chí lắm. Gì chứ bắt cu đinh là Teng chịu liền. Mùa này cu đinh rời mí nước bò lên kiếm mồi lổm ngổm đầy ruộng lậu, tha hồ mà rượt. Một chú cu đinh cỡ vừa, mang ra chợ bán cho tiệm ăn ông ba tàu Sáng Lố cũng được vài trăm mang về cho má. Một buổi bắt cật lực cũng phải được ít nhất ba con. Ba con là gần một ngàn bạc. Thế là má vui rồi, sớm sớm má đỡ tất bật lo gạo mắm cho hai bữa cơm trong ngày nữa. Teng thương má lắm! Từ ngày không dòm thấy ba, Teng dồn hết tình thương cho má. Má lắc đầu: “Con thương má thì con ráng đi học tiếp, đừng để cái dốt nó làm hèn người đi. Ba ngày trước...” Nhưng Teng thích ra sông hơn đi học. Học cũng thú nhưng ngày nào cũng phải đi qua thấy mấy cái đồn trong chi khu, nhìn thấy tụi lính ăn nhậu, chửi tục, hù doạ trẻ con, trêu chọc các thím,các chị qua lại, là Teng không ưng rồi. Vả lại trong lớp sao lắm con nhà phách lối thế. Học thì dốt mà mặt cứ vênh lên. Ông già tụi nó người thì có tiệm ăn, tiệm vàng ngoài chợ, người thì đứng chân trong hội đồng, trong ban đại diện, trong quận cảnh sát... Tóm lại toàn một thứ con nhà khó xài cả. Tính Teng lành, xởi lởi với bạn bè, nhưng thằng con nhà nào bỉ mặt khinh Teng là Teng muốn ục liền. Tháng trước Teng đã thoi sưng mặt thằng con trai nhà trưởng ấp ví nó dám sấc láo gọi thằng Đảm là con nhà mất giống. Lão hiệu trưởng bắt Teng đứng dang nắng một ngày. Uất quá! Hôm sau Teng đốt sách, bỏ học ở nhà. Thấy Teng nghỉ, thằng Đảm cũng thôi học luôn. Ngày đầu má khóc, má lại nhắc đến ba. Ngày sau, ngày sau nữa thấy Teng không chuyển, má làm mặt giận. Teng lầm lì không nói thêm câu gì nữa, cứ lủi thủi ra sông tối mịt mới về. Dần dà má hiểu tâm trạng của Teng lại càng thương Teng hơn. Đáp lại lòng má, tối tối Teng kiếm sách đến nhà Đảm tự học thêm. Hai đứa hì hụi học với nhau đến khuya mới lọ mọ ra về. Thấy thế, má Teng bắt đầu cười: “cái tính thằng Teng kỳ quá bà Năn à! Y hệt cái tính... Nói là làm, mà làm cái gì cũng phải kỳ được. Sau này rồi khổ thế đấy”. Nói “khổ đấy” mà mắt má lại sáng lên. Cấm nó nhắc tới ba mà động một chút má đều kêu tên ba! Người lớn sao kỳ quá! Tuy vậy về chuyện ba, nó láng máng cảm thấy có cái gì không bình thường, nhưng trẻ con không thích phân tich chi li, nó tạm chấp nhận cái đã.

Sông Sài Gòn sớm nay nước trải ra mênh mông, rặng dừa nước bên kia bờ, dòm chỉ thấy ngọn lả lơi, ngôi nhà của bác Tư đánh đăng, nửa chìm nửa nổi trong nước nhìn tức cười quá. Trước mặt Teng những trái chà là tròn trịa gai góc tựa trái sầu riêng bé bé đang nhảy tưng tưng trên sóng. Cạnh rặng chà là, kín đáo và mềm mại, mấy cụm rau móp uốn cong thân mình xuống sát mặt nước như đang tập múa. Nhìn những cọng rau móp non búng ấy, tự dưng Teng thấy ứa nước ở chân răng. Dưa móp má muối ăn thơm và giòn lắm, kho với cá cũng ngon, nấu canh chua lại càng khoái. Đi đâu về chỉ cần mấy lát móp muối chua chấm mắm nêm pha nửa thìa đường là Teng có thể ăn hết cả nồi cơm trong nháy mắt. Lát nữa, trước khi về phải chui vào ngắt một ôm rau móp mới được. Teng nghĩ thế và dợm chân bước lên ruộng lậu. Gọi là ruộng lậu vì cả cánh đồng mênh mông này toàn mọc một thứ cỏ năn trên sình lầy, nhìn mút tầm mất cũng không thấy một bóng người, bóng nhà nào cả. Đứng trước khu ruộng đìu hiu hoan vắng, sông rộng, trời cao, đồng đất vắng teo. Teng cứ thấy buồn buồn, thấy bơ vơ như người đi lạc. Thỉnh thoảng có một chiếc trực thăng ậm ạch bay qua càng làm cho khúc sông thêm ắng lặng. Đây là khúc sông, lính chi khu không dám lai vãng, và “Việt cộng” cũng không muốn ló mặt ra. Khúc sông chết! ông già Tư Đờn cò bảo thế, và ông khuyên hai đứa đừng lần mò tới mà tê bay đạn lạc lại cực thân. Nhưng hiềm một nỗi, chính vì khúc sông chết mà tôm cá, cu đinh lại nhiều. Có ai dám ra bắt đâu.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #2 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2011, 08:04:53 pm »

Thằng Đảm lội trước Teng một quãng xa, hai cái bắp chân láng sình của nó cứ vung lên nhoang nhoáng. Chắc nó đã phát hiện ra vết cu đinh trườn lên sình? Cái khoản này thì Teng chịu cứng. Một khi Đảm đã nhín thấy dấu cu đinh thì con vật đó có lủi tới đáy sình nó cũng tóm được. Thì kia! Thằng Đảm cúi lưng xuống một cáinư chớp nvà khi thẳng người lên, nó đã khoái chí quay tròn một con cu đinh trên đầu. Bốn chân ngắn chủn của con vật cứ đạp choi choi trong không khí làm bắn ra những giọt sình nâu quánh dưới nắng, trông đến ngộ. Teng cũng reo lên và chạy lọp bọp tới phía bạn.

Đúng lúc đó có tiếng bà Năm hò tên Teng ở dưới mí sông. Bả gọi gì cà? sao bữa nay bả dám ra tới tận đây? Thằng Teng trố mắt nhìn. Thấy nét mặt bà hớt hải, mái tóc bạc sổ tung, hai tay cố cạp be thuyền cho mũi chạm bờ, thằng Teng thấy làm lạ và ngập ngừng đi lại.
Vừa trông rõ mặt Teng, bà Năm đã nói, giọng phào đi:

- Teng! về, về con! Lính nó giết ba mày rồi. Ở ngoài chợ ấy. Lẹ lên! Tao phải về trước đây không má mày...

Bước chân Teng nhủn đi. Bãi sình dưới chân nó như dâng lên... Dâng lên...

                                                                               *
                                                                          *       *

Về tới nhà, Teng nhìn thấy má đang vật vã trên giường, tóc rối bời, mặt tái xanh và hai con mắt đỏ quầng lên. Bà Năm đang giữ rịt lấy má, tay bịt chặt lấy miệng má không cho má kêu. Teng chỉ nghe thấy những tiếng hức hức tắc nghẽn. Lát lát, má lại quằn người ra khỏi tay bà Năm định nhào ra cửa. Thấy Teng, bà nói vội, giọng hổn hển:

- Út! mày vào giúp ngoại một tay giữ má mày lại. Má mày mà điên đầu chạy ra chợ bây giờ là chết! chúng nó chỉ chờ có vậy thôi.

- Nhưng ba con đâu, ngoại? Tại sao lính lại giết ba con? – Teng vừa ôm ghì lấy lưng má vừa mếu máo hỏi.

- Khẽ! Khẽ chứ! Ra đóng chặt cửa lại. Đặt má con nằm xuống. Rồi chưa? Đêm hồi línhnó phục giết được ba con nhưng không biết người bị giết là ai cả. Nó đang chờ thân nhân ra nhận mặt. Ba con là... Nhưng thôi, để sau này má con kể.

- Nhưng ngoại nói ba con đi lấy bà nhỏ, sao lại bị lính giết ở đây?

- Thôi! Đừng hỏi nữa. Dần dà con sẽ biết. Ba con đi làm việc nước, việc dân, không có việc nhỏ việc lớn chi đâu. Ngoại dặn này: ở nhà với má, cấm được chạy ra chợ. Va không được tỏ cho ai biết đấy là ba con nghe chưa?

- Ba con đang nằm ngoài chợ hở ngoại?

Bà Năm không trả lời, chỉ có tiếng nấc đau đớn của má bật lên.

- Con... Teng! – Má Teng quờ quạng bấu chặt lấy tay Teng. Ba con đang nằm ngoài chợ... Con đừng hỏi nữa, con ở nhà với má. Con đừng đi đâu cả nghe... Con! Bây giờ má chỉ có mỗi mình con.

Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #3 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2011, 10:01:20 pm »

Má Teng lại lả người đi, hai hàm răng cắn chặt vào môi đến rớm máu. Cho tới lúc này Teng mới khóc. Teng khóc lặng lẽ, mặc cho nước mắt lã chã rơi ra. Không được khóc to! không được mếu máo. Trong nhà bây giờ chỉ có độc Teng là đàn ông, Teng phải tỏ ra cứng cáp. Teng nghĩ thế và càng cố kìm lại. Trong lúc thảng thốt, Teng loáng thoáng hiểu đằng sau cái chết của ba có một cái gì không bình thường, có cái gì đang đe doạ cuộc sống của má con Teng. Teng cắn răng lại... Mắt Teng nhoà đi không trông thấy thằng Đảm đang ngồi bên nó tự lúc nào và cũng đang sụt sịt.

Đến xế chiều, nhân lúc má mệt quá thỉu đi và lại có bà Năm đang nấu giùm nồi cơm, Teng quyết định ra chợ. Thằng Đảm cũng lặng lẽ đi theo. Biết tính bạn nóng nảy và hay làm liều, Đảm không thể rời bạn lúc này. Tính Đảm lặng lẽ, trầm ngâm và hay chiều bạn. Xưa nay trong mọi chuyện, Đảm thường hay nhường nhịn Teng. Teng hiếu thắng, Đảm chịu nhận phần thua. Teng bộp chộp, Đảm lại nhu mì. Teng hoạt bát, Đảm lại tỏ ra chín chắn. Teng thường bênh vực bạn hết lòng ở chỗ đông người khi có kẻ nạt nộ. Đảm lại hay tâm tình thủ thỉ với Teng lúc chỉ có hai đứa. Đảm hiền và chu đáo như con gái, như một người chị của Teng. Teng ồn ào và năng nổ khiến Đảm đi đâu cũng thấy vững tâm. Đôi bạn trái tính trái nết nhưng lại chơi với nhau thân thiết như anh em ruột thịt. Hai nhà cũng coi hai đứa như chính con cái của mình. Lúc này, trước cảnh ngộ của gia đình Teng, chỉ có một mình Đảm biết và chia sẻ nỗi đau âm thầm ấy. Tính ít nói, nó không biết khuyên nhủ hay an ủi bạn một câu gì, chỉ im lìm quan sát bạn và sẵn sàng làm mọi thứ để bạn được vui, được quên đi chốc lát những giọt nước mắt tuôn hoài không thôi trên má. “Không được để Teng lủi thủi một mình lúc này!” Đảm nghĩ thế.

Chợ nằm trên trục lộ. Xuôi bên phải là về Sài Gòn, ngược lên trái là đi Bến Cát. Đoạn đường này suốt ngày nghìn nghịt những người, xe cộ qua lại. Xe bò lọc cọc ra bưng, xe lam, xe đò phun khói vè vè, xe nhà binh xám xì lồng lên bạt mạng...” Đây là một đoạn đường an toàn trên trục lộ 13 đẫm máu và nước mắt!” Chúng nó nói với dân như thế. và chúng nó nghênh ngang qua lại, miệng ngậm thuốc, mắt láoliêng trong cái thế coi trời bằng vung. “Việt cộng à. Việt cộng hết trơn hết trọi rồi! Sau Mậu Thân,còn thằng cha Việt cộng nào sống sót nổi nữa. Bà con cứ vững bụng đi!”. Đấy là câu cửa miệng của thằng trưởng ấp. Lúc này cái nón phớt, cái áo bà ba màu mỡ gà và cái quần tây đen của hắn cũng đang thoáng qua, thoáng lại ở nơi ngã ba đường. Chỗ ấy, dù mặt trời đã sắp lặn bên kia sông, nhưng vẫn còn đông người đứng quây vòng trong, vòng ngoài. Một vài chiếc xe đang phóng với tốc độ nhanh thấy vậy cũng dừng lại ngó nghiêng. Giao thông trên đường bị tắc nghẽn. Bọn lính bảo an, dân về vác súng Mỹ đi qua đi lại trông vừa dữ tợn, vừa nhởn nhơ. Đó đây có những tốp lính chủ lực đeo khăn quàng đỏ đang đập phá trong các quán tiệm hai bên đường. Nhốn nháo, nống nực, bụi mù.

Chỗ ấy vòng người vẫn xúm đen xúm đỏ.
Bước chân Teng hụt hẫng. Tim Teng thắt lại, đau nhói. Em biết chỗ ấy người ta đang bâu kín quanh cái gì rồi. Mặt em xanh nhợt đi. Teng biết ba Teng đang nằm giữa vòng người ấy. Cái chân Teng muốn quuýnh lên, lại muốn trì lại. Thoạt đầu Teng tính chọn một cây cao gần đường trèo lên để được nhìn thấy mặt ba, để bọn lính không nhìn thấy nhưng ra đến nơi thấy thiên hạ nhốn nháo thế này, Teng không đừng được, muốn len thẳng vào vòng người để nhìn mặt ba cho rõ. Nhìn lần cuối cùng... Và như có tiềm thức xô đẩy, Teng cứ chen vào như mơ ngủ. Mùi mồ hôi, mùi khét lẹt của thuốc lá lính càng khiến cái đầu nóng phừng phừng của Teng ngây ngây. Teng len vào. Len vào nữa! Người ta đẩy Teng ra, huých Teng lại, Em cứ len vào. Mặt mũi đỏ gay, mắt bạc đi và chợt Teng đứng sững... Trước mắt Teng là một người đàn ông đang duỗi chân, duỗi tay trên nền đường như ngủ. Nước da trắng bệnh, miệng mím chặt, một bên mép trĩu xuống trong cái vẻ đau đớn, trên đỉnh đầu có mảng tóc dính bết máu... Mắt em hoa lên. Ba! Ba ơi! Có phải ba thiệt đấy không? Sao ba lại nằm thế? Ba dạy đi! Người ta đang nhìn chằm chằm vào ba kia kìa! Trong giây phút ấy, mắt Teng mở to cố không tin rằng đấy là ba em. Nhưng ba Teng thật rồi: tóc cắt cao, khuôn mặt xương xương, bàn tay có những ngón vàng khói thuốc rê... Ba! Một chút nữa Teng kêu thét lên như thế và chạy xổ lại ôm chầm lấy ba nếu thằng Đảm không kịp thời giữ nghiến lại. Ôi! Mấy ngón tay thằng Đảm xiết vào vai đau quá! Cái xiết tay đó khiến Teng chợt nhớ lại hoàn cảnh của mẹ con mình. “Chúng nó chỉ chờ thân nhân ra nhận mặt...” thằng Teng đứng trụ lại được nhưng hai đầu gối nó run bắn lên. Không có thằng Đảm đeo cứng phía sau thì Teng đã khuỵu xuống rồi. Đứng lút trong dòng người. Teng khóc âm thầm. Nước mắt đặc quánh không rơi được xuống má nữa.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #4 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2011, 09:28:08 pm »

Nhưng thằng Đảm không cho Teng đứng lâu, gần như thô bạo, Đảm kéo xềnh xệch Teng ra ngoài. Teng không muốn ra, em muốn đứng đây đến đêm, đến sáng mai và đến nhiều ngày nữa, kỳ cho tới khi nào ba Teng tỉnh lại, mở mắt ra, cười với Teng và bằng bàn tay to tướng ôm siết nó vào bộ ngực hơi khói thuốc rể mới thôi. Ý định vậy mà bàn tay thằng Đảm bữa nay kéo chặt cứng, không cho chân Teng bám đất nữa. Như bị áp bức, nó vung tay tát mạnh vào mặt thằng Đảm một cái. Thằng Đảm choáng người, bàn tay bấu vai nó lỏng ra nhưng chỉ thoáng chốc, Teng lại bị kéo sền sệt rồi. Vòng người nhanh chóng lấp kín khoảng trống của hai đứa nhỏ vừa rời đi. Ra đến vòng ngoài, trong ánh chiều đỏ bầm như máu, Teng mới chợt thấy một bên mũi bạn có dấu máu và hai tròng mắt rân rấn nước. Teng nói lào thào:

- Đảm! … Mày bỏ qua cho tao… Tao không muốn thế…

Đảm cười méo xẹo, lắc đầu. Khuôn mặt và tình cảm của Đảm phần nào giúp cho Teng trở lại trạng thái tỉnh táo. Nó ngoan ngoãn đi theo bạn như trong cơn mê. Những tiếng nói đàn ông, đàn bà; những tiếng nói thanh, trầm loáng thoáng lọt vào đôi tai mụ mị của Teng.

- Mấy ông chánh quyền làm ăn bất nhân! Bắt giết được người ta rổi thì thôi, cớ chi mà phơi nắng phơi mưa hoài vậy. Chà! Cũng là một con người! Lấy người chết răn đe người sống, kiểu này xem ra không đặng.

- Không rõ ông này người ở đâu mà gan quá trời vậy! Lính đen đường đen ấp mà lọt vô làm chi cho khổ kia chớ!

- Nghe nói khi đêm họ vô đông lắm. Đụng nhau một trận ra trò. Dường như bên này bỏ xác cả chục mạng, bên kia mới chỉ để lại một mạng. Ôi dào! Chiến tranh liên miên tới bao giờ mới thôi đây? Chỉ cực vợ con, gia đình! Mà dòm vóc dáng cái người này cũng trẻ.

- Vậy mà mấy ông quốc gia kêu khu này bình định tuyệt đối rồi. Tuyệt đối đấy. Thôi, từ nay nhà nào nhà nấy đắp thêm bao cát vào ngủ cho ngon.

Có người tỏ ra thông hiểu hơn, ghé tai nói nhỏ với người bên cạnh:

- Họ bẫy đó! Họ chờ xem ai ra nhận họ hàng thân thiết với người này là chụp liền, đưa vô khám khui ra nữa. Không hiểu liệu từ giớ tới sớm mai có ai ra nhận không? Chắc không phải người vùng này, nếu phải, gia đình họ chịu sao thấu mà không ló đầu ra. Gan! Phải nói Việt cộng có cái gan trời.

Và lướt qua con mắt cay nhức của mình, Teng cũng thấy được những khuôn mặt rắn đanh căm giận, những cái nhìn đau đớn của nhiều người, có cảm giác Teng chỉ thét lên một tiếng “Ba ơi!” là cả khối người kia sẽ rung chuyển, gào theo tiếng thét của Teng…

Teng nghe ong ong trong đầu. Tuy vậy đầu óc nó cũng có một khoảng tăm tối sáng bừng lên. Trời! Thế ra Ba là Việt cộng! Ba là Cộng sản, là người… Ba là… Thế sao bà Năm nói, má cũng nói… Thôi! Teng hiểu rồi! Má sợ Teng không giấu được, sợ bọn nó hay biết, gây rầy rà. Má ơi! …Đột nhiên Teng cồn cào  nhớ tới má. Từ tình thương ba chuyển thành thương má để cuối cùng thương cả hai, thương đến muốn gào, muốn hét lên được.

Trước mặt hai đứa, lão trưởng ấp mặt bóng nhãy như thoa dầu đậu nành vẫn đi đi lại lại, mắt nhìn xăm xoi từng người. Đôi mục kỉnh trên mắt lão bắt nắng đỏ tía lên như hai mảng máu khô. Máu trên trán người chết, máu trên mũi thằng Đảm, máu loang loáng trong mắt lão ấp trưởng, máu loang đầu đường, máu ứa ra trên những áng mây chứa ráng chiều, máu… Máu! Teng nhìn đâu cũng thấy máu. Teng thấy say say, đầu óc lúc tê dại, lúc nóng bỏng. Càng ra xa vòng người, một câu hỏi mơ hồ càng ám lấy suy nghĩ của Teng. Ai? Ai là kẻ giết ba? Thằng nào, chính thằng nào? Mặt mũi nó ra sao? Ba ơi! Ba hãy nói cho con một câu. Bà con cô bác ơi! Hãy chỉ cho tôi biết đi! Tôi sẽ… Mặt Teng bỗng đanh lại, trông già hẳn đi. Mắt Teng long lên dữ tợn khiến thằng Đảm thấy cũng muốn ớn lạnh. Sợ có điều gì không lành xảy ra, Đảm càng cố sức kéo bạn ra xa vòng người hơn nữa. Sang tới bên kia mặt lộ, bỗng thằng Teng lại giở chứng không chịu đi. Nó cứ đứng nhìn trân trân trở lại, gò má rần rật như sắp lên cơn động kinh. Lần này thì thằng Đảm cũng buông tay bạn, nó đứng cúi đầu xuống không muốn cho bạn biết  những giọt nước mắt của mình đang lặng lẽ rơi ra. Hai đứa sẽ còn đứng ở đó mãi nếu lúc ấy ông già Tư Đờn cò không đi tới. nhấp nháy cặp mắt mờ lòa, chuyển cây đàn qua tay mặt, ông lầm rầm nói như đang hát khẽ một câu vọng cổ:
- Hai đứa bay đứng đó làm chi? Về đi! - Thấy hai đứa vẫn không nhúc nhích, ông nhướng mắt lên, cao giọng. - Về! ông Tư bảo hai đứa về! Muốn chết hay sao mà đứng đây! - Rồi dừng lại một chút trước mặt Teng , giọng ông trùng xuống – Teng! Con nghe ông, con về lẹ đi! Má con đang chờ…

« Sửa lần cuối: 14 Tháng Tám, 2011, 09:45:10 pm gửi bởi crawling0805 » Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #5 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2011, 11:22:55 pm »

Ông già Đờn cò tàn tật sớm chiều chỉ ôm cây đàn ê a ở khắp chợ, hàng ngày có cậy răng cũng không hỏi han, chuyện trò với ai nửa lời, hình như còn muốn nói  thêm điều gì nữa nhưng ông đột ngột dừng lại nuốt nước miếng. Giây phút ấy, Teng không còn cảm thấy cặp mắt ông mờ lòa mà nó sáng lên, sâu thẳm yêu thương và nhắn nhủ, giống như cặp mắt của ba trước khi sắp đi lại mở to nhìn nó. Cái nhìn của con người bất hạnh, tội nghiệp không ai để ý đến ấy đã có sức mạnh bắt đôi chân Teng chuyển động…

Một chiếc G.M.C chở đầy lính chủ lực, phanh két lại. Một thằng đeo lon sĩ quan, người đầy bụi bặm, râu ria đen cằm hỏi chõ xuống:

- Cái gì đó hai thằng nhỏ? Oánh nhau chết người à?

Hai đứa không nhìn lên, bước nhanh qua đầu xe. Người lính ngồi trong khoang lái thò cái miệng có chiếc răng vàng chóe ra khỏi cửa xe phun nước miếng cái phèo xuống đất, văng tục:

- Mẹ nó! Lại thịt được thằng vẹm (Việt cộng) nào rồi! Ba cái thằng địa  phương cóc qué này mới làm được một chút công tích bằng cái mụn ghẻ mà đã la lối rùm beng. Điếc lỗ đít! Đi thôi trung úy! Về thị xã trước tối để còn nhậu nữa chứ! Mẹ nó!

Câu chửi ấy như hắt tất cả vào mặt lão trưởng ấp. Cái mặt lão sượng lại rồi đỏ lên từng đám. Hắn ngửa bộ mặt bóng mỡ có đôi mắt hùm hụp lên nhìn đám lính chủ lực rồi lại nhìn lảng đi. Có lẽ qua biết rằng giây với bọn kiêu binh vừa ôm đầu máu từ tiền đồn về là mất mạng như chơi nên hắn nín nhịn.

Chiếc G.M.C rồ máy rồi lao đi để lại một đám bụi quẩn vào hai cái bóng nhỏ bé, xiêu vẹo đang dắt tay nhau đi về phía lô cao-su. Lúc ấy trong ấp, những ngọn đèn dầu  cũng đã bắt đầu cháy lắt lay trong mọi nhà như những đốm ma trơi. Ban đêm nơi đây cứ phảng phất cái mùi vị và hình dáng của một nghĩa trang vừa có vụ chôn cất lớn.

                                                                                                     *
                                                                                                *        *

Một ngày trôi qua, không ai ra nhận thân nhân và đêm  đến cũng không thấy có dấu hiệu có người bí mật lấy trộm xác, tên đại úy đồn trưởng đành để cho bà Năm dẫn theo gần mười người già trong ấp đến ngã ba xin xác chết đem chôn. “Thôi thì chuyện đánh đấm là của quốc gia, nhưng người ta chẳng may bị chết trên đất ấp này, gia đình quê quán ở xa không biết, bà con trong ấp có bổn phận chôn cất đàng hoàng để phúc để đức cho con cháu, cũng là cái tình cái nghĩa với người tử nạn. Còn người ta là bên kia hay bên này, bà con không hay biết. Dù bên nào thì cũng là chết rồi!” Bà Năm vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa từ tốn nói như thế. Mấy người lính lớn tuổi trong đồn cũng ngấm ngầm hùa theo. Chỉ riêng lão trưởng ấp là còn hậm hực. Theo ý lão thì hẵng cứ để cái xác đó đã, ba ngày, năm ngày, mười ngày cũng được. Có thối, có rữa ra chẳng sao. Thế nào cũng nhử bắt được thêm gia đình, bè đảng của nó. Bên ta mất mười, bên nó gục một. Tức quá! Nhưng tên đồn trưởng không nghe. Cái xác để càng lâu, chính hắn càng mất mặt. Mất mặt với bà con, với thượng cấp và với cả bọn chủ lực kênh kiệu hay qua lại trục đường này. Cứ mặc dân chôn quách lại khuất mắt, làm lại mẻ sau ngon lành hơn. Hắn có ý chê lão ấp trưởng chỉ biết một mà không biết hai, chỉ là cái mã “Gà què ăn quẻn cối xay”.

Thế là ba của Út Teng được bà con trong ấp đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng trên một khu gò cao ráo, quanh năm nắng gió xôn xao. Đêm mai táng , má Teng đòi đi theo nhưng bà Năm vẫn nghiêm mặt lắc đầu. Bà nói: “Biết đâu chúng chả cho người mò theo, vả lại ngay người trong ấp, không phải ai mình cũng để hở ra được”.



Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #6 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2011, 09:54:46 pm »

Mới có hai ngày hai đêm mà má của Teng đã già xọp hẳn đi. Cặp mắt trũng sâu, tóc ở thái dương đã có nhiều sợi bạc. Hai ngày hai đêm qua má không ăn một chút gì, không ngủ được một phút. Ba chết nằm ngoài kia, cách không đầy nửa cây số mà má phải cắn răng làm ngơ coi như cái chết của người dưng. Nỗi đau xé không tuôn thành nước mắt, không bật thành tiếng kêu la lại càng đau. Má như người phát điên. Suốt khoảng thời gian khủng khiếp ấy, Teng không rời má nửa bước. Teng cũng già hẳn đi. Mới có mấy ngày mà mặt cậu bé biến mất hẳn vẻ thơ ngây, láu lỉnh. Mặt cậu đanh lại, mắt nhìn đăm chiêu như người lớn. Mà cậu cũng phải thành người lớn thật rồi. Ba mất đi, cậu là người đàn ông duy nhất trong nhà này. Mọi việc cậu đều phải lo lắng, phải tính toán thay má. Má đang mê man, má còn biết gì nữa. Thỉnh thoảng mấy tên dân vệ, phòng vệ có rẽ vô nhà kiếm nước uống, Teng đều phải nói dối má đang bị đau nặng nên không tiếp được. Nửa đêm má lặng lẽ ngồi dậy định đốt nhang khấn ba nhưng Teng không cho má làm. Bọn nó như lũ chó rình mò suốt đêm, chỉ cần ngửi thấy mùi nhang là xộc vào liền. Cùng với má, Teng khấn ba trong lòng. Đôi lúc có việc phải ra ngoài, Teng cố làm ra vẻ tươi tỉnh bình thường để chúng nó khỏi nghi. Muốn khóc mà phải cười, đau mà không được kêu, buồn mà phải giấu, Teng thấy khổ quá. Nhưng biết má còn khổ hơn nên Teng vẫn cắn răng làm thinh. Mấy ngày đó cũng là mấy ngày Đảm thường lui tới nhà Teng gánh nước, quét dọn cửa nhà và đun nấu dùm nồi cơm, niêu cháo. Có Đảm, có bà Năm, căn nhà cũng bớt phần cô quạnh. Chỉ khi nào má mệt quá, thiếp đi, Teng mới lẻn ra đầu hồi khóc giấm giúi một mình. Thế là từ nay Teng không còn ba nữa! Mãi mãi không còn những đêm khuya ba trở về ngực áo nồng mùi tôm cá, không còn cánh tay rắn chắc của ba ôm cứng Teng vào lòng, không còn ánh mắt kiên nghị và yêu thương rọi sâu vào đầu óc thơ trẻ của Teng. Không còn... Không bao giờ còn nữa! Teng nấc lên!...

Cùng với trạng thái đau xé ấy, một ý định khác dần dần rõ nét  và cháy nóng trong óc Teng. Sáng nay mấy thằng dân vệ đi phục kích ở mé sông về qua đây có để hở ra: chính thằng trưởng ấp sáng hôm rồi đã trực tiếp dẫn lính đi phục giết được ba của Teng. Nghe đâu, khẩu ru-lô của hắn đã nã vào ngực ba đến viên đạn cuối cùng. Hèn chi… Teng chợt nhớ đến cặp mắt ngó nghiêng của nó xăm xoi nhìn hết người này đến người khác giữa đám đông ở ngã ba. Nó đã giết ba, nó còn muốn giết luôn cả má và Teng nữa! bụng dạ nó độc địa đến thế ư? Suy nghĩ của Teng bám chặt, quấn quanh con người mặc cái áo bà ba màu mỡ gà ấy. Cặp kiếng loang loáng máu chập chờn hiện lên trước mắt Teng cả ngày lẫn đêm. Cái ám ảnh ấy lớn dần, nóng dần và đã hình thành cụ thể: trả thù! Phải trả thù. Trả thù cho ba! Trả thù cho những cơn vật vã của má, trả thù cho nguồn vui bị tước đoạt của Teng. Trả càng sớm càng tốt, không để cho con quỷ ấy nhởn nhơ đi lại giữa xóm ấp được nữa. Đầu Teng nóng ran. Mắt Teng cháy sáng. Những ngón tay gầy của Teng siết chặt. Teng thấy mình mạnh lên, rồi rào sức lực. Teng muốn hành động. Teng phải hành động. Chỉ có hành động lúc này mới mong lau khô được phần nào sự nhức buốt trong lòng Teng và để cho hương hồn ba dưới kia được thanh thản, Teng là con của ba, Teng không thể sống hèn nhát.

Tất cả tình cảm, cơ bắp của cậu bé hơn mười tuổi nở bung ra.

Teng không dám nói ý định dữ dội này cho má biết. Cũng không hé miệng cho bà Năm hay. Đời nào má và bà Năm cho Teng làm. Teng là đàn ông. Teng phải tự quyết định lấy thôi. Cả thằng Đảm nữa, Teng cũng im luôn. Cái thằng gan cóc tía, nó không sợ, nó sẽ làm theo mình, nhưng chuyện này không nên để nó dính vô. Có bề gì, mình mình chịu là đủ rồi.

Cả ngày hôm ấy Teng cứ quẩn quanh bên má, dịu dàng với má hơn hẳn ngày thường. Trước khi vào việc Teng càng thấy thương má. Nếu đêm nay công việc không thành… Ba chết đã vậy, còn mình cũng bị nữa thì sao? Chắc má cũng không sống nổi đâu. Nghĩ thế lòng Teng mềm lại và đã có lúc tự nhủ hay là chờ má khỏe hẳn lên, chờ mình lớn lên thêm vài tuổi nữa đã, để có nhiều sức lực? Nhưng mớ tâm tư rối rắm ấy cứ luôn bị hình ảnh người cha nằm như ngủ trên mặt đường hối thúc, xua tan. Má ơi! Chính vì thương má nên con mới phải trả thù cho ba. Con không thể chờ được. Chờ ngày nào, thằng Mắt-kính-máu ấy còn gây khó dễ cho bà con cô bác ngày ấy. Má tha thứ cho con. Má hãy khấn ba cho con giết được nó. Như vậy, con có chết cũng vui má ơi! Cặp mắt cậu bé nhìn má thẫn thờ. Môi động đậy mà tiếng nói chỉ vang dội ở trong lòng.

Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #7 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2011, 09:40:36 pm »

Người mẹ quen tính quen nết con từ thuở lọt lòng nhưng lần này, do nỗi đau còn choáng ngợp nên không đoán được lòng đứa con trai.

Má không biết gì hết! Thế là được rồi! Teng yên bụng. Chúng nó giết được ba nhưng không biết ba là ai. Nghe má nói ba thoát li đã hơn mười năm nay, nếu có về thì chỉ về nội trong đêm nên làng xóm đã quên mặt ba, đinh ninh rằng ba đi ở với vợ nhỏ nơi xa, không ai nghĩ cái người “Việt cộng” ghê gớm bị giết ấy lại là ba hết, cả chúng nó, cả thằng đồn trưởng lẫn thằng trưởng ấp cũng mù luôn. Ba ơi! Đêm nay con sẽ đi giết cái thằng đã giết ba, và nếu được, không ai kể cả chúng nó biết con là ai? Ba sống bí mật, chết cũng bí mật; bắt trước ba, đêm nay con cũng là người bí mật.

Càng nung nấu ý định, mặt Teng càng đờ ra, Teng càng quẩn quanh bên má. Bữa nay má đã dạy được rồi. Má đã đi được ra bể nước, ra sau vườn và đã bắt đầu nói chuyện được với bà Năm. Nghe người già nói: mất mát sẽ phá hủy rất nhiều sức lực con người nhưng đồng thời cũng tạo cho con người một sức lực mới. Teng thầm mong má như vậy.

Chập tối, Teng vác con dao nhọn dùng để thái chuối ra lu nước ngồi mài. Con dao dài và sắc lắm, má nói ngày xưa, hồi chưa thương má, ba thường hay mang đi rừng chặt gỗ, chống thứ dữ. Teng mài không giỏi, tay đưa lưỡi dao không đều nên mài hoài mà vẫn chưa thấy bén. Teng định mang nhờ chú Sáu thợ rèn nhà bên mài hộ nhưng lại thôi. “Bí mật đến cùng, như ba ấy”. Teng nghĩ vậy và lại đưa lưỡi dao qua lại.

Teng định giết kẻ thù bằng dao.

Teng không còn một thứ vũ khí nào khác. Giá ba giấu lại một cây súng thì hay biết bao nhiêu! Hoặc tự dưng bây giờ vớ được trái tạc đạn của một người lính nào để rơi trên bến sông! Nếu thế thì… Không được thế, Teng dùng dao. Dùng chính con dao chống thú dữ của ba. Đêm nay, trước mũi dao này cũng là một con thứ dữ, dữ hơn mọi con thú dữ khác trong rừng. Cánh tay Teng đưa mạnh. Nhanh lên! Bén vào. Thật bén vào. Làm sao mới chạm đến ngực một cái là nó đa lăn ra chết ngay. Đêm nay…

Teng biết đêm nào, khoảng gần sáng thằng trưởng ấp cũng ra tiệm Sáng Lố uống cà-phê, húp hủ tiếu. Nó nhậu quen tiệm này và quen ngồi một chỗ rồi. Cùng đi với nó thường có mấy thằng đàn em thân cận ngồi hầu xung quanh. Nó biết nó ác nên đi đâu cũng đề phòng cẩn thận. Gần đây, thấy tình hình tạm yên, có đêm nó dám ra tiệm một mình, ngồi rất lâu bên li cà-phê như con sói rình mồi đến sáng bừng mới khụng khiệng đi về trụ sở. Chắc giết được ba rồi, Teng căng óc phán đoán, thế nào nó cũng lơ là vì nó cho sau cú bêu xác giữa chợ ấy, còn có kẻ to gan nào dám lọt vô ấp nữa. Mình sẽ phạt đứt cuống họng nó ngay lúc nó gật gù bên li cà-phê ấy. Teng lần mò phác họa các hành động nối tiếp cần phải làm trong đầu. Xưa nay, Teng chỉ lo tính việc bắt cá, bắt tôm, việc rượt con cu đinh không cho nó thoát vô sình, nay Teng phải phác họa một hành động ngoài sức tưởng tượng, ngoài tầm hiều biết của một em nhỏ như nó. Tất cả những việc Teng dự tính làm đêm nay đều hết sức xa lạ, nó chưa từng nghĩ đến và không bao giờ dám nghĩ đến. Teng vốn không thích máu, sợ máu. Không! Nhưng đây không phải máu người đâu. Máu con chó dữ đấy. Con chó dữ đã cắn chết ba của Teng, đã cắn chết ba của nhiều đứa khác. Teng phải kiếm cây kiếm gộc đập chết nó. Teng không sợ nó. Teng thấy bình tĩnh và đầu óc cứ cuốn theo những động tác cần làm đêm nay. Làm thật bí mật, thật nhanh gọn rồi quăng dao xuống sông chạy về với má, rửa sạch chân leo lên giường, thế là xong. Và chờ khi mọi chuyện nguôi ngoai đi rồi, Teng mới thủ thỉ thú nhận: “Má ơi…”

Teng thấy lòng vui dạt dào, không biết rằng có một bàn chân bước nhẹ đến sau lưng từ lúc nào.

- Teng! Mày làm gì thế?
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #8 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2011, 11:33:48 pm »

Út Teng giật bắn người nhìn lên. Nhác thấy mặt thằng Đảm đầy vẻ lo ngại, Teng cười cười:

- Mài dao sớm mai lên rừng chém thú dữ.

- Mày đừng đùa - Đảm ngồi hẳn xuống – mày mài dao làm gì? Ngày hôm nay tao thấy mặt mày kỳ lắm, như có khói ám ấy. Mày mài làm gì?

- Tao đã nói rồi mà, sớm mai lên rừng kiếm củi về chụm. Nhà tao hết củi trọi trơn rồi.

Thằng Teng nói trơn tuột, tránh không nhìn vào mắt bạn. Nó biết, nếu nó nhìn vào đôi mắt chân thành ấy một giây thôi là đầu lưỡi nó nói tuột ra ngay. Xoàn… xoạt! Tiếng dao nghiến vô đá vang lên. Thằng Đảm đứng dậy, giọng phụng phịu:

- Tao biết mày không tin tao, mày nói xạo. Mày khi (khinh) tao đần, tao chậm, tao không đáng mặt chơi với mày, mày giấu tao. Củi! Củi thì nhà tao thiếu gì mà mày phải lo lên kiếm tận rừng. Thôi! Đã thế tao về đây.

Nói rồi, Đảm quay đi, bước chân chậm. Cái bóng nhỏ nhoi, mặc quần xà lỏn nhòa trong bóng đen của vườn chuối trông đến tội. Thương quá! Thằng Teng gọi giật:

- Đảm! quay lại tao bảo nè!...bảo nè!

Thế là nửa đêm hôm ấy hai đứa bấm nhau dậy chuồn ra khỏi nhà. Phương án chiến đấu đã hiện rõ lần đầu tiên trong hai “chiến sĩ du kích” tuổi nhỏ. Hình thành một cách tự nhiên, không hề hay biết. Chúng không biết rằng mình đang làm công việc của một tự vệ mật. Chúng căm thù, chúng khổ đau, chúng cần phải trả thù, phải thanh toán khổ đau, thế thôi. Khi quyết định làm việc này, cả hai đứa đều chưa có ý thức về việc làm, về đối tượng chúng cần phải diệt. Chúng không nghĩ chúng là Việt cộng hay là cộng sản. Nếu lúc đó ai gọi chúng bằng cái tên như thế, chúng sẽ sững ra mà kinh ngạc, và cho rằng người ta đùa trêu mình. Từ tấm bé đến giờ, chúng đã được tiếp xúc với một người Việt cộng hay cộng sản nào đâu! Chúng không biết rằng, lòng yêu dân, yêu xóm ấp, lòng căm thù cái ác, cái tàn bạo của người cách mạng đã được ươm ngay trong cuộc sống hàng ngày của chúng bằng những bà má, ông bố, bà con lối xóm và bằng cảnh sắc quê hương gắn bó từ lâu.

Đêm ấp chiến lược giống như một nấm mồ khổng lồ với những bát nhang cháy lụi ở ngoài sân mỗi nhà. Hai đứa cởi trần, mặc quần cụt, luồn qua những bụi chuối vườn mít um tùm. Chúng đi cách xa các mái nhà để tránh chó sủa. Chỉ cần đang giữa đêm, một con chó bất thần tru lên thôi là bọn lính từ các ổ mai phục xộc đến ngay. Teng và Đảm bước nhẹ. Thân thể bé nhỏ của chúng thật dễ luồn lách và ẩn nấp. Đêm vùng ven chanh chấp có ai dám đi ra khỏi nhà, chỉ cần thoáng một bóng đen xuất hiện là trăm họng súng, trăm trái mìn mo (Mìn Klây-mo định hướng của Mỹ) sẽ tức thời nổ không biết ngay hay gian. Đêm hôm rồi chắc ba của Teng cũng ngã xuống trong một trạng huống như thế. Tim Teng thắt lại, Teng càng thận trọng, em muốn sửa chữa cái sai lầm trong một phút hớ hênh nào đó của ba. Teng không muốn ngã xuống trước khi chưa làm tròn lời thề. Gió lành lạnh, Teng không thấy rét. Hơi ấm thoang thoảng của mùi sông nước nâng em đi, dẫn em vượt qua từng trở ngại để đến gần khu chợ. Gà nhà ai đã gáy canh ba! tiếng gà như đồng cảm với nhịp đập của tim em như thúc giục em! Mùi hương nhà nào phảng phất loãng tan trong gió gợi nhớ đến vong linh người cha thân yêu.
Logged
crawling0805
Thành viên
*
Bài viết: 486


« Trả lời #9 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2011, 10:14:19 pm »

Hai đứa đi cách nhau khá xa nhưng vừa đủ để nhìn thấy nhau, để bảo vệ nhau. Trên tay mỗi đứa chỉ có một con dao. Thằng Teng đi trước, con dao nhọn. Thằng Đảm đi sau con dao Mỹ lưỡi mỏng như lá lúa. Cứ đi được một đoạn thằng, Teng lại nằm sát xuống đất để nhìn về phía trước, thằng Đảm nhìn hất sang hai bên. Hai đứa bỗng thành một đội hình hành quân gắn bó và chặt chẽ. Đêm tối hun hút, nằm xuống mà nhìn lên thì cái gì cũng thấy cả: bụi cây, mô đất, dáng người cứ bị cái nền trời nhờ nhờ sáng làm nổi lên. Bằng cách “chơi trốn tìm” ấy, hai đứa nhích dần về phía khu chợ. Và thật kỳ lạ! Giữa lúc này cả hai đều không thấy hãi sợ. Chỉ còn sự hồi hộp khoan khoái của một trò chơi quen thuộc mà chúng đã từng chơi. Bất giác thằng Teng nhìn lại bạn, mỉm cười. Teng tìm được trong công việc xa lạ và ghê gớm này, cái việc đáng ra người lớn mới làm nổi, một sự thích thú và say mê. Tuổi nhỏ thường ít nghĩ xa xôi, lát nữa điều gì sẽ xảy ra, chúng chưa bận tâm lắm, nhưng lúc này được dấn mình trong đêm đen được đánh lừa mọi cạm bẫy là khoái rồi. Lát nữa… Điều này hai đứa đã thì thào bàn kỹ tối hôm qua. Lát nữa - cứ ngồi kín bên này đường, dưới gầm xe bò, trên chạc cây hay gờ tường nào đó đối diện với tiệm Sáng Lố. Ngồi thật im. Khi gà gáy báo trời sắp sáng. Thằng trưởng ấp sẽ xuất hiện. Nó sẽ khệnh khạng đi vào quán, tháo kính, bỏ mũ, thậm chí khẩu Ru-lô nó cũng mở khuy để trên bàn. Cạnh nó có thể có mấy thằng đeo súng dài hoặc cũng có thể không có thằng nào. Bắt đầu ngồi, chắc nó sẽ còn quan sát, còn đề phòng, ngồi lâu không thấy gì, biết đâu mắt nó chả lim dim? thằng Đảm nói thế một cách già dặn như ông cụ non. Chắc ông già nó cũng hay lim dim mỗi buổi sáng trước khi ra sông nên nó mới biết. Thế rồi (đây là ý của thằng Teng) chọn lúc nó lơ mơ nhất, tao với mày sẽ tụt xuống, mày cứ ngồi bên này, nấp vào gốc cây, tao trườn sang, trườn như con mèo hoang ngoài chợ, thứ mèo đó thiếu gì. Tới cửa quán, tao sẽ đứng lên, nhảy nhanh tới chân tường. Ở đó có chỗ chèo lên mái. Từ mái tụt xuống sẽ rơi đúng cửa sau ăn ra sân. Tao thường hay mang cá ra bán, tao biết rành mà. Lúc ấy lão Sáng Lố còn đang bận nấu nướng trong bếp, một mình tao áp tường lẻn vào sau lưng nó. Nó vẫn nhìn ra cửa và thế là tao phóng dao, phóng trúng chỗ hiểm, cái chỗ mà nó đã xỉa đạn vào ngực ba tao ấy… Biết chắc nó nghẻo rồi, tao sẽ cứ cửa chính lao ra, kéo mày chạy luôn. Còn nếu chưa lọt vào đã lộ thì… Mạnh thằng nào thằng ấy nhảy nghe mày.

Trong bộ óc non nớt của thằng Teng chỉ nghĩ được đến thế và cả hai đứa đều tin là sẽ làm được như thế. Còn đoạn sau thế nào nữa, chúng không biết. Nhưng có một điều: dù sống chết cũng không được bỏ nhau. Thằng Đảm gật đầu, môi nó mím lại và thoắt rùng mình trước những dự tính táo tợn của bạn. Nó mừng! Thằng Teng, bạn nó đã trở lại lanh lẹ, táo bạo như thường ngày.

Chợ kia rồi!

Hai bên đường, các dãy quán, tiệm đã sáng đèn. Hình như những quán tiệm này cả đêm đều bật sáng đèn. Những bóng người lặng lẽ đi lại trong nhà, tiếng băm, chặt, tiếng xê dịch bàn ghế. Và đâu đây, không gian đã thoang thoảng mùi hành phi, thịt rán, mùi tỏi ướp vào nước mắm và cả mùi cà-phê thơm ngây ngậy. Sớm mai mát mẻ, trong lành, cái mùi vị ấy ướp vào không khí nghe thật quyến rũ. Thằng Teng bỗng thấy đói ngấu. Hai hôm nay nó ăn bữa đực, bữa cái, bây giờ cái đói mới trỗi dậy làm cho nó bải hoải cả chân tay. Trong một phút, nó quên đi công việc chính, mà chỉ hít hà những hương thơm vừa quen thuộc, vừa xa lạ, mà ít khi nó được hít vào lồng ngực. Giá mà bây giờ được húp một tô hủ tiếu rõ nóng nhỉ? Sau đó có thể gặm thêm một ổ bánh mì với lạp xường nữa! Lạp xường nhà Sáng Lố… Teng đã nhiều lần nhìn thấy rồi: tròn mọng, nâu bóng, cắn nhẹ một cái mỡ đã phọt ra. Teng tứa nước miếng ở chân răng. Hình như hiểu thấy sự đòi hỏi của cái dạ dày của bạn, thằng Đảm rút trong áo ngực ra một vật gì còn hâm hẩm nóng đưa cho Teng. Teng tần ngần cầm lấy và giở ra, sững sờ: giữa nắm sôi đậu phộng thơm lựng, nằm gọn một cái đùi gà. Tới lúc ấy, thằng Teng lại không thấy đói nữa. Chợt nhớ đến cái mũi chảy máu của Đảm buổi chiều ở ngã ba, đến sự có mặt của Đảm suốt mấy ngày qua và ngay đêm nay trong vòng nguy hiểm, Teng thấy cổ mình tắc lại. Bao giờ cũng thế, nó hiểu mình, thương mình, chiều chuộng mình mà mình lắm lúc lại xử tệ… Mắt Teng thấy cay cay. Một thứ tình cảm ngọt ngào dâng lên khiến nó không còn muốn ăn nó, bàn tay nó tìm lấy bàn tay khô khỏng của Đảm siết chặt.

Hai đứa đã đến gốc cây bông điệp (Cây hoa phượng), đối diện với tiệm Sáng Lố bên kia đường. Mặt đường giờ này còn vắng tanh, thẳng hoặc mới thấy một bóng người đi lại để rồi mất hút trong những gian tiệm sực mùi xào nấu. Trong tiệm Sáng Lố đã có lác đác hai, ba người ngồi, im lặng. Những người trở dậy đi uống cà-phê sớm thế này bao giờ cũng có dáng ngồi trầm mặc như thế. Teng nghĩ vậy và phát hiện ra rằng: thằng trưởng ấp chưa tới. Càng tốt! Càng có thời gian.
Đúng lúc Teng đang chuẩn bị trèo lên trạc cây um tùm lá thì bỗng thằng Đảm véo mạnh Teng một cái.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM