Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:22:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phóng sự ảnh: đến căn cứ Bom Lọng ngày Thương binh_Liệt sỹ 27/7/2011  (Đọc 19590 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ktslengoc
Thành viên
*
Bài viết: 33


« vào lúc: 03 Tháng Tám, 2011, 04:11:15 pm »

Đến căn cứ Bom Lọng (Bouam Long / Lào) ngày Thương binh_Liệt sỹ 27/7/2011

Tôi viết bài này nhằm chia sẻ và tìm kiếm những thông tin về chiến trường Bom Lọng xưa và nay. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp thông tin về hướng đi, địa chỉ để đến được Bom Lọng nói riêng và Xiêng Khoảng nói chung...Gia đình liệt sỹ chúng tôi cũng cần những tin tức về đơn vị C6-D2-E335 cuối năm 1972 đặc biệt từ các anh, các chú cựu chiến binh, các gia đình liệt sỹ của D2-E335-F324. Mọi thông tin xin gửi về Lê Ngọc Long, điện thoại: 0912.129.114_0963.446.337, email: ktslengoc@gmail.com

Khi tôi đang viết lại ký sự chuyến đi thì cơn bão số 3 (bão Nock-ten) đang càn quét Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, tâm bão di chuyển dọc theo QL7 về cửa khẩu Nậm Cắn nơi chúng tôi vừa trở về sau ba ngày tại Xiêng Khoảng của nước bạn Lào. Nhìn nhận chung cả chuyến đi là nhiều may mắn vì nếu về chậm một ngày thì có lẽ sẽ mắc kẹt trong mưa bão bởi QL7 với nhiều điểm xói lở sụt lún dọc sông Lam rất nguy hiểm.
Trước khi bắt đầu bài viết cho tôi gửi lời cảm ơn tới diễn đàn www.vnmilitaryhistory.net với chú Quang Trung (q.trung), bạn Quang "cận" (quangcan), anh Tuaas, anh SaigonGuider,... đã rất quan tâm và nhiệt tình cung cấp nhiều thông tin giúp gia đình chúng tôi thực hiện thành công chuyến đi này.

Chúng tôi là anh em Tuấn và Long, thời niên thiếu chúng tôi hay về quê nội chơi, ấn tượng với chúng tôi mãi đến bây giờ là di ảnh người chiến sỹ trẻ trên bàn thờ với đôi mắt buồn xa xôi vời vợi, đó là chú ruột của chúng tôi, liệt sỹ Lê Tiến Thuận, sinh năm 1952, quê quán tại thôn Ô Mễ-xã Tràng An-huyện Bình Lục-tỉnh Hà Nam, đơn vị C6-D2-E335, quân khu Tây Bắc, hy sinh ngày 31/12/1972 tại chiến trường Bom Lọng-Xiêng Khoảng-CHDCND Lào.


Từ dòng tin ngắn của người cán bộ chính sách F324 (nay E335 thuộc sư đoàn F324) ghi lại địa danh chiến đấu và hy sinh của chú Thuận tại Bom Lọng / Xiêng Khoảng. Hai anh em chúng tôi quyết định lên đường ngay sau đó, chúng tôi hiểu việc tìm hài cốt liệt sỹ không phải dễ dàng trong một sớm một chiều nên mục đích chính của chuyến đi là để đến được địa danh chiến đấu đó và thu thập thêm nhiều thông tin về Bouam Long (ký hiệu LS-32 của Mỹ_phiên âm tiếng Việt là Bom Lọng, một xã của huyện Phou Kout).
* Ngày 25/7/2011:
Chiếc Triton đưa chúng tôi đi Nghệ An trên đường Hồ Chí Minh bắt đầu từ Xuân Mai, anh lái xe cũng tên là Long quê Nam Định, anh này từng lái xe cho công ty giao thông 116 (cienco 1) thi công đường Nậm Cắn-Phonsavan từ năm 2003-2007 nên thuộc đường cũng như giao tiếp tiếng Lào khá trôi chảy. Khoảng 2h chiều chúng tôi tìm đến xóm 24, xã Nghi Phú, Tp.Vinh sau khi hẹn gặp anh Bình, đoàn trưởng Đoàn quy tập mộ Liệt Sỹ hy sinh tại Lào_BCHQS tỉnh Nghệ An,


đại tá Đỗ Trọng Bình (trái) và anh Lê Minh Tuấn (phải)

Tiếp đón chúng tôi là đại tá Đỗ Trọng Bình đoàn trưởng, anh ân cần, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của gia đình liệt sỹ, anh trao đổi với chúng tôi về công tác tìm kiếm mộ liệt sỹ rất khó khăn, thậm chí bộ đội ta đã mời cả "cựu phỉ" đã từng chôn LSVN từ Thái Lan quay về để chỉ vị trí nhưng họ cũng không nhớ được khi đã quá lâu rồi. Rồi gần đây nghe tin có "cụ phỉ" ở Viêng Chăn ốm các anh tìm cách đón về sớm vì sợ "cụ" chết mất nguồn tin, "cụ" yếu anh em ta phải thay nhau cõng đến nơi "cụ" chỉ nhưng đào xuống cũng không có gì, v.v... rất mất công-của nhưng không hiệu quả. Cơ bản các LS tìm được tại Lào đã đưa về nghĩa trang Việt-Lào tại thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn, trên QL7.
Đại tá Bình kể về căn cứ Bom Lọng là thung lũng hiểm trở cho đến năm 1985 chúng ta mới hoàn toàn giải phóng được nơi này, trước đây đường vào căn cứ này duy nhất là máy bay Mỹ, còn luồn rừng thì phải nhiều ngày mới tới. Năm ngoái (2010) chính phủ Lào mở đường ôtô vào Bom Lọng nên dễ đi hơn tuy nhiên còn nhiều bom mìn và chất độc hóa học khu vực này, nước suối rửa mặt còn cay mắt không dùng được. Khu vực Bom Lọng ta mới tìm được 9 hài cốt LSVN, còn tên núi Phu Tông Sao đại tá Bình có đôi lần nghe đến địa danh này nhưng không rõ trên bản đồ.
Tạm biệt anh Bình chúng tôi xin phép chụp ảnh kỷ niệm với anh, qua câu chuyện của người đoàn trưởng chúng tôi hiểu thêm công việc tìm kiếm của Đoàn quy tập mộ LSVN tại Lào và thầm biết trường hợp mất thi hài của chú tôi càng vô vàn khó khăn nếu như không muốn nói là vô vọng.
* Ngày 26/7/2011:
Xuất phát từ Cửa Lò đoàn chúng tôi bổ sung thêm một thành viên nữa, là đồng chí Phong hiện đang công tác tại BQL thủy điện Sơn La, tay máy ảnh chính với "khẩu" D100 đeo cổ. Bốn anh em đi lên Diễn Châu, theo Quốc lộ 7 hướng về cửa khẩu Nậm Cắn, đoạn QL7 qua huyện Diễn Châu, Đô Lương đang thi công dở nên chật hẹp và khá "xóc". Khoảng 10h chúng tôi đến nghĩa trang Việt-Lào, trời nắng nóng nhưng sát ngày TB-LS 27/7 nên nghĩa trang khá đông khách đến thăm viếng. Chúng tôi vào nhà đón tiếp, anh Tuấn kiên trì giở từng trang danh sách liệt sỹ dò tìm tên tuổi từng người theo thứ tự ưu tiên là ngày hy sinh 31/12/1972 trước, rồi đến C6-D2-E335, chợt anh Tuấn kêu to giọng thảng thốt "Long ơi, có tên chú Thuận đây này", chúng tôi hồi hộp với hy vọng chú đang yên nghỉ ở đây, trong nghĩa trang này. Tôi tức tốc đi tìm anh quản trang đến, anh cười thông cảm với chúng tôi và giải thích đây là danh sách Liệt sỹ đã hy sinh có giấy báo tử, còn có tên trong sơ đồ mộ chí của nghĩa trang hay không là ở trong máy tính, anh bật máy tính và nhập địa danh Bom Lọng để tra nhưng kết quả là không có ai cả (như anh Bình nói thì địa danh Bom Lọng mới tìm được 9 liệt sỹ nhưng chưa biết tên).


tên liệt sỹ Lê Tiến Thuận tại dòng số 287_danh sách liệt sỹ của F324

Chúng tôi lần tìm ghi lại tên tuổi, địa chỉ những đồng đội của chú, cùng đại đội C6-D2 hy sinh ngày 31/12/1972 để sau này tìm đến gia đình họ cung cấp và tìm hiểu thêm thông tin. Chúng tôi lên đài tưởng niệm chính của nghĩa trang để thắp nén hương thơm tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sỹ, giữa trưa hè đổ lửa đứng trước hàng ngàn ngôi mộ "Liệt sỹ chưa biết tên" chúng tôi không khỏi bùi ngùi thương cảm, khi đi các anh là con người có danh tính, quê hương, cha mẹ nhưng khi về thì chỉ là một dòng ngắn ngủi "LIỆT SĨ CHƯA BIẾT TÊN" với cả lý do khách quan và chủ quan.


ảnh trái: Minh Tuấn & Phong, ảnh phải: Minh Tuấn & Long tại nghĩa trang Việt-Lào

Rời nghĩa trang Việt-Lào khoảng 11h chúng tôi không kịp qua trung đoàn 335, đường còn xa và chúng tôi phải đến cửa khẩu Nậm Cắn càng sớm càng tốt, đoạn đường từ đây lên cửa khẩu đã làm xong đi lại khá êm ái, dừng chân tại thị trấn Con Cuông ăn trưa rồi lại đi tiếp, QL7 qua huyện Tương Dương, Kỳ Sơn sát dọc bờ sông Lam bị sụt lở lún nứt nhiều đoạn rất khó đi, như đã kể chúng tôi rất may đi trước bão chứ nếu gặp mưa lũ thì ...khóc
Khoảng 13h chúng tôi đến cửa khẩu Nậm Cắn sau khi qua đèo "Báctêlêmi" quanh co dựng ngược. Làm thủ tục hải quan, đổi tiền Kíp Lào (1kip=2.6vnđ, đổi 2,6 triệu vnđ được 1 triệu kíp Lào), thủ tục nhập cảnh Lào làm lâu hơn bên Việt Nam (sau mới biết 1 tí của bạn còn to hơn 1 tí Việt Nam ta), tất cả do anh Long lái xe đảm nhiệm, ôtô đã đăng ký giấy Transit từ trước. Khoảng 14h chúng tôi chính thức vào đất Lào anh em.


cửa khẩu Nậm Cắn với cột mốc biên giới và biển chào tạm biệt Lào (nhìn từ phía Lào)

Chúng tôi tiếp tục hành trình từ Nậm Cắn về Phonsavan, đoạn đường này cũng gọi là QL7 do công ty 116 (Cienco 1_bộ GTVT) công ty cũ trước đây của anh Long lái xe thi công, đường này ta làm khá tốt, qua nhiều năm tháng nhưng vẫn khá "đẹp", qua mỗi khúc quanh, mỗi bản làng là một câu chuyện rất thú vị, anh kể về phong tục tập quán Lào, về thời trai trẻ đi khắp đất nước này từ Nam đến Bắc,sang cả Thái Lan và cũng đã lâu rồi anh mới trở lại nơi đây. Qua Nong Het chúng tôi tới Mường Khăm (Muang Kham) nơi giao nhau của ngã ba đường, rẽ phải tiếp tục QL7 đi về Phonsavan, rẽ trái sang QL6 đi Sầm Nưa (thủ phủ tỉnh Hủa Phăn, giáp Việt Nam). Có thể thấy được tượng và pa-nô lớn hình cố thủ tướng đầu tiên và chủ tịch thứ 3 của CHDCND Lào Kaysone Phomvihane ở khắp các huyện của Lào cũng như in trên tiền Kíp


một góc ngã ba Mường Khăm (ảnh bên phải chụp QL7 hướng về Việt Nam)

Đến 18h30 chiều chúng tôi đến được thị xã Phonsavan, trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Xiêng Khoảng, phải nói rằng tôi hơi ngạc nhiên vì đô thị trung tâm khá nổi tiếng này lại ..."nhỏ" đến thế, chỉ bằng thị trấn Bần hay thị trấn Đồng Văn của Việt Nam, con phố đông đúc "sầm uất" nhất ở đây (một đoạn QL7) giống hệt như một đường phố đang xây dựng bên Việt Nam và người Việt kiều ở đây khá đông với các biển quảng cáo có đủ cả tiếng Lào, tiếng Việt, tiếng Anh. Chúng tôi vào nhà hàng Tuyên Châu, một gia đình Việt kiều là bạn anh Long lái xe, anh Tuyên quê Thái Bình sang đây cùng vợ từ năm 2003, nay là "đại gia" khá nổi tiếng tại Xiêng Khoảng, anh chị kinh doanh nhà hàng và vách nhôm kính khá đông khách. Anh Tuyên đưa chúng tôi sang khách sạn Dokkhoune gần đó (có lẽ ở Việt Nam chỉ tương đương "nhà nghỉ") nhận phòng rồi trở lại nhà hàng ăn cơm tối, anh kể chúng tôi nghe về cuộc sống bên này, về nỗi vất vả bươn trải từ nhỏ đến nay, về tính cách lối sống của người Lào, về cộng đồng người Việt ở khu phố này khá đông nhưng chưa thực sự đoàn kết như cộng đồng Hoa kiều,...bữa tối rất vui, ấm áp tình cảm quê hương của người Việt xa xứ...với bia chai Lào rất ngon với vị thơm đặc trưng.


một đoạn QL7, phố chính tx.Phonsavan và khách sạn Dokkhoune

ở Phonsavan các nhà hàng khách sạn khai thác tốt hình ảnh chiến tranh-lịch sử của mảnh đất này để hấp dẫn khách du lịch quốc tế đến nơi đây nghiên cứu về Cánh đồng Chum, về người Hmong (Lào Sủng),... cùng dấu vết các trận đánh ác liệt đã diễn ra nơi đây. Vỏ bom mìn có thể thấy ở nhiều nơi, làm hàng rào quán cà phê, trưng bày nơi tiền sảnh khách sạn, làm kẻng treo cổng cơ quan,...có những vỏ bom khổng lồ cao gấp đôi người đứng cạnh gây ấn tượng mạnh như quán cà phê Craters của anh Năm Sài Gòn.


biển chào đón tới thăm Xieng Khoảng và bomb cà-phê
và trong sảnh khách sạn Dokkhoune:

Mr.Long "Lào" lái xe và đống vỏ đạn trong khách sạn Dokkhoune
Logged
ktslengoc
Thành viên
*
Bài viết: 33


« Trả lời #1 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2011, 04:12:55 pm »

* Ngày 27/7/2011:
Buổi sáng đầu tiên trên đất Lào bắt đầu với chúng tôi bằng món "phở Lào", quán này 100% người bản xứ nên người Việt ta khi nhìn liếc qua tô phở cũng biết là "hàng nhái" phở bò Nam Định và...không ngon rồi, món đó gọi cho đúng là "bánh đa tăm ngâm nước canh". Biết vậy nhưng vẫn cố nhắm mắt ních cho thật no vì biết hôm nay là ngày có chuyến đi quan trọng nhất của hành trình sang Lào. Xong món phở anh Tuyên dẫn vào quán cà-phê người Lào gốc Hoa, cũng như món phở khi bưng ra cốc cà-phê thì chỉ nhìn thôi cũng đủ "no" con mắt với 5 cốc to tướng như cốc uống bia hơi kiểu "Liên Xô" bên Việt Nam ta, nhấm chút xíu đầu lưỡi thì thôi rồi ngọt đành bỏ dở nhưng vẫn vui vì đã biết "bia Lào", "phở Lào" và "cà-phê Lào".
Chúng tôi tìm đến doanh trại của Đoàn quy tập mộ LSVN tại Xiêng Khoảng gặp anh Thành đoàn phó, nội dung anh trao đổi cũng như anh Bình đã nói, khi biết chúng tôi mong muốn vào thăm căn cứ cũ của địch anh chủ động đề nghị có người của đội QTMLS dẫn chúng tôi đi, sau khi trở về thì chúng tôi hiểu các anh đã biết thông tin và ngầm sắp xếp để đảm bảo an ninh cho chuyến đi.
Và rồi niềm vui đã đến từ đây, anh Dương rồi anh Cường ysĩ dẫn lối từ Phonsavan vào trung tâm huyện Phou Kout (phiên âm Việt là Phu Cut), đoạn này khoảng 20km đường nhựa đẹp dễ đi, 9h30 chúng tôi vào nơi đóng quân của đội 4 thuộc Đoàn QTMLS, một bên là huyện đội Phu Cut, một bên là UBND huyện với hầm ngầm bê-tông Kaysone xung quanh (theo như lời anh em đội 4 trước đây có thời kỳ chủ tịch Kaysone ở nơi này)


ảnh trên trái: UBND huyện Phu Cut,
ảnh trên phải: trao đổi cùng đội 4 và Đuông Ta huyện đội phó Phu Cut,
ảnh dưới: khu nhà của đội 4_ Đoàn QTMLS_BCHQS tỉnh Nghệ An.
phim quay khu nhà đội 4 khi trở về: http://youtu.be/DEKy8I_wfWE

Thời gian này Lào đang mùa mưa nên đội 4 các anh tập trung vào công tác thu thập thông tin chuẩn bị cho công việc tìm kiếm trong mùa khô, anh Hoàng Xuân Dung đội trưởng cùng anh em chiến sỹ tiếp đón chúng tôi. Anh phân tích đường đi từ Phu Cut tới Bom Lọng khoảng 60km, khoảng đầu Phu Cut-Nhot Phe 40km tương đối dễ, khoảng sau Nhot Phe-Bom Lọng 20km đèo dốc khá khó đi, nếu không đi sớm thì phải ngủ đêm trong đó và nếu gặp mưa to thì nhanh cũng phải 2 ngày mới ra. Thấy tình hình không thể chậm trễ chúng tôi đề nghị đi luôn, anh Dung nhất trí ngay và yêu cầu bổ sung thêm một xe U-oát của huyện đội Phu Cut đi cùng, anh liên hệ với đồng chí Đuông Ta huyện đội phó (huyện đội trưởng đang trong Bom Lọng chuẩn bị cho bắn đạn thật) sang đơn vị để cùng sắp xếp chuyến đi .
Huyện đội phó Đuông Ta giúp chúng tôi thêm một xe ôtô nữa, anh xem kỹ bản đồ khu Bom Lọng nhưng cũng không biết địa danh Phu Tông Sao, địa danh này quả là một ẩn số lớn, có lẽ trước đây các bác "bộ đội ta" phiên âm ra tiếng Việt khác với tiếng Lào nhiều quá chăng?? Trong lúc chờ đợi thêm xe khá lâu (anh em nói vui "một tí" của Lào còn to hơn "một tí" của ta) chúng tôi cùng đội 4 ăn cơm trưa, bữa cơm rau dưa diễn ra nhanh chóng nhưng rất vui thắm tình quân-dân nơi đất khách.


ảnh trái: chụp ảnh kỷ niệm trước khi lên đường vào Bom Lọng, ảnh phải: miệng hầm Kaysone
từ trái qua: Tuấn (đội 4), Long "Việt", Dung (đội 4), Tuấn, Cường (ysĩ đội 4), Long "Lào" (lái xe)

anh Dung yêu cầu mang theo 2 khẩu AK cho hai xe. Xe U-oát đi trước gồm đồng chí lái xe Khăm Phăn của huyện đội, anh Dung đội trưởng đội 4, chiến sỹ Tuấn (sinh năm 1982, người Thái sang Lào được 2 năm) và tôi (các anh gọi là "Long Việt" để phân biệt với anh Long lái xe là "Long Lào"). Xe Triton bán tải gồm có Long "Lào" lái xe, anh Tuấn "Sơn La", anh Cường đội 4, và đồng chí Phong "Sơn La" được anh em gọi vui là nhà báo.
Đường vào Bom Lọng 40km đầu tuy xóc nhưng không đến nỗi quá khó đi, chiếc xe U-oát 2 cầu nhảy chồm chồm trên con đường đá vắng bóng người, thi thoảng mới qua một bản làng với chục nóc nhà sàn tôi có hỏi tên bản nhưng cũng không nhớ được. Chúng tôi đi trên vùng cao nguyên rộng lớn với những mô đất thoai thoải xanh rì cỏ non như những sân golf tuyệt đẹp hướng về dãy núi xa mờ phía trước. Thiếu úy Khăm Phăn ít nói và không biết tiếng Việt nhưng trên suốt chuyến đi anh luôn thể hiện sự nhiệt tình, dũng cảm


ảnh trên trái: đường đi Nhọt Phe chụp từ xe U-oát
ảnh trên phải: vượt điểm sạt lở trên đường đèo Nhọt Phe - Bom Lọng,
ảnh dưới trái: nghỉ tại ngã ba Bản Nhật (Nhọt Phe), lối rẽ vào Bom Lọng (chụp lúc ra)
ảnh dưới phải: dừng xe bên đường (chụp lúc ra)
http://www.youtube.com/watch?v=9IYLZYaYbV8

Chúng tôi dừng tại ngã ba Bản Nhật (xã Nhọt Phe??) có đường nhánh rẽ vào Bom Lọng, ở đây có vài quán bán hàng khô, tranh thủ nghỉ chân đồng thời hỏi thông tin người dân địa phương về địa danh Phu Tông Sao, họ nhiệt tình trao đổi sôi nổi nhưng đều không biết đến quả núi này (?) anh Dung kể ngã 3 này trước đây là nơi bộ đội ta tập kết pháo binh bắn vào căn cứ Bom Lọng của địch.


Đi khoảng 1km chúng tôi rẽ vào bản Nọng Khoang, anh Dung đón một người đàn ông Lào Sủng (người Hmong) khoảng 56 tuổi, đó là Pa Dế trước đây là lính phỉ Vàng Pao chiến đấu trong căn cứ Bom Lọng, nay ông ta được mời làm công an viên của xã, năm ngoái ông hợp tác với đội 4 cùng em trai mình chỉ nơi đánh sập đường hầm công binh ta đào, như lời anh em đội 4 kể lại thì công binh ta đào để ốp mìn cảm tử nổ tung chốt địch, nhưng lại đào trúng vị trí bếp của nó, thằng phỉ đang nấu nướng thấy động ném luôn quả lựu đạn xuống. Theo dấu anh em nhà ông chỉ, đội 4 đào thấy đường dây điện, theo đường dây đó tìm được 7 hài cốt LSVN vẫn đang trong tư thế đào đất, mỗi người mang theo 30kg mìn còn nguyên vẹn, các anh đã về nghĩa trang Việt-Lào và rất tiếc chúng ta không được biết tên các anh.


đến nhà đón Pa Dế_cựu phỉ_một nhân chứng lịch sử
http://www.youtube.com/watch?v=5Sl9ZYordLk


Sau lần tìm kiếm thành công đó Pa Dế có kể lại một trận đánh ác liệt khác cũng tại Bom Lọng có khoảng 300 bộ đội ta hy sinh, Pa Dế chỉ nơi lính phỉ dồn xác bộ đội xuống một hẻm núi, anh Dung kể đội 4 đã phát quang khu vực đó nhưng không thấy dấu vết gì. Chúng tôi cũng muốn đến hẻm núi đó, Pa Dế vui vẻ khoác áo công an viên lên xe U-oát ngồi cùng với tôi và Tuấn bộ đội. Pa Dế có 3 vợ và 18 người con, đứa nhỏ nhất mới 9 tuổi, có lẽ ông ta không biết tiếng Việt nhưng anh Dung nhắc chúng tôi cảnh giác, không nói chạm tới danh từ "phỉ "Vàng Pao".
Được khoảng 5km thì bắt đầu tới chân đèo, chiếc xe U-oát gầm rú leo dốc, khung xe rung bần bật, máy nóng rực bốc mùi khét lẹt, Khăm Phăn dừng lại cạnh con suối lấy thêm nước làm mát, Tuấn bộ đội kể nước suối ở đây vẫn còn nhiều chất độc hóa học, không dùng được, rửa mặt mắt cay xè.
Lên đến giữa đèo trời bắt đầu mưa lác đác, chiếc Triton vượt lên lúc trước bỗng thấy dừng lại, phía trước là đống đất to sụt xuống chiếm 2/3 đường. Con đường này chính phủ Lào mới gạt mặt năm 2010, chưa thảm, chưa kè bên sườn núi và chưa có cọc tiêu bên bờ vực, nhìn từ đây thấy rõ điểm cao 1622 người Lào gọi là Phu Phà Say và các đỉnh núi liên kế tạo thành vực sâu thăm thẳm, quả là địa thế rất hiểm trở, lợi thế duy nhất là máy bay, bay qua khe núi sâu đáp xuống căn cứ Bom Lọng. Xe Triton không dám vượt qua đống đất đá, Khăm Phăn xuống ngó địa hình rồi khoát tay nhắc mọi người tránh đường, anh lên xe cài số vượt qua đống bùn đất trong niềm vui của anh em chúng tôi. Long "Lào", Cường y sỹ và Tuấn bộ đội ở lại với 1 khẩu AK trông chiếc Triton, mọi người còn lại dồn sang xe U-oát đi tiếp.


ảnh trái: đường đèo vào Bom Lọng chụp từ chân Phu Phà Say (điểm cao 1622)
ảnh phải: chụp đỉnh Phu Phà Say (điểm cao 1622) nhìn từ đường đèo
http://www.youtube.com/watch?v=jAjLkBXhZc8

Vượt qua hai đống bùn đất như vậy nữa rồi xe xuống một thung lũng nhỏ, xuống đến chân dốc tôi mới biết đây là Bom Lọng, nó bé tý xíu không như tưởng tượng của tôi về một căn cứ phỉ ác liệt, nơi bố vợ Vàng Pao chỉ huy chiến đấu những năm 70. Về diện tích khoảng chừng gấp 3 lần sân bóng đá, lòng chảo này cao hơn hẳn các thung lũng khác tạo thế ỉ dốc trong lòng thoai thoải nhưng bên ngoài dốc đứng và vì thế không ngập nước vào mùa mưa và khó tấn công từ bên ngoài, dấu vết để lại của một đường băng dài chiếm gần hết diện tích căn cứ, điểm cao 1622 được gọi là Phu Phà Say nằm ở phía Tây-Bắc thung lũng.


toàn cảnh thung lũng Bom Lọng nhìn từ chân núi Phu Phà Say về hướng Đông-Nam
http://www.youtube.com/watch?v=FCzlRTHxO9Y
Quan sát Bom Lọng từ chân núi Phu Phà Say (cao điểm 1622(?):
http://www.youtube.com/watch?v=dADB_QFbJqU
http://www.youtube.com/watch?v=bYo2dkJKN0c

Dưới chân Phu Phà Say có một doanh trại nhỏ lợp fibroximang trước đây là nơi chỉ huy của phỉ, nay là nơi bộ đội Lào đóng quân, sát đó sót lại dãy nhà xây gạch xỉ đổ nát, anh Dung nói đó là nơi đào tạo huấn luyện cũ của phỉ.
Đón tiếp chúng tôi là anh Duong Pa, huyện đội trưởng huyện đội Phou Kout, có khoảng một trung đội bộ đội Lào đang ở đây chuẩn bị cho hôm sau bắn đạn thật, chúng tôi giở bản đồ Bom Lọng (LS-32 của Mỹ) mang theo, anh Dung, Duong Pa, Pa Dế trao đổi tìm đỉnh Phu Tông Sao nhưng cũng đành...chịu, điểm cao 1622 mọi người chỉ là núi Phu Phà Say.


hướng nhìn Tây-Bắc, đầu não chỉ huy dưới chân núi Phu Phà Say (cao điếm 1622(?)
http://www.youtube.com/watch?v=zf-gGgPUVP4

Sau một hồi nói chuyện trên bản đồ chúng tôi xin phép để lên nơi phỏng đoán có mộ tập thể như Pa Dế đã chỉ cho đội 4, huyện đội trưởng Phu Cut cũng nhiệt tình đi theo, dọc con đường  dưới chân núi mới gạt có thể thấy những mảnh vải dù lớn lộ ra trên ta-luy sau mưa. Chúng tôi leo lên một quả đồi liền dãy với điểm cao 1622, anh Dung dặn dò phải đi thành hàng theo lối mòn trâu bò đã đi để tránh tai nạn bom mìn còn sót lại rất nhiều, có thể thấy ngay lăn lóc bên gốc cây bờ cỏ những quả đạn cối hoen gỉ. Tôi dừng lại lưng chừng đồi quay toàn cảnh Bom Lọng


Các đỉnh núi cao bao quanh Bom Lọng đều được gạt bằng, đó là những "chốt phỉ". Chụp gần đỉnh Phu Phà Say (cao điểm 1622(?)) có thể thấy rõ trước đây đã được san phẳng

ảnh trái: núi Phu Phà Say (cao điểm 1622 (?)), ảnh phải: quả đạn lăn lóc bên lối mòn

Pa Dế tiếp tục dẫn anh em theo lối mòn leo lên đỉnh đồi đi về phía hẻm núi sâu nơi ông kể là nơi tập kết của khoảng 300 thi hài bộ đội Việt Nam sau một trận đánh, anh em đội 4 đã phát quang nơi này nhưng không thấy dấu vết gì. Chiến tranh đã qua gần 40 năm, xác thân người lính đã trở về với "cát bụi" nhưng linh hồn các anh là bất tử, chúng tôi đứng giữa núi rừng trùng điệp, lòng xúc động bồi hồi nhưng rất đỗi tự hào nơi đây cha anh ta đã đến, đã chinh phục nó bằng ý chí Việt Nam.


ảnh phải: Pà Dế chỉ hẻm núi nơi trước đây dồn thi hài bộ đội Việt Nam

Chắc chắn rằng mỗi khe, mỗi núi nơi đây đều thấm đẫm máu xương của người lính Việt, chúng tôi biết việc tìm được hài cốt của liệt sỹ mình qua bao năm tháng không phải dễ dàng. Chúng tôi bốc nắm đất nơi đây, gói lại cẩn thận mang về nước, trước tiên để an ủi chính mình và gia đình, sau đấy biết đâu đấy linh hồn chú lại chỉ đường dẫn lối chúng tôi sang...


ảnh trái: huyện đội trưởng Phu Cút chụp ảnh kỷ niệm cùng Lê Minh Tuấn trên đỉnh núi
ảnh phải chụp kỷ niệm Bom Lọng, từ trái qua: Minh Tuấn, Pa Dế, Xuân Dung, Duong Pa, Ngọc Long

Chúng tôi trở ra Phou Kout mà người như nhẹ hơn, thế là chúng tôi đã biết đến nơi chiến đấu và hy sinh của chú mình, dù rằng thân thể chú tôi vẫn nơi đây nhưng chúng tôi thấy Bom Lọng không còn xa xôi thăm thẳm nữa mà trái lại rất gần, rất gần Việt Nam thôi...
Trên đường trở ra Tuấn "bộ đội" kể tôi nghe nỗi vất vả của anh em trong đội tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ Việt Nam tại Xiêng Khoảng. Công việc của các anh cũng đầy hiểm nguy nhưng trên hết là nghĩa tình đồng đội, đồng bào khiến các anh gắn bó với mảnh đất này.
Trở lại đội 4 giao lưu cùng anh em chiến sỹ, lần đầu chúng tôi được giao lưu với bộ đội Việt Nam & Lào trên đất Lào, uống rượi Lào, nhảy Lăm vông. Huyện đội phó Đuông Ta và Khăm Phăn cũng zo zo thật vui!..
* Ngày 28/7/2011:
Trước khi kết thúc chuyến đi chúng tôi ghé Cánh Đồng Chum vào vùng 1 (site 1). Nơi đây vẫn còn nhiều bom mìn còn sót lại với những hố bom lớn, cảnh quan thoáng như sân golf lớn, rải rác những chum đá to nhỏ, duy nhất một chum có nắp đậy...Tạm biệt Xiêng Khoảng với Bom Lọng, Phu Cut, Cánh đồng Chum,.. Cảm ơn Mr.Long "lào", Mr. Phong "nhà báo", đội 4,...và hẹn gặp lại!


Hà nội, ngày mùng 3 tháng 8 năm 2011.
Ghi lại bởi Lê Ngọc Long
email: ktslengoc@gmail.com
Logged
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #2 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2011, 04:35:09 pm »

Xin chúc mừng bác lê ngọc có chuyến đi thành công. Theo tôi, điều quan trọng nhất chưa hẳn là ta mang được LS về quê hay không mà vấn đề nằm ở chỗ họ luôn bên ta, sống trong trái tim ta. Đã hơn 40 năm nay, các anh vẫn ở đó trong vòng tay đồng đội rồi cơ mà.
Logged

linh thong tin
Thành viên
*
Bài viết: 746



« Trả lời #3 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2011, 09:00:12 am »

@ktslengoc: xin bạn cho biết, ở nghĩa trang Việt Lào người ta sắp xếp mộ chí theo quê quán, theo từng đợt quy tập, theo đơn vị, hay theo nơi hy sinh?
Logged
ktslengoc
Thành viên
*
Bài viết: 33


« Trả lời #4 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2011, 10:47:38 am »

@ktslengoc: xin bạn cho biết, ở nghĩa trang Việt Lào người ta sắp xếp mộ chí theo quê quán, theo từng đợt quy tập, theo đơn vị, hay theo nơi hy sinh?
Trên máy tính anh quản trang tra theo nơi hy sinh, còn ra mộ chí thì cháu thấy mỗi người một quê, có thể họ sắp xếp theo đợt quy tập
Liệt sỹ chưa biết tên thì nhiều lắm chú ạ, bạt ngàn mộ..
Logged
linh thong tin
Thành viên
*
Bài viết: 746



« Trả lời #5 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2011, 12:26:04 pm »

ktslengoc đã có cái bản đồ này chưa? http://www.lib.utexas.edu/maps/ams/indochina_and_thailand/txu-oclc-6535632-ne48-1.jpg
Bản Buôm Lộng nằm ở ô thứ 3 từ trên xuống và ô thứ 2 từ phải sang, tức là phía Bắc tỉnh Xiêng Khoảng.

Nhiều khi tên địa danh bên Lào bộ đội mình cứ hay đọc chệch đi. Phu He thì gọi là Phu Hè (bản đồ in từ thời Pháp nên chữ Hè phải đọc là He), Phu Nhuôn thì gọi là Phu Nhu. Tôi ở tuyến sau nên không thuộc các địa danh phía bên trong cho lắm.
Logged
ktslengoc
Thành viên
*
Bài viết: 33


« Trả lời #6 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2011, 02:05:45 pm »

ktslengoc đã có cái bản đồ này chưa? http://www.lib.utexas.edu/maps/ams/indochina_and_thailand/txu-oclc-6535632-ne48-1.jpg
Bản Buôm Lộng nằm ở ô thứ 3 từ trên xuống và ô thứ 2 từ phải sang, tức là phía Bắc tỉnh Xiêng Khoảng.
Nhiều khi tên địa danh bên Lào bộ đội mình cứ hay đọc chệch đi. Phu He thì gọi là Phu Hè (bản đồ in từ thời Pháp nên chữ Hè phải đọc là He), Phu Nhuôn thì gọi là Phu Nhu. Tôi ở tuyến sau nên không thuộc các địa danh phía bên trong cho lắm.
Bản đồ ấy cháu cũng đã có, trước khi đi chú Quang Trung cóp cho cháu in khổ A1 khá to, vào Bom Lọng cùng mọi người xem.
Có lẽ ngày ấy bộ đội ta gọi núi Phu Tông Sao sai nguyên âm nhiều quá nên bây giờ nói lại dân cũng không biết.
Logged
linh thong tin
Thành viên
*
Bài viết: 746



« Trả lời #7 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2011, 03:56:29 pm »

@ktslengoc: Tôi có một điều thắc mắc là tại sao Phu Pha Xay lại nằm ở huyện Phu Cut gần căn cứ Bom Lọng, mà chỉ cao có 1622m. Tôi nhớ là trạm cơ vụ của đơn vị tôi nằm trong hang Loa Kèn trong dãy Phu Pha Xay là vào gần đến Long Chẹng, căn cứ của Vàng Pao. Ngon núi này cao thứ nhì sau núi Phu Bia (2100m). Khu vực này vô cùng hiểm trở. Chính là chiếc máy bay trực thăng chở tướng Đào Trọng Lịch, tham mưu trưởng quân đội ta và đoàn sĩ quan tùy tùng do sương mù đã đâm vào ngọn núi này và thành liệt sĩ hết. Bạn đọc bài này http://vietbao.vn/Phong-su/Bay-qua-dinh-Phy-Pha-Xay/40082172/263/, trong bài có nhắc đến anh Bình, đội trưởng đội quy tập. Long thử hỏi lại anh Bình xem có đúng như vậy không.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Tám, 2011, 08:16:35 pm gửi bởi linh thong tin » Logged
linh thong tin
Thành viên
*
Bài viết: 746



« Trả lời #8 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2011, 05:19:57 pm »

Xem bản đồ này nữa nhé http://www.mediafire.com/?xwmegtjfwmm
Logged
lonesome
Moderator
*
Bài viết: 1244


« Trả lời #9 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2011, 10:03:38 pm »

Xem bản đồ này nữa nhé http://www.mediafire.com/?xwmegtjfwmm

Hồi trước nhà cháu nhờ bác Tuấn Scan cái này xong lấy về chẳng biết quăng đâu mất, tiếc quá... Bản này do 1 bác ở Trường SQLQ 2 cho bố cháu, chắc các bác trong ngành có khi cũng tìm được bản in đàng hoàng để nhìn cho rõ hơn.
Logged
Trang: 1 2 3 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM