Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:10:50 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ Tổng Tham mưu Xô-viết trong chiến tranh - Tập 2  (Đọc 108913 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #260 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 11:20:40 am »


*
* *

Bây giờ đây, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu tỉ mỉ hơn nữa xem vị thống soái và cơ quan tham mưu đã phải làm việc trong các điều kiện như thế nào trong thời gian chiến tranh, hoạt động trí lực của họ phải tiến hành như thế nào, đồng thời họ phải sáng tạo ra sao và ở đâu. Không cần phải có những nhận thức chuyên môn về lĩnh vực quân sự cũng hiểu được rằng điều kiện công tác đó không giống với hoàn cảnh hoạt động của những người lao động trí óc khác.

Trước hết, ta thấy rằng trí năng của người thống soái phải đảm đương một khối lượng công việc hết sức phức tạp và to lớn. Phân tích các tài liệu tác chiến là một quá trình khó khăn và đa dạng, song quyết định của người thống soái lại nhất thiết phải đơn giản, rõ ràng và dễ hiểu đối với tất cả mọi người chấp hành. Người thống soái phải phản ánh được tính nhiều vẻ phức tạp của các vấn đề đang được giải quyết cùng một lúc trên một không gian rộng lớn trong cách diễn đạt đơn giản của quyết định. Tôi chưa thấy một quyết định, chỉ thị, mệnh lệnh nào của những người chỉ huy quân sự cấp trên và cấp dưới lại có những điểm mà ta gọi là mang tính chất dựa dẫm, để người khác nghiên cứu, báo cáo hộ như ở các tổ chức khác thường làm. Người tư lệnh phải ra quyết định ngay tại chỗ, không được giao cho người khác nghiên cứu thay mình. Người tư lệnh không thể trả lời các vấn đề một cách mơ hồ, mà phải nói một nghĩa rõ ràng, là cần phải làm gì trong tình thế cụ thể. Lúc đang tác chiến thì chỉ có mệnh lệnh và chấp hành mệnh lệnh, các phương pháp làm việc khác đều không thích hợp. Điều này cũng đã đủ nói lên tính phức tạp, tính đặc thù của tình hình và lao động của người thống soái.

Hai là, người thống soái thường có rất ít thời gian. Khi phân tích tài liệu, kết luận và ra quyết định, người thống soái chỉ có vài tiếng đồng hồ, còn trong quá trình trận đánh và chiến đấu thì chỉ có vài phút. Trong khoảnh khắc thời gian đó, lại phải phân tích vô số loại tài liệu khác nhau, có lúc còn mâu thuẫn với nhau. Họ phải tìm ra lối thoát khi gặp những tin tức nhầm lẫn về địch, những hoàn cảnh khó khăn của bộ đội ta và cả những vấn đề rắc rối về cung cấp, bảo đảm, vì trong chiến tranh thường bao giờ cũng thiếu cái này cái khác. Tài liệu thì nhiều, song thời gian có ít, thật là khó xử. Một cán bộ tham mưu có câu nói ý nhị: gặp trường hợp ấy thì nên gắng cất kỹ mọi văn kiện vào két sắt ít nhất trong một ngày đêm, rồi tình huống tự nó khắc thay đổi và cũng sẽ chẳng cần đến chúng nữa. Thế nhưng, đấy lại là câu chuyện bông đùa. Còn người thống soái phải biết định hướng ngay trong các tình huống, biết tiết kiệm trong suy nghĩ, hiểu biểt thật cặn kẽ mọi vấn đề tiến hành các trận đánh và chiến đấu, chỉ đạo các đơn vị hành động không cần phải dùng đến những sổ tay và những cuốn sách dày cộp.

Trong lúc đang chiến đấu, các máy bay trinh sát thường nhận được nhiều tin tức về địch và báo cáo cho người tư lệnh những tin quan trọng nhất. Ví dụ như, một đoàn xe tăng và bộ binh địch dài tới 50 ki-lô-mét đang vận động ra khỏi khu vực X. tiến về phía Đông-Bắc. Lúc 7 giờ, xe tăng đi đầu đoàn ở đâu và cuối đoàn ở đâu... Người tư lệnh phải xác định ngay đó là đoàn gì, tính toán thật nhanh xem mất bao nhiêu thời gian nữa thì chúng sẽ chạm trán với bộ đội ta. Đồng thời, người tư lệnh phải suy nghĩ ngay đến các chỉ thị cần thiết sẽ gửi cho không quân, pháo binh và những người chỉ huy binh chủng hợp thành.

Người thống soái không được hỏi là không quân ta cần bao nhiêu thời gian để cất cánh và bay tới mục tiêu, mà phải tự mình nắm được. Người thống soái cũng không được hỏi là pháo của ta có bắn tới mục tiêu không, và nếu bắn tới thì sẽ tới tuyến nào, về vấn đề này, người thống soái cũng phải biết. Cuối cùng, người thống soái cũng không được hỏi người chỉ huy binh chủng hợp thành lúc này cần phải làm gì: chuyển sang phòng ngự để chống lại đạo quân địch hay sẽ tổ chức đánh đón để tiêu diệt chúng. Người thống soái phải tự mình suy nghĩ kỹ lưỡng mọi vấn đề và quyết định hành động trong trường hợp đó sao cho có lợi nhất và ra các chỉ lệnh cần thiết.

Trong suốt cả quá trình trận đánh, người thống soái thường xuyên phải giải quyết tất cả các việc này. Chúng ta cũng nên nhắc lại ở đây một lần nữa rằng muốn chỉ huy tốt các đơn vị thì phải ra quyết định trong khoảng thời gian ngắn nhất, tức là phải làm việc không ngừng, nâng cao bản lĩnh của mình, rèn luyện các phẩm chất biết nhanh chóng định hướng, và như chúng ta thường nói là phải có con mắt chính xác của nhà quân sự.

Đặc điểm nổi lên trong hoạt động của người thống soái là khi quyết định các vấn đề tiến hành chiến dịch, họ phải gánh lấy trách nhiệm vô cùng to lớn không gì so sánh được là phải chịu trách nhiệm về hàng trăm ngàn sinh mệnh con người và số phận của khu vực mặt trận hoặc khu vực tác chiến yêu cầu họ phải giữ vững hoặc đánh chiếm, chịu trách nhiệm về kết quả các trận đánh, thậm chí cả cuộc chiến tranh. Bất kỳ một sai lầm nào của người chỉ huy quân sự trong hoàn cảnh chiến đấu cũng đều có thể kéo theo những hậu quả hết sức bi thảm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #261 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 11:22:20 am »


Cuối cùng, chúng ta cũng không thể không nói rằng công việc hết sức phức tạp của người thống soái là phân tích tình huống và ra quyết định, được tiến hành trong các điều kiện mà sinh mệnh của chính bản thân mình bị uy hiếp. Chẳng hạn, I. X. Cô-nép trong thời kỳ đột phá quyết liệt tuyến phòng thủ của địch trên hướng Lơ-vốp hồi tháng Bảy 1944, đã có mặt trong một thời gian dài tại sở chỉ huy tiền phương của tập đoàn quân 60 do tướng P. A. Cu-rốt-kin chỉ huy, trong cái gọi là hành lang Côn-túp rộng khoảng 6 ki-lô-mét. Sở chỉ huy nằm trong tầm hỏa lực của địch và có nguy cơ bị địch tập kích vào đấy, nhưng đồng chí tư lệnh phương diện quân phải có mặt tại đây mới có thể xác định thật triệt để các điều kiện hành động của tập đoàn quân cận vệ 3 và tập đoàn quân xe tăng 4, quân đoàn cận vệ 4 và quân đoàn xe tăng 31 lúc này đang tiến vào đột phá. Không phải bất cứ người nào ở trong trạng huống như vậy cũng đều có thể suy nghĩ bình thường, hơn nữa lại có sáng tạo nữa. Cũng có người sinh sợ hãi, như vậy tất nhiên họ cũng chỉ còn nghĩ được có một cách làm sao tránh được mối nguy hiểm đó. Kết quả hoạt động của họ rồi sẽ chẳng ra gì. Lại cũng có người sẽ mất tự chủ trong các trường hợp ấy. Nhưng đó lại không phải là việc chúng ta nói đến ở đây. Do tính chất nghề nghiệp của mình, phần lớn những người chỉ huy đều là những người dũng cảm, bất chấp mọi hiểm nghèo, bề ngoài tỏ ra thờ ơ trước mối nguy hiểm như thế. Chiến tranh đã đào luyện nên những con người mà trong những phút nguy hiểm lại trở nên minh mẫn, sức mạnh tư duy sâu hơn, lô-gích suy luận vững vàng hơn.

Vấn đề không phải ở chỗ con người có cảm thấy sợ hay là không biết sợ trong chiến đấu. Có thể trả lời được một cách thôi: họ có cảm thấy chứ. Song vấn đề đặt ra chính là ở chỗ: xúc cảm tiêu cực bị sự sợ hãi khống chế hay xúc cảm tích cực gây hứng thú trong chiến đấu, mặt nào tác động mạnh hơn đối với hoạt động của con người trong điều kiện sinh mệnh của mình thường xuyên bị uy hiếp? Hứng thú chiến đấu là người bạn đường cần thiết của người chỉ huy quân sự chân chính; nó không phải chỉ vốn có ở người thống soái, mà cả ở người chỉ huy mọi cấp. Chúng ta còn nhớ nhà đại văn hào Nga L. N. Tôn-xtôi miêu tả đại úy Tu-sin trong trận Sen-gra-ben mà X. Bôn-đa-trúc đã đạo diễn rất hay trong cuốn phim «Chiến tranh và hòa bình». Và biết bao con người dũng cảm vô song đã xuất hiện trong những năm Chiến tranh giữ nước vĩ đại! Tình yêu Tổ quốc bắt nguồn từ cỗi rễ sâu xa của họ cùng nghĩa vụ quân nhân đã giúp họ coi thường nguy hiểm và lập nên sự kỳ diệu của chủ nghĩa anh hùng.

Tôi muốn kể với bạn đọc hai vị thống soái nổi tiếng của Liên Xô là C. E. Vô-rô-si-lốp và Gh. C. Giu-cốp đã làm việc như thế nào trong những lúc nguy hiểm mà tôi có dịp được công tác gần gũi trong chiến đấu.

Như chúng ta đều biết, Cli-men Ê-phrê-mô-vích Vô-rô-si-lốp ngay từ hồi nội chiến đã nổi tiếng là dũng cảm, táo bạo và can đảm. Các đức tính ấy của đồng chí còn được giữ vững và lại được phát huy thêm trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Tôi may mắn được công tác với đồng chí tại bàn đạp Kéc-tsơ vào mùa đông năm 1944, khi chuẩn bị chiến dịch giải phóng Crưm. Bàn đạp không rộng lắm, pháo địch có thể bắn tới, phần lớn đất đai trên bàn đạp nằm trong tầm bắn có hiệu quả của súng cối và súng máy địch.

Chúng tôi sống trong những căn hầm, nói cho đúng ra là chỉ ngủ đêm ở đây, còn ban ngày chúng tôi làm việc ở các đơn vị và ở sở chỉ huy của tư lệnh tập đoàn quân miền ven biển bố trí ở gần chỗ chúng tôi. Hồi đó, C. E. Vô-rô-si-lốp rất phấn khởi. Các đơn vị đang phòng ngự trực tiếp tiếp xúc với địch lúc này như có gì hấp dẫn đặc biệt đối với đồng chí, kéo đồng chí đến với họ. Nguyên soái thường ra tận tuyến một, rất mạo hiểm. Chẳng hạn, nguyên soái cùng với các tướng lĩnh và sĩ quan tùy tùng đi xe ra tận tiền duyên phòng ngự, mà thông thường không có đồng chí nào làm như vậy. Năm-mười phút sau, địch nã pháo và súng cối bắn phá ngay vào nơi đó. Xe kịp rời khỏi và mọi người vẫn an toàn. Sau đó C. E. Vô-rô-si-lốp và những người đi cùng xuống hào giao thông. Hào đào có chỗ nông chưa quá đầu người, khi đi lại phải cúi lom khom, thế nhưng C. E. Vô-rô-si-lốp không đi như vậy. Có nơi đi qua thì không việc gì, nhưng có nơi khác đi qua thì địch lại bắt đầu bắn. Khi ở trong tầm súng của địch C. E. Vô-rô-si-lốp lại hay bông đùa, dường như nguy hiểm làm cho đồng chí đặc biệt thích thú. Tôi có chú ý tới mặt tâm lý trong thái độ của nguyên soái, và tôi tin chắc đó không phải chỉ là thái độ bề ngoài, với ý định nêu gương cho những người khác, mà chính là từ nội tâm, do hứng thú chiến đấu sôi động thôi thúc đồng chí. Đồng chí chăm chú nghe báo cáo của những người chỉ huy các cấp, xem xét tại chỗ địa hình, nói chuyện với các sĩ quan và chiến sĩ, ra các chỉ thị.

Nếu không phải do nội tâm hứng thú chiến đấu bên trong của đồng chí thôi thúc thì khó mà giải thích nổi trường hợp C. E. Vô-rô-si-lốp quyết định dùng xuồng cả lượt đi và lượt về để vượt qua vịnh Kéc-tsơ tới dải đất Tru-sca trong tầm pháo của địch, mà hồi đó rất có thể dùng máy bay Po-2, bay là sát mặt nước, chỉ mất khoảng 5 phút đồng hồ rất an toàn. Có lần, sau khi đi xem xét ở ngoài tiền duyên phòng ngự trở về, chúng tôi thấy căn hầm của C. E. Vô-rô-si-lốp chỉ còn là một cái hố lớn, đất và gỗ ngổn ngang. Chúng tôi đượe biết, vừa qua lúc chúng tôi không có mặt tại đây, pháo binh địch đã bắn trúng hầm đồng chí. Nhưng nguyên soái vẫn không nghĩ đến việc chuyển sang một căn hầm khác chắc chắn hơn, mặc dầu sau khi các đơn vị chúng ta quét sạch bọn Đức tại khu vực này, ở đây vẫn còn lại những lô cốt của địch xây bằng bê-tông vững chắc. Nguyên soái ra lệnh cho sửa chữa và dựng lại ngay tại chỗ ấy căn hầm mới, và chúng tôi đã làm theo chỉ thị của đồng chí.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #262 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 11:22:50 am »


Nhiều lần chúng tôi can ngăn nguyên soái đừng hành động mạo hiểm thái quá như vậy, song đồng chí tỏ ra bực bội: «Các đồng chí cho tôi là người như thế nào»,—đồng chí cao giọng hỏi lại chúng tôi. Nguyên soái còn đe rằng đồng chí sẽ làm việc một mình cũng được, không cần có chúng tôi, rồi góp ý với chúng tôi rằng nếu có ai sợ thì hãy đến Va-re-nhi-cốp-xcai-a mà ở, vì ở đấy có các đơn vị hậu cần của mặt trận và có cả toa xe dành riêng cho đồng chí đại diện của Đại bản doanh, C. E. Vô-rô-si-lốp đã hành động như thế đó, và cũng không thể làm gì khác với đồng chí được.

Tôi còn có dịp quan sát nhiều lần công tác của Gh. C. Giu-cốp. Có lần chúng tôi từ khu vực Nô-vô-rô-xi-xcơ trở về để đi tới quân đoàn bộ binh miền núi số 3 do tướng A. A. Lu-trin-xki chỉ huy. Còn khoảng 2-3 ki-lô-mét nữa là tới địa điểm đã định thì chúng tôi bị kẹt vào giữa chỗ máy bay địch đang bắn phá. Có thể chờ cho qua cơn nguy hiểm này và ẩn nấp ở các hào đã đào sẵn dọc đường cái. Thế nhưng, Gh. C. Giu-cốp ngồi ở xe trước vẫn im lặng. Đồng chí lái xe nhìn sang đồng chí thăm dò, chỉ thấy có một lần đồng chí hơi cau mày như mọi khi, và nói: «Cứ đi, cứ đi». Xe vẫn tiếp tục chuyển bánh.

Thời kỳ tiến công vào Crưm-xcai-a, Gh. C. Giu-cốp và những người cùng đi ở sở chỉ huy của A. A. Grê-xcô, tư lệnh tập đoàn quân 56. Pháo ta đang bắn chuẩn bị. Pháo địch cũng gầm thét, đạn pháo nổ gần đâu đây. Có những mảnh xẹt sát đầu những người đang đứng trong chiến hào. Gh. C. Giu-cốp vẫn điềm tĩnh ngồi trên chiếc ghế đẩu cạnh tư lệnh tập đoàn quân và quan sát chiến trường bằng ống ngắm lập thể. Đồng chí nêu ra những câu hỏi với A. A. Grê-xcô, bình tĩnh nghe báo cáo, không thấy một xúc động gì biểu hiện trên nét mặt. Nguyên soái chỉ tươi tỉnh đôi chút, lúc anh em mang nước chè nóng đến.

Khi chuẩn bị chiến dịch «Ba-gra-chi-on», tôi lại được công tác với đồng chí ở phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 2. Đồng chí từ sở chỉ huy của C. C. Rô-cô-xốp-xki, đơn vị bạn ở cánh trái, đến chỗ chúng tôi để kiểm tra quá trình chuẩn bị chiến dịch trong các tập đoàn quân ở hướng chủ yếu. Trước tiên, nguyên soái nghe báo cáo quyết định của các tư lệnh tập đoàn quân, kiểm tra các quyết định đó trên bản đồ, rồi đi xuống đài quan sát của các binh đoàn thuộc thê đội một. Đồng chí xuống đến tận đài quan sát trung đoàn của sư đoàn nhận nhiệm vụ quan trọng nhất. Còn khoảng 150 mét nữa thì tới vị trí đài quan sát của trung đoàn, tất cả chúng tôi đều xuống xe. Gh. C. Giu-cốp yêu câu chúng tôi phải triệt để tuân theo chế độ ngụy trang, và buộc tất cả phải xuống hào giao thông mà đi. Còn riêng đồng chí thì đi ở phía trên, trực tiếp xem xét địa hình để trực tiếp khẳng định việc lựa chọn hướng đột kích chủ yếu, để tin chắc sự giải quyết nhiều vấn đề khác trong chiến dịch sắp tới là hợp lý. Tại đài quan sát này cũng như tại các đài quan sát khác nằm trong tầm pháo có hiệu quả của địch, đồng chí đã làm việc: nghe báo cáo của các cán bộ chỉ huy, ra các chỉ thị và không hề biểu hiện cái gì khác ngoài việc tập trung vào công tác. Có đồng chí sư đoàn trưởng lúc tới đoạn đường nguy hiểm đã can ngăn nguyên soái dừng lại để khỏi xảy ra điều gì bất trắc, song nguyên soái vẫn điềm tĩnh trả lời: «Lời khuyên của đồng chí thì không cần». Đồng chí vẫn tiếp tục đi.

C. E. Vô-rô-si-lốp và Gh. C. Giu-cốp, cả hai đồng chí đều dũng cảm và táo bạo như nhau, đã làm việc trong những điều kiện nguy hiểm như thế đấy. Người thì say sưa chiến đấu, người thì bình tĩnh và giữ nếp nghiêm khắc, có thể nói là lạnh lùng trước sự đe dọa tới sinh mệnh của mình. Và tôi cũng có thể mạnh dạn nói rằng trong những lúc nguy hiểm, hai đồng chí đều có thể ra những quyết định không những hoàn toàn có căn cứ, mà còn là những quyết định xuất sắc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #263 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 11:25:29 am »


Các nhà bác học và những người làm công tác sáng tạo khác thường tự tạo ra cho mình các điều kiện lao động, tất nhiên là để góp phần giảm nhẹ lao động của mình. Còn những người thống soái lại không thể tạo ra được các điều kiện ấy, tình huống đặt ra các điều kiện cho họ, và buộc họ phải thích ứng với tình huống đó. Hơn nữa, kẻ địch lại tìm mọi biện pháp để gây trở ngại, chế áp người thống soái về mặt tinh thần và thể xác. Ngoài ra, đối với nhà bác học, thời gian tuy có quan trọng thật, nhưng thường lại không có ý nghĩa quyết định. Nhà bác học có thể làm cho công việc của mình thích ứng với tốc độ tư duy vốn có do tự nhiên phú cho con người. Còn trong công tác của người thống soái và người chỉ huy quân sự thì giới hạn tự nhiên đó của tư duy lại rất dễ nhận thấy. Ở đây, thời gian hành động như lưỡi gươm của Đa-mô-clét, buộc họ lúc nào cũng phải hành động thật nhanh, thật hết sức khẩn trương. Trên đây, tôi đã cố gắng chửng minh thời cơ có ý nghĩa như thế nào đối với người thống soái và nếu bỏ lỡ thời cơ thì trận đánh và ngay cả chiến dịch cũng sẽ bị thất bại.

Nhà bác học lúc nào cũng có thể đặt ra các loại giả thuyết và kiểm tra chúng trong quá trình thực nghiệm lâu dài, vất bỏ những giả thuyết nào không xác thực và làm thí nghiệm khác. Người thống soái cũng không bao giờ hành động mà không có đủ các loại giả định. Thật vậy, chúng ta đều thấy có những phản đoán, giả thuyết các loại trong công tác của người thống soái. Thế nhưng, người thống soái lại không thể dựa vào thí nghiệm để kiểm tra giả thuyết của mình được. Giả thuyết của họ được kiểm nghiệm trong thực tiễn chiến tranh và chiến đấu, mà thực tiễn chiến tranh và chiến đấu ấy lại gắn liền với sinh mệnh con người, với những chi phí to lớn về các phương tiện vật chất. Sai lầm ở đây sẽ kéo theo những hậu quả trầm trọng, có khi là những hậu quả không thể đền bù lại được.

Lại còn biết bao sự bất ngờ lúc nào cũng có thể xẩy ra với người thống soái. Họ dự kiến một số điều bất ngờ, mà như các nhà quân sự thường nói, họ «đặt kế hoạch» trước và chuẩn bị dần dần đón lấy những bất ngờ ấy, mặc dù họ không biết chính xác là sẽ phải chờ đợi chúng ra sao. Song đến khi chúng xuất hiện, họ lại phải tìm mọi cách thoát ra khỏi những bất ngờ ấy bằng được. Đó không phải chỉ là những bất ngờ do địch sử dụng những loại vũ khí mới lạ, do mùa và thời tiết, do địch bí mật chuẩn bị và tập kích vào những nơi ta không lường hết trước, v. v.. Mà ngay cả những khi mọi việc cần chuẩn bị cho chiến dịch đã xong cho đến khi bắt đầu tác chiến, thường lại đẻ ra chuyện phải chiến đấu với các lực lượng của tự nhiên nữa: chẳng hạn vào mùa thu và mùa xuân, trời bỗng đổ những cơn mưa rào, đường sá lầy lội, mùa đông sinh ra bão tuyết, băng giá mỗi lúc một rét buốt thêm... Vậy phải làm gì đây? Nếu không tính toán hết các điều kiện thiên nhiên ấy thì có thể thua trận, hoãn chiến dịch lại cũng không được. Người thống soái phải kịp thời đối phó với những điều đó. Ý chí của họ, tính kiên quyết, tất nhiên là cả lương tri của họ, đều phải biểu hiện ngay trong những lúc này.

Người thống soái còn gặp cả những hiện tượng phức tạp hơn. Chẳng hạn, thời kỳ giải phóng Ba Lan đã xảy ra những «hoạt động» của các cơ quan chính phủ Ba Lan lưu vong hoặc của các môn đồ của nền độc tài I. An-tô-ne-xcu trên lãnh thổ Ru-ma-ni mà bạn đọc đã từng biết.

Và khả năng của Nhà nước Liên Xô lẽ nào lại không phải là những bất ngờ vô cùng to lớn đối với những tên thống soái Hít-le? Chúng ta hãy xem đây những dòng chữ của Man-stai-nơ: «Lẽ đương nhiên là chúng tôi không ngờ phía Liên Xô lại có những khả năng tổ chức to lớn biểu hiện ngay bằng hành động như vậy, và còn biểu hiện cả trong việc triển khai nền công nghiệp chiến tranh của họ. Chúng tôi đã thực sự phải đụng độ với con rắn trăm đầu, chặt đứt đầu này thì lập tức nó lại mọc ra hai đầu mới»1.
___________________________________
1. E. Man-stai-nư. Những thắng lợi đã mất, tr. 454.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #264 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 11:27:23 am »


Lao động của người thống soái và lao động của người trí thức ở bên ngoài quân đội còn khác nhau ở chỗ ý chí và sự thông minh của người thống soái phải chống đối với ý chí và sự thông minh không kém hơn của kẻ địch. Nếu như nhà bác học chỉ tiếp xúc với sức mạnh của tự nhiên vô tri thì người chỉ huy quân sự phải đối chọi với một kẻ thù có trình độ phát triển cao. Lao động của người thống soái ở đây giống như cuộc đọ sức giữa hai ý chí, hai lực lượng của trí lực và nghệ thuật. Chúng ta có thể so sánh sự đấu trí, đấu lực và đấu tài giữa hai người thống soái với cuộc đấu cờ của hai kiện tướng cờ, song kết quả của nó — chiến thắng hay chiến bại — lại mang ý nghĩa khác hẳn.

Tất cả chúng ta ai cũng biết rằng lao động của các nhà bác học, các nhà hoạt động nhà nước, các cán bộ nghệ thuật là phức tạp. Vấn đề này, không ai còn tranh cãi nữa. Thế nhưng, lao động của người thống soái thì xưa kia cũng như hiện nay, nhất là trong những điều kiện hiện đại, chúng ta thấy bao giờ cũng hết sức phức tạp. Cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, đặt trên vai những người thống soái một trách nhiệm quá sức và rất to lớn, đủ chứng minh cho vấn đề này.

Trong các điều kiện hiện đại, người thống soái không chỉ giải quyết các vấn đề quân sự, mà còn phải giải quyết cả nhũng vấn đề chính trị khó khăn. Và chỉ những người không những có năng khiếu mà còn phải có vốn kiến thức rộng lớn và có trình độ nghiệp vụ thì mới có thể đảm nhiệm được mọi việc. M. V. Phrun-de đã nói về vấn đề này như sau: «Là sự khái quát cao của nghệ thuật quân sự, chiến lược không những phải tính đến các yếu tố thuần túy quân sự, như quân số v.v., mà còn phải tính đến cả những yếu tố có tính chất chính trị. Chỉ những người nắm vững tất cả những kiến thức ấy mới có thể có tham vọng giữ vai trò lãnh đạo Hồng quân trong các điều kiện xung đột về quân sự mai sau»1. Và bản thân M. V. Phrun-de lại chính là tấm gương của một người lãnh đạo như vậy.

Trong suốt cả cuộc chiến tranh, I. V. Xta-lin là Chủ tịch Hội đồng quốc phòng Nhà nước và Tổng tư lệnh tối cao các Lực lượng vũ trang Liên Xô. Các phẩm chất cao quý của một nhà hoạt động quân sự đã biểu hiện trên các cương vị đó. Trong cuốn hồi ký «Nhớ lại và suy nghĩ», Nguyên soái Liên Xô Gh. C. Giu-cốp đã đánh giá I. V. Xta-lin là người nắm vững các vấn đề tổ chức các chiến dịch của các phương diện quân và chiến dịch của các cụm phương diện quân, chỉ đạo các chiến dịch ấy với sự hiểu biết đầy đủ mọi công việc, nắm vững cả những vấn đề chiến lược phức tạp. Đồng chí nhận xét trí tuệ bẩm sinh của Xta-lin là giàu linh tính, biết tìm ra khâu chủ yếu trong tình huống chiến lược. Và Gh. C. Giu-cốp đã đi đến kết luận: «Không nghi ngờ gì nữa, I. V. Xta-lin quả thật xứng đáng là Tổng tư lệnh tối cao».

Nhân dân Liên Xô đã đưa nước mình vào hàng ngũ những cường quốc đầu tiên trên thế giới. Đảng của những người cộng sản, trước kia và hiện nay, là người lãnh đạo mọi thành quả vĩ đại của nó. Nhưng vì từ lâu đã xác nhận rằng cá nhân lỗi lạc giữ vai trò quan trọng trong lịch sử nên chúng ta có thể có quyền nói rằng: Xta-lin là vị thống soái đã đóng góp những cống hiến vô giá vào sự nghiệp thắng lợi của nhân dân Liên Xô trong Chiến tranh giữ nước vĩ đại.

Người thống soái không những cần có một trí tuệ tuyệt vời. Điều không kém quan trọng là trí tuệ của người thống soái phải rất linh hoạt, hay như ta thường nói: phải sáng suốt. Vấn đề này có quan hệ tới đặc điểm của tình huống chiến tranh. Tình huống chiến tranh thường xuyên biến động, như vậy có nghĩa là khi cần vì lợi ích của thắng lợi, người thống soái phải biết từ bỏ quyết định và kế hoạch hành động đã định ra trước đây (mà không có khó khăn gì cả). Người thống soái không thể cứ chịu bó tay trước kế hoạch riêng, khi kế hoạch đó đã trở nên mâu thuẫn với tình huống.

Dĩ nhiên, nói như vậy hoàn toàn không có nghĩa là khi gặp những khó khăn nhỏ bé, khi tình thế có những thay đổi không quan trọng lắm, người thống soái đã phải vội vàng thay đổi quyết định. Người thống soái tồi là người không biết kiên quyết thực hiện bằng được quyết định của mình.

Cuối cùng, sự linh hoạt của trí tuệ có nghĩa là người thống soái không thể để mình bị trói buộc bởi những cái gì đã định sẵn, chịu làm tù binh cho thói rập khuôn. Ngay cả những quy định đúng đắn trong điều lệnh, chỉ thị, mệnh lệnh cũng cần phải biết áp dụng với ý nghĩa tinh túy và lành mạnh, phù hợp với tình huống. Lê-nin đã viết về vấn đề này như sau: «Phải biết tùy theo hoàn cảnh mà thay đổi phương pháp đấu tranh chống quân thù»2.

Sau khi xảy ra bước ngoặt cơ bản trong quá trình cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, những chiến dịch chủ yếu của quân đội phát-xít Đức đã phản ánh các quan điểm có tính chất bảo thủ của bọn chiến lược gia Hít-le. Bị mất quyền chủ động, những tên chỉ huy của các lực lượng vũ trang Đức đã không biết thích nghi với các điều kiện chiến tranh mới, cải tổ lại công tác của chúng và học cách khắc phục các khó khăn.
_______________________________________
1. M. V. Phrun-de. Tuyển tập. t. 2, Mát-xcơ-va, 1957, tr. 176.
2. V. I. Lê-nin. Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Tiến bộ, Mát-xcơ-va, t. 36, tr. 216.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #265 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 12:38:45 pm »


*
* *

Trong các thời đại trước kia, người thống soái táo bạo, dũng cảm, trực tiếp dẫn quân mình ra bãi chiến trường. Kết cục trận đánh thường phụ thuộc vào phong cách hành động của ông ta. Không phải vô cớ mà người thống soái đã ngồi trên lưng con bạch mã, hoặc chọn cho mình vị trí ở trên cao để mọi người khác dễ thấy mình. Nửa thế kỷ trước đây, trong những năm nội chiến, sự dũng cảm và kiên quyết của bản thân người chỉ huy quân sự cũng giữ vai trò quyết định. Các đồng chí Bu-đi-on-nưi, Cô-tốp-xki, Pác-khô-men-cô, Tra-pa-ép và các đồng chí khác là những anh hùng trong cuộc chiến tranh ấy đã nhiều lần dẫn quân đi chiến đấu, đủ chứng minh cho nhận xét trên.

Trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai và trong thời đại chúng ta, người thống soái không thể trực tiếp dẫn quân xông ra chiến đấu. Chỉ có một số ít người chiến sĩ ở gần bên mới có thể thấy ông ta xông lên cùng họ tiến công và không ai ngoài một số ít người đó có thể theo tấm gương tốt đẹp ấy của ông ta, vì quy mô trận đánh không còn như xưa và tính chất chiến đấu cũng đã khác trước. Ngày nay, chỉ người chỉ huy đại đội và tiểu đoàn mới có thể trực tiếp cùng bộ đội tấn công; và chính ở đây, những tấm gương dũng cảm, táo bạo của người chỉ huy vẫn tiếp tục phát huy tác dụng và có đầy đủ hiệu lực.

Thế nhưng, nói như vậy tuyệt nhiên không có nghĩa là ngày nay người thống soái không cần phải có những phẩm chất kiên nghị nữa, rằng chúng đã lỗi thời rồi. Dũng cảm, táo bạo, kiên quyết đều là những phẩm chất cần phải có ở người thống soái, song những phẩm chất ấy giờ đây lại biểu hiện ra một cách khác. Bất kỳ tình huống nào cũng cần phải có những phẩm chất ấy, trước hết là vào những lúc tình hình trở nên phức tạp và bộ đội bị thua. Chính trong những lúc ấy người thống soái phải bình tĩnh, tự chủ được mình và hơn thế nữa là không được hốt hoảng. Trách nhiệm của họ là phải tìm ra lối thoát khỏi tình thế khó khăn, nhất là những lúc khả năng của bộ đội bị hạn chế.

Năm 1941, bộ đội chúng ta bị bất lợi trong một thời gian khá dài. Kẻ thù ồ ạt xông đến Mát-xcơ-va và đã tới các cửa ngõ dẫn đến gần thủ đô chúng ta. Tình hình thật hết sức trầm trọng và có lúc hết sức nguy kịch. Nhưng các vị thống soái và các đồng chí chỉ huy xô-viết lúc đó vẫn giữ vững lòng tin vào thắng lợi, tìm ra lối thoát khỏi tình hình khó khăn đó. Các đồng chí đã biết dựa vào những người yêu nước có tinh thần vững vàng, dựa vào nhân dân dũng cảm và can đảm, tiếp tục chiến đấu quyết liệt với kẻ thù và cuối cùng đã giáng cho quân địch đòn thất bại nặng nề đầu tiên trong những năm chiến tranh thế giới thứ hai. Các chiến sĩ kiên cường, với quyết tâm cao độ và ý chí gang thép quyết giành thắng lợi đã bảo đảm cho chiến thắng của chúng ta tại sát thủ đô của Liên Xô. Chỉ có nhân dân xô-viết dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản mới có thể chịu đựng nổi những tháng năm khó khăn ấy và xoay chuyển được tiến trình lịch sử, giành lấy thắng lợi tuyệt vời đó.

Kinh nghiệm thống soái của Giu-cốp, Cô-nép, Rô-cô-xốp-xki, Gô-vô-rốp, Ê-ri-ô-men-cô, Mê-rét-xcốp, Ma-li-nốp-xki, Grê-xcô, Tsui-cốp và các đồng chí khác đã được rèn luyện từ những tháng đầu chiến tranh gian khổ, bấy giờ có người thì lãnh đạo phương diện quân (như Giu-cốp, Cô-nép, Ê-ri-ô-men-cô), có người thì chỉ huy các tập đoàn quân hoặc quân đoàn, và đều có mặt trên những khu vực nóng bỏng nhất ngoài mặt trận Xô-Đức. Tất cả các đồng chí đó đều có những phẩm chất thống soái chân chính để hoàn thành các nhiệm vụ đã được đề ra. Lại còn phải kể đến những công cuộc phòng thủ ở Mát-xcơ-va, Xta-lin-grát, Lê-nin-grát, Ô-đét-xa, Ki-ép, Xê-va-xtô-pôn và pháo đài Brét! Những công cuộc phòng thủ ấy yêu cầu từ người chiến sĩ đến người sĩ quan không những phải dũng cảm, kiên cường, mà trước hết là phải biết quên hẳn mình, nhất là đối với những người lãnh đạo công cuộc phòng thủ đó như các   đồng chí: Gh. C. Giu-cốp, A. M. Ê-ri-ô-men-cô, L. A. Gô-vô-rốp, A. A. Giơ-đa-nốp, V. I. Tsui-cốp, I.    E. Pê-tơ-rốp, N. I. CrU-lốp, M. M. Pô-pốp và các đồng chí khác. Tất nhiên, không phải chỉ những lúc khó khăn mới yêu cầu đến các phẩm chất ấy, mà ngay những khi đánh thắng cũng vẫn cần phải có. Trong các điều kiện thuận lợi, người thống soái phải tỏ ra kiên cường cao độ và giàu nghị lực, quyết đạt được mục đích.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #266 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 12:42:04 pm »


Tôi còn ghi sâu trong ký ức các chiến dịch của bộ đội phương diện quân Trung tâm (nguyên là phương diện quân sông Đôn) ở Ô-ri-on và Bri-an-xcơ vào tháng Hai-tháng Ba 1943. Hồi đó, tôi vừa được giao lãnh đạo Cục tác chiến thuộc Bộ tổng tham mưu. Trách nhiệm phải đảm đương quả là một gánh nặng, nên tôi còn nhớ mãi những bước đi ban đầu ấy. Kế hoạch các chiến dịch vạch ra đã được Đại bản doanh đồng ý. Lúc này là giai đoạn bắt đầu thực hiện kế hoạch. Chính C. C. Rô-cô-xốp-xki cũng đã mệnh danh chiến dịch này là chiến dịch «đẹp» về ý đồ, kế hoạch này dự định cho bộ đội ta thọc sâu vào sau lưng cụm Ô-ri-on của quân địch. Theo ý kiến của các tác giả soạn thảo dự án kế hoạch, đã công tác lâu năm và giàu kinh nghiệm trong Bộ tổng tham mưu, thì những hành động thọc sâu vào sau lưng quân địch phải cắt được các đường rút lui cuối cùng của chúng về phía Tây, và rốt cuộc phải là một bộ phận hợp thành trong kế hoạch chung tiêu diệt quân phát-xít Đức ở Ô-ri-on.

Chiến dịch mở màn thắng lợi, thế nhưng nói chung vẫn chưa hoàn thành. Nguyên nhân là do không kịp thời điều động tới mặt trận một khối lượng lớn bộ đội được sử dụng để phát huy và củng cố thắng lợi. Do bị kéo dài trên tuyến đường sắt duy nhất từ Xta-lin-grát đến Ô-ri-on, các đơn vị đến nơi rời rạc từng đợt, không đủ bảo đảm tăng cường nhanh và mạnh cho các lực lượng của chúng ta đủ sức cần thiết để xoay chuyển tình thế.

Lợi dụng những khó khăn và tình trạng lộn xộn đó của ta, địch đã phá được mối nguy cơ uy hiếp phía sau lưng chúng và chuyển sang hành động tích cực. Tình thế trở nên nguy kịch. Bộ đội của phương diện quân Trung tâm có nguy cơ bị bao vây và tiêu diệt. Chính giữa lúc hiểm nghèo đó đã bộc lộ rõ ý chí sắt đá, khả năng tổ chức to lớn và bình tĩnh nhìn thẳng vào nguy hiểm của C. C. Rô-cô-xôp-xki. Kịp thời cơ động các lực lượng của mình và biết lợi dụng tình hình thời tiết cuối mùa đông, đồng chí đã ra lệnh ngừng cuộc tiến công (không cần thiết nữa) một cách có tổ chức, khôn khéo tránh các mũi đột kích của địch và rút bộ đội lui về các tuyến mà sau này tạo thành mặt phía Bắc của vòng cung Cuốc-xcơ.

Sự dũng cảm của tướng N. Ph. Va-tu-tin, tư lệnh phuơng diện quân Tây-Nam và tướng M. M. Pô-pốp, phó tư lệnh phương diện quân, đã giữ vai trò to lớn trong tháng Hai 1943, khi phương diện quân Tây-Nam và phương diện quân Nam cùng tiến hành chiến dịch phối hợp «Bước nhảy vọt», để tiêu diệt quân địch ở Đôn-bát. Lúc ấy, các đơn vị thuộc cụm quân của tướng M. M. Pô-pốp (có một số quân đoàn xe tăng và bộ binh) đang tiến công từ tuyến Bác-ven-cô-vô, I-di-um tới Cra-xnô-ác-mây-xcôi-e thì lâm vào tình thế khó khăn. Theo ý định của bộ tư lệnh phương diện quân Tây-Nam, nếu chiếm được điểm cuối cùng ấy, chúng ta sẽ làm cho địch bị mất con đường sắt duy nhất để rút lui khỏi Đôn-bát sang phía Tây. Như vậy là chúng ta dự kiến sẽ bao vây địch và tiêu diệt chúng ở Đôn-bát.

Thế nhưng, công việc lại không diễn ra theo đúng như chúng ta mong muốn. Quân địch chống cự lại rất ngoan cố. Chúng không rút lui mà cố thủ tại các tuyến chúng đã chuẩn bị sẵn và bố trí lại để sau này tổ chức phản công. Còn bộ đội Liên Xô lại không tiếp tế được kịp thời đạn dược, nhiên liệu và các đội dự bị. Các phân đội bộ binh điều động ra mặt trận do thiếu các phương tiện vận tải cần thiết, nên đã bị chậm trễ trên dọc đường, khiến xe tăng hành động không có bộ binh yểm hộ, nhiên liệu và đạn dược không đủ đã buộc nhiều xe phải dừng lại. Gặp khó khăn nhiều nhất là quân đoàn của P. P. Pô-lu-bôi-a-rốp, một người giàu kinh nghiệm và dũng cảm. P. P. Pô-lu-bôi-a-rốp đã kiên cường chống lại các lực lượng ưu thế hơn của quân phát-xít Đức đang ngoan cố chuyển sang phản công trên hướng Khác-cốp.

Lúc đó quân địch không sao đánh tan được các đơn vị thuộc cụm quân của tướng M. M. Pô-pốp. Trong những điều kiện tình thế hiểm nghèo ấy, M. M. Pô-pốp đã sử dụng toàn bộ quyền lực của người phó tư lệnh phương diện quân, tỏ ra rất dũng cảm, kiên cường và khôn khéo tổ chức đánh lại quân địch. Bộ đội Liên Xô đã phòng ngự vững chắc ở khu vực Bác-ven-cô-vô, đập tan mọi âm mưu của bộ chỉ huy phát-xít Đức định đột phá tới Khác-cốp qua sông Bắc Đô-ne-txơ.

Và lẽ nào không cần đến ý chí và tính kiên quyết của C. C. Rô-cô-xốp-xki, khi đồng chí phải quyết định: tiến hành hay không tiến hành pháo bắn phản chuẩn bị vào các đơn vị quân địch đang chuẩn bị tiến công tại vòng cung Cuốc-xcơ?!

Đồng chí quyết định tiến hành biện pháp này và dùng hỏa lực gây thiệt hại nặng cho địch, làm giảm sức mạnh đột kích mà bộ chỉ huy phát-xít Đức mong đợi. Pháo bắn phản chuẩn bị là một trong những nguyên nhân khiến địch không thể thọc sâu vào tuyến phòng thủ của ta quá 12 ki-lô-mét ở mặt trận Trung tâm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #267 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 12:42:30 pm »


Ý chí sắt đá và tính kiên cường vững chắc lúc nào cũng cần thiết đối với người thống soái để làm cho địch mất quyền chủ động và để khắc phục được các khó khăn khác nhau đang nảy sinh.

Tôi thấy mình không thể không nói vài lời về Va-xi-li I-va-nô-vích Tsui-cốp, mà ý chí và tính cương nghị của đồng chí có thể nêu lên để làm gương. Chúng ta ai cũng biết đến tiểu sử chiến đấu của Nguyên soái Tsui-cốp, hai lần Anh hùng Liên Xô.

Tôi có dịp được làm phó tư lệnh thứ nhất và tham mưu trưởng của đồng chí. Lần thứ nhất, khi đồng chí được cử giữ chức Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô đóng trên đất Đức, và lần thứ hai, khi đồng chí làm Tổng tư lệnh lục quân của Quân đội Liên Xô. Tôi thấy không cần phải nhắc đến tính dũng cảm và can trường của đồng chí. Nhưng tôi muốn nói về một nét đặc biệt của con người xuất sắc ấy, như nghị lực nhiệt tình và sôi động, chính nhờ đó mà đồng chí đã có thể phụ trách một số việc cùng một lúc; có thể làm việc suốt ngày, suốt đêm, và nếu cần còn có thể làm việc trong nhiều ngày đêm hơn nữa cho đến lúc xong việc.

V. I. Tsui-cốp còn rất mưu trí, chẳng hạn đồng chí đã đồng thời lãnh đạo việc công phá Pô-dơ-nan và chỉ huy cả các đơn vị đang mở rộng bàn đạp tại Ô-đe, mà từ Pô-dơ-nan đến Ô-đe đường xa tới 160 ki-lô-mét. Đồng chí đã kịp thời có mặt tại cả hai nơi những lúc cần.

Nét đặc sắc thứ hai cũng rất quan trọng ở đồng chí là tính nguyên tắc trong từng công việc, khi giải quyết mọi vấn đề. Chấp hành mệnh lệnh của trên, đồng chí đã hành động với tất cả lương tâm của mình; nhưng khi thấy trường hợp đó là cần thiết và đúng đắn, đồng chí đã biết kiên trì lập trường của mình. Nhiều lần tôi có dịp nói với V. I. Tsui-cốp nhân những vấn đề do đồng chí nêu ra rằng: «Bộ tổng tham mưu sẽ không ủng hộ quan điểm này của chúng ta đâu».

«Các đồng chí ấy không ủng hộ, — Tsui-cốp trả lời, — nhưng rồi các đồng chí ấy sẽ biết là chúng ta có quan điểm đó và chúng ta sẽ kiên trì bảo vệ nó».

Có thể nói, tôi hết sức kinh ngạc về tài năng độc đáo của đồng chí: biết nắm vững các vấn đề, đi sâu vào thực chất của nó và biết dự kiến cả sự phát triển sau này.

Tôi đến nhận chức được mấy ngày thì có dịp được quan sát thấy V. I. Tsui-cốp làm việc cùng với các chuyên gia hàng không, xem xét các vấn đề hậu cần của không quân. Tôi ngạc nhiên thấy đồng chí biết cách đi sâu vào thực chất vấn đề, tìm ra những điểm yếu và đề xuất những vấn đề quá hóc búa đối với các chuyên gia, khiến họ phải vã mồ hôi và xin thêm thời gian để chuẩn bị. Tôi suy nghĩ: «Do đâu mà đồng chí nắm được hết chi tiết vấn đề, vì trước đây, như tôi được biết, đồng chí không phụ trách công tác không quân? ». Ít lâu sau, có dịp xem xét về các vấn đề xe tăng, tôi lại thấy đồng chí làm việc tỉ mỉ giống như đã làm việc với các chuyên gia hàng không. Nguyên là một cán bộ xe tăng, tôi cũng biết phân tích chi tiết các vấn đề, nên có thể đánh giá được toàn bộ chiều sâu các kiến thức thực tế của V. I. Tsui-cốp...

Còn trong các buổi diễn tập, V. I. Tsui-cốp đúng là một kiện tướng xây dựng các tình huống phức tạp và các phương pháp huấn luyện đột ngột. Chẳng hạn, khi đang nghe báo cáo của một cán bộ chỉ huy nào đó, được nửa chừng, đồng chí dừng lại nói: «Đồng chí bị trúng mảnh đạn đại bác, bị thương nặng rồi. Còn chúng tôi may mà được sống sót. Phải giao quyền chỉ huy cho đồng chí cấp phó của đồng chí». Và dĩ nhiên, đồng chí cấp phó có khi cũng không có mặt tại đây, nên không biết xẩy ra chuyện gì. Trong khi ấy thì đồng chí chỉ huy trưởng được cáng ngay lên ô-tô-buýt hoặc vào lều bạt, không thể bàn giao lại điều gì cho người chỉ huy cấp phó của mình. Thế là «lúng túng như thợ vụng mất kim»... Đến những lần diễn tập sau, ta có thể cam đoan rằng, người chỉ huy cấp phó ấy sẽ nắm vững vấn đề không kém gì người chỉ huy trưởng. Khi V. I. Tsui-cốp tiến hành diễn tập, mọi người đều biết thế nào rồi các cầu bắc qua sông cũng sẽ bị «phá sập», đồng chí không cho bộ đội vượt sông trên các cầu ấy. Còn sở chỉ huy, mặc dù đã được trang bị chắc chắn, cũng sẽ trúng «bom» của địch, buộc mọi người phải rời sang sở chỉ huy dự bị. Và như chúng ta biết: cũng có lần diễn tập, các đơn vị chỉ chuẩn bị sở chỉ huy dự bị cho có hình thức hơn là để hoạt động thực sự. Mà nguyên soái thì lại yêu cầu phải làm việc ngay tại nơi đó, không được kêu ca gì hết.

Chúng ta có thể nói thẳng ra rằng làm việc với Tsui-cốp quả rất khó. Đồng chí buộc mọi người lúc nào cũng phải hết sức khẩn trương. Nhưng tôi lại thấy tự hào được làm việc với đồng chí hai lần (hơn nữa, lần thứ hai lại là theo đề nghị của đồng chí). Tôi rất biết ơn đồng chí và nhận thấy đồng chí không chỉ là một người chỉ huy quân sự có tài, mà còn là một đồng chí cấp trên mà mình học tập được và có thể dựa vào được.

Khi nói tới ý chí sắt đá và tính kiên trì nhằm đạt mục đích đã định là những điều mà người thống soái nhất thiết phải có, thì chúng ta cũng cần phải nói rằng các phẩm chất rất quan trọng ấy lại có thể trở thành mâu thuẫn với chúng nếu như ta quá đề cao chúng. Thật chẳng ra gì nêu tính kiên cường lại biến thành tính ngoan cố, và tính kiên quyết trở thành tính quá tự tin. Đến khi đó, thái độ không muốn sửa chữa khuyết điểm mà mình phạm phải không chứng tỏ là có can đảm, mà trái lại, sẽ chứng tỏ là thiếu can đảm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #268 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 12:44:08 pm »


*
* *

Hành động chiến đấu lúc nào cũng giống như một bài toán có nhiều ẩn số buộc người chỉ huy quân sự phải giải quyết. Lúc bắt đầu chiến dịch, người thống soái chỉ có thể dự đoán chiến dịch rồi sẽ phát triển ra sao, do đó luôn luôn phải có sự mạo hiểm.

Có thể và cần phải áp dụng mọi biện pháp để giảm bớt mức độ mạo hiểm. Nhưng, nếu người thống soái nào lại mong muốn triệt tiêu hoàn toàn mọi sự mạo hiểm chưa chắc đã chiến thắng được đối phương. Sự mong muốn như thế và cách xử sự gắn liền với sự mong muốn ấy chứa đựng mầm mống nguy hiểm của sự thiếu kiên quyết, lúng túng, và cuối cùng là mất tính chủ động. Người thống soái có nhiệm vụ hiểu rõ và thực hiện đúng mức sự mạo hiểm. Tất nhiên, mạo hiểm phải có căn cứ, hợp lý và phải dựa vào dự kiến phát triển các sự kiện, nắm vững tình huống và tính toán chính xác. Nói một cách khác, người thống soái phải biết mạo hiểm một cách khôn ngoan.

Nhân đây, chúng ta nhớ đến trận đánh tạt sườn của phương diện quân Bri-an-xcơ trong chiến địch cùng tên của bộ đội Liên Xô, là một trong những tấm gương về sự mạo hiểm khôn ngoan.

Như mọi người đều biết, phương diện quân đã đánh tan cụm quân Ô-ri-on của địch trong trận phản công của chúng ta vào mùa hè năm 1943, và trong cả một thời gian dài bộ đội Liên Xô đã không ngừng tiến lên. Đến đầu tháng Chín, phương diện quân vấp phải các trận địa phòng thủ mạnh của quân phát-xít Đức ở dọc khu vực phía Đông của dải rừng Bri-an-xcơ rộng bao la. Vào lúc này phương diện quân không có đủ lực lượng để tiêu diệt quân địch vì đã bị tổn thất nặng. Trong lúc tìm kiếm biện pháp để giải quyết nhiệm vụ, ngày 5 tháng Chín 1943, tướng M. M. Pô-pốp, tư lệnh phương diện quân, đã nhận được báo cáo trinh sát của phương diện quân Tây sát cánh phải, nhắc đến việc đánh chiếm dễ dàng điểm cao không lớn lắm ở chỗ tiếp giáp với phương diện quân Bri-an- xcơ, mà trước đây bộ đội Liên Xô đã nhiều lần tiến công vẫn không thu được kết quả. Chúng ta bắt được một số tù binh địch trong các đơn vị không trực tiếp chiến đấu và tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề, mới vỡ lẽ ra rằng quân của Hít-le trước đây phòng thủ ở điểm cao này đã chuyển sang các khu vực khác, và địch đã lấy các phân đội ở phía sau ra phòng thủ tại đây.

Lúc đó, M. M. Pô-pốp nảy ra ý nghĩ sẽ mở mũi đột kích qua dải của đơn vị bạn ở khu vực điểm cao mà ta đã chiếm được của địch, đột phá vào tuyến phòng thủ yếu của địch và tung quân đoàn kỵ binh của tướng V. V. Cri-u-cốp đột kích sâu vào bên trong. Theo ý nghĩ của tư lệnh phương diện quân, kỵ binh bất thần ồ ạt đột nhập vào sau lưng các lực lượng chủ yếu của địch đang bố trí ở phía trước phương diện quân Bri-an-xcơ, sẽ làm cho tuyến phòng thủ của phát-xít Đức bị rối loạn.

Hồi đó, Đại bản doanh chưa đồng ý cho tiến hành ngay chiến dịch, bởi quá mạo hiểm. Vì như vậy thì sẽ phải điều động một số lớn quân dọc theo chính diện và phải hành động qua dải của đơn vị bạn. Điều động quân trong hoàn cảnh trực tiếp gần địch lúc đó là rất nguy hiểm (mà thực tế đúng như vậy). Hơn nữa, thắng lợi của chiến dịch lại chỉ trông đợi vào điều kiện bất ngờ hành động, mà muốn bảo đảm được bất ngờ thì không thể điều động pháo binh của phương diện quân Bri-an-xcơ sang khu vực khác trên địa hình này và chỉ có dựa vào hỏa lực bắn phá của không quân và pháo phản lực «Ca-chiu-sa» mà thôi. Tư lệnh phương diện quân quyết định sử dụng pháo binh của đơn vị bạn — tập đoàn quân 10 của phương diện quân Tây, nhưng pháo chỉ có ít, và đạn dược lại càng ít hơn. Vì vậy, các đơn vị được điều động để tổ chức mũi vu hồi đánh vào bên sườn địch phải mang vác đạn theo cho pháo binh của đơn vị bạn. Tất nhiên, mọi cuộc điều động đều phải tiến hành vào ban đêm và được ngụy trang hết sức chu đáo; việc điều động lực lượng phải hoàn thành trong vòng 40 tiếng đồng hồ trên đoạn đường dài 80-100 ki-lô-mét. Rõ ràng, dù hoàn cảnh có thuận lợi đến đâu chăng nữa, nhất định kỵ binh cũng phải chiến đấu quyết liệt ở sau lưng quân địch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #269 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 12:45:33 pm »


Hồi ấy, Tổng tư lệnh tối cao nhiều lần hỏi Bộ tổng tham mưu: chiến dịch đó liệu có thắng không? Trước sau chúng tôi đều trả lời: tất cả chúng tôi tin tưởng rằng ý đồ của tư lệnh phương diện quân sẽ thành công. Theo đề nghị khẩn khoản của M. M. Pô-pốp, ngày 5 tháng Chín 1943, A. I. An-tô-nốp lại báo cáo một lần nữa lên I. V. Xta-lin về mũi đột kích tạt sườn của phương diện quân Bri-an-xcơ và phát biểu ý kiến ủng hộ việc tiến hành chiến dịch. Thế nhưng, Tổng tư lệnh tối cao còn đích thân gọi điện trực tiếp cho tư lệnh phương diện quân và hỏi đồng chí tư lệnh có bảo đảm chắc chắn là sẽ đánh thắng hay không. Tư lệnh phương diện quân cam đoan sẽ đánh thắng. Ngay lúc đó, Tổng tư lệnh tối cao liền quyết định sẽ bắt đầu tiến công vào sáng 7 tháng Chín.

Bộ tư lệnh phương diện quân kiểm tra rất chặt chẽ công tác chuẩn bị chiến dịch, để bảo đảm thực hiện đúng các biện pháp giữ gìn bí mật. Mũi đột kích tạt sườn được thực hiện ở trình độ nghệ thuật cao. Quân địch bị uy hiếp ở phía sau đã phải bỏ dải rừng Bri-an-xcơ, vội vã rút về bên kia Xô-giơ và Đni-ép-rơ.

Trong chiến tranh, không thể hành động một cách may rủi, không thể xuất phát từ các ý kiến đã định sẵn và thiếu suy nghĩ chín chắn mỗi khi giải quyết một vấn đề nào đó. Hành động như vậy không phải là mạo hiểm khôn ngoan mà là phiêu lưu, và sự phiêu lưu ấy sẽ bị trả giá bằng hàng trăm, có khi hàng nghìn sinh mệnh con người. «Kiện tướng» của những «hành động» theo kiểu đó là Hít-le và các tướng lĩnh của y. Ta hãy bắt đầu nói từ sự phiêu lưu chính là chiến tranh chống Liên Xô, là kế hoạch «Bác-ba-rô-xơ» khét tiếng. Kế hoạch này thậm chí có nói: «Các lực lượng vũ trang Đức phải sẵn sàng đập tan nước Nga xô-viết trong một chiến cục ngắn trước khi kết thúc chiến tranh với nước Anh... Mục tiêu cuối cùng của chiến cục là tạo nên một bức tường chắn chống lại nước Nga châu Á dọc theo tuyến Vôn-ga — Ác-khan-ghen-xcơ. Như vậy là, trường hợp cần thiết, có thể dùng không quân đánh cho tê liệt khu vực công nghiệp cuối cùng còn nằm trong tay người Nga ở U-ran». Trong văn kiện đó, ta thấy đầy dẫy những sự phiêu lưu, ngu ngốc và sự quá tự tin của người Phổ. Trong suốt quá trình chiến tranh, bọn Hít-le đã có biết bao sự phiêu lưu như thế kết thúc bằng sự thất bại thảm hại.

Trong các cán bộ chỉ huy quân sự của chúng ta, tiếc thay cũng có những người mạo hiểm mà không tính toán và thiếu dự kiến. Lại cũng có cả những người không muốn mạo hiểm, nên cũng không thu được thắng lợi. Đặc trưng cho việc này là cuộc tiến công của phương diện quân Tây-Nam trong khu vực chỗ lồi Bác-ven-cô-vô ở Khác-cốp vào tháng Năm 1942, theo sáng kiến của Hội đồng quân sự khu vực mặt trận Tây-nam. Vấn đề này đã được nhiều người viết, nên tôi chỉ muốn bạn đọc chú ý tới một trong số các nguyên nhân thất bại của bộ đội ta, mà nguyên nhân này lại thường ít được nhắc đến. Nguyên nhân đó, một mặt nói lên sự mạo hiểm không có căn cứ của bộ tư lệnh, mặt khác cũng nói lên thái độ không muốn mạo hiểm của họ khi tình huống đòi hỏi phải hành động mạo hiểm.



h.Phương diện quân Bri-an-xcơ cơ động đánh vào sườn địch
(tháng 9 năm 1943)
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM