Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 06:56:11 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ Tổng Tham mưu Xô-viết trong chiến tranh - Tập 2  (Đọc 109106 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #240 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 06:55:07 am »


Bạn đọc hẳn còn nhớ, cũng trong ngày hôm ấy ở Rem-xơ bắt đầu những cuộc đàm phán của tướng I-ốt về sự đầu hàng của quân Đức ở mặt trận phía Tây. Khi chưa rõ là Anh và Mỹ có thái độ như thế nào đối với đề nghị của bọn Hít-le, bọn chỉ huy phát-xít Đức ở Pra-ha đã cố dùng sức mạnh đàn áp cuộc khởi nghĩa. Còn khi chúng được tin quân Đức sẽ đầu hàng quân Anh - Mỹ ở phía Tây thì bọn quốc xã ở Pra-ha liền thay đổi chiến thuật. Ngày 7 tháng Năm, Đe-nít ra lệnh cho quân phát-xít Đức rút khỏi mặt trận phía Đông để đầu hàng quân đồng minh của chúng ta.

Lúc này, bọn quốc xã mưu tính thực hiện nhiệm vụ mới, nên không thể tiếp tục mở rộng hơn nữa cuộc chiến đấu trên các đường phố Pra-ha, mà thuận lợi hơn cả là làm suy yếu cuộc khởi nghĩa, và nếu có thể thì thỏa thuận với những người khởi nghĩa. Tướng Tu-xen đứng ra đảm nhận việc này. Y đã đàm phán được với Hội đồng dân tộc Séc (Ra-đa nhân dân của Séc). Cuộc đàm phán bắt đầu hồi 10 giờ ngày 7 tháng Năm, khi ở Rem-xư đã ký kết văn bản đầu hàng, và Hồng quân đang tiến công trên khắp các mặt trận. Quá trình đàm phán chứng minh rằng phần lớn các đại biểu hội đồng là những nhà hoạt động của giai cấp tư sản, nên họ nhìn nhận ý nghĩa hành động của những người khởi nghĩa rất hạn chế. Giáo sư An-be Pra-giắc của trường đại học Pra-ha đứng đầu Hội đồng dân tộc Séc sau này có nói rằng: «Mục đích của cuộc khởi nghĩa là cứu thành phố khỏi sự phá hoại đã được tính toán trước, vì bọn Đức không định bỏ lại thành phố mà không chiến đấu. Từng giờ từng phút, chúng tôi chờ đợi quân đồng minh đến». I. Xmơ-rơ-cốp, phó chủ tịch Hội đồng, hồi đó là người của đảng cộng sản, đã không thể thay đổi quan điểm thỏa hiệp đó của đa số tư sản trong Hội đồng dân tộc Séc.

Do tình hình như vậy, Tu-xen nhanh chóng xác định được chỗ yếu trong ban lãnh đạo những người khởi nghĩa, và hồi 16 giờ ngày 8 tháng Năm (theo văn kiện ký kết ở Rem-xơ là thời gian đầu hàng của quân Đức), đến lượt mình cũng đã ký với Hội đồng dân tộc Séc một hiệp định rất có lợi cho bộ chỉ huy phát-xít Đức. Hiệp định ấy bảo đảm cho quân Hít-le rút lui an toàn sang phía quân Mỹ. Hồi 19 giờ 15 phút ngày 8 tháng Năm 1945, Hội chữ thập đỏ quốc tế truyền đi trên đài phát thanh Pra-ha bằng tiếng Tiệp và tiếng Đức bản thông cáo sau đây: «Theo hiệp định ký kết với Ra-đa nhân dân Séc, chiến sự ở Pra-ha và các vùng ngoại vi phải chấm dứt. Các binh đoàn và công dân Séc cũng đã nhận được mệnh lệnh đó. Ai không chấp hành mệnh lệnh này sẽ bị truy tố trước tòa án. Tư lệnh bộ đội Đức ở Séc và Mô-ra-vi-a đã ký. Pra-ha. Đài phát thanh Tiệp Khắc».

Trong hiệp định có những điều khoản như:

«5. Việc giao nộp vũ khí tiến hành theo trình tự sau: vũ khí nặng giao ở các vùng ngoại vi thành phố cho các đơn vị quân đội Tiệp Khắc, máy bay để lại các sân bay ở Ru-din và Gơ-ben-li.

  6. Các thứ vũ khí khác sẽ tiến hành giao nộp tại giới tuyến của Mỹ cho các đơn vị Quân đội nhân dân Tiệp Khắc. Mọi vũ khí giao nộp phải kèm theo các đồ quân dụng chưa bị hư hỏng».

Như vậy là quân phát-xít Đức còn giữ lại vũ khí nhẹ của bộ binh cho tới lúc chúng thoát khỏi vùng có nguy cơ bị bộ đội Liên Xô và quân khởi nghĩa Tiệp Khắc tập kích. Theo hiệp định, trong khi rút quân, binh lính của Cụm tập đoàn quân «Trung tâm» có quyền lấy số lương thực cần thiết ở các kho.

Trên thực tế không có chuyện quân Đức đầu hàng ở Pra¬ha và vùng của thành phố. Khi bộ đội Liên Xô tiến vào thành phố và đánh tan quân Hít-le, bản thân Pra-giắc đã đánh giá hành động ký kết trên là «thủ đoạn của bọn Đức». Như vậy là đa số phần tử tư sản trong hội đồng đã rơi vào quỷ kế của địch. Chúng ta phải nhận xét thêm rằng, nhân dân trong thành phố nổi dậy khởi nghĩa đã phải trả giá đắt cho con đường giành lấy tự do của mình. Cũng vẫn chính người lãnh đạo hội đồng đó đã nói về các chiến sĩ trong các lữ đoàn ở Pra-ha rằng: «Các đảng viên cộng sản hoạt động bí mật đã giữ vai trò chủ yếu trong cuộc khởi nghĩa. Nhân dân tỏ ra dũng cảm, gan dạ, căm thù sôi sục quân Đức... Trong thời gian khởi nghĩa, chúng ta bị thiệt hại 3.000 người chết và 10.000 người bị thương... »
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #241 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 10:55:14 am »


*
* *

Sự đầu hàng của quân Đức đồn trú ở Béc-lin đã mang lại cho chúng tôi những niềm vui sướng và những công việc bận rộn mới. Đó là việc truy lùng những tên tội phạm chiến tranh chủ chốt. Chúng tôi biết rằng nhiều thủ lĩnh của nhà nước phát-xít và đảng quốc xã, trong đó có Hít-le, vẫn còn ở lại trong thành phố bị bao vây. Mọi người đều có trách nhiệm tìm kiếm; nhưng ngoài ra, tất cả các quân đoàn Liên Xô tiến công ở Béc-lin đều cử những tổ trinh sát đặc biệt đảm nhiệm công việc tìm kiếm này. Các cán bộ giàu kinh nghiệm lãnh đạo các tổ trinh sát ấy. Mỗi tổ đều có danh sách những tên tội phạm chiến tranh và đều biết áng chừng nơi chúng có thể ẩn nấp. Cố nhiên, nơi mà chúng ta đặc biệt chú ý đến là khu vực các cơ quan chính phủ Đức đóng, và trong đó có ngôi nhà màu sẫm — văn phòng đế chế. Một số binh đoàn đã lao tới đây, vì mọi người đều muốn tiến công cái dinh lũy cuối cùng của chủ nghĩa phát-xít ở Béc-lin! Ngày 30 tháng Tư, tổ trinh sát do I. I. Cli-men-cô chỉ huy thuộc quân đoàn bộ binh 79, tập đoàn quân xung kích 3, đã cùng với các phân đội tiến công tiến vào căn phòng tham mưu của Hít-le. Dưới đây chúng ta sẽ nói đến kết quả hành động của tổ trinh sát ấy.

Trong lúc trận đánh còn ở xa trung tâm thành phố, chúng ta chưa hy vọng có tin tức gì đặc biệt. Nhưng giờ đây, khi chiến sự đã chuyển hẳn vào khu vực các cơ quan chính phủ thì có thể lại có nhiều tin tức bất ngờ. Thậm chí đến A. I. An-tô-nốp, một người bình tĩnh, điềm đạm mà lúc này cũng đã bắt đầu sốt ruột.

Chúng tôi nhận được tin đầu tiên về cái chết của Hít-le ngày 1 tháng Năm 1945 sau khi V. Đ. Xô-cô-lốp-xki và V. I. Tsui-cốp gặp tướng Đức là Crếp (trong hồi ký của Gh. C. Giu-cốp và V. I. Tsui-cốp đã viết chi tiết về cuộc hội đàm này). Nhưng cũng khó mà tin được tin tức ấy, vì vẫn chưa tìm thầy xác Hít-le. Cả tin tức về số phận của Gơ-ben, theo lời Crếp, người chủ yếu còn lại trong căn hầm dưới tòa nhà văn phòng đế chế, cũng không có... Ngày ngày trôi qua, Béc-lin thất thủ, quân phát-xít Đức bắt đầu đầu hàng, nhưng Bộ tổng tham mưu vẫn chưa nhận được tin tức gì mới về những tên thủ lĩnh của nhà nước Hít-le. Chúng tôi hỏi thì người ta trả lời bằng điện thoại chỉ một điều là: chúng tôi đang tìm... Và đến sáng ngày 3 tháng Năm, câu trả lời có hơi khác một ít: chúng tôi đã tìm thấy cái gì giống như xác của Hít-le.

Đêm 3 rạng ngày 4 tháng Năm, khi A. I. An-tô-nốp và tôi đến văn phòng của Tổng tư lệnh tối cao báo cáo thường kỳ về tình hình trong ngày qua thì Xta-lin đưa cho chúng tôi xem bức điện của Gh. C. Giu-cốp và C. Ph. Tê-lê-ghin. Bức điện viết:

«Ngày 2 tháng Năm 1945, ở thành phố Béc-lin trong khu văn phòng đế chế của nhà quốc hội bọn Đức quốc xã tại Đại lộ Vin-hem, nơi đặt tổng hành dinh của Hít-le trong thời gian gần đây đã phát hiện thấy hai xác chết bị cháy thui, nhận ra đó là xác hai vợ chồng tiến sĩ Gơ-ben, bộ trưởng bộ tuyên truyền của nước Đức.

Ngày 3 tháng Năm, cùng trên khu vực bộ tham mưu của Gơ-ben... người ta phát hiện và lấy ra xác 6 đứa con của Gơ-ben. Căn cứ vào các dấu hiệu trên xác chết của chúng, có thể phán đoán rằng chúng đã bị chết vì liều thuốc độc mạnh.

Trung tướng Va-đi-xơ, cục trưởng Cục phản gián của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 trực tiếp đưa các xác chết đã được phát hiện cho đô đốc tư lệnh Đe-nít, đã từng ở trong tổng hành dinh của Hít-le, phó đô đốc Phô-xơ, Snây-đe, đội trưởng nhà xe văn phòng đế chế, Lan-ghe, người nấu bếp, và Xi-en, chủ nhiệm các cơ quan kỹ thuật văn phòng đế chế, hiện đang bị bắt giữ, trực tiếp nhận dạng. Họ đã nhận ra Gơ-ben, vợ và các con y».

Tiếp đó, bức điện của Gh. C. Giu-cốp và C. Ph. Tê-lê-ghin còn nói về các thứ tìm thấy khi khám xét các di vật còn lại trong gia đình tên cựu bộ trưởng phát-xít, rồi báo tin rằng trong khu vực văn phòng đế chế còn tìm thấy một xác chết nữa mà Phô-xơ đã nhận ra là xác của trung tướng Crếp, tổng tham mưu trưởng lục quân Đức, vừa mới hội đàm không thu được kết quả gì với V. Đ. Xô-cô-lốp-xki và V. I. Tsui-cốp về vấn đề Béc-lin đầu hàng.

Bức điện cũng không nói gì tới việc Hít-le còn sống hay đã chết.

— Đồng chí Giu-cốp cũng có ngờ vực về cái chết của Hít-le, — Xta-lin nói và đi tới bàn làm việc lấy thuốc lá nhồi vào tẩu. — Không bao giờ được tin vào những tên phát-xít xảo quyệt. Cần phải phân tích xem tên đầu sỏ của nhà nước Hit-le có đúng là đã chết rồi không. Phải kiểm tra lại tất cả...

Sau đó, đồng chí cầm lấy ống nói, gọi điện cho một chính ủy của Cục an ninh quốc gia, ra lệnh cử tới Béc-lin một cán bộ lãnh đạo giàu kinh nghiệm, và bên cạnh các nhiệm vụ khác, còn có nhiệm vụ phải xác minh cái chết của Hít-le.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #242 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 10:55:36 am »


Trong khi ấy ở Béc-lin, C. Ph. Tê-lê-ghin và Cục phản gián của phương diện quân đang triển khai các hoạt động cần thiết. Các chuyên viên quân y làm các khám nghiệm tỉ mỉ về giải phẫu bệnh lý các xác của gia đình Gơ-ben và Crếp. Các đồng chí đã xác định tuyệt đối chính xác rằng chúng bị chết bởi hợp chất xi-a-nua rất mạnh. Rồi sau đó, các đồng chí khám nghiệm những xác khác: một xác đàn ông, một xác đàn bà và hai con chó, do tổ trinh sát của Cli-men-cô sục sạo tìm thấy trong một cái hốc ở trong vườn của văn phòng đế chế gần cửa sau nhà hầm chính phủ. Những xác đó được phủ một lớp đất mỏng, bị cháy thui, khó mà nhận dạng nổi, nên cần phải dùng những thủ thuật giám định đặc biệt chính xác. Các chuyên viên khoa răng miệng đã từng làm răng giả cho Hít-le và tình nhân của y đã giúp đỡ chúng ta: họ đã nhận ra những đặc điểm của chiếc răng giả vốn chỉ có trong sản phẩm của họ, nói rõ một số đặc điểm về việc giải phẫu khoang miệng những người bệnh cách đây không lâu của họ. Đến lượt mình, các nhà giải phẫu bệnh lý xác nhận những nhận xét của các chuyên viên là đúng. Sau đó thì không ai còn ngờ vực nữa: hai xác chết bị cháy thui không nhận ra chẳng phải là ai khác mà chính là Hít-le và E-va Brao, người cùng chia sẻ số phận với y. Các xét nghiệm còn xác nhận được cả nguyên nhân cái chết, cũng giống như gia đình Gơ-ben, là bị đầu độc bởi hợp chất xi-a-nua rất mạnh.

Xác của những con chó nằm cùng hốc với Hít-le được các tù binh đã từng hầu hạ trong văn phòng đế chế nhận dạng nên cũng dễ nhận ra, đó là những con chó riêng của Hít-le, cũng bị chết bởi chất độc ka-li xi-a-nua. Như chúng ta đều rõ, người ta đã sơ bộ kiểm tra tác dụng của chất độc đối với những con chó đó.

Sau ngày nước Đức ký kết đầu hàng không điều kiện thì các chuyên viên cũng làm xong các công tác xét nghiệm. Cùng với việc hỏi cung những tù binh có quan hệ với văn phòng đế chế còn hỏi cả những công dân Đức có khả năng phát hiện thêm những tia sáng về những ngày cuối cùng của một số tên tội phạm Hít-le. Tôi thấy cần phải nói thật rằng hồi đó chúng tôi — những cán bộ trong Bộ tổng tham mưu Liên Xô — giống như nhiều người khác không có thì giờ đọc ngay cả những tài liệu thú vị, như các tài liệu hỏi cung các nhân chứng đã chứng kiến sự phá sản của cái Đế chế thứ ba. Nhiều công việc cấp bách khác, những công việc phải làm vì sự sống trên trái đất, đang thôi thúc chúng tôi. Nói riêng, mãi sau này tôi mới đọc tới những lời cung khai của bác sĩ Khen-mút Cun-xơ phụ trách y tế ở văn phòng đế chế. Ngày 27 tháng Tư 1945, Mác-đa Gơ-ben tới gặp ông ta. Mụ thay mặt chồng và nhân danh cá nhân đề nghị Cun-xơ giúp đỡ mụ đầu độc các con mình. Bác sĩ nhận lời. Tối 1 tháng Năm, vợ Gơ-ben trực tiếp giao tận tay ông ta ống thuốc moóc-phin để tiêm cho những đứa trẻ làm cho chúng ngủ thiếp đi. Thế nhưng, Cun-xơ không đủ tinh thần tiếp tục thực hiện những hành động tội lỗi của mình cho đến cùng, nên mẹ của những đứa trẻ phải đi cầu cứu bác sĩ riêng của Hít-le giúp mụ ta đổ các ống thuốc độc vào miệng từng đứa con một...

Đó là những con người mà các chiến sĩ Liên Xô đang đấu tranh chống lại chúng. Chúng thích làm những việc tàn bạo của bày thú vật: đào những «hang sói» cho tổng hành dinh của bộ chỉ huy tối cao Hít-le; mưu toan tạo nên cuộc vận động của «đàn sói» để thu hút nhân dân vào cuộc đấu tranh vũ trang chống lại bộ đội Liên Xô; hành động của chúng cũng thật là lang sói ngay cả đối với những đứa trẻ thơ chúng đứt ruột đẻ ra.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #243 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 10:57:44 am »


*
* *

Nhận được thông báo về các sự kiện (phát-xít Đức đầu hàng) ở Rem-xơ, A. I. An-tô-nốp triệu tập tôi đến chỗ đồng chí và ra lệnh viết dự thảo chỉ thị của Đại bản doanh về vấn đề đầu hàng. Đồng chí đưa cho tôi một văn kiện và chỉ nói: đồng chí hãy xem. Trong tay tôi là bức thư mới nhận được của Đin — trưởng phái đoàn quân sự Mỹ. Tôi đọc lướt nhanh trang giấy, và quả thật không thể hiểu ngay được ý nghĩa ẩn giấu trong đó. Nội dung thư nêu rõ:

«...Trưa hôm nay, tôi nhận được thông điệp khẩn của Tổng thống đề nghị Nguyên soái Xta-lin đồng ý tuyên bố về việc đầu hàng của nước Đức vào ngày hôm nay, hồi 19 giờ theo giờ Mát-xcơ-va.

Qua Bộ dân ủy ngoại giao, chúng tôi được biết là không thể làm như vậy, vì Chính phủ Liên Xô chưa được các đại biểu của mình hiện đang công tác tại Bộ tham mưu của Ai-xen-hao, báo cho biết về sự đầu hàng của Đức.

Tôi báo cáo tình hình trên cho tổng thống Tơ-ru-man và nhận được điện trả lời rằng, tổng thông cũng chưa thông báo chính thức trước 9 giờ sáng, theo giờ Oa-sinh-tơn, ngày 8 tháng Năm, hoặc 16 giờ, theo giờ Mát-xcơ-va, nếu như Nguyên soái Xta-lin chưa tỏ ra đồng ý về giờ sớm hơn... »

Tiếp sau là đề nghị báo cho Đin biết thời gian nhận thông báo của các đại biểu.

Tôi nhìn A. I. An-tô-nốp có ý dò hỏi:

— Các nước đồng minh đang ép ta, — đồng chí giải thích.— Họ muốn toàn thế giới biết quân đội phát-xít Đức đầu hàng họ chứ không phải Liên Xô.

Một lát sau, chúng tôi được triệu tập đến điện Crem-li... Trong phòng làm việc của I. V. Xta-lin, chúng tôi còn gặp các thành viên trong chính phủ. Tổng tư lệnh tối cao thường vẫn hay đi lại dọc theo chiếc thảm dài. Dáng bộ của đồng chí tỏ ra rất bất bình. Những người khác có mặt ở đây cũng vậy. Mọi người đang bàn về việc đầu hàng ở Rem-xơ. Tổng tư lệnh tối cao tổng kết, nói thành lời. Đồng chí nhận xét là các nước đồng minh đang tổ chức hiệp định đơn phương với chính phủ Đe-nít. Hiệp định đó đúng là một sự thỏa thuận ngầm với nhau. Ngoài tướng I. A. Xu-xlô-pa-rốp ra, không một đại biểu nào của Nhà nước Liên Xô có mặt ở Rem-xơ. Như vậy là không phải bọn phát-xít đầu hàng trước đất nước chúng ta, trong khi đó chính chúng ta lại chịu nhiều tổn thất hon cả vì sự xâm lược của Hít-le và đóng góp nhiều nhất vào sự nghiệp thắng lợi, bẻ gẫy đầu con thú phát-xít. Sự «đầu hàng» như vậy chỉ đem lại những hậu quả xấu.

Bây giờ đây, ý nghĩa bức thư của Đin càng bộc lộ rõ ràng hơn: té ra là đầu hàng không điều kiện cũng vẫn có thể kiếm lời chính trị được...

— Hiệp ước các nước đồng minh ký kết ở Rem-xơ, — V. Xta-lin tiếp tục,— ta không thể bác bỏ, nhưng cũng không thể công nhận. Việc đầu hàng phải là một sự kiện lịch sử rất quan trọng và được tiếp nhận ở ngay trên lãnh thổ của bọn phát-xít xâm lược, chứ không phải ở trên lãnh thổ của những người chiến thắng, phải ở Béc-lin, không được tổ chức đơn phương, mà nhất thiết phải có mặt các bộ chỉ huy tối cao của tất cả các nước trong khối liên minh chống Hít-le.

Tên đầu sỏ nào của nhà nước phát-xít cũ hay cả nhóm quốc xã, chịu trách nhiệm về tất cả những tội ác của chúng trước loài người, sẽ phải ký vào biên bản đầu hàng ấy.

Nói xong, I. V. Xta-lin quay sang hỏi chúng tôi: đồng chí Giu-cốp liệu có thể tìm ra ngôi nhà nào thích hợp, để làm lễ ký kết long trọng định ước đầu hàng không điều kiện của nước Đức phát-xít ở Béc-lin không?

A. I. An-tô-nốp trả lời là thành phố bị phá hoại nặng, nhưng ở các vùng phụ cận, nhiều nơi còn giữ gìn được và có thể dễ dàng tìm được ngôi nhà cần thiết ấy.

Sau đó, các đồng chí đi vào thảo luận các vấn đề có liên quan tới các cuộc hội đàm với các nước đồng minh. Trong lúc thảo luận. An-tô-nốp và tôi hiểu rõ rằng I. V. Xta-lin và V. M. Mô-lô-tốp đã thỏa thuận với đại biểu của các nước đồng minh thừa nhận thủ tục đầu hàng ở Rem-xơ là sơ bộ. Các nước đồng minh cũng đồng ý là không nên trì hoãn công việc và định ngày 8 tháng Năm là ngày ký kết chính thức định ước đầu hàng tại Béc-lin.

Nhân đó, các đồng chí đã quyết định ủy nhiệm Gh. C. Giu-cốp, Phó tổng tư lệnh tối cao, sẽ thay mặt Liên Xô ký biên bản đầu hàng không điều kiện của nước Đức. và cử đồng chí sau này làm Tổng tư lệnh vùng chiếm đóng của Liên Xô ở Đức. Đồng chi A. I-a. Vir-sin-xki lúc này đang dự họp ở Đại bản doanh được cử làm phó cho Giu-cốp phụ trách về các mặt chính trị; quy định sáng 8 tháng Năm đồng chí sẽ đáp máy bay tới Béc-lin, mang theo mọi tài liệu cần thiết về việc đầu hàng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #244 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 10:59:04 am »


Sau đó, Tổng tư lệnh tối cao yêu cầu nói chuyện bằng điện thoại với Béc-lin, trực tiếp báo tin cho Gh. C. Giu-cốp biết đồng chí được ủy nhiệm thay mặt Liên Xô tiếp nhận sự đầu hàng của nước Đức phát-xít. Liền sau đó, chúng tôi biên soạn ngay tại đây và gửi đi Béc-lin một bức điện ngắn về vấn đề đó.

— Chiến tranh chưa chấm dứt, — Tổng tư lệnh tối cao nói và ra lệnh chuẩn bị một chỉ thị có liên quan gửi các phương diện quân.

Chúng tôi báo cáo lên Tổng tư lệnh tối cao bản dự thảo chỉ thị đó; sau khi sửa chữa ít nhiều, đồng chí đã ký vào văn bản. Chỉ thị nói về việc đầu hàng ở Rem-xơ và ra lệnh:

«1. Phương điện quân cho in lời kêu gọi gửi các binh lính Đức và bộ chỉ huy các đơn vị trình bày việc Đức ký kết định ước đầu hàng chiến tranh và phổ biến lời kêu gọi đó vào tối 8 tháng Năm trên các đài phát thanh và các truyền đơn buộc địch hạ vũ khí.

2. Sau 23 giờ ngày 8 tháng Năm, tức sáng 9 tháng Năm, buộc bộ chỉ huy các đơn vị quân Đức đang chống cự phải đình chỉ chiến sự, hạ vũ khí và đầu hàng làm tù binh.

3. Đơn vị quân Đức nào không chịu thi hành yêu cầu của các đồng chí, không hạ vũ khí, không đầu hàng làm tù binh, thì các đồng chí sẽ dùng toàn bộ sức mạnh kiên quyết mở mũi tập kích vào các đơn vị quân Đức chống cự lại và hoàn thành các nhiệm vụ Đại bản doanh đã giao cho từng phương diện quân...»

Văn kiện trên được ký lúc 22 giờ 35 phút ngày 7 tháng Năm.

Trước lúc nửa đêm, Bộ tham mưu của Ai-xen-hao thông báo: để tổ chức việc đầu hàng của quân phát-xít Đức, một chiếc máy bay Đức sẽ bay từ Phlen-xbuốc (Tổng hành dinh của bộ chỉ huy tối cao quân địch dời đến đây) tới Cuốc-li-an-đi-a mang lệnh đầu hàng tới các đơn vị quân Đức đang bị bao vây ở đây. Không có loại phương tiện liên lạc khác. Cần cho phép chiếc máy bay này bay tới nơi để khỏi bị bắn rơi.

Tiếp sau đó, Cục phụ trách các nhiệm vụ đặc biệt báo cáo: Ai-xen-hao cử thống chế không quân Tê-đê-rơ, phó Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh của các nước đồng minh và 10 sĩ quan tham mưu tới Béc-lin để tiếp nhận sự đầu hàng của nước Đức. Cùng đáp máy bay với họ có 11 phóng viên báo chí, nhiếp ảnh, Cây-ten, Phri-đe-buốc, Xtum-phơ và 3 sĩ quan Đức cùng đi trên những chiếc máy bay ấy tới Béc-lin để ký định ước đầu hàng không điều kiện.

Chúng ta cần ra lệnh cho phép các máy bay đó bay qua.

Tất nhiên là trong thời gian chiến tranh cũng phải làm cả những công việc bình thường. Công việc như thế vẫn rất nhiều. Nhưng được làm tất cả những công việc ấy thật sung sướng biết bao!..

...Đêm hôm ấy thật ngắn ngủi lạ thường và không giống như những đêm khác. Không ai nghĩ đến chuyện đi ngủ. Mọi người chờ đợi, và ai nấy đều nghĩ tới Các-khoóc-xtơ, vào những giờ này ở đây đang kết thúc những công việc chuẩn bị cuối cùng cho việc ký kết đầu hàng của nước Đức.

Đúng nửa đêm, Nguyên soái Liên Xô Gh. C. Giu-cốp, A. I-a. Vư-sin-xki, V. Đ. Xô-cô-lốp-xki, C. Ph. Tê-lê-ghin, các tướng lĩnh và sĩ quan Liên Xô khác bước vào gian phòng của nhà trường quân sự cũ; tiếp đến các đại biểu của Bộ chỉ huy quân đồng minh: thống chế không quân các lực lượng vũ trang Anh — Ác-tua V. Tê-đe-rơ, tư lệnh các lực lượng không quân chiến lược Mỹ — tướng Xpa-át và Tổng tư lệnh quân đội Pháp — tướng Đờ-lát đờ Tát-xi-nhi. Tất cả ngồi vào bàn.

Gh. C. Giu-cốp khai mạc phiên họp và cho lệnh gọi các đại biểu của bộ chỉ huy tối cao Đức — thống chế Cây-ten, thượng tướng Stum-phơ, đô đốc hải quân Phri-đe-buốc. Sau khi kiểm tra quyền hạn ủy nhiệm vào những giờ phút đầu tiên của ngày mồng 9 tháng Năm 1945, đoàn đại biểu Đức ký Định ước đầu hàng chiến tranh của nước Đức phát-xít. Định ước đó thừa nhận về mặt pháp lý sự thất bại hoàn toàn của Đế chế Hít-le trong chiến tranh...

I. A. Xu-xlô-pa-rốp có mặt tại buổi lễ ký kết Định ước đầu hàng. Đến đây, đồng chí mới được biết là Xta-lin trực tiếp thông báo qua điện thoại cho Vư-sin-xki biết rằng không có gì đáng phàn nàn về những hành động của Xu-xlô-pa-rốp ở Rem-xơ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #245 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 10:59:42 am »


Quân phát-xít Đức bắt đầu đầu hàng trên các mặt trận. Thế nhưng, hơn một triệu quân lính của Cụm tập đoàn quân «Trung tâm» do Ph. Séc-nơ cầm đầu và Cụm quân «Áo» đo tướng L. Ren-đu-lích chỉ huy vẫn chưa có ý định đầu hàng Hồng quân. Trên thực tế, Đe-nít đã dung túng chúng không thi hành các biện pháp trừng trị bọn vi phạm các điều kiện đầu hàng. Séc-nơ là một tay thành thạo về chiến tranh ở miền núi, lấp liếm những âm mưu phá hoại ngầm việc đầu hàng bằng cách đổ cho những người khởi nghĩa ở Tiệp Khắc đã gây trở ngại cho y. Bọn chúng thường hay phá hoại các đường dây điện thoại, bắt các phái viên truyền đạt mệnh lệnh cho các đơn vị, do đó làm cho việc đầu hàng không thể tiến hành theo kế hoạch. Séc-nơ đề nghị với Đe-nít gấp rút tác động vào các nước đồng minh để những người khởi nghĩa ngừng ngay việc tập kích vào quân Đức, nhanh chóng giải phóng đài phát thanh, và qua đó sẽ tạo cho Séc-nơ những tiền đề đầu tiên để thực hiện mệnh lệnh đầu hàng.

Chính phủ Đe-nít đã chấp nhận ngay mưu đồ gây sức ép đối với các nước đồng minh phương Tây, hòng làm cho quân đội chúng dễ dàng rút về tuyến của họ. Sáng 8 tháng Năm, I-ốt gửi cho Ai-xen-hao bức điện báo cáo rằng việc đầu hàng ở Tiệp Khắc tiến hành khó khăn vì quân khởi nghĩa làm trở ngại: cắt dây điện thoại, bắt các phái viên. I-ốt đề nghị với các nước đồng minh sẽ sử dụng đài phát thanh do quân khởi nghĩa chiếm giữ để truyền đạt mệnh lệnh cho các đơn vị.

Trong khi ấy, Séc-nơ vạch kế hoạch đưa Cụm tập đoàn quân «Trung tâm» vào vùng quân Mỹ để đầu hàng ở đây. Y trao đổi những ý kiến của mình về kế hoạch này với chuẩn thống chế Ke-xen-rinh, còn Ke-xen-rinh lại báo cáo với Cây-ten, và đề nghị Cây-ten cho biết ý kiến. Chúng tôi không rõ Cây-ten có phát biểu ý kiến gì về kế hoạch của Séc-nơ hay không, nhưng ý định của viên tư lệnh Cụm tập đoàn quân «Trung tâm» thì không thực hiện được. Bộ đội Liên Xô đã phá vỡ kế hoạch đó.

Có điều đáng chú ý là Séc-nơ được lệnh sáng ngày 8 tháng Năm sẽ trực tiếp tới khu vực miền núi Rút-nư-ê để xem xét tại chỗ việc các đơn vị ở đây tiến hành đầu hàng cho có tổ chức. Nhưng Séc-nơ tuyên bố rằng y thấy không có khả năng chỉ huy các đơn vị tuân thủ các điều kiện đầu hàng. Y muốn phủi tay và đã tự ý rời bỏ quân đội mà không được phép của bộ chỉ huy. Vì chưa được lệnh của Séc-nơ đầu hàng Hồng quân, nên Cụm tập đoàn quân «Trung tâm» vẫn hy vọng sẽ rút lui được thuận lợi sang tuyến quân Mỹ, và sau khi đã thỏa thuận được với Hội đồng dân tộc Séc về vấn đề này tại Pra-ha chúng vẫn chưa chịu hạ vũ khí.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #246 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 11:01:56 am »


Vào những giờ đầu tiên của ngày 9 tháng Năm, chúng tôi vừa lo lắng, vừa hy vọng chờ đợi báo cáo ở ngoài mặt trận gửi về. Tình hình ở đấy vẫn chưa có gì thay đổi. Ở khu vực Pra¬ha, nơi mà các tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 và 4 của các tướng Đ. Đ. Lê-liu-sen-cô và P. X. Rư-ban-cô đang lao nhanh tới, vẫn tiếp diễn các trận đánh. Bọn SS ra sức đàn áp cuộc kháng chiến của những người khởi nghĩa. I. E. Pê-tơ-rốp, tham mưu trưởng phương diện quân U-crai-na 1, sau khi báo cáo về các chiến sĩ xe tăng của ta tiến công vào Pra-ha, đã nhận xét rằng: ở các khu vực mặt trận khác, địch vẫn chống cự trên các tuyến chúng đã chiếm lĩnh trước đây. Tình hình đó diễn ra trước lúc 3 giờ sáng, rồi sau đó quân phát-xít Đức bắt đầu rút nhanh về phía Nam. Nhưng chúng vẫn không chịu đầu hàng...

Chúng tôi gọi điện tới phương diện quân U-crai-na 4. Tình hình ở đây như sau: L. M. Xan-đa-lốp, tham mưu trưởng phương diện quân báo cáo là địch không chịu hạ vũ khí và không ở lại tại chỗ, chúng đang vội vã rút lui, phá cầu đường trên hướng chung tới Pra-ha. Theo lời khai của số tù binh bắt được, bộ chỉ huy Đức cho quân lính của chúng rút lui «nhằm đầu hàng quân Anh hoặc Mỹ».

Ở phương diện quân U-crai-na 2, tình hình cũng như vậy. M. V. Da-kha-rốp báo tin địch đang rút lui chứ không chịu đầu hàng. Bộ đội Liên Xô đang truy kích chúng ở khắp mọi nơi. Ở một số nơi, các trận đánh vẫn tiếp diễn. Xin nói trước một chút rằng, mãi tới ngày 10 tháng Năm, quân đoàn cơ giới cận vệ 2 thuộc tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 của A. G. Cráp-tsen-cô tại khu vực Tra-xláp vẫn bị địch ngoan cố chống lại. Đại bác và súng máv trên xe tăng lại nổ ran. Quân địch bị tiêu diệt. Hơn 700 quân địch bị bắt làm tù binh. Quân đoàn tiếp tục tiến về Pra-ha.

Trong những ngày này, thật là đau xót khi thấy các báo cáo ở ngoài mặt trận gửi về vẫn còn nói đến những người hy sinh. Chúng ta đã phải hy sinh trên 140.000 chiến sĩ và sĩ quan để giải phóng Tiệp Khắc. Tại sao quân địch lại vẫn cầm vũ khí trong tình thế rõ ràng đã tuyệt vọng, trong điều kiện đã ký kết hiệp định đầu hàng rồi?! Chỉ có những kẻ không còn nhân tính, những kẻ căm thù cả loài người — bọn phát-xít — mới có thể hành động như thế được. Chúng vẫn tiếp tục xô đẩy binh lính của chúng xuống những nấm mồ sâu.

Sự thật là như vậy... Thế nhưng, chiến tranh đã lùi xa gần một phần tư thế kỷ rồi, lại bỗng xuất hiện ý kiến kỳ quặc cho rằng những trận tiến công vào Tiệp Khắc là không cần thiết1. Ý kiến đó mâu thuẫn với tình hình thực tế của chiến tranh. Quy luật chiến tranh đòi hỏi: «Nếu quân địch không chịu đầu hàng thì phải tiêu diệt chúng». Quy luật đó hoạt động một cách hiển nhiên khách quan. Như đã nói ở trên, cụm quân của Séc-nơ và Ren-đu-lích có tới hơn triệu tên cường đạo Hít-le, chứa đựng trong đó nhiều mối nguy cơ gây nên những tội ác mới. Chúng đã hành động, kéo dài chiến tranh và tiếp tục gây ra đổ máu.

«Chính phủ» Đe-nít của bọn Hít-le phải chịu trách nhiệm cụ thể về những tội trạng đó, trước hết là chuẩn    thống chế Séc-nơ. Y đã rời bỏ quân đội và ngấm ngầm hoạt động phá hoại, không chịu đầu hàng, tiếp tục xô đẩy thêm nhiều sinh mạng phải hy sinh một cách vô ích.

Đế chế của bọn quốc xã đang cơn hấp hối... Những tên đầu sỏ còn sống sót của nước Đức phát-xít, giống như những con chuột cống bỏ chạy khỏi chiếc tàu đang bị đắm. Bọn Vla-xốp2, những kẻ bại trận, phản bội Nhà nước Liên Xô, cũng đang bỏ chạy dọc theo Séc tới giới tuyến. Tàn quân của bọn bạch vệ cũ và bọn phản bội Tổ quốc trước đây tìm được chỗ ẩn nấp ở vùng Ban-căng và ở I-ta-li-a, nay phải luồn lách theo các con đường mòn trong dải núi An-pơ ở phía Nam chạy sang nước Áo. Trong những năm chiến tranh, nhiều tên bạch vệ cũ lại cầm súng chống Đất nước Xô-viết. Tiêu biểu cho hoàn cảnh bi thảm đó là sự đào ngũ và diệt vong của các kẻ thù chúng ta, vì lịch sử không quên trừng phạt những tội lỗi của chúng đã chống lại loài người.

Khả năng cuối cùng để chuộc tội đối với Tổ quốc của bọn cặn bã xã hội đang mất dần theo những cách khác nhau. Có những tên đã điên cuồng bắn trả lại và đã bị chôn vùi trong đấu tranh. Lại cũng có những tên mù quáng chờ đợi số phận định liệu. Có những tên đã căm thù những kẻ tuyên truyền lừa bịp chống Liên Xô và đã tìm cơ hội bằng bất cứ giá nào để chuộc lại tội lỗi của mình. Không phải tất cả bọn chúng đều hết hy vọng được ân xá. Chẳng hạn, có một số tên theo Vla-xốp đã tới Pra-ha vào thời điểm mà cuộc khởi nghĩa quyết định chống lại bọn Đức chiếm đóng đã chín muồị. Hồi đó, chúng đã hai lần tới gặp Hội đồng dân tộc Séc và đề nghị thu nạp chúng vào cuộc đấu tranh phòng thủ thành phố chống lại quân Séc-nơ. Nhưng, đề nghị của chúng không được chấp nhận, vì các «đồng minh» ấy rất khó tin cậy, và không ai dám đứng ra bảo lãnh và giao vũ khí cho chúng. Thất vọng, một số nhóm Vla-xốp chủ động tổ chức bắn lại bọn Hít-le ở một số nơi, một số chuẩn bị và tìm cách chạy sang hàng ngũ Hồng quân.
____________________________________
1. E. Xim-ke. Từ Xta-lin-grát tới Béc-lin. Sự thất bại của nước Đức ở phía Đông. Oa-sinh-tơn. 1968, tr. 504.
2. Bọn Vla-xốp — những kẻ theo tướng Vla-xốp, tên phản quốc đã hợp tác với bọn Hít-le trong chiến tranh. — BT.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #247 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 11:02:53 am »


Ngày 10 tháng Năm, chúng ta được tin của M. V. Đa-kha-rốp từ phương diện quân U-crai-na 2 gửi về, nói rằng nhiều tên Vla-xốp đã bị bao vây và bị bắt làm tù binh trong các khu rừng ở Tây-Bắc Lu-tốp. Rõ ràng là bọn chúng định chạy qua biên giới. Vla-xốp, thủ lĩnh của những tên phản bội — cũng bỏ chạy sang phía Tây. Các đơn vị của cái gọi là Quân đội giải phóng Nga hoạt động theo kế hoạch do bọn thủ lĩnh của chúng vạch ra trong phiên họp đặc biệt ở Các-xbát. Chúng không có ý chấm dứt chiến sự chống Liên Xô, ngay khi nước Đức phát-xít đầu hàng không điều kiện. Trong trường họp này, chúng muốn giữ lại số sĩ quan của chúng và tập trung quân ở phía Nam nước Đức tại chân dãy núi An-pơ. Chúng định lợi dụng các điều kiện thiên nhiên khó khăn ở đây để ẩn nấp chờ... tới ngày bắt đầu bùng nổ cuộc chiến tranh mới, và lần này là chiến tranh giữa Anh - Mỹ chống lại Liên Xô. Lúc đó sẽ là thời cơ chúng chạy sang phía các nước phương Tây.

Bọn phản bội bắt đầu thực hiện kế hoạch của chúng. Bọn chúng gửi một số người sang phía Tây để liên lạc với Bộ chỉ huy Anh và Mỹ, còn ở mặt trận phía Đông, chúng bắt đầu rút các đơn vị của Vla-xốp xuống phía Tây-Nam. Đại bộ phận các đơn vị và những tên đầu sỏ phản bội Tổ quốc chạy thoát được sang phía Mỹ. Nhưng bản thân Vla-xốp thì hãy còn hoạt động trên lãnh thổ Tiệp Khắc được sư đoàn 1 của Quân đội giải phóng Nga bảo vệ mà y coi là rất đáng tin cậy. Nòng cốt của sư đoàn này là lữ đoàn của tên phỉ Ca-min-xki, mà binh lính của chúng đã nhuộm đầy máu của các chiến sĩ du kích Liên Xô và những người khởi nghĩa Vác-sa-va. Chính tên Ca-min-xki, theo như người ta nói thì lại bị bọn Đức xử bắn, vì những tội ác mà ngay cả bọn tội phạm Hít-le cũng không thể tưởng tượng nổi. Chỉ huy sư đoàn là Bu-nhi-a-tren-cô, một tên cũng phản bội như thủ lĩnh của Quân đội giải phóng Nga mang quân hàm thiếu tướng phát-xít.

Ngày 12 tháng Năm, các đơn vị của bọn phản bội ở cách Đông-Nam Plơ-den 40 ki-lô-mét. Thành phố này là một trong những cứ điểm ở giới tuyến giữa Hồng quân và quân Mỹ được quy định trong hiệp ước giữa quân đội các nuớc đồng minh. Chính Nguyên soái I. X. Cô-nép đã nói đến nó, khi tướng Brét-li cùng các sĩ quan tham mưu của ông ta đề nghị giúp đỡ chúng ta tiêu diệt cụm quân của Séc-nơ. Nếu không có hiệp ước trên thì hồi ấy Vla-xốp có lẽ đã chạy thoát sang bên các nước đồng minh, và các nước đồng minh cũng tiến sâu hơn nữa vì ở phía trước họ không có địch.

Nhưng vào ngày tháng Năm ấy, bộ đội Liên Xô đã tiến đến Plơ-den, và đội trinh sát của quân đoàn xe tăng 25 do thiếu tướng E. I. Phô-mi-nức chỉ huy đã phát hiện thấy binh đoàn của Vla-xốp. Sau khi được trinh sát báo cáo, quân đoan trưởng đã ra lệnh cho đại tá I. P. Mi-sen-cô, chỉ huy lữ đoàn xe tăng 162 rượt theo truy kích. Điều quan trọng trước hết là phải kìm chân sư đoàn của Vla-xốp lại và làm cho đội ngũ của nó bị rối loạn để toàn bộ lực lượng xe tăng công kích và tiêu diệt chúng. Tiểu đoàn bộ binh-cơ giới dưới sự chỉ huy của đại úy M. I. I-a-cu-sốp là đội xung kích có nhiệm vụ ngăn chặn quân địch.

Tình hình lúc này của tiểu đoàn khá phức tạp, vì dẫu sao thì ở phía trước tiểu đoàn là cả một sư đoàn những tên cường đạo đã sẵn sàng hành động. Và việc sắp được trốn thoát càng làm tăng thêm sức mạnh cho chúng. Sự mưu trí, những ý nghĩ sáng suốt và hiểu rõ tâm lý — tất cả những điều đó đã có tác dụng động viên người tiểu đoàn trưởng. Khi thi hành nhiệm vụ, đại úy M. I. I-a-cu-sốp được các cán bộ phản gián là thượng úy N. P. I-gơ-na-skin và thiếu tá P. T. Vi-nô-grát-đốp giúp đỡ đã kêu gọi được đại úy P. N. Cu-trin-xki, tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn quân Vla-xốp, chạy sang hàng ngũ ta. Viên đại úy này mặc dù đã chạy ra ngoài biên giới, nhưng đã cảm thấy sâu sắc những tội lỗi của mình trước nhân dân xô-viết, và có lẽ trong giờ phút cuối cùng này, muốn đem hết sức mình ra chuộc lại những tội lỗi cũ, Cu-trin-xki đã chỉ cho I-a-cu-sốp biết địa điểm của bộ tham mưu sư đoàn và còn báo cho biết cả Vla-xốp cũng ở đó.

M. I. I-a-cu-sốp đã quyết định một cách táo bạo. Đồng chí để Cu-trin-xki cùng đi xe với mình vượt lên đầu đoàn xe của bộ tham mưu Bu-nhi-a-tren-cô. Đồng chí cho xe dừng lại, nằm chắn ngang đường để chặn đoàn xe. Sau đó, đồng chí nhanh chóng bổ đi tìm xe của Vla-xốp. Nhờ sự giúp đỡ của Cu-trin-xki và người lái xe của Vla-xốp, các đồng chí đã đẩy được tên phản bội vào xe của tiểu đoàn trưởng. Sự kiện trên diễn ra dưới họng súng của các xe tăng quân đoàn đang tiến lại gần. Tên đầu sỏ phản bội Tổ quốc được đưa ra khỏi hàng và giao cho đơn vị Liên Xô. Không một tên nào trong đám quân đi hộ tống Vla-xốp dám nổ súng. Sau đó, toàn bộ sư đoàn của Vla-xốp, kể cả tên sư đoàn trưởng, đều bị bắt hết làm tù binh, không dám kháng cự lại.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #248 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 11:03:16 am »


Bè lũ bọn phản bội Tổ quốc được bổ sung thêm những tên mới, cuối cùng tất cả đều bị bắt. Ở chân dãy núi An-pơ còn phát hiện được những kẻ thù lâu đời của Chính quyền xô-viết: tướng dưới thời Nga hoàng P. N. Cra-xnốp, A. G. Scu-rô, C. Xun-tan-Ghi-rây và những tên khác. Từ lâu, chúng tôi đã quên không nghĩ đến những cái tên cổ lỗ ấy. Nhưng năm 1944 khi tiến công vào Nam Tư, bộ đội Liên Xô trong chiến đấu đã gặp những đơn vị của quân đoàn bạch vệ Nga. Té ra, bọn chúng vẫn còn ôm ấp mộng khôi phục chính quyền của chúng, ôm mộng có lãnh địa và chế độ quân chủ. Bọn chúng còn nuôi dưỡng những tính toán tham lam cùng với sự căm thù hung bạo đối với chế độ xô-viết.

Đó là tên Cra-xnốp, cựu tư lệnh toàn bộ các lực lượng vũ trang của chính phủ lâm thời Kê-ren-xki và thủ lĩnh của «bộ đội sông Đông»; Scu-rô, cựu quân đoàn trưởng quân đoàn kỵ binh 3 thuộc tập đoàn quân Đê-ni-kin và Xun-tan-Ghi-rây, nguyên bá tước, kẻ đã từng đàn áp cuộc Cách mạng 1905, sư đoàn trưởng «sư đoàn man rợ» gây ra những trò uống máu. Trong những năm chiến tranh, bọn chúng đã chuyển sang tích cực hoạt động quân sự và phục vụ chủ nghĩa phát-xít Đức. Theo chỉ thị của các quan chức Hít-le, bọn tướng lĩnh này đã xây dựng các đơn vị vũ trang gồm những phần tử người Nga phản cách mạng và chống xô-viết. Bọn này đã từng cầm súng chống lại Hồng quân và các đồng minh của chúng ta. Chúng đã chiến đấu một cách điên cuồng, mù quáng và thật dã man. Nhưng bị các đòn đột kích của bộ đội Liên Xô và quân đội đồng minh, «những người tình nguyện ấy» đã phải bỏ chạy vào các khe núi đá. Chúng bị thiệt hại nặng và chuồn sang hàng ngũ quân Anh với hy vọng là rồi đây Anh và Mỹ sẽ bước vào vòng chiến chống lại Xô-viết và chúng tỏ ý sẵn sàng giúp đỡ Anh-Mỹ. Thế nhưng, bọn chúng đã tính lầm... Chính phủ Liên Xô hồi đó đã kiên quyết phản kháng các nước đồng minh về vấn đề Cra-xnốp, Scu-rô, Xun-tan-Ghi-rây và những tên tội phạm chiến tranh khác. Người Anh có trì hoãn đôi chút, nhưng sau thấy những tên tướng già bạch vệ và quân lính của chúng cũng chẳng còn ích lợi gì nữa, bèn xua tất cả bọn chúng lên xe và chuyển giao cho Chính quyền xô-viết. Toàn bộ thủ tục chuyển giao chỉ là thay lính gác Anh bằng đội gác Hồng quân.

Các chiến sĩ Liên Xô thấy những «vật vùi dưới đất» ấy hình thù ra sao? Cra-xnốp già yếu (hắn sinh năm 1869), đeo kính cặp mũi với đôi mắt sưng húp, mặc quân phục tướng Đức và đeo lon của quân đội Xa hoàng, Cra-xnốp ăn nói có vẻ kiểu cách: khi ở nước ngoài, y đã từng viết lách và xuất bản mấy cuốn tiếu thuyết chống Liên Xô, thế nhưng lại không được công chúng «bạch vệ» của hắn tán thưởng. Cùng với hắn, người Anh còn giao cả tên cháu của hắn là X. N. Cra-xnốp, thiếu tướng trong quân đội phát-xít Đức, trước đây là đại tá cận vệ của Xa hoàng và quân bạch vệ. Tên này chưa già lắm, cũng giống như chú y, cả tâm hồn lẫn thể xác đều phục vụ cho bọn Hít-le. Tướng Scu-rô, thấp lùn, vẻ nghiện rượu, kiệt sức, toát lên sự thâm độc, mặc áo dài tséc-kê-xca. Cho đến tận giờ phút cuối cùng, Scu-rô vẫn tỏ ra căm thù hung bạo đối với Chính quyền xô-viết. Bá tước Xun-tan - Ghi-rây gầy guộc và hơi nghễnh ngãng. Bộ áo dài tséc-kê-xca màu đen che phủ lấy thân hình ốm yếu. Y vẫn còn giữ những tính nết cũ, nuôi thâm thù với mọi người xung quanh, nhất là đối với nhân dân Liên Xô... Tất cả bọn tướng hôi hám này đã ra trước vành móng ngựa của tòa án Liên Xô. Tất cả bọn chúng đều bị kết án tử hình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #249 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 11:06:34 am »


CHƯƠNG MƯỜI BA
Suy nghĩ về lao động của người thống soái

«Ở bên ta dạy làm người thống soái ở đâu?» — Những ai được công nhận là thống soái. —
Tính chất lao động sáng tạo của người thống soái. — Quyết định chiến dịch là hành động của trí tuệ và ý chí.—
Người thống soái trong chiến đấu. — Phương trình có nhiều ẩn số. —
Mức độ mạo hiểm quân sự. — Những phẩm chất riêng của người thống soái. —
Bộ quân phục may cho Đại nguyên soái.


Sau khi xuất bản tập một quyển hồi ký, tôi được dịp quen biết thêm rất nhiều bạn bè. Họ là những người ở lứa tuổi, ngành nghề và xu hướng khác nhau: từ nhà bác học đến em thiếu nhi. Tất thảy đều rất ham thích công việc của quân đội. Thêm nữa, các nhà bác học mong muốn được nói chi tiết hơn về các hoạt động sáng tạo của những người thống soái. Còn các em thiếu niên lại muốn biết «ở bên ta dạy làm người thống soái ở đâu? »...

Thể theo yêu cầu bạn đọc và khi bắt đầu viết chương không hoàn toàn có tính chất hồi ký này, trước hết tôi cảm thấy mình như có gì thèm muốn đối với tác giả của các tác phẩm văn nghệ. Các tác giả ấy có thể trình bày những quan điểm của mình và tỏ thái độ đối với thực tế bằng những hình tượng, cho nên họ có thể sử dụng các màu sắc thật thích hợp với ý định của người nghệ sĩ để trình bày các sự kiện. Ví dụ, họ có quyển để người thống soái tự nói những câu và suy nghĩ những điều mà họ thấy cần và phù hợp với sự kiện họ đang miêu tả, mặc dầu có thể là người thống soái đó không hề nói và nghĩ như vậy. Còn tác giả của những dòng hồi ký lại không được tùy tiện đối với lịch sử: họ có nhiệm vụ phải giữ lại nguyên vẹn các sự kiện có thật và bị ràng buộc bởi các hành vi, lời nói cùng hoạt động có thật của các nhân vật lịch sử.

Thế nhưng, người viết hồi ký cũng vẫn được quyền suy nghĩ, và trong chương này, tôi muốn sử dụng tới quyền hạn ấy để suy luận về sự lao động, trí tuệ, ý chí và các phẩm chất khác của những người thống soái. Mong bạn đọc thông cảm cho tôi khi một lần nữa tôi nói ngoài đề các sự kiện lịch sử.

Tôi hiểu toàn bộ tính chất phức tạp của hoàn cảnh mình, và tôi sẽ không dám nhận lấy công việc khó khăn này, nếu như bản thân không được quen biết nhiều vị thống soái và chỉ huy quân sự xô-viết. Tôi có dịp may mắn được làm việc với nhiều đồng chí và tôi dám nghĩ rằng tôi đã được sự tin cậy của các đồng chí. Một số đồng chí lại là bạn chiến đấu của tôi. Đồng thời, trong những năm chiến tranh, tôi còn được may mắn biết đến lao động và phẩm chất của những người lãnh đạo quân sự cấp cao, kể cả Tổng tư lệnh tối cao I. V. Xta-lin. Ngoài ra, công tác trong Bộ tổng tham mưu lại tạo điều kiện cho tôi được tiếp tiếp xúc trực tiếp với hoàn cảnh chiến tranh, là nơi thể hiện đầy đủ nhất phẩm chất của người thống soái.

Tác giả hoàn toàn không có tham vọng bàn luận đầy đủ mọi khía cạnh của vấn đề, đồng thời cũng nhớ đến lời của Xtăng-đan rằng khó mà thỏa mãn được tất cả bạn đọc khi viết về những vấn đề ít thú vị hoặc những vấn đề hết sức thú vị.

Vậy ai sẽ được công nhận là người thống soái?

Cuốn Bách khoa toàn thư quân sự Nga hồi Chiến tranh thế giới thứ nhất đã định nghĩa: «Người thống soái là người đứng đầu một đạo quân lớn, tác chiến độc lập trên những quy mô rộng. Mặc dầu khái niệm ấy chưa bao hàm một nội dung xác định và chưa thể quy định ranh giới chính xác mà nhờ đó người chỉ huy quân sự có thể giành được hoặc mất đi danh hiệu người thống soái, song dẫu sao các hành động chiến lược trong hoạt động của người chỉ huy quân sự vẫn là điều kiện tất yếu để ấn định cho họ tính chất của người thống soái...»

Cuốn Đại bách khoa toàn thư Liên Xô định nghĩa: «Người thống soái là nhà hoạt động quân sự, người chỉ huy quân sự, lãnh đạo các lực lượng vũ trang của một quốc gia, hoặc các binh đoàn chiến dịch-chiến lược lớn, nắm vững nghệ thuật chuẩn bị và thực hiện các chiến dịch có tính chất chiến lược, biết vận dụng một cách sáng tạo kinh nghiệm hành động chiến đấu để phát triển nghệ thuật quân sự. Quyết định vai trò của người thống soái là khả năng biết tìm ra và vận dụng trong hoàn cảnh lịch sử nhất định các phương thức tiến hành chiến tranh và các hành động quân sự nhằm giành thắng lợi».

Căn cứ vào các định nghĩa trên, chúng ta thấy rõ ràng rằng thống soái không phải là chức vụ mà cũng không phải là cấp bậc. Người chỉ huy quân sự trở thành người thống soái là do những phẩm chất riêng của họ đã tạo điều kiện cho các đơn vị thuộc quyền lãnh đạo của mình lập nên các chiến công, giành được những thắng lợi to lớn và có những cống hiến lớn trong thắng lợi chung. Mỗi người thống soái đều có sự đóng góp những cái gì vốn có trong tính cách, tài năng, tri thức và kinh nghiệm của mình vào việc tổ chức và tiến hành các trận đánh, chiến dịch và chiến đấu.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM