Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:56:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ Tổng Tham mưu Xô-viết trong chiến tranh - Tập 2  (Đọc 108940 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #190 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2016, 02:53:44 pm »


*
* *


Hồi 6 giờ ngày 6 tháng Mười 1944, bộ đội của tướng Xvô-bô-đa cùng với quân đoàn bộ binh 67 của Hồng quân do tướng I. X. Smư-gô chỉ huy, tấn công chiếm được đèo ngang Đu-cli-a. Các chiến sĩ Tiệp Khắc tiến về quê hương mình và bắt đầu cuộc giải phóng Tổ quốc.

Để kỷ niệm những sự kiện vẻ vang ấy, ngày 6 tháng Mười được chọn làm Ngày Quân đội nhân dân Tiệp Khắc. Trên chặng đường chiến đấu gay go tiến vào đèo Đu-cli-a, đã nảy sinh một trong những khẩu hiệu chính trong đời sống chính trị của Tiệp Khắc hiện nay là: «Mãi mãi sát cánh với Liên Xô! ».

...Ngày nay, do chức trách công tác, ở dinh chủ tịch Gra-đơ tại Pra-ha, tôi thường có dịp được gặp gỡ người bạn chiến đấu trung thực trong những năm chiến tranh — Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc, đồng chí Lút-vích Xvô-bô-đa. Mỗi lần gặp gỡ đều mang lại cho tôi niềm vui sướng và những dấu hiệu mới của tình hữu nghị gắn bó. Lần nào cũng vậy, chúng tôi đều nhớ lại thời ấy khi tình hữu nghị ấy đã nảy sinh và trưởng thành trên chiến trường mà tiểu đoàn bộ binh Tiệp Khắc đầu tiên đã tham gia. Tiểu đoàn ấy được thành lập trên lãnh thổ Liên Xô do sự cố gắng chung của trung tá tiểu đoàn trưởng L. Xvô-bô-đa, chính trị viên, đảng viên cộng sản, đại úy I-a-rô-xláp Prô-kha-dơ-ca và các thiếu úy Ô-ta-ca-rơ Rư-tiếc-giơ, Ô-ta-ca-rơ I-a-rô-sơ cùng nhiều chiến sĩ yêu nước Tiệp Khắc khác.

Lúc bây giờ, những người lãnh đạo Liên Xô rất quan tâm đến các bạn hữu Tiệp Khắc, đã giải quyết vấn đề sẽ sử dụng như thế nào các đơn vị Tiệp Khắc còn non trẻ và thiếu kinh nghiệm.

Mọi người đều mong muốn tiểu đoàn được an toàn qua các trận đánh ác liệt, mang được ngọn cờ tự do vẻ vang của mình về đến Tổ quốc. Như tôi được biết, Tổng tư lệnh tối cao đánh giá rất cao ý nghĩa chính trị của tiểu đoàn. Tại các phiên họp của Đại bản doanh, đồng chí đã nhiều lần phát biểu ý kiến về vấn đề này khi thảo luận về tình hình mặt trận. Đồng chí yêu cầu không được đưa tiểu đoàn Tiệp Khắc vào những trận đánh phải đương đầu với các đơn vị phát-xít Đức giàu kinh nghiệm và được trang bị tốt, vì như vậy sẽ làm cho tiểu đoàn bị tổn thất nặng nề.

Vấn đề trên đã được giải quyết trong cuộc nói chuyện giữa Tổng tư lệnh tối cao với tiểu đoàn trưởng L. Xvô-bô-đa. I. V. Xta-lin thẳng thắn trình bày quan điểm và những mối lo ngại của mình với trung tá tiểu đoàn trưởng. Và, đồng chí tiểu đoàn trưởng cũng thẳng thắn và chân thành nói lên những ý kiến của mình. Đồng chí nói: bọn xâm lược phát-xít Đức là kẻ thù chủ yếu của Tổ quốc Tiệp Khắc, vì vậy, đồng chí và các bạn chiến đấu cho rằng các đồng chí phải kiên quyết chống lại bọn chiếm đóng Hít-le. Đó là trách nhiệm của các đồng chí đối với Tổ quốc. Sau cuộc nói chuyện đó, đơn vị Tiệp Khắc đầu tiên ấy đã lên đường ra mặt trận...

Sau các trận đánh ở U-crai-na thì trận tấn công Các-pát và chiếm đèo Đu-cli-a là thắng lợi mà các đồng chí Tiệp Khắc nóng lòng chờ đợi từ lâu. Nhưng, thói thường lại có những chuyện ngược đời: có những chuyện không hay xảy ra với Lút-vích Xvô-bô-đa ngay trong chiến dịch đánh thắng ở Đu-cli-a này. Hồi ấy, tổng thống Bê-nét đã nghiêm khắc trách cứ người quân đoàn trưởng vì đã để cho quân đoàn bị thiệt hại nặng nề. Sự trách cứ ấy có tính chất buộc tội, mặc dù với cương vị của mình, Bê-nét đáng lẽ phải biết đầy đủ hơn về các điều kiện tiến công hết sức khó khăn của quân đoàn và của bộ đội Liên Xô nói chung. Lút-vích Xvô-bô-đa đã bác bỏ những điều công kích có tính chất xúc phạm và không đúng của người đứng đầu chính phủ Tiệp Khắc đối với đồng chí và chứng minh rằng ông ta sai.

Thế nhưng, hồi đó bộ trưởng chiến tranh Tiệp Khắc In-grơ và nhiều quan chức khác, cả dân sự và quân sự, kể cả viên tướng đã bị cách chức là Cra-tốc-vin đều có âm mưu chung đối với việc này. Tướng Pi-ca nhận được chỉ thị từ Luân Đôn gửi cho phái đoàn quân sự Tiệp Khắc ở Mát-xcơ-va đòi giải thể quân đoàn, vì, theo như người ta nói, nó không còn khả năng để bổ sung được nữa! L. Xvô-bô-đa cũng nhận được bức điện tương tự như vậy. In-grơ dự định không bổ sung cho quân đoàn, mà lấy trong số các đơn vị còn lại của quân đoàn ấy 3-4 tiểu đoàn bộ binh, để lập thành một lữ đoàn độc lập. Trung đoàn pháo binh và lữ đoàn xe tăng cũng phải giải thể. Nói tóm lại, họ định thủ tiêu cả hạt nhân của binh đoàn. In-grơ không hỏi ý kiến L. Xvô-bô-đa mà chỉ ra lệnh và yêu cầu. Theo thủ tục đã quy định, Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô cũng nhận được thông báo tình hình đó. Nhưng, đường lối đó của chính phủ Tiệp Khắc ở Luân Đôn không được ủng hộ. Bộ tổng tư lệnh tối cao các Lực lượng vũ trang Liên Xô liên lạc ngay với tư lệnh phương diện quân U-crai-na 1 và hỏi ý kiến đồng chí đó về việc bổ sung quân số và các phương tiện vật chất cho quân đoàn. Hội đồng quân sự phương diện quân trả lời rằng, quân đoàn còn đủ cơ sở để bổ sung và tiếp tục phát triển, vì các đơn vị của ta đã đánh vào Xlô-va-ki-a, nên có rất nhiều người tình nguyện. Tương lai gần đây, khi giải phóng được vùng Da-các-pát, nơi có nhiều người thuộc dân tộc Xlô-va-ki-a, thì cơ sở để bổ sung càng rộng rãi thêm. Hội đồng quân sự kiên quyết bác bỏ ý kiến giải thể quân đoàn.

Đại bản doanh đồng ý với đề nghị của Hội đồng quân sự phương diện quân U-crai-na 1 là vẫn duy trì quân đoàn Tiệp Khắc và tuyển mộ những người tình nguyện để bổ sung cho quân đoàn, còn trang bị và khí tài vật chất khác sẽ lấy ở nguồn dự trữ của Liên Xô. Hồi đó chúng ta đã làm như vậy.

Được phép của Chính phủ Liên Xô hồi cuối tháng Mười, L. Xvô-bô-đa đã cử một nhóm nhỏ cán bộ đi vào vùng U-crai-na thuộc Da-các-pát đã được giải phóng để làm công tác tuyển lựa, bổ sung cho quân đoàn. Nhóm cán bộ đó công tác rất tích cực, đồng thời đã giúp đỡ tổ chức ra các ủy ban nhân dân ở các địa phương.

Quân đoàn Tiệp Khắc 1, binh đoàn chiến đấu vẻ vang của những người yêu nước Tiệp Khắc, cơ sở để xây dựng các lực lượng vũ trang của nước Tiệp Khắc xã hội chủ nghĩa, đã được giữ vững như vậy đấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #191 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2016, 02:56:05 pm »


*
* *


Tập đoàn quân cận vệ 1 của thượng tướng A. A. Grê-xcô, thuộc phương diện quân U-crai-na 4 tiến công ở bên trái tập đoàn quân 38. Ở đây, cũng chính các nhân tố khó khăn ấy của tình hình tác chiến đã có ảnh hưởng đến tốc độ tiến công: như tính chất địa hình rừng núi, sự kháng cự quyết liệt của quân địch đã tạo ra một phòng tuyến mạnh. Phương pháp hành động của bộ chỉ huy Đức đã vận dụng ở đây cũng giống như đối với bộ đội của C. X. Mô-xca-len-cô: nó trải dài và tăng thêm lực lượng chủ yếu trên hướng có các con đường và lối đi trên núi. Thế nhưng, quân địch vẫn không ngăn chặn được cuộc tiến công của tập đoàn quân. Tư lệnh tập đoàn quân đề ra những biện pháp rất kiên quyết, thường xuyên có mặt ở những khu vực chiến đấu quan trọng nhất, và buộc tất cả các đồng chí chỉ huy phải đưa sở chỉ huy của mình lên sát với bộ đội, và tình hình đã biến chuyển tốt.

Trong vòng 5 ngày chiến đấu tích cực, chính diện đột phá phòng tuyến địch đã rộng tới 30 ki-lô-mét và sâu 10-12 ki-lô-mét. Nhưng điều quan trọng nhất lại không phải ở kết quả đó, mà là ở chỗ tập đoàn quân cận vệ 1 đã trở thành lực lượng nòng cốt có thể mở đường đánh chiếm Các-pát. Bọn địch đã cố hết sức, và như vậy là đã tới lúc phòng tuyến của chúng phải bị phá vỡ. Mạch đập của chiến dịch chỉ ra rằng tình hình đó có thể xảy ra trước hết ở trong dải của bộ đội A. A. Grê-xcô, và cần phải lợi dụng tình huống đó.

Cả quân địch lẫn tư lệnh phương diện quân U-crai-na 4 là I. E. Pê-tơ-rốp đều đã nắm được thực chất của vấn đề. Thế nhưng, trước sự phát triển của tình huống, mỗi bên lại xử trí theo phương án của mình. Bộ chỉ huy phát-xít Đức buộc phải rút một bộ phận lực lượng của chúng từ những hướng khác thuộc phòng tuyến của chúng đối diện với phương diện quân U-crai-na 4, và gấp rút điều bộ phận lực lượng ấy trước hết tới dải hoạt động của tập đoàn quân cận vệ 1. Tướng I. E. Pê-tơ-rốp đã nhận thấy tình hình đó, liền điều động tập đoàn quân 18 và quân đoàn bộ binh cận vệ 17 tiến lên. Lúc này, tất cả lực lượng của phương diện quân đều tiến công.

Bộ tổng tham mưu chú ý phân tích từng quyết định của các tư lệnh phương diện quân, kể cả quyết định của tư lệnh phương diện quân U-crai-na 4. Đồng thời, Bộ tổng tham mưu nhận thấy rằng I. E. Pê-tơ-rốp định đi vòng qua dãy núi, không dùng lực lượng của mình đánh vào hướng Cô-man-tra như Đại bản doanh đã quy định. Tình hình đó đã làm đảo lộn kế hoạch hiệp đồng với tập đoàn quân 38 đang tiến công trong những điều kiện khó khăn. Tình huống đòi hỏi không được phân tán, mà phải hiệp đồng, hỗ trợ chặt chẽ lẫn nhau giữa tất cả các lực lượng tham gia chiến dịch.

Căn cứ vào báo cáo của Bộ tổng tham mưu, Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô lúc đó đã lưu ý I. E. Pê-tơ-rốp về sự cần thiết phải xác định rõ quyết định của mình, và ra lệnh rằng hướng tiến công chủ yếu của phương diện quân là hướng Cô-man-tra, Gu-men-ne, Mi-kha-lốp-xe.

Tổng tư lệnh tối cao muốn dùng mọi phương tiện có thể để đẩy nhanh tốc độ tiến quân của bộ đội ta ở Các-pát. Đồng chí cử Phó tổng tư lệnh tối cao là nguyên soái Gh. C. Giu-cốp, lúc này đang ở chỗ phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 của C. C. Rô-cô-xốp-xki, phải tới chỗ I. X. Cô-nép và I. E. Pê-tơ-rốp để trực tiếp phân tích tình hình và suy nghĩ xem có thể đẩy mạnh tốc độ tiến công của bộ đội ta lên được không. Đồng chí giao cho nguyên soái quyền hạn nếu cần có thể thay mặt đồng chí trực tiếp ra lệnh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #192 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2016, 02:56:55 pm »


Ngày 19 tháng Chín, Giu-cốp đáp máy bay tới phương diện quân U-crai-na 1 và thấy rõ rằng tình huống khó khăn ở đây đúng như I. X. Cô-nép đã báo cáo về Đại bản doanh. Phó tổng tư lệnh tối cao còn nhận thấy, lực lượng địch ở đây còn rất mạnh, và với số phương tiện có hạn hiện nay của phương diện quân, phá vỡ được phòng tuyến của địch ở địa hình rừng núi như thế này không phải là công việc đơn giản. Hồi đó, Gh. C. Giu-cốp báo cáo: «Mô-xca-len-cô có ít sư đoàn bộ binh, còn những sư đoàn đang hoạt động thì đã bị suy yếu và thiếu quân số».

Ngày hôm sau, Gh. C. Giu-cốp tới phương diện quân U-crai-na 4, ở chỗ I. E. Pê-tơ-rốp. Phó tổng tư lệnh tối cao phân tích chi tiết tình hình ở đây và báo cáo cho I. V. Xta-lin: «Sau khi nghiên cứu tình hình bố trí lực lượng và phương tiện của các tập đoàn quân của Pê-tơ-rốp, tôi cho rằng các lực lượng và phương tiện đã được tổ chức đúng. Riêng Pê-tơ-rốp hiểu đúng tình hình bồ trí chiến dịch và nắm khá vững công việc của mình». Đồng thời, nguyên soái cũng nhận thấy một số thiếu sót trong thực hiện tác chiến, và thay mặt Tổng tư lệnh tối cao, đồng chí yêu cầu đưa ngay quân đoàn bộ binh miền núi số 3, quân đoàn bộ binh 11 vào chiến đấu tại khu vực của A. A. Grê-xcô, và 4 sư đoàn của tập đoàn quân 18 chuyển ngay sang tiến công, hiệp đồng chặt chẽ với tập đoàn quân cận vệ 1. Như vậy là ở bên cánh phải của phương diện quân U-crai-na 4, với số lực lượng trên, có thể tiến công bảo đảm đẩy mạnh được tốc độ đột phá tới Prê-sốp và Cô-man-tra. Đồng chí cũng đề ra những biện pháp hành động tích cực tương tự như vậy, ở cả bên cánh trái phương diện quân U-crai-na 4 là nơi bộ đội của I. E. Pê-tơ-rốp đã hiệp đồng với phương diện quân U-crai-na 2.

Trong phần kết luận, đồng chí đại diện Đại bản doanh báo cáo: «I. E. Pê-tơ-rốp làm việc ăn ý với Mê-khơ-li-xơ và Pê-tơ-rốp không có gì phàn nàn về Mê-khơ-li-xơ»1. Đoạn trích báo cáo trên của nguyên soái là bằng chứng nói lên phẩm chất cá nhân cao đẹp và lòng độ lượng của I-van E-phi-mô-vích Pê-tơ-rốp. Đồng chí hiểu rõ Mê-khơ-li-xơ, và có thể nói được rằng, đồng chí còn nắm vững cả những đặc điểm tính cách của Mê-khơ-li-xơ cũng như đã xác định được cho mình sức mạnh cộng tác với đồng chí ấy, là một nghĩa vụ và lương tâm của một đảng viên cộng sản đang đòi hỏi.

Chuyến đi công tác của đại diện Đại bản doanh ra tận chiến trường là một yếu tố tổ chức quan trọng, đẩy mạnh được tốc độ tiến công tích cực của bộ đội Liên Xô ở Các-pát. Nó đã đem lại ngay những kết quả: ngày 20 tháng Chín, tập đoàn quân cận vệ 1 vượt qua biên giới Tiệp Khắc và ngày 25 tháng Chín, tập đoàn quân 38 của phương diện quân U-crai-na 1 hất địch lui tới dãy núi chính Các-pát, đánh để giành các đèo. Còn tập đoàn quân 18 của tướng E. P. Giu-ráp-li-ốp, quân đoàn bộ binh cận vệ 17 của tướng A. I. Ga-xti-lô-vích cũng thu được thắng lợi đáng kể trên những khu vực khác của phương diện quân U-crai-na 4. Tập đoàn quân của Giu-ráp-li-ốp tiến ra U-giơ-gô-rốt, còn quân đoàn của Ga-xti-lô-vích — tới Mu-ca-tre-vô, và ít lâu sau đã chiếm được những trung tâm hành chính quan trọng ở Da-các-pát. Bây giờ đây, dãy núi chính đã lùi lại phía sau! Nhưng tới được khu vực khởi nghĩa chống phát-xít ở Xlô-va-ki-a thì hãy còn xa...
__________________________________
1. Xta-lin còn nhớ là trước đây Mê-khơ-li-xơ thường báo cáo với đồng chí những điều không tốt về Pê-tơ-rốp, nên lần này đồng chí giao cho Gh. C. Giu-cốp xuống tìm hiểu mối quan hệ giữa hai người. —X. s.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #193 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2016, 02:57:48 pm »


*
* *

Suốt cả tháng Mười 1944, ngày và đêm ở Các-pát không lúc nào im tiếng súng... Trong lúc bộ đội Liên Xô và quân đoàn của Xvô-bô-đa đang phá vỡ tuyến phòng thủ của bọn Hít-le thì Bộ chỉ huy Liên Xô vẫn quan tâm đến việc cung cấp vũ khí, đạn dược, thuốc men cho Xlô-va-ki-a khởi nghĩa. Khi điều kiện thời tiết thuận lợi, máy bay của ta đêm nào cũng chở vũ khí tới Xlô-va-ki-a. Tính chung trong năm 1944, chúng ta đã cung cấp cho quân khởi nghĩa hơn 10.000 súng trường, tiểu liên và súng ngắn, gần một nghìn súng máy, hàng trăm súng chống tăng và mấy triệu viên đạn.

Lữ đoàn đổ bộ đường không độc lập Tiệp Khắc 2, trung đoàn không quân tiêm kích Tiệp Khắc 1, nhiều huấn luyện viên và các cán bộ chỉ huy du kích đã được chở bằng đường không tới chi viện cho cuộc khởi nghĩa. Lữ đoàn được thành lập chủ yếu gồm những người Xlô-va-ki-a đã chạy sang hàng ngũ ta hồi mùa thu năm 1943, ở khu vực Mê-li-tô-pôn. Quân số lữ đoàn tới gần 3 nghìn người. Một bộ phận của lữ đoàn đã từng tham chiến ở gần Ki-ép và ở Bê-lai-a Txéc-cốp. Một số chiến sĩ được tặng thưởng huân chương và huy chương vì đã lập chiến công. Huấn luyện cơ bản xong, ngày 23 tháng Tư 1944, lữ đoàn nhận cờ, các chiến sĩ tuyên thệ. Thời gian này, lữ đoàn phải thực hiện những nhiệm vụ khó khăn ở sau lưng quân địch, và đã làm trọn các nhiệm vụ ấy một cách tốt đẹp. Các chiến sĩ lái máy bay tiêm kích của trung đoàn không quân Tiệp Khắc 1 cũng tỏ ra rất dũng cảm.

Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Xlô-va-ki-a kéo dài cho đến cuối mùa thu năm 1944. Cuộc khởi nghĩa ấy là sự kiện chính trị và quân sự hết sức đặc biệt của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Tiệp Khắc, nó giữ một vị trí vẻ vang trong lịch sử phong trào Kháng chiến ở châu Âu. Trong những giờ phút gay go nhất, những người khởi nghĩa, đặc biệt là các đảng viên cộng sản đã dũng cảm xông vào nguy hiểm và tiếp tục cuộc chiến đấu đầy gian khổ. Họ hiểu rằng Hồng quân đang gấp rút đến giúp họ vì thế họ cố gắng giữ vững cho đến người cuối cùng. Thế nhưng, những ngày tồn tại của cuộc khởi nghĩa chỉ có thể tính được trên đầu ngón tay. Vì quân Xlô-va-ki-a bị bọn phát-xít đánh cho tan tác và bị tổn thất không lấy gì bù lại được. Chính phủ Bê-nét một lần nữa lại bộc lộ tính chất bất lực của mình, cho nên các anh hùng khởi nghĩa đã phải trả bằng máu. Các sư đoàn SS đã kẹp quân khởi nghĩa trong vòng vây sắt thép và đàn áp tàn bạo những người chống phát-xít. Hàng ngàn chiến sĩ Liên Xô gấp rút ứng cứu cho Xlô-va-ki-a và tấn công trực diện vào Các-pát đã bị hy sinh trong các trận đánh ác liệt. Trải qua nửa năm chiến đấu nữa, các chiến sĩ Liên Xô cùng với các chiến hữu của mình trong quân đoàn Tiệp Khắc mới hoàn thành cuộc hành trình giải phóng thắng lợi tiến vào Pra-ha trong sự hân hoan đón mừng của họ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #194 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2016, 03:00:35 pm »


CHƯƠNG MƯỜI
Tới Viên

Từ phòng ngự chuyển sang tiến công.— Các Ren-ne đề nghị góp phần của mình. —
Tuyên bố của Chính phủ Liên Xô.— Những người quân sự bí mật ở Viên. —
Trước lúc công phá. — Cuộc khởi nghĩa không thành công. —
Bóng đen của A-len Đa-lét. — Thư của Các Ren-ne gửi Crem-li. —
Bắt đầu sự hợp tác hòa bình. — Thị trưởng Áo và tư lệnh quân quản.


Do kết quả trận chiến đấu phòng ngự ở Ba-la-tông, các lực lượng Liên Xô đã được phân bố trên hướng Viên sao cho cánh quân chủ yếu lúc này có mặt trên dải của phương diện quân U-crai-na 3 là phương diện quân sẽ phải giải quyết những nhiệm vụ chủ yếu nhằm tiêu diệt địch trong chiến dịch tiến công sắp tới. Phải nói rằng chúng ta không có đủ thời giờ để tiến hành các biện pháp chuẩn bị lâu dài, vì ngoài mặt trận báo cáo về là quân địch đang tìm cách cố thủ, không được chần chừ mà cần phải tiến công ngay, để cho chúng không thể củng cố được.

Phương diện quân U-crai-na 3 dự kiến sẽ tiến công ở sườn phải, ở chỗ nhô ra phía Bắc do tuyến phòng thủ của địch ở phía Nam và Tây-Nam Xe-két-phe-khéc-va-rơ tạo thành. Đơn vị xe tăng chủ yếu còn lại của tập đoàn quân xe tăng SS 6 bố trí ở chỗ nhô ra đó. Tiêu diệt được tập đoàn quân ấy, có nghĩa là chúng ta hất được tấm là chắn bọc thép của bộ chỉ huy phát-xít Đức và thanh toán được bộ phận lực lượng chủ yếu trên tuyến phòng thủ của địch. Qua đó, chúng ta sẽ mở đường tiến vào các khu vực phía Tây Hung-ga-ri và tiến sâu vào nước Áo tới Viên.

Quyết định của Ph. I. Tôn-bu-khin là sẽ dùng lực lượng của các tập đoàn quân cận vệ 9 và 4 mở mũi đột kích chủ yếu ở sườn phải của phương diện quân, từ khu vực Gan-tơ, hồ Vê-lên-xê tới Vét-prem để chọc thủng tuyến phòng thủ của địch, bao vây và tiêu diệt cánh quân xe tăng chủ yếu của chúng. Địa hình trong dải đột kích chủ yếu là rừng và đồi nhưng Ph. I. Tôn-bu-khin cam đoan với Bộ tổng tham mưu và Đại bản doanh rằng, địa hình đó sẽ không làm trở ngại cho phương diện quân bao vây địch, hơn nữa quân địch bị bắt buộc phải hành động trong dải tương đối hẹp giữa hồ Vê-lên-xê và hồ Ba-la-tông.

Tôn-bu-khin lo lắng đến vấn đề khác: chưa đủ pháo binh để xây dựng mật độ hơn 180 khẩu pháo trên một ki-lô-mét chính diện, thiếu những lực lượng xe tăng lớn, chẳng hạn như tập đoàn quân cận vệ 9 và 4 mới có tất cả 197 xe tăng và pháo tự hành. So sánh lực lượng về xe tăng trên hướng đột kích chủ yếu của phương diện quân như vậy là mới cân bằng... Thế nhưng tập đoàn quân không quân 17 do tướng V. A. Xu-đét làm tư lệnh có thể sử dụng trên 500 máy bay cho hướng đột kích chủ yếu.

Trong khi ấy, trinh sát báo cáo là các xe tăng Đức hoạt động rất khẩn trương, đang đặt ngầm các xe tăng dưới đất. Trước mắt bộ đội ta hình thành hàng loạt cứ điểm, diệt các cứ điểm ấy mỗi ngày sẽ một khó hơn. Lối thoát duy nhất lúc này là phải gấp rút chuyển cho Ph. I. Tôn-bu-khin tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 đang sung sức của A. G. Cráp-tsen-cô (hơn 400 xe tăng) lấy trong biên chế của phương diện quân U-crai-na 2, và Bộ tổng tham mưu đã báo cáo cho Đại bản doanh như vậy. Thế nhưng, Tổng tư lệnh tối cao lúc này chưa tin là địch sẽ từ bỏ các âm mưu tiến công của chúng, nên chưa chuẩn y việc chuyển tập đoàn quân xe tăng 6 cho phương diện quân U-crai-na 3 và ra lệnh là cần chờ thêm một chút.

Để thực hiện chỉ thị của Đại bản doanh về việc bắt đầu tiến công trước ngày 16 tháng Ba, Ph. I. Tôn-bu-khin buộc phải cho đội tiến lên phía trước không có tập đoàn quân xe tăng. Việc bắn pháo chuẩn bị và chi viện cho bộ binh đã làm đúng theo quy định hồi ấy, lực lượng xe tăng của đội hình bộ đội tiến công thì yếu, cộng thêm mật độ hỏa lực pháo chưa đủ, nên sức đột kích vào tuyến phòng thủ của địch cũng yếu, khiến tốc độ tiến công của phương diện quân U-crai-na 3 chưa cao.

Quân địch kháng cự lại quyết liệt. Đến cuối ngày, bộ đội Liên Xô mới thọc sâu vào tuyến phòng thủ của địch được tất cả 3-7 ki-lô-mét. Tính bất ngờ lúc này đã bị mất. Muốn thực hiện ý định bao vây tập đoàn quân xe tăng SS của địch, cần phải nâng tốc độ tiến công lên nhiều nữa, trước hết là phải tung tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 vào chiến đấu và phải tăng cường sức tác động hỏa lực của không quân và pháo binh. Nếu không làm được như vậy thì có nghĩa là chúng ta sẽ tạo cho bộ chỉ huy phát-xít Đức khả năng và thời gian để chống đỡ cuộc tiến công của ta và rút quân ra khỏi những khu vực nguy hiểm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #195 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2016, 03:01:03 pm »


Sau ngày đầu tiến công, tối 16 tháng Ba, A. I. An-tô-nốp báo cáo chi tiết tình hình ở phương diện quân U-crai-na 3 cho Tổng tư lệnh tối cao. Tôi có mặt trong buổi báo cáo này. Nghe báo cáo xong, lần này Tổng tư lệnh tối cao đồng ý cho đưa ngay tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 vào chiến đấu. Đồng chí trực tiếp gọi điện thoại nói chuyện với R. I-a. Ma-li-nốp-xki khi đó đang ở sở chỉ huy tiền duyên và giải thích lý do vì sao cần chuyển giao xe tăng cho Ph. I. Tôn-bu-khin và ra lệnh cho Ma-li-nốp-xki phải trực tiếp giao nhiệm vụ cho các đồng chí xe tăng, rồi chuyển tập đoàn quân trên sang đơn vị bạn trong hành tiến. R. I-a. Ma-li-nốp-xki tỏ ý buồn phiền trước quyết định trên của Đại bản doanh, nhưng khi hiểu ra sự cần thiết của biện pháp này đồng chí đã nhanh chóng thi hành mệnh lệnh. Các đơn vị của A. G. Cráp-tsen-cô được chuyển sang phương diện quân U-crai-na 3 với toàn bộ biên chế và có đủ cơ số dự trữ để phát triển mũi đột kích bên cánh phải của phương diện quân và tiêu diệt cụm xe tăng địch.

Nhưng mãi tới ngày 19 tháng Ba, Ph. I. Tôn-bu-khin mới đưa được tập đoàn quân xe tăng vào chiến đấu, vì phải mất hai ngày đêm để chuyển tập đoàn quân ấy đến gần mặt trận và tạo các điều kiện cần thiết tối thiểu để triển khai và hành động. Các trận đánh kéo dài hết sức căng thẳng, nên không thể sử dụng liều lĩnh các xe tăng được. Đáng tiếc là trong lúc này mỗi phút chậm trễ của ta — bây giờ là do tình hình quyết định — đều bị địch lợi dụng để tăng cường các tuyến phòng thủ và rút các đơn vị của chúng.

Trong trận đánh này, chúng ta không thực hiện được ý định hãm tập đoàn quân xe tăng SS của địch vào lòng chảo rồi tiêu diệt chúng như đã dự kiến. Quân địch tạo được những tấm lá chắn mạnh bằng xe tăng ở phía Bắc và phía Đông, lợi dụng rừng núi và các kênh đào trong vùng này để rút các đơn vị của chúng. Tối 22 tháng Ba, chúng băng được qua hành lang lửa đạn dài đến 2 ki-lô-mét ở bờ phía Bắc Ba-la-tông và chạy thoát.

Ngày 22 tháng Ba, Hội đồng quân sự phương diện quân U-crai-na 3 báo cáo lên Đại bản doanh quyết định diệt địch ở phía Bắc hồ Ba-la-tông, tiến ra biên giới hai nước Áo — Hung-ga-ri và chuẩn bị tiếp tục tiến công tới Viên. Mũi đột kích chủ yếu sẽ đánh vào Xôm-bát-khây (Xôm-ba-tên) theo con đường ngắn nhất, nhưng là đường núi đi tới biên giới nước Áo. Theo ý kiến của Bộ tổng tham mưu, hướng đột kích chủ yếu của phương diện quân đánh vào Xôm-ba-tên chưa phải là phương án tốt nhất. Địa hình rừng núi sẽ làm cho việc cơ động bị tê liệt (nhất là xe tăng). Ngoài ra, khu vực công nghiệp Viên và ngay bản thân thành phố Viên, thành phố rất quan trọng về mọi mặt, lại không nằm trong hướng đột kích chủ yếu ấy. Bộ tổng tham mưu đề nghị với Tổng tư lệnh tối cao là mũi đột kích chủ yếu của phương diện quân U-crai-na 3 nên đánh vào hướng Sô-prôn, Pa-pa, hướng ngắn nhất tới Viên. Hơn nữa địa hình ở đây lại thuận lợi cho việc sử dụng toàn bộ sức mạnh của tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6. I. V. Xta-lin đồng ý và phương diện quân tiến đánh Viên. Ngày 29 tháng Ba, bộ đội Liên Xô chiếm được các thành phò Xôm-ba-tên và Ki-o-xéc ở Hung-ga-ri, tiến ra biên giới nước Áo.

Trong dải của phương diện quân U-crai-na 2 địch không có cánh quân xe tăng mạnh và dày đặc, song tuyến phòng thủ của chúng cũng rất vững chắc. Do đó, các đơn vị của R. I-a. Ma-li-nốp-xki có thể tiến công trên một chính diện rộng, dùng các lực lượng của tập đoàn quân 46 do tướng A. V. Pê-tơ-ru-sép-xki chỉ huy và quân đoàn cơ giới cận vệ 2 của tướng C. V. Xvi-ri-đốp mở mũi đột kích chủ yếu vào phía Nam sông Đa-nuýp. Ngày 17 tháng Ba, cuộc tiến công bắt đầu.

Bộ đội phương diện quân U-crai-na 2 tiến quân thu được thắng lợi. Đến trưa ngày 20 tháng Ba, tập đoàn quân 46 chọc thủng được tuyến phòng thủ của địch, tiến ra sông Đa-nuýp ở khu vực Cô-mác-nô, bao vây cánh quân địch gồm 20.000 tên ở khu vực E-xtéc-gôm (gọi là cánh quân Tô-va-rốt-xcơ — E-xtéc-gôm) và hiệp đồng với các đơn vị của Chi hạm đội Đa-nuýp tiêu diệt quân địch đang bị bao vây. Một bộ phận lực lượng phát triển thắng lợi tới Đi-e-rơ.

Các phương diện quân hoạt động trên các hướng chủ yếu thu được thắng lợi, đã có ảnh hưởng tốt tới tình hình hai bên sườn. Các tập đoàn quân bên sườn phải của phương diện quân U-crai-na 2 tiến ra Bra-ti-xla-va, đến ngày 4 tháng Tư đã tấn công giải phóng được Bra-ti-xla-va và 60 điểm dân cư khác khỏi bọn chiếm đóng Đức. Bên sườn trái của phương diện quân U-crai-na 3, tập đoàn quân 57 và tập đoàn quân Bun-ga-ri 1 của tướng Xtôi-trép ngày 2 tháng Tir đánh chiếm trung tâm khu vực mỏ dầu của Hung-ga-ri là thành phố Nát-ca-ni-gia, nơi mà công nhân đã cố gắng bảo vệ các thiết bị khai thác dầu để khỏi bị địch phá hoại.

Quân đội các nước đồng minh từ phía Tây tiến vào gặp quân đội Liên Xô. Trong những ngày ấy, quân đội các nước đồng minh đã vượt qua sông Ranh tiến về phía Đông, chiếm được Phran-phuốc trên sông Mai-nơ và nhiều khu vực trong vùng công nghiệp Rua của nước Đức.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #196 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2016, 03:03:24 pm »


*
* *

Vào một hôm báo cáo như lệ thường, Tổng tư lệnh tối cao bỗng hỏi, như đồng chí vấn thường hỏi, mà không trực tiếp nói với ai hết:

— Các Ren-ne, một đảng viên đảng xã hội-dân chủ, học trò của Cau-xki, hiện nay ở đâu? Ông ta đã cầm đầu đảng xã hội-dân chủ Áo trong nhiều năm, và hình như đã đứng đầu cái nghị viện cuối cùng của Áo?..

Chúng tôi không ai trả lời, vì không dự kiến trước câu hỏi ấy.

— Không được coi thường các thế lực trong mặt trận chống phát-xít, — Xta-lin tiếp tục. —Có lẽ, chế độ độc tài Hít-le cũng đã dạy cho những người xã hội-dân chủ bài học nào đó...

Ngay đấy, chúng tôi được lệnh phải tìm hiểu Ren-ne, nếu ông ta còn sống thì phải biết được chỗ ở của ông ta. Chúng tôi chuyển lệnh trên bằng điện thoại cho phương diện quân U-crai-na 3.

Chúng tôi ít được biết về tình hình bên trong nước Áo. Hồi đó, chúng tôi được biết là vào tháng Sáu 1944, các cán bộ lãnh đạo của Đảng cộng sản Áo ra lời kêu gọi nhân dân Áo đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa phát-xít. Tháng Mười, chúng tôi nhận được tin các chiến sĩ du kích Áo đang tiến hành những trận đánh có tính chất địa phương nhưng quan trọng, chống lại quân Hít-le. Một tháng sau, tiểu đoàn tự do số 1, gồm các chiến sĩ du kích và các tù binh người Áo được thành lập trên đất Nam Tư, đã tham gia chiến đấu quyết liệt chống bọn phát-xít. Đầu năm 1945 được đánh dấu bằng những trận đánh mới của du kích ở vùng An-pơ và thành lập thêm tiểu đoàn 2, tiếp đó có thêm 3 tiểu đoàn tự do nữa. Chúng tôi không nhận được tin tức đấu tranh chống phát-xít của các nhà hoạt động tư sản Áo. Và cả những tin tức về Các Ren-ne cũng không có.

Đến ngày 4 tháng Tư, Hội đồng quân sự phương diện quân U-crai-na 3 gửi báo cáo về cho biết Các Ren-ne tự đến cơ quan tham mưu sư đoàn bộ binh cận vệ 103. Sau này, các đồng chí thuật lại cho tôi biết tình hình như sau. Một người dong dỏng cao, đầu bạc, y phục đen được dẫn tới gian phòng làm việc của các sĩ quan tham mưu và xưng danh bằng tiếng Đức. Thoạt đầu, không ai chú ý tới ông ta. Thế nhưng, sau đó một cán bộ chính trị nhận ra, liền báo cáo ngay cho thủ trưởng.

Ren-ne là một người dễ giao thiệp. Ông ta cởi mở kể chuyện cho các sĩ quan nghe về cuộc đời từng trải của mình. Ren-ne là đảng viên đảng xã hội-dân chủ từ năm 1894, tới năm 1907 là nghị sĩ, và từ năm 1930 là chủ tịch nghị viện của Áo, ông ta đã giữ cương vị này được gần mười năm. Rồi sau khi nước Áo bị cưỡng bức nhập vào Đức, Ren-ne lui về ẩn dật tại miền Hạ Áo, không tham gia các hoạt động chính trị nữa. Các sĩ quan ta hỏi Các Ren-ne sau này ông ta định sống như thế nào. Ông ta nói ông ta già rồi, nhưng vẫn sẵn sàng góp phần xây dựng chế độ dân chủ ở nước Áo «bằng lương tâm và hành động». Ren-ne nói: «Bây giờ đây, các đảng viên cộng sản và các đảng viên xã hội-dân chủ chỉ có một nhiệm vụ là tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít». Ông già sành sỏi, đã gần tròn 80 tuổi, rất thông hiểu tình hình nước Áo, đánh giá đúng vai trò mình là người lãnh đạo cuối cùng của cái nghị viện nước Áo trước khi Hít-le chiếm đóng. Ông ta đề nghị được góp phần xây dựng chính phủ lâm thời của nước Áo trong thời chiến, và tuyên bố trước rằng: «Tôi sẽ loại trừ các phần tử quốc xã ra khỏi nghị viện».

Cuộc nói chuyện kéo dài khá lâu. Điều quan trọng đối với chúng tôi là biết được dân tình ở thành phố Viên, vì trinh sát đã báo cáo về các hoạt động chuẩn bị chiến đấu ở thủ đô Áo. Rõ ràng, bọn cầm đầu quốc xã đang chuẩn bị cho thành phố này giống như số phận của Bu-đa-pét. Chúng tôi còn nhận được cả những tin rất mập mờ về sự phản kháng dường như đang xảy ra bên trong quân đồn trú ở Viên.

C. Ren-ne cho rằng, 90 phần trăm dân số ở Viên muốn chống lại bọn quốc xã, nhưng các cuộc khủng bố phát-xít và các vụ ném bom bắn phá của Anh - Mỹ làm cho nhân dân Viên lo sợ, họ cảm thấy bị yếu thế nên chưa dám hành động tích cực. Còn những người xã hội-dân chủ lại chưa có những biện pháp để động viên nhân dân đứng lên đấu tranh chống bọn Hít-le.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #197 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2016, 03:07:37 pm »


Tối 4 tháng Tư, Mát-xcơ-va nhận được tin báo cáo về buổi gặp gỡ Các Ren-ne. Tôi và An-tô-nốp hiểu rằng, sẽ có những quyết định mới nào đấy về vấn đề này. Thông thường nếu như ở các mặt trận mọi việc đều tốt đẹp thì I. V. Xta-lin, các ủy viên Bộ chính trị, ủy viên Hội đồng quốc phòng Nhà nước và Chính phủ họp ở phòng làm việc tại điện Crem-li, sẽ không hỏi gì đặc biệt thêm. Nhưng lần này, lúc báo cáo về tình hình ở phương diện quân U-crai-na 3, I. V. Xta-lin nheo mắt dừng lại và nhìn lâu vào «Bộ tổng tham mưu». Biết được chúng tôi hiểu những ý nghĩ và tâm trạng của đồng chí nhân việc nhận được bức điện nói về Ren-ne, đồng chí có vẻ bằng lòng đi lại trên tấm thảm trải dài trong phòng, trao đổi với các ủy viên Bộ chính trị, rồi đọc cho chúng tôi ghi bức điện của Đại bản doanh gửi Hội đồng quân sự phương diện quân U-crai-na 3.

Bức điện viết: 1) Phải tỏ ra tin cậy ở Các Ren-ne ; 2) Báo cho ông ta biết là Bộ chỉ huy Liên Xô sẽ ủng hộ ông ta trong việc phục hồi chế độ dân chủ ở Áo; 3) Giải thích cho Ren-ne là, bộ đội Liên Xô tiến vào đất Áo không phải để chiếm lãnh thổ nước Áo, mà là để quét sạch bọn chiếm đóng phát-xít. I. V. Xta-lin và A. I. An-tô-nốp ký bức điện trên. Tôi mang ngay bức điện ấy ra máy, truyền cho Ph. I. Tôn-bu-khin.

Buổi họp này còn quyết định là thay mặt đồng chí tư lệnh phương diện quân U-crai-na 3, sẽ kêu gọi nhân dân Viên đứng lên kháng chiến chống bọn Hít-le, không để cho chúng phá hoại thành phố. Chính phủ Liên Xô sẽ ra tuyên bố về nước Áo. Và chúng tôi được lệnh chuẩn bị ngày hôm sau báo cáo những ý kiến của mình về việc sử dụng lực lượng của hai phương diện quân U-crai-na 2 và 3 để đẩy mạnh tốc độ đánh chiếm Viên.

Bản Tuyên bố của Chính phủ Liên Xô và lời kêu gọi của đồng chí tư lệnh đều mang một ý nghĩa chung. Bản tuyên bố nói như sau: «Chính phủ Liên Xô không theo đuổi mục đích chiếm cứ một bộ phận nào trên lãnh thổ nước Áo, hoặc thay đổi chế độ xã hội của Áo. Chính phủ Liên Xô đứng trên quan điểm bản tuyên bố Mát-xcơ-va của các nước đồng minh về nền độc lập của nước Áo. Chính phủ Liên Xô sẽ thực hiện bản tuyên bố ấy. Chính phủ Liên Xô sẽ góp phần thủ tiêu chế độ của bọn chiếm đóng phát-xít Đức, khôi phục trật tự và các thiết chế dân chủ ở Áo»1.

Lời kêu gọi của nguyên soái Ph. I. Tôn-bu-khin gửi nhân dân Viên ngày 6 tháng Tư 1945 viết:

«Hồng quân tiến vào nước Áo không phải để chiếm lãnh thổ Áo, mà chính là để tiêu diệt các đơn vị phát-xít Đức thù địch và giải phóng Áo khỏi sự phụ thuộc của Đức...
Hồng quân chiến đấu chống bọn chiếm đóng Đức chứ không chống nhân dân Áo; nhân dân Áo có thể yên tâm lao động hòa bình»2.

Tiếp đó, đồng chí tư lệnh vạch rõ: giờ giải phóng Viên đã điểm, nhưng quân địch đang rút lui muốn biến thủ đô Áo thành bãi chiến trường và đe dọa bằng cách tàn phá ghê gớm và gây ra những điều khủng khiếp của chiến tranh đối với thành phố Viên và nhân dân Viên. Để báo vệ thủ đô Áo và các di tích lịch sử, văn hóa của nước Áo, đồng chí đề nghị nhân dân sẽ ở lại tại chỗ và đấu tranh không để cho địch phá hoại thành phố. «Các công dân Viên! — Tư lệnh phương diện quân kêu gọi. — Hãy giúp đỡ Hồng quân giải phóng thủ đô Viên của nước Áo và góp phần mình vào sự nghiệp giải phóng nước Áo khỏi ách nô dịch của phát-xít Đức»3.

Ngày ra lời kêu gọi của đồng chí tư lệnh phương diện quân U-crai-na 3 gửi nhân dân Viên là ngày bộ đội Liên Xô đột nhập vào phần Tây-Nam, rồi sau đó vào phần Đông-Nam thành phố. Những trận đánh quyết liệt cũng đã diễn ra tại đây. Thời cơ lịch sử quan trọng nhất để giải phóng thủ đô nước Áo đã đến.
__________________________________
1. Chính sách đối ngoại của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh giữ nước. T. III, Mát-xcơ-va, 1947, tr. 171.
2. Chính sách đối ngoại của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh giữ nước. T. III, Mát-xcơ-va, 1947, tr. 172.
3. Sách đã dẫn, tr. 172-173.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #198 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2016, 03:08:24 pm »


Đến đây, bạn đọc cho phép tôi đi ra ngoài đề đôi chút vì câu chuyện có liên quan tới phong trào Kháng chiến của nước Áo. Vấn đề là cùng với bản báo cáo của Hội đồng quân sự phương diện quân U-crai-na 3 nói về Các Ren-ne, Bộ tổng tham mưu lại cũng nhận được một bức điện khác báo cáo về sự việc ngày 2 tháng Tư 1945, những người quân sứ trong các đơn vị quân địch ở Viên ra tiếp xúc với ta.

Bản thân sự việc những người quân sứ ra tiếp xúc với ta vào lúc này không có gì đặc biệt lắm. Nếu như trước kia, khi quân địch đang ào ạt tiến công và thu được thắng lợi, những tên chỉ huy Hít-le không nghĩ tới việc rút ra khỏi chiến tranh, thì hiện nay, sau khi bị những thất bại nặng nề, nhiều tên trong bọn chúng đã suy nghĩ tới điều đó. Năm 1945 này quả không còn là điều hiếm hoi nữa khi thấy xuất hiện ở phía trước các chiến hào của bộ đội ta những người cầm cờ trắng của bên đối phương. Sự việc ấy bây giờ cũng lại diễn ra trong dải tiến công của tập đoàn quân cận vệ 9, nơi mà thượng sĩ Ph. Cốt, phụ trách văn thư, và binh nhất lái xe I. Rai-phơ đã vượt qua trận tuyến sang phía ta. Họ xưng danh là đại biểu của bộ tham mưu «quân đoàn động viên người Áo» số 17 đang đóng quân ở Viên và chuẩn bị lực lượng dự bị cho mặt trận.

Những người quân sứ báo cáo rằng: cuộc khởi nghĩa chống Hít-le đang được chuẩn bị ở Viên. Theo lời họ, thì lực lượng khởi nghĩa gồm những quân nhân có tinh thần chống phát-xít và một bộ phận nhân dân ở thủ đô nước Áo. Ngoài 2 tiểu đoàn bộ binh dự bị và 1 đại đội pháo binh, còn có chừng 1.200 chiến sĩ người Áo thuộc các đơn vị khác cũng sẵn sàng tham gia khởi nghĩa. Họ cho rằng, có thể còn tới 20.000 dân Viên sẽ cùng tham gia cuộc khởi nghĩa.

Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa là một sĩ quan tham mưu trong quân đoàn — thiếu tá Các Xô-côn, trưởng phòng động viên. Chính Xô-côn đã cử những người quân sứ ra bắt liên lạc với Bộ chỉ huy Liên Xô.

Những tin tức trên rất quan trọng. Bộ tư lệnh tập đoàn quân 9 và bộ tư lệnh phương diện quân U-crai-na 3 lắng nghe các ý kiến của những người quân sứ. Những người khởi nghĩa có nhiệm vụ chiếm giữ trong phạm vi thành phố Viên các đầu cầu qua sông Đa-nuýp và các chi nhánh của nó, kiểm soát các khu vực ấy, phá các cơ quan tham mưu của các đơn vị Hít-le, các cơ quan của đảng quốc xã và cơ quan cảnh sát bố trí trong thành phố, chiếm các đầu mối thông tin liên lạc then chốt, các phương tiện giao thông, các mục tiêu công cộng khác của thủ đô Áo và các mục tiêu phòng thủ của địch.

Thông qua những người quân sứ, chúng ta đặt liên lạc bằng vô tuyến với ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa.

Ít lâu sau, đích thân C. Xô-côn, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đang được chuẩn bị cũng vượt sang bên trận tuyến chúng ta. Xô-côn cho biết anh là người đứng đầu của một tổ chức bí mật «Nước Áo, hãy thức dậy». Bộ tham mưu phương diện quân đã thỏa thuận với anh mọi vấn đề cần thiết, kể cả những tín hiệu khởi nghĩa.

Ngay trước ngày bộ đội Liên Xô bắt đầu tấn công vào Viên, và khi bộ tham mưu phương diện quân U-crai-na 3 đã làm xong mọi công việc chuẩn bị cuối cùng để cho phát thanh lời kêu gọi của đồng chí tư lệnh phương diện quân gửi nhân dân Viên, thì đó chính là thời cơ thuận lợi nhất để phát tín hiệu khởi nghĩa trong thủ đô nước Áo. Cuộc khởi nghĩa bùng nổ vào lúc này sẽ phá hoại công cuộc phòng thủ của quân địch và giúp cho bộ đội của Ph. I. Tôn-bu-khin giải quyết các nhiệm vụ được dễ dàng thêm nhiều.   

Tín hiệu được phát đi bằng vô tuyến điện và máy bay như đã thỏa thuận trước với những người yêu nước Áo trong «quân đoàn động viên» số 17. Thời gian phát động khởi nghĩa quy định vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 6 tháng Tư. Tín hiệu phát đi đã nhận được...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #199 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2016, 03:09:11 pm »


Ngày 6 tháng Tư, bộ đội Liên Xô bắt đầu công phá thành phố Viên. Trận đánh diễn ra trong từng ngôi nhà, tranh chấp từng khu phố ở những nơi có các điểm phòng thủ kiên cố của bọn Hít-le. Các chiến sĩ cận vệ của các tập đoàn quân 4, 9 và tập đoàn quân xe tăng 6, các phi công của tập đoàn quân không quân 17 và các thủy thủ của Chi hạm đội Đa-nuýp, các chiến sĩ của các binh đội và binh đoàn đều đã dần dần đánh bật quân địch ra khỏi các công sự. Mỗi trận giao chiến với quân địch đều đòi hỏi tinh thần dũng cảm vô song và bản lĩnh cao của những chiến sĩ xô-viết.

Còn cuộc khởi nghĩa thì ra sao? Sau này chúng tôi mới được biết, bọn Hít-le đã đánh hơi được tổ chức yêu nước của Các Xô-côn. Những tên phản bội đã mật báo cho địch biết những người lãnh đạo đang chuẩn bị cuộc khởi nghĩa. Sáng sớm 6 tháng Tư, nhiều người đã bị bắt và bị xử tử hình ngay. Cuộc khởi nghĩa không có người lãnh đạo, nên không thành...

Sau khi thọc sâu vào các khu phố, từ phía Nam và phía Tây tiến vào đánh chiếm được thành phố, các chiến sĩ xe tăng và bộ binh của Liên Xô đã cắt đứt được mọi đường dây thông tin liên lạc của địch với nước Đức trên các hướng này. Nhưng ở mặt Bắc, quân ta vẫn chưa cô lập được khu vực này, ở đây địch có thể điều các lực lượng dự bị đến tăng cường cho quân Đức phát-xít. Khi Bộ tổng tham mưu chúng tôi nghiên cứu làm thế nào để đẩy mạnh được tốc độ đánh chiếm Viên, thực hiện chỉ thị của Đại bản doanh, thì chúng tôi có chú ý tới tình hình đó. Chúng tôi lập luận rằng quân địch chắc sẽ từ bỏ ý định cố thủ trong điều kiện thành phố đã bị hoàn toàn bao vây và sẽ tìm cách rút quân ra khỏi nơi đây lên phía Bắc khi có một sự uy hiếp nhỏ nhất đối với các con đường của chúng. Do đó, chúng ta phải tiến công vào Viên không riêng mặt phía Nam, mà cả mặt phía Bắc sông Đa-nuýp, nơi mà quân địch chưa bị ta đụng tới. Trong thực tế, chúng ta có thể tổ chức mũi đột kích này bằng cách tung tập đoàn quân 46 thuộc phương diện quân U-crai-na 2 và các đơn vị tăng cường cho nó từ bờ Nam sông Đa-nuýp, để từ mặt phía Bắc đánh vu hồi vào Viên.

Ngoài ra còn một nguyên nhân nữa nhất thiết đòi hỏi phương diện quân U-crai-na 2 phải mở mũi đột kích. Nguyên nhân này có liên quan tới nền kinh tế của nước Đức Hít-le. Sự việc là ở chỗ, vào đầu mùa xuân năm 1945, sự phá sản của bọn xâm lược không những về chính trị mà cả về kinh tế đã quá rõ ràng. Quân địch thiếu nhiên liệu. Số lượng dự trữ của chúng gần như đã cạn, nước Đức không có dầu dự trữ, còn mọi nguồn cung cấp dầu chủ yếu của địch đều bị ta chiếm giữ. Trong tay quân địch lúc này chỉ còn một khu vực khai thác dầu lớn của nước Áo là vùng Xít-téc-đoóc-phơ, nằm ở Đông-Bắc Viên.

Vì thế hiện nay phương diện quân U-crai-na 2 cần phải mở mũi đột kích vào hướng đó. Các văn kiện chứng minh rằng, hồi đó chúng tôi đã lập luận đúng. Hít-le hết sức lo lắng về tình hình ở vùng mỏ dầu, ra lệnh điều quân bổ sung tới đây, trong số đó có cả sư đoàn xe tăng thuộc cụm tập đoàn quân «Vi-xla». Đại bản doanh đồng ý với ý kiến đề nghị của Bộ tổng tham mưu.

Ngay ngày hôm sau, I. V. Xta-lin đã hỏi về kết quả tổ chức mũi đột kích của phương diện quân U-crai-na 2, nhưng việc chuyển cả một số quân đông như thế qua sông Đa-nuýp không phải là một việc dễ đàng. Ngoài các phương tiện công binh ra, cả Chi hạm đội Đa-nuýp cũng được sử dụng và nó đã giữ một vai trò to lớn trong việc tổ chức vượt sông. Quân đoàn cơ giới cận vệ 2 và quân đoàn xe tăng 23 có những xe chiến đấu hạng nặng đã gặp khó khăn hơn cả trong khi vượt sông.

Hai ngày sau, Tổng tư lệnh tối cao tỏ ý rất bất bình vì cho rằng địch có thể thoát được đòn tiến công của bộ đội R. I-a. Ma-li-nốp-xki, và phương diện quân của Ph. I. Tôn-bu-khin lúc này phải đánh chiếm Viên một cách đơn phương nên sẽ gặp khó khăn. Đồng chí ra lệnh chậm nhất là đến ngày 10 tháng Tư phải «cắt đứt mọi đường rút lui của địch ra khỏi Viên lên phía Bắc». Ít lâu sau, quân địch bị chao đảo và bị đánh bật ra khỏi Viên. Để khỏi bị bao vây, chúng bỏ chạy qua những con đường chúng còn chiếm giữ được để lên phía Bắc. Bộ đội ta chiếm lĩnh hoàn toàn thành phố Viên vào ngày 13 tháng Tư.

Sau khi đánh chiếm được Viên, phương diện quân U-crai-na 3 tiến quân xuống phía Tây thành phố tới tuyến San-tơ Pon-ten, nhận nhiệm vụ chốt lại ở khu vực này. Quân đội đồng minh cũng đang tiến sát tới đó; tàn quân địch bị ta đánh, rút chạy sang đầu hàng quân đồng minh.

Việc trước mắt phải giải quyết ở Áo là các vấn đề về một giải pháp chính trị hòa bình.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM