Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 04:04:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ Tổng Tham mưu Xô-viết trong chiến tranh - Tập 2  (Đọc 109270 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #150 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2016, 11:33:37 am »


Việc ký kết hiệp định đình chiến là nhiệm vụ trung tâm của Chính phủ dân tộc lâm thời, lẽ tất nhiên, có quan hệ tới việc Hung-ga-ri sẽ tham chiến chống lại nước Đức. Lời kêu gọi của Quốc hội lâm thời gửi nhân dân Hung-ga-ri ngày 21 tháng Chạp 1944 có nói tới nước Hung-ga-ri dân chủ tương lai và công cuộc giải phóng những phần đất còn lại khỏi ách chiếm đóng của bọn Đức phát-xít. «Chúng ta không được thờ ơ ngồi xem quân đội Nga đơn phương đứng ra giải phóng cho Tổ quốc chúng ta thoát ách nô địch của nước Đức. Chỉ khi nào chúng ta với tất cả lực lượng của mình tích cực tham gia công cuộc tự giải phóng mình, đứng lên đấu tranh chống bọn phát-xít Đức thống trị để giải phóng Tổ quốc, thì chúng ta mới xứng đáng nhận lấy quyền tự do và độc lập!»

Quốc hội lâm thời còn ra lời kêu gọi đặc biệt gửi anh em binh lính: «Hỡi những người con của đất nước Hung-ga-ri! Đối với anh em, không có một mệnh lệnh nào khác ngoài mệnh lệnh của dân tộc! Thay mặt dân tộc Hung-ga-ri, Ọuốc hội lâm thời ra lệnh: hãy quay súng chống lại bọn Đức thống trị, giúp đỡ Hồng quân — sứ giả giải phóng của chúng ta. đoàn kết với cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân, với các lực lượng vũ trang nhân dân mới thành lập!»

Chính phủ nước Hung-ga-ri mới đã tuyên bố đất nước sẵn sàng đứng lên, kề vai cùng các nước đồng minh trong cuộc chiến tranh chống lại nước Đức Hít-le như thế đấy.

Chính phủ Hung-ga-ri đề nghị dành cho họ một số thời gian để tìm hiểu các khả năng thành lập một quân đôi mới. Sau đó, chính phủ hứa sẽ xây dựng ít nhất 8 sư đoàn. Liên Xô, Mỹ và Anh đồng ý đề nghị đó và ngày 9 tháng Giêng 1945, thượng tướng Ph. Ph. Cu-dne-txốp đã tiếp xúc với tướng I-a-nốt Vi-o-ri-o-sơ, bộ trưởng chiến tranh của Chính phủ dân tộc lâm thời Hung-ga-ri. Thượng tướng I-a-nốt Vi-o-ri-o-sơ nguyên là tổng tham mưu trưởng quân đội Hung-ga-ri, sau vụ phiến loạn của Xa-la-si và vụ chính biến chạy sang phía ta.

Bộ trưởng chiến tranh hứa với các đại biểu Liên Xô là chính phủ Hung-ga-ri đã nhận ra sự cần thiết phải đứng về phía các nước đồng minh tích cực tham gia chiến tranh chống nước Đức Hít-le. Thế nhưng, ông ta lại nêu vấn đề là việc thành lập quân đội Hung-ga-ri phụ thuộc vào thời hạn trao trả các chiến sĩ và sĩ quan Hung-ga-ri bị quân Nga bắt làm tù binh trước đây. Vi-o-ri-o-sơ cho rằng, việc sử dụng các tù binh ấy trong quân đội Hung-ga-ri mới là có lợi hơn cả, vì các tù binh đó đã trang bị đủ thứ và theo ý kiến của ông ta, rất thuận tiện cho việc tổ chức các đơn vị.

Vi-o-ri-o-sơ cho biết, nhiều người tình nguyện sẽ gia nhập quân đội. Họ là những lực lượng dự bị cũ trước đây đã được huấn luyện quân sự và cả những lực lượng mới, trẻ, chưa qua huấn luyện. Ông ta còn thông báo là trong những ngày Quốc hội họp, ông ta nhận được tin của các đại biểu ở các địa phương rằng, nhân dân đã sẵn sàng cầm vũ khí bắt bọn chiếm đóng Hít-le phải đền các tội ác của chúng. Vi-o-ri-o-sơ đề nghị với Liên Xô giao trả càng sớm càng tốt các sĩ quan và hạ sĩ quan đang bị bắt làm tù binh, để làm nòng cốt phát triển quân đội. Ông ta nói, tình hình yêu cầu phải như vậy để thanh lọc những phần tử «phản bội» ra khỏi hàng ngũ sĩ quan, ông ta còn đề nghị Liên Xô sẽ cung cấp cho quân đội các trang bị và vũ khí thu được của Đức, vì bộ đội Hung-ga-ri đã được huấn luyện sử dụng các loại vũ khí đó. Vi-o-ri-o-sơ còn đề nghị Bộ chỉ huy Liên Xô nhận trách nhiệm cung cấp cho quân đội Hung-ga-ri, vì Liên Xô có đủ các phương tiện cần thiết và hệ thống hậu cần có tổ chức.

Ph. Ph. Cu-dne-txốp thông báo cho bộ trưởng chiến tranh Hung-ga-ri biết là Chính phủ Liên Xô đã cho phép thành lập một sư đoàn Hung-ga-ri — nguyên soái Ma-li-nốp-xki đã nhận được chỉ thị về vấn đề này, — hứa là sẽ chi viện quân sự cho Hung-ga-ri. Đồng chí đại biểu Liên Xô không góp ý về việc lựa chọn cơ cấu tổ chức các sư đoàn Hung-ga-ri, vì đó là công việc nội bộ của Hung-ga-ri. Ph. Ph. Cu-dne-txốp nói: «Các bạn thấy nên tổ chức như thế nào thì cứ xây dựng». Đồng chí chỉ nhấn mạnh rằng việc xây dựng quân đội phải do chính các đồng chí Hung-ga-ri làm và ở đây nhiều điều phụ thuộc vào việc thành lập sư đoàn đầu tiên một cách thắng lợi.

Vi-o-ri-o-sơ trả lời: «Tôi xin bảo đảm rằng trong quân đội sẽ thực hành chế độ dân chủ, thực hành tinh thần mới, tình hữu nghị, và sự hiệp đồng giữa quân Nga với quân Hung-ga-ri sẽ được củng cố trong chiến đấu, vì tình hữu nghị và sự hiệp đồng ấy không phải nẩy nở trên mặt bàn mà ở ngoài chiến địa». Không thể không đồng ý với những điều đó. nên đồng chí đại biểu Liên Xô lần này chỉ nhấn mạnh thêm là lời nói của chúng ta phải đi đối với việc làm.

Thế nhưng, chúng ta cũng phải chú ý là, việc làm của họ đã không đi đối với những lời nói. Mi-clốt, Vi-o-ri-o-sơ và các thành viên khác của chính phủ trong phe cánh cũ của Hoóc-ti, đã tìm mọi cách phá hoại việc xây dựng quân đội của nước Hung-ga-ri mới. Bọn họ kéo dài được thời hạn thành lập các sư đoàn có khả năng chiến đấu. Cuối cùng, chỉ có một sư đoàn được cử ra mặt trận, nhưng lại không kịp tham gia các hành động quân sự.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #151 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2016, 12:04:55 pm »


Ngoài cái gọi là phương hướng chính thức xây dựng quân đội của nước Hung-ga-ri mới vẫn bị những phe phái cũ của Hoóc-ti khống chế và chi phối, ở ngoài chiến trường lại nảy nở ra xu hướng thực sự dân chủ dưới hình thức hợp tác chiến đấu giữa các chiến sĩ xô-viết và các chiến sĩ tình nguyện Hung-ga-ri. Tình đoàn kết chiến đấu ấy đã xuất hiện trong quá trình chiến đấu tiêu diệt quân địch bị bao vây ở Bu-đa-pét hồi tháng Hai 1945.

Chiến tranh biết làm nhiệm vụ của mình. Các chiến sĩ Hung-ga-ri còn ở trong hàng ngũ quân đội Hít-le tại Bu-đa-pét không muốn chiến đấu cho nước Đức. Họ buộc phải tiếp tục những trận đánh phòng ngự cùng với các đơn vị phát-xít Đức vì sợ sự trừng phạt nhục hình và tòa án quân sự phát-xít. Tuy nhiên, các sĩ quan cao cấp và trung cấp Hung-ga-ri hãy còn tin vào những điều hứa hẹn của Hít-le, rằng chúng sẽ cho quân tiếp viện tới phá vòng vây cho Bu-đa-pét do Liên Xô tạo nên. Những mâu thuẫn giữa đội ngũ sĩ quan và binh sĩ Hung-ga-ri phải được giải quyết, và mâu thuẫn ấy cũng đã được thực sự giải quyết trong quá trình chiến đấu.

Ở Bu-đa-pét, các chiến sĩ Liên Xô từng bước tiến sát tới (pháo đài) Va-rơ, vùng trung tâm của Bu-đa, nơi chuyển dần trọng tâm sức kháng cự của địch. Ngày 8 tháng Hai; tướng Đức Pơ-phép-phe Vi-len-brúc, tư lệnh thành phố Bu-đa-pét ra lệnh cho các đơn vị Hung-ga-ri tập trung tại vùng Va-rơ trong mấy ngày sắp tới và tiếp tục tổ chức kháng cự ở đây. Mệnh lệnh đó được chấp hành một cách khác nhau. Các sĩ quan muốn chấp hành mệnh lệnh, nhưng binh sĩ thì lại muốn giải quyết vấn đề theo cách của mình, nhiều người đã phân tán ra khắp thành phố, không chịu tập trung về Va-rơ.

Đại bộ phận binh sĩ muốn đầu hàng làm tù binh và chấm dứt chiến tranh. Một số lại muốn kiên quyết đấu tranh, lúc này thì chống bọn Hít-le. Nhiều nguyên nhân khác nhau thúc đẩy họ chạy sang phía bộ đội Liên Xô, nhưng chủ yếu là tình thần chống Hít-le, muốn bắt bọn chiếm đóng Đức phải đền tội ác của chúng đối với nhân dân và quân đội Hung-ga-ri. Nhiều tù binh kể lại rằng, bọn Hít-le đã đối xử thô bạo với nước đồng minh của chúng, đã cướp cả mẩu bánh mì cuối cùng của các binh sĩ Hung-ga-ri.

Số tù binh Hung-ga-ri trong phương diện quân U-crai-na 2 mỗi ngày một tăng lên, có tới trên mấy ngàn người. Vì các tù binh nhiều lần bày tỏ nguyện vọng muốn chiến đấu chống bọn Hít-le, cho nên ở một số đơn vị bộ đội Liên Xô đã thành lập những nhóm chiến sĩ tình nguyện Hung-ga-ri, và họ được tạo điều kiện để tham gia chiến đấu. Kinh nghiệm chứng minh rằng: những người tình nguyện đã chiến đấu dũng cảm và khôn khéo.

Sau đó, trong các binh đoàn của bộ đội Liên Xô chiến đấu ở Bu-đa-pét đã bắt đầu thành lập các đại đội bộ binh gồm các chiến sĩ tình nguyện Hung-ga-ri. Những đại đội như vậy cũng được thành lập trong lữ đoàn thủy quân lục chiến 83, sư đoàn cận vệ 108, sư đoàn bộ binh 180, 297, 320 và các sư đoàn khác. Tiếp sau, ở một số nơi, các đại đội ấy đã tổ chức thành các chi đội. Ví dụ, toàn thể cán bộ trong chi đội Hung-ga-ri ở sư đoàn bộ binh 320 đều là những cán bộ Hung-ga-ri. Thượng úy Ve-re-bơ chỉ huy chi đội.

Cần phải nói rằng, tác phong công tác Nga đối với các chiến sĩ trong thời kỳ thành lập các phân đội rất phù hợp với người Hung-ga-ri. Như mọi người đều biết, trước hết các chiến sĩ được ăn uống, rồi được tắm rửa. Sau đó với tư thế sạch sẽ, quân phục chỉnh tề và hài lòng, người chiến sĩ đến nhận vũ khí tại kho của người chuẩn úy. Trong những trận chiến đấu, những chiến sĩ Hung-ga-ri đã chịu đựng gian khổ vì nhiều ngày không có lương thực thực phẩm, và chỉ mỉm cười khi người ta hỏi họ tắm rửa lần cuối cùng vào lúc nào. Họ lấy làm vui lòng tiếp thu nền nếp của người Nga mà nhiều lần họ đã ca ngợi.

Tình huống chiến đấu buộc phải nhanh chóng đưa các phân đội đã sẵn sàng vào chiến đấu. Nhưng bộ chỉ huy của ta lại muốn làm lễ trọng thể mừng sự kiện đó trong điều kiện cho phép, nên đã tổ chức dàn nhạc kèn tiễn đưa đội quân bổ sung trong đó có các chiến sĩ tình nguyện Hung-ga-ri, ra tiến tuyến.   

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #152 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2016, 12:05:26 pm »


Những trận đánh đầu tiên của các phân đội Hung-ga-ri ngày 8 và 9 tháng Hai chứng minh rằng lời nói của các chiến sĩ tình nguyện đi đối với việc làm. Trưởng phòng chính trị sư đoàn bộ binh 320 đã báo cáo, chẳng hạn: «Chi đội tình nguyện Hung-ga-ri đầu tiên do thượng úy Ve-re-bơ chỉ huy, đã chiến đấu tốt trong suốt 2 ngày và đã hoàn thành các nhiệm vụ do bộ tư lệnh giao. Đại đội đã quét sạch quân Đức ra khỏi 5 khu phố, diệt 30 tên địch, bắt làm tù binh 15 tên, thu chiến lợi phẩm...». Tình chiến hữu đã nẩy nở trong cuộc đấu tranh chung chống bọn Hít-le tại Bu-đa-pét hoang tàn.

Chúng tôi nhận những tin tức chiến đấu của lữ đoàn thủy quân lục chiến 83, trong đó có cả các đại đội tình nguyện Hung-ga-ri. Bộ chỉ huy lữ đoàn báo cáo rằng tuyến phòng thủ của địch hoàn toàn bị phá vỡ. 80 chiến sĩ Hung-ga-ri bị bắt làm tù binh ở đây đã gia nhập đại đội tình nguyện Hung-ga-ri để chiến đấu. Những ngày tiếp sau, chúng tôi lại tiếp tục nhận được những tin tức mới về các hoạt động thắng lợi của các phân đội Hung-ga-ri cùng với bộ đội Liên Xô chiến đấu ở Bu-đa-pét.

Ít lâu trước khi Bu-đa-pét được giải phóng, khi địch ra sức chuẩn bị một cách tuyệt vọng phá vỡ vòng vây, các đại đội tình nguyện Hung-ga-ri đã phát triển lên thành tiều đoàn, mỗi tiểu đoàn có 4 đại đội.

Ngày 11 tháng Hai, trung tá Ô-xca Va-ri-kha-di, trung đoàn trưởng trung đoàn bộ binh 6 thuộc sư đoàn bộ binh 10 Hung-ga-ri, đã chạy sang phía các đơn vị Liên Xô mang theo cả cơ quan tham mưu cùng các đơn vị còn lại tới 300 người. Ông ta sinh ở Bu-đa-pét trong một gia đình hạ sĩ quan đã phục vụ quá thời hạn trong quân đội Áo-Hung. Mẹ ông ta làm thự may, Va-ri-kha-di đã tham gia chiến đấu cả trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nãm 1919, ông ta đã đứng trong hàng ngũ Hồng quân của Hung-ga-ri. Sau khi nước Cộng hòa Xô-viết Hung-ga-ri bị bóp chết, Va-ri-kha-di bị loại ra khỏi các lực lượng vũ trang, mãi sau này mới lại được gọi vào quân đội.

Trong quá trình chiến tranh, Ô-xca Va-ri-kha-di học tập được rất nhiều, nhất là trên mặt trận Xô - Đức. Ông ta bị tòa án đe dọa kết án về tội chống Hít-le, song do bị ốm nên đã tránh được. Tháng Mười 1944, là chỉ huy trung đoàn bộ binh 18 của tập đoàn quân 1, Va-ri-kha-di không phục tùng chế độ Xa-la-si nên lại bị cách chức. Thế nhưng, trong thời gian chiến đấu ở Bu-đa, tình hình đòi hỏi bọn địch lại phải giao nhiệm vụ cho ông ta chỉ huy các lực lượng còn lại của trung đoàn bộ binh 6. Va-ri-kha-di đã cùng với cả trung đoàn chạy sang phía Hồng quân. Các đơn vị còn lại của trung đoàn bộ binh 6 trở thành nòng cốt để xây dựng các đơn vị tình nguyện Hung-ga-ri đủ biên chế, mà lịch sử chiến tranh còn ghi lại là «trung đoàn những người tình nguyện Bu-đa». Quân số trung đoàn lên tới 2.500 người. Trung đoàn đã chiến đấu xuất sắc chống cánh quân bị bao vây ở Bu-đa trong khu vực nhà ga I-u-giơ-nưi, núi Ghê-léc-tơ và Va-ra. Các chiến sĩ Liên Xô, Ru-ma-ni và Hung-ga-ri đã phối hợp chiến đấu tại đây. Chính ở đây, tình chiến hữu đã cố kết họ lại với nhau.

Trận đột phá Bu-đa-pét kéo dài tới ngày 13 tháng Hai. Hôm ấy, quân địch phòng ngự rất ngoan cố tại đây đã bị tiêu diệt hoàn toàn.

Sau khi kết thúc những hành động quân sự ở Bu-đa-pét, trung đoàn Bu-đa có 5 tiểu đoàn với quân số 2.534 người, trong đó có khoảng 1.200 pháo thủ, khoảng 400 tay súng bộ binh, hơn 100 chiến sĩ lái xe tăng, hơn 300 chiến sĩ thông tin, và công binh cùng các binh chủng khác.

Như vậy, việc tiêu diệt quân địch ở Bu-đa-pét hình như là mở ra những triển vọng thuận lợi để tổ chức các chiến dịch tiến công trên hướng Viên. Sau khi chiếm được lãnh thổ và thủ đô nước Áo, bộ đội Liên Xô sẽ nhổ được một căn cứ công nghiệp chiến tranh quan trọng của địch và tiến đến vùng công nghiệp chiến tranh khác là Pra-ha. Những khả năng sản xuất vũ khí của địch sẽ giảm sút một cách nghiêm trọng Ngoài ra, việc đánh chiếm vùng công nghiệp Pra-ha còn có ý nghĩa về mặt chính trị: Tiệp Khắc là nước đồng minh của chúng ta.

Cuộc tiến công trên hướng Viên còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc chi viện mặt phía Đông cho bộ đội đang đánh vào Béc-lin và uy hiếp quân địch ở mặt phía Nam Đại bản doanh và Bộ tổng tham mưu hướng mọi nỗ lực và phối hợp hành động của các phương diện quân nhằm bảo đảm cho các đòn đột kích của ta giữ được bất ngờ, buộc địch lâm vào tình thế chiến dịch khó khăn, khiến chúng phải phân tán lực lượng và áp dụng các phương pháp tác chiến bất lợi.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #153 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2016, 09:40:23 pm »


Tháng Hai 1945, Đại bản doanh và Bộ tổng tham mưu đặc biệt chú ý đến vấn đề hiệp đồng giữa các hướng Tây và Tây-Nam. Tôi nhắc lại là khi tiến tới sông Ô-đe, bộ đội phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 buộc phải dừng lại và tiến hành chiến dịch Đông Pô-mê-ra-ni để thanh toán mối uy hiếp mặt Bắc của quân địch. Thời gian này, cần phải đẩy mạnh tốc độ tiến công trên hướng Viên. Các chiến dịch của phương diện quân U-crai-na 4 tiến hành thắng lợi ở miền núi Các-pát thuộc nước Ba Lan và Da-các-pát đã tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho việc đó. Vì vậy, ngay ngày 17 tháng Hai — sau khi chiếm được Bu-đa-pét ba ngày — Đại bản doanh chỉ thị cho các phương diện quân U-crai-na 2 và 3 chuẩn bị và tiến hành chiến dịch tiến công vào Viên. Phương diện quân của R. I-a. Ma-li-nốp-xki giữ vai trò chủ yếu. Các lực lượng chủ yếu của phương diện quân phải tiến công ở phía Bắc sông Đa-nuýp. Theo các tin tức trinh sát thì, ở đây địch không có xe tăng, phòng ngự của chúng chủ yếu dựa vào bộ binh. Theo tin tức trinh sát thì có 7 sư đoàn xe tăng địch đối phó với bộ đội của Ph. I. Tôn-bu-khin đang hoạt động ở phía Nam. Lúc đầu, phương diện quân chỉ có nhiệm vụ là góp phần chiến đấu với đơn vị bạn bên cánh phải là phương diện quân U-crai-na 2. Thành phần các phương diên quân có một số thay đổi do có sự di chuyển giữa các đơn vị. Tập đoàn quân cận vệ mạnh số 9 của tướng V. V. Gla-gô-lep lấy từ lực lượng dự bị của Đại bản doanh phối thuộc cho R. I-a. Ma-li-nốp-xki (ở khu vực Xôn-nốc). Tập đoàn quân Bun-ga-ri 1, phối thuộc cho Ph. I. Tôn-bu-khin, nhận nhiệm vụ bảo đảm mặt phía Nam cho chiến dịch của phương diện quân, hoạt động dọc theo bờ Bắc sông Đra-va.

Cuộc tiến công được ấn định bắt đầu vào ngày 15 tháng Ba.

Như thường xẩy ra trong chiến tranh, lần này quân địch cũng muốn hướng tiến trình các trận đánh theo ý của chúng, tạo nên bước ngoặt tình huống có lợi cho mình, tiêu diệt được bộ đội Liên Xô ở Hung-ga-ri, hất ta ra khỏi Đa-nuýp và không cho đến gần biên giới phía Nam nước Đức.

Ngày mà chỉ thị của Đại bản doanh được truyền đạt tới bộ đội cũng là ngày bộ chỉ huy phát-xít Đức đưa những lực lượng lớn xe tăng vào dải tiến công của bộ đội R. I-a. Ma-li-nốp-xki. Mũi đột kích của xe tăng địch xuất phát từ Cô-mác-nô, dọc theo bở Bắc sông Đa-nuýp là nhằm chống lại tập đoàn quân cận vệ 7 của tướng M. X. Su-mi-lốp đang chiếm lĩnh bàn đạp chiến dịch rất quan trọng ở phía Tây sông Gơ-rôn, để sắp tới sẽ tiến công vào Viên. Các chiến sĩ cận vệ kiên quyết đánh trả được mấy ngày, nhưng cuối cùng địch buộc họ phải rút về bờ phía Đông sông Gơ-rôn.

Trong quá trình trận đánh, chúng ta phát hiện thấy một quân đoàn xe tăng thuộc tập đoàn quân xe tăng 6 SS hoạt động ở Cô-mác-nô, trước đó đã chiến đấu ở phía Tây, nổi tiếng là một binh đoàn đột kích giỏi nhất của quân đội Hít-le. Đi-tơ-rích Dép — tướng thân tín của Hít-le, chỉ huy tập đoàn quân này. Tập đoàn quân được trang bị các loại xe tăng hạng nặng «con báo», «con cọp» và «vua cọp».

Tập đoàn quân xe tăng 6 SS xuất hiện ở mặt trận chúng ta là một yếu tố tình huống rất mới. Chúng ta không dự kiến tập đoàn quân này ở đây, vì các đồng minh của ta cũng thông báo riêng cho Đại bản doanh biết rằng, nó hiện đang ở mật trận phía Tây. Rõ ràng, tập đoàn quân xe tăng 6 SS được điều động sang phía Đông có quan hệ tới một ý đồ nào đó rất quan trọng của địch. Các tin tức trinh sát của phương diện quân U-crai-na 2 gửi về cho chúng tôi hồi đó khẳng định tình hình trên, nhưng trong một thời gian nhất định chúng tôi cùng vẫn chưa tìm hiểu ra mục đích của bộ chỉ huy Hít-le.

Sử dụng một bộ phận lực lượng của tập đoàn quân xe tăng 6 SS đánh vào bộ đội của tướng M. X. Su-mi-lốp, như vậy quân địch hành động thiếu suy nghĩ. Thật ra, chúng phá được bàn đạp của ta ở bên kia sông Gơ-rôn - tuyến xuất phát có lợi để tiến công vào Viên, nhưng chúng lại mất nhân tố thắng lợi quan trọng hơn là tính bất ngờ. Chúng ta theo dõi kỹ tập đoàn quân xe tăng này và cuối cùng xác định được ý định và âm mưu của bộ chỉ huy phát-xít Đức. Trinh sát Liên Xô vận dụng mọi phương pháp, không ngừng khai thác các tin tức mới về địch.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #154 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2016, 09:41:12 pm »


Công tác trinh sát có mục đích rõ rệt dần dần cho phép phát hiện ra rằng, ở Tây-Nam Bu-đa-pét, trong khu vực hồ Ba-la-tông đang tập trung một cánh quân Đức rất lớn gồm người và phương tiện kỹ thuật, trong đó chủ yếu là xe tăng. Ở đây, như sau này chúng ta được biết, có 31 sư đoàn (trong đó có 11 sư đoàn xe tăng) và một số các đơn vị khác. Tổng số gồm trên 430.000 binh lính và sĩ quan, được trang bị khoảng 900 xe tăng và pháo cường kích, trên 5.600 pháo và súng cối, 850 máy bay. Địch tập trung cánh quân mạnh như vậy rõ ràng chỉ để tổ chức phản công.

Đại bản doanh lập tức chỉ thị cho Bộ tổng tham mưu thông báo cho bộ đội và chú ý theo dõi địch. Việc chuẩn bị tổ chức tiến công vào Viên không bỏ, mà vẫn tiếp tục chuẩn bị thật đầy đủ.

Ý đồ của địch dần dần cùng bị phát giác. Trên tấm bản đồ của các trinh sát viên đã vạch ra các hướng dự kiến đột kích của địch. Mũi đột kích chủ yếu — từ tuyến giữa hai Vê-lên-xe và Ba-la-tông đánh xuống Đông-Nam chia bộ đội của phương diện quân U-crai-na 3 và tiến ra sông Đa-nuýp bằng con đường ngắn nhất (30 ki-lô-mét). Dự đoán, các lực lượng chủ yếu của tập đoàn quân xe tăng 6 SS và tập đoàn quân dã chiến 6 sẽ tiến công ở đây. Đối phó với địch ở đây có tập đoàn quân 26 của tướng N. A. Ga-ghen. Các mũi đột kích thứ yếu dự kiến như sau: một mũi từ khu vực Nát-ca-ni-gia đánh về phía Đông bằng lực lượng của tập đoàn quân xe tăng 2 nhằm tiêu diệt tập đoàn quân 57 của tướng M. N. Sa-rô-khin; một mũi từ bờ Nam sông Đa-nuýp, lấy một phần lực lượng của Cụm tập đoàn quân «Ph» đánh vào tập đoàn quân Bun-ga-ri 1 của tướng V. Xtôi-trép. Các hướng phụ sẽ hợp điểm với hướng đột kích chủ yếu ở khu vực Xéc-xác-đơ.

Bây giờ, vấn đề địch có thể theo đuổi những mục tiêu gì càng lộ rõ thêm. Sau khi Bu-đa-pét bị mất, điều rõ ràng nhất là bộ chỉ huy Hít-le muốn cố thủ các vùng công nghiệp dầu lớn cuối cùng ở Hung-ga-ri và bảo vệ vùng công nghiệp Viên, vì khu công nghiệp này còn đang cung cấp trang bị các loại. Chúng ta không loại trừ cả trường hợp nước Đức phát-xít sẽ chuyển trọng tâm kháng chiến vào các vùng núi ở Áo và Tiệp Khắc. Vùng đất đai này thuận tiện nhiều cho việc tổ chức phòng ngự. Ngoài ra, nếu không thể kháng cự được nữa, thì địa điểm này còn thuận lợi cả cho việc đầu hàng quân Anh-Mỹ, chứ không đầu hàng Hồng quân. Tập đoàn quân xe tăng 6 SS được tập trung ở khu vực Ba-la-tông có thể phục vụ mọi mục tiêu trên.

Căn cứ vào tình hình trên, bộ đội phương diện quân U-crai-na 3 sẽ phải chịu nhiều thử thách lớn hơn, nên cần được chuẩn bị chu đáo. Đại bản doanh chỉ thị cần tổ chức phòng ngự có chiều sâu, đặc biệt là các trận địa chống tăng phải mạnh. Lúc địch bắt đầu hoạt động tích cực, biên chế của phương điện quân U-crai-na 3 có khoảng 400.000 chiến sĩ và sĩ quan, 400 xe tăng và pháo tự hành, gần 7.000 pháo và súng cối, khoảng 700 máy bay. Như vậy, số quân của hai bên bằng nhau, về xe tăng và pháo cường kích địch chiếm ưu thế hơn ta hai lần, nhưng lại thua ta về pháo binh. Tình hình trên cho phép Đại bản doanh tin tưởng ra quyết định tổ chức chiến dịch phòng ngự.

Ph. I. Tôn-bu-khin dành phần lớn thời gian trực tiếp ở dưới các đơn vị để kiểm tra việc chuẩn bị những trận đánh phòng ngự và các mặt công tác khác nhằm sau đó chuyển ngay sang tiến công. Đồng chí đến cả sườn trái của phương diện quân, nơi ta dự kiến hai mũi tiến công thứ yếu của địch sẽ đánh vào đấy; còn bên phía chúng ta, đây cũng lại là một đơn vị «quốc tế» gồm có bộ đội Liên Xô và Bun-ga-ri hoạt động, và ở phía Nam Đra-va là các chiến sĩ Nam Tư Đồng chí tư lệnh phương diện quân triệu tập hội nghị tại thành phố Xi-ghét-va-rơ, họp với các tư lệnh tập đoàn quân 57 Liên Xô, tập đoàn quân 1 Bun-ga-ri và tập đoàn quân 3 Nam Tư. Hội nghị đã xem xét toàn diện các vấn đề hiệp đồng trong chiến dịch sắp tới.

Ngày 6 tháng Ba, địch bắt đầu mở cuộc phản công mà ta chờ đợi, mạnh nhất ở trên hướng chủ yếu. Các trận đánh tiếp diễn trong 9 ngày liền và mang tính chất hết sức quyết liệt. Các đơn vị Hít-le có nhiều lực lượng, song chúng vẫn không thể vọt tới sông Đa-nuýp được, mặc dù có lúc chúng đã tung ra đến 450 xe tăng trong một khu vực mặt trận.

Chiến dịch phòng ngự Ba-la-tông trở thành một tấm gương nữa về tinh thần dũng cảm cao độ, chí kiên quyết sắt đá và chủ nghĩa anh hùng của các chiến sĩ xô-viết. Trong quá trình chiến đấu, chỉ trong vòng 2 ngày — 6 và 7 tháng Ba — quân địch bị mất gần 100 xe tăng và pháo cường kích, còn trong suốt cả thời gian chiến dịch (6-15 tháng Ba) thì chúng mất gần 500 chiếc xe tăng và pháo cường kích! Chủ nghĩa anh hùng tập thể của các chiến sĩ và sĩ quan phương diện quân U-crai-na 3 đã làm tiêu tan những hy vọng cuối cùng của bộ chỉ huy Hít-le mưu toan khôi phục lại tình hình ở giữa châu Âu. Thắng lợi của chúng ta còn góp phần thuận lợi cho quân đội Anh-Mỹ ở I-ta-li-a và giúp Nam Tư hoàn thành việc tiêu diệt bọn phát-xít Đức chiếm đóng trên đất Nam Tư.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #155 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2016, 09:41:53 pm »


Bộ tổng tham mưu và Đại bản doanh vững tin rằng, cuộc phản công của quân địch ở khu vực hồ Ba-la-tông sẽ bị thất bại. Các đồng chí hình dung thấy rõ những trận đánh ác liệt đang nổ ra ở bờ phía Tây sông Đa-nuýp và các chiến sĩ Liên Xô đã phải khắc phục biết bao nhiêu khó khăn. Trong quá trình trận đánh, Đại bản doanh đã dùng đơn vị bạn ở cánh phải để tăng cường cho phương diện quân U-crai-na 3. Nhưng Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô vẫn yêu cầu các phưcrng diện quân phải chuyển sang kiên quyết tiến công, sau khi kết thúc chiến dịch phòng ngự. Bộ tổng tư lệnh tối cao đã có những lực lượng mới, sẵn sàng hành động.

...Chúng ta không sao quên được những ngày tháng Ba lo âu trong năm 1945. Bấy giờ, cơ quan lãnh đạo chiến lược Liên Xô đã nhiều lần cân nhắc mọi khả năng của địch trong các phương án khác nhau, dự kiến các điều kiện có thể xẩy ra và kết quả của cuộc giao tranh, nhất là trường hợp phòng ngự quyết liệt bên hữu ngạn sông Đa-nuýp, nơi bộ đội Liên Xô phải bám chắc bàn đạp. Những trận đánh ở đây có thể sẽ gặp nhiều khó khăn và ác liệt. Chúng ta cũng đã thảo luận tới một phương án khác là, rút quân từ hữu ngạn sang tả ngạn sông Đa-nuýp, bỏ lại bàn đạp. Trong trường hợp này ta có thể dùng vật chướng ngại là mặt sông rộng lớn đó để bảo đảm giữ vững trận địa ở bên kia sông.

Nhưng rồi cũng không thể tránh khỏi nẩy sinh vấn đề: vậy sau này ta sẽ hành động ra sao? Vì cần phải chấm dứt chiến tranh, giáng cho địch những đòn đích đáng và tiếp tục tiến công về phía Tây. Ngay lúc đó, chúng ta cũng thấy rằng, phòng ngự ở bên hữu ngạn sông Đa-nuýp vẫn thuận lợi hơn và có nhiều triển vọng hơn bên tả ngạn. Nếu không, sau này khi chuyển sang tiến công thì khó khăn lại càng tăng lên gấp bội, vì quân địch rồi cũng phải dựa vào tuyến sông. Tất nhiên, chúng ta sẽ bị mất thời gian.

Đại bản doanh và Bộ tổng tham mưu cân nhắc lợi hại, và cuối cùng đi đến quyết định thực hiện phương án thứ nhất là phòng ngự bên hữu ngạn sông Đa-nuýp, và sau khi kết thúc chiến dịch phòng ngự, thì lập tức chuyển sang phản công.

Còn phương án thứ hai có liên quan đến vấn đề này là tập đoàn quân cận vệ 9 của tướng V. V. Gla-gô-lép.

Ngày 9 tháng Ba, Ph. I. Tôn-bu-khin nói chuyện bằng đỉện thoại với Đại bản doanh, xin phép được sử dụng tập đoàn quân cận vệ 9 mới phối thuộc cho phương diện quân của đồng chí vào mục đích phòng ngự. Đồng chí còn hỏi là có nên đưa bộ đội của mình và trong trường hợp gay cấn nhất, đưa cả bộ tham mưu rút sang tả ngạn sông Đa-nuýp không, để khỏi phải mất sự chỉ huy.

A. I. An-tô-nốp và tôi lúc này đều có mặt trong phòng làm việc của Tổng tư lệnh tối cao. I. V. Xta-lin chăm chú nghe các ý kiến của tư lệnh phương diện quân U-crai-na 3 rồi chậm rãi và đều giọng nói như sau:

- Đồng chí Tôn-bu-khin, nếu đồng chí nghĩ nên kéo dài thêm chiến tranh 5 - 6 tháng nữa thì tất nhiên đồng chí hãy cho rút quân sang bên kia sông Đa-nuýp. Ở đấy đúng là có bình yên hơn. Nhưng, tôi không cho rằng đồng chí lại nghĩ như thế. Vì vậy, cần tổ chức phòng ngự ở hữu ngạn sông Đa-nuýp, và đồng chí cùng với bộ tham mưu phải ở lại bên đó. Tôi tin rằng, bộ đội của đồng chí sẽ hoàn thành một cách vẻ vang những nhiệm vụ nặng nề của mình. Chỉ cần chúng ta biết chỉ đạo tốt bộ đội.

Sau đó, I. V. Xta-lin nêu rõ về sự cần thiết phải đánh bại xe tăng địch ngay trong quá trình chiến đấu phòng ngự, và đồng chí nói rằng, không được để cho quân địch có thời gian củng cố những tuyến mới chiếm lĩnh và tổ chức phòng ngự vững chắc.

- Do đó, — Tổng tư lệnh tối cao nhận xét, — khi quân địch bị chặn lại thì phải chuyển ngay sang tiến công và tiêu diệt chúng hoàn toàn. Muốn vậy, chúng ta cần có thêm nhiều lực lượng mới. Chúng ta đã có những lực lượng mới ấy, đó là tập đoàn quân của Gla-gô-lép. Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 của tướng Cráp-tsen-cô cũng đang bố trí ở gần đó. Hiện nay, tập đoàn quân này trực thuộc phương diện quân của Ma-li-nốp-xki, nhưng nếu đồng chí yêu cầu, tập đoàn quân ấy có thể được chuyển thuộc cho phương diện quân của đồng chí. Do đó, đồng chí hãy rút ra những kết luận cần thiết. — Nhìn sang A. I. An-tô-nốp, I. V. Xta-lin nói thêm: — Bộ tổng tham mưu đồng ý với những ý kiến của tôi

Ph. I. Tôn-bu-khin nói đồng chí đã hiểu chỉ thị và đặt ống nghe xuống.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #156 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2016, 09:43:14 pm »



Bộ tổng tham mưu được lệnh viết chỉ thị xác định nhiệm vụ của các phương diện quân và chúng tôi đã làm ngay. Trong chỉ thị nêu rõ: «Trong các trận đánh phòng ngự, tư lệnh bộ đội của phương diện quân U-crai-na 3 có nhiệm vụ làm tiêu hao cánh quân xe tăng của địch tiến công từ khu vực Xe-két-phe-khéc-va-rơ, sau đó chậm nhất là 15-16 tháng Ba năm nay, cánh phải của phương diện quân phải chuyển sang tiến công nhằm đánh tan quân địch ở phía Bắc hồ Ba-la-tông và phát triển đột kích vào hướng chung tới Pa-pa, Sô-prôn. Không được dùng tập đoàn quân cận vệ 9 vào chiến đấu phòng ngự, mà phải dùng để phát triển đột kích và tiêu diệt hoàn toàn quân địch» (do tác giả gạch dưới).

Tư lệnh phương diện quân U-crai-na 2 được lệnh chuyển sang phòng ngự quyết liệt ở phía Bắc sông Đa-nuýp, dùng sườn trái, tức là nơi phương diện quân trực tiếp tiếp giáp với cánh quân xung kích của Ph. I. Tôn-bu-khin, tiến công vào Đi-ê-rơ.

Đại bản doanh vạch ra những hành động nhằm tiêu diệt các lực lượng chủ yếu của địch ở khu vực hồ Ba-la-tông đại thể là như vậy. Chiến dịch ở đây còn dự định làm cơ sở cho thắng lợi của chiến dịch Viên. Nhân tiện nói thêm rằng, chiến dịch Viên được chuẩn bị ngay trong điều kiện còn đang tiếp tục chiến đấu phòng ngự quyết liệt.

Đúng như chúng ta dự đoán, các lực lượng quân địch hoàn toàn bị kiệt quệ, và đến ngày 15 tháng Ba thì chúng buộc phải ngừng tiến công. Bây giờ thời gian đã thuộc về chúng ta. Ngày 16 tháng Ba, bộ đội của Ph. I. Tôn-bu-khin được tăng cường tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 lấy ở phương điện quân U-crai-na 2, bắt đầu tiến công. Chiến dịch tiến công vào Viên mở ra ngay sau khi kết thúc chiến dịch phòng ngự mà không có tạm dừng chiến dịch, ta thu được những kết quả rất lớn.

Một trong những kết quả đó là hoàn toàn giải phóng đất nước Hung-ga-ri khỏi bọn phát-xít Đức chiếm đóng. Từ đấy, ngày 4 tháng Tư được nhân dân Hung-ga-ri kỷ niệm là ngày hội lớn của dân tộc. Trong ngày hội vui vẻ ấy, nhân dân mang hoa đến những nấm mộ của những người anh em, nơi yên nghỉ của hơn 140.000 anh hùng thuộc các phương diện quân U-crai-na 2 và 3, đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho Độc lập và Tự do của đất nước Hung-ga-ri.

Trong ngày hôm ấy, nhân dân Hung-ga-ri không chỉ suy nghĩ tới những thắng lợi về quân sự đã giành được trên đất nước mình, mà còn nghĩ tới bước ngoặt cơ bản trong lịch sử ngàn năm của đất nước mình và những chiến công anh hùng của Hồng quân, đã góp phần tạo điều kiện cho nhân dân lao động trong nước phá bỏ ách thống trị xã hội và dân tộc, thủ tiêu chế độ bóc lột, đưa đất nước lên con đường thênh thang của cao trào dân tộc, sự phồn vinh về vật chất và tinh thần.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #157 vào lúc: 28 Tháng Giêng, 2016, 11:55:55 am »


CHƯƠNG TÁM

Mấy ý kiến về các cơ quan tham mưu


Các cơ quan lãnh đạo chiến lược. — «Bộ não của quân đội». — Các nhiệm vụ của cơ quan tham mưu.—
Đặc điểm công tác. — Con số «0» dư thừa: ai chịu trách nhiệm?—Soạn thảo và báo cáo các văn kiện như thế nào. —
Cần phải biết thuyết phục.— Viện khoa học pháo binh.— Về tác phong công tác của các cơ quan tham mưu. —
Chiến sĩ báo cáo: «Bọn Đức hiện nav không phải là bọn Đức trước».— Không tách rời khỏi cuộc sống. — Tổng tư lệnh tối cao ở ngoài mặt trận.


Mỗi người đều cống hiến cuộc đời của mình cho một sự nghiệp nào đó. Sự nghiệp ấy được lựa chọn theo chí hướng, nhưng trên thực tế nó thường đến với chúng ta theo sự đòi hỏi cần thiết. Tôi là một cán bộ tham mưu. Toàn bộ cuộc đời có ý thức của tôi đã trôi qua giữa những người làm công tác binh nghiệp và chủ yếu là trong công tác tham mưu, có liên quan tới việc chỉ huy bộ đội trong thời chiến và thời bình. Giống như những người ở các ngành nghề khác, tôi yêu quý ngành nghể mình đang phục vụ và cống hiến cả cuộc đời mình cho ngành nghề ấy.

Tôi phân vân khá lâu xem có nên dành hẳn một chương để viết «Mấy ý kiến về các cơ quan tham mưu» này hay không. Vì thực ra, toàn bộ cuốn sách đều là những chuyện kể về các công việc của Bộ tổng tham mưu và cơ quan tham mưu cảc phương diện quân có liên quan tới các sự kiện chiến tranh... Mặc dầu vậy, tôi quyết định tập trung suy nghĩ và cảm tưởng của mình về công tác tham mưu, cố gắng trình bày với bạn đọc một số đặc điểm và ý nghĩa của nó. Mặt khác, tôi quyết định như vậy, còn vì trong số bạn đọc sẽ có các bạn đồng nghiệp trẻ tuổi của tôi, các sĩ quan tham mưu và những người sắp bước vào con đường ấy. Chắc là, các bạn sẽ vui lòng khi được biết những ý kiến của tôi, một người đã cống hiến phần lớn cuộc đời mình cho công tác tham mưu.

Viết chương này, khiến tôi nhớ đến tập thể những con người gắn bó với nhau bằng tình yêu Tổ quốc xô-viết, trung thành với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đã làm rạng rỡ cho định nghĩa chính xác về khái niệm cơ quan tham mưu với tư cách là cơ quan chỉ huy bộ đội. Tuy nhiên, họ lại là những con người có tài năng, trình độ học vấn và năng khiếu khác nhau, tình đồng chí, sự giúp đỡ lẫn nhau và thái độ đối với công việc được giao, cũng thể hiện những sắc thái không giống nhau.

Nhiều lần tôi được nghe những vấn đề như: các quyền lợi chung và riêng của những con người hết sức khác nhau ấy lại trùng hợp với nhau, thống nhất chặt chẽ với nhau trong cơ quan tham mưu. Vậy những yêu cầu đặc biệt gì đã gắn bó họ trong công tác chung, và phòng thí nghiệm của công tác cơ quan tham mưu, nhất là các cơ quan tác chiến của nó với tư cách là các cơ quan chủ đạo trong cơ quan tham mưu, đã hoạt động ra sao.

Muốn hiểu các cơ sở, chế độ công tác và tính phụ thuộc của người cán bộ tham mưu, nhất là của người cán bộ tham mưu cấp cao nhất, chúng ta cần có khái niệm về chỉ huy bộ đội và các lực lượng vũ trang nói chung. Phải nói ngay rằng, các nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đều được giải quyết dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ Liên Xô. Điều đó cũng dễ hiểu, vì trong những năm chiến tranh, cuộc đấu tranh không phải chỉ diễn ra trên mặt trận vũ trang, mà kết quả đấu tranh lại phụ thuộc vào sự nỗ lực chung của cả nước. Chính quyền tối cao của Nhà nước trực tiếp nắm quân đội và hải quân. Ở nước ta trong những năm nội chiến, việc chỉ huy bộ đội và sự hoạt động của cả nước thuộc về Hội đồng quốc phòng công nông do V. I. Lê-nin đứng đầu. Trong thời kỳ Chiến tranh giữ nước vĩ đại, toàn bộ quyền lực tập trung trong Hội đồng quốc phòng Nhà nước, được thành lập ngày 30 tháng Sáu 1941. Hội đồng quốc phòng Nhà nước là cơ quan lãnh đạo tập thể của cả nước và quân đội, thành phần gồm các ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Hội đồng là I. V. Xta-lin, Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, đồng thời là Tổng tư lệnh tối cao.

Cần nhấn mạnh rằng quyết định mọi vấn đề có tính nguyên tắc trong việc lãnh đạo đất nước và tiến hành chiến tranh đều do Ban chấp hành Trung ương Đảng—Bộ chính trị, Ban tổ chức và Ban bí thư — rồi sau đó thông qua Đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô, Hội đồng bộ trưởng dân ủy, đồng thời thông qua Hội đồng quốc phòng Nhà nước và Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao. Để giải quyết linh hoạt các vấn đề quân sự thì thường triệu tập hội nghị liên tịch gồm các ủy viên Bộ chính trị, các ủy viên Hội đồng quốc phòng Nhà nước, Bộ chính trị và Đại bản doanh; còn khi giải quyết các vấn đề quân sự quan trọng nhất thì thường đưa ra bàn bạc tập thể trong Bộ chính trị, Hội đồng quốc phòng Nhà nước và Đại bản doanh.

Do đó, trong lĩnh vực chỉ đạo các hành động quân sự, nguyên tắc một người chỉ huy, nguyên tắc quan trọng nhất trong việc xây dựng quân đội và chỉ huy bộ đội trong thời bình cũng như trong thời chiến, không bị vi phạm. Chỉ có Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao mới có quyền chỉ đạo các chiến dịch của các Lực lượng vũ trang ở cấp cao nhất. Nhưng, vì một số ủy viên của Đại bản doanh lại là ủy viên Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản (bôn-sê-vích) toàn Liên bang1 và là những người trong Bộ tổng tư lệnh tối cao, cho nên Đại bản doanh là cơ quan tập thể của chính quyền tối cao trong quân đội.
_____________________________________________
1. Từ Đại hội XIX của Đảng (1952), Đảng đổi tên là: Đảng cộng sản Liên Xô. — BT.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #158 vào lúc: 28 Tháng Giêng, 2016, 11:56:39 am »


Các quyết định của Đại bản doanh được viết thành văn tiện đều có chữ ký của hai người — Tổng tư lệnh tối cao và Tổng tham mưu trưởng; đôi khi có cả chữ ký của Phó tổng tư lệnh tối cao. Cũng có những văn kiện chỉ có chữ ký của Tổng tham mưu trưởng. Trong trường hợp này đều phải ghi là «thừa ủy quyền Đại bản doanh». Thông thường, Tổng tư lệnh tối cao không ký một mình các văn kiện tác chiến, trừ những văn kiện phê bình gắt gao các cán bộ trong ban lãnh đạo quân sự cao cấp (Đồng chí nói: Bộ tổng tham ký các văn kiện như vậy không có lợi và làm cho các mối quan hệ thêm căng thẳng, vì nếu có chuyện gì thì các đồng chí ấy chỉ bực với riêng tôi). Đồng chí chỉ một mình ký các loại mệnh lệnh khác, chủ yếu là mệnh lệnh có tính chất hành chính.

Hình thức chỉ đạo đó bảo đảm sự tập trung cần thiết việc chỉ huy mọi hành động của các Lực lượng vũ trang phù hợp với các chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương Đảng, cũng như phù hợp với tính chất chiến tranh.

Cũng như trước kia, trong những năm Chiến tranh giữ nước vĩ đại, «bộ máy quân sự» đã ra sức thực hiện một cách nghiêm túc và thường xuyên chính sách của Đảng cộng sản bằng mọi phương thức thích hợp với mình.

Tôi phải nói là Xta-lin không quyết định, và nói chung không thích tự ý quyết định các vấn đề chiến tranh quan trọng. Đồng chí hiểu rõ sự cần thiết của việc làm tập thể trong lĩnh vực phức tạp này, coi trọng uy tín của các đồng chí khác về vấn đề quân sự, biết chú ý đến ý kiến của các đồng chí đó và đánh giá đúng mỗi người. Tháng Chạp 1943, sau hội nghị Tê-hê-ran, khi tình hình đòi hỏi phải vạch các kế hoạch hành động sau này, tại hội nghị liên tịch Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản (b) toàn Liên bang, Hội đồng quốc phòng Nhà nước và Đại bản doanh, các đồng chí A. M. Va-xi-lép-xki và A. I. An-tô-nốp đã báo cáo về tiến trình đấu tranh vũ trang trên các mặt trận và triển vọng của tình hình, đồng chí N. A. Vô-dơ-ne-xen-xki báo cáo về các vấn đề kinh tế chiến tranh, còn I. V. Xta-lin đảm nhiệm việc phân tích các vấn đề có tính chất quốc tế.

Quá trình lãnh đạo chiến lược tự nó nói lên trình độ tổ chức cao. Đó là một quá trình lãnh đạo rất nhiều mặt, song thống nhất. Sự thống nhất ấy do nhiều nhân tố hợp thành. Theo quan điểm chúng tôi, các nhân tố chủ yếu là đã xác định được tiến trình có thể xẩy ra của chiến tranh và các hành động quân sự, tức là đã dự kiến được sự phát triển của tiến trình chiến tranh và các hoạt động quân sự; đề ra được các quyết định: xác định ý đồ và kế hoạch các chiến cục và chiến dịch có tính chất chiến lược, các phương thức hành động quân sự trong từng giai đoạn chiến tranh cho từng chiến trường nói riêng; bảo đảm toàn diện về vật chất và về tổ chức cho các quyết định lãnh đạo chiến lược, và cuối cùng, cần phải chỉ ra cơ sở chính trị của sự lãnh đạo chiến lược.

Nhiệm vụ tiêu diệt bọn xâm lược Hít-le xâm phạm các thành quả của chủ nghĩa xã hội, xâm phạm toàn thể loài người, đã quyết định cả mục đích chiến lược của Liên Xô trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại đang được triển khai. Sự phụ thuộc của chiến lược vào chính trị biểu hiện trực tiếp ở mục đích của các bên tham chiến, trong quá trình chiến tranh và kết thúc chiến tranh. Các mục đích chiến tranh chính nghĩa và giải phóng của khối liên minh chống Hít-le đã giữ vai trò quyết định trong việc động viên các lực lượng nhân dân đứng lên chống bọn xâm lược, tạo nên những yếu tố kích thích về đạo đức và tinh thần của các chiến sĩ—những đức tính rất quan trọng để giành chiến thắng. Đại bản doanh xô-viết, cũng như những người đang thực hiện chỉ thị của Đại bản doanh ngoài chiến trường, không cảm thấy một sự «quá tải chính trị» nào của chiến lược như một số sử gia1 phương Tây thường nói, họ đã hình dung một cách mơ hồ những cơ sở tiến hành chiến tranh của bất cứ nước nào.

Như đã nói ở trên, cơ quan chỉ đạo chiến lược chủ yếu là Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao (lúc đầu lấy tên là Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh), được thành lập ra để chỉ huy các hành động quân sự. Trong suốt cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, hệ thống chỉ huy tiêu biểu là Đại bản doanh — phương diện quân, hạm đội, tập đoàn quân độc lập. Nhưng Bộ tổng tư lệnh tối cao lại có thể nói chuyện bằng vô tuyến diện, điện tín và điện thoại với bất kỳ tập đoàn quân nào của phương diện quân. Vấn đề này trở thành rất đơn giản sau khi đã xây dựng được hệ thống thông tin liên lạc bằng điện thoại cao tần tới từng tập đoàn quân._
____________________________________
1. Ví dụ: E. Xim-ke đã viết về vấn đề này trong cuốn sách «Từ Xta-lin-grát đến Béc-lin» (Oa-sinh-tơn, 1968, tr. 504).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #159 vào lúc: 28 Tháng Giêng, 2016, 11:57:02 am »


Khi tổ chức ra các Bộ tổng tư lệnh thì hệ thống chỉ huy càng trở nên phức tạp. Lúc bắt đầu chiến tranh, các Bộ tổng tư lệnh được thành lập trên ba hướng chiến lược không được bảo đảm đầy đủ các cơ quan chỉ huy và các phương tiện thông tin liên lạc. Vì vậy, các cơ quan đó không làm trọn nhiệm vụ và sau đấy phải giải thể. Nhưng đến năm 1945, vào thời kỳ tiêu diệt đạo quân Quan Đông của đế quốc Nhật, nguyên soái Liên Xô A. M. Va-xi-lép-xki giữ chức Tổng tư lệnh ở Viễn Đông, lúc đầu đã có một nhóm, sau đó là một cơ quan tham mưu không lớn lắm do tướng X. P. I-va-nốp làm tham mưu trưởng.

Cơ quan công tác của Đại bản doanh là Bộ tổng tham mưu. Trong chương một đã nêu rõ các chức năng của nó. Còn các cơ quan khác cũng có ý nghĩa to lớn trong việc chỉ đạo chiến lược. Nhiệm vụ của các cơ quan này không cần phải giải thích thêm.

Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản đã lãnh đạo chính trị các Lực lượng vũ trang, thông qua các cơ quan của mình trong quân đội và trong hải quân là Tổng cục chính trị Hồng quân và Tổng cục chính trị Hải quân. Những cơ quan này hoạt động với tư cách là những bộ phận của Ban chấp hành Trung ương, những cục chính trị và cơ quan chính trị. Mùa hè năm 1942, theo quyết định của Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng thì đồng chí A. X. Séc-ba-cốp, ủy viên dự khuyết Bộ chính trị, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng được chỉ định làm Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Hồng quân.

Cục chính trị của các phương diện quân và hạm đội, ban chính trị của các tập đoàn quân, các chi hạm đội, quân đoàn, sư đoàn, lữ đoàn đều hướng mọi hoạt động của mình nhằm ra sức tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội và hạm đội, giáo dục phẩm chất đạo đức cao cho các chiến sĩ xô-viết.

Tổng cục xây dựng và bổ sung các đơn vị của Hồng quân chủ yếu chăm lo việc xây dựng lực lượng dự bị và các nguồn bổ sung. Cơ quan tham mưu của các tư lệnh các quân chủng và binh chủng (không quân, phòng không, pháo binh, xe tăng, thiết giáp, công binh, thông tin liên lạc) chuẩn bị các kế hoạch phát triển và sử dụng các đơn vị của mình trong các chiến dịch. Việc lãnh đạo hậu cần của Hồng quân do đồng chí chủ nhiệm hậu cần và cơ quan tham mưu của đồng chí thực hiện. Bộ tham mưu trung ương, các cơ quan tham mưu phong trào du kích của các nước cộng hòa và các tỉnh điều khiển hoạt động của du kích.

Như đã nói ở trên, các đại diện của Đại bản doanh giữ một vai trò rất đặc biệt. Các đồng chí đó được phái xuống các đơn vị tùy theo sự cần thiết để phối hợp hành động giữa các phương diện quân trong các chiến dịch có tính chất chiến lược và kiểm tra việc thực hiện các quyết định của Đại bản doanh. Ở đây, chúng ta cần nói đến các đại diện của Đại bản doanh về mặt binh chủng. Thông thường các đồng chí đó công tác trong cùng một nhóm với những người chỉ huy bộ đội hợp thành, nhưng có những trường hợp cá biệt, các đồng chí đó làm việc độc lập. N. N. Vô-rô-nốp, A. A. Nô-vi-cốp, Ph. I-a. Pha-la-lê-ép, N. Đ. I-a-cô-vlép và một số nhà chỉ huy quân sự khác đã được chỉ định làm đại diện như thế.

Những hình thức chỉ đạo này là cần thiết, và có thể nói là không tránh khỏi trong điều kiện thời chiến. Hồi ấy, chúng ta phải giải quyết rất nhiều nhiệm vụ cực lớn, mà trong khuôn khổ suy nghĩ của một cá nhân không sao thực hiện nổi. Hình thức làm việc tập thể đều được tổ chức ở tất cả mọi cấp trong quân đội dưới hình thức các hội đồng quân sự của phương diện quân và tập đoàn quân, cũng như trong hệ thống phân nhánh của công tác tham mưu.

Nguyên soái Liên Xô B. M. Sa-pô-sni-côp đã định nghĩa một cách có hình ảnh và chính xác vai trò của các cơ quan tham mưu trong tác phẩm cơ bản của đồng chí: «Bộ não của quân đội». Các cơ quan tham mưu đã bổ sung được những gì mà một người chỉ huy không thể thực hiện được, nói cho đúng hơn là đã chuẩn bị cơ sở cho người chỉ huy ra quyết định. Sau đó, căn cứ vào quyết định đã được thông qua, cơ quan tham mưu sẽ lập kế hoạch, thống nhất và phối hợp mọi cố gắng của tất cả những người cần thiết cho thắng lợi của trận đánh, của trận chiến đấu và chiến dịch. Bộ chỉ huy sẽ sử dụng các kiến thức và hoạt động tổ chức của những người ấy để phục vụ cho việc giải quyết nhiệm vụ được giao phó. Cơ quan tham mưu tổ chức và thực hiện mọi biện pháp cần thiết nhằm triệt để thực hiện quyết định của người chỉ huy

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM