Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 10:22:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ Tổng Tham mưu Xô-viết trong chiến tranh - Tập 2  (Đọc 108948 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #90 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2016, 03:09:09 pm »


CHƯƠNG NĂM

Theo con đường của các anh hùng Síp-ca(*)

Quyết định tiến vào Bun-ga-ri. — Các thủ đoạn của chính phủ tư sản.
— Gh.c.Giu-cốp ở phía Nam. — Cuộc khởi nghĩa nhân dân ở Bun-ga-ri, các anh hùng của cuộc khởi nghĩa.
— Sứ mệnh của X.X.Bi-ri-u-dốp. — Như trong truyện trinh thám: đuổi theo đoàn tàu. — Kết liễu ổ rắn độc.
— Gh.M.Đi-mi-tơ-rốp giúp gỡ mối bất hòa. — Máu cùng đổ. — Bài học của phép lịch sự ngoại giao.


Sau khi tiêu diệt các lực lượng chủ yếu của Cụm tập đoàn quân «Nam U-crai-na» của địch, các Lực lượng vũ trang Liên Xô có nhiệm vụ phải quét nốt tàn quân địch đang vội vã rút về Hung-ga-ri, vào sâu trong đất Ru-ma-ni và Bun-ga-ri. Phải truy kích và tiêu diệt chúng.

Giống như chàng dũng sĩ trong thần thoại đứng trước ngã ba đường, vào cuồi tháng Tám 1944 này, Hồng quân cũng đang đứng trước ba con đường ở trên hướng Tây - Nam: một đường tiến vào Hung-ga-ri, một đường chạy qua Ru-ma-ni, và đường thứ ba qua Bun-ga-ri. Đường nào cũng chứa đựng những khó khăn và nhiều nguy hiểm. Nhưng, nếu như chàng dùng sĩ trong thần thoại chỉ phải chọn lấy một con đường, thì các chiến sĩ Liên Xô phải tiến quân trên cả ba con đường, và nhiệm vụ Bộ tổng tham mưu trong thời gian ấy là phải vạch ra được những công việc gì cần làm để đem lại hiệu quả cao nhất.

Chúng ta nhớ rằng, địch còn có những khả năng lớn. Chúng có thể điều quân ở Nam Tư, An-ba-ni và Hy Lạp sang chống lại ta. Ở những nơi ấy, địch còn 20 sư đoàn và 7 lữ đoàn. Cũng không loại trừ khả năng địch còn có thể lấy quân ở I-ta-li-a sang. Cụm quân địch đóng ở đây cũng gần bằng cụm quân bố trí ở Ban-căng. Như vậy là chúng có tất cả hơn 50 sư đoàn và lữ đoàn. Lực lượng chúng còn đông, còn các đổng minh của chúng ta lại tiến quân rất chậm. Trong các điều kiện ấy chỉ một thiếu sót nhỏ cũng sẽ kéo theo sau nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Thời gian này, Bộ tổng tham mưu đã tính toán hết mọi tình thế phức tạp ở Bun-ga-ri. Một mặt, chúng ta hiểu rõ dân tộc Bun-ga-ri là một dân tộc không đông, nhưng có những truyền thống yêu tự do và cách mạng, xưa nay vẫn là bầu bạn và là anh em của nhân dân ta. Bun-ga-ri là đất nước của những con người đấu tranh dũng cảm, của những chiến sĩ can đảm chiến đấu chống bọn xâm lược nước ngoài và bọn tư bản trong nước, đất nước của những con người khởi nghĩa cách mạng anh hùng, tổ quốc của Khri-xtô Bô-tép, Đi-mi-tơ-rô Bla-gô-ép, Va-xi-li Cô-la-rốp, Ghê-oóc-ghi Đi-mi-tơ-rốp. Song mặt khác, chúng ta cũng lại nhìn thấy ở đây cả những bọn tay sai của chủ nghĩa phát-xít Đức đang đứng đầu một chính phủ xô đẩy Bun-ga-ri vào cuộc chiến tranh ở về phía nước Đức Hít-le, dâng đất nước cho bọn toàn quyền của Đế chế thứ ba.

Tôi phải nói rằng các sĩ quan và tướng lĩnh Liên Xô tin tưởng sâu sắc vào các lực lượng chống Hít-le và chống phát-xít của nhân dân Bun-ga-ri, vững tin vào tình cảm của nhân dân Bun-ga-ri đối với đất nước chúng ta. Chúng ta tin không một binh sĩ Bun-ga-ri nào sẽ giơ tay chống lại Hồng quân - những người giải phóng. Niềm tin đó có cơ sở của nó, dựa vào những quan hệ hữu nghị đã có từ lâu, lòng biết ơn của nhân dân Bun-ga-ri đối với nhân dân chúng ta trước đây đã giúp đỡ Bun-ga-ri thoát khỏi ách nô dịch của Đế quốc Ốt-tô-man, và dựa vào sự hiểu biết chính xác tình hình thực tế trong nước. Người cán bộ tham mưu phải biết kiểm tra lại mệnh lệnh của trái tim bằng tiếng nói ngăn ngừa của lý trí. Chúng ta biết trong nước Bun-ga-ri đang triển khai rộng rãi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xã hội, các lực lượng yêu nước tập hợp thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc, và Đảng công nhân Bun-ga-ri dẫn đầu cuộc đấu tranh ấy.

Giữa tháng Bảy 1942, theo sáng kiến của Gh. M. Đi-mi-tơ-rốp, đã đề ra khẩu hiện thành lập Mặt trận Tổ quốc. Gh. M. Đi-mi-tơ-rốp, người lãnh đạo sáng suốt và có uy tín của Đảng công nhân Bun-ga-ri trong thời gian ấy làm việc ở Mát-xcơ-va, đặt trụ sở tại ngôi nhà gần khu Triển lãm nông nghiệp ở Rô-xtô-ki-nô. Trước khi giải tán Quốc tế cộng sản (năm 1943), đồng chí đã giữ cương vị Tổng bí thư Ban chấp hành Quốc tế cộng sản trong nhiều năm. Đồng chí còn phụ trách cả Ban lãnh đạo hải ngoại của Ban chấp hành trung ương Đảng công nhân Bun-ga-ri.

Ban lãnh đạo hải ngoại của Ban chấp hành trung ương Đảng công nhân Bun-ga-ri soạn ra cương lĩnh của Mặt trận. Cương lĩnh đó trước hết đề ra nhiệm vụ giải phóng toàn dân tộc — cắt đứt liên minh giữa Bun-ga-ri với nước Đức Hít-le và các nước đồng minh của Hít-le, giải phóng nhân dân Bun-ga-ri thoát khỏi bọn quốc xã Đức đang thống trị trong nước, rút các đơn vị Bun-ga-ri chiếm đóng ra khỏi Nam Tư và Hy Lạp. Ngoài ra, cương lĩnh còn đề ra các yêu sách chính trị đối nội nhằm cải cách dân chủ trong nước, như: giải thoát cho những người bị truy bức vì tham gia đấu tranh chống phát-xít, khôi phục các quyền tự do chính trị đã bị vi phạm thô bạo, giải tán các tổ chức phát-xít. Nhiệm vụ trước mắt là lật đổ chính quyền thân Đức và lập ra chính phủ được sự tin cậy của nhân dân, bảo đảm tình hữu nghị và hợp tác với Liên Xô.

Hiểu rõ nội dung và các khẩu hiệu đề ra trong cương lĩnh, quảng đại quần chúng nhân dân Bun-ga-ri, các chiến sĩ tích cực của Đảng công nhân, các hội viên Nông hội, những người dân chủ-xã hội, các quân nhân, công nhân, nông dân, thợ thủ công, quan chức cấp dưới có tinh thần yêu nước và tầng lớp trí thức tiến bộ, thanh niên cách mạng, tất cả đều nhiệt tình ủng hộ Mặt trận Tổ quốc.

Còn chúng tôi, các sĩ quan và tướng lĩnh trong Bộ tổng tham mưu, khi chuẩn bị chiến dịch ở Bun-ga-ri thường sử dụng các tác phẩm của Gh. M. Đi-mi-tơ-rốp, hoặc có trường hợp trực tiếp tới xin ý kiến đồng chí. Không ai biết Bun-ga-ri rõ hơn đồng chí và có thể nhận định giỏi hơn đồng chí về những con đường phát triển của nước đó. Tôi có một số dịp được may mắn tiếp xúc với đồng chí trong những buổi đồng chí tới thăm Đại bản doanh và được dự những buổi tọa đàm của đồng chí với các đồng chí lành đạo Liên Xô. Đối với tôi và nhiều đồng chí cán bộ trẻ tuổi khác lúc bây giờ, Ghê-oóc-ghi Đi-mi-tơ-rốp là một con người siêu phàm, là tấm gương của một người cách mạng chân chính. Sau vụ án Lai-pxích, một vụ án mà như mọi người đều biết, Ghê-oóc-ghi Đi-mi-tơ-rốp đã giành quyền chủ động trước phiên tòa, biến Gơ-rinh, Gơ-ben, và toàn bộ hệ thống của chủ nghĩa phát-xít thành những tên bị cáo, đồng chí đã chiếm được lòng tin yêu của mỗi người dân trên đất nước ta, nổi danh là một chiến sĩ thông minh và bất khuất, đấu tranh cho những tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản. Nhân dân Liên Xô hiểu biết và tin yêu đồng chí, coi Ghê-oóc-ghi Đi-mi-tơ-rốp là đồng chí, là anh em.

Mặc dầu Bộ tổng tham mưu hầu như không có quan hệ gì trực tiếp với vị Tổng bí thư Ban chấp hành Quốc tế cộng sản và cũng là Chủ tịch Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng công nhân Bun-ga-ri, nhưng chúng tôi, những sĩ quan trong Bộ tổng tham mưu còn nhớ rằng, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau khi thảo luận trong điện Crem-li về tình thế mới nảy sinh do nước Đức Hít-le tập kích vào Liên Xô, Gh. M. Đi-mi-tơ-rốp đã triệu tập một cuộc họp của Ban bí thư Quốc tế cộng sản quyết định triển khai chiến dịch của quảng đại quần chúng nhằm chi viện cho Liên Xô, tổ chức ở châu Âu một phong trào giải phóng dân tộc mạnh mẽ chống bọn chiếm đóng phát-xít Đức, chống lại sự phụ thuộc vào nước Đức quốc xã.

Hồi ấy, tất cả chúng tôi đều thực sự cảm thấy rằng đất nước xô-viết không đơn độc, rằng cuộc đấu tranh của nhân dân Liên Xô đã hòa chung thành một mặt trận thống nhất cùng với các dân tộc khác chiến đấu chống kẻ thù đáng ghét.
____________________________________________________
* Các anh hùng Síp-ca là những người tham gia cuộc chiến tranh Nga-Thổ nãm 1877-1878. Các đơn vị quân Nga và các đội dân binh Bun-ga-ri đã tỏ ra xuất sắc trong các trận chiến đấu chống quân Thổ ở đèo Síp-ca. Thắng lợi cúa quân Nga trong cuộc chiến tranh này đã đảm bảo nền độc lập của Ru-ma-ni, Xéc-bi-a và Tséc-nô-gô-ri-a cũng như việc giải phóng Bun-ga-ri khỏi ách thống trị cúa Thổ Nhĩ Kỳ. — BT.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #91 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2016, 04:07:58 pm »


Ban chấp hành Quốc tế cộng sản đã đề nghị thành lập, rồi sau đó trên thực tế đã tổ chức ra một đơn vị quốc tế gồm các kiều dân lưu trú chính trị của nhiều nước. Trong đơn vị ấy có người Tây Ban Nha, Séc, Xlô-vác, Ba Lan, Bun-ga-ri, Hy Lạp, Ru-ma-ni, Đức, Áo, Anh và các đại biểu của nhiều dân tộc khác. Đơn vị này được đưa vào biên chế của Lữ đoàn bộ binh cơ giới độc lập làm nhiệm vụ đặc biệt. Gh. M. Đi-mi-tơ-rốp trực tiếp lãnh đạo lữ đoàn này về mặt chính trị.

Tháng Mười 1941, theo đề nghị của Gh. M. Đi-mi-tơ-rốp, đồng chí I-van Vi-na-rốp, sau này trở thành nhà hoạt động nổi tiếng của nước Bun-ga-ri nhân dân, được cử làm chỉ huy phó lữ đoàn. Việc lựa chọn ấy có cân nhắc kỹ. I. Vi-na-rốp là một nhà cách mạng Bun-ga-ri. Trước đây, đồng chí buộc phải rời bỏ Tổ quốc và lưu vong sang Liên Xô. Đồng chí đã tốt nghiệp Học viện quân sự mang tên M. V. Phrun-de và được phong quân hàm đại tá Hồng quân. Sau đó, đồng chí làm việc trong cơ quan của Quốc tế cộng sản và trong Ban lãnh đạo hải ngoại của Ban chấp hành trung ương Đảng công nhân Bun-ga-ri. Hàng tuần, đồng chí thường đến trụ sở Quốc tế cộng sản gặp Gh. M. Đi-mi-tơ-rốp báo cáo tình hình các chiến sĩ trong quân đội quốc tế và nhận chỉ thị cùng những lời chỉ bảo của Đi-mi-tơ-rốp.

Lữ đoàn tham gia trực tiếp vào việc phòng thủ Mát-xcơ-va và làm các công tác phục vụ chiến đấu trong thành phố. Tình hình không đòi hỏi phải đưa cả lữ đoàn tham gia chiến đấu, nhưng từng phân đội, kể cả phân đội các chiến sĩ quốc tế, đã tham gia những trận đánh tại những đường tiếp cận vào thủ đô. Nhiều chiến sĩ trong đơn vị quốc tế này đã tham gia các nhóm trở về nước hoạt động bí mật: tổ quốc cần tới sự giúp đỡ của họ trong cuộc đấu tranh chống bọn chiếm đóng Hít-le.

Gh. M. Đi-mi-tơ-rốp đã nhìn thấy trước ngày tận số nhục nhã của bọn xâm lược phát-xít Đức, những biến đổi xã hội sâu sắc trong các nước và sự cần thiết phải xây dựng lực lượng vũ trang mới ở các nước ấy. Các đồng chí trước đây từng làm việc trong Ban bí thư Ban chấp hành Quốc tế cộng sản nhớ lại rằng, có lần đồng chí nói: «Điều rất quan trọng đối với người đảng viên cộng sản là phải nắm được, dù là những điều sơ đẳng về công tác quân sự. Chúng ta rồi sẽ trở về đất nước, và chúng ta không phải chỉ có hoạt động chính trị mà còn phải thành lập cả quân đội nữa»(1).

Tình hình chính trị ở trong nước Bun-ga-ri phát triển cho phép Gh. M. Đi-mi-tơ-rốp rút ra kết luận ngay từ tháng Sáu 1944: sẽ có một cuộc khủng hoảng sâu sắc xảy ra, mà nguyên nhân của nó là do chính sách phản bội nhân dân của chính phủ Ba-gri-a-nốp. Trong một buổi phát thanh của thông tấn xã «Khri-xtô Bô-tép», Gh. M. Đi-mi-tơ-rôp tuyên bố rằng, chính phủ thân phát-xít đại biểu cho những quyền lợi của Hít-le và bọn tay sai của chúng ở Bun-ga-ri đang lừa bịp nhân dân. Nhưng, chính phủ ấy không thể «hành động sao cho con sói thì no nê mà con cừu không bị sây sát» được. Gh. M. Đi-mi-tơ-rốp còn báo trước rằng, tình hình trong nước, tinh thần của nhân dân và quân đội sẽ không hứa hẹn một điều gì tốt lành cho cả Ba-gri-a-nôp lẫn bọn Hít-le(2) vì chính phủ phát-xít Bun-ga-ri đang xô đẩy đất nước vào vực thẳm của tai họa.

Bộ tổng tham mưu xô-viết chú ý nghiên cứu những kết quả hoạt động to lớn của Đảng công nhân Bun-ga-ri và biết rằng ở Bun-ga-ri đang phát triển một phong trào du kích rộng lớn và được tổ chức tốt. Năm 1944, Bun-ga-ri có Quân đội khởi nghĩa giải phóng dân tộc của Mặt trận Tổ quốc, quân số tới 18000 người. Đứng về quy mô của Bun-ga-ri thì như vậy là nhiều. Quân đội của những người khởi nghĩa đã tạo thành một mặt trận thực sự ở bên trong đất nước Bun-ga-ri trên khắp lãnh thổ, giam chân quân đội của chế độ quân chủ thân phát-xít, bọn cảnh sát và binh lính đồn trú của Hít-le. Trong các xí nghiệp, cơ quan, quân đội, ở thành phố và nông thôn, còn có cả một hệ thống các tổ chiến đấu đang hoạt động, tới 12000 chiến sĩ. Ngoài ra, lại phải tính thêm hơn 200000 dân quân đang giúp đỡ các chiến sĩ du kích. Mọi âm mưu của chính phủ thân phát-xít ở Bun-ga-ri định dùng sức mạnh của vũ khí đàn áp phong trào, đều bị các chiến sĩ du kích làm cho thất bại.
________________________________________________
1. Báo «Sự nghiệp công nhân» (cơ quan ngôn luận cúa Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Bun-ga-ri), ngày 12 tháng Ba 1972.
2. Gh. Đi-mi-tơ-rốp. Tuyến tập. Xô-phi-a, 1969, t. 42, tr. 52-53.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #92 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2016, 04:14:00 pm »


*
* *

Bộ tổng tham mưu đã tính toán tất cả những vẫn đề trên và coi đó là nhân tố thuận lợi của tình hình.

Cũng không thể không tính đến việc Bun-ga-ri không chính thức ở trong tình trạng chiến tranh chống Liên Xô. Nhưng chính phủ phát-xít ở Bun-ga-ri mặc dù không dám bước vào con đường nguy hiểm nói trên, nhưng lại liên minh với nước Đức phát-xít và giúp đỡ chúng mọi thứ có thể. Quân đội Hít-le đã sử dụng lãnh thổ và các phương tiện giao thông vận tải của Bun-ga-ri, quân đội Bun-ga-ri giúp quân Đức chiếm đóng các vùng đất đai ở Nam Tư và Hy Lạp, tạo điều kiện cho bộ chỉ huy Hít-le rút quân của chúng sang hoạt động trên chiến trường Xô - Đức. Bè lũ tay sai của Hít-le ở Bun-ga-ri đàn áp tàn bạo các chiến sĩ du kích và những người yêu nước khác.

Các sĩ quan trong Bộ tổng tham mưu theo dõi hoạt động của phương diện quân Ư-crai-na 3 tất nhiên là chịu gánh nặng chính về việc lập kế hoạch các chiến dịch ở Bun-ga-ri. Thiếu tướng C. Ph. Va-xin-tren-cô, một người thông minh, lúc nào cũng sằn sàng cung cấp nhiều ý kiến hay, phụ trách tổ sĩ quan trên hướng này. Một hôm, khi báo cáo với tôi về các kế hoạch chiến dịch, đồng chí nhận xét qua rằng theo ý kiến của đồng chí thì bộ chỉ huy Đức sẽ không ngờ rằng bộ đội Liên Xô sẽ quặt xuống đánh vào Bun-ga-ri. Tôi đề nghị đồng chí luận chứng cho ý kiến này. Nếu như nước Đức Hít-le không ngờ chúng ta sẽ đánh vào Bun-ga-ri thì ắt chúng sẽ không tổ chức phòng ngự vững chắc tại đây. Và khi tiến công, chúng ta có thể dựa vào yếu tố bất ngờ đó cùng với những kết quả của nó.

C. Ph. Va-xin-tren-cô còn chú ý tới những thủ đoạn quanh co lén lút của chính phủ I. Ba-gri-a-nốp mà chúng tôi đã biết. Một số đại biểu trong chính phủ đó đang đi vào điều đình ngầm với Anh-Mỹ.

Tất cả những thủ đoạn lén lút đó của Ba-gri-a-nốp đều nhằm ngăn chặn Hồng quân tiến vào Bun-ga-ri, — Va-xin-tren-cô báo cáo. — Bằng chứng cho nhận xét này là bọn đầu sỏ Hít-le cho đến nay vẫn chưa nghĩ tới việc rời khỏi Bun-ga-ri và chúng vẫn cảm thấy ở đây còn yên ổn. Có lẽ, chúng cho rằng Liên Xô sẽ không vi phạm nền trung lập giả của Ba-gri-a-nôp được củng cố bằng hòa ước riêng rẽ với các đồng minh của chúng ta.

Mọi ý kiến của đồng chí đều trúng với những suy nghĩ của riêng tôi. Nhưng, rồi sẽ báo cáo những ý kiến ấy với cấp trên ra sao? Vì nếu chỉ dựa vào sự phân tích thuần túy về mặt quân sự thì không ổn. Tuy nhiên, tôi vẫn báo cáo cho A. I. An-tô-nốp biết, và đồng chí quyết định cứ báo cáo lên Tổng tư lệnh tối cao.

Trong khi ấy, các sự kiện tiếp tục phát triển nhanh. Các đơn vị quân phát-xít Đức bị tiêu diệt ở I-át-xư và Ki-si-ni-ốp đã buộc Ba-gri-a-nốp phải lìa bỏ giấc mộng vẫn ấp ủ là dựa vào sự chi viện quân sự của Hít-le để cứu vãn tình thế của chế độ phát-xít ở Bun-ga-ri. Hy vọng vào sự chi viện đó là điều không tưởng. Quần chúng nhân dân Bun-ga-ri ở trong nước lại đang căm thù bọn cầm quyền đáng ghét và chế độ phát-xít. Thời gian bùng nổ cách mạng đã chín muồi. Trong khi ấy, Hồng quân đang tiến công như vũ bão trên đất Ru-ma-ni, nơi đã bùng nổ cuộc khởi nghĩa của nhân dân, và đang tới gần biên giới phía Bắc Bun-ga-ri.

Ngày 26 tháng Tám 1944 Đảng công nhân Bun-ga-ri thông qua nghị quyết trực tiếp chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang của nhân dân Bun-ga-ri. Nghị quyết ấy phù hợp với tình hình và được bảo đảm bằng những khả năng hiện thực. Ban chấp hành trung ương Đảng công nhân Bun-ga-ri đã ra thông tri số 4, một thông tri có ý nghĩa lịch sử, yêu cầu các đảng viên cộng sản phải phát động hết thảy các lực lượng chống phát-xít đứng lên đấu tranh kiên quyết và dũng cảm, đánh đuổi các đơn vị Hít-le, lật đổ các bộ trưởng phát-xít, thành lập chính phủ của Mặt trận Tổ quốc và chính quyền dân chủ- nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #93 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2016, 04:17:37 pm »


Gh. M. Đi-mi-tơ-rốp thường vẫn có sự trao đổi ý kiến với I. V. Xta-lin, ngày hôm sau đã gửi chỉ thị cho Bộ tổng tham mưu các lực lượng du kích, nhưng chính là gửi cho Ban chấp hành trung ương Đảng công nhân Bun-ga-ri, yêu cầu phải đoàn kết mọi lực lượng nhân dân xung quanh ủy ban dân tộc Mặt trận Tổ quốc, tước vũ khí các đơn vị quân phát-xít Đức và bọn Giét-xta-pô, kiên quyết thủ tiêu mọi hoạt động chống lại Mặt trận Tổ quốc và Hồng quân, thành lập chính phủ của Mặt trận Tổ quốc. Trong chỉ thị còn dành một điểm riêng nói rõ: «Nhân dân Bun-ga-ri và các lực lượng vũ trang của Bun-ga-ri phải kiên quyết đứng về phía Hồng quân, quân đội của những người giải phóng Bun-ga-ri thoát khỏi ách chiếm đóng của bọn Đức, và sẽ cùng với Hồng quân quét sạch bọn ăn cướp Hít-le cùng bè lù tay sai đê hèn của chúng ra khỏi đất đai Bun-ga-ri»(1).

Vậy là, cương lĩnh đấu tranh cách mạng của nhân dân Bun-ga-ri cầm vũ khí chống lại chế độ phát-xít hiện hành ở trong nước đã được xác định rõ ràng. Các đảng viên cộng sản Bun-ga-ri lãnh đạo các lực lượng cách mạng, bắt tay vào thực hiện ngay tại chỗ các chỉ thị của đồng chí Đi-mi-tơ-rôp.

Mặc dầu đang đứng trước hoàn cảnh bế tắc, song chính phủ Ba-gri-a-nốp vẫn tiếp tục giữ chính sách hợp tác với bọn Hít-le và chống lại các lực lượng của Mặt trận Tổ quốc. Bộ tổng tham mưu Liên Xô có những chứng cớ xác đáng rằng, viện binh Đức đang mượn đường đi qua Bun-ga-ri tới Ru-ma-ni để ứng cứu cho các đơn vị quân phát-xít Đức. Chúng tôi báo cáo những tin tức trên cho Đại bản doanh, và ngày 30 tháng Tám, Chính phủ Liên Xô gửi thông điệp cho chính phủ Bun-ga-ri yêu cầu phải đình chỉ ngay việc cho quân Đức mượn đường tiến vào Ru-ma-ni. Ba-gri-a-nốp bị kẹt giữa hai ngọn lửa, không tìm ra lối thoát nào khác, bèn xin từ chức.

Đất nước Bun-ga-ri hai ngày không có chính phủ. Ngày 2 tháng Chín 1944, chính phủ mới của C. Mu-ra-vi-ép được thành lập. Lên nắm chính quyển, Mu-ra-vi-ép đọc bản tuyên bố của chính phủ trước đài phát thanh Xô-phi-a, công bố chấm dứt chính sách của chính phủ cũ mà nhân dân Bun-ga-ri không bao giờ tán thành. Ông ta tuyên bố khôi phục lại tất cả các quyền tự do dân chủ của nhân dân Bun-ga-ri, công bố ân xá triệt để và tuyệt đối tất cả những người trước đây bị bắt, vì lý do chống lại chế độ độc tài ở Bun-ga-ri và chống lại chính quyền liên minh với nước Đức. Mu-ra-vi-ép còn tuyên bố sẽ giải tán mọi tổ chức phát-xít và trong lĩnh vực chính sách đối ngoại sẽ thực hiện đường lối trung lập nghiêm chỉnh và tuyệt đối, tước vũ khí mọi đơn vị quân Đức đi qua lãnh thổ Bun-ga-ri cũng như những đơn vị đang đóng quân trên đất nước Bun-ga-ri. Ông ta còn hứa sẽ tiến hành đàm phán với Anh và Mỹ để tìm cách giúp Bun-ga-ri thoát khỏi chiến tranh, và đặc biệt còn nói rõ thêm rằng, một trong những nhiệm vụ chủ yếu nhất của chính phủ là kiến lập những mối quan hệ tin cậy với nước Nga.

Thế nhưng, ít lâu sau đã lộ rõ những lời tuyên bố trên của chính phủ mới chỉ là lừa bịp. Bộ tổng tham mưu Liên Xô có những tin tức chính xác về các tàu chiến Đức ra vào các bến cảng ở Bun-ga-ri, hàng ngàn binh lính Hít-le còn đang ẩn nấp trong nước Bun-ga-ri, trốn tránh sự truy nã của Hồng quân. Quân địch dựa vào các tàu ngầm đậu tại các bến cảng của Bun-ga-ri, vẫn tiếp tục uy hiếp tàu bè của Liên Xô qua lại Biển Đen và uy hiếp mạnh sườn phía ven biển của quân đội Liên Xô. Tất cả những tình hình trên buộc chúng ta phải đẩy mạnh tốc độ sẵn sàng tiến quân vào lãnh thổ Bun-ga-ri.

Bộ tổng tham mưu soạn thảo kế hoạch tiến hành các chiến dịch ở Bun-ga-ri và báo cáo cho Đại bản doanh. Thực chất kế hoạch đó như sau. Các lực lượng của phương diện quân U-crai-na 3, Hạm đội Biển Đen và Chi hạm đội Đa-nuýp sẽ phối hợp mở chiến dịch tiến công tiêu diệt địch trên lãnh thổ Bun-ga-ri và trên các vùng hải phận lân cận, lấy khu vực phía Nam Đô-brút-gi làm khu vực xuất phát, còn mũi đột kích chủ yếu sẽ đánh vào Ai-tô-xơ, Bua-rơ-gát. Một số binh đoàn của cụm xung kích phương diện quân phối hợp với Hạm đội Biển Đen đánh chiếm các bến cảng rất quan trọng là Vác-na và Bua-rơ-gát — nơi đỗ các tàu chiến địch. Khi báo cáo ý định chiến dịch, A. I. An-tô-nốp không quên nhắc đến khả năng sẽ giành được yếu tố bất ngờ, nếu quân địch không dự phòng ta đánh vào Bun-ga-ri.
_________________________________________
1. Gh. Đi-mi-tư-rốp. Tuyển tập, tiếng Nga, t. 2, tr. 35-36.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #94 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2016, 05:09:55 pm »


Không bác bỏ những dự kiến của Bộ tổng tham mưu, I. V. Xta-lin nói: chúng ta cần chuẩn xác tình hình tại chỗ và kết thúc tại đó việc bổ sung kế hoạch chiến dịch. Nhằm mục đích ấy, đồng chí lệnh cho Gh. C. Giu-cốp đến các đơn vị của phương diện quân U-crai-na 2 và 3 trực tiếp nghiên cứu kế hoạch cùng với các tư lệnh phương diện quân và nguyên soái X. C. Ti-mô-sen-cô, đại diện của Đại bản doanh đang công tác tại các phương diện quân này. Xta-lin góp ý với Giu-cốp trước khi đi nên đến gặp và lấy ý kiến của Gh. M. Đi-mi-tơ-rốp, rồi đồng chí lại trực tiếp gọi điện nói chuyện với Gh. M. Đi-mi-tơ-rốp báo tin Giu-cốp sắp tới tiếp kiến. Buổi gặp gỡ diễn ra thật bổ ích.

Gh. C. Giu-cốp mỗi khi nhận nhiệm vụ thường ra đi ngay không chút chậm trễ. Vừa đến nơi, đồng chí liền bắt tay ngay vào công việc. Theo quy tắc thông thường của nghệ thuật quân sự, đồng chí bắt đầu từ việc tìm hiểu các tin tức về địch và phát hiện ra rằng, tình hình ở phía trước phương diện quân của Ph. I. Tôn-bu-khin chưa được nghiên cứu đầy đủ. Bun-ga-ri là nước nằm xa các đường lớn của chiến tranh, về hình thức không phải là kẻ thù của ta. Chúng ta lại hiểu biết về quân phát-xít Đức nhiều hơn là quân đội Bun-ga-ri. Chúng ta chỉ biết rằng bộ phận chủ yếu của các đơn vị quân Bun-ga-ri bố trí ớ phía giữa và phía Tây đất nước, một phần lớn lực lượng của Bun-ga-ri đóng quân ở Hy Lạp và Nam Tư, còn những vùng ở phía Bắc Bun-ga-ri thì cả phương diện quân, lẫn Bộ tổng tham mưu đều chưa biết một cách cặn kẽ. Tất nhiên, tình hình đó đã được nhanh chóng bổ khuyết ngay.

Chiến dịch được chuẩn bị gấp. Nếu như trước đây bộ chỉ huy Đức và chính phủ Bun-ga-ri thân Hít-le không ngờ Hồng quân sẽ tiến quân vào lãnh thổ Bun-ga-ri, thì lúc này vào đầu tháng Chín, chúng sẽ dễ dàng phát hiện thấy một cụm quân lớn của Liên Xô đang được tập trung tới đây. Vì vậy, nếu chậm trễ tức là sẽ bỏ lỡ mất yếu tố bất ngờ hành động. Nhưng, như thường xảy ra trong chiến tranh, tình huống buộc chúng ta phải chờ đợi thêm một thời gian. Cần phải cấp nhiên liệu cho các đơn vị, nếu không thì xe chiến đấu, xe tăng không thể tiến quân được. Cũng vì lý do này mà ở một tập đoàn quân, pháo binh đã bị rớt lại sau. Cuối cùng, chúng ta còn cần thêm một số thời gian để tổ chức, bố trí lại lực lượng.

Đến cuối ngày 4 tháng Chín, kế hoạch hành động của các đơn vị được chuẩn bị xong và về cơ bản vẫn giữ các ý kiến đề nghị của Bộ tổng tham mưu. X. C. Ti-mô-sen-cô lúc này bị ốm, không tham gia công tác.

Bây giờ tình hình ở Bun-ga-ri ngày một phức tạp thêm. Các đơn vị của Cụm tập đoàn quân «Nam U-crai-na» của Đức bị đánh tan, vẫn ngang nhiên rút quân qua lãnh thổ Bun-ga-ri mà không gặp trở ngại gì từ phía các nhà cầm quyền Bun-ga-ri, mấy chục tàu chiến Đức còn ẩn náu tại các bến cảng Bun-ga-ri, các đơn vị quân Đức tập trung ở các vùng Xô-phi-a, Xli-vơ-nít-xa, Bre-dơ-nít. Đại sứ Đức ở Bun-ga-ri tuyên bố với chính phủ Bun-ga-ri rằng, quân Đức trong thời gian trước mắt chưa có ý định bỏ Bun-ga-ri. Bộ tổng tham mưu Xô-viết được tin rằng đến giờ chót, bọn Hít-le có thể tiến hành một cuộc đảo chính ở Bun-ga-ri và lôi kéo nước này vào chiến tranh chống lại Liên Xô.

Vì các hoạt động trên biển có tầm quan trọng to lớn đối với kết cục thắng lợi của chiến dịch mở trên lãnh thổ Bun-ga-ri nên Đại bản doanh đã cử đô đốc N. Gh. Cu-dơ-nét-xốp tới trợ giúp Giu-cốp và Tôn-bu-khin. Hạm đội Biển Đen do đô đốc Ph. X. Ồc-chi-áp-rơ-xki chỉ huy và Chi hạm đội Đa-nuýp do X. G. Goóc-scốp đứng đầu, trong thời gian này được phối thuộc về mặt chiến dịch cho phương diện quân U-crai-na 3. Nhiệm vụ chủ yếu của hạm đội là không cho các tàu chiến địch chạy thoát khỏi Bun-ga-ri, phối hợp với bộ binh đánh chiếm các bến cảng Vác-na và Bua-rơ-gát. Hạm đội phải cho quân đổ bộ đường biển chiếm giữ các bến cảng của Bun-ga-ri để đón các đơn vị của Tôn-bu-khin. Chiến dịch được quy định bắt đầu vào ngày 10 tháng Chín.

Kế hoạch bổ sung về chiến dịch tại lãnh thổ Bun-ga-ri được Đại bản doanh duyệt y ngày 5 tháng Chín. Cũng trong ngày hôm ấy, Chính phủ Liên Xô gửi thông điệp cho chính quyền Bun-ga-ri, nói rằng:

«Chính phủ Liên Xô chỉ có thể coi chính sách hiện hành của Bun-ga-ri là thực sự đứng về phe Đức tiến hành chiến tranh chống lại Liên Xô, mặc dầu tình hình quân sự của nước Đức về cơ bản đã xấu hẳn, mặc dầu Bun-ga-ri lúc này hoàn toàn có khả năng cắt đứt liên hệ với nước Đức, cứu đất nước khỏi bị diệt vong» (1).

7 giờ tối cùng ngày hôm đó, bức thông điệp của Chính phủ Liên Xô được trao cho công sứ Bun-ga-ri ở Mát-xcơ-va và viên sứ giả này lập tức gửi ngay về nước.
_______________________________________
1. Chính sách đỗi ngoại của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh giữ nước, tiếng Nga, t. II, tr. 182-183.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #95 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2016, 05:10:33 pm »


Ít lâu sau khi ở Bun-ga-ri biết việc này, Ban chấp hành trung ương Đảng công nhân Bun-ga-ri triệu tập một cuộc họp bất thường cùng với Bộ tham mưu quân khởi nghĩa. Kế hoạch tiến hành khởi nghĩa được thông qua. Mùi tập kích chủ yếu đánh vào Xô-phi-a trong đêm rạng ngày 9 tháng Chín. Cuộc khởi nghĩa phải được chuẩn bị bằng những cuộc bãi công và biểu tình lớn của nhân dân lao động thủ đô. Đồng chí Tô-đo Gíp-cốp, nhà hoạt động lỗi lạc của Đảng công nhân Bun-ga-ri, được giao nhiệm vụ lãnh đạo chính trị, chiến đấu và cả công tác bảo vệ các cuộc biểu tình. Để lãnh đạo các lực lượng vũ trang khởi nghĩa của nhân dân tại thủ đô, đảng đã thành lập bộ tác chiến của đảng do đồng chí Tô-đo Gíp-cốp lãnh đạo. Các đồng chí Xtan-cô Tô-đo-rôp, Vla-đi-mia Bô-nép, I-van Bô-nép là ủy viên của bộ tác chiến. Những cuộc bãi công bắt đầu nổ ra ngay từ ngày 6 tháng Chín 1944.

Chính phủ C. Mu-ra-vi-ép hoảng hốt. Rạng ngày 6 tháng Chín các đại biểu của chính phủ Bun-ga-ri tới gặp đồng chí đại biện của Liên Xô ở Xô-phi-a, đề nghị thông báo cho Chính phủ Liên Xô biết là Bun-ga-ri cắt đứt các mối quan hệ với nước Đức và xin điều đình. Đây là một đề nghị quan trọng.

Khi Mát-xcơ-va nhận được đề nghị của chính phủ Bun- ga-ri, I. V. Xta-lin liền hội ý với các đồng chí hiện đang có mặt tại Đại bản doanh, rồi nói chuyện bằng điện thoại với Gh. M. Đi-mi-tơ-rốp và gọi điện cho Giu-côp, chỉ thị rằng trong khi chờ đợi, để tìm hiểu rõ thêm tình hình, sẽ tạm thời hạn chế cuộc tiến quân của phương diện quân U-crai-na 3 tới tuyến Đơ-giuốc-du, Ra-giơ-grát, Su-men, Đưn-gô-pôn, bờ Bắc sông Ca-men. Đồng chí kể lại các sự kiện xảy ra ở Bun-ga-ri, tình hình quân khởi nghĩa, nói rằng cuộc khởi nghĩa của nhân dân sắp nổ ra và đã đến lúc chính phủ Mu-ra-vi-ép phải có những quyết định cơ bản: phải nghĩ tới mai sau.

Hội đồng quân sự phương diện quân U-crai-na 3 liên hệ với Quân đội khởi nghĩa giải phóng nhân dân Bun-ga-ri, với các ban chấp hành đảng bộ của Đảng công nhân Bun-ga-ri tại các vùng biên giới. Lời kêu gọi của các đảng viên cộng sản Bun-ga-ri hô hào nhân dân đứng lên phối hợp với Hồng quân quét sạch bọn cướp Hít-le ra khỏi Tổ quốc, vang vọng khắp đất nước Bun-ga-ri. Trong khi cuộc khởi nghĩa của nhân dân ở trong nước đã chín muồi, thì bộ đội Liên Xô ở biên giới phía Bắc đã sẵn sàng tiến vào lãnh thổ Bun-ga-ri.

Đứng trước tình thế không còn lối thoát nào khác, chính phủ C. Mu-ra-vi-ép ngàv 7 tháng Chín đã tuyên bố chính thức cắt đứt các quan hệ với Đức và ngày 8 tháng Chín tuyên chiến với nước Đức. Lúc nàv, Chính phủ Liên Xô nhận sẽ xem xét đề nghị điều đình của Bun-ga-ri.

Tất cả những sự kiện trên có quan hệ trực tiếp tới công tác của Bộ tổng tham mưu. Tôi còn nhớ, hồi đó những buổi báo cáo ban đêm về tình hình các mặt trận thường có mặt nhiều đồng chí ủy viên của Đại bản doanh và Hội đồng quốc phòng Nhà nước, vì phải thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc về tình hình quân sự và chính trị.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #96 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2016, 05:11:06 pm »


Tiếp sau đó, chúng tôi nhận được điện trả lời của Gh. C. Giu-cốp : mệnh lệnh hạn chế cuộc tiến quân tới tuyến định trước, đã chuyển ngay cho đích thân các đồng chí Tôn-bu-khin và Oc-chi-áp-rơ-xki chấp hành. Các đơn vị phải đi trước bắt đầu hành động lúc 11 giờ ngày 8 tháng Chín: tiếp đó, các lực lượng chủ yếu bắt đầu tiến công. Giu-cốp trực tiếp đi với bộ đội của Ga-ghen và Sa-rô-khin để kiểm tra sự sẵn sàng hành động của các tập đoàn quân.

Sự thông minh của người thống soái là không bao giờ bó hẹp trong phạm vi tình huống diễn biến lúc đó, mà luôn luôn cố gắng đi sâu vào những diễn biến sau này, biết nhìn xa tới các kết quả của chiến dịch. Gh. C. Giu-cốp đương nhiên là một người thống soái như thế. Sau khi báo cáo việc thực hiện chính xác các chỉ thị của Đại bản doanh, đồng chí còn cố gắng nhìn xa lên phía trước và đề nghị lên cấp trên những ý kiến của mình, những ý kiến dựa vào các điều kiện tình huống có thực.

«Phương diện quân U-crai-na 3, — đồng chí báo cáo,— sau khi tiến ra tuyến Ru-xúc, Ra-giơ-grát, Su-men, Vác-na nếu như không tiếp tục tiến công nữa, thì phương diện quân của Tôn-bu-khin cần mở rộng theo dọc sông Đa-nuýp tới Tuốc-nu Xe-ve-rin, để Ma-li-nốp-xki và các binh đoàn của đồng chí khỏi phải phòng ngự ở khu vực Đơ-giuốc-du, Tuốc- nu Xe-ve-rin.

Khi các đơn vị của Tôn-bu-khin tới khu vực Tuốc-nu Xe-ve-rin, Ca-la-phát thì có thể cho một tập đoàn quân tăng cường vượt sông Đa-nuýp làm nhiệm vụ cắt con đường sắt Bê-ô-grát — Xa-lô-ních và chiếm tuyến Bê-ô-grát, Pa-ra- chin, Cơ-nhi-a-de-vát, Lôm».

Bộ đội của phương diện quân U-crai-na 3 bố trí như vậy, theo ý kiến của nguyên soái, sẽ bảo đảm tốt cho chiến dịch của phương diện quân U-crai-na 2 đánh Hung-ga-ri, chi viện được cho Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư, và buộc quân Đức phải bỏ lại Hy Lạp.

Tư tưởng cơ bản của các đề nghị trên trùng hợp với những ý kiến của Bộ tổng tham mưu về sự phát triển của các sự kiện sau này. Tổng tư lệnh tối cao nắm được những ý kiến của các cán bộ Bộ tổng tham mưu, nên khi Gh. C. Giu- cốp gửi lên đồng chí các đề nghị của mình, đồng chí liền chuyển sang cho chúng tôi nghiên cứu. Các ý kiến trên đã được cân nhắc tới, khi bắt tay vào soạn thảo kế hoạch tiến hành các chiến dịch trên lãnh thổ Nam Tư.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #97 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2016, 05:11:30 pm »


...Ngày 8 tháng Chín, đúng 11 giờ trưa, bộ đội của phương diện quân U-crai-na 3 tiến lên phía trước. Chi đội mô-tô cơ giới đi đầu vượt qua biên giới, và một tiếng đồng hồ sau, các sư đoàn bộ binh cũng tiến theo. Những người lính biên phòng Bun-ga-ri không kháng cự lại. Sư đoàn bộ binh Bun-ga-ri bố trí ở khu vực Đô-brích cũng không nổ một tiếng súng. Ngoài ra, binh sĩ Bun-ga-ri còn tỏ nhiều dấu hiệu thiện cảm với bộ đội Liên Xô. Nhân dân các địa phương mang bánh mì và muối ra đón tiếp các chiến sĩ và sĩ quan Liên Xô. Nhân dân xuống đường chào mừng Hồng quân đi qua. Các sĩ quan Bun-ga-ri nhanh chóng tiếp xúc với các cán bộ chỉ huy của Hồng quân. Họ cho biết rằng, họ nhận được lệnh của Bộ tổng tư lệnh Bun-ga-ri, cấm không được giao chiến với Hồng quân.

Các quân đoàn cơ giới 4 và 7 bắt đầu tiến quân lúc 18 giờ, dự kiến đến đêm sẽ vượt các đơn vị bộ binh. Hạm đội Biển Đen cho các chiến sĩ thủy quân lục chiến đổ bộ vào cảng Vác-na.

Chính phủ tư sản Bun-ga-ri buộc phải thực sự cắt đứt quan hệ với nước Đức phát-xít. Ngay sau khi Chính phủ Liên Xô nhận được những bằng chứng xác minh là Bun-ga-ri đã cắt đứt quan hệ với Đức, thì Gh. C. Giu-cốp, N. Gh. Cu- dơ-nét-xốp, Ph. I. Tôn-bu-khin và Ph. X. Ốc-chi-áp-rơ-xki cũng nhận được bức điện hồi 19 giờ ngày 9 tháng Chín: «Chính phủ Bun-ga-ri cắt đứt quan hệ với Đức, tuyên bô chiến tranh với nước Đức và đề nghị Chính phủ Liên Xô bắt đầu đàm phán đình chiến, nên Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao chiểu theo các chỉ thị của Hội đồng quốc phòng Nhà nước ra lệnh: đến 21 giờ ngày 9 tháng Chín sẽ kết thúc chiến dịch chiếm lĩnh các vùng dân cư quy định theo kế hoạch và từ 22 giờ ngày 9 tháng Chín sẽ đình chỉ chiến sự ở Bun-ga-ri...»

Ở Xô-phi-a và những vùng then chốt khác ở Bun-ga-ri phía bên kia tuyến đóng quân của bộ đội xô-viết, trong đêm rạng ngày 9 tháng Chín, đã xảy ra những sự kiện quyết định của cuộc khởi nghĩa nhân dân do Đảng công nhân Bun-ga-ri lãnh đạo. Như mọi người đều biết, các sự kiện ấy đã kết thúc bằng thắng lợi huy hoàng của nhân dân.

Chúng tôi nhanh chóng nhận được tin thắng lợi của cuộc khởi nghĩa nhân dân Bun-ga-ri. liền theo đó là tin thành lập Hội đồng bộ trưởng mới do Ki-môn Ghê-oóc-ghi-ép đứng đầu. Sáng hôm ấy, Ghê-oóc-ghi-ép phát biểu trên đài phát thanh, tuyên bố thành phần của nội các mới và đọc lời kêu gọi gửi nhân dân Bun-ga-ri. Chính phủ cử ra đoàn đại biểu đi ký kết đình chiến với Liên Xô. Ở trong nước, quyền tự do chính trị được khôi phục; chính quyền mới bắt giữ các thành viên của chính phủ cũ, những kẻ đã từng tiến hành chính sách phản lại nhân dân trước đây.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #98 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2016, 01:41:23 pm »

Tất cả những tin tức trên đều là tin vui, đáng phấn khởi. Thế nhưng, chúng tôi vẫn chưa thể định hướng được dứt khoát, vì các tin tức về các sự kiện ở Bun-ga-ri rõ ràng vẫn chưa đủ để có thể rút ra những kết luận về quân sự. Trong lúc ấy, điều rất quan trọng là Bun-ga-ri, sau khi cắt đứt liên minh với bọn Hít-le, đã tham gia cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại chống lại nước Đức phát-xít. Đồng thời, cần phải làm vô hiệu hóa các lực lượng phản động và không cho chúng gây ra cuộc nội chiến ở trong nước. Những tin tức chúng ta nhận được lúc này chưa cho phép chúng ta xác định được hoàn toàn rõ ràng xem bộ máy nhà nước cũ ở Bun-ga-ri có bị phá vỡ hay không, lập trường của bộ chỉ huy tối cao quân đội Bun-ga-ri lúc này ra sao và sau này sẽ như thế nào, Đảng công nhân Bun-ga-ri giữ vai trò gì hiện nay và sắp tới đây trong quân đội. Chúng tôi vững tin rằng, Đảng công nhân Bun-ga-ri sẽ giữ vững tay lái lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của nhân dân và sẽ biết áp dụng những biện pháp cần thiết để bình thường hóa đời sống trong nước, xây dựng chế độ nhà nước đáp ứng các quyền lợi của nhân dân.

Thế nhưng, chúng tôi vẫn chưa thật rõ về thành phần của chính phủ Ki-môn Ghê-oóc-ghi-ép. Chúng tôi chưa nắm được những chi tiết cần thiết về những hoạt động trước đây của các bộ trưởng. Còn về bản thân K. Ghê-oóc-ghi-ép, trước mắt thì ông ta là một người có tinh thần chống Đức, và theo ý kiến chúng tôi, đó là một ưu điểm lớn. Thêm nữa, trước đây, vốn là người đứng đầu chính phủ sau cuộc đảo chính ngày 19 tháng Năm 1934, ông ta đã kiến lập các quan hệ ngoại giao giữa Bun-ga-ri với Liên Xô, đây cũng lại là một ưu điểm nữa. Song đồng thời, vào năm 1934, lại cũng có một chiến dịch ráo riết chống phong trào công nhân và nhất là các đảng viên cộng sản. Chính trong những năm 30 ấy, những tàn dư cuối cùng của chế độ đại nghị và dân chủ tư sản ớ Bun-ga-ri đã chấm dứt và nền độc tài phát-xít quân sự được dựng lên.

Trong thành phần chính phủ lại có cả Ni-cô-la Pét-cốp giữ ghế bộ trưởng không bộ, hội viên Nông hội - một tên thực lợi cỡ bự, nổi tiếng vì có những quan điểm chính trị phản động. Con người ấy có thể sẽ gây ra ảnh hưởng hết sức nguy hại cho những thành quả dân chủ của cuộc khởi nghĩa nhân dân. Thời gian sau này càng chứng minh rằng, Pét-cốp là kẻ thù hung bạo của nước Bun-ga-ri xã hội chủ nghĩa. Nhiều cương vị quan trọng khác của nhà nước cũng nằm trong tay những kẻ chưa được công nhận là những người bạn tin cậy của nhân dân. Đại bản doanh không thể không tính toán những tình hình trên, vì các lực lượng chủ yếu của phương diện quân U-crai-na 3 vẫn đang ở trên lãnh thổ Bun-ga-ri, và thời gian tới đây, đất nước Bun-ga-ri sẽ là hậu phương trực tiếp của phương diện quân.

Trưa ngày 9 tháng Chín, A. I. An-tô-nốp báo cho tôi biết Gh. M. Đi-mi-tơ-rốp có nói chuyện bằng điện thoại với Bộ tổng tham mưu về đoàn đại biểu của chính phủ Bun-ga-ri mới đang sửa soạn đáp máy bay tới sở chỉ huy của Tôn-bu-khin. Đi-mi-tơ-rốp hỏi việc tổ chức chuyến bay, yêu cầu bảo đảm tốt và luôn tiện thông báo rằng, trong thành phần của đoàn đại biểu có Đi-mi-tơ-rốp Ga-nép — ủy viên Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng công nhân Bun-ga-ri. Đồng chí Ga-nép được ủy nhiệm trình bày cho hội đồng quân sự phương diện quân biết rõ tính chất của chính phủ và các sự kiện ở Bun-ga-ri.

Chúng tôi rất hứng thú chờ đợi các tin tức của phương diện quân gửi về. Cuối cùng, Ph. I. Tôn-bu-khin báo cáo cho Đại bản doanh là đoàn đại biểu của chính phủ Bun-ga-ri, được sự ủy nhiệm của Hội đồng bộ trưởng, ngày 10 tháng Chín đã đáp máy bay tới gặp Hội đồng quân sự phương diện quân. Thành phần của phái đoàn có giáo sư Đi-mi-tơ-rơ Mi-khan-chép — cựu công sứ Bun-ga-ri ở Mát-xcơ-va. Đi-mi-tơ-rốp Ga-nép, mà chúng ta đã biết, và một số nhân vật khác. Nhiệm vụ trước mắt của phái đoàn là tiếp xúc với đại tướng Tôn-bu-khin, tư lệnh phương diện quân, tìm hiểu các điều kiện đình chiến, thảo luận với đồng chí tất cả những vấn đề có liên quan tới việc bắt đầu đàm phán về đình chiến.

Các đại biểu sẽ phải thỏa thuận cả những điều kiện hợp tác giữa quân đội Bun-ga-ri với quân đội Liên Xô trong cuộc đấu tranh chung chống bọn Hít-le, thảo luận vấn đề khôi phục các quan hệ ngoại giao giữa Bun-ga-ri và Liên Xô. Như bạn đọc thấy, phái đoàn sẽ phải giải quyết sơ bộ những vấn đề quan trọng nhất đối với đất nước Bun-ga-ri. Lúc ấy, phía Bun-ga-ri không có con đường nào khác hơn là con đường thông qua phương diện quân để thỏa thuận với Mát-xcơ-va và cử một phái đoàn cần thiết tới đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #99 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2016, 01:42:06 pm »


Phái đoàn đàm phán với bộ tư lệnh phương diện quân U-crai-na 3 bắt đầu từ vấn đề chính: chính phủ Bun-ga-ri đề nghị để Bun-ga-ri được tham gia vào cuộc đấu tranh vũ trang chung chống quân phát-xít Đức và tán thành sự phối hợp hành động giữa quân đội Liên Xô và quân đội Bun-ga-ri. Trưởng phái đoàn tuyên bố với Ph. I. Tôn-bu-khin rằng, hiện nay quân đội Bun-ga-ri rất cần phối hợp hành động với Hồng quân, vì theo lời ông ta, cả hai quân đội đều có một nhiệm vụ chung. Thay mặt Hội đồng bộ trưởng Bun-ga-ri, đoàn đại biểu đề nghị đồng chí tư lệnh cử tới Xô-phi-a một đại biểu có uy tín để phối hợp các hành động của hai quân đội Bun-ga-ri và Liên Xô.

Trong quá trình đàm phán, các đại biểu Bun-ga-ri thông báo cho Hội đồng quân sự phương diện quân biết rằng, lúc bấy giờ các đơn vị Hít-le đang tập trung những lực lượng lớn có rất nhiều xe tăng ở khu vực Ni-sơ, Be-la - Pa-lan-ca, trên lãnh thổ Nam Tư. Các đại biểu Bun-ga-ri cho rằng, việc tập trung quân phát-xít Đức ở đây là dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ chúng đang chuẩn bị đánh vào Xô-phi-a. Các đại biểu tỏ ý lo lắng và đề nghị Liên Xô chi viện ngay cho các lực lượng Bun-ga-ri đang phòng thủ tại thủ đô Xô-phi-a, nhất là chi viện bằng không quân. Nhân dịp này, các đại biểu tường thuật về tình hình các sân bay ở khu vực Xô-phi-a, cũng như tình trạng không có nhiên liệu cho máy bay của quân đội Bun-ga-ri. Trong quá trình đàm phán, đã nảy ra một số vấn đề thiết thực về tình trạng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Bun-ga-ri, về thông tin liên lạc giữa Vác-na và Xô-phi-a để giải quyết các vấn đề tác chiến quan trọng đối với cả hai bên.

Ph. I. Tôn-bu-khin hứa với các đại biểu Bun-ga-ri là sẽ chuyển các đề nghị của họ lên Chính phủ Liên Xô và bày tỏ sự quan tâm của mình về các phương tiện vận tải trên sông Đa-nuýp, về việc tổ chức cho bộ đội Liên Xô vượt qua con sông rộng và đầy nước này. Đồng chí tư lệnh thường rất thận trọng về các vấn đề bí mật, nhưng lẩn này, đồng chí lại công khai nói tới sự cần thiết phải cho bộ đội Liên Xô vượt qua lãnh thổ Bun-ga-ri tới khu vực Vi-đin. Để đáp lại, các đại biểu hứa là chính phủ và nhân dân Bun-ga-ri sẽ tìm mọi cách tạo điều kiện thuận lợi cho Hồng quân tiến quân, sẽ nhường các đường sắt và phương tiện vận tải đường thủy, kể cả những tàu của Đức nếu chúng còn ở trên sông Đa-nuýp. Các đại biểu Bun-ga-ri còn hứa sẽ cho trục các tàu Đức bị đắm ở sông Đa-nuýp, thông báo về khả năng vận chuyển bằng đường sắt trong nước, là nơi đầu tàu vốn đã có ít, lại rất cũ nát.

Sau khi kết thúc các cuộc đàm phán chính thức, Đi-mi-tơ-rơ Ga-nép đề nghị được gặp riêng Tôn-bu-khin. Đồng chí thông báo cho bộ chỉ huy Liên Xô biết về tính chất nội các mới của Ki-môn Ghê-oóc-ghi-ép. «Chính phủ này,— đống chí nói, — là chính phủ của Mặt trận Tổ quốc—tức khối liên minh giữa Đảng công nhân Bun-ga-ri, Nông hội, những người dân chủ-xã hội, liên minh nhân dân «Dơ-ve-nô» và những người «không phụ thuộc» (không đảng phái). Ga-nép nói rõ đặc điểm của chính phủ này là, mặc dù đảng viên cộng sản không chiếm nhiều ghế trong chính phủ, song Đảng công nhân Bun-ga-ri vẫn giữ vai trò lãnh đạo. Sau đó, đồng chí tường thuật lại chi tiết cuộc khởi nghĩa của nhân dân trong nước, các lực lượng du kích và hoạt động của các đảng viên cộng sản Bun-ga-ri.

Tất nhiên, đồng chí tư lệnh phương diện quân cũng chú ý tới tình hình quân đội chính quy của Bun-ga-ri. Đ. Ga-nép biết rõ tình hình, nên đã kể lại tỉ mỉ cả về tình trạng tinh thần của quân đội. Theo đồng chí, đội ngũ binh lính và hạ sĩ quan quân đội Bun-ga-ri sẵn sàng sát cánh chiến đấu ngay với bộ đội Liên Xô. Trong hàng ngũ sĩ quan có một số phản động, thân phát-xít, nhất là ở các đơn vị làm nhiệm vụ chiếm đóng ở các nước ngoài. Còn nhân dân Xô-phi-a thì đang nóng lòng chờ đợi Hồng quân tiền vào.

Đ. Ga-nép còn nói nhiều điều bổ ích về ban lãnh đạo quân sự của quân đội Bun-ga-ri. Đồng chí đã có nhận xét tốt về thiếu tướng I. Ma-ri-nốp, cựu bộ trưởng chiến tranh, nay giữ chức Tổng tư lệnh quân đội Bun-ga-ri trong chính phủ của Mặt trận Tổ quốc. Nhưng đồng thời, theo sự quan sát riêng của mình, đồng chí thấy Tổng tư lệnh mới xử trí chậm chạp trước những tình huống nguy hiểm mà các đơn vị Hít-le và đội ngũ sĩ quan phản động gây ra ở Bun-ga-ri, nhất là ở khu vực Xô-phi-a. Đ. Ga-nép còn nắm được cả tình hình của Bộ tổng tham mưu Bun-ga-ri. Ga-nép nói thẳng ra rằng, theo nhận xét của đồng chí, thì các cán bộ trong Bộ tổng tham mưu Bun-ga-ri chưa có ý định dứt khoát kiên quyết chống lại bọn Hít-le.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM