Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:46:15 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ Tổng Tham mưu Xô-viết trong chiến tranh - Tập 2  (Đọc 109146 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #60 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2011, 12:06:16 pm »

Không quân và pháo binh của ta thường xuyên gây cho địch thiệt hại nặng. Cá biệt có những ngày máy bay địch nói chung không thể cất cánh bay trên thành phố, nhưng ta vẫn không sao tạo nên bước ngoặt cho bộ binh ở trên mặt đất được.

Tình hình trong thành phố, nhất là ở khu vực Tséc-nhi-a-khôp thất lợi như vậy, nên các đơn vị của Quân đội Ba Lan ở căn cứ bàn đạp lại càng gay go thêm. Các trận đánh diễn ra trong điều kiện tiếp tế rất khó khăn trên dải địa hình chật hẹp ven bờ sông, bị hoàn toàn cô lập với các khu vực khác ở Vác-sa-va, bị tách khỏi các lực lượng chủ yếu của tập đoàn quân Ba Lan 1.

Tất cả những tình hình trên, cộng thêm nhiều tin tức về các âm mưu chính trị của bọn cầm đầu Quân đội quốc gia, đã buộc tư lệnh phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1, Nguyên soái Liên Xô C. C. Rô-cô-xốp-xki, kiên quyết đi tới ý kiến ngừng các hành động chiến đấu ở Vác-sa-va. Gh. C. Giu-cốp ủng hộ đề nghị đó.

“Trong các điều kiện như thế, khó có thể bám giữ bờ phía Tây sông Vi-xla, - C. C. Rô-cô-xốp-xki viết trong cuốn hồi ký “nghĩa vụ quân nhân), - tôi quyết định ngừng chiến dịch lại. Chúng tôi cho các chiến sĩ đã đổ bộ sang bên kia sông trở về bên này. Đến ngày 23 tháng Chín, các phân đội của 3 trung đoàn bộ binh thuộc tập đoàn quân Ba Lan 1 đã liên lạc được với các đơn vị của mình”.

Bộ tổng từ lệnh tối cao đồng ý với tư lệnh phương diện quân. Tập đoàn quân Ba Lan 1 được lệnh chuyển sang phòng ngự dọc theo bờ phía Đông Vi-xla.

Ngày 28 tháng Chín, bọn Hít-le mở cuộc tổng tiến công ở Vác sa-va. Các trận đánh diễn ra hết sức quyết liệt. Trong vòng ba ngày chiến đấu, các đơn vị quân khởi nghĩa hầu như sắp bị thất bại hoàn toàn. Các sĩ quan liên lạc cuối cùng của tập đoàn quân Ba Lan 1 buộc phải rời cơ quan tham mưu của quân khởi nghĩa, vì chúng ta được tin tình báo địch đang chuẩn bị bắt giết họ.

Những ngày tiếp sau, lò lửa khởi nghĩa tắt dần trên các góc phố ở Vác-sa-va. Nhưng, các tốp quân khởi nghĩa ngay cả khi đã bị hoàn toàn vây chặt, bị phân tán, bị hỏa lực của quân Hít-le chế áp mạnh, bị đứt liên lạc với bộ chỉ huy của họ, vẫn kiên quyết không chịu hạ vũ khí.

Các trận đánh diễn ra ở Giô-li-bóc và Xri-út-mét-ti-e rất ác liệt. Các đảng viên cộng sản, những người chỉ huy Quân đội nhân dân bắt liên lạc với bộ chỉ huy tập đoàn quân Ba Lan 1, thông qua đó liên lạc với bộ tư lệnh phương diện quân, đã vạch ra kế hoạch hành động, bảo đảm cho những người khởi nghĩa rút khỏi Giô-li-bốc tới bờ sông Vi-xla, vượt sang Pra-ha dưới sự chi viện của pháo binh và không quân của phương diện quân Bê-lô ru-xi-a 1.

Thế nhưng, kế hoạch ấy lại bị bộ chỉ huy của Quân đội quốc gia phá hỏng. 18 giờ ngày 30 tháng Chín, bọn chúng yêu cầu những người khởi nghĩa phải đầu hàng ngay. Chỉ có một tốp nhỏ do thiếu tá Sa-nhi-áp-xki chỉ huy vừa chiến đấu vừa rút ra được tới bờ sông Vi-xla và dùng thuyền của các chiến sĩ thuộc tập đoàn quân Ba Lan 1 vượt sang bên kia sông về với chúng ta. Hai ngày sau, những trận đánh ở Xri-út-mét-ti-e cũng ngừng hẳn.

Cuộc khởi nghĩa ở Vác-sa-va kết thúc như thế đấy. Cuộc khởi nghĩa làm vẻ vang muôn đời cho nhân dân Ba Lan đã đứng lên khởi nghĩa, và cũng làm cho những kẻ trong cái gọi là “chính phủ Ba Lan" ở Luân Đôn muôn đời ô nhục.

Nhà sử học quân sự E-gi Kia-rơ-mai-e viết trong cuốn “Cuộc khởi nghĩa Vác-sa-va" đã công bằng nói rõ là, đứng về quan điểm quân sự, cuộc khởi nghĩa không có một ý nghĩa gì vào thời cơ ấy. “...Cuộc khởi nghĩa không đẩy nhanh thêm một giờ nào cho công cuộc giải phóng Vác-sa-va. - tác giả viết - Chỉ có dưới ánh sáng đó, chúng ta mới có thể hình dung ra những gánh nặng thất bại - thất bại không có căn cứ và không cần thiết”.

Tấn thảm kịch Vác-sa-va trở thành biểu tượng khủng khiếp của sự phá sản của các nhà chính trị tư sản phản động. Đồng thời, những trở ngại ở Vác-sa-va càng chứng minh trước toàn thế giới rằng Đảng công nhân Ba Lan và các lực lượng tiến bộ do Đảng lãnh đạo sẵn sàng chiến đấu đến cùng phục vụ nhân dân.

Ngày nay, ngọn lửa còn cháy sáng mãi ở Tséc-nhi-a-khốp bên bờ sông Vi-xla, gợi chúng ta nhớ đến các chiến sĩ Liên Xô và Ba Lan đã cùng đổ máu trong các trận đánh chung vì tương lai tươi sáng của nước Ba Lan nhân dân.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #61 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2011, 12:07:00 pm »

*
*   *

Chính quyền nhân dân được xây dựng trong các vùng giải phóng ở phía Đông Ba Lan, đang ra sức mau chóng phục hồi đất nước. Nhiều người Ba Lan đã đáp ứng trách nhiệm đó bằng những công việc thiết thực: các đội du kích đẩy mạnh hoạt động của mình ở vùng sau lưng địch, còn trong các vùng giải phóng, nhân dân tiến bước dưới ngọn cờ của Quân đội Ba Lan, tích cực tham gia công cuộc giải phóng các vùng đất đai của Tổ quốc còn đang bị rên siết dưới gót sắt của bọn Hít-le.

Số người tình nguyện tăng lên rất cao. Khả năng động viên lớp người tòng quân giết giặc thật dồi dào. Tình hình đó cho phép tiến tới xây dựng ở ngay trên lãnh thổ Ba Lan, chính tại khu vực Li-u-blin và Xét-lét, tập đoàn quân Ba Lan 2 trong tháng Tám 1944. Tướng Ca-rôn Xve-rơ-trép-xki được cử giữ chức tư lệnh tập đoàn quân này.

Tới ngày 1 tháng Mười, biên chế tập đoàn quân đã có khoảng 50000 người. Ngoài ra, đất nước Ba Lan đã bắt đầu thành lập quân đoàn không quân hỗn hợp và các binh đoàn, binh đội khác. Trong những trận đánh sau này, tập đoàn quân Ba Lan 2 đã tô thắm ngọn cờ của mình trong chiến dịch Béc-lin ở các vùng Ni-xa Lu-gít-cai-a, Đre-xđen, và hoàn thành chặng đường chiến đấu ở khu vực thủ đô nước Tiệp Khắc đồng minh.

Khả năng động viên trong các vùng giải phóng Ba Lan còn rất phong phú nên CRN dự định tiếp tục mở rộng thêm Quân đội Ba Lan. Tiếp sau tập đoàn quân Ba Lan 2, lại sẽ xây dựng thêm một tập đoàn quân nữa và thành lập các đơn vị đặc chủng và các đơn vị hậu cần. Vì thế cho nên Bộ tổng tham mưu được lệnh phải luôn luôn quan tâm tới vấn đề về tập đoàn quân Ba Lan thứ ba và chúng tôi cùng đã thực hiện đúng như vậy. Vả lại, chúng tôi không hề nghi ngờ gì về khả năng giải quyết vấn đề đó.

Hơn nữa, I. V. Xta-lin còn giao nhiệm vụ chuẩn bị chỉ lệnh thành lập phương diện quân Ba Lan vào ngày 15 tháng Mười một gồm 3 tập đoàn quân. Chúng tôi thảo chỉ lệnh đó và Đại bản doanh duyệt y. Ngày 3 tháng Mười tôi báo cáo việc đó cho Tổng tham mưu trưởng A. M. Va-xi-lép-xki lúc này đang làm đại diện Đại bản doanh ở Pri-ban-tích.

Thế nhưng, khi thực hiện nhiệm vụ đó, chúng ta đã vấp phải một khó khăn lớn: thiếu cán bộ chỉ huy người dân tộc. Sở dì như thế là do một loạt nguyên nhân: ở đây đã thể hiện rõ những hậu quả nặng nề của chính quyền địa chủ không tạo điều kiện cho nhân dân học hành, cũng như chính sách của bọn xâm lược Hít-le nhằm hủy hoại nền văn hóa Ba Lan và thẳng tay diệt trừ những đại biểu của nền văn hóa đó.

Như đã nói ở trên, phần lớn đội ngũ cán bộ chỉ huy các binh chủng kỹ thuật đã cùng ra đi với An-đéc-xơ. Bộ tổng tham mưu nghiên cứu các cách giải quyết khác nhau đối với những vấn đề được đặt ra lúc bấy giờ về cán bộ cho Quân đội Ba Lan. Cả các đồng chí Ba Lan của chúng ta cũng nghiên cứu những vấn đề ấy.

Thời gian trôi đi mà vẫn chưa tìm ra được cách gì đáng hy vọng cả. Rốt cuộc, tình hình gay go về đội ngũ sĩ quan đã buộc ta phải từ bỏ việc thành lập phương diện quân Ba Lan và đưa các cán bộ sĩ quan đã tập trung đi bổ sung cho các đơn vị hiện có.

Quân số của quân đội Ba Lan tăng lên rất nhanh. Đến lúc chấm dứt chiến tranh với nước Đức Hít-le, trong hàng ngũ Quân đội Ba Lan có tới 446000 người; tính đến ngày 1 tháng Năm 1945, trang bị của Quân đội Ba Lan có khoảng 303000 súng trường và súng các-bin, 106500 tiểu liên. khoảng 19000 súng máy các loại, gần 5 000 súng cối các cỡ, trên 3500 pháo, 673 xe tăng và pháo tự hành, 630 máy bay các loại, khoảng 12 000 xe và nhiều trang bị, khí tài khác.

Bộ tổng tham mưu nhận được những báo cáo nói về tình trạng rối loạn đang diễn ra sâu sắc trên đất nước Ba Lan do hậu quả của nhiều năm bị nước Đức Hít-le chiếm đóng nặng nề. Tất cả những gì quý báu đều bị bộ máy cai trị của phát-xít Đức và quân đội của chúng vơ vét, cướp bóc một cách vô liêm sỉ, chở về cái Đế chế thứ ba của bọn chúng, hoặc bị phá hủy bởi những sự thù hằn mù quáng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #62 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2011, 12:07:48 pm »

Tấm gương sống chúng minh cho các sự kiện trên là Vác-sa-va đang bị đau khổ ở bên kia sông Vi-xla. Thỉnh thoảng, từ bên ấy lại vọng sang những tiếng nổ đinh tai. Đó là những hành động trừng phạt của bọn phát-xít Đức, đang phá hủy một cách dã man những công trình ở thủ đô Ba Lan theo kế hoạch chúng đã vạch ra.

Tính mệnh của những người dân Ba Lan lúc nào cũng bị đe dọa. Ngày nay, chúng ta đã phát hiện được chính xác rằng, số người bị chết bởi tay bọn đao phủ Hít-le trong các trại tập trung là 3 triệu 577 nghìn dân Ba Lan. Nếu kể cả số người đã hy sinh ngoài chiến trường, thì con số chung lên tới 6 triệu 28 nghìn người. Nói một cách khác, cứ mỗi ngày chiếm đóng của bọn phát-xít Đức thì cướp đi sinh mệnh của ba nghìn người dân thường Ba Lan.

Qua những kinh nghiệm của bản thân trên đất nước mình, chúng tôi thông cảm đầy đủ cánh đau thương khôn tả xiết ấy của nhân dân Ba Lan và ra sức tìm mọi cách để giảm bớt những hậu quả tội ác đó của chủ nghĩa phát-xít.

Mặc dầu các cơ quan của chính quyền nhân dân Ba Lan đang giải quyết mọi vấn đề thuộc về đời sông dân sự song tình huống chiến tranh và sự rối loạn buộc họ luôn luôn phải nhờ đến bộ chỉ huy quân sự với đủ các yêu cầu. Đó cũng là lẽ đương nhiên, và các chiến sĩ xô-viết không thể không suy nghĩ và quan tâm tới vận mệnh của nước Ba Lan mai sau.

Tướng N. C. Xu-bốt-tin. ủy viên Hội đồng quân sự phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 2, tướng C. Ph. Tê-lê-ghin, ủy viên Hội đồng quân sự phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1, tướng C V Cray-nhi-u-cốp, ủy viên Hội đồng quân sự phương diện quân U-crai-na 1 thường xuyên quan tâm đến những công việc này và giải quyết gấp rút các vấn đề trong cuộc sống.

Chúng ta phải giải phóng các nhà trường để lấy chỗ học tập cho trẻ em, cho in các sách giáo khoa, tổ chức các bệnh viện và cung cấp thuốc men, không cho phép ai được làm trở ngại đến các nghi lễ, thủ tục của tôn giáo, đụng chạm đến miếu đền, nhà thờ.

Lợi dụng tình thế khó khăn do chiến tranh gây ra trong lúc này, một số phần tử phản động cũng đã len lỏi, bí mật hoạt động phá hoại, trong đó có bọn quốc xã U-crai-na. Chúng sát hại những người có trách nhiệm, cướp bóc của cải của nhân dân, phá hoại các kho chứa lương thực và cỏ khô. Chính quyền nhân dân phải đấu tranh chống lại bọn chúng, nhưng nếu không có sự giúp sức của quân ta thì họ không thể làm nổi việc đó.

Các đơn vị của chúng ta phối hợp với chính quyền, góp phần gìn giữ trật tự xã hội ở những vùng giải phóng. Các công việc trên đều là những việc cấp bách, không thể trì hoãn và rất phức tạp. Vì các phương diện quân của ta lúc này cũng còn thiếu thốn nhiều, chưa đủ đáp ứng yêu cầu khôi phục lại cuộc sống bình thường trên những vùng đất đai đã bị đau khổ bởi chủ nghĩa phát-xít tàn bạo.

Các cán bộ quân sự và chính trị của ta phải tiến hành nhiều mặt công tác thật khó khăn. Nhưng mọi việc rồi cũng trôi chảy cả. Các chiến sĩ chúng ta nhìn thấy tận mắt công cuộc khôi phục lại đất nước của nhân dân Ba Lan anh dũng, quên mình. Chính phủ và quân đội Liên Xô tìm mọi cách chi viện cho nhân dân Ba Lan. Sự thống nhất và tình hữu nghị đó chính là điều bảo đảm cho tương lai tươi sáng của đất nước Ba Lan.

Bộ tổng tham mưu Liên Xô chỉ thị cho các đồng chí tư lệnh các đơn vị đang tác chiến phải đặc biệt chú ý đến vấn đề an ninh của nhân dân khi thi hành nhiệm vụ và áp dụng các biện pháp nhằm bảo vệ các công trình công nghiệp, các thành phố và làng mạc, các di tích của nền văn hóa dân tộc Ba Lan.

Theo đề nghị của chính phủ Ba Lan (thời gian này chính phủ còn tạm thời đặt trụ sở ở Li-u-blin), các công nhân đường sắt và các đồng chí lái xe của chúng ta đã chở các loại hàng hóa đi trên “con đường xanh" tới khắp các khu vực đất nước Ba Lan. Chúng ta đã chở thuốc men và bột mì (10 nghìn tấn) vào cuối tháng Chín 1944 tới Pra-ha, đến các vùng phụ cận Vác-sa-va. Sau này, khi đất nước Ba Lan mở rộng thêm các vùng giải phóng ở phía bên kia sông Vi-xla, chúng ta lại chở 10 nghìn tấn bột mì và 5 nghìn tấn đường tới Ca-tô-vít-xe, chở 5 nghìn tấn bột và 2 nghìn tấn đường tới Cra-cốp, 2 nghìn tấn đường tới Tren-xtô-khôp và Ken-txe.

Cho tới cuối năm 1945, nông dân Ba Lan nhận được các súc vật kéo và hơn 138 nghìn tấn lúa mì của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1, sau này của cụm các lực lượng Liên Xô đóng quân trên nước Đức. Chúng ta chuyển giao cho chính quyền nhân dân Ba Lan số súc vật, các kho tàng lương thực và cỏ khô của bọn địa chủ và tư sản Đức bỏ lại.

Chúng ta còn chuyển giao cả máy bay và xe cho chính quyền Ba Lan để duy trì công tác giao thông, vận tải. Bộ đội ta khôi phục được hơn 4000 ki-lô-mét đường sắt, trên 12000 ki-lô-mét thông tin liên lạc bằng đường sắt

Nói tóm lại, giữa bộ đội Liên Xô và các cơ quan chính quyền do ủy ban giải phóng dân tộc Ba Lan lập ra, đã hình thành nên những mối quan hệ thực sự con người, những mối quan hệ anh em của những người bạn cùng chiến đấu, và đến tháng Tư 1945 những mối quan hệ ấy lại được thể hiện rõ trong hiệp ước hữu nghị tương trợ và hợp tác sau chiến tranh giữa Liên Xô và nước Cộng hòa Ba Lan.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #63 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2011, 12:08:44 pm »

*
*   *

Mặc dầu cuộc khởi nghĩa ở Vác-sa-va bị thất bại, song Đại bản doanh và Bộ tổng tham mưu vẫn tìm mọi cách tiêu diệt cụm quân địch bố trí ở Vác-sa-va. Tuyến sông Na-rép giữ một vị trí đặc biệt trong các kế hoạch tính toán của ta. Chúng ta đã nói tới kế hoạch chiến dịch tiến công từ căn cứ bàn đạp Na-rép mà cơ sở của ý định chiến dịch ấy là những đề nghị của Gh. C. Giu-cốp và C. C. Rô-cô-xốp-xki. Chúng ta đã tiến hành chuẩn bị đầy đủ cho chiến dịch và ngày 5 tháng Mười, chiến dịch sẽ bắt đầu.

Nhưng sáng 4 tháng Mười, chúng ta được tin: quân địch mở cuộc tiến công lớn đánh vào các đơn vị của P. I. Ba-tốp tại căn cứ Xê-rôt-xcơ, thậm chí đã đánh bật được quân ta. Chúng ta chặn được mũi tiến công của xe tăng và bộ binh địch, nhưng các trận đánh quyết liệt vẫn còn tiếp diễn. Đến ngày 9 tháng Mười, cuộc tiến công cua địch bị chặn đứng hẳn và bộ đội ta tổ chức phản địch. Đáng tiếc là chúng ta không làm cho địch bị thiệt hại nặng và triển vọng tới đây cũng không hứa hẹn được gì hơn. Do đó, tình hình buộc chúng ta phải điều động bố trí lại lực lượng, tích lũy binh lực, bảo đảm việc chuẩn bị vật chất cho các chiến dịch sắp tới.

Cuối tháng Mười, cả Xta-lin cũng không hy vọng có thể sớm giải phóng được Vác-sa-va. Bộ đội bên cánh phải của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 thực tế đã chuyển sang phòng ngự, và ngày 12 tháng Mười một, phương diện quân nhận được chỉ lệnh của Đại bản doanh về vấn đề đó.

Công cuộc giải phóng hoàn toàn đất nước Ba Lan, trong đó có Vác-sa-va, gắn liền với cuộc tiến công mùa đông của chúng ta trong năm 1945 là năm chiến thắng trên hướng Tây. Như mọi người đều biết cuộc tiến công đó thu được thắng lợi căn bản, dẫn đến tuyến cuối cùng, kết thúc việc tiêu diệt nước Đức Hít-le, thọc thẳng vào Béc-lin - trái tim của nước Đức phát-xít.

Trong quá trình các chiến dịch mùa đông năm 1945, phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 2 đã phá vỡ các cứ điểm phòng ngự của địch, đánh lui các cuộc phản kích của chúng, tiến ra khu vực Đan-xích. Bộ đội của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 vượt qua nhiều phòng tuyến địch, tiến tới sông Ô-đe. Bộ đội của phương diện quân U-crai-na 1 đánh tan quân địch ở Xi-lê-di, giải phóng được khu công nghiệp quan trọng cho nhân dân Ba Lan, tiến tới Nây-xe (Nư-xa). Bộ đội của phương diện quân U-crai-na 4, bảo đảm mặt phía Nam của chiến dịch cho các phương diện quân chủ yếu, cũng đã hoạt động thắng lợi.

Vinh quang tiến vào thủ đô Ba Lan dành cho tập đoàn quân Ba Lan 1 do trung tướng X. G. Pô-pơ-láp-xki làm tư lệnh. Hoạt động chiến đấu của tập đoàn quân này dựa vào các kết quả tiến công của các lực lượng chủ yếu thuộc phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 của nguyên soái Gh. C. Giu-cốp, mà thành phần lúc đó bao gồm cả tập đoàn quân Ba Lan 1.

Các lực lượng chủ yếu của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 tiến ra Cút-nô, Lốt-dơ, đi đầu là các tập đoàn quân xe tăng cận vệ 1 và 2 của M. E. Ca-tu-cốp và X. I. Bô-gđa-nốp. Sau khi đã chọc thủng tuyến phòng ngự và đánh tan các đơn vị của Cụm lập đoàn quân “trung tâm”, 2 tập đoàn quân xe tăng trên đã nhanh chóng tiến vào phía sau lưng cụm quân địch đóng tại Vác-sa-va. Mũi thọc sâu của 2 tập đoàn quân xe tăng đã phá vỡ hệ thống phòng ngự của địch, buộc chúng phải suy nghĩ tới việc rút chân ra khỏi thủ đô nước Ba Lan đã bị tàn phá tan hoang. Và ngày 17 tháng Giêng 1945, tập đoàn quân Ba Lan 1 lợi dụng thời cơ đó tiến vào thủ đô Ba Lan quét sạch địch ra khỏi Vác-sa-va.

Phương diện quân U-crai-na 1 của I. X. Cô-nép là đơn vị bạn bên phải, nhanh chóng bẻ gãy phòng ngự địch trong dải tiến công của mình, và từ ngày 18 tháng Giêng, cả hai phương diện quân chuyển sang truy kích ráo riết các đơn vị phát-xít Đức. Nhưng, nếu như phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 tiến nhanh được lên phía trước, thì ở phương diện quân U-crai-na 1 tình hình lại phức tạp hơn.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #64 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2011, 12:08:54 pm »

Như đã nói ở phần trên, ở đây có khu công nghiệp Xi-lê-di, cần được giữ gìn cho nước Ba Lan nhân dân, nên không được đột phá thẳng vào đây. Tình huống buộc phương diện quân phải đánh vu hồi, nhử địch vận động ra ngoài để tiêu diệt địch ở bên ngoài khu công nghiệp. Bộ tư lệnh phương diện quân đã hành động thật xuất sắc. Chiến dịch Xi-lê-di của phương diện quân U-crai-na 1 là một trong những trang sử vẻ vang đầy hứng thú và có ý nghĩa nhất của nền nghệ thuật quân sự xô-viết.

Trong dải tiến công của phương diện quân U-crai-na 1 có thành phố Cra-cốp cổ - một di tích kiến trúc lâu đời của nhân dân Ba Lan, nơi đây tập trung những công trình sáng tạo tuyệt vời của nền nghệ thuật dân tộc Ba Lan. Muốn bảo vệ thành phố khỏi bị phá hoại, pháo binh và không quân ta không được bắn phá vào thành phố.

Những dẫn chứng như vậy có rất nhiều. Nó chứng minh cho những hành động sáng suốt, biết nhìn vào mai sau, chứng minh cho tình hữu nghị anh em đã ăn sâu trong ý thức của hai dân tộc Liên Xô và Ba Lan, chứng minh cho khát vọng giúp đỡ bạn bè trong những hoàn cảnh chiến tranh phức lạp nhất.

Chúng ta cũng không thể không nói một lần nữa đến việc hiệp đồng chiến đấu giữa bộ đội ta với các lực lượng du kích to lớn của Ba Lan trên lãnh thổ Ba Lan nhất là ở vùng Ke-lép-si-na. Những người dân thường Ba Lan, nếu không thể sát cánh chiến đấu cùng bộ đội chúng ta, thì cũng đã để lại tấm lòng còn in đậm trong mỗi người chiến sĩ Liên Xô, nhiều chiến sĩ Liên Xô đã được nhân dân Ba Lan quên mình cứu giúp, thoát khỏi những mối hiềm họa tưởng chừng khó bề tránh nổi.

Kết quả các chiến dịch phối hợp giữa các phương diện quân của ta và Quân đội Ba Lan là đã hoàn toàn giải phóng được đất nước Ba Lan khỏi ách nô dịch của bọn xâm lược Hít-le, từ bờ biển Ban-tích tới dải núi Các-pát. Ngọn cờ đỏ thắm của Liên Xô và trắng đỏ của Ba Lan phấp phới trên các bờ biến Pô-mô-ri-ê, trên làn sóng nước Ô-đe, và Nư-xa - biên giới của nước Ba Lan nhân dân tự do và độc lập.

Tình đoàn kết chiến đấu của bộ đội Liên Xô và Ba Lan ngày một phát triển. Trong chiến dịch Béc-lin, chiến dịch quan trọng nhất trong các chiến dịch cuối cùng chống nước Đức phát-xít, có sự tham gia của tập đoàn quân Ba Lan 1, tập đoàn quân Ba Lan 2, và cả quân đoàn không quân 1, quân đoàn xe tăng 1, sư đoàn pháo binh 2, lữ đoàn súng cối độc lập 1 và những đơn vị khác. Các đơn vị trên đã sát cánh chiến đấu trong thành phần của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 và U-crai-na 1, trong biên chế có tới 185000 chiến sĩ và sĩ quan, hơn 3000 khẩu pháo, gần 500 xe tăng, hơn 300 máy bay. Đó là sự đóng góp to lớn vào chiến thắng chung trước kẻ thù hung bạo.

Con đường đã trải qua của người chiến sĩ xô-viết chỗ nào và lúc nào cũng gặp nhiều gian truân. Con đường ấy khi tới Búc cũng còn gặp nhiều khó khăn. 600000 chiến sĩ chúng ta đã yên nghỉ trên đẩt nước Ba Lan. Các đài kỷ niệm những người đã ngã xuống còn nhắc nhở chúng ta về những ngày chiến tranh, về cuộc chiến đấu chung sức bên nhau của hai dân tộc Liên Xô và Ba Lan, vì tự do, độc lập và danh dự của nhà nước Ba Lan chống lại bọn chiếm đóng Hít-le. Nước Ba Lan nhân dân ghi công các chiến sĩ đã ngã xuống, khâm phục sự đóng góp to lớn của các chiến sĩ Liên Xô trong sự nghiệp tiêu diệt kẻ thù chung là chủ nghĩa phát-xít Đức.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #65 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2011, 12:07:47 pm »

CHƯƠNG BỐN
Giải phóng Ru-ma-ni

Tại ngưỡng cửa Ru-ma-ni. - Chúng ta chuẩn bị chiến dịch. - Hai ý kiến. - Hội nghị trong Đại bản doanh. - Hợp vây và tiêu diệt quân địch ở Ki-si-ni-ốp và I-át-xu - Mở đường vào Ru-ma-ni. - Chế độ độc tài của I. An-tô-ne-xcu mất chỗ đứng. – Quân ta ở Bu-ca-rét. - Các sự kiện ở thủ đô Ru-ma- ni. - Vua Mi-khai với vai trò chống phát- xít - Cuộc khởi nghĩa của nhân dân. - Sự bất ngờ dễ chịu. - Trên đường nắm lấy chính quyền nhân dân. - Quân đội Ru-ma-ni là đồng minh của chúng ta.

Bộ đội Liên Xô tiến ra biên giới Liên Xô - Ru-ma-ni không những có liên quan tới việc tổ chức các chiến dịch, mà còn liên quan tới nhiều biện pháp chính trị lớn khác nữa. Chính phủ Liên Xô được biết công tước Stiếc-bây, cựu thủ tướng Ru-ma-ni, đang tiến hành những cuộc hội đàm bí mật giữa các giới cầm quyền Ru-ma-ni với các đại biểu của Mỹ và Anh về tình hình Ru-ma-ni. Khi bộ đội chúng ta tiến gần đến biên giới Ru-ma-ni, giới báo chí và các nhà ngoại giao nước ngoài tung tin rằng Chính phủ Liên Xô đề ra những điều kiện đặc biệt đối với chính phủ Ru-ma-ni.

Những hiện tượng chính trị đó biểu hiện mối lo lắng của các nhà cầm quyền phát-xít ở Ru-ma-ni. Các cơ quan chính thức của Liên Xô đã bác bỏ đích đáng những tin tức bịa đặt ấy.

Ngày 22 tháng Ba 1944, Thông tấn xã Liên Xô tuyên bố:

“Theo nguồn tin của báo chí Thụy Điển, “nhật báo Giơ-ne-vơ” của Thụy Sĩ tung tin là công tước Stiêc-bây, đại diện của Ru-ma-ni, đã nhận tại An-ca-ra “các điều kiện đình chiến của người Nga được người Anh tán thành”. Hình như các điều kiện ấy gồm bảy điểm nói về đường biên giới Liên Xô - Ru-ma-ni, việc trao trả tỉnh Tơ-ran-xin-va-ni cho Ru-ma-ni, việc Liên Xô từ chối không nhận bồi thường các phí tổn chiến tranh cùng những điểm khác.

Thông tấn xã Liên Xô được ủy nhiệm bác bỏ các tin tức trên, coi đó là những tin tức bịa đặt và tuyên bố rằng nói chung Liên Xô không hề đưa ra một điều kiện gì đối với Stiếc-bây hoặc một đại biểu nào khác của Ru-ma-ni”.

Tôi thấy cần phải nói rằng, đầu mùa xuân năm 1944, Bộ tổng tham mưu càng nhận thức rõ thêm đường lối của đoàn đại biểu Liên Xô tại Hội nghị Tê-hê-ran là rất sáng suốt (hội nghị họp từ ngày 28 tháng Mười một đến 1 tháng Chạp 1943). Hội nghị đã thông qua quyết định mở mặt trận thứ hai ở Tây Âu chứ không phải ở Ban-căng. Và, ngày nào Bộ tổng tham mưu cũng có tin về thái độ quanh co trong chính sách đối ngoại của các giới cầm quyền Ru-ma-ni, các mưu toan của họ nhích gần lại với khối Anh - Mỹ.

Các phải viên của Ru-ma-ni hoạt động lúc ở Bồ Đào Nha, lúc ở Thụy Sĩ, lúc ở Tây Ban Nha. Bọn họ còn xuất hiện ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển, thăm dò các điều kiện mà Mỹ - Anh ký kết hòa ước riêng rẽ với nước Đức phát-xít và các nước chư hầu. Các nhà cầm quyền phát-xít ở Ru-ma-ni, nhất là sau khi I-ta-li-a đầu hàng, đã chộp lấy cơ hội chạy sang khối Anh - Mỹ.

Từ mùa hè năm 1943, “phe đối lập” Ru-ma-ni do Ma-niu và Bra-ti-a-nu, những thủ lĩnh của các đảng phải có tính chất “lịch sử”, cầm đầu, đã tích cực tham gia vào các việc tìm kiếm cách ký kết các hòa ước riêng rẽ. Mọi mưu toan của họ đều nhằm mục đích sao cho quân Anh - Mỹ tiến vào Ru-ma-ni trước bộ đội Liên Xô. Các nhà cầm quyền Ru-ma-ni không tiếc lời hứa hẹn để cho quân Anh - Mỹ gấp rút vào chiếm đóng trên đất Ru-ma-ni.

Khi bộ đội chúng ta vượt qua biên giới Liên Xô - Ru-ma-ni, tại hội nghị các nhà báo ngày 2 tháng Tư 1944, Chính phủ Liên Xô đã ra bản tuyên bố mà bạn đọc đã biết và báo cho toàn thế giới biết rằng: các đơn vị của quân đội chúng ta đã vượt qua sông Prút và tiến vào lãnh thổ Ru-ma-ni, còn Bộ tổng tư lệnh tối cao thì ra lệnh cho các đơn vị đang tiến công phải truy kích địch cho tới khi hoàn toàn tiêu diệt chúng và buộc chúng phải đầu hàng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #66 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2011, 12:08:26 pm »

Ngày 10 tháng Tư, Hội đồng quốc phòng Nhà nước ra Nghị quyết về thái độ của bộ đội Liên Xô trên lãnh thổ Ru-ma-ni. Hội đồng quốc phòng Nhà nước phổ biến nghị quyết đó cho Hội đồng quân sự phương diện quân U-crai-na 2 và yêu cầu phổ biến tới nhân dân Ru-ma-ni lời kêu gọi đặc biệt, giải thích rõ thực chất bản tuyên bố của Chính phủ Liên Xô ngày 2 tháng Tư.

Đồng thời, nghị quyết còn quy định cả trách nhiệm của Hội đồng quân sự trong việc tổ chức lãnh đạo chung, kiểm soát và giám sát mọi hoạt động của các cơ quan chính quyền dân sự của Ru-ma-ni. Tướng I. D. Xu-xai-cốp, ủy viên Hội đồng quân sự, chịu trách nhiệm riêng về các lĩnh vực hoạt động này.

Nghị quyết còn quy định không được phá vỡ các cơ quan chính quyền của Ru-ma-ni, bảo vệ quyền sở hữu tài sản của các công dân và các đoàn thể tư nhân. Vùng giải phóng đã thành lập ra cơ quan quân chính xô-viết. Hội đồng quân sự của các phương diện quân và tập đoàn quân căn cứ vào nghị quyết đã triển khai hoạt động tuyên truyền giải thích rộng rãi và những hoạt động thực tiễn khác.

Bè lũ chư hầu Ru-ma-ni của Hít-le vẫn lo sợ trước bản tuyên bố nhân đạo của Chính phủ Liên Xô. Chúng thấy Hồng quân chiến thắng sẽ có ảnh hưởng cách mạng hóa to lớn đến những người lao động Ru-ma-ni và tạo nên những điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh chống phát-xít của những người lao động Ru-ma-ni.

Ít lâu sau, các nước đồng minh thông báo cho Liên Xô biết ý định mới của chính phủ Ru-ma-ni muốn đàm phán với các nước đồng minh. Nhưng lần này, cả Chính phủ Liên Xô cũng tham gia vào cuộc đàm phán và đề ra cho I. An-tô-ne-xcu sáu điều kiện để đình chiến: cắt đứt quan hệ với nước Đức, Ru-ma-ni sẽ cùng với các nước trong khối liên minh chống Hít-le đấu tranh chống lại nước Đức; khôi phục lại hoàn toàn đường biên giới Liên Xô với Ru-ma-ni và bồi thường cho chúng ta những thiệt hại do quân đội Ru-ma-ni gây ra; trao trả các tù binh của Liên Xô và các nước đồng minh; giúp đỡ về mọi mặt cho bộ đội Liên Xô và các nước đồng minh tổ chức chiến dịch trên lãnh thổ Ru-ma-ni: xóa bỏ vấn đề Tơ-ran-xin-va-ni và giúp đỡ bộ đội Liên Xô giải phóng khu vực này. Chính phủ I. An-to-ne-xcu đã lảng tránh các điều kiện trên và tiếp tục chiến tranh.

Trong lúc đang tiến hành đàm phán thì chiến sự vẫn tiếp diễn và phát triển. Dự định của chúng ta tiến công ngay từ căn cứ bàn đạp bên kia sông Prút từ hồi tháng Tư không thành công. Ba phương diện quân - phương diện quân U-crai- na 1, rồi sau đó là các phương diện quân U-crai-na 2 và 3, theo lệnh của Đại bản doanh chuyển sang phòng ngự. Tuy nhiên, tình hình đó không làm ảnh hưởng đến việc chuẩn bị tiến công của ta. Bộ tổng tham mưu và các phương diện quân vẫn xúc tiến vạch kế hoạch các chiến dịch ở hướng Tây - Nam.

Hồi đó, ban lãnh đạo của Bộ tổng tham mưu và Tổng cục chính trị đã phải suy nghĩ tới rất nhiều vấn đề. Công việc giải phóng Ru-ma-ni không những rất tế nhị mà còn rất phức tạp, vì Ru-ma-ni là nước đồng minh với nước Đức Hít-le và các giới cầm quyền Ru-ma-ni lại là những tên tòng phạm với các tội lỗi của Hít-le. Đất nước chúng ta vẫn chưa tiêu tan hết mùi khói cay đắng của những đám cháy do bọn chiếm đóng để lại, trong đó có cả binh lính của Ru-ma-ni. Làng mạc tan hoang, phố xá đố nát, biết bao nhiêu vợ góa, con côi ...

Suy nghĩ về tư cách người chiến sĩ của chúng ta hoạt động ở nước ngoài, chúng ta tin vào ý thức cách mạng, tinh thần quốc tế chủ nghĩa đã được thử thách của nhân dân Liên Xô, tin vào tài tổ chức của các cán bộ chỉ huy, tin vào hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị của chúng ta.

Chúng ta tin chắc rằng, bằng tầm gương của bản thân và lời của Đảng, các cán bộ chỉ huy và cán bộ chính trị của chúng ta sẽ biết giúp cho các chiến sĩ xô-viết kết hợp được đúng đắn lòng yêu nước nồng nàn với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong quá trình chiến đấu. Và đó chính là điều chủ yếu bảo đảm cho mòi quan hệ đúng đắn giữa đấu tranh kiên quyết nhằm hoàn toàn tiêu diệt quân thù với tình hữu nghị chân chính đối với nhân dân lao động. Ở đây, không có bóng dáng của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Các đại biểu của chế độ xô-viết tiên tiến và nhân đạo những người bảo vệ lợi ích của dân chủ và chủ nghĩa xã hội, đập tan chế độ phát-xít Hít-le, đã tiến vào Ru-ma-ni.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #67 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2011, 12:09:06 pm »

Ngay từ cuối tháng Ba 1944, Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô đã chuẩn bị đội ngũ các cán bộ chỉ huy cho các đơn vị của Liên Xô và các cơ quan chính trị hoạt động trên lãnh thổ Ru-ma-ni. Việc tiêu diệt địch và bộ máy mật vụ của chúng phải tiến hành theo các điều luật của thời chiến, nhưng lại không được phạm tới các quyền hợp pháp của chính quyền quốc gia trong các công việc nội chính. Chúng ta đã quy định nhiệm vụ, nội dung và các phương pháp công tác chính trị cơ bản trong bộ đội, các quy tắc và các tiêu chuẩn hành động của quân nhân Liên Xô ở nước ngoài. Tất cả đều hiểu rằng phải kiên quyết ngăn chặn bất kỳ trường hợp nào vi phạm tới luật pháp, dù là cả biệt, vô ý thức.

Chúng ta rất quan tâm đến sự hợp tác chặt chẽ với nhân dân lao động Ru-ma-ni và chỉ có sự hợp tác chặt chẽ đó mới có thể đem lại thắng lợi cho các nguyên tắc dân chủ trong nước. Nhưng, chúng ta cũng thấy còn nhiều khó khăn to lớn. Chính phủ Ru-ma-ni đã khước từ các điều kiện đình chiến nhân đạo do Chính phủ Liên Xô nêu ra ngày 12 tháng Tư 1944, và máu vẫn tiếp tục đổ. Chính phủ độc tài phản động Ru-ma-ni tìm mọi cách đe dọa nhân dân, bịa đặt về “sự chiếm đóng khủng khiếp của Liên Xô”, “sự đầy ải ở Xi-bi-ri”, và nhiều điều khác.

Công tác tuyên truyền của bọn phát-xít đã kết hợp sự vu khống Hồng quân với âm mưu bôi nhọ danh dự của các đảng viên cộng sản và các chiến sĩ du kích Ru-ma-ni, nói xấu họ là những người ăn cướp, những tên thổ phỉ. Song, ta cần phải nói rằng nhân dân Ru-ma-ni đã sớm nhận ra ai là người chân chính đấu tranh cho hạnh phúc của mình.

Chúng ta đều biết rằng, đất nước Ru-ma-ni bị đau khổ dưới ách độc tài quân sự của An-tô-ne-xcu và trên thực tế bị nước Đức phát-xít nô dịch, các đảng viên cộng sản dần dần đã củng cố được vị trí và ảnh hưởng của mình.

Mùa xuân năm 1944, khi chế độ An-tô-ne-xcu bước vào giai đoạn khủng hoảng, Đảng cộng sản Ru-ma-ni đề ra một trong những nhiệm vụ chủ yếu của mình là đấu tranh nhằm thống nhất giai cấp công nhân. Đó là điều kiện rất quan trọng bảo đảm thắng lợi cho cuộc khởi nghĩa vũ trang sau này.

Để giải quyết nhiệm vụ đó, tháng Tư 1944, Mặt trận công nhân thống nhất Ru-ma-ni được thành lập, ra bản tuyên bố “gửi toàn thể giai cấp công nhân! Gửi nhân dân Ru-ma-ni!” nhân dịp ngày 1 tháng Năm. Tuyên ngôn kêu gọi dùng mọi phương thức để phá vỡ bộ máy quân sự của Hít-le. Đồng thời, Đảng cộng sản bắt đầu xây dựng các nhóm chiến đấu yêu nước, chuẩn bị từng bước cho cuộc khởi nghĩa vũ trang.

Còn trên đất nước Liên Xô thì đã tổ chức ra sư đoàn bộ binh mang tên Tu-đo Vla-đi-mia-re-xcu và các nhóm du kích gồm những người chống phát-xít và các tù binh trước đây. Các nhóm du kích sau này đã đổ bộ vào Ru-ma-ni. Tháng Năm 1944, Đảng cộng sản ký hiệp nghị thống nhất hành động với một trong các phái dân tộc-tự do, rồi sau đó các lãnh tụ của các đảng dân tộc-nông dân và dân tộc-tự do trực tiếp bắt liên lạc với các đảng viên cộng sản. Triển vọng bị phá sản của nước Đức Hít-le đã đẩy họ tới những hành động ấy.

Đảng cộng sản ra sức tập hợp mọi lực lượng chống Hít-le, trong đó có cả các đảng của giai cấp tư sản; Đảng đã hành động rất mềm dẻo nhằm cô lập tập đoàn phát-xít của I. An-tô-ne-xcu và thu hút bộ phận nhân dân đang chịu ảnh hưởng của các đảng tư sản-địa chủ đấu tranh chống lại tập đoàn đó. Tuy nhiên, lúc đó tình hình chưa đưa tới chỗ hình thành nên khối liên minh chính trị chống chế độ phát-xít Ru-ma-ni.

Khi đã có chỉ thị của Đại bản doanh, Bộ tổng tham mưu xô viết phải chú ý đến tình thế lúc bấy giờ ở nước này hay nước khác, tính toán đến mọi vấn đề chính trị phức tạp, thậm chí còn phải, trong chừng mực nào đó, tham gia giải quyết các vấn đề đó. Đại bản doanh nhiều lần nhắc chúng tôi chú ý đến tình hình mới của bộ đội ta đang tiến công trong lúc này, và chúng tôi cũng đã nhiều lần báo trước cho R. I-a. Ma-li-nốp-xki biết nhiệm vụ chính trị của bộ đội đồng chí có một tầm quan trọng đặc biệt như thế nào, vì phương diện quân của đồng chí là lực lượng chủ yếu ở Ru-ma-ni và Hung-ga-ri.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #68 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2011, 12:10:16 pm »

Cụm tập đoàn quân phát-xít Đức “nam U-crai-na” phải chống đỡ với hai phương diện quân của ta là phương diện quân U-crai-na 2 và U-crai-na 3. Thành phần cụm quân của chúng có hai tập đoàn quân Đức (tập đoàn quân 8 và 6) và 2 tập đoàn quân Ru-ma-ni (tập đoàn quân 4 và 3), quân đoàn độc lập 17 (người Đức) và nhiều đơn vị bộ binh cùng nhiều đơn vị đặc chúng khác.

Quân địch khá mạnh, những trận đánh vừa qua đủ chứng minh cho tình hình đó. Chỉ huy cụm tập đoàn quân này trong một thời gian dài là thượng tướng Séc-nơ, một trong những tên tướng chỉ huy có tài năng của nước Đức phát-xít. Sau này, y vẫn điên cuồng chống phá lại bộ đội Liên Xô sau khi nước Đức đã có lệnh đầu hàng toàn bộ.

Vào cuối tháng Bảy, tướng Phrít-xne thay thế tướng Séc-nơ. Bộ chỉ huy Đức hy vọng sự thay đổi tướng lĩnh đó sẽ có lợi cho chúng. Chúng ta được biết Phrít-xne là một tên tướng giàu kinh nghiệm và có kiến thức rộng, mặc dầu trước đây, khi chỉ huy Cụm tập đoàn quân “bắc”, y đã bị thất bại ở Pri-ban-tích.

Các công trình phòng ngự được xây dựng suốt ngày đêm trên khắp các dải chiến đấu của Cụm tập đoàn quân “nam U-crai-na”; cả biệt trên một số hướng, chúng còn cấu trúc các trận địa dã chiến kết hợp với các khu cứ điểm đã được tăng cường từ trước .

Khi vạch kế hoạch các chiến dịch ở Ban-căng, ngoài những yếu tố tình huống thông thường, chúng tôi còn phải chú ý tới một tình hình khác nữa là: khả năng hành động của cái gọi là “phương án Ban-căng” của các nước đồng minh của chúng ta. Phương án này quy định sẽ đồng thời mở mặt trận thứ hai và quân đội của các nước đồng minh sẽ đột nhập vào các nước trên bán đảo Ban-căng. Uyn-xtơn Sớc-sin đã trình bày khái quát “phương án Ban-căng” ngay từ Hội nghị Tê-hê-ran và bây giờ đòi phải thực hiện phương án đó.

Nếu thực hiện “phương án Ban-căng” thì các lực lượng vũ trang Anh - Mỹ sẽ giữ vai trò chủ yếu trên bán đảo. Liên Xô sẽ phải khắc phục nhiều khó khăn có tính chất chính trị và tiến hành nhiều mặt công tác lớn để phối hợp hành động với quân đội đồng minh. Cùng không loại trừ cả trường hợp các nước đồng minh còn tiến hành những mưu toan thỏa thuận ngầm với chính phủ Ru-ma-ni ở sau lưng chúng ta. Ít lâu sau, chúng ta được biết đúng là họ đã tiến hành một số mưu toan đó.

Cũng có nhiều khó khăn trong việc phối hợp hành động của các Lực lượng vũ trang Liên Xô. Nhìn vào bản đồ, chúng ta ai cũng thấy rõ là bộ đội Liên Xô phải hành động đồng thời ở phía Nam nhằm giải phóng Bun-ga-ri và Nam Tư, và ở phía Tây nhằm tiêu diệt quân phát-xít Đức ở Hung-ga-ri, Áo và Tiệp Khắc. Như vậy là các lực lượng chúng ta sẽ bị phân tán, thêm nữa là bộ đội ta phải chiến đấu trên một chính diện rất rộng trong điều kiện địa hình rất không thuận tiện cho bên tiến công, vì núi sông và nhiều vùng dân cư có lợi cho việc tổ chức phòng ngự của địch.

Đi đôi với việc chuẩn bị các mặt quân sự, chính trị, tinh thần cho Hồng quân làm nhiệm vụ giải phóng trên lãnh thổ các nước chư hầu của nước Đức Hít-le, chúng ta còn vận dụng cả những hoạt động ngoại giao làm rung chuyển nền tảng của khối liên minh Hít-le.

Ví dụ như, ngày 13 tháng Năm 1944, các chính phủ Liên Xô, Anh và Mỹ đã ra những bản tuyên bố gửi cho các nước Hung-ga-ri, Ru-ma-ni. Bun-ga-ri và Phần Lan, lên án chính sách hiện nay của chính phủ các nước đó là đã củng cố thêm cho bộ máy chiến tranh của nước Đức. Đồng thời cũng vạch rõ: các nước này có thể rút ngắn thời hạn chiến tranh ở châu Âu, giảm bớt những tổn thất của mình và góp phần thắng lợi với các nước đồng minh.

Muốn vậy, họ phải rút khỏi chiến tranh, đình chỉ ngay việc hợp tác với nước Đức có hại cho chính họ và dùng mọi phương tiện hiện có chống lại bọn Hít-le. Các nước chư hầu đều được cảnh cáo trước rằng, họ cần quyết định ngay là họ sẽ ngoan cố bám giữ lấy chính sách vô hy vọng và nguy hại hiện nay của họ hay sẽ đóng góp vào thắng lợi chung với các nước đồng minh và do đó sẽ tránh khỏi trách nhiệm liên lụy chiến tranh cùng với bọn Hít-le. Hành động ấy của các nước đồng minh đã thu được kết quả chính trị to lớn, nó đã củng cố thêm một bước quan trọng cho vị trí của các lực lượng kháng chiến.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #69 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2011, 12:10:58 pm »

*
*   *

Chúng ta đã nói ở phần trên là các đồng chí tư lệnh các phương diện quân U-crai-na 2 và 3 ngay từ hồi tháng Năm 1944 đã nhận nhiệm vụ chuẩn bị cho chiến dịch. Công tác chuẩn bị kéo dài vì thời hạn mở chiến dịch bị hoãn và lực lượng các phương diện quân có sự thay đổi.

Trước lúc diễn ra các sự kiện quyết định, có những thay đổi về nhân sự trong thành phần các cán bộ lãnh đạo của các phương diện quân như sau: R. I-a. Ma-li-nốp-xki chuyển sang phương diện quân U-crai-na 2, Ph. I. Tôn-bu-khin thay Ma-li-nốp-xki làm tư lệnh phương diện quân U-crai-na 3, I. X. Cô-nép được cử làm tư lệnh phương diện quân U-crai-na 1, còn Gh. C. Giu-côp trở về với cương vị Phó tổng tư lệnh tối cao của mình, ít lâu sau lại được cử làm đại diện Đại bản doanh ở các phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 và 2.

Chúng ta cần nói rằng sự thay đổi nhân sự đó là rất cần thiết; ví dụ, R. I-a. Ma-li-nốp-xki và M. V. Da-kha-rốp, tham mưu trưởng phương diện quân U-crai-na 2, hồi đầu chiến tranh đã chiến đấu tại khu vực này và thông hiểu tường tận các khu vực đó.

Đến đầu tháng Bảy, chúng ta tiến hành xong việc rút một số đơn vị trong biên chế của các phương diện quân U-crai-na 2 và 3 để sử dụng tại Bê-lô-ru-xi-a và trên các hướng khác. Đại bản doanh buộc phải rút tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 trong biên chế của phương diện quân U-crai-na 2 sang phối thuộc cho phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 3 của Tséc-ni-a-khôp-xki và điều tập đoàn quân xe tăng 2 sang cho phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 của C. C. Rô-cô-xốp-xki.

Phương diện quân U-crai-na 1 được tăng cường thêm tập đoàn quân cận vệ 5 trong thời gian chuẩn bị chiến dịch Lơ-vôp. Đại bản doanh lấy ở phương diện quân U-crai-na 3 tập đoàn quân cận vệ 8 và một số đơn vị đặc chủng để tăng cường cho cánh trái phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1.

Thời gian ấy, hướng Tây là hướng chủ yếu quyết định thắng lợi của chiến cục nên Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô kiên quyết giảm bớt lực lượng của các phương diện quân miền Nam. Các đồng chí cho rằng kết quả các chiến dịch ở Bê-lô-ru-xi-a và trên hướng Lơ-vốp sẽ cho phép giải quyết được các vấn đề nảy sinh ra sau này trên các hướng khác. Lúc này, chúng ta đã quyết định tương đối chính xác có thể sử dụng các lực lượng nào của Ma-li-nôp-xki và Tôn-bu-khin tiến công ở Tây - Nam.

Thời gian thực hiện kế hoạch chung của chiến cục đến gần. Do đó, Bộ tổng tham mưu chỉ thị cho các bộ tham mưu phương diện quân chuẩn bị các dự kiến về chiến dịch tiến công ở khu vực I-át-xư - Ki-si-ni-ốp, nhằm tiêu diệt Cụm tập đoàn quân phát-xít Đức “nam U-crai-na”.

Hồi ấy, thiếu tướng N. V. Pốt-nhi-cốp phụ trách các sĩ quan theo dõi phương diện quân U-crai-na 2 trong Bộ tổng tham mưu còn thiếu tướng C. Ph. Va-xin-tren-cô phụ trách theo dõi phương diện quân U-crai-na 3. Các đồng chí quan hệ chặt chẽ với các bộ tham mưu phương diện quân và cùng với các bộ tham mưu phương diện quân đặt kế hoạch hành động cho các đơn vị .

Công tác chuẩn bị tiến hành ở phương diện quân U-crai-na 2 được thuận lợi hơn cả. Bộ lư lệnh phương diện quân và Bộ tổng tham mưu nhanh chóng thống nhất ý kiến với nhau về ý định chiến dịch và hướng đột kích chủ yếu như sau: bộ đội của phương diện quân sẽ cắt các lực lượng chủ yếu của địch ở khu vực Un-ghe-nư, I-át-xư, Ki-si-ni-ốp ra khỏi các đường giao thông xuống phía Tây và phía Nam, hiệp đồng với đơn vị bạn ở bên trái là phương diện quân U-crai-na 3 hợp vây chúng. Do đó, mùi đột kích chủ yếu đánh vào hướng Khu-si sẽ cho phép giải quyết được mọi nhiệm vụ đã đề ra. Sau đấy, phương diện quân U-crai-na 2 hiệp đồng với phương diện quân U-crai-na 3 tiêu diệt hoàn toàn Cụm tập đoàn quân “nam U-crai-na” của địch.

Còn nói về nhiệm vụ và phương pháp hành động của phương diện quân U-crai-na 3 thì chúng ta có những ý kiến khác nhau. Hội đồng quân sự và bộ tham mưu phương diện quân muốn hợp vây các lực lượng chủ yếu của địch nên đòi mở mũi đột kích chủ yếu của phương diện quân vào hướng Khu-si từ căn cứ bàn đạp Ki-xcan-xki đã chiếm được ở hữu ngạn sông Đne-xtơ-rơ phía Nam Ti-ra-xpôn, vì các đơn vị tiến công ở đây không bị vướng các sông ngòi lớn và các chướng ngại tự nhiên khác.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM