Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 11:44:26 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ Tổng Tham mưu Xô-viết trong chiến tranh - Tập 2  (Đọc 108925 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #40 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2011, 10:28:21 am »

Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô lúc nào cũng cố gắng “ngay cả trong trường hợp này” không để tình trạng tiến nhanh một cách không có căn cứ. Xu hướng muốn tiến hành tiến công rộng khắp mà không bảo đảm đầy đủ cho tiến công là một xu hướng rất nguy hiểm, nhất là khi bộ đội ta tiến công ở trên lãnh thổ các nước ngoài, ở đây, kẻ địch gần các căn cứ của chúng hơn và có các mạng đường sá sẵn có để chuyển mọi thứ cần thiết lên phía trước. Còn ngược lại, chúng ta ở xa các căn cứ của mình và buộc phải khôi phục và xây dựng các con đường sắt. Trong những điều kiện ấy, chúng ta cần biết gìn giữ mình một cách toàn diện và thận trọng. tránh những ngẫu nhiên xảy tới.

Trong những ngày Đại bản doanh tiến hành hội nghị thì trên đất nước Ba Lan lại diễn ra những tình hình quân sự, chính trị phức tạp.

Đến hết ngày 25 tháng Bảy, bộ đội của tập đoàn quân xe tăng 2 của X. I. Bô-gđa-nốp và tập đoàn quân cận vệ 8 của V. I. Tsui-cốp sau khi chiếm được Đem-blin và Pu-la-vư đã tiến ra bờ Đông sông Vi-xla. Cũng trong thời gian ấy, quân đoàn kỵ binh cận vệ 2 của V. V. Cri-u-cốp chiến đấu ở vùng ven phía Nam thành phố Xét-lét, mà như tất cả chúng ta hồi đó hình dung, là sẽ từ Xét-lét mở đường thẳng tiến đến Vác-sa-va.

Thế nhưng, bộ đội ta không phát huy được kết quả vì bộ chỉ huy Đức đã điều những lực lượng mới tới đây. Địch dùng xe tăng và bộ binh tổ chức phản kích trong hai ngày trước đó ở bên sườn phải của phương diện quân, chúng đã phản kích đặc biệt mạnh trong dải của tập đoàn quân 65 của P. I. Ba-tôp. Các đợt phản kích của địch bị đánh lui, nhưng tốc độ tiến công của bộ đội ta cũng giảm xuống hẳn.

Ngày 27 tháng Bảy, tập đoàn quân 28 của tướng A. A. Lu-trin-xki từ phía Đông và tập đoàn quân 70 của tướng V. X. Pô-pốp từ phía Tây và Tây - Nam đã hợp vây được đại bộ phận cụm quân địch ở khu vực Brét, phải mất 2 ngày mới tiêu diệt được chúng.

Còn tập đoàn quân 69 của V. I-a. Côn-pác-tsi hành động tích cực đã vọt tới Vi-xla ở phía Nam Pu-la-vư. Chi đội phái đi trước của tập đoàn quân đã vượt sông, chiếm được một căn cứ đầu cầu không lớn lắm và đã lập tức mỏ rộng căn cứ đó

Từ ngày 27 tháng Bảy, chiến sự ở vùng Xét-lét diễn ra đặc biệt ác liệt. Các lực lượng chủ yếu của tập đoàn quân 47, lúc đó do tướng N. I. Gu-xép chỉ huy, cùng với tập đoàn quân xe tăng 2 đã tiến công ở đây. Các chiến sĩ xe tăng nhận nhiệm vụ đánh chiếm Pra-ha, các bến vượt qua sông Vi-xla và cắt đường rút về phía Tây của cụm quân phát-xít Đức đang ở phía Đông sông Vi-xla.

Sau khi cân nhắc khả năng tiếp tục phát triển tiến công trên hướng Vác-sa-va dọc theo hai bên bờ Đông và Tây sông Vi-xla, bộ tư lệnh phương diện quân đã tung tập đoàn quân Ba Lan 1 vào làm nhiệm vụ thê đội 1 ở khu vực Rư-xít-xe (phía Bắc Đem-blin 10 ki-lô-mét), khu Vlô-xtô-vi-xe (phía Nam Pu-la-vư 10 ki-lô-mét). 

Việc tập đoàn quân Ba Lan 1 tiến quân ở thê đội 1 có một ý nghĩa chiến đấu và chính trị-tinh thần to lớn. Bộ chỉ huy Liên Xô gìn giữ tập đoàn quân này và cho mãi tới lúc ấy mới thấy cần thiết tung tập đoàn quân vào tác chiến. Hồi đó khi vượt qua biên giới Ba Lan, bộ chỉ huy tập đoàn quân đã gửi cho Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô bức điện ngắn có chữ ký của tư lệnh Dích-mun Béc-lin-gơ: “Chúng tôi đã qua Búc. Thay mặt toàn thể chiến sĩ trong tập đoàn quân, chúng tôi chân thành chào mừng đồng chí Xta-lin!.. Dũng khí của các chiến sĩ lên cao chưa từng thấy. Tập thể chiến sĩ tình nguyện...”

Từ phía “những người ở Luân đôn” (chỉ bọn chính phủ tư sản Ba Lan lưu vong. - ND.) lại tung ra những tin khác. Chúng không thừa nhận quân đội của Béc-lin-gơ là quân đội Ba Lan, gọi các chiến sĩ yêu nước là những người đánh thuê. Chúng ra sức áp đặt quyền bính của mình và chế độ lỗi thời cũ lên đất Ba Lan. Một trong những nhật lệnh của họ đã nói thẳng ra là mọi mưu toan “thành lập các trung tâm cánh tả của các chính phủ đều sẽ bị đàn áp thẳng tay, thậm chí còn sử dụng cả sức mạnh”. Thủ tướng Anh tìm mọi cách ủng hộ các đại biểu của phái các chính trị gia tư sản đó.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #41 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2011, 10:29:17 am »

Đại bản doanh được tin: ngày 27 tháng Bảy, X. Mi-cô-lai-chích, thủ tướng mới của chính phủ tư sản lưu vong Ba Lan từ Luân Đôn lên đường sang Mát-xcơ-va. Chuyến đi này của y có lẽ do nhiều nguyên nhân thôi thúc: do uy tín của ủy ban giải phóng dân tộc Ba Lan và của Đảng công nhân Ba Lan đang ngày một lớn mạnh, do tình cảm của nhân dân Ba Lan đối với Liên Xô, do những thắng lợi trong chiến tranh của chúng ta. Và cuối cùng là do bản tuyên bố mới đây của Chính phủ Liên Xô làm cho Mi-cô-lai-chích sinh lo.

Tuyên bố nói rõ rằng: “Chính phủ Liên Xô không có ý định thiết lập trên lãnh thổ Ba Lan các cơ quan hành chính của mình. Liên Xô cho rằng đây là công việc của nhân dân Ba Lan. Do đó, Liên Xô quyết định ký kết với ủy ban giải phóng dân tộc Ba Lan Hiệp nghị về các mối quan hệ giữa Bộ tư lệnh Liên Xô và chính quyền Ba Lan”.

Tiếp sau, có đoạn viết: “Chính phủ Liên Xô tuyên bố sẽ không theo đuổi mục tiêu chiếm giữ một bộ phận đất đai nào của Ba Lan, hoặc thay đổi chế độ xã hội ở Ba Lan; các hành động quân sự của Hồng quân trên lãnh thổ Ba Lan đều chỉ xuất phát từ sự cần thiết về mặt quân sự và từ nguyện vọng muốn giúp nhân dân Ba Lan anh em giải phóng đất nước khỏi ách chiếm đóng của nước Đức phát-xít”. (Chính sách đối ngoại của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh giữ nước. tiếng Nga. t. 11. tr. 155.)

*
*   *

Gần tới phiên họp của Đại bản doanh, tôi từ phương diện quân Pri-ban-tích 3 trở về Mát-xcơ-va. Tối hôm đó, chúng tôi được tin I. V. Xta-lin từ chối không dự cuộc hội đàm giữa những người đứng đầu các nước lớn mà Tổng thống Mỹ vả Thủ tướng Anh dự định sẽ họp ở Xcốt-len vào tuần thứ hai của tháng Chín.

Trong thư gửi Sớc-sin, sau khi vạch rõ sự cần thiết của cuộc gặp gỡ này, Xta-lin viết: “nhưng trong thời gian này, khi Quân đội Liên Xô đang triển khai chiến đấu trên nhiều mặt trận, đang phát triển tiến công ngày một mạnh, tôi không thể rời khỏi Liên Xô và rời bỏ sự lãnh đạo các tập đoàn quân, dù chỉ trong một thời gian rất ngắn. Theo ý kiến của tất cả các bạn đồng nghiệp của tôi, dứt khoát là không thể làm như vậy được”. (Thư từ trao đổi giữa Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô với Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh trong thời kỳ Chiến tranh giữ nước vĩ đại 1941-1945. Tiếng Nga. 1957. t. 1. tr. 247.)

Suốt đêm chúng tôi chuẩn bị các tài liệu chỉ dẫn và dự thảo các chỉ thị. Ngày 27 tháng Bảy, Đại bản doanh bắt đầu họp. I. V. Xta-lin, Gh. C. Giu-cốp, A. M. Va-xi-lép-xki và A. I. An-tô-nốp tham dự phiên họp. Tôi và đồng chí A. A. Grư-dơ-lôp cũng được dự họp để thể hiện các nghị quyết của Đại bản doanh thành chỉ thị, mệnh lệnh.

Như tôi đã nói ở trên, hội nghị không phải chỉ bàn tới các triển vọng tiến công của các phương diện quân Bê-lô-ru-xu-a mà còn đề cập tới nhiều vấn đề rộng lớn hơn. Lúc đầu hội nghị xem xét tình hình chung trên các mặt trận, đánh giá tình hình chung đó là thuận lợi rồi sau chuyển qua phân tích tình hình và các nhiệm vụ tác chiến ở Pri-ban-tích, Đông Phổ và Đông Ba Lan

Hành động của các phương diện quân Lê-nin-grát, Pri-ban-tích 3, 2 và 1 đang phát triển thắng lợi ở Pri-ban-tích, nên Đại bản doanh chỉ xác định rõ thêm các kế hoạch tiến công.

Hội nghị thảo luận thật tỉ mỉ về tình hình ở những vùng tiếp cận vào Đông Phổ và ở hướng Tây. Các thành viên tham gia hội nghị đi tới kết luận rằng địch sẽ hết sức ngoan cố bám giữ lấy Đông Phổ.

Các đồng chí quyết nghị tại cuộc họp rằng khả năng tiến công trong hành tiến của chúng ta ít có hiệu quả, cho nên cần phải chuẩn bị cuộc tiến công một cách tỉ mỉ, toàn diện và tiến hành chủ yếu bằng những lực lượng hiện có.

Trên hướng Tây, tuyến phòng ngự của địch không mạnh, nên trong những ngày tới đây ta có thể giành được những thắng lợi lớn.

Khi Đại bản doanh đang họp thì nhận được tin quân địch ở Lơ-vốp đã bị tiêu diệt, việc đó mở ra khả năng cho bộ đội ta hành động ở phía Nam Vác-sa-va. Khu vực Xan-đô-mia trong dải của phương diện quân U-crai-na 1 của I. X. Cô-nép giữ một tấm quan trọng đặc biệt trong vấn đề này, vì Xan-đô-mia là cứ điểm then chốt trong hệ thống phòng ngự của địch ở bên kia sông Vi-xla và là cửa ngõ để tiến vào trung tâm Ba Lan.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #42 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2011, 10:29:56 am »

Bộ đội của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 vẫn hành động bằng hai mũi trên hai cánh như cũ. Như chúng ta đã nói đến ở trên, hai tập đoàn quân binh chủng hợp thành của cánh trái (tập đoàn quân cận vệ 8 và 69) đã tiến tới Vi-xla, và ngày 27 tháng Bảy bắt đầu tiến công vượt sông, chẳng mấy chốc đã đánh chiếm được những căn cứ đầu cầu không lớn lắm ở các khu vực Ma-gơ-nu-se-vô và Pu-la-vư.

Cả tập đoàn quân Ba Lan 1 cũng tiến quân tới sông Vi-xla. Tập đoàn quân xe tăng 2 đang tiến công thắng lợi dọc theo bờ Đông sông Vi-xla tới các vùng phụ cận Vác-sa-va - Pra-ha. Thiếu tướng A. I. Rát-di-ép-xki, tham mưu trưởng tập đoàn quân, chỉ huy các chiến sĩ xe tăng, vì X. I. Bô-gđa-nốp. tư lệnh tập đoàn quân, bị thương và phải về Mát-xcơ-va điều trị theo lệnh của I. V. Xta-lin. Các lực lượng còn lại của cánh trái phương diện quân tiến vào khu vực Xét-lét. Chúng ta không thấy có gì đáng lo ngại ở khu vực này.

Tình hình bên cánh phải của phương diện quân xấu hơn - bộ đội còn rớt lại sau tới 200-250 ki-lô-mét. Ở đây, các đơn vị đã chiếm được Bê-lô-xtốc và tiên tới Brét. Giải phóng Brét là công việc trong thời gian sắp tới. Các thành viên tham gia cuộc họp chưa nhận thấy mối nguy cơ đặc biệt do tốc độ tiến công chung bị chậm trễ đẻ ra.

Tất cả đều thống nhất ý kiến cho rằng, bộ đội của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 mặc dầu lực lượng có bị suy giảm, việc cung cấp có bị rối loạn do suốt một tháng tiến công liên tục trong thời kỳ chiến dịch Bê-lô-ru-xi-a, song vẫn có thể lợi dụng được thắng lợi của các chiến sĩ xe tăng của Bô-gđa-nôp đang tiến quân về phía Bắc mà bẻ gãy được sự kháng cự của địch trong các khu vực Brét và Xét-lét và lấy lại những gì đã mất.

Các thành viên tham gia hội nghị đi tới kết luận: tốt nhất là dùng cánh phải của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 tiến công vào Vác-sa-va. Các đồng chí quyết định: sau khi chiếm được khu vực Brét và Xét-lét, phương diện quân Bê-lô ru-xi-a 1 không được dừng lại, mà cho cánh phải phát triển tiến công vào hướng chung tới Vác-sa-va và trước ngày 5-8 tháng Tám phải chiếm được các vùng phụ cận Pra-ga, cả căn cứ đầu cầu trên sông Na-rép ở khu vực Pun-túc, Xê-rốt-xcơ tiếp giáp với phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 2. Cánh trái của phương diện quân được quy định sẽ tiến công chiếm lĩnh căn cứ đầu cầu trên sông Vi-xla ở khu vực Đem-blin, Dơ-vô-len, Xô-lét.

Phương diện quân U-crai-na 1 được lệnh phải tiến công vượt sông Vi-xla và đánh chiếm căn cứ đầu cầu ở khu vực Xan-đô-mia trước ngày 1-2 tháng Tám. Tiếp nữa, phương diện quân sẽ tiến công vào hướng chung tới Tren-xtô-khôp và Cra-cốp.

Sau đó, các thành viên tham gia hội nghị bàn tới tình hình bên phía sườn Các-pát. Vấn đề là lúc bắt đầu chiến dịch ở Ru-ma-ni, hướng hành động các cánh quân chủ yếu của ta buộc phải phân ra làm hai: một hướng đánh vào phía Tây, một hướng gồm các phương diện quân U-crai-na 2 và 3 đánh xuống phía Tây - Nam. Như vậy, khu vực Các-pát hãy còn nằm trong tay địch, chúng có thể từ đó uy hiếp hai bên sườn và phía sau của cả hai cánh quân chiến lược của ta. Phải chú ý lới mối nguy cơ này.

Trong phiên họp của Đại bản doanh ngày 27 tháng Bảy, các đồng chí đã quyết định: tập đoàn quân cận vệ 1 của tướng A. A. Grê-xcô và tập đoàn quân 18 của tướng E. P. Giu-ráp-li-ôp có thể yểm hộ khá vững chắc hai bên sườn; tuy nhiên, các đồng chí vẫn lệnh cho Bộ tổng tham mưu phải kiểm tra lại một lần nữa xem có đúng như vậy không.

Bộ tổng tham mưu sau khi đã tính toán lại một cách chính xác và hỏi ý kiến I. X. Cô-nép, mới thấy rõ rằng hai tập đoàn quân trên chưa thể làm trọn nổi nhiệm vụ đó. Vì vậy, ba ngày sau, ngày 30 tháng Bảy, Đại bản doanh quyết định thành lập phương diện quân U-crai-na 4, thành phần gồm có tập đoàn quân cận vệ 1, tập đoàn quân 18, tập đoàn không quân 8, các đơn vị pháo binh, công binh và các đơn vị khác.

Như vậy là, ngày 27 tháng Bảy, Đại bản doanh đã vạch ra rất rõ ràng các nhiệm vụ chiến lược trên khắp các mặt trận, phù hợp với đặc điểm tình hình ở Pri-ban-tích và trên hướng phía Tây. Tiếp sau, các đồng chí quy định sẽ cắt Pri-ban-tích ra khỏi Đông Phổ, cắt Đông Phổ ra khỏi nước Đức và tiêu diệt các lực lượng chủ yếu của Cụm tập đoàn quân “bắc” của phát-xít Đức.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #43 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2011, 10:31:04 am »

Đại bản doanh báo trước cho các phương diện quân phải chuẩn bị đầy đú khi tiến công vào Đông Phổ. Trên hướng phía Tây, hướng giữ vai trò chủ yếu trong quá trình chiến tranh, chúng ta dự kiến sẽ phá vỡ phòng ngự địch trên tuyến Vi-xla, tạo nên những điều kiện để giải phóng Vác-sa-va và tiếp tục tiến công sâu về phía Tây.

Các nhiệm vụ trên được viết ngay thành các chỉ thị, mệnh lệnh, được thông qua ngay trong cuộc họp, đến 24 giờ thì ký xong và gửi đi các phương diện quân.

Ngày hôm sau, Đại bản doanh bàn tới việc tổ chức chỉ huy các chiến dịch đang tiến hành và những chiến dịch sắp tới, tổ chức hiệp đồng giữa các phương diện quân. Các đồng chí đại diện của Đại bản doanh cho đến thời gian ấy vẫn giữ quyền phối hợp hành động giữa các đơn vị.

Gh. C. Giu-cốp phát biểu ý kiến tại cuộc họp rằng trong những trường hợp cần thiết, đại diện của Đại bản doanh nên được quyền trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch. Thực ra, phải nói rằng do tính thích tỏ rõ uy quyền của mình, Gh. C. Giu-cốp thường hay sử dụng quyền đó. Vấn đề đặt ra lúc này là, cần được hợp pháp hóa quyền ấy.

Thời gian này, có một số tư lệnh phương diện quân tỏ ra bất bình những khi các đồng chí đại diện Đại bản doanh trực tiếp nắm lấy quyền chỉ đạo chiến dịch. Chúng ta có thể thông cảm được với các đồng chí tư lệnh phương diện quân, vì cuối cùng thì chính các đồng chí phải chịu trách nhiệm tất cả. Nhưng, cũng có những mặt khác của nó, là các đồng chí tư lệnh trước hết lại chỉ nghĩ đến phương diện quân của mình và thiếu chú ý đầy đủ đến các phương diện quân bạn, vì cho rằng tự mình cũng làm nổi. Gặp những trường hợp như thế, đại diện của Đại bản doanh phải nhanh chóng chấn chỉnh lại ngay.

Ngày 29 tháng Bảy, Đại bản doanh đã ra một nghị quyết đặc biệt dành cho A. M. Va-xi-lép-xki và Gh. C. Giu-cốp quyền chỉ đạo những phương diện quân mà các đồng chí làm đại diện Đại bản doanh ở đó: “đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao giao nhiệm vụ cho Nguyên soái Liên Xô Giu-cốp, Phó Tổng tư lệnh tối cao, quyền hạn không những phối hợp mà còn chỉ đạo các chiến dịch của các phương diện quân U-crai-na 1, Bê-lô-ru-xi-a 1 và Bê-lô-ru-xi-a 2”. A. M. Va-xi-lép-xki cũng được giao quyền hạn chỉ đạo các chiến dịch của các phương diện quân Pri-ban-tích 2, Pri-ban-tích 1 và cả phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 3.

Không khỏi không có những chuyện buồn cười. Cuộc họp còn chưa kết thúc thì phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 và U-crai-na 1, đã đề nghị giải thích những chỉ thị vừa mới nhận được. Ví dụ, các đồng chí hỏi: các tập đoàn quân không thấy nói trong chỉ thị có thể cho tiến công vượt sông Vi-xla được không? Nội dung hỏi cũng có những ý nghĩa của nó, vì các đồng chí tư lệnh muốn xin Đại bản doanh thêm nhiều phương tiện vượt sông, với lý do là cuộc tiến công vượt sông sẽ diễn ra trên một chính diện rộng.

Khi tôi và An-tô-nốp cho I. V. Xta-lin biết về các câu hỏi trên thì đồng chí rít một hơi thuốc rồi lệnh trả lời như sau: “mệnh lệnh của Đại bản doanh có quy định cho một số tập đoàn quân phải tiến công vượt sông Vi-xla và đánh chiếm căn cứ đầu cầu, nhưng không được hiểu là các tập đoàn quân còn lại khác sẽ ngồi yên và không tham gia tiến công vượt sông Vi-xla. Bộ tư lệnh phương diện quân có trách nhiệm phải bảo đảm tới mức tối đa các phương tiện vượt sông cho các tập đoàn quân đảm nhận nhiệm vụ vượt sông Vi-xla theo lệnh của Đại bản doanh. Tuy nhiên, các tập đoàn quân khác nếu có thể, cũng tham gia tiến công vượt sông Vi-xla. Đại bản doanh nhắc các đồng chí phổ biến cho tất cả các cấp chỉ huy trong phương diện quân của mình biết ý nghĩa to lớn của việc vượt sông Vi-xla; những chiến sĩ, sĩ quan nào hành động xuất sắc trong khi tiến công vượt sông sẽ được khen thưởng đặc biệt, được tặng thưởng huân chương và cả phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô”.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #44 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2011, 10:31:12 am »

Sau hội nghị, vào những dịp như thế, Tổng tư lệnh tối cao thường hay mời tất cả các đồng chí họp dự ăn cơm tối. Công việc của An-tô-nốp và của tôi ngập đến tận cổ, nên lần này chúng tôi xin phép trở về làm việc. Xta-lin khoát tay, ra hiệu đồng ý. Nhân đây, cũng xin kể lại một trong những bữa ăn tối tại “biệt thự gần thành phố” của Xta-lin mà tôi còn nhớ mãi.

Thường lệ đã có từ lâu, trước mặt chủ nhân bao giờ cũng đặt một chiếc bình pha lê đẹp, thon, đựng chất nước không màu gì đó, hai bên thành bình phủ mờ hơi nước.

Trước bữa ăn, I. V. Xta-lin hay dùng một-hai ly nhỏ rượu cô-nhác, rồi sau đó chỉ uống thứ rượu nhạt của xứ Gru-di-a đựng trong chai có nhãn hiệu đánh bằng máy chữ. Đồng chí rót ra cốc khoảng ba phần tư rượu, rồi từ từ đổ thêm chất nước không màu trong chiếc bình pha lê nói trên vào

Từ buổi ăn cơm đầu tiên tại “biệt thự gần thành phố” của Xta-lin, tôi đã chú ý quan sát mọi thứ xung quanh và đã nhận ra ngay chiếc bình pha lê ấy. Thật cũng tức cười cho mình là tôi cứ để ý tò mò xem trong bình đựng thứ nước gì. Rồi tôi nghĩ: “chắc là thứ rượu vôt-ca hảo hạng chi đây. Xta-lin rót vào cho rượu thêm đậm. Bữa nào có dịp mình phải nếm thử xem!”. Ý định này mãi tôi vẫn chưa thực hiện được, vì chỗ tôi ngồi cách chiếc bình đựng rượu khá xa.

Tối hôm ấy bận việc, tôi ngồi vào bàn ăn muộn, vì theo chỉ thị của I. V. Xta-lin, tôi còn phải nắm tình hình của một phương diện quân bằng điện thoại cao tần ở gian phòng bên. Làm việc xong, quay trở vào bàn ăn báo cáo với Xta-lin, thì ai nấy đã ngồi vào bàn, và chỗ tôi thường ngồi không còn nữa. Thấy vậy, Xta-lin ra hiệu chỉ cho tôi tới ngồi vào ghế còn trống ở bên cạnh đồng chí.

Bữa ăn kéo dài. Câu chuyện xoay quanh bữa ăn thường nói đến công việc ở ngoài mặt trận. Mỗi người tự phục vụ lấy, ai muốn ăn gì cứ tự sang chiếc bàn đã bày sẵn thức ăn để ở một bên.

“À! tôi nghĩ, - bây giờ mình phải nếm thử cái chất vốt-ca này xem sao". Khi Xta-lin cùng mọi người đứng dậy thay đĩa thức ăn, tôi vội với tay lấy nhanh chiếc bình bí mật và rót vào đầy cốc của mình. Cũng giữ phép lịch sự chờ cho đến khi mọi người cùng nâng cốc, tôi mới uống...

Nước lọc! Chà lạnh làm sao... Tôi ngượng hết chỗ nói, vì sớm nhận ra ngay đó là nước gì, và tôi cùng buộc phải nhắm thức ăn qua loa sau khi uống như các đồng chỉ khác. Song. có lẽ tôi vẫn không sao giấu nổi sự ngượng nghịu của mình.

Chủ nhân mỉm cười, nheo mắt nháy tôi, rồi một lát sau, khẽ hỏi để không ai nghe thấy: “thế nào, có đậm không?”. Máu dồn lên mặt, tôi xấu hổ quá; cả bữa cơm tối hôm ấy, tôi cảm thấy mất ngon, cứ nguyền rủa mãi thói tò mò không đúng chỗ của mình.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #45 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2011, 12:02:53 pm »

CHƯƠNG BA
Trên hướng Vác-sa-va

Quân địch không mơ ngủ. - Mi-cô-lai-chích ra đi với mục đích gì? Bọn phiêu lưu và những người anh hùng. - Chi viện những người khởi nghĩa sao cho tốt hơn. - Căn cứ bàn đạp Tséc-nhi-a-khốp-xki. - Liên lạc bị ngừng. - Tấn thảm kịch Vác-sa-va. - Cuộc đấu tranh còn tiếp diễn. - Tình đoàn kết chiến dấu. - Tập đoàn quân Ba Lan 1 tiến vào Vác-sa-va.

Người chỉ huy mọi cấp khi lập kế hoạch tác chiến trước hết phải tính đến sự kháng cự của quân địch, các biện pháp chống trả lại của chúng. Nhưng trong chiến tranh, ngoài những trường hợp các sự kiện sẽ phát triển như mọi phương án dự kiến, quá trình giao chiến lại nảy nở ra những tình huống mới không sao lường nổi hết, yêu cầu phải sửa đổi lại các quyết tâm đã định ra trước đây.

Tất nhiên, Đại bản doanh và cả Bộ tổng tham mưu đều biết rằng bộ chỉ huy Hít-le đang tìm mọi phương pháp nhằm ổn định tình hình ngoài mặt trận của chúng, đặc biệt ở trong dải của các Cụm tập đoàn quân “bắc” và “trung tâm”, lúc này các cụm tập đoàn quân ấy đang bị uy hiếp.

Thật vậy, hồi đó chúng ta chưa nắm được chắc chắn các ý định chiến lược của địch. Nhưng các tin tức tình báo gửi về cho biết một bộ phận các đơn vị của địch từ Ru-ma-ni, trước hết là các đơn vị xe tăng, có thể sẽ chuyển sang hướng khác. Quân địch quả là đang tiến hành bố trí lại các đơn vị, cố gắng ổn định tình hình của Cụm tập đoàn quân “trung tâm”, rồi sau đó sẽ khôi phục lại liên lạc với Pri-ban-tích. Chúng ta sắp phải đụng độ với các lực lượng còn đang sung sức của địch trên hướng Vác-sa-va.

Phải nói rằng các biện pháp mà bộ chỉ huy Htt-le đem ra vận dụng giống hệt như những cố gắng của nhân vật Tơ-ri-xca trong truyện ngụ ngôn của Crư-lốp. Chúng ráng sức vá víu lại chiếc áo khoác ngoài. Bọn chúng củng cố được khu trung tâm, thì lại để hở hướng Tây - Nam.

Ít lâu sau, Ru-ma-ni phải rút khỏi chiến tranh và các đơn vị Liên Xô tiến mạnh về phía Ban-căng, tới Hung-ga-ri. Thế nhưng, trên hướng Vác-sa-va, địch đã kịp điều động các sinh lực lấy ở Ru-ma-ni sang để chống lại các đơn vị của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1. Phương diện quân Bê-lô-ru-xia 1 lúc này đã mệt mỏi nên tình thế của chúng ta trở nên rất phức tạp, những lầm lẫn của trinh sát ở các đơn vị càng làm tăng thêm nhiều khó khăn.

Vào ngày đầu phiên họp của Đại bản doanh, tập đoàn quân xe tăng 2 đang phát triển tiến công bên sườn trái của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 bỗng vấp phải những lực lượng mạnh của địch. Sau này, chúng ta mới biết đó là sư đoàn xe tăng 19, các sư đoàn xe tăng SS “đầu lâu” và “vi-kinh” điều ở phía Nam tới, sư đoàn “Ghéc-man Gơ-rinh” mới chuyển từ mặt trận I-ta-li-a sang và nhiều binh đoàn bộ binh của tập đoàn quân Đức 2.

Những ngày tiếp sau, trong các trận giao tranh quyết liệt trên tuyến Xét-lét, Min-xcơ - Ma-dô-vét-xki, các đơn vị chúng ta chưa đẩy lùi được các xe tăng phản công của địch. Quân địch tập trung được ưu thế lực lượng hơn ta trên một khu vực hẹp ngoài mặt trận, khiến quân đoàn phái đi trước của tập đoàn quân xe tăng 2 bị thiệt hại, rồi sau đó chúng đã tiêu hao các quân đoàn khác trong tập đoàn quân của ta.

Những trận đánh đẫm máu và hết sức ác liệt diễn ra trong mấy ngày liền. Kết quả là phòng ngự của địch dựa vào phòng tuyến Vác-sa-va vẫn giữ được tình trạng tương đối ổn định trong một thời gian. Các đơn vị chúng ta không thể đột phá tới Pra-ga .

Điều đó rất quan trọng. Mũi vu hồi của tập đoàn quân xe tăng 2, có nhiệm vụ cắt con đường rút lui sang phía Tây của các đơn vị địch đang đóng tại phía Đông sông Vi-xla, đánh không thắng đã ảnh hưởng không lợi tới toàn bộ tình hình trên khu vực này. Lúc ấy, các đơn vị sườn phải của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 tiến công liên tục trong một thời gian dài vượt qua Bê-lô-ru-xi-a nay đã mỏi mệt, nên không thể tiến nhanh tới Vác-sa-va được. Ngoài ra, tình hình phòng ngự còn tương đối ổn định của các đơn vị Hít-le trên tuyến Xét-lét Min-xcơ - Ma-dô-vét-xki cũng là mối nguy cơ to lớn đối với các đơn vị của ta đã tiến tới Vi-xla ở phía Nam Vác-sa-va.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #46 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2011, 12:03:52 pm »

Xác nhận tình hình, C. C. Rô-cô-xốp-xki nói với phóng viên An-ri Ma-ni-an của tờ báo Pháp “Thế giới” rằng, mọi ý định vượt sông Vi-xla của các tập đoàn quân Liên Xô đều có thể dẫn tới thất bại. Tư lệnh phương diện quân kết thúc cuộc nói chuyện với nhà báo Pháp: “chúng tôi đang bị uy hiếp ở bên sườn. Toàn bộ vấn đề là như vậy”.

Phải nói rằng, các sự kiện xảy ra ở Vác-sa-va chưa được đánh giá một cách thích đáng ngay. Gh. C. Giu-cốp, đại diện của Đại bản doanh, bộ tư lệnh phương diện quân và Bộ tổng tham mưu lúc ban đầu chưa đặc biệt chú ý tới tình hình đó. Chúng tôi cho rằng, chẳng bao lâu nữa quân địch cũng sẽ bị đánh tan.

Nhưng ngày tháng trôi qua, và tình hình vẫn chưa được cải thiện thêm mấy, thời gian tiến công vượt sông Vi-xla buộc phải hoãn lại, và nhiệm vụ hàng đầu là phải giữ vững các trận địa đã chiếm được ở phía trước. Theo ý kiến của tư lệnh phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1, địch sẽ sử dụng chừng 20 sư đoàn đột kích từ phía Bắc xuống phía Nam dọc theo bờ phía Đông sông Vi-xla vào các đơn vị cánh trái của phương diện quân đã tiến lới con sông này. Chúng ta cho rằng thế nào địch cũng sẽ mở mũi tiến công ấy.

Song điều đó hoàn toàn không có nghĩa là bộ chỉ huy Liên Xô chịu ngồi yên đợi mũi đột kích của địch vào bên sườn. Gh. C. Giu-cốp, C. C. Rô-cô-xốp-xki và cả Bộ tổng tham mưu, ngay từ hồi đầu tháng Tám 1944, đã áp dụng những biện pháp lích cực nhằm tiêu diệt cụm quân địch trên các đường tiếp cận Vác-sa-va.

Chứng minh cho điều này là, Đại bản doanh đã nhiều lần họp để bàn bạc những hành động sau này của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 cùng những trận đánh kéo dài liên tục, nhằm làm thất bại các biện pháp chống trả quyết liệt và nguy hiểm đó của địch. Tuy nhiên, tình hình ở Vác sa-va vẫn chưa cho phép ta tạo nên bước ngoặt thuận lợi cho mình.

Tôi nói về các sự biến trong thực tiễn chiến tranh, không phải chỉ vì tự nó có những nội dung đáng để chúng ta phải chú ý, mà các sự biến ấy còn quan trọng ở chỗ nó có quan hệ tới cuộc khởi nghĩa ở Vác-sa-va đang bị địch chiếm đóng.

Trong lúc Chính phủ Liên Xô ngày 26 tháng Bảy 1944 công khai tuyên bố rõ ràng quan điểm của mình về vấn đề Ba Lan, thì Mi-cô-lai-chích và đồng bọn ở Luân Đôn của y đã chơi ngón đòn xóc hai đầu. Té ra, ngay từ 24 tháng Bảy, chính phủ lưu vong và bộ chỉ huy Quân đội quốc gia (Quân đội quốc gia là tổ chức vũ trang do chính phủ tư sản lưu vong Ba Lan xây dựng trên đất nước Ba Lan đang bị chiếm đóng nhằm mục đích khôi phục lại chế độ tư sản ở trong nước.) đã thông qua quyết định phát động cuộc khởi nghĩa ở Vác-sa-va trước khi bộ đội Liên Xô tới đây. Mục đích của quyết định phiêu lưu đó là sau khi chiếm được thủ đô, chúng sẽ thiết lập các cơ quan chính quyền của chúng, chống lại chính phủ lâm thời của nước Ba Lan dân chủ.

Điểm đáng chú ý nữa là vấn đề thời gian khởi nghĩa ở Vác sa-va (lấy mật hiệu là “dông tố” đã được bọn chúng bàn bạc từ lâu. Hồi đó, Bộ tổng chỉ huy Quân đội quốc gia đã báo cáo về Luân Đôn rằng cuộc khởi nghĩa khó có thể thành công nổi. Nhưng, đến khi ở các vùng giải phóng thành lập các cơ quan chính quyền nhân dân, thì cái gọi là bộ máy của chính phủ lưu vong và bộ chỉ huy Quân đội quốc gia đã thay đổi ý kiến của mình. Ngày 25 tháng Bảy, tướng Ta-đe-út Bua - Cô mô-rôp-xki, từng chỉ huy Quân đội quốc gia báo tin cho Luân Đôn: “chúng tôi đã sẵn sàng bất kỳ lúc nào cũng có thể nổ súng chiếm lấy Vác-sa-va...;”

Chính phủ Liên Xô, bộ chỉ huy Hồng quân các cơ quan chính quyền nhân dân Ba Lan. Quân đội Ba Lan đều không được biết về cuộc khởi nghĩa và cả những tin tức lúc bọn họ chuẩn bị khởi nghĩa. Nếu tin vào bộ chỉ huy quân sự các nước đồng minh thì cả họ cũng không hề hay biết gì cả.

Bộ chỉ huy Quân đội quốc gia tuân theo lệnh của chính phủ Ba Lan lưu vong ở Luân Đôn, tìm mọi cách cô lập khu vực Vác-sa-va với các đơn vị Liên Xô. Theo chỉ thị của Bua - Cô mô-rốp-xki, các đơn vị hoạt động bí mật của Quân đội quốc gia đã từ chối không tiếp xúc và phối hợp hành động với bộ đội chúng ta. Khi chiếm được Li-u-blin, C. C. Rô-cô-xốp-xki đã cho chúng tôi biết các tin tức trên.

Bộ chỉ huy Quân đội quốc gia, các đại biểu của chính phủ Ba Lan lưu vong ở Luân Đôn và nhóm các quan chức thân cận của họ rất chăm chú theo dõi, mặc dù là theo ý riêng của họ, tiến trình cuộc đấu tranh vũ trang trên mặt trận Xô Đức trước hết là những diễn biến tại Vác-sa-va. Họ hiểu rằng sắp tới đây, cán cân sẽ nghiêng về phía Hồng quân và chính quyền nhân dân sẽ thiết lập ở Vác-sa-va, do đó họ ráo riết xúc tiến việc thiết lập chính quyền của họ - quyền  thống trị của giai cấp tư sản và địa chủ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #47 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2011, 12:04:49 pm »

Sợ chậm chân, những kẻ tổ chức khởi nghĩa nhiều lần thay đổi ngày giờ bắt đầu hành động ở thủ đô. Họ hy vọng sẽ làm chủ được tình hình ở thủ đô trước khi bộ đội Liên Xô và tập đoàn quân Ba Lan 1 tiến tới đây. Thời gian này, tập đoàn quân Ba Lan 1 đã sáp nhập vào Quân đội Ba Lan.

Bọn họ hy vọng các đồng minh phương Tây có thể sẽ giúp họ, cho quân đổ bộ đường không đến tiếp viện làm chỗ dựa cho chỉnh phủ Ba Lan ở Luân Đôn. Thế nhưng, bộ chỉ huy tối cao của Anh và Mỹ ngay từ mùa thu năm 1943 đã cho biết: chính phủ Ba Lan ở Luân Đôn không thể trông đợi vào sự chi viện của Anh cho cuộc khởi nghĩa nói chung và nói riêng bằng không quân. (A-đam Boóc-ké-rích. Cuộc khởi nghĩa Vác-sa-va. Vác-sa-va, 1957, tr. 19 (bằng tiếng Ba Lan).

Đương nhiên, bọn phản động Anh - những nhà chính trị biết tính toán chi li, hiểu rằng cuộc khởi nghĩa Vác-sa-va nhằm chống lại Liên Xô, nhưng họ không thể liều lĩnh giúp đỡ những người khởi nghĩa. Vì giúp đỡ bằng đường không có nghĩa là sẽ trực tiếp nguy hại đến sinh mệnh của các phi công Anh và máy bay của họ. Hệ thống phòng không mạnh của Đức sẽ loại họ ra khỏi vòng chiến đấu. Do đó, người Anh quyết định ngừng các chuyến bay.

Những người chủ mưu chưa định phát động khởi nghĩa khi bộ đội Liên Xô còn ở Min-xcơ và phía Đông Cô-ven, họ chờ cho đến khi mặt trận tiến gần đến Vác-sa-va vì họ còn nuôi dưỡng cả hy vọng là nếu những người khởi nghĩa lâm vào tình thế khó khăn, thì bộ đội Liên Xô sẽ có thể kịp cứu họ thoát khỏi mối hiếm họa.

Thắng lợi của bất kỳ chiến dịch nào - dù là chiến dịch nhỏ nhất hoặc lớn nhất - đều phụ thuộc vào nhiều nhân tố. Trong số các nhân tố ấy, kế hoạch hành động giữ một vị trí đảng kể, còn kế hoạch khởi nghĩa, một hình thức đấu tranh vũ trang rất phức tạp, thì lại càng vô cùng quan trọng. Mọi người đều biết, một kế hoạch dù thật tột về ý định và mục đích vẫn có thể bị thất bại nếu nó không phù hợp với tình hình và không được bảo đảm đầy đủ.

Tôi không nắm được kế hoạch “Dông tố" mà Bộ tổng chỉ huy Quân đội quốc gia dự định cho các đơn vị thực hiện khởi nghĩa ở Vác-sa-va, song, có đầy đủ bằng chứng là ngay trước khi diễn ra các sự kiện quyết định, thời gian bắt đầu khởi nghĩa theo quyết định của tướng Bua - Cô-mô-rốp-xki, đã chuyển từ ngày 2 tháng Tám (hoặc muộn một chút) sang lúc 17 giờ ngày 1 tháng Tám 1944.

Hành động tối quan trọng đó của bộ chỉ huy Quân đội quốc gia đã không đếm xỉa đến các khả năng hiện thực tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm tập trung lực lượng, vũ khí trang bị, nhằm tổ chức hành động của những người khởi nghĩa.

A-đam Boóc-kê-vích, một trong những nhà nghiên cứu lịch sử cuộc khởi nghĩa Vác-sa-va, đã chỉ rõ: thời gian đưa các lực lượng khởi nghĩa vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu trước đó lẽ ra được quy định là 12 tiếng đồng hồ, nhưng ở một số vùng, một số đơn vị lại yêu cầu phải thực hiện xong trong 5 tiếng đồng hồ. Quyết định này đã phá hoại cuộc khởi nghĩa ngay từ trong trứng, làm hỏng cả mọi việc đã được chuẩn bị từ nhiều năm nay. Còn lại duy nhất chỉ là tinh thần chiến đấu cao của những người khởi nghĩa.

Các nhiệm vụ về thời hạn và mục tiêu tập kích, mà các đơn vị vạch ra, không thể thực hiện nổi trong các điều kiện ấy. Thậm chí, đường dây liên lạc cơ bản giữa các lực lượng khởi nghĩa lúc bắt đầu hành động chiến đấu không phải chỗ nào cũng đều tổ chức được.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #48 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2011, 12:05:39 pm »

Đến ngày đã định (vì điều kiện khác nhau nên xảy ra trong những thời gian khác nhau), các đơn vị hoạt động bí mật của Quân đội quốc gia bắt đầu khởi nghĩa. Nhiều chiến binh đi tìm những người chỉ huy của mình, cả chiến binh và cán bộ chỉ huy đều chẳng biết kho để các trang bị, vũ khí thực tế đặt ở đâu. Tính chất bất ngờ hành động thế là bị mất, quân địch vẫn chiếm giữ được mọi trung tâm thông tin, giao thông và năng lượng then chốt.

Do đặc điểm tình hình trên, những người khởi nghĩa không thể hành động có định hướng chính xác và không thể tạo ra được một đòn tiến công mạnh đầu tiên. Cuộc tiến công trở nên rất yếu vì các đơn vị Quân đội quốc gia có tất cả 16 nghìn người, hơn nữa các loại vũ khí bộ binh cá nhân (những thứ khác hầu như không có) mới chỉ trang bị được cho 3.5 nghìn người.

Trong khi ấy, cuộc khởi nghĩa lại mang tính chất và quy mô bất ngờ ngay cả đối với những người tổ chức ra nó. Nhân cơ hội này, nhân dân Vác-sa-va có điều kiện trút căm thù của mình lên đầu bọn chiếm đóng Hít-le, quảng đại quần chúng nhân dân đã đứng lên tham gia khởi nghĩa: nhân dân bắt đầu xây dựng các vật chướng ngại, gia nhập hàng ngũ chiến binh mặc dầu trong tay họ không có vũ khí. Họ tin chắc là cuộc khởi nghĩa đã có sự phối hợp với bộ chỉ huy Liên Xô. Ngay bọn tay sai của chính phủ Ba Lan ở Luân Đôn, ra lời kêu gọi gửi nhân dân Vác-sa-va không nói gì đến Hồng quân, cũng không làm lay chuyển được lòng tin tưởng đó của họ.

Cuộc khởi nghĩa được nhân dân Vác-sa-va ủng hộ rộng rãi nên đã thu được những kết quả tương đối trong thời gian đầu. Thế nhưng, Quân đội quốc gia vẫn không thể chiếm nối toàn bộ thành phố, và sang ngày hôm sau, các sự kiện bắt đầu phát triển theo một chiều hướng khác hẳn, không như dự kiến của những người chủ mưu.

Quân địch chưa thiệt hại gì đáng kể, vẫn giữ vững các trận địa xung yếu trong thành phố, nhanh chóng ổn định tình hình và buộc những người khởi nghĩa phải chuyển sang phòng ngự. Song những người khởi nghĩa lại chưa sẵn sàng phòng ngự. Họ không đủ lực lượng, thêm nữa những người khởi nghĩa lại vấp phải tình trạng thiếu thốn đạn dược, phương tiện thông tin, thuốc men một cách nghiêm trọng.

Mọi hành động của Quân đội quốc gia xuất phát từ sự tính toán lạnh lùng về chính trị, đã biến thành cuộc khởi nghĩa của quần chúng nhân dân Vác-sa-va chống lại bọn xâm lược Hít-le. Thế nhưng, cuộc khởi nghĩa ấy lại không được bảo đảm và cuối cùng, đã bị những trận tập kích của bọn phát- xít Đức dẫn tới chỗ tan vỡ hoàn toàn.

C C Rô-cô-xốp-xki nhớ lại rằng: ngày 2 tháng Tám, đồng chí nhận được tin của trinh sát cho biết hình như ở Vác sa-va đã nổ ra cuộc khởi nghĩa. Các đồng chí muốn biết rõ các tin tức trên nhưng không được. Cả Uy ban giải phóng dân tộc Ba Lan, cả CRN, cả bộ chỉ huy Quân đội Ba Lan cũng đều không hay biết về cuộc khởi nghĩa.

Sau này, chúng ta được biết: cả bộ chỉ huy các đơn vị Quân đội nhân dân (Quân đội nhân dân là một tổ chức vũ trang do các đảng viên cộng sản lãnh đạo, là lực lượng của nhân dân tổ chức ra để giải phóng Ba Lan chống bọn xâm lược Hít-le và là một bộ phận cấu thành của Quân đội Ba Lan) đóng tại Vác-sa-va cũng không được biết.

Tuy nhiên, khi quảng đại quần chúng Vác-sa-va đứng lên đấu tranh thì những người cộng sản và các đơn vị Quân đội nhân dân do họ lãnh đạo đã hạ ngay quyết tâm bắt liên lạc với cuộc khởi nghĩa và đặt các lực lượng của mình thuộc quyền Bộ chỉ huy Quân đội quốc gia. Quyết định trên làm cho các lực lượng chống Hít-le ở Vác-sa-va không bị chia rẽ và đã củng cố thêm sức mạnh cho các lực lượng ấy.

Các chiến sĩ và cán bộ chỉ huy của Quân đội nhân dân, trong các trận đánh tại Vác-sa-va, đã lấy máu mình để chứng minh lòng trung thành với sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách chiếm đóng của phát-xít Đức.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #49 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2011, 12:06:33 pm »

Mi-cô-lai-chích, thủ tướng chính phủ lưu vong tư sản Ba Lan ở Luân Đôn đến Mát-xcơ-va để đàm phán cũng không cho biết rõ ràng về các sự kiện ở Vác-sa-va. Nhưng ngày 28 tháng Bảy, trên đường đi Mát-xcơ-va, y đã gặp các đại biểu Vác-sa-va tại Lơ Ke, lẽ nào bọn họ lại không báo cáo cho y hay biết về cuộc khởi nghĩa.

Trong buổi tiếp kiến tại Bộ dân ủy ngoại giao Liên Xô ngày 31 tháng Bảy, Mi-cô-lai-chích tuyên bố rằng kế hoạch hành động đã vạch xong và chính phủ Ba Lan hiện nay đang tập trung lực lượng. Còn về Vác-sa-va, Mi-cô-lai-chích nói: chính phủ Ba Lan “đang suy nghĩ" tới kế hoạch tổng khởi nghĩa và muốn đề nghị với Chính phủ Liên Xô cho ném bom bắn phá các sân bay gần thành phố.

Như vậy là, thời gian đó mọi việc cơ hồ như chỉ mới hình thành trên những nét đại lược và chưa phải là trong tương lai sắp tới. Rõ ràng, thủ tướng của chính phủ lưu vong tư sản Ba Lan ở Luân Đôn không hề muốn nói tới những ngày đầu chiến đấu ở thủ đô Ba Lan.

Bọn chiếm đóng phát-xít Đức và những kẻ tư sản cầm đầu Quân đội quốc gia đã tìm mọi cách cô lập Vác-sa-va với những người thực sự có thể giúp đỡ quân khởi nghĩa giành thằng lợi.

Tư lệnh phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 ra sức bắt liên lạc với những người khởi nghĩa, kể cả với người lãnh đạo khởi nghĩa. Nhưng, bức điện của C. C. Rô-cô-xốp-xki gửi cho tướng Bua - Cô-mô-rốp-xki đã không được đáp lại.

Ngày 2 tháng Tám, tình hình trên mặt trận Xô - Đức xấu hẳn đi. Quân địch tổ chức phản kích mạnh vào tập đoàn quân xe tăng 2 và tập đoàn quân 47 ở gần Vác-sa-va, các binh đoàn trên buộc phải tiến hành phòng ngự nặng nề trong các điều kiện bất lợi. Các đơn vị đều phải tung ra hết, trong tay tư lệnh phương diện quân không có lấy một lực lượng dự bị nào, và xe tăng địch lúc này sẵn sàng thọc xuống phía Nam dọc theo sông Vi-xla để tiến đánh cánh quân phía trái của phương diện quân đang vượt sông. Còn Vác-sa-va lúc này đang cháy. Các cán bộ chỉ huy của ta và cả bán thân C. C. Rô-cô-xôp-xki khi đến khu vực địch phản kích để chỉ huy bộ đột chiến đấu đều trực tiếp trông thấy khói lửa cuộn lên ở đó.

Mấy ngày sau, các hành động anh dũng của bộ đội Liên Xô và nghệ thuật chỉ huy tài tình của bộ tư lệnh phương diện quân, đã chấm dứt được những kết quả tạm thời của quân địch ở phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1. Quân địch không đẩy lùi được các tập đoàn quân của ta, song chúng ta cũng chưa thể phá vỡ được phòng ngự của chúng.

Vác-sa-va đang đổ máu, thế nhưng bộ chỉ huy Quân đội quốc gia, chính phủ lưu vong Ba Lan ở Luân Đôn vẫn không đề nghị Chính phủ Liên Xô hoặc bộ chỉ huy Liên Xô giúp đỡ quân khởi nghĩa. Thậm chí, bọn họ cũng không hề thông báo cho biết về tình hình khởi nghĩa.

Mãi sau này chúng ta mới được biết là tập đoàn Mi-cô-lai-chích và bộ chỉ huy Quân đội quốc gia nuôi những âm mưu chính trị, nên dù cuộc khởi nghĩa có bị quân đội của Hít-le dìm trong biển máu họ cũng không chịu thông báo hoặc đề nghị gì với Chính phủ Liên Xô.

Trong những ngày ấy, I. V. Xta-lin nhận được bức thông điệp khoái trá của U. Sớc-sin gửi đến, trong đó lần đầu tiên nói tới tình hình cuộc khởi nghĩa ở Vác-sa-va. Sớc-sin cho biết: Quân đội quốc gia đề nghị người Anh khẩn cấp chi viện cho quân khởi nghĩa vũ khí và đạn dược, đề nghị ấy rồi đây sẽ được thỏa mãn. Đồng thời có nói rằng chiến sự diễn biến tại Vác-sa-va mang tính chất rất ác liệt.

Sớc-sin còn viết là quân khởi nghĩa đề nghị cả người Nga chi viện nữa, và hy vọng sẽ sớm nhận được sự chi viện của người Nga. Theo lời của Sớc-sin, quân khởi nghĩa đang bị 1,5 sư đoàn Đức tiến công. Bức thông điệp ấy kết thúc bằng một câu có nhiều ẩn ý: “tình hình đó có thể giúp ích cho các chiến dịch của Ngài”.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM