Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 10:21:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ Tổng Tham mưu Xô-viết trong chiến tranh - Tập 2  (Đọc 108947 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #30 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2011, 04:29:38 pm »

Các lực lượng dân chủ Ba Lan đề nghị với Chính phủ Liên Xô thành lập sư đoàn bộ binh Ba Lan trên đất Liên Xô. Hội đồng quốc phòng Nhà nước nghiên cứu đề nghị đó và ngày 6 tháng Năm 1943 đã ra nghị quyết thành lập sư đoàn Ba Lan 1 lấy tên là sư đoàn Ta-đê-út Cô-xti-u-scô. Tháng Sáu 1943, các phân đội và đơn vị trong binh đoàn mới thành lập bước vào huấn luyện trong doanh trại Xê-lét ở Ri-a-dân. Nhiều đảng viên cộng sản Ba Lan đã tích cực tham gia việc tổ chức huấn luyện cho sư đoàn một cách có kế hoạch.

Bộ tổng tham mưu Liên Xô nhận thấy ý nghĩa đặc biệt của việc thành lập ra sư đoàn mang tên Ta-đê-út Cô-xti-u-scô, một sư đoàn mở đầu cho việc xây dựng rộng rãi các lực lượng vũ trang chính quy của Ba Lan. Ngày 15 tháng Bảy 1943, trong bầu không khí trang nghiêm, sư đoàn nhận ngọn cờ chiến đấu có biểu tượng chim đại bàng. Bộ đội tuyên thệ, nguyện trung thành với Tổ quốc và nhân dân Ba Lan đang chiến đấu chống ách nô dịch của bọn phát-xít chiếm đóng. Các chiến sĩ trong sư đoàn trịnh trọng hứa sẽ gìn giữ sự liên minh vững chắc với Liên Xô. Sư đoàn trở thành tiền thân của Quân đội Ba Lan sau này và nhiều người chỉ huy quân sự nổi tiếng của nhân dân Ba Lan đã trưởng thành trên bước đường chiến đấu của sư đoàn.

Ngày 1 tháng Chín 1943, sư đoàn bế mạc lớp huấn luyện, và ngay trong ngày hôm đó đã lên đường ra mặt trận Xô - Đức. Trận đánh đấu tiên của sư đoàn diễn ra trong vùng Lê-ni-nô trên đất Bê-lô-ru-xi-a ngày 12 tháng Mười 1943.

Mấy ngày sau, bộ đội của phương diện quân Tây qua hai tháng chiến đấu ác liệt cũng tiến quân tới đây. Hiệp đồng với phương diện quân Ca-li-nin, bộ đội của phương diện quân Tây đã đánh bật quân chiếm đóng ra khỏi cái gọi là “cửa ngõ Xmô-len-xcơ” mà địch có thể lợi dụng để từ đó tiến hành tập kích đường không vào Mát-xcơ-va, chặn đường rút của chúng về Ba Lan, và xa nữa là về nước Đức.

Quân địch cũng hiểu rõ tầm quan trọng của hướng này, nên đã củng cố và tăng cường mạnh ở đây. Tướng C. Típ-pen-xkiếc, tư lệnh tập đoàn quân Đức 4 năm 1944, viết: “tuyến này nằm trước mặt sông Đni-ép-rơ, che chở cho con đường sắt và đường ô-tô lớn cuối cùng ở phía trước vùng đầm lầy Pri-pi-át. Nếu quân Nga tiến công, kiểm soát được con đường cái ô tô và tuyến đường sắt Gô-men - Mô-ghi-li-ốp - Oóc-sa. thì phòng ngự của ta (bọn Đức) ở phía Đông vùng đầm lầy Pri-pi-át khó có thể giữ vững nổi”.

Bộ đội của tập đoàn quân 33 thuộc phương diện quân Tây, trong đó có sư đoàn Ba Lan cùng tham gia, đã bị dừng lại ở phía trước tuyến phòng ngự mới này của địch, tại các con đường vào sông Đni-ép-rơ. Cần phải phá vỡ tuyến phòng ngự ấy. Bộ tư lệnh tập đoàn quân 33 hy vọng sẽ chọc thủng được tuyến đó, thế nhưng cũng nhìn thấy rồi sẽ vấp phải nhiều khó khăn.

Muốn bảo đảm đột phá thắng lợi, chúng ta phải có mật độ pháo binh cao - tới 206 khẩu pháo và súng cối trên một ki-lô-mét chính diện và 52 xe tăng. Tư lệnh tập đoàn quân hy vọng chọc thủng phòng tuyến địch bằng cách tổ chức một mũi đột kích mạnh trên chính diện ở khu vực tiếp giáp mặt phía Bắc với Lê-ni-nô. Muốn vậy trong thê đội một phải có 3 sư đoàn bộ binh, bố trí như sau: sư đoàn bộ binh Ba Lan 1 tiến công ở giữa, bên phải là sư đoàn 42, và bên trái là sư đoàn bộ binh 290.

Các sư đoàn của Liên Xô giàu kinh nghiệm hơn sở dĩ được bố trí ở hai bên sườn là do trong dải tiến công của sư đoàn bộ binh 42 có điểm cao 217,6 là cứ điểm khống chế mạnh của dịch, còn trong dải tiến công của sư đoàn bộ binh 290 có địa hình phức tạp, có những vùng cao và vùng trũng nhiều suối lầy lội đổ về con sông Mê-rây vắt ngang qua phía trước tuyến phòng ngự của địch, xe tăng không thể vượt sang được.

Chúng ta dự kiến: sư đoàn bộ binh 42 và 290 của Liên Xô có thể nhanh chóng khắc phục điểm cao 217,6 ở sườn phải và vùng đầm lầy ở sườn trái, sẽ tiến mạnh lên phía trước bảo đảm cho sư đoàn Ba Lan tiến công ở phía giữa thắng lợi. Còn các đơn vị của sư đoàn Ba Lan dự kiến sẽ hất địch ra khỏi điểm cao quan trọng 215,5, dựa vào những kết quả của các sư đoàn Liên Xô ở hai bên sườn, sẽ đột phá vào tung thâm chiến thuật phòng ngự của địch. Sau đó, chúng ta sẽ tung quân đoàn cơ giới 5 vào chiến đấu để phát huy thắng lợi của các binh đoàn Liên Xô và Ba Lan.

Song, trận đánh lại diễn biến không như chúng ta dự kiến. Lực lượng và khả năng địch rất dồi dào. Cuộc tiến công của sư đoàn bộ binh 42 bị đánh bật trở lại. Sư đoàn bám chân được vào điểm cao 217,6 nhưng vẫn không thể chiếm nổi điểm cao này. Quân ta bị tổn thất nặng và buộc phải nằm lại ở tiền duyên. Chúng ta tổ chức nhiều đợt xung phong. nhưng vẫn không thu được thắng lợi
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #31 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2011, 04:30:36 pm »

Trong dải của sư đoàn bộ binh 290, các chiến sĩ Liên Xô vượt qua được vùng đầm lầy ở phía Tây Lê-ni-nô và chiếm vùng dân cư Tơ-ri-gu-bô- vô. Các đơn vị Hít-le tổ chức phản xung phong và đánh bật chúng ta ra ngoài phía Đông vùng này. Trận đánh diễn ra hết sức quyết liệt nhưng các đơn vị chúng ta ở đây vẫn không sao tiến lên được.

Còn sư đoàn bộ binh 1 Ba Lan tiến công ở phía giữa đã thu được thắng lợi rất to lớn, thọc sâu được 4 ki-lô-mét. Những người chứng kiến và tham gia cuộc tiến công, chứng minh sự dũng cảm và can trường của các chiến sĩ Ba Lan, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu phối hợp với các chiến sĩ Liên Xô. Các chiến sĩ và sĩ quan Ba Lan tỏ ra rất kiên cường, tinh thần chiến đấu rất cao, các đồng chí đã chiến đấu nhiều đợt giáp lá cà với địch...

Chúng ta vẫn không làm thay đổi được tình hình nghiêm trọng ở hai bên sườn dải tiến công của tập đoàn quân. Tình hình đó ảnh hưởng bất lợi tới các đơn vị Ba Lan đang tiến công ở giữa. Các đơn vị Ba Lan phải chống đỡ lại nhiều cuộc phản công của địch được nhiều máy bay chi viện. Quân đoàn cơ giới 5 của chúng ta bước vào chiến đấu, bị thiệt hại nặng nề về xe tăng, cũng không làm chuyển biến nổi tình hình. Cuộc tiến công của các tập đoàn quân bạn cũng bị chặn lại. Tuyến phòng ngự của địch vẫn vững chắc.

Như vậy là thời gian ấy, chúng ta không đột phá thành công ở Lê-ni-nô. Sư đoàn bộ binh Ba Lan mang tên Ta-đê-út Cô-xti-u-scô và các sư đoàn Liên Xô buộc phải dừng lại. Thế nhưng, ý nghĩa của cuộc thử lửa ban đầu đó đối với tình hữu nghị Liên Xô - Ba Lan đã hoàn toàn vượt ra ngoài phạm vi các tiêu chuẩn và khái niệm chiến thuật thông thường.

Đây là những gì còn in sâu trong tâm trí các chiến sĩ Ba Lan đã từng tham gia chiến đấu. V. Da-lép-xki, lúc đó là sĩ quan đại đội 3 thuộc trung đoàn 2, đã nhớ lại rằng: “Bốn bên vang vọng tiếng: “hoan hô!.. Ba Lan-đại bàng!.. Anh hùng!..". Tôi nhìn vào các chiến sĩ của mình. Dường như họ vẫn còn đang xung trận, khẩn trương, sẵn sàng tiến công... Ngay cả những người bị thương cũng vẫn nghĩ tới những trận đánh mới ... Tôi nhớ tới cốc nước trà nóng đầu tiên uống tại trận địa pháo của Liên Xô. Các đồng chí vây quanh chúng tôi, ôm hôn và chúc mừng..." (Che-xláp Pốt-gu-rơ-xki. Những chiến sĩ Ba Lan trong trận đánh Lê-ni-nô. Vác-sa-va. 1971, tr. 109 (tiếng Ba Lan).).

Trận đánh ở Lê-ni-nô khẳng định sự sẵn sàng cao độ của các chiến sĩ Ba Lan và Liên Xô chiến đấu bên nhau cho tới ngày thắng lợi hoàn toàn chống nước Đức Hít-le, cho thấy rõ tinh thần dũng cảm vô song của họ, củng cố vững chắc hơn nữa sự liên minh chiến đấu giữa Liên Xô và Ba Lan. Riêng trong trận đánh này đã xuất hiện thêm ba anh hùng mới của Liên Xô là những chiến sĩ Ba Lan.

Nhật lệnh về sư đoàn bộ binh Ba Lan 1, được ban hành và đọc trước toàn thể các chiến sĩ ngày 14 tháng Mười cho thấy rằng những người tình nguyện Ba Lan sẵn sàng hy sinh cho mục đích vĩ đại của mình là giải phóng Tổ quốc Ba Lan. Họ đã chứng minh rằng nước Ba Lan đang sống, đang vươn tới tự do, đang chiến đấu để giành lấy tự do và sẽ chiến thắng bọn chiếm đóng Hít-le. Tuyên dương các anh hùng đã ngã xuống, nhật lệnh còn khẳng định: “ngày nay và mai sau, chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta".

Ngày 12 tháng Mười - ngày mở đường khó khăn nhưng đầy vẻ vang dẫn đến thắng lợi chung trước kẻ thù - đã trở thành ngày hội của Quân đội nhân dân Ba Lan.

Các sự kiện lịch sử dắt dẫn dòng suy nghĩ... Hồi đó, vào năm 1943, chúng tôi ở trong Bộ tổng tham mưu đã nhiều lấn nghĩ tới con đường chiến đấu khó khăn của những chiến sĩ Ba Lan. Họ chiến thắng và trở về Tổ quốc bằng những con đường khác nhau, nhưng con đường của những người đã sát cánh chiến đấu với Hồng quân là con đường trở về Tổ quốc gần hơn con đường của những người đã rời sang Trung Đông.

Các đơn vị Ba Lan sơ tán khỏi Liên Xô cả một thời gian dài không tham gia chiến đấu và đóng quân tại I-rắc. ở các vùng Kê-rơ-cúc, Mô-xun, chừng nào bọn Hít-le còn lăm le xâm chiếm Ấn Độ - “hòn ngọc của Nữ hoàng Anh”.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #32 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2011, 04:31:31 pm »

Tháng Bảy - tháng Tám 1943, quân đoàn bộ binh Ba Lan 2 được thành lập, vẫn do V. An-đéc-xơ chỉ huy, lấy trong số các đơn vị và các lực lượng Ba Lan khác đóng ở gần đó và cũng nhằm những mục đích trên. Thời gian thành lập quân đoàn cùng có điều đáng chú ý là nó trùng hợp với chiến dịch Cuốc-xcơ.

Trong một loạt chiến dịch tiếp sau, Hồng quân chẳng những đã quyết định mà còn củng cố thêm cho bước ngoặt trong quá trình chiến tranh vào thời gian ấy. Lúc đó. không ai còn lo lắng tới tình hình ở Trung Đông.
Quân đoàn vượt qua Pa-le-xtin tới Ai Cập, và trong những tháng đầu năm 1944 lại từ đó vượt sang I-ta-li-a rồi gia nhập tập đoàn quân 8 của người Anh. Biên chế chiến đấu của quân đoàn là gần 50000 chiến sĩ và sĩ quan, nêu tính cả các đơn vị hậu cần thì quân số của quân đoàn có tới trên 60000 người.

Các chiến sĩ Ba Lan chiến đấu trên sông Xan-gơ-rô, ở Môn-te Cát-xi-nô và An-cô-na, đã tỏ ra dũng cảm cao độ, thể hiện khí phách anh hùng trong những lần đột phá vào nhiều tuyến phòng ngự của địch. Chứng minh cho điều này là các tuyến chiến hào đã đánh chiếm được của địch ở Gu-táp, tuyến phòng ngự chủ yếu của các đơn vị Hít-le tại I-ta-li-a, và phải kể đến cả những đài kỷ niệm các chiến sĩ đã ngã xuống tại nơi đây. Khi chiến tranh kết thúc thì quân đoàn đang ở Bô-lô-nha. một thành phố mới được quân đoàn này giải phóng ngày 21 tháng Tư 1945.

Quân đoàn bộ binh 2 chỉ là một bộ phận của các lực lượng vũ trang Ba Lan ở phía Tây. Dựa vào sự giúp đỡ của các nước đồng minh, chính phủ lưu vong Ba Lan đã thành lập ở đây các binh đoàn và binh đội lục quân, không quân, hải quân.

Nhiều đơn vị đã chiến đấu quên mình chống lại địch. Ví như lúc mở mặt trận thứ hai ở Noóc-măng-đi, sư đoàn xe tăng 1 thành lập ở Xcốt-len, quân số có 15500 người đã hành động thu được nhiều kết quả. Sư đoàn chiến đấu trên hướng chủ yếu trong biên chế của tập đoàn quân Ca-na-đa 1 cho tới khi kết thúc chiến tranh. Lúc nước Đức phát-xít đầu hàng, thì sư đoàn lại có mặt ở bờ biển Bắc tại vùng Vin-ghen-kha-phen.

Lữ đoàn đổ bộ đường không độc lập 1, quân số khoảng 2000 người, đã tham gia chiến đấu trong biên chế của quân đội đồng minh tiến hành chiến dịch lớn bằng đổ bộ đường không lấy tên là “Mác-két Gác-đen” và đã tỏ ra anh dũng, kiên cưởng trong các trận đánh ở vùng Ác-nem.

Ta có thể bổ sung thêm nhiều dẫn chứng như trên, vì còn có cả những binh đoàn và binh đội bộ binh Ba Lan khác chiến đấu dũng cảm với quân thù, đóng góp vào sự nghiệp chiến thắng chung. Nhiều người chúng ta còn biết đến các phi công Ba Lan chiến đấu chống quân thủ trong hàng ngũ các lực lượng không quân Anh.

Đến cuối chiến tranh, đội ngũ các phi công Ba Lan có tới 14 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn tương đương với một phi đội của chúng ta. Họ đã bắn rơi và bắn hỏng gần 1000 máy bay địch, tổ chức nhiều cuộc bắn phá vào các mục tiêu địch. Các lực lượng hải quân Ba Lan có quân số ít ỏi, nhưng đã dũng cảm tham dự các trận đánh, hộ tống các đoàn tàu và tổ chức đổ bộ đường biển ở Đại Tây Dương, Biển Bắc, Biển Na Uy và Địa Trung Hải.

Vào ngày Béc-lin đầu hàng, quân số chung các lực lượng vũ trang của Ba Lan ở phía Tây lên tới 194.500 người. Sau chiến tranh, khoảng 120000 người trở về Tổ quốc. Họ được đón tiếp tưng bừng trên đất nước và tìm thầy vị trí của mình trong công cuộc xây dựng nước Ba Lan nhân dân. Đó cũng là lẽ tất nhiên, vì tuyệt đại đa số các công dân Ba Lan đã dũng cảm chiến đấu nhằm giải phóng Tổ quốc. Máu họ đã đổ vì tự do của đất nước và chính vì thế đã được nhân dân vô cùng khâm phục, dù họ chiến đấu ở bất kỳ nơi đâu.

Nước Ba Lan nhân dân đánh giá cao chiến công của những người con của mình, đất nước cũng hiểu rõ toàn bộ chiều sâu của cái vực thẳm ngăn cách những chiến sĩ của đất nước với tập đoàn thống trị Luân Đôn mà mục tiêu chủ yếu của chúng là phục hồi chính quyền địa chủ và tư bản trước đây.

Trong khi ấy, ở Liên Xô, các binh đoàn và binh đội Ba Lan vẫn tiếp tục được xây dựng. Tướng Ca-rôn Xve-rơ-trép-xki, một trong những nhà hoạt động cách mạng và quân sự xuất sắc của Ba Lan, người yêu nước nhiệt thành, một chiến sĩ can đảm theo chủ nghĩa quốc tế, đã lãnh đạo công việc quan trọng này.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #33 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2011, 04:32:07 pm »

Đến cuối năm 1943, bộ đội Ba Lan xây dựng được 3 sư đoàn bộ binh, 1 lữ đoàn pháo binh và 1 lữ đoàn xe tăng, 1 trung đoàn không quân, các đơn vị và phân đội cần thiết khác. Cũng giống như sư đoàn bộ binh 1, các đơn vị trên đều được Liên Xô trang bị và cung cấp không phải hoàn lại, được học tập những kinh nghiệm chiến đấu trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại.

Các đơn vị Ba Lan lúc này thiếu sĩ quan, vì An-đéc-xơ đã lấy đi đại bộ phận các cán bộ chỉ huy Ba Lan. Do đó, trong các đơn vị Ba Lan có nhiều cán bộ chỉ huy Liên Xô, trước hết là các chuyên gia. Các sư đoàn xây dựng xong thì được hợp nhất lại thành quân đoàn 1. Đến giữa tháng Ba 1944, quân đoàn được phiên chế lại thành tập đoàn quân Ba Lan 1. Chỉ huy tập đoàn quân vẫn là tướng D. Béc-lin-gơ, người trước đây đã chỉ huy sư đoàn mang tên Ta-đê-út Cô-xti-u-scô.

Lúc này tập đoàn quân đóng ở Cô-ven, chuẩn bị về nước chiến đấu. Tư lệnh tập đoàn quân có thể quan hệ trực tiếp với Bộ tổng tham mưu và với cả Tổng tư lệnh tối cao. Bộ tổng tham mưu được lệnh phải có một đại biểu đặc biệt ở trong tập đoàn quân Ba Lan 1. Chúng ta đã cử đại tá N. M. Mô-lốt-cốp (sau là thiếu tướng) cùng với một nhóm sĩ quan - các đại tá A. X. Ép-xê-ép, M. Ph. Đu-brốp-xki, và đại úy E-rốp-ki-nôp, ra làm nhiệm vụ đó

Qua các tin tức đấu tranh vũ trang trên đất Ba Lan gửi về Bộ tổng tham mưu, chúng tôi được biết: dưới sự lãnh đạo của Đảng công nhân Ba Lan, các đội du kích của Quân cận vệ nhân dân đã được thành lập và cuộc đấu tranh tích cực chống bọn xâm lược đang triển khai sâu rộng trên đất Ba Lan.

Đầu năm 1944. khi Hồng quân phá vỡ mặt trận quân địch thì các hành động chiến đấu của các chiến sĩ nhân dân Ba Lan cũng sôi động hẳn lên. Trong phong trào hoạt động bí mật trên đất Ba Lan, theo sáng kiến và với sự tham gia trực tiếp của các đồng chí B. Be-rút, V. Gô-mun-ca và các nhà hoạt động khác của Đảng công nhân Ba Lan, cơ quan tranh đấu tối cao Ba Lan Crai-ô-va Ra-đa Na-rô-đô-va (Crai-ô-va Ra-đa Na-rô-dô-va (C. R. N) là một cơ quan dân chủ đại diện lâm thời của Mặt trận dân tộc Ba Lan, được thành lập ngày 1 tháng Giêng 1944 theo sáng kiến của Đảng công nhân Ba Lan. Dưới đây, khi nói tới tổ chức này, chúng tôi viết tắt C. R. N cho gọn - BT.) được thành lập.

Với niềm hy vọng và lòng tin tưởng lớn lao vào các lực lượng giải phóng Ba Lan, Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô được biết rằng ngày 3 tháng Giêng 1944, CRN đã thay mặt nhân dân Ba Lan ra lệnh hợp nhất Quân cận vệ nhân dân với các đơn vị vũ trang của các tổ chức cánh tả khác thành Quân đội nhân dân do tướng M. Rô-li-a Di-me-rơ-xki đứng đầu.

Theo đề nghị của bộ chỉ huy Ba Lan, Liên Xô cũng chi viện cho cả bộ phận này của lực lượng vũ trang của nhân dân Ba Lan đang buộc phải hoạt động ở sau lưng quân địch. Chúng ta đã chuyển cho họ vũ khí, đạn dược, thuốc men và các phương tiện cần thiết khác.

Các đội du kích Liên Xô dưới sự chỉ huy của các đồng chí P. P. Véc-si-gô-ra, I. N. Bô-côp, V A. Ca-ra-xép, N. A. Prô-cô-pi-úc và của các đồng chí khác đã vượt sang lãnh thổ Ba Lan. Các đội du kích Liên Xô và Ba Lan không những hoạt động riêng lẻ mà còn tổ chức các chiến dịch phối hợp chống bọn chiếm đóng phát-xít Đức ở ngay tại vùng Li-u-ben-si-na, hậu phương gần của quân địch.

Các kết quả thu được càng củng cố lòng tin vào thắng lợi sắp tới. Đến mùa hè năm 1944, trong hàng ngũ Quân đội nhân dân đã có tới hàng nghìn chiến sĩ phối hợp chiến đấu với các đơn vị của Liên Xô và Ba Lan đang tiến công.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #34 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2011, 10:23:14 am »

Khi bắt đầu diễn ra những sự kiện quyết định trên hướng chiến lược phía Tây, những mối liên hệ với các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của các lực lượng dân chủ Ba Lan càng chặt chẽ hơn. Giữa tháng Năm 1944, các đại biểu được ủy nhiệm của CRN đến Liên Xô. Ngày 22 tháng Năm, Chính phủ Liên Xô tiếp các đại biểu được ủy nhiệm của CRN, và cũng chính trong ngày hôm đó, ở Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô cũng đang tiến hành thảo luận kế hoạch chiến dịch “Ba-gra-chi-on” - kế hoạch tiêu diệt quân phát- xít Đức ở Bê-lô-ru-xi-a.

Các đại biểu đã giới thiệu chi tiết cho Tổng tư lệnh tối cao và Liên minh những người yêu nước Ba lan biết về tình hình trên đất nước Ba Lan, trong đó có vấn đề thành lập Quân đội nhân dân. Buổi hội đàm thắm thiết tình hữu nghị đã diễn ra trên hai tiếng đồng hồ. Chính phủ Liên Xô công nhận CRN là đại biểu duy nhất của nhân dân Ba Lan và đáp ứng thỏa mãn mọi yêu cầu giúp đỡ về vật chất của CRN.

Trong thời gian các đại biểu ở thăm Liên Xô, chúng ta đã mời các đồng chí đi tham quan khắp U-crai-na và tới các đơn vị quân đội nhân dân Ba Lan. Khi ra về, các đồng chí rất vui lòng trước mối tình hữu nghị được củng cố bền chặt giữa hai dân tộc Ba Lan và Liên Xô.

*
*   *

Lúc bấy giờ, bộ đội Liên Xô đang chuẩn bị tiến công ở Cô ven. C. C. Rô-cô-xốp-xki, tư lệnh phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1, coi vùng đất đai rộng lớn và rất phức tạp ở Bê-lô-ru-xi-a, kể cả Pô-lê-xi-ê và Cô-ven, là vùng khá thuận lợi để tổ chức các chiến dịch thọc sâu táo bạo. Đồng chí cho rằng có thể từ phía Tây - Nam ở mạn sau Pô-lê-xi-ê đánh vu hồi vào cụm quân địch ở Bê-lô-ru-xi-a và hiệp đồng với các đơn vị tiến công ở phía Bắc vùng đầm lầy Pri-pi-át, tiêu diệt chúng trong vùng rừng đầm lầy này.

Kế hoạch chiến dịch tiến công bên sườn trái của phương diện quân phần nào phản ánh ý định đó của người chỉ huy quân sự nối tiếng. Kế hoạch tiến công bên sườn trái của phương diện quân được dự định bắt đầu khi phòng ngự của địch ở phía Bắc Pô-lê-xi-ê bị lung lay đến tận gốc, nhưng vẫn còn khả năng chống cự trên các tuyến phía Tây Bê-lô-ru-xi-a. Mũi đột kích ở Cô-ven riêng từ phía sườn và phía sau sẽ làm tiêu tan hẳn những hy vọng cuối cùng của quân địch định trụ lại trên lãnh thổ Bê-lô-ru-xi-a.

Mục tiêu của mũi đột kích này trước hết nhằm tiêu diệt cụm quân phát-xít Đức ở Cô-ven, theo tính toán của chúng ta trong thời gian ấy, thì ít ra nó cùng có tới 10 sư đoàn cùng với các phương tiện tăng cường. Sau khi đã chọc thủng hệ thống phòng ngự quân địch, kế hoạch vạch ra là sẽ phát huy thắng lợi ở hướng Bắc dọc theo hai bên bờ Đông và Tây con sông Tây Búc và từ ba phía - Đông - Nam, Tây và Bắc - đánh chiếm lấy pháo đài Brét.

Chiếm được Brét, các đơn vị cơ động phải tiến công tới Pru-gia-nư, Xlô-nim, hoặc tới Ben-xcơ, Bê-lô-xtốc. Dễ dàng nhận thấy rằng trong trường hợp chiến dịch thắng lợi, các đơn vị quân địch sẽ bị kẹp giữa hai mũi gọng kìm của các tập đoàn xung kích thuộc phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1. Tiêu diệt được quân địch trong khu vực này sẽ mở ra những triển vọng to lớn để sau này giải phóng Vác-sa-va.

Theo kế hoạch chiến dịch, trong giai đoạn đầu sẽ có 3 tập đoàn quân binh chủng hợp thành (tập đoàn quân 47 của tướng N. I. Gu-xép, tập đoàn quân cận vệ 8 của tướng V. I. Tsui-côp và tập đoàn quân 69 của tướng Côn-pác-tsi) đột phá phòng ngự của các đơn vị phát-xít Đức. Sau đó, tập đoàn quân xe tăng 2 của tướng X. I. Bô-gđa-nốp và tập đoàn kỵ binh - cơ giới của tướng V. V. Cri-u-cốp bước vào chiến đấu phát huy kết quả của chiến dịch.

Còn các tập đoàn quân binh chủng hợp thành (trừ tập đoàn quân 47) sẽ tiếp tục tiến công về phía Tây tới tuyến Li-u-blin, chuyển sang phòng ngự ở đây để bảo đảm cho phương diện quân trên hướng này. Các đồng chí dự định đến ngày 3 tháng Tám 1944 sẽ hoàn thành kế hoạch chiến dịch.

Như vậy là chiến dịch Cô-ven của các đơn vị bên sườn trái phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 được trù tính là giai đoạn quyết định các hành động của bộ đội ta trên đường tiến quân tới Vác-sa-va. Kế hoạch chiến dịch không dự kiến đánh chiếm thủ đô Ba Lan và vượt sông Vi-xla, nhưng nếu tiêu diệt được cụm quân địch quan trọng nhất trong khu vực Brét thì thực chất là ta đã mở được cửa vào Vác-sa-va.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #35 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2011, 10:24:15 am »

Thế nhưng, các sự kiện quân sự và chính trị xảy ra sau khi Đại bản doanh phê chuẩn chiến dịch được ít lâu lại khiến cho kế hoạch chiến dịch có những thay đổi quan trọng. Bắt đầu từ những sự kiện quân sự. Viên thống chế tư lệnh Mô-đen, được cử thay viên thống chế tư lệnh Phôn Bu-sơ làm tư lệnh Cụm tập đoàn quân “trung tâm), không chờ chúng ta đột kích vào Cô-ven. Rạng ngày 5 tháng Bảy, y bỏ lại vùng Cô-ven đất thấp, rút quân về phía Tây tới tuyến Pa-ra-đu-bư, Tác-gô-vi-xe đã được chuẩn bị sẵn, dựa vào các điểm cao có lợi. Các phân đội của sư đoàn mô-tô SS “vi-kinh” chuyển thuộc quyền chỉ huy của Mô-đen đã được bí mật điều động trước đến đây.

Như vậy là chúng đã thành lập ra một khu vực cứ điểm độc đáo mà bộ đội ta chưa biết tới. Ý định của Mô-đen cũng đơn giản: y cho rằng các cán bộ chỉ huy Liên Xô khi thấy quân chúng rút lui sẽ nhanh chóng lao tới truy kích, do đó sẽ rơi vào cái túi hỏa lực bất ngờ của các xe tăng chúng đặt ngầm dưới đất, nên sẽ bị thiệt hại nặng. Âm mưu này của chúng không phải là cao tay lắm, thế nhưng các cán bộ chỉ huy chúng ta cũng bị mắc vào tròng. Nguyên nhân của những sai lầm này là do phần nào chúng ta “say sưa trước những thắng lợi” trong quá trình chiến dịch Bê-lô-ru-xi-a.

Thấy địch rút lui, N. I. Gu-xép, tư lệnh tập đoàn quân, liền tung ngay các chi đội phái đi trước gồm 3 sư đoàn vọt lên. Các chi đội đánh tan ngay các đơn vị yểm hộ mỏng yếu của địch và chiếm lấy Cô-ven cùng các vùng dân cư khác. Đồng thời, tư lệnh tập đoàn quân báo cáo tình hình cho tư lệnh phương diện quân lúc này đang ở trong vùng Cô-ven, nhận định rằng quân địch đang tổ chức rút lui toàn bộ.

Về phía mình, C. C. Rô-cô-xốp-xki cũng lại báo cáo ngay tình hình trên cho Gh. C. Giu-cốp, đại diện của Đại bản doanh. Gh. C. Giu-côp không phủ nhận khả năng rút lui của địch nhưng đồng chí cho rằng cần phải xác nhận thật đầy đủ tình hình tháo chạy của địch đã. Đồng chí lệnh cho tư lệnh phương diện quân khi đã xác nhận đúng là cụm quân Cô-ven của địch rút chạy, thì phải nhanh chóng chuyển sang tiến công ngay, tung các tập đoàn quân 47, 69, các quân đoàn xe tăng 8, 11 và 2 quân đoàn kỵ binh vào giao chiến.

Ngày hôm sau, quân địch vẫn tiếp tục rút lui. Trong ngày 6 tháng Bảy, các tập đoàn quân của Gu-xép và Côn-pác-tsi tiến sâu được 9 ki-lô-mét. Chúng ta lấy được tấm bản đồ của một sĩ quan địch thuộc sư đoàn bộ binh 342 đã bị giết, có đánh dấu tuyến rút lui của sư đoàn này tới sông Tây Búc. Lúc này, tư lệnh phương diện quân và đại diện của Đại bản doanh không còn nghi ngại gì nữa.

Nhưng lại nảy sinh ra một vấn đề khác là bộ đội sẽ hành động theo kế hoạch nào, vì việc rút chạy của địch làm thay đối hẳn tình hình và mở ra những khả năng mới. Mọi điều lệnh chiến đấu của ta đều nói rõ là khi địch rút lui, phải nhanh chóng và rất khẩn trương truy kích chúng. Tình hình đã diễn ra như vậy Thế nhưng lúc này lại cần phải chuẩn xác thêm kế hoạch chiến dịch. Gh. C. Giu-cốp và Hội đồng quân sự phương diện quân trực tiếp bắt tay vào giải quyết các công việc trên.

Trong khi ấy, bộ đội vẫn tiếp tục truy kích địch. Tư lệnh tập đoàn quân 47 yêu cầu thiếu tướng Ph. N. Rút-kin. chỉ huy quân đoàn xe tăng 11 phối thuộc tập đoàn quân, phải hành động táo bạo ngay, nhưng lại không áp dụng những biện pháp thỏa đáng nhằm tổ chức trinh sát sâu hơn và toàn diện hơn, không bảo đảm hỏa lực của pháo binh và không quân chi viện cho tiến công, vội vã cho rằng lúc này bọn Hỉt-le đang chạy “thục mạng để hòng thoát thân”.

Về phía mình, quân đoàn trưởng và các chỉ huy lữ đoàn trong quân đoàn cũng nhận định rằng quân địch tháo chạy, và do không đủ thời gian, nên đã vội vã tung các binh đoản vào chiến đấu, cũng không kịp nghĩ tới việc hiệp đồng với pháo binh và không quân, không tổ chức đầy đủ các mặt trinh sát.

Hồi 11 giờ ngày 8 tháng Bảy, quân đoàn xông lên phía trước. Hai lữ đoàn xe tăng được triển khai lại không tiến hành trinh sát sơ bộ địa hình, nên phải hành động mò mẫm. Thậm chí, các đồng chí còn cho rằng không cần phải triển khai cả những trung đoàn pháo tự hành thuộc biên chế của quân đoàn. Bộ binh không tiến công sau xe tăng.

Công tác tổ chức chiến đấu của quân đoàn thiếu sót như vậy, nên khi các lữ đoàn xe tăng vấp phải tuyến phòng ngự có tổ chức vững chắc của địch, đã bị thiệt hại nặng. Và, mặc dầu các lữ đoàn ra sức đột phá dưới tầm hỏa lực bắn thẳng của các xe tăng địch đặt ngầm dưới đất nhưng cũng không sao hoàn thành được nhiệm vụ chiến đấu.

Bài học thật sâu sắc. “con thú bị thương” điên cuồng gầm gừ. Chỉ một sai lầm rất nhỏ trong công tác tổ chức chiến đấu, đánh giá địch không đầy đủ cũng có thể bị trả giá rất đắt...

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #36 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2011, 10:25:09 am »

Gh. C. Giu-côp nhận được tin trên, ra lệnh phải điều tra ngay tình hình và báo cáo cho Xta-lin: “tôi cho rằng - Gh. C. Giu-côp kết thúc bản báo cáo - phải cách chức thiếu tướng Rút-kin. chỉ huy trưởng quân đoàn, cử người có năng lực và có trách nhiệm hơn đứng ra chỉ huy quân đoàn.

Đại bản doanh cần ra lệnh khiển trách Gu-xép về thái độ thiếu trách nhiệm của mình...”. 

Tổng tư lệnh tối cao yêu cầu tướng G. N. ô-ren, chủ nhiệm binh chủng xe tăng của phương diện quân, báo cáo bổ sung thêm các nguyên nhân đánh không thắng, sau đó mới ra lệnh cách chức chỉ huy trưởng quân đoàn.

Bộ tổng tham mưu cũng rất đau xót trước sai lầm đó, nhất là đối với tôi, vì Ph. N. Rút-kin là bạn đồng học trong Học viện mô-tô cơ giới của Hồng quân công nông trước đây.

Vì đại diện của Đại bản doanh và Hội đồng quân sự phương diện quân chưa biết rõ các hành động sau này của địch như thế nào, nên buộc phải dự kiến nhiều phương án khác nhau để triển khai chiến dịch. Nếu địch phòng ngự trên các điểm cao ở phía Đông Tây Búc thì phương diện quân vẫn tiến hành chiến dịch theo kế hoạch cũ, chỉ cần sửa chữa lại đôi chút. Còn nếu như địch rút chạy “và rất có khả năng lại như vậy) thì mũi đột kích chủ yếu sẽ đánh vào Đem-blin tiến ra Vi-xla và phát huy chiến quả theo dọc bờ Đông sông Vi-xla tới các vùng phụ cận Vác-sa-va - Pra-ha.

Phương diện quân cần đánh chiếm lấy căn cứ đầu cầu ở bên kia sông Vi-xla để sau này có thể dùng làm bàn đạp tiến công vế phía Tây. Các mũi đột kích thứ yếu dự định đánh vào Xét-lét (sử dụng lực lượng của tập đoàn quân 47 có các quân đoàn xe tăng và kỵ binh tăng cường) và ở hướng Bắc thì vào Brét (sử dụng lực lượng của tập đoàn quân 70), thu hẹp dải phòng ngự của địch ở phía trước các tập đoàn quân cánh phải của phương diện quân.

Trong kế hoạch này, nhiệm vụ sử dụng một phần lực lượng các tập đoàn quân cánh trái của phương diện quân để đánh vào khu vực Vác-sa-va được kết hợp tuyệt vời với ý định tổ chức hợp vây sâu hơn quân địch ở vùng Brét. Bộ tổng tham mưu chú ý nghiên cứu toàn diện kế hoạch đó và báo cáo lên Tổng tư lệnh tối cao. Ngay trong ngày hôm đó, ngày 7 tháng Bảy, An-tô-nốp gửi cho Gh. C. Giu-côp bức điện của Đại bản doanh phê chuẩn kế hoạch.

Căn cứ vào kinh nghiệm đau đớn của quân đoàn xe tăng 11, chúng ta có thể rút ra kết luận là không đột phá tuyến phòng ngự địch trong hành tiến được. Do đó, yêu cầu phải chuẩn bị đột phá có kế hoạch và phải bảo đảm toàn diện cho kế hoạch đột phá. Muốn vậy, cần phải có một số thời gian. Chiến dịch ở khu vực Cô-ven được lệnh hoãn tới ngày 18 tháng Bảy.

Vào thời gian này, bộ đội của phương diện quân U crai-na 1 sẽ chuyển sang tiến công vào Lơ-vốp, bẻ gãy phòng ngự địch và tạo nên ở sườn phải của mình trong khu vực Vla-đi-mia - Vô-lưn-xki các tiền đề có lợi cho các tập đoàn quân cánh trái thuộc phương diện quân của C. C. Rô-cô-xốp xki hành động. Để khỏi phải quay trở lại vấn đề này, tôi xin phép nói luôn là cuộc tiến công của phương diện quân U-crai-na 1 đã bắt đầu thắng lợi vào ngày 13 tháng Bảy 1944

Ngay ở bên sườn phải của phương diện quân - trên hướng Brét, các nhiệm vụ được giải quyết cũng không phải dễ dàng. Bộ tổng tham mưu và bộ tư lệnh phương diện quân rất lo lắng vì tốc độ tiến quân của các đơn vị ta ở đây chậm. Quân đội của Hít-le điên cuồng phòng ngự chống trả lại ở khu vực Ba-ra-nô-vi-tsi, một trung tâm đường sá quan trọng và là điểm tựa phòng ngự mạnh của quân địch. Chúng ra sức chống cự không cho các tập đoàn quân của ta tới được Brét nơi chúng ta dự định sẽ hợp vây chúng.

Gh. C. Giu-cốp đáp máy bay cấp tốc tới khu vực Ba-ra-nô-vi-tsi để đẩy mạnh tốc độ thủ tiêu quân địch cụm lại ở đây Sau khi thỏa thuận với C. C. Rô-cô-xốp-xki đang ở lại Cô-ven, Gh. C. Giu-cốp đã tổ chức tại chỗ mũi vu hồi của các lực lượng tập đoàn kỵ binh - cơ giới của I. A. Pli-ép từ mặt phía Bắc đánh vào Ba-ra-nô-vi-tsi, phối hợp với các hoạt động của tập đoàn quân 65 của P. I. Ba-tốp tại đây, điều động tập đoàn quân 28 của A. A. Lu-trin-xki tiến công cắt quãng đường sắt Ba-ra-nô-vi-tsi - Xlô-nim. Ngày 8 tháng Bảy, bộ đội ta chiếm được Ba-ra-nô-vi-tsi.

Trong lúc các đơn vị Liên Xô tiến công thắng lợi tới biên giới Ba Lan, thì đã xảy ra một sự kiện rất quan trọng đối với sứ mệnh giải phóng của quân đội Liên Xô và Ba Lan. Ngày 21 tháng Bảy, trong phiên họp của CRN tại thành phố Khen-mơ - mảnh đất nhỏ đầu tiên của Ba Lan được giải phóng khỏi bọn chiếm đóng Hít-le, đã thành lập ra chính phủ lâm thời của nước Ba Lan dân chủ: ủy ban giải phóng dân tộc Ba Lan. Sang ngày hôm sau, ủy ban ra bản tuyên ngôn kêu gọi nhân dân Ba Lan đứng lên đấu tranh nhằm giải phóng hoàn toàn đất nước chống bọn Hít-le và củng cố sự hợp tác với các lực lượng dân chủ trên thế giới, trước hết là với Liên Xô.

Bản tuyên ngôn còn công bố nhiệm vụ hàng đầu là phải tiến hành cải cách dân chủ các cơ sở của nhà nước Ba Lan. Chính quyền cách mạng mới cho rằng một trong những nhiệm vụ trước mắt là thành lập Quân đội Ba Lan.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #37 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2011, 10:26:02 am »

*
*   *

Trong những ngày dồn dập nhiều sự kiện quan trọng này, chúng ta được tin từ trong lòng địch: ngày 20 tháng Bảy, nổ ra vụ mưu sát Hít-le ở trong Tổng hành dinh của Đức. Nguyên nhân của vụ mưu sát này chúng ta chưa được rõ, thế nhưng bản thân sự kiện ấy cũng đủ chứng minh rằng trong hàng ngũ của Đế chế thứ ba đã có những sự bất đồng sâu sắc.

A. A. Grư-dơ-lốp báo cáo bằng điện thoại tới phương diện quân Pri-ban-tích 3 cho tôi biết tin vụ mưu sát đó. Thời gian này, tôi đang công tác tại đây. Cả hai chúng tôi đều lấy làm tiếc vì tên tội phạm trọng yếu vẫn còn sống sót.

Ít lâu sau, tin tức về vụ mưu sát đó từ nước Đức cũng bay tới mặt trận. Thư từ của quân lính địch viết về vụ mưu sát không tới địa chỉ của người nhận mà lọt vào tay chúng tôi, vì lý do cuộc tiến công của chúng ta đã phát triển quá nhanh, khiến những người đưa thư của địch không nhận được ra đâu là mặt trận của bọn chúng, nên đã chạy lạc sang hàng ngũ ta.

Các tập đoàn quân bên cánh trái của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 tiến công sang ngày thứ tư và khi đã vượt qua được tuyến sông Tây Búc (biên giới giữa Liên Xô và Ba Lan). thì Gh. C. Giu-cốp, C. C. Rô-cô-xốp-xki và N. A. Bun-ga-nin, ủy viên Hội đồng quân sự, nhận được lệnh của Đại bản doanh: phải chiếm Li-u-blin trước ngày 26-27 tháng Bảy. Các đồng chí quy định sẽ sử dụng trước hết tập đoàn quân xe tăng 2 của X. I. Bô-gđa-nốp và quân đoàn kỵ binh cận vệ 7 của M. P. Côn-xtan-ti-nốp để mở mũi tiến công này.
Mệnh lệnh trên phần nào làm thay đổi kế hoạch của phương diện quân. nên Đại bản doanh giải thích phải đánh chiếm Li-u-blin là vì lợi ích của nước Ba Lan dân chủ độc lập.

Ngày 23 tháng Bảy, bộ đội của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 giải phóng được Li-u-blin. Chỉnh phủ lâm thời Ba Lan bắt đầu làm việc trong thành phố, nó sẽ phải khôi phục lại nhà nước Ba Lan và tổ chức cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân phối hợp với Hồng quân chống lại bọn chiếm đóng Hít-le.

Cùng ngày hôm ấy, I. V. Xta-lin gửi cho U. Sớc-sin bức thông điệp nói rõ lập trường của Liên Xô đối với việc quản lý nước Ba Lan. “Chúng tôi không muốn và cũng sẽ không đặt cơ quan hành chính của mình trên lãnh thổ Ba Lan, vì chúng tôi không muốn can thiệp vào các công việc nội bộ của Ba Lan. Các đồng chí Ba Lan sẽ tự làm lấy các công việc đó của mình”. (Thư từ giữa Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô với Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh trong thời gian cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại 1941-1945. Tiếng Nga. t.1. tr. 244. ).

Bộ tổng tham mưu được chỉ thị về quan hệ qua lại với chính quyền Ba Lan và ra những chỉ thị phù hợp cho bộ đội Liên Xô.

Cụm tập đoàn quân “trung tâm” của phát-xít Đức bị tiêu diệt, và các phương diện quân ở hướng Tây tiến ra biên giới quốc gia Liên Xô có nghĩa là nhiệm vụ chủ yếu của bộ đội Liên Xô trong chiến dịch giải phóng Bê-lô-ru-xi-a đã gần được hoàn thành. Trong những trường hợp như thế, thường phải xác định hướng chiến lược mới hoặc sửa chữa lại kế hoạch hành động của các phương diện quân.

Ngày 19 tháng Bảy 1944, nguyên soái Gh. C. Giu-cốp viết cho Tổng tư lệnh tối cao một báo cáo riêng, nói rõ ý kiến của mình về việc tổ chức các chiến dịch sau này của các phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a mà lúc ấy đồng chí là đại diện của Đại bản doanh ở đó:

“1. M ục tiêu chiến lược chủ yếu của các phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1, 2, 3 trong giai đoạn trước mắt là: tiến ra Vi-xla, tới tận vịnh Đan-xích và chiếm lấy Đông Phổ hoặc là khi tiến quân ra Vi-xla đồng thời sẽ cắt Đông Phổ ra khỏi nước Đức Trung ương”.

Như bạn đọc thấy, Phó Tổng tư lệnh tối cao cho rằng nhiệm vụ tiêu diệt Cụm tập đoàn quân “trung tâm) và giải phóng Đông Ba Lan là nhiệm vụ phải thực hiện bằng được. Theo ý kiến của đồng chí thì chiến dịch đánh vào Đông Phổ là chiến dịch phức tạp và khó khăn hơn:

“2. Đông Phổ có nhiều cứ điểm, thiết bị công trình vững chắc, điều kiện tự nhiên thuận lợi, sẽ là một trở lực rất quan trọng. Các đường tiếp cận vào Khuê-ních-xbéc ở mặt Đông - Nam và mặt Nam vào phải 5 tuyến cứ điểm bảo vệ, còn mặt phía Đông và thêm nữa, ở phía Tây In-xtéc-buốc, địch đã chuẩn bị một khu vực có thể làm ngập nước cả vùng”.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #38 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2011, 10:26:47 am »

Gh. C. Giu-cốp cho rằng hướng tiến công có lợi nhất vào Đông Phổ là:

“hướng thứ nhất - từ khu vực Tin-dít dọc theo hai bên bờ đánh vào hướng chung tới Khuê-ních-xbéc qua Li-bốt;

hướng thứ hai - từ khu vực Cau-na-xơ, A-li-tút qua Gum-bi-nen tới Khuê-ních-xbéc. sẽ đánh vòng qua khu vực bị ngập nước ở mặt phía Nam và khu vực các cứ điểm Lét-xen-xki.

mũi đột kích thứ ba - từ khu vực Mơ-la-va qua Khô-khen-xtây, A-len-stai-nơ tới Bra-un-xbéc.

Ngoài ra, phải tung một tập đoàn mạnh ở phía Đông Vi-xla, đánh vào hướng chung Ma-ri-en-buốc để chia cắt Đông Phổ ra khỏi vùng Đan-xích".

Nhận thấy mũi đột kích từ khu vực Tin-dít chỉ có thể tiến hành khi đã quét địch ra khỏi Lít-va, nên Giu-cốp cho rằng hướng thứ hai và hướng thứ ba có thể sử dụng được khi các phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 3 và 2 phát triển tiến công.

“Tséc-ni-a-khốp-xki có thể đột kích vượt qua Gum-bi-nen nhưng phải sử dụng một bộ phận lực lượng tiến công ở phía Bắc khu rừng Áp-gu-xtốp qua Xu-van-ki tới Gôn-đáp.

Phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 2 phải đột kích từ khu vực Mơ-la-va vào các hướng sau đây:

a) một tập đoàn đánh vào A-len-stai-nơ;

b) một tập đoàn đánh vào Ma-ri-en-buốc để tiến ra vịnh Đan-xích;

c) một tập đoàn phải tiến ra Vi-xla trên khu vực Prút-di-an-xcơ, Ne-sa-va, và trụ lại tại đây.

Ở bên trái, phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 phải tiến ra giới tuyến giáp phương diện quân U-crai-na 1. Tại đây phương diện quân nhất thiết phải chiếm lấy các căn cứ bàn đạp tốt ở bên bờ phía Tây sông Vi-xla”.

Trong báo cáo của đồng chí còn nói tới những dự kiến khác, chẳng hạn về lực lượng của các phương diện quân. Nguyên soái Giu-cốp báo cáo: phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 cần được bổ sung 300 xe tăng và 100 pháo tự hành. Còn phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 2 thì ngoài 3 tập đoàn quân ra, cần được bổ sung thêm một tập đoàn quân binh chủng hợp thành với gồm 9 sư đoàn và một quân đoàn bộ binh với biên chế gồm 3 sư đoàn, một tập đoàn quân xe tăng hoặc 2-3 quân đoàn xe tăng, cùng các phương tiện tăng cường khác, kể cả kỵ binh và không quân.

Cuối cùng, tác giá của kế hoạch trên còn đề nghị cả tuyến phân giới giữa các phương diện quân. Báo cáo kết thúc bằng câu: “Để chuẩn bị cho các chiến dịch sắp tới, đề nghị đồng chí nên triệu tập cả Va-xi-lép-xki về dự họp”.

Báo cáo trên của Giu-cốp đồng gửi cho A. I. An-tô-nốp một bản. A. I. An-tô-nốp báo cáo lên Tổng tư lệnh tối cao rằng theo ý kiến của đồng chí, trong kỳ họp sắp tới không chỉ bàn đến các chiến dịch của các phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a mà của khắp các mặt trận - từ Pri-ban-tích tới Các-pát, I. V. Xta-lin đồng ý và cho lệnh triệu tập cả Gh. C. Giu-cốp và A. M. Va-xi-lép-xki. Phiên họp ấn định vào ngày 27-29 tháng Bảy.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #39 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2011, 10:27:36 am »

*
*   *

Thời gian mở những mũi đột kích quyết liệt mới đánh vào quân địch ở phía Tây - Nam đã đến. Chúng ta cần xác định rõ lại một lần nữa nhiệm vụ và hướng nỗ lực chủ yếu của các phương diện quân đang tiến công, kiểm tra và chấn chỉnh lại những nơi nào cần thiết, xác định tính chất hiệp đồng, quy định các cụm lực lượng của phương diện quân, thứ tự thành lập, nơi bố trí và sử dụng các đội dự bị của Đại bản doanh.

Ngoài ra, Bộ tổng tư lệnh tối cao còn phải giải quyết theo cách mới một số vấn đề về chỉ huy các đơn vị, phối hợp sự nỗ lực và kiểm tra mọi hành động của các phương diện quân. Chúng ta cần phải tăng cường theo dõi việc tiến hành và bảo đảm cho các chiến dịch.

Tình hình lúc này có vấn đề phải quan tâm là, bộ đội ta giành được nhiều thắng lợi to lớn và đánh giá thấp địch. Do đó tính nghiêm khắc trên một số mặt như tiến hành trinh sát, tuân thủ nguyên tắc tập trung lực lượng và hành động của các tập đoàn xung kích, có hiện tượng bị lơi lỏng. Có nơi, có lúc, chúng ta phát hiện thấy hiện tượng phân tán các lực lượng và phương tiện, ví dụ như ở các đơn vị cơ động, không quân và một bộ phận pháo binh. Ngay I. X. Cô-nép - một kiện tướng về tổ chức các mũi đột kích tập trung và biết nhanh chóng phát huy thắng lợi trong thời gian chuẩn bị cho chiến dịch Lơ-vốp cùng vẫn không tránh khỏi các thiếu sót ấy.

Khi tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 của P. X. Rư-ban-cô tiến sâu vào phía sau cụm quân Lơ-vốp của địch. Gh. C. Giu-cốp đại diện Đại bản doanh - và tư lệnh phương diện quân cho rằng địch sẽ bỏ Lơ-vốp và bắt đầu rút lui. Ngày 23 tháng Bảy, các đồng chí báo cáo cho Tổng tư lệnh tối cao rõ quyết định tiếp tục tiến công của các tập đoàn quân xe tăng của Ca-tu-cốp, Rư-ban-cô, Lê-liu-sen-cô và quân đoàn kỵ binh của Ba-ra-nốp. Các binh đoàn tiến công theo hình cánh cung tới Tren-xtô-khôp và Cra-cốp không thể hiện rõ đâu là binh đoàn chủ yếu.

Tổng tư lệnh tối cao và Bộ tổng tham mưu suy nghĩ khác hơn. Cũng có thể, địch sẽ bỏ lại Lơ-vốp, như vậy mọi việc sẽ tốt đẹp. Nhưng, nếu bọn chúng lại cố giữ lấy Lơ-vốp thì tình hình rồi sẽ ra sao? Trong trường hợp này, phía sau các đơn vị chúng ta sẽ còn lại cả một trung tâm giao thông to lớn và khu vực phòng ngự rất quan trọng của địch, còn ở bên sườn là khu vực Xta-ni-xláp vẫn do địch chiếm giữ. Bộ đội Liên Xô sẽ lâm vào nguy cơ bị cắt khỏi đường tiếp tế đạn dược và lương thực.

Ngày 24 tháng Bảy, Đại bản doanh ra chỉ thị về vấn đề này như sau:

“Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao cho rằng kế hoạch sử dụng các tập đoàn quân xe tăng và quân đoàn kỵ binh của các đồng chí trong lúc này là hơi sớm và nguy hiểm, vì chiến dịch đó không thể bảo đảm về mặt vật chất và chỉ dẫn tới kết quả làm suy yếu và phân tán các cánh quân xung kích của ta.

Căn cứ vào tình hình trên, Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao ra lệnh trước hết phải tiêu diệt cụm quân Lơ-vốp của địch và không cho chúng rút sang bên kia sông Xan hoặc tới Xam-bo, do đó:

1) Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 1 của Ca-tu-côp và quân đoàn kỵ binh cận vệ 1 của Ba-ra-nốp sẽ đánh chiếm khu vực I-a-rô-xláp, Pê-rê-mư-slơ để cắt các đường rút lui chính sang phía Tây của cụm quân Lơ-vốp của địch.

2) Sử dụng tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 của Rư-ban-cô và tập đoàn quân xe tăng 4 của Lê-liu-sen-cô để tiêu diệt cụm quân Lơ-vốp của địch và đánh chiếm thành phố Lơ-vốp, hiệp đồng với tập đoàn quân 60 của Cu-rồt-kin.

Các đồng chí cần chú ý rằng, nếu không chiếm được Lơ-vốp, một trung tâm đường sắt quan trọng, thì sau này chúng ta sẽ không thể phát triển tiến công mạnh sang phía Tây tới Cra-côp được.

3) Sử dụng quân đoàn kỵ binh cận vệ 6 của Xô-cô-lốp tập kích vào sau lưng cụm quân Cra-xnô-xtáp-xki của địch theo hướng chung Tô-ma-súp, Cra-xních; hiệp đồng với tập đoàn quân cận vệ 3 của Gô-rơ-đốp và cánh trái của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 tiêu diệt chúng.

4) Trong những ngày tới đây, cuộc tiến công sang phía Tây giới hạn trong phạm vi tiến tới sông Xan, chiếm lĩnh các bên vượt và căn cứ đầu cầu bên bờ Tây con sông này...”

Như vậy là vấn đề sử dụng các đơn vị cơ động và tiêu diệt quân địch trực tiếp ở khu vực Lơ-vốp đã được giải quyết và phương thức phát triển thắng lợi của phương diện quân U crai-na 1 đã được quy định. Nếu chúng ta nhớ đến trận đánh cố thủ tại căn cứ bàn đạp Xan-đô-ni-a, đã gây cho ta nhiều khó khăn biết bao, mặc dầu phía sau lưng các đơn vị chúng ta hoàn toàn được bảo đảm, chúng ta mới thấy rõ sự sáng suốt đó của Đại bản doanh.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM