Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:25:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ Tổng Tham mưu Xô-viết trong chiến tranh - Tập 2  (Đọc 108943 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #110 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2016, 10:30:52 am »


Do chỗ đội ngũ cán bộ chỉ huy mới chưa phải đều đã được huấn luyện tốt về mặt quân sự, nên đã nảy sinh ý định cử các cố vấn của quân đội Liên Xô giúp đỡ quân đội Bun-ga-ri. I. X. A-nô-sin là người nảy ra ý định đó đầu tiên trong bức điện báo cáo gửi A. X. Giên-tốp, ủy viên Hội đồng quân sự phương diện quân U-crai-na 3.

A. X. Giên-tốp ủng hộ đề nghị ấy. Đồng chí hội ý với Ph. I. Tôn-bu-khin và chủ trương đặt vấn đề với Bộ tổng tham mưu về việc cử các đại biểu quân sự của ta. Đồng chí tư lệnh đồng ý.

Theo chỉ thị của tư lệnh phương diện quân, X. X. Bi-ri-u-dốp đem trao đổi vấn đề trên với K. Ghê-oóc-ghi-ép và Đ. Ven-trép. Họ quyết định chính thức mời Liên Xô cử các sĩ quan xô-viết vào làm đại biểu trong các đơn vị ở Bun-ga-ri, nói một cách chính xác hơn là làm huấn luyện viên về các vấn đề huấn luyện chiến đấu.

Ngày 20 tháng Chín. A. I. An-tô-nốp nhận được bức điện từ phương diện quân U-crai-na 3 của Ph. I. Tôn-bu-khin đặt vấn đề cử các cố vấn cho quân đội Bun-ga-ri theo đề nghị của chính phủ Bun-ga-ri.

Bức điện trên được báo cáo cho Đại bản doanh, sau đó ít lâu Chính phủ Liên Xô đồng ý cử các sĩ quan Hồng quàn vào các binh đoàn của Bun-ga-ri, nhưng chỉ vào những binh đoàn hoạt động cùng với bộ đội của phương diện quân U-crai-na 3.

Đầu tháng Mười 1944, bảy đại tá Liên Xô đến các đơn vị của Bun-ga-ri: Ta-tác-trép-xki tới sư đoàn bộ binh 4. Khê-ra-xcốp — sư đoàn 5, Ti-tốp — sư đoàn 6, Ga-li-ác-bê-rôp — sư đoàn 9, Gri-gô-ri-ép — sư đoàn 12, Sa-phô-rôt và Pô-gi-đa-ép — sư đoàn kỵ binh 1 và 2. Các cố vấn Liên Xô không chỉ huy mà chỉ đóng góp những ý kiến thiết thực khi cần thiết. Ít lâu sau, thiếu tướng A. V. Bla-gô-đa-tốp được cử làm trưởng đoàn cố vấn Liên Xô trong quân đội Bun-ga-ri.

Các chỉ huy sư đoàn và trung đoàn của Bun-ga-ri lúc bấy giờ chưa có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, nên sự giúp đỡ của các đồng chí Liên Xô là đúng lúc. Các đại biểu quân sự của ta phải thâm nhập vào mọi vấn đề tổ chức hoạt động chiến đấu, bảo đảm chiến đấu, đặc biệt là vấn đề tổ chức trinh sát và chỉ huy các đơn vị. Bản thân cuộc sống yêu cầu như vậy. Ví dụ, đại tá Ta-tác-trép-xki báo cáo về tình trạng công tác trinh sát của binh đoàn nơi đồng chí công tác: «Sư đoàn không tổ chức trinh sát, các tin tức về địch đều lấy ở nhân dân địa phương và du kích. Những tin tức ấy chưa thật đúng và chính xác», cả những vấn đề khác tiến hành cũng chưa tốt.

Các cán bộ chính trị của Liên Xô cũng đã giúp đỡ nhiều trong việc tổ chức công tác chính trị, giáo dục quân đội nhân dân Bun-ga-ri còn non trẻ. Các đồng chí Bun-ga-ri đón tiếp nồng nhiệt các sĩ quan Liên Xô, hào hứng tiếp thụ những kinh nghiệm mà họ đã thu được trong cuộc đấu tranh gian khổ chống quân đội phát-xít Đức. Sự thông cảm lẫn nhau và hợp tác tốt đẹp đã nhanh chóng hình thành và sản sinh ra tình hữu nghị chiến đấu thắm thiết lâu dài sau này.

Đảng công nhân Bun-ga-ri và Mặt trận Tổ quốc đã tiến hành thắng lợi việc cải tổ lại quân đội Bun-ga-ri, đã tiếp thêm cho nó sức mạnh cách mạng của Quân đội khởi nghĩa giải phóng nhân dân. Những người chỉ huy các đơn vị du kích giữ các cương vị chỉ huy trong các binh đoàn và đơn vị. Các chiến sĩ trong mặt trận nhân dân đấu tranh chống chế độ quân chủ-phát-xít trở thành nòng cốt của quân đội mới.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #111 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2016, 10:32:15 am »


Căn cứ vào kinh nghiệm đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản Nga, Đảng công nhân Bun-ga-ri và người trợ thủ gần gũi của Đáng là Đoàn thanh niên công nhân, đã công bố lời hiệu triệu những người tình nguyện. Gần 40 nghìn chiến sĩ tích cực đấu tranh cho nước Bun-ga-ri nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi đó: các chiến sĩ du kích, các tù nhân chính trị trước đây và những người bị giam giữ trong các trại tập trung, những thanh niên nhiệt tình với cách mạng. Đó là những con người có ý chí cách mạng cao, tinh thần chiến đấu bầt khuất và biết hành động thiết thực, đã đem lại bộ mặt mới cho các doanh trại quân đội Bun-ga-ri, đem lại cho các đơn vị tính kiên cường và ý chí, dẫu thế nào cũng phải tiêu diệt bằng được quân địch ở ngoài chiến trường.

Những biện pháp rất táo bạo đã được áp dụng để đổi mới đội ngũ cán bộ chỉ huy. Những sĩ quan và tướng lĩnh đã là những tên đày tớ trung thành của chế độ quân chủ- phát-xít thì bị đuổi ra khỏi quân đội.

Các đảng viên cộng sản đã từng được thử thách, trước đây đứng trong hàng ngũ Quân đội khởi nghĩa giải phóng nhân dân đấu tranh chống nhà vua và tập đoàn phát-xít, nay cùng các sĩ quan là đảng viên cộng sản, những người đã từng tiến hành hoạt động bí mật trong quân đội chính quy của nước Bun-ga-ri, đứng ra nắm quyền lãnh đạo quân đội, kể cả khâu chỉ huy quân sự ở cấp cao. Trong số đó có những ngưòi anh hùng tháng Chín 19231, những kiều dân chính trị, các chính ủy và các nhà chỉ huy quân khởi nghĩa. Tên tuổi của họ đã được nhiều người biết đến, như: I-van Vi-na-rốp, Ghê-oóc-ghi Đa-mi-a-nốp, Da-kha-ri Da-kha-ri-ép, I-van Ki-nốp, Phéc-đi-na Cô-dốp-xki, I-van Mi-khai-lôp, Bra-ni-mia Oóc-ma-nốp, Pi-ốt Pan-trép-xki. Các đồng chí này trước đây đã công tác trong Hồng quân và tốt nghiệp các học viện quân sự ở Liên Xô. Họ đều nắm được lý luận và kinh nghiệm thực tiễn cần thiết để lãnh đạo xây dựng quân đội Bun-ga-ri và chỉ đạo tác chiến.

Một số sĩ quan trước đây bị loại ra ngạch dự bị vì có tư tưởng chống phát-xít, như Vla-đi-mia Xtôi-trép, Tô-đo Tô-sép, Xtô-i-an Tơ-ren-đa-phi-lốp, nay trở về đội ngũ để củng cố thành phần cán bộ chỉ huy. Theo thứ tự đó, các đồng chí giữ cương vị tư lệnh tập đoàn quân 1 và chỉ huy các sư đoàn bộ binh. Đại bộ phận sĩ quan cấp dưới được thay thế bằng các hạ sĩ quan có tinh thần cách mạng.

Tất cả những nguồn bổ sung cán bộ trên đã làm giảm bớt tình trạng thiếu thốn cán bộ chỉ huy trong quân đội Bun-ga-ri và tạo thêm tính chất thực sự nhân dân trong quân đội Bun-ga-ri mới.

Dựa theo kinh nghiệm lịch sử của các Lực lượng vũ trang Liên Xô, quân đội Bun-ga-ri cũng lập ra chế độ chính ủy để giúp những người chỉ huy. Những đảng viên cộng sản Bun-ga-ri nổi tiếng như Ste-ri-u A-ta-na-xôp và các đồng chí khác đã thể hiện ở đây sự sáng suốt và sự tôi luyện của Đảng.

Trong những ngày đáng ghi nhớ ấy đối với chúng tôi và đối với đất nước Bun-ga-ri nhân dân, bọn phản động đã nhiều lần thay đổi chiến thuật chống phá của chúng. Khi lý do quân đội chưa có khả năng chiến đấu mà bọn chúng đưa ra bị bác bỏ, chúng bèn tìm cách kéo dài thời gian, phá những biện pháp tổ chức các đơn vị, cố thu hẹp quân số các đơn vị tuyển mộ ra đi chiến đấu. Lúc này theo chúng, nhiệm vụ giải quyết các vấn đề nội bộ của đời sống Bun-ga-ri được đặt lên hàng đầu, còn nhiệm vụ đưa quân đội đi chiến đấu chống lại Hít-le phải đặt xuống hàng thứ hai.
___________________________________________
1. Những người anh hùng tháng Chín 1923 là những người tham gia cuộc khởi nghĩa tháng Chín 1923 chống phát-xít ở Bun-ga-ri dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. — BT.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #112 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2016, 10:33:38 am »


Mọi mưu đồ của kẻ thù nhân dân đều bị bóc trần, sự chống phá của chúng bị đè bẹp. Nhưng để đấu tranh với bọn chúng, chúng ta cũng phải mất công sức, phải quan tâm, chú ý và phải mất thời gian. Chúng ta cũng chưa thể lột ngay được mặt nạ của kẻ thù giả vờ là «bạn dân», vì chúng còn khôn khéo che đậy dưới cái chiêu bài Mặt trận Tổ quốc chiến đấu. Bản chất phản nhân dân của những kẻ «bạn dân» này trở nên đặc biệt rõ, khi chúng câu kết với bọn lưu vong phản động Bun-ga-ri ở nước ngoài, chẳng hạn như với Txan-cốp là kẻ đã lập ra ở Đức cái gọi là «chính phủ dân tộc Bun-ga-ri». Sự kiện trên xảy ra hồi cuối tháng Chín 1944, lúc hoàn thành cuộc động viên bộ đội Bun-ga-ri mở các chiến dịch trên lãnh thổ Nam Tư cùng với Hồng quân và Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư.

Bấy giờ, Đảng công nhân Bun-ga-ri (cộng sản) 1 kêu gọi nhân dân tích cực tham chiến và Gh. M. Đi-mi-tơ-rốp viết: «Tương lai đất nước chúng ta phụ thuộc trước hết vào sự đóng góp thiết thực của chúng ta, của nhân dân cũng như nhà nước, vào những cố gắng quân sự chung trong lúc này...» 2.

Lời kêu gọi của các đảng viên cộng sản được nhân dân tích cực hưởng ứng. Bắt đầu từ ngày 9 tháng Chín, quá trình cách mạng dâng lên khắp đất nước. Người ta triển khai việc động viên các lực lượng đứng về phía liên minh chống Hít-le tham gia cuộc chiến tranh thần thánh chống nước Đức phát-xít, và ngay từ đầu tháng Mười 1944, các chiến sĩ Bun-ga-ri đàã hiệp đồng với Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư và Hồng quân, tiến công thắng lợi trên hướng Ni-sơ.

Kẻ thù của nhân dân tạm thời giấu mặt, chúng không những vẫn tiếp tục phá hoại ngầm mà còn tăng cường hơn, nhất là sau khi ký kết hiệp nghị đình chiến với Bun-ga-ri ngày 28 tháng Mirời 1944. Lợi dụng tình hình các mối quan hệ với Bun-ga-ri lúc này đã được thể chế hóa chặt chẽ, Pét-cô Xtô-i-a-nốp, bộ trưởng tài chính, và Ni-cô-la Pét-cốp, bộ trưởng không bộ, đã chống đối quyết liệt việc tiếp tục mở rộng các hoạt động của quân đội Bun-ga-ri ngoài tiền tuyến cùng với Hồng quân.

Song, tất nhiên, những hành động chống phá của một nhóm nhỏ kẻ thù không thể ngăn chặn được các sự kiện phát triển. Bun-ga-ri vẫn bắt đầu lập ra binh đoàn mới, và công việc đó đã tiến hành tốt. Binh đoàn đó lấy tên cũ là tập đoàn quân Bun-ga-ri 1, nhưng về chức năng, biên chế và tinh thần chiến đấu của bộ đội thì nó lại là con đẻ của những cải cách cách mạng. Ngày 21 tháng Mười một 1944, bộ trưởng chiến tranh Bun-ga-ri ra quyết định thành lập tập đoàn quân này, gồm có 6 sư đoàn, mỗi sư đoàn 12000 người. Như đã nói ở trên, tư lệnh tập đoàn quân là trung tướng Vla-đi-mia Xtôi-trép, đã tỏ ra xuất sắc trong các trận đánh sau này. Phó của đồng chí là tướng Ste-ri-u A-ta-na-xốp, một đảng viên cộng sản, có kiến thức rộng, giàu kinh nghiệm hoạt động chính trị và quân sự. Các sư đoàn, trung đoàn và các đội dân binh đều được bổ nhiệm những cán bộ chỉ huy cấp phó đặc biệt, lấy trong số những người đã được thử thách trong cuộc đấu tranh chống phát-xít. Các đơn vị được củng cố, bổ sung các chiến sĩ tình nguyện, những người chống phát-xít.

Đảng đã tiến hành rộng khắp trong quân đội công tác giáo dục, giải thích các nguyên nhân vì sao bộ đội Bun-ga-ri cần đứng về phía Liên Xô, sát cánh chiến đấu với các chiến sĩ giải phóng Liên Xô, tiếp tục đấu tranh chống lại quân đội Hít-le. Đảng công nhân Bun-ga-ri (cộng sản) và chính phủ của Mặt trận Tổ quốc đặc biệt chú ý giải quyết nhiệm vụ này và đem lại cho nó một phương hướng chính trị rõ rệt. Đảng và chính phủ đã ra bản tuyên ngôn đặc biệt gửi nhân dân và quân đội Bun-ga-ri, trong đó chỉ rõ: «Chiến tranh sắp kết thúc, nhưng hiện nay vẫn chưa chấm dứt. Đất nước cần có những nỗ lực và hy sinh mới để bảo đảm tự do hoàn toàn cho nhân dân Bun-ga-ri cũng như các quyền lợi sống còn của Tổ quốc ta... Chúng ta không bao giờ được quên rằng, đây là thời cơ lịch sử quyết định vị trí của đất nước ta vào những năm sau này trong hàng ngũ các dân tộc yêu chuộng tự do và tiến bộ...»
____________________________________________
1. Từ cuối tháng Chín 1944, Đảng công nhân Bun-ga-ri lấy tên là Đảng công nhân Bun-ga-ri (cộng sản)
2. Gh. Đi-mi-tư-rốp. Tuyển tập, tiếng Nga, t. 2, Mát-xcơ-va, 1957, tr. 38.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #113 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2016, 10:34:05 am »



Bọn phản động lại mưu đồ lợi dụng những khó khăn đang nảy sinh ở trong nước. Trong một phiên họp của Hội đồng bộ trưởng, chính những tên Xtô-i-a-nôp và Pét-cốp tuyên bố: việc gửi các sư đoàn mới ra ngoài mặt trận sẽ làm xấu hẳn tình hình nội bộ Bun-ga-ri, có thể sẽ dẫn đến khởi nghĩa của nhân dân. Một tên nói đại ý rằng Mỹ và Anh không tán thành tăng quân số. Cả hai tên bộ trưởng đều đặt vấn đề ngờ vực sự phù hợp giữa chính sách của Liên Xô với những lợi ích của nhân dân Bun-ga-ri. Pét-cốp và Ven-trép giấu giếm các bộ trưởng là đảng viên cộng sản, đưa lậu vào trong chính phủ bản «Nghị quyết số 4» nhằm bảo vệ cho bọn sĩ quan có những quan điểm thân phát-xít và đã từng có tội với nhân dân, khỏi bị trừng phạt một cách công bằng. Mọi mưu đồ đen tối của bọn phản động đều bị Đảng công nhân Bun-ga-ri (cộng sản) vạch mặt trước nhân dân. Quần chúng ủng hộ các đảng viên cộng sản, và trước áp lực của nhân dân, nghị quyết nguy hại đó đã bị bãi bỏ.

Đảng công nhân Bun-ga-ri (cộng sản), hiểu rõ ý nghĩa sự đóng góp của Bun-ga-ri vào sự nghiệp chung của các nước đồng minh, đã thuyết phục chính phủ của Mặt trận Tổ quốc bổ sung thêm các lực lượng chống lại nước Đức Hít-le. Ngày 14 tháng Chạp, bộ trưởng chiến tranh chính thức thông báo về vấn đề này. Để khỏi phải quay trở lại, tôi xin nói là đến cuối chiến tranh châu Âu, tổng số quân của tập đoàn quân Bun-ga-ri 1 hoạt động trong đội ngũ của phương diện quân U-crai-na 3 đã lên tới trên 245000 người.

Các binh đoàn và binh đội cận vệ, được bổ sung các chiến sĩ du kích và những người tình nguyện, đã giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng quân đội và thu được những thắng lợi rực rỡ trong chiến đấu. Các đơn vị đó hợp thành đạo quân xung kích của quân đội Bun-ga-ri, nổi bật ở tinh thần chiến đấu cao và sẵn sàng hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn nhất.

Tiễn tập đoàn quân 1 ra mặt trận, nhân dân Bun-ga-ri đã chúc tập đoàn quân sớm thu được thắng lợi trước quân thù. Từng đơn vị một, căn cứ theo tình trạng sẵn sàng chiến đấu của mình, lẩn lượt lên đường. Trước hết là các sư đoàn bộ binh 3,8 và 11, rồi sau đó đến sư đoàn 16 có mặt ở ngoài mặt trận. Cuối tháng Chạp 1944, các sư đoàn trên đã chiến đấu tiến công ở vùng giữa hai con sông Đra-va và Xa-va, và từ đầu năm 1945 đã thực hành phòng ngự bảo đảm sườn tiếp giáp giữa phương diện quân U-crai-na 3 và Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư ở phía Tây và Nam thành phố Pét (Hung-ga-ri). Sau này, các đơn vị quân đội Liên Xô, Bun-ga-ri và Nam Tư đã phối hợp với nhau, tiêu diệt các đơn vị quân địch âm mưu đột phá vượt qua sông Đra-va, tiến vào sau lưng phương diện quân U-crai-na 3.

Kết cục thắng lợi của những trận giao chiến gay go, đẫm máu ở Đra-va và khu vực Két-ke-mét chứng minh rằng, công tác tổ chức và công tác chính trị của Đảng công nhân Bun-ga-ri (cộng sản) tiến hành trong thời kỳ kiện toàn quân đội và trong quá trình chiến đấu đã thu được những kết quả chính trị vả quân sự to lớn. Các chiến sĩ Bun-ga-ri đã dũng cảm và quên mình chiến đấu cho Tổ quốc cách mạng của mình và cho mục đích chung là tiêu diệt nước Đức phát-xít. Cuộc đấu tranh vũ trang của họ chống bọn chiếm đóng phát-xít đã được mọi người công nhận.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #114 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2016, 06:40:55 pm »


CHƯƠNG SÁU

Ở Nam Tư

Trước những sự kiện quyết định. — I. Brôt Ti-tô ở Mảt-xcơ-va. — Phá bẫy.
— Chuyến bay dũng cảm. — Sự nhất trí tốt đẹp.— Chúng ta chuẩn bị các chiến dịch phối hợp.
— Những tính toán sai của bộ chỉ huy Hít-le. — Con đường dũng cảm tới Bê-ô-grát.
— Chiến thắng. — Các kế hoạch mai sau. — Những tháng chiến tranh cuối cùng ở Nam Tư. — Tình bạn chiến đấu.



Đầu tháng Chín 1944, bộ đội Liên Xô được nhân dân Bun-ga-ri đón tiếp nồng nhiệt, đang tiến sâu xuống phía Nam và Tây-Nam, thì Tổng tư lệnh tối cao giao nhiệm vụ cho Bộ tổng tham mưu chuẩn bị tài liệu về các công việc ở Nam Tư. Đồng chí nói: I-ô-xíp Brốt Ti-tô, Tổng tư lệnh tối cao Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư, thông qua phái đoàn quân sự của ta, đã đề nghị với Liên Xô cho Hồng quân tạm thời tiến vào lãnh thổ Nam Tư. Các sĩ quan trong Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu bắt tay vào nhiệm vụ ngay. Nhiệm vụ khá phức tạp, vì phải suy nghĩ tới nhiều vấn đề.

Vào những ngày 20 tháng Chín, nguyên soái I. Brot Ti-tô đáp máy bay tới Mát-xcơ-va. Cùng đi có tướng N. V. Coóc- nê-ép, trưởng phái đoàn quân sự của ta. Tình hình các mặt trận ở Nam Tư vào thời gian này khá hơn nhiều. Mấy chiến dịch tiến công lớn của bọn Hít-le âm mưu tiêu diệt Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư đã bị thất bại hoàn toàn. Trong khi ấy, Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư đã lớn mạnh, tích lũy được nhiều kinh nghiệm chiến tranh và đang tiến hành những cải cách về tổ chức. Nó không còn là một đội quân du kích nữa, mà đã trở thành một đội quân chính quy hiện đại, thật ra thì vẫn còn mang những dấu vết sống động của thời quá khứ. Biên chế nó gồm có 50 sư đoàn, nhiều lữ đoàn và chi đội, gồm 400.000 chiến sĩ, đã được tôi luyện trong đấu tranh chống quân thù. Các đơn vị đó không chỉ đơn thuần phòng ngự mà đã biết tiến công có tổ chức, quét sạch bọn xâm lược hết vùng này đến vùng khác. Đầu tháng Chín, 7 sư đoàn của Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư phối hợp với 5 sư đoàn hoạt động ở trong nước cộng hòa Xéc-bi-a, đã tiến công vào Xéc-bi-a, 12 sư đoàn đó đã tiêu diệt được các đơn vị quân địch đóng tại căn cứ này. Trong vòng 10 ngày tiến công đầu tháng Chín, Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư đã giải phóng được 98 thành phố, thị trấn và gây cho địch nhiều thiệt hại nặng. Đài phát thanh «Nam Tư tự do» loan báo: quân địch chết 24.000 tên, có 11.900 binh lính và sĩ quan bị bắt làm tù binh. Thời gian gặp gỡ giữa các đơn vị Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư và Hồng quân đã nhích lại gần...

Khi các bạn Nam Tư đặt chân tới Liên Xô, A. I. An-tô-nốp báo cho tôi biết rằng khoảng nửa đêm đồng chí sẽ đến gặp I. V. Xta-lin tại «biệt thự gần thành phố» ở Cun-xê-vô.

Sau này, An-tô-nốp kể lại: cuộc mạn đàm trong bữa cơm thân mật buổi tối đã diễn ra rất nồng nhiệt, nhưng hết sức thiết thực. Được sự ủy nhiệm của ủy ban dân tộc giải phóng Nam Tư, nguyên soái Ti-tô đề nghị với Liên Xô cho các lực lượng vũ trang tiến vào lãnh thổ miền Đông Nam Tư và đề xuất các nguyên tắc hiệp đồng giữa Hồng quân và Quân đội Nam Tư. Các bạn Nam Tư hy vọng có thể giải phóng được thủ đô Bê-ô-grát trong quá trình các hành động chiến đấu sắp tới đây. I. V. Xta-lin quay sang phía A. I. An-tô-nốp nói: Bộ tổng tham mưu chắc sẽ không phản đối chứ! Và trong buổi hội đàm ấy, hai bên đã thỏa thuận với nhau về mặt nguyên tắc cho các chiến dịch phối hợp sau này, còn những văn bản chính thức sẽ được ký kết sau. Chúng ta thông báo cho Tổng tư lệnh tối cao Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư biết các ý định sắp tới đây của chúng ta.

Chúng ta thông báo cho nguyên soái Ti-tô rằng phương điện quân U-crai-na 3 và Chi hạm đội Đa-nuýp sẽ được sử dụng để chi viện cho Nam Tư. Với các lực lượng trên, chúng ta trù tính cũng đủ để tiêu diệt quân địch ở khu vực Bê-ô-grát. Còn trên các khu vực khác thì Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư tin là có thế đánh tan được bọn chiếm đóng Hít-le bằng những lực lượng của bản thân mình. Nhân dịp này, I. V. Xta-lin nêu ý kiến là thời gian tới đây, cánh trái của phương diện quân U-crai-na 2 sẽ đi qua Nam Tư để đánh vào Hung. Nếu ủy ban giải phóng dân tộc Nam Tư cho phép bộ đội Liên Xô tạm thời tiến vào đất Nam Tư, thì thuận lợi biết bao. Đề nghị đó xuất phát từ lợi ích đấu tranh chống kẻ thù chung và đã được sự thỏa thuận của I. Brốt Ti-tô, thay mặt ủy ban dân tộc giải phóng và Bộ tham mưu tối cao Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư.

Cuộc tiến công của bộ đội Liên Xô trong tháng Chín 1944 phát triển ở sườn phía Nam mặt trận Xô-Đức thu được thắng lợi triệt để. Ngày 30 tháng Chín, bộ đội ta quét sạch quân địch trên 20 vùng dân cư của Nam Tư. Vùng ta giải phóng ở Nam Tư ngày càng được mở rộng. Trong quá trình truy kích địch, các đơn vị của phương diện quân U-crai-na 2 đã tiến tới bờ phía Đông sông Đa-nuýp. Trong khi ấy, các tập đoàn quân của phương diện quân U-crai-na 3 tiến tới biên giới phía Nam và phía Tây Bun-ga-ri. Cuối tháng Chín, tập đoàn quân 57 của trung tướng N. A. Ga-ghen chiếm được một khu rất quan trọng của thành phố Vi-đin trên bờ đối diện, bờ phía Tây sông Đa-nuýp, nên đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho bộ đội ta vượt con sông rất rộng và chảy xiết ấy, đồng thời cũng hoàn toàn tránh cho một số binh đoàn khỏi phải vượt con sông này. Sông Đa-nuýp lúc này lại có lợi cho chúng ta, trở thành luồng tiếp tế quan trọng và thuận tiện cho các đơn vị. Chi hạm đội Đa-nuýp vẻ vang dưới sự chỉ huy của Xéc-gây Ghê-oóc-ghi-ê-vích Goóc-scốp, hoạt động trên con sông này.

Nhưng, trên hướng đó quân địch cũng còn nhiều lực lượng. Các đơn vị Hít-le có 270.000 người, gồm 14 sư đoàn đủ biên chế, 8 sư đoàn thiếu, nhiều trung đoàn và tiểu đoàn độc lập. Ngoài ra, ở phía Bắc Nam Tư còn 5 sư đoàn Hung-ga-ri gồm 30.000 binh lính và sĩ quan. Các đơn vị quân ngụy Nam Tư cũng còn khoảng 270.000 tên. Tính chung, chúng còn tới 570.000 binh lính và sĩ quan. Một con số đáng phải chú ý!

Các đơn vị phát-xít Đức đóng ở Đông-Nam Nam Tư thuộc quyền chỉ huy của viên thống chế tư lệnh Phôn Vai-khơ-xơ. Cả Cụm tập đoàn quân «Ph» đóng ở Khoóc-va-ti-a, Bô-xnhi-a và Ghéc-txơgô-vi-na, Tséc-nô-gô-ri-a và An-ba-ni cũng thuộc quyền y. Các đơn vị của Cụm tập đoàn quân «E» do thượng tướng Lo-rơ chỉ huy, đóng quân ở Hy Lạp và trên các hòn đảo. Cụm tập đoàn quân «Xéc-bi-a» do tướng Phen-béc chỉ huy hoạt động ở Xéc-bi-a. Từ cuối tháng Tám 1944. các lực lượng địch ở Nam Tư tăng hẳn lên. Để chống đỡ các đòn tiến công của Quân đội giải phóng nhân dân, quân địch buộc phải điều động tới đây một bộ phận của Cụm tập đoàn quân «E». Ọuân địch ở Ru-ma-ni bị tiêu diệt, Hồng quân lúc này đang tiến sâu vào bán đảo Ban-căng đã buộc địch phải chuẩn bị cho rút các binh đoàn và đơn vị của chúng ra khỏi Hy Lạp và Ma-xê-đoan để tránh không bị nguy hiểm. Ngày 3 tháng Mười 1944, chúng được lệnh rút lui. Ọuân địch ở Nam Tư chiếm giữ những vùng có ý nghĩa chính trị và kinh tế chủ yếu, đóng chốt trên những con đường sắt và đường ô tô, âm mưu dựa vào các cứ điểm để hòng kiểm soát tình hình. Chúng đặc biệt chú ý tới việc phòng thủ các đường biên giới phía Đông Nam Tư, giữ vững các đường rút khỏi Hy Lạp sang Hung-ga-ri, Áo và Bắc I-ta-li-a. Các cứ điểm mạnh nhất của địch, trừ Xéc-bi-a, bố trí ở khu vực Xcôp-le, Ni-sơ, Cra-lê-vô.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #115 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2016, 06:42:42 pm »



*
* *

Bộ chỉ huy Hít-le đã nhiều lần âm mưu thủ tiêu ban lãnh đạo của Quân đội giải phóng nhân dân. Tháng Năm 1944, quân địch mưu toan tổ chức biệt kích vào khu vực thành phố Đrva-rơ của Nam Tư, nơi bố trí Bộ tham mưu tối cao của Quân đội giải phóng nhân dân. I. Brôt Ti-tô thuật lại sự việc này trong buổi hội đàm tại «biệt thự gần thành phố».

Đrva-rơ nằm ở phía Tây Bô-xni-a, có núi non che chở. Chỉ cần bố trí một lực lượng tương đối ít Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư là có thể bảo vệ được những cửa ngõ vào Bộ tham mưu tối cao. Ớ đây có một tiểu đoàn bảo vệ Đại bản doanh Nam Tư, các học viên trường sĩ quan, 2-3 xe tăng và một tiểu đoàn của lữ đoàn công binh.

Bộ chỉ huy phát-xít Đức vạch ra một kế hoạch rất xảo quyệt: tổ chức đột kích đường không kết hợp với tiến công bằng những lực lượng lớn trên bộ. Bọn Hít-le âm mưu đổ bộ bằng đường không một lực lượng mạnh xuống khu vực Đrva-rơ chiếm lấy Bộ tham mưu tối cao và bắt I-ô-xíp Brốt Ti-tô. Sau đó, quân đổ bộ sẽ chốt giữ ở tại khu vực đó cho tới khi quân đường bộ tiếp cận.

Chúng có ý định sử dụng tiểu đoàn nhảy dù SS500 và nhiều máy bay để tổ chức đổ bộ bằng đường không. Còn các đơn vị lấy trong biên chế của 3 sư đoàn bộ binh Đức cùng với một lực lượng lớn quân ngụy địa phương, sẽ tiến công bằng đường bộ. Tên quân đoàn trưởng quân đoàn núi Đức 15 chỉ huy chiến dịch này.

Sáng sớm ngày 25 tháng Năm 1944, không quân địch bắn phá ác liệt vào khu vực Đrva-rơ.

— Ngày tổ chức biệt kích, — N. V. Coóc-nê-ép nhận xét,—được bọn địch lựa chọn rất quỷ quyệt, đúng vào ngày sinh của I. Brôt Ti-tô. Chắc là Hít-le muốn tiêu diệt bộ phận đầu não của phong trào giải phóng dân tộc Nam Tư đúng vào ngày ấy.

Ngay sau khi bắn phá khu vực Đrva-rơ, quân địch dùng tàu lượn tổ chức đổ bộ đợt đầu hơn 600 tên. Đồng thời, bộ binh của chúng cũng bắt đầu xuất phát tiến vào Đrva-rơ. Trong túi áo mỗi tên lính phát-xít đều có ảnh của Tổng tư lệnh tối cao Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư, để khi gặp dễ nhận ra ngay. Bọn chúng còn được lệnh đặc biệt về phái đoàn quân sự Liên Xô, lấy ám hiệu là «Mát-xcơ-va». Bọn phát-xít tuyên bố phái đoàn quân sự Liên Xô ở đây nằm ngoài vòng pháp luật, việc đó cho phép những tên lính biệt kích khi bắt được các tướng lĩnh và sĩ quan Liên Xô sẽ giết ngay không cần xét xử.

Khi máy bay địch bắt đầu bắn phá, rồi sau đó các tàu lượn đổ bộ, bọn biệt kích bắt đầu tiến công thì I. Brốt Ti-tô đang ở trong hang núi. Hang này được cải tạo thành chỗ ở và nơi làm việc, ở độ cao trên 70 mét so với thung lũng phía dưới. Gặp trường hợp báo động, những người ở đây sẽ dùng chiếc dây thừng to, chắc chắn, để thoát khỏi hang, xuống thung lũng. Tất cả chạy tới địa điểm tập trung đã quy định trước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #116 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2016, 06:43:43 pm »



Hy vọng của bọn tổ chức biệt kích không thành. Bọn chúng bị đánh trả mãnh liệt. Phát hiện thấy các tàu lượn đổ bộ có mang theo dù hãm phía sau, các chiến sĩ trong tiểu đoàn cảnh vệ nổ súng. Học viên trường sĩ quan cũng kịp thời nổ súng. Trận đánh ác liệt bắt đầu.

Quân địch cho lính nhảy dù đổ bộ xuổng đợt hai (gồm 200 tên), chiếm được Đrva-rơ, nhưng I-ô-xíp Brốt Ti-tô, các ủy viên Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Nam Tư, các tướng lĩnh và sĩ quan trong Bộ tham mưu tối cao, các phái đoàn quân sự của Anh-Mỹ và của Liên Xô đã rút hết sang phía Đông.

Tướng A. P. Goóc-scốp, phó trưởng phái đoàn quân sự Liên Xô vừa nhận được tín hiệu báo động liền chạy tới chỗ N. V. Coóc-nê-ép. Vì Coóc-nê-ép đau răng, cả đêm không ngủ được, nên mãi đến sáng đồng chí mới thiếp đi được một lát. Chỉ mầy giây đồng hồ sau đồng chí đã vùng khỏi bao chăn và chẳng mấy chốc đã có mặt tại địa điểm tập trung.

I. Brốt Ti-tô được N. V. Coóc-nê-ép và các đồng chí khác hộ tống đi theo con đường hẻm xuyên núi tới Pô-tô-xi là địa điểm của sở chỉ huy dự bị đã chuẩn bị theo sự góp ý của phái đoàn quân sự ta. Các đồng chí đến Pô-tô-xi được an toàn, nhưng sau đó mọi con đường ra vào nơi đây cũng đều bị quân địch chặn hết lối. Quân địch mỗi lúc một dồn ép mạnh...

Đêm xuống. Nguyên soái Ti-tô triệu tập phiên họp chởp nhoáng đế quyết định sẽ hành động ra sao. Mọi người tụ họp dưới vách đá nhô rộng trên con đường mòn. Nhiều ý kiến đưa ra. Một số người đề nghị phân tán thành những tốp nhỏ và tìm cách thoát khỏi vòng vây. Trưởng phái đoàn quân sự Liên Xô, dựa vào kinh nghiệm các sự kiện đã xảy ra trước đây trên chiến trường Xô - Đức, đề nghị nên hành động tập trung, thống nhất bên nhau. Cuối cùng, mọi người đều đồng ý với đề nghị của N. V. Coóc-nê-ép.

Cuối cùng, tất cả thoát khỏi vòng vây, ra tới vùng núi Ve-li-ki Sa-to-rơ. Ở đây an toàn hơn, bọn Hít-le đã ở xa, còn bộ đội của quân đoàn vô sản 1 thì đã kịp tới ứng cứu. Sau đây, các đồng chí tới Cu-prê-scô Pô-le (Cu-prét) và tiến hành tổng kết tại đây. Nhận thấy rằng, địa điểm này hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo các lực lượng vũ trang Nam Tư hoạt động, thêm nữa để I-ô-xíp Brốt Ti-tô ở xa bộ đội cũng sẽ vô cùng bất lợi, cho nên các đồng chí nghiên cứu tới hai phương án đề nghị về địa điểm, thuận lợi cho công tác chỉ đạo. Một là ở Tséc-nô-gô-ri-a, đây là vùng giải phóng có bộ đội Nam Tư chiếm giữ và hai là đảo Vít. Địa điểm thứ hai có vẻ thích hợp hơn. Nhưng trong thời gian này, muốn tới đảo Vít phải đi qua căn cứ không quân của ta ở Ba-ri, mà chúng ta lại chưa bắt liên lạc được với Ba-ri. Thêm nữa, I. B. Ti-tô lại trọng danh dự của người Tổng tư lệnh tối cao, không muốn nghĩ tới việc rời khỏi Nam Tư, dù chỉ là tạm thời. Lúc này, N. V. Coóc-nê-ép tìm mọi cách thuyết phục, nhắc tới những ngày hoạt động của Lê-nin khi buộc phải sống lâu năm ở nước ngoài, nhưng vẫn nắm chắc tay lái chỉ đạo sự hoạt động của các đảng viên cộng sản ở trong nước... Cuối cùng, nguyên soái quyết định vượt qua Ba-ri tới đảo Vít của Nam Tư trên biển A-đri-a-tích. Nhưng làm thế nào để tới được Ba-ri? Chúng ta không có máy bay, còn gọi được máy bay vào những lúc này quả là vấn đề thật khó khăn, vì điện đài của phái đoàn đánh đi không tới được Ba-ri, mà cũng chẳng tới Mát-xcơ-va... Bãi để máy bay hạ cánh cũng không có...

Bộ tổng tham mưu Liên Xô trong những ngày ấy cũng hết sức lo lắng. An-tô-nốp báo cáo cho Tổng tư lệnh tối cao: vẫn chưa nhận được tin tức gì từ Nam Tư. Đại bản doanh giao nhiệm vụ cho Bộ tổng tham mưu phải nắm được tình hỉnh và khi cần thiết phải chi viện ngay cho các đồng chí mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #117 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2016, 06:44:27 pm »


Ngày 2 tháng Sáu 1944, tình trạng biệt tin rốt cuộc rồi cũng chấm dứt. Chúng tôi nhận được điện báo vô tuyến của N. V. Coóc-nê-ép. Sau này, đồng chí kể lại cho biết: Đôn-gốp, trợ lý phụ trách điện đài của phái đoàn là một người thông minh và tháo vát. Đồng chí đặt điện đài lên đỉnh một ngọn núi cao nhất, dựng ăng-ten thật cao, đã đánh đi được hai bức điện, chuyển cho X. V. Xô-cô-lốp ở Ba-ri và cho Mát-xcơ-va, đề nghị gửi máy bay tới Cu-prê-scô Pô-le vào lúc 22 giờ đêm rạng ngày 4 tháng Sáu. Đồng thời, phái đoàn quân sự của Anh-Mỹ cũng đánh điện về Ba-ri cho Bộ chỉ huy Anh một bức điện với nội dung tương tư như vậy.

Các bạn Nam Tư bắt đầu chuẩn bị bãi cho máy bay hạ cánh. Xung quanh đều là núi đá, vách đứng, khe sâu thăm thẳm. Tất cả mọi người không trừ một ai đều tham gia vào việc tạo bằng được một bãi trống cho máy bay hạ cánh, p. N. I-a-ki-mốp — hoa tiêu trong tổ lái của A. X. Soóc-ni-côp — là chuyên gia chính trong việc xây dựng bãi hạ cánh này. Đồng chí đến Đrva-rơ trước khi bọn phát-xít tổ chức biệt kích, để giúp việc lựa chọn địa điểm cho máy bay hạ cánh.

...Ở Ba-ri cũng sôi động hẳn lên. Ngày 2 tháng Sáu, các đồng chí ở đây chỉ nhận được có một phần bức điện của Đôn-gốp. Nhưng dù sao cũng hiểu được rằng N. V. Coóc-nê-ép yêu cầu cho máy bay tới hạ cánh ở Cu-prê-scô Pô-le, nhưng phần cuối bức điện nói về giờ hạ cánh thì lại không nhận được vì liên lạc bị đứt. Tuy nhiên ở Ba-ri, các đồng chí vẫn đoán rằng, cần gửi máy bay tới trong thời gian gần nhất — đêm rạng ngày 4 tháng Sáu 1944. Song tình hình lại phức tạp đi vì bộ chỉ huy Anh cũng chuyển cho X. V. Xô-cô-lốp bức điện của mình, mà ngày giờ quy định trong điện chậm hẳn một ngày — đêm rạng ngày 5 tháng Sáu. Vậy thời hạn nào đúng hon? Gặp điều kiện khác, các đồng chí sẽ hỏi lại lần nữa. Còn lúc này thì không thể nào bắt liên lạc được. Đồng chí chủ nhiệm khu căn cứ Ba-ri quyết định cho máy bay đi trinh sát vào ngày 3 tháng Sáu.

A. X. Soóc-ni-cốp, một trong những phi công dày dạn kinh nghiệm nhất ở căn cứ không quân Ba-ri, lái máy bay tới Nam Tư. Đồng chí bay ban đêm, vượt qua biển, qua núi tới bãi hạ cánh lạ, lại chưa được thiết bị, giữa những vách đá. Tài nghệ bay của đồng chí thật là điêu luyện và lòng dũng cảm của đồng chí thật là phi thường, đồng chí lại vững tin vào các bạn chiến đấu đã chuẩn bị cho mình một địa điểm hạ cánh bất thường.

Bay trong mây mù không nhìn thấy đất liển, đồng chí chao đi, nhào lại để tìm kiếm khoảng trời hé sáng trong biển mây mênh mông. Nguy cơ đâm vào núi quả là rất lớn, nhưng nỗi lo âu cho vận mệnh của các bạn hữu đang chờ đợi lại còn lớn hơn. Cuối cùng, luống ánh sáng ấy đã xuất hiện. Phía dưới, những đồng lửa đỏ bập bùng như đang kêu gọi.

Chuyến bay đầu tiên vào đêm rạng ngày 4 tháng Sáu 1944 đã đưa I-ô-xíp Brốt Ti-tô, các trợ lý thân cận, tướng N. V. Coóc-nê-ép và một số sĩ quan khác trong các phái đoàn quân sự và trong Bộ tham mưu tối cao Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư đến Ba-ri và họ được đón tiếp nồng nhiệt tại đây. Tổ lái của Soóc-ni-côp lại bay tới Cu-prê-scô Pô-le, tiếp theo đó là các máy bay của Anh. Những người còn lại đều được chuyển đi hết. Mấy ngày sau, các thủy thủ Anh chở tiếp Bộ tham mưu tối cao Quân đội nhân dân giải phóng Nam Tư, các phái đoàn quân sự tới đảo Vít, và Đại bản doanh của Nam Tư tiếp tục làm việc tại đây.

Âm mưu của quân địch định chặt đầu Bộ tham mưu tối cao Quân đội nhân dân giải phóng Nam Tư đã bị thất bại như thế đấy. A. X. Soóc-ni-cốp, chỉ huy trưởng máy bay Liên Xô, B. T. Ca-lin-kin, người lái phụ và P. N. I-a-ki-môp, người dẫn đường đã được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Anh hùng nhân dân Nam Tư về thành tích chiến đấu của mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #118 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2016, 06:45:02 pm »


*
* *

Đến cuối mùa hè năm 1944, cuộc đấu tranh chống phát-xít của nhân dân Nam Tư đã chuyển sang quy mô mới. Đội ngũ các chiến sĩ ngày càng tăng lên gấp bội. Bộ chỉ huy tối cao Quân đội nhân dân giải phóng Nam Tư kiên quyết lãnh đạo các lực lượng đấu tranh giải phóng. Ở Xéc-bi-a, Khoóc-va-ti-a, Xlô-ve-ni-a, Ma-xê-đoan, Vô-e-vô-đi-na đã thành lập các cơ quan tham mưu địa phương có các đồng chí tư lệnh tương ứng phụ trách, như tư lệnh tập đoàn quân và chủ nhiệm. Việc bổ sung các cơ quan của bộ máy chỉ huy quân sự đó được tiến hành trực tiếp tại các khu du kích, hoặc tại đảo Vít có lắm núi mà chúng ta đã nhắc đến ở trên. Cơ quan tham mưu địa phương đã chuyển từ đảo sang địa điểm chiến sự. Chẳng hạn, các sĩ quan Liên Xô tham gia thành lập và huấn luyện bộ đội ở bộ tham mưu Xéc-bi-a do tướng Cô-tra Pô-pô-vích lãnh đạo. Vào tháng Bảy 1944, thiếu tướng Goóc-scốp cùng đi với bộ tham mưu Xéc-bi-a đến khu vực chiến sự.

Căn cứ không quân của Liên Xô ở Ba-ri giữ vai trò to lớn trong việc di chuyến bộ tham mưu. Tổ lái của phi công Liên Xô N. A. Ghi-ren-cô đi trinh sát bãi đổ bộ ở khu vực Ca-dan-trích (cách phía Nam Ni-sơ 25 ki-lô-mét), đã tổ chức cho nhóm tham mưu cùng đại diện Liên Xô có mang theo điện đài nhảy dù xuống khu vực ấy. Sau khi tổ chức được đường liên lạc. Ghi-ren-cô đã chở tất cả các cán bộ trong bộ tham mưu tới khu vực ấy, ngay trước mũi quân địch vào một đêm tối trời không trăng sao (12 tháng Bảy). Trước sự táo bạo đó, ngay các chiến sĩ du kích ở đây cũng hết sức kinh ngạc; họ đã tổ chức iên hoan với các phi công và các đồng chí trong bộ tham mưu mới đến...

Quân đội nhân dân giải phóng Nam Tư và những người lãnh đạo quân đội được nhân dân Liên Xô, các chiến sĩ xô-viết và Bộ tổng tham mưu rất kính trọng. Họ đã biểu thị tinh thần dũng cảm, lòng trung thành với nhân dân trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống bọn xâm chiếm Hít-le. Trong cuộc đấu tranh gian khổ và kéo dài nhiều năm ấy, Quân đội nhân dân giải phóng Nam Tư đã trưởng thành vượt bậc. Cuộc đấu tranh ấy đã tạo nên đội ngũ cán bộ chỉ huy và cán bộ chính trị của mình, những con người có tinh thần chiến đấu vững vàng, nắm được nghệ thuật đấu tranh, biết vận dụng trong các điều kiện hoạt động du kích, sẵn sàng xả thân vì thắng lợi. Nhưng chúng tôi nhận thấy rằng, trong một thời gian dài, vũ khí và trang bị của Quân đội nhân dân giải phóng Nam Tư lại tương đối yếu. Họ thiếu pháo binh và súng cối, xe tăng rất ít, có thể tính trên đầu ngón tay, còn máy bay thì hầu như chưa có. Vũ khí của bộ binh là súng trường, tiểu liên, súng máy — chiến lợi phẩm đủ các kiểu của địch: của Đức, của I-ta-li-a và của các nước khác. Phần lớn là súng của Anh. Cho đến mùa thu năm 1944, vũ khí Liên Xô vẫn giữ vai trò thứ yếu, vì việc cung cấp cho quân đội Nam Tư phải vượt qua một vùng đất đai rộng do địch chiếm đóng, nên gặp rất nhiều khó khăn.

Thời gian nguyên soái I. Brốt Ti-tô ở thăm Liên Xô, hai bên đã thỏa thuận tích cực cải tiến việc cung cấp vũ khí và trang bị của Liên Xô cho Quân đội nhân dân giải phóng Nam Tư. Bộ đội của các phương diện quân U-crai-na 2 và 3 tiến đến biên giới Nam Tư đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp vũ khí cho những người anh em Nam Tư của chúng ta nhằm phục vụ cuộc đấu tranh giải phóng.

Vấn đề chủ yếu trong các cuộc hội đàm giữa các bạn Nam Tư và Chính phủ Liên Xô ở Mát-xcơ-va vào mùa thu năm 1944 là tổ chức các chiến dịch phối hợp giữa Hồng quân và Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư. Bộ đội Liên Xô tiến vào lãnh thổ Nam Tư đã làm thay đổi về cơ bản tình huống chiến lược ở trong nước, giúp cho quân đội Nam Tư tạo nên và bảo đảm tình thế có lợi cho việc hoàn toàn tiêu diệt quân chiếm đóng Hít-le sau này.

Việc hiệp đồng tác chiến giữa bộ đội Liên Xô và Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư đã đi tới chỗ hoàn toàn nhất trí với nhau. Khu vực Xéc-bi-a được chọn làm khu vực triển khai cuộc tiến công phối hợp. Xéc-bi-a là nơi tập trung các nỗ lực chủ yếu của bộ đội Liên Xô và bộ đội Nam Tư, nơi quyết định các điều kiện của tình huống chiến lược chung trên mặt trận đấu tranh chống nước Đức Hít-le và quyết định cả tình hình của Nam Tư.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #119 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2016, 06:46:48 pm »


Ở Mát-xcơ-va, I. Brốt Ti-tô còn được gặp cả Gh. M. Đi-mi-tơ-rốp. Đi-mi-tơ-rốp đã thuật lại chi tiết về Mặt trận Tổ quốc, các mục tiêu mới của nước Bun-ga-ri nhân đân và quân đội Bun-ga-ri. Cuộc gặp gỡ ấy cỏ ảnh hưởng to lớn đến sự thống nhất hành động của Hồng quân, Quân đội nhân dân giải phóng Nam Tư và quân đội Bun-ga-ri.

Đối với Bộ tổng tham mưu, hiệp nghị được ký kết trong tháng Chín 1944 về các chiến dịch phối hợp giữa bộ đội Liên Xô và Nam Tư là một sự kiện rất quan trọng. Bộ tổng tham mưu xô-viết đã xác định điểm xuất phát của việc lập kế hoạch hành động chiến đấu, tất nhiên là phải đặc biệt chú ý tới Xéc-bi-a. Các cán bộ của Bộ tổng tham mưu xô-viết đi sâu nghiên cứu, tìm ra những chỗ yếu trong phòng ngự của Cụm tập đoàn quân «Ph» của địch và có ý định triệt để lợi dụng những điểm yếu ấy.


h. Giải phóng thủ đô Nam Tư Bên-grát

Chúng ta phát hiện thấy Phôn Vai-khơ-xơ đang ra sức tổ chức phòng thủ vững chắc hơn cả dọc theo những dải núi biên giới phía Đông Xéc-bi-a và Ru-ma-ni, chúng xây dựng tại đây những công sự mạnh theo chiều sâu và tăng cường cho các đơn vị Cụm tập đoàn quân «Xéc-bi-a» của chúng. Số lượng quân lính và phương tiện của địch điều động tới khu vực này khá lớn. Còn dọc theo biên giới Bun-ga-ri, nơi triển khai các lực lượng chủ yếu của phương diện quân Ph. I. Tôn-bu-khin, địch đã không bố trí một cánh quân dày đặc và một hệ thống công sự vững chắc. Bộ chỉ huy phát-xít Đức không ngờ rằng Hồng quân có thể nhanh chóng tiến quân tới đây và quá tin vào khu vực địa hình vùng núi. Vì vậy, đến khi quân ta tiến đến biên giới Nam Tư thì Phôn Vai-khơ-xơ không đủ thời gian và phương tiện để đối phó.

Tuyến phòng ngự của quân phát-xít Đức trải ra song song với sông Đa-nuýp, trở thành mục tiêu thuận lợi của các mũi đột kích đồng loạt của ta trên toàn mặt trận. Quân địch bố trí ở trên núi, nhưng bộ chỉ huy Hít-le lại không có lực lượng dự bị lớn, nên khi bị quân ta uy hiếp, chúng buộc phải điều các lực lượng của chúng đóng sâu ở trong nước ra phản kích, hoặc phải sử dụng quân lính ở các tuyến phòng thủ ra làm nhiệm vụ đó. Vì thế, nhiệm vụ đặt ra cho chúng ta là phải tổ chức tiến công trên cả một tuyến dài, đồng thời do có cả bộ đội của Bun-ga-ri cùng tham gia chống nước Đức Hít-le, nên chúng ta phải thu hút cả những lực lượng mạnh của quân đội Bun-ga-ri, hoạt động thành thạo trên địa hình rừng núi, vào chiến dịch tiến công này. Tất nhiên, các đơn vị có kinh nghiệm của phương diện quân U-crai-na 3, với khả năng chiến đấu cao và sức cơ động lớn, phải được sử dụng trên hướng đột kích chủ yếu. Các đơn vị đó có đủ sức để đột phá tuyến phòng thủ của Cụm tập đoàn quân «Ph» ở khâu mạnh nhất và nhanh chóng đánh tan cánh quân chủ yếu của địch, như thế sẽ có ảnh hưởng ngay tới thắng lợi chung của ba quân đội cùng hiệp đồng tác chiến.

Các đơn vị của Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư và quân đội Bun-ga-ri có nhiệm vụ đánh bại địch, thu hút một bộ phận quan trọng quân địch, trói tay chân chúng lại, làm cho bọn Hít-le không thể xây dựng được lực lượng dự bị. Bộ đội Nam Tư và Bun-ga-ri sẽ phải đảm nhận một nhiệm vụ hết sức khó khăn khác nữa, nếu như các lực lượng chủ yếu của địch ở Hy Lạp được lệnh rút lên phía Bắc. Khi đó các đơn vị phải đối phó với những đòn đột kích mạnh của địch, kìm chân chúng và bảo đảm cho Hồng quân hoạt động. Đó là những ý kiến của Bộ tổng tham mưu xô-viết đề ra trong thời kỳ chuẩn bị kế hoạch chiến dịch.

Vì lúc bấy giờ Hồng quân, Quân đội nhân dân giải phóng Nam Tư và quân đội Bun-ga-ri còn phải hoạt động trên lãnh thổ Nam Tư, nên Bộ tổng tham mưu xô-viết có nhiệm vụ phải bàn bạc với Bộ chỉ huy Nam Tư và Bun-ga-ri. Những vấn đề nguyên tắc về sự phối hợp nỗ lực giữa bộ đội Liên Xô và bộ đội Nam Tư đều được giải quyết khi I. Brôt Ti-tô đang ở thăm Mát-xcơ-va. Cũng hồi ấy, I. V. Xta-lin và A. I. An-tô-nốp (thay mặt Bộ tổng tham mưu) đã đồng ý với Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân giải phóng Nam Tư rằng Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô sẽ vạch ra kế hoạch chung của các chiến dịch phối hợp hoạt động ở Nam Tư xuất phát từ tình hình chung trên các mặt trận, còn các bạn Nam Tư chỉ vạch ra những phần trực tiếp liên quan đến quân đội Nam Tư. Trong lúc hội đàm, còn đề cập tới vấn đề sẽ có khả năng sử dụng trên đất Nam Tư ít ra là 2 tập đoàn quân của Bun-ga-ri. Vì không có các đồng chí Bun-ga-ri tham gia, nên chưa đi đến quyết định cuối cùng, song công việc chuẩn bị bộ đội của mình vẫn được tiến hành.

Cả bộ đội Bun-ga-ri cũng tham gia tổ chức các chiến dịch. Hồi giữa tháng Chín, theo chỉ thị của Đại bản doanh. Ph. I. Tôn-bu-khin trực tiếp đến Xô-phi-a để tiếp xúc với Bộ chỉ huy quân đội Bun-ga-ri. Ít lâu sau, Bộ chỉ huy Bun-ga-ri cũng đã vạch ra kế hoạch sơ bộ về các hành động tiến công của bộ đội Bun-ga-ri. Tôn-bu-khin nghiên cứu kế hoạch đó và báo cáo về Mát-xcơ-va. Bộ chỉ huy Bun-ga-ri cho rằng, sau khi quét sạch các phân tử độc tài thân phát-xít, bộ đội Bun-ga-ri có thể đánh chiếm các trung tâm đường bộ và đường sắt ở khu vực Cru-se-vát, Ni-sơ, Xcốp-le, Vê-lét, và cắt đường rút lui của địch từ Hy Lạp sang phía Bắc, tạo nên ít ra là ba đoạn chướng ngại. Đồng thời, những hành động đó sẽ tạo điều kiện chắc chắn cho bộ đội Liên Xô và Nam Tư khi tiến công vào Bê-ô-grát. Các đồng chí Bun-ga-ri bảo đảm bộ đội của mình sẵn sàng hành động vào cuối tháng Chín.

Ph. I. Tôn-bu-khin ủng hộ kế hoạch đó và đề nghị sử dụng không quân của phương diện quân nhằm yểm hộ cho các hành động của bộ đội Bun-ga-ri. Sau khi tính toán tình huống chung của chiến sự, Bộ chỉ huy Bun-ga-ri dự định đưa hết số lực lượng hiện có tham gia chiến đấu, gồm những sư đoàn bộ binh đủ biên chế, kể cả hai sư đoàn cận vệ, gồm các chiến sĩ du kích và những người tình nguyện, sư đoàn kỵ binh và một lữ đoàn, lữ đoàn xe bọc thép và hai lữ đoàn du kích. Điều đáng tiếc là bộ đội Bun-ga-ri còn thiếu các phương tiện tăng cường.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM