Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:34:47 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời  (Đọc 52218 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #20 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2011, 02:46:00 am »

11

Chất hài hước Nam bộ kiểu Mỹ

Vì sao ông Ẩn vẫn là mối quan tâm thời sự của báo chí phương Tây mỗi khi có dịp họ nói về chiến tranh Việt Nam? Câu trả lời có vẻ ngắn gọn: Ông đã âm thầm làm việc suốt cả chục năm, chỉ quan hệ nhiều với giới báo chí nước ngoài và giới lãnh đạo chính quyền Sài Gòn cũ. Công việc đòi hỏi ông hoạt động ở đỉnh cao và chiều sâu. Nhưng các nhà báo phương Tây nhớ đến ông Ẩn vì cả sự khâm phục và yêu mến. Họ tin cậy ở sự hiểu biết và chất người của ông.

Ở ông hình như toát lên được chất tinh thần văn hóa Việt Nam có tiếp thu văn minh Mỹ - chất văn hóa bấy lâu nay họ hiểu như một người được đào tạo bởi nền giáo dục cả Pháp và Mỹ ấy, hóa ra lại rất tiêu biểu cho tính cách người Việt. Chính các nhà nghiên cứu Mỹ đi đến kết luận là nước Mỹ đã thất bại ở cuộc chiến tranh cũng chính vì không hiểu đúng con người và văn hóa Việt Nam. Thành ra, người bạn cũ Phạm Xuân Ẩn mà họ tưởng đã hiểu cả rồi bỗng như còn lắm điều họ cần hiểu cho hết.. vẫn còn nhiều điều cần phân tích, khám phá để qua ông, có thể tìm thêm câu trả lời thuyết phục về cuộc chiến.

Trước đây, họ đã biết về ông như thế nào? Điều đầu tiên là một người am hiểu và có óc hài hước. Cái hài hước kiểu tưng tửng thật thà, như nói chơi, dẫn người ta vào “đúng giữa vấn đề tưởng như đã rõ ràng” để rồi bật ngửa ra với cái kết cục rất tai quái, rất “hợp lôgic” thật tự nhiên. Họ cười vì được rơi vào những liên tưởng đột ngột của cái kết rất hợp lý mà đơn sơ đầy chất dân gian. Ông thường kể một chuyện như “tiếu lâm hiện đại”. Một chàng Mỹ nọ vào quán bar, say rượu. Một chàng Tân Tây Lan hỏi anh Mỹ đó xem anh là người nước nào, chàng Mỹ hãnh diện khoe mình người Mỹ và Mỹ “cái gì cũng có”, rất phong phú đa chủng tộc, có cả 5 màu da: sôcôla, đen, đỏ, trắng, vàng. Do đó chàng là người chủng tộc vĩ đại nhất có đủ loại quốc gia. Ông Ẩn vốn thân với anh chàng Mỹ, bảo anh ta: Vậy là má anh lộn xộn mới đẻ ra anh đủ thứ màu da? Chàng Mỹ cụt hứng bỏ đi thẳng. Còn Ẩn thì nói: “Điều đó Mỹ chế, không phải tôi chế” - ý nói ông chỉ là người “trích dẫn” đúng lời của người bạn Mỹ mà thôi.

Hồi cố vấn Mỹ bắt đầu vào Miền Nam, các Bộ trong chính quyền đều có cố vấn Mỹ. Cơ quan Viện trợ kinh tế Mỹ nằm ở phía sau chùa Xá Lợi. Một cố vấn về văn hóa có nuôi con bò sữa ở Bến Cát. Ông ta đem lên Củ Chi cho lai giống. Người ta thả cho 2 con bò giao phối. Nhưng con bò đực nhảy nhót, chạy tới chạy lui “không chịu làm ăn gì hết”. Ông ta bực lắm. Một người khác “cố vấn”: Con bò đực này vốn ở xứ mát. Củ Chi, Bến Cát nóng lắm, nó không chịu nhảy là phải!

Đem lên Buôn Mê Thuột vùng núi mát mẻ thử xem. Lên tới vùng mát mẻ, thả ra con bò đực cạo cạo khều khều rồi bỏ đi ăn cỏ. “O.K! Chết mẹ rồi!” Lại có người cố vấn: chắc biển nó thích! Thế là con bò lại được đem đi biển. Phan Rang, Phan Rí cũng lên, Đà Lạt cũng tới. Mới thả ra nó hăng lắm, lúc đầu cũng chạy tới chạy lui đuôi cong lên, uốn éo như cần câu rê rồi lại xụi xuống bỏ đi.

Từ câu chuyện ấy ông Ẩn “lái” ngay hình ảnh cố vấn Mỹ. Ông bảo:”Cố vấn không làm chỉ nói thôi” và nói rằng “Mỹ chế ra đó nhé!” Rồi ông làm như thật: Cái nghề khổ lại tiếu lâm: Ngày xưa các cụ có chuyện “nghề cóc kêu”. “Cố vấn” (cố là xoay qua vấn là hỏi), cố vấn ngồi gần quan lớn, khi nào quan quay qua hỏi mới được trả lời. Chẳng may quan “làm cái rầm”, hỏi chi, thưa rằng cóc kêu. Cóc kêu sao thối. Dạ cóc chết. Cóc chết sao kêu. Thưa hai con. Một con kêu một con chết. Chuyện tiếu lâm dân gian Việt Nam lạ lùng kiểu đó cũng được kể cho cố vấn Mỹ nghe. Họ vừa khoái vừa biết ngay tính chất của Ẩn. Mỗi khi ông sắp kể là họ đề phòng “lại sắp toàn chuyện trên trời”. Nhưng đề phòng rồi mà vẫn mắc mưu như thường.

“Hồi tôi đi hành quân với lính Mỹ đánh ở Đồng Tháp Mười, đóng quân tại Mộc Hóa. Có một cái chùa còn dân ở toàn nhà lá. Chỉ huy sư đoàn ở trong chùa, tôi làm phiên dịch”.

Ông kể cả những chuyện oái ăm như chuyện đám Mỹ “đi cầu” ở vùng quê - ngồi chóc ngóc trên sông, nơi chỉ quây bốn miếng vuông xung quanh, thò cái đầu ra. Một ông cố vấn Mỹ khoe đã từng đánh trận Thế chiến hai rồi đi khắp nơi, do đó ông sống đâu cũng được.

Đến đêm, Ẩn nằm với hai cố vấn Mỹ: và câu chuyện về đời sống dân dã bắt đầu. Người Mỹ khen cá chốt nhiều quá. Cá chốt nhỏ bằng ngón tay, ngón chân cái giống hệt cá trê con, ngồi đi cầu cũng thấy, nó cũng nhảy lên. “Tao thấy cá cái ít, cá đực nhiều. Con đực mập, con cái ốm”. Ẩn làm như thật thà nhận xét. “Vô lý, con cái bao giờ cũng mập hơn con đực. Sinh vật học thường nói vậy”. “Không tin mai xem. Chỗ mày ngồi đi cầu đó. Con đực mập, con cái ốm tong teo à. Con cái nó mải nhìn mày quên ăn, nên ốm. Còn nếu mấy bà ngồi thì ngược lại”. “Trời ơi, học kiểu này chết rồi”. Hai ông cố vấn tên là ông Glen và ông Hick kêu lên thích thú biết mình lại bị lừa một cách rất “tiếu lâm”.

Ông Ẩn hay “chọc” cho họ nói để dẫn đến một tình huống cười vui. Có câu chuyện vui như thế với một trung tá Mỹ. Một bữa sau khi nói mọi chuyện xong họ tán gẫu. Trung tá Mỹ hỏi theo Ẩn nhận xét thì phụ nữ ở đâu đẹp. Ẩn bắt đầu “gây sự”. “Mỹ thôi, lai nhiều giống nên đẹp phải rồi”. Nói nghiêm túc đi, không đùa nữa: phụ nữ Tàu đẹp. Viên trung tá Mỹ: “Mày ngu lắm. Gái Việt Nam đẹp nhất: Phân tích nhé, chỉ hình thể thôi, còn bỏ sang một bên tính tình dịu dàng này nọ không nói”. Ẩn: “Đâu, đẹp chỗ nào đâu? Da vàng, mày tằm, mắt phụng, lỗ mũi kỳ lân”. “Mày dòm bên ngoài nói bậy. Tao học nhân chủng học đàng hoàng. Hơi lai biết liền. Người Việt Nam khớp xương tròn. Hơi lai Tàu là xương bè. Gái Việt đầu gối đi thẳng, nở thẳng. Mỹ, Tàu, Miên, Thái Lan đi khác. Không phải ngực to đồ sộ mà mặc đầm hay áo dài đều đẹp vì xương khớp tròn. Một đứa Mỹ mặc áo dài, coi ra quỷ sống! Người Việt Nam đi thẳng. Mày cứ ra đường coi xương mông họ. Mười người Việt Nam hết chín người đi thẳng”. Người Mỹ dùng hết kiến thức để chứng minh cho Ẩn thấy lòng tự hào rồi, Ẩn vẫn chọc: “Đi thẳng đâu. Ở núi đi lom khom thấy mẹ!”

Núi là chủng người dân tộc, viên trung tá không quân Hoàng gia Anh mà “cái gì nó cũng biết!”

Khi đó Mỹ xây bệnh viện dã chiến 3 tại vùng đất trống Sài Gòn, nay là nhà Bảo tàng Quân đội. Bệnh viện đó trang bị máy móc tốt, thầy thuốc giỏi, thương binh nặng lắm mới vào đó. “Xây chỗ này hay, bệnh viện này hay”. Ẩn nghe khen tấm tắc công trình họ xây. Ẩn lại chọc. Để anh kể cho họ nghe hay chỗ nào. “Kể đi” - Đám bạn Mỹ giục, “anh kể đi, thế nào rồi đến kết luận là rắc rối đây”. Họ biết tính Ẩn nhưng chưa biết “vụ rắc rối” này sẽ dừng ở đâu. “Hay chỗ nào nào. Đường 9 Nam Lào đánh không lại Việt Cộng, thương binh đưa về cụt chân, cụt tay. Đem vào đây ráp chân người khác. Lắp chân vào, chạy như thường, giỏi. Có cái làm không được. Mắc đái là té”. Sao vậy? “Ráp lộn chân đàn bà, mỗi lần mắc là mất thăng bằng vì đàn ông đứng đái, đàn bà đái ngồi”. “Biết ngay, thế nào kết cục cũng có bài học!”. Đám Mỹ cười.

Anh chàng Ẩn này không chỉ hài hước, mà cái gì cũng biết “vận dụng”. Họ không chỉ ngạc nhiên thấy về đồng bằng, Ẩn chèo xuồng ghe như dân sông nước chính hiệu, mà khi đưa đoàn ký giả đi lấy tin tức, viết bài, Ẩn hay giảng giải về phong tục tập quán. Vào nhà có bàn ghế phía trước bàn thờ, phụ nữ vô ý ngồi đưa đít vô bàn thờ là hỏng, mấy bà nhớ chú ý cái bàn thờ nhà người ta. Vô Chợ Lớn coi chừng nhiều chỗ thờ: Thần Thổ, Thần Tài, chỗ nào bàn thờ có hình lông mày là nhà vũ nữ. Vì sao đám ma lại vui? Quan niệm sống gửi, thác về. Người ta được về, mừng, khóc là khóc cho người ở lại. Con người ta có ba hồn tất cả: linh hồn (là phần ở trên đầu) chết đi về cõi hư vô. Tâm hồn (là tim, tình cảm) còn lại hoài ngồi trên bàn thờ với con cháu trong nhà. Hồn thể chất (như bụng…) nếu sống mà xì ke ma túy, tham nhũng hối lộ, khi chết Diêm Vương lật sổ coi, cho lên hay không là sau… tùy tội nặng nhẹ.
Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #21 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2011, 03:07:16 am »

Những phong tục, kiêng kỵ truyền miệng kiểu đó cũng được Ẩn “vận dụng” cả trong câu chuyện “phân tích chiến sự” với các nhà báo phương Tây: Mỹ đánh bom dùng máy báy B.52 rải thảm Hà Nội, thua là phải thôi, thua quân đội của Võ Nguyên Giáp là cái chắc. Vì bom dội cả mồ mả ông cha người ta, làm sao linh hồn người ta không trừng phạt cơ chứ!

Ông Ẩn vẫn còn nhớ câu chuyện của viên thiếu tướng Phạm Văn Đổng. Ông và Đổng, hai người hay đi hành quân, từng ngồi trực thăng về tuốt Cà Mau. Một lần sau khi hành quân, một sĩ quan Mỹ hẹn về Sài Gòn mời ăn cơm. Đến ngày hẹn ông Đổng không nhận mà nói dời bữa ăn tới lúc khác. Hay ổng giận, hỏi thẳng không nói? Người Mỹ đó nhờ Ẩn dò thử xem lý do sao ông Đổng không chịu. Thì ra lý do chỉ vì lật lịch thấy ngày xui, ông thiếu tướng dặn: “Đừng nói kẻo Mỹ nó bảo dị đoan”. Đến mức hành quân ông ta cũng xem ngày giờ. Nếu ngày xấu là đổi chương trình - “Việt Cộng rút rồi”, lý do ông đưa ra vậy. Rút thì cũng vẫn ở Việt Nam chứ còn rút đi đâu! Nay không đánh mai đánh cũng được.

Trong cuốn sổ tay, ông Ẩn viết tên một số bạn làm báo cũ của mình. Robert Shaplen (chết), John Stirling (chết), Keye Beech (chết), Frank McCullock (về hưu), Neil Sheehan (nhà văn), David Halberstam (nhà văn), Beverly Ann Keaver (giáo sư), Malcom Browne (ký giả)… Nhìn vào danh sách này thấy khá nhiều người đã chết hoặc về hưu. Họ đã là những người trôi dần về dĩ vãng, nhưng đúng như Robert D. McFadden đã viết trong tờ The New York Times năm 1997. Đối với các đồng nghiệp Mỹ ngày xưa, câu chuyện về ông Ẩn vẫn là chuyện về lòng trung thành và tình bạn giữa hai nước vốn là kẻ thù. Nó có thể là chiếc chìa khóa để thấu hiểu những năm tháng chiến tranh đầy xúc động và một nước Việt Nam vào thập niên 60.


Vị tướng tình báo lỗi lạc bình dị giữa đời thường

Vì sao bạn bè ông vẫn đi tìm “chiếc chìa khóa” ấy? Có lẽ vì hội chứng chiến tranh Việt Nam vẫn còn cho đến hôm nay đối với người Mỹ. Thế hệ con, cháu của họ đang đương đầu với nhiều thứ, và tư duy của nước Mỹ không chỉ bận rộn quan tâm tới việc như chính phủ ông Bush mới lên đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia NMPD. Người ta phải tìm hiểu xem nó sẽ nhằm vào kẻ thù nào. Một số ít tên lửa mà Bắc Triều Tiên, Iraq, Iran, hay là của nước Nga đang trang bị tốt hơn, và một Trung Quốc? Đó là đề tài cho các nhà chiến lược và sự phân tích của giới truyền thông.

Họ đưa các con số: chính quyền Reagan và Bush đã chi 27 tỷ USD cho việc nghiên cứu các ý tưởng từ việc đưa vào quỹ đạo vũ khí laze bắn bằng đầu đạn đến các vệ tinh được trang bị bằng các thiết bị đánh chặn tên lửa. Những vấn đề to đùng ấy làm cho người ta lo ngại nhiều bề. Với người Mỹ thì trước hết là chi phí khổng lồ trong khi kinh tế Mỹ tụt dốc sau gần một thập kỷ liền tăng trưởng. Có vẻ như quá nhiều việc phải lo. Con người phải sống trong “một xã hội không có trí nhớ” một xã hội stress vì quá tải, lo cả chuyện không biết còn chỗ nào trên hành tinh này để đổ rác nữa hay không. Rồi điên đầu với tội phạm có tổ chức, khủng bố, đánh giết ly khai sắc tộc, tôn giáo, buôn ma túy thực sự mang tính xuyên quốc gia. Tự do hóa, đa phương thương mại, thị trường là yếu tố quyết định kết quả tài chính, con người hiểu sâu sắc thế giới nhưng cách nào để gìn giữ xã hội bền vững thì lại rất kém.

Thế giới lo chuyện đại sự, lo thay đổi về nhân khẩu học, năng lượng, môi trường an toàn lương thực. Lo “vẽ bản đồ ngôi nhà” của mình: một cụm cao tầng ở trung tâm có bảo vệ bằng điện tử: đó là khu tài chính, thương mại. Rồi đến vùng vây quanh là nơi sinh sống của hàng triệu người bỏ quê ra sống đô thị, chịu cảnh nghèo khổ trong nhà ổ chuột, dịch vụ hư hỏng xuống cấp, tắc nghẽn giao thông. Rồi đến vòng bao quanh khu đô thị đó mới là khu biệt thự của nhà giàu đã bỏ chạy khỏi cái vòng đai của dân nghèo để ra xa với vòng đai xanh và hàng ngày đám nhà giàu và trung lưu đi ô tô vào trung tâm để làm việc. Sau đó mới đến các khu xử lý rác… Còn lối sống?

Thì đã có thể tìm vào câu trả lời ở 8 đề cử Oscar cho Vẻ đẹp Mỹ - American Beauty mà các nhà phê bình gọi đó là bản luận tội xã hội trung lưu Mỹ. Không vắng mặt một việc nổi cộm nào, từ “những lời nói dối để yên thân giữa chồng, vợ, con cái” cho đến bạo lực, ma túy, tình dục ngoại hôn, dấu vết của chủ nghĩa tân phát xít và sự dò xét đời tư người khác… Tế bào căn bản của xã hội Mỹ là giới trung lưu khá giả ấy đã nhiễm bệnh thời hiện đại. Và thanh niên thì phải lo sự thành đạt để giàu có.

Người ta đã kêu lên: không ai hiểu lớp trẻ, trừ các nhà tiếp thị. Bọn trẻ có tiền, được gọi là thế hệ Y đã thay cho hình ảnh cũ về thế hệ X của những năm 90 lương ít, sống buồn, không tin quảng cáo. Nay thì hình ảnh của họ là dễ thương, có học, có tiền, đang quyết liệt leo lên đứng vào con số 2/5 số người giàu sang, nhóm dân Mỹ phát triển nhanh nhất có mãi lực 120 tỷ đô. Với cái đích đến ấy, họ phải giải quyết các vấn đề của mình. Không biết họ có giống vấn đề của nước Nhật, giới trẻ sành điệu, xăm mình, xỏ lỗ tai, nhuộm tóc, ăn nhiều hambuger, pizza và uống Coca.

Nhưng rõ ràng họ phải nhanh chân, chọn lọc, vì xã hội của họ cho thấy một người tốt nghiệp trung học không biết Newton khám phá ra trọng lực thì cũng chẳng tai hại bằng việc không biết xài thẻ tín dụng. Mỗi năm có tới cả triệu người Mỹ bị phá sản vì thẻ tín dụng! Họ cần học kỹ năng sống để không bị đào thải trong xã hội hiện đại với những khóa học “life skills course”.

Thế mà lứa cha mẹ họ, những người vẫn đặt quan tâm vào những vấn đề Việt Nam. Không chỉ là việc liên quan đến 58.000 lính Mỹ chết ở Việt Nam, số quân luân chuyển và gia đình của họ, lên tới hàng triệu người có liên quan trực tiếp, mà còn là chuyện vì sao đổ vào 350 tỷ đô mà bại trận? Và đau đầu hơn nữa là vì sao họ không hiểu hết được kẻ thù? Họ đã thua vì văn hóa, vì con người. Đến bây giờ họ vẫn trở lại đất nước này để hỏi rằng vì sao Việt Nam đánh Mỹ quyết liệt vậy mà nay đón người Mỹ một cách tử tế nồng hậu không hận thù. Họ hỏi vợ của người chiến sĩ trong bức ảnh làm chấn động thế giới, bị Nguyễn Ngọc Loan dí súng bắn chết ngay trên đường phố Sài Gòn “Có căm thù Mỹ không?”. Người đàn bà ấy trả lời chân thật: bà hận thằng bắn, còn con bà hiện nay đang học tiếng Anh.

Bức tường đen ở Mỹ, nơi ghi tên 58.000 lính Mỹ tử trận trong chiến tranh Việt Nam

Một dân tộc có văn hóa, cao thượng như vậy vì đâu? Chính điều này lôi kéo các ký giả nước ngoài. Họ thích ở xứ này, và ông Ẩn nói người Pháp gọi nỗi yêu Việt Nam ấy là “họ mắc bệnh da vàng. Dính đây là kẹt ở đây luôn”. Ông Ẩn đã từng gặp lại những ký giả Anh, Mỹ, Pháp những người mà ông tưởng đã không thể gặp lại. Họ nói đùa với nhau: “Khổ quá! Cái xứ sở kỳ! Say mê ở hoài còn làm ăn gì. Dứt không được”. Đến bây giờ, không chỉ người Mỹ, mà cả thế hệ sau, con cái của Việt kiều cũng có cái nhìn khác. Cha mẹ họ có thể mang nỗi đau lịch sử, phải sống xa Tổ quốc, có người chống Cộng kiểu xưa. Với lớp con cái, họ không tìm được tiếng nói chung.

Ông Ẩn đã tiếp những người con của các bạn ông làm việc cho chế độ cũ. Đám trẻ này theo cha mẹ định cư ở Mỹ, nay về nước làm ăn hoặc thăm gia đình. Ông nhận xét: “Tôi tin tưởng vào thế hệ văn minh, có nhận xét khách quan. Đụng tới dân tộc, tới Tổ quốc là họ sẽ bảo vệ. Bố mẹ nó chống Cộng, nói nó không nghe. Lý sự là: ổng làm sai, chọn không đúng đường, còn cay cú. Nhét mấy đồ đó vào tụi con đâu được. Thì ổng nuôi mày, chiều ổng tí được không? Không được. Nói láo không nên. Đó là tư duy của người con một Việt kiều lớn lên ở Mỹ, suy nghĩ “Mỹ trăm phần trăm”. Đám trẻ có học hành, gạt nó không được. Đầu đất sét sao? Nó thông minh chớ”…
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Bảy, 2011, 03:19:44 am gửi bởi Bộ đội Cụ Hồ » Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #22 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2011, 03:17:56 am »

Bây giờ, mỗi khi các nhà báo phương Tây trở lại Việt Nam, ông Ẩn vẫn không quên thăm hỏi những người bạn đồng nghiệp đã lớn tuổi, người nghỉ hưu, người đi dạy học. Những tên người được nhắc đến như Frank McCulloch giám đốc văn phòng Tuần báo Time tại Sài Gòn, Richard Clurman là trưởng ban phóng viên tạp chí Time với văn phòng ở New York. Ông Ẩn nhắc họ như một lời tâm sự: “McCulloch dạy tôi cách nhận tin đúng. Đó là mối quan tâm chính của Mc Culloch. Hãy nói với anh ấy, tôi không hề là thành viên của chiến dịch thông tin sai lạc. Những người bạn tốt nhất của tôi đều ở tòa báo Time. David Greenway và các phóng viên khác đã dạy tôi thế nào là tình bạn. Clurman cũng đã chứng minh thế nào là sự trung thành. Mọi người đều ngán sợ Clurman nhưng khi có vấn đề họ đều hướng về ông ta để được giúp đỡ. Clurman không hề vùi dập ai bao giờ. Nhà báo Morley Safer cho biết Frank McCulloch hiện là chủ biên điều hành của tòa báo San Francisco Examiner. David Greenway làm cho tờ Boston Globe, còn Richard Clurman hiện viết sách và là Trưởng bộ môn báo chí Đại học Columbia.

Ông cũng còn hỏi thăm về Robert Shaplen, phóng viên nhiều năm tại Việt Nam của tờ New Yorker mà ông không biết là đã chết vì ung thư. Hỏi về người bạn thân thiết Nguyễn Hưng Vượng. Safer viết trong một bài tường thuật sau cuộc gặp gỡ ông Ẩn tại Sài Gòn: “Ẩn ôm hôn và bắt tay tôi. Làm ơn nói dùm với tất cả các bạn lời thăm hỏi. Nói với Clurman và McCulloch và đặc biệt với Charlie Mohr. Nói với họ rằng tôi vẫn khỏe, vẫn thường”. Charlie Mohr trước tiên làm cho Time, rồi New York Times. Ông ta là một trong các nhà báo Mỹ đầu tiên tường thuật về một Miền Nam Việt Nam hấp hối vào đầu những năm 60. “Trở về Mỹ tôi gọi cho Clurman và McCulloch, cả hai đều rất cảm kích là Ẩn đã nhớ tới họ một cách mến mộ như vậy. Với Charlie Mohr tôi chẳng bao giờ liên lạc được, anh đã chết vào năm 1989 ở tuổi 60 vì bệnh ung thư”. Safer viết.

Họ trở lại Việt Nam không phải là chỉ đem về được những tìm hiểu sâu hơn về con người và xứ sở này, những gì trước đây đã không hiểu được. Họ còn có những ấn tượng sâu đậm từ hình ảnh người bạn cũ này, người được đánh giá là có quan hệ rộng “best connected man” tại Sài Gòn và nhờ vào đó, Ẩn đã cứu những người bạn như thế nào. Ông Ẩn hôm nay vẫn cho họ ấn tượng mới. Có vẻ là còn vô số điều có thể khám phá về tính cách người Việt Nam qua mỗi con người mà họ biết. “Có bao giờ ông buồn và ân hận vì đi làm cách mạng không?”. Câu hỏi động chạm và có vẻ khó nói nhất ấy của người nước ngoài, được ông trả lời dễ dàng: “Có buồn chứ. Buồn nhất là lúc đó cấp trên không cho lấy vợ Mỹ”. Ông đã biến những điều nghiêm trọng trở nên nhẹ nhõm nhờ vào những chuyện tưởng như nhỏ nhoi, riêng tư và “xa chủ đề” nhất.

Sao ông bảo đất nước ông tự do cơ mà? “Không được, ông nội! Vào Đảng đã hứa rồi. Vợ Mỹ, con người quốc tế, cả loài người nhập vô, lai nhiều giống. Mà ác cái, tôi thương hai ba cô liền. 14 tuổi tôi đã biết yêu rồi. Ác lắm. Vợ tôi là người thứ mười lăm mới cưới. Rảnh là đi coi vợ. Có ai lấy đâu. Tôi hỏi một lần à. Kiểu anh trời đánh không chết! Bạn bè lắc đầu cười”.

Còn những câu hỏi nghiêm trọng hơn giữa các đồng nghiệp hỏi thật nhau. Bây giờ ký giả Mỹ vẫn đòi ông bạn Ẩn của mình vốn là nhà phân tích chiến tranh, phải trả lời cho họ rõ vì sao Mỹ thua.

Ông Ẩn: “Mỹ thua bao giờ? Là anh nói đấy nhé, không phải tôi nói. Cụ Hồ cũng không nói thế. Cụ nói “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Cụ có nói Mỹ thua không? Hội nghị Paris 4 bên, anh đồng ý mới tự phải rút quân anh nhá!” “Thôi thua phải nói thua, không ngụy biện”, ký giả Mỹ vặn lại.

Ẩn vẫn đẩy cái bẫy hài hước trêu chọc ra: “Có nhớ không? Đờ - Gôn nói nước Pháp thua một trận chiến chứ đâu phải cả cuộc chiến tranh”. Lại giở trò rồi! Ký giả Mỹ lại chịu. Họ quay về đề tài cũ: Đi làm cách mạng vậy có tiếc gì không? Lại rơi vào trận cười chuyện lấy vợ Mỹ, việc coi bói. Khổ. Ông nội cách mạng rắc rối, quản lý chặt, không cho lấy vợ Mỹ… Cưới vợ phải coi bói. Tam hạp quá cũng không được. Năm thê bảy thiếp, cộng vào là mười hai con giáp. Chết cô Mẹo cưới cô Mẹo vô. Khỏe. Cộng sản lên, một vợ một chồng, chơi hại. Kẹt. Tây nói đàn bà muốn là trời muốn. Họ thương phải lấy, không được cãi lệnh trời…

Ký giả Mỹ cười bò, hỏi thân mật: Cộng sản chứa loại anh à? Đuổi không lợi, thôi để luôn cho rồi. Cứ như vậy các kiểu “đùa dai” hài hước của Ẩn đã trở nên quá quen với họ

Chụp ảnh cùng với Thống đốc bang California Brown, Rosann Rhodes và Rich Martin. Phạm Xuân Ẩn là người mai mối cho Rosann và Rich (ảnh trong Bộ sưu tập cá nhân của Phạm Xuân Ẩn)
Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #23 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2011, 03:57:43 pm »

12

Chú bé mê chơi

“Những gì anh đã làm trong quá khứ - vẫn Safer viết - Cho dù anh là người thế nào, Ẩn vẫn là con người của nhân cách đáng kính trọng, vẫn tin tưởng ở sứ mạng vẻ vang của đất nước nhỏ bé của mình. Tôi không nghĩ anh ta là một người Cộng sản mặc dù anh vẫn là một Đảng viên trung thành. Tôi cũng không nghĩ anh như một người quốc gia. Đó là những từ ngữ sai lạc thường che khuất sự cao cả vĩ đại và cả những tình thế xấu xa. Không, tôi cho rằng Ẩn là một người yêu nước, trong số rất ít những người như thế mà tôi được biết”.

Thẻ nhà báo của Phạm Xuân Ẩn khi làm việc cho Reuters

Còn Stanley Karnov cựu phóng viên tờ Washington Post người từng đoạt giải Pulitzer thì viết về ông Ẩn như sau: “Ông Ẩn là con người phải giằng xé giữa hai tình cảm. Lòng trung thành với dân tộc, đất nước ông và sự tận tụy với nghề nghiệp, tình bạn với các đồng nghiệp từ một nước đã gây chiến với dân tộc mình”. McCulloch thì cho biết: “Tôi không bao giờ giận gì ông Ẩn” (McCulloch là trưởng đại diện tờ Time nơi ông Ẩn làm việc thời đó). Culloch viết: “Bởi nếu như tình thế đảo ngược lại, nếu như hàng trăm ngàn người Việt Nam xâm chiếm đất nước tôi, tôi cũng sẽ làm như ông Ẩn đã làm. Ông là một người bạn tốt và đáng kính trọng”.

Một con người vừa đứng ở đỉnh cao nghề nghiệp, vừa làm trọn công việc mà đất nước cần, lại cũng giữ được lòng kính trọng của những người thuộc phía đối phương. Nhân cách ấy nhiều nơi có thể nhận là “sản phẩm” của mình: Văn hóa Pháp, nền giáo dục Mỹ. Hơn thế nữa, con người này đã ứng xử trong những hoàn cảnh thật đặc biệt. Ông không thể hỏi ý kiến cấp trên trong nhiều tình huống hoạt động đơn lẻ, bí mật tuyệt đối. Phải xử sự hàng ngày và rất nhiều trường hợp, “người chỉ đường” cho ông chính là cái bản lĩnh sâu sắc của người Việt Nam, một đặc tính của dân tộc đã từng sống trong những thử thách khốc liệt nhất. Cái bản lĩnh này chẳng phải có sẵn như chiếc áo mặc vào. Nó vô hình và mỗi con người góp phần mình, bằng cách chọn con đường, và bằng cảm nhận, bằng sự trải qua, đôi khi rất riêng tư”.

Dưới mắt một ký giả Mỹ, quá trình đó của ông Ẩn như sau: Năm 13 tuổi, tức là năm 1940 ông bắt đầu nhận thức về nghịch lý của dân tộc khi Nhật chiếm Việt Nam sau khi Pháp bại trận phải đầu hàng Hitler. Tại thị trấn cảng phía nam của Rạch Giá, quê nhà của ông lúc đó, những kẻ chiến thắng là Nhật vây ráp người Pháp (sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương ngày 9 - 3 - 1945) và dùng xích xâu họ lại với nhau dưới ánh nắng gay gắt tại một bãi đất. Mục đích của việc này là tiêu diệt hình ảnh những người cai trị da trắng trong mắt người Việt Nam và dựng nên viễn cảnh của một Đại Đông Á mới chiến thắng dưới sự bảo hộ của người châu Á - người Nhật.

Đã có lần ông Ẩn nói: “Tôi không bao giờ thích người Pháp bởi vì con cái những tên thực dân Pháp ngược đãi trẻ em chúng tôi. Nhưng người Nhật làm tôi ghê tởm. Những người Pháp bị khát. Tôi đến hỏi cha tôi và ông bảo tôi nấu ít nước mang đến cho họ. Khi tôi làm vậy, người Nhật tát tai những người Pháp đã nhận nước uống”. Ông Ẩn nói tiếp: “Tôi vẫn không thích sĩ quan người Nhật. Trước năm 1975 tôi không bao giờ nhận lời mời của Đại sứ quán Nhật cũng vì lẽ đó”.

Ký giả Mỹ đã nhận xét cả vẻ mặt ông Ẩn trong suốt cuộc nói chuyện. Lúc cuộc nói chuyện này diễn ra, ông Ẩn đã ở tuổi 68. Ông đã qua suốt hai cuộc kháng chiến và với nghề báo, ông đã hiểu sâu sắc bản chất của mọi mối quan hệ con người. Có thể nói cách nào đó, ông đã là một chuyên gia giao tiếp với đủ loại người, với con mắt phân tích của một ký giả và một nhà tình báo chiến lược. Vậy mà, vẻ mặt của như tác giả Henry Kamm nhận xét: “Đó là lần duy nhất trong rất nhiều cuộc trao đổi về cuộc đời đầy biến động của ông, tôi nhận thấy trên khuôn mặt trầm tĩnh của ông nét hận thù làm cho giọng nói và sự bình thản của ông đanh lại. Số phận những người Pháp dấy lên lòng thông cảm của ông với những người bị thua thiệt. Ông nói rằng một yếu tố khiến ông tích cực quyết định theo phe nào chính là sự bất công đối xử giữa người Việt và người Việt. Ông đã thấy một địa chủ, cha của một bạn học cùng lớp, đối xử thậm tệ với những người tá điền của mình. “Chúng tra tấn họ. Chúng bắt vợ con họ ngủ với chúng…”

“Đó là lý do tôi tôn trọng người Mỹ - ông Ẩn nói - Họ dạy cách giúp đỡ những người yếu thế…”

Cách nhìn này của Henry Kamm, hay chính lời nói chân thực của vị tướng Việt Nam? Những ưu việt của thế giới hiện đại tiến bộ ông đã học được ở Mỹ, dù sao không thể không đặt trên cơ sở tâm hồn và nhân văn một người Việt Nam biết cảm nhận. Chính cách cư xử trong suốt cuộc đời trọn vẹn nhiều bề đã làm giảm bớt khó khăn và được sống tự nhiên trong sự tồn tại khác thường của ông ở cả hai phía trong cuộc chiến tranh.

Bằng lái quân xa của Phạm Xuân Ẩn

Các ký giả Mỹ kể rằng ông đã thành công trong việc cứu mạng Robert Sam Anson, một nhà báo trẻ tuổi của tuần báo Time bị bắt tại Campuchia nơi mà nguyên văn lời của Henry Kamm “nghĩa địa của hầu hết các phóng viên khi rơi vào tay quân đội của Khmer đỏ”. Đội quân Khmer đỏ đó hoạt động bất hợp pháp tại biên giới và thích ẩn mình ở lãnh thổ nước ngoài để thoát khỏi sự chú ý của thế giới. Chi tiết này xuất hiện trên báo nước ngoài, chắc chắn sẽ lại chất thêm những điều phong phú bí ẩn của đời mà vị tướng này chẳng bao giờ viết ra.
Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #24 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2011, 04:08:02 pm »

Nhưng có thật là “cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn với tất cả những chi tiết mập mờ gây hoang mang có thể là một mẫu cho những người trong thời đại ngày nay vẫn phải tiếp tục đối diện với vô số lựa chọn gây bối rối”, như nhận xét của ký giả nước ngoài hay không? Chắc phải tìm về nguồn cội, nguồn cội của con người mang nhiều dấu ấn và chứng cớ của lịch sử này, phải có một mở đầu như thế nào chứ? Có đặc biệt không?

Không có ý thức trả lời phỏng vấn, vào một buổi chiều đến chơi thường lệ, tôi đến khu vườn nhỏ ấy và thấy ông đang say mê giở túi rắn liu điu nhỏ xíu: “có chất, nó mới hót” đó là chất bổ dưỡng cho chim. Mọi ngày ông gọi châu chấu lá bít - tết. Rồi ông than thở: “Trước đây chim sẻ rất nhiều. Súng hơi người ta bắn riết nay không còn nhiều”. Chuyện vui mà sao nghe như thảm sầu bởi cái giọng đều đều luyến tiếc: “Chim hót cũng như đứa trẻ nít học nói 3 tuổi trở lại. Chim nhỏ mà ở rừng nó không hót nữa. Con tương tư thì mắc lắm. Bên Tàu có”.

“Ngày xưa tôi nuôi gà nòi chọi. Đầu hôm thì bắt thằn lằn, đêm cho uống nước, cho ra sương. Có hai cái đại hội. Đại hội tả kê đá gà. 6 tháng mùa khô. Đá cá ăn tiền lớn. Con nào thua chịu sọc dưa, khi sợ, nó nhạt màu. Coi miệng, bụng, lỗ mũi… nuôi cực lắm. 4,5 tuổi tôi đã nuôi, 10 tuổi đã đi “đày”.

Sao lại đi đày?

Và thế là có một chú bé hiện ra theo lời ông kể.

“Bị đày, chơi không. Không học hành gì. Lúc nhỏ 2 tuổi ở Huế với bà nội. Bốn tuổi, bà nội chết, đem vô. Chơi chim chơi cá. Học khúc, nghỉ khúc. Thôi cho mày về quê học làm điền chủ. Về Rạch Giá. Ông già làm nghề họa đồ, mua được đất, khẩn đất. Ông buồn lắm. Con người ta học đàng hoàng. Bà Nguyễn Thị Bình là con người bạn của ông già tôi, ở nhà kêu “con Châu Sa”. Bà Bình học hành giỏi giang chăm chỉ, ăn mặc đàng hoàng. Con người ta sạch sẽ. Con mình chân bùn không. Đi bắt cá, xách ná bắn chim. Không tội nào nặng bằng tội đi chơi. Thi cuối lớp 3, rớt. Mới “bị đày” ra Huế. Ông già đưa ra Truồi, ở với ông giáo tiểu học, con nuôi của ông nội, nhờ kèm cặp”.

Kể đến đây, dường như trong ông vẫn còn sống y nguyên một cậu bé con cách nay hơn nửa thế kỷ. Mắt ông có ánh lấp lánh của chú bé ấy: “Đày cũng lợi. Đâu có chừa. Đợi xe lửa trong Nam ra, tối nghe kêu ú ú là chạy ra ga, nhảy lên tàu ăn những cúi bánh mì ròn của khách bỏ lại. Tàu sắp chạy thì nhảy xuống. Ông giáo dạy rất kỹ càng. Ông còn mua lúa cho giã gạo. Chày một chày hai, chày ba. Khi mùa hè có trăng lên là giã gạo. Học thì như cuốc kêu “thiên thời địa đất vân mây - vũ mưa - phong gió - trú ngày - dạ đêm”. Thiên là trời - Địa là đất - Gia là nhà - Quốc là nước - Tiền là trước - Hậu là sau - Ngưu là trâu - Mã là ngựa” v.v… Chỉ thích chơi, giã gạo. Ham bắt cá lắm. Còn rình bắt cọp con. Lâu lâu nó rú cái, lại chạy.

Trời lạnh, mặc áo dài đi học, đem theo lò ấp, mặc áo tơi, xắn quần lên. Khi nước ngập quá, cởi cả quần đi. Học lại rớt nữa. Có học gì đâu. Về Gia Định học trường tư. Năm 1938 xuống Cần Thơ. Khổ quá! Thì chơi không! Ba năm cái lớp ba! Chơi nhưng chơi kiểu nhà nghèo. Gia đình dạy Nho giáo, mình không hợp. Mình kẹt cái đó. Mà cha buồn, thương cha buồn mà không sao đổi tính được. Ông già cũng thương con nhưng buồn. Ông biết mình nóng giận, rảnh là đánh nện. Mẹ sắm chiếc roi nhỏ cho con đỡ đòn nặng. Sau này trong đời hoạt động, đi cùng người Mỹ xuống đồng bằng sông Cửu Long, họ lạ lắm. Thấy tôi chèo xuồng, chèo ghe như không. Nông thôn trồng cây gì, nước lớn, nước ròng, hoa lá, cá chim, biết hết”…

Trong giọng ông kể, có cái cây đắng thương cha, có nỗi cảm thông với chú bé Ẩn tuổi thơ tò mò thông minh hiếu động. Đứa trẻ của đời sống ấy bị nhét vào đầu lối giáo dục Nho giáo không hợp. Có cả sự thú vị của đứa trẻ nhìn thấy thế giới trong cả trạng thái li ti của nó.

“Đá kiến nữa: lấy con đen, ngắt râu, không thấy đường, nó chạy đá loạn xạ. Còn đàn cá thia lia, ông già giận thói mê chơi, đem đổ xuống cống. Tôi khóc ra chặn nơi cống lớn chờ cả ngày mới hớt lại được một con. Khóc như ri. Hồi ở Huế, trên thuyền từ sông Hương ra Cửa Thuận, ngồi ngoài coi từng cái rong dưới nắng”…Ông kể về những bạn cùng lứa và bảo: “Mấy người đó đàng hoàng. Còn tôi vớ vẩn lắm”.

Về cả một quãng đời trẻ thơ gắn bó với đồng ruộng và thiên nhiên như thế, dưới mắt các ký giả Mỹ có thể tóm tắt như lời Henry Kamm: Cha của ông Ẩn - một viên địa chính thời Pháp ở một tỉnh cực Nam của Đồng bằng Nam Bộ, đã trừng phạt con vì đã thất bại ở trường vào tuổi lên 9, bằng cách gửi ông về sống với họ hàng ở một làng gần Huế, kinh thành cũ ở Miền Trung Việt Nam. Thất bại trong học tập ngay cả khi còn nhỏ là một tội nặng trong gia đình truyền thống Nho giáo như gia đình ông lúc bấy giờ. Cha của Ẩn muốn con trai biết mình đã may mắn thế nào bằng cách bắt con chịu sự khổ cực của cuộc sống thôn dã ở một trong những khu nghèo nhất ở Việt Nam. “Cuộc sống ở đó nghèo đến mức chúng tôi không có dầu thắp đèn và phải dùng bấc đen nhúng trong mỡ chuột để thắp sáng”.

Có lẽ vì thế, mà ông Ẩn tự thấy đời mình luôn đầy nghịch lý. Nhưng mọi sự việc bi thảm, căng thẳng đầy thử thách đã được ông làm cho nó bình thường đi. Ông đổ cho số phận và đôi khi tự trào mình bằng cách giải thích theo cuốn sách tử vi Pháp (horoscope) hướng dẫn về điểm mạnh yếu của con người.

Người yếu, mắt sâu, táo bón. Loại người quan tâm sức khỏe không dám nguy hiểm. Ông nói về mình mà như nói ai. Nhát, sợ chết, sợ bệnh. Nhưng việc phải thì dám làm. Nghề phù hợp: báo chí. Ai biết sử dụng anh thì tốt, không thì anh chơi. Nhưng rồi anh tự nhận xét: nghề hợp nhất: làm hề. Đẻ ở nhà thương điên Biên Hòa! Có máu điên điên. Xưa có ít bác sĩ, chỉ nhiều y sĩ. Chỉ có một ông bác sĩ ở nhà thương điên. Vợ các quan chức cao cấp đẻ đều vô đó. Lớn lên ông già làm địa chính họa đồ đo đạc, hay dắt Ẩn đi theo. Có lẽ vì thế ông biết rất nhiều. Như lại bị cái thói mê chơi ngày bé khuyến dụ, ông Ẩn kết hợp nói chuyện mình đẻ ở nhà thương điên cho tiện.

“Rình bắt cọp con, bắt rắn rít, nhỏ đâu có sợ chết. Cái ngu. Ham chơi quá. Không chỉ đá kiến, mà bọ cạp cũng cho đá. Mùa ve Huế, tối tôi đâu có ngủ. Sau mưa, nó như nhộng bò lên mới ra cánh. Ve bò đi để xác lại. Nó bay đi rồi ngày sau ve cái mới kêu. Có hai hạt gạo bên hông, kêu bằng cái đó. Đực không kêu. Đèn đốt bằng mỡ, không có dầu, dầu lửa mắc. Bắt ve về nhà khi nó lột, lựa ra con cái. Không kêu, nắm lắc lắc kêu, tiếng không thanh. Có khi sợ quá, nó kêu. Con đực thả đi. Dân Huế nghèo, bắt ăn. Dế ăn, ve ăn. Dế khôn hơn. Tôi lên miền Thượng, thả kiến vào cắn, dế ngoi lên…

Con nào cũng hay trơn!”

Giọng ông nửa trách móc, nửa hãnh diện kiểu trẻ con. Lại như giải thích cho tính khí của mình.

Có phải tất cả mọi việc sau này đã bắt đầu từ những việc li ti đó? Có cái gì của thời thơ bé ấy còn in dấu làm nên tính cách con người anh hùng của hôm nay?

Phạm Xuân Ẩn và trưởng phân xã tạp chí Time Jon Larsen trong một lần đi thực tế
Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #25 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2011, 07:36:56 pm »

13

Thời thanh xuân hào hùng

Đó là thời thanh xuân thuộc những tên tuổi: Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, Lưu Văn Lang, cùng cái tên Ba học sinh (Đỗ Ngọc Thạnh) - những tên tuổi của một thời kỳ hào hùng. Tuổi thơ trong một dân tộc phải kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nên kỷ niệm không là những chùm me hay góc phố có giàn hoa Tigôn mà học trò thường nhớ mà trở thành cuốn lưu bút hào hùng và đau thương của dân tộc, với những số phận con người hy sinh, chiến đấu dưới nhiều dáng vẻ...

Theo như trí nhớ của Ẩn thì ngày ấy có một du côn Sài Gòn nổi tiếng, học đến “Đip-lôm”. Có lẽ ấn tượng ấy khiến ông nội sợ hãi. Để “nó” ở Sài Gòn thành du côn Sài Gòn thì chết nên mới “đày” ra Huế, về vùng quê. Giờ đây đã thành một ông nội, ông Ẩn vẫn như còn tìm hiểu, nghiền ngẫm về nỗi lo của ông nội ông ngày ấy. “Mà tôi đâu có du côn. Thật ra rất hiền, bị đánh không hà”. Mà hồi đó, 1943, Ẩn 16 tuổi, làm địa chủ gì được (theo ý nguyện của cha Ẩn khi thấy con không học kiểu như con người ta nên ông muốn con về quê thành địa chủ). Năm 1948, Ẩn học ở Mỹ Tho cho tới xong tú tài. Năm 1949 phong trào cách mạng bắt đầu lên, trường học đóng cửa vì phong trào học sinh sinh viên bãi khóa. Cuối năm đó, Ẩn về Sài Gòn và tham gia phong trào Trần Văn Ơn nổi tiếng năm 1950.

Sài Gòn lúc đó đã bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp từ 23-9-1945. Khi Ẩn lên Sài Gòn, đúng vào thời điểm của phong trào tổng bãi khóa và tổng bãi công những ngày cuối tháng 11-1949 và tiếp đến là đỉnh cao của phong trào học sinh sinh viên 9-1-1950. Ông Ẩn nhớ lại: có hai cuộc biểu tình lớn năm đó: một là vào tháng giêng và hai là cuộc biểu tình chống can thiệp Mỹ tháng 3-1950. Hai cuộc biểu tình chính trị tới 300 ngàn người ở trung tâm thành phố chống Pháp, phản đối can thiệp Mỹ, đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi Cảng Sài Gòn. Những người lứa tuổi ông Ẩn còn nhớ tên hai tàu chiến Mỹ ấy: tàu Anderson và Stichwell thả neo tại quân cảng Sài Gòn. Máy bay Mỹ bay biểu diễn.

Suốt trong hai năm 1949 đến 1951, Ẩn phải đi làm thư ký kế toán cho hãng xăng Caltex, giữ sổ sách kế toán, để chăm sóc cha lúc đó bệnh nặng nằm ở nhà thương Chợ Rẫy. Sáng làm ở hãng xăng, chiều dạy tiếng Pháp, tối đạp xích lô. Có một người mướn xích lô đạp ban ngày, tối ông ta ở nhà giữ con để vợ đi bán chè đậu, nên Ẩn mướn lại xe đi đạp buổi tối.

“Dạo đó sòng bạc Đại Thế Giới nhiều người tới đó đánh tài xỉu (tài = lớn, xỉu = nhỏ) quay Rrôbe. Tôi đưa khách vô đó đánh bạc, rồi ngồi đợi họ bên ngoài. Mấy cô mấy bà đánh bạc dữ lắm. Thấy chàng trai đạp xe vui vẻ, hễ thắng bạc là họ cho tiền nhiều. Có khi mấy bà thua quá không có tiền, tôi cũng vui vẻ chở, đạp không tiền. Họ nhớ mặt, nên thường kêu đi. Một bữa nọ ông chủ xích lô thấy Ẩn, liền chào là “thầy Hai”. Ẩn chẳng hiểu vì sao ông chào trịnh trọng, lại còn không muốn cho anh mướn xích lô nữa. “Tôi thấy thầy Hai ở hãng xăng”.

Ẩn đã “bị lộ” là một thư ký có học, nghèo quá phải làm thêm. Nhưng người chủ xích lô không hiểu nổi sự bất thường này nên tỏ ý nghi ngại và chấm dứt việc cho mướn xe. Mấy lần trước đó Ẩn chở đúng con của người bạn của ba anh. Nó về nói với ba, ba nó lại chơi, nói với ba Ẩn. Ông buồn lắm.

Ông giáo Ẩn thấy cảm động trước việc người con hiếu thảo làm cả những việc khổ nhọc để nuôi cha bệnh nên mách cho Ẩn một lối thoát. “Có một lớp, ở trường của Lê Bá Cang, con của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Đám học sinh ở đó lớn, như lớp 8 bây giờ. Toán có thầy rồi, thiếu thầy tiếng Pháp. Tuy vậy, người ta mời tôi dạy cốt là để trị giùm mấy thằng mất dạy. Họ dặn: đừng đánh. Chúng không phá. Nó học được. Trường tư khó đuổi”. Ông Ẩn nhớ lúc đó: “Tôi còn trẻ, mới ngoài 20, còn lũ học trò 18, lớn ngồng. Vô lớp, thấy nó cười cười, có ý xem xét thầy nghèo. Tôi vô lớp dòm đám học trò. Những đứa con gái ngoan ngoãn chịu học, ngồi phía trước. Tôi đọc một bài trích: Conrneille, Molière, Racine. Nó vẫn cười cười. Tôi bảo: Các em có phước được đi học. Thầy cũng không được học nhiều. Rồi tôi rủ mấy thằng to con, thích học võ không. Thích lắm. Hết giờ dạy không mất tiền. Thiệt không thầy? Tôi dạy nó đi đường roi, đánh côn, võ ta, võ Ănglê và bơi lội. Sau này nó biết “ổng trị đó”. Tôi dùng con gái trị con trai. Giảng bài hỏi hiểu không? Hiểu, đám con trai nói đại rồi sĩ diện giơ tay. Gọi lên nói không trúng. Hôm sau tôi gọi đứa con gái lên nói trúng. Rồi tôi bảo: Thầy chỉ cần có vậy. Hiểu nói hiểu. Không nói không. Một thời gian sau tôi thôi dạy. Xin trả ông, kiếm thầy khác dạy cao hơn. Nó ngoan rồi”…

Đó là thời thanh niên của chàng trai trẻ qua thử thách khá khốc liệt của tuổi vào đời. 4 giờ sáng dậy chuẩn bị đi làm thư ký kế toán hãng xăng từ 5 giờ sáng đến 1 giờ chiều. 2 giờ 30 tới 5 giờ 30 dạy học. Đọc sách. Tối đi đạp xích lô. Chàng trai ấy không hề biết đời mình sắp có một bước ngoặt, mở ra một cuộc đời mới gian lao hơn nhiều nhưng giúp ích cho đất nước ở một tầm cao mới.

Đó là thời kỳ đỉnh cao của phong trào học sinh sinh viên. Các trường học, cả công cả tư đều bãi khóa, kể cả hai trường trung học quan trọng nhất lúc đó là Marie Curie và Chasseloup Laubat. Trường Pháp, nhà cầm quyền ra lệnh đóng cửa trường. Học sinh biểu tình lên Nha Học chính rồi Dinh Thủ hiến. Cuộc bãi thị được một cuộc tổng bãi công của 8 xí nghiệp lớn với 5.000 thợ máy hỗ trợ. Cảnh sát đánh học sinh và học sinh chống lại, ném đá đến nỗi cảnh sát bỏ chạy và kêu viện binh đến đàn áp. Học sinh, phụ huynh, nhân dân, công nhân… đã nhất loạt đứng dậy đòi mở cửa trường và thả những người bị bắt. Thủ hiến Nam Phần lúc đó là Trần Văn Hữu xin ý kiến quan thầy Pháp không nhượng bộ mà còn ra lệnh đàn áp dã man hơn. Bị thương nặng, học sinh Trần Văn Ơn chết.

Đám tang Trần Văn Ơn

Cái chết của anh như luồng điện và làm bùng lên ngọn lửa phản kháng mạnh mẽ. Sài Gòn không bao giờ quên hình ảnh mấy chục vạn người trong đám tang lớn chưa từng có suốt từ khi Cách mạng tháng tám thành công năm 1945. Chợ búa không họp. Cửa hàng phố xá đóng cửa. Suốt từ tờ mờ sáng các loại xe, tàu rần rần chở người biểu tình về trường Petrus Ký. Những người tham dự biểu tình ngày ấy còn nhớ đầu đoàn biểu tình đã vào đến Chợ Lớn mà đuôi vẫn còn ở cổng trường chưa đi được.

Quan tài của Trần Văn Ơn được phủ băng trắng có dòng chữ viết bằng máu của các học sinh mà đến nay nhiều người còn đọc “Chết vì Tổ quốc, chết nhưng vẫn sống. Sống kiếp Việt gian, ô nhục muôn đời”. Đó là thời kỳ tuổi thanh xuân thuộc những tên tuổi: Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, Lưu Văn Lang, cùng cái tên Ba học sinh (Đỗ Ngọc Thạnh) - những tên tuổi của một thời kỳ hào hùng, giống như những kỷ niệm lẽ ra chỉ là nằm trong lưu bút tuổi học trò. Nhưng vì là tuổi thơ của một dân tộc phải kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nên nó không là những chùm me hay góc phố có giàn hoa Tigôn mà học trò thường nhớ. Nó trở thành cuốn lưu bút hào hùng và đau thương của dân tộc, với những số phận con người hy sinh, chiến đấu dưới nhiều dáng vẻ. Ngày nay, ngày 9-1 được chọn làm ngày học sinh, sinh viên của cả nước.

Liệt sĩ, AHLLVTND, Trần Văn Ơn (1931-1950)

“Lúc đó tôi ở cùng Ba học sinh”. Vị tướng Phạm Xuân Ẩn chỉ nhắc lại câu chuyện vào năm 2000, khi các cựu học sinh thời ấy nay đã nhiều tuổi, làm một lễ kỷ niệm lớn, viết sách báo, nhân kỷ niệm 50 năm ngày 9-1. Chị Nguyễn Bình Thanh, người nữ sinh Marie Curie ngày ấy, sau này trở thành nhà ngoại giao xuất sắc, đã nghỉ hưu và nay cũng đã mất trong một tai nạn. Chị đã kịp làm một việc có ý nghĩa là cùng các bạn đồng lứa, vận động tích cực cho lễ kỷ niệm và viết sách. Có phải vì thế mà ông Phạm Xuân Ẩn đã viết lại một chút ít ỏi về cuộc đời thanh xuân ấy của mình, không có in ở đâu, bất cứ bài báo khác tự viết về cuộc đời “Ẩn” của mình như vậy.

Ông Ẩn viết: “Ngày 9-1-1950 học sinh rầm rộ kéo xuống đường biểu tình. Chúng tôi tập trung trước Dinh Thủ hiến. Tất cả xe đạp chúng tôi để dựa gốc cây đa cho mát. Tôi đứng phía bên kia Tòa án. Khi chúng bắt đầu đàn áp, sinh viên chạy. Chúng bắn chỉ thiên, dùng ma trắc đánh đập. Tôi chạy ra ngoài, gặp một chị vóc dáng nhỏ bé nâng đỡ một chị rất lớn, máu me đầy người. Tôi không dám đến đó tiếp vì câu “nam nữ thụ thụ bất thân”, vội vàng kêu một anh xích lô, nhờ anh qua đó chở họ đi. Chị nhỏ người ẵm chị bị thương (chị này bị chúng đập bể đầu, máu chảy xối xả) lên xích lô. Tôi đạp xe theo chiếc xích lô. Nếu qua nhà thương Sài Gòn sợ nó bắt, tôi bảo xích lô chạy qua Khánh Hội, nay là Quận 4, qua chợ Xóm Chiếu, tôi biết ở đó có một trạm y tế. Ba chúng tôi chạy theo hướng Cầu Mống đến trạm y tế Khánh Hội. Mấy người y tá hiểu liền cơ sự. Họ thật dễ thương, rửa vết thương trên đầu cô nữ sinh, lấy bông gạc băng lại, cô y tá còn cởi áo cho nạn nhân mặc khi chúng tôi quay về…”

Hỏi ra, Ẩn mới biết người bị thương là chị Phương Dung học năm thứ hai trường Gia Long, chị họ của Bình Minh, lên ở nhà Bình Minh để đi học. Gia đình Bình Minh thì Ẩn quá quen biết. Đó là gia đình kỹ sư Nguyễn Văn Đức ở 89 bis đường Verdun, bây giờ là đường Cách Mạng Tháng Tám. Gia đình có 4 cô con gái học đàn rất giỏi và đều có cuộc đời hoạt động nổi tiếng sau này. Một người trong số họ trở thành giáo viên dạy nhạc, là vợ của nhà văn Nguyễn Thi. Còn một người trong số đó là chị Bình Thanh, nhà ngoại giao xuất sắc của Việt Nam trong những năm kháng chiến. Còn chị nữ sinh nhỏ bé đã ẵm nạn nhân lên xích lô đó là chị Huỳnh Thị Ngôn, ba ngày sau đã thay mặt nữ sinh Sài Gòn - Chợ Lớn lên đọc điếu văn trong đám tang Trần Văn Ơn.
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Tám, 2011, 08:04:02 pm gửi bởi Bộ đội Cụ Hồ » Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #26 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2011, 09:11:41 pm »

Người thanh niên đi hàng đầu bên phải trong bức ảnh chính là thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn. Ông là một trong hai người cầm băngrôn “Toàn thể học sinh Nam Việt” (tức miền Nam) dẫn đầu dòng người tiễn đưa anh Trần Văn Ơn. Trong cuốn Ngòi pháo 9-1, ông Phạm Xuân Ẩn viết: “Tấm ảnh ấy, may mà dưới thời Mỹ, cơ quan an ninh tình báo địch không biết được. Nếu không họ đã tóm tôi chớ đâu để yên cho tôi hoạt động trong lòng địch lâu đến thế”

Đến giữa năm 1951, Ẩn được lệnh vào chiến khu Đ nhận nhiệm vụ mới và phải cắt đứt tất cả các mối quan hệ trong thời gian tham gia phong trào học sinh, sinh viên. Không phải vì đi nơi khác nên không còn điều kiện gặp gỡ, mà do yêu cầu phải có một “lý lịch cá nhân” hoàn toàn mới và càng ít liên hệ với những người tham gia phong trào, thì càng tốt.

Cho đến mãi năm 1999, tức là gần nửa thế kỷ đã trôi qua, ông Ẩn - chuyên gia tiếp xúc để hoàn thành nhiệm vụ ký giả và một viên tướng tình báo, mới được giở lại một kỷ niệm thời thanh xuân đã lùi quá xa. Giờ đây ông mới có thì giờ để nhìn lại, kể lại cái ngày tràn đầy khí thế của gần nửa triệu người Sài Gòn - Chợ Lớn chống ngoại xâm. Ông kể những chi tiết nhỏ rất quan trọng mà ông đã gặp may: “Ngày đó tôi rất hãnh diện được cầm băng rôn mang dòng chữ “Toàn thể học sinh Nam Việt” đi đầu trong rừng khẩu hiệu, câu đối điếu. Tấm ảnh ấy, may mà dưới thời Mỹ, cơ quan tình báo địch không biết được, nếu không, nó đã tóm tôi chớ đâu để yên cho tôi hoạt động trong lòng địch lâu đến thế!”.

Phạm Xuân Ẩn trong chuyến thăm tàu hải quân Mỹ USS Vandegrift tháng 9/2003 (ảnh do Tổng lãnh sự Quán Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh cung cấp).


Ông Ẩn không ngờ lại có một ngày gặp lại nhiều người, sau cả nửa thế kỷ và ông tưởng không bao giờ có dịp gặp lại các bạn thân yêu của thời kỳ đó. Bây giờ khi tất cả tóc đã bạc, nhiều người đã mất, nhưng ông Ẩn lại gặp được các bạn, đặc biệt là cả chị Ngôn, người đã cùng Ẩn cứu người bạn là nạn nhân của cuộc đàn áp dã man ngày hôm đó. Họ cũng còn báo tin cho nhau biết chị Phương Dung bị đánh bể đầu hồi đó, mười năm sau đã bị điên do vết thương trên đầu. Chồng chị là bác sĩ Lê Văn Khoa, ở Cần Thơ, hết sức khổ tâm.

Đến hôm nay, họ mới cùng nhau nhắc lại cả người đạp xích lô đã chở hai học sinh đi suốt qua Xóm Chiếu rồi trở về Sài Gòn. Khi Ẩn đưa tiền ông đã từ chối với một lời chân thật: “Mấy cô, mấy cậu dám làm, tôi lấy tiền sao được!”. Cũng như vậy, nhờ khí thế đấu tranh của ngày ấy mà tới mấy tháng sau, đi quyên tiền cứu trợ đồng bào bị đốt nhà ở Bàu Sen, đi đến đâu các học sinh không những quyên tiền rất dễ, còn được đồng bào ôm khóc và khen: các cô các cậu giỏi quá, gan quá! Không phải người được cứu trợ cảm động ôm khóc, mà chính là những người cho tiền.

Có cả câu chuyện nhỏ về sự thơ ngây của tuổi học sinh. Ẩn và một số bạn bè như Ba học sinh bị ông Mười Cúc (tức đồng chí Nguyễn Văn Linh sau này) phê bình. “Có nhiều cảnh sát cũng đi đưa tang, mang cả vòng hoa đến viếng Trần Văn Ơn. Lúc đại biểu các giới lần lượt đọc điếu văn, một cảnh sát nhảy ra chụp micro xin nói. Tôi liếc nhìn Thạnh, Thạnh lắc đầu. Tôi giựt micro khỏi tay viên cảnh sát, nói to: “Không được, anh là lực lượng của Pháp”. Về sau, tụi tôi bị anh Mười Cúc phê bình là không thừa cơ hội tranh thủ họ để “thêm bạn bớt thù”.

Những kỷ niệm một thời tuổi trẻ được cùng nhau ôn lại lúc đã tuổi già, dường như nó say đắm hơn hết, nhớ thương hơn hết. Những chiến tích lớn lao và gian nan ác liệt chìm đi. Chỉ còn nổi lên những ngày đầu đời ấy. Họ nhắc tới Ba học sinh, tức Đỗ Ngọc Thạnh. Ẩn chơi với Thạnh thân lắm. Do hai ông già ba của Thạnh và Ẩn đều là các trí thức cùng nghề, học cùng khóa, cùng tốt nghiệp trường Đại học Công chánh ở Hà Nội. (Lúc đó chỉ có thể học cao ở Hà Nội, nên các trí thức đều tốt nghiệp ngoài đó). Ba của Thạnh là họa đồ Đỗ Như Khương. Ba của chị Kim Sa (tức bà Nguyễn Thị Bình, sau này làm Phó Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) là ông họa đồ Hợi. Chính vì vậy con cái của các vị chơi thân với nhau từ khi còn là những đứa trẻ dưới 10 tuổi, trong những năm 1936 - 1937 ở đường Cây Thị, Gia Định. Cuối thập kỷ 40 và đầu thập kỷ 50 bà Bình là cán bộ hoạt động trí thức sinh viên của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

“Giữa năm 1951, một hôm, chị Đỗ Thị Kim, hoạt động cùng một tổ với bà Bình lúc đó, chị ruột của Thạnh đến nói với ba tôi: “Con Sa bị bắt rồi, bác ơi”. Chị bị bọn ở bót Catinat tra khảo, thả ổ kiến vàng vào hai ống quần rồi cột chặt lại. Chị hết sức kiên cường, không khai báo. Sau ít lâu, chúng chuyển chị qua Khám Lớn”. Ông Ẩn nhớ lại và viết trong một bài in ở cuốn “Ngòi pháo 9-1”.

Trong ngày gặp mặt hôm nay, ông nhớ người bạn thân cùng hoạt động. Họ hay gặp nhau tại nhà bà Mười (má của anh Nguyễn Ngọc Hà lúc đó đang học ở Pháp), là chủ lò bánh mì VITA ở đường Ngô Tùng Châu, nay là đường Lê Thị Riêng. Hình ảnh nổi bật nào của Ba học sinh còn rõ nét? Đó là Thạnh rất thương trẻ con. Ở nhà bà Mười có đứa cháu nội, con của anh Kim Sơn. Kim Sơn cũng là một điệp viên nổi tiếng trong câu chuyện đánh đắm tàu của Pháp. Thạnh thường đến bà Mười để được bế ẵm con anh Kim Sơn. Chị Ngọc Hà còn giữ rất kỹ một tấm ảnh chụp Thạnh đang ẵm con chị. Thạnh và Ẩn thường gặp nhau bàn kế hoạch công tác, khi thì ở nhà bà Mười, hoặc ở nhà Ẩn và có khi ở nhà kỹ sư Nguyễn Văn Đức.

Thạnh đã là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 2-1947, được giao nhiệm vụ phụ trách Hội học sinh Việt Nam - Nam Bộ tại nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Anh cũng là Bí thư Đảng đoàn học sinh đầu tiên của khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1951 anh bị chỉ điểm và bị bắt. Giặc đánh đập anh tàn nhẫn, vứt xác xuống Cầu Kinh - Thanh Đa. Cái chết anh dũng và đau thương này được ông Trần Văn Trí, chưởng lý Tòa Thượng thẩm Sài Gòn báo riêng cho cha anh là ông Đỗ Như Khương. Thạnh, người bạn của Ẩn, chết giữa tuổi 21.

Đó cũng là lúc người thanh niên Phạm Xuân Ẩn mong ước ra hẳn chiến khu, trở lại bộ đội, chấm dứt cuộc đời người công chức trẻ nhân viên thuế quan, một vị trí mà trong kỳ thi tuyển toàn Đông Dương chỉ có 50 người được chọn. Anh tính về bộ đội lại, lúc đó là về tiểu đoàn Thủ Biên. Thạnh đã sắp xếp cho anh rồi. Nhưng Thạnh bị giặc giết, Ẩn đứt liên lạc. Lẽ ra anh đã tính đi luôn từ trước rồi, bây giờ chẳng còn gì cản ngại anh nữa.

Nhưng Ẩn không ngờ, công việc lại “ném” trả anh về lại Sài Gòn, không được đi đâu hết. Thế là, suốt từ năm 1947 cho tới khi Sài Gòn hoàn toàn giải phóng 30-4-1975, Ẩn hoạt động ở Sài Gòn. Cho đến bây giờ, ông vẫn sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Có thể nói, Sài Gòn là nơi in dấu gần như toàn bộ cuộc đời ông. Năm nay 74 tuổi, sống ở Sài Gòn - Chợ Lớn 60 năm, 9 năm ở miền Tây, 3 năm ở Huế và 2 năm ở California.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Tám, 2011, 03:15:30 pm gửi bởi Bộ đội Cụ Hồ » Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #27 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2011, 09:14:03 pm »

14

Bước ngoặt

Người thanh niên trẻ Phạm Xuân Ẩn lúc ấy yêu nước, sẵn sàng hành động. Nhưng anh chưa thể hiểu hết tình thế cách mạng lúc đó, nhất là ngành tình báo chiến lược non trẻ mới thành lập. Sau này anh mới hiểu tầm nhìn chiến lược của Đảng, đánh giá và dự báo thời cuộc rất chính xác...

Những năm đầu kháng chiến ấy, có một cách giải quyết gần như duy nhất là những ai hoạt động bị lộ thì ra chiến khu, đi bưng. Học sinh sinh viên trốn nhà theo kháng chiến cũng vậy. Ngay từ năm 1947 có một sự kiện mà sau này các nhà viết sử còn chưa kết luận chủ trương đó đúng sai thế nào, nhưng nói lên được lòng dân với kháng chiến: sáu ngàn viên chức, một ngàn thợ chuyên môn ra bưng biền. Đó là một chủ trương của Ban nội vụ Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ nhằm tăng cường nhiều ngành, nhất là ngành cơ khí quốc phòng đang rất cần cho chiến đấu. Đó cũng là thời kỳ người ta được biết đến các trí thức lớn cũng ra bưng như bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, có cả đô trưởng Sài Gòn Phan Văn Chương.

Giáo sư, Bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân, cố Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Văn Hưởng (1906-1998)

Chàng thanh niên Phạm Xuân Ẩn nghĩ mình cũng sẽ ra đi như thế. Chỉ có một điều khó khăn thôi: cha anh đang bị bệnh nặng. Ông nằm nhà và kiêm luôn nhiệm vụ “canh gác” bởi nhà ông ở đường Ngô Tùng Châu là cơ sở cách mạng đang chứa các thiết bị cho việc thành lập Đài Tiếng nói Nam Bộ, “chở vô từng món, từng món”. Nhưng Đảng đã tìm cách móc nối qua một cách khác: nhóm ông Huỳnh Tấn Phát. Người bạn học cùng trường tên là Tảo, tên thật là Võ Phú Túc, một hôm nhắn Ẩn một câu đơn giản “Ông Thạch kêu ra nhận công việc mới”. Ẩn nghĩ chuyến này anh sẽ đi luôn, bỏ công ăn việc làm. Nhưng Tảo đã thông tin: Ra rồi vô lại, chứ không được bỏ công việc.

Nếu vẫn tiếp tục giữ công việc thì phải vô chiến khu như một kỳ nghỉ phép bình thường vắng mặt ở Sở quan thuế. Phép năm nếu nghỉ một lần được 29 ngày. Ẩn chọn thời điểm ăn Tết xong, vì như vậy cộng thêm được những ngày nghỉ Tết “lỡ nó hành quân kẹt đường tới 10 ngày, về sẽ trễ phép. Vì thế phải tính kỹ. Đi lên Bình Dương, ở nhà một viên tri huyện có con trai và con rể đi kháng chiến cả. Chiều tối có người đến móc nối đưa đi”. Ẩn còn nhớ rõ: “Rừng không, cát không, nhưng xe bò vô được”. Chàng trai mặc quần soọc, giày vớ cởi tất cả ra vác trên vai hết. Tới nhà liên lạc, người ta gói hết đồ của anh và phát cho một bộ bà ba đen mặc vào đi tiếp. Suốt ngày họ đi trong rừng, trên những con đường nhỏ lác đác đồng bào qua lại, đi kiếm củi và đôi khi có những đoàn xe đi khai thác gỗ, chặt cây.

Câu chuyện của ông về cái buổi đầu nhận nhiệm vụ trở thành người tình báo chiến lược lứa đầu tiên ấy, vẫn đầy chất vui tươi, nhiều quan sát kiểu học sinh: “Ở chiến khu Đ, lớp cây cao có, lớp cây vừa và lớp cây nhỏ đang chen nhau. Ông Thạch và các đồng chí lãnh đạo ở rải rác trong các tán cây cao của rừng có nhiều tầng cây cối. Gần suối, có nước uống chứ không thôi làm sao? Ông Thạch là bác sĩ chế ra các loại lave lấy từ nước tiểu. Hồi đó gọi vui là lave đứng hay lave ngồi là do nước tiểu đàn ông hay đàn bà. Ai uống lave đứng thì đứng, ai lave ngồi, tùy. Thường đàn bà uống lave ngồi. Ăn với khoai mì. Bánh khoai mì có lò nướng đàng hoàng. Lò nướng là những ổ mối dưới những gốc cây cổ thụ nên được ngụy trang và có ống dẫn khói tỏa theo sương để tránh bị máy bay quan sát Pháp phát hiện. Bánh khoai mì mới ra lò ăn mềm, các đồng chí già ăn được, để nguội lạnh chỉ có các đồng chí trẻ ăn thôi vì cứng như đá”.

Một thoáng nụ cười trên mặt ông Ẩn, ông giang tay miêu tả vì sao sống ở rừng bảo mật mà có bánh nướng: “Ổ mối rừng to lắm, gốc cây bây lớn, khoét bên dưới, cho củi vào đốt, có cách di tản khói dưới các tán lá. Tôi đâu có uống rượu. Bánh khoai mì thì tôi ăn”.

Ẩn ở cùng khu vực dành cho bà Mai, vợ ông Huỳnh Văn Tiểng mới ở Bắc vào. Khi được giao công tác, anh mới gặp bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ở một căn lều nhỏ giữa rừng cây cao. Ông Thạch nói thế nào? Hẳn chúng ta rất muốn biết thật rõ cái thời khắc lịch sử những ngày đầu của người tình báo chiến lược được giao nhiệm vụ đầu tiên thế nào. Ông Ẩn nói rất giản dị: “Tôi tưởng vô được thoát ly trở lại bộ đội. Nhưng ông Thạch bảo Đảng giao nhiệm vụ mới. Năm 1951 ta đã thành lập ngành tình báo chiến lược. Cậu ở lứa đầu tiên”.

Trời ơi, cái nghề xưa nay đâu có ai ưa vì bị ảnh hưởng giáo dục văn hóa Nho giáo truyền thống của gia đình cho là một công việc của “chim mồi chó săn”. Vả lại trong thời gian đấu tranh trong phong trào học sinh thì lại càng thù ghét công an mật vụ Pháp và tay sai. Cho nên mới xảy ra vụ giật micro khi một cảnh sát viên xin phát biểu lúc chuẩn bị hạ huyệt trò Trần Văn Ơn. Tuổi trẻ dị ứng với cái nghề có vẻ rình mò, chui lủi. “Đánh nhau tắc, bùm thì được!” Nhưng ông Thạch bảo làm cách mạng không có chuyện lựa việc. Thích, không thích phải làm. Ráng làm cho tốt. “Ổng là Đảng ủy viên Nam Bộ, Đảng ủy viên Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Lúc đó ông Nguyễn Văn Linh Bí thư. Ông Thạch phụ trách trí thức vận và được chỉ định kiêm luôn tình báo chiến lược Nam Bộ. Ông giao tôi theo dõi việc di chuyển quân đội viễn chinh Pháp, dụng cụ chiến tranh Mỹ viện trợ cho Pháp, kho xăng của quân đội Pháp ở Nhà Bè. Lúc đó Mỹ đã nhảy vào giúp Pháp rồi, “mở đầu sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào chiến tranh Đông Dương”.

Người thanh niên trẻ Phạm Xuân Ẩn lúc ấy yêu nước, sẵn sàng hành động. Nhưng anh chưa thể hiểu hết tình thế cách mạng lúc đó, nhất là ngành tình báo chiến lược non trẻ mới thành lập. Sau này anh mới hiểu tầm nhìn chiến lược của Đảng, đánh giá và dự báo thời cuộc rất chính xác. Pháp lúc đó đã không còn đủ sức kham nổi cuộc chiến tranh cứ sa lầy mãi ở Đông Dương, ở Việt Nam. Tháng 9-1951 thống chế De Lattre de Tassigny phải sang Mỹ báo cáo tình hình quân sự bi đát ở Đông Dương và xin thêm viện trợ quân sự của Mỹ. Mỹ đã chấp thuận viện trợ 10 triệu đô la tháng 10-1950, mặc dù từ 1947 Mỹ quyết định ủng hộ Pháp ở Đông Dương và chỉ viện trợ nhỏ giọt thôi.
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Tám, 2011, 09:32:26 pm gửi bởi Bộ đội Cụ Hồ » Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #28 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2011, 09:53:15 pm »

De Lattre de Tassigny mới được bổ nhiệm tháng 12-1950 mong cứu vãn tình hình sau chiến dịch biên giới Cao Bằng mà Pháp đại bại. Đảng đã nhìn thấy kẻ thù mới với một cục diện chiến tranh thay đổi, và đã chuẩn bị lực lượng của mình. Đảng tổ chức cuộc biểu tình lớn chống can thiệp Mỹ ở Sài Gòn tháng 3-1950 để nói rõ lập trường và quyết tâm của ta khi hai chiếc tàu chờ dụng cụ chiến tranh Mỹ cặp bến Sài Gòn và chiếc hàng không mẫu hạm đậu ở Vũng Tàu. Ẩn là một người chiến sĩ được chọn giao làm nhiệm vụ của chiến lược mới này. Cũng chính Đảng đã chỉ rõ đối tượng mới của Cách mạng Việt Nam. Ẩn đã được chọn để giáo dục chính trị và nhiệm vụ cho công tác mới lâu dài sau này.

Câu chuyện đi nhận nhiệm vụ tình báo ở chiến khu ấy gợi nhớ về câu hỏi phỏng vấn của Morley Safer khi gặp ông Ẩn tại thành phố Hồ Chí Minh sau giải phóng: “Chuyện khởi đầu ra sao?”

Quãng đời này của ông Ẩn được Henry Kamm miêu tả: Tháng 10-1945 sau khi học một khóa quân sự ở Thạnh Trị (Bạc Liêu) đào tạo cấp trung đội trưởng. Nhưng không lâu sau đó ông được trả về trong vùng quân Pháp chiếm đóng. Ông tham gia tổ chức các cuộc biểu tình của học sinh và sinh viên ở Sài Gòn chống sự cai trị của quân Pháp. “Tự do là con đường duy nhất của tôi”. Sau đó năm 1950 bị Pháp gọi nhập ngũ nhưng được hoãn dịch và đến đầu năm 1954 bị gọi lại luôn. Đầu năm 1952 những người chỉ huy của ông gọi ông vào căn cứ ở gần Sài Gòn và phân công ông làm việc ở chi nhánh tình báo chiến lược. “Tôi là người đầu tiên được chọn trong chi nhánh”. Năm sau ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản. “Tôi được phát cương lĩnh Đảng Lao động viết bằng tiếng Pháp để đọc và tôi thấy có nhiều lý tưởng tốt trong đó. Tôi trở thành người Cộng sản”.

Những câu ông trả lời phỏng vấn của phóng viên nước ngoài chỉ có thể đơn giản là các sự kiện và mốc thời gian. Những người bạn Mỹ dù có hiểu ông Ẩn đến mấy họ cũng không thể biết có những gì đằng sau những lời như “Đó không phải là sự lựa chọn”. Là bởi vì lúc đó thanh niên yêu nước chẳng còn con đường nào khác là trút nỗi đau của con dân mất nước, để đi kháng chiến. Các bạn phóng viên nước ngoài cũng không tài nào hình dung được chàng trai đó đã vào Đảng như thế nào. Sự kiện này ông cũng chưa hề viết hoặc kể lại cho nhiều người. Tôi có cảm giác như chính đến bây giờ ông mới nhớ lại tỉ mỉ để hình dung nó như một đoạn phim. Đời ông có quá nhiều sự kiện để nhớ rồi.

“Tôi được kết nạp ở Củ Chi. Lúc xét chính thức thì làm lễ ở Cà Mau. Đó là một lễ thường, vào năm 1953, vùng đó nhiều cỏ măng, hoặc cây gì đó giống dứa nước. Không phải, đó là dứa rừng rất cao, mỗi cành lá có gai dài tua tủa hai cạnh, mập mạp, tới 2-3 mét, sống từng cụm. Chống xuồng ba lá trên lạch, đi vào một chòi nhỏ dưới gốc những cụm dứa đó, và cũng ở đó tôi học Điều lệ Đảng. Người ta mang đồ ăn tiếp cho. Đưa tôi xuống đó làm kết nạp có anh Tư Tùng và cậu liên lạc”. Tư Tùng tên thật là “Dương Văn Sủng” là “Dương Minh Sơn”. Cậu liên lạc là đồng chí Đức nay còn sống. Thế các hình thức lễ lúc đó thế nào? Có cờ, hoa không? “Học xong Điều lệ Đảng, làm lễ, có chút đỉnh hoa, cờ. Bưng biền mà, trời ơi!”.

Một năm dự bị đó Ẩn sinh hoạt thuộc Xứ ủy Nam Bộ. Tới khi vào Đảng chính thức, ông phải xuống Cà Mau, Rạch Cái Bát. Chủ tọa buổi lễ kết nạp chính thức này là ông Lê Đức Thọ, lúc đó là thường trực Xứ ủy. Có anh Nguyễn Vũ là người giới thiệu và ông Ba chèo đò. Ông Ẩn đã trở thành người Đảng viên Cộng sản ở rừng U Minh Thượng như thế đó. Ngày ấy người ta gọi đi bưng nghĩa là về miền Tây, còn đi khu là lên chiến khu miền Đông.

Căn cứ Khu ủy Miền Đông (Chiến khu Đ) ngày nay
Logged
Bộ đội Cụ Hồ
Thành viên
*
Bài viết: 158



« Trả lời #29 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2011, 10:03:11 pm »

15

Bí mật nghề nghiệp

Phạm Xuân Ẩn thực tập tại Liên hợp quốc dưới danh nghĩa phóng viên báo Sacramento Bee (ảnh trong Bộ sưu tập cá nhân của Phạm Xuân Ẩn)

25 tuổi, Phạm Xuân Ẩn chính thức bước vào đời tình báo, nhiệm vụ được ông Phạm Ngọc Thạch giao. Người phụ trách ngành tình báo chiến lược phía Nam ấy chỉ nói với chàng thanh niên đơn giản là cách mạng cần, phải làm, không được lựa chọn việc...

Có thể lúc đó anh thanh niên chưa hiểu thật rành rẽ các loại tình báo như một thứ “nghề” rất nhiều loại mà thế giới có. Như đối với tôi, một người “ngoại đạo” cho đến nay nếu không có nhiệm vụ tìm hiểu một con người qua công việc của người đó thì vẫn có thể lẫn lộn lung tung ngay ở tên gọi: tình báo, điệp báo, gián điệp, tình báo hành động, quân báo…

Tôi chỉ có thể hiểu tóm tắt là: một nhân vật hoạt động ngầm để moi tin tức quan trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia. Ở công việc này, người ta đã làm nên nhiều điều vĩ đại. Có thể trở thành người tình báo vĩ đại như Richard Sorge, biết trước từng ngày giờ khi phát xít Đức tấn công Tổ quốc Liên Xô. Mà cũng có thể như Xchielit trong Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân có cái đầu vĩ đại phân tích thời cuộc, chiến tranh và tâm lý kẻ địch, tìm ra nhiều phương kế cho Tổ quốc trên bàn ngoại giao và quân sự… Cũng có khi là cô gái đẹp đã bình thản nhận lấy cái chết, cho đến nay vẫn là đề tài cho nhân loại xét đoán: Cô là một gián điệp oanh liệt, hay chỉ là cô gái đẹp chết oan? Đấy, với một người bình thường thì chỉ biết đại khái như vậy.

Ở Việt Nam thì chúng tôi biết tới hoạt động của ba ông Nhạ, Thúy và Thảo thuộc loại hoạt động chính trị mật (operations politiques secrètes). Có biết bao nhiêu người khác, cả một đội ngũ thầm lặng. Có người chết đi, mang theo cả câu chuyện oanh liệt đời mình không ai biết được. Chúng tôi không thể biết hết cả một mặt trận rộng lớn của ngành tình báo nước nhà. Đó là “lỗi” của họ đã giữ bí mật mãi mãi, hay là tại chúng tôi đã không biết nghiên cứu, tìm hiểu?

Thôi thì cứ để đó làm một “bí mật vĩ đại” cái từ ngữ mà Tsekhov đã đặt định nghĩa cho tình yêu. Chúng tôi có thể không biết hết các thuật ngữ nghề nghiệp của họ. Nhìn vấn đề dưới tình hình hiện nay, những nghề thường dễ hoạt động là liên quan đến tài chính, vốn trong tình hình ngày nay đồng tiền lưu động di chuyển rất nhanh qua các biên giới. Trong câu chuyện vui bên tách trà tôi cũng xin ông Ẩn giải thích thêm. “Vấn đề đầu tư, tài chính là số một. Nhanh lắm. Vô, ra, vô, ra. Không cẩn thận chết ngay”. Cái ngành thứ hai là dầu lửa. Thứ đó khai thác cao, chi phí dữ, ngày càng cạn. Chỗ nào có dầu là quan trọng. Loại hoạt động thứ ba đáng chú ý là việc rửa tiền. “Nó đầu tư tiền bẩn vào rút ra đưa thành tiền sạch. Phải biết tiền sạch, bẩn”. Có nhiều loại tình báo: Tình báo ngoại giao (tức là tình báo chính trị), tình báo quốc phòng, tình báo kho bạc, đầu tư, thương mại, mậu dịch…

Nhưng dường như người bình thường chúng ta thường giữ trong mình sự hiểu biết có tính kỹ thuật thì ít, mà nhiều hơn cả là chất bí ẩn, lãng mạn, hào hùng có pha nhiều khủng khiếp. Chúng ta hay nhớ những cuộc đời bất thường, hồi hộp như ciné. Cho dù ông Ẩn là người của sự chuẩn xác và câu chuyện của ông vô cùng khiêm tốn giản dị, đầu óc tôi vẫn muốn giữ cái “cảm hứng dân gian” trên đây, để cho nó vẫn mãi là một “bí mật vĩ đại”. Vừa muốn vén màn sương huyền bí để biết thật rõ mọi chuyện, lại vừa muốn cứ để làn sương lãng đãng ấy. Mất nó đi, thì cái nhu cầu mỹ cảm riêng biệt ấy có thể biến mất.

Mà với ông Ẩn thì việc tiếp tục trung thành với lối suy nghĩ chuẩn xác của một người nghiên cứu tài ba, có pha thêm cái nhìn hài hước. Ông chẳng kiêng khem cả những sự thật cổ lỗ: “Có hai nghề cổ nhất nhân loại đó là mãi dâm và nghề tình báo. Thứ nhất là nghề mãi dâm, thứ hai là nghề tình báo, sau đó mới sinh ra những ngành nghề khác. Trước thế kỷ 20 không khi nào không có. Lịch sử mình cũng có đấy. Trọng Thủy nó là tình báo còn gì”. Vua chúa là sợ thứ lật đổ nhất. Sau này chiến tranh lớn, Anh chế ra tình báo chuyên nghiệp, có hải quân lớn. Đó là thời kỳ người ta nói đêm chuyển thế kỷ, từ thế kỷ 19 sang thế kỷ 20, mặt trời không lặn trên Đế quốc Anh. Tình báo mang tính chất quốc tế của Anh có từ 1909. Rồi Đức phải làm theo, thành lập tứ 1913. pháp thì 1935 và Mỹ 1947. Việt Nam ta tới 1951 chính thức thành lập ngành tình báo chiến lược, tức là có tầm vóc quốc gia.

Nghề này nếu phải đương đầu với kẻ thù nào, phải biết rất kỹ về văn hóa của nó. Khi chống Pháp, quân ta hiểu về Pháp tương đối nhiều. Nhiều lứa học sinh thời ông Ẩn, hễ vào trường Tây là không học gì của Việt Nam nữa. “Ông cha ta là người Gô-loa”, học sinh Việt phải học lịch sử mẫu quốc Pháp. Thi vấn đáp hỏi địa lý Pháp, lịch sử Pháp kỹ lắm, loạng quạng là rớt. Lúc bắt đầu chống Mỹ, chúng ta chưa hiểu thật nhiều về Mỹ. Đi học mới chỉ biết chung chung thôi. Ciné Mỹ lúc đó còn phải dịch qua tiếng Pháp. Rồi từ chỗ tò mò muốn hiểu cuộc sống, cách ăn mặc, các cô đào đẹp… mới hiểu dần thêm văn hóa - xã hội của Mỹ.

“Ngành này phải tìm hiểu cái đó”. Ông Ẩn vui chuyện. Nếu không, sẽ khó hòa nhập, tiếp xúc. Hồi đó ông hay lại phòng thông tin Mỹ lấy tin tức cho nghề báo, quen các cô gái Mỹ, phải gây thiện cảm. “Một số trong lúc nói chuyện chơi, hỏi tôi quan niệm thế nào về đồng tính luyến ái. Ở Việt Nam việc này thế nào. Ngay từ thời ấy, nhìn vấn đề như một chuyện kỳ dị động trời. Tôi trả lời cho cô ấy: ở Việt Nam cũng có, nhưng ít hơn. Thế anh quan niệm thế nào? Tôi nghĩ: bà nội này chắc bả bị cái đó. Chê thì phiền. Tôi bảo: quan niệm bình thường thôi, do trời sinh. Nó khen: mày khá, quan niệm cởi mở”.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM