Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:47:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Họa sĩ Lưu Công Nhân: những lá thư gửi chiến trường K  (Đọc 9941 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
wanta
Thành viên
*
Bài viết: 219


đầu ruồi trên mắt kiếng


« vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2011, 01:44:35 am »

       Thưa các Bác thành viên diễn đàn Quân sử Việt Nam sau khi tham gia diễn đàn và post bài chủ đề “Ký ức một thời tiểu đoàn học trò (D7, E747, F317)” ở chủ đề Một thời máu và hoa. Cũng qua chủ đề mình biết được tin tức của những đồng đội cũ và liên hệ được với họa sĩ Phạm Tấn Đức (một CCB của D7) hiện ở Phan Rang.

   Qua trao đổi, họa sĩ Đức cho biết hiện tại còn đang lưu giữ nhưng lá thư của họa sĩ Lưu Công Nhân gửi cho con là họa sĩ Lưu Anh Tuấn (cũng là CCB của D7 hiện đang ở Đà Lạt) trong những ngày ở chiến trường K. Họa sĩ Đức hiện đang số hóa những lá thư này vì sợ theo thời gian sẽ không lưu trữ được do giấy ngày xưa rất xấu, các lá thư hiện đang xuống cấp và có nhả ý nhờ tôi post lên diển đàn Quân sử Việt Nam để tất cả CCB chúng ta, các em thế hệ trẻ hiện nay và sau này biết thêm một góc cạch khác của một họa sĩ tài hoa của nền Mỹ Thuật Việt Nam, người học trò ruột xuất sắc của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Đó là tình cảm của người Cha đã trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ đối với người trai út thân yêu, người kế thừa sự nghiệp Mỹ Thuật của mình đang làm nhiệu vụ quốc tế tại chiến trường K.

   Trong khi chờ họa sĩ Phạm Tấn Đức số hóa những lá thư gửi cho tôi để post lên diễn đàn. Tôi với tư cách là một đồng đội gần gủi với họa sĩ Phạm Tấn Đức (con nuôi) và Lưu Anh Tuấn (con ruột) trong những năm tháng ở chiến trường K (tôi đã trở thành người mẫu bất dĩ của họa sĩ Phạm Tấn Đức trong những năm tháng này), người thường xuyên được hai họa sĩ này tâm sự đọc cho nghe những lá thư của của họa sĩ Lưu Công Nhân gửi qua. Tôi xin được post trước những cảm nghĩ, những kỷ niệm về họa sĩ Lưu Công Nhân trước.

I. SƠ LƯỢC TIỂU SỬ LƯU CÔNG NHÂN:
   
Chân dung Họa sĩ Lưu Công Nhân (1931 - 2001) người bố tinh thần của những người lính học trò D7, E747, F317

(nguồn: internet)

Họa sĩ Lưu Công Nhân bên một bức tranh trong xưởng vẽ

(nguồn: họa sĩ Phạm Tấn Đức)

         Có lẽ do bản tính của một người nghệ sĩ vô tư, ngang tàng, lãng tử nhưng lại không muốn mọi người biết về mình nhiều. Nên những thông tin về tiểu sử của họa sĩ Lưu Công Nhân trên mạng rất sơ sài và rời rạc. Ở đây tôi xin tóm tắt sơ lược tiểu sử của họa sĩ Lưu Công Nhân qua tổng hợp thông tin trên mạng và những gì tôi biết được qua những bước thư của họa sĩ Lưu Công Nhân mà tôi đã được đọc trong những ngày ở chiến trường K (những đoạn trong ngoặc đơn in nghiêng là thông tin riêng của cá nhân tôi và từ những lá thư của họa sĩ Lưu Công Nhân tôi đã được đọc trong những năm tháng trên đất K chí tiết những lá thư tôi sẽ post khi họa sĩ Phạm Tấn Đức số hóa xong theo hình thức xong lá thư nào tôi post lá thư đó)

          Họa sĩ Lưu Công Nhân, “người của dọc đường kháng chiến và bình yên” (chữ dùng của nhà văn Tô Hoài), là một trong những họa sĩ lớn của hội họa VN hiện đại

   Họa sĩ Lưu Công Nhân sinh ngày 17-8-1931 (có thông tin sinh năm 1930, 1929 nhưng thông tin ngày tháng năm sinh này là nhiều nhất) tại Lâu Thượng, Hạc Trì, tỉnh Phú Thọ trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng.. Ông theo học lớp Mỹ thuật tại trường Trung học kháng chiến (Việt Bắc) khóa (1950 – 1954) còn gọi là khóa Tô Ngọc Vân, là học trò của họa sĩ tài ba Tô Ngọc Vân (từ 1950-1952). Để được vào học khóa này của họa sĩ Lưu Công Nhân đã làm một việc kỳ công nói lên ý chí, quyết tâm của họa sĩ trong việc thực hiện ước mơ, hoài bảo của mình (trong một lá thư gửi cho Lưu Anh Tuấn họa sĩ Lưu Công Nhân đã nói năm đó đang độ tuổi 18 – 19 họa sĩ đã khăn gói một mình từ quê nhà Phú Thọ lặn lội đi bộ qua các đồn bót của giặc Pháp để tìm đường lên chiến khu Việt Bắc, khi tìm được đến nơi thì cũng là lúc vừa hết lương thực để ăn. Điều may mắn cho họa sĩ Lưu Công Nhân là gặp được trực tiếp họa sĩ Tô Ngọc vân và được chấp thuận cho nhập học).

         Sau đó họa sĩ Lưu Công Nhân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ (theo như trong một lá thư của họa sĩ Lưu Công Nhân gửi cho con là Lưu Anh Tuấn thì trong chiến dịch Điện Biên Phủ họa sĩ Lưu Công Nhân làm công tác binh vận với nhiệm vụ là vẽ những bước tranh tuyên truyền bằng tiếng Pháp để pháo binh ta bắn vào đồn Pháp để tác động về tâm lý).

       Hòa bình lập lại họa sĩ Lưu Công Nhân về dạy học ở trường Mỹ Thuật Công nghệ (Hà Nội) một thời gian, sau đó về làm phó chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp xã Lê Lợi, huyện Kiến An, thành phố Hải Phòng.

      Từ năm 1960 họa sĩ  Lưu Công Nhân chuyển sang sáng tác chuyên nghiệp. Ông là một trong những họa sĩ đầu tiên vẽ tranh trừu tượng ở Việt Nam. Họa sĩ Lưu Công Nhân chịu đi, chịu vẽ (trong một lá thư gửi cho con họa sĩ Lưu Anh Tuấn ông đã kể những ngày tháng đó ông một mình cùng chiếc xe đạp cùng đồ nghề vẽ và nồi niêu, bếp núp ông rong rủi khắp các tỉnh miền Bắc đến địa phương nào ông cảm thấy ưng ý thì ngừng lại vài Ủy ban địa phương trình giấy giới thiệu để địa phương sắp xếp nơi nghỉ và ông chỉ lo vẽ lương thực hết cung cấp theo tôi biết các bức tranh Từ Một buổi cày (1960), Làn khói trắng (1954), Bát nước (1959) của ông ra đời trong thời gian đó).

         Sau 30/04/1975 họa sĩ Lưu Công Nhân vào sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh có lẽ do mẹ Phụng (vợ ông) một Dược sĩ người gốc miền Nam chuyển công tác vào Nam, họa sĩ sinh sống tại một ngôi nhà trên đường Nguyễn Trãi nơi vào năm 1978 họa sĩ Lưu Anh Tuấn đứa con trai út của ông lên đường nhập ngũ và trở thành một chiến sĩ thông tin thuộc D7, E747, F317 ở chiến trường K. Cũng chính ngôi nhà này là trạm dừng chân nới đến và đi của các đồng dội của con ông khi ở chiến trường K về và trở lại đơn vị.

        Từ năm 1985, họa sĩ Lưu Công Nhân chọn phố núi Đà Lạt để “dừng chân” nhưng ngày ngày ông vẫn miệt mài sáng tác. Từ năm 1997 ông phát hiện chứng bệnh Parkimson (rung tay). Từ tháng 5.2006 căn bệnh phát nặng, nhưng ông vẫn đều đặn sáng tác.

        Người “họa sĩ phố cổ” tài hoa Lưu Công Nhân đã vĩnh viễn ra đi vào lúc 14h30 ngày 21.7.2007 tại nhà riêng số 13 Bis đường 3 Tháng 4, Đà Lạt (Lâm Đồng). (Ngày bố ra đi khi đó tôi đang công tác tại Đắknông biết tin trên báo nhưng không về viếng bố được). Họa sĩ Lưu Công Nhân ra đi để lại bộ sưu tập tranh phác họa và tranh thuốc nước khá đồ sộ về đề tài nông thôn, phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội, biệt thự Đà Lạt…. (tôi không biết số lượng tranh của họa sĩ Lưu Công Nhân là bao nhiêu nhưng năm 1979 trong lần về phép tôi có ghé nhà ở đường Nguyễn Trãi vừa là nhà ở vừa là xưởng vẽ tôi thấy tranh của ông để la liệt chỗ nào cũng có cái đang phác thảo cái đã hoàn thành rồi).

   Họa sĩ Lưu Công Nhân đã có nhiều triển lãm cá nhân tại VN cũng như ở nhiều nước trên thế giới. Ông được trao tặng Giải thưởng nhà nước về văn học - nghệ thuật đợt 1 (năm 2002), Huân chương Lao động hạng nhất.

II. SƠ LƯỢC VỀ HỌA SĨ LƯU ANH TUẤN (CON RUỘT) VÀ HỌA SĨ PHẠM TẤN ĐỨC (CON NUÔI) CỦA HỌA SĨ LƯU CÔNG NHÂN:
   
   Họa sĩ Lưu Anh Tuấn và họa sĩ Phạm Tấn Đức là hai sinh viên thuộc trường Cao đẳng Mỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh. Ngày 07/11/1978 đã nhập ngũ trong đợt học sinh các Trường Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

       TP. Hồ Chí Minh năm 1978 có 3 đợt nhập ngũ lớn, đợt I sinh viên các trường Đại học trên địa bàn TP.HCM, đợt II sinh viên, học sinh các trường Cao đẳng, THCN trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đây là đợt mà tôi, họa sĩ Lưu Anh Tuấn, họa sĩ Phạm Tấn Đức và bác Hai Ruộng mà các thành viên trên diễn đều biết, đợt thứ III là đợt hồng quân đợt này tập trung các đoàn viên thuộc các trường PTTH và địa phương của TP. Hồ Chí Minh đợt này tôi nhớ nhất là toàn bộ BCH Đoàn Trường Nguyễn Trãi Quận 4 những đàn em học cùng trường với tôi kéo lê gặp anh Ba Đua Phó bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh bây giờ khi đó là Bí thư Quận đoàn Quận 4 để tình nguyện nhập ngũ.

       Họa sĩ Lưu Anh Tuấn khi qua K là chiến sĩ thông tin thuộc D7, E747, F317 sau được rút lên sư bộ sư 317 làm chiến sĩ đồ bản

       Họa sĩ Phạm Tấn Đức khi qua K là chiến sĩ trinh sát thuộc D7, sau là chiến sĩ  thuộc B2, C11, C7 (cùng C với tôi), sau này cũng chuyển lên sư bộ sư 317 làm nhiệm vụ gì tôi không rõ

      Những Bác nào đã từng chiến đấu trên chiến trường K tại D7, E747, F317 từ cấp D, cấp E, cấp F cứ nhớ lại hình ảnh hai anh chàng mặc bộ quần áo bộ đội lôi thôi, lếch thếch, tóc tai dài mang vẻ nghệ sĩ, đàn giỏi hát hay, đi tới đâu đóng quân cũng kè kè túi mìn playmor bên người lang thang nhưng những người mất hồn hoặc ngồi một góc nào đó cắm cúi vẽ thì đó chính là hai họa sĩ này.

       Trong khi chờ thông tin từ họa sĩ Phan Tấn Đức post tới của tôi sẽ là chủ để “Họa sĩ Lưu Công Nhân người bố tinh thần của những người lính học trò D7, E747”

   Theo như hợp đồng trong ngày hôm nay tôi sẽ nhận được lá thư đầu tiên của họa sĩ Lưu Công Nhân. Nếu nhận được tôi sẽ post liền cho các bác đọc
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Bảy, 2011, 02:00:00 am gửi bởi wanta » Logged

Nếu ai hỏi rằng lính biết yêu không?
Tôi xin trả lời lính yêu nhiều lắm
Yêu thật nhiều và thật say đắm
Vì người lính cũng có trái tim
wanta
Thành viên
*
Bài viết: 219


đầu ruồi trên mắt kiếng


« Trả lời #1 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2011, 01:40:05 am »

HỌA SĨ LƯU CÔNG NHÂN NGƯỜI BỐ TINH THẦN CỦA NHỮNG NGƯỜI LÍNH HỌC TRÒ D7, E747

   Những người lính D7, E747 chúng tôi ngoài người bố sinh đẻ bản thân mình ra, trong những tháng ngày lao vào cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc trên chiến trường K, chúng tôi có thêm 2 người bố chung của đơn vị.

   Người bố thứ nhất là Bố Xường người tiểu đoàn trưởng thân thương luôn quan tâm, chăm lo cho những đứa con tạm xếp bút nghiên, rời ghế nhà trường lao vào cuộc chiến tranh khốc liệt, làm sao bảo đảm an toàn cho những đứa con mà vế mặc hình thức là những người lính chiến gan lì, nhưng về mặt tâm hồn vẫn là những cậu học trò vô tư, tinh nghịch ngay cả trước những trận đánh ác liệt được lành lặn để trở về với gia đình (bố Xường nay đã 71 tuổi hiện sống ở Bến Tre, vừa Bác Hai Ruộng cùng một số anh em D7 đã tìm về thăm có post hình trên diễn đàn ở Một thời máu và hoa>một số trận đánh trên chiến trườn K (phần 3), trang 3).

   Người bố thứ hai Bố Nhân (họa sĩ Lưu Công Nhân) một người bố tinh thần ở hậu phương, luôn dõi mắt theo những bước chân của người con ruột là họa sĩ Lưu Anh Tuấn và những người con tinh thần là đồng đội của họa sĩ Lưu Anh Tuấn ở D7, E747 trong đó có tôi và họa sĩ Phạm Tấn Đức để dộng viên, khuyên nhủ, giáo dục về tư cách sống, về quan hệ đồng đội, về xây dựng những ước mơ hoài bảo của bản thân trong tương lai.

   Trong phần này tôi xin viết về những cảm nhận cá nhân của tôi về Bố, mà thời gian trôi qua đã 30 năm hôm nay khi ngồi viết những dòng này tôi vẫn cảm thấy bồi hồi xúc động, mặc dù tôi chỉ gặp bố được một lần (Bố Nhân mất năm 2007 tôi hay tin nhưng không thể về viếng được)

   Nhớ về Bố Nhân có thể nói điều nổi bật là ở cách giáo dục đứa con út thân yêu của mình, đứa con mà bố gửi gắm vào đó tất cả tình thương yêu và hy vọng sẽ nối nghiệp của Bố về nghệ thuật. Bố là là một cây đại thụ thuộc thế hệ thứ hai của nền hội họa hiện đại Việt Nam, tên của Bố đã được ghi nhận trong tự điển Mỹ thuật thế giới, vợ Bố chúng tôi gọi là mẹ Phụng sau giải phóng năm 1975 là Giám đốc xí nghiệp dược phẩm Vinaspeciale một Xí nghiệp dược phẩm lớn của miền Nam khi đó. Với vị trí của mình và của vợ trong những chiến tranh ác liệt như vậy Bố dư điều kiện để lo cho họa sĩ Lưu Anh Tuấn tiếp tục học hành không phải ra chiến trường. Nhưng Bố vẫn nén lòng động viên họa sĩ Lưu Anh Tuân tạm xếp giấy vẽ, cọ, màu, tạm xếp ước mơ cháy bỏng đứa con sẽ kế thừa sự nghiệp Mỹ Thuật của minh để họa sĩ Lưu Anh Tuấn thực hiện nghĩa vụ của một thanh niên, một công dân đối với tổ quốc ở chiến trường K (khi đó bố xác định là 5 năm). Thử hỏi trong thời điểm ấy có ai như Bố.

   Điều nổi bật thứ hai của Bố là cái tình cha con ấy không phải chỉ thể hiện đối với họa sĩ Lưu Anh Tuấn không, mà thể hiện cả đối với những đồng đội của họa sĩ Lưu Anh Tuấn. Tất cả chúng tôi những người lính D7 đều là con của Bố, ngôi nhà nhỏ bé của bố ở đường Nguyễn Trãi ngày ấy luôn luôn mở rộng cửa đón những người con D7 từ chiến trường K về thành phố. Đó là nơi dừng chân đầu tiên khi chúng tôi về thành phố và cùng là nơi chúng tôi từ đó ra đi trở về đơn vị.

   Trong lần tôi về thành phố để khám mắt (lúc đó tôi cận thị 7 độ) tôi có ghé thăm Bố tại ngôi nhà ở đường Nguyễn Trãi. Ngôi nhà vừa là nơi ở vừa là xưởng vẽ của Bố bày la liệt những bức tranh đã vẽ hoặc còn đang phác thảo. Sau khi hỏi thăm tình hình của họa sĩ Lưu Anh Tuấn, họa sĩ Phạm Tấn Đức và của những anh em khác trong đơn vị xong Bố viết một tờ giấy đưa cho tôi và nói với tôi “Con đạp xe qua xí nghiệp dược phẩm Vinaspeciale gửi cho mẹ Phụng, xong con bỏ xe đạp của con lên xe của mẹ về đây ăn cơm với bố. Bố ở nhà nấu cơm chờ” (thời đó mẹ Phụng có tiêu chuẩn xe con đưa rước đi làm). Tôi dạ vâng cầm thư đi mà trong lòng nghĩ “sao bố vô tư quá chiếc xe đạp của tôi làm sao mà để vào chiếc xe con để chở về được”. tấm lòng của người bố và tâm hồn vô tư của một họa sĩ tài hoa nó hòa quyện như vậy đấy.

   Mẹ Phụng bận việc không về được tôi quay lại nhà dùng cơm với bố (bố tự nấu cơm lấy), trong khi dùng cơm bố thấy cặp mắt kiếng của tôi có một cục nhựa to tướng ở chỗ nối giữa hai tròng kiếng, bố hỏi “kiếng con bị làm sao vậy”, tôi thành thật trả lời “kiếng của con bị gãy trong khi hành quân, nên phải lấy nhựa vỏ đạn B40 hàn lại để đeo” (về chuyện cái kiếng này tôi sẽ nói rõ hơn trong “Ký ức một thời tiểu đoàn học trò D7, E747, F317 ở một thời máu và hoa). Bố trầm ngâm suy nghỉ rồi nói “Bố có một cái gọng kính lão không sử dụng cho một người bạn bên Nam Kỳ Khởi Nghĩa để bố đi đòi lại cho con”. Đến ngày chuẩn bị qua K ghé thăm Bố trước khi đi Bố lấy gọng kính ra đưa cho tôi. Tôi ngỡ ngàng xúc động trước tình cảm của Bố dành cho tôi. Các Bác cứ nghĩ vào thời buổi năm 79, 80 một cái gọng kính giá trị nó như thế nào tiền sinh hoạt phí của lính biết bao lâu mới mua được nhưng cái quan trọng không phải giá trị vật chất của nó mà ở tình cảm của Bố dành cho tôi (cứ hình dung hình ảnh một ông già đầu bạc, mặc chiếc quần sọc lửng, cọc cạch đạp chiếc xe đạp cuộc từ bên Nguyễn Trãi qua tận Nam Kỳ Khởi Nghĩa chỉ để làm mỗi việc đòi lại gọng cho tôi còn tình cảm của một người bố nào danh cho con hơn thế).

   Một tính cách khác của Bố Nhân ở chỗ giáo dục lũ lính trẻ chúng tôi cách đôi nhân xử thế trong cuộc sống, trong sinh hoạt, trong quan hệ đồng chí đồng đội.
       Trong một lá thư bố viết nội dung như thế này “Các con phải sống với nhau, thương yêu nhau như anh em trong một nhà. Khi ốm đau ai chăm sóc các con chính đồng đội các con; trong chiến trận các con bị thương, ai sẽ là người cáng các con, chính đồng đội các con”.

      Trong một lá thư khác bố viết “Khi các con có nhiều, dư dãi phải biết để dành nghĩ đến lúc mình sẽ không có gì. Bố gửi cho con kẹo con đem chia cho các anh em, đồng đội dùng chung đó là quý một. Nhưng nếu con để lại một ít sau này khi đi hành quân mệt nhọc một ít con để lại đấy đem ra chia cho anh em cùng hưởng mỗi người một cục thôi đó mới là quý mười”.

      Trong một lần khi đơn vi chúng tôi làm nhiệm vụ bảo vệ cây cầu lớn từ Kampong Thom lên Xiêm Riệp (hình như cầu 43 thì phải). Anh Bùi Hùng ở phòng Chính trị nhắn xuống nói có quà của Bố Nhân gửi qua nhiều lắm phải mang balô lên chứa mới hết. Tôi cùng với Lưu Anh Tuấn, Phạm Tấn Đức và một anh bạn nữa giờ không nhớ tên mừng rở lội bộ đoạn đường trên 10km lên sư đoàn. Lên tới nơi anh Bùi Hùng đưa cho một bao to tướng bao gói bằng nylon kỷ càng vừa nhét lọt đúng chiếc balô, 4 anh em hý hửng thay phiên nhau vác balô trong lòng nghĩ “kỳ này được tiếp tế dữ quá tha hồ mà ăn”. Về đến nơi mở ra (các Bác có biết gì trong đó không?). Trong balô có một lá thư, một bọc thuốc rê tầm 0,5kg, một chồng phiên bản tranh của các họa sĩ nổi tiếng trên thế giới của nhà xuất bản Mỹ Thuật (lúc đó nó là một gia tài quý đối với những sinh viên Mỹ thuật hoặc đối với người yêu thích Mỹ thuật như tôi), mở lá thư ra trong đó có 2 điếu thuốc lá thơm Palmal. Trong lá thư viết “Bố gửi cho con 2 điếu Palmal không phải Bố không đủ tiền mua nhiều cho con, mà bố để mua thuốc rê cho con. Hai điếu Palmal này con hãy mời các anh em cùng hút chung để chia xẻ cái hương vị của thành phố, thuốc rê thì con dùng hút hàng ngày. Bố gửi cho con phiên bản tranh của các họa sĩ trên thế giới để các con qua đó nghiên cứu, tự học để rèn luyện kỷ năng của mình khi không có điều kiện học tập ở trường lớp”. Còn tấm lòng của người Bố nào thương con như vậy nữa, thưa các Bác.

        Nói về họa sĩ Lưu Công Nhân một họa sĩ tài hoa của nền hội họa hiện đại Việt Nam nhà nước ta đã đánh giá, hội họa hiện đại thế giới đã đánh giá. Đọng trong lòng chúng tôi là hình ảnh một người bố hiền hòa, thân thương hết lòng thương yêu, quan tâm đến chúng tôi những người lính học trò ngày ấy và cũng là cho tất cả chúng ta những người lính đã rời xa gia đình, làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc trong những năm tháng ác liệt đó.

          Họa sĩ Lưu Công Nhân có ước mơ lớn nhất của đời mình là sẽ tổ chức được một phòng tranh triển lãm chung của ba Bố con (họa sĩ Lưu Công Nhân, họa sĩ Lưu Anh Tuấn và họa sĩ Phạm Tấn Đức). Nhưng ước mơ này đã không thực hiện được Bố Nhân mất vào lúc 14h30 ngày 21/7/2007 tại Đà Lạt.

         Hiện tại họa sĩ Phạm Tấn Đức đang xây dựng một phòng tranh ảo trên mạng tại greenworld.net.vn để trưng bày những bức tranh của 3 bố con trong khi chưa có điều kiện tổ chức một triển lãm chung ngoài đời. Các bác nào có quan tâm đến họa sĩ Lưu Công Nhân có thể vào địa chỉ trang web này để xem hoặc liên hệ với họa sĩ Phạm Tấn Đức ĐT: 0125 6200 365
       
        Họa sĩ Phạm Tấn Đức có yêu cầu tôi sửa lại tiêu đề của Topic này là “Họa sĩ Lưu Công Nhân: những lá thư gửi chiến trường K” với ý nghĩ không phải chỉ gửi riêng cho họa sĩ Lưu Anh Tuấn, họa sĩ Phạm Tấn Đức mà ở ý nghĩa bao quát hơn là gửi cho tất cả những ai từng tham gia chiến đấu ở chiến K.
       
                                                             00 giờ 55 phút, ngày 22/07/2011
                                                         Kỷ niệm 4 năm ngày mất của Bố nhân
                                                                                Wanta

Họa sĩ Lưu Anh Tuấn và họa sĩ Phạm Tấn Đức những ngày trong quân ngũ

Người ngồi giữa là họa sĩ Lưu Anh Tuấn, người ngồi bìa phải là họa sĩ Phạm Tấn Đức

Họa sĩ Lưu Anh Tuấn và họa sĩ Phạm Tấn Đức hiện nay

Người ngồi bên trái là họa sĩ Phạm Tấn Đức, ngồi bìa phải là họa sĩ Lưu Anh Tuấn
Logged

Nếu ai hỏi rằng lính biết yêu không?
Tôi xin trả lời lính yêu nhiều lắm
Yêu thật nhiều và thật say đắm
Vì người lính cũng có trái tim
wanta
Thành viên
*
Bài viết: 219


đầu ruồi trên mắt kiếng


« Trả lời #2 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2011, 01:59:04 am »

         Không biết có phải linh hồn của Bố Nhân cũng có mong muốn tôi và họa sĩ Phạm Tấn Đức đưa những lá thư của Bố lên diễn đàn, để tất cả chúng ta những CCB ở chiến trường K năm xưa, các bạn trẻ hôm nay tham gia diễn đàn QSVN, những người đang và sẽ làm cha cùng đọc lại để chiêm nghiệm và rút ra từ đây những gì đó hữu ích trong trách nhiệm người cha của mình hay không? Mà trùng hợp thay, khi tôi đang viết bài cảm nhận về Bố nhân kỷ niệm 4 năm ngày mất của Bố thì họa sĩ Phạm Tấn Đức cũng báo tin cho tôi đã thực hiện xong lá thư đầu tiên của Bố Nhân để tôi post lên diễn đàn cho cho tất cả chúng ta cùng đọc.

        Dưới đây là lá thư đầu tiên của Bố Nhân gửi khi chúng tôi chuẩn bị đi K.

THƯ GỮI CHIẾN TRƯỜNG K ngày ... tháng ..... năm 1979

       Tuấn và Đức thân yêu,

       Vài ngày nữa các con đi xa. Bố đã sống những ngày như các con, còn sớm hơn nữa. Năm 17 tuổi bố đã một mình đi từ Thái Bình lên Phú Thọ, lúc đó là giặc chiếm đóng liên miên và từ đó tới 9 năm sau bố mới gặp lại ông bà. Sau đó bố lại tiếp tục đi cho tới ngày vào Sài Gòn bố mới tạm dừng lại để ngồi vẽ tranh ở nhà.

       Chỉ khác có một điều với các con là bố đi năm 1948 mãi đến năm 1950 bố mới được gặp anh Tô Ngọc Vân và chính thức học vẽ năm 1950. Đến năm 1951 bố đã được giải thưởng ba triễn lãm toàn quốc và bố lại tiếp tục làm bí thư chi bộ nhà trường đi khắp các chiến dịch vẽ khắp miền Bắc. Khi đẻ Tuấn, bố vẫn tiếp tục đi khắp đất nước với cái xe đạp, một cái bếp dầu hỏa, một cặp vẽ, một ghế vẽ. Vẽ tới trên 11.000 tranh chì thuốc nước, bày 7 cuộc triễn lãm tại Hà Nội và các tỉnh. Tất cả những thời gian dài đó, bố đều một mình lủi thủi làm. Tự học và làm việc, nuôi các con, lo gia đình, kí kóp từng cái tẩy, tờ giấy vẽ để có ngày hôm nay, và ngày hôm nay cũng vẫn phải nhịn mọi nhu cầu để thực hiện ước nơ của mình về nghệ thuật. Và cũng chưa xong, lại phải chia số đồ vẽ ít ỏi cho các con. Đó vì thế nên đến ngày hôm nay, 50 tuổi bố không hút thuốc lá, uống rượu, vì đâu có tiền để tiêu sài phung phí. Tiêu một đồng ư? thế là mất một tờ giấy vẽ hay cây bút chì rồi còn gì.

        Bố viết những dòng nầy cho các con suy nghĩ và học tập.

        ...Sau nữa là vì bác Vân mất sớm nên công việc tự học của bố phải rất có nghị lực và kiên quyết. Bố đã từ chối không đi học tại nước ngoài vì lúc đó các con còn bé, bố cũng không muốn xa mẹ con nên bố ở trong nước và lập lấy một mình một chương trình tự học, thuê mẫu vẽ và đi vẽ. Ngày nay các con có bố hướng dẫn, lo lắng cho các con, nên hết sức chịu khó học.

        - Kinh nghiệm của bố thấy các con nên chia thời gian như sau:

        - Một năm trong bộ đội nên định một số lượng ký họa chì là 600 cái kí họa-năm sau vẽ thêm bút sắt, rồi năm sau vẽ thêm thuốc nước.

        Hãy để ra 5 năm vẽ chì đen thật nhiều và tốt, cũng là 5 năm trong quân ngũ, có rất nhiều dịp để theo hành quân đi đó đây và ghi vẽ kẻo phí.

        - Tập cho mình những đức tính tốt như gọn ghẽ, trật tự, say mê, không tiêu sài lãng phí, không hút thuốc lá tốn tiền, quần áo tiết kiệm để dành tiền mua đồ vẽ. Đồ vẽ không bao giờ đủ cả.

       - Nghiên cứu để có thể học được tiếng Pháp.
 
       - Sau 5 năm tổng kết và lại làm một kế hoạch chi tiết cho 5 năm sau.

       - Vẽ thì phải giữ thật chu đáo để xem lại luôn luôn mà rút kinh nghiệm và gây hào hứng.

       - Hàng tháng tự kiểm điểm xem mình có vẽ đạt được mức không? hằng năm cũng vậy.

       - Ghi chép nhật ký ghi rõ công việc địa điểm mình đến, vì về sau rất quý như bố đây bây giờ mới tiêc.

       Thư đã dài và bố mong các con ghi nhớ những điều bố dặn và khi đi đến chỗ nào, có dịp gữi thư cho bố mẹ phải ghi ngay. Cứ đề bộ đội không có tem, xin chuyễn nhà sẽ trả tiền phạt sau.

      Bố hôn các con và chúc các con thành công, đạt được lòng mong muốn.
                                                                          Bố Nhân
(Nguồn: họa sĩ Phạm Tấn Đức greenworld.net.vn)
Logged

Nếu ai hỏi rằng lính biết yêu không?
Tôi xin trả lời lính yêu nhiều lắm
Yêu thật nhiều và thật say đắm
Vì người lính cũng có trái tim
vôdanh
Thành viên
*
Bài viết: 20


« Trả lời #3 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2011, 07:48:48 am »

Những tình cảm con người thật đẹp qua thời gian, năm tháng.
Mong những bài tiếp theo của bác. Trân trọng.
Logged
Trang: 1   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM