Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 12:38:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trung Đoàn 429 Phần II  (Đọc 276193 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
DinhLongGiang
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 783



« Trả lời #100 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2011, 11:29:07 pm »

        Chào anh ccbd9f302 !

        Anh nhắc đến Dương Minh Thảo quê Thanh Hóa thì tôi bây giờ mới nhớ lại là : khi trở lại tìm được xác của 2 đồng đội đã hy sinh ( đ/c bị xuyên tai là nằm ở dưới 1 con suối cạn chứ không phải là nổi dưới suối như anh nói. Vì thời gian đó là mùa khô, các con suối đều cạn cả) và không tìm thấy Thắm đâu thì trung đoàn có tổ chức một lực lượng tiếp tục truy tìm liên tục trong 4 ngày nữa. Đến ngày thứ 2 thì anh Thảo cũng có ghé chỗ D7 ở Pà ong và vào thăm anh em quê Đông Thiệu - Thanh Hóa ở C4 chúng tôi và kể lại trận đánh đó. Sau đó Thảo lại cùng đơn vị đi tìm Thắm. Nhưng mội sự tìm kiếm đều vô vọng.
      À, còn hôm đai hội mừng công năm 79 đó anh  Dũng "phóng viên" của trung đoàn có chụp hình làm tư liệu. Sau đó có thông báo với đại hội là ai có nhu cầu lấy ảnh thì nộp tiền đăng ký để rửa ảnh cho, anh ccbd9f302 có lấy không ? Nếu có thì post lên cho tôi xem với nhé
Logged
behienQYV7C
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1482


« Trả lời #101 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2011, 02:32:31 am »

Mấy hôm nay nghe các anh kể chuyện bộ đội mình bị pôn pốt hại em rất khó chịu, có lẽ em phải kể ra chuyện của mình, có thể em sẽ đỡ phần nào, em sẽ không còn sợ và cứ gặp ác mộng hoài, và mỗi lần nghĩ đến nó thật khó chịu vô cùng. Hôm trước em nói em sẽ kể nhưng em không dám kể vì em không muốn nghĩ rằng nó đã xảy ra,  vì em không thể chấp nhận nó, không thể chấp nhận rằng những người thân yêu của mình đã bị giết hại dã man như thế. Nhưng em nghĩ một lần nói ra được sự chia sẻ của các anh em sẽ nhẹ lòng hơn .

NỖI ĐAU HƠN 30 NĂM


Ba em quê ở Củ Chi, ông tham gia cách mạng tháng 8 và năm 1954 ông tập kết ra bắc và ở lại công tác, sau đó ba em lấy mẹ em, mẹ em quê ở Hà Đông. Ba Mẹ em là bộ đội nên ít khi nào gặp nhau và chỉ sinh được một mình em. Năm 1975 khi đất nước thống nhất em mới 8 tuổi, em theo Ba Mẹ về nam.

Bà nội em có bốn người con, ba em lớn nhất em còn hai chú và một người cô, chú kế Ba em cũng đi tập kết có vợ quê Hải Phòng, còn chú út thì hy sinh năm 1972, chú út chết khi chỉ còn vài ngày nữa đám cưới, 2 vợ chồng cùng đơn vị đi công tác về và bị máy bay bắn chết. Còn bà nội em ở với người cô , sau tết mậu thân năm 1968 thì Củ chi bị biến thành vùng trắng, bà nội và gia đình cô ruột em bị dồn qua bến cát, Bình dương ở trong ấp chiến lược . Nhưng cô em vẫn làm giao liên nên bị bắt và sau đó cô lại trốn lên tới bình long, bình phước . Sau năm 1972 chiến dịch Bình Long thì cả gia đình theo bộ đội lên Bù đốp, Bình Phước  ở hẳn trong vùng giải phóng.

Năm 1975 gia đình em từ Hà nội về Ba đưa gia đình về thăm bà nội, bà nội nói với ba :" con đi mấy chục năm, giờ má mới gặp con cháu, giờ con để cháu nội ở đây với má, má không còn sống được bao lâu ",  Ba em nghe bà nội nói vậy, không biết ba mẹ bàn lúc nào mà buổi sáng đó em ngủ dậy không thấy ba mẹ đâu , hỏi bà nội thì bà bảo :" ba mẹ đi công tác mấy ngày rồi về đón " , em cũng nghĩ vậy vì từ nhỏ mỗi lần ba mẹ đi công tác toàn bỏ em trong đơn vị với các cô chú. Nhưng chờ mãi không thấy ba mẹ rồi thấy cô em đi xin cho em đi học , lúc đó em mới biết mình bị ba mẹ bỏ lại cho cô và bà nội . Bắt đầu từ đó ngày nào em cũng khóc bởi vì xa ba me, xa bạn bè ngoài Hà nội , sống một cuộc sống hoàn tòan xa lạ. Đang ở thành phố đèn điện sáng trưng, giờ thì xung quanh toàn rừng cao su tối không dám bước chân xuống khỏi giường vì xung quanh tối đen như mực, còn bạn bè cũng hoàn toàn xa lạ , với đám trẻ con em như kẻ ngoài hành tinh vậy , từ giọng nói , từ ngữ , cách ăn mặc không có gì giống chúng nên em trở thành mục tiêu để chúng chọc ghẹo và cả ăn hiếp nữa .

Và như trong truyện cổ tích, cô tiên luôn hiện ra khi những đứa bé cần đến sự giúp đỡ. Cô tiên của em là cô giáo của em ( đúng là , cô giáo em hiền như cô tiên ). Cô giáo em là dân Sài gòn chính gốc , sau giải phóng cô theo gia đình đi kinh tế mới, khu kinh tế mới nằm giữa những lô rao su và có khoảng 100 gia đình. Cô tên là Yến , cô không đẹp lắm nhưng rất hiền , và rất thương học sinh, lúc cô biết chuyện của em cô đặc biệt thương em hơn những đứa trẻ khác, cô giúp em hòa nhập với các bạn, thích nhất là được cô ôm trong lòng như được mẹ ôm vậy , có khi cô còn múc nước giếng tắm cho em nữa, chắc cô thấy em không có mẹ chăm sóc nên ở dơ hơn người ta  Smiley. Và cứ thế mỗi ngày đi học về em lại mong sớm đến ngày mai để gặp cô.  

Trong khu kinh tế mới muốn đi ra chợ chỉ có một con đường xuyên qua những lô cao su, từ khu kinh tế mới đi khoản 1 km là đến xóm của dân địa phương rồi đi ra chợ Bù đốp khoảng 4, 5 km. Mỗi buổi sáng đám học trò ở xóm  địa phương đứng chờ cô, khi thấy cô xuất hiện cùng một đám bạn từ khu kinh tế mới đi ra là kêu lên " cô kìa , cô kìa ".Hồi đó những đứa trẻ con đâu có thích thú gì chuyện học, có đứa học 2,3 năm một lớp nhưng thích đi học vì thích cô giáo, đứa thì thích nghe cô kể chuyện, đứa thì thích cô dạy trò chơi , còn đứa  thì thích được cô chăm sóc ( như em vậy ). Có cô từ từ em quen với cuộc sống và có nhiều bạn bè hơn, đến hết năm học khoảng tháng 5/1976 thì em về Sài gòn nghỉ hè với ba mẹ .

Hết hè, ba em định đưa em lên Bù đốp, nhưng các cô chú trong đơn vị nói mãi cuối cùng em được ở lại với ba mẹ, lúc đó ba mẹ em đang công tác ở tiền phương bộ tổng tham mưiu đóng trong sân bay Tân sơn nhất.  Đến cuối năm 1977 ba em làm đơn xin nghỉ hưu về Bù đốp với bà nội. Nhưng hôm sau em nghe ba em nói với mẹ : " hôm nay anh Hiền ( là Thượng tướng Lê Ngọc Hiền _ khi đó ông đang là thiếu tướng )nói chuyện với tôi, anh ấy nói tình hình biên giới đang căng thẳng, bây giờ chưa nên về ". Sau đó cô ruột em mang bà nội và một đứa con nhỏ xuống ở nhà em, nói là ở đó đang có lệnh sơ tán người già và trẻ em.

Rồi khoảng tháng 3/1978 cô em gởi thư xuống nói ở Bù đốp bị pôn pốt tràn qua , nhưng cô ruột em và gia đình chạy thoát. Và sau đó em mới nghe đứa em trai con cô kể lại chuyện về đêm hôm đó .

Đêm đó lính pôn pốt qua rất lặng lẽ chúng đào hào ở con đường nối liền giữa khu kinh tế mới và địa phương, chúng qua từ khoảng 9 giờ đêm. Sáng hôm đó khoảng 4 giờ cô giáo em đi họp ở Phòng giáo dục dưới Phước long, chồng cô là du kích xã đưa cô đi đã lọt ngay vào ổ phục kích của chúng , khi lọt vào ổ phục kích sau khi quăng hết 2 quả lựu đạn thì hai vợ chồng bị bắt, cũng nhờ 2 tiếng nổ đó mà dân địa phương nghe mới gồng gánh bỏ chạy ra chợ Bù đốp , còn dân trong khu kinh tế thì không chạy được vì đã bị chúng chận đường ra chợ, chúng nó không dám ra chợ vì có bộ đội địa phương ngoài đó, cô ruột em kể dân mình chạy phía trước thì đạn bay phía sau, nhà cửa cháy đỏ rực.

Em của em kể, sáng hôm sau khi xe tăng bộ đội kéo lên nó mới theo về , chính nó thấy cô giáo em. Cô chết thật đau đớn và nhục nhã, em không nói chắc các anh cũng hiểu sự dã man của tụi nó, cô giáo em và tất cả các cô gái trong khu kinh tế đã chết như thế, đau đớn , nhục nhã và không toàn vẹn thân thể . Các bạn học của em bị chúng nó chặt đầu, chặt làm 2,3 khúc . Những đứa trẻ bị xé làm đôi , có gia dình đang ngủ bị cột cửa thiêu sống . Năm đó em mới 11 tuổi , đối với em bọn chúng ác quá , ác hơn quỷ dữ. Sự sợ hãi, lòng căm thù , bất lực , ghê tởm ám ảnh em từ đó . Và chuyện đó cứ đeo bám  em mấy chục năm rồi mà em cứ bị ác mộng về nó , nhiều lần em định ghé viếng cô giáo ở nghĩa trang liệt sĩ Lộc ninh nhưng em không thể chấp nhận được nỗi đau đó, em cứ mong nó là một giấc mơ, nhiều lúc em nghĩ nếu có một phép màu cho em gặp những tên quỷ đó em sẽ giết chết chúng. Mấy hôm nay nghe các anh kể chuyện em thấy các anh giết chúng em rất hả dạ nhưng xem xong em lại toàn gặp ác mộng vì nó làm em nhớ lại nỗi đau của mình .

Em cám ơn các anh nhiều lắm, bởi vì các anh đã trả thù cho những người thân yêu của em, cho em và cho những người dân vô tội Việt nam bị chúng tàn sát.

Em mong rằng sau khi nói ra chuyện này em sẽ nguôi ngoai phần nào. Các anh giúp em nhé .
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Tám, 2011, 02:48:19 am gửi bởi behienQYV7C » Logged

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy ta có thêm ngày nữa để yêu thương
ccbd9f302
Thành viên
*
Bài viết: 39


« Trả lời #102 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2011, 08:07:47 am »

      Chào anh Giang: Hôm Đại hội mừng công, Đoàn D9 không lấy ảnh vì Trưởng đoàn chắc không có tiền mặt- Bây giờ nghĩ không có hình lưu niệm tiếc quá!!!(Hồi ở KPC lương chỉ tính trên sổ kế toán thôi, Khi có xe về nước mua hàng, anh em đăng ký mua gì sau tài vụ trừ lương trong sổ-mấy năm chẳng được cầm tờ tiền Việt nào cả, chỉ được cầm mấy đồng tiền Riel mua thuốc lá hút!!!).
       Nhắc đến Anh Dũng nhà Báo (người Hà Nội thì phải), tôi lại nhớ chuyện vui được nghe kể: Hồi đầu 1979 mới đánh sang Kông Pông Chàm, tới STưng, vì tiếng Khơ me chưa thạo nên Anh em có nhờ Anh ta vào nhà dân mượn nồi nấu cơm.(Chắc nhà báo thì tiếng Khơ me biết nhiều). Thấy một bà già chủ nhà đang rửa xoong nồi ở giếng, anh ta chỉ vào chiếc xoong và nói: Boòng ơi oi Kh.nhôm troai tích! (Troai: tiếng có nghĩa tục)... Thấy bà này ngạc nhiên và xua tay liên tục nói: Ót ban tê!!!! . Anh Ta tưởng bà này nghe chưa rõ nên nhắc lại, bà này hoảng quá vội bỏ chạy lên nhà, vừa chạy vừa nói: Ót ban tê !!!... Thì ra anh ta phát âm nhầm, đúng ra phải nói  "Boòng ơi ! oi Kh.nhôm chây tích! (Chị cho tôi mượn cái nồi một chút) thì lại nói :Chị ơi cho tôi (làm bậy) một tí !!!
Không biết anh em bịa chuyện cho vui hay thật, nếu có thật cũng kể lại mà "thư giãn chút xíu"
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Tám, 2011, 09:38:02 am gửi bởi ccbd9f302 » Logged
haanh
Thượng tá
*
Bài viết: 5795


HOT nhất forum


« Trả lời #103 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2011, 09:57:57 am »

hehe em nghĩ chuyện đó là có thật chứ không bịa đâu vì đơn vị em mỗi lần nhận tân binh là xảy ra chuyện này . Lính cũ sai lính mới đi mượn đồ của dân và cố tình dạy từ kh- chây thành từ choay , kết quả hoặc là bị dân chửi hoặc là không cho mượn mà em từng là nạn nhân ( em còn bị dụ chặn đường con gái xum tít tức cam nữa kia  Grin )
 Có ông bác sĩ QY sang K thời chống Mỹ , vào nhà 1 bà bầu mượn cây búa , do không biết từ búa nên bác ấy vừa nói câu này vừa ra dấu bằng cách dùng hai nắm tay đập đập vào nhau . Bà bầu xanh mặt vừa bỏ chạy vế hướng BCH E vừa la làng vì tưởng sắp bị hấp diêm .
hehe chuyện vui về ngôn ngữ các bác cứ vào topic bằng C ngoại ngữ ..tha hồ mà thư giản .
Logged

NAM QUỐC SƠN HÀ NAM ĐẾ CƯ .
congxuanviet
Thành viên
*
Bài viết: 96


Công Xuân Việt


« Trả lời #104 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2011, 01:27:47 pm »

   Xin chào behienQYV7C!!!
  Hôm nay nghe em kể về gia cảnh của mình cùng với những năm tháng đầy sự chia ly mất mát của gia đình và những nỗi bất hạnh của em khi ở vùng biên giới Bù Đăng trong những năm tháng xảy ra chiến tranh cùng với những kỷ niệm đau thương khi em mất đi cô giáo thân thương cùng bao bạn bè và người thân do lính Pôn-pốt tàn sát.
  Vào những tháng cuối năm 78 đó, các anh còn là những người lính trẻ. Lúc đó bọn anh đang đóng quân ở Lò gò, dọc quốc lộ 22; ngoài việc thay nhau nằm chốt hay đi phục kích địch thì có những hôm đi qua chợ Xa-mát nên đến xã Tân Lập, nơi đây cũng bị lính Pôn-pốt tràn sang tàn sát dân của cả 1 xã. Nhìn cảnh vật lúc đó rất hoang tàn.Trông thật xót xa!!
  Lúc bấy giờ tuy anh em 429 chốt ở khu vực đó ( từ Lò gò đến Xa-mát) đều là lính trẻ nhung anh em đông đội đã chiến đấu rất ngoan cường để bạo vệ dân và bảo vệ vùng biên giới .
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Tám, 2011, 04:22:11 pm gửi bởi congxuanviet » Logged
behienQYV7C
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1482


« Trả lời #105 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2011, 01:51:52 pm »

  Xin chào behienQYV7C!!!
  Hôm nay nghe em kể về gia cảnh của mình cùng với những năm tháng đầy sự chia ly mất mát của gia đình và những nỗi bất hạnh của em khi ở vùng biên giới Bù Đăng trong những năm tháng xảy ra chiến tranh cùng với những kỷ niệm đau thương khi em mất đi cô giáo thân thương cùng bao bạn bè và người thân do lính Pôn-pốt tàn sát.
  Vào những tháng cuối năm 78 đó, các anh còn là những người lính trẻ. Lúc đó bọn anh đang đóng quân ở Lò gò, dọc quốc lộ 22; ngoài việc thay nhau nằm chốt hay đi phục kích địch thì có những hôm đi qua chợ Xa-mát nên đến xã Tân Lập, nơi đây cũng bị lính Pôn-pốt tràn sang tàn sát dân của cả 1 xã. Nhìn cảnh vật lúc đó rất hoang tàn.Trông thật xót xa!!
  Lúc bấy giờ tuy anh em 429 chốt ở khu vực đó ( từ Lò gò đến Xa-mát) đều là lính trẻ nhung anh em đông đội đã chiến đấu rất ngoan cường để bạo vệ dân và bảo vệ vùng biên giới Bù Đăng.

Cám ơn anh và những đồng đội của anh rất nhiều.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Tám, 2011, 03:02:03 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy ta có thêm ngày nữa để yêu thương
soldier1978
Thành viên
*
Bài viết: 180


« Trả lời #106 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2011, 01:57:46 pm »

@behienQYV7C: thật xúc động khi biết câu chuyện của em, soldier1978 xin được chia sẻ nổi đau ấy và mong behienQYV7C sẽ nguôi ngoai sau khi đã kể ra, soldier1978 căm giận sự dã man của bọn polpot đối với đồng bào mình ngày ấy và sự căm giận ấy đã là động lực thôi thúc soldier1978 cũng như bao nhiêu nam nữ thanh niên học sinh tình nguyện tham gia quân đội, tội ác đã bị trừng trị. Mong behien sẽ không còn gặp ác mộng nữa.
Logged
behienQYV7C
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1482


« Trả lời #107 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2011, 02:19:29 pm »

@behienQYV7C: thật xúc động khi biết câu chuyện của em, soldier1978 xin được chia sẻ nổi đau ấy và mong behienQYV7C sẽ nguôi ngoai sau khi đã kể ra, soldier1978 căm giận sự dã man của bọn polpot đối với đồng bào mình ngày ấy và sự căm giận ấy đã là động lực thôi thúc soldier1978 cũng như bao nhiêu nam nữ thanh niên học sinh tình nguyện tham gia quân đội, tội ác đã bị trừng trị. Mong behien sẽ không còn gặp ác mộng nữa.
Em cảm ơn những lời an ủi của anh, em sẽ cố gắng vượt qua nỗi đau đó. Em đã nhiều lần cố nghĩ rằng hãy tha thứ tội lỗi của người khác cho mình được thanh thản hơn, nhưng em làm không được, bởi vì chúng là quỷ dữ đâu xứng đáng nhận sự tha thứ, nên em hy vọng chúng đã phải đền tội do chúng gây ra .Có lẽ anh và những đồng đội của anh đã giết hết những con quỷ dã man đó rồi.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Tám, 2011, 03:02:27 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy ta có thêm ngày nữa để yêu thương
DinhLongGiang
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 783



« Trả lời #108 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2011, 04:00:01 pm »

Chao behien qyv7c!
Anh rất thông cảm với nỗi đau của em. Vì khi ở Lò Gò - Tây Ninh anh cũng đã được nghe các má, các chị ở đây kể về các trường hợp tương tự như em kể. Một má lấy tay chỉ và nói với mấy anh em lính mới chúng tôi: Chỗ mấy cây chuối đó các con, năm ngoái (1977) chúng có chặt đầu đốt xác hết một nhà 4 người của mình đó. Thậm chí khi sang CPC tôi còn được nghe những gia đình ở bển (trong đó có cả người Việt mình và người CPC biết tiếng VIệt) kể về sự tàn sát dã man của quân Pôn Pốt, không những về thể xác mà cả về tinh thần. Chế độ Khơ me đỏ khi đó đã đặt ra các luật lệ hết sức hà nhắc như thời trung cổ. Một hôm giữa tháng 01/1979, C4 bọn tôi đến đóng quân ở một phum gần lộ 7, khi chúng tôi đến thì ở phum này còn nguyên vẹn một nhà ăn tập thể kiểu công xã với các dãy bàn ăn tập thể rất dài. BCH đại đội 4 chúng tôi mắc võng ở vườn chuối của một nhà dân. Lúc bấy giờ hàng đoàn người dân CPC đang lũ lượt kéo nhau từ các hướng về hồi hương sau khi QTNVN giải phóng Nông Pênh. Ở chỗ chúng tôi có một bà nói tiếng Việt rất sõi. Tôi và các anh trong BCH đại đội lân la đến hỏi chuyện về nhà ăn tập thể thì mới biết, thời Pôn pốt - Iêng sarri chúng bắt dân dồn vào tập thể. Chúng đặt ra các Lộc thum ( ông lớn) để cai quản các phum và chúng đặt ra quy định: tất cả những gì mà người dân kiếm được từ mớ rau, con cá.v.v..đều phải nộp về nhà ăn tập thể, nếu ai cố tình để dùng riêng mà lộc thum phát hiện được (thường là đều bị phát hiện bởi chúng có rất nhiều tay chân theo dõi nhất cử, nhất động của người dân) thì lập tức bị lộc thum ra lệnh chặt đầu cả nhà luôn!!! Rồi một hôm c4 chúng tôi đến 1 phum khác ( tôi không còn nhớ tên nữa, cũng ở Công Pông Chàm) thì thấy có một đôi vợ chồng quá là khập khiễng. Người vợ thật xinh đẹp ( có khuôn mặt rất giống NSND Như Quỳnh bên điện ảnh), đẹp đến nỗi sau 4 ngày khi chuyển đi anh Nguyễn Thanh Bình ( còn có biệt danh là Bình Ruồi - vì ảnh có nốt ruồi nơi mép trái) -quê Bình Lục - Nam Hà, là Cphó chúng tôi còn ngẩn ngơ mãi. Còn anh chồng cô ấy thì ôi thôi, xấu đến ma chê, quỷ hờn. Thấy vậy anh Bình có hỏi dò bà mẹ của chị ta ( bà này cũng biết tiếng Việt vì bả có giới thiệu là trước có ở Cần Đước - Long An) thì bà này nói là do lộc thum gán ghép chúng nó bắt phải lấy nhau. Nếu không lấy thì cả nhà sẽ bị đập đầu cho đến chết hết. Thật lã dã man ngoài sức tưởng tượng. Nghe chuyện anh Bình ruồi cứ xuýt xoa kêu: Tiếc quá...tiếc quá! Ý anh Bình nói là muốn cô gái đó phải lấy được người chồng xứng đáng và sống thật hạnh phúc mới. Mà tôi cũng thấy tiếc thật đó.
       Khi đóng quân ở đây, chúng tôi bị tập kích 4 lần, khiến cậu Kim y tá đại đội bị thương ngay từ dợt đầu do một trái M79 bắn trúng nhà dân mà BCH đại đội đang ở. Toàn bộ lúa gạo, đồ đạc đều bị cháy thành tro hết, vì chúng tôi còn phải lo đánh trả, không chữa cháy được. May mà lúc đó chúng tôi đang hì hục đào công sự cá nhân nên không việc gì. Tôi chạy vội lên giật được máy điện thoại ra khỏi đám cháy nhưng bị phỏng hết 2 ngón tay. Đến trận thứ 2, vào khoảng 8 giờ đêm hôm sau. Bọn địch lại tổ chức tập kích vào hướng C4 chúng tôi và C2. Đại đội tôi được lệnh của anh Kiền, khi đó là D phó D7 là phải hết sức bình tĩnh chờ địch vào gần mới đánh trả. Tôi được BCH đại đội giao nhiệm vụ xuống truyền lệnh cho các trung đội ( vì tôi đang làm văn thư kiêm liên lạc đại đội). Trong đêm tối, tôi khoác khẩu AK báng gấp và 2 trái lựu đạn ( một chày, một da láng Mỹ) bò xuống các trung đội. Trong khi bò tôi nhìn lên thấy đạn AK, B40 bay đỏ rực trên các ngọn cây. Một trái B40 cắt đứt phăng ngọn cây dừa chỗ BCH đại đội, một trái nữa bay sát chỗ B2 và cắt đứt một nhánh mít. Mấy trái nữa thì nổ ở phía sau cách đại đội chưng 5, 6 chục mét, đạn AK thì bay như đom đóm mùa hạ trên các ngọn mít, ngọn chuối. Sáng hôm sau chúng tôi không phải trèo mà lại có bữa nước dừa no nê. O cun chờ rờn lính pôn pốt...Trong hai ngày kế tiếp, chúng lại tập trung vào hướng C2 và C3. Đến trận thứ tư lại chuyển sang hướng C4 chúng tôi, điên tiết lên BCH tiểu đoàn ( anh Kiến- quê Hòa Bình D trưởng, sau này là Trưởng Ban tác chiến sư đoàn 302; anh Kiền - quê Thanh Hóa D phó, sau là Trung đoàn trưởng E429 ) lệnh cho các đại đội phản công. C4 chúng tôi bắn cấp tập hơn 10 quả cối 82, khẩu 12ly8 cũng được dịp khai hoả. Bên hướng C3, C2 thì RPD, đại liên, B40, B41, Ak đồng loạt bắn chéo cánh sẻ. Các luồng đạn đỏ rực trong đêm tối tập trung về hướng địch tập kích khiến bọn chúng phải im bặt và rút chạy. Sang ngày thứ 5 tiểu đoàn lệnh cho C3 ( khi đó do anh Kiều Việt Đường - quê Thường tín, Hà Tây làm C trưởng ) và trung đội trinh sát do Anh Cộng - quê Thái Bình lính biệt động 316 chuyển sang 429 làm B trưởng tung ra lùng sục truy quét. Kết quả ta bắt được một tên giải về BCH tiểu đoàn. Hôm đó chúng tôi lên xem thấy anh Kiền đang hỏi cung, anh Thia C3-quê Đồng Tháp ( hồi nhỏ sống ở Nông Pênh) làm phiên dịch. Nhin thấy tên này tất cả anh em đứng ngoài chỉ muốn xông vào đánh cho hắn một trận lên bờ xuống ruộng. Anh Kiền phải quát lên chúng tôi mới chịu đứng im theo dõi.
Logged
behienQYV7C
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1482


« Trả lời #109 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2011, 05:15:27 pm »

  Cảm ơn anh DinhLongGiang về những chia sẻ với em, dân tộc Việt nam bản tính là hiền lành và vị tha nhưng trong cuộc chiến này chúng ta bị ép phải tự vệ, bao nhiêu chiến sĩ tình nguyện của ta đã hy sinh mất mát, vì dân tộc mình cũng là vì nhân dân Cam pu chia, nhưng có nhiều thế lực nói chúng ta xâm lược Cam pu chia, em nghĩ lịch sử  sẽ trả lại công bằng cho chúng ta. Và mọi tội ác đều phải trả giá đúng không anh . Một lần nữa xin cảm anh và đồng đội của anh rất nhiều .
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Tám, 2011, 03:02:48 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy ta có thêm ngày nữa để yêu thương
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM