Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 06:13:13 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Gia Định Thành Thông Chí  (Đọc 41691 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
KGBFSBCIA
Thành viên
*
Bài viết: 231


« Trả lời #10 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2011, 07:15:02 pm »

(<17><17>) Theo Từ Nguyên, 1 dặm = 576m Þ 445 dặm = 257 km.

(<18><18>) Nguyên văn viết Vị cư Hợi Long (亥竜) tức long mạch ở về ngôi hợi, tức vị trí tây bắc.

(<19><19>) Hỏa tinh (火星) theo sách Phong thủy, núi cao nhọn gọi là hỏa tinh, nhưng đây cũng có thể là tên núi.

(<20><20>) Nguyên văn viết chữ Nôm (每}) là Mọi Xoài, nhưng người địa phương gọi là Mô Xoài, chúng tôi xin dịch Mô Xoài, tức vùng Đồng Xoài Bà Rịa ngày nay. Hai chữ Nôm 每} đã có nhiều cách đọc khác nhau: Mỗi Xu, Mũ Xuy, Mũi Xuy, Mũi Xoài. Huỳnh Tịnh Của trong Đại Nam quấc âm tự vị dịch Mọi Xoài là đúng với âm của hai chữ Nôm trên. Trương Vĩnh Ký chịu khó tìm hiểu tận địa phương thì nhân dân ở đây gọi là núi Mô Xoài. Do đó ông chép trong sách PCGBC là Mô Xoài.

(<21><21>) Bà Địa: Tức Bà Rịa.

(<22><22>) Núi Thùy Vân: Ở bãi Sau Vũng Tàu.

(<23><23>) Tức núi Bà Đen ở Tây Ninh.

(<24><24>) Dân địa phương chỉ gọi tắt là Chợ Lò, nay là ấp Thiết Tượng (鐵匠) có nghĩa là Lò Thợ Rèn, nhưng có nhà khảo cổ viết sách giải thích "Thiết Tượng" là "mỏ sắt to bằng con tượng", hoặc có một số người cho rằng "Thiết Tượng" là con voi sắt, (có lẽ do nhầm chữ tượng (匠) vốn có nghĩa là thợ với chữ tượng (象) là con Voi). Ấp này ở xóm Cầu Ván, xã An Hòa, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

(<25><25>) Theo quyển sáu, trang 5718 hạ sách Phật Quang đại từ điển chú thì Tăng hay gọi đủ là Tăng Già, tiếng Phạn là Sạm - gha, tiếng Pali đồng, là từ chỉ chung Tì Khâu hay Tì Khâu Ni, nhưng về sau Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam lại phân biệt Tỳ Khâu Ni là ni, còn Tì Khâu (Kheo) là tăng, vậy dùng từ "Nữ tăng" để chỉ tì kheo ni, hay ni cô, bà vãi gì đều được cả.

(<26><26>) Có người địa phương cho biết đây là núi Lang Giao. Thật ra chữ 廊 nếu đọc theo chữ Hán là lang, còn đọc theo chữ Nôm là làng. Văn bản của Trịnh Hoài Đức không làm dấu nên chưa rõ chữ này là Hán hay Nôm. Chúng tôi theo sách PCGBC của Trương Vĩnh Ký phiên âm là Làng Giao.

(<27><27>) Dũng đạo (甬道): Lối giữa. Ngày xưa quan đi đắp đường cao hơn hai bên gọi là dũng đạo.

(<28><28>) Nguyên văn in kèm bản dịch Viện Sử học do Nhà xuất bản Giáo dục in năm 1998 (xin viết tắt là VSH) chép 185 dặm, nguyên văn do Viện Hán Nôm lưu trữ (xin viết tắt là VHN) cũng chép 185 dặm, chỉ có nguyên văn in kèm bản dịch của Nguyễn Tạo chép 80 dặm. Có thể 80 dặm là nhầm, vì núi Sa Trúc, tức núi Nứa Nhỏ vùng Long Thành gần núi Giồng Dài, núi Bà Vãi Lượng, mới gần Trấn Biên hơn núi Bà Rịa nhiều, tức cách làng An Hòa chừng 10 dặm, cách trấn chừng 30 dặm, còn đây là núi Nứa Lớn ở vùng Bà Rịa cách xa trấn hơn Bà Rịa. Vậy xin chọn cách trấn 185 dặm.

(<29><29>) Chằm: Vùng đất thấp bỏ hoang, thường bị ngập nước (Bt).

(<30><30>) Theo Trương Vĩnh Ký, Tắc Ký còn có tên Nôm là Cửa Lấp hay Giếng Bộng.

(<31><31>) Nguyên văn viết $婆% tức "Mũi Bà Khịt". Chữ Nôm % nầy Thượng Tân Thị dịch là "Hét", bản
dịch của VSH dịch là "Khế". Tự điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính và Tự điển chữ Nôm của tác giả người Nhật Yonosuke Takeuchi đều phiên âm là Khịt nhưng viết là . Tuy nhiên, Trương Vĩnh Ký, trong PCGBC cho núi này có tên cũ đọc theo tiếng Khơ me là Phnom Sek, có nghĩa "núi Kec" (Tự điển Khơ me - Pháp của T. B. Bernard dịch Sek là perroquet: có nghĩa là con kéc). Có thể núi này có tên trong thư tịch là "Bà Khịt" và được người địa phương gọi theo tên cũ của Khơ me là Bà Kéc? Bản đồ của Taberd in năm 1838 cũng ghi mũi này là "Mũi Bà Kéc". Ngoài ra nguyên văn in kèm bản dịch của Nguyễn Tạo lại chép là 潔 và dịch giả Tu Trai đọc là "Khiết".

(<32><32>) Kim Sơn - Trung Linh (金山中冷): Suối Trung Linh ở Kim Sơn, nước rất ngon ngọt, nay ở phía tây bắc huyện Trấn Giang, tỉnh Giang Tô. Sách Trung triều cố sự chép: Lúc Lý Đức Dũ ở triều đình, có người thân vâng mệnh vua đi sứ Kinh Khẩu. Lý căn dặn người đó: "Ngày trở lại hãy mang về cho tôi một bầu nước suối Trung Linh ở núi Kim Sơn vùng sông Dương Tử nhé". Truyện "Gia Định Thành Thông Chí " được copy từ diễn đàn Lương Sơn Bạc (LuongSonBac.com)

(<33><33>) Ba Lăng - Bạch Hạc (巴陵白鶴): Suối Bạch Hạc ở Ba Lăng vùng Tây Bắc huyện thành Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, nước trong ngọt nổi tiếng, nấu trà rất ngon.

(<34><34>) Giản Phố (柬埔): Cù lao nầy nguyên có tên là Giản Phố châu, nhưng do chữ giản (柬) và chữ đông (東) tự dạng trông rất dễ lầm nên có lẽ đã bị đọc lầm.

(<35><35>) Chú thêm của dịch giả về niên hiệu các đời vua tương ứng (Bt).

(<36><36>) Bản VHN chép Tống Văn (文) Đại.

(<37><37>) Thiên tổng (千總), Bá tổng (百總) là chức quan võ ở tam đại doanh có từ đời nhà Minh, do các quan có công to đảm nhiệm, nhưng về sau thì quyền chức dần dần bị xem nhẹ, đến đời Mãn Thanh thì chỉ là chức quan võ cấp thấp, lục quân và hải quân đều có cả, như Doanh thiên tổng.

(<38><38>) Một trượng (丈) bằng 10 xích (尺 - thước) tức bằng 3,2 m, hoặc 4 m tùy lúc, tùy nơi.

(<39><39>) Nguyên văn viết: Đại bán chi (大半之) có nghĩa "bề to bằng nửa bề dài", dịch thoát cho dễ hiểu là "bề ngang bằng nửa bề dài".

(<40><40>) Đường (唐) là một triều đại văn trị, võ công rạng rỡ của Trung Quốc, nên người Trung Quốc tự xưng mình là Đường nhân, nước Trung Quốc là Đường Sơn hay Đường. Vì khách buôn là người Trung Quốc, nên hồi Đường là trở về Trung Quốc.

(<41><41>) Tây Sơn dấy loạn: Do Trịnh Hoài Đức là đại thần nhà Nguyễn nên gọi Tây Sơn là "dấy loạn". Xin phiên dịch đúng theo ngôn phong của tác giả.

(<42><42>) Trốn, chuồn (Bt).

(<43><43>) Cù lao Tân Triều ngoài tiếng tăm về trầu còn vang danh về bưởi. Bưởi Biên Hòa, nhất là Tân
Triều, vỏ mềm, ruột to, múi mọng nước, lại rất ngọt.

(<44><44>) Cù lao Tân Chánh theo Trương Vĩnh Ký trong PCGBC còn gọi là Đồng Sứ, và theo di cảo của ông có tên tiếng Khơ me cũ là Kòh Krec.

(<45><45>) Bắc lưu, trung lưu, nam lưu là tính các đoạn sông theo chiều bắc nam. Nếu tính theo chiều
ngọn ra vàm thì gọi là thượng lưu, trung lưu, hạ lưu.

(<46><46>) Kiên Giang đây là sông Kiên Giang của Biên Hòa, không phải Kiên Giang, Rạch Giá.

(<47><47>) Sông Bé gọi là Tiểu Giang, cũng còn gọi cách khác là Tiểu Thủy.

(<48><48>) Sách hay sóc là buôn sóc của người Khơ me.

(<49><49>) Theo Vương Hồng Sển trong cuốn Tự Vị tiếng Việt miền Nam thì Võ Tam và Võ Viên có thể là Dõ Tam và Dõ Viên. Dõ có nghĩa là chốn canh phòng giặc, nghĩa như là đồn, tương tự tên các địa phương khác có chữ Võ như Võ Sa, Võ Đắc, cũng chính là Dõ Sa, Dõ Đắc.

(<50><50>) Nguyên văn viết: 吸吸. Hai chữ này nếu đọc theo âm Hán Việt là Cấp cấp, nếu đọc theo âm Nôm là hấp hấp hay cộp cộp đều là tượng âm tiếng nước sông chảy xiết va vào vách núi mà phát ra. Chỗ này, xin dịch là núi "Cộp Cộp" (hay Hấp Hấp)

(<51><51>) Nguyên văn chép núi x. Chữ x nầy là chữ Nôm, trong cả hai tự điển tiếng Nôm của Vũ Văn Kính và của Yonosuke Takeuchi đều ghi phát âm hai cách là mép và bập. Xin chọn chữ "Bập" (vì sông này khi nước chảy tuôn cọ vào đá phát ra tiếng kêu "Bập bập, cộp cộp"), và dịch là núi Sông Bập.

(<52><52>) Không nên lầm với Hậu Giang của hệ sông Cửu Long miền Tây.

(<53><53>) Thiết Tràng (鐵場) có lẽ là con sông Bùng Binh ngày nay nối sông An Hòa, Bến Gỗ với sông Lá Buông. Thiết tràng có nghĩa là "nơi nấu sắt" khi xưa.

(<54><54>) Rạch Lò Thổi chảy qua xóm Thiết Tượng (鐵匠) tức xóm Lò Rèn, nay là xóm Cầu Ván, xã An Hòa.

(<55><55>) Nguyên văn viết cái ('). Chữ ' này cả hai cuốn tự điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính và Yonosuke Takeuchi đều âm là dứt, nhưng chúng tôi xin chọn "Cái Tắt" theo Trương Vĩnh Ký. (Xem thêm chú thích "Cái Tắt Cầu Sơn" ở sau).

(<56><56>) Nguyên văn viết: 攔污. Lan (攔) có nghĩa là "ngăn chặn" hàm ý "gạn lọc". Ô (污) có nghĩa là cặn cáu, tức con sông gạn đục làm trong nước các con sông khác chảy về đây. Trương Vĩnh Ký gọi theo người địa phương là sông Chàng Hảng, tức hình thế hợp lưu này như người đứng chàng hảng (đứng dạng chân ra).
Logged
KGBFSBCIA
Thành viên
*
Bài viết: 231


« Trả lời #11 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2011, 07:15:58 pm »

(<57><57>) Người Nam Bộ đọc là chại.

(<58><58>) Tam Giang - Nhà Bè (xin xem chú thích ở chữ nầy).

(<59><59>) Đồng Chân: Nguyên văn viết Đồng Chân (同真), các sách khác viết Đồng Chơn, Đồng Tuyên, nhưng trong di cảo của TVK lại căn cứ theo tên Khơ me cũ: Péam prêk tranchick Kran mà ghi là Đồng Tranh. Aubaret trong dịch bản Gia đinh Thung chi cũng dịch là "Don Tranh" tức Đồng Tranh vậy.

(<60><60>) Phân thủ (分守) là đồn thủ ngự phụ cho đồn thủ ngự chánh.

(<61><61>) Nguyên văn viết: 翰戛, tra tự điển Nôm không thấy, chúng tôi đành đọc theo âm Hán Việt là Hàn Kiết (xin được chỉ giáo).

(<62><62>) Thuộc man (屬蠻) là dân tộc ít người đã "thuộc hóa", "thuần hóa" sống hiền lành gần người Kinh. Ngược lại với thuộc man là "ác man" tức người dân tộc còn hoang dã sống trong rừng sâu (theo cách gọi xưa).

(<63><63>) Di cảo Trương Vĩnh Ký chép Đồng Mun tức cánh Đồng Đen (Mun) do tiếng Khơ me Kompon là cánh đồng, Khmau là đen, mun.

(<64><64>) Nguyên văn viết: (枉 tức suối Uổng, nhưng nguyên văn bản dịch của VSH lại chép là suối Đỗ ((杜). Aubaret cũng dịch là suối Uổng (Giadinh Thungchi P. 166: "Ton thuyen (Tôn Tuyền) vulgairement appellé Xuoi uong").

(<65><65>) Đảo Thủy giang (倒水江) tức sông Nước Lộn. Tên chữ của "sông Nước Lộn" nầy có sách chép là "Đảo Thủy giang" có sách chép là "Hỗn Thủy giang" nhưng theo Trương Vĩnh Ký thì chính là Hiệp Thủy giang. "Đảo Thủy", "Hỗn Thủy" và "Hiệp Thủy" đều có nghĩa là "nước lộn" như nhau.

(<66><66>) Vì kỵ húy tên vua Hoằng Lịch (Càn Long) nhà Đại Thanh nên phải đọc trại đi là Võ Thủ Huồng. Cầu Thủ Huồng giữa Tân Vạn và chợ Đồn (Biên Hòa) tương truyền do Võ Thủ Huồng xây dựng đến nay vẫn còn.

(<67><67>) Băng Bột giang (冰渤江): Nguyên văn ở cả GĐTTC và Đại Nam nhất thống chí đều chép 冰渤 tức Băng Bột. Thượng Tân Thị dịch là Thủy Bột, Nguyễn Tạo dịch là Băng Bột, nhóm dịch giả VSH dịch là Băng Bọt, Trương Vĩnh Ký cho là Thủy Vọt. Có lẽ Thượng Tân Thị nhầm chữ Băng (冰) thành Thủy (水). Nhóm dịch giả VSH nhầm Bột (渤) thành Bọt (浡). Trương Vĩnh Ký nếu dịch chữ Băng Bột (冰渤) thành Thủy Vọt (水)) cũng nhầm.

Trong thực tế sông Băng Bột hay Thủy Vọt không ai biết là sông gì, ở đâu, chỉ căn cứ theo điều Trịnh Hoài Đức tả thì đoán nó chính là phần ngọn con sông Sài Gòn, chảy gần tới Thủ Dầu Một gọi là sông Thị Tín, chảy ngang tòa bố Thủ Dầu Một gọi là sông Thủ Dầu Một, và chảy xuống tới đầu Sài Gòn thành sông Tân Bình.

(<68><68>) Nguyên văn sào sư (篙師) chỉ có nghĩa là kẻ chống cây sào đẩy ghe chớ không phải "bậc sư" về đi ghe.

(<69><69>) Tà là tiếng Khơ me có nghĩa là "ông" dùng gọi người lớn tuổi.

(<70><70>) Nguyên văn chữ Nôm 哈 cả hai cuốn Tự điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính và Yonosuke Takeuchi người Nhật đều đọc là Hóp, Hớp, hoặc Ngáp. Xin chọn cả ba vì không thể xác định được.

(<71><71>) Nguyên văn bản VSH chép 14 dặm, nguyên văn in kèm bản Nguyễn Tạo chép 20 dặm, nguyên văn VHN lưu trữ chép 54 dặm.

(<72><72>) Nguyên văn "ác man" (惡蠻), cần dịch là "Mọi dữ", phân biệt với "thuần man".

(<73><73>) Chữ "Giồng" ở đây có nghĩa là một chuỗi dài gò nỗng. Nguyên văn chép "Lão Tố Cương" (老素岡) cũng có nghĩa là "gò Lão Tố", nhưng người địa phương quen gọi đất ấy là "Giồng Ông Tố" (nay thuộc quận 9, thành phố Hồ Chí Minh).

(<74><74>) Nguyên văn viết *+ không phải Châu Tì, Châu Phê, Thù Thì. Đã tra nhiều từ điển chữ Nôm nhưng không thấy, xin tạm dịch "Châu Phê".

(<75><75>) Nguyên văn viết塞,, đọc là Tắc Ký. Trương Vĩnh Ký trong PCGBC cũng chép là Tắc Kí, tên Nôm là Cửa Lấp hay Giếng Bọng. (Tên Cửa Lấp này được ghi rất rõ trong bản đồ An Nam đại quốc của Taberd, ấn hành năm 1838.)

(<76><76>) Một tầm (尋) bằng 8 thước ta, tức 3,2 m (mètre).

(<77><77>) Vũng Tàu: Tiếng Pháp gọi là Cap Saint Jacques, cũng còn gọi là Ô Cấp, Thuyền Úc.

(<78><78>) Nguyên văn đoạn nầy viết: 赤藍 phải đọc là Xích Lam. Trương Vĩnh Ký trong PCGBC lại viết là Xích Ram. Ram chữ Nôm viết là - tức chữ Lam có bộ hỏa bàng. Mà đúng là Xích Ram vì ở câu đầu phần toàn thành Cương vực: Gia Định vị cổ, Chân Lạp chi địa, Đông Nam tế hải hữu Xích Ram Cần Giờ... Tác giả viết chữ Ram có bộ Hỏa (-) hẳn hoi.

(<79><79>) Trượng (丈) bằng 10 thước ta = 4 mét.

(<80><80>) Dà, đước, sú, vẹt, cây mắm là những cây vùng rừng ngập mặn ở diên (duyên) hải.

(<81><81>) Thương loa (蒼螺): Ốc xanh, là con ốc len vỏ màu xanh, thịt có gân màu xanh đeo ở cây mắm, cây vẹt vùng rừng ngập mặn ngoài bãi biển.

(<82><82>) Cà Mau còn gọi là đạo Long Xuyên. Đạo Long Xuyên này hoàn toàn không phải tỉnh Long Xuyên (thuộc An Giang) sau này. Thời Trịnh Hoài Đức chưa có tỉnh Long Xuyên.

(<83><83>) Nguyên văn diên cách (沿革) có nghĩa là theo thể chế cũ mà sửa mới lại, vậy nên dịch là "sửa đổi".

(<84><84>) Các phủ phía bắc: tức các phủ Bình Thuận, Thái Khang (Khánh Hòa), Bình Định....

(<85><85>) Ý nói hai nơi Phan Rang, Phan Rí có nhiều cá ngon; Đồng Nai, Bà Rịa có nhiều gạo tốt.

(<86><86>) Thiết âm là cách mượn âm hai chữ để phiên âm, tức lấy phụ âm chữ đầu ráp với nguyên âm hay khuôn âm chữ sau để phát âm, như "Lực địa thiết" thì dùng phụ âm Lờ (L) của chữ Lực + với khuôn âm "ịa" của chữ Địa để đọc thành Lịa.

Vì người Hoa phát âm chữ R không được nên tất cả âm R họ đều viết thành âm L như Phan Rí thành Phan Lý, Phan Rang thành Phan Lang, Pari (Paris) thành Ba Lê. Vậy âm Bà Rịa được viết thành Bà Lịa (婆利). Về điểm này có thể Trịnh Hoài Đức đã nhầm khi cho rằng Bà Rịa (Bà Địa) của dinh Trấn Biên (Biên Hòa) là xứ Bà Lịa (婆利) mà sách Tân Đường thư đã miêu tả. Xứ Bà Lịa mà sách Tân Đường thư miêu tả là xứ Bornéo, hoặc xứ Kalimantan, hay đúng nhứt có lẽ là xứ Bali của Indonésia. Theo quyển Từ Hải của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ấn hành năm 1989 thì Bà Lịa là tên nước xưa, đất xưa, hoặc có người cho rằng ngày nay là đảo Kalimantan của Indonésia, hoặc đảo Bali của Indonésia, mà sách Tùy thư, Nam man liệt truyện, cùng sách Đường thư, Nam man liệt truyện đều có kể đến nước Bà Lịa ấy cũng còn gọi là Mã Lễ (Bà Lịa giả, cổ quốc danh, cổ địa hoặc dĩ vi tại kim Ấn Độ Nê Tây Á Gia Lý Man Đan Đảo (...) hoặc dĩ vi tại kim Ấn Độ Nê Tây Á Ba Ly (...) đảo. Tùy thư Nam Man liệt truyện hòa Đường thư Nam Man liệt truyện hữu chuyên ký thuật. Diệc viết Mã Lễ). Thời Trịnh Hoài Đức, kiến thức địa lý hải ngoại của người Việt rất hạn hẹp mà sách vở của Trung Quốc thời đó lại không có chữ La Tinh như ngày nay nên khó đoán định là chuyện thường.
Logged
KGBFSBCIA
Thành viên
*
Bài viết: 231


« Trả lời #12 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2011, 07:18:54 pm »

2b.
Trấn Phiên An


BÀ ĐINH SƠN (NÚI BÀ ĐINH) (BÀ ĐEN - ĐIỆN BÀ) (<1><87>)

Cả trấn đều kính ngưỡng, ở cách trấn về phía tây 261 dặm rưỡi. Núi này đất đá lởm chởm cao, cây cối xanh tốt, có suối nước ngọt, đất đai màu mỡ, <19b> trên có chùa Vân Sơn, dưới có chằm hồ, cảnh trí thực là u nhã, rừng rú, hang hố sâu thẳm, có thôn xóm của người Thổ và người Việt ở la liệt, nhân dân đều nhờ món lợi của núi rừng. Ở đây, người ta thường đào được các vật xưa bằng vàng ngọc, tương truyền có khi trông thấy cả chiêng vàng ở trong hồ, cũng giống như việc cái khánh nổi ở bến sông Tứ hay chuông tìm được ở sông Trường Giang vậy, nhưng đến gần thì biến mất. Có đêm trời quang mây tạnh lại thấy có thuyền rồng bềnh bồng, hát múa du dương, hoặc có khi thấy con rùa vàng lớn hơn 1 trượng, ẩn hiện bất thường, là do linh khí tụ lại, chứ không phải việc quái đản.

MAI KHÂU (GÒ CÂY MAI)

Ở về phía nam cách trấn thành 13 dặm rưỡi, gò đất nổi cao, có nhiều cây nam mai thân cỗi nghiêng ngang, nhưng khi trổ hoa nở không bung xòe trắng tinh rạng rỡ, cánh hoa vẫn còn úp túm giữ mùi thơm. Thứ hoa này vốn bẩm linh khí mà sinh ra, không thể dời trồng ở nơi khác được. Trên có chùa Ân Tông, đêm tụng kinh, chiều giộng chuông, âm thanh tản mạn trong mây khói, giống như đang ở giữa thế giới núi Linh Thứu của Phật. Lại có suối trong chảy quanh chân núi, các du nữ chiều mát quẫy mạnh mái chèo đi hái sen; gặp khi trời đẹp, văn nhân thi sĩ <20a> mang bầu rượu leo từng bậc cấp lên đây ngâm vịnh dưới gốc hoa ở đầu gò, câu chữ nồng nàn, thật là một thắng cảnh cho người du lãm.

Nơi đây, ngày xưa là chỗ chùa tháp đất Phật của nước Cao Miên, nền móng xưa còn thấy rõ. Năm Bính Tý (1816) niên hiệu Gia Long thứ 15, có nhà sư sửa sang lại chùa và đã đào lấy được nhiều gạch lớn, ngói xưa, và cả 2 miếng vàng lá hình vuông, mỗi bề hơn 3 phân, mỗi miếng nặng 3 đồng cân, trên mặt chạm hình cổ Phật kỵ tượng (Phật cưỡi voi), có thể đây là cái vật của Hồ tăng (<2><88>) dùng để trấn tháp đó chăng ?

TÂN BÌNH GIANG (<3><89>) (SÔNG BẾN NGHÉ)

Ở phủ Tân Bình, trước thành Gia Định, tục gọi là sông Bến Nghé, rộng 142 tầm, sâu 10 tầm, khi nước lên sâu 13 thước ta, sông này vừa rộng lớn vừa trong sâu, những tàu buôn và ghe thuyền sông biển trong và ngoài nước ra vào không ngớt, trông thấy đầu tàu nối liền, đuôi cột buồm chi chít, đủ biết đó là nơi đô hội. Từ bến đò trước thành, uốn quanh lên phía tây đến sông Bình Đồng (tục gọi là sông Đồng Cháy) qua sông Băng Bột (Thủy Vọt), ngược lên thủ sở Tầm Phong Tích rồi đến thác lớn Bưng Đàm (Nhồm) là chỗ cuối nguồn, tất cả là <20b> 462 dặm. Từ bến đò trước thành quanh ra phía bắc uốn qua đông xuống cửa Tam Giang Nhà Bè, hợp làm sông Phước Bình đổ ra cửa lớn Cần Giờ là 142 dặm rưỡi. Hai bên sông có nhiều sông nhánh, phía tây nam sông thuộc địa giới trấn Phiên An, phía đông bắc thuộc địa giới trấn Biên Hòa.

CẦN GIỜ (CỬA CẦN GIỜ)

Cửa cảng rộng 5 dặm, khi nước lên cảng sâu 12 tầm, nước ròng sâu 9 tầm, ở về phía đông cách trấn 142 dặm rưỡi, có thủ ngự đạo Cần Giờ, phố chợ rất đông đúc, dân ở đây đều theo nghề đánh cá. Trong cảng nước sâu rộng và rất yên lặng, thường ngày có thuyền buôn ra vào, là nơi hội tụ ghe thuyền đông đúc của thành Gia Định, không đâu sánh được. Truyện "Gia Định Thành Thông Chí " được copy từ diễn đàn Lương Sơn Bạc (LuongSonBac.com)

ĐỒNG TRANH HẢI CẢNG (HẢI CẢNG ĐỒNG TRANH)

Cửa cảng rộng 14 dặm rưỡi, khi nước lên sâu 5 tầm, nước ròng sâu 2 tầm, ở về đông nam cách trấn 126 dặm rưỡi, có đồn canh biển chống giữ. Bờ biển bùn lầy, lòng cảng nước cạn, nên không tiện cho thuyền lớn ra vào, <21b> có lạch nhỏ nước sâu, ở đây có trồng cột tiêu để chỉ lối cho đường thủy. Nhưng do bị gió sóng mưa lụt, nên cảng dời đổi sâu cạn, cong thẳng rất bất thường, phải cần dân ở đó dẫn lối mới đi yên ổn được. Nhưng do nguồn lợi nghề đánh bắt cá bằng lưới đáy (<4><90>), bằng nò rạo (<5><91>) ngoài biển, nên dân ở đây đổ xô đến ở nhiều. Trong cảng có nhiều đường thông nhau rất phức tạp, nay chỉ tạm nói những con đường mà dân chúng thường đi: một đường do sông nhỏ Ốc Len đi về phía bắc ra cửa sông Động Đình, xuống hải cảng Cần Giờ; một đường do sông nhỏ Lò Rèn đi về phía tây bắc ra cửa sông Lôi Giáng đến sông lớn Phước Bình. Còn như dân ở đây khi về bến thì bằng nhiều đường không thể kể xiết.

LÔI LẠP HẢI CẢNG (HẢI CẢNG LÔI LẠP) (<6><92>)

Cửa cảng rộng 4 dặm rưỡi, khi nước lên sâu 4 tầm, nước ròng sâu 2 tầm, cách phía đông nam trấn 62 dặm. Cảng này bùn lầy, nước cạn, dân cư làm nghề chài lưới, câu cá. Phía nam cảng có một đường từ Thảo Giang (Vàm Cỏ) đi về tây nam, trải qua sông Xá Hương xuống đến sông Bảo Định; ở giữa có một đường từ sông Xá Hương đi về phía tây xuống sông Thuận An; phía bắc một đường từ cửa sông Phước Lộc <21b> đi lên hướng tây bắc đến Sa Giang (Rạch Cát) xuống đến sông An Thông. Trong ấy còn nhiều đường tắt quanh co chằng chịt không thể kể hết.

BÌNH TRỊ GIANG

Tục gọi là Rạch Bà Nghè (Thị Nghè) ở địa phận tổng Bình Trị về phía bắc của trấn, từ sông Tân Bình quanh ngả sau trấn lỵ qua khỏi cầu ngang, ngược dòng lên phía tây 4 dặm rưỡi đến cầu Cao Miên; từ cầu chảy về hướng tây bắc chừng 2 dặm đến cầu Chợ Chiểu (Bà Chiểu), chảy về phía nam chừng 4 dặm đến cầu Phú Nhuận (tục danh Xóm Kiệu), 6 dặm rưỡi nữa đến Cầu Huệ là cuối nguồn, nơi đây đầy dẫy những ao vũng.

Bà Nghè là con gái đầu của Khâm sai Chánh thống Vân Trường hầu, tên bà là Nguyễn Thị Khánh, có chồng là thư ký mỗ (<7><93>), người đương thời gọi là Bà Nghè mà không gọi tên thật. Nhân vì khi đầu bà khai chiếm đất ở, bắc cầu ngang qua sông để tiện đi lại, nên dân quen gọi là cầu Bà Nghè (cầu Thị Nghè), cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè (sông Thị Nghè) (<8><94>).

TẤT KIỀU KINH KHẨU

Tục gọi là Cái Tắt (<9><95>) Cầu Sơn, cách phía bắc trấn 7 dặm rưỡi. Từ phía tây bắc Bình Giang ngược dòng qua quan lộ chỗ Cầu Sơn <22a> rồi chuyển về hướng bắc 8 dặm thì đổ ra sông lớn Bình Đồng.

LÃO ĐỐNG (<10><96>) TRẠCH (CHẰM LÃO ĐỐNG)

Cách trấn về phía tây 62 dặm rưỡi, có bến đò Sưu ở đó. Chằm rộng 8 dặm rưỡi, sâu 4, 5 thước ta, bốn mùa nước đều trong vắt bát ngát, từ đầu bến đò chuyển qua nam rồi sang đông chảy ngang đường cái cầu Tham Lương; lại từ đầu bến đò chảy ra bắc đến cửa chằm Nhu Nê (tục gọi là Bến Ngập (<11><97>)) chảy ra Tra Giang (<12><98>) rồi hợp lưu với thượng lưu sông Tân Bình.

TẦM LONG TÂN (BẾN TẦM LUÔNG)

Nguyên trước là đất của Cao Miên (người Cao Miên gọi sang sông là Tầm Long (<13><99>), nay cũng dùng nguyên tên ấy). Chỗ này thuộc địa giới huyện Thuận An, cách tây nam trấn 207 dặm, tiếp giáp với phủ Tầm Đôn của Cao Miên, đây là đường của người Cao Miên đem voi sang cống, có nhiều thuộc Cao Miên (người Cao Miên ở thuộc hạt nước ta mà đóng thuế xong thì gọi là thuộc) cùng người Việt ở lẫn lộn với nhau, rừng rú rậm rạp, những chỗ đã được khai khẩn đều thành ra những cánh đồng trồng dâu, trồng mía.
Logged
KGBFSBCIA
Thành viên
*
Bài viết: 231


« Trả lời #13 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2011, 07:19:31 pm »

BÌNH DƯƠNG GIANG <22b>

Tục gọi là vàm Bến Nghé, thuộc đất huyện Bình Dương, ở về phía nam trấn; dòng sông chảy rất mạnh, thuyền lớn đều lưu thông được, cứ khi nước lên thì đi vào nam, thuận nước ròng đi ra bắc, qua lại không dứt. Giới hạn của sông này đến sông Rạch Ong Nhỏ rồi vào sông Sài Gòn và cùng hợp lưu với sông An Thông.

ĐẠI PHONG GIANG (RẠCH ONG LỚN)

Ở về phía đông sông Bình Dương cách trấn 6 dặm về phía nam. Dòng sông uốn khúc quanh co, hai bên bờ có nhiều cây thủy liễu, tục gọi cây bần, ô lô (<14><100>), thủy vi, tục gọi là rau ráng (<15><101>). Chảy xuống hướng đông 4 dặm rưỡi thì chia làm 2 nhánh, nhánh bên phải chảy vào nam 4 dặm rưỡi hợp với sông Tiểu Phong (rạch Ong Nhỏ); nhánh bên trái chảy sang đông bắc 1 dặm rưỡi đến Phổ Giang, 5 dặm rưỡi nữa chảy ra bắc đổ ra sông Thủy Vi, (tục gọi là Khúc Ráng) rồi hợp với sông lớn Phước Bình.

TIỂU PHONG GIANG (RẠCH ONG NHỎ)

Sông này gối đầu vào giáp giới của 2 con sông Bình Dương và An Thông, cách phía nam trấn 6 dặm rưỡi, chảy ra bắc rồi hợp với sông Đại Phong (rạch Ong Lớn).

AN THÔNG HÀ (<16><102>)

Tục gọi là sông Sài Gòn ở về phía tây nam của trấn. Sông cũ từ cầu Thị Thông đi qua Sài Gòn đến sông Lao, chảy quanh co mà nhỏ hẹp, khuất khúc, nước cạn. Mùa xuân năm Kỷ Mão (1819) niên hiệu Gia Long thứ 18, vua sai Phó Tổng trấn thành Gia Định là <23a> Thị trung Tả Thống chế Lý Chính hầu Hoàng Công Lý (cha vợ vua) giám đốc dân phu trấn Phiên An hơn 11.460 suất chia làm 3 phiên, quan trấn cấp tiền gạo, để đổi đường sông cũ, đào mở kinh mới. Bắt đầu từ cầu Thị Thông (Bà Thuồng) thẳng đến sông Mã Trường (kinh Ruột Ngựa) dài 2129 tầm 1 thước, kể tương đương 9 dặm rưỡi (kém số cũ 997 tầm), bề ngang 15 tầm sâu 9 thước ta, 2 bên để đất trống đều rộng 8 tầm (<17><103>), đến đường quan bề ngang 6 tầm. Khởi đào vào ngày 23 tháng giêng đến ngày 23 tháng tư thì xong. Vua ban tên gọi là sông An Thông; dòng sông sâu rộng, ghe thuyền đậu dài 10 dặm, tùy theo con nước lên xuống mà đi lại, cùng nhau chèo chống ca hát, ngày đêm tấp nập, là chỗ lưu thông đô hội rất là tiện lợi.

MÃ TRƯỜNG GIANG (KINH RUỘT NGỰA) (<18><104>)

Nguyên xưa từ cửa Rạch Cát qua phía bắc đến Lò Ngói có một đường nước đọng trâu đi, ghe thuyền không đi lại được. <23b> Mùa thu Nhâm Thìn (1772), Đốc chiến Đàm Ân hầu (con thứ 5 của Chính thống Vân Trường hầu) sau khi đi dẹp Cao Miên về, cho đào con kinh thẳng như ruột ngựa, nên mới đặt tên ấy, nhưng nó hãy còn cạn hẹp, nên thuyền đi đến đây phải tạm dừng để đợi nước lên mới đi tiếp qua được. Đến nay đã đào thêm khá sâu rộng. Nhân dân đều cho là rất tiện lợi.

SA GIANG (RẠCH CÁT)

Ở về phía đông nam thượng lưu sông Tân Long, cách trấn về phía tây nam 22 dặm. Nước sông chảy vào hướng nam, quặt quẹo qua đông 29 dặm rưỡi đến sông Phước Lộc, 61 dặm chảy ra cửa biển Lôi Lạp (Soi Rạp). Hai bên là ruộng nương, bờ ruộng chạy ngang dọc chằng chịt.

TÂN LONG GIANG (SÔNG CHỢ ĐỆM - NGÃ TƯ BA CỤM)

(Phía trên từ cửa trên sông Sa Giang (Rạch Cát), dưới đến sông lớn Thuận An, sông này làm giới hạn cho huyện Tân Long). Cách trấn về phía tây nam 22 dặm, chảy về tây nam 5 dặm rưỡi đến chợ Bình An (tục gọi là Ngã Tư, thuộc đất thôn Bình An). Dọc theo sông, phố xá trù mật, bán các thứ như xuồng <24a> gỗ than, dầu rái, bao cà ròn và buồm chiếu. Quá 12 dặm rưỡi đến quán Tam Dong (ba cây Đa) (<19><105>) (tục gọi là xóm Ba Cụm) (<20><106>) có miếu cổ ba cây Đa. Nước sông có phèn và mặn, có nhiều thứ cây cỏ hẹ và tu xà; 11 dặm rưỡi nữa đến cửa Trúc Giang, 8 dặm rưỡi đến sông lớn Thuận An (tục gọi vàm Bến Lức). Trước khi đi đến sông Thuận An nửa dặm có chợ Phước Tú (tục gọi là chợ Bến Lức) thuộc thôn Phước Tú. Ở bờ phía nam sông ấy, quán xá trù mật, thuyền bè qua lại tạm dừng để đợi nước lên sẽ đi tiếp vào nam hay ra bắc. Sau chợ là sở huyện nha.

THUẬN AN GIANG

Tục gọi là sông Bến Lức, thuộc địa phận huyện Thuận An (Nay là Tân An), cách trấn về phía tây nam 67 dặm; sông rộng nửa dặm, sâu 5 tầm, mùa đông, mùa xuân nước trong mà mặn, mùa thu, mùa hạ nước đục mà lợ. Đối diện cửa sông Tân Long ngược lên tây bắc 93 dặm rưỡi đến thủ sở đạo Quang Hóa (<21><107>). Đối diện cửa sông Tân Long xuống đông nam chảy 42 dặm đến <24b> sông Xá Hương.

SONG MA GIANG (SÔNG ĐÔI MA)

Cũng gọi là sông Tình Trinh ở bờ bắc hạ lưu sông Thuận An, cách phía nam trấn 90 dặm. Tương truyền xưa có người con gái nhà giàu họ Phạm, tuổi vừa cập kê, đem lòng yêu phong cách cậu học sinh họ Nguyễn nọ nhưng hổ thẹn về việc tự ước hẹn (<22><108>), còn cậu học sinh thì vì nhà nghèo hèn, không dám nhờ mai mối cầu hôn; cô gái sinh ra tương tư u buồn rồi chết, cha mẹ cô thương tiếc không nỡ vội chôn, bèn làm lều sau vườn tạm để khơi quan tài ở đấy, cậu học sinh nghe tin cô gái vì mình mà chết cũng đến thắt cổ tự tử (<23><109>) chết bên cạnh cô, nhân đó người ta quàn 2 quan tài cạnh nhau, do âm khí kết tụ, lâu ngày thành ma phá phách. Ban đầu còn nương hồng tựa lục, hiện bóng dật dờ trong canh khuya, đêm vắng! Sau lại loan nghiêng phụng ngửa, ngả ngớn hiện hình trong lúc ban ngày, ban mặt ở chỗ đông người, nhưng khi ấy cũng chưa làm hại đến ai. Mãi sau cha mẹ cô chết, nhà cửa suy tàn <25a>, 2 cái quan tài ấy rốt lại không ai chôn cất, lùm buội mọc phủ lên thành gò, vong hồn ấy có khi hóa làm du nữ đi lừa ghẹo người ta, hoặc giả bóng thuyền buôn bỡn người qua lại, dân ở đấy rất phiền khổ nên gọi tên chỗ ấy là Song Ma (Đôi Ma) để biết mà tránh. Khi Tây Sơn vào chiếm, đi qua chỗ nầy, ghét nghe chuyện ma quỷ ấy bèn xả súng lớn bắn liền vào mấy phát rồi đốt lều để quan tài ấy, từ đó ma quái mới diệt hẳn (<24><110>).

CHÂU PHÊ GIANG (SÔNG CHÂU PHÊ)

Ở bờ phía bắc sông Bảo Định, cách trấn về phía tây nam 97 dặm rưỡi. Nguyên xưa sông này thuộc đất Cao Miên, từ khi Chiêu trùy Yêm (cũng gọi là Keo hoa (<25><111>)), từ Gia Định về Cao Miên để thọ phong vương vị cho đến sau bị người em là Nặc Thâm ngầm tranh gây loạn, bị dân chống lại, Thâm và em út là Nặc Tân cùng chạy qua Xiêm La xin quân trợ chiến, Nặc Ong Yêm (<26><112>) chạy qua Gia Định để xin viện binh với triều đình ta <25b>. Năm Ất Dậu đời Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế thứ 15 Tộ Quốc công Nguyễn Phúc Chu (1705) (Lê Dụ Tông niên hiệu Vĩnh Thịnh năm đầu, Thanh Khang Hy thứ 44), sai Chính thống Vân Trường hầu Nguyễn Phước Vân thống lãnh quân thủy bộ đánh tan quân Xiêm. Nặc Ong Yêm trở về yên vị tại đất cũ La Vách (<27><113>), Vân Trường hầu lập đồn điền ở Vũng Gù làm người mở đầu việc khai khẩn cho quân dân. Sau Vân Trường hầu về kinh bái yết, Khâm ban cho con trưởng của hầu là Phó tướng Triêm Ân hầu trấn thủ dinh Trấn Biên. Năm Ất Mùi thứ 25 (1715) (Lê Dụ Tông niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11, Thanh Khang Hy thứ 54), (Trấn thần đem việc đồn điền tâu lên), vua châu phê (<28><114>) chuẩn cho 2 sở ruộng hạng 2 và hạng 3 làm quan điền biệt thực, nên gọi ruộng ấy là ruộng Châu Phê và người ta cũng gọi sông này là sông Châu Phê. Hiện nay ruộng ấy ở địa phận 3 thôn: Bình Khuê, Bình Trung và Bình Tuyên (nay đổi là Phú Thạnh) thuộc tổng Bình Cách, 2 sở ruộng nầy qua các đời đều chuẩn làm tự điền cho Nguyễn Công.
Logged
KGBFSBCIA
Thành viên
*
Bài viết: 231


« Trả lời #14 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2011, 07:20:13 pm »

XÁ HƯƠNG GIANG (SÔNG XÁ HƯƠNG)

Sông này ở bờ bắc hạ lưu sông lớn Hưng Hòa, cách phía nam trấn 109 dặm. Khi chưa mở 2 kinh Ruột Ngựa <26a> và Vũng Gù thì đi thuyền phải từ sông Bình Dương vào sông Đại Phong (rạch Ong Lớn), xuống hạ khẩu Sa Giang (Rạch Cát), qua sông Phước Lộc, lên sông Xá Hương, đến Tra Giang, tới sông Kỳ (Cà) Hôn, rồi ra sông lớn Mỹ Tho. Lúc ấy vua nước Cao Miên là Nặc Ong Yêm bị em là Nặc Thâm viện quân Xiêm La về đánh; Yêm chạy qua Gia Định cầu cứu, quan quân đem viện binh đánh Nặc Thâm ở Rạch Gầm, đại binh đi trước, Xá sai ty của dinh Phiên Trấn là Mai Công Hương làm quan chuyển vận lương thực đi sau; khi đến chỗ nầy bị kỳ binh (<29><115>) Cao Miên chận đánh ngang mạn sườn. Đội quân chuyển vận vì ít nên không dám đánh trả, phải bỏ chạy trốn. Xá Hương bèn đục thuyền làm chìm lương thực rồi nhảy xuống sông tự trầm, quân Cao Miên không cướp được gì. Sau khi bình định xong, kể công trạng tâu lên, triều đình bàn bạc thưởng phong cho Xá Hương làm Vị quốc tử nghĩa thần quan, cho lập đền thờ tại nơi ấy và ghi vào tự điển. Người địa phương cầu khấn điều gì đều được linh ứng, đến nay hương hỏa vẫn còn.

BÁT TÂN GIANG (VÀM BÁT TÂN)

Ở phía bờ nam sông Thuận An, cách hạ khẩu sông Tân Long một dặm rưỡi, cửa sông này rộng 12 tầm, khi nước lên sâu 16 thước ta, nước ròng sâu 9 thước ta, đi càng xa thì lòng sông càng hẹp quanh co. Về phía nam 9 dặm đến cửa sông nhỏ Thủ Huấn, sông nhỏ chảy về phía tây bắc 4 dặm thì đến cầu ngang Cai Đao, năm dặm rưỡi đến cửa sông nhỏ Cai Đao, tới bến Thủ Đoàn, 5 dặm rưỡi đến ngã ba giới hạn sông, chảy xuống ngách đông nam, 5 dặm đến cầu ngang Trùm Tự, 5 dặm nữa đến ngã ba Nước Mặn, ngách phía đông chảy ra cửa sông Chanh, hợp với hạ lưu sông Thuận An; ngách phía nam 9 dặm rưỡi đến cầu ngang Lão Hồng (Ông Hồng), hơn 3 dặm nữa ra sông lớn Hưng Hòa, 7 dặm rưỡi đến cầu ngang Xã Hưng, phía đông cầu có chợ búa, xóm nhà đông đúc, một dặm rưỡi nữa đến ngã ba sông nhỏ Cai Tài, nước rộng 5 tầm, nước lớn sâu 5 thước ta, nước ròng sâu 3 thước ta (sông nhỏ chảy về phía tây bắc 2 dặm rưỡi đến cầu ngang Bình Nghị trên đường bộ, 2 dặm rưỡi đến ngã ba, ngách phía bắc 4 dặm rưỡi thì ra cửa sông nhỏ Lão Viên (Ông Viên) tới bến Thủ Đoàn, ngách phía tây hơn 5 dặm đến sông nhỏ Trâm Mộc (Thủy ?) tới cửa dưới sông Tà Cú chảy ra sông lớn Hưng Hòa) 2 dặm rưỡi đến cầu ngang Cai Tài, bờ phía tây có chợ nhỏ Bình Cang, quán xá thưa thớt, 7 dặm rưỡi nữa thì đến sông lớn Hưng Hòa, đường ấy rất khó đi, cho nên phần đông người ta theo đường Tà Cú để đi qua.

TÀ CÚ KINH

Ở bờ phía tây sông Thuận An, phía đông cách cửa sông Tân Long 6 dặm rưỡi. Cửa kinh gọi là bến Thủ Đoàn nước chảy quanh queo, cây cối 2 bên bờ vắt ngang trên mặt sông, nhưng cũng khá sâu rộng đi được, nên thuyền lớn vẫn đi qua được. Qua chợ Bo Bo (<30><116>) 22 dặm, rồi ra sông lớn Hưng Hòa (<31><117>).

QUANG HÓA GIANG (SÔNG QUANG HÓA) <27a>

Ở thượng lưu sông Thuận An (Bến Lức), cách trấn về phía tây 160 dặm rưỡi. Thủ sở ở bờ phía bắc sông lớn nầy, có người nước ta, người Tàu và người Cao Miên ở chung làm ăn với nhau, có tuần ty coi việc thâu thuế cước và phòng giữ biên giới. Từ đây chảy 24 dặm rưỡi đến cửa sông Khê Lăng (<32><118>), 91 dặm rưỡi đến thủ sở Quang Phong giáp ranh giới Cao Miên. Đây là đường mà sứ thần Cao Miên sang cống phải đi qua. Dọc theo sông ruộng đất mới vỡ, còn nhiều rừng rú; ngược lên hướng tây sông chia làm 2 nhánh: nhánh phía bắc (tục gọi là Cái Bát) (<33><119>) đi hơn 100 dặm đến cuối nguồn nhập rừng Quang Hóa, nhánh phía tây (tục danh Cái Cạy (Cậy) (<34><120>) đi hướng tây hơn 150 dặm cũng đến cuối nguồn. Tới đây đều là rừng núi Quang Hóa liền nhau.

KHÊ LĂNG GIANG (SÔNG KHE RĂNG)

Ở bờ phía bắc sông Quang Hóa, cách phía tây trấn 185 dặm rưỡi. Từ cửa sông ngược dòng theo sông nhỏ <27b> lên phía bắc 61 dặm đến thủ sở Thuận Thành. Nguồn sông phát từ ao chằm núi Bà Đinh (Đen), róc rách chảy xuống, nhân dân khai thác nguồn lợi từ núi rừng chằm ao, đi về không dứt.

QUANG HÓA LÂM (RỪNG QUANG HÓA)

Ở địa giới cùng tột phía tây của trấn. Ở đây gò đống trùng điệp, rừng rậm liên tiếp, cây gỗ cao lớn đứng chọc trời, che kín mặt trời, um tùm chừng vài trăm dặm. Ở đây có gỗ đóng ghe, đóng thuyền, nên thợ rừng, thợ mộc cất lều trại để đốn gỗ, làm than củi, lấy dầu rái, mây cứng, mây nước (song) và săn bắn những loài tê, voi, hươu, nai, ngựa rừng, trâu rừng, chim, muông để lấy nanh, sừng, lông thú, lông chim, phơi khô thịt và da rồi đem bán kiếm rất nhiều lợi.

PHÙ LÂU VIÊN (VƯỜN TRẦU)

Ở về phía tây cách trấn 52 dặm rưỡi. Địa thế xung yếu, nằm ngay trên đường bộ thông suốt vào Cao Miên, đặt đạo Quang Oai ở đấy để canh giữ. Khi trước có 18 thôn phụ giữ nơi ấy, dân cư ở đây rất đông đúc, tạo thành một chợ lớn ở miền núi <28a>. Dân nơi đây đều có sản nghiệp, phần nhiều là vườn trầu, họ thường gánh trầu đi bộ từng nhóm 3, 4 mươi người xuống bán ở hai chợ Sài Gòn và Bến Nghé. Nơi đây còn nhiều rừng rậm, cọp dữ thường hay bắt người ăn thịt nên có câu: Hung dữ như cọp Vườn Trầu.

Mùa xuân tháng 3 năm Nhâm Dần, đời vua Thế Tổ Cao hoàng đế năm thứ (5) (1782) quân giặc Tây Sơn (<35><121>) do Nguyễn Văn Nhạc đem binh thủy bộ vào cướp phá, Gia Định thất thủ. Tháng 4 thì bộ binh Tây Sơn từ trấn Biên Hòa do thượng đạo đến trấn Phiên An. Lúc ấy quan binh là Tiết chế Hữu chưởng dinh Dụ Quận công Nguyễn điều biệt tướng ở Bắc Hà là Tự Thuật hầu và tướng quân đạo Hòa Nghĩa là Chương Mỹ hầu Trần Công Chương về toan khôi phục. Khi gặp toán tiền quân giặc Tây Sơn vừa đến vùng Vườn Trầu, bèn phục binh trong rừng đánh úp quân Tây Sơn, hai hầu Tự và Chương giết được đại tướng Tây Sơn là ngụy Hộ giá tên Ngạn, chẳng ngờ lúc ấy đại binh ngụy Tây Sơn kéo đến, quan quân phải rút lui. Ngụy Nhạc được báo tin, rất thương tiếc cái chết của Ngạn, mất Ngạn như mất cả hai cánh tay mặt, trái. Sau biết quân Hòa Nghĩa đều là người Tàu, Nhạc bèn giận lây, nên phàm người Tàu không kể mới cũ, binh lính hay thương buôn <28b>, đều bị giết tất cả hơn 10.000 người, từ Bến Nghé đến Sài Gòn, thây nằm chồng chất ngổn ngang, xác quăng xuống sông làm nước nghẽn không chảy được nữa! Trải qua 2, 3 tháng người ta không dám ăn cá tôm dưới sông này. Còn hàng hóa của Tàu như sa, lụa, trà, thuốc, hương, giấy (nói chung bất cứ vật gì của người Tàu), ai có trong nhà cũng đều đem quăng ra đường, mà chẳng ai dám lấy. Qua năm sau, thứ trà xấu một cân giá bán lên đến 8 quan, 1 cây kim bán đến 1 mạch (<36><122>), còn các hàng hóa khác cũng đều cao giá, nhân dân đều khổ theo.

CÔN LÔN ĐẢO (ĐẢO CÔN NÔN) (<37><123>)

Ở giữa biển Đông, từ cửa cảng Cần Giờ chạy thuyền ra biển theo hướng đông mặt trời mọc 2 ngày mới đến. Đảo lớn 100 dặm, có ruộng núi trồng lúa, bắp, khoai, đậu, nhưng cũng không nhiều, nên thường phải mua gạo ở Gia Định mới đủ dùng. Thổ sản ở đây là ngựa và trâu, núi không có cọp beo. Dân ở đảo tự kết lại làm binh sĩ, gọi Tiệp Nhất, Tiệp Nhị, Tiệp Tam ba đội, trực thuộc đạo Cần Giờ, có đủ khí giới để giữ gìn đất ấy phòng quân cướp hung dữ Đồ Bà (<38><124>), không cần kêu gọi chỗ khác đến giúp. Dân lính ở đấy thường lấy yến sào, đồi mồi, vích, quế hương, mắm, ốc tai tượng, rồi theo mùa mà dâng nộp; còn lại thì đánh bắt hải sản như cá, tôm để sinh sống. Quả cau ở đây to, vỏ màu hồng, vị lại ngọt thơm, cứ đến đầu mùa xuân, lúc cau ở Gia Định chưa kết quả, thì cau ở đây đã dùng được, người ta chở vào bán với giá rất cao.
Logged
KGBFSBCIA
Thành viên
*
Bài viết: 231


« Trả lời #15 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2011, 07:21:05 pm »

BA GIẾNG TỐT TRẤN PHIÊN AN

Cái thứ nhất ở sông nhỏ Trúc (?) (<39><125>) ở Bến Nghé, gọi là giếng Tấn. Giữa dòng nước đục mặn trào lên cái suối nước ngọt, ban đầu dân ở đó lấy ống tre đặt vào miệng suối, nước phun lên, rồi dùng vò hứng lấy, giếng phun không bao giờ dứt. Sau đó người ta xây đá đắp đất cho liền với chỗ đất bằng, nước rất tốt, người người đều đến lấy dùng.

Một cái khác ở bến nước bờ bắc sông Bình Dương, thuộc địa phận xóm phía tây thôn Tân An, gọi là giếng Danh (tức giếng Tiếng, còn gọi là giếng Bá Đa Lộc).

Một cái nữa ở bờ Tây sông cũ Tân Long thuộc địa phận thôn Tân Phú Hội, gọi là giếng Nhuận.

<29b> Cả ba giếng nầy, người ở gần xa đều đem thuyền đến chở hoặc đến gánh bộ, tranh nhau múc liên tiếp không lúc nào vắng người.

TẨU (RỪNG SÁC)

Từ Tam Giang Nhà Bè đến Cần Giờ, Đồng Tranh, Lôi Lạp (Soi Rạp) đều có những vật sản có lợi như củi cây, tôm cá và hải sản cũng giống như ở trấn Biên Hòa vậy.

---------------------------------------------------

Chú thích:

(<1><87>) Núi Bà Đinh tức Bà Đen cũng còn gọi là Chơn Bà Đen hay Chiêng Bà Đen. Di cảo của Trương Vĩnh Ký gọi theo tên cũ của Khơ me là Phnom Cơn Bà Đèn. Người dân địa phương cũng như khách hành hương đều thành kính gọi kiêng húy là núi Bà Thâm!

(<2><88>) Hồ tăng là tăng nhân người Ấn Độ.

(<3><89>) Đối chiếu đoạn tả sông Băng Bột (Thủy Vọt) và sông Tân Bình nầy, sẽ thấy sông Băng Bột là khúc trên của Tân Bình, sông Tân Bình là đoạn dưới của Băng Bột, thực tế hai sông là một.

(<4><90>) Hải để võng (海底網) là miệng đáy đặt ngoài biển, cách thức cũng như đáy sông nhưng to rộng hơn.

(<5><91>) Nò rạo: Là một hình thức đăng lớn ở biển để bắt cá lớn.

(<6><92>) Hải Cảng Lôi Lạp, còn đọc là Lôi Rạp, Soi Rạp, Soai Rạp. Xin chọn đọc là Soi Rạp.

(<7><93>) Nguyên văn Qui phu thư ký mỗ (歸夫書記某) nghĩa là "về với chồng là thư ký nọ". Chữ mỗ (某) chỉ một người không rõ họ tên, ta quen dịch là nọ. Ban đầu đọc đoạn văn nầy dễ thắc mắc: tại sao gọi bà Khánh là bà Nghè, tức vợ ông Nghè, là vợ ông Tiến sĩ trong khi chồng bà Khánh chỉ là một viên thư ký (không phải chức vụ của một ông Tiến sĩ)? Thường các ông Tú tài được sung vào chức thư ký biên chép ở các nha huyện thời đó. Tự điển chữ Nôm của Yonosuke Takeuchi ở trang 358 ghi rõ chữ Nôm nghè (儀) có hai nghĩa:

- Nghĩa thứ nhất là ông Nghè, tức ông Tiến sĩ thời xưa.

- Nghĩa thứ hai là ông thư ký, ông nhân viên văn phòng để các quan lớn sai phái mà ông Yonosuke Takeuchi đã chú bằng chữ Hán là Vương triều thời đại dịch nhân nghĩa là "kẻ để sai phái thời vua chúa" (翁儀:王朝時代役人). Như vậy bà Nghè chỉ có nghĩa là bà vợ một ông thư ký thường như Trịnh Hoài Đức đã nói rõ trong đoạn văn tả sông Bình Trị.

(<8><94>) Sông Bà Nghè hay Thị Nghè, người Pháp gọi là Arroyo de l'Avalanche.

(<9><95>) Nguyên văn viết 丐'橋山 tức phải đọc theo chữ Nôm là Cái Dứt Cầu Sơn, vì chữ ' nầy ở cả hai cuốn Tự điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính và Yonosuke Takeuchi đều đọc là Dứt, còn chữ Tắt có nghĩa (đường) tắt, thì chỉ sách Takeuchi có và viết熄 chớ không phải '. Tuy nhiên, toàn bộ quyển GĐTTC, thấy chữ Tắt đều được khắc in là '. Vậy nơi đây xin đọc là Cái Tắt Cầu Sơn cho hợp với tên địa phương, và Kính Châu ở trước cũng xin đọc là cù lao Cái Tắt, cũng như Tắt Cây Sung ở phần sau.

(<10><96>) Nguyên văn viết 老y. Chữ y nầy tra tự điển Nôm chưa thấy! Thượng Tân Thị phiên là Đuôn e chưa đúng vì con đuôn phải viết là /. Nhóm dịch giả VSH đọc Dong cũng chưa đúng vì Dong phải viết là 炵. Di cảo của Trương Vĩnh Ký ghi là đầm Lão Đống hợp với tên gọi của người địa phương, chính là đầm Gò Vấp ở Gia Định giáp với Hốc Môn hiện nay.

(<11><97>) Nguyên văn viết {. Chữ { tra tự điển chưa thấy. Bản dịch của nhóm dịch giả VSH ghi là "Bến Lầy" có lẽ chưa chính xác vì chữ lầy phải viết là淶 , 1 ,2. Nguyên văn đính kèm bản dịch của Nguyễn Tạo viết là仍 nên ông ghi là bến. Nguyên văn bản lưu trữ của VHN viết là 34 tức đò (4). Tra cứu văn Nôm và tục danh Nam Bộ, thường thấy có chữ汲 đọc là ngập, tự dạng rất giống chữ扔 trong nguyên văn, mà nghĩa cũng hợp với nội dung vì chằm Nhu Nê (濡泥) có nghĩa là chằm Thấm Ướt Bùn Sình, tức hàm ý ngập nước quanh năm. Vậy xin tạm chọn chữ nầy vì e rằng thợ khắc thiếu một nét khiến cập (及) thành nãi (乃) từ đó dẫn tới chữ { tìm không thấy thay vì là chữ ngập (汲).

(<12><98>) Xem chú thích ở đoạn nói về Tra Giang.

(<13><99>) Tầm Long尋竜. Người Khơ me miền dưới ở các vùng Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Châu Đốc, Việt Nam gọi sang sông là Chhlâng, cũng đọc Chhlon, tiếng Khơ me Krọms (Khơ me miền dưới) đọc trại thành Tầm Lon, người Việt đọc nhại theo thành Tầm Long; chuyển âm Nam Bộ thành Tầm Luông.

(<14><100>) Tức ô rô, vì chữ Hán không diễn âm R được, nên thay bằng âm L, nên rô viết thành lô.

(<15><101>) Nguyên văn viết là 5. Chữ Nôm 5 có thể đọc là trầu hay rau, nhưng chúng tôi chọn "rau" vì đây là thứ cây mọc thành lùm ở bờ sông nước mặn cạnh ô rô, cóc kèn, đọt non có thể bẻ chấm mắm chưng ăn rất ngon, cọng già chặt phơi khô bó thành chổi ráng, là thứ chổi tiện dụng ở Nam Bộ, tên chữ Hán là Thủy vi (tức cây lau nước).

(<16><102>) An Thông Hà (安通河) là khúc sông Sài Gòn từ rạch Ong Nhỏ vô Chợ Lớn.

(<17><103>) 1 tầm = 3,2 m. Vậy 2129 tầm bằng (3,2 x 2129) = 6.812 m.

1 dặm = 720 m. Vậy 9,5 dặm = (720 m x 9,5) = 6812 m. Vậy 2.129 tầm tương đương 9 dặm rưỡi.

(<18><104>) Tiếng Nam Bộ không gọi con sông đào là kênh mà gọi là kinh như "kinh Xáng", "kinh Tàu Hũ" "cầu Kinh" chẳng hạn." Kinh Ruột Ngựa" là tên dân gian quen gọi từ lâu.

(<19><105>) Nguyên văn viết: 三榕. Chữ 榕 có thể đọc Dung hay Dong và có nghĩa là cây Đa, hay cây Si.

(<20><106>) Chữ Nôm viết là 6, đọc khóm như nhóm dịch giả VSH là không chính xác. Chữ Nôm 6 đọc là cụm; tên gọi Ba Cụm hiện còn thông dụng trong nhân dân.

(<21><107>) Quang Hóa nay là Trảng Bàng ở Tây Ninh.

(<22><108>) Nguyên văn sỉ tư ước (恥私約) có nghĩa là thẹn chuyện tự ước hẹn với nhau không đợi lịnh mẹ cha chớ không phải thẹn chuyện hẹn hò gặp gỡ riêng tư.

(<23><109>) Nguyên văn là trĩ kinh (雉經) có nghĩa là dùng thòng lọng thắt cổ tự tử, đồng nghĩa như tự ải.

Logged
KGBFSBCIA
Thành viên
*
Bài viết: 231


« Trả lời #16 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2011, 07:21:28 pm »

(<24><110>) Cám cảnh chuyện tình Đôi Ma, năm 1896 một người Trung Quốc chủ nhơn hiệu thuốc bắc Nhơn Ái Đường ở Mỹ Tho và ông Thượng Tân Thị hồi năm 1907 mỗi người làm một bài thơ vịnh. Nay xin chép ra: (Trích Tự vị tiếng Việt miền Nam của Vương Hồng Sển).

Bài của ông chủ Nhơn Ái Đường: Bài của Thượng Tân Thị:

Vực thẳm cây cao chiếm một tòa Trải qua Rạch Kiến ác chinh chinh

Sống không lẻ cặp chết đôi ma Nghe nói đôi ma bắt lạnh mình

Hồn hoa đem gởi chòm mây bạc Thảm nỗi con nhà sanh bất hiếu

Phách quế nương theo bóng nguyệt tà Ngán cho giọt nước khéo vô tình

Con nước chảy ròng rồi kế lớn Sống thề chưa vẹn duyên kim cải

Tấm lòng có bậu lại cùng qua Thác nguyện cùng theo chốn thủy tinh

Căn duyên ai khiến xui cho đấy Ai hỏi hồn thiêng như có biết

Tiếng để ngàn thu cũng cũng là. Tiếng đời lượn sóng nỗi linh đinh.

(<25><111>) Chiêu trùy hay Keo hoa là tên chức quan rất to của Khơ me, tương đương chức Phụ chính đại thần và thường do các hoàng thân đảm nhiệm.

(<26><112>) Nặc Ong Yêm tức Neac ang Eng, con của Nặc Ong Non (Neac ang Non).

(<27><113>) Thành La Vách trên đất Khơ me là thành Lovek ở Oudong.

(<28><114>) Châu phê: Chữ vua phê dùng màu son đỏ, nên về sau cái gì vua ban cũng gọi là châu phê như ruộng châu phê tức ruộng do vua ban thưởng.

(<29><115>) Kỳ binh (奇兵) tức quân phục kích thừa lúc địch bất ý đề phòng mà ùa ra đánh.

(<30><116>) Nguyên văn viết 甫甫 tức Phủ Phủ, có lẽ là bản gỗ khắc nhầm, vì thực tế tại địa phương vùng Trà Cú có chợ Bo Bo mà chữ Nôm phải viết là 脯脯. Theo Trương Vĩnh Ký trong PCGBC thì kinh này gọi là Tà Cú, Trà Cú hay Lợi Tế Hà. Có lẽ từ tiếng Khơ me Thkó đọc trại ra là Tà Cú, Trà Cú!

(<31><117>) Sông Hưng Hòa (興和江) tức sông Vàm Cỏ Tây, Pháp gọi là Vaico Occidental, chảy từ Tân An tới Miếu Ông, khi chảy qua làng Hưng Hòa có tên là Hưng Hòa giang.

(<32><118>) Sông Khê Lăng (溪陵江): Theo Trương Vĩnh Ký trong PCGBC thì sông Khê Lăng tức rạch Khe Răng thuộc vùng Sài Gòn là không phải sông Khê Lăng ở sông Quang Hóa vùng Tây Ninh. Truyện "Gia Định Thành Thông Chí " được copy từ diễn đàn Lương Sơn Bạc (LuongSonBac.com)

(<33><119>) Cái Bát, nguyên văn VHN lưu trữ viết 丐扒, chữ Nôm 扒 đúng ra phải đọc là bớt, nhưng trong ngữ cảnh nầy phải đọc là bát. Nguyên văn bản VSH viết đúng Cái Bát (丐撥).

(<34><120>) Cái Cậy (Cạy): Nguyên văn viết 丐7, chữ Nôm 7 đúng ra phải đọc là cậy, nhưng trong ngữ cảnh nầy phải đọc là cạy. Trong Nam đi ghe ban đêm thấy ghe đi ngược chiều hô bát là lấy mũi qua phải, thì ghe kia cũng phải hô bát là lấy mũi qua phải cho khỏi đụng. Khi nào vào bến muốn quẹo trái mới được hô cạy.

(<35><121>) Theo quan điểm đương thời của Trịnh Hoài Đức.

(<36><122>) Mạch (陌): Xưa dùng như chữ bách (百) là một trăm gián, tương đương 60 hoặc 70 đồng kẽm, là đơn vị tiền tệ nhỏ nhất. Còn tiền là đơn vị lớn hơn nhiều, 60 tiền bằng một quan.

(<37><123>) Côn Lôn (崑侖) còn gọi là Côn Nôn, Côn Sơn, Sondun, Poulo Kondur, đảo Bầu Bí, là quần đảo gồm 14 hòn ở cách cửa sông Bassac 84 km, dài 15 km, bề ngang chỗ rộng nhất là 9 km, chỗ hẹp nhất là 3 km, diện tích 7.728 ha, có 70 mẫu ruộng đã thuộc, Pháp gọi là Poulo condore, và dùng làm nơi đày tù khổ sai, chủ yếu là tù chính trị.

(<38><124>) Đồ Bà (闍|) tức từ người Việt mình dùng để gọi người Chà Và như Chà Và Châu Giang, Chà Và Mã Lai, Chà Và Nam Dương nhưng không phải người Chà Ấn Độ. Ở phần cuối sách Trịnh Hoài Đức có chú thích và qua đó ta biết đây là người Chà ở đảo Malacca (Mãn Lạt Gia hay Ma Lục Giáp).

(<39><125>) Nguyên văn viết 竹9. Chữ này Vương Hồng Sển ghi là Trúc Bài hay Trúc Bè. Nhóm dịch giả VSH dịch thành ra là Bè Tre. Có lẽ các tác giả đã phỏng đoán vì chữ này tra tự điển Hán Nôm đều không thấy.
Logged
KGBFSBCIA
Thành viên
*
Bài viết: 231


« Trả lời #17 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2011, 07:22:17 pm »

2c.
Trấn Định Tường

KIẾN ĐỊNH GIỒNG (GIỒNG KIẾN ĐỊNH) (<1><126>)

Ngày xưa đây là lỵ sở, nay đã chuyển đi nơi khác. Chỗ nầy có gò đất nổi cao, bốn phía đều bằng phẳng rộng rãi, là nơi trọng yếu của đường bộ, xưa nay từng là nơi chiến địa. Khi nhà Nguyễn mới Trung hưng (đời Thế tổ Cao hoàng đế 1778), từng đóng đồn ở chỗ hiểm yếu ấy, sau khi đại định không tu bổ nữa, nhưng nền cũ vẫn còn nên nay đặt làm huyện lỵ. Xuống phía đông 18 dặm đến giồng Yến (giồng Cánh Én), phía tây có giồng Kỳ Lân <30a>, giồng Trảo Trảo và giồng Dự (<2><127>), 3 giồng cao thấp lên xuống tiếp tục nhau, cách tây nam 25 dặm đến giồng Lữ (<3><128>), lại cách phía tây 4 dặm đến giồng Trà Luật (Trà Luộc), 28 dặm đến giồng Sao (<4><129>), 6 dặm đến giồng Triệu. Các giồng này tuy lớn nhỏ không đều nhưng đều trồng bông vải, dâu, gai, dưa, đậu, khoai, thuốc lá, bắp, dân đều lấy đó làm sản nghiệp.

TAM GIỒNG (BA GIỒNG)

Ở địa phận trấn Định Tường, đất nầy gò đống lồi lõm, cây cối um tùm liền nhau xuyên qua giữa 2 huyện Kiến Đăng và Kiến Hưng. Phía trước có sông dài ngăn lại, ở sau dựa theo bưng biền, đây là chỗ cứ hiểm tụ nghĩa của đảng Đông Sơn (đảng của Đỗ Thanh Nhơn). Năm Bính Thân (1776) có binh biến, Ngoại hữu Phương Quận công dùng quân nghĩa lữ Đông Sơn để thu phục Gia Định. Nhưng sau đó Đỗ Thanh Nhơn có sự bất hòa với tướng quân Lý Tài của đạo Hòa Nghĩa nên Lý Tài nghĩ Hữu phủ Kính Quốc công đã mất, không còn chỗ nương tựa, trong bụng lấy làm nguy, nên mới chiếm lấy núi Châu Thới mà làm phản <30b>. Quân Đông Sơn đánh mãi không thắng, nên phải đắp đồn dọc theo sông từ Bến Nghé đến Bến Than để phòng giữ. Ngày 8 tháng 10, Mục vương (Nguyễn Phúc Dương) từ phủ Quy Nhơn là căn cứ sở của ngụy Nhạc do đường biển lẻn vào Gia Định, sai Tham mưu Khoáng Điển hầu họ Nguyễn truyền dụ cho Lý Tài biết vua trở về. Về Lý tướng quân nầy, sự việc như sau: Nguyên tháng 4 năm Ất Mùi (1775), Mục vương vào Quảng Nam đánh quân Tây Sơn, thua trận nên bị bè đảng của giặc Hòa Trung đạo Tập Đình hầu và Hòa Nghĩa đạo Lý Tướng quân bắt từ Hà Lạc về. Tập Đình hầu nhiều lần muốn giết Mục vương, may có Lý tướng quân bảo vệ mới được an toàn. Sau Tập Đình hầu bạo ngược lại phản Tây Sơn làm loạn (<5><130>), rốt lại dong thuyền chạy về Quảng Đông nhưng cũng bị quan Tổng đốc bắt, chiếu luật giết đi. Riêng Lý Tài luôn phò tá kính cẩn có ý muốn tôn lập Mục vương, vì họ đã tin hiểu nhau từ lúc còn đang bị Tây Sơn lung lạc chế ngự. Nay Lý tiếp được tin thật bèn sai 4 thuộc tướng là Tân, Hổ, Hiền, Nam, đem cả bổn bộ binh mã thẳng xuống Bến Nghé để bái nghinh Mục vương về đồn Dầu Miệt (Một) (<6><131>). Khi ấy binh tướng Đông Sơn không đánh mà tự bỏ chạy về Ba Giồng đồn trú, chỉ có vài mươi quan triều bảo vệ Duệ Tông Hiếu Định hoàng đế (Nguyễn Phúc Thuần) nơi hành tại Bến Nghé mà thôi. Ngày 4 tháng 11, Lý tướng quân lại hộ vệ Mục vương xuống Bến Nghé chịu mệnh của Duệ Tông Hiếu Định hoàng đế nhường ngôi ở chùa Kim Chương, Mục vương cử Lý Tài làm quan bảo giá. Trong lúc đó đạo quân Hòa Nghĩa rất hung hãn tàn bạo, dân không chịu nổi. Trước đó, Thế Tổ Cao hoàng đế đã dự đoán sẽ có sinh biến, nên đã qua trước Ba Giồng để chiêu phủ Đông Sơn chờ khi dùng đến.

Tháng 3 năm Đinh Dậu (1777), quân giặc Tây Sơn do Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ đem binh thủy bộ vào đánh. Binh triều Nguyễn cùng binh Hòa Nghĩa chung sức chống trả, đối trận với thủy binh Tây Sơn ở sông Bến Nghé. Hai bên đang ghìm nhau như thế cò trai thì bộ binh Tây Sơn do thượng đạo Trấn Biên tiến xuống Hốc Môn, liền bị Hổ tướng quân của đạo Hòa Nghĩa chận đánh và giết được viên tướng ngụy là Tuần sát tên Tuyên <32a>, quân Tây Sơn phải rút về bến Than, gặp lúc Chưởng cơ binh triều là Văn Đức hầu Trương Phúc Thận đem quân từ Cần Giuộc tiến lên Sài Gòn tiếp viện, đạo Hòa Nghĩa lại nghi là quân thù Đông Sơn đến đánh tập hậu, bèn bỏ Hốc Môn về giữ Bến Nghé. Thế là quân Tây Sơn thừa thế đuổi theo, quân thủy, quân bộ cùng tấn công, binh của Hòa Nghĩa phải bỏ chạy, bọn người Tàu Lý Tài chạy đến đâu cũng đều bị quân Đông Sơn ngăn chặn giết cho đã nư thù. Duệ Tông Hiếu Định hoàng đế chạy qua Long xuyên, Mục vương thì qua Ba Vát nhưng đều bị quân Tây Sơn vây ngặt bắt đem về Bến Nghé, rồi sau đều bị giết cả.

Tháng 9, ngụy Nhạc và ngụy Huệ về Quy Nhơn, để bộ binh do Tổng đốc Châu, Hổ tướng quân Hãn, thủy binh do ngụy Tư khấu Oai và ngụy Điều khiển Hòa ở lại giữ Gia Định.

Tháng 10, Thế Tổ Cao hoàng đế khởi binh từ đạo Long Xuyên, cử Tiền quân Dũng Quận công Nguyễn Quân trước đánh chiếm cứ Ba Giồng. Phương Quận công đem nghĩa binh Đông Sơn cần vương nên <32b> bốn mặt nghĩa binh tiếp ứng, tất cả đều treo cờ trắng và đội khăn trắng (<7><132>). Tháng tư năm Mậu Tuất (1778) lấy được Gia Định, liền gia phong cho Phương Quận công chức Phụ chánh Thượng tướng, nhưng về sau ngài cậy có công lớn, trở nên kiêu căng thất lễ, có ý hai lòng, nên đêm 23 tháng 3 năm Tân Sửu (1780) bị vua giết chết, rồi sai Chưởng thủy dinh Thăng Nhật hầu lãnh bộ binh, Nội tả Thiêm Quận công lãnh thủy binh, và chia quân Đông Sơn ra làm 4 đạo: Dũng Quận công lãnh tiền quân, Triêm Quận công Võ Doãn Triêm lãnh hữu quân, Nội hữu Lương Quận công Tống lãnh tả quân, Chưởng cơ Trương Văn Bác lãnh hậu quân. Trước hết, vua sai Dụ Quận công Nguyễn lãnh trung quân ra cứ Bình Thuận để điều khiển bộ binh, chọn tháng 5 năm ấy ra đánh ngụy tặc ở Quy Nhơn. Lúc ấy tướng sĩ Đông Sơn có lòng oán hận, tất cả đều bỏ trốn về Ba Giồng để chống lại vua. Triều đình sai Ngoại tả Thuyên Quận công Tống Phước Thuyên và Lương Quận công đến đánh và đã giết tiệt cả chính tướng, tỳ tướng của quân càn bậy ấy, còn đạo quân Bình Thuận <32b> tiến đến Bình Hòa liền hiệp với quân của Tiếp Quận công đối lũy với địch, trong lúc ấy hậu binh Gia Định không chịu xuất chinh cho nên Dụ Quận công phải kéo quân về, còn Tiếp Quận công thì ở lại sơn đồn Trà Rang để cứ thủ.

Danh tích lai lịch của Ba Giồng là như thế, cho nên ngẫm việc đời mới nhận thấy rằng, hình thành tên tuổi của Đông Sơn là ở Ba Giồng mà bại diệt tên tuổi của Đông Sơn cũng ở Ba Giồng, nên mới gọi chung tên người với tên đất là như thế, ấy là lấy cái thỉ chung giữa đất đai và con người vậy, mà hầu như không biết đất được cách núi ngăn sông, dân giàu, của đủ, là để giúp người ra cứu đời, dẹp loạn, thành toàn sự nghiệp mình, lại an dân, lưu danh trong sử sách, ấy là thiên lý vậy. Nhược bằng trái với đạo trời, nghịch mạng vua, kết bè lũ hung ác hại dân, ấy là tự người làm ra, tuy có vững chắc như ải Hào Hàm (<8><133>), hiểm trở như sông Ngô (<9><134>), lợi hại như rắn Thường Sơn ở Kiếm Các quan (<10><135>), mạnh tợn như cọp dữ dựa góc núi ở Lương Sơn Bạc (<11><136>), há có thể trông cậy được sao mà lại ỷ vào bề thế một nhúm đất để gây phiền rối!

LÃO TRỰC GIỒNG (GIỒNG LÃO TRỰC) <33b> KEO GIỒNG (GIỒNG KEO)
Ở Đại Tiểu Hải Châu; ở đây người ta trồng bông vải và khoai, nhà cửa nhân dân rất thưa thớt.

NHẬT BẢN GIỒNG, TỔNG ĐỖ GIỒNG, DUNG GIỒNG
Ở cồn Nhật Bản: Trồng bông vải, khoai lang, khoai nước. Nhà cửa ẩn hiện trong bóng tre trúc, cổ thụ um tùm.

ĐẠO TÂN GIỒNG, DU TÁN GIỒNG, TỈNH GIỒNG
Ở miền biển Ba Lai: trồng bông vải, khoai lang, dâu, gai; ở đây có thôn xóm của cư dân.

CÁI VANG GIỒNG (GIỒNG CÁI VINH)
Ở sông nhỏ Cái Vinh: trồng khoai lang, khoai nước.

THỦY MAI GIỒNG (GIỒNG MÙ U)
Có nhiều cây thủy mai, tục gọi là cây mù u.

BỘ TÂN GIỒNG (GIỒNG BỘ TÂN)
Có dân cư chuyên trồng bông vải, khoai, đậu.
Logged
KGBFSBCIA
Thành viên
*
Bài viết: 231


« Trả lời #18 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2011, 07:23:03 pm »

CHIÊU GIỒNG - LÃO NGÂN GIỒNG (GIỒNG CHIÊU, GIỒNG LÃO NGÂN)

Ở trên bãi biển Ba Lai.

GIỒNG HOA, GIỒNG TOÁN, GIỒNG THÀNH, GIỒNG CHÂN BIỀU (CHƯN BẦU), GIỒNG CHÓ (<12><137>), GIỒNG KẾT (<13><138>)

Đều ở địa phận Kỳ (Cà) Hôn: trồng khoai lang, dưa, rau cỏ; đều có nhà cửa của dân cư.

<34a> GIỒNG TRÚC, GIỒNG BẦU NAO, GIỒNG TRÂM, GIỒNG CANG

Đều ở Gò Công: ở đây có nhiều thôn xóm của cư dân, trồng bông vải, khoai, đậu, rau, dưa.

GIỒNG THÀNH, GIỒNG CHUYÊN (GẠCH), GIỒNG TRƯỜNG (DÀI), GIỒNG NĂN, GIỒNG XA LUÂN (BÁNH XE)

Đều ở bờ sông Cần Lộc: trồng khoai lang, khoai nước.

GIỒNG THÁP, GIỒNG ME, GIỒNG TÁO

Ở bờ sông Cái Tháp, đều trồng bông vải, khoai.

MỸ THO GIANG (SÔNG LỚN)

Ở trước mặt trấn, là một con sông lớn trong trấn. Sông phát nguyên từ sông Cửu Long, tận nội địa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy cuồn cuộn từ phía bắc qua phía tây đến Lào qua địa phận sông Nam Vang của Cao Miên, rồi chia làm 2 sông Tiền Giang và Hậu Giang chảy xuống hướng đông. Sông Tiền Giang chảy qua trấn Vĩnh Thanh rồi chuyển vào nam vòng quanh trước trấn Định Tường rồi chảy ra cửa biển Đại, Tiểu Ba Lai, không biết sông dài bao nhiêu ngàn vạn dặm, sông chảy không dứt, đã sâu lại rộng, nước trong và ngọt, cá tôm bắt dùng không hết; tuy ở thượng lưu của nó thường có nước lụt, nhưng khi chảy đến Tiền Giang, Hậu Giang thì tuôn thông ra sông nhánh hai bên bờ, khi đến các cửa biển, thế nước giảm dần <34b>, nên từ Cao Miên trở lên thì có nạn nước lụt, còn từ trấn Vĩnh Thanh trở xuống, thì khi mùa lụt chỉ như nước rong lớn dâng lên mà thôi, rốt lại không có nỗi lo tràn ngập gò nỗng.

HƯNG HÒA GIANG

Tục gọi là Vũng Gù, ở phía đông cửa sông Bảo Định, cách trấn về phía đông 47 dặm rưỡi. Ngược lên phía bắc 32 dặm đến cửa sông Bát Đông, 118 dặm (<14><139>) đến đồn cũ Phong Ca Khơ me. (Thủ sở ở bờ đông sông nầy, có con sông nhỏ, xuống phía đông độ 3 dặm, thông với sóc (<15><140>) Cao Miên. Ở đây có người Việt (<16><141>), người Hoa và người Cao Miên chung sống, là vùng địa giới trấn Phiên An, nhưng phân thủ thì thuộc về đạo Tuyên Oai, thuộc quyền trông coi của trấn Định Tường, để kiểm soát việc cấm đi vào nước Cao Miên). Từ đoạn sông nầy trở lên là sông Bát Chiên, ở phía đông cửa sông Bảo Định, thuận dòng chảy về hướng nam 168 dặm rưỡi đổ ra cửa biển Lôi Lạp (Soi Rạp).

THUỘC LÃNG GIANG (SÔNG THUỘC LÃNG)

Ở bờ phía tây hạ lưu sông Hưng Hòa, cách trấn về phía đông nam 97 dặm. Cửa sông rộng 35 tầm, sâu 3 tầm, cách phía tây nam 90 dặm rưỡi đến ngã ba, nơi hợp lưu của 2 sông Tra Giang và sông Cà (<17><142>) Hôn.

TRA GIANG (SÔNG TRA)

Ở bờ tây hạ lưu sông Hưng Hòa. Cửa sông rộng 57 tầm, sâu 31 thước ta. Bờ phía bắc cửa sông, năm Mậu Thân (1788), khi nhà Nguyễn mới Trung hưng có đắp đồn bằng đất để giữ nơi hiểm yếu, nay dấu cũ vẫn còn, cách trấn về phía đông nam 125 dặm. Sông này theo hướng tây bắc 3 dặm rưỡi đến ngã ba nguồn sông Gò Công (từ miệng ngã ba sông đi lên phía tây 34 dặm đến chợ Gò Công thông với Rạch Dịch (?) (<18><143>)), rồi chảy ra cửa Tiểu, hơn 8 dặm đến ngã ba sông Chà Diệp (từ nhánh cửa sông phía nam đi thêm 40 dặm đến chợ sông Chà Diệp) hơn 14 dặm nữa hiệp lưu với ngã ba sông Thuộc Lãng và sông Kỳ Hôn (Cà Hôn).

KHỔNG TƯỚC CANG (GÒ KHỔNG TƯỚC)

Tục gọi Gò Công, cách trấn về phía nam 90 dặm rưỡi. Vùng này ruộng tốt, đất phì nhiêu, lúa gạo phong phú, có nhiều gò đống, <35b> khe ngòi. Năm Đinh Mùi (1787), Khâm sai Chưởng hậu quân Tánh Quốc công chiếm cứ địa lợi nơi nầy, chiêu mộ dân làm lính, dựng cờ nghĩa, nhiều lần đánh với quân giặc Tây Sơn, cất tiếng cho việc Trung hưng. Dân nơi đây phần nhiều là người trung nghĩa nên dùng nơi đây làm đất dụng võ.

KÌ HÔN GIANG (SÔNG CÀ HÔN - TRÀ HÔN)

Ở bờ phía đông sông Mỹ Tho, cách trấn về phía nam 7 dặm rưỡi. Đi về phía đông 10 dặm rưỡi đến chợ Kỳ Hôn (Cà Hôn), nơi đây dân cư đông đúc; 2 dặm đến chợ Lương Quán; 50 dặm rưỡi hợp lưu với ngã ba của sông Tra Giang và sông Thuộc Lãng.

TIỂU HẢI MÔN (CỬA TIỂU)

Cửa rộng 1 dặm rưỡi, khi nước lên cửa sâu 28 thước ta, nước ròng sâu 23 thước ta. Phía đông ngoài cửa biển có nổi cồn cát ngầm, tục gọi là cồn Mông. Bãi biển này lắm bùn lầy, lòng cảng vừa hẹp vừa cong. Cách phía nam trấn 93 dặm rưỡi, đi ngược lên 12 dặm nữa đến đồn phòng bị (Sở thủ ngự).

ĐẠI HẢI MÔN (CỬA ĐẠI)

Cách trấn về phía nam 87 dặm; cửa biển rộng hơn 7 dặm, khi nước lên sâu 27 thước ta, nước ròng sâu 22 thước ta. <36a>, cửa biển nhiều bùn lầy, lòng cảng hẹp và cong, nên thuyền bè ít ra vào. Phía tây cảng có cồn Nhật Bản, trên cồn có trạm đồn trú, trước mặt nổi cồn cát ngầm, tục gọi là cồn Tàu. Phía đông cảng có cồn lớn gọi là cồn Tiểu Hải, nằm ở giữa dòng để ngăn khóa cửa sông, lớn và dài, đầu phía nam là bờ đông bờ tây Cửa Đại và Cửa Tiểu. Đầu phía bắc chia làm 3 nhánh, nhánh phía bắc ngược lên đến Kỳ (Cà) Hôn rồi lên sông Mỹ Tho; nhánh phía đông vào nam làm Cửa Tiểu; nhánh phía tây cũng vào nam làm Cửa Đại, cả ba nhánh ấy đều chảy ra biển.

LONG CHÂU

Tục gọi là cù lao Rồng (<19><144>). Cù lao này ở ngay trước trấn, làm cái án gần của trấn. Khi trước cửa sông Mỹ Tho sâu rộng, có cặm bảy miệng đáy (<20><145>), thuyền buôn qua lại phải đậu nghỉ ở đây để hóng mát xem trăng, đợi nước thuận mới đi lên hoặc xuống. Từ năm Mậu Thân (1788) trở lại đây, phù sa bồi lấp ngày càng cao lớn, hình thế như con rồng nằm, vì vậy Thế Tổ Cao hoàng đế mới ban cho tên là Long Châu. <36b> Cồn dài gần 2 dặm, làm la tinh cho cửa sông, che kín trấn sở, ngăn chặn sóng dữ, nghiễm nhiên là chỗ danh thắng. Nhà địa lý nói: Cửa sông mà có cồn cát nổi lên cao, đất ấy ắt sẽ thịnh vượng. Chỗ này đúng là được như vậy.

BA LAI NAM GIANG (SÔNG BA LAI NAM) (<21><146>)

Cách trấn về phía tây nam 12 dặm, dòng sông sâu rộng, bốn mùa nước đều trong, chỉ giữa mùa hạ nắng gắt nước mới mặn, sông này lấy 2 bờ nam bắc để chia làm ranh giới của 2 trấn Định Tường và Vĩnh Thanh.

BA LAI HẢI MÔN (CỬA BIỂN BA LAI)

Cách trấn về phía nam 84 dặm rưỡi; cửa rộng 1 dặm rưỡi, khi nước lên cửa sâu 26 thước ta, nước ròng sâu 21 thước ta. Vì đường đi rậm rạp hoang vu, nên thuyền bè ít khi qua cửa nầy.
Logged
KGBFSBCIA
Thành viên
*
Bài viết: 231


« Trả lời #19 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2011, 07:23:45 pm »

ĐĂNG GIANG TÂN KINH (KINH MỚI RẠCH CHANH)

Ở phía tây bắc của trấn. Ngày trước con kinh nhỏ Sông Chanh ở phía đông, nguồn cùng Ba Lai ở phía tây, khoảng giữa ấy bùn lầy ẩm ướt, cỏ lác hoang bẩn, kéo dài hơn 57 dặm rưỡi, ở đây phía nam thì <37a> nhiều giồng gò, ruộng vườn, phía bắc thì nhiều rừng sâu và chằm to lan rộng đến 5, 6 trăm dặm, đây là chỗ Đông Sơn tụ nghĩa rồi tiến chiếm Ba Giồng, lợi dụng thế hiểm để hoành hành các nơi, khi lùi tựa theo rừng sác, bưng chằm, thật như cọp vào rừng sâu, rồng về biển cả, chẳng ai biết tung tích đâu là đâu. Giặc Tây Sơn đã bao phen bị họ làm cho khốn đốn mà cũng chẳng biết phải làm sao. Năm Ất Tỵ (1785), Đô úy Trấn của ngụy Tây Sơn nhân có ngòi nhỏ ở hai đầu bèn đào nối mở một con sông ngang để cắt đứt chỗ hiểm yếu, tạo thành một đường kinh đi tắt, rất tiện lợi, về sau người ta hay đi đường này.

TRA THẬP GIANG (RẠCH XOÀI MÚT) (<22><147>)

Ở phía bắc sông lớn Mỹ Tho, cách trấn về phía tây 2 dặm. Ngày xưa khi gió đông nam nổi lên, thì thế nước rất dữ, sóng gió cuồn cuộn, thuyền bè qua lại luôn bị nguy hiểm. Năm Mậu Thân (1788) thời Trung hưng trở lại đây, có bãi rồng (Long Châu) nổi lên, ngăn giữ sóng gió, thuyền bè qua lại rất tiện lợi. Có bài vịnh: "Trừng Giang như luyện" nghĩa là sông phẳng lặng như tấm lụa, nay hung dữ nguy hiểm đã tiêu tan mà thành con đường thủy rất phẳng lặng.

<37b> SẦM (<23><148>) GIANG (SÔNG RẠCH GẦM)

Ở về phía bắc hạ lưu sông Tiền Giang, cách trấn về phía tây 28 dặm rưỡi. Bờ đông, bờ tây làm ranh giới cho 2 huyện Kiến Đăng và huyện Kiến Hưng. Bờ phía tây có chợ nhỏ, ngược lên hướng đông bắc 7 dặm rưỡi, bờ phía nam có chợ Thung, quán xá đông đúc; 2 dặm rưỡi nữa đến ngã ba: ngả phía tây chảy 17 dặm rưỡi hợp với sông Rau Răm rồi chảy xuống hạ lưu sông Tiền Giang; ngả phía bắc chảy 24 dặm đến cùng nguồn Giồng Lữ có chợ Thuộc Nhiêu, ruộng vườn mầu mỡ, nhân dân chuyên nghề trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm.

BA LAI BẮC GIANG (SÔNG BA LAI BẮC)

Ở về hạ lưu sông Tiền Giang, cách trấn về phía tây 60 dặm rưỡi. Cửa sông sâu rộng, bờ phía tây có chợ quán đông đúc, dân cư đa phần chuyên nghề cày ruộng dệt cửi. Từ khi có Tây Sơn dấy loạn, nhiều phen đây thường là nơi chiến trường, hầu như trở thành chỗ đất bỏ hoang. Nay được yên ổn, nhân dân mới trở lại. Đi 33 dặm về phía đông tới chợ Thanh Sơn tục gọi chợ Cai Lậy (<24><149>), thuộc đất hai thôn Hữu Hòa và Thanh Sơn, quán phố san sát, thuyền bè tới lui liên tục, trở thành sầm uất. Đi về hướng đông 64 dặm rưỡi nữa thì đến cửa kinh mới Rạch Chanh rồi chảy ra sông lớn Hưng Hòa.

<38b> HIỆP ĐỨC GIANG (SÔNG CÁI LÁ)

Ở địa phận 2 thôn Tân Hiệp và Tân Đức, tục gọi là rạch Cái Lá ở về bờ phía bắc hạ lưu Tiền Giang, cách phía tây trấn 62 dặm rưỡi. Dân cư ở có ruộng vườn, hằng sản, nhiều người chuyên nghề dệt cửi, sản xuất nam sô sa, nam trừu lãnh, dệt cửi đúng phép, hoa văn tinh xảo, vốn đã nổi tiếng từ lâu, nhưng đường tơ đem sánh với hàng người Hoa thì hơi kém phần trắng trơn mà thôi.

AN BÌNH GIANG

Tục gọi là sông Cái Bè, ở địa phận đông, tây thôn An Bình, cách trấn về phía tây 67 dặm rưỡi. Đi vào sông độ 1 dặm có chợ quán đông đúc, nhiều nhà giàu có mua trữ cau để chuyển bán cho người buôn ở Sài Gòn; nhiều người làm ghe lán so với ghe bản lồng thì vừa to vừa dài hơn, trên đậy mui dài từ đầu đến đuôi ghe, dưới gá sàn dùng chở bông vải, vỏ cây, cá khô và những thổ sản thô tạp của Cao Miên, dùng toàn những người chống sào đứng trên mui ghe chống đi, gọi là ghe láng để đi buôn bán ở Cao Miên.

CẦN LỐ GIANG (SÔNG CẦN LỐ) (<25><150>)

Ở bờ phía bắc sông Tiền Giang, sông rộng 32 tầm, khi nước lên sâu 21 thước ta, nước ròng sâu 16 thước ta <38b> cách phía tây trấn 164 dặm. Vào cửa sông về phía bắc 25 dặm thì cụt dòng. Dân cư ở đây thưa thớt, tre xanh rậm rạp liền nhau tạo thành rừng, có nhiều cây bách bì (cây tràm) (loại cây nầy có cả trăm lớp vỏ, lột lấy vỏ để làm vật lợp nhà, xảm thuyền, đậy điệm đồ đạc, còn thân cây thì làm củi) và lác thì dùng làm chiếu, bao cà ròn, và buồm thuyền. Dân ở đây muối cá đồng làm mắm, chặt tre cây kết bè, theo dòng nước xuôi xuống bán ở các vùng chợ búa.

BẠCH NGƯU GIANG (SÔNG TRÂU TRẮNG)

Ở bờ phía bắc Tiền Giang, cách trấn về phía tây 206 dặm rưỡi. Cửa sông rộng 23 tầm, khi nước lên sâu 14 thước ta, nước ròng sâu 9 thước ta. Từ cửa sông đi về hướng bắc 40 dặm đến vùng bưng biền (<26><151>) dân cư rất thưa thớt. Đất ở đây phía trước giáp sông lớn, có nhiều gò đất cao trồng bông vải, dâu, mè, bí rợ, bí đao, bắp, khoai lang, thuốc lá, đậu nành, đậu trắng, đậu đen. Phía sau là vùng đất thấp ướt, bưng biền có nhiều tôm cá (<27><152>), tre và các thứ cây tạp rậm rạp tạo thành rừng, là vùng đất có nhiều địa lợi nhưng chưa khai khẩn hết. Cách 19 dặm đến hạ lưu sông Đốc Vạn, 3 dặm nữa đến thượng lưu sông Đốc Vạn, 20 tầm <39a> đến đồn cũ Hùng Ngự (Hồng Ngự), 68 dặm đến sông Hiệp Ân và đồn mới Hùng Ngự (Hồng Ngự).

BẢO ĐỊNH HÀ

Tục gọi là kinh Vũng Gù. Cửa sông này gối vào sông Hưng Hòa, cách phía đông bắc trấn 47 dặm rưỡi. Ngày xưa phía đông bắc, sông nhỏ Vũng Gù chảy đến xóm Thị Cai là hết, phía tây sông nhỏ Mỹ Tho cũng xuống đông đến chợ Lương Phú tục gọi là Bến Tranh thuộc đất thôn Lương Phú là hết, khoảng giữa là ruộng đất liên tiếp từ nam đến bắc. Năm Ất Dậu (1705) đời vua Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế thứ 15, sai Chính thống Vân Trường hầu qua đánh Cao Miên. Bọn địch thường xuất hiện ở chỗ nầy quấy nhiễu quân dân ta, sau Vân Trường hầu bèn đắp lũy dài từ xóm Thị Cai đến chợ Lương Phú, rồi cho đào từ hai đầu chỗ cùng của sông Vũng Gù và sông Mỹ Tho, dẫn nước chảy quanh, làm hào lũy ngoài để củng cố thế phòng ngự. Sau nhân đường nước lưu thông, lại đào sâu thêm, thành ra con kinh ghe thuyền đều đi được. Nhưng đường sông từ đông đến tây xa cách, nên đến chỗ Vọng Thê (tục gọi là Thang Trông, là chỗ trước đó dựng thang cao để đứng nhắm đo đạc địa thế, nhân đó gọi thành tên đất), <39b> đây là nơi nước thủy triều gặp nhau làm chỗ giáp nước, nước lờ đờ khi lên khi xuống, thế nước chẳng chảy mạnh, tuôn mau, lại nhiều chỗ quanh co hẹp nhỏ, nên bùn cỏ tích tụ, ngày càng bị cạn lấp, nên thuyền lớn đi đến đây phải đợi nước lên đầy mới đi được. Năm Kỷ Mão niên hiệu Gia Long thứ 8 (1819), vua có chỉ dụ sai đo thẳng từ chỗ Thang Trông đến Hóc Đồng dài 14 dặm rưỡi, sai Trấn thủ Định Tường là Bửu Thiện hầu Nguyễn Văn Phong điều 9.679 dân trong trấn, cấp cho mỗi người một tháng là một quan tiền và một phương gạo (<28><153>) chia làm 3 phiên thay nhau đào mở, bề ngang 15 tầm, sâu 9 thước ta, 2 bên có đường cái quan rộng 6 tầm, hoặc theo đường sông cũ mà uốn nắn đào cho sâu rộng thêm, hoặc mở kinh mới để nối liền nhau, tùy sự tiện lợi mà làm. Khởi công từ ngày 28 tháng giêng đến ngày 4 tháng 4 nhuận thì xong. Vua ban tên là Bảo Định hà, ai nấy đều cho là rất thuận tiện.

BÁT ĐÔNG GIANG (RẠCH BÁT ĐÔNG) <40a>

Ở bờ phía tây thượng lưu sông Hưng Hòa. Cửa sông rộng 9 tầm, khi nước lên sâu 7 thước ta (<29><154>), nước ròng sâu 2 thước ta. Từ cửa sông đi nửa dặm có xóm nhỏ (<30><155>), dân cư ở đây thưa thớt, làm ruộng theo lối đao canh hỏa thực, tức đốn cây đốt thành than tro, suốt năm cần cù. Xuống phía nam 17 dặm đến cửa sông Rạch Chanh, 14 dặm rưỡi đến cửa sông Bảo Định, chảy ra bắc 118 (<31><156>) dặm đến đồn cũ Phong Ca Khơ me làm thành một phần sông Bát Chiên.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM