Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 10:42:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Bình Phước kháng chiến (1945-1975)  (Đọc 86075 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #30 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2011, 04:28:27 pm »

Tháng 10 năm 1948, Bộ Tư lệnh Nam Bộ được thành lập do Nguyễn Bình làm Tư lệnh. Cơ quan Tư lệnh bộ các khu được chấn chỉnh thêm một bước, đổi tên thành Bộ chỉ huy khu. Cơ quan Khu bộ 7 do Huỳnh Văn Nghệ làm tư lệnh chuyển về chiến khu Đ. Từ chiến khu Đ, Bộ chỉ huy khu có điều kiện theo dõi, nắm bắt tình hình, chỉ đạo chỉ huy các chiến trường khác kịp thời hơn.

Việc thành lập các trung đoàn và chấn chỉnh, dời cơ quan đầu não kháng chiến khu đã tạo ra những nhân tố quan trọng đẩy mạnh các hoạt động kháng chiến sau đó. Các phong trào thi đua giết giặc lập công được phát động rầm rộ. Đơn vị nào cũng cố gắng lập nhiều chiến công.

Ngày 23 tháng 7 năm 1948, trung đoàn 310 diệt một trung đội Pháp trên đường xe lửa Sài Gòn - Lộc Ninh.

Sôi nổi nhất là mặt trận phá đường, đánh địch vận chuyển trên quốc lộ 13, đường xe lửa Sài Gòn - Lộc Ninh liên tục bị nhân dân phá từng quãng, gây khó khăn lớn cho địch. Việc đánh địch trên quốc lộ 13, 14 từ năm 1948 trở đi chủ yếu do dân quân du kích các xã ven trục lộ đảm nhiệm. Nhiều trận đánh gây tổn thất lớn cho địch, có tác dụng lớn đối với phong trào kháng chiến ở địa phương như trận Đồng Xoài trên quốc lộ 14 ngày 19 tháng 12 năm 1947, Chi đội 1 và Chi đội 10 phối hợp lực lượng du kích tổ chức đánh một đoàn địch trên đường t ừ Thủ Dầu Một lên Phú Riềng. Kết quả ta thiêu hủy được 1 xe chở đầy xăng, 9 xe GMC chở lính. Địch chết 60 tên, ta bắt sống một số tù binh, trong đó có 11 lái xe, thu 2 khẩu trung liên, 7 tiểu liên, 1 súng ngắn, 1 súng trường và 1 vô tuyến điện, 1 thiết giáp trong đó có 1 tiểu pháo 37 ly. Trận đánh thắng lợi đã chững tỏ bộ đội ta có bước tiến cơ bản về trình độ chiến thuật, kỹ thuật, tổ chức chỉ huy đủ sức đánh tiêu diệt những đoàn xe ô tô lớn của địch(1).

Ngoài ra, Ban công tác liên thôn 7 của tỉnh Biên Hòa liên tục bám trụ và hoạt động mạnh ở Thuận Lợi. Ban công tác đã chú trọng xây dựng cơ sở cách mạng trong công nhân cao su. Giữa năm 1948, Ban công tác liên thôn 7 phát triển thành Phân đội 10 huyện Sông Bé, trực thuộc Trung đoàn 310 của tỉnh Biên Hòa. Các hoạt động vũ trang tiêu biểu nhất trong thời gian này là trận tiêu diệt tên Phó chủ sở gian ác thường trực tiếp đánh đập công nhân. Trong lần hắn đi xe đến sân bay Thuận Lợi nhận tiếp tế, lực lượng; Phân đội 10 kết hợp với công nhân cao su giết chết hắn ngay trên đường về. Những tên xu, cai ác ôn làm tay sai cho chủ sở đều bị ta cảnh cáo. Ta đã xây dựng được hai cơ sở mật trở thành căn cứ điểm của các cán bộ, đôi viên Ban công tác liên thôn 7 đó là anh bếp Du và anh Vũ Khiêm là hai cơ sở mật của ta ở ngay trung tâm đồn điền. Các cơ sở có nhiệm vụ thực hiện các yêu cầu của ta ở bên ngoài, đồng thời tổ chức tiếp tế, đấu tranh vũ trang trong đồn điền. Anh bếp Du là người nấu ăn cho chủ sở đồn điền Thuận Lợi. Do được chủ tin cẩn nên anh thường xuyên bảo cho lực lượng ta bên ngoài biết tình hình và âm mưu của địch. Có lần anh bếp Du đã đánh cắp một khẩu súng carbine, 2 khẩu súng mistell, 2 roulo mang ra giáo cho Ban chỉ huy phân đội 10. Anh Vũ Khiêm lúc đó là cai Xuxâydăng nhưng có cảm tình lớn với công nhân. Trong năm 1947-1948, do uy thế của lực lượng ta bên ngoài, do sức mạnh của công nhân bên trong và vì muốn yên ổn làm ăn, tên Sale chủ đồn điền Thuận Lợi hàng tháng vẫn phải bí mật đóng thuế cho cách mạng. Khoản thu này đều được anh bếp Du và anh Vũ Khiêm chuyển ra vùng an toàn cho ta.

Song song đó, các hoạt động vũ trang ở vùng đồng bào dân tộc cũng được đẩy mạnh. Điển hình là trận bao vây đồn Bù Koh của đồng bào dân tộc 8 ấp tập hượn dân ở các sóc được gần 200 người chiếm được kho súng của đồn.

Cuối năm 1948, ở đồn điền Quản Lợi nhờ cơ sở vùng đồng bào dân tộc Sóc Xiêm và nội ứng ở đồn điền cung cấp tin tức, đại đội 2709 đã bố trí phục kích trên đường Quản Lợi đi Chà Thanh, bắt sống tên chủ Gácna, giết chết ba tên lính hộ tống. Nổi tiếng nhất là trận đánh ở nhà máy chế biến mủ Quản Lợi. Sau khi nghiên cứu chi tiết 5 máy đèn của nhà máy, ta đã sản xuất loại mìn đặc dùng đánh tan 5 máy đèn và 5 bồn xăng dầu, gây nên vụ cháy lớn trong suốt gần 3 tháng. Đại đội 2709 ở Hớn Quản và Phân đội 10 huyện Sông Bé còn tổ chức đánh nhỏ, lẻ trên đường 13, 14. Lực lượng vũ trang của ta bố trí mỗi tổ 3 người hoặc thành đội có 3 tổ phân chia từng đoạn đường để bắn trả, đánh quấy rối địch.

Trong năm 1948, trên cơ sở chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích phát triển, các cấp ủy Đảng phát động toàn dân chống càn quét, lấy lực lượng ba cấp làm nòng cốt, đã phá và đánh bại các loại càn quét của địch, tiêu diệt, tiêu hao lực lượng địch, bảo toàn lực lượng, hạn chế thiệt hại do địch gây ra. Nhờ chống càn thắng lợi kết hợp với tiến công địch trong đô thị và trên đường giao thông nên ta duy trì, mở rộng được vùng tự do và vùng căn cứ, giữ vững cơ sở quần chúng quanh đồn bốt địch.

Với những thắng lợi đạt được trong năm 1948, phong trào kháng chiến đánh địch tiếp tục phát triển trong hai năm 1949-1950; Ta tiếp tục mở rộng phạm vi, bao vây áp sát địch ở các đồn bốt và những khu vực dân cư đông.

Năm 1948 căn cứ địa từ Truông Ba Trường chuyển ra Chà Là, Đồng Ló. Vùng Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đốp, các đại đội 2707, 2708, 2709 thuộc tiểu đoàn 903 về đây hoạt động.


(1) Tình hình Nam Bộ 1945-1947, Kho Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phòng Nam Bộ, Hồ sơ 6, tờ 81-119, tr.41.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #31 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2011, 04:30:15 pm »

Tháng 3 năm 1949, được cơ sở cung cấp tin tức, đại đội 2709 cùng với Công an xung phong quận Hớn Quản do đồng chí Nguyễn Văn Cẩm chỉ huy, diệt đồn Bù Đốp, phá nhà tù, giải thoát cho 60 đồng bào, chiến sĩ bị giam giữ. Toàn bộ linh trong đồn bỏ chạy, ta thu được 41 súng. Trận đánh thắng lợi nhờ sự giúp đỡ tích cực của đồng bào Stiêng và Khmer. Nhiều đồng bào xin gia nhập bộ đội. Đặc biệt có hai vợ chồng anh Năm Do người Stiêng quyết xin đi kháng chiến.

Trận đánh vào thị trấn Bù Đốp gây được tiếng vang lớn, làm quân địch rung động, vì đây là vùng sâu, nơi chúng cho là an toàn nhất.

Cùng thời gian này, trung đội 10 huyện Sông Bé tiến công đồn giặc ở làng Ba - Thuận Lợi làm bọn quan lính Pháp và chủ sở khắp vùng từ Thuận Lợi đến Phước Vĩnh hoảng sợ.

Giữa năm 1949, du kích tập kích ở đồn Nha Bích, bố trí đánh quân tiếp viện diệt gọn một đại đội địch, thu một súng canông nòng dài. Đến tháng 8 năm 1949, lại tổ chức đánh đoàn xe lửa địch ở Chơn Thành, phá hủy nhiều toa xe lửa và thu được 2 súng canông. Tiếp đó, ta tập kích diệt tháp canh địch ở xóm Ruộng (Nha Bích), diệt 7 tên, thu toàn bộ vũ khí.

Sau chiến thắng ở Bù Đốp, các đội vũ trang tuyên truyền được Khu 7 thành lập về hoạt động ở các địa phương. Vùng Lộc Ninh có các trung đội A và B. Trung đội A chịu trách nhiệm phía Đông quốc lộ 13, do đồng chí Nguyễn Đình Kính phụ trách xây dựng được cơ sở ở các vùng dân tộc Sóc Nê, Đất Đỏ, Chàng Hai, Bù Nồm và Xóm Bưng. Trong công nhân có cơ sở Bù Đốp, Sở Nhỏ, sở Brélin, Bùgoen, Sóc Đá, Bù Đinh. Trung đội B do đồng chí Du (huyện đội Phó Hớn Quản) chịu trách nhiệm phía Tây lộ 13 từ Hớn Quản chạy dài đến Snoul, do đồng chí Du huyện đội Phó Hớn Quản phụ trách, mũi này xây dựng được cơ sở ở các vùng dân tộc Tà Thiết, Sóc Bù Núi và trong đồn điền cao su.

Trong các làng công nhân ta đã xây dựng được cơ sở, đồng chí Nguyễn Văn Chức (Chín Chức) cán bộ công an quận Hớn Quản phụ trách, bên cạnh có các cán bộ hoạt động công khai nằm trong các nghiệp đoàn công nhân. Tỉnh ủy Thủ Dầu Một còn đưa hai chị Lưu Mai Lan là Ủy viên Ban Chấp hành phụ nữ và chị Bình Minh ở tỉnh về hoạt động ở vùng Lộc Ninh. Hai chị đã tích cực tuyên truyền vận động được một số cơ sở phụ nữ ở đồn điền Xa Cát và một số sóc dân tộc thiểu số Nha Bích, Tà Bái.

Trong khi các đơn vị lực lượng vũ trang của ta tìm mọi cách tiêu hao, tiêu diệt địch trên các chiến trường, thì lực lượng trinh sát, công an xung phong, du kích dân quân các xã luôn bám địa bàn tìm diệt những tên tề, chỉ điểm, gián điệp góp phần làm thất bại chiến tranh gián điệp của chúng.

Từ mùa thu năm 1949, các Liên trung đoàn trên địa bàn Miền Đông Nam Bộ đều thành lập một đại đội đặc nhiệm phá hoại cao su và hỗ trợ cho phong trào công nhân tại các đồn điền. Đại đội 2709 trực thuộc tiểu đoàn 903 có 60 người hầu hết là dân cao su Quản Lợi, Xa Cát, Xa Cam, Lộc Ninh, Minh Thạnh gia nhập Vệ quốc đoàn từ sau Tổng khởi nghĩa, gọi là “Đại đội cao su”. Họ đều tham gia tổ chức Công đoàn bí mật, vừa tích cực đấu tranh chính trị đòi quyền lợi, vừa đẩy mạnh phá hoại sản xuất cao su của địch. Trong năm 1949, các đồn điền cao su trên toàn tỉnh Thủ Dầu Một đã phá hoại 212 mẫu cao su và 74.180 cây cao su, gây thiệt hại cho địch tổng trị giá hơn 2 triệu đồng(1).

Cùng với phong trào phá hoại cao su của địch, công nhân các đồn điền cao su còn đẩy mạnh đấu tranh kinh tế đòi các quyền dân sinh, đòi được cải thiện đời sống. Tại đồn điền Minh Thạnh, ngày 27 tháng 4 năm 1949, công nhân lãn công, tập trung trước cửa nhà chủ sở, đưa yêu sách:

“Tăng lương đủ sống, phát gạo trắng cho dân.
Bán đồ ăn ngon cho dân.
Không được bắt ép công nhân mua đồ mục hư”.

Trong các năm 1947, 1948, 1949, quân và dân Hớn Quản, Bà Rá, Bù Đốp càng lớn mạnh về tổ chức xây dựng và chiến đấu, góp phần cùng Miền Đông Nam Bộ làm tiêu hao nhiều sinh lực địch bằng nhiều cách đánh phong phú ngày càng có hiệu quả, giành thế chủ động trên chiến trường, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào một giai đoạn lịch sử mới.

Ngoài ra phong trào tòng quân giết giặc được phát triển khắp các đồn điền cao su. Ta cho một tổ công tác vũ trang đột nhập vào các đồn điền Xa Cát và Xa Trạch, vận động anh em thoát ly đi kháng chiến, kết quả là vào khoảng đầu tháng 1 năm 1948, ta huy động được gần 50 người của đồn điền Xa Cát và trên 10 người của đồn điền Xa Trạch đưa về bổ sung cho tiểu đoàn 903, sau đó một số đưa về bổ sung cho đại đội 2709 ở Hớn Quản.


(1) Trần Văn Cang: Hồi ức về hoạt động của bộ đội Hớn Quản - Lộc Ninh - Bù Đốp; trong sách: Những năm đầu kháng chiến: Hồi ký về Chi đội 1 trung đoàn 301 và dân quân Thủ Dầu Một, Hội Văn học - nghệ thuật Bình Dương xuất bản, 1999, tr. 114.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #32 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2011, 04:32:47 pm »

*
*   *

Trước năm 1947, lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cho kháng chiến chủ yếu là dựa vào ủng hộ của nhân dân. Những năm sau, do địch đẩy mạnh bình định, phong tỏa giao thông, đánh phá kinh tế nên việc nhân dân tiếp tế ngày một khó khăn. Nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho đồng bào, cán bộ và chiến sĩ càng trở nên bức thiết. Chính vì thế mà vấn đề phát triển kinh tế kháng chiến trở thành một mặt trận không thể thiếu được. Nguồn tiếp tế lương thực cho bộ đội và cơ quan từ trước đến nay chủ yếu là dựa vào sự tiếp tế của các đồn điền và thị trấn Hớn Quản, vừa do cơ sở đóng góp ủng hộ, vừa nhờ cơ sở hợp pháp thu mua góp nhặt và do các quần chúng cơ sở tìm cách đưa ra bìa rừng, bìa lộ, nhưng từ khi địch bố trí lính đi theo dân đi làm lô khám xét nghiêm ngặt thì bà con không còn đem ra được nữa, ta chỉ còn cách thỉnh thoảng đột nhập vào các xóm dân, xóm công nhân để lấy ra. Còn ở vùng căn cứ, những lúc bị địch bao vây kinh tế gắt gao, cuộc sống ngày càng gặp nhiều khó khăn, nhưng ta vẫn bảo đảm đưa lương thực, thực phẩm, thuốc men từ vùng tạm chiếm nhờ vào sự tự túc khai hoang mở rộng diện tích trồng cây lương thực, sản xuất tại chỗ.

Ở Hớn Quản, khi mới xây dựng căn cứ Truông Ba Trường, các cơ quan, đơn vị bộ đội thường xuyên được đồng bào dân tộc thiểu số và công nhân cao su tiếp tế cho một phần lương thực. Các đơn vị bộ đội còn chặt tre, bứt mây để đan rổ, rá nhờ bà con mang ra chợ Hớn Quản bán giúp, để mua gạo, muối. Từ năm 1948 trở đi, các cơ quan đơn vị đều tổ chức được cơ sở làm nương rẫy, trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm, tự túc lương thực, thực phẩm.

Cuối năm 1947, đại đội 3 phụ trách Hớn Quản của Chi đội 1 đã tổ chức được một cơ sở sản xuất cá mắm tại suối Xa Cát phục vụ hậu cần cho bộ đội. Cơ sở sản xuất này còn giúp cho đồng bào dân tộc ở Sóc Nuống, Tà Bái một số dụng cụ làm rẫy.

Ở Thuận Lợi, Đồng Xoài phong trào tiết kiệm gạo nuôi quân được đồng bào các dân tộc nhiệt tình hưởng ứng. Trung bình mỗi gia đình tiết kiệm được 2kg gạo/tháng, có những gia đình nghèo nhưng hết lòng vì cách mạng như gia đình má Điểu Khế, chị Xiêm mỗi tháng tiết kiệm được 3kg gạo.

Để đẩy mạnh công tác vận động nhân dân ủng hộ và tham gia kháng chiến có hiệu quả hơn, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã thành lập Hội Nông dân ở một số xã, mà chủ yếu là ở các ấp trong huyện Hớn Quản và huyện Sông Bé. Bà con nông dân bằng mọi hình thức chống địch đánh phá sản xuất, canh gác bảo vệ nương rẫy, xóm làng, phòng gian bảo mật và ủng hộ lúa gạo, thực phẩm cho bộ đội. Đồng thời nông dân tham gia phá đường giao thông, cầu cống, phá hoại cao su.

Lực lượng thanh niên trong công nhân, nông dân và các tầng lớp khác luôn đứng mũi chịu sào trong cuộc chiến đấu. Phong trào tòng quân, tham gia công tác hậu cần phục vụ chiến đấu, phá hoại, tiêu diệt địch được thanh niên sôi nổi tham gia. Thành phần chủ yếu của Chi đội 1, Chi đội 10 là thanh niên công nhân cao su. Nguồn tiếp tế gạo, thực phẩm, máy móc, nguyên vật liệu trong các công binh xưởng phần lớn đều lấy ở các đồn điền cao su mà lực lượng thanh niên luôn đóng vai trò xung kích.

Hội Phụ nữ cứu quốc cũng đã có nhiều đóng góp đáng kể cho kháng chiến. Các mẹ, các chị ở vùng tạm chiếm vẫn tích cực đóng góp tiền bạc ủng hộ bộ đội, đưa thương binh nặng về chăm sóc tại nhà. Ngoài công tác phục vụ chiến đấu, phục vụ bộ đội, nhiều chị em đã thoát ly gia đình, trực tiếp giam gia kháng chiến, tham gia dân quân, du kích xã. Trong thời gian cuối năm 1948, đầu năm 1949, Tỉnh bộ Việt Minh điều 10 cán bộ nữ về công tác tại Phòng quốc dân thiểu số đặt tại Hớn Quản. Các chị được bố trí theo các đội, tổ vũ trang tuyên truyền vào vùng đồng bào dân tộc, chịu đựng mọi gian khổ để bám trụ làm công tác tuyên truyền, vận động bà con tham gia kháng chiến.

Năm 1949, do hạn hán, đồng bào và chiến sĩ Hớn Quản gặp khó khăn về lương thực. Tinh Hôi Phụ nữ nhận nuôi 40 cháu mồ côi thuộc diện chính sách bằng nguồn kinh phí do Tỉnh Hội vận động quyên góp. Tỉnh Đoàn Thanh niên nhận nhiệm vụ tổ chức việc học tập văn hóa cho các cháu. Đến năm 1950, Tỉnh hội vận động những gia đình có điều kiện nhận một số cháu nhỏ về nuôi tiếp, các cháu lớn hơn được đưa và công tác tại một số cơ quan, một số cháu được đưa đi học ở Miền Bắc và đã trưởng thành.

Mặc dù bị địch càn quét liên miên, nhưng nhân dân vẫn hăng hái sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm giúp cho kháng chiến. Cuộc kháng chiến của quân và dân bắc Thủ Dầu Một ngoài việc dựa vào nguồn cung cấp lương thực thực phẩm tại chỗ, còn được sự chi viện tiếp tế từ các miền khác vủa của Trung ương. Trong năm 1949, nhân dân các vùng căn cứ miền Đông Nam Bộ đã ủng hộ 792.000 giạ lúa, 295.023 giạ gạo, 121.000 giạ muối, 675 tấn đường(1). Từ miền Tây và miền Trung Nam Bộ, lúa gạo, lương thực được chuyển về miền Đông, giúp quân và dân miền Đông Nam Bộ nói chung và bắc Thủ Dầu Một nói riêng khắc phục những khó khăn về hậu cần, tồn tại và tiếp tục chiến đấu chống quân xâm lược. Ngoài ra, đồng bào vùng tạm chiếm thông qua một số cơ sở mật của ta gửi hàng tấn thực phẩm, thuốc men, vải vóc trong đó có những hàng hóa quý hiếm như các loại hóa chất cho sản xuất, vũ khí, thuốc súng, phim ảnh ủng hộ cuộc kháng chiến.

Trong điều kiện kháng chiến thiếu thốn về mọi mặt, lại luôn bị địch đánh phá, sự chi viện của Trung ương còn nhiều hạn chế, thì việc đóng góp ủng hộ của đồng bào có ý nghĩa quan trọng. Góp phần xây dựng hậu cần kháng chiến, giúp cho lực lượng kháng chiến vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong vòng phong tỏa của địch, đồng thời cũng nói lên tình cảm của nhân dân địa phương với cuộc kháng chiến.

Với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, các đoàn thể đã phát huy tốt tác dụng, tuyên truyền động viên mọi thành viên từ thị trấn đến đồn điền, nông thôn, từ đồng bào Kinh đến đồng bào các dân tộc thiểu số trực tiếp tham gia kháng chiến hoặc ủng hộ kháng chiến với hình thành và mức độ thích hợp. Cuộc kháng chiến mang tính chất toàn dân ngay từ những ngày đầu nay càng tỏ rõ tính chất ấy trên một trình độ cao hơn và trên bình diện rộng lớn hơn.


(1) Báo cáo tình hình Nam Bộ năm 1949, Phòng Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quân khu 7, LS.40.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #33 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2011, 04:34:04 pm »

*
*   *

Tháng 1 năm 1950, Hội nghị toàn quốc lần thứ Ba của Đảng họp quyết định gấp rút hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị chuyển sang tổng phản công. Giữa năm 1950, theo chỉ đạo của Trung ương, Xứ ủy Nam Bộ quyết định sáp nhập Khu 7 và Khu Sài Gòn - Chợ Lớn thành Khu 7, đồng chí Hoàng Dư Khương làm Bí thư, đồng chí Trần Văn Trà được giao nhiệm vụ Tư lệnh Khu 7. Các đồng chí Huỳnh Văn Nghệ, Tô Ký, Phó Tư lệnh; đồng chí Lê Đức Anh, Tham mưu trưởng. Sở chỉ huy đặt tại chiến khu Đ.

Những năm 1948-1950, địch dùng chiến thuật Đờ latua (De Latour) - trùm lên Miền Đông Nam Bộ mạng lưới cứ điểm nhỏ dày đặc, tháp canh chằng chịt nhằm xiết chặt vùng chúng chiếm đóng, bảo vệ đường giao thông, ngăn chặn tiếp viện của ta, khống chế, chia cắt, bao vây các căn cứ. Trên địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một tình hình ở các vùng cao su và vùng đồng bào dân tộc gặp nhiều khó khăn. Trên tuyến đường 13, 14 và các tuyến đường Minh Thạnh - Xa Cát, Chơn Thành - Nha Bích, Lộc Ninh - Bù Đốp… có hàng mấy trăm tua, tháp canh được dựng lên, cách nhau chừng 1km với nửa tiểu đội lính chiếm giữ. Những cứ điểm ở gần các trung tâm đồn điền Xa Cát, Xa Trạch, Minh Thạnh, Xa Can, Quản Lợi, Bù Đốp như các chi khu Hớn Quản, Lộc Ninh, Chơn Thành là nơi đóng quân và xuất phát hành quân càn quét gây tội ác của địch. Chúng thường xuyên mở những đợt đi càn, gom dân cao su lập thành khu tập trung lớn với hàng rào, lính canh gác. Công nhân đồn điền đi ra lô làm việc đều có lính đi theo canh giữ, tuần tra cảnh gới. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, địch cũng cho gom lại thành từng khu lớn ven đồn điền hoặc ven thị trấn để bao vây kiểm soát và thường xuyên lùng sục các vùng rẫy của đồng bào nhằm phát hiện và ngăn giữ những người cách mạng.

Một yêu cầu thúc bách đối với ta lúc này là phải tìm mọi cách để phá được tháp canh của địch, đánh mạnh vào giao thông của chúng, giải tỏa và mở rộng vùng căn cứ. Bộ Tư lệnh Khu 7 giao nhiệm vụ cho Tỉnh đội Biên Hòa tổ chức đánh tháp canh, chỉ đạo cho Ban Quân giới Khu sản xuất nghiên cứu, thử nghiệm vũ khí đánh phá cứ điểm nhỏ, loại mìn đặc dụng đánh tua bốt được sử dụng đồng loạt đạt kết quả tốt. Thành công này được Bộ Tư lệnh quân khu, Liên trung đoàn 301-310 và Tỉnh đội bộ dân quân hai tỉnh Biên Hòa, Thủ Dầu Một tiếp tục rút kinh nghiệm để hoàn thiện cách đánh mới. Sau thắng lợi này, Khu 7 phát động chiến dịch Mùa xuân, thực hiện tiến công sâu vào vùng địch, buộc chúng phải rút lực lượng về đối phó. Thực hiện chỉ đạo của quân khu, ngay trong tháng 3 năm 1950, du kích Đồng Xoài kết hợp với đại đội 10 đánh đồn Tà Bế gần Đồng Xoài. Sau đó, phối hợp với lực lượng vũ trang tuyên truyền huyện Sông bé diệt đoàn xe vận tải 3 chiếc tại cống Bố Mua - Bàu Ké thu được 2 xe tải và toàn bộ chiến lợi phẩm.

Trước yêu cầu mới của cuộc kháng chiến, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một ra sức xây dựng lực lượng, nâng cao sức chiến đấu ba thứ quân, coi trọng công tác hậu cần, công tác huấn luyện chiến đấu. Nhiệm vụ của Quân Khu 7 và Liên trung đoàn 301-310 là phải phát triển rộng rãi hơn nữa chiến tranh du kích, nghiên cứu và đẩy mạnh cách đánh vận động chiến.

Tháng 7 năm 1950, phối hợp với chiến dịch biên giới, Bộ Tư lệnh Khu 7 mở chiến dịch Bến Cát, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, cứt đứt đường giải phóng số 7 và đường liên tỉnh 14, mở rộng căn cứ địa, mở thông hành lang tiếp tế từ đồng bằng sông Cửu Long và Sài Gòn lên vùng căn cứ Miền Đông. Đây là chiến dịch quy mô lớn đầu tiên của bộ đội chủ lực ta trên chiến trường Miền Đông. Khắp mọi nơi, từ Lộc Ninh, Hớn Quản, Thuận Lợi đến Đồng Xoài, Phước Vĩnh đều tham gia chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch.

Mục tiêu của chiến dịch Bến Cát là hệ thống tháp canh, đồn bốt nằm sâu trong Phân chi khu Bến Súc và sẵn sàng đánh trả khi địch ứng cứu. Tham gia chiến dịch có tiểu đoàn 302, 303, Liên trung đoàn 301-310, bốn đại đội độc lập của Hớn Quản, Bến Cát, Châu Thành, Trảng Bàng, 3.000 dân quân hỏa tuyến của ba huyện thuộc tỉnh Thủ Dầu Một và hai huyện của tỉnh Gia Định, Tây Ninh. Ngoài ra, còn huy động các đại đội độc lập, dân quân du kích huyện, xã của 4 tỉnh: Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Gia Định, Tây Ninh phá hoại giao thông, chặn đánh địch không cho chúng ứng cứu chiến trường Bến Cát.

Đêm ngày 7 rạng 8 tháng 10 năm 1950 bắt đầu vang lên tiếng súng mở màn chiến dịch Bến Cát. Sau 38 ngày đêm chiến đấu, trong đó có 3 đợt tiến công, chiến dịch kết thúc thắng lợi vào ngày 15 tháng 11 năm 1950. Ta diệt được trên 500 tên địch, làm bị thương trên 100 tên khác, bắt 120 tên, phá sập hàng chục tháp canh, đồn bốt, phá hủy 12 cầu cống, 84 xe quân sự, 5 đầu máy xe lửa, đánh chìm 7 tàu chiến đấu, thu nhiều vũ khí, đạn và đồ dùng quân sự khác.

Ngay sau chiến dịch Bến Cát, đại đội 3 của tiểu đoàn 903 do đồng chí Tạ Minh Khâm chỉ huy tổ chức đánh vào Làng 9 - đồn điền Thuận Lợi, diệt hai trung đội bảo an, thu toàn bộ vũ khí của địch và đưa khoảng 350 công nhân Làng 9 về chiến khu Đ.

Thắng lợi của việc đẩy mạnh các hoạt động quân sự, đặc biệt là chiến dịch Bến Cát và trận đánh ở Làng 9 đã khép lại năm 1950 với nhiều biến cố có lợi cho quân và dân các huyện Hớn Quản, Bà Rá, Bù Đốp khi bước vào cuộc kháng chiến mới ngày càng gay go ác liệt.

So với thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến, từ năm 1947 đến năm 1950, là thời kỳ đầu mà quân và dân Miền Đông Nam Bộ nói chung cũng như quân và dân Hớn Quản, Bà Rá, Bù Đốp nói riêng có bước phát triển lớn về tổ chức, phạm vi hoạt động. Từ chống chính sách bình định của địch, phát triển phong trào du kích chiến tranh, xây dựng và chấn chỉnh lực lượng vũ trang ba cấp, đến việc chống địch càn quét, phục kích giao thông, tiến công đồn bốt, cứ điểm, tháp canh và tổ chức những chiến dịch lớn góp phần đắc lực cho phong trào kháng chiến của các tỉnh lỵ tạm bị chiếm khác.

Cách mạng từ thế “ngàn cân treo sợi tóc” chuyển sang một bước vững chắc hơn, đủ khả năng đối phó với âm mưu mở rộng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #34 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2011, 04:37:46 pm »

CHƯƠNG BA

KIÊN CƯỜNG, GIỮ VỮNG PHONG TRÀO KHÁNG CHIẾN,
VƯỢT LÊN PHỐI HỢP VỚI CHIẾN TRƯỜNG TOÀN MIỀN VÀ CẢ NƯỚC
GÓP PHẦN KẾT THÚC THẮNG LỢI
CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP
(1951-1954)

I. SẮP XẾP LẠI CHIẾN TRƯỜNG VÀ LỰC LƯỢNG,
GIỮ VỮNG PHONG TRÀO DU KÍCH CHIẾN TRANH

Sau thất bại ở chiến dịch biên giới năm 1950, quân Pháp càng lâm vào tình thế bế tắc. Nền kinh tế Pháp không đủ sức đảm đương toàn bộ chiến phí ở Việt Nam. Nhưng với dã tâm xâm lược, lại được đế quốc Pháp hà hơi tiếp sức, thực dân Pháp tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Ngày 6 tháng 2 năm 1950, chính phủ Pháp cử Đờlát Đờ Tátxinhi (De Lattre de Tassigny) làm Cao ủy kiêm Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương với nhiệm vụ bảo vệ đội quân viễn chinh và giữ vững địa bàn.

Để nhanh chóng giành lại quyền chủ động đã mất trên chiến trường, thực dân Pháp tập trung sức tiến hành “bình định gấp rút, phản công quyết liệt”. Và đẩy mạnh việc thực hiện âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng Người Việt đánh người Việt”, xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố ở những nơi trọng yếu. Đối với Miền Đông Nam Bộ, trong những tháng cuối năm 1950, đầu năm 1951 thực dân Pháp chủ trương phối hợp tiến công ta bằng cả quân sự, chính trị, kinh tế nhằm đè bẹp lực lượng và phong trào chiến tranh du kích của ta, tăng cường bóc lột vơ vét sức người, sức của cung ứng cho chiến tranh, lấn chiếm các vùng căn cứ du kích, ngăn chặn việc liên lạc vận chuyển tiếp tế từ đồng bằng sông Cửu Long, từ Tây Nguyên sang Miền Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, thực dân Pháp tích cực hỗ trợ cho các công ty tư bản đồn điền phát triển việc khai thác kinh doanh cao su cho cúng ở Việt Nam. Và do vị trí đặc biệt của ngành sản xuất cao su, nhiều đồn điền được thực dân Pháp tăng cường lực lượng, thiết lập các điểm chốt quân sự bảo vệ. Các làng công nhân đều bị khoanh vùng để kiểm soát, ngăn không cho công nhân tiếp xúc với kháng chiến. Ban ngày bọn cai xu kết hợp với lính canh theo dõi công nhân đi cạo mủ, ban đêm tổ chức phục kích ruồng, bố hoặc mở những cuộc hành quân đột kích, khám xét bất ngờ vào các làng công nhân để khủng bố, đánh đập những công nhân mà chúng nghi ngờ có quan hệ với kháng chiến.

Tường Săngxông thay Đờ latua, ra sức hoàn tất kế hoạch củng cố hệ thống tháp canh trên toàn miền Đông, tiến hành gom dân vào các trại tập trung dọc lộ giao thông và cho đóng thêm một số đồn bốt mới ở Hớn Quản, Bù Đốp.

Tình hình chung trên chiến trường Thủ Dầu Một, Biên Hòa ngày càng có chiều hướng khó khăn hơn so với những năm 1948-1950.

Việc triển khai sắp xếp, tổ chức lại chiến trường, củng cố lực lượng vũ trang địa phương, vừa đánh địch chống bao vây, lấn chiếm trở thành nhiệm vụ cấp bách, trọng yếu của quân và dân Hớn Quản, Bù Đốp, Bà Rá, trong giai đoạn mới này.

Ngay từ đầu năm 1951, Bộ Tư lệnh Nam Bộ chỉ đạo: chủ động kiềm chế địch trên chiến trường Nam Bộ và nêu rõ nhiệm vụ của Khu 7 là: Giữ vững và nâng cao sức chiến đấu của nhân dân và quân đội, phát triển mạnh mẽ và sâu rộng chiến tranh du kích toàn khu, đặc biệt xung quanh Sài Gòn và dọc đường giao thông, xây dựng hệ thống căn cứ cho cả Nam Bộ đến các vùng, các địa phương, bảo đảm và phát triển lực lượng chủ lực, tiến hành công tác Cao đài vận, thiểu số vận, địch ngụy vận(1).

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng (tháng 2 năm 1951) tại chiến khu Việt Bắc, Trung ương Cục Miền Nam(2) chủ trương bố trí lại chiến trường Nam Bộ cho phù hợp với tình hình mới, không còn ba quân khu 7, 8 và 9. Toàn Nam Bộ được chia làm hai Phân liên khu: Phân liên khu Miền Đông và Phân liên khu miền Tây. Phân liên khu miền Đông gồm các tỉnh: Gia Định Ninh, Thủ Biên, Bà Chợ, Mỹ Tho và Long Châu Sa(3). Đối với các tỉnh Miền Đông chịu sự chỉ đạo thông qua cấp ủy Đảng, chính quyền và Bộ Tư lệnh phân liên khu.

Tháng 5 năm 1951, Tỉnh Thủ Dầu Một và tỉnh Biên Hòa sáp nhập lại thành tỉnh Thủ Biên được thành lập (Địa bàn Hớn Quản, Bà Rá, Bù Đốp nằm trong địa phận tỉnh Thủ Biên). Thủ Biên có diện tích rất rộng lớn (gần 1/4 diện tích Nam Bộ và một vùng cao su rộng lớn, chiếm đến 2/3 diện tích các đồn điền cao su Miền Đông. Nơi mà chủ yếu là rừng núi địch khó bình định, kiểm soát, lại là nơi tập trung nhiều cơ sở kinh tế, căn cứ quân sự của địch, và cũng là nơi có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng (đường 13, đường 14), có số đồng bào dân tộc tập trung đông nhất. Ủy ban kháng chiến tỉnh quyết định giao hai xã Minh Thạnh và Tân Thành không nằm trên tục lộ 13 cho huyện Bến Cát, đồng thời cắt hai xã An Long và Lại Uyên của Bến Cát cho huyện Hớn Quản để tiện việc quản lý hoạt động chung của địa bàn, tạo điều kiện cho việc đi lại của nhân dân và cán bộ được thuận lợi.


(1) Nghị quyết quân sự Bộ Tư lệnh Nam Bộ (T.G).
(2) Xứ ủy Nam Bộ đổi thành Trung ương Cục (T.G).
(3) Gia Định Ninh gồm các tỉnh: Gia Định, Tây Ninh và huyện Đức Hòa, Trung Huyện khu Đông Thành (thuộc Chợ Lớn cũ); Thủ Biên gồm Thủ Dầu Một, Biên Hòa và huyện Thủ Đức (thuộc Gia Định cũ); Bà Chợ gồm Bà Rịa, Chợ Lớn và huyện Long Thành (thuộc Biên Hòa), huyện Nhà Bè (thuộc Gia Định); Long Châu Sa gồm: Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc (T.G).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #35 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2011, 04:39:22 pm »

Ban Chấp hành tỉnh ủy Thủ Biên gồm có 21 đồng chí. Ban Thường vụ có 5 đồng chí; Nguyễn Quang Việt, Bí thư kiêm Chính trị viên Tỉnh đội, Phạm Thuận, Phó Bí thư phụ trách dân vận; Võ Duy Hạnh, Phó Bí thư phụ trách Tuyên huấn; Huỳnh Văn Nghệ, Ủy viên thường vụ, Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính.

Lúc này Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Thủ Biên do đồng chí Nguyễn Minh Chương làm Chủ tịch; Lê Minh Thành, Phó chủ tịch.

Ủy ban Mặt trận Liên Việt (thống nhất từ Mặt trận Việt Minh với Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam) gồm đồng chí Võ Văn Đợi (Chủ tịch); Phạm Thuận (Phó chủ tịch).

Về các đoàn thể: đồng chí Lê Văn Nhiễu làm Thư ký Liên hiệp công đoàn; đồng chí Nguyễn Văn Khoai làm Thư ký Hội nông dân cứu quốc, đồng chí Nguyễn Việt Trai làm tỉnh đoàn trưởng Đoàn thanh niên cứu quốc, đồng chí Lưu Hồng Thoại làm hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ.

Tỉnh đội Thủ Biên gồm Huỳnh Văn Nghệ (Tỉnh đội trưởng); Nguyễn Quang Việt (Chính trị viên); Nguyễn Văn Tự, Đinh Quang Ân, Tùng Lâm (Tỉnh đội phó); Lê Hồng Lĩnh (Phó chính trị viên).

Thực hiện chủ trương củng cố căn cứ của Trung ương Cục Miền Nam, huyện Tân Uyên sáp nhập với huyện Hớn Quản - trừ các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (thành lập huyện căn cứ Đồng Nai và điều đồng chí Lê Thái, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy về làm Bí thư Huyện ủy, đồng chí Nguyễn Văn Tư Huyện đội trưởng kiêm Trưởng ban căn cứ địa. Việc thành lập huyện căn cứ Đồng Nai là một chủ trương sáng tạo của Ban lãnh đạo tỉnh Thủ Biên, góp phần hoạch địch căn cứ về mặt tổ chức hành chính. Cùng với việc mở rộng và nâng cấp chiến khu Đ thành căn cứ kháng chiến của toàn Nam Bộ không những đã tạo nên một hệ thống phòng thủ liên hoàn và hành lang nối với các vùng, xây dựng địa bàn đứng chân cho cấp trên, mà còn có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa cho lâu dài về sau. Đến năm 1951, huyện Tân Uyên và Hớn Quản được tách thành hai huyện như cũ, huyện Tân Uyên lấy tên là huyện Đồng Nai.

Về tổ chức lực lượng vũ trang, hai Tỉnh đội bộ dân quân Thủ Dầu Một và Biên Hòa sáp nhập thành Tỉnh đội Thủ Biên do đồng chí Huỳnh Văn Nghệ làm Tỉnh đội trưởng. Bộ Tư lệnh Nam Bộ giải thể Liên trung đoàn 301-310, thành lập tiểu đoàn 303 là tiểu đoàn tập trung cơ động đầu tiên của tỉnh Thủ Biên. Đây là một tiểu đoàn chính quy với 764 cán bộ - chiến sĩ được trang bị vũ khí tương đối đầy đủ và có nhiều kinh nghiệm đánh vận động do đồng chí Lê Văn Ngọc, sau đó là Thanh Tám làm tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn 303 có ba đại đội bộ binh 55, 60, 65, đại đội 70 trợ chiến và đại đội trinh sát - đặc công. Ngoài tiểu đoàn tập trung Tỉnh đội còn có một đội biệt động làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan của tỉnh và một đội trinh sát nắm tình hình địch, một đại đội pháo binh và bốn đại đội bảo vệ giao thông.

Trong khoảng thời gian đầu năm 1951, Khoa quốc dân thiểu số tăng cường cán bộ và lực lượng vũ trang, cùng với hai đội vũ trang tuyên truyền cũ hình thành 4 đội vũ trang hoạt động trên địa bàn bắc Thủ Dầu Một, Biên Hòa; đội do đồng chí Kính chỉ huy hoạt động ở phía bắc Hớn Quản, Lộc Ninh; đội do đồng chí Cường chỉ huy hoạt động ở nam Hớn Quản, Lộc Ninh; đội do đồng chí Thân chỉ huy hoạt động ở tây đường 13, đông sông Sài Gòn; đội do đồng chí Hòa chỉ huy đứng chân ở Sóc Con Trăng tây sông Sài Gòn hoạt động lên sát biên giới Campuchia. Bốn đơn vị vũ trang làm nhiệm vụ khác nhau: hai đội vũ trang tuyên truyền hoạt động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hai tiểu đoàn du kích tập trung hoạt động trong các làng, sở cao su; một đội binh chủng chuyên môn chiến đấu trên các đường giao thông của địch.

Vùng Bà Rá và các nơi khác đều có đội vũ trang tuyên truyền, nhiệm vụ chủ yếu là làm công tác dân vận. Hoạt động vũ trang nhằm củng cố các tổ chức ở cơ sở và phong trào chính trị ở địa phương, tác chiến nhỏ lẻ diệt tề, trừ gián điệp và đánh tiêu hao địch. Song song với việc củng cố các đại đội địa phương huyện, lực lượng dân quân du kích, các đại đội du kích mật cũng được hình thành trong vùng địch tạm chiếm và địch mới lấn chiếm.

Hầu hết các đồn điền cao su đều nằm trong vùng địch kiểm soát. Các làng công nhân trở thành những khu tập trung. Hoạt động của các công nhân cao su bên trong và bên ngoài đồn điền gặp khó khăn. Hầu hết các chi bộ Đảng ở đồn điền cao su đều bị xáo trộn. Vì vậy, việc xây dựng lại cơ sở công đoàn bên trong là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Song song với việc củng cố các đại đội địa phương huyện, ở những vùng địch tạm chiếm và địch mới lấn chiếm trên địa bàn, ta ra sức tập trung xây dựng cơ sở chính trị, lực lượng dân quân du kích, các đội du kích mật, đẩy mạnh đấu tranh chính trị, rút những đội viên du kích bị lộ đưa về trên; ở vùng du kích thì tổ chức đấu tranh chính trị kết hợp với hoạt động vũ trang nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch; ở vùng căn cứ du kích thì tăng gia sản xuất bảo đảm tự túc về lương thực, chống địch càn quét.

Trung tuần tháng 9 năm 1951, Hội nghị cán bộ lần thứ nhất tỉnh Thủ Biên họp tại Suối Sâu. Đồng chí Lê Duẩn, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Cục Miền Nam trực tiếp chỉ đạo. Tham dự hội nghị có cán bộ Đảng từ tỉnh đến các huyện, cán bộ cốt cán các ban ngành, đoàn thể. Hội nghị đã góp phần nâng cao một bước nhận thức về công tác chính quyền, đoan thể, đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ. Về phương châm hoạt động quân sự ở các vùng và đấu tranh kinh tế của ta đẩy lùi những trận càn của địch trước mắt cũng như lâu dài. Về đấu tranh kinh tế với địch, đẩy mạnh sản xuất tự túc ở vùng căn cứ du kích. Về công tác phòng gian bảo mật, chống chiến tranh gián điệp, chiêu hàng của địch.

Sắp xếp lại chiến trường, kiện toàn các cấp lãnh đạo, chỉ huy và tổ chức lực lượng đã góp phần khắc phục một phân tình trạng bị động do địch phong tỏa chia cắt địa bàn, bảo đảm việc hậu cần, trang bị kỹ thuật và liên lạc giữa các vùng trong tỉnh và huyện. Lực lượng vũ trang tổ chức thành tiểu đoàn, đại đội phù hợp với việc bám địa bàn, địa phương, chủ động linh hoạt trong nắm địch, tiêu hao tiêu diệt địch, hỗ trợ cho phong trào chiến tranh du kích ở địa phương tồn tại và hoạt động.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #36 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2011, 04:41:31 pm »

*
*   *

Từ giữa năm 1951, tình hình ở địa bàn Hớn Quản, Bà Rá, Bù Đốp gặp nhiều khó khăn do trên các tuyến đường dọc Nam Bắc đường 13, các tuyến đường Minh Thạnh - Xa Cát, Chơn Thành - Nha Bích, Hớn Quản - Bù Đốp…, địch phát triển hệ thống ngăn chặn bằng một loạt đồn bốt lớn nhỏ. Ở các trung tâm đồn điền Xa Cát, Xa Trạch, Minh Thạnh, Xa Cam, Quản Lợi, Bù Đốp. các chi khu Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh địch củng cố thế chốt cụm để bung ra đánh phá, càn quét, gom dân cao su, nhiều làng sở thành khu tập trung lớn để dễ bề kiểm soát và ngăn chặn lực lượng ta xâm nhập, đàn áp những người mà chúng tình nghi có tham gia cách mạng, có hành vi nuôi giấu cán bộ cách mạng. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, chúng cũng gom lại thành từng khu lớn và thường xuyên lùng sục các vùng rẫy sản xuất của đồng bào và thường xuyên lùng sục các vùng rẫy sản xuất của đồng bào. Chúng còn phục kích các đường đi lối lại và nơi bám trụ của các đội công tác cơ sở hoặc đánh vào những địa bàn đứng chân của cơ quan và lực lượng vũ trang ta. Một khó khăn nữa không kém phần quan trọng với địa bàn Hớn Quản, Bà Rá, Bù Đốp là vấn đề lương thực. Việc đi lại, vận chuyển lương thực, thực phẩm gặp trở ngại, có lúc gần như bế tắc vì phải vận chuyển từ xa.

Song tất cả những hành động của chúng càng làm cho nhân dân tham gia kháng chiến ngày một đông hơn. Từ giữa năm 1951, bọn Tổng lý người dân tộc hoang mang, một số người giác ngộ cách mạng, ủng hộ kháng chiến. Sau này, chính họ là những người vận động nhiều binh sĩ ngụy trở về với cách mạng. Một số binh lính người dân tộc theo Pháp không tha thiết với nhiệm vụ của mình. Điều này buộc Pháp phải điều các đội biệt kích, lính lê dương đến đóng đồn ở những khu vực trọng yếu và phòng thủ nghiêm ngặt đường 14.

Ở Lộc Ninh, bọn chủ đồn điền cao su ngày càng bóc lột thậm tệ làm cho đời sống công nhân ngày càng bần cùng, tháng 2 năm 1952, bùng nổ cuộc đấu tranh quy mô lớn của 50.000 công nhân cao su trên các đồn điền Lộc Ninh, Xa Cam, Xa Cát, Mi Mốt, Quản Lợi, Xa Trạch, Tà Pao, Mai Long, Chúp, Ngọc Bích… Công nhân đề ra nhiều yêu sách đòi bọn chủ phải thực hiện như:

- Làm việc mỗi ngày 8 giờ theo luật.

- Tăng lương công nhân để bù đắp cho sinh hoạt đắt đỏ.

- Gạo ăn phải trắng, không trấu, không mục.

- Những người bị tai nạn lao động phải được sở nuôi dưỡng.

- Những người đã làm từ 20 đến 30 năm phải được về Bắc vì đã quá hạn giao kèo.

Bọn chủ chẳng những không chịu giải quyết mà còn thẳng tay đàn áp. Một đại đội lính được trang bị đầy đủ vũ khí đã bắn xối xả vào đoàn biểu tình làm chết 8 người và bị thương nhiều người khác. Căm thù cao độ, công nhân tiếp tục đòi bọn chủ thực dân các điều khoản đã cam kết trước đây. Hàng ngàn công nhân ở các đồn điền cao su Lộc Ninh biểu tình kéo đến văn phòng chủ sở. Tên Đờ Lalăng cấp tốc điều quân đến giải tán cuộc biểu tình, 13 người khác bị thương, bắt đi hai đại diện công nhân. Tuy cuộc đấu tranh bị thất bại nhưng công nhân cao su đã tỏ rõ chí khí và tạo nên lực lượng hùng hậu làm tiền đề cho cuộc đấu tranh sau này.

Song song với các cuộc đấu tranh của công nhân, các lực lượng vũ trang đã tập kích đánh các đoàn công voa trên quốc lộ 13, thu nhiều súng, hàng hóa, tiền mặt.

Tại các đồn điền cao su, ta thực hiện 5 vụ phá hoại lớn, đốt cháy 1 kho xăng dầu tên nửa triệu lít, phá 1 máy phát điện, 4 máy chế biến mủ, 1 lò chén hứng mủ và nhiều tài sản khác của chủ sở.

Bên cạnh đó, từ giữa năm 1951, Bộ Tư lệnh Phân liên khu Miền Đông chỉ thị mỗi tỉnh phải xây dựng một đội vũ trang tuyên truyền hoạt động ở vùng đồn điền cao su và vùng đồng bào dân tộc thiểu số thành phần gồm bộ đội, công an, chính quyền địa phương, công nhân, mặt trận; và phát triển làng xã chiến đấu. Theo đó, tỉnh Thủ Biên có 458 du kích xã, 942 du kích tham gia lại, 832 du kích mật(1). Huyện Hớn Quản chia làm hai khu:

- Khu Miền Nam: có hai xã An Long, Lại Uyên. Du kích Miền Nam (vùng độc lập) có điều kiện hoạt động để phát triển. Ngoài việc canh gác bảo vệ địa phương, hai đội du kích An Long và Lại Uyên thường hoạt động trên các đường giao thông gây nhiều thiệt hại cho địch.

- Khu miền Bắc gồm: Tân Khai, Tân Thành, Tân Minh, Tân Lập Phú, An Linh và xã Bông Lau (thuộc huyện Bình Long ngày nay). Ở khu này đất này đất rộng, nhiều rừng, dân cư ít nên phong trào du kích yếu lại bị địch uy hiếp nặng, gây khó khăn cho ta. Vì vậy, du kích ở đây chỉ canh gác chiến khu, sản xuất nhiều hơn là chiến đấu với địch.

Mỗi xã đều có một tiểu đội du kích được trang bị từ 2 đến 7 khẩu súng các loại. Các đội du kích đều hoạt động tại địa phương. Còn đại đội địa phương chủ yếu phục kích đánh địch trên đường 13, đường 14.


(1) Yves Gras: Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương, Nxb Plon, Paris, 1979, bản dịch của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, 1982, tr. 85.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #37 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2011, 08:44:39 am »

Đến cuối năm 1951, các đội vũ trang tuyên truyền cao su đã thâm nhập và tổ chức được bàn đạp để đánh vào các đồn điền, khôi phục củng cố tổ chức công đoàn cơ sở, tạo điều kiện phát triển phong trào kháng chiến của công nhân cao su.

Mặc dù từ đầu năm đến cuối tháng 10 năm 1951, các đơn vị có thay đổi về số lượng, nhưng nhân lực phục vụ cho công tác chiến đấu còn ít, vật lực còn nghèo nàn, làm cho việc bổ sung và xây dựng lực lượng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, về trang bị cấp dưỡng cũng gặp không ít khó khăn, mỗi tháng một người chỉ được 15 lít gạo và phụ vào là khoai mì, phải dựa vào tự túc sản xuất. Việc huấn luyện cho các đơn vị vũ trang chiến đấu còn yếu, các hoạt động ít phối hợp với du kích, nặng đánh tháp canh, hoạt động chủ yếu nặng về phòng ngự. Đánh tất cả 25 trận: 8 trận đánh tháp canh, 10 trận giao thông dọc theo quốc lộ 13 và 14, 4 chống bố, 2 quấy rối.

Tháng 10 năm 1951, lực lượng vũ trang huyện Hớn Quản tổ chức lại thành một đại đội địa phương huyện, lúc đầu có 2 trung đội và 1 tiểu đội binh chủng chuyên môn. Ngoài đại đội của huyện, du kích địa phương cũng được tăng cường số lượng gồm 3 tiểu đội và bố trí hoạt động ở các đồn điền. Sau các đại đội độc lập sáp nhập với đội du kích tập trung thành bộ đội địa phương huyện với tổng số 148 người có 62 chiến sĩ nòng cốt, còn lại là du kích và cơ quan. Thành tích nổi bật nhất của bộ đội địa phương Hớn Quản là đánh giao thông gây ra cho địch nhiều thiệt hại trên đường 13, 14 và đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh. Đội vũ trang tuyên truyền do đồng chí Nguyễn Đình Kính phụ trách hoạt động phía đông lộ 13 và đông tây huyện Sông Bé đã hoạt động lên tận phía bắc Bù Đốp giáp tới biên giới đông tỉnh Kratié. Hai đại đội vũ trang tuyên truyền phụ trách khu vực Đông và Tây sông Sài Gòn. Tây lộ 13 đã hoạt động lên giáp với ranh giới Campuchia. Đội vũ trang tuyên truyền do đồng chí Nguyễn Văn Cường chỉ huy cùng với cán bộ Phòng dân tộc thiểu số đã hình thành những nhóm nhỏ từ 3 đến 5 người xây dựng và củng cố cơ sở lên đến đồn điền Lộc Ninh.

Ngay sau khi tổ chức lại chủ trương, các lực lượng vũ trang cách mạng, với sự hỗ trợ và phối hợp của công nhân cao su đã triển khai một số trận đánh lớn ở xung quanh vùng đồn điền cao su. Tiêu biểu như Đội vũ trang của tỉnh Thủ Biên hoạt động trên địa bàn Lộc Ninh đã kết hợp với tiểu đoàn 303 đánh một trận mở màn tại Làng 9, đồn điền Thuận Lợi diệt một số tên lính, thu nhiều chiến lợi phẩm. Sau trận đánh này, có hàng trăm thanh niên là công nhân hăng hái xin tham gia bộ đội, góp phần làm cho lực lượng ta mạnh lên.

Trên địa bàn Thuận Lợi thường xuyên có các đội vũ trang tuyên truyền Lộc Ninh (do đồng chí Nguyễn Đình Kính phụ trách) và đội vũ trang tuyên truyền Sông Bé (do đồng chí Trần Liên Xô và Hoành Minh Chánh phụ trách) hoạt động. Các đơn vị vũ trang tuyên truyền này kết hợp chặt chẽ với công nhân để nắm tình hình hoạt động của địch, xây dựng cơ sở cách mạng và hoạt động vũ trang. Tại Làng 2, đội vũ trang tuyên truyền do đồng chí Nguyễn Đình Kính phụ trách đã xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng trong công nhân như anh Mùi, anh Thôn, chị Đề, bà Cốc,… Từ cơ sở này, đội vũ trang tuyên truyền tiếp tục mở rộng mạng lưới cơ sở cách mạng trên khắp đồn điền cao su Thuận Lợi.

Ở Đồng Phú, đội vũ trang tuyên truyền đánh phục kích trên đường giao thông từ Bố Mua đến An Bình bắt một tên quan hai Pháp. Bị thua đau sau những đòn tấn công quân sự của bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương, thực dân Pháp tăng cường các biện pháp bảo vệ những vùng quan trọng, đàn áp những người mà chúng tình nghi có tham gia cách mạng hoặc có hành vi nuôi chứa cán bộ. Song những hành động đó của thực dân Pháp không làm cho nhân dân nao núng, ngược lại họ tham gia kháng chiến ngày một đông. Từ đó, bọn tổng lý người dân tộc bắt đầu run sợ và có một số người giác ngộ cách mạng, ủng hộ kháng chiến. Sau này, chính họ là người vận động nhiều binh sĩ ngụy trở về với cách mạng, với nhân dân. Một số binh lính người dân tộc theo Pháp ngày càng thờ ơ với nhiệm vụ. Để giải quyết vấn đề này, bọn Pháp buộc phải điều các đội biệt kích, lính lê dương đến đóng đồn ở những khu vực trọng yếu và phòng thủ nghiêm ngặt đường 14.

Từ đầu năm 1953, thực hiện phương châm chiến lược 3 vùng (căn cứ, du kích, tạm chiếm), các nơi tập trung xây dựng củng cố cơ sở trong các đồn điền cao su. Các đội vũ trang tuyên truyền cao su mở hàng loạt cuộc tuyên truyền trong các đồn điền. Công nhân trong các đồn điền được bố trí bảo vệ an toàn cho những cán bộ về tiếp tục hoạt động. Du kích cao su liên tục về các làng, phum sóc đồng bào dân tộc diệt bọn cai, xu ác ôn có nợ máu, nhiều lần phối hợp cùng bộ đội tiến công vào các đốt gác ở các sở nhà máy chế biến…

Những thắng lợi bước đầu đã có tác động rất to lớn, tạo điều kiện cho các đội vũ trang tuyên truyền ở các huyện Hớn Quản, Lộc Ninh, các cán bộ công nhân địa phương tiếp cận sâu vào các đồn điền khôi phục và phát triển cơ sở trong công nhân.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #38 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2011, 08:45:27 am »

Năm 1951, tuy tình hình kháng chiến còn nhiều khó khăn, nhưng quân và dân Hớn Quản, Bù Đốp vẫn chủ động đấu tranh với mọi âm mưu, thủ đoạn của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại đáng kể, góp phần làm cho tình hình chung ở chiến trường Miền Đông cũng như cả nước có những chuyển biến thuận lợi cho cách mạng.

Lúc này, trên địa bàn bắc Thủ Dầu Một lực lượng vũ trang ba cấp được kiện toàn tạo nên một thế trận mới của chiến tranh toàn dân, toàn diện, từng bước đập tan các âm mưu của địch. Cùng với việc phát triển rộng khắp lực lượng dân quân du kích và bộ đội địa phương, việc xây dựng và phát triển nhanh bộ đội chủ lực đã đáp ứng yêu cầu đánh lớn, đánh tập trung của cuộc kháng chiến.

Tình thế cách mạng đang có nhiều chuyển biến có lợi cho ta, thì tháng 9 và 10 năm 1952 (Nhâm Thìn), một trận lũ lụt lớn ập đến các tỉnh Miền Đông Nam Bộ gây nên nạn lụt kéo dài làm cho tình hình nhiều nơi gặp khó khăn, tổn thất. Một vùng dân cư rộng lớn dọc theo các con sông Đồng Nai, Sông Bé, Sài Gòn… nước dâng lên như biển mênh mông, nhà cửa bị trôi dạt, gia súc, gia cầm chết sạch, rẫy lúa, rẫy mì của đồng bào và nhiều cơ quan bị nhấn chìm trong biển nước, kho tàng dự trữ bị tàn phá hư hại. Nạn đói đe dọa nghiêm trọng tính mạng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở vùng căn cứ và du kích, buộc một số sân phải ra sống ở vùng địch tạm chiếm.

Quân địch cũng bị thiệt hại nhiều do lũ lụt gây ra. Một số đồn bốt bị nước ngập và hư hại. Tuy vậy, chúng vẫn thừa lúc ta đang gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng do thiên tai gây ra, tiến hành hàng loạt cuộc hành quân càn quét, bao vây kinh tế, ngăn chặn các ngả đường vận chuyển, liên lạc, nhất là vận chuyển lương thực, lôi kéo dân bỏ các vùng tự do về vùng tạm bị chiếm. Ở các cơ sở cao su trọng yếu và dọc đường giao thông, đồn bốt mọc lên như nấm. Bộ máy tề ngụy được tăng cường, hoạt động tuyên truyền mị dân; địch không ngừng vây ráp, lùng sục, phục kích, bắt bớ thân nhân, gia đình có con em đi kháng chiến; đồng thời liên tục ném bom, bắn phá vùng căn cứ.

Trước tình hình đó, nhiệm vụ cấp bách của kháng chiến là vừa phải khắc phục hậu quả bão lụt, giải quyết nạn đói; vừa chiến đấu bảo vệ vùng căn cứ, vùng tự do, bảo vệ người và tài sản. Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Thủ Biên đã kêu gọi nhân dân vùng tạm chiếm bí mật chuyển gạo, muối, thuốc chữa bệnh cho vùng căn cứ. Hội Phụ nữ, Hội mẹ chiến sĩ các huyện đứng ra vận động gói bánh, xay lúa, chuyển vũ khí cho du kích, bộ đội. Đồng thời phát động nhân dân, chiến sĩ ở vùng căn cứ tăng gia sản xuất các loại cây lương thực và hoa màu ngắn ngày để cứu đói, thực hành tiết kiệm với khẩu hiệu “Cứu đói cũng là kháng chiến”. Trong những ngày gian khổ này, đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã đóng góp sức người sức của ủng hộ cách mạng. Đặc biệt, Đảng ủy cao su Miền Đông đã phát động công nhân cao su ở các đồn điền Phú Riềng, Lộc Ninh, Hớn Quản góp gạo cứu tế cho nhân dân ở các vùng chiến khu bằng cách khai tăng số công nhân ra lô hàng ngày để lấy gạo gửi ra vùng căn cứ. Không có gì quý hơn những chén cơm, hạt muối từ những làng cao su đã vượt qua hàng rào, súng, lưỡi lê và mạng lưới rình rập của kẻ thù để đến tay người chiến sĩ. Việc làm của anh chị em công nhân các đồn điền các đồn điền cao su đã góp phần tăng cường khối liên minh công nông. Nhờ đó mà nhân dân càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Tinh thần đùm bọc của đồng bào, công nhân Kinh - Thượng đã góp phần đưa phong trào cách mạng ở Hớn Quản, Bù Đốp qua những ngày gian khổ nhất. Đồng bào ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung Nam Bộ cũng tích cực quyên góp, vận chuyển lương thực cứu trợ đồng bào và chiến sĩ ở vùng bị thiên tai.

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, vận động nhân dân cùng các lực lượng du kích bám đất bám làng, ra sức khắc phục hậu quả bão lụt, tiếp tục xây dựng căn cứ kháng chiến, xây dựng lực lượng vũ trang, các đơn vị vũ trang tích cực hoạt động chống càn, bảo vệ sản xuất, tiến công tiêu hao lực lượng địch nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường. Đầu năm 1953, ở hầu khắp các huyện đều củng cố lại vũ trang tuyên truyền, tỏa đi hoạt động ở các vùng du kích và vùng tạm chiếm, diệt ác ôn, trừ gian, xây dựng lại cơ sở. Đến giữa năm 1953, vùng căn cứ giữa các huyện Bến Cát, Hớn Quản, Tân Uyên được hình thành và tạo tuyến liên hoàn vững chắc. Dựa vào hệ thống căn cứ vừa xây dựng và củng cố lại, các lực lượng vũ trang đã bung ra diệt địch trên các hướng khá thuận lợi.

Trong những tháng cuối năm 1952 đầu năm 1953, mặc dù vẫn trong tình trạng khó khăn, thiếu gạo, thiếu thuốc, bộ đội và du kích vẫn hăng hái chủ động tìm đánh địch. Tiểu đoàn 303 tiến công lên vùng Lộc Ninh diệt bốt Thuận Lợi và bốt Bù Na, thu hàng chục xe lương thực, thực phẩm kịp thời cứu đói. Và kết hợp xây dựng cơ sở trong công nhân cao su và đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến giữa năm 1953, ta được mùa lớn, cây lương thực, cây hoa màu phát triển khá tốt, nạn đói về cơ bản được đẩy lùi. Việc vận chuyển lương thực từ đồng bằng sông Cửu Long, Liên khu 5 về chiến khu Đ đã cung ứng một phần lớn nhu cầu về hậu cần cho kháng chiến. Đời sống của cán bộ, bộ đội và nhân dân trong vùng căn cứ và vùng tự do được ổn định. Vượt qua những ngày khó khăn, cuộc kháng chiến lại được khởi sắc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #39 vào lúc: 06 Tháng Bảy, 2011, 08:47:02 am »

II. PHÁT TRIỂN CUỘC KHÁNG CHIẾN MỘT CÁCH TOÀN DIỆN,
PHỐI HỢP CÓ HIỆU QUẢ VỚI CHIẾN TRƯỜNG CẢ NƯỚC

Nếu năm 1951 là năm bố trí, sắp xếp, chấn chỉnh lại chiến trường và lực lượng thì năm 1952 và nửa đầu năm 1953 là giai đoạn đấu tranh giằng co quyết liệt với địch, với thiên tai, giành và giữ dân, bảo vệ căn cứ, địa bàn, đánh bại một bước âm mưu “bình định gấp rút và phản công quyết liệt” của địch.

Bước sang năm 1952, tướng Bôngđi (Bondis) thay Săngxông (Chanson) làm Tư lệnh quân Pháp ở Nam Bộ. Thực hiện kế hoạch “bình định gấp rút, phản công quyết liệt” địch tập trung bao vây lấn sâu vào các khu căn cứ, chiếm đóng các vùng du kích, các đường giao thông vận tải, đồng thời tích cực tấn công càn quét để phòng thủ các cơ sở kinh tế, quân sự, chính trị quan trọng và các đường giao thông chiến lược của chúng.

Với âm mưu chia cắt chiến trường của tỉnh Thủ Biên thành từng mảnh, địch tăng cường bọn lính lê dương ở các đồn Bà Rá, Bù Đăng, Đồng Xoài…, đóng thêm bốt, tua ở dọc các đường giao thông trọng điểm nhằm ngăn chặn cán bộ ta đi công tác từ căn cứ đến các địa phương. Cũng từ đầu năm 1952, địch tổ chức nhiều cuộc càn quét vào các căn cứ du kích. Tính đến tháng 6 năm 1952, trên chiến trường bắc Thủ Dầu Một, địch tổ chức trên 40 trận, với lực lượng từ 1 đại đội đến 2 tiểu đoàn, trong đó đánh vào Hớn Quản 4 lần; chúng còn ra sức sửa chữa củng cố các đường giao thông quan trọng như đường 13, đường 14; mở thêm đường nối liền sở cao su Minh Thạnh, Chơn Thành, Lộc Ninh…, để bảo vệ cao su đồng thời để bao vây ta. Cùng với càn quét lớn, chúng thường xuyên tổ chức các đội commăngđô đánh phá căn cứ ta rồi rút nhanh, chúng chà đi xát lại các khu rừng vùng căn cứ để tìm diệt cán bộ cách mạng.

Ngoài biện pháp dùng áp lực quân sự, địch phát triển chiến tranh gián điệp và chiến tranh tâm lý nhằm đánh phá cơ sở kinh tế, chính trị, quân sự của ta, gây chia rẽ nội bộ, hòng làm tê liệt các cơ quan kháng chiến và lực lượng vũ trang.

Quán triệt phương châm “du kích chiến là chính, học tập đánh vận động trong điều kiện thuận lợi”, nghị quyết quân sự của Tỉnh đề ra 13 nhiệm vụ cụ thể nhằm chống địch chiếm đóng sâu, đánh phá vùng giải phóng và căn cứ địa, giữ vững và giành giật sức người, sức của với địch, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, phát triển lực lượng ta.

Trước tình hình kháng chiến ngày càng trở nên gay go, quyết liệt, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên chủ trương tổ chức lực lượng vũ trang gọn, nhẹ, một số cán bộ chiến sĩ được bổ sung tăng cường cho các huyện. Về phương thức hoạt động, chia các xã thành hai loại: xã tạm chiếm và xã du kích để có phương châm hoạt động thích hợp.

- Xã tạm chiếm nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng cơ sở chính trị, hướng dẫn cho cơ sở biết cách lãnh đạo quần chúng đấu tranh cho quyền lợi thiết thực, chống địch bóc lột, đàn áp các gia đình có người tham gia cách mạng, cán bộ hoạt động theo phương thức hợp pháp hoặc nửa hợp pháp. Lực lượng du kích mật làm nhiệm vụ nắm tình hình, hoạt động của địch, phục vụ cho yêu cầu của cấp trên, những du kích bị lộ được điều về trên cho các lực lượng vũ trang.

- Xã du kích thì tích cực tổ chức quần chúng đấu tranh hợp pháp, chống địch càn quét, bắt bớ tra tấn người vô cớ; về mặt vũ trang thì tổ chức một, hai tổ du kích bám địa phương chiến đấu tiêu hao từng bộ phận của địch, đẩy mạnh phong trào diệt ác trừ gian.

Trong tình thế hết sức khó khăn của ta, việc đơn giản hóa các tổ chức theo phương châm “tiinh binh, tinh cán” là sát với tình hình lúc bấy giờ. Ngoài ra, Bộ chỉ huy Phân liên khu chỉ đạo các lực lượng vũ trang đẩy mạnh các hoạt động tác chiến tiêu hao sinh lực địch, phá thế bao vây, lấy vũ khí địch trang bị cho lực lượng của ta. Huyện Hớn Quản có vị trí trấn giữ quốc lộ 13 và vùng cao su rộng lớn phía bắc tỉnh. Khắp các xã trong huyện từ An Long, Lại Uyên đến Tân Khai Tân Thành, Tân Minh, An Linh, Bông Lau… mỗi xã đều có từ một bán đội đến một tiểu đội du kích được trang bị từ 2 đến 6 khẩu súng các loại. Đại đội địa phương huyện có 2 trung đội bộ binh và 2 trung đội binh chủng. Các đơn vị phối hợp với du kích địa phương phục kích đánh địch trên đường 13, 14. Từ tháng 5 đến tháng 12 năm 1951, các lực lượng vũ trang đã tổ chức nhiều trận chống càn có hiệu quả như lực lượng vũ trang Hớn Quản đã đánh 25 trận, có 8 trận đánh tháp canh, 10 trận đánh giao thông, 4 trận chống càn… phá được tháp canh Xa Cát, Tham Rớt, diệt nhiều tên địch đi càn quét ở Bông Lau, Tân Minh(1).


(1) Báo cáo các trận đánh trong tháng 12 năm 1948, tài liệu Trung tâm lưu trữ Trung ương 3, Hồ sớ 317, tờ 75, tr. 4-5.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM