Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:07:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: "Đòn ngoại giao" của cha ông ta khiến ngoại bang nể sợ  (Đọc 106118 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
thanhh63
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2187


« Trả lời #50 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2011, 07:53:51 am »

Câu chuyện 28:

Hà Tông Mục dùng tài ngoại giao buộc quân Thanh rút khỏi châu Bảo Lạc

Hà Tông Mục sinh ngày 25/9 năm Quý Tỵ (1653)  quê xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Năm Quý Tỵ đỗ Trường Sinh, năm Ất Mão (1675) đỗ đầu khoa thi Hương, thi Hội đỗ Tam Trường, năm Giáp Tý (1684) đỗ đầu khoa Sỹ Vọng, năm Mậu Thìn (1688) đỗ Tam Giáp đồng tiến sỹ xuất thân. Hiện nay, ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội có tấm bia đá tiến sĩ lập năm Vĩnh Thịnh thứ 18 (1717) có tên là Hà Tông Mục đồng tiến sĩ xuất thân. Ông làm quan tại viện Hàn Lâm, đốc đồng hai xứ Tuyên Hưng, tuần phủ tỉnh An Biên (Hà Giang).

Tháng 4/1697, năm Chính Hòa thứ 18 làm phủ Doãn, phủ Phụng Thiên kinh thánh Thăng Long, ông cùng Lê Huy, Nguyễn Quý Đức và 20 tiến sỹ soạn cuốn lịch sử "Đại Việt sử ký tục biên".

Năm Chính Hòa thứ 20, ông Hà Tông Mục được triều đình thời Lê Dụ Tông giao trọng trách đi đàm phán đấu tranh với đại diện nhà Thanh ngăn chặn không cho quân Thanh xâm chiếm châu Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng). Tháng tư năm 1699. Vua Lê Dụ Tông ra lệnh cho Hà Tông Mục cùng Nguyễn Hành đi kinh lược miền tây ở châu Bảo Lạc. Biên giới châu Bảo Lạc giáp với châu Trấn Yên của nhà Thanh.

Quân Thanh vượt biên giới sang Bảo Lạc cướp bóc, nhũng nhiễu nhân dân đói khổ phải bỏ sản xuất, nhà cửa vào rừng sâu lãnh nạn. Quan quân ở địa phương yếu thế không thể chế ngự được chúng. Hà Tông Mục đến Bảo Lạc nắm tình hình rồi gửi thư cho Sầm Sa Phương, đại diện quân Thanh cho biết về lý lẽ và sự việc xảy ra bất ổn cho nền bang giao giữa hai nước. Sầm Sa Phương đáp thư, tỏ ý hổ thẹn và tạ lỗi, xin rút quân về nước. Nhờ đó nhân dân vùng biên ải Bảo Lạc được an cư lạc nghiệp.

Khi về Kinh đô Thăng Long, Hà Tông Mục được chúa Trịnh khen là người có tài ngoại giao và phong làm Tự Khanh hành, đô cấp sự trung. Năm Quý Mùi (1703), triều đình cử ông làm chánh sứ sang triều đình nhà Thanh để tìm cách giải quyết hòa hiếu giữa hai nước. Do đối đáp ứng xử thông minh, Hà Tông Mục được vua Khang Hy rất trọng nể, tự tay viết ba chữ ''Nhược Xung thiên" (nghĩa là khen ngợi tính khiêm nhường, trí tuệ thông minh, trí khí cao cả).

Sự thành công trong công việc giải quyết các vụ xâm lấn biên giới ở Bảo Lạc năm 1699 và trong lần đi sứ năm 1703 của Hà Tông Mục đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng một thời kỳ bang giao hòa bình, hữu hảo, yên bình giữa biên giới hai nước láng giềng trên nửa thế kỷ.

Ngày 16/2 năm Giáp Thân (1704) ông được thăng chức Tả thị lang bộ hình, tước Hoa Linh Nam. Năm Bính Tuất, Vĩnh Thịnh thứ hai (1706) ông giữ chức Tham chính, Thừa chính xứ Sơn Nam. Do bệnh nặng ông mất ngày 7/3/1707.

Vua Lê Dụ Tông thương xót ban đặc sắc phong "Quang Tiến Vĩnh Lộc đại phu" Bồi tụng hình bộ tả thị lang, Hoa Linh Nam có công ngoại giao, làm yên bờ cõi biên cương, đi sứ phương Bắc chăm lo việc nước, nay mất khi tại chức, thật đáng xót thương chuẩn y tặng "Đặc tiến kim từ Vĩnh Lộc đại phu''.

Ở quê ông, nhân dân lập miếu thờ, tôn ông làm ông tổ của làng (Thần hoàng làng). Ngày 24/1/1998, nhà thờ Hà Tông Mục ở quê ông được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích văn hóa cấp Quốc gia.

Theo Báo Cao Bằng

Link: http://caobangpro.com/con-nguoi/94-con-nguoi/533-ha-tong-muc.html

Do những cống hiến đặc biệt xuất sắc của ông, dân làng quê hương ông lập Miếu thờ ông có tên đền Sinh Từ, đặc biệt được lập ngay khi ông còn sống lúc ông 42 tuổi... Shocked Shocked Shocked 
Logged

Nắng gió cuộc đời, phải chăng đã phũ phàng làm cho mái tóc phai đi, sáng lên màu bạc, nhưng ánh mắt vẫn đọng mãi những đốm lửa của nồng nhiệt và tha thiết...Hãy gom những đốm lửa lẻ loi ấy để bùng cháy thành ngọn lửa!
thanhh63
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2187


« Trả lời #51 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2011, 12:13:36 pm »

Câu chuyện 29:

Lưỡng Quốc Thượng Thư Nguyễn Sư Mạnh

Nguyễn Sư Mạnh đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1484, đời Lê Thánh Tông. Được bổ làm quan, ông luôn là quan thanh liêm, cương trực, được nhà vua tin cậy, phong cho chức Thượng thư Bộ Lễ, tước Sùng Tín hầu.

Thời ấy, giữa hai nước Đại Việt và Trung Hoa có nhiều bất hoà. Nguyễn Sư Mạnh vốn là người biết nhiều, hiểu rộng, được vua Lê cử đi sứ Trung Quốc vào năm 1500. Có nhiều giai thoại về chuyến đi sứ này, được đòng họ Nguyễn truyền.tụng và ghi vào tộc phả. Khi vào yết kiến vua Minh, không biết vô tình hay hữu ý, Nguyễn Sư Mạnh không cài khuy áo, đế hở cả bụng. Vua Minh giận dữ, cho là sứ thần nước Nam thất lễ, hạch tội khi quân, định trục xuất về nước. Nguyễn Sư Mạnh quỳ tâu rằng: ''Vì đường sá xa xôi, bụng thần đầy chữ, nhiều ngày đi đường âm u, ẩm ướt, sợ khú mất chữ thánh hiền, thần xin được phanh áo ra hong, mong nhà vua đại xá''.

Nghe vậy, vua Minh vừa muốn thử tài, vừa muốn hại người nước Nam, ra chiếu: ''Nếu sứ thần nước Nam là người hay chữ thì hãy giúp thiên triều chép lại thiên 'Vi chính' trong sách 'Luận ngữ' mới bị thất lạc". Nguyễn Sự Mạnh nhận lời và hỏi lại: ''Đại vương cần thiên 'Vi chính' trong bao nhiêu ngày?''. ''Trong 30 ngày phải hoàn tất", vua Minh nói và hạ lệnh cho sứ thần nước Nam không được ra khỏi dinh thự trong 30 ngày, đồng thời cho ngươi theo dõi, chắc mẩm Nguyễn Sư Mạnh không làm nổi.

Lạ thay, gần hết thời hạn quy định mà không thấy sứ thần làm gì, chỉ ngồi đánh cờ. Đến ngày thứ 25, vua Minh sai người nhắc nhở, Nguyễn Sư Mạnh trả lời: “Ngày mai thần sẽ viết”. Đến ngày thứ 29, ông đã đưa thiên "Vi chính" cho vua Minh. Nhận sách, vua Minh khen sứ thần có trí nhớ tuyệt vời, sách chép lại y như bản chính, chỉ có chữ "công'' thừa một dấu chấm. Vua Minh hạch tội, Nguyễn Sư Mạnh khảng khái nói: ''Nếu thần viết thừa dấu chấm thì chắc chắn bản gốc của thượng quốc cũng thừa''. Vua Minh cho đem bản gốc ra so sánh thì y như lời Nguyễn Sư Mạnh, chữ ''công'' cũng thừa dấu chấm thật.

Phục tài, vua Minh không lý gì để làm hại sứ thần nước Nam, lại phong cho ông chức thượng thư của Trung Quốc. Bốn chữ ''Lưỡng quốc thượng thư” được khắc tại từ đường họ Nguyễn Cổ Đô nhắc đến công lao của nhà ngoại giao đại tài Nguyễn Sư Mạnh.

Từ đó, Nguyễn Sư Mạnh được nhà Lê tin dùng và được ban quốc tính (họ của vua), được gả công chúa và phong chức Vinh Lộc Đại Phu, trông coi Viện Hàn lâm, kiêm Đông các Đại học sĩ. Tuy vậy, ông vẫn sống giản dị, cửa nhà đơn sơ, tài sản không có gì đáng giá. Ông thọ 82 tuổi.

Link: http://lichsuvn.info/forum/showthread.php?t=19037
Logged

Nắng gió cuộc đời, phải chăng đã phũ phàng làm cho mái tóc phai đi, sáng lên màu bạc, nhưng ánh mắt vẫn đọng mãi những đốm lửa của nồng nhiệt và tha thiết...Hãy gom những đốm lửa lẻ loi ấy để bùng cháy thành ngọn lửa!
thanhh63
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2187


« Trả lời #52 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2011, 12:33:29 pm »

Câu chuyện 30:

Trạng “Lợn” - Nguyễn Nghiêu Trư

Ông hiệu là Tùng Khê người xã Phù Lương, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc.

Tương truyền lúc nhỏ theo cha làm nghề thịt lợn, lại đẻ vào tháng 10 tức tháng Hợi nên đặt tên là Nguyễn Văn Trư và thường gọi là cậu Lợn (chữ Hán “Trư” nghĩa là lợn).

Ông bản tính nhanh nhẹn, thông minh, lúc nhỏ có lần cùng bố đi bắt lợn, gặp kiệu ông Nghè vinh quy, Trư hỏi:
- Ông gì thế bố?

Người cha đáp:
- Ông Trạng!

Trư nói:
- Lớn lên con cũng làm ông Trạng!

Từ đó đi chơi với trẻ trong làng, ông đều khoe:
- Tao là quan Trạng!

Có người khách lỡm:
- Trạng dở hay trạng nguyên?

Ông buột miệng:
- Khách quen hóa khách lạ!

Hai câu ứng khẩu hợp thành câu đối khá hay.

Cạnh làng ông là làng Yên Đinh đất học, có cụ đồ sang chơi ra cho trạng vế đối, mang đề tài lợn, nghề sinh sống của nhà này:
- Lợn cấn ăn cám tốn (ý là lợn có chửa ăn hết nhiều cám nhưng Cấn và Tốn là hai quẻ trong bát quái).

Trạng đối ngay:
- Chó khôn chớ cắn càn.

Câu đối xấc xược làm cụ đồ cay đắng, song vế đối chỉnh quá, chó khôn đừng cắn bậy, mà Khôn và Càn cũng là hai quẻ trong bát quái. Cụ đồ khuyên bố mẹ Trư cho Trư đi học.

Chính cụ đồ bị ông đối xược ấy dạy ông năm mới 8 tuổi, ông học rất giỏi, nghe một biết mười, lễ phép, chuyên cần, bạn học có người gấp rưỡi, gấp đôi tuổi đều thương mến. Những ngày trời mưa bạn thường cõng ông qua chỗ lội.

Khi ở nhà lúc nào ông cũng chăm lo đèn sách, khi ra ao rửa bèo, ra vườn hái rau, tay vẫn cầm cái que nhọn vạch xuống đất hoặc vào lá chuối, lá khoai những chữ khó nhớ.

Đến khi “biết chữ”, thầy đồ gửi ông ra học cụ Vũ Mộng Nguyên người xã Đông Sơn, huyện Tiên Du, đỗ Thái học sinh không làm quan nhà Hồ về dạy học.

Ông là học trò tiêu biểu nhất của cụ Vũ Mộng Nguyên, đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Thìn (1448) niên hiệu Thái Hòa năm thứ 6 đời vua Lê Nhân Tông.

Tương truyền đêm trước ngày thi đình vua Nhân tông nằm mơ thấy lợn đỗ trạng, vua sai xa giá xem bảng thấy trạng tân khoa là Nguyễn Văn Trư, dân gian coi yết bảng cứ kháo thành vè “Long đầu lợn-Nguyễn Văn Trư”, vua liền đổi tên cho Trạng là Nguyễn Nghiêu Tư.

Ông làm quan đến chức An phủ sứ Hàn lâm Trực học sỹ, đi sứ nhà Minh lại phong Lại bộ thượng thư, về phong Chưởng lục bộ thượng thư.

Khi vinh quy bái tổ, dân làm nghè ở Phù Lương thị (chợ làng Phù Lương), tức làng Giùng, chợ Giùng để đón, nghè còn đến thời kháng chiến chống Pháp dân vẫn gọi là Nghè quan Trạng. Khi về hưu vua phong “Thượng quốc công chí sỹ” và vợ được hàm “nhất phẩm phu nhân”.

Năm 1459 Lê Nghi Dân giết vua tiếm vị, sai ông đi sứ cầu phong, nhà Minh hoạch:
- Sao lại dám giết em mà tranh ngôi vua?

Nghiêu Tư trả lời:
- Đường Thái tông giết cả anh là Kiên Thành, em là Nguyên Cát là việc cũ của thiên triều, thì việc nước tôi ngày nay có gì là lạ?

Thấy sứ thần Đại Việt trả lời rất đúng lý nhà Minh đành nhận phong vương.

Khi đoàn sứ thần ta tới ải Nam Quan, viên coi cửa ải nhà Minh ỷ thế nước lớn, ngạo mạn treo lên cửa quan một chữ thập lớn bằng gỗ mà không mở cửa đón tiếp.

Trạng nói:
- ý các người muốn coi người Minh là “tung hoành vũ trụ”. Đã vậy thì Đại Việt ta đây “bao quát càn khôn”, sai người bện một cái vòng tròn lớn bằng lụa tết mắc lên đầu chữ thập, cả chữ thập lọt trong vòng tròn ấy.

Viên quan coi ải khiếp phục, mở cửa quan nghênh tiếp sứ giả.

Vào đến Yên Kinh, Trạng vào yết kiến vua Minh.Nhà vua muốn thử tài sứ giả, ngầm sai trong hoàng cung quán lịch sự, đề hai chữ Kính Thiên treo ở giữa, bầy đôi sập thất bảo rất cao, xung quanh đặt nghi vệ sang trọng như chỗ giường ngủ của thiên tử, để xem Trạng có dám ngồi đó không.

Khi sắp yến tiệc họ đưa trạng và phó sứ dạo thăm cung điện rồi mới đưa đến đấy. Trạng bèn bảo phó sứ cùng ngồi lên sập thất bảo. Thấy vậy, quan Minh ra hoạch:
- Cớ sao sứ thần lại ngược ngạo, vô lễ đến như vậy? Không trông lên trên kia xem, chỗ này là chỗ gì?

Trạng ta bình thản:
- Dám thưa, ngài lấy cớ gì cho sứ thần tôi là ngạo? Biển đề hai chữ Kính Thiên, chiết tự ra là kính nhị nhân (chữ thiên là giời, tách ra là hai chữ nhị nhân là hai người) thực hẳn là ý bản quốc muốn đem cái ngôi này mà hậu đãi sứ thần xa lại. Ngài dạy thế chúng tôi quyết không chịu. Vả nghe cổ nhân có nói: “Đãi người phương xa cốt lấy bụng thực”. Tôi nghe Thánh triều lấy thành tín đãi người ngoại quốc. Thế mà sứ giả nước xa tới lại đem cái bụng trí thuật làm oai. Tôi sợ người ta nghe tiếng dẫu có lòng thực hướng mộ, cũng sinh nghi mà không lại nữa.

Viên quan nhà Minh thấy trạng nói chẻ hoe như đã rõ gan một từ trước, vội vàng:
- Xin quý ngài xá lỗi. Nghĩ là buổi ban đầu, thử xem ngài có phải là bậc tài giỏi không thôi. Nhưng quý ngài quả là bậc thông minh, đã giỏi mà biết trước được như thế còn hề chi?

Trong thời gian ở Trung Quốc ông lập được nhiều công lớn, nhất là việc dạy hoàng tử học, được vua Minh rất đỗi quý phục phong ông là Lưỡng quốc Trạng nguyên.

Song vì ông sinh ra trong nhà bán thịt lợn, tên là Trư và gọi là Lợn, đã là lợn thì phải học dốt. Dân mới bịa ra chuyện rằng thày dạy “Thiên tích thông minh, thánh phù công dụng”, ông đọc ra “thiên tích thong manh, thánh nằm chỏng gọng”...

Thế mà đỗ Trạng nên mọi chuyện gặp may được bịa ra như bia “hạ mã” ông đọc là “bất yên” thì tự dưng trong làng có đám cháy, con gái Bùi tướng công tên là Phấn ra vế đối “bát đao phân mễ phấn” ông không đối được mới chép vào bảo lúc thi đỗ sẽ đối, vào triều đề thi là “thiên lý trọng kim chung”, ông đem đối vào rồi lại đem vế ấy về đối ở nhà Bùi tướng công, hay tuyệt vừa đỗ Trạng vừa được vợ, rồi chuyện cầu mưa, xử kiện, xem bói, đối chữ ở Trung Quốc... thảy đều gặp những sự may mắn, trùng hợp đến lạ lùng.

Nghệ sỹ dân gian nào đó đã chép thành chuyện Trạng Lợn mà ta thường đọc. Cực đoan hơn nữa, ở Hà Nam có hẳn sách Trạng Lợn dài 18 hồi theo kiểu chương hồi Tam Quốc chí.

Trần Quốc Thịnh
Link: http://www.bacninh.gov.vn/dukhach/Trang/Tin%20chi%20ti%E1%BA%BFt.aspx?newsid=121&cid=13&dt=2011-06-14
Logged

Nắng gió cuộc đời, phải chăng đã phũ phàng làm cho mái tóc phai đi, sáng lên màu bạc, nhưng ánh mắt vẫn đọng mãi những đốm lửa của nồng nhiệt và tha thiết...Hãy gom những đốm lửa lẻ loi ấy để bùng cháy thành ngọn lửa!
thanhh63
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2187


« Trả lời #53 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2011, 12:45:31 pm »

Câu chuyện 31:


Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo

Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo sinh năm 1651, mất năm 1719, tục gọi là Trạng Bựu. Ông là con trai Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tuân, cháu nội Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo. Ông đỗ Trạng nguyên năm 33 tuổi, làm Lại bộ hữu thị lang, sau được phong Quận công, được cử đi sứ sang Trung Quốc năm Đinh Sửu - 1698. Sau khi mất, ông được phong Thượng thư Lại bộ, tước Thọ Quận công. Nguyễn Đăng Đạo để lại tập ký sự Nguyễn Trạng nguyên phụng sứ tập ghi lại tỉ mỉ những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến công cán sang Trung Quốc.

Vế đối hay ý đẹp

Đăng Đạo trong thời gian ở Trung Quốc, một hôm, một viên Hàn lâm nước này đến mời sứ thần Đại Việt đi vãn cảnh trong vườn thượng uyển thưởng trăng, ngắm hoa cùng sứ thần các nước.

Thời tiết chuyển sang xuân. Vườn đầy hoa khoe sắc thắm. Tạo vật xanh tươi hớn hở dưới trăng thanh gió mát. Đăng Đạo sánh bước cùng các sứ thần say sưa ngắm cảnh thì bỗng viên Hàn lâm hứng tình tức cảnh ứng tác ngay một vế đối:

- Xuân tiêu phong nguyệt, nguyệt tân hoa sắc, phong tống hoa hương, hương tuỳ sắc, sắc tuỳ h­ương, hương hương sắc sắc mãn xuân tiêu, tương tưkhách tưởng tương tưkhách.

(Trăng gió đêm xuân, trăng nhuộm màu hoa, gió đa hương lạ, hương theo sắc, sắc theo hương, hương hương sắc sắc tràn đầy đêm xuân, khách tương tưnhớ khách tương tư).

Mọi người trầm trồ: vế đối đầy ắp chất thơ, luyến láy bởi những điệu âm bổng trầm giàu nhạc, khiến các sứ thần bối rối không biết đối ra sao.

Sứ thần Cao Ly (Triều Tiên) lên tiếng đối trước:

- Tùng viện trúc mai, mai sinh long diệp, trúc hoá long chi, chi ty diệp, diệp ty chi, diệp diệp chi chi liên trùng viện, hữu tình nhân thức hữu tình nhân.

(Mai trúc lầu tùng, mai trồi lá đẹp, trúc nảy cành xinh, cành liền lá, lá liền cành, lá lá sát lầu tùng, người hữu tình hiểu người hữu tình)

Viên Hàn lâm nghe xong, khen:

- Lá cành san sát, màu xanh bát ngát đầy phòng.

Nói thế nhưng trong thâm tâm, ông ta vẫn không được hài lòng lắm.

Tiếp đó, Đăng Đạo xin đối:

- Hạ nhật cầm thi, thi ngụ ngã tình, cầm thích ngã tính. Tính viện tình, tình viện tính, tính tính tình tình thhạ nhật; tri âm nhân thức tri âm nhân.

(Đàn thơ ngày hạ, thơ ngụ tình ta; đàn hoà tâm tính, tính nương tình, tình nương tính, tính tính tình tình thoả thuê ngày hạ, người tri âm hiểu người tri âm).

Mọi người xuýt xoa. Viên Hàn lâm tấm tắc:

- Đàn thơ giao hoà, chung đúc cả tạo hoá vào trong một con người, từng câu từng chữ chọi nhau chan chát; so với câu của ngài sứ Cao Ly thì câu của ngài sứ Đại Việt có một sắc thái riêng, phong vị riêng rất đặc biệt. Ôi! Quả là lời hay ý đẹp.

Cao hứng, Đăng Đạo múa bút làm thêm bài phú Bái nguyệt trong chớp mắt, làm các sứ thần thêm kính phục.

Sau đó, vua Khang Hy phong tặng Đăng Đạo học vị Trạng nguyên Trung Quốc.

Link: http://chieuxua.com/forums/viewtopic.php?p=3220
Logged

Nắng gió cuộc đời, phải chăng đã phũ phàng làm cho mái tóc phai đi, sáng lên màu bạc, nhưng ánh mắt vẫn đọng mãi những đốm lửa của nồng nhiệt và tha thiết...Hãy gom những đốm lửa lẻ loi ấy để bùng cháy thành ngọn lửa!
thanhh63
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2187


« Trả lời #54 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2011, 12:59:39 pm »

Câu chuyện 32:

Lưỡng quốc Trạng nguyên Đào Sư Tích (1350 - 1396)

...Thời gian này, nhà Minh tăng cường sức ép với vua Trần nhằm tạo cớ thực hiện âm mưu xâm chiếm Đại Việt. Chúng liên tiếp đưa các yêu sách ngày càng nặng nề đối với nước ta :

- Tháng 9 năm Giáp Tý (1384) chúng đòi ta phải nộp lương thực cung cấp cho quân Minh đóng ở Lâm An (Vân Nam, Trung Quốc).

- Tháng 3 năm ất sửu (1385) chúng đòi ta nộp 20 tăng nhân (nhà sư).

- Tháng 2 năm Bính dần (1386) chúng đòi ta nộp những loài cây ăn quả quý, lại đòi cấp cho chúng 50 con voi và cho chúng mượn đường đi đánh Chiêm Thành.

- Tháng 6 năm ất hợi (1395) quân Minh đánh các man làm phản ở Long Châu và Phụng Nghĩa (Quảng Tây, Trung Quốc), đòi ta phải cấp cho chúng 5 vạn quân, 50 thớt voi, 50 vạn thạch lương... Ta chỉ nộp một ít gạo, chúng lại đòi ta phải nộp tăng nhân, thanh niên bị thiến, phụ nữ xoa bóp...

Trước tình thế đó, vua Trần rất cần người tài giỏi, có đủ khả năng xoay chuyển tình thế đi sứ để thực hiện chủ trương hoà hoãn. Trong triều có người nói chỉ có Đào Sư Tích mới có đủ khả năng để thực hiện nhiệm vụ này. Mặc dù không ưa gì Đào Sư Tích, Hồ Quý Ly vẫn phải xin vua Trần giao cho ông nhiệm vụ đi sứ. Khi Hồ Quý Ly về Cổ Lễ để triệu Đào Sư Tích vào triều thì ông đã ở Tam Đảo. Tưởng ông bỏ trốn, Hồ Quý Ly ra lệnh nếu Đào Sư Tích không hồi triều đi sứ thì sẽ bị chu di tam tộc. Đề phòng họ Đào sau này bị Hồ Quý Ly tàn sát, Đào Sư Tích đã cho con cháuđổi ra họ Phạm và hồi triều nhận trách nhiệm đi sứ nhà Minh. Sau này con cháu ông lại có người đổi thành họ Dương, do đó từ đường họ Đào ở Cổ Lễ hiện nay có bức đại tự ghi là Đào - Phạm - Dương.

Đào Sư Tích đã đi sứ nhà Minh vì quyền lợi của trăm họ, vì yêu cầu của đất nước. Bằng tài năng hơn người, ông đã thuyết phục được vua Minh giảm nhẹ yêu sách, đặc biệt đã bãi bỏ việc đòi cống nạp tăng nhân, kéo dài thời gian hoà hoãn cho Đại Việt. Tương truyền, thời đó nhà Minh cho người vơ vét sách thuốc bằng chữ Nôm của nước ta, đem về nước xếp cao đến nóc nhà, nhưng không có ai đọc thạo. Nhân có Đào Sư Tích sang sứ, vua Minh nhờ ông đọc và tóm tắt giúp để Lý Sỹ Tài ghi lại bằng chữ Hán thành bộ Y tông tất đọc, ông chỉ đọc trong ít ngày là hết kho sách. Vua Minh vô cùng kinh ngạc và khâm phục, đã tặng ông bốn chữLưỡng quốc Trạng nguyên (Trạng nguyên hai nước). Hiện bốn chữ này còn được khắc trong lăng Trạng nguyên Đào Sư Tích ở Cổ Lễ.

Việc đi sứ của Đào Sư Tích không thấy ghi trong lịch sử. Do thời gian đã quá lâu, việc biên soạn lịch sử có nhiều sự kiện bị bỏ sót là điều dễ hiểu. Nhiều tài liệu của những tác gia nghiên cứu về Đào Sư Tích hiện nay đều thừa nhận việc đi sứ cuả ông nhưng không nói rõ là ông đi sứ vào thời gian nào. Lý lịch di tích lịch sử văn hoá nhà thờ Trạng nguyên Đào Sư Tích của Bảo tàng Nam Hà chép rằng:

- "Theo truyền thuyết và tư liệu lịch sử thì khi ông mất tại đất Trung Quốc có 23 người, ngựa của nhà Minh đã hộ tống thi hài Trạng nguyên Đào Sư Tích về an táng tại quê hương xứ Hạ Đồng (Cổ Lễ) theo lời di chúc của ông..."

Nếu đúng như vậy thì Đào Sư Tích đi sứ nhà Minh vào năm 1395 - 1396 và mất trong khi đi sứ ở Trung Quốc chăng? Có một ý kiến khác cho biết Đào Sư Tích mất tại quê (Thời Trần và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trên quê hương Nam Hà, Sở Văn hoá và Thông tin Nam Hà xuất bản 1996, trang 119). Tuy nhiên, về cái chết của Đào Sư Tích, trong dân gian còn lưu truyền một giai thoại như sau:

Thời hạn đi sứ của Đào Sư Tích sắp hết, vua Minh hỏi rằng:
- Nếu Bắc (chỉ Trung Quốc) đánh Nam (chỉ Đại Việt) thì ai thắng?

Đào Sư Tích trả lời bằng hai câu thơ:
- Bắc thắng, Nam thua, thua thua thắng
Nam thua, Bắc thắng, thắng thắng thua.

Nghe câu trả lời của sứ thần Đại Việt, các quan võ nhà Minh cười vang khoái trá. Nhưng vua Minh lại không thể cười được vì hiểu ý câu trả lời của Đào Sư Tích. Trong câu trả lời có 5 chữ thắng, 5 chữ thua, nghĩa là đánh Đại Việt thì chưa chắc đã thắng đâu, chi bằng hoà là hơn. Câu trả lời của Đào Sư Tích không làm phật lòng vua Minh mà lại duy trì được mục đích kéo dài thời gian hoà hoãn cho Đại Việt.

Vua Minh lại hỏi:
- Nhà Trần suy vong, Hồ Quý Ly chuyên quyền, lòng dân ly tán, tại sao ta không thắng?

Đào Sư Tích trả lời cũng bằng hai câu thơ:
- Trần thực, Hồ hư, hư hư thực
Cổ lai chinh chiến thực thực hư hư
(Nhà Trần là thực, Hồ chỉ là hư, hư là hư thực
Xưa nay chinh chiến thực thực hư hư)

Vua Minh biết Đào Sư Tích là người tài giỏi, không thể khuất phục được bèn nghĩ cách giết đi. Vua Minh sai một quan đại thần tiễn Đào Sư Tích về nơi nghỉ và đưa cho vị này 4 phong thư, dặn mở theo thứ tự như thế như thế... Khi mở phong thư thứ nhất thấy có dòng chữ: Thượng văn vấn, hạ tri vương.

Vị đại thần nhà Minh không hiểu ra làm sao. Đào Sư Tích liền bảo:
- Vua Minh quá khen, cho ta là bậc thánh hiền. Ta đâu giám nhận lời khen đó.

Và ông giải thích cho vị đại thần nhà Minh rõ:
- Văn là nghe, nghe là tri, tri là nhĩ. Vấn là hỏi, hỏi là mồm, mồm là khẩu. Bên dưới có chữ vương. Hợp ba chữ: nhĩ, khẩu, vương thành chữthánh. Vua Minh có ý bảo ta là thánh nhân đó mà.
Trong phong thư thứ hai có câu trả lời cho phong thư thứ nhất. Câu trả lời của Đào Sư Tích hoàn toàn đúng với đáp án trong phong thư thứ hai.

Phong thư thứ ba là sắc phong Đào Sư Tích làm Lưỡng quốc Trạng nguyên.

Phong thư thứ tư có hai dòng chữ:
               Hậu hoạ
               Nhất dược nhị đao

Vị đại thần hiểu rằng vua Minh lệnh cho ông phải giết Đào Sư Tích nên ông rất hoang mang, buồn bã. Đào Sư Tích bình thản đón nhận cái chết, vì ông đã đoán biết trước việc này. Ông an ủi vị đại thần nọ:
- Thánh thì thoát tục. Ông chẳng nên quá buồn rầu. Chỉ xin chođược chết bằng thuốc độc để ông khỏi phải khổ tâm khi phải trực tiếp giết ta.

Trước khi uống thuốc độc, ông dặn dò người nhà đi theo rằng:
- Sau khi ta chết hãy đưa thi hài về chôn ở xứ Hạ Đồng (Cổ Lễ quê ông). ở chỗ giáp ranh ba thôn Đông (Đông Trung nay thuộc Trung Lao, Đông Thượng nay thuộc Đông Thượng, Đông Hạ nay thuộc Trực Đông) có một ngôi mộ, hãy trồng một cây đa ở ngôi mộ đó cho ta.

Ngôi mộ đó chính là mộ bà Lê Thị Đông, người bạn thân thiết thời thơ ấu của Đào quan trạng.

Sau khi Đào Sư Tích mất, Vua Minh đã cho đưa thi hài ông về quê theo lời di chúc của ông. Dân gian còn lưu truyền câu: "Nhị thập tam kỵ mã Ngô Minh quân hồi hương linh cữu Lưỡng quốc Trạng nguyên".

Trong di cảo của Trạng nguyên Đào Sư Tích cũng nói rõ việc đi sứ nhà Minh và nhiều khả năng ông mất trên đường về. Bài Bắc khứ (Đi lên phương Bắc) và bài Dữ tiểu thiếp Giang thị (Nói với tiểu thiếp là Giang thị) ghi lại việc ông đi sứ, dọc đường lấy cô gái miền núi làm thiếp, phần chú thích của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị nói rõ Đào Sư Tích đi sứ là do bị Hồ Quý Ly bắt buộc. Hồ Quý Ly còn làm thơ tiễn Đào trạng nguyên. Rồi bài Hồi thời bệnh ngộ đại vũ (Lúc trở về, đang bị bệnh gặp mưa lớn) gợi cho chúng tôi nhận định: Trạng vốn sức khoẻ kém, bệnh nặng, trên đường đi đầy gian khổ, có thể Trạng đã mất trên đường đi sứ về chăng.
....

Link: http://baiviet.vietnamgiapha.com/2011/04/trang-nguyen-ao-su-tich.html
Logged

Nắng gió cuộc đời, phải chăng đã phũ phàng làm cho mái tóc phai đi, sáng lên màu bạc, nhưng ánh mắt vẫn đọng mãi những đốm lửa của nồng nhiệt và tha thiết...Hãy gom những đốm lửa lẻ loi ấy để bùng cháy thành ngọn lửa!
thanhh63
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2187


« Trả lời #55 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2011, 11:45:44 am »

Câu chuyện 33:

Trung trinh tiết tháo

Không hiểu sao cả chính sử lẫn dã sử xứ mình ít hoặc chưa đề cập đến một sự kiện có thể nói là hi hữu (mà gọi là độc nhất vô nhị cũng chẳng phải là ngoa) trong nền ngoại giao Đại Việt? Ấy là sự kiện sứ thần Lê Quang Bí. Lê Quang Bí sinh năm Bính Dần (1506), hiệu là Hối Trai, không rõ mất năm nào.

Ông là con của Trạng nguyên Lê Nại, cháu bốn đời Lê Cảnh Tuân, đỗ tiến sĩ năm thứ 5, niên hiệu Tống Nguyên đời Lê Cung Hoàng (1526) một năm trước khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê. Nguyên quán ở Thuận Hựu (Hậu Lộc)  xứ Thanh nhưng ông là người thuộc xã Mỗ Trạch, huyện Đường An, nay là thôn Mỗ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Năm 27 tuổi, cha của Lê Quang Bí đã đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ - đệ nhất danh Trạng nguyên trong khoa thi lấy đỗ 55 tiến sĩ ở khoa thi Ất Sửu (1505) đời Lê Uy Mục. Đặc biệt là cha ông thi cả năm trường đều đỗ thủ khoa, làm đến chức Hữu thị lang Bộ Hộ. Khi cha ông mất còn được truy tặng tước Đạo Trạch Bá.

Cũng như cha, Lê Quang Bí là người rất thông minh và học giỏi. Mặc dù các sử thần Đại Việt từng gọi triều Mạc là ngụy triều nhưng việc học hành thi cử có nhiều thành tựu.  Đến năm 20 tuổi, Lê Quang Bí dự khoa thi Đình năm Bính Tuất (1526).  Đề bài thi Đình là một bài văn sách hỏi về các bậc thánh nhân trị thiên hạ. Khoa thi này lấy đỗ 20 người. Lê Quang Bí đã đỗ Hoàng giáp, đứng thứ tư.

Năm Mậu Thân (1548), Mạc Phúc Nguyên là con cả của Mạc Phúc Hải, cử Lê Tiến Quy làm Chánh sứ và Lê Quang Bí làm Phó sứ, sang sứ nhà Minh lo việc triều cống hàng năm. Đi sứ nhà Minh là việc bình thường.

Nhưng sự bình lặng của việc giao hảo đã thành sự cố với thói cư xử trịch thượng bất bình đẳng của nước lớn cộng với sự nhiễu thông tin nhà Mạc tiếm ngôi vua Lê. Sự cố đầu tiên là Lê Quang Bí cùng đoàn sứ thần bị ách lại ở Nam Ninh. Người nhà Minh ngờ là giả mạo bắt phải chờ để tra xét thực hư.

Đằng đẵng 15 năm trời liên tằng những tra với xét, đoàn sứ bộ của Lê Quang Bí vẫn phải kiên nhẫn chờ và chờ... Tra mãi xét mãi nhưng Lê Quang Bí cứ bình thản chịu đựng... Tuân mệnh vua, quyết không làm nhục quốc thể nên nhục đấy khổ đấy cũng chẳng thể tùy tiện cáu bẳn nổi đóa!

Với lại có tự tiện bỏ về cũng chả được nào vì thân phận giam lỏng. Cái đích là Yên Kinh chứ không phải dịch quán Nam Ninh. Ròng rã năm này qua năm khác, có thể nhà Minh hạch tội Mạc Phúc Nguyên mấy năm bỏ bẵng việc tiến cống nên hành đoàn sứ bộ?

Có thể qua thông tin có được từ quân do thám tâu rằng nhân tình hình nước Nam nội bộ rối ren nên mở ngay một cuộc chinh phạt nhưng vua Minh dùng dằng chưa quyết?  Mãi đến năm Quý Mùi (1563) viên quan trị nhậm Lưỡng Quảng vừa thương tình và cảm phục mới sai người đưa 25 lạng bạc và cho đoàn sứ bộ tiếp tục về Kim Lăng (Yên Kinh, Bắc Kinh).

Gối đất nằm sương ngày đi đêm nghỉ dằng dặc qua hàng trăm dịch quán, tưởng đến Bắc Kinh là suôn sẻ xong việc, nhưng oái oăm, đoàn sứ bộ của Lê Quang Bí lại bị ách tiếp ở quán dịch để chờ tra xét (?!) Những tờ sớ tâu bẩm của đoàn sứ bộ cứ lần lượt rơi vào quên lãng...

Mặc dù dằng dặc thời gian đợi chờ nhưng Lê Quang Bí vẫn chịu đựng kiên nhẫn kính cẩn giữ mệnh chúa không tỏ ra bực tức, thần thái lúc nào cũng ung dung tự tại. Ba năm ở Yên Kinh, có những viên quan nhà Minh luôn tới dịch quán, tiếng là thù tạc giao thiệp nhưng thực chất là coi xét thái độ cùng nắm động cơ của đoàn sứ bộ.

Nhưng trực tiếp chứng kiến việc làm cùng thái độ của sứ thần của Lê Quang Bí, có một viên quan nhà Minh tên là Lý Xuân Phương chức Đại học sĩ đã tỏ ra kính phục trước tiết tháo của vị sứ thần nước Nam. Lý Xuân Phương đã tâu lên vua Minh. Sau đó đoàn sứ bộ đã được gặp vua Minh cùng nộp lễ phẩm và chuẩn cho về nước.

Vậy là kỷ lục 18 năm đi sứ của Lê Quang Bí chưa có ai và thời nào ở nước ta phá nổi! Lúc ra đi tóc mây xanh mướt, khi trở về râu tuyết bạc phơ. Người nhà Minh đã ví ông như Tô Vũ xưa đi sứ sang Hung Nô vậy.

Tô Vũ năm 100 trước CN, vâng mệnh Hán Vũ Đế đi sứ Hung Nô bị quý quốc láng giềng đày đọa bắt chăn dê đằng đẵng 19 năm ở ven hồ Bai Can quanh năm không một bóng người, phải đào hang bắt chuột, bới rễ cây để ăn với lời đe của Thiền Vu Hung Nô: “Bao giờ dê đực đẻ con thì nhà ngươi mới được về Hán!”.

Vậy mà Tô Vũ vẫn chẳng hề lung lay tiết tháo, quyết không làm nhục mệnh vua, trung trinh với cố quốc. 19 năm của Tô Vũ và 18 năm của Lê Quang Bí, phỏng các sứ thần thời nay có được mấy người? Nhờ có quốc sỉ mà Lê Quang Bí lẫn Tô Vũ tránh được nỗi quốc nhục.

Năm Bính Dần, mùa xuân niên hiệu Sùng Khang thứ nhất (1566) đời Mạc Hậu Hợp, Lê Quang Bí về nước. Đón Lê Quang Bí tại ải Nam Quan có hai ông thượng thư đầu triều trong đó có Lại Bộ thượng thư kiêm Đông Các đại học sĩ Giáp Hải, thời ấy người ta vẫn quen gọi là ông Trạng Kế.

Trong Đại Nam quốc sử diễn ca có những câu:
“Thuần Phúc sai Thượng thư Giáp Hải
Đi lên miền biên giới Lạng Sơn
Đón Lê Quang Bí sứ thần
Phải đi mười tám năm tròn tới nay”.

Chẳng hay trong cuộc đón, ông Thượng thư Giáp Hải và ông Tiến sĩ kiêm sứ thần Lê Quang Bí có vồn vã ôm siết lấy nhau nhưng tấm gương trung trinh tiết tháo của Lê Quang Bí dường như đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm cho vị Thượng thư triều Mạc? Năm 1573, ông được cử giữ chức Tuyên Phủ đồng tri, lên ải Nam Quan cùng quan lại nhà Minh thương nghị giám sát biên giới.

Với những lý lẽ sắc bén, giải pháp thông minh, khiến người Minh phải nể phục, kính trọng, thường chỉ gọi ông là Giáp Tuyên phủ chứ không gọi tên. Ông là người giỏi bang giao từ mệnh đã năm lần được triều đình giao cho trọng trách đi sứ, ba lần nắm ấn quan to. Ngoài việc bang giao, mỗi lần tiếp sứ hay mỗi lần đi sứ ông thường có thói quen làm thơ ghi lại.

Bây giờ xin trở lại với những vần thơ của sứ thần tiết tháo Lê Quang Bí. Về đến Tổ quốc, Lê Quang Bí được Mạc Hậu Hợp phong cho chức Thượng thư, lại phong  tước Tô Xuyên hầu, ví ông với vị trung thần nhà Hán là Tô Vũ.

Trong thời gian đày đọa ở đất khách quê người hết Nam Ninh, rồi Yên Kinh, Lê Quang Bí với sự thông tuệ vốn có lại cẩn trọng siêng năng có lẽ đã lưu lại nhiều trước tác? Nhưng tiếc thay chỉ còn ít bài trong tập thơ mà ông gom lại khi về nước. Đó là tập Tô Công Phụng sứ mà đáng kể có hai bài. Xin được biên ra đây để bạn đọc thưởng lãm. Bài thứ nhất ông vịnh Tô Vũ:

Cờ sứ vững cầm một cán không
Mười thu nghìn dặm tiết cô trung
Đất Hồ sương tuyết gầy mình hạc
Đền Hán ngày đêm nhớ  mặt rồng
Bể Bắc ngày chầy dê chửa đẻ
Trời Nam nẻo viễn nhạn khôn không
Khăng khăng chẳng chuyển lời vàng đá
Bia tạc muôn đời tượng tướng công.
...

Link: http://antgct.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=55416


Logged

Nắng gió cuộc đời, phải chăng đã phũ phàng làm cho mái tóc phai đi, sáng lên màu bạc, nhưng ánh mắt vẫn đọng mãi những đốm lửa của nồng nhiệt và tha thiết...Hãy gom những đốm lửa lẻ loi ấy để bùng cháy thành ngọn lửa!
thanhh63
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2187


« Trả lời #56 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2011, 12:03:22 pm »

Thêm 1 câu chuyện về Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi:


Dòng Họ Mạc Đĩnh Chi Ở Cao Ly       

Hà Nhân Văn

Cao Ly còn có tên Câu Cao Ly, Triều Tiên, Đại Hàn và Hàn Quốc, một nước văn hiến văn hóa lâu đời, theo Tam giáo (Nho, Lão, Phật) nhưng Nho giáo từ thế kỷ đầu Tây lịch ở Cao Ly là chủ thể. Nho học là quốc học. Từ triều Nguyễn trở về trước Lê, Trần, Lý, VN không có quan hệ  ngoại giao với Cao Ly nhưng các Sứ thần Cao Ly và Đại Việt thường gặp nhau định kỳ ở Bắc Kinh vì cùng triều cống Trung Hoa, hay vào các dịp lễ vạn thọ (sinh nhật) hoặc quốc tang của các hoàng đế con Trời.

Mạc Đĩnh Chi đậu Trạng nguyên khoa Giáp Thìn (1304) đời Trần Anh Tông (1293-1324) được cử đi Sứ Trung Hoa, lưu lại Bắc Kinh một thời gian, ông gặp Trạng nguyên Cao Ly, Chánh sứ. Hai Trạng Việt-Hàn trở thành đôi bạn tâm đắc, thường cùng nhau xướng họa. Trạng nguyên Chánh sứ Cao Ly, cảm kích ngưỡng mộ Trạng Mạc Đĩnh Chi, mời ông qua thăm Hàn Quốc. Trạng Việt ở lại kinh đô Hán Thành (Seoul) một thời gian. Trạng Cao Ly làm mối cháu gái cho Trạng Việt, bà sinh được một con trai và một con gái. Đây là thủy tổ của họ Mạc ở Cao Ly. Sử không ghi rõ năm nào Trạng Mạc Đỉnh Chi sang thăm Cao Ly. Khâm định Việt sử thông giám Cương mục chép sơ giản: “Tháng 11 năm Mậu Thân (1308), vua Trần anh Tông sai sứ  sang nhà Nguyên (Mông Cổ cai trị Trung Hoa). Vũ Tông nhà Nguyên mới lên ngôi vua, sai Thượng thư An Lỗ Uy sang báo. Vua sai Mạc Đĩnh Chi sang chúc mừng” (sđd, Cương mục, chB Q. IX, t.2). Mạc Đỉnh Chi còn đi sứ lần thứ hai vào năm Nhâm Tuất (1322) nhân vua Nguyên Anh Tông lên ngôi, vua Trần Anh Tông cử sứ sang chúc mừng (Cương mục, ChB. Q.IX,tr. 19). Các triều đình Trung Hoa rất trọng vọng Sứ thần Đại Việt và sứ thần Cao Ly. Sau lễ đăng quang Nguyên đế, Bà công chúa Trưởng mất, sứ các nước đều vào điếu tang dự tế, sứ Cao Ly thì vào hiến hương (dâng hương), Sứ ta thì vào đọc chúc (điếu văn) (Xem: Nguyễn Hữu Tiến “Nói về truyện các cụ ta đi Sứ Tàu”. Nam Phong Tạp chí, số 92, tháng 2-1925, trang 113-123).

Theo nghi lễ triều đường, người được chọn đọc chúc là một vinh dự đặc biệt chỉ sau vị đại thần Chánh tế và Phó tế. Mạc Đĩnh Chi được vinh dự này. Nhưng có lẽ Đình thần Bắc Kinh mượn dịp thử tài Sứ thần Đại Việt và cũng có thể làm cho Sứ thần ta mất mặt nếu không đủ tài ứng phó. Quan lễ nghi trao bản chúc (văn tế) cho Trạng Việt lúc Trạng mở ra thì chỉ có 4 chữ nhất viết trên tờ  giấy trắng. Biết làm thế nào bây giờ? Mạc Đĩnh Chi liền ứng khẩu ngay:

Vu sơn NHẤT đóa vân

Hồng lô NHẤT điểm tuyết

Thượng uyển NHẤT chi hoa

Dao trì NHẤT phiến nguyệt

Y! Vân tán tuyết tiêu!

Hoa tàn, nguyệt khuyết!


Dịch nghĩa “Một đám mây trên đỉnh Vu Sơn (có tài liệu chép là thanh thiên), một giọt tuyết trong lò đỏ; một cành hoa ở vườn thượng uyển; một vầng trăng ở dưới ao tiên. Than ôi! Mây tản, tuyết tan, hoa tàn, trăng lặn!) Nguyên đế khen là người tài. Chắc sứ thần Cao Ly cảm phục tài ba của Trạng Việt, bèn mời ông qua thăm Hán Thành, chốn đô hội nghìn năm văn vật.
Tượng Mạc Đĩnh Chi – Chùa Dâu – Bắc Ninh

Cháu 20 Đời Trạng Mạc Về Việt Nam Nhận Họ

Mùa hè năm 1926, trên 600 năm sau kể từ năm người vợ Cao Ly của Mạc Đĩnh Chi sinh được một con trai đầu lòng và một gái, hậu duệ 20 đời của Trạng Mạc Đĩnh Chi là một thương gia Cao Ly, bán sâm ở Bắc Việt, ông về Hải Dương để tìm tông tích họ hàng. Năm 1966 lại có một hậu duệ họ Mạc Cao Ly qua Sàigòn tìm nguồn gốc tông tộc. Họ Mạc Cao Ly từ thế hệ đầu đến thế kỷ 20 đều thành công, nhưng phần đông kinh doanh, “chaú út của Trạng và bà bé Cao Ly năm 19 tuổi thi đậu Cử nhân chỉ ở nhà làm thuốc dạy học. Ông này sinh được 4 con trai đều học hành khá giả. Người con thứ 3 của ông (tức chắt của Trạng Mạc) sinh được một người con văn võ toàn tài, đã từng chống đuổi quân Tàu áp chế bạo tàn. Ông đánh Đông dẹp Bắc một thời. Học giả kiêm nhà báo Lê Khắc Hòe tình cờ gặp hậu duệ của Trạng Mạc, ông đã bút đàm (Hán văn) với cụ Hòe và lược thuật gia phả họ Mạc Cao Ly.

Với tác giả bài báo “Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi có hậu duệ ở Cao Ly từ thế kỷ 14 đến nay” (xem: Lê Khắc Hòe, tài liệu đã dẫn. An Nam tạp chí số 4, tháng 8 – 1926, trang 14-17 do Vũ Hiệp (Sàigòn) sưu tầm, đăng lại toàn văn trong Nghiên cứu Lịch sử số 2 (285)- 1996, tr. 76-81). Hậu duệ Trạng Mạc bút đàm với cụ Lê Khắc Hòe như sau: “Tiên sinh xem tôi kể giai đoạn lịch sử liên lạc giữa tệ quốc và quí quốc sau đây sẽ không lấy người nước Hàn mà coi tôi như giống Hồng cháu Lạc vậy” (trích dẫn, dịch qua quốc ngữ từ bản bút đàm Hán văn). Hậu duệ Mạc Đĩnh Chi ở Cao Ly, hơn 600 năm sau trải qua 20 đời vẫn còn bảo trọng được cội nguồn Việt…

Link: http://www.thegioi-song.com/tuconchau.htm


Logged

Nắng gió cuộc đời, phải chăng đã phũ phàng làm cho mái tóc phai đi, sáng lên màu bạc, nhưng ánh mắt vẫn đọng mãi những đốm lửa của nồng nhiệt và tha thiết...Hãy gom những đốm lửa lẻ loi ấy để bùng cháy thành ngọn lửa!
thanhh63
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2187


« Trả lời #57 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2011, 04:04:43 pm »

Câu chuyện 34:

Ngoại giao để giữ đất dưới thời vua Lý Nhân Tông

Năm 1076, theo lệnh vua Tống Thần tông, Quách Quỳ cùng Triệt Tiết đem quân sang đánh nước ta. Sau khi bị Lý Thường Kiệt đánh bại trên sông Như Nguyệt, quân Tống rút về nước. Mặc dù rút quân về nước nhưng nhà Tống vẫn còn cho quân chiếm giữ phần đất của nước ta sát biên giới Việt – Tống là châu Quảng Nguyên (1) cùng một số đất đai, hang động, trong đó có hai động Vật Dương và Vật Ác do thổ dân Đại Việt vì sợ sệt nên khi chiến tranh xảy ra đã đem nộp cho nhà Tống.
  
Năm 1078, vua Lý Nhân tông sai Đào Tống Nguyên đem tặng 5 con voi cho vua Tống với mục đích đòi nhà Tống trả lại đất đai cho Đại Việt mà họ đang chiếm giữ. Vua Tống đồng ý trả lại châu Quảng Nguyên nhưng vẫn không chịu trả những vùng đất khác, viện cớ do thổ dân Đại Việt đã tự ý dâng nộp đất chứ không phải nhà Tống chiếm giữ trái phép. Vua Lý Nhân tông đã viết tờ biểu đòi lại hai hang động này, trong đó có đoạn:
 
“Nước tôi có đất Vật Dương, Vật Ác, gồm hai động và tám huyện, vẫn tiếp liền với phần đất tỉnh [Quảng Tây]. [Những đất ấy] trước sau đều bị bọn đầu mục thổ dân làm phản, bỏ đi, đem theo về với Trung Quốc. Đất Vật Dương thì năm Bính thìn (1076) bị sát nhập vầo đất quý tỉnh; đất Vật Ác thì năm Nhâm tuất (1082) cũng bị sát nhập và đặt thành ải Thông Khang.
 
Mặc dầu đấy chỉ là mảnh đất nhỏ nhưng vẫn khiến lòng tôi đau xót, luôn luôn nghĩ đến cả trong giấc mộng. Quả thực tổ tiên tôi xưa kia đã phải đánh dẹp phường tiếm nghịch, xông pha gian nguy, không tiếc tính mạng mới có được đất ấy. Nay tôi phận con cháu, đã không kế tục được cơ nghiệp được [cha ông] thì dám đâu dự vào hàng mộ nước phên dậu, cầu lấy cái sống tạm bợ trong chốc lát”. (2)

                    
THỈNH HOÀN VẬT DƯƠNG, VẬT ÁC NHỊ ĐỘNG BIỂU


Vua Lý Nhân tông mặc dù tỏ ra nhún nhường qua cách sử dụng từ ngữ khi tự nhận nước mình là một nước “phên dậu”, tức là nước nhỏ so với nước Tống, thế nhưng ông đã dùng lý lẽ cứng rắn khi đòi đất. Ông đã chỉ ra rằng vùng đất ấy là do “thổ dân làm phản” nên đã lấy đất của Đại Việt đem nộp cho nhà Tống chứ không phải là đất mà những thổ dân kia làm chủ sở hữu, vì vậy họ không có quyền dâng nộp cho nước Tống. Thêm một điểm khéo léo nữa là Vua Lý Nhân tông đã nói với nhà Tống rằng, đất đai của tổ tiên để lại, phận làm vua của một nước mà không giữ được thì đâu còn xứng đáng làm nước “phên dậu” của Tống.
 
Năm 1084, vua Lý Nhân tông phái Lê Văn Thịnh sang bàn chuyện với sứ giả nhà Tống để đòi lại vùng đất cương vực mà nhà Tống chiếm giữ. Cũng với lý do thổ dân nước ta tự ý nộp đất cho Tống nên sứ giả nhà Tống không chịu trả lại những vùng đất này. Lê Văn Thịnh đã trả lời sứ giả như sau:
 
“ Đất thì có chủ; bọn thuộc lại giữ đất đem dâng nộp và trốn đi, thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Coi giữ đất cho chủ lại tự ý lấy trộm tất không tha thứ được, mà ăn hối lộ và tàng trữ (của ăn trộm) pháp luật cũng không dung. Huống chi, (bọn chúng) lại có thể làm nhơ bẩn cả sổ sách của quý tỉnh hay sao”? (3)

DỮ TỐNG SỨ TRANH BIỆN


Lê Văn Thịnh đã đại diện cho một quốc gia đưa ra lý lẽ rành mạch khi trả lời sứ nhà Tống. Khi các thổ dân được vua giao canh giữ đất đai vùng biên giới thì họ không có quyền sở hữu để đem bán hay dâng nộp cho một nước khác. Nếu một vật được giao giữ hộ mà người giữ vật ấy đem bán hoặc đem cho người khác thì người giữ hộ trở thành kẻ ăn cắp và người nhận vật ấy cũng trở thành người giữ đồ gian. Lê Văn Thịnh đã khôn khéo gài sứ thần nhà Tống rằng, với một nước lớn như nước Tống mà giữ những mảnh đất ấy, tức giữ đồ ăn trộm thì sẽ bị mang tiếng nhơ khó rửa!
 
Nhờ ý thức giữ gìn từng tấc đất do tổ tiên để lại của triều đình nhà Lý, đứng đầu là vua Lý Nhân tông, cộng với tài ngoại giao khéo léo của của Lê Văn Thịnh, cuối cùng nhà Tống đành phải trả lại châu Quảng Nguyên cùng với 6 huyện và 3 động cho nước ta (4). Người Tống có thơ rằng:
 
Nhân tham Giao Chỉ tượng
 
Khướt thất Quảng Nguyên kim
 
Nghĩa là:
 
Vì tham voi Giao Chỉ
 
Bỏ mất vàng Quảng Nguyên
 
Qua việc đòi đất dưới thời vua Lý Nhân tông, chúng ta thấy rằng triều đình thời bấy giờ nhận thức rất rõ trách nhiệm giữ gìn từng tấc đất của tổ tiên để lại. Cha ông ta ngày xưa mặc dù mềm dẻo trong vấn đề ngoại giao nhưng đã không tỏ ra nhu nhược và nhất là không để nước láng giềng phương Bắc lấn ép đất đai. Một khi đã xác định chủ quyền những vùng đất bị nhà Tống chiếm giữ là của mình, thì vua tôi nhà Lý quyết đòi lại cho bằng được bởi vì hơn ai hết, triều đình nhà Lý hiểu được rằng họ đang sống trên mảnh đất có chủ quyền, họ là người làm chủ và họ có trách nhiệm phải giữ gìn những mảnh đất thiêng liêng ấy.
 
....
Ngọc Thu
11-01-10
(1)        Châu Quảng Nguyên: vùng đất thuộc tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơng ngày nay.
(2)        Bản dịch của Thanh Băng – Hoàng Lê.
(3)        Bản dịch của GS Hoàng Xuân Hãn.
(4)        Xem Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, phần Nhân Tông Hoàng Đế.

Link:http://baotangnhanhoc.org/vi/index.php?option=com_content&view=article&id=402:ngoi-giao--gi-t-di-thi-vua-ly-nhan-tong-&catid=29:bai-nghien-cu-lch-s&Itemid=37
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Mười Hai, 2011, 04:14:32 pm gửi bởi thanhh63 » Logged

Nắng gió cuộc đời, phải chăng đã phũ phàng làm cho mái tóc phai đi, sáng lên màu bạc, nhưng ánh mắt vẫn đọng mãi những đốm lửa của nồng nhiệt và tha thiết...Hãy gom những đốm lửa lẻ loi ấy để bùng cháy thành ngọn lửa!
thanhh63
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2187


« Trả lời #58 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2011, 07:55:31 pm »

Thêm 1 câu chuyện về Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi:

Giải oan

Trên đường đi đến kinh đô nhà Nguyên, trong một chiều hè nóng bức, Mạc Đĩnh Chi và tùy tùng lúc ấy thấy một quán nước ven đường thì dừng lại nghỉ chân. Chủ quán là một bà cụ già tóc bạc phơ, đến chào khách.

Gần quán có một giếng nước. Trên thành giếng có viết 5 chữ:

銀缾腱上鼻
"Ngân bình, kiên thượng tị."

Thấy lạ, Mạc Đĩnh Chi hỏi duyên do. Bà cụ chủ quán chậm rãi kể:

Xưa có một cô gái bán hàng nước ở đây rất thông minh, học giỏi, chữ nghĩa tốt. Có một anh học trò thầm yêu cô hàng nước, muốn ngấp nghé. Ngày ngày đi học về, thường ghé vào quán uống nước; và tìm lời trêu ghẹo.

Một hôm cô hàng nước nói thực với anh:

- Thiếp là con nhà lương dân, có theo đòi bút nghiên, mà chàng cũng con nhà thi lễ, nếu như phải duyên trời, thực cũng xứng đôi vừa lứa, Nhưng mà thiếp chưa được biết tài học của chàng ra sao, vậy thiếp xin ra một câu đối, nếu chàng đối được, thiếp tình nguyện xin nâng khăn sửa túi, bằng không, thì xin chàng chớ qua đây quấy rầy làm gì nữa.

Anh học trò bằng lòng. Cô hàng nhân nhìn thấy cái ấm tích bằng bạc trên bàn, mới ra câu đối rằng:

銀缾腱上鼻
“Ngân bình, kiên thượng tị."
(Nghĩa là “Bình bạc, mũi trên vai.” Ý nói cái vòi trên cổ ấm nước).

Anh học trò nghĩ mãi mà không đối được, xấu hổ quá, đành đâm đầu xuống cái giếng gần đó chết. Ít lâu sau, người ta cho viết vế xuất câu đối ấy lên thành giếng để thách thức cả thiên hạ, nhưng xưa nay chưa ai đối được.

Nghe đến đây, Mạc Đĩnh Chi cười:

- Câu ấy dễ thế sao không đối được mà phải ngậm oan nơi đáy giếng! Thôi để ta đối giùm giải oan cho hồn kẻ thư sinh.

Mạc Đĩnh Chi bèn đọc:

金鎖腹中鬚
"Kim tỏa, phúc trung tu."
(Nghĩa là “Khóa vàng, râu trong bụng.” Ý nói cái tua khóa ở trong ruột khóa).

Sau đó, Mạc Đĩnh Chi sai người viết câu ấy lên thành giếng, bên cạnh câu đối của cô hàng nước năm xưa.

Mọi người đều chịu ông đối giỏi.

Link: http://macdinhchireunion.net/board/index.php?action=vthread&forum=3&topic=4139
Logged

Nắng gió cuộc đời, phải chăng đã phũ phàng làm cho mái tóc phai đi, sáng lên màu bạc, nhưng ánh mắt vẫn đọng mãi những đốm lửa của nồng nhiệt và tha thiết...Hãy gom những đốm lửa lẻ loi ấy để bùng cháy thành ngọn lửa!
thanhh63
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2187


« Trả lời #59 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2011, 08:19:20 pm »

Câu chuyện 35:

Lưỡng quốc Khôi nguyên Nguyễn Đăng Cảo

Nguyễn Ðăng Cảo còn có tên gọi là Ðăng Hạo, người xã Hoài Bão, huyện Tiên Du (nay là thôn Hoài Bão, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Nguyễn Ðăng Cảo thật xứng đáng là "Lưỡng quốc Khôi nguyên". Ông được phong là "Phúc thần", hiện có đền thờ ông tại thôn Hoài Bão, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Ông là anh của Nguyễn Ðăng Minh (Tiến sĩ khoa Bính Tuất 1646), bác của Nguyễn Ðăng Tuân (Tiến sĩ khoa Quý Sửu 1673) và Nguyễn Ðăng Ðạo (Trạng nguyên khoa Quý Hợi 1683).

Năm 28 tuổi, ông đỗ Hội nguyên, Ðình nguyên, Ðệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa) khoa Bính Tuất, niên hiệu Phúc Thái 4 (1646) đời Lê Chân Tông. Cùng khoa thi này, em ruột ông là Nguyễn Ðăng Minh cũng đỗ Tiến sĩ. Sau đó ông lại đỗ đầu khoa Ðông các, được bổ chức Ðông các đại học sĩ năm 1659.

Bắc Ninh địa chí của Ðỗ Trọng Vĩ ghi: Nguyễn Ðăng Cảo hồi trẻ có tài lạ, truyện đọc một lần là nhớ, người đương thời gọi là thần đồng. Thi Hương, thi Hội, thi Ðình, thi Ðông các, ông đều đỗ đầu. Ði sứ sang nhà Thanh nổi tiếng, được triều đình Thanh rất khen ngợi và phê tặng danh hiệu Khôi nguyên.

Năm Kỷ Mùi triều Phúc Thái, ông hộ tống đoàn đi sứ biểu nhà Thanh đến Lạng Sơn, sứ nhà Thanh ra đối rằng:

Ðiểu nhập phong, thực tận trùng nhi hóa phượng.

(Chim vào gió ăn hết sâu mà hóa phượng)

(Chữ phượng gồm chữ điểu viết trong chữ phong)

Ông đáp rằng:

Nhân cư nhân trắc, đả phi thạch dĩ thạch tiên.

(Người ở cạnh núi, đẽo đá để thành tiên)

(Chữ nhân đứng bên cạnh chữ nham bỏ chữ thạch, thành chữ tiên)

Ðến cửa ải sau một tuần mưa dầm dề, bỗng nhiên trời hửng nắng, sứ Tàu đem sách ra phơi, ông cũng kê ghế, rải chiếu nằm phơi bụng ra, sứ Thanh hỏi: "Sao ông lại làm như vậy?". Ông đáp: "Sứ thần thượng quốc phơi sách, tôi phơi bụng". Sứ Thanh thử tài nói: "Sách Ðại học bản chính bị đốt mất rồi, phiền ngài viết lại cho". Ông viết lại từ chính văn đến chú giải lớn, nhỏ như bản gốc, sứ Thanh kinh ngạc nói: "Năm trước quan Thái sư (Trung Hoa) tâu vua rằng: "Sao Văn Khúc giáng ở An Nam!" quả đúng như vậy.

Tiếng đồn đến vua nhà Thanh, vua Thanh thử tài, bảo ông làm bài phú giải thích cho chư hầu về việc róc tóc. Ông làm xong ngay và đệ trình. Vua nhà Thanh hết lời khen ngợi và phê rằng: "Lời gọn, ý tận và sâu sắc, phong thêm là Khôi nguyên Bắc Triều" (như vậy ông là "Lưỡng quốc Khôi nguyên").

Sau nhà Thanh lại đưa thư bắt ta nộp giường đồng một cái, 100 ông già đầu bạc, 100 người con gái tóc dài. Các quan không biết xử trí ra sao, ông nói: "Bắc Triều loạn đã lâu, chi dùng không đủ nên đòi ta".

"Tôi xin 100 gốc lúa, 100 thúng muối, 100 con dê cái, để nộp". Người nhà Thanh thấy vậy kính phục. Họ lại đưa mười vuông gấm, đòi may thành các loại áo, xiêm, khăn, chăn, màn. Các quan không biết làm thế nào. Ông xin may một áo cổ dài, ống tay to và một cái quạt trong đề mấy câu rằng: "Mặc trên là áo, trang điểm ở dưới là xiêm, có dòng là khăn, có ống là túi, khoanh đầu là mũ (miện), buông xuống có thể là màn, cho mình là chăn, vải xấu có thể trải giường". Tất cả cùng với tờ biểu đưa nộp cho họ. Người nhà Thanh bấy giờ kính phục và than rằng: "Ðịa linh, nhân kiệt đời nào cũng có, nhưng vượt trội hơn cả từ nay về sau chỉ có một Ðăng Hạo".

Link: http://quehuongonline.vn/VietNam/Home/Dat-nuoc-Con-nguoi/Con-nguoi-Viet-Nam/2006/09/244CB5AC/
Logged

Nắng gió cuộc đời, phải chăng đã phũ phàng làm cho mái tóc phai đi, sáng lên màu bạc, nhưng ánh mắt vẫn đọng mãi những đốm lửa của nồng nhiệt và tha thiết...Hãy gom những đốm lửa lẻ loi ấy để bùng cháy thành ngọn lửa!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM