Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:13:08 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: "Đòn ngoại giao" của cha ông ta khiến ngoại bang nể sợ  (Đọc 106119 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
thanhh63
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2187


« Trả lời #10 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2011, 06:20:44 pm »

Câu chuyện 9:

Lê Công Hành: Ung dung trên lầu cao


Ông Lê Công Hành, người Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Tây, trong một lần đi sứ sang Trung Quốc năm 1646, ông được mời lên lầu cao ngắm phong cảnh và ngủ đêm tại đây. Sáng dậy chẳng còn ai. Họ bỏ ông một mình trên lầu cao và cất thang đi. Bị bỏ đói và khát, ông quan sát pho tượng phật thấy màu đen nhưng không phải màu đen của đồng và phát hiện ra tượng phật được làm bằng thứ bột thơm. Ông bẻ dần tượng phật ăn và hứng nước mưa uống. Ăn hết tượng phật, ông lấy chiếc lọng che tượng giương lên nhảy từ lầu cao xuống đất một cách nhẹ nhàng.

Link: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=77&NewsId=97265
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Sáu, 2011, 09:06:55 pm gửi bởi thanhh63 » Logged

Nắng gió cuộc đời, phải chăng đã phũ phàng làm cho mái tóc phai đi, sáng lên màu bạc, nhưng ánh mắt vẫn đọng mãi những đốm lửa của nồng nhiệt và tha thiết...Hãy gom những đốm lửa lẻ loi ấy để bùng cháy thành ngọn lửa!
thanhh63
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2187


« Trả lời #11 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2011, 06:32:56 pm »

Câu chuyện 10:

Nguyễn Nễ - Hai lần đi sứ Trung Quốc.


Họ Nguyễn - Tiên Điền (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) là một trong những dòng họ lớn, nổi tiếng ở trấn Nghệ An thời kỳ Lê Trung Hưng. Là một dòng họ có nhiều người đỗ đạt thành danh trên con đường cà văn lẫn võ. Người đầu tiên là Nguyễn Huệ, ông đậu Tam giáp Tiến sỹ khoa thi Quý Sửu (1733) đến Nguyễn Nghiễm đậu nhị giáp tiến sỹ khoa Tân Hợi (1731) làm chức Tể tướng trong triều rồi Nguyễn Khản đậu tiến sỹ khoa thi Canh Thìn (1760) làm đến chức Đông các Đại học sĩ Tế Tửu Quốc Tử giám, Thượng thư bộ lễ và Nguyễn Du - nhà thơ lớn của dân tộc Việt với tác phẩm Truyện Kiều bất hủ… và trong số những người con đã làm rạng dòng họ và dân tộc luôn nhớ đến nhân vật lịch sử Quế hiên công Nguyễn Nễ - người đã hai lần đảm nhận trách nhiệm đi sứ Trung Quốc.

Nguyễn Nễ (còn gọi là Nguyễn Đề - là anh cùng mẹ với Đại thi hào Nguyễn Du). Tự là Tiến Phủ, hiệu Quế Hiên, con trai thứ sáu của Nghi hiên công Nguyễn Nghiễm. Ông sinh năm 1971 tại phường Bích Câu, Thăng Long. Tuổi 19 đậu kỳ thi khảo khóa ở Quốc Tử giám, 23 tuổi đậu kỳ thi hạch ở huyện Thọ Xương và năm 1783 thi hương ở trường Phụng Thiên đậu Tứ Trường. Năm 1786 được bổ vào Thị nội  Văn chức giữ việc thường trực tại nhà học (con của chúa Trịnh), sau kiêm chức phó Trị thị nội thư tả (ở phủ chúa) và được giao cai quản quân đội Nhất Phấn. Trong cuộc đời của ông đã có 2 lần làm sứ bộ sang Trung Quốc.

Lần thứ nhất: Vào năm 1789 khi Tây Sơn hành quân ra bắc ông về quê ngoại ở Bắc Ninh, sau thời gian ngắn nhân có người đề cử, ông được vua Quang Trung mời ra giúp việc và được bổ chức Hàn lâm viện Thị thư, làm phó sứ tuế cống và đầu năm 1790 sứ bộ đến yên Kinh, vua Càn Long mời ra dự yến tiệc ở Các Tử Quang, ông làm thơ chúc mừng vua Càn Long, được vua thưởng 1 tấm đoạn, 2 thỏi mực và 3 tập hoa “tiên lụa”. Về nước Nguyễn Nễ được thăng Đông các Thái  học sỹ, gia tăng Thái tử Thư tả lang Nghị thành hầu. Năm 1793, ông được giao trọng trách tại Viện cơ mật, năm 1794 được thăng Tả phụng Nghị Bộ binh (hàm chính Tam phẩm) và cử vào giũ chức Hiệp trấn Qui Nhơn.

Lần thứ hai: Vào năm 1795, nhân dịp vua Càn Long làm lễ nhường ngôi, Nguyễn Nễ được triều đình cử làm phái bộ sứ sang chúc mừng, cuối năm 1795 phái bộ đến Yên Kinh và dự lễ ở điện Thái Hòa. Tháng 2 năm 1796 vua Càn Long chính thức làm lễ nhường ngôi, Nguyễn Nễ đã dâng 2 bài thơ ứng chế và ông được nhà vua đích thân mời uống rượu, sau đó dự yến tiệc ở Các Tử Quang. Cuối tháng 2 năm 1796 phái bộ của ông trở về nước, trước khi về ông được Càn Long và vua Gia Khánh tiếp đãi và tặng gấm đoạn, trà sen, gậy tuổi già, ngọc như ý, tứ bửu… Ông cùng được các vị quan bắc triều tặng nhiều phẩm vật, thơ văn. Đặc biệt, được cháu 24 đời của Chu Văn Công là Tri phủ  Tứ thành Chu Lễ tặng 4 chữ “ Thiên môn tái đăng” (Hai lần lên cửa trời) và Trung hiến đại phu Hoàng Phu Thái tặng 4 chữ “ Hồng Sơn thế phổ” (Dòng dõi nổi tiếng ở núi ủaHồng). Mùa thu năm 1796, phái bộ sứ thần của Nguyễn Nễ về nước.  Về nước ông được nhà vua ban thưởng 40 mẫu ruộng và thăng chức Tả đồng Nghị Trung thư sảnh.

Khi Gia Long lên ngôi (1802) nhà vua mời ông tham dự công việc của  triều chính, được ban thưởng nhiều tiền, mũ áo… Nguyễn Nễ mất 1805 tại quê nhà

Một con người của một dòng tộc đã có hai lần được cử làm phái bộ sứ sang Trung Quốc để tuế cống và chúc mừng triều đình nhà Thanh trong lịch sử dân tộc Việt không phải là nhiều. Khi đi sứ ông đã chứng tỏ được bản lĩnh  của dân tộc Việt trong việc thực hiện lễ nghi quốc gia, đối đáp, hùng biện… làm cho “nước  lớn” phải kính trọng, nể phục.

Về tính cách của ông, trong gia phả họ Nguyễn -Tiên Điền  (bản dịch của cụ Lê thước) ghi rõ: “Ông là con người thông minh, hào hiệp, hay làm thơ là người đầu tiên của dòng họ Nguyễn  - Tiên Điền đi sứ và đi sứ hai lần, luôn giúp đỡ mọi người, ông đã bỏ tiền ra tu sửa đình,chùa, văn từ, Cầu Tiên và người làng lấy làm cảm ơn”

Hai bức biển chạm khắc 2 câu của Chu Văn Công là Tri phủ  Tứ thành Chu Lễ  và củaTrung hiến đại phu Hoàng Phu Thái tặng Nguyễn Nễ, trước đây đươc đặt tại nhà thờ dòng họ, sau đó đặt tại nhà thờ Đại thi hào Nguyễn Du. Do nhiều biến động của xã hội nên hai bức biển trên bị thất lạc, sau đó con cháu trong dòng tộc tìm lại cất giữ và đây là những hiện vật quý (hiện vật gốc) đã được Ban quản lý di tích Đại thi hào Nguyễn Du tiếp nhận về trưng bày tại nhà bảo tàng, nhằm giới thiệu cho du khách gần xa hiểu thêm về quê hương, dòng họ  có những người con đã làm rạng danh cho non sông đât Việt.  

Link: http://ditichnguyendu.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=211

« Sửa lần cuối: 23 Tháng Sáu, 2011, 09:06:17 pm gửi bởi thanhh63 » Logged

Nắng gió cuộc đời, phải chăng đã phũ phàng làm cho mái tóc phai đi, sáng lên màu bạc, nhưng ánh mắt vẫn đọng mãi những đốm lửa của nồng nhiệt và tha thiết...Hãy gom những đốm lửa lẻ loi ấy để bùng cháy thành ngọn lửa!
thanhh63
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2187


« Trả lời #12 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2011, 08:52:52 pm »

Về câu chuyện thứ 2:

Đúng là Quang Trung sau khi uýnh Tôn Sĩ Nghị chạy re kèn thì cử người lên biên giới thương thảo hòa đàm ... lời lẽ cương cường, làm như sẵn sàng đánh nhau với quân Thanh. Quân Thanh hoảng hốt thay tướng, điều binh dàn quân đợi chống trả nếu như Quang trung thừa cơ tấn qua.

Nhưng sau đó ...
Sau đó thì cái đám sĩ phu Bắc Hà quen thói thần phục nhà Thanh xúi quân Tây Sơn cúi đầu chịu nhục trước Thiên Triều để cầu an. Thực ra thì Quang Trung đã vào miền Thanh Nghệ, Phú Xuân lo việc chuẩn bị đánh nhau với quân Nguyễn phía Nam, hầu hết công việc bang giao với phía Bắc đều ủy thác cho các quan văn ở Bắc Hà thu xếp.

Quang Trung - Tây Sơn lằng nhằng cống nạp, đi sứ, dâng biểu cầu xin, đem thân 2 con (Thùy, Toản) và mình (giả) cúi đầu lạy, ôm gối Càn Long để xin phong vương ... là kịch bản của cái đám sĩ phu hủ lậu này. Với cái đám này thì làm gì có chuyện cương cường, dám đòi đất Lưỡng Quảng, xin cưới con vua Càn Long ...

Mất hơn 2 năm ... bỏ lỡ cơ hội vào diệt Nguyễn Ánh ở Gia Định.

Lịch sử không có chữ nếu. Nhưng lịch sử ghi lại rõ ràng sự bạc nhược, hủ lậu của giới nho sĩ Bắc Hà thời ấy.

Xem sử để thấy sự khôn khéo của cha ông khi phải đối đầu với ông hàng xóm khổng lồ, xấu chơi. Nhưng cũng xem để biết tại sao bây giờ cái đám "tụt tạt" hay rêu rao bôi nhọ nhà ta "cúi đầu thần phục" phương Bắc như ngày xưa ... và biết được đối nhân xử thế, lòng người 1 thời. Và cũng để hiểu tại sao người Bắc cực xem sử nhà nó xong thì vênh váo với Nam Cực đến thế!
Làm làm gì có chuyện người phương Bắc nể sợ NC? Chỉ có chuyện Càn Long ưu ái Quang Trung ... thường xuyên cho đồ ngự dụng và coi Nguyễn Quang Bình như con mà thôi.
-----
Tài liệu Tham khảo: "Sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn (từ Thanh Thực lục)".


@tuaans: bác có tin vào chuyện "giả Vương" đi sứ nhà Thanh thay cho Vua Quang Trung năm 1790 không  Shocked Huh ? mời bác tham khảo :

Người đóng giả vua Quang Trung và câu chuyện có một không hai

Đó là câu chuyện liều mình đóng thế vua Quang Trung đi sứ Thanh của "diễn viên" Phạm Công Trị vào xuân Canh Tuất (1790)



Giả Vương Phạm Công Trị

Sách “Quang Trung - Anh hùng dân tộc 1788 - 1792” của Hoa Bằng, có viết rằng, xuân Canh Tuất (1790), Quang Trung chọn cháu gọi bằng cậu là Phạm Công Trị, đội tên ngài, đóng vai Giả Vương, sang Thanh mừng thọ. Phái đoàn sứ bộ gồm 150 người, trong đó có các quan văn võ cao cấp: Ngô Văn Sở, Đặng Văn Chân, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Tiến Lộc...

Ngày 29/3 năm Canh Tuất (1790), sứ bộ khởi hành từ Nghệ An, đến giờ Tỵ ngày rằm tháng tư, cửa ải Nam Quan mở, đoàn đặt chân đến đất nhà Thanh, bắt đầu chuyến Bắc hành”. Chuyện này, ông Hoa Bằng viết dài, viết kỹ. Sách khác như Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế (tái bản lần 5, năm 1999), mục “Võ Văn Dũng” cũng nhắc. Trên báo, tạp chí Xưa và Nay của Hội Sử học năm 1998 cũng có bài, in luôn cái ảnh đón tiếp ngựa xe cờ quạt của nhà Thanh với Giả Vương qua nét vẽ của họa công nhà Thanh.

Chuyện này có lẽ chúng tôi chẳng bao giờ nhớ nổi nếu như không có cái đêm cúp điện ấy... Nhà anh bạn làm báo Quảng Ngãi ở làng Bình Trung gần đường tàu lửa, tre rợp kín đường, thêm cái thâm u của đêm ngồn ngột hơi nóng cõng theo muỗi mòng vấn vít.

Chịu chẳng thấu, chúng tôi kéo nhau ra bãi bên đường tàu hòng ăn cắp chút “nhàn” của gió. Trong cái mờ mờ của sao đêm, đang đi bỗng dưng y quay trở lại, chỉ tay vào cái nhà thờ tộc như người khổng lồ đang đứng tấn: “Anh có đọc sử không ? Ông tổ họ Phạm của em đang thờ đây là Phạm Công Trị, người đã giả vua Quang Trung đi sứ nhà Thanh”.

Người tôi như bất thần bị dính chưởng. Đốc thúc anh bạn thuyết phục ông cụ đang giữ gia phả họ Phạm cho xem, cụ vui vẻ, lại mang cái băn khoăn của người già khi chi, nhánh họ hàng nhà mình đang típ tắp xa đất Tây Sơn. Thì ra không phải nhưng mà ... phải.

Cụ tổ đây là Phạm Công Quế, anh ruột ông Trị. Cụ Quế có con trai là Phạm Công Tuân, chạy lánh nạn khỏi hoạ tiêu diệt của Gia Long bèn cách xung vào đội quân diệt loạn, tráo mình lẩn trong gánh hát tuồng, ông Tuân ra vùng Bình Trung - Bình Sơn này lấy vợ lập làng.

Nhưng, ông không được đứng tên trong sổ đinh điền mà phải nương núp nhờ họ Phạm của vợ là Phạm Thị Nang. Đất của ông trải dài 3 xã là Bình Trung, Bình Minh và Bình Nguyên thuộc Bình Sơn - Quảng Ngãi bây giờ.

Bạn tôi kể, cũng chưa xa bao lâu, nhiều người nghĩ rằng mộ ông có từ thời ấy chắc là vàng bạc nhiều nên lén đào bới. Tộc họ gom góp lại, dựng bia, xây đàng hoàng.

Hồi còn tỉnh Nghĩa Bình cũ, người vùng Tây Sơn ra làm kênh Thạch Nham, nghỉ tại làng này, nhận họ hàng với nhau. “Ở trong Tây Sơn đó cháu à ! Không biết bao giờ tôi mới vào đó được”.

Tôi mang ao ước đấy của cụ già kèm theo một khối phân vân trên đường vào Tây Sơn. Con người sao mà hay quên. Mà chuyện nhớ quên lịch sử lắm khi cũng theo cái lẽ của lịch sử và thói thường nhân gian.

Ai đạo cao đức trọng công trạng hiển hách thì nhớ. Kẻ “đốt đền” cũng khó quên. Còn lại “thường thường bậc trung” thì thể tất. Nhưng, với ông tổ họ Phạm này, cái sự cho qua ấy, tôi thấy lấn cấn thế nào.

Sách của Hoa Bằng chép rằng, Quang Trung khi đó vì không muốn hạ thấp mình nên thoái thác tang mẹ không đi. Lưỡng Quảng Tổng đốc Phúc Khang An bèn cho người sang Nam, rằng nếu thế thì tìm một người trạng mạo giống Quang Trung đi thay. Đây quả là chuyện “mồi chài”, thoả thuận kỳ lạ trong lịch sử bang giao.

Cũng xin gạch lại vài ba đầu dòng cho thấy tấm thịnh tình trọng đãi của Vua Càn Long mà có lẽ hàm trong đó là sự kiêng nể uy lực của một kẻ vừa khiến quan lính nước mình ôm đầu máu. Quốc Vương, khi ở trong nước thường đeo cái đai da sắc đỏ (hồng thinh). Càn Long muốn ưu đãi khách chiến thắng, thưởng cho “hoàng kim thinh đới”.

Đây là thứ đai bằng da có cẩn hoặc nạm vàng. Thể chế Mãn Châu, chỉ có những bậc tông phiên (phiên trần họ đồng tông với nhà vua) mới được dùng thứ đai ấy.

Quả là vinh sủng khó gặp! Rồi thư tín đi về để bàn bạc việc nước của Giả Vương, không phải qua kiểm duyệt mà theo thể chế nhà Thanh là phàm các ngoại phiên đệ trình văn báo đều không được niêm phong. Tiền tiêu của Giả Vương, chỗ ngủ đỗ, ăn uống dọc đường, mỗi ngày hết 4 ngàn lạng bạc, chưa kể yến tiệc, du hí, thưởng ngoạn cảnh sắc, thuyền bè, xe ngựa, phu hầu.

Càn Long, từ cho chữ đến tặng hà bao trong đó đồ bát bảo bằng các thứ ngọc thạch, kim ngân, thượng phương trân ngoạn ... đến nỗi chính Càn Long cũng thốt lên rằng “Cận quang ưng, sủng tích tái kê thanh sử vị tiền văn” (Thân đi triều cận, được ban ân sủng, xét suốt sử xanh trước giờ, chưa hề thấy có sự ưu đãi như thế).

Lúc chia tay, Giả Vương vào bệ kiến xin từ biệt, vua Thanh tỏ lòng thân thiết, bèn mời vào bên giường ngự, lấy tay vỗ vai, ôn tồn yên ủi. Lại sai hoạ công vẽ một bức chân dung đưa tặng làm kỷ niệm.

Sứ bộ ra đi cuối xuân Canh Tuất, đến 29/11 năm ấy thì về nước. Những cuộc tiếp đón, tiễn đưa đã làm triều Thanh mất hết một năm bận rộn. Đoàn Nguyễn Tuấn là người đi trong đoàn, đã viết bằng giọng đắc thắng ở cuối cuốn “Tinh sa kỷ hành” của Phan Huy ích, rằng “Chu sa tinh kỳ diệu nhân nhĩ mục. Sở chí quan lại bôn tẩu nghinh phó” (Thuyền, xe, cờ quạt, quáng cả tai mắt người. Đi đến đâu quan lại phải bôn tẩu đón tiếp đến đó”, rồi “Tòng lai ngô quốc sứ Hoa vị hữu như thử chi kỳ thả vinh giả!” (Trước giờ, người mình đi sứ Tàu chưa có lần nào lạ lùng và vẻ vang vậy).
.....
Link: http://vietbao.vn/Phong-su/Nguoi-dong-gia-vua-Quang-Trung-va-cau-chuyen-co-mot-khong-hai/70011756/262/
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Sáu, 2011, 09:05:47 pm gửi bởi thanhh63 » Logged

Nắng gió cuộc đời, phải chăng đã phũ phàng làm cho mái tóc phai đi, sáng lên màu bạc, nhưng ánh mắt vẫn đọng mãi những đốm lửa của nồng nhiệt và tha thiết...Hãy gom những đốm lửa lẻ loi ấy để bùng cháy thành ngọn lửa!
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #13 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2011, 10:42:46 pm »

Chuyện Phạm Công Trị đi sang Thanh ... cả sử ta và Tàu đều có bàn tới (bàn chứ không phải chép).
- Chuyện đi sứ trước đây nhà Lê đã triều cống cả trăm rưởi năm cho nhà Thanh. Nhà Thanh thấy vua Lê không có thực quyền nên Vua Thanh chán chả muốn gặp.
Với Nguyễn Quang Bình thì khác. Dù sao thì cũng là 1 tay sừng sỏ dám quất lại quân thiên triều 1 trận tóe lửa. Nhưng cũng phải xét lại bối cảnh lúc đó Càn Long liên tiếp chiến thắng các cuộc chiến tranh nhằm thâu tóm mở rộng lãnh thổ TQ. Ông ta lại sắp làm lễ thọ bát tuần. Tất tần tật các phiên bang đều phải đến mừng.
Chính sử Thanh chép vua Càn Long tra hỏi dai dẳng xem tại sao đón các phái đoàn của Nguyễn Quang Bình lại tốn kém thế, 1 ngày đến 4.000 lượng bạc? Cuối cùng ra thì Càn Long cũng biết là các chú ở dưới tranh thủ phung phí và ăn bớt.
Quân Tây sơn đâu chỉ đi sứ có 1 lần, 1 đoàn ... nhà Thanh không chịu nổi bèn cắt giảm tiêu chuẩn tiếp đón. Thế là các sứ thần đi chung với đoàn Nguyễn Quang Bình không được hưởng đón tiếp rình rang như đoàn của Văn Sở qua chuẩn bị trước.
Logged
thanhh63
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2187


« Trả lời #14 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2011, 07:16:27 am »

Chuyện Phạm Công Trị đi sang Thanh ... cả sử ta và Tàu đều có bàn tới (bàn chứ không phải chép).
...
Với Nguyễn Quang Bình thì khác. Dù sao thì cũng là 1 tay sừng sỏ dám quất lại quân thiên triều 1 trận tóe lửa. Nhưng cũng phải xét lại bối cảnh lúc đó Càn Long liên tiếp chiến thắng các cuộc chiến tranh nhằm thâu tóm mở rộng lãnh thổ TQ. Ông ta lại sắp làm lễ thọ bát tuần. Tất tần tật các phiên bang đều phải đến mừng.
Chính sử Thanh chép vua Càn Long tra hỏi dai dẳng xem tại sao đón các phái đoàn của Nguyễn Quang Bình lại tốn kém thế, 1 ngày đến 4.000 lượng bạc? Cuối cùng ra thì Càn Long cũng biết là các chú ở dưới tranh thủ phung phí và ăn bớt.
Quân Tây sơn đâu chỉ đi sứ có 1 lần, 1 đoàn ... nhà Thanh không chịu nổi bèn cắt giảm tiêu chuẩn tiếp đón. Thế là các sứ thần đi chung với đoàn Nguyễn Quang Bình không được hưởng đón tiếp rình rang như đoàn của Văn Sở qua chuẩn bị trước.

Thật sự mình mới tiếp xúc lần đầu với thông tin giả Vương Phạm Công Trị, nhưng đúng là có 1 không 2...Tất nhiên trên mặt trận ngoại giao, kẻ mạnh bao giờ cũng có lợi thế và trong bang giao với TQ họ luôn ở thế kể mạnh để hiếp đáp chúng ta. Nhưng việc Vua QT không đi sứ vào sự kiện bát tuần của Càn Long, chúng ta khi đó thực sự đứng trên thế của kẻ mạnh  Grin, Chính tâm phúc của Càn Long là Phúc An Khang khi biết là vua QT từ chối đi sứ (tất nhiên vì lý do này, lý do khác...) đã "đạo diễn" màn Giả Vương này. Sự việc này là một nỗi nhục quốc thể đối vì triều Thanh nếu để lộ ra nên họ ỉm đi chứ "kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra" mà. Grin

Riêng đối với Càn Long, với vị thế "thiên tử", công thêm tình thế thuận lợi của nhà Thanh lúc đó ( vừa chiến thắng ĐL) nếu không thực sự vì sốc và phục thiên tài quân sự vua QT một trận thần tốc quét sạch 20 vạn quân Thanh...chắc không thể ưu ái trước nay chưa hề có tiền lệ với Giả Vương cỡ đó ( 1 ngày hơn 4000 lạng bạc)... và quan trọng nhất nước ta khi đó cũng tránh được nạn binh đao kiểu "báo thù, rửa hận" của phong kiến phương Bắc. Thật sướng quá  Grin Grin Grin      
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Sáu, 2011, 07:23:45 am gửi bởi thanhh63 » Logged

Nắng gió cuộc đời, phải chăng đã phũ phàng làm cho mái tóc phai đi, sáng lên màu bạc, nhưng ánh mắt vẫn đọng mãi những đốm lửa của nồng nhiệt và tha thiết...Hãy gom những đốm lửa lẻ loi ấy để bùng cháy thành ngọn lửa!
thanhh63
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2187


« Trả lời #15 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2011, 07:35:50 am »

Câu chuyện 11:

TRẠNG NGUYÊN MẠC ĐĨNH CHI HAI LẦN ĐI SỨ
   
(Những mẩu chuyện bang giao trong lịch sử Việt Nam- Nhà xuất bản giáo dục. Nguyễn Thế Long sưu tầm và biên soạn)

Mạc Đĩnh Chi tự là Tiết Phu, người làng Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương ; nay là thôn Lũng Động, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ông là cháu nội của Mạc Hiển Tích, đỗ Trạng nguyên khoa thi Thái học sinh năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long 12, đời vua Trần Anh Tông (1304). Sau khi thi đỗ, ông được bổ Thái học sinh hoả dũng thư gia, sau được thăng Đại liêu ban, Tả bộc xạ, làm Nhập nội hành khiển, Tả tư Lang trung. Ông làm quan sống thanh đạm, liêm khiết nổi tiếng, được vua Trần và nhiều người mên phục.

     /)/ăm 1308, sứ nhà Nguyên là Thượng thư An Lỗ Uy sang báo tin vua Nguyên Vũ Tông lên ngôi. Vua Trần Anh Tông đã cử ông đi sứ để đáp lễ năm đố. Năm 1324, vua Nguyên sai Thượng thư Mã Hợp Mưu sang báo việc lên ngôi và ban cho vua Trần một quyển lịch.Vua Trần Minh Tông lại sai ông đi sứ mừng  vua Nguyên. Ông đã đi sứ hai lần nên những chuyện đi sứ của ông cũng khá nhiều. Nội dung các chuyện đều nhằm bộc lộ tài năng hơn người trong khi đi sứ, có chuyện được ghi trong các sách, có chuyện được lưu truyền như những giai thoại văn học.

                                      
Câu đối qua cửa ải
       
 Chuyện kể, trong lần Mạc Đĩnh Chi đi sứ năm 1308, do đường xa, mưa gió nên sứ bộ đến cửa ải Nam Quan chậm mất một ngày. Viên quan giữ cửa ải không cho mở cửa để sứ bộ qua. Mạc Đĩnh Chi nói mãi chúng cũng không chịu cho qua. Sau đó họ ném từ trên cửa ải xuống một vế câu đối, bảo hễ đối được thì sẽ mở cửa cho qua, còn nếu chưa đối được thì hãy ở tạm bên dưới qua đêm, đợi đến sáng hôm sau.. Vế ra đối viết :

         - Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan.

          Nghĩa là :

          - Qua cửa quan chậm, cửa quan đóng, mới khách qua đường qua cửa quan.

          Thật là một câu đối hiểm hóc, nội dung nói lên việc Mạc Đĩnh Chi đang cần qua cửa quan để sang Yên Kinh. Song khó ở chỗ trong 11 chữ của vế đối mà có tới bốn lần nhắc lại chữ quan.

          Mạc Đĩnh Chi nghĩ vế ra quả là rất khó đối lại nhưng nếu im lặng thì mất thể diện. Ông ứng khẩu đọc lại vế đối :

           - Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối.

            Vế đối cũng có bốn chứ đối.

            /)/ghĩa là :

            - Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin tiên sinh đối trước.

            Mọi người đều đang bí thì nghe Mạc Đĩnh Chi đọc vế đối lại. Quân lính nhà Nguyên phải chịu và mở cửa ải để ông đi qua.

                                          
Mạc Đĩnh Chi thắng Trạng cờ Trung Hoa
         
Hồi đi sứ ở Yên Kinh, nhân lúc nhàn rỗi đi dạo phố, Mạc Đĩnh Chi thấy trước cửa nhà một người có treo biển tự xưng là Trạng cờ. Ông bèn vào để thử tài cao thấp. Sau khi biết Mạc Đĩnh Chi muốn thử tài mình, người Tầu nọ bèn đem bàn cờ và bộ quân bằng sừng ra tiếp. Mạc Đĩnh Chi lắc đầu và nói xin đem bộ quân bằng ngà ra để chơi mới được. Trạng cờ Trung Hoa nói :

        - Bộ quân bằng ngà chỉ để tiếp vua mà thôi. Ngoài ra cũng chỉ tiếp những người hơn cờ ta thôi. Nếu mang ra đánh, ngài thua  cờ tôi thì sao ? Mạc Đĩnh Chi bèn nói :

        - Nếu tôi thua thì xin gửi lại ngài cái đầu, còn nếu tôi thắng thì chỉ xin ngài các bảng treo chữ Trạng cờ và bộ quân băng ngà này.

        Hai người chơi ván cờ đã đến ba ngày vẫn chưa phân thắng bại. Đến gần tối ngày thứ ba, thấy nước cờ của mình đã núng thế, Mạc Đĩnh Chi bèn nói xin nghỉ để đên sáng hôm sau. Đêm về, Mạc Đĩnh Chi đã dựng lại các nước cờ trong óc và nghĩ ngay ra phải đánh Tốt mới là nước cờ quyết định.

       Sáng hôm sau gặp lại trạng cờ Trung Hoa, Đĩnh Chi ung dung dí ngón tay đánh ngay con tốt. Trạng cờ giật mình rồi thốt lên :

       - Đúng là nước cờ thần, xin chịu thua ngài.

       Trạng cờ vội gói lại bộ quân cờ bằng ngà và cái biển, xin nộp cho Mạc Đĩnh Chi nhưng ông đã từ chối mà không nhận, chỉ muốn từ nay người chơi cờ nọ nên cất cái bảng Trạng cờ kia đi.

                                                    
Thử tài lần cuối

       Tương truyền trước khi về nước, Mạc Đĩnh Chi và sứ bộ vào triều yết kiến vua nguyên và các quan văn võ lần cuối. Vua Nguyên đã phong cho biển đề : "Lương quốc Trạng nguyên" và thấy Mạc Đĩnh Chi thật là xứng đáng. Tuy vậy, vua và các quan nhà Nguyên vẫn thử tài Mạc Đĩnh Chi một lần nữa. Lần này họ không ra vế đối nữa mà ra một câu hỏi thông thường về đời sống. Vua Nguyên hỏi :

      - Từ khi đến Yên Kinh, ngày nào nhà ngươi cũng cưỡi ngựa đi trên đường thăm phong cảnh, thế ngươi có biết mỗi ngày có bao nhiêu người qua lại trên đường cái không ?

      Câu hỏi thật là bất ngờ, vua không thử tài văn học mà muốn thử tài quan sát. Hằng ngày đi lại trên đường ở Kinh đô thì có biết bao nhiêu người, ai có công để ý mà đếm. Sau một lát suy nghĩ, Mạc Đĩnh Chi đã điềm tĩnh trả lời :

     -Muôn tâu bệ hạ, hàng ngày trên đường kinh đô chỉ có hai người đi lại.

     Vua Nguyên lấy làm lạ bèn hỏi lại :

      - Nhà ngươi nói không đúng, sao lại chỉ có hai người ?

      Mạc Đĩnh Chi bèn thưa :

       - Muôn tâu bệ hạ, thần nói chỉ có hai người là rất đúng ạ. Vì hằng ngày, phàm những người qua lại trên đường thì chẳng vì danh cũng vì lợi mà thôi, như vậy rõ ràng chỉ có hai người là cầu danh và cầu lợi.

       Vua Nguyên phải phục vì tài biện bác của Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi nhưng lại hỏi một câu hỏi nữa :

        Một cái thuyền, trên có chở ba người gồm vua, thầy dạy và cha, khi ra đến giữa sông thì bị sóng to gió lớn  nên đã lật đắm . Khi ấy nhà ngươi ở trên bờ bơi ra cứu, nhưng chỉ có thể cứu được một người thôi, như vậy thì nhà ngươi cứu ai ?

        Câu hỏi này thật là oái oăm và như một cái bẫy để buộc tội Mạc Đĩnh Chi. Nếu Mạc Đĩnh Chi nói chỉ cứu vua thì được chữ Trung nhưng mắc tội bất hiếu với cha mẹ và mắc tội bất nghĩa với thầy. Nếu nói chỉ cứu thầy dậy thì mắc tội với bất trung với vua và tội bất hiếu với cha.Nếu chỉ cứu cha thì mắc tội bất trung và bất nghĩa. Nếu nói không cứu ai cả thì tội bất nhân, bất trung, bất nghĩa, bất hiếu lại càng nặng.

       Đắn đo suy nghĩ một lúc rồi Mạc Đĩnh Chi trả lời :

       - Thần bơi ra giữa sông, chỉ cứu được một người nên gặp ai trước thì cứu ngay người đó, bất kể là vua, thầy hay cha.

       Cả triều đình đều phục trí thông minh và tài ứng đối nhanh trí của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Sáu, 2011, 07:44:52 am gửi bởi thanhh63 » Logged

Nắng gió cuộc đời, phải chăng đã phũ phàng làm cho mái tóc phai đi, sáng lên màu bạc, nhưng ánh mắt vẫn đọng mãi những đốm lửa của nồng nhiệt và tha thiết...Hãy gom những đốm lửa lẻ loi ấy để bùng cháy thành ngọn lửa!
thanhh63
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2187


« Trả lời #16 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2011, 07:51:10 am »

MẠC ĐĨNH CHI ĐI SỨ
(Trích: VIỆT SỬ GIAI THOẠI - tập 3 - 71 GIAI THOẠI ĐỜI TRẦN , Nguyễn Khắc Thuần , NXB Giáo dục 2003 , Tái bản lần thứ tám)

Mạc Đĩnh Chi quê ở Chí Linh (Hải Dương), đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Thìn (1304). Ngay sau khi đỗ đạt, ông được sung chức Nội thư gia và bốn năm sau (năm Mậu Thân, 1308), ông được cử cầm đầu phái bộ sứ giả sang nhà Nguyên, mừng việc Nguyên Vũ Tông lên ngôi. Có một mẩu chuyện thú vị đã xẩy ra trong chuyến đi sứ này của ông, được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 6, tờ 24 a và b) ghi lại như sau :

“Đĩnh Chi thấp bé nên người Nguyên khinh ông. Một hôm, viên Tể tướng mời ông vào phủ, cho cùng ngồi. Lúc ấy, đang hồi tháng 5 tháng 6. Trong phủ có treo bức trướng mỏng, trên thêu hình con chim sẻ vàng đậu cành trúc. Đĩnh Chi vờ làm như mình nhầm tưởng là chim sẻ thật rồi chạy đến bắt. Người Nguyên thấy vậy cười ồ, cho là người phương xa bỉ lậu (thô bỉ, quê mùa ). (Bất thình lình), Đĩnh Chi kéo bức trướng xuống, xé đi. Mọi người lấy làm lạ, hỏi tại sao, Đĩnh Chi đáp rằng, tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ chứ chưa hề thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay bức trướng của Tể tướng lại có hình chim sẻ đậu cành trúc. Trúc là biểu tượng của bậc quân tử, chim sẻ là biểu tượng của kẻ tiểu nhân, Tể tướng làm như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy, tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân vậy. Mọi người nghe vậy đều phục tài ông".

Lời bàn :

Đĩnh Chi người thấp bé mà tài cao, đi sứ không làm nhục mênh Vua, một lòng canh cánh lo gìn giữ quốc thể, thật đáng kính lắm thay. Những kẻ ngạo mạn cười ồ khi Đĩnh Chi giả vờ bắt chim sẻ sau khi nghe Đĩnh Chi cắt nghĩa việc làm cua mình chẳng hay họ có biết chính họ đã bị Đĩnh Chi mắng xéo là lũ tiểu nhân hay không. Xé bức trướng xong lạị nói vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân, hẳn Đĩnh Chi muốn ngầm bảo rằng, sao mà thánh triều lắm tiểu nhân đến vậy.
Logged

Nắng gió cuộc đời, phải chăng đã phũ phàng làm cho mái tóc phai đi, sáng lên màu bạc, nhưng ánh mắt vẫn đọng mãi những đốm lửa của nồng nhiệt và tha thiết...Hãy gom những đốm lửa lẻ loi ấy để bùng cháy thành ngọn lửa!
thanhh63
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2187


« Trả lời #17 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2011, 11:19:30 am »

Về sứ thần Giang Văn Minh, mời các bác xem chi tiết hơn về ông:

SỨ THẦN GIANG VĂN MINH

Trong triều đại phong kiến nước ta, việc thông thương với các nước lân bang được triều đình phong kiến rất chú trọng. Đặc biệt là người đi sứ, họ phải thể hiện được trí thông minh và tài ứng đối của mình, lịch sử Việt Nam có rất nhiều câu chuyện cảm động về các sứ thần. Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi sẽ đăng loạt bài tìm hiểu về các sứ thần trong lịch sử Việt Nam. Dĩ nhiên với dung lượng của một bài báo tác giả không có tham vọng trình bày sâu về nhân vật, chúng tôi chỉ mong muốn chuyển tải thông tin để bạn đọc tham khảo. Sau đây là câu chuyện về sứ thần Giang Văn Minh.

Giang Văn Minh (1582 – 1639) ở làng Mông Phụ, Đường Lâm (nay là thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây). Ông đỗ Thám Hoa năm Mậu Thìn, đời vua Lê Thần Tông (1628), khoa thi này không có người đỗ Trạng Nguyên nên ông là người đỗ đầu. Năm 1630 ông được bổ nhiệm làm Binh khoa đô cấp tự trung, sau được thăng chức Thái bộc tự khanh (1631).

Năm Dương Hoà thứ 3 đời Lê Thần Tông (1637), ông được cử đi sứ Trung Quốc cùng với Thiêm đô ngự sử Nguyễn Duy Hiểu mang cống phẩm sang tiến cống triều Minh. Lúc này, tình hình chiến sự giữa nhà Lê và nhà Mạc vẫn còn. Triều đình nhà Minh vẫn quan hệ với cả hai bên nên chần chừ không tiếp, ông đã phải nằm chờ ở đất Minh một năm trời, sau mới được tiếp cống.

Như ta đã biết, khi Lê Lợi đánh thắng quân Minh, vua Lê không muốn chiến sự tiếp tục xảy ra nên ông đã chủ động làm tượng Liễu Thăng bằng vàng để tiến cống nhằm ổn định tình hình đất nước.

Đến thời vua Lê Thần Tông, tình hình kinh tế chính trị nước ta không còn cường thịnh như trước nên tiến cống tượng vàng Liễu Thăng là một gánh nặng cho nhân dân ta. Giang Văn Minh quyết tâm làm cho vua Minh phải bỏ tục lệ này.

Hôm đó là ngày khánh giỗ nhà vua, sứ giả các nước đều đã đến đông đủ cả nhưng riêng sứ thần nước Nam thì không thấy. Vua Minh lúc này là Minh Tư Tông (Chu Do Kiểm, tức vua Sùng Trinh) rất tức giận, lập tức sai người sang đòi ông qua để hỏi nguyên do. Khi quân lính đến nơi, họ thấy ông đang ôm mặt khóc và miễn cưỡng đi theo bọn họ đến yết kiến nhà vua. Vua Minh có ý trách ông vô lễ, Giang Văn Minh quỳ xuống mà tâu rằng:

- Thần thấy xót xa trong dạ. Vì vậy mà không thể nào tham dự được cuộc vui. Nói xong, ông lại khóc ầm lên. Vua Minh bỗng bật cười. Ông lại nói tiếp: Chúng tôi tự biết việc dự lễ khánh thọ là hệ trọng, vắng mặt thật là điều trọng tội, kính xin thánh hoàng lượng thứ cho. Nguyên do chỉ vì hôm nay lại đúng vào ngày giỗ tổ của thần. Thần được nhận trọng trách đi sứ xa quê hương lâu ngày, gia đình ở quê thì neo đơn, đến ngày giỗ tổ mà không thắp được cây hương tưởng niệm.

- Tưởng làm sao chứ như thế thì việc gì phải khóc – vua Minh nói. Cũng đáng khen cho nhà ngươi biết giữ hiếu kính với tổ tiên. Nhưng nếu là giỗ cha, giỗ mẹ thì còn có thể được, chứ ông tổ xa xôi như vậy thì có gì đáng phải băn khoăn cho lắm. Người khuất, chuyện xa đã đến mấy đời, thì cũng có thể “miễn nghị”.

Chỉ chờ có thế, ông liền tâu:

- Muôn tâu, lời dạy của thánh hoàng thật là quý báu. Chính thần cũng đã nghĩ như vậy, mà vẫn không an tâm, vì thần vẫn thấy trong đời, lắm chuyện xa xôi mà không được “miễn nghị”. Chẳng hạn như việc thiên triều bắt nước Nam của thần phải cống nạp người vàng để trả nợ Liễu Thăng chết cách đây hàng mấy trăm năm. Mãi đến bây giờ cũng chưa miễn nghị. Nay được lời thánh hoàng ban dạy, thần cũng xin gác lại ngày giỗ tổ để cùng vui với buổi khánh tiết này. Cúi xin thánh hoàng từ đây “miễn nghị” cho cái nợ Liễu Thăng, cho tình giao hảo hai nước khỏi bị những chuyện xa xôi kia làm bận bịu...

Vua Minh lúc này mới biết là mình bị mắc mưu, lời lẽ của sứ thần nhỏ nhẹ nhưng cương quyết, trước mặt bá quan và sứ giả các nước nên vua Minh đành phải gật đầu bãi bỏ lệ triều cống người vàng Liễu Thăng. Tuy vậy, cho đến đời nhà Thanh, vua Quang Trung mới bắt chúng xoá bỏ vĩnh viễn tục lệ này.

Lại nói về vua Minh, sau khi bị Giang Văn Minh làm bẽ mặt trước bá quan, Minh Tư Tông rắp tâm làm nhục vị sứ thần nước Nam. Vào một buổi triều kiến khác, vua Minh lấy lý do “Vì lệ cũ không có những quy định cụ thể cho việc sắc phong, do đó trong khi còn chờ tra cứu chỉ ban sắc thư để tưởng lệ” để ngăn trở việc công nhận sự chính thống của nhà Lê và bãi bỏ công nhận ngoại giao với nhà Mạc. Đồng thời ra vế đối nhằm hạ nhục Giang Văn Minh và nước Nam, vế đối như sau:

“Đồng trụ chí kim đài dĩ lục”"
(Nghĩa là: Cột đồng đến nay rêu đã xanh)

Vế đối này có ý nhắc đến chuyện Mã Viện sau khi đánh thắng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Mã Viện đã cho đúc trụ đồng và nói rằng “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (có nghĩa là cây đồng trụ mà đổ thì người Giao Chỉ cũng bị diệt)

Trước sự ngạo mạn của Sùng Trinh, Giang Văn Minh bình tĩnh trả lời vế đối bằng câu:

"Đằng Giang tự cổ huyết do hồng"
(Nghĩa là: Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ)

Vế đối này vừa chỉnh, vừa có ý nhắc lại việc dân tộc ta đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng. Nó được xem là một cú đánh thẳng vào mặt Minh Tư Tông trước mặt bá quan văn võ trong triều cùng tất cả sứ thần của các nước. Sùng Trinh vô cùng tức giận, bất chấp luật lệ bang giao, ông ta đã trút giận lên vị sứ thần bằng cách trả thù hèn hạ: cho lấy đường trám vào miệng và mắt ông, sau đó cho người mổ bụng để xem gan của Giang Văn Minh to đến đâu mà dám đối đáp như vậy. Thi hài của ông được ướp thủy ngân rồi đưa về nước, khi về đến kinh thành ông được vua Thần Tông và chúa Trịnh Tráng bái kiến linh cữu. Sau đó Giang Văn Minh được truy phong chức Công bộ tả thị lang, tước Vinh quận công và được ban tặng câu: “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (tức là Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ). Sau khi thi hài được đưa về nước, Giang Văn Minh được chôn cất tại Đồng Dưa, thuộc xứ Gò Đông, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm. Hiện nay, nhà thờ ông được nhà nước ta xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Đi sứ là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và nguy hiểm, người được giao trọng trách phải hết sức thông minh và có đủ bản lĩnh mới không bị người khác lấy làm trò đùa. Giang Văn Minh đã giữ vững khí tiết và không để cho triều đình nhà Minh hạ nhục dân tộc mình dù ông phải trả giá bằng tính mạng của mình. Tinh thần dân tộc và sự hy sinh của ông thật đáng để người đời học tập và trân trọng.

Link: http://tuhaosuviet.forum-viet.net/t23-topic#38
Logged

Nắng gió cuộc đời, phải chăng đã phũ phàng làm cho mái tóc phai đi, sáng lên màu bạc, nhưng ánh mắt vẫn đọng mãi những đốm lửa của nồng nhiệt và tha thiết...Hãy gom những đốm lửa lẻ loi ấy để bùng cháy thành ngọn lửa!
thanhh63
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2187


« Trả lời #18 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2011, 07:47:51 am »

Câu chuyện 12:

CHUYỆN TRẦN HƯNG ĐẠO TIẾP SỨ
(Trích: VIỆT SỬ GIAI THOẠI - tập 3 - 71 GIAI THOẠI ĐỜI TRẦN , Nguyễn Khắc Thuần , NXB Giáo dục 2003 , Tái bản lần thứ tám)[/i

Năm 1281, cuộc đấu tranh ngoại giao giữa Đại Việt với nhà Nguyên đang ở trong thời kì rất căng thẳng. Vua Nguyên là Hốt Tất Liệt liên tiếp xuống chiếu bắt vua Trần phải sang chầu. Để kéo dài thời gian hòa hoãn nhằm có đủ cơ hội chuẩn bị thật chu đáo cho cuộc đọ sức bằng lực lượng vũ trang, vua Trần lúc ấy là Trần Nhân Tông (1278 - 1293) đã sai chú họ là Trần Di Ái (còn có tên là Trần Ái) thay mình sang chầu vua Nguyên. Hốt Tất Liệt chớp ngay lấy cơ hội đó, phong Trần Di Ái làm An Nam Quốc Vương, bọn tùy tùng Trần Di Ái cũng đều được nhận quan tước, xong, sai Sài Thung (cũng có người dọc là Sài Xuân) đem một ngàn quân đi hộ tống Trần Di Ái về nước. Tình hình đã căng thẳng lại càng có phần căng thẳng hơn. Phải đối phó với Sài Thung ra sao ? Sách Đại Việt sử kí toàn thư (quyển 5, bản kỉ, tờ 41 a và 41 b) có một đoạn chép như sau :

Thung ngạo mạn vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh, quân sĩ Thiên Trường ngăn lại. Thung dùng roi ngựa quất họ bị thương ở đầu. Đến điện Tập Hiền, thấy chăng đầy màn trướng, hắn mới chịu xuống ngựa. Vua sai Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp, Thung nằm khểnh không ra. Quang Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không dậy tiếp. Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn nghe thấy thế, tâu xin đến sứ quán xem Thung làm gì. Lúc ấy Quốc Tuấn đã gọt tóc, mặc áo vải. Đến sứ quán, ông đi thẳng vào phòng. Thung đứng dậy, vái chào và mời ngồi. Mọi người đều kinh ngạc, bởi cứ ngỡ người gọt tóc, mặc áo vải này là nhà sư phương Bắc. Ông ngồi xuống pha trà, cùng uống với hắn. Sau, người hầu của Thung nhận ra ông, cầm cái tên chọc vào đầu Quốc Tuấn đến chảy máu, nhưng sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không hề thay đổi. Khi về, Thung ra tận cửa tiễn ông.

Lời bàn:

Sự hèn nhát của Di Ái và sự ngang ngược của Sài Thung, thiết tưởng đã quá rõ. Điều đáng nói là sự nhún nhường của triều Trần. Chiêu Minh Vương Quang Khải đã khéo nhịn mà Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn còn khéo nhịn hơn. Cố nhịn để lo quốc gia đại sự đã là đáng kính, nhịn đến hết mức mà vẫn giữ được quốc thể thì lại còn đáng kính hơn. Hậu thế nói nhiều đến một Hưng Đạo Vương uy nghi trên bành voi trận, đã mấy ai nói đến một Hưng Đạo Vương ung dung mà đầy mưu lược trong tấm áo cà sa !

Logged

Nắng gió cuộc đời, phải chăng đã phũ phàng làm cho mái tóc phai đi, sáng lên màu bạc, nhưng ánh mắt vẫn đọng mãi những đốm lửa của nồng nhiệt và tha thiết...Hãy gom những đốm lửa lẻ loi ấy để bùng cháy thành ngọn lửa!
thanhh63
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2187


« Trả lời #19 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2011, 08:23:48 am »

Câu chuyện 13:

TRÍ VÀ DŨNG CỦA KHẮC CHUNG
(Trích: VIỆT SỬ GIAI THOẠI - tập 3 - 71 GIAI THOẠI ĐỜI TRẦN , Nguyễn Khắc Thuần , NXB Giáo dục 2003 , Tái bản lần thứ tám)

Khắc Chung vốn người họ Đỗ, nhờ có công giúp rập nhà Trần nên được mang quốc tính, đổi gọi là Trần Khắc Chung. Nhà Trần rất ít khi ban quốc tính cho ai, nhất là ở buổi đầu của thời kì dựng nghiệp, vậy ắt hẳn là Khắc Chung trí dũng hơn người ? Xin trích dịch một đoạn sau đây trong Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 45 b và 46 a) và nhường lời phẩm bình về Khắc Chung cho người đọc :

“Giặc đánh vào Gia Lâm, Vũ Ninh, Đông Ngàn (vùng ngoại ô Hà Nội và Bắc Ninh ngày nay - ND), bắt được quân ta, thấy người nào cũng thích hai chữ Sát Thát bằng mực vào cánh tay, chúng tức lắm, giết hại rất nhiều. Sau, chúng tiến đến Đông Bộ Đầu (nay là khu vực dốc Hàng Than, đầu cầu Long Biên, Hà Nội - ND), dựng một lá cờ lớn. Vua muốn sai người đi do thám mà chưa tìm được ai. Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung tiến lên tâu rằng : "Thần hèn mọn bất tài, nhưng xin được đi". Vua mừng mà nói : "Ngờ đâu trong đám ngựa kéo xe muối lại có ngựa kì, ngựa kí như thế ". Nói xong liền sai Khắc Chung đem thư xin giảng hòa. Ô Mã Nhi hỏi Khắc Chung rằng : "Quốc vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ Sát Thát, khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy lớn lắm". Khắc Chung đáp "Chó nhà cắn người lạ không phải tại chủ nó. Vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ thôi. Quốc vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần, tại sao lại không khắc". Nói rồi, giơ cánh tay cho xem. Ô Mã Nhi nói : "Đại quân từ xa tới, nước người sao không quay giáo lại hội kiến, còn dám chống lệnh ? Càng bọ ngựa cản bánh xe thì sẽ ra sao ?". Khắc Chung nói: "Hiền tướng sao không theo cách Hàn Tín bình nước Yên, cứ đóng quân ở biên giới, đưa thư báo trước, nếu không thông hiếu thì mới là có lỗi. Giờ bức hại nhau. Người ta nói, thú cùng thì cắn lại, chim cùng thì mổ lại, huống chi là người ?".

Khắc Chung về rồi, Ô Mã Nhi nói với các tướng rằng : "Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ vẫn tự nhiên, không hạ chủ nó là chích (tức bọn trộm cướp - ND), không nịnh mà tâng bốc ta là Nghiêu (tức Đường Nghiêu - ND), hắn chỉ nói chó nhà cắn người, thật giỏi ứng đối, quả là không làm nhục mệnh vua. Nước nó còn có người giỏi, chưa dễ gì mưu tính được". (Nói rồi), sai quân đuổi theo để bắt Khắc Chung, nhưng không kịp nữa.

Logged

Nắng gió cuộc đời, phải chăng đã phũ phàng làm cho mái tóc phai đi, sáng lên màu bạc, nhưng ánh mắt vẫn đọng mãi những đốm lửa của nồng nhiệt và tha thiết...Hãy gom những đốm lửa lẻ loi ấy để bùng cháy thành ngọn lửa!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM