Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:03:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài Từ 1627 Tới Năm 1646 - Alexandre De Rhode  (Đọc 51679 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2011, 08:00:09 pm »

Nguồn:

1. http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=111&ict=431

2. http://www.luongsonbac.com/forum/lstq.php?do=doctruyen&t=134339356&page=1&ipp=10

Lời nói đầu

Nhân kỷ niệm 400 năm sinh của Alexandre de Rhodes (1593 – 1993), chúng tôi đã cho thực hiện cuốn PHÉP GIẢNG TÁM NGÀY, phát hành tháng 06/1993 như một di sản văn hoá quý của Công giáo và của dân tộc.

Nay chúng tôi xuất bản cuốn LỊCH SỬ VƯƠNG QUỐC ĐÀNG NGOÀI, gồm hai phần: Phần một về tình hình chính trị – xã hội và phần hai, về công cuộc truyền giáo ở xứ Đàng Ngoài (Tunquin) từ 1626 đến 1648. .
Trước hết là bàn dịch Việt Ngữ cùng với bài giới thiệu và một số chú thích của HỒNG NHUỆ …

Đây là một tài liệu cũ nên khó chuyển dịch hết tất cả mọi tình tiết. Vì vậy, chúng tôi cho in phần PHỤ LỤC, gồm bản chụp ấn bản Pháp ngữ năm 1651 để bạn đọc có thể tham khảo<1>. Trong sách của ấn bản năm 1651 khổ 12x18 được thu nhỏ thành khổ 10x16 cho phù hợp với khổ phổ thông của Tủ sách Đại Kết của uỷ ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh. Tác phẩm mà chúng tôi giời thiệu với giới nghiên cứu, đã được biên soan cho đọc giả Châu Âu vào thượng bán thế kỷ XVII.

Công giáo Châu Âu, từ giữa thế kỷ XVI, do khủng hoảng trầm trọng trước các phong trào Cải cách Tôn giáo, có xu hướng muốn tự khẳng định mình bằng cách phủ định tất cả những gì ngoài Công giáo.
Đọc Allexandre De Rhodes, cũng như đọc thư từ và tường trình của các thừa sai Châu Au trước đây, bạn đọc không công giáo chắc chắn không thể không bất bình trước những thái độ trịch thượng, coi tất cả các tôn giáo ngoài công giáo là lầm lạc, mê tín, dị đoan … Nhưng đây chỉ là phản ánh một não trạng mà người Công giáo ở Việt Nam cũng như trên khắp thế giới ngày nay coi như là những lỗi lầm đáng tiếc của quá khứ, hết sức tai hại cho việc hội nhập của Kitô giáo vào văn hoá Châu Á, Châu Phi Châu Mỹ nói chung và Việt Nam nói riêng.

Để tránh những ngộ nhận không cần thiết, đối với những bạn đọc không chuyên môn, mong rằng khi đọc sách này, độc giả coi đây là chỉ là những lời ghi chép và nhận xét cá nhân của tác giả trong cuộc hành trình và truyền giáo ở thời kỳ đó. Còn đối với giời nghiên cứu, thì đã có bản Pháp ngữ được xuất bản dưới sự giám sát của chính tác giả.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Sáu, 2011, 09:37:31 pm gửi bởi DesantnhikVDV » Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #1 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2011, 08:02:41 pm »

Lời giới thiệu

Sau khi ở Đàng Trong năm năm (1618 – 1622) C. Borri đã soạn bản TƯỜNG TRÌNH VỀ ĐÀNG TRONG và cho phát hành bằng tiếng Ý và tiếng Pháp năm 1631. Còn A. De Rhodes, sau khi truyền giáo ở Đàng Ngoài ba năm (1627 – 1630) đã biết bản TƯỜNG TRÌNH VỀ ĐÀNG NGOÀI và cho ấn hành bằng tiếng Ý năm 1650, tiếng Pháp năm 1651 và tiếng Latinh năm 1652.

Người ta còn giữ được một bản viết tay về bản Tường trình này soạn vào năm 1636 khi De Rhodes ở Macao. Nhưng hẳn ông đã bổ túc để viết không phải cho tới năm 1636. Vì thế ông đã nói: giáo đoàn này còn mới mẻ trẻ trung vì mới được “hai mươi ba tuổi” (1627 – 1650)

Cuốn về Đàng Trong của Borri rất quý đối với chúng ta, nhưng cuốn về Đàng Ngoài này quan trọng hơn nhiều. Đàng Trong dẫu sao cũng thuộc về nước Việt Nam. Chúa Nguyễn vẫn nhận vua Lê là lãnh tụ và dòng dõi nhà Lê làm vua toàn cõi. Nhà Nguyễn ở miền Nam lúc đó chưa dám tách biệt khỏi nhà nước Việt Nam, dẫu sao hành chính nhà Nguyễn lúc đó chưa bắt chước hoàn toàn nhà Lê ở Bắc. Trái lại Đàng Ngoài mới là đất đai của tổ tiên, của vua Hùng, nhà Lý, nhà Trần; Đông kinh tức Kẻ Chợ đã có từ lâu đời và nhất là từ năm nhà Lý dời đô về Thăng Long đầu thế kỷ 11.

Vì thế bản tường trình của De Rhodes có một tầm vóc lớn lao. Vì ông tinh thông ngôn ngữ nên ông học nói với người đương thời trực tiếp, ông ghi nhận tinh tường và thành thạo về tình hình chính trị, quân sự và xã hội, kinh tế và văn hoá của nước Việt Nam vào đầu thế kỷ 17, lúc có sự tiếp xúc với người ngoại quốc, nhất là người Hòa Lan và người Bồ, đặc biệt với người Bồ. Là người truyền giáo ông quan tâm đặc biệt tới các tôn giáo, các tín ngưỡng cũng như những mê tín dị đoan của người bản xứ. Ông không quên những phong tục và nhất là tiếng nói của người Việt Nam.

Chúng tôi không cần giới thiệu nhiều lời, độc giả chỉ đưa mắt coi qua mục lục nhan đề các chương của cuốn sách ở quyển một, thì cũng biết sự phong phú đặc biệt của những đề tài: về danh hiệu, vị trí Đàng Ngoài, về vua Lê, về chúa Trịnh, lúc này là Trịnh Tráng, về lực lượng, về số thuyền chiến, về các nguồn lợi, về hành chính, về khoa thi … tất cả có 31 chương trong phần một hay quyển 1.

Là giáo sĩ đi truyền đạo, thế nên sau phần thứ nhất nói về tình hình trong nước, ông viết về sự du nhập Kitô giáo vào xứ này. Đó là ngày 19 tháng 03 năm 1672, tàu của thương gia người Bồ đã đưa ông tới Cửa Bạng thuộc Thanh Hoá, sau chỉ có một tuần lễ hành trình trên biển khơi từ Macao. Thế là ông đặt tên cho cửa biển này là của Thánh Giuse. Vì đã tinh thông tiếng nói học được ở Đàng Trong nên ông bắt đầu giảng đạo Thánh Đức Chúa Trời và rửa tội cho một số người ở chung quanh bến đó. Khi được tiếp xúc với chính quyền thì chính lại là chúa Trịnh Tráng đưa vua Lê đi đánh chúa Nguyễn : đó là trận thứ nhất giữa hai chúa Trịnh Nguyễn giữa hai xứ Bắc Nam mà sử ta có nói tới.

Chúng tôi nhường lời cho cuốn sách, quyền 2, với 51 chương, trong đó giáo sĩ kể lại tất cả hoạt động của ông và các người kế tiếp ông để đem Tin Mừng của Đức Kitô đến cho Đàng Ngoài.

Như trên chúng tôi đã nói, vì thạo tiếng Việt mà giáo sĩ đã rất dễ dàng truyền bá đức tin. Một giáo đoàn đã bắt đầu thành lập. Đã có nhiều người tham gia vào công việc chung, như chép kinh, biên soạn sách giáo lý, soạn lịch công giáo. Chính giáo sĩ đã có một thời gian không đi giảng được, thì đã viết thư chung gởi cho bổn đạo. Cùng cộng tác với ngài còn có những người có tên tuổi, có công trạng như giáo sĩ Gaspar d’Amaral, người đã soạn một cuốn TỰ VỊ VIỆT BỒ (ngày nay thất lạc), giáo sĩ Antôn Barbosa đã viết cuốn TỰ VỊ VIỆT BỒ (ngày nay thất lạc), tuy cả hai cuốn đã giúp cho cha A. De Rhodes soạn cuốn TỰ VỊ VIỆT BỒ LA ấn hành tại Rôma năm 1651. Chính De Rhodes cũng đã cho in cuốn PHÉP GIẢNG TÁM NGÀY, hẳn với những bài giảng cho dân xứ bắc trong thời gian ông ngụ tại đây. Cũng phải kể đến giáo sĩ Maioroca, người biên soạn tới hơn hai cuốn sách bằng chữ Nôm hiện còn những bản thảo hay bản viết tay nằm trong thư viện quốc gia Pháp ở Paris.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #2 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2011, 08:03:04 pm »

Rồi cũng đã có sẵn văn sĩ, thi sĩ đầu tiên của giáo đoàn Kitô như bà Catarina rất tinh thông chữ nghĩa, bà đã viết bằng thơ tất cả lịch sử cứu rỗi từ tạo thiên lập địa cho tới Chúa Kitô chịu chết và phục sinh, bà còn thêm một cuốn kể lai lịch cuộc truyền giáo ở xứ này. Thật là đất Đông Kinh ngàn năm Văn Hiến. Chúng tôi có thể tưởng tượng như cuốn THIÊN NAM NGŨ LỤC với hơn tám ngàn câu thơ lục bát cũng vào thời kỳ này.

Về tổ chức giáo đoàn và xây dựng đoàn thể, phải kể tới hội các thầy giảng với một trường đào tạo trong đó đã có chừng một trăm thầy. Về sinh hoạt phụng vụ cũng rất sốt sắng với mùa Vọng và Lễ giáng sinh, mùa Chay và Lễ Phục sinh. Đặc biệt De Rhodes đã cho tổ chức ngắm 15 sự thương khó Chúa Giêsu, dựa theo nghi lễ hát kinh đêm trong ba ngày Tuần thánh.

 Kết quả của việc truyền giáo, cũng theo Tường trình Đàng Ngoài này, năm 1628 đã có hơn 1.600 giáo hữu, tới năm 1630 lên chừng 5.000 và cho tời năm 1639 đã có 82.500 giáo hữu với hơn một trăm nhà thờ lớn, một trăm hai mươi nhà thờ nhỏ. Bản đồ giáo sĩ cho vẽ đã ghi những địa danh có người theo đạo, như chung quanh cửa Bạng, chung quanh Kẻ Chợ (Hà Nội). Có nhiều tên chúng tôi chưa nhận ra nhưng cũng có mấy nơi chúng tôi rất quen biết như Trăm Hạ, Kẻ Trù, Kẻ Vồi.
Chúng tôi chú ý tới hai chương quan trọng, một chương ở quyển một nói về các dấu trong việc phiên âm TIẾNG VIỆT, đó là chương khai đề cho cuốn TỰ VỊ VIỆT BỒ LA danh tiếng và chương ở quyển hai bàn về phương pháp dạy giáo lý mà De Rhodes chủ trương. Chương này nói lên phương pháp dạy giáo lý trong cuốn Phép Giảng tám ngày. Chúng tôi có dịp nghiên cứu sơ qua về bản viết tay năm 1636 nói trên; trong bản viết tay này không có chương 16: “Phương pháp chúng tôi dùng để dạy giáo lý” Như vậy có nghĩa là khi ở Macao năm 1636 giáo sĩ chưa dám viết chương này, vậy có thể phải đợi khi giáo sĩ đã về tới Au Châu, ngài mới viết để cho ấn hành trong cuốn Tường trình. 

Có người cho chúng tôi đã quá đề cao thanh thế của giáo sĩ De Rhodes vừa về mặt ngữ học vừa về mặt truyền giáo. Thế nhưng suy cho cùng, De Rhodes rất đáng được một chỗ riêng, ít ai bì được, không những về việc hình thành chữ quốc ngữ – chúng tôi có thể dành cho một bài khác – mà về cả công cuộc truyền giáo ở xứ Bắc. Độc giả đọc cuốn Tường trình này rồi thì sẽ có một ý kiến vững chắc về ngài.

Thế cho nên để ghi nhớ ngày cập bến Cửa Bạng ngày 19 tháng 03 năm 1627, Giáo hội Việt Nam đã nhận Thánh Giuse làm Đấng Bảo trợ cho mình và nhà thờ Chính toà Hà Nội thủ đô là nhờ thờ kính Thánh Giuse bổn mạng Giáo hội Giáo hội Việt Nam. Và De Rhodes kết luận cuốn Tường trình như sau: “ Những điều nói trên cũng đủ cho chúng ta nhận thấy một nét về nhân đức và sự chọn trọn lành của bộ mặt trẻ trung của Giáo hội Đàng Ngoài, mới được hai mươi ba tuổi, nhưng từ ngày nhận ánh sáng Phúc âm thì đã được tô điểm tráng lệ. Ước mong Thiên Chúa ban cho Giáo hội này luôn luôn thăng tiến về sự trọn lành và được đầy ơn Thiên Chúa, để cho ta xem thấy một kỳ công kiệt tác của vinh quang Người”.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #3 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2011, 08:04:06 pm »

Ngỏ cùng độc giả

Khi nghe nói về những sự mới lạ (những sự mới lạ cũng như những người xa lạ) thì người ta thường cảm phục hơn là ưu đãi: điều này có lẽ đúng với cuốn Lịch sử mà tôi nhận được bản La ngữ của cha Alexandre de Rhodes; tôi sợ có người không công nhận những điều tường thuật trong đó vì là những điều vừa mới vừa lạ. Có nhiều khi vì những truyện ở những lãnh thổ xa lạ, nhất là những lãnh thổ thuộc về thế giới mới, thấy có những bài tường thuật gian dối bởi vì chép theo lời người khác kể lại, nên đã đánh lừa lòng tin của độc giả. Nhưng tôi cam đoan với những người muốn giải trí đọc cuốn Lịch sử này, tác giả cho chúng ta biết về tình hình đời và đạo hiện nay ở xứ Đàng Ngoài, người đó không có ý lừa dối chúng ta. Vì về tình hình và các việc đời của xứ này, tác giả tuyên bố không tường thuật gì mà mắt không chứng kiến. Còn về sự thiết lập và sự tiến triển của Kitô giáo thì tác giả đã trung thành trích ra hoặc từ những bản ký tự đã khởi thảo tại chỗ, những sự việc đã xảy ra trong khu truyền giáo này, hoặc từ những thư tín và thông báo ông nhận được từ những người thợ đã thay thế ông đến làm việc trong vườn nho.

Ông đã được triệu hồi từ khu truyền giáo Đàng Trong nơi ông cư trú hai năm để tới khu truyền giáo Đàng Ngoài, nơi cha Juliano Baldinotti thuộc dòng chúng tôi đã đi theo các thương gia Bồ bắt đầu tới buôn bán trong xứ này. Cha Baldinotti cũng là người thứ nhất vào xứ đó và phát giác những ruộng vườn mênh mông sẵn sàng được cày cấy và nhận thấy những khuynh hướng lớn lao để nhận hạt giống đức tin và Kitô giáo. Cha Alexandre de Rhodes tới đó năm 1627 và may mắn rao giảng Phúc âm, với những thành quả mà hình như cả trời đất đều đồng tình phù hộ và giúp đỡ để chinh phục các dân này, còn địa ngục từ bao nhiêu thế kỷ nay đã đóng cửa cứu rỗi thì bây giờ không còn sức, không còn quyền ngăn cản. Thế nhưng sau ít lâu, ma quỷ bực tức và điên rồ vì bị trục xuất khỏi lãnh thổ của chúng ta và vì một phần lớn các tín đồ cũ của chúng ta đã bỏ chúng, thì chúng võ trang tất cả phe đảng và đồng lõa, gây nên nhiều cuộc bắt bớ, vu cáo kết tội để làn nhơ thanh danh ngài và vinh quang Phúc âm ngài rao giảng, chúng còn phao tin ngài là thầy phù thuỷ vừa làm mê hoặc vừa tàn sát người ta bằng hơi thở của Ngài, làm cho chúa trước đây rất quý mến và rất nể ngài thì nay không còn ưa ngài và yêu công việc ngài làm để rồi sau cùng trục xuất ngài ra khỏi lãnh thổ năm 1629. Nhưng bởi ngài lại theo chiếc tàu người Bồ tới buôn bán mà trở lại xứ này, thì chúa lại ra lệnh lần thứ hai trục xuất ngài năm 1630 không còn hy vọng trở lại, sau khi đã không mệt nhọc hoạt động trong ba năm trời, với những thành quả và những biến cố rất khác nhau và đã để lại trong các tỉnh tới năm nghìn Kitô hữu và trong khắp nước những mầm mống báo hiệu một mùa gặt dồi dào do mồ hôi ngài đã tưới và sau này các thầy giảng do ngài thiết lập sẽ thâu lượm được khi ngài không còn ở đó nữa.

Vì những kẻ thù đức tin đã gieo vào tâm tưởng chúa nên Bề trên dòng (để cất hết nguyên nhân làm cản trở việc rao giảng và tiến triển Phúc âm) đã phái những thợ khác tới khu truyền giáo như sẽ thấy trong cuốn Lịch sử này, những người này tiếp tục công việc của những người trước và dốc hết nhiệt tình để làm tăng số những người trở lại rất nhiều, nên ngày nay ở xứ Đàng Ngoài có hơn hai trăm nghìn Kitô hữu, hai trăm nhà thờ rộng lớn, không kể một số nhà nguyện, đền thánh và sáu trụ sở cư trú của các cha dòng. Hy vọng rằng Thiên từ theo sự quan phòng của Người, Người cho thực hiện những ý định vẻ vang, Người sẽ ban phúc tràn đầy và sung mãn cho công trình của Người và tất cả các dân tộc Đông Phương, không những xứ Đàng Ngoài mà cả các nước lân cận, Đàng Trong, Thái Lan, Lào, Campuchia, nơi các thợ Phúc âm ngày nay đang làm việc, tất cả các nước ấy sẽ thần phục Nước Đức Giêsu Kitô, Đấng mà hết các quốc gia trong hoàn cầu đều phải thờ phụng.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #4 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2011, 08:04:54 pm »

Chương 1
DANH HIỆU VÀ VỊ TRÍ

Xứ Đàng Ngoài1 thời xưa (bị coi) là một trong những tỉnh lớn nội thuộc Trung Quốc, chúng ta gọi theo danh hiệu đã được công nhận. Vì như Bắc Kinh (bây giờ là thành phố thịnh vượng nhất Trung Quốc và là đế đô thường trú của các vua), có nghĩa là triều đình hay thành phố của các vua ở miền Bắc, và Nam Kinh là triều đình hay thành phố của các vua miền Nam, thì Đông Kinh cũng có nghĩa là triều đình ở miền Đông ; Đông trong tiếng Tàu có nghĩa là mạn hay phương Đông và Kinh là nơi vua họp triều đình. Thực ra Đông Kinh chúng tôi nói ở đây không ở vào phía đông nước Tàu, nếu nhắm thẳng vị trí, nhưng ở về phía Nam. Nhưng vì thời xửa xưa, đế chế Trung Hoa lan rộng tới mãi các nước Lào và Xiêm thuộc về phía Tây, nên đối với họ nước Đông Kinh được gọi là nước ở vào phía Đông và như thế gọi cho thuận tiện đối với tất cả những tỉnh ở về phía Tây, những tỉnh phải đi mất sáu tháng mới tới, nếu cần phải nại toà án đặt ở Bắc Kinh và Nam Kinh, nơi vua thay đổi cung điện tuỳ tiện. Nhưng từ khi những nước ở vào miền Tây này thoát khỏi đế chế Trung Hoa thì tỉnh Đông Kinh vẫn phải triều cống2 và được gọi là Annam nghĩa là nghỉ yên phía nam; hiện nay danh hiệu này là tên gọi chung cho hai xứ Đàng Ngoài và Đàng Trong, cả hai chỉ là một quốc gia, một cộng đồng chung nhau về phong tục, tập quán và ngôn ngữ ; trước đây chỉ là một nước, tuy sau này chia làm hai như tôi sẽ nói khi có cơ hội.

Và để nói thêm về danh hiệu đặt cho Đàng Trong ngày nay3 tách biệt khỏi Đàng Ngoài, thì phải biết thủ đô của nước Annam là Kẻ Chợ và các thương gia Nhật Bản buôn bán trong tỉnh đó đã đọc sai và gọi là Coci vì thế người Bồ giao tiếp với họ, để phân biệt với tỉnh Cocin ở miền Đông An, không xa thành phố Goa, đã lập thành danh từ Cocinchina, như muốn nói xứ Cocin gần Trung Quốc (Cocinchina). Danh hiệu này không quá mới vì từ một thế kỷ nay, như chúng ta được biết, trong thư của mình, Thánh Phanchicô Xavie đã tường thuật một trận bão ghê rợn xảy ra ở bờ biển xứ này, khi ngài đáp tàu đi Nhật Bản. Còn cái xứ ngày nay ta gọi là Đàng Ngoài, lúc đó cũng được kể chung với danh hiệu Cocinchina. Tuy vậy từ mấy chục năm nay hai xứ này chia rẽ nhau, nên ở đây tôi sẽ chỉ nói về xứ Đàng Ngoài, biệt lập với xứ Đàng Trong. Còn khi nào nói về điều gì chung cho cả hai xứ thì sẽ dùng danh từ Annam, danh hiệu chung cho cả hai. Đó là về danh hiệu.

Còn về vị trí thì toàn nước Annam ở về phía bắc, từ vĩ tuyến 12 tới vĩ tuyến 23. Từ vĩ tuyến 12 tới vĩ tuyến 17 thuộc về Đàng Trong, còn ra là thuộc về Đàng Ngoài. Tuy có sự khác biệt này là dân ở cả hai Đàng Ngoài như một cái áo, Đàng Trong như thắt lưng, Đàng Ngoài trải rộng như một cái đĩa bằng phẳng có bốn góc, còn Đàng Trong thì bị thu hẹp trong một dãy núi, đến nỗi chỗ hẹp nhất chỉ dài chừng hai mươi mốt dặm Pháp kể từ bờ biển chạy tới dãy núi ngày nay có người dân tộc sơ khai gọi là Rợ Mọi, nước da họ đen, tiếng nói khác với tiếng nói các dân tộc ở nước Annam. Từ nam chí bắc, lãnh thổ họ rộng chừng 146 dặm Pháp.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #5 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2011, 08:06:30 pm »

Chương 2
NGUỒN GỐC XỨ ĐÀNG NGOÀI

Nước này bắt đầu thoát ly khỏi đế chế Trung Quốc từ hơn tám trăm năm nay5, khi người Đàng Ngoài không thể chịu được cái nhục đô hộ Tàu, thì họ vùng lên sau khi giết quan trấn thủ. Vừa để truyền cho hậu lai kỷ niệm chiến thắng đó vừa để ghi muôn đời cuộc khởi nghĩa bằng một vài sự việc thì họ ra lệnh từ nay dân Đàng Ngoài không kết tóc bọc trong lưới trên đầu như người Tàu, và để tỏ ra độc lập, họ bỏ tóc dài tỏa trên vai. Hơn nữa họ không đi giày như đã quen, vì đất rất lầy lội thường xuyên trong toàn cõi, họ luôn đi chân không ở miền quê, không có giày, để được tự do chạy nhảy và chiến đấu với người Tàu khi cần. Thế nhưng sau mấy năm, để bớt căng thẳng đưa tới chiến tranh liên tục thì người Đàng Ngoài đã làm hòa với người Tàu và cứ ba năm một lần họ đến triều đình Bắc Kinh triều cống vua Tàu với lễ vật để tỏ sự thuần phục; đó là điều họ còn giữ cho tới nay. Nhưng đến lượt chính họ (sau khi nổi lên chống người Tàu) trong nước họ lại xảy ra nội loạn và cảnh huynh đệ tương tàn, làm cho nước Annam xưa kia chỉ là một quốc gia thống nhất, bây giờ phân chia ra dưới quyền thống trị của nhiều chúa, mỗi chúa xưng hùng một phương.

Cuộc nội loạn thứ nhất và chính yếu đã xảy ra ngay trong triều vua và giữa kinh thành Kẻ Chợ chừng hai trăm năm nay6. Lúc đó khi vua về miền quê giải trí ít ngày thì người được vua giao quyền canh cửa và giữ điện đài đã nổi loạn. Ông âm mưu bí mật bên trong và bên ngoài, truất phế vua lúc đó bất thần không chống cự nổi. Ông đặt ách độc tài trên bốn tỉnh chính yếu và kinh thành, từ đó không ai ngăn cản, rồi sau ông và con cháu kế vị thừa hưởng hậu quả của lòng phản nghịch. Thấy mình bị tước đoạt một phần lãnh thổ tốt đẹp nhất và lớn nhất trong nước, không còn phương thế rửa nhục do kẻ phản loạn gây nên và không còn hy vọng khôi phục những tỉnh đã mất, vua liền dự định mở mang bờ cõi về phía Nam (…) Tham vọng được thoả mãn. Vua vui mừng và hiển hách thấy quốc gia mình được mở rộng ngoài bờ cõi, nên không còn lo đẩy mạnh chiến thắng xa hơn, vua quyết định ngừng chiến và về nghỉ ngơi trong tỉnh Thanh Hoá, gác việc chinh chiến cho viên tướng lãnh, viên này gánh hết công việc binh đao.

Nhưng tướng lãnh này nắm hết quyền lực võ trang và do tham vọng cá nhân chứ không do nhiệt thành theo công lý, ông bỏ việc chinh phục Chiêm Thành, chỉ để lại một số đạo binh, và đem quân chống lại kẻ nghịch thần đã cướp một phần lớn Đất Nước Đàng Ngoài. Ong giao chiến mấy lần nhưng cả hai bên lúc được lúc thua. Thực ra ông có ý định khôi phục những tỉnh đã mất, nhưng không phải để trao lại cho nhà vua, một vị vua mà ông không thấy đủ khả năng trị nước, lại sức yếu, kém tài và truỵ lạc, mà là chiếm cho mình và con cháu mình. Vì ông rất thông thạo việc nước nên ông được nể trọng và quý mến, vua thì tín nhiệm giao cho quyền cai quản không những quân binh mà tất cả công việc trị nước.

Thế là quyền thống lãnh quân binh được đặt vào tay ông cùng hết các việc nước, chiến tranh cũng như hoà bình đêu hoàn toàn thuộc về ông, ông cho con với sự thoả thuận của nhà vua. Thế là theo thế lực của thông tục và của võ trang, vua trong nước chẳng còn quyền hành gì, chỉ có danh hiệu là vua, tất cả lực lượng hợp với binh đao võ bị đều ở vị tướng lãnh.

Cách đây chừng một trăm năm7 vị tướng lãnh nhận trọng trách này cũng là cụ tổ chúa Đàng Trong, đã giao tranh với kẻ nghịch thần chúng tôi nói ở trên, trong miền ghi trên bản đồ giữa kinh thành và Lào, thấy mình bị địch bao vây và nguy hiểm cho tính mạng, thì đã công khai hứa gả con gái cho viên tướng nào giải vây được: nghe thấy vậy thì có một binh sĩ can tràng và mạnh bạo cưỡi voi thúc quân hăng hái đánh về phía địch rất đông tiến đánh đạo quân yếu ớt của tướng, làm cho địch phải lùi, cứu viên tướng thoát vòng vây nguy hiểm, đưa lên voi đem về nơi an toàn, làm cho viên tướng có phương thế thu quân để mạnh bạo tấn công. Viên tướng lãnh chịu ơn binh lính, không những đã gả con gái cho như đã hứa mà còn giao cho một phần đạo binh8. Thế là ông này đã đạt tới bậc cao danh vọng mà vận mệnh dành cho ông. Rồi sau khi viên tướng lãnh mất, con thì còn nhỏ dại, không được kế vị cha cầm đạo binh như nhà vua đã ban truyền, trái lại người con rể đã lập được nhiều chiến công và lấy con gái út duy nhất, liền nắm hết việc trị nước và điều khiển quân sĩ. Thế nhưng được vua ưng chuẩn, ông vừa lên cầm quyền thì đã tỏ ra ganh tỵ và ghen ghét người em vợ, người em này tính tình khoan hậu mỗi ngày mỗi khôn lớn và có tham vọng chính đính, tìm cách với thời gian khôi phục sự nghiệp lẽ ra thuộc về mình do cha để lại, nhưng chỉ vì tuổi còn nhỏ mà chưa làm được. Thế là người anh rể quyết định ám hại tính mạng em vợ trước khi để cho em dấy nghiệp.
Dự định đó (tôi không biết bằng cách nào), người vợ biết và vì thương em nên định cứu em thoát nạn và cứu chồng khỏi mắc trọng tội sát nhân9. Bà liền khuyên chồng cho em vào Đàng Trong trấn thủ lãnh thổ đó, viện lý do cho em ra trận và giữ vững vùng đất mới chiếm. Thế là sự việc được thi hành, người thanh niên có tài ba lại có tư cách hiền hậu, nhận ra mưu mô anh rể và dự định ám hại mình, liền khôn ngoan và ăn ở khéo léo trong việc cai trị đến nỗi sau khi được lòng dân và cẩn thận đề phòng, thì cho giết những kẻ chủ mưu toan tính sát hại mình. Và nơi đày ải ông làm thành quê hương, đất ngọai lai thành di sản và gia nghiệp. Trong thời gian ngắn ông làm bá chủ tất cả những lãnh thổ ông cai trị và toàn cõi Đàng Trong, xưng vương dưới danh hiệu chúa ông; nhưng để duy trì hoà bình và giữ thế thủ, ông nhận triều cống chúa Đàng Ngoài. Thế là nhờ lời khuyên của bà chị khôn ngoan mà ông em được thuận lợi mà chồng cũng không bị thiệt hại, ông này được rảnh tay nghĩ kế và đem quân dẹp quân nghịch thần đã cướp phần đất tốt đẹp nhất của Đất Nước. Ông dùng võ khí đuổi được và kết thúc cuộc giao tranh xảy ra từ bao năm nay: ông hiển hách tự xưng và truyền cho con kế vị là chúa Bằng10, nghĩa là chúa công bằng với nhiều quyền hành, chỉ để lại cho vị đế vương cả nước gọi là vua một ít đặc quyền danh dự, chúng tôi sẽ nói sau.

Nhưng quân nghịch thần bị chúa Bằng đánh bại trận thì rút lui cùng toàn gia quyến về miền núi giáp ranh giới nước Tàu và lập đồn đắp luỹ tự xưng là chúa Canh như từ trước vẫn có. Và có thời giờ thong thả khôi phục lực lượng đem quân đánh phá quân Đàng Ngoài và cướp miền đồng bằng. Tuy nhiên lần bị quân Đàng Ngoài chống cự và ông bị thua, nhưng ông vẫn còn sức không để cho quân Đàng Ngoài nghỉ yên.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #6 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2011, 08:07:56 pm »

Chương 3
NGƯỜI ĐÀNG NGOÀI TÔN THỜ VUA CỦA HỌ NHƯ THẾ NÀO

Trong những phong tục người Đàng Ngoài kính cẩn theo, thì có một phong tục chính yếu họ giữ vào đầu năm mới, đó là lễ tịch điền, nghĩa là mở đất và cày ruộng. Đầu năm nơi xứ này cũng như nơi nước Tàu, thường vào giữa đông chí và xuân phân, đúng ngày tuần trăng mới tương đương với ngày mồng 05 tháng 02 theo cách tính của chúng ta; vào ngày mồng 03, do các nhà toán học hay ma thuật chỉ định (vì ở các nước này có nhiều dị đoan), mọi người có trọng trách, chức vụ hay cấp bậc trong ngành quan võ hay quan văn đều phải đến đền vua với những phù hiệu và y phục chức vụ mình để theo vua trong đám rước long trọng qua khắp thành cho tới một thửa ruộng, theo thể thức và thủ tục tôi sẽ tả sau đây

Mở đầu là binh sĩ tập hợp từ khắp nước về đây, nghiêm chỉnh hàng lối và rất đông, có tới mấy nghìn, tất cả đều mang khí giới, kẻ đem cung tên, người mang gươm giáo và súng ống. Sau đó là sĩ quan và hàng quý tộc một phần đi ngựa cảnh, một phần cưỡi voi, chừng ba trăm tất cả, có trải thảm quý, đã được huấn luyện dừng bước và tuân lệnh. Vị tướng lãnh cai trị nước như phó vương gọi là chúa thành đô vương11 đi sau hàng quý tộc, ngự trong chiếc xe kéo thấp thiếp vàng. Theo sau là một cỗ voi phủ áo sang trọng, có người dắt, chúa tuỳ tiền có khi cưỡi voi, tuỳ tính khí mỗi khi muốn làm đẹp lòng dân đứng nghinh tiếp và ca ngợi. Sau đó là một đám rất đông các ông nghè, ông cử, ông tú mặc áo dài bằng lụa và thứ hàng quý màu tím sẫm, mỗi người với phù hiệu chức vụ hay cấp bậc mình. Cuối cùng là vua ngự trên ngai vàng lộng lẫy của nhiều người khiêng trên vai, ngai phủ một tấm thảm thêu vàng và xanh, màu sắc dành riêng cho một mình ngài. Với đoàn thể quân ngũ, vua ra khỏi nhà gọi là đền rộng chừng bằng một thành phố lớn, rồi qua những phố chính trong kinh thành gọi là Kẻ Chợ, rồi tới một cánh đồng rộng xa kinh thành chừng một dặm, nơi đây tất cả đoàn thể đến trước đang chờ ngài với rất đông dân chúng. Ngài bước xuống ngai, rồi sau khi đọc lời khấn và long trọng bái Trời, ngài cầm cán cày được trang hoàng nhiều màu sắc và chạm trổ kỳ công, cày mấy phút và mở một luống trong thửa ruộng, để dạy cho dân biết cách làm việc, không nghỉ và chăm sóc đất ruộng. Rồi tới lượt chúa là vị cai trị cả nước, vị có quyền thế đầy đủ và thế giá cao cả trên tất cả thần dân, ông là người đầu tiên tiến đến bái kính đức vua, sấp mình trên đất. Sau ông là hoàng tử, tướng lãnh và toàn thể hoàng tộc, sau cùng là quân sĩ và toàn dân bái phục đức vua và hoan hô chúc mừng . Đó là cách cung kính vĩ đại nhất và sự nhìn nhận long trọng nhất đối với vua, một lần vào dịp đầu mỗi năm.

Rồi mỗi tháng hai lần, vào mồng một và ngày rằm, những vị tiến sĩ chính yếu và những bậc quan văn đều đến chầu vua ngự trong đền và cung kính bái yết không phải chỉ là bậc quân vương mà còn là đấng đã ban cấp bậc cho mình sau kỳ thi tuyển mà chúng tôi sẽ nói sau đây. Bởi vì chính nhà vua ban cho tất cả hoàng tộc và kẻ cả trong nước các chức tước thuộc hàng quý tộc, mặc dầu bao giờ cũng qua ý kiến và thoả thuận của chúa là người nắm mọi quyền trị nước. Người ta cũng tính các năm, ghi các ngự chỉ, sắc lệnh và hết các giấy tờ công cũng như tư kể từ ngày vua lên ngôi và làm lễ đăng quang, truy tôn niên hiệu, theo phong tục kể từ ngày nào gọi bằng tên nào. Và nếu trong năm xảy ra tai họa chung nào trong toàn quốc, như mất mùa, đói kém, dịch tả hay điều gì tương tự , thì đầu năm sau niên hiệu nhà vua sẽ thay để cho tai họa ngừng lại với tên cũ và người ta bắt đầu lại từ ngày đổi niên hiệu, để đếm những năm trị vì, như thể một vua mới vừa lên ngôi. Mặc dầu việc lập vua mới bao giờ cũng dựa vào hàng hoàng gia thâm niên nhất mà toàn dân đều biết, thế nhưng ngày nay việc lựa chọn tuyệt đối tuỳ thuộc vào phán đoán của chúa mà từ nay trong cuốn Lịch sử này tôi gọi gọi là “roi du pays”, vị này có quyền (bởi ông đã chiếm đoạt) vì ích quốc lợi dân thay đổi và lựa chọn người nào khác trong cùng một hoàng tộc. Hoàng tộc của nhà vua được chọn ngày nay là hoàng tộc thứ tư chừng tám trăm năm nay12 và từ khi bắt đầu có nước Đàng Ngoài và gọi là nhà Lê, rất danh tiếng và được người Tàu công nhận và cứ ba năm một lần vua sai sứ thần được chúa chỉ định. Điều chúng tôi nói về các chúa Đàng Ngoài thì cũng có nhiều liên quan với những điều người ta kể về các “đairy” Nhật Bản13.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #7 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2011, 08:09:05 pm »

Chương 4
VỀ CHÚA HAY PHÓ VƯƠNG CAI TRỊ XỨ ĐÀNG NGOÀI VÀ VỀ QUYỀN HÀNH CỦA NGÀI

Sau khi chúa Bằng chúng tôi đã nói ở trên14 trị nước rất khôn khéo, dùng võ lực rất hùng mạnh, lại rất kiên trì và chịu đựng gian khổ do chiến tranh trong bốn mươi năm thì sau cùng đuổi được quân nghịch thần đã cướp đoạt bốn tỉnh trong nước và hạ được cường bạo lập ngôi vương. Thanh thế ông vang lừng và ông bắt toàn dân Đàng Ngoài phải đồng tình để cho ông lấy danh hiệu là vương, tiếng chữ Hán có nghĩa là vua, theo tiếng Đàng Ngoài. Thế là chính nhà vua trị vì lúc đó cũng chấp nhận, không những để ông lấy danh hiệu là chúa mà còn nắm hết chức vụ và mọi quyền, và mọi người cũng bằng lòng. Cho tới ngày tuổi đã quá cao và bị bệnh rối mất, thì người con cả nóng lòng không chờ cho cha khuất đi, người con này đã lọt vào guồng máy cai trị và phạm mấy vụ bạo lực do tính ngạo mạn xấc láo. Người cha hay tin thì khá buồn bực và dự tính không để cho đứa con đó chết yên ổn, liền cho lệnh phải thi hành ngay, nghĩa là cho cắt gân hai vế đùi để cho chết. Đứa con ham quyền này mất đi chỉ vì vội vả hấp tấp, thì người em, khi anh mất, cha băng (người cha vốn tỏ lòng thương vì tính tình hiền hoà và ăn ở đức hạnh) lên ngôi thế vị cha, không những với danh hiệu là chúa thanh đô15 như tướng lãnh của vua cao cả mà với danh hiệu vương nghĩa là chúa mà đức thân phụ đã tự truy tôn, bởi có công trạng và không trái ý ai. Thật ra ai cũng nhận thấy nơi vị chúa trẻ tuổi này có nhiều đức tính đáng khen.

Việc đầu tiên ông làm và tỏ ra can đảm khi bắt đầu cầm quyền đó là thiết lập nền hoà bình chắc chắn và lâu bền trong các tỉnh khắp nước, không để cho kẻ nghịch thần có phương tiện gây xáo động. Ông đã đạt được kết quả nhờ vào việc mộ sáu mươi ngàn binh lính trong ba tỉnh vốn ở trung thành và thần phục nhà vua, số binh lính này được bảo quản trong triều và thành phố vua ngự gọi là Kẻ Chợ, không kể đến bốn tỉnh trước kia phản nguỵ, để tuân lệnh chúa, bảo vệ bản thân và duy trì an ninh Đất Nước. Kinh thành này ở giữa, như ở giữa toàn lãnh thổ, các tỉnh khác không thể nổi loạn được vì đã có đủ võ lực để đàn áp, có vô số binh sĩ do chúa sai đi để đánh dẹp. Hơn nữa không nên quên rằng trong khắp nước có nhiều sông vừa rộng vừa sâu, thế nên trong quá khứ đã có nhiều cuộc phiến loạn gây xáo trộn trong các tỉnh, chúng có những đội thuyền chừng hai trăm chiếc vời đầy đủ khí giới để di chuyển và cướp phá. Chúa liền quyết định thiết lập ở mấy cửa sông lớn trong nước nhiều đội thuyền chiến vừa tàu thường vừa tàu chiến với đủ binh sĩ và thuỷ quân làm cho chúa trở nên hùng mạnh khiến nguỵ quân phải khiếp sợ.

Nên nói ở đây một ít về tàu và chiến thuyền. Thuyền thì dài và thấp như thuyền của ta, có nhiều thuyền dài hơn, thường có hai mươi nhăm hoặc ba mươi và nhiều khi ba mươi nhăm và bốn mươi tay chèo mỗi bên. Tay chèo thì nhẹ hơn nhiều bởi gỗ nhẹ, cho nên chỉ một tay hai người đủ để cầm tay chèo. Họ không kéo chèo vào mình như chúng ta, nhưng họ đứng lên lấy hết sức mình đẩy ra trước mặt. Nghề này không có gì là hèn hạ, nhục nhã như nơi chúng ta. Người chèo trong các tàu chiến thường là binh lính và không có một người nào (nhất là khi chúa có mặt trong thuyền) lại không coi việc chèo là một vinh dự. Các thuyền chiến này không thiếu võ khí và súng ống cần cho việc binh đao. Không có thuyền nào mà không có một khẩu súng lớn hoặc một khẩu súng nhỏ ở ngay mũi thuyền và hai khẩu ở đuôi thuyền. Còn binh lính thì họ rất thành thạo sử dụng mọi thứ vũ khí. Về súng tay và súng hỏa mai, họ bắn rất thiện nghệ. Do đó có người kể lại câu chuyện một lính Bồ rất giỏi bắn súng bị một lính Đàng Ngoài thách bắn đạn giả. Người Đàng Ngoài bắn thâu qua vòng giữa đích. Còn người Bồ sợ mình thua cuộc và để cứu danh dự liền lập mưu bắn không đạn: khi tìm xem đạn có bắn trúng vòng giữa hay không, thì chẳng thấy vết tích gì. Người Bồ liền đáp, là vì đã bắn trúng điểm và lọt vào đúng cái lỗ hòn đạn người kia.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #8 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2011, 08:10:42 pm »

Chương 5
VỀ LỰC LƯỢNG THUYỀN CHIẾN ĐÀNG NGOÀI VÀ ĐÀNG TRONG

Thuyền chiến của Đàng Ngoài cũng giống như thuyền chiến ở Đàng Trong, chỉ khác là ở Đàng Ngoài có nhiều hơn, vững hơn và trang hoàng đẹp đẽ hơn vì sẵn sàng đưa từ Tàu tới Đàng Ngoài. Nhưng cả hai đều có thuyền nhanh nhẹn và sẵn sàng xung chiến. Đây là câu truyện tôi kể.

Chúa Đàng Ngoài tấn công chúa Đàng Trong, như tôi sẽ nói sau, ba lần đem quân đi đánh nhưng đều thất
bại. Chúa liền cầu cứu với thương gia người Hoà Lan chiếm đóng bến tàu Java Cả, gọi là Jaquetra hay Tân Hoà Lan. Chúa phái người đem lễ vật tới xin cung cấp cho mấy chiếc tàu tròn của họ, để nhờ đó chúa quyết định phá huỷ hạm đội người Đàng Trong. Người Hoà Lan nhận lời ngay vì biết là để tấn công chúa Đàng Trong đã công khai từ mấy năm nay tự xưng thù địch với nước mình.

Họ liền phái tới chúa Đàng Ngoài ba chiếc tàu tròn trang bị đầy đủ và có mấy khẩu súng. Đoàn tàu vô ý tới gần một hải cảng Đàng Trong vì bị gió đánh dạt, đúng lúc tình cờ chúa đang có mặt17 với mấy thuyền chiến. Chúa nhận thấy đây là viện trợ người Hoà Lan gởi chúa Đàng Ngoài để gây chiến. Cơn giận nổi lên (như thể chúng dám táo bạo thách thức ở biên giới), chúa liền bàn xem có nên cho thuyền đuổi theo. Chúa hỏi ý kiến một người Hoà Lan mấy năm nay sống sót sau cơ bão biển và ở lại phục vụ chúa lo việc binh đao. Tên lính này kiêu căng và khinh thị đáp rằng đoàn tàu này chỉ sợ có thế lực và thịnh nộ võ khí của ông Trời. Tức giận vì thái độ hỗn xược, chúa không thèm đáp, nhưng ra lệnh cho các thuyền trưởng lập tức cho nhổ neo rời bến và tấn công đoàn tàu Hoà Lan trông rõ ngoài khơi. Nhờ lúc này biển lặng, chỉ có gió nhẹ thổi, nên việc tấn công mang lại kết quả: chỉ có chiếc tàu nhỏ hơn cả của người Hoà Lan nhờ gió nhẹ thổi mà chạy thoát, còn chiếc kia muốn chạy trốn đoàn thuyền rượt theo, mất hướng đụng phải cồn vỡ tan và chìm dưới làn sóng. Chiếc thứ ba lớn hơn hết dĩ nhiên nặng nề hơn cả, gió không đẩy nổi, liền bị bốn thuyền chiến bao vây và chiếm giữ, sau khi hết sức chống cự và bắn vô hiệu vào đoàn thuyền chiến rất thấp đã tới sát nách. Tay lái và cột buồm bị phá. Trong cơn nguy khốn cùng cực , thuyền trưởng và lính Hoà Lan mất hết hy vọng cứu thoát giữa biển khơi, liền châm lửa vào kho thuốc súng đốt chiếc tàu cùng thuỷ thủ, tất cả chừng hai trăm, trừ bảy người tránh ngọn lửa nhảy xuống biển trôi theo làn sóng, được thuyền chiến Đàng Trong vớt và đem đi trình chúa ở trên bến đang đợi đoàn tàu chiến thắng trở về. Chúa thấy bảy người Hoà Lan thoát hoả tai và đắm tàu chiến quỳ phục dưới chân, liền quay về phía người Hoà Lan xấc xược đã khoe tàu nước họ vô địch và chế giễu hắn: này ngươi, hãy hỏi xem lính nước ngươi ở đâu mà đến? Xấu hổ, hắn lí nhí trong miệng và run sợ thưa: chúng thoát nạn do tàu chiến của chúa đánh bại tàu người Hoà Lan. Chúa tiếp: Thế thì chẳng phải đợi thế lực võ trang của Trời để thắng, vì đoàn thuyền chiến của ta đủ để phá vỡ. Rồi chúa truyền cho binh sĩ của chúa : Bớ ba quân, bây giờ hãy chặt đầu tên kiêu căng và gỡ cho thế giới thoát khỏi loài sâu bọ không đáng sống này. Tức thì lệnh được thi hành. Chúa còn cho cắt đầu mũi không những của tám tên lính sẽ đem đi chém đầu mà còn của tất cả những tên khác bị cháy hay đắm tàu, bỏ vào một thúng gửi ra biếu chúa Đàng Ngoài kèm theo vài lới chua chát, đắng cay tương tự như: xin nhận một phần đạo binh chúa đã chuẩn bị để tấn công và xin lần sau chuẩn bị một viện binh khá hơn. Việc này làm cho chúa Đàng Ngoài rất xúc động đến nỗi chúa chẳng còn muốn đón tiếp chiếc tàu thứ nhất của người Hoà Lan chạy trốn theo chiều gió, chúa cũng chẳng thèm cung cấp lương thực cần để sống, chiếc tàu này đành phải về tới Trung Quốc tìm lương thực, xa chừng sáu trăm dặm. Theo truyện này thì biết thuyền chiến xứ Đàng Ngoài và Đàng Trong hùng mạnh đến thế nào, cả hai như tôi đã nói, đều tương tự như nhau.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #9 vào lúc: 21 Tháng Sáu, 2011, 08:12:22 pm »

Chương 6
VỀ SỐ VÀ CÁCH ĐÓNG CHIẾN THUYỀN CỦA XỨ ĐÀNG NGOÀI

Thật khó mà biết số thuyền bến và thuyền chiến do chúa Đàng Ngoài bảo quản. Thế nhưng chắc chắn là nhiều hơn số thuyền chúa Đàng Trong. Trong ba bến ở Đàng Trong, có biết phỏng chừng là bao nhiêu. Một bến ở vào cửa sông lớn, có lần người ta đếm tới sáu mươi tám chiếc. Một bến khác rộng hơn ở vào giữa lãnh thổ gọi là Kẻ Chàm18 có rất nhiều dùng để bào vệ đất nước và buôn bán với người Tàu thường tới bến này. Còn bến thứ ba thì ở vào biên giới nước Chiêm Thành (…) Thuyền của chúa Đàng Trong rất có thể lên tới con số ít ra hai trăm và đúng như người ta nói, chúa Đàng Ngoài có thể có gấp ba hay bốn lần, thế cho nên người ta đoán có tới năm hay sáu trăm thuyền chiến Đàng Ngoài. Mà thuyền Đàng Trong cũng chẳng thua kém về kích thước rộng lớn, về vũ khí và về trang trí.

Chúng tôi ghi thêm ở đây về cấu trúc và trang trí những thuyền này. Mũi thuyền (ngược với thuyền của chúng ta)19 là nơi hệ trọng hơn cả, ở đây có một phòng hoặc một ngai chạm trổ và trang hoàng nhiều tranh ảnh quý, với vàng son óng ánh. Gỗ ở đuôi thuyền cũng sơn vàng son, chạm trổ cầu kỳ ở tất cả bên ngoài: dĩ chí đến mài chèo và cột buồm cũng được trang trí đặc biệt. Khi hành trình thì theo hiệu lệnh do một dụng cụ bằng thanh tre đập nhịp điều hoà, tiếng vừa trầm vừa cao. Người chèo rất khéo, rất lẹ, mặc dầu thường chèo cùng một lúc tới ba, năm hay bảy chiếc song song, thế nhưng không chiếc nào vượt lên trước, và nếu phải ngừng, lượn vòng, rẽ, lùi, họ làm rất có mực thước, điều hoà, như thể chỉ là một, do một cử động chung vậy

Khi chúa du ngoạn ngoài biển thì có hai mươi ba chiếc tháp tùng thuyền rồng ở giữa, phòng ở mũi thì dát vàng, ở đuôi thì được trang trí và chạm trổ rất tinh vi, buồm óng ánh và trang hoàng đẹp đẽ, giây thừng, giây chão đều bằng lụa. Thuyền lướt đi cũng như thuyền của ta, buồm căng khi thuận gió và thỉnh thoảng vừa căng buồm vừa chèo khi muốn tiến nhanh hơn. Đôi khi có cuộc đua, họ tranh nhau đoạt giải nhanh trước mặt nhà chúa họ chèo hay lên buồm khi có gió hoặc không có gió hoặc vừa có chút gió. Trong cuộc thi đua, người thắng bao giờ cũng được (ngoài danh dự) phần thưởng quý do nhà chúa đại lượng ban phát. Còn nếu trong cuộc thi danh dự này, có kẻ chèo mà làm gãy tay chèo, miễn là làm sao cho hoà hợp với người khác và theo nhịp phách, thì vẫn được nhận phần thường. Thật kỳ thú (tôi còn nói thêm tuy ra ngoài đề) vừa có tiếng chuông ra hiệu lệnh thì tất cả đều nhanh nhẹn xếp vào hàng lối, lao xuống nước và rẽ đường tiến lên. Vì ở bên, mỗi thuyền đều có chỗ đậu riêng biệt, có mái lợp để tránh hư hỏng vì thời tiết: kể từ lúc ra hiệu cho đến lúc khởi hành không đầy một khắc đồng hồ, thế mà không có chiếc nào còn ở ngoài hàng ngũ, để rồi theo hiệu lần thứ hai, đã nằm trên nước trong tư thế lướt đi.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM