Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:52:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài Từ 1627 Tới Năm 1646 - Alexandre De Rhode  (Đọc 51691 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #80 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2011, 04:04:54 pm »

Chương 31
TRONG CƠ CỰC VÀ NGHÈO TÚNG NƠI ĐÀY ẢI,
THIÊN CHÚA NHÂN LÀNH CHE CHỞ CHÚNG TÔI THẾ NÀO

Thù địch biết rõ tin về sắc lệnh trục xuất chúng tôi, không cho chúng tôi cư trú ở tỉnh thuộc về xứ Đàng Ngoài này. Họ tung tin là hết những ai cho chúng tôi trú ngụ thì bị khép vào trọng tội và bất tuân sắc lệnh chúa và sẽ bị phạt tịch thu tài sản và đó mới chỉ là hình phạt nhẹ hơn cả. Nhưng giáo dân chịu đựng một cách vui vẻ lạ lùng, họ coi là có phúc chịu mất mát thiệt thòi để được cứu rỗi, họ quý trọng vinh quang danh nghĩa giáo dân hơn gia sản tiêu tán của mình. Tuy nhiên để tránh tai họa chúng tôi có thể gây cho họ và nỗi cơ cực họ phải chịu làm cho chúng tôi động lòng thương xót, lại thấy những bắt bớ chúng cố tình theo đuổi để gieo đau khổ cho chúng tôi, đến nỗi họ cầm đá ném chúng tôi và ném vào nhà chúng tôi ở, nên chúng tôi quyết định rời thành phố và lui về một chiếc thuyền nhỏ đậu trên sông, chịu đựng nhiều bất tiện về nơi, về mưa gió và nhất là về thiếu lương thực. Mặc dầu lúc từ Macao trẩy đi, chúng tôi đã đem theo tiền của cần dùng cho một năm, thế nhưng chúng tôi đã cư trú ba năm ở Đàng Ngoài, dù chúng tôi rất tiết kiệm, chúng tôi cũng đã tiêu hết với tất cả số chúa đã ban. Chúng tôi không muốn để giáo dân chịu, cũng chẳng muốn xin của bố thí mà họ rất vui lòng cho, họ sẵn sàng khoét mắt đem dâng cho chúng tôi nếu chúng tôi xin, như vậy để cho họ xác tín rằng chúng tôi đến tìm các linh hồn chứ không tìm kiếm của cải. Điều này làm cho họ rất cảm phục và dùng làm minh chứng về tình yêu thương vô vị lợi chúng tôi đem tới để cứu vớt họ, để thuyết phục giáo dân nhận thấy nhân từ và thánh thiện của đạo ta và chân lý đức tin chúng tôi rao giảng.

Tuy nhiên để cho họ không bị thiệt thòi vì không được thi ân thi phúc thì chúng tôi khuyên họ gửi về chủng viện chúng tôi[46] đã lập để bảo dưỡng các thầy giảng thuộc người nước họ, những của cải họ muốn dâng chúng tôi. Chúng tôi cũng cho họ biết là chúng tôi chờ Macao đem viện trợ đến cho chúng tôi sinh sống. Thực ra giáo dân rất rộng rãi đã cho nhiều tiền của đến nỗi có thể nuôi tới một trăm thầy giảng. Các thầy đã bỏ hết để tự nguyện hy sinh phụng sự Thiên Chúa và Giáo hội, các thầy đã thu được những kết quả vô giá, ngày nay các thầy đã và còn là những trợ lực, đồng sự và tay phải của chúng tôi trong cùng một chí hướng chinh phục các dân ở đây. Thế nhưng chúng tôi rơi vào tình trạng cơ cực quá mức và rất nguy hiểm nếu chúng tôi còn ngoan cố không muốn nhận để giáo dân viện trợ về sinh sống. Chúng tôi quyết định sai thầy Antôn cầm thư đến gặp giáo dân Kẻ Chợ, cho họ biết cảnh quẫn bách chúng tôi đang chịu, chỉ vì tàu ngừơi Bồ chậm tới và chúng tôi đợi từ hai năm nay. Do đó chúng tôi bị dồn vào sự thiếu thốn tột bực, chúng tôi xin họ của ít lòng nhiều giúp chúng tôi hoặc bằng của cúng dâng hoặc của cho vay cho tới khi thương gia Bồ tới. Antôn vội vã cầm thư và đến gặp không phải những người giàu mà là những người đạo đức trong cộng đồng giáo dân mà thầy biết rõ. Được tin chúng tôi lâm cảnh cơ cực, họ động lòng thương chảy nước mắt. Họ nhanh chóng gom góp chung nhau được chừng hai mươi đồng êcu đưa cho thầy Antôn cầm về cho chúng tôi, để gọi là dùng vào việc cấp cứu trước đã, trong khi họ sửa soạn tự nguyện đến thăm chúng tôi và đem thêm tất cả những sự cần dùng cho chúng tôi. Trong dịp này có một bà đạo đức tên là Monica, giàu có về bác ái hơn là về của cải, bà làm hơn tất cả những người khác vì bà gửi cho chúng tôi mười đồng êcu để cứu giúp chúng tôi, bà tự bóc lột của bà để viện trợ cho sự nghèo khổ của chúng tôi.

Mặc dầu Antôn đã mau lẹ và nhanh chóng đem viện trợ của giáo dân Kẻ Chợ về cho chúng tôi, nhưng trước khi thầy về tới, thì chúng tôi bị dồn vào một tình trạng rất thảm thương vì mùa này là mùa mưa lũ và bão táp lớn làm rung chuyển và lay động chiếc thuyền đã quá cũ và nước tràn vào tứ phía làm cho chúng tôi không thể sống trên sông mà không có nguy cơ hiển nhiên chết rét. Hơn nữa, lương dân hết sức hành hạ chúng tôi, họ thường ném đá vào chúng tôi, thách thức và chửi bới cảnh cơ cực của chúng tôi. Thế nhưng không có giáo dân nào dám cho chúng tôi trú ngụ trong nhà vì sợ những khốn đốn lương dân đe dọa, chúng cố kết hãm hại chúng tôi. Điều này đánh động lòng thương của một người nghèo khó nhưng là giáo dân đạo đức tên là Simêon. Ông có một túp lều ở chân núi, ông muốn dâng cho chúng tôi, ông không có của cải gì mà sợ mất, nếu bị lên án vì chứa chấp chúng tôi trong túp lều nhỏ bé. Chúng tôi nhận, còn ông và cả gia quyến thì tìm cách đi ở chỗ khác trong một thời gian. Ông hiên ngang vì đã mua được công phúc lớn lao và quý hóa bằng một bất tiện nhỏ mọn ông chịu.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #81 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2011, 04:05:29 pm »

Chương 32
ĐƯỢC TIN CÓ TÀU NGƯỜI BỒ MỚI TỚI,
CHÚNG TÔI THOÁT CẢNH ĐẦY ẢI

Đã qua đi mười lăm ngày kể từ khi thầy Antôn trẩy đi kinh thành. Khi thầy trở về đem của giáo dân bố thí và một thư của cha Gaspar d’Amaral [47] thuộc dòng chúng tôi, cha tới cùng tàu người Bồ đậu ở bến tỉnh Nghệ An nơi chúng tôi đang có mặt. Chúng tôi hằng nhận thấy một dấu hiệu đặc biệt của lòng nhân lành và sự quan phòng của Thiên Chúa. Để yên ủi và nâng đỡ chúng tôi Người đã chỉ đường dẫn lối cho chiếc tàu đến cái bến hẻo lánh này, trước đây chưa bao giờ và sau này không bao giờ có tàu ngươi Bồ tới, vì bất an toàn và quá xa kinh thành. Tin mừng này làm cho lòng chúng tôi đầy tràn hoan lạc và làm tiêu tan hết những cơ cực đã qua, chúng tôi ra khỏi túp lều ông già Simêon tốt lành đã cho chúng tôi mượn và đi thẳng tới tàu vừa cập bến. Đựơc gặp các cha chúng tôi từ rất lâu và rất mong ước chờ đợi, chúng tôi ôm nhau thân thương và mắt nhỏ lệ, giòng châu đôi bên chan hòa. Ngày còn lại là một phần ban đêm chúng tôi hỏi tin tức các cha và tin tức thế giới, từ ba năm nay chúng tôi không nghe nói tới, không biết mất còn ra sao! Vì chúng tôi đã ở gần tám tháng mà không dâng thánh lễ bởi thiếu nguyên liệu nên vừa chỗi dậy ban sáng, chúng tôi xin người Bồ dọn một nơi sạch sẽ trong tàu, chứ bên ngoài không có, để chúng tôi dâng thánh lễ. Họ đã làm theo và đó là vào ngày lễ thánh Simon và Giuđê [48], chúng tôi sung sướng dùng bánh hằng sống và thỏa lòng đói khát và thèm muốn tột bực từ rất lâu mong mỏi.

Ít ngày sau chúa sai một hoạn quan đem giấy thông hành để đưa tàu và các thương gia người Bồ tới kinh thành. Họ làm khó dễ cho chúng tôi muốn đi theo vì sắc lệnh trục xuất chưa bị huỷ. Nhưng người Bồ nhất định từ chối nếu chúng tôi không đi cùng mấy cha họ đem theo. Sau cùng viên hoạn quan phải chịu, mặc dầu chưa có lệnh của chúa, để chúng tôi trở về kinh thành, nơi từ chừng tám tháng nay chúng tôi bị trục xuất.

Đồng thời thầy Anrê rất sốt sắng và tay thợ không mệt mỏi của giáo đoàn mới Đàng Ngoài, thầy nóng lòng sốt ruột muốn gặp lại chúng tôi kể từ khi chúng tôi xa vắng. Khi chúng tôi trẩy đi thì thầy đau bệnh ở lại Kẻ Chợ, thầy tới thăm chúng tôi ở nơi đày ải và cùng giúp chúng tôi trong những việc chúng tôi giao cho thầy. Nhưng khi thấy chúng tôi ngược nơi thầy xuôi xuống, tức thì thầy trở gót về kinh thành, tới đâu thầy cũng làm việc và sốt sắng dạy dỗ để đến thời đến lúc sẽ sinh hoa kết trái. Trong cuộc hành trình này Thiên Chúa ban cho thầy có dịp tốt đẹp để kiên tâm chịu đựng. Số là trên quãng đường thầy không ngờ hơn cả, thầy bị quân gian cầm gậy đón đánh đập thầy rất tàn nhẫn (không biết ai đã xúi đẩy họ nếu không là ma quỷ). Thầy bị thương nhừ tử và như chết nằm tại chỗ. Sau đó thầy chỗi dậy và sau khi đã cầu nguyện cho những kẻ hành hạ mình, thì thầy tiếp tục lên đường, đau đớn, khắp mình đầy vết thương, nhưng tâm hồn đầy vui sướng vì thấy mình xứng đáng chịu một sự gì vì lòng mộ mến Thiên Chúa.

Còn thấy Inhaxu đã theo chúng tôi, thầy vội vã đi suốt mấy ngày dài để về kinh thành đến trước chúng tôi và loan báo cho giáo dân tin mừng chúng tôi trở về, và nhất là theo lệnh chúng tôi, cấm không được tỏ vui vẻ ra bề ngoài và nơi công cộng có thể làm cho lương dân phật ý và muốn hãm hại chúng tôi, và phải giữ gìn hết sức trong buổi gặp gỡ đầu tiên. Đây là một chỉ thị quan trọng và thiết yếu để kiềm chế niềm vui quá khích lôi cuốn họ để tỏ lòng quý mến chúng tôi. Thực ra mặc dầu họ nhận chỉ thị nhưng không sao giữ nổi niềm vui sướng nồng nàn quá đáng để tiếp đón chúng tôi và thông cho nhau tin mừng chúng tôi trở lại. Họ cảm tạ Thiên Chúa đã đưa chúng tôi về để làm ích cho họ và yên ủi họ.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #82 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2011, 04:06:54 pm »

Chương 33
CHÚNG TÔI LẠI THỪA HÀNH CHỨC VỤ TRONG KINH THÀNH

Mặc dầu chúng tôi trở lại kinh thành, nhưng không bao giờ chúng tôi được đến gần chúa vì mưu mô và ác ý của các hoạn quan, chúng là những người canh gác thường nhật các cung phi và phủ chúa, chúng không cho chúng tôi lại gần. Nhưng hoặc là chúa cho phép hoặc là ngài dung thứ, nên chúng không thể ngăn cản chúng tôi tiếp tục thừa hành chức vụ như trước khi chúng tôi bị đày. Chúng tôi làm hết các việc thông thường như dạy giáo lý, rửa tội và giải tội cho giáo dân. Lương dân cũng gây một chút xôn xao nhất là về việc giải tội cho nữ giới. Họ không chịu để chúng tôi thừa hành trong thầm kín, mặc dầu là ở nơi công và trước mặt mọi người, và giữa họ với chúng tôi (theo tục lệ) vẫn có tấm phên ngăn cách. Có lần chúng tôi không thể ngăn cấm lính mà không làm xôn xao, chúng vào nhà thờ và tới gần tòa giải tội để nghe trong thầm kín của phép giải tội. Để tránh khó khăn, chúng tôi bàn nhau dùng hai nhà liền kề của giáo dân, trong một nhà để cho phái nữ tới xưng tội, còn chúng tôi thì ở trong một nhà thứ hai để nghe xưng tội. Tuy nhiên lương dân còn giận dữ vì thấy số rất đông tân tòng và người chầu nhưng mỗi ngày kéo đến để học giáo lý và chịu các phép bí tích. Chúng tôi nhất định dựng một nhà thờ mới xa chỗ chúng tôi ở chừng hơn hai dặm để cho giáo dân và chầu nhưng chia nhau ra. Thành thử lại thêm nhiều vất vả cho chúng tôi, nhưng có thể nói là cứu chúng tôi khỏi bị lương dân bắt bớ và ghen ghét.

Thực ra từ khi chúng tôi trở lại kinh thành, lòng nhiệt thành và sốt sắng của giáo dân tân tòng vươn lên rất cao trong mọi sự, nhất là để đến gần các phép bí tích giải tội và rước lễ. Chúng tôi không sao làm thỏa mãn hết được, nhiều khi chúng tôi thức suốt mấy đêm ngồi tòa. Họ rất ân cần chuyên chú làm việc này và sửa soạn lương tâm rất cặn kỹ đến nỗi nếu có khiển trách họ về một lỗi nào dù không trầm trọng hay đáng phạt, thí dụ đã quên sót hay nhỡ ăn thịt ngày thứ sáu hay ngày thứ bảy, thì họ chẳng dám đi ngủ trước khi đã đi xưng tội. Còn về việc rước lễ khi chúng tôi xét họ có đủ điều kiện chịu thì trong mấy ngày họ dọn mình tỉ mỉ kỹ lưỡng với lòng mộ mến, ước ao và làm việc thiện một cách rất nhiệt thành. Còn chúng tôi, để giúp họ luôn nhớ đến bữa tiệc thánh và con Chiên vô tội họ được phúc ăn ở bàn thánh, thì chúng tôi phát cho họ mỗi người một ảnh Chiên Thiên Chúa bằng sáp thánh bọc lụa họ đeo ở cổ. Vì không đủ cho mọi người, nên bà Catarina, em gái của chúa (đã nói ở trên) đã tự tay làm rất khéo, không kém những ảnh chúng tôi đem từ Macao tới hay từ Âu Châu. Nhất là chúng tôi vui sướng thấy họ sốt sắng tôn kính sự thương khó Chúa Cứu Thế. Thực vậy chúng tôi thường quan sát thấy không bao giờ họ tìm ngắm ảnh thánh giá mà không đổ giòng lệ châu do lòng sốt sắng mộ mến để chảy ra trong khoé mắt. Họ cũng rất nhiệt tâm và kiên trì đi dự thánh lễ, khi có, cả vào những ngày trong tuần. Còn ngày chủ nhật những kẻ ở xa kinh thành chừng ba hay bốn dặm, họ bỏ nhà ra đi từ rất sớm để tới đúng giờ dự thánh lễ và nghe giảng. Sau đó họ trở về mà không bồi dưỡng thân xác, nhưng tinh thần thì no nê lời Thiên Chúa và mạnh mẽ nhờ ơn Người. Còn những kẻ ở xa kinh thành quá, ban sáng không thể tới đúng giờ để dự thánh lễ thì họ ra đi từ chiều thứ bảy sau cơm tối và chỉ trở về ngày chủ nhật sau khi đã làm hết các việc đạo đức. Chúng tôi dâng thánh lễ và giảng rất muộn để tiện cho những người ở xa kinh thành tới cho kịp. Còn những người ở kinh thành và những người khác đến nhà thờ từ sáng sớm thì họ đọc kinh và nguyện ngắm suốt mấy tiếng đồng hồ trước thánh lễ.

Việc đạo đức này đã thành thói quen trong khắp xứ Đàng Ngoài, nơi có giáo dân mà không có thánh lễ thì họ sốt sắng dùng thời giờ đó để đọc kinh cầu nguyện và nếu không thể hội nhau để làm chung được thì họ làm trong nhà tư, cả gia đình hội nhau, hoặc một mình khi đi xa ở chốn thôn quê hay ở ngoài biển khơi. Họ rất nghiêm túc trong tất cả những gì thuộc về việc đạo đức và để nhớ những ngày lễ và ngày chủ nhật, họ đã tìm cách soạn một cuốn lịch ghi nhớ các ngày lễ và ngày chay trong năm. Các thầy giảng đem đi in ở kinh thành rồi phát cho khắp xứ. [49]
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #83 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2011, 04:08:08 pm »

Chương 34
MA QUỶ PHIỀN NHIỄU GIÁO DÂN THẾ NÀO

Trong kinh thành có một nữ giáo dân tên là Monica, ngoan đạo, nhưng trước khi chịu phép rửa, đã theo mê tín pháp thuật và làm nghề gọi cô hồn. Bà thường bị ma quỷ ám và giãy giụa rất kinh khủng làm cho chồng hoảng sợ. Ông này không dám xưng mình là chồng mà trọng kính tự xưng là dưỡng phụ, như thế bà là con gái một hoàng tử trao phó cho mình để mình bảo dưỡng. Chúng tôi hằng nhắn nhủ bà cũng như những người khác xưa kia dấn thân làm tôi ma quỷ, phải đề phòng tên địch thủ ghê gớm nó không quên rình mò để cướp đoạt của Thiên Chúa và cố gắng hết sức để chiếm lại địa vị Đức Kitô đã lấy của nó và để trở lại nhà cũ, sau khi đã được dọn dẹp và rửa sạch hết rác rưởi. Muốn vậy chúng tôi dặn bà không bao giờ ra khỏi nhà mà không làm dấu thánh giá và lấy nước phép. Có một lần bà quên không làm, thì vừa ra tới phố, ma quỷ liền nhập vào thân xác, vật bà ngã xuống đất làm bà run rẩy rất kỳ dị đến nỗi từ đôi mắt bắn ra tia lửa giận dữ và đe dọa. Chồng bà là Gioan rất ngoan đạo, được mấy người công giáo giúp, đã dùng sức lực dìu bà về tới nhà (vì ma quỷ còn tiếp tục hành hạ bà). Người ta mời tôi đến làm phép trừ tà và xua đuổi ma quỷ. Tôi đã tới làm và sau khi nhân danh Thiên Chúa tôi khiến nó để cho Monica nghỉ ngơi và khoáng đạt tâm thần, tôi cũng chưa hỏi xem người bị quỷ ám có muốn xưng tội hay không, thì ma quỷ đã không chịu được lời lẽ đó, nó tự rút lui ngay và bỏ không còn chiếm đoạt như trước đây đã bất công lấy lại. Thế là Monica dịu dàng trả lời là rất ước ao được rửa sạch linh hồn bằng phép giải tội, làm hòa cùng Thiên Chúa, lại từ bỏ hết mọi giao du với hỏa ngục mà trước đây bà vẫn theo, và từ đó bà hoàn toàn thoát khỏi tà ma quỷ dữ.

Nhưng ma quỷ đã bỏ Monica và Thiên Chúa không cho nó quyền nhập vào một gia nhân nào của Gioan thảy đều là giáo dân, thì nó đi nhập vào một người tân tòng còn trẻ vẫn kể là lương dân vì chưa chịu phép rửa, ông này có họ với Gioan và lúc đó đang ở trong một gian khác trong nhà này. Anh bắt đầu run rẩy ghê sợ và có dấu hiệu rõ rệt bị quỷ ám. Người ta đem tới chúng tôi để chúng tôi dùng thuốc trừ tà chữa cho khỏi. Nhưng Thiên Chúa không muốn cho thuốc đó có hiệu lực, trước khi chưa chịu phép thánh tẩy, do đó chỉ sau khi đã chịu thì được thoát khỏi nơi thân xác và linh hồn thì được thoát khỏi Satan. Một giáo dân người ngoại quốc trước kia làm tôi tớ cho một người Bồ. Hắn đã trốn và không phục vụ chủ nữa, nay sống giữa lương dân, không những hắn bỏ đạo mình mà còn công khai tin theo tà giáo và mê tín dị đoan. Nhưng do phán xét công bằng của Thiên Chúa, hắn bị Satan ám ảnh, bị tên bạo chúa hung ác hành hạ dữ dằn đến nỗi cả lương dân cũng ghê sợ và động lòng thương hại. Họ liền dẫn hắn từ nơi thôn xã hắn trú ngụ tới kinh thành để giao vào tay chúng tôi. Được mời tới nhà một lương dân hắn được đưa tới đó, chúng tôi thấy hắn nằm sóng sượt bị ma quỷ hành hạ rất ghê gớm, mắt thì nó bắt nhắm chặt đến nỗi không thể mở mí được. Trong tình trạng này hắn còn quyết chắc là hắn thấy một con ma thân hình vạm vỡ kinh khủng bước qua mái nhà hắn đương nằm. Chúng tôi dùng nghi thức trừ tà thông thường và khuyên bảo hắn xưng tội.

Hắn nghe theo và ngay sau đó, hắn thong dong mở mắt và được thoát khỏi quỷ ám.

Tôi thêm ở đây một điều đáng ghi nhớ về một giáo dân ngoan đạo tên là Isave Thiên Chúa cho phép ma quỷ ám, không phải để phạt tội mà để luyện nhân đức và thêm công phúc. Số là xưa kia bà rất sùng tà đạo, trước khi bà trở lại tin Đức Kitô, và để thưởng lòng nhiệt thành của bà và sự sốt sắng nồng nàn tin dị đoan và thờ ma quỷ hơn tất cả những người khác cùng niềm tin dị đoan như bà, thì ma quỷ luôn hành hạ bà rất dữ dằn và rất hung ác. Thế là bà quyết định từ bỏ các chủ đó, đúng hơn các bạo chúa đã không biết cách thưởng công việc phục vụ bà làm. Bà đã trở về tinh theo đạo Kitô và học được những đức tính cao cả và những công phúc khôn sánh ở lớp giáo lý dạy ở nhà thờ chúng tôi. Thế là bà sốt sắng chịu phép rửa, nhưng chưa hoàn toàn thoát khỏi phiền nhiễu thông thường của ma quỷ. Thiên Chúa cho phép như vậy để làm cho chúng thẹn thuồng và để luyện nhân đức của bà Isave. Bà chịu đựng những khổ đau này cách rất kiên nhẫn và hoàn toàn vâng theo ý Thiên Chúa, làm cho ma quỷ phải khiếp sợ. Bà dùng thế lực kinh nguyện mà xua đuổi quỷ ra khỏi người khác, nhưng bà không thể hay đúng hơn chưa muốn xua đuổi ra khỏi thân xác bà. Điều này không ngăn cấm bà làm hết các việc đạo đức và bác ái. Bà đã đổi lòng nhiệt thành giả tạo đối với các tà thần, thành lòng sốt sắng mộ mến Thiên Chúa và đồng loại: không những bà đã thuyết phục được một mình chồng bà theo công giáo lấy tên rửa tội là Tôma và tất cả gia quyến, mà còn chinh phục được nhiều người khác, ở chính nơi thường trú của bà đối diện với kinh thành bên kia sông, cũng như trong quê hương bà là tỉnh Thanh Hóa; ở cả hai nơi bà dựng nhà thờ cho giáo dân sở tại hội nhau trong các ngày lễ để cầu nguyện và làm các việc đạo đức.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #84 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2011, 04:08:59 pm »

Chương 35
CHÚNG TÔI ĐÀNH PHẢI RA KHỎI ĐÀNG NGOÀI
VÀ TRỞ VỀ MACAO

Giáo hội Đàng Ngoài đang ở trong tình trạng chúng tôi đã tường thuật cho tới đây. Chúng tôi đã hoạt động trong thời gian ba năm,[50] với những thành công và bất trắc rất khác nhau. Tính ra được năm ngàn giáo dân và những hạt giống đức tin đã được gieo trong đa số các tỉnh, hứa hẹn trong tương lai một mùa gặt lớn lao và rất phong phú. Khi tàu của thương gia người Bồ sắp sửa trở về Macao (từ đó đã tới) thì chúa cho chúng tôi biết phải sẵn sàng trẩy đi cùng chiếc tàu đó. Thật là một tin buồn đối với chúng tôi và một sắc lệnh không thích hợp với những triển vọng đẹp đẽ nhất của chúng tôi, nhưng xét ra không thể làm cho chúa thay đổi, vì người ta làm khó dễ cho chúng tôi lại gần chúa và các hoạn quan trong phủ chúa không phục vụ tốt đối với chúng tôi nơi chúa, họ hằng xúi xiểm ngài không chịu để chúng tôi ở lại. Họ sợ chúa tin theo Kitô giáo và ruồng bỏ các cung phi, lúc đó họ không còn chức vụ và bỉ đuổi ra khỏi phủ.

Tuy nhiên, theo lệnh từ nơi chúa đưa ra, chúng tôi còn năm hay sáu ngày trước khi khởi hành, chúng tôi dùng để giải tội cho lương dân rất đông đến với chúng tôi, không để cho chúng tôi mỗi đêm một giờ để nghỉ ngơi đôi chút. Tất cả đều khóc lóc tỏ ra buồn khổ thấy chúng tôi một lần nữa bỏ ra đi không còn săn sóc họ: nhưng chúng tôi yên ủi họ hết sức có thể của chúng tôi, dựa trên hy vọng có tàu người Bồ sẽ đến và đưa các cha tới.

Một điều làm cho chúng tôi áy náy. Chính các thầy giảng cũng bàn với chúng tôi. Số là có giáo dân mong cho các thầy lấy vợ trong gia đình mình, tưởng rằng qua sự thông gia với những người có khả năng dạy dỗ người khác, thì một của đáng lý phải thuộc của chung hết các giáo dân sẽ thành của riêng trong gia đình mình. Vì muốn làm tan ý định đưa tới sự đổ vỡ giáo đoàn của xứ này mà chúng tôi tìm một phương kế đưa ra thi hành đối với các thầy giảng, đó là bắt các thầy phải thề không được lấy vợ, ít ra cho tới khi có một số các cha tới xứ này để nâng đỡ giáo đoàn và săn sóc giáo dân. Các thầy đều đồng ý. Thế là ngày cuối cùng chúng tôi dâng thánh lễ cho giáo dân, lễ và rước lễ xong, ba thầy chính yếu là Phanchicô, Anrê và Inhaxu, trước mặt hết các giáo dân, quỳ gối, tay đặt trên sách Phúc âm, lần lượt thay phiên đọc lời thề gồm ba điểm, thứ nhất, để thong dong làm chức vụ thầy giảng và để tránh bận bịu về việc khác làm cho mình không thừa hành chu đáo chức vụ, thì các thầy không được tự liên kết bằng phép hôn phối với một người đàn bà nào cho tới khi có các linh mục mới đến nhận chức vụ dạy dỗ giáo dân. Thứ hai, các thầy không được giữ tiền bạc hay của cải riêng nào cho mình, những của bố thí của giáo dân cúng phải để làm của chung. Thứ ba các thầy phải vâng lời người của chúng tôi cắt đặt làm bề trên cho đến khi có các cha tới. Phanchicô bắt đầu và đọc lời thề cách rất sốt sắng và cung giọng kiên quyết đến nỗi làm cho giáo dân phải rơi lệ. Anrê và Inhaxu tiếp tục sau, cũng tỏ ra nhiệt tình như vậy. Chúng tôi cho kèm thầy Antôn từ lâu nay đã tự nguyện hiến thân phục vụ trong nhà chúng tôi và đã trung thành theo chúng tôi đi khắp các nơi để làm thầy trợ sĩ trong các việc thuộc vật chất, thầy cũng thề như ba thầy kia. Và có thể nói rằng từ đó giáo dân coi họ như cha và thầy vì rất kính trọng họ, còn họ, họ ăn ở nhân đức và làm gương tốt, rất có tín nhiệm trong giáo đoàn mới, đến nỗi không làm gì mà không có sự thỏa thuận và uy quyền của các thầy. Gương giảng dạy và đời sống tốt lành của họ đã thu hút được rất nhiều thanh niên noi theo, đến xin họ dạy dỗ và giúp mình trong chức vụ thiêng liêng và trần thế, làm thành một hội gần một trăm người [51] rải rác trong nước và đem lại nhiều kết quả khôn lường còn tồn tại cho đến ngày nay. Thiên Chúa muốn cho biết rằng thần linh Người thổi ở nơi nào Người muốn, Thần linh đã chọn các tông đồ và những người thừa hành chức vụ giảng Phúc âm nơi Người muốn được thờ phượng. Chúng tôi đã để lại nội quy và mệnh lệnh phải theo và họ hằng nghiêm chỉnh tuân thủ.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #85 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2011, 04:09:37 pm »

Thu xếp xong công việc này thì chúng tôi vĩnh biệt giáo dân. Chúng tôi để lại tất cả tình thương yêu đối với họ với những dặn dò lành thánh. Chúng tôi xin họ cầu nguyện vì những ơn huệ họ tự nhận là đã nhận được từ nơi chúng tôi. Họ vui lòng hứa cũng như từ hai mươi năm [52] nay họ hằng đọc kinh riêng cầu nguyện cho chúng tôi mỗi ngày sáng tối, trong nhà tư của họ và các ngày chủ nhật và ngày lễ, khi đọc kinh chung. Có mấy người ra trình diện và xin đi theo chúng tôi, nhưng chúng tôi chỉ nhận có thầy Phanchicô vì chúng tôi còn phải bàn luận với thầy về ích lợi của giáo đoàn này và mấy người khác, trên đường đi, những người này sẽ dẫn tôi tới nhà trọ, nơi họ đã chuẩn bị một số người xin chịu phép thánh tẩy.

Dọc đường, chúng tôi ngừng lại mấy nơi để giải tội và giúp việc linh hồn cho một ít giáo dân tân tòng. Trong số đó có người ngoan đạo Phaolô Ke Bo chúng tôi đã có lần nói tới, ông tỏ ra quý mến chúng tôi rất đặc biệt, cho chúng tôi cư trú trong nhà và chúng tôi đã rửa tội cho nhiều người. Ông cũng định trong tương lai dành một thửa đất để dựng một nhà thờ và một trụ sở cho các cha dòng chúng tôi.

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi nhân tiện vào một thôn xóm gọi là Ke Bích ở ven biển, nơi đây chúng tôi gặp trong nhà Tôma và Isave, tám mươi người tân tòng đã thuộc giáo lý và chỉ đợi chúng tôi làm phép rửa tội cho. Cuối cùng sau khi đã đi qua các nơi và ban lời yên ủi và khuyên dụ thích hợp với hoàn cảnh, thì chúng tôi tới cửa bể gọi là cửa chúa, nơi đây có tàu người Bồ đang chờ chúng tôi và nơi đây phải ngừng lại một thời gian để cho giáo dân từ các miền lân cận kéo đến xin xưng tội cũng như chịu phép rửa tội. Chúng tôi đã làm phép thanh tẩy cho hai mươi hai người tân tòng, do hai giáo dân nhiệt thành và sốt sắng, Phaolô và Antôn từ kinh thành tới đây dạy dỗ và chờ chúng tôi đi qua. Từ đây chúng tôi sửa soạn lên buồm và phải từ biệt Phanchicô đã theo chúng tôi từ Kẻ Chợ. Thầy quá xúc động vì sự vĩnh biệt này, thầy khóc lóc và thương tiếc gục dưới chân chúng tôi. Thầy nài nẵng viện những lý do rất thánh thiện xin chúng tôi đưa thầy đi Macao để sống và chết trong dòng chúng tôi, nhưng chúng tôi cho thầy biết nhu cầu của giáo hội Đàng Ngoài cần đến thầy phải có mặt và săn sóc, thầy không thể bỏ mà không làm trái bổn phận và ơn gọi của thầy. Thế là thầy dịu dẫn nghe chúng tôi nói. Chúng tôi cho thầy tin chắc là rồi đây thầy sẽ được gặp các cha dòng chúng tôi trên đất Đàng Ngoài.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #86 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2011, 04:10:22 pm »

CHÚ THÍCH

[46] Nhà luyện tập các thầy giảng, có thể gọi là chủng viện cho các thầy giảng, cũng như đã thành lập chủng viện các thầy giảng ở Macao

[47] Gaspar d’Amaral sinh năm 1592, tới Macao năm 1623, tới Đàng Ngoài tháng 10 năm 1629 đến tháng 05 năm 1630 lại trở về Macao. Tới Đàng Ngoài lần thứ hai ngày 18 tháng 02 năm 1631. Năm 1638 trở về Macao dưỡng sức, cho tới năm 1645 lại đi tới Đàng Ngoài, nhưng bị đắm tàu và mất ngày 23 tháng 12 năm 1645. Hiện nay còn giữ hai bản tường trình viết tay bằng tiếng Bồ soạn tại Kẻ Chợ, một bản năm 1632 và một bản năm 1637. Ngài còn soạn một cuốn Tự vị Việt Bồ nay đã thất lạc. Cuốn này De Rhodes có nói trong bài tựa quyển Tự vị Việt Bồ La (1651). Coi Đỗ Quang Chính, sd, tr.51-65

[48] Tức ngày 28 tháng 10 năm 1629

[49] Vào những năm 1935 – 1945, lịch công giáo thông dụng vẫn còn ghi cả ngày tháng âm lịch và dương lịch. Có thể nói đây cũng là một trong những yếu tố của nền văn hoá mới bắt đầu gia nhập vào nếp sống mới

[50] Giáo sĩ tới Đàng Ngoài ngày 19 tháng 03 năm 1627 và bị trục xuất tháng 05 năm 1630

[51] Một trăm thầy giảng trong lúc này kể là một con số lớn. Coi những lời khấn của các thầy giàng

[52] Giáo sĩ bỏ Đàng Ngoài năm 1630 và ở Macao mười năm cho tới năm 1640 mới tới Đàng Trong lần thứ hai. Trong mười năm ở Macao, hẳn ngài đã nghiên cứu thêm về chữ Quốc ngữ, soạn thảo các sách vở để sau này đem ấn hành tại Rôma, như cuốn Tường trình về Đàng Ngoài hay Lịch sử Đàng Ngoài này. Hiện còn giữ được bản viết tay về cuốn này bằng tiếng la tinh viết tại Macao năm 1636. Năm 1650 ấn hành bản bằng tiếng Ý, năm 1651 bằng tiếng Pháp và năm 1652 mới in bản tiếng Latinh.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #87 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2011, 04:11:06 pm »

Chương 36
BỨC THƯ GIÁO DÂN ĐÀNG NGOÀI ĐỆ TRÌNH
ĐỨC GIÁO HOÀNG URBANÔ 8

Tôi ghi ở đây nội dung bức thư giáo dân tân tòng của giáo hội Đàng Ngoài trao cho chúng tôi khi chúng tôi bỏ kinh thành để chuyển đệ tới đức giáo hoàng Urbanô VIII [53] vị chăn chiên tối cao của Giáo hội chung toàn thế giới, viết bằng chữ Đàng Ngoài, chúng tôi dịch sát ý ra tiếng latinh không thay đổi gì như sau”
“Chúng tôi thuộc đạo đức Giêsu Kitô, sấp đầu xuống đất tạ ơn Đức Chúa trời đất, dám dâng bức thư này lên đức giáo hoàng thay mặt Đức Giêsu Kitô ở dưới đất này.

Đức thánh cha nhiệt tình tôn kính Thiên Chúa đã truyền và sai các linh mục từ khắp cõi đất để chỉ đàng sự thật. Từ những thế kỷ đầu cho tới thời sau cùng đây, ánh sáng đạo thật chưa chiếu tới Đất Đông Kinh chúng tôi. Sau cùng vào thời chúng tôi, chúng tôi có phúc được đón hai cha dòng Chúa Giêsu từ Đại Tây dương, các ngài khinh thường sóng gió ghê rợn và bão táp kinh hoàng biển khơi, qua đàng rất hiểm trở, tới Nứơc chúng tôi và công bố đạo thật, khuyên bảo, giảng dạy, thuyết phục thế gian trọng kính và tôn thờ Chúa thật trời đất. Sau đó hơn năm nghìn người chúng tôi bằng lòng và tự nguyện theo đạo thánh và còn nhiều người nữa đang sẵn sàng theo. Mặc dầu chúa cai trị xứ này và mấy vị hoàng tử (không hiểu biết sự thật) phản đối các cha và ngoan cố chống đối, thế nhưng đạo các cha giảng không bị kết án. Còn phần chúng tôi, đầy tớ Đức Giêsu Kitô, chúng tôi kiên trì, không nản trong sự thật và quyết định kiên trung mãi mãi trong đức tin chúng tôi đã được. Và để củng cố và giữ vững ý ngay lành chúng tôi có, thì chúng tôi dâng lá thư này lên đức thánh cha như người cha chung các tín đồ, để xin cho nước chúng tôi được cứu giúp thuận lợi. Chúng tôi khẩn nài người đưa mắt nhân từ và đem lòng săn sóc của một người cha tới chúng tôi, mặc dầu chúng tôi còn thô thiển và vô lễ, chúng tôi quỳ dưới chân đức thánh cha, tin tưởng trông đợi và mong ước được các vị tiến sĩ Phúc âm, để qua giáo lý cao vời, tất cả dân trong nước chúng tôi, lớn bé đều bỏ sai lầm, vâng theo đạo thật, được thoát trầm luân đời đời và hưởng phúc ngàn thu.
Chúng tôi, quân binh Đức Giêsu Kitô, cúi đầu xuống đất, dâng bức thư này lên đức thánh cha, năm 1630” [54]

Chúng tôi đã gửi bức thư này kèm theo một thư của chúng tôi viết tới cha Nuntiô Vitelleschi, bề trên Cả dòng chúng tôi, xin ngài đệ lên đức giáo hoàng nhân danh các giáo dân Đàng Ngoài, ngài đã làm như thư ngài viết cho chúng tôi vào năm 1633 như sau:

“Chính tôi đã đệ lên đức thánh cha bức thư giáo dân Đàng Ngoài viết, người đã nhận và tỏ ra rất vui mừng. Khi chúng tôi được người trả lời thì chúng tôi sẽ chuyển tới miền Đông phương. Đức thánh cha sẽ cho giáo dân nhiệt tình biết lòng yêu thương và săn sóc đặc biệt người thường ấp ủ họ và liên kết họ như Chúa chiên tối cao thương yêu và ấp ủ đàn chiên giáo hội công giáo…”

Thư trả lời nói ở đây dẫu sao nếu đã gửi, cũng chưa tới giáo dân Đàng Ngoài.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #88 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2011, 04:11:40 pm »

Chương 37
CÁC CHA DÒNG CHÚNG TÔI TRỞ LẠI ĐÀNG NGOÀI

Năm chúng tôi từ Đàng Ngoài trở về Macao là năm 1630. Ở đây chúng tôi gặp cha Anrê Palmier, sau khi đi thăm vùng truyền giáo ở Tàu thì cũng trở về Macao như chúng tôi. Được biết tình hình khu truyền giáo Đàng Ngoài, nơi rất nhiều giáo dân bị bỏ rơi vì không có linh mục, cha liền quyết định tìm hết phương cách để sai người đến khu vực truyền giáo này, trong khi giáo dân còn giữ lòng nhiệt thành thưở ban đầu. Mà vì cha Gaspar d’Amaral cũng vừa cùng về với chúng tôi, cha đã thành thạo về phong tục và năng khiếu của những người xứ đó, nên bề trên chỉ định ngài đi. Trước đây cha có ý hướng đi vùng truyền giáo Nhật Bản, đã rất tinh thông tiếng Nhật và đã mấy lần xuống tàu đi tới nhưng vô ích, cha luôn luôn bị ngăn cản bởi một bí ẩn nào đó của Thiên Chúa quan phòng dành một thợ rất tốt cho khu truyền giáo Đàng Ngoài. Vì cha nhận thấy rõ ràng Thiên Chúa gọi cha tới đó, nên cha vui lòng vâng theo lệnh và để tỏ ra có đủ khả năng, cha chuyên chú hết mình để học tiếng bản xứ, [55] cho tới lúc trẩy đi. Cùng đi với cha thì có cha Antôn de Fontes người Bồ đã làm việc sáu năm ở vùng truyền giáo Đàng Trong và lúc này đang ở Macao và cha Antôn Cardim dang suy tính qua Đàng Ngoài để tới nước Lào. Khi ở Thái Lan, cha đã học tiếng Thái cũng là tiếng chung với tiếng Lào, như chúng tôi sẽ nói sau.

Tàu buôn phải lên buồm đi Đàng Ngoài đã sẵn sàng khởi hành vào ngày mồng 8 tháng hai năm 1631. Các cha đã xuống tàu và sau hành trình may mắn một tháng thì cập bến xứ Đàng Ngoài ngày mồng 1 tháng ba cùng năm.[56] Các cha đến thì đã đem vui mừng khôn tả cho mọi giáo dân. Họ sung sướng thấy các cha đến cứu giúp họ và yên ủi họ, những thầy dạy tốt lành họ vô cùng mong mỏi. Còn các cha cũng không kém vui mừng thấy giáo dân tốt lành kiên trung trong đức tin đã lãnh nhận. Có ba điều chính yếu rất yên ủi các cha. Thứ nhất là lòng nhiệt thành rất hăng say của các thầy giảng, Phanchicô, Anrê và Inhaxu, trong vòng mười tháng chúng tôi đi vắng, đã rảo hầu hết các tỉnh và đã dạy dỗ và rửa tội được ba nghìn ba trăm bốn người. Mặc dầu họ đã hạn định lời thề không lập gia đình cho tới khi có các cha đến, nay họ muốn kéo dài cho tới hết đời mình. Do đó có nhiều người theo gương họ cũng tự nguyện hiến mình cho chức vụ này. Điều thứ hai rất yên ủi các cha đó là lòng sốt sắng đạo hạnh của giáo dân tân tòng, trong khi chúng tôi vắng mặt, đã chung nhau dựng được hai mươi nhà thờ, để tiện việc hội họp trong các ngày chủ nhật và đọc kinh chung với nhau. Ngoài ra họ đoàn kết và thương yêu nhau, đó là đặc tính của Kitô giáo và là dấu hiệu đích thực của đồ đệ Chúa Cứu Thế. Mọi người yêu thương nhau như anh em và người giàu khiêm tốn đối xử mà không khinh dể người nghèo, lại còn có lòng giúp đỡ thương yêu đặc biệt. Cách ăn ở của họ rất thành thật và đời sống trong sạch, giữ nghiêm ngặt luật đạo Kitô: điều này làm cho một người Bồ, sau khi giao tiếp và đi lại với họ đã nhận là có thể so sánh họ với không những giáo dân ở Au Châu giữ đạo rất sốt sắng mà còn với những tu sĩ tập sự ở các dòng tu canh tân. Các cha còn nhận thấy rõ hơn trong tòa giải tội, vì không thấy có chất liệu để làm phép giải, họ có linh hồn trong trắng và lương tâm không vết tội. Cuối cùng, các cha được rất nhiều yên ủi vì thấy có một giáo dân kiên trì chịu những hình khổ dữ dằn và chịu chết để làm chứng đức tin, như tôi sẽ tường thuật trong chương sau.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #89 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2011, 04:12:31 pm »

Chương 38
LÒNG KIÊN TRÌ CỦA MỘT GIÁO DÂN TÂN TÒNG CHỊU CHẾT
ĐỂ GIỮ ĐỨC TIN KITÔ GIÁO VÀ MẤY PHÉP LẠ

Giáo dân này tên là Phanchicô và mới được đức tin với phép rửa từ hai năm nay, nhưng đức tin rất sâu sắc và ông rất thấm nhuần ơn gọi đến nỗi người ta thấy ông không bao giờ ngừng làm việc bác ái và yêu thương, nhất là đi chôn xác ông thường vác trên vai cho tới huyệt. Việc này đến tai em của chúa, một người hung dữ và rất ghét giáo dân. Phanchicô giúp việc nhà ông và là một trong số những người khiêng cáng cho ông. Ông gọi Phanchicô tới và cấm không được tiếp tục theo đạo Kitô và không được làm công việc bẩn thỉu. Ông cho là một việc nhơ nhớp và bất xứng vì mó vào cáng và võng của ông sau khi đã đụng tới xác chết. Phan khiêm tốn nhưng can đảm tỏ mình thật là giáo dân và thừa hành chức vụ đó, mà vì mình làm theo luật Chúa Giêsu Kitô, là luật thánh và cần cho sự cứu rỗi, nên mình không thể bỏ mà không phạm tội bất trung, bất nghĩa, cũng không thể bỏ việc bác ái và thương xót đạo dạy nếu không thì là kẻ hèn nhát đáng khinh. Còn về việc phục dịch, Phan không bao giờ sơ sót. Nhưng ông cũng xin đừng coi là việc nếu ông trung thành giữ luật Chúa Giêsu Kitô mà ông tin theo và giữ mãi cho tới hơi thở cuối cùng. Câu này đáp không có gì là xúc phạm, thế nhưng hoàng tử không bằng lòng vì lời lẽ tự do đó, tức thì truyền cho ông phải ra khỏi tư dinh và không bao giờ được đến trước mặt ông. Phan vâng lời, bỏ tư dinh và phục dịch hoàng tử em chúa, để hoàn toàn hiến thân cách vui vẻ vào việc phụng sự Chúa muôn chúa trong hết các công việc từ thiện bác ái do lòng sốt sắng nơi ông. Được tin đó hoàng tử giận dữ cho gọi ông và lại truyền cho ông phải bỏ đức tin và đạo Kitô. Phan can đảm phản đối, ông không thể làm được vì đó là phạm một tội không thể tha thứ và là bỏ việc cứu rỗi. Hoàng tử điên lên vì Phan không vâng lời, liền truyền cho đánh đòn và bắt giam trong ngục chật hẹp và chịu tra tấn ở vế đùi. Sau cùng ông càng kiên trì hơn trong lúc bị hành hạ để bắt ông đổi ý định. Thế là tên bạo chúa truyền chém đầu ông. Đây là nạn nhân thứ nhất của Chúa Giêsu Kitô dâng máu mình cho giáo hội Đàng Ngoài và là hoa trái đầu mùa giáo đoàn mới dâng hiến Thiên Chúa, lấy hương thơm xức và làm vui lòng hết các giáo dân xứ này và những thợ mới vừa tới để chung vai sát cánh gây nhiều hy vọng hái quả tương lai do hạt giống giòng máu thứ nhất gieo xuống.

Ngoài đức kiên trì bất khuất của giáo dân tân tòng là một bằng chứng xác thực về đức tin được duy trì rất sống động trong lòng giáo dân Đàng Ngoài tôi còn thêm một bằng chứng thứ hai rất lớn về đức tinh mạnh mẽ của họ, đó là một số vô kể các phép lạ được làm nơi họ và theo lời cầu nguyện của họ. Các cha muốn ghi vào sổ sách và điều tra về những phép lạ làm cho bệnh nhân được khỏi và đuổi ma quỷ ra khỏi người bị ám, nhưng người ta trả lời là không sao đếm nổi. Các cha dễ dàng tin, khi được biết chỉ một giáo dân trong đoàn thể tên là Phêrô, là một công chức, bằng lời cầu nguyện đã cứu được ba mươi người bị quỷ ám. Trong tỉnh Nghệ An cũng xảy ra những việc kỳ lạ tương tự, trong số đó có một việc lạ lùng làm cho đạo Kitô được người ta rất kính trọng. Số là có một nữ giáo dân tên là Maurô, bà này có người con trai (cũng là giáo dân) tên là Bênêđitô, một thanh niên rất sùng đạo và đã tìm đến với các thầy giảng để sống đời tông đồ, nhưng các thầy thấy vì chữ hiếu anh nên sống với mẹ và giúp đỡ mẹ trong cảnh nghèo khó. Bà mẹ ngã bệnh nặng và bệnh lâu năm, cuối cùng bà chết. Khi người ta sắp sửa lo đám tang và đem chôn thì anh còn quá thương tiếc mẹ, không phải vì cái chết nhưng vì mẹ chết mà chưa được chịu các phép bởi vì không có các cha, anh liền quỳ gối và lấy lòng tin rất mạnh mẽ xin tất cả giáo dân tới chia buồn và phúng viếng hãy góp lời cầu nguyện với anh để được hiệu quả là cho mẹ anh chờ. Rồi anh đứng dậy, giỏ mấy giọt nước phép vào miệng người quá cố, tức thì Maurô hồi sinh làm cho mọi người giáo dân cũng như lương dân có mặt đều sửng sốt. Tin phép lạ đã được mọi người chứng kiến phao đồn đi khắp tỉnh, rất nhiều người tuốn đến để xem người phục sinh và do đó có rất nhiều người trở lại đạo.

Không phải việc kỳ diệu khi Thiên Chúa làm rất nhiều phép lạ do lời cầu nguyện của giáo dân là con cái Người, mà Người còn làm qua trung gian những kẻ tân tòng chưa chịu phép rửa, như đã xảy đến cho một người trong số đó. Đó là một người một hôm ở trong rừang đã gặp một người nửa sống nửa chết và vì không có nước phép giáo dân thường dùng để chữa bệnh, mà ông thì động lòng thương tình cảnh kẻ cùng khổ này, thế là ông lấy nước sông rồi làm phép bằng dấu thánh giá ông đã họ và đọc kinh Lạy Cha. Ông lấy nước phép đó vẩy mấy giọt trên người xấu số và tức thì người bị bỏ rơi này được lành bệnh.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM