Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:06:31 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện của một thời  (Đọc 284191 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #10 vào lúc: 11 Tháng Sáu, 2011, 10:50:48 pm »

                                                      1.   Đi   bộ   đội


Vào cuối những năm 60,  “đi bộ đội” đã thành câu nói quen thuộc, bình thường. Đấy là cách nói ngắn, dân dã; còn theo cách nói chính thống  thì phải là đi nghĩa vụ quân sự. Ở đâu mà chẳng có người đi bộ đội, thành cả mùa tuyển quân hẳn hoi, đi bộ đội thành việc lớn ở các làng quê. Thế mà cái sự đi bộ đội của tôi cũng là sự hơi lạ, mãi mới đi được chứ có phải dễ đâu !

Năm 1969, tôi đi khám bộ đội 2 lần đều trượt. Mùa hè ấy, sau khi tốt nghiệp phổ thông chúng tôi như những con chim xổ lồng, được bay nhảy vui chơi. Sau khi liên hoan chia tay thầy cô và các bạn, cánh học sinh Hà nội sơ tán thì về lại thành phố, chúng tôi thì ai về nhà ấy khắp các xã trong huyện. Từng ngày, từng tuần hè trôi qua đầy háo hức chờ ngày đi đại học. Tuổi học trò quá vô tư, chẳng đứa nào biết rằng mình đã vừa đủ tuổi để đi bộ đội. Hè chưa hết, chưa thấy giấy gọi đại học đâu thì một hôm tôi được báo đi khám bộ đội.Ừ thì đi. Đợt ấy họ về tận xã khám, khám rất kỹ để tuyển chọn phi công hay binh chủng đặc biệt gì đó nên tôi bị loại ngay từ vòng ngoài. Đến khi đi ra huyện làm thủ tục đi hoc đại học, ở huyện họ lại cấp cho cái giấy đi khám nghĩa vụ quân sự rồi mang kết quả về họ mới giải quyết thủ tục đi học. Tôi cầm giấy đi khám mà lòng rối bời. Kết quả khám, tôi bị kết luận  B2, không đủ sức khỏe.

Nói đến cái giấy báo đại học của tôi cũng có chuyện để kể. Từ năm 70 mới có thi đại học, còn năm 69 trở về trước thì hs tốt nghiệp rồi cứ việc chờ giấy báo của trường ĐH thôi. Ban tuyển sinh tỉnh quản lý hồ sơ của các hs tốt nghiệp cấp 3 và gửi cho các trường ĐH theo y/c của các trường, họ cũng xét hồ sơ để đi học nước ngoài ( lưu học sinh ). Ngày ấy, tôi được làm hồ sơ lưu học sinh, làm từ đầu học kỳ 2. Chờ đợi sang đến cuối tháng 7 vẫn chưa thấy gì trong khi thằng bạn cùng lớp con liết sỹ cùng làm hồ sơ lưu học sinh cùng đợt với tôi đã được giấy gọi tập trung đi học CHDC Đức và nhiều bạn khác đã có giấy gọi ĐH người trường nọ người trường kia, sốt ruột nên tôi rủ bạn đi lên Ban tuyển sinh tỉnh để hỏi và được biết trường hợp của tôi thuộc hồ sơ diện lưu hs đã có 1 trường ĐH họ về chọn rồi. Tôi ra về, yên tâm chờ đợi thêm. Vẫn mãi chẳng thầy gì. Bỗng một tối, chị tôi đi họp đoàn thanh niên về nói “ Anh Chính ( phó CT xã người cùng xóm) bảo mày có cái giấy báo đại học gì đấy, mai đên anh ấy mà lấy”. Tôi sướng rơn người. Đêm đó tôi trằn trọc, chỉ mong mau sáng để đi lấy giấy. Sáng ra tôi đến ngay nhà anh Chính. “ Ờ, em có cái giấy. Để anh lấy”. Anh nói và lôi chiếc cặp cán bộ xã treo trên chiếc cột đầu giường xuống, mở và lật lật tìm tìm. Tôi hơi lo, trống ngực đập thình thịch. Tìm mãi không thấy, anh ấy nói “ Ờ, sao đâu mà lại không thấy nhỉ. Hay là rơi đâu rồi. Hay là em chịu khó đi xin lại có được không”. Tôi tiu ngỉu, như bị giội gáo nước lạnh, mặt cứ thuỗn ra, ấp a ấp úng ra về. Về nhà, chán, tôi nằm vật ra phản, mắt nhắm nghiền nghĩ mung lung. Chợt lóe lên: ra Hà nội nhờ thằng bạn ở Văn Miếu, bạn học sơ tán từ hồi cấp 2 ở quê, tìm đến trường để xin lai giấy. Hôm sau tôi mượn được xe đạp của nhà hàng xóm đạp mải miết ra HN và thật may mắn với sự mò đường của thằng bạn tôi đã đến được trường và xin được giấy báo nhập học của nhà trường.

Năm 1970, tôi lại đi khám 1 lần nữa, lại trượt. Năm ấy tôi đã là sinh viên năm thứ nhất. Đâu như mùa tuyển NVQS là sau Tết khoảng tháng 2 hay 3 gì đó, đang là học kỳ 2, tôi có tên trong danh sách. Lúc này là sinh viên rồi đã có chút sĩ diện của tuổi trẻ, tôi đi khám mà không đắn đo gì. Lại kết luận B2, trượt!  Cũng trong năm học này, nhà trường chuẩn bị đưa cả lớp chúng tôi đi đào tạo ở Cu Ba. Hồ sơ đã làm đầy đủ gửi đi, chỉ chờ lên đường nhưng mãi không thấy gì, sau được báo là bạn đang cải cách giáo dục nên hoãn.
Đợt NVQS này, lớp tôi cũng có 5 thằng trúng tuyển. Buồn cười là có 2 thằng đều ở Nghệ an, ở lính mãi lên đến lon Đại úy rồi mà vẫn xin chuyển ngành về lại trường học tiếp. Khi tôi ra quân năm 75 về lại trường học tiếp mấy năm nữa rồi ở lại trường làm giáo viên thì 2 thằng cũng mới chuyển ngành về học. Loanh quanh thế nào tôi lai dạy lớp chúng nó. Hơn 15 năm gặp lại nhau, cùng lớp ngày xưa, cùng đi bộ đội, thằng đi năm trước, thằng năm sau, bây giờ gặp lại nhau thằng là thầy thằng là trò. Lúc ra quân tôi chỉ là Trung sỹ. Ôi, những nẻo đường chiến tranh!

Năm 1971, khám sức khỏe tôi được B1. Thế là đi bộ đội.

Nghĩ về ngày ấy lại nhớ chuyện hai thằng cùng lớp. Một thằng viết đơn tình nguyện bằng máu, một thằng thì đã lên đường đến nợi tập trung quân nhưng khi khám sức khỏe lần cuối thì được về. Thằng viết đơn, nghe bạn bè trong lớp nói nhà nó đã có người đi bộ đội nên nó sẽ không phải đi, thế mà nó viết đơn và đúng là nó không phải đi thật. Còn thằng được về, sau cũng nghe ae nói là bố hay mẹ nó là bác sỹ chắc bày cách cho nó. Ngày ấy chúng tôi tập trung quân ở đình Quỳnh Đô dưới mạn Thường Tín. Trước hôm khám lại sức khỏe để chính thức biên chế vào các đơn vị khung để lên tàu đi Hà Bắc huấn luyện, chúng tôi đi chơi loanh quanh dọc đường Một, đang đi bỗng nó kêu mệt bảo là bị cảm, chóng mặt nhức đầu. Nó ngồi xuống dệ đường, trông khác thường. Tốp chúng tôi chỉ có 3 người , anh C. là cán bộ đi học hơn tuổi chúng tôi thấy thế nên bảo hai anh em cõng nó đi tìm một trạm xá nào gần đó. Chúng tôi đưa được nó đến một trạm xá xã ở ven đường.  Rồi thì chúng tôi cũng về. Đến khi khám sức khỏe nó bị loại.

Năm học thứ hai trôi qua êm đềm. Tình hình chiến trường lúc này có lẽ có những nhu cầu gấp về lực lượng cho chiến dịch 72 nên đợt NVQS lần này rất lớn, vào ngay đầu năm học thứ 3, sau kỳ nghỉ hè của chúng tôi. Khoảng cuối tháng 8 chúng tôi trở lại  trường thì có ngay đợt tuyển quân. Tất nhiên tôi có tên trong danh sách. Lần này khám trúng ngay. Đền ngày 30/8 thì có “Giấy báo vinh dự tòng quân” của tỉnh đoàn và 3/9  có quyết định nhập ngũ của UBND huyện.
Tôi thu dọn đồ đạc để về quê chia tay gia đình. Gọi là đồ đạc nhưng có gì đâu, chỉ một chiếc túi du lịch nhỏ. Các lần trước không trúng tuyển thành ra cứ nhơn nhơn, vô tư;  thế nhưng lần này trúng thật, sắp phải đi thì lại thấy bắt đầu mung lung, bâng khuâng pha chút lo lắng. Trên đường về thì bắt đầu thấy buồn thực sự, cứ nghĩ đên bố mẹ gia đình buồn và lo lắng cho mình. Lúc này ở quê tôi đang lụt lớn do phân lũ sông Hồng về cả một vùng mấy huyên Hà Tây. Làng quê đang ủ dột tiêu điều vì ngập lũ, đồng ruộng mênh mông nước. Chiều muộn tôi về đến nhà. Bố mẹ tôi nghe tin đều buồn và lo lắng cho tôi. Có hôm tôi đang ngôi thừ một mình, bố tôi nói “ thế đang lũ lụt thế này mà cũng phải đi à ?”. Tôi biết ông hỏi câu ấy là ái ngại cho tôi thôi nên tôi chỉ ầm ừ “ Vâng, con là sinh viên nhà trường phải đi chứ”. Chơi loanh quanh ở nhà ít hôm vì lụt lội chẳng đi được đâu, tôi chán nên chào bố mẹ và gia đình rồi trở lại trường mà lòng trĩu nặng của kẻ sắp phải đi xa. Lên trường lại buồn hơn vì lớp phải đi lao động chống lụt. Trường vắng. Còn vài hôm nữa mới lên đường, tôi và thằng H. rủ nhau đi lao động xúc đất thuê ở công trường ngoài Nam Đồng. Làm được 1 đêm vất vả quá, thức làm cả đêm gần tới sáng mới về nên hai thằng bảo nhau thôi kẻo hôm này lên đường mà ốm thì gay. Rồi ngày giờ lên đường cũng đã đến – ngày 6/9/71.
Nhà trường có quyển lưu bút cho anh em sinh viên ghi.  Sáng hôm tiễn đưa lên đường tôi có ghi vội mấy dòng vào đấy xem như một lời chia tay thời chiến :

...Từ đây đại học năm thứ hai
Hành quân chiến đấu chặng đường dài
Miền Nam son sắt đang chờ đợi
Ta sẽ lên đường, vai sát vai.

Tôi nhớ 4 câu này của bài thơ ngắn “Đi” tôi đã viết vào quyển Lưu bút của trường là bởi khi ra quân về học, có thằng bạn cùng lớp ở lại trường làm giáo viên mối khi ae bạn học ngồi uống bia hoặc lâu mới gặp lại nhau là hắn cứ hay lôi ra đùa tôi bằng  mấy câu thơ đó thành ra tôi thuộc mãi cho đên tận bây giờ.


Cuộc đời mỗi con người đều có những ngả rẽ. Đi bộ đội thực sự là một ngả rẽ lớn và đầy thú vị trong cuộc đời tôi. Có lúc lẩn thẩn tôi tự vấn “ nếu ngày ấy mình không đi bộ đội” thì không biết cuộc đời mình sẽ như thế nào nhỉ. Lại tự trả lời tât nhiên là sẽ có ngả rẽ khác nhưng chẳng biết thế nào.





« Sửa lần cuối: 11 Tháng Sáu, 2011, 11:03:30 pm gửi bởi TANVINHprc25 » Logged
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #11 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2011, 08:09:04 pm »

2.      Hai tên tù binh tại Long Khánh, Bà Rịa



Sau Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết cánh quân Đường 1 cứ ào ào như lốc cuốn, chưa đầy tuần lễ từ ngày 14 đến ngày 19/4/75 đã băng qua các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận rồi Bình Tuy, chỉ còn cách Sài gòn 145 cây số nữa thôi. Lính chúng tôi bị cuốn đi, mệt và căng thẳng hồi hộp.
Từ Phan Rang, trinh sát Sư đoàn đi trước dò địch, nắm địch có ở đâu thì báo về phía sau cho BCH đại quân. Chạm địch hoặc bị địch nổ súng thì biết là ở đấy còn địch. Trinh sát hành tiến trên xe như vậy thật nguy hiểm nhưng chẳng còn cách nào khác, thần tốc và táo bạo mà. Như thế thì trinh sát mới được đánh nhau thật như bộ binh, được nổ súng thật. Mấy anh em  TS kỹ thuật chúng tôi cũng có cơ hội ấy nhưng căng thẳng lắm.

10 giờ 15 đêm ngày 21/4 xuất phát từ trong rừng cao su. Tôi cùng 3 anh em TS kỹ thuật là Duyên, Quí và Công được giao nhiệm vụ đi cùng 2 b (thiếu ) của C20 dưới sự chỉ huy của Thượng úy Kim còi , trợ lý Ban TS Sư. Đoàn đi trên 3 xe, rẽ vào liên tỉnh lộ 2 hướng Vũng tàu để nắm địch.

Xe Zep chỉ huy của anh Kim đi giữa, mỗi xe cách nhau khoảng răm sáu chục mét, có liên lạc được với nhau bằng máy PRC25 của TS kỹ thuật. 3 xe lầm lũi chạy tốc độ chậm, đèn gầm leo lét trên đường nhựa phảng phiu. Về đêm, trời se lạnh. Không gian im ắng đến dễ sợ. Hai bên đường rừng cao su âm u tối sẫm, một chặng đường dài đã qua mà không thấy bóng một nhà dân nào. Phía xa xa trước mặt và bên tay phải có quầng sáng, đó là TP Vũng Tàu và TP Sài Gòn. Lính ngồi im trên thùng xe trần, tay không rời AK. Mệt mỏi và căng thẳng quá. Một số đã không cưỡng lại được cơn buồn ngủ. Lúc này đã 2, 3 giờ sáng rồi còn gì.

Gần 4 giờ sáng, chiếc xe đi đầu do Trung úy Thẩm, trợ lý Ban TS và thiếu úy Chiêm C phó C20 chỉ huy dừng sững lại. Dưới ánh sáng nhờ nhờ của đèn gầm xe, ta phát hiện có địch đang nằm ngủ ngổn ngang trên đường nhựa phía trước, 2 xe sau nhận được thông báo cũng kịp dừng lại ngay. Tất cả nhảy ào xuống. Quân địch thấy động cũng đã kịp phản ứng. Lúc này trên phía xe đầu, súng đã nổ râm ran, tiếng AK, AR15 và cối cá nhân M79 chát chúa. Lính xe sau nhanh chóng lên tiếp ứng. Quân địch đông, có cả lính dù thuộc d7 tháo chạy từ Xuân Lộc về đây cụm lại. Quân ta không có hỏa lực mạnh của bộ binh, địa hình bất lợi ban đêm, lại có một số anh em là tân binh bổ sung chưa lâu, ít kinh nghiệm chiến đấu chưa dày dạn trận mạc nên khi chạm địch, nhảy xuống xe thiếu bình tĩnh, một số còn lộn xộn chụm quanh xe nên đã bị địch bắn cối cá nhân vào đội hình. Sau khoảng hơn nửa giờ choảng nhau, địch đã  rút chạy vào rừng cao su,  quân ta lùi dần về phía sau lôi theo 2 tù binh bắt sống ngay trước mũi xe. Chiếc xe bị trúng đạn vào thùng xăng đang bốc cháy dữ dội. Mấy chục ba lô của anh em đi xe này cùng gạo, thực phẩm thế là đi tong.

Trời sáng dần, đã nhìn rõ mặt người. Hai tù binh, mặc quần áo rằn ri, một tù binh đậm người, một tên nhỏ con trông trẻ hơn, trông hai tên tù binh  sợ hãi mặt tái xám. Xe, ba lô đồ đạc bị cháy, một số anh em hi sinh và bị thương nên anh em ta rất căm thù, một số anh em như trút sự căm thù lên 2 tên tù binh lao đến đấm đá túi bụi. “Bắn bỏ mẹ nó đi” – có cả tiếng anh em nào đó quát lên. Anh Kim còi lúc này cũng có mặt ở đó mắng anh em không được đánh tù binh nữa, lệnh không được bắn và giải về phía sau. Nhưng lúc cán bộ chỉ huy đang mải công việc thì trong số anh em sôi máu căm thù có cậu Q. sôi me nhất đã cho tù binh người đậm một tràng AK. Tên tù binh chỉ “hự” được một tiếng rồi đổ nhào xuống rệ đường đầy cây cỏ lúp xúp. Chưa bao giờ tôi chứng kiến tận mắt sự trúng đạn ở một cự ly gần như thế. Tên tù binh còn lại đứng ngay bên cạnh, sợ quá run lẩy bẩy, miệng lắp bắp xin tha chết. Một lát sau, hắn được chở đi cùng xe với ae bị thương lui về phía sau và được giao cho du kích địa phương.

Ta bị hi sinh 2, b trưởng Dân người Nam Hà, hiền tính, chưa vợ và 1 cậu lính mới, nghe anh em đi xe này nói lúc chạm địch cậu còn đang ngủ nên không kịp nhảy xuống xe, gần 10 bị thương. Còn thiếu 3 anh em nữa chưa rõ sống chết ra sao, gồm Chuẩn úy Thắng, b trưởng và 2 a trưởng là Tàu và Đọ. Sau 3 anh em này cũng mò về được đơn vị, các bố bị lạc trong rừng cao su. Thắng và Tàu thì về ngay trong ngày, riêng đồng chí Đọ đến 4 ngày sau ( ngày 25/4) mới về tới đơn vị. Chẳng rõ nó đánh nhau kiểu gì mà lại lạc vào rừng cao su sâu về phía địch. Nhịn đói khát mấy ngày mãi mới mò được ra ngoài đường. Khi về thấy cậu hốc hác phờ phạc, giọng khản nói không thành tiếng.
Quân địch chết bao nhiêu chúng tôi không rõ ngoài 2 tên tù binh miễn cưỡng tội nghiệp. Có một điều chắc chắn là, chúng tôi là lính trinh sát đánh nhau như lính bộ binh thì hiệu quả là kém rồi, không thể bằng lính bộ binh thực thụ được, kém từ chỉ huy cho đến lính. Trong chuyện của Tích Tường Như Lệ, lão cứ kêu TS mà chán quá, chán quá !

Trời đã sáng hẳn, pháo địch vẫn uỳnh oàng chi viện quanh khu vực đụng độ vừa nãy. Một tổ được cử lên phía trước để tiếp tục bám địch. Chúng tôi lui tiếp về phía sau một chặng nữa, đường nhựa trống trải nên lững thững cuốc bộ cũng ghê người lắm, rồi tạt vào ria rừng cao su ngồi nghỉ. Lúc này mới thấm mệt và đói. May là lúc khiêng thương binh lên xe, tôi móc trong ba lô của tôi lấy ra được một hộp sữa đặc, thế là giờ khui ra, ngửa cổ mỗi đứa một hơi dài hết luôn cả hộp. Sữa chảy đến đâu biết đên đấy. Người tỉnh hẳn ra. Mấy thằng tiếp tục nhai gạo sấy cho đỡ đói. Mấy túi gạo sấy nhặt được ngoài đường nhựa của tàn quân địch. Xong lại cuốc bộ tiếp khoảng 2 cây số nữa thì tạt vào rừng cao su dừng trú lại chờ lệnh và chờ đại quân phía sau lên. Mấy lính TS kỹ thuật mở máy nắm tình hình. Buổi tối trinh sát trên máy đến gần 10 giờ. Một ngày căng thẳng, mệt rã rời.

Cả ngày và đêm hôm ấy tôi cứ bị ám ảnh bởi các anh em đồng đội hi sinh và bị thương và về hai tên tù binh trong một tình huống chiến sự đặc biệt và chớp nhoáng với nhiều cung bậc cảm xúc của chiến tranh không thể nào quên trên đất Long Khánh giáp ranh với tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu một ngày cuối tháng 4, 1975.

« Sửa lần cuối: 17 Tháng Sáu, 2011, 06:50:17 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #12 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2011, 08:55:56 am »

2.      Hai tên tù binh tại Long Khánh, Bà Rịa

Trời sáng dần, đã nhìn rõ mặt người. Hai tên tù binh, mặc quần áo rằn ri, một tên đậm người, một tên nhỏ con trông trẻ hơn, trông hai tù binh sợ hãi mặt tái xám.Xe, ba lô dồ đạc bị cháy, một số anh em hi sinh và bị thương nên anh em ta rất căm thù, một số anh em như trút sự căm thù lên 2 tên tù binh lao đến đấm đá túi bụi. “Bắn bỏ mẹ nó đi” – có cả tiếng anh em nào đó quát lên. Anh Kim còi lúc này cũng có mặt ở đó mắng anh em không được đánh tù binh nữa, lệnh không được bắn  và giải về phía sau. Nhưng lúc cán bộ chỉ huy đang mải công việc thì trong số anh em sôi máu căm thù có cậu Q. sôi me nhất đã cho tên tù binh người đậm một tràng AK. Tên tù binh chỉ “hự” được một tiếng rồi đổ nhào xuống rệ đường đầy cây cỏ lúp xúp.


6971 được nghe một người trong cuộc hôm đó kể lại không dưới 2 lần chi tiết hơn về vụ 2 tù binh đó. Xin được kể lại để bổ sung.

Sau vụ chạm trán bất ngờ trong rừng cao su Long Khánh, trinh sát C20 tranh thủ khai thác nhanh 2 tù binh để lấy thông tin trước khi trao cho du kích hay bộ đội địa phương để còn thần tốc vào SG. Cuộc tra hỏi nóng, chớp nhoáng ngay trên đường chứ không theo bài bản, không lập ban bệ, hồ sơ, biên bản gì. Tiện đâu hỏi đấy, tiện ai người đó hỏi. Bắt đầu hỏi người tù binh "đậm", thì mới chỉ mấy câu mở đầu: Quê đâu? Vợ con chưa? thì mấy lính trinh sát đã bị sựng lại bởi câu trả lời cứng rắn của hắn: "Zợ con hổng liên quan gì. Cộng sản độc ác, tàn bạo hỏi zợ con làm chi? Ta thề hổng đội trời chung zới Cộng sản". Q điên tiết đạp anh ta một cái ngã dụi, rồi lại dựng lên hỏi tiếp: "Thù cộng sản hả? Có khai không?". Người lính ấy vẫn ngênh mặt nói như hô khẩu hiệu: "Bắn thì bắn đi. Hổng đội trời chung với cộng sản!".

Sau này, đôi lúc anh em chúng tôi có bàn luận, lý giải về chuyện phát súng của Q và người tù binh ở rừng cao su Long Khánh ấy. Nhưng đấy là sau này, khi đã ngưng tiếng súng, khi liệt sỹ Dân đã được chuyển về yên nghỉ lẫn trong miên man những mộ không tên ở nghĩa trang xứ cao su. Phát súng nơi trận mạc đôi khi nổ trước cả quyết định bắn.  
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Sáu, 2011, 06:51:07 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged

Nhật ký Viết lại
hoangson1960
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 476


« Trả lời #13 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2011, 11:40:23 am »

[

6971 được nghe một người trong cuộc hôm đó kể lại không dưới 2 lần chi tiết hơn về vụ 2 tù binh đó. Xin được kể lại để bổ sung.

Sau vụ chạm trán bất ngờ trong rừng cao su Long Khánh, trinh sát C20 tranh thủ khai thác nhanh 2 tù binh để lấy thông tin trước khi trao cho du kích hay bộ đội địa phương để còn thần tốc vào SG. Cuộc tra hỏi nóng, chớp nhoáng ngay trên đường chứ không theo bài bản, không lập ban bệ, hồ sơ, biên bản gì. Tiện đâu hỏi đấy, tiện ai người đó hỏi. Bắt đầu hỏi người tù binh "đậm", thì mới chỉ mấy câu mở đầu: Quê đâu? Vợ con chưa? thì mấy lính trinh sát đã bị sựng lại bởi câu trả lời cứng rắn của hắn: "Zợ con hổng liên quan gì. Cộng sản độc ác, tàn bạo hỏi zợ con làm chi? Ta thề hổng đội trời chung zới Cộng sản". Q điên tiết đạp anh ta một cái ngã dụi, rồi lại dựng lên hỏi tiếp: "Thù cộng sản hả? Có khai không?". Người lính ấy vẫn ngênh mặt nói như hô khẩu hiệu: "Bắn thì bắn đi. Hổng đội trời chung với cộng sản!".


[/quote]}
Bác ơi hai thằng lính VNCH này chắc bị khùng mới trả lời như vậy! .Lúc này quân ngụy đã rệu rã lắm rồi chẳng còn thằng nào hô khẩu hiệu như thế đâu.Theo em bác TANVINH prc25 giải thích có vẻ hợp lí hơn.
Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #14 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2011, 12:06:05 pm »


6971 được nghe một người trong cuộc hôm đó kể lại không dưới 2 lần chi tiết hơn về vụ 2 tù binh đó. Xin được kể lại để bổ sung.

Sau vụ chạm trán bất ngờ trong rừng cao su Long Khánh, trinh sát C20 tranh thủ khai thác nhanh 2 tù binh để lấy thông tin trước khi trao cho du kích hay bộ đội địa phương để còn thần tốc vào SG. Cuộc tra hỏi nóng, chớp nhoáng ngay trên đường chứ không theo bài bản, không lập ban bệ, hồ sơ, biên bản gì. Tiện đâu hỏi đấy, tiện ai người đó hỏi. Bắt đầu hỏi người tù binh "đậm", thì mới chỉ mấy câu mở đầu: Quê đâu? Vợ con chưa? thì mấy lính trinh sát đã bị sựng lại bởi câu trả lời cứng rắn của hắn: "Zợ con hổng liên quan gì. Cộng sản độc ác, tàn bạo hỏi zợ con làm chi? Ta thề hổng đội trời chung zới Cộng sản". Q điên tiết đạp anh ta một cái ngã dụi, rồi lại dựng lên hỏi tiếp: "Thù cộng sản hả? Có khai không?". Người lính ấy vẫn ngênh mặt nói như hô khẩu hiệu: "Bắn thì bắn đi. Hổng đội trời chung với cộng sản!".

Sau này, đôi lúc anh em chúng tôi có bàn luận, lý giải về chuyện phát súng của Q và người tù binh ở rừng cao su Long Khánh ấy. Nhưng đấy là sau này, khi đã ngưng tiếng súng, khi liệt sỹ Dân đã được chuyển về yên nghỉ lẫn trong miên man những mộ không tên ở nghĩa trang xứ cao su. Phát súng nơi trận mạc đôi khi nổ trước cả quyết định bắn. 

     Vụ này hổng có đúng như dzậy đâu nghen ! Đó là do đầu óc tưởng tượng phong phú của bác D. thôi. Hôm nọ bác ấy nhắc lại câu chuyện thêu dệt đó, tôi phản ứng lại:

     -   Anh nói thêm cho vui, chứ làm gì có thằng nào nói thế ! Tôi chứng kiến thằng đó đang đi trên đường
       thì thằng Q nó tương một loạt AK. Có thấy thằng đó nói gì để thằng Q cáu đâu.

     Vì bác D. không chứng kiến vụ đó nên bác ấy liền im, cười tươi hì hì . . . và không nói lại thêm gì.

     Chuyện có thêu dệt bao giờ nghe cũng hay hơn. Nhưng chuyện không thêu dệt nó lại cho mình thấy sự nguyên chất và còn thấy cả chất khác trong đó nữa.
Logged

haanh
Thượng tá
*
Bài viết: 5795


HOT nhất forum


« Trả lời #15 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2011, 02:31:50 pm »

hehe đánh nhau có thương tử thì xử tù binh cũng là chuyện thường thôi , lúc đó mấy ai kềm chế nổi để tuân thủ đúng qui định .
Logged

NAM QUỐC SƠN HÀ NAM ĐẾ CƯ .
ntk2991
Thành viên

Bài viết: 3


« Trả lời #16 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2011, 03:04:46 pm »

Cháu lớn lên thời bình,thuộc thế hệ 9x.Rất thích nghe các bác kể chuyện đánh giặc.Cháu có bạn học ông nội nó đi lính sài gòn nghe các bác nói 2 thằng tù binh nếu mà ông nội nó nghe được thì phản cảm lắm.Bây giờ nước VN là một,dân tộc VN là một,Bác Võ Văn Kiệt kêu gọi hòa hợp,hòa giải đân tộc rồi,mà còn gọi người Việt mình bằng thằng tù binh.Có những người lính sài gòn giờ làm nên nhiều giá trị cho cuộc sống đấy các bác,các chú ạ.Con xin mạn phép góp ý vậy.
Logged
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #17 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2011, 03:12:51 pm »

Yêu với căm hai đợt sóng ào ào
Vỗ bên lòng dội mãi tới trăng sao

 
thơ Xuân Diệu
Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #18 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2011, 05:00:05 pm »

Cháu lớn lên thời bình,thuộc thế hệ 9x.Rất thích nghe các bác kể chuyện đánh giặc.Cháu có bạn học ông nội nó đi lính sài gòn nghe các bác nói 2 thằng tù binh nếu mà ông nội nó nghe được thì phản cảm lắm.Bây giờ nước VN là một,dân tộc VN là một,Bác Võ Văn Kiệt kêu gọi hòa hợp,hòa giải đân tộc rồi,mà còn gọi người Việt mình bằng thằng tù binh.Có những người lính sài gòn giờ làm nên nhiều giá trị cho cuộc sống đấy các bác,các chú ạ.Con xin mạn phép góp ý vậy.

     Bạn nói cũng đúng. Tuy nhiên phải đặt trong ngữ cảnh của chuyện kể lại mới được. Chẳng cứ gì lính VNCH, khi gọi các đồng đội chúng tôi vẫn gọi là thằng nọ thằng kia, quen rồi. Lúc đó gọi thế nào thì bây giờ kể lại thế. Không có ý gì khác đâu.
Logged

sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #19 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2011, 05:25:45 pm »

2.      Hai tên tù binh tại Long Khánh, Bà Rịa

Chiếc xe bị trúng đạn vào thùng xăng đang bốc cháy dữ dội. Mấy chục ba lô của anh em đi xe này cùng gạo, thực phẩm thế là đi tong.


Gạo, thực phẩm đi tong thì lại có, cùng lắm đói vài ngày, chứ nếu tài liệu, giấy tờ, các kỷ vật thiêng liêng cháy thì thôi rồi, nhỉ.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Sáu, 2011, 06:36:29 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged

Nhật ký Viết lại
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM