Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 04:08:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện của một thời  (Đọc 284182 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #510 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2012, 06:43:46 am »

Nhờ 6971 nhắc, tôi xin đính chính

"Phán đoán những cuộc tấn công lớn của miền Bắc quanh Tết Mậu Thân..."

thành

"Phán đoán những cuộc tấn công lớn của miền Bắc quanh Tết Nhâm Tý..."

1972 là năm Nhâm Tý.
Logged
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #511 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2012, 07:16:15 am »

Chào hai bác TANVINHprc25 và Tralientay
Thế là các bác lại tiếp tục cùng nhau hành quân về mảnh đất Hà tĩnh quê tôi, để sẵn sàng chiến đấu. Mảnh đất ngàn năm văn vật, nghèo vật chất nhưng giàu tình cảm cách mạng và tình người.
Đọc bài thơ bữa cơm 30 tết của Tralientay làm tôi xúc động quá. Tứ thơ không có gì cao siêu, nhưng lời thơ giản dị mộc mạc rất "lính" lại chứa chan tình cảm đồng đội của những người lính trên đường ra trận. Một cái Tết thật ảm đạm chỉ có cơm với canh rau má nấu bên sườn núi của dãy Hoành Sơn, giữa trời đất giá buốt của chiều 30 Tết, dù không biết tên nhau nhưng anh lính thông tin và anh lính trinh sát đã có một bữa cơm chiều 30 không thịt, không bánh chưng và không rượu, nhưng sao đầy ắp tình đồng đội đến vậy?



Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì anh nhận từ quá khứ bằng đại bác.
Hay lắm bác Đauthanhson và tất cả các bác ạ. Nhưng những kẻ phỉ nhổ lịch sử sẽ bị lịch sử nguyền rủa ngàn đời, những kẻ đó muôn hình vạn trạng, nó hiện diện mọi nơi, mọi lúc, nó cay cú vì không được thỏa mãn cái tự ái cá nhân. Ngày hôm trước còn là đồng chí của ta mà nay chúng đang tâm dẫm đạp lên một quá khứ hào hùng của dân tộc. Đây cũng là một thử thách của lịch sử.
Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Đậu Thanh Sơn
Thành viên
*
Bài viết: 552


1975 - Mãi mãi là người chiến sỹ SĐ Sông Lam


« Trả lời #512 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2012, 08:10:07 am »

Chào bác lexuantuong1972
Đúng rồi đấy bác ah, sư đoàn tôi chính là sư đoàn 341 với mật danh là Đoàn Sông Lam. Đại đội 2 (Tiểu đoàn 1) là đại đội dẫn đầu phong trào "Thi đua quyết thắng" toàn quân năm 1973 đấy. Thanh Sơn đã và đang viết sư đoàn 341 - Sông Lam thân yêu của mình trong loạt bài "Ký ức sư đoàn" tại topic "Từ điểm chốt bắt đầu" nếu rảnh mời bác ghé ngôi nhà đó của Thanh Sơn để đọc nhé. Ngoài ra xin mời các bác đọc bài "Đoàn bb Sông Lam - Biên giới Tây Nam" qua 2 phần của anh Trần Phú và "Nhật ký Nguyễn Văn Thắng"

Hiện nay Thanh Sơn đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Rất tiếc là không ra HN dịp này để dự bữa cơm Tất niên của các bác được. Vừa rồi anh em trong phía Nam cũng tổ chức offline QK7 tại nhà hàng Cây sứ đường Phạm Văn Hai (Phía sau Bảo tàng Quân khu 7), nhưng cũng bận đi đám cưới nên Thanh Sơn không tham dự được, cũng thật là tiếc.

Sắp tới kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Quảng Trị rồi đó. Đây là một lễ hội rất lớn không biết các bác có tham dự được không?
Qua những đoạn hồi ức của TANVINHprc25, Tralientay, của bác lexuantuong1972 và nhiều anh em khác trên diễn đàn đã cho tôi cũng như bao nhiêu người khác biết rõ hơn nhiều hơn về người lính, biết rõ hơn sự trần trụi của chiến tranh, về một giai đoạn lịch sử của đất nước, cám ơn các bác rất nhiều. Tôi chỉ là lớp đàn em đi sau các bác, nhưng được may mắn tham gia chiến dịch mùa xuân năm 1975 và chiến dịch HCM lịch sử.
Chúc các bác khỏe mạnh và có buổi họp mặt Tất niên thật vui vẻ.
Đậu Thanh Sơn F341
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Giêng, 2012, 08:24:00 am gửi bởi Đậu Thanh Sơn » Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #513 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2012, 08:31:05 am »

.
     Bác ĐTS và bác LXT. Lúc đánh vào Nhơn Trạch nagyf 29/4/1975 là trung đoàn 46 của Quân Khu 4 đấy !
Logged

TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #514 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2012, 04:47:16 pm »

Những cái Tết xa nhà  (5)


Hiệp định Paris được kí ngày 27/1/1973. Trên chiến trường Quảng Trị, cuối cùng thì từ gần trưa ngày 31/1/73 mới thực sự ngừng bắn, sau khi ta đánh bật quân địch cố tái chiếm khu vực cảng Cửa Việt từ rạng sáng 27/1 để cắm cờ gianh giới trước giờ ngừng bắn vào 8 giờ sáng ngày 28/1/73.

Không khí hòa bình hân hoan bao trùm khắp chiến trường, từ chiến hào đồng bằng Triệu phong, dọc chiến tuyến sông Thạch Hãn ngược lên các chốt giáp ranh phía Tây. Trời Quảng Trị như mênh mông cao sáng hơn. Lính đã đi lại thong dong, thư thái trên mặt đất. Đã bắt đầu làm nhà, làm lán trại và chuẩn bị Tết. Tết này thật đăc biệt.

Khi vào chiến trường, tiểu đội trinh sát kĩ thuật A12 tách khỏi đội hình C20, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Ban 2 TS Sư đoàn. Giai đoạn đầu lập đài tskt và làm việc tại sườn đỉnh cao 544 thuộc Cam Lộ, đên đầu năm 73 thì chuyển đến Tân Vĩnh bên bờ sông Vĩnh Phước thuộc Triệu Phong là khu vực đóng quân của SĐ bộ. Đài tskt làm tại đỉnh đồi cao nhất trong khu đồi bát úp có đường tăng chạy dưới,  cách Tân Vĩnh khoảng hơn 2 cây số về phía trước. Bắc ống nhòm có thể nhìn khá rõ khu vực thị xã Quảng Trị.


Thủ trưởng Ban 2 Phạm Tài Luyến vâm váp và lúc nào cũng xốc vác, lo toan như một lão nông thực thụ. Ông cử chúng tôi ra Vĩnh Linh mua lợn để ăn Tết.
Tôi và Duyên ngược đường mòn giao liên trên đất Cam Lộ ra sông Bến Hải sang đất Vĩnh Linh. Hai thằng ngược phía Tây vào một bản người Vân Kiều. Chúng tôi tìm nhờ cán bộ bản đưa đi tìm mua lợn. Chúng tôi được đưa vào nhà một cô giáo trong bản. Nhà cô giáo trông gọn ghẽ và tươm tất hơn các nhà khác. Cô giáo còn trẻ, có một đứa con nhỏ. Cô mặc chiếc áo thun cổ rộng bên trong chiếc áo khoác ngoài buông cúc.Cô niềm nở chào cán bộ bản và bộ đội. Cô luôn tươi cười, hàm rằng trắng đều trên khuôn mặt tròn, ngăm đen khỏe mạnh.
Có lẽ chúng tôi gặp may nên rất nhanh chóng mua được con lợn khoảng hơn 20 cân của nhà cô giáo. Con lợn lông dày đen, mõm dài trông khỏe mạnh như lợn rừng.
Trên đường về, hai thằng lúc khiêng lợn, lúc thay nhau gùi, vừa đi vừa nói chuyện về cô giáo Vân Kiều. “ Miềng thích nhìn cô giáo cười “, “ Miềng thích cô giáo mà cô giáo không bán rẻ lợn cho bộ đôi”...Thằng Duyên bắt chước giọng Vân Kiều rất giống, nên rất vui, quãng đường như ngắn lại. Lúc đầu đi còn khó vì lợn kêu và giãy đạp nhưng sau nó mệt và nằm im nên hai thằng đi nhanh hơn. Lúc nào mệt thì nghỉ. Không bom đạn, không  một tiếng máy bay, đi đường sướng thật. Khi về đến đơn vị, chúng tôi bảo nhau làm cho lợn kêu eng éc để gây không khí báo lợn Tết đã về. Các thủ trưởng Ban2 và anh em tiểu đội nhìn thấy lơn, ai cũng hể hả, mặt mày hớn hở như trẻ con thấy mẹ đi chợ về. Chúng tôi ngăn cái hầm vế sinh ở ria đồi gần nhà ở của tiểu đội để nhốt lợn vào đó. Mấy anh em trực đài kĩ thuật khi hết ca về nhà đều lao ngay ra hầm vệ sinh để xem lơn Tết.


Lâu quá rồi, giờ tôi chẳng còn nhớ cụ thể làm thịt lợn và làm các món, rồi ăn uống hả hê trong cái Tết hòa bình ở Quảng Trị ấy như thế nào, chỉ nhớ là rất vui và ấn tượng về chuyến đi mua lợn. Nhớ là có mấy anh em tiểu đội bị say. Say là phải thôi, vì vui, và cũng vì cái thứ rượu trắng dân nấu bán ở Chợ Đông Hà. Không ngon và hay bị nhức đầu. Sau này có người bảo rượu có pha phân đạm để uống đươc “bốc” ? Sáng hôm sau ngủ dậy còn thấy nôn nao và hơi nhức đầu. Anh Vũ, trợ lí Ban, người Thủ Dầu Một đi hái các búp lộc những cây ở ven sông suối về ăn cho dã rượu và cái vị chua chua chát của đám lá cây ấy lại đưa đẩy cơm thịt rất tốt.

Ân tượng về cái Tết 73 là đêm giao thừa. Phút giao thừa, súng nổ khắp nơi, xa gần những tràng AK, cả những tiếng điểm xạ 2 viên nghe sướng tai. Chúng tôi ở khu vực SĐ bộ nên khá nghiêm, không ai dám ho hoe súng đạn gì. Phía trước nơi chiến tuyến giáp ranh cũng vọng về tiếng súng nổ đón giao thừa của lính ta và có lẽ của cả lính bên kía, còn nhìn thấy phía ấy cả vầng sáng của pháo sáng bắn lên trời đón Tết.

Đã quá giao thừa, chúng tôi còn tụ tập miên man chuyện trên trời dưới biển, rồi chuyên nhà, chuyên Tết ở quê chẳng biết đến mấy giờ sáng mới ngủ.

Tết Quảng Trị 73 thật là cái Tết vui của lính nơi đây. Thế là anh em lớp lứa nhập ngũ 71 đã qua cái Tết thứ hai xa nhà. Nhanh quá, chưa được 2 tuổi quân, mới chưa được 1 năm ở chiến trường mà chiến cuộc đã sang một bược ngoặt lớn. Nhớ thương những người bạn, đồng đội đã ngã xuống quanh đây, trong Thành cổ, dưới dòng Thạch Hãn chỉ mấy tháng trước đây trong cuộc chiến phòng thủ cam go khốc liệt, hay ngã xuống ngay trước và sau ngày HĐ París được kí kết. Cho nên có thể nói Tết năm 73 của lính Quảng Trị như thấm đẫm máu & hoa của lính tại chiến trường này trong suốt năm 72 hi sinh gian khổ và hào hùng.


Tết Chiến trường Quảng Trị

Tiếng súng vang ca khúc khải hoàn
Đất trời sáng rực lúc xuân sang
Giao thừa lịch sử - Ơi Quảng Trị
AK ròn rã vui ngỡ ngàng !

Pháo Tết râm ran khắp xóm làng
Quê ta đang rộn đón xuân sang
Giao thừa xa ấy, ngày niên thiếu
Tết nào cũng Tết vẫn mơ màng

Đêm nay giao thừa, ôi rất vui
Quảng Trị bừng lên, lính vui cười
Ta say ngắm trời cao hoa lửa
Hòa bình gọi xuân về nơi nơi

Mùa xuân, nhớ Tết quê hương tôi
Hoa đào, hoa cúc khoe sắc tươi.
Xuân chiến trường vui hoa chiến thắng
Súng thép ơi, hoa lửa giữa trời


Chào anh giải phóng mến yêu ơi
Những đóa hoa xuân của cuộc đời
Xuân chiến công gọi anh phía trước
Khắp quê hương vui rộn tiếng cười

      Tết Quí Sửu 1973

Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #515 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2012, 06:27:35 pm »

Những cái Tết xa nhà  (5)
Ân tượng về cái Tết 73 là đêm giao thừa. Phút giao thừa, súng nổ khắp nơi, xa gần những tràng AK, cả những tiếng điểm xạ 2 viên nghe sướng tai. Chúng tôi ở khu vực SĐ bộ nên khá nghiêm, không ai dám ho hoe súng đạn gì. Phía trước nơi chiến tuyến giáp ranh cũng vọng về tiếng súng nổ đón giao thừa của lính ta và có lẽ của cả lính bên kía, còn nhìn thấy phía ấy cả vầng sáng của pháo sáng bắn lên trời đón Tết.

Đã quá giao thừa, chúng tôi còn tụ tập miên man chuyện trên trời dưới biển, rồi chuyên nhà, chuyên Tết ở quê chẳng biết đến mấy giờ sáng mới ngủ.

Tết Quảng Trị 73 thật là cái Tết vui của lính nơi đây. Thế là anh em lớp lứa nhập ngũ 71 đã qua cái Tết thứ hai xa nhà. Nhanh quá, chưa được 2 tuổi quân, mới chưa được 1 năm ở chiến trường mà chiến cuộc đã sang một bược ngoặt lớn. Nhớ thương những người bạn, đồng đội đã ngã xuống quanh đây, trong Thành cổ, dưới dòng Thạch Hãn chỉ mấy tháng trước đây trong cuộc chiến phòng thủ cam go khốc liệt, hay ngã xuống ngay trước và sau ngày HĐ París được kí kết. Cho nên có thể nói Tết năm 73 của lính Quảng Trị như thấm đẫm máu & hoa của lính tại chiến trường này trong suốt năm 72 hi sinh gian khổ và hào hùng.


     Chuyện của TanVinh làm tôi nhớ quá !
Logged

TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #516 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2012, 07:12:58 pm »

TTNL,6971,TLT ...

Đêm giao thừa năm ấy, chắc ae C20 mình cũng bắn súng đón giao thừa chứ nhỉ ? Nhìn về phía Cam Lộ, thấy súng nổ nhiều nhất, hồi ấy C20 mình vẫn đóng cứ trên đất Cam Lộ, sau này trong năm 73 mới đến Trà Liên Tây bên sông Thạch Hãn, Triệu Phong. Nghe AK điểm xạ 2 viên, bọn tôi bảo chắc của lính C20 mình đây. Vì điểm xạ 2 viên là quan trọng lắm đối với ts đi luồn sâu. Nhớ hồi huấn luyện thêm xạ kích ở Hà Tĩnh A12 chỉ được mấy tay làm được thôi. Hơi bị khó.
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #517 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2012, 10:52:54 pm »

Bác Tanvinh hành quân nhanh thế! Mới thấy ngỡ ngàng, ngơ ngác đầu Xuân Bảy Hai ở Kỳ Lạc, Kỳ Khoai, mà nhoắng cái đã thấy Lòng lợn, tiết canh tết Bảy Ba ở Quảng Trị rồi.

Trinh sát thường phân thành các nhóm nhỏ, lang bạt kỳ hồ. Không biết tết ấy Tralientay và TTNL ở đâu, nhưng c20 thì đang ở Cao Hy, ít lâu sau mới chuyển về Quất Xá. Còn 6971 thì trụ trên đài quan sát ở cao điểm 108. Trên đấy nhìn bao quát suốt Quảng Trị, có khi còn nhìn thấy cả mấy bác A12 đang đuổi lợn ở dưới chân đồi ấy chứ.

Tìm lại đoạn nhật ký Tết Bảy Ba để gửi lên minh họa cho bác Tanvinh, nhưng khổ nỗi đoạn này lại viết bằng mật mã, đã thế lại bằng bút chì nữa. Có lẽ phải nhờ mấy bác TS kỹ thuật A12 ra tay giải mã giúp thôi. Chiến tranh xa thăm thẳm rồi, có gì phải mật mã, bí mật nữa đâu.

« Sửa lần cuối: 13 Tháng Giêng, 2012, 04:03:30 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #518 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2012, 08:44:12 pm »

@TANVINHpcr25: Hôm nay mình đã hành quân gần tới Ngọc Hà Cheesy. Thấy bài báo gửi báo Nhân Dân số Xuân 2012 (đúng hơn là được "đặt hàng") mới in, nên xin gửi anh em đọc chơi. Vì bản chụp mờ, mình gửi nội dung bài báo ở đây.
---

NHỮNG THẾ HỆ ĐI CÙNG ĐẤT NƯỚC

Thử lấy mùa Xuân năm 2012 này làm mốc để nhìn lại từng chặng 20 năm các thế hệ người Việt đang ở quãng tuổi 100, 80, 60, 40 và 20 trong 100 năm vừa qua, 100 năm nhiều máu lửa nhất trong lịch sử dân tộc mấy nghìn năm, để thấy đất nước cần gì họ khi ở tuổi 20 và họ đã gắn đời mình với đất nước ra sao? Các thế hệ sẽ đi cùng nhau thế nào trên con đường tới giàu mạnh trong hàng chục năm tới?

Năm 1972, cách đây đúng 40 năm về trước, là năm của những sự kiện lớn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước: Cuộc chiến ở Quảng Trị và chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, góp phần dẫn đến hiệp định Paris mùa Xuân 1973 và Tổng tiến công mùa Xuân 1975.

40 năm trước ấy tôi tròn 20 tuổi. Những người lính tuổi 20 chúng tôi đi vào chiến trường như một lẽ tự nhiên, lặng lẽ chia tay mẹ, chia tay người thân với “nước mắt chỉ để dành cho ngày gặp mặt” [1]. Máu lửa ở phía trước nhưng không mấy ai chùn lòng. Rất nhiều người đã nằm lại trên những chặng đường giải phóng quê hương. Rất nhiều người trở về sau chiến tranh, mang thương tật, vất vả mưu sinh. Nhiều người trở lại trường xưa sách đèn dang dở. Những binh nhất binh nhì tuổi 20 ngày ấy nay đều đã quanh tuổi 60, tóc đã điểm bạc, bâng khuâng khi “chớp mắt tuổi thơ đã thành dĩ vãng” [2]. 
   
Thế hệ tuổi 100 bây giờ sinh ra vào những năm chàng trai 20 tuổi Nguyễn Tất Thành lên tàu vượt biển đi tìm đường cứu nước. Họ đã lớn lên với những trăn trở về xứ sở đói nghèo và ngoại bang đô hộ, đã bâng khuâng đứng trước những ngả rẽ cuộc đời. Thế hệ này đã chứng kiến và có mặt trong bao gian truân của đất nước, đã đằng đẵng mang 30 năm chiến tranh đi gần nửa cuộc đời. Có những người trong họ khi 20 tuổi đã lập ra những chi bộ cộng sản, dẫn dắt đồng bào lật đổ chế độ phong kiến và đánh Pháp đuổi Nhật để giành độc lập. Đấy là thế hệ làm nên cách mạng Tháng Tám, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…

Thế hệ tuổi 80 bây giờ sinh ra khi Việt Nam chưa có tên trên bản đồ thế giới, và họ có tuổi 20 khi đất nước bắt đầu cuộc chia cắt dằng dặc 20 năm. Những người lính quanh ngọn lửa bập bùng giữa núi đồi Việt Bắc, trên sóng trào nước xoáy Cửu Long hay giữa bạt ngàn rừng già Tây Nguyên, phần lớn là những chàng trai cô gái tuổi 20. Họ là thế hệ của kháng chiến chống Pháp, dù không chỉ 9 năm đánh Pháp mà họ còn bước tiếp vào cuộc chiến tranh chống Mỹ, ròng rã 20 năm. Như xưa phải “bắn Pháp chảy máu” để biết mà đứng lên, khi Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam và đánh phá đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá, họ lại quật khởi tìm “đường chúng ta đi” của đất nước [3]. Và họ đã đi suốt chặng đường vất vả, gian lao ấy cùng đất nước, đi tới ngày đất nước thống nhất, khi đã bước sang nửa bên kia của cuộc đời.

Thế hệ tuổi 60 bây giờ sinh ra và lớn lên trong kháng chiến chống thực dân Pháp với “rau và cải trồng trên đống tro tàn” [4], với mũ rơm đến trường hay hàng rào ấp chiến lược vây quanh suốt tuổi thơ. Họ có tuổi 20 khi khói lửa lan tràn khắp quê hương và cuộc chiến tranh cuốn họ vào như điều không thể khác, dù ở miền Nam hay trên đất Bắc. Họ là thế hệ của chiến tranh chống Mỹ cứu nước, một thế hệ có nửa chiến tranh có nửa hòa bình, có người bên này có người bên kia, có người ra trận có người đèn sách cho ngày xây dựng đất nước.

Thế hệ tuổi 40 bây giờ sinh ra vào những năm quanh 1972, có người khóc tiếng chào đời bên dòng Thạch Hãn trong 81 ngày đêm của cuộc chiến thành cổ Quảng Trị hoặc dưới trời Hà Nội cháy khi B52 Mỹ ném bom tàn phá, rồi lớn lên ngay sau khi đất nước liền một dải với bao gian nan thời hậu chiến. Họ là niềm hy vọng, là chắt chiu của từng gia đình, từng dòng họ khi những mất mát dần nguôi ngoai và một thuở yên lành như đã bắt đầu sau dằng dặc 30 năm những cuộc kháng chiến. Họ cũng tuổi 20 khi hệ thống các nước Đông Âu tan rã, ngỡ ngàng những điều nhìn thấy nghe thấy. Những tài năng của thế hệ tuổi 40 được nuôi dưỡng trong hòa bình như Ngô Bảo Châu góp phần làm nên thế hệ của họ- thế hệ trụ cột của đất nước.

Thế hệ đang tuổi 20 sinh ra quanh năm 1990, lớn lên trong thời đất nước đổi mới, là những chàng trai cô gái thông minh, xinh đẹp, tự tin. Đất nước đã nhiều thay đổi trong 35 năm qua, nhưng con đường tiến lên để xóa nỗi nhục nghìn năm đói nghèo và để thoát khỏi cái “bẫy thu nhập trung bình” vẫn còn rất gian nan. Đâu là con đường chúng ta đi tới giàu mạnh trong hàng chục năm tới? Và ai khác nữa sẽ đi trên con đường này cùng những người đang tuổi 20? Họ là thế hệ của niềm hy vọng về một nước Việt Nam giàu mạnh.

Rồi đây, khi 40 tuổi, khi 60 tuổi, họ có là công dân của một xứ sở dân đã giàu, nước đã mạnh, xã hội đã dân chủ, công bằng và văn minh hay không? Đây không là câu hỏi của riêng họ, mà của mọi thế hệ người Việt.

Người đi trước có thể để lại cho tuổi trẻ sự mạnh mẽ và từng trải, kinh nghiệm đã tích lũy, truyền thống gia đình và dòng họ, ước mong gửi gắm cho đời con cháu, là chỗ dựa tin cậy cho tuổi trẻ về lẽ sống và tư cách… và hơn cả là đường đi đúng để thế hệ sau tiếp bước. Người đi trước cũng có thể để lại cho tuổi 20 một đất nước tài nguyên cạn kiệt, những cánh đồng bạc đất…

Tuổi 20 sẽ thờ ơ với vận nước chỉ lo cho mình, hoặc quết tâm bảo vệ biển, đảo quê hương, đi đến nơi khó khăn làm việc nghĩa, miệt mài học tập và sáng tạo…

Chợt thầm những mong ước khi mùa Xuân tới. Mong các thế hệ người Việt sẽ cùng hướng về tương lai, góp phần dựng nước.  Mong các thế hệ đi trước luôn xứng đáng với tuổi trẻ và thế hệ tuổi 20 sống một cuộc sống có ý nghĩa với đất nước, sẽ làm nên đất nước.

Mong những em bé sinh ra năm 2012 khi 20 tuổi sẽ là công dân của một nước Việt mạnh giàu.

Trích dẫn: [1] “Chúng con chiến đấu”, Nam Hà, 1966; [2] “Yêu”, Nguyễn Duy, 1989; [3] “Đất nước đứng lên”, 1956 và “Đường chúng ta đi”,  Nguyên Ngọc, 1965; [4] “Em lớn lên”, Phan Vân-Xuân Vũ, 1950.
Logged
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #519 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2012, 08:51:36 pm »

@TANVINHpcr25: Hôm nay mình đã hành quân gần tới Ngọc Hà Cheesy. Thấy bài báo gửi báo Nhân Dân số Xuân 2012 (đúng hơn là được "đặt hàng") mới in, nên xin gửi anh em đọc chơi. Vì bản chụp mờ, mình gửi nội dung bài báo ở đây.

Ban nãy quên in nghiêng những cỗ cần thiết. Tôi gửi lại.
---

NHỮNG THẾ HỆ ĐI CÙNG ĐẤT NƯỚC

Thử lấy mùa Xuân năm 2012 này làm mốc để nhìn lại từng chặng 20 năm các thế hệ người Việt đang ở quãng tuổi 100, 80, 60, 40 và 20 trong 100 năm vừa qua, 100 năm nhiều máu lửa nhất trong lịch sử dân tộc mấy nghìn năm, để thấy đất nước cần gì họ khi ở tuổi 20 và họ đã gắn đời mình với đất nước ra sao? Các thế hệ sẽ đi cùng nhau thế nào trên con đường tới giàu mạnh trong hàng chục năm tới?

Năm 1972, cách đây đúng 40 năm về trước, là năm của những sự kiện lớn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước: Cuộc chiến ở Quảng Trị và chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, góp phần dẫn đến hiệp định Paris mùa Xuân 1973 và Tổng tiến công mùa Xuân 1975.

40 năm trước ấy tôi tròn 20 tuổi. Những người lính tuổi 20 chúng tôi đi vào chiến trường như một lẽ tự nhiên, lặng lẽ chia tay mẹ, chia tay người thân với “nước mắt chỉ để dành cho ngày gặp mặt” [1]. Máu lửa ở phía trước nhưng không mấy ai chùn lòng. Rất nhiều người đã nằm lại trên những chặng đường giải phóng quê hương. Rất nhiều người trở về sau chiến tranh, mang thương tật, vất vả mưu sinh. Nhiều người trở lại trường xưa sách đèn dang dở. Những binh nhất binh nhì tuổi 20 ngày ấy nay đều đã quanh tuổi 60, tóc đã điểm bạc, bâng khuâng khi “chớp mắt tuổi thơ đã thành dĩ vãng” [2]. 
   
Thế hệ tuổi 100 bây giờ sinh ra vào những năm chàng trai 20 tuổi Nguyễn Tất Thành lên tàu vượt biển đi tìm đường cứu nước. Họ đã lớn lên với những trăn trở về xứ sở đói nghèo và ngoại bang đô hộ, đã bâng khuâng đứng trước những ngả rẽ cuộc đời. Thế hệ này đã chứng kiến và có mặt trong bao gian truân của đất nước, đã đằng đẵng mang 30 năm chiến tranh đi gần nửa cuộc đời. Có những người trong họ khi 20 tuổi đã lập ra những chi bộ cộng sản, dẫn dắt đồng bào lật đổ chế độ phong kiến và đánh Pháp đuổi Nhật để giành độc lập. Đấy là thế hệ làm nên cách mạng Tháng Tám, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…

Thế hệ tuổi 80 bây giờ sinh ra khi Việt Nam chưa có tên trên bản đồ thế giới, và họ có tuổi 20 khi đất nước bắt đầu cuộc chia cắt dằng dặc 20 năm. Những người lính quanh ngọn lửa bập bùng giữa núi đồi Việt Bắc, trên sóng trào nước xoáy Cửu Long hay giữa bạt ngàn rừng già Tây Nguyên, phần lớn là những chàng trai cô gái tuổi 20. Họ là thế hệ của kháng chiến chống Pháp, dù không chỉ 9 năm đánh Pháp mà họ còn bước tiếp vào cuộc chiến tranh chống Mỹ, ròng rã 20 năm. Như xưa phải “bắn Pháp chảy máu” để biết mà đứng lên, khi Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam và đánh phá đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá, họ lại quật khởi tìm “đường chúng ta đi” của đất nước [3]. Và họ đã đi suốt chặng đường vất vả, gian lao ấy cùng đất nước, đi tới ngày đất nước thống nhất, khi đã bước sang nửa bên kia của cuộc đời.

Thế hệ tuổi 60 bây giờ sinh ra và lớn lên trong kháng chiến chống thực dân Pháp với “rau và cải trồng trên đống tro tàn” [4], với mũ rơm đến trường hay hàng rào ấp chiến lược vây quanh suốt tuổi thơ. Họ có tuổi 20 khi khói lửa lan tràn khắp quê hương và cuộc chiến tranh cuốn họ vào như điều không thể khác, dù ở miền Nam hay trên đất Bắc. Họ là thế hệ của chiến tranh chống Mỹ cứu nước, một thế hệ có nửa chiến tranh có nửa hòa bình, có người bên này có người bên kia, có người ra trận có người đèn sách cho ngày xây dựng đất nước.

Thế hệ tuổi 40 bây giờ sinh ra vào những năm quanh 1972, có người khóc tiếng chào đời bên dòng Thạch Hãn trong 81 ngày đêm của cuộc chiến thành cổ Quảng Trị hoặc dưới trời Hà Nội cháy khi B52 Mỹ ném bom tàn phá, rồi lớn lên ngay sau khi đất nước liền một dải với bao gian nan thời hậu chiến. Họ là niềm hy vọng, là chắt chiu của từng gia đình, từng dòng họ khi những mất mát dần nguôi ngoai và một thuở yên lành như đã bắt đầu sau dằng dặc 30 năm những cuộc kháng chiến. Họ cũng tuổi 20 khi hệ thống các nước Đông Âu tan rã, ngỡ ngàng những điều nhìn thấy nghe thấy. Những tài năng của thế hệ tuổi 40 được nuôi dưỡng trong hòa bình như Ngô Bảo Châu góp phần làm nên thế hệ của họ- thế hệ trụ cột của đất nước.

Thế hệ đang tuổi 20 sinh ra quanh năm 1990, lớn lên trong thời đất nước đổi mới, là những chàng trai cô gái thông minh, xinh đẹp, tự tin. Đất nước đã nhiều thay đổi trong 35 năm qua, nhưng con đường tiến lên để xóa nỗi nhục nghìn năm đói nghèo và để thoát khỏi cái “bẫy thu nhập trung bình” vẫn còn rất gian nan. Đâu là con đường chúng ta đi tới giàu mạnh trong hàng chục năm tới? Và ai khác nữa sẽ đi trên con đường này cùng những người đang tuổi 20? Họ là thế hệ của niềm hy vọng về một nước Việt Nam giàu mạnh.

Rồi đây, khi 40 tuổi, khi 60 tuổi, họ có là công dân của một xứ sở dân đã giàu, nước đã mạnh, xã hội đã dân chủ, công bằng và văn minh hay không? Đây không là câu hỏi của riêng họ, mà của mọi thế hệ người Việt.

Người đi trước có thể để lại cho tuổi trẻ sự mạnh mẽ và từng trải, kinh nghiệm đã tích lũy, truyền thống gia đình và dòng họ, ước mong gửi gắm cho đời con cháu, là chỗ dựa tin cậy cho tuổi trẻ về lẽ sống và tư cách… và hơn cả là đường đi đúng để thế hệ sau tiếp bước. Người đi trước cũng có thể để lại cho tuổi 20 một đất nước tài nguyên cạn kiệt, những cánh đồng bạc đất…

Tuổi 20 sẽ thờ ơ với vận nước chỉ lo cho mình, hoặc quyết tâm bảo vệ biển, đảo quê hương, đi đến nơi khó khăn làm việc nghĩa, miệt mài học tập và sáng tạo…

Chợt thầm những mong ước khi mùa Xuân tới. Mong các thế hệ người Việt sẽ cùng hướng về tương lai, góp phần dựng nước.  Mong các thế hệ đi trước luôn xứng đáng với tuổi trẻ và thế hệ tuổi 20 sống một cuộc sống có ý nghĩa với đất nước, sẽ làm nên đất nước.

Mong những em bé sinh ra năm 2012 khi 20 tuổi sẽ là công dân của một nước Việt mạnh giàu.

Trích dẫn: [1] “Chúng con chiến đấu”, Nam Hà, 1966; [2] “Yêu”, Nguyễn Duy, 1989; [3] “Đất nước đứng lên”, 1956 và “Đường chúng ta đi”,  Nguyên Ngọc, 1965; [4] “Em lớn lên”, Phan Vân-Xuân Vũ, 1950.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM